Chương 6: Trở về + chương 7: Khoe tài
🍁Chương 6: Trở về🍁
Sau khi Cơ Tự quay về lều của mình, Tôn Phù chạy đến nhỏ giọng hỏi: "Nữ lang, vị quý nhân kia là lang quân của Trần Quận Tạ thị à?" Lúc y nhắc đến "Trần Quận Tạ thị", giọng nói thoáng run lên, kích động không sao tả xiết.
Thấy vẻ mặt Cơ Tự bình thản, Tôn Phù chỉ tiếc rèn sắt không thành thép: "Nữ lang, người có biết Trần quận Tạ thị là gia tộc thế nào không? Nhớ năm đó các sĩ tộc trong thiên hạ đồng loạt dời xuống phía Nam, lúc bọn họ đến vùng Giang Nam liền bị những sĩ tộc mấy trăm năm nơi đây ghét bỏ và bài xích. Nhưng lúc bấy giờ, con em của Trần Quận Tạ thị và Lang Gia Vương thị xuất hiện với dáng vẻ ung dung quý phái, phong thái bất phàm, bỗng chốc khiến tất cả nam nhân đều khuất phục. Cho dù những kẻ có tài trí hơn người chăng nữa thì cũng tự cảm thấy hổ thẹn vì dáng vẻ thô kệch của bản thân. Cho tới bây giờ, nào còn ai dám bàn tán về con em hai nhà Vương - Tạ nơi phố lớn ngõ nhỏ nữa chứ... Ôi, tại sao tôi lại kể về những chuyện này làm gì nhỉ? Tóm lại là nữ lang à, người phải nhớ rằng sống ở trên đời này, nếu như có thể được lang quân Tạ thị kia khen ngợi một câu thì ngay sáng ngày mai thôi, những người đến cửa cầu hôn nữ lang có thể xếp hàng dài từ đầu đường đến cuối phố đấy. Còn nếu có thể được lang quân Tạ thị coi trọng một chút thì vị trí của gia tộc ta cũng được nâng lên một hai bậc..."
Tôn Phù cố nén kích động, hạ giọng nói: "Nữ lang, có thể được Tạ Lang quay đầu liếc mắt một lần thôi đã là chuyện mà thiếu nữ trên khắp thế gian này dù có nằm mơ cũng không được. Rõ ràng hôm nay vị Tạ Lang kia có ý bênh vực người, sao ngay cả mấy lời khách sáo mà người cũng không nói câu nào, ít ra cũng phải bước đến cám ơn chứ, sao lại quay ngoắt trở về lều như vậy?" Y tiếc đến nỗi muốn giậm chân, "Nữ lang ơi nữ lang, đây chính là phúc phận ngàn năm một thuở của người và gia tộc ta đấy!"
Cơ Tự ngước mắt nhìn về phía Tôn Phù, nói: "Thúc lầm rồi, là ta đang cậy thế người ta mới đúng." Nàng rời mắt đi, cũng không có ý định giải thích tiếp nữa, chỉ quả quyết nói: "Sau này mọi người nên chú ý ăn nói, nhớ phải giữ lễ giống như trước kia." Nói tới đây, Cơ Tự phất tay cho đám Tôn Phù lui xuống.
Một đêm trôi qua, hôm sau vừa rạng sáng đội ngũ đã lên đường.
Nữ lang Ngô thị có mặt mũi sáng sủa, xinh đẹp động lòng người mà mọi người gặp tối hôm qua giờ mắt đã sưng húp, mặt mày hốc hác, trông như gặp phải chuyện uất ức lắm vậy. Nhất là mỗi lần nàng ta nhìn Cơ Tự, ánh mắt như thể có độc. Nhưng dù nàng ta có hận đến đâu thì cũng chỉ dám len lén lườm nguýt Cơ Tự vài lần, thỉnh thoảng người bên cạnh nàng ta thấy được sẽ vội vàng kéo nàng ta lại, khẽ trách mắng vài câu.
Trong tình cảnh ngoài mặt vừa ôn hòa vừa bình lặng thế này, chẳng mấy chốc đã mười mấy ngày qua đi.
Trong vòng mười ngày vừa rồi, dù Cơ Tự có cơ hội đến gần Tạ Lang nhưng cũng không thừa dịp này đến gần chàng. Rõ ràng chàng rất ôn hòa, rõ ràng rất dễ nói chuyện, nhưng lại khiến nàng có cảm giác chàng cao xa không thể nào với tới. Nàng và Tạ Lang tựa như dải ngân hà và khe suối dưới chốn phàm trần, cách nhau bởi cửu trọng thiên cao vời vợi.
Đến ngày thứ mười lăm, trong đội xe rộ lên những tiếng hoan hô. Thành Kinh Châu đã ở ngay trước mắt.
Cơ Tự đang ngủ chập chờn trong chiếc xe lừa dằn xóc, bên ngoài truyền đến giọng nói hưng phấn của Lê Thúc, "Nữ lang mau nhìn xem, tiểu lang đến kìa, tiểu lang đến đón người kìa."
Tiểu đệ ư? Cơ Tự vụt mở to mắt, vội rướn cổ ra nhìn. Quả nhiên ở phía trước chừng ba trăm mét, có ba bóng dáng hai lớn một nhỏ đang đứng đấy, cậu bé nhỏ nhắn ấy không phải là ấu đệ của nàng thì ai?
Nhìn thấy tiểu đệ, Cơ Tự vui sướng tột độ, nàng phấn khích ló đầu ra, giục Lê thúc: "Lê thúc, đi nhanh lên, đi nhanh lên."
Lê thúc vui mừng đáp vâng, quất mạnh vài roi, đánh xe lừa vọt lên trước mấy chiếc xe ngựa.
Khi ấy bóng dáng nho nhỏ kia cũng đã nhìn thấy Cơ Tự. Ngay lập tức cậu vui mừng reo lên, lao thẳng về phía Cơ Tự. Đúng lúc Cơ Tự cũng xuống xe lừa, vội vàng chạy về phía tiểu đệ.
Nàng bước đi khẩn cấp, cúi người ôm chặt lấy tiểu đệ mới bảy tuổi. Thân thể gầy gò ấm áp ấy khiến lòng nàng chợt dâng trào một nỗi xúc động khôn tả.
Vào lúc này, Cơ Đạo giơ tay vuốt ve gương mặt nàng, cất giọng ngô nghê, "Tỷ, tỷ đừng khóc."
Tại sao ta lại khóc nhỉ?
Cơ Tự cuống quýt giơ tay lau mặt, quả nhiên trên mu bàn tay vương vài giọt nước mắt. Nàng cố mở to mắt nén những giọt lệ đang chực tuôn rơi, ngại ngùng cười nói với cậu: "Tỷ đâu có khóc, chẳng qua bị bụi bay vào mắt thôi."
Trong giây phút ôm lấy tiểu đệ, nàng chợt có cảm giác vui sướng mất rồi lại được. Dường như nàng từng mất đi tất cả, nhưng sự mất mát lớn nhất chính là chưa từng che chở cho đứa bé trước mắt này trong quãng thời gian trưởng thành, để cậu phải gánh chịu quá nhiều nỗi đau không đáng phải nhận.
Cơ Tự bình tĩnh lại, liền cảm thấy xấu hổ vì đã thất lễ. Nàng nhanh chóng đứng lên, nắm lấy tay ấu đệ rồi dẫn theo đám nô bộc đi về phía đoàn xe của Tạ thị.
Cơ Tự đứng ngoài xe ngựa của Tạ Lang, khẽ nhún chào với người bên trong rồi cất lời cảm kích: "Cơ Tự đa tạ lang quân đã giúp đỡ trong suốt thời gian vừa qua."
Rèm xe ngựa được vén lên. Khuôn mặt Tạ Lang xuất hiện, ánh mắt chàng liếc qua những giọt lệ còn vương trên đôi mi nàng, cất giọng dịu dàng êm ái, "Nàng họ Cơ à? Có phải là hậu duệ của Hoàng đế không?"
Vừa nghe đối phương nhắc tới tổ tiên nhà mình, Cơ Tự bất giác đứng thẳng lưng, hơi cúp mắt rủ vai, hành lễ đúng chuẩn rồi mới trả lời: "Lang quân thật thông thái."
Tạ Lang gật đầu, giọng chàng trầm thấp mang theo vẻ hòa nhã: "Ta sẽ dừng chân tại Kinh Châu một thời gian, nếu nàng gặp phải chuyện gì khó khăn cứ tới tìm ta."
Chàng vừa dứt lời, màn xe đã buông xuống, che đi tầm mắt của Cơ Tự. Đến mãi khi đoàn xe kia khuất bóng, Cơ Tự vẫn còn ngơ ngác đứng đó.
Thấy thế, Tôn Phù hạ giọng nói: "Nữ lang, tuy lang quân Tạ gia rất tốt, nhưng người đừng nên thích ngài ấy. Với kiểu quý tộc nhà cao cửa rộng này, người chỉ có thể dựa dẫm chứ không thể động lòng được đâu."
Cơ Tự quay lại, mỉm cười với Tôn Phù: "Ta biết mà." Rồi nàng lại quay đầu dõi mắt theo hướng đoàn xe rời đi, thì thầm, "Nhưng mà đã từ lâu lắm rồi ta chưa từng nghe thấy ai nói với ta như vậy."
Đã lâu đến mức nàng tưởng chừng quên mất mình vốn là một nữ tử yếu đuối, cũng muốn được người khác đối xử dịu dàng, quan tâm chăm sóc và chở che...
Trong nháy mắt, nàng lại lắc đầu thật mạnh xua đi ý nghĩ vẩn vơ trong đầu.
Lúc sau nàng lại thầm nhủ: Thảo nào Tạ Lang mang danh phong lưu khắp thiên hạ. Với thân phận cùng tướng mạo và khí chất phong độ ngời ngời như thế mà chàng lại cố ý hạ mình đối xử ân cần với một tiểu cô bình thường. Như vậy làm sao mà những nữ tử trong thiên hạ này gặp phải chàng mà có thể không động lòng cho được?
Trong lúc Cơ Tự nghĩ ngợi, đột nhiên cổng thành phía trước mở rộng, đồng thời vang lên những tiếng reo hò náo nhiệt.
Nhìn đám nữ tử ăn vận lộng lẫy thơm tho túa ra từ cổng thành như cơn hồng thủy ập đến, Tôn Phù hoảng hốt kêu lên: "Thôi rồi, thôi rồi, huy hiệu trên xe ngựa Tạ Lang đều đã được che hết, còn ra lệnh hạ nhân đội đấu lạp nhưng vẫn bị người ta nhận ra."
Dòng người trong thành đổ ra quá kinh hoàng, cùng những tiếng hò hét chói tai, ngay cả đám nô bộc như Tôn Phù cũng kinh ngạc đến bàng hoàng. Cơ Tự thầm bật cười ngẫm nghĩ: Công tử thế gia vọng tộc, quần là áo lượt, anh tuấn phong lưu đang ung dung ngồi trên xe kia đã quá quen với việc này, các người lo lắng dư thừa rồi.
Sau khi đoàn xe của Tạ thị vào thành, nhóm Cơ Tự cũng lên xe lừa đi về phía trang viên nhà mình.
Thời đại này, bất kể là thế gia vọng tộc danh môn quý phái, địa chủ lớn bé hay là tiểu gia tộc hoàn toàn suy tàn như Cơ gia, cách tích cóp tài sản thường thấy nhất là mua đất tậu nhà, cho nên đâu đâu cũng xây dựng đủ mọi trang viên lớn nhỏ.
Tổ phụ Cơ Tự từng làm quan lại ở huyện, và cũng từng là thương nhân nên mua được một phần đất không nhỏ. Một năm trước, phụ thân Cơ Tự đi buôn ở tỉnh khác thì bị thổ phỉ giết chết, tiếp theo mẫu thân của nàng cũng ra đi theo phụ thân, sau đó nữa Cơ Tự đồng ý yêu cầu của mấy thiếp thất để họ rời đi. Bây giờ, trong trang viên nho nhỏ kia, chủ nhân thực sự chỉ còn lại mỗi mình nàng. Bởi vì tuy trên danh nghĩa Cơ Đạo là đệ đệ của nàng nhưng người trong trang viên cũng như người quen đều biết cậu chỉ là một cô nhi do phụ mẫu Cơ Tự đưa về nhà nuôi dưỡng thôi.
Trang viên dù nhỏ nhưng vẫn còn lại chút gia sản, Cơ Tự là người thừa kế duy nhất chẳng những là nữ tử mà tuổi tác cũng chưa lớn, cho nên đến bây giờ đều do gia đình mẹ nuôi nàng giúp đỡ quản lý, còn gã Trang lang Cơ Tự thích kia cũng chính là cháu trai của bà ta.
Trước cửa trang viên đỗ vài chiếc xe bò, từ xa đã thấy đám người Cơ Tự chạy đến, liền chạy lên đón. Rèm xe bò đi đầu được vén lên, người anh nuôi Trịnh Huống của Cơ Tự cười nói: "A Tự, cuối cùng muội cũng về rồi. Thấy muội lâu quá vẫn chưa trở lại, Trang ca ca của muội sốt ruột định xuất phát đi tìm muội kia kìa."
Nói tới đây, Trịnh Huống nhìn về chiếc xe bò phía sau, gọi người thiếu niên tuấn tú đang ngồi bên trong: "Trang Thập Tam, huynh thấy không? Mới chỉ ra ngoài hơn hai tháng thôi mà tiểu A Tự của chúng ta chẳng những đen hơn mà cũng trở nên kiêu căng rồi, đến giờ muội ấy vẫn chưa chịu xuống xe hành lễ với các huynh nữa."
Đằng sau xe của Trịnh Huống là bốn năm thiếu niên nhà giàu ở huyện Kinh bên cạnh thành Kinh Châu, đặc biệt Trang Thập Tam còn là nhân vật số một số hai ở đất huyện Kinh này. Thứ nhất là vì Trang gia là một trong ba nhà phú hộ của huyện, thứ hai là kể từ khi Trang Thập Tam lên sáu đã được gọi là thần đồng, hơn nữa tướng mạo hắn tuấn tú, có thể nói là tình nhân trong mộng của biết bao thiếu nữ ở vùng này.
Một thiếu niên được người người theo đuổi như vậy sau khi vô tình gặp được Cơ Tự vào nửa năm trước liền bắt đầu quan tâm đến nàng, nhiều lần còn thân cận lấy lòng nàng. Trong lòng Cơ Tự trước kia, những hành động của Trang Thập Tam đều chứng tỏ rằng hắn thích nàng.
Ba tháng trước, sau khi Cơ Tự biết Trang Thập Tam có ý định ra ngoài đi học liền muốn tặng hắn một món quà để hắn luôn nhớ đến mình. Ngay lúc đó nàng nhớ tới huyện Thanh Sơn có khoảng trăm mẫu ruộng, nhưng vì cách Kinh Châu quá xa nên khó quản lý và thu tô nên muốn bán đi lấy tiền mua quà tặng Trang Thập Tam, vì thế mới có chuyến đi đến huyện Thanh Sơn lần này.
Tuy nhiên không biết tại sao, thiếu niên khiến Cơ Tự quyến luyến không thôi ba tháng trước, lần gặp lại này nỗi lưu luyến kia bỗng tan thành mây khói. Như thể có một cảm giác chán ghét và bi thương khôn tả đang trào dâng trong lòng nàng.
----------------------o---------------------
🍁Chương 7: Khoe tài🍁
Cơ Tự nhanh chóng rủ mi, nàng cúi đầu thi lễ với mấy thiếu niên, mệt mỏi nói: "Đa tạ các vị đại huynh đã đến đón, A Tự đi đường mệt mỏi rã rời, có thể..."
Không đợi nàng nói xong, thiếu niên Trang Thập Tam đã cất giọng: "Chúng ta đi..." Vừa dứt lời, xe bò của hắn đã dẫn đầu chuyển hướng.
Lê thúc ở bên cạnh lo lắng: "Nữ lang, mấy vị tiểu lang kia không giận thật chứ?"
Cơ Tự thong thả nói: "Hình như có một chút. Sau khi ta vào trang viên, các người hãy phao tin đồn rằng ta bị bệnh, và đi tìm một vu sư đến nhà xem thử."
"Vâng."
Xe lừa chạy vào trang viên nho nhỏ, chỉ có năm người hầu ở lại giữ nhà, họ thấy xe lừa liền vui mừng chạy ra đón. Một tỳ nữ mặt tròn chừng mười lăm, mười sáu tuổi reo vang lao đến: "Nữ lang, nữ lang, cuối cùng người đã về rồi."
Vì tang sự của cha mẹ, Cơ Tự gần như đã tiêu hết một nửa gia sản, lại cho đám thiếp thất kia một phần ba gia sản còn lại để họ ra đi. Hiện giờ tài sản của Cơ phủ còn quá ít ỏi, mấy người hầu kia đều là người đã đi theo cha mẹ nàng nhiều năm, vì thân như người nhà nên nàng mới chọn giữ lại.
Cơ Tự nắm tay đệ đệ nhảy xuống xe lừa, thoáng chốc mọi người đã vây quanh họ. Cơ phủ huyên náo trong tiếng cười nói rộn rã rất lâu.
Chớp mắt một ngày lại trôi qua. Hôm sau khi Cơ Tự vừa rửa mặt xong, Lê thúc đi đến báo với nàng: "Nữ lang, mới vừa rồi tôi thấy nô bộc của Trịnh Huống đứng nói chuyện với Tôn Phù."
Nói chuyện với Tôn Phù ư? Cơ Tự kinh hoảng, vội vàng đứng dậy: "Mau, gọi Tôn Phù đến đây."
Tôn Phù vừa đến, Cơ Tự đã hỏi ngay: "Thúc, thúc đã kể với người ta chuyện chúng ta đã làm ở huyện Thanh Sơn rồi hả?"
Tôn Phù giật mình, ngạc nhiên đáp: "Kể rồi ạ, nữ lang tạo được tiếng vang như vậy, dĩ nhiên phải tuyên truyền rồi."
Cơ Tự ngắt lời y: "Vậy thúc có kể với hắn là chúng ta không hề bán một trăm mẫu ruộng ở huyện Thanh Sơn không?"
Tôn Phù nói: "Dĩ nhiên, đây chính là của hồi môn của nữ lang, ta không thể để những người đó đàm tiếu rằng ngay cả của hồi môn của mình mà nữ lang cũng không giữ được."
Cơ Tự than thầm, nàng xua tay: "Thôi, thôi, đến đâu hay đến đó vậy."
Quả nhiên, buồi chiều hai chưởng quỹ cửa hàng bán gạo của nàng đến tìm, nói rằng lúc họ đến bến tàu lấy hàng, mấy thương nhân hợp tác lâu năm đều bội ước mặc dù đã nhận tiền cọc từ trước. Bọn họ nói rằng Trang phủ tuyên bố với mọi người, sau này không ai được làm ăn với Cơ phủ.
Chắc chắn chuyện này do Trang Thập Tam làm.
Cơ Tự nhất thời vừa đau buồn vừa muốn cười lạnh, nàng nhắm chặt mắt lại. Hai tỳ nữ hầu bên cạnh thấy Cơ Tự im thin thít, liền lo lắng. Một lúc lâu sau, Cơ Tự mới mở mắt ra: "Lấy bộ nam trang màu xanh ngọc kia đến đây, ta đi ra ngoài một chuyến."
Sau khi cha mẹ qua đời, công việc buôn bán trong nhà vẫn phải tiếp tục, vì thế mọi người đã quen với việc Cơ Tự giả trai đi làm việc nên lập tức nghe theo. Dáng lông mày của Cơ Tự khí khái, vừa mặc nam trang vào như lớn thêm vài tuổi, làn da mịn màng căng mọng kết hợp với ngũ quan tinh sảo còn vương nét ngây ngô khiến nàng càng có phong thái quân tử như ngọc.
Vừa ra khỏi trang viên, Lê thúc không đợi Cơ Tự hạ lệnh đã đánh xe đến nơi Trang Thập Tam thường có mặt. Đây không phải là lần đầu tiên Trang Thập Tam nổi giận, bốn tháng trước hắn cũng nổi giận như vậy một lần, mà kể từ sau lần đó, Cơ Tự lại càng si mê kinh cẩn hắn hơn.
Xe lừa chạy trên đường phố huyện Kinh, nghe tiếng đàn thấp thoáng truyền đến từ lầu các hai bên, Cơ Tự khép hờ mắt, nhàn nhã gõ nhịp theo tiết tấu lên càng xe. Nàng không hề phẫn nộ mà còn thư thả thảnh thơi, điều này hoàn toàn trái ngược với tính cách nữ lang ngày thường. Lê thúc sững sờ quay đầu lại nhìn, rất lâu vẫn chưa hoàn hồn lại được.
Đúng lúc này, giọng Cơ Tự vang lên trong xe lừa: "Thúc, dừng đây thôi, ta tự đi."
Lê thúc vội vàng đánh xe lừa chạy vào ngõ hẻm, nói: "Nữ lang, tôi ở nơi này chờ người."
"Ừ."
Cơ Tự sửa sang lại áo bào, rảo bước đến Túy Tiên Lâu cách đó trăm bước. Đây là quán rượu nhất nhì ở huyện Kinh, thuộc sản nghiệp của Trang Thập Tam, và cũng là nơi tụ hội chè chén xưa nay của hắn và đám học sinh kia.
Cơ Tự vừa bước vào Túy Tiên Lâu liền phát hiện nơi đây náo nhiệt khác thường. Chỗ ngồi ở đại sảnh lầu dưới đã kín, mà mấy người khách ai ai cũng ngẩng đầu, nghiêm túc nhìn lên lầu. Nàng đi đến chỗ tiểu nhị, còn chưa kịp cất lời hỏi thăm thì bỗng lầu hai vang lên tiếng cười đắc ý.
"Ta đã nói cái huyện Kinh cỏn con này làm gì có nhân tài." Có người khinh thường nói, "Tấu khúc, các người không cảm được; làm thơ, các ngươi không thông; luận phú thì lại càng không đối được. Nếu không phải biết huyện Kinh này còn có đại danh sĩ Lư Tử Do, bọn ta đã gần như cho rằng cái nơi này không có nổi một mống anh tài nào rồi."
Câu nói này châm biếm cay nghiệt vô cùng, một khi lan truyền ra ngoài sẽ ảnh hưởng đến tất cả kẻ học sĩ ở huyện Kinh. Cơ Tự tò mò thầm nghĩ: Không biết Trang Thập Tam nghe thấy lời này sẽ có cảm giác gì nhỉ?
Nàng bước lên cầu thang. Thời đại này, khoảng cách giàu nghèo vô cùng rõ ràng. Ví dụ như người nghèo phần lớn là xanh xao vàng vọt, răng bị ố đen, còn đám con cháu nhà giàu thì trắng trẻo mịn màng, chỉ nhìn bề ngoài là biết ngay kẻ đó thuộc lớp người nghèo hay người giàu, thứ dân hay quý tộc. Hơn nữa thời này còn thịnh hành thuật bói toán, mà Cơ Tự hiện tại dù ngũ quan chưa sắc nét, cử chỉ còn hơi vụng về, nhưng dung mạo của nàng thật sự rất đẹp, làn da trắng mịn, khí chất cũng bất phàm, gần như là kiểu con cháu thế tộc "đối diện không thấy tai, xin hỏi con nhà ai" (1) điển hình. Cho nên tuy có vô số ánh mắt nhìn nàng chằm chằm ở dưới lầu, nhưng không một ai dị nghị về việc Cơ Tự tự tiện lên lầu cả.
(1) Trong xem tướng, tướng mạo nhìn đối diện nhưng không thấy tai là vô cùng thần bí. Tai người là một đặc điểm xem tướng quan trọng, không những có thể nhìn thấy được sức khỏe của thiếu niên mà còn thấy được phúc khí của người già.
Cơ Tự rón rén đi đến ngã rẽ ở góc lầu hai. Từ hướng này có thể nhìn bao quát bên trong, mà người bên dưới lại không thể trông thấy nàng. Chỉ vừa liếc mắt, nàng đã thấy ngay vẻ mặt xanh mét, hết sức khó coi của đám người Trang Thập Tam và Trịnh Huống.
Còn bên kia là năm sáu người vùng khác đến. Tuổi tác những người này không lớn, phía sau họ là mấy tỳ nữ xinh đẹp ôm những loại nhạc cụ khác nhau. Cũng có vô số học sinh hàn môn ăn mặc theo kiểu nho gia, đếm sơ sơ quả thật là không ít người.
Sau khi mấy người này châm chọc chán chê thì một nữ nhạc kỹ môi mỏng xinh xắn, trang điểm tinh tế, cười duyên đứng dậy. Nàng ta ôm một cây đàn tranh, khẽ nhún chào mọi người, giòn giã nói: "Ta cũng xin nhóm lang quân ở huyện Kinh chỉ giáo một khúc có được không?"
Trong tiếng cười phá lên cùng tiếng vỗ tay rào rạt lẫn tiếng vỗ đùi đen đét, cô nương kia nhẹ nhàng ngồi xuống, bàn tay trắng nõn khẽ gảy, tiếng đàn tranh ngân lên. Có điều nàng ta vừa đàn vài điệu thì một thiếu niên vỗ tay gọi to: "Các vị tài tử huyện Kinh thấy trình độ nhạc kỹ đàn tranh nhà ta thế nào?"
Từ trước đến giờ, Trang Thập Tam và đám thiếu niên huyện Kinh có thể viết mấy bài thơ phú là đã hay lắm rồi, làm sao có thể giống với đám con cháu thế gia, nuôi bầy nhạc kỹ, đắm chìm nghiên cứu thi ca qua năm này tháng nọ chứ? Vì vậy không có ai trả lời được vấn đề đơn giản này.
Trong khoảng thời gian ngắn, chỉ có những kẻ vùng khác kia cười nghiêng ngả và tiếng đàn tranh du dương, còn những người bị bọn họ thách thức thì lại mím chặt môi, mặt mày tái nhợt.
Cơ Tự xem đến đây, ánh mắt lóe sáng. Nàng hắng giọng, rồi đột ngột cất lời với chất giọng trong trẻo pha lẫn chút lạnh lùng của thiếu niên: "Khúc đàn tranh Thanh Sơn Dao này chú ý vào thủ pháp thong thả tao nhã để làm ánh lên cảnh hoàng hôn bao phủ vạn dặm núi xanh... Còn đoạn ngắn nữ nhạc kỹ nhà ngươi gảy chưa đến nửa khắc lại theo đuổi sự tráng lệ nên thêm âm rung hai lần, dạo đàn một lần. Rõ ràng là khúc nhạc tiêu dao tự tại tuyệt vời lại trở thành bản nhạc phù phiếm huyên náo, quả thật là thẹn với Lư công."
Nàng vừa dứt câu, đám người đang cười cợt trên lầu chợt ngẩn ngơ.
Nữ nhạc kỹ đàn tranh kia vụt đỏ mặt, mắt lệ rưng rưng, ấm ức nhìn về phía mấy tiểu lang. Nhưng mấy tiểu lang kia vốn có am hiểu về nhạccụ, chẳng lẽ bọn họ lại không biết những gì đối phương nói đều là sự thật sao?
Đám người đến từ vùng khác kia chết lặng, không khí im ắng, nhóm Trang Thập Tam và Trịnh Huống rốt cuộc thở phào nhẹ nhõm, cất tiếng cười to. Trang Thập Tam đứng lên, hắng giọng cao hứng nói: "Vị hiền tài này đã đến sao không vào tụ họp?" Lúc này tuy hắn cảm thấy giọng nói kia khá quen nhưng dưới sự kích động lại không suy nghĩ nhiều.
Ngoài dự đoán của mọi người, giọng nói trong trẻo lạnh lùng kia cất lên: "Không cần thiết." Rồi lại nói tiếp, "Không phải các người nói huyện Kinh của ta không có nhân tài sao? Tiếp tục nào."
Rõ ràng nàng đang khiêu chiến! Đám người vùng khác nghe thế cười khẩy, một gã trong nhóm liếc mắt ra hiệu với một nho sinh lớn tuổi. Nho sinh kia đứng dậy, gã hiểu ý chủ nhân mình, nghe giọng đã biết thiếu niên không lộ diện kia còn khá trẻ, nếu tuổi còn nhỏ vậy thì tất cả đều dễ dàng giải quyết thôi.
Gã khẽ hắng giọng, vuốt râu dài, chậm rãi nói: "Ta không hiểu biết nhiều về nhạc khí, nếu tiểu lang đã có lời, vậy thì tại hạ xin lĩnh giáo tiểu lang một vấn đề về nho gia, đó là câu 'như dục sắc nhiên' trong Lễ Ký - Tế Nghĩa. Trịnh Công Huyền đã chú thích thế nào, mà Vương Công Túc lại chú thích ra sao?"
Gã nho sinh vừa đặt câu hỏi, đám thiếu niên đều nhìn nhau trân trối. Không bàn đến thời này địa vị nho học đã xuống dốc, học giả ngày càng ít, mà dù cho có nho sinh nổi danh ở đây e rằng cũng không thể đọc hết chú thích của tất cả học giả trong thiên hạ được. Gã nho sinh kia yêu cầu thiếu niên trẻ tuổi đọc ra chú thích của hai nhà đại nho cuối thời Đông Hán là Trịnh Huyền và Vương Túc về Lễ Ký, có thể thấy được gã đang làm khó đây.
Nhưng không ngờ, sau khi gã nho sinh đó hỏi xong, thiếu niên kia lại lần nữa cất tiếng: "Trịnh công chú thích, 'như dục sắc giả, dĩ thời nhân vu sắc hậu giả dĩ dụ chi'. Còn trong Thánh Chứng Luận của Vương Túc thì nói, 'như dục kiến phụ mẫu chi nhan sắc, Trịnh hà đắc tỉ phụ mẫu vu nữ sắc'."
Không một ai ngờ được thiếu niên kia có thể đọc vanh vách chú thích kia, gã nho sinh sửng sốt, còn đám người Trang Thập Tam và Trịnh Huống thì lại cất tiếng cười vui mừng và hoan hô vang dội, đặc biệt Trịnh Huống còn bắt đầu huýt sáo. Bọn họ thật sự quá đắc ý, quá vui sướng rồi, nhất là lúc thấy sắc mặt mấy thiếu niên thế tộc ngông cuồng tự đại trở nên khó coi, niềm vui này lại càng tăng thêm bội phần.
Tiếng cười tạm dừng, thiếu niên ở cầu thang lại cất lời: "Nói đến đàn tranh, đàn sắc và trống, tại hạ cũng mới học được một hai tháng, không biết có thể thỉnh giáo chư quân một chút không?"
Trong giọng điệu châm chọc lạnh lùng, thiếu niên mặc trường bào màu lam, như ngọc như họa chắp hai tay, chậm rãi đi từ thang lầu đến.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro