Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần I - Chương 2

Nhấc bước chân nặng nề lên từng bậc thang cũ kĩ, miếng gạch men đã chuyển thành một màu sắc bẩn thỉu ghê tởm, Thuỳ dằn xuống cơn đau quặn nơi dạ dày do bị cơn đói hành hạ, không bận tâm đến sắc môi dần trở nên tái nhợt.

Dừng lại trước cánh cửa xập xệ nơi tầng ba, đây chính là căn trọ mà một nhà bốn người cô thuê được gần bốn năm. Bỗng nhiên Thuỳ sinh ra sợ hãi, sợ không dám lấy chìa khoá mở cửa. Cũng chính nhờ cơn sợ hãi này mà cô đã nghe được một vài câu cãi vã bên trong.

Thật kỳ lạ, nhà cô luôn thích đốp chát vài câu cho thoả miệng mỗi ngày trước giờ cơm tối, có lẽ công việc kết thúc cuối ngày khiến người ta dễ bực dọc. Bố Thuỳ bực dọc, còn cô thì mệt mỏi. Không cần bước vào cô cũng có thể tưởng tượng được bố đang vừa chuyển kênh ti vi vừa đáp câu được câu không, còn mẹ thì bận bịu dọn cơm, miệng càm ràm mãi về tiền chợ tháng này, em trai thì ngồi trên chiếc ghế ăn nhỏ xin được từ cô ba, không phải đang ngơ ngác xúc cơm thì chính là cười ngu ngơ. Đợi khi cuộc tranh luận lên đến đỉnh điểm, giọng của bố mẹ bất ngờ lớn lên thì em trai sẽ hoảng sợ mà khóc oà.

Đôi khi Thuỳ rất bội phục bố mẹ. Cả một nhà ba người chen chúc trong căn trọ chật chội này vậy mà còn có sức lực để chửi bới, âm lượng to đến mức nhà hàng xóm dưới tầng một nghe còn rõ ràng, tạo thành một bản hoà tấu nghe đến phiền chán. Vì vậy chuyện trong nhà hầu như chẳng còn là bí mật trong xóm.

- Tiền chợ tháng này không đủ đó, ông đưa đây thêm đi. - Giọng mẹ lạnh lùng cất lên.

- Có tháng nào đủ đâu? – Bố không nhịn được châm chọc một câu - Tháng này công ty không có tiền thưởng, bà cứ xài tạm đi. Bớt mua mấy thứ mỹ phẩm linh tinh là được.

- Mỹ phẩm linh tinh? Tôi là mua phấn rôm và sữa cho thằng con trai của ông mới tốn kém thế. Sữa bây giờ hàng nhái thì nhiều, mua hàng chính hãng thì phải đắt thôi chứ sao.

Ông hơi nhíu mày, suy nghĩ một lúc rồi đưa ra giải pháp:

- Hay cắt bớt tiền tiêu vặt của con Thuỳ cũng được.

- Tiền học năm nay may mà cũng không tăng nhiều. - Hình như mẹ nhớ ra gì đó mà bật thốt lên - Con bé này kinh nguyệt không đều, vài ba tháng lại ngưng, khi có lại thì tốn một đống tiền mua băng vệ sinh. Tiền này cũng phải cắt, để dành mua sữa cho em nó còn hơn.

- Mấy thứ đồ của con gái nói cắt sao mà cắt được? – Bố không vui phản bác, mà hình như giọng cũng yếu hơn hẳn, có vẻ xuôi xuôi.

- Thiếu thì mua loại rẻ tiền thôi, hàng xài một lần mà còn đòi xịn làm gì.

- Ừ, thế bà cứ tính đi. Tết này cũng bớt vài khoản bánh kẹo và sắm quần áo mới. Tôi sợ cuối năm thưởng ít, mình còn phải về quê lì xì cho mấy đứa cháu trong họ. À nhớ sắm mấy món chỉnh chu cho thằng Hải, bế nó về quê có khi còn nhận ít tiền từ mấy người lớn, bù qua xớt lại.

- Đúng đúng...

Sau đó là tiếng chén đũa khua khua trong nhà bếp và tiếng thời sự phát ra từ ti vi. Không ngờ có ngày chuyện của Thuỳ có thể khiến bố mẹ ngưng chiến tranh một ngày, không biết nên vui mừng hay là chua xót.

Từ lúc dậy thì đến giờ, trừ lần đầu tiên bỡ ngỡ và lần thứ hai quá mức sợ hãi vì kinh nguyệt đến trễ sáu tháng, Thuỳ đã không còn hoang mang thổ lộ với mẹ về chuyện riêng tư của con gái nữa rồi. Cho tới bây giờ mẹ cũng không biết kinh nguyệt của cô không đều, mỗi tháng tiền tiêu vặt kia, bao gồm cả tiền mua băng vệ sinh cô đều để dành đến khi tới ngày thì mua nhiều một chút. Có lẽ lúc dọn nhà mẹ thấy cô mua một lúc hơi nhiều nên cho rằng cô thừa tiền mua mấy thứ đó, thật ra cũng chẳng thừa bao nhiêu.

Đôi lúc kẹt tiền quá Thuỳ lại mượn đỡ bạn nữ cùng bàn. Đối với họ đây chẳng qua là mười mấy nghìn không đáng giá, nhưng với cô đó lại là khoản tiền bố mẹ phải chắt chiu từng đồng mới có thể sắm cho em trai cái áo mới. Nghĩ đến đây, Thuỳ bất giác thổn thức, nước mắt dâng lên từng đợt, rồi lại bị cô vội vã lấy tay lau đi.

Hình như mẹ không hề quan tâm con mình có nguy cơ mắc phải bệnh phụ sản hay không. Năm nay thành phố bắt đầu cử một số chuyên gia về các trường cấp ba, phổ cập kiến thức sinh lý. Cô giáo nói nữ sinh không thể sử dụng băng vệ sinh kém chất lượng, nếu không rất có thể bị bệnh trong tử cung.

Lúc còn nhỏ, Thuỳ ngây thơ nghĩ có kinh một lần rồi thôi, mấy tháng sau thì âm thầm vui vẻ vì không thấy nó đến, cuối cùng nó vẫn đến, đau đến quặn thắt không khác gì lần đầu tiên. Dần dà lớn lên cô mới biết thì ra cái đó của con gái đến mỗi tháng một lần, còn mình thì lúc ba tháng, lúc bốn tháng, lúc tận nửa năm. Hy vọng rồi lại thất vọng, Thuỳ căm ghét thứ kinh nguyệt của con gái khiến mình tốn kém và phiền phức khi phải xử lý, thậm chí còn mong vĩnh viễn mất đi nó.

Nghe nói phụ nữ mất kinh sẽ không thể sinh con, da dẻ khô héo, còn có thể chết sớm.

Chết sớm thì có gì không tốt, Thuỳ nghĩ.

Cuộc sống trên trường khiến cô dễ thở hơn ở nhà nhiều. Nếu không có mùa hè thì thật tốt biết bao, mùa hè cho dù nóng đến đâu thì ở trường cũng tốt. Hôm nay lớp Thuỳ ồn ào một chuyện là bàn nhau đi cổ vũ cho đội bóng rổ của lớp đi thi đấu. Cá nhân cô chưa từng tham gia những hoạt động này, không hiểu rõ luật, không biết địa điểm diễn ra là ở đâu, cũng không biết thời gian tổ chức. Cũng may bạn cùng bàn là người tương đối nhiều chuyện, luôn miệng nhắc đi nhắc lại bên tai cô.

Lớp phó văn thể mỹ trong lớp là một bạn nữ xinh xắn, xung phong ghi lại danh sách các bạn muốn đi cổ vũ. Tờ danh sách kia rốt cuộc đến chỗ Thuỳ, cô vờ lơ đãng nhìn thoáng qua. Danh sách rất dài, mười bạn có dư. Bạn cùng bàn hí hửng ghi danh, xong không hề đưa cô mà chuyền thẳng xuống bàn dưới. Thuỳ hụt hẫng mím chặt môi, đè cây bút bi trong tay xuống mặt giấy chọc thủng một lỗ.

Cô cũng muốn ghi danh kia mà. Cô cũng muốn nhìn cậu ấy một lần chơi bóng rổ.

Nhưng chắc chẳng có ai hoan nghênh mình.

Sự việc trên cuối cùng cũng không ảnh hưởng đến việc Thuỳ cố gắng đến sân thi đấu ngày hôm đó. Trận đấu vòng loại diễn ra vào sáng chủ nhật, vì không nghe rõ số thứ tự của lớp nên cô không biết bắt đầu sớm hay trễ. Sáng đó cô đặt báo thức dậy thật sớm, mặc chiếc quần jean bạc màu đã ngắn trên mắt cá chân và một chiếc áo sơ mi ca rô trông hơi quê mùa.

Nhìn cô gái đang tuổi ăn học đúng ra phải có dáng vẻ thiếu nữ lại có bờ môi nhợt nhạt, cả người lúc nào cũng thiếu sức sống, sống lưng theo thói quen hơi còng xuống, lại ngại ngùng ưỡn thẳng lên. Đám con gái trong lớp có người đã ngực lớn mông cong, đôi khi dây ngực không đủ lớn nên một phần bờ ngực bị nhô lên, ẩn ẩn sau vải áo sơ mi trắng mỏng tanh trông vô cùng gợi cảm.

Mẹ thường than cô nhìn như cái xác chết trôi, chẳng bù cho cô con gái của hàng xóm tầng hai có tiếng xứng như hoa hậu tương lai, nên mẹ thường bày ra vẻ mặt mất kiên nhẫn. Chớp đôi mắt hai mí lõm xuống vì thiếu dinh dưỡng, Thuỳ lấy cái khẩu trang trên bàn mang vào, miễn cưỡng không nhìn rõ mặt, lúc này mới hài lòng đạp xe đến trường.

Đến trường lúc bảy giờ sáng, miễn cưỡng gặm ổ bánh mì khô quắt ven đường, nghe tin được mười giờ trận đấu của lớp cô mới bắt đầu. Nhìn đội hình bừng bừng khí thế ra sân, Thuỳ bất giác ngước cao đầu, khoé môi giấu sau lớp khẩu trang hơi cong cong.

Cậu ấy điển trai thật. Đồng phục khá vừa người, tôn lên dáng vẻ cao khoẻ rắn chắc vốn có, tố cáo rằng người học sinh này được bố mẹ nuôi dưỡng quá tốt. Đám con gái bên khán đài cổ động cũng sôi nổi hét lên. Thuỳ kích động nhón chân nhưng khổ nỗi không thấy rõ đội hình di chuyển kiểu gì, cuối trận chỉ biết cậu ấy từ đầu đến cuối không úp rổ quả nào nhưng phối hợp đồng đội khá tốt.

Cô thấy cậu ấy cười rực rỡ, thấy cậu ấy phấn khởi đập tay với bạn bè, thấy cậu ấy thoải mái cảm ơn người vừa đưa nước cho mình, thấy cậu ấy khác hẳn dáng vẻ ban đầu mà cô hy vọng.

Có chút lạ lẫm.

Thuỳ xoay lưng trở về nhà.

Tuy cuộc sống có hơi khổ cực nhưng Thuỳ không dám đày đoạ tinh thần mình quá nhiều, muốn tự tìm niềm vui trong cuộc sống. Những năm đó mạng xã hội bắt đầu trở nên nổi tiếng, các bạn trong lớp bắt đầu tìm kiếm người yêu qua phương tiện này, cũng thuận tiện lên chửi bới một trận cho hả dạ, ai bảo trên mạng toàn là tài khoản ảo, gõ mấy câu chửi vu vơ cũng chẳng ăn thịt được ai.

Do cơ duyên đến, Thuỳ tình cờ lập nên một trang blog cá nhân, đến giờ đã có vài trăm fan. Các bạn khác thất tình, hoặc muốn tìm kiếm hy vọng vào cuộc sống thường tìm đến người bạn ảo tâm giao là cô đây để xin một tí an ủi. Tự nhận mình không thấu tình đạt lý cho lắm, không biết an ủi người khác, chỉ đáp trả mấy câu thâm thuý lại làm người khác có động lực rồi nhận được lời cảm ơn rối rít.

Ở cái tuổi này mà, thật ra bọn họ đã tự có chủ trương trong lòng, lại bị bố mẹ gia đình cấm cản nên sinh ra tâm lý phản nghịch, muốn tìm đồng minh ủng hộ mình, tự cho là đúng rồi cứ phấn đấu tiếp tục như lẽ đương nhiên. Cô chỉ làm bàn đạp cho họ tiến lên thôi.

Có người bảo nếu bạn cảm thấy mình bất hạnh thì hãy nhìn những người bất hạnh hơn mình, nếu cảm thấy đã thành công thì hãy nhìn những người thành công hơn mình. Bởi vì lúc ấy tất cả bất hạnh đều sẽ trở nên chẳng là gì, còn tất cả thành công sẽ không khác gì muối bỏ biển, nhỏ bé không đáng kể. Đáng tiếc thay, dù cố gắng lắng nghe bất hạnh hay những nỗi khổ của người khác, Thuỳ vẫn thấy mình bất hạnh như cũ.

Bạn trai cắm sừng, bạn gái chê mình quá mập, thầy chê mình học không tập trung, bố mẹ càm ràm vì không được vào đội tuyển hoá của trường... tất cả những vướng bận trong cuộc sống đó đối với cô lại quá đỗi xa vời.

Cách mỗi vài tháng Thuỳ lại chi tiền ra quán net một lần để lên mạng đăng trạng thái mới và trả lời tin nhắn. Các bạn thường chê cô trả lời tin nhắn quá trễ, chỉ tiếc cô không có thời gian và tiền bạc để đầu tư vào những thứ không sinh lãi này. Mọi người đều biết cô học trường nào, cũng không ngại thổ lộ mục tiêu tán tỉnh của mình với một số đối tượng, trong đó không nghi ngờ là có mấy bạn nữ cổ động ở giải thể thao của trường hôm trước, cũng có mấy bạn nam chơi bóng quá mức hấp dẫn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro