Hoàn
Quán phở nằm ở góc phố vừa đẩy giá phở lên thành một tệ tám, bà chủ nói giọng Tứ Xuyên bảo: "Phải tăng thôi, hết cách rồi." Đáng nhẽ chỉ có hai mươi phút để ăn cơm, thường thì nhân lúc khách khứa không đông lắm, Dạ Tử sẽ trốn ra ngõ sau, gặm tạm hai chiếc bánh bao. Nhưng bữa nay làm ăn ế ấm, thế là Kiều Khiết kéo Dạ Tử đi ăn phở: "Dù sao cũng không có việc, đi ăn chút gì nóng nóng nhé." Dạ Tử vừa nghe bà chủ trình bày phở lên giá một tệ tám, trong lòng đã lẳng lặng tính nhẩm, bánh bao bốn hào một cái, nếu như mình chỉ ăn bánh bao thôi thì đã tiết kiệm được một tệ tiền mua rau dưa để nấu mì, đủ cho mình và Thiên Thiên ăn một bữa ấy chứ. Bà chủ bưng lên bát phở nóng hôi hổi có chan lớp nước dùng thơm ngậy đỏ quạch, Kiều Khiết tách đôi đũa gỗ dùng một lần xù xì, đoạn hỏi cô: "Sao cô chưa ăn đi?" Dạ Tử húp một ngụm nước dùng, vào một buổi chiều mùa đông lạnh lẽo, vị cay nồng khiến cái ấm lan dần trong bụng. Đương nhiên, nó dễ chịu hơn việc phải núp sau con hẻm có gió lùa, cố nhai miếng bánh bao nguột ngắt.
Lúc ăn xong bát phở rồi về tiệm thì trời đã nhá nhem tối, phố xá lên đèn, bảng hiệu của nhiều cửa hàng trên phố đã được bật sáng. Người đi bộ qua đường ai nấy đều thở hắt ra những làn hơi trắng xóa, Kiều Khiết than lạnh rồi kéo cô cùng chạy bộ, tiếng lọc cọc của giày cao gót khua đều đều xuống nền xi măng khiến sức sống hừng hực của cô ấy có nét tương tự với loài hươu. Dạ Tử chẳng bắt kịp liền bị cô ấy kéo liêu xêu, chân đưa bước thấp bước cao.
Vừa đặt chân qua ngưỡng cửa, cô đã cảm nhận ngay trong hơi ấm điều hòa phả vào mặt có quyện lẫn thứ mùi ẩm ướt, Dạ Tử mau chóng cởi chiếc áo bông, chỉ mặc bên trong bộ đồng phục của cửa tiệm. Đằng ngoài liền có tiếng gọi réo: "Này số 32!" Dạ Tử vội chỉnh đốn lại trang phục rồi bước ra khỏi phòng thay đồ thì vừa lúc người tiếp tân dẫn khách vào. Đó là một vị khách lạ nhưng ăn vận bảnh bao, lại trẻ trung, nom vẻ ngoài thì hình như là nhân viên cấp cao ở mấy công ty quanh phố này, thấy thế Kiều Khiết liền nháy mắt với Dạ Tử. Gần đây có vài tòa nhà văn phòng, mà tiệm này thì luôn mở rộng cửa nghênh đón những vị khách thuộc tầng lớp ấy. Tính họ không hay bắt bẻ, lại thoáng tay, mấy gã làm nhuộm hấp là thích lắm. Một khi đã quen, họ sẽ gọi theo số nên đám thợ gội đầu cũng thấy mến, Dạ Tử nở nụ cười tươi tắn rồi bước đến: "Thưa anh, lối này ạ." Khách ngả lưng xuống giường gội đầu, Dạ Tử đeo khẩu trang, sau đó chỉnh nước ấm, cất tiếng hỏi se sẽ: "Nước vừa chưa ạ?" Đầu óc của vị khách ấy dường như đang thả bay đi đâu mất: "Không nóng." Dạ Tử phục vụ rất cẩn thận, trước tiên làm ướt tóc rồi mới xoa dầu gội, gãi bọt, tráng nước.
Sau đó lại hỏi: "Thưa anh, hôm nay anh có nhuộm hay hấp tóc không ạ?" "Sấy tóc là được." Dạ Tử xoa thêm một lớp dầu xả, tráng nước lần cuối xong, cô liền lấy khăn bông vấn tóc lại cho khách. Có vẻ như đến tận lúc này, vị khách ấy mới liếc nhìn Dạ Tử nhưng Dạ Tử thì lại không để ý là mấy: "Thưa anh, mời anh qua bên này." Cô dẫn khách ra dãy ghế đợi ở bên ngoài, những công việc như sấy cắt nhuộm uốn đều do người khác phụ trách nên bước tiếp theo tự khắc sẽ có thợ cắt tóc lo. Bấy giờ, Kiều Khiết đang bận gội đầu cho một bà khách.
Mái tóc dài thượt mà lại xoăn tít, rất khó gội của bà khách ấy làm Kiều Khiết phải loay hoay một lúc lâu mới xong. Đợi khách đi sấy tóc, Kiều Khiết mới bước đến chỗ cô rồi buông lời ca thán: "Tay nhăn cả rồi này." Dạ Tử cũng chẳng lên tiếng, thì ngày nào chẳng ngâm tay trong nước ấm, dầu gội, dầu xả nên nên giờ đây cả mười đầu ngón tay luôn trong tình trạng nhăn nheo, chỉ muốn lột quách toàn bộ lớp da tay ấy đi thôi.
Tiệm làm ăn ế ẩm thế mà khách khứa cứ lục tục kéo đến suốt, phải tầm mười giờ mới được tan ca. Đợi mãi mà chuyến xe bus số bảy mươi tám không thấy tăm hơi đâu, lòng nóng như lửa đốt buộc Dạ Tử phải nghiến răng móc thêm ra một tệ rồi bắt chuyến xe có điều hòa vừa đỗ xịch ở đó.
Đặt chân xuống xe là tầm mười một giờ, trong lòng Dạ Tử giờ đây đã trở nên bồn chồn, cô tự hỏi không biết tối nay Thiên Thiên đã ăn gì chưa. Trong nhà thậm chí chẳng còn nổi gói bánh quy nào, ý nghĩ ấy thôi thúc bước chân của Dạ Tử càng thêm gấp gáp hơn trong con hẻm tối om om.
Dưới hiên chất đầy ắp đồ đạc của cặp vợ chồng già nhà hàng xóm, đôi chân quen lối khiến Dạ Tử lướt qua chúng mà không hề vấp váp. Ngoài bán khoai lang nướng thì nhà hàng xóm còn lấy nghề mót phế liệu làm kế sinh nhai, nên các thể loại chai lọ thùng núng nia luôn xếp bừa bộn chất ních cả hiên nhà. Trong đống thùng giấy có một đôi mắt sáng long lanh nhìn cô, Dạ Tử định thần một lúc mới phát hiện hóa ra là một con mèo.
Con mèo hoang nhảy vọt xuống thùng giấy trong im hơi lặng tiếng rồi lẩn mất hút vào màn đêm. Dạ Tử mò mẫm tìm chìa khóa. Căn phòng không có lò sưởi nên lạnh lẽo chẳng khác nào ngoài đường. Chăn màn bị xõa tung, bày ngổn ngang trên giường, trong đó có cả chăn ở giường cô. Dạ Tử khẽ vén tấm chăn lên thì thấy trán Thiên Thiên vã mồ hôi đầm đìa nhưng con mắt vẫn mở trừng trừng, nó cất giọng non nớt: "Mẹ ơi, mẹ về rồi." "Sao con lại chùm trăn kín đầu thế này, lạnh à?" Thiên Thiên lí nhí đáp: "Mãi mà mẹ chẳng về, con sợ..." Tim Dạ Tử nhói đau, cô ôm đứa con vào lòng, đoạn hỏi: "Thiên Thiên ăn gì rồi?" "Bà Ngô cho con củ khoai ăn tạm rồi, ngon lắm mẹ ạ" Đôi mắt sáng long lanh của Thiên Thiên nhìn cô trong khi mu bàn tay cáu bẩn của thằng bé đang đưa lên dụi mắt: "Mẹ ơi, con để dành cho mẹ một nửa này." Cô đưa mắt thấy nửa củ khoai bé tẹo đã nguội cứng như đá từ lúc nào chẳng rõ, đang để hẳn hoi trên chiếc bàn đặt cạnh cửa sổ. Cô không tài nào tưởng tượng nổi một đứa trẻ ba tuổi như Thiên Thiên làm sao có thể nuốt trôi miếng khoai cứng đơ ấy, ấy thế mà nó lại không nỡ ăn hết, nhất định phải phần lại cho cô. Càng nghĩ càng rầu càng làm nước mắt chực rơi, lúc ấy cô vội bật dậy đi nấu mì.
Cô nấu nửa nồi mì, rồi mở hũ đặt trên bàn, lấy đũa quệt ít mỡ lợn cho vào chiếc bát của Thiên Thiên, sau trộn đều với mỳ. Trời lạnh cóng, cô lấy giấy báo lót dưới bát mỳ để thằng bé ăn trên giường. "Mẹ ơi, con muốn đi nhà trẻ." Thiên Thiên đang cầm đũa, cái đầu bé xíu rũ xuống đầy rè rặt, nó không dám ngẩng lên nhìn cô: "Ông Trương nói nhà trẻ có lò sưởi, ông ấy còn bảo trẻ con nào cũng phải đi nhà trẻ." Dạ Tử đưa tay vuốt tóc Thiên Thiên, mái tóc tơ mềm mại gom gọn trong lòng bàn tay nhăn nheo của Dạ Tử mang lại thứ cảm giác râm ran, cô dịu giọng bảo: "Đợi mẹ lĩnh lương, rồi sau đó sẽ đưa Thiên Thiên đi nhà trẻ nhé." Lúc đầu cô cũng dành dụm được ít tiền, định bụng cho Thiên Thiên đi nhà trẻ, thế mà sau một lần viêm phổi nằm viện đến hơn nửa tháng của Thiên Thiên, toàn bộ số tiền tích lũy tiêu sạch bách rồi thì thôi không nhắc đến nữa, nhưng bên cạnh đó cô còn phải nhờ chủ tiệm tạm ứng trước năm trăm tệ tiền lương.
Chiếc đầu nhỏ ngẩng phắt lên, trên khuôn mặt nhem nhuốc của thằng bé nở nụ cười tươi roi rói: "Thật hả mẹ." "Bao giờ lĩnh lương xong, mẹ sẽ đưa con đi nhà trẻ, còn đưa Thiên Thiên đi ăn McDonald nữa nhé." Dạ Tử ôm Thiên Thiên vào lòng, nửa dỗ dành con nửa tự an ủi chính mình: "Đợi mẹ lĩnh lương, cũng sắp đến Tết rồi, lúc đó mẹ sẽ mua áo mới cho Thiên Thiên, gói bánh chẻo cho Thiên Thiên ăn." "Gói bánh chẻo ăn ạ!" Ánh mắt Thiên Thiên sáng long lanh: "Bánh chẻo to, có nhiều thịt ạ!" "Ừ, rất nhiều thịt." Dạ Tử gắp thêm mỳ bỏ vào bát cho con: "Ăn mau đi con, ăn no rồi thì đi ngủ nào." Rửa bát xong xuôi cũng là lúc mười đầu ngón tay của Dạ Tử tê tái vì lạnh. Trong khi Thiên Thiên đã rúc vào chăn ngủ thì Dạ Tử lấy bình nước nóng pha thành nước âm ấm, vắt khô chiếc khăn mặt rửa ráy cho Thiên Thiên, thằng bé ngủ rất say không hề trở mình. Chắc là ăn no nên buồn ngủ, dẫu sao nó vẫn là một đứa trẻ. Lúc lau chân cho con, Dạ Tử phát hiện ra ngón út trái của thằng bé có vết nứt nẻ, Dạ Tử khắc khoải nghĩ, lấy được tiền lương rồi, việc trước tiên là phải thuê ngay một căn phòng có lò sưởi, cứ sống thế này thì quả thật không ổn.
Đợi bao giờ lấy được tiền lương.... Việc gì cũng cần tiền trong khi tiền chẳng có là bao. Áo bông của Thiên Thiên cũng chật lắm rồi, năm ngoái có thể lấy len chắp vá thêm vào tay áo, chứ năm nay thì không nhích nổi nữa. Dạ Tử nằm phịch xuống giường một cách mệt mỏi, cô thầm nghĩ giá kiếm ở đâu được vài ngàn tệ thì tốt quá.
Chắc bởi cái lạnh đã mang đến cho Dạ Tử một giấc mơ. Trong mơ cô thấy mình đứng trên ban công, gió tinh mơ của ngày cuối thu thổi làm làn áo ngủ ôm chặt lấy cơ thể, chút gió ấy tựa như đôi bàn tay vô hình, nhỏ nhắn mà lạnh lẽo đang lần mò qua lớp áo, cuốn đi hơi ấm trên thân cô. Có người vòng tay ôm lấy cô từ phía đằng sau, tuy không hề quay lại nhưng cô biết người đó, cô yên tâm cho phép cả cơ thể của mình được vùi vào lòng anh.
Có bóng cò trắng chao đôi cánh rộng lớn qua mặt hồ mù mịt khói sương tinh mơ, gợn lên một chuỗi bọt nước.
Gió thêm lạnh.
Cô vùi mặt vào lồng ngực ấm áp của anh.
Thế rồi đã choàng tỉnh.
Dạ Tử trở mình trong căn phòng tối như bưng, khi ấy sắc trời vẫn nhá nhem, Thiên Thiên vẫn chìm sâu trong giấc ngủ, nó nằm quay gáy về phía cô, trong bóng tối đặc quánh mà Dạ Tử vẫn trông rõ hai xoắn ốc dường như đang được mớ tóc tơ đen láy vòng tay ôm trọn trên đỉnh đầu thằng bé. Trong lòng Dạ Tử liền trỗi dậy cơn xót xa, cô vươn tay kéo chăn đắp cho con.
Ca sáng ngày hôm đó theo thường lệ cứ chín giờ là tiệm mở cửa, sau đó toàn bộ nhân viên trong tiệm ra xếp hàng ở vỉa hè cùng nhau tập thể dục, nói là tập thể dục nhưng thực chất đứng đó múa máy để người qua đường chú ý nhằm quảng bá cho cửa tiệm. Trước cái lạnh thấu xương của gió bấc mùa đông mà lại vào tầm sáng sớm, nếu ngẫu nhiên có người cuốc bộ trên đường thì họ cũng lầm lũi rảo bước, chứ chẳng một ai ngoảnh lại xem.
Qua màn múa máy là đến bài học thuộc nội quy của tiệm, khi Dạ Tử đang máy móc lập lại theo người quản lý từng câu từng chữ thì đột nhiên Kiều Thiết chọc cô, đoạn thì thẩm bảo: "Kìa Dạ Tử, có anh đẹp trai đang nhìn trộm cô kìa." Dạ Tử nghĩ bụng chắc chị ấy nói đùa nên cô cũng kệ, còn Kiều Khiết lại sốt ruột cứ giảo mồm về phía cô, buộc Dạ Tử phải quay sang nhìn thử xem, hóa ra đúng là có người đang nhìn trộm cô thật.
Đó là một người đàn ông khá lịch lãm trong trang phục vest đóng bộ với giày da bóng lưỡng đang đứng trước mũi xe con màu đen, bắt gặp ánh mắt của Dạ Tử, anh ta không hề trốn tránh, thậm chí còn nở nụ cười tươi tắn.
Dạ Tử chợt nhận ra anh ta chính là người khách tối ngày hôm qua tới gội đầu, có điều trong lòng tự hỏi, lẽ nào sớm thế này đã đến gội đầu à?
Thế mà vị khách ấy đến gội đầu thật, anh ta chỉ đích danh Dạ Tử nên Dạ Tử không đành từ chối, bèn lặng thing dẫn anh ta đến bên giường nằm, cẩn thận quấn khăn ở cổ cho anh ta. "Buổi trưa phải đi gặp một vị khách quan trọng, thế nên tôi đến gội đầu." Dạ Tử không lên tiếng bắt chuyện trong khi tay vẫn gãi bọt một cách cẩn thận, xong xuôi liền dẫn anh ta ra chỗ thợ cắt tóc để sấy khô.
Kiều Khiết từ đó cũng để ý nhiều hơn, quả nhiên vị khách ấy cứ cách ngày lại đến một lần, chỉ mấy tuần sau, cả tiệm đã quen với việc người đàn ông này hễ đến tiệm là sẽ chỉ đích danh số ba mươi hai của Dạ Tử. Thực ra chuyện này cũng quá đỗi thường tình, thì bởi bà chủ từng đùa rằng, mấy tiệm làm tóc trong phạm vi mười dặm gần đây, chỉ có Dạ Tử là cô gội đầu xinh đẹp nhất.
Bởi vậy nên Kiều Khiết mới bảo Dạ Từ: "Này, anh chàng kia không phải đã tăm tia cô rồi đấy chứ!" "Ngó chừng người ta cũng thuộc hàng có địa vị ở xã hội, làm gì có chuyện thích con gái làm nghề gội đầu." Dạ Tử bình thản nuốt miếng bánh bao, Kiều Khiết nghe xong liền trợn trừng mắt: "Thợ gội đầu thì sao nào! Chị còn làm ở cái tiệm này là bởi ở đây có cô với chị là hai đứa xinh gái nhất trong cái đám thợ gội đầu, thế nào cũng lấy được một gã giàu có cho mà xem!" Câu chuyện về cô bé Lọ Lem thì ở đâu mà chẳng có, lúc nào chẳng là vị hoàng tử nọ nhặt được chiếc giầy rồi đi khắp nơi tìm nàng công chúa của lòng mình.
Dạ Tử bật cười, thôi không tranh luận với Kiều Khiết nữa.
Ngày hôm đó vẫn tan ca vào lúc mười giờ như bao lần, Dạ Tử lết đôi chân đã mỏi nhừ ra trạm xe bus, đột nhiên có người lao lên từ phía sau, giật phắt chiếc túi trên vai cô rồi vọt mất.
Nó xô Dạ Tử loạng choạng, mất mấy giây sững sờ chưa kịp định thần thì lại có người vượt mặt cô đuổi theo gã cướp nọ, trong sắc đêm mêng mông cô thấy người đó chộp lấy gã cướp, động tác dứt khoát gọn gàng, nhoáng cái đã đạp kẻ cướp nằm vật trên đất rồi giành lại chiếc túi.
Dạ Tử cứ thộn ra, chỉ biết chôn chân một chỗ cho đến khi người đó chìa chiếc túi ngay trước mặt cô, bấy giờ cô mới nhận ra, là vị khách hay đến gội đầu chỗ cô đây mà "Cảm ơn anh." "Trộm cắp vặt thôi!" Tuy anh ta vẫn đang thở hổn hển nhưng ánh mắt thoắt lướt qua cô: "Chị không sao chứ?" Dạ Tử lắc đầu, đoạn lẳng lặng nhận lại túi xách, anh ta nói: "Tôi có xe, hay tôi đưa chị về nhé?" Dạ Tử lại lắc đầu: "Không cần đâu, cảm ơn anh." Anh ta ngoác miệng cười: "Chị Lịch, chị không nhớ tôi sao, tôi họ Cao, hồi trước tôi là tay chân dưới trướng anh Ba." Sắc mặt Dạ Tử đanh lại: "Anh nhận nhầm người rồi, tôi không phải họ Lịch." "Chị Lịch...." Dạ Tử không tranh cãi với anh ta nữa, cô đi thẳng một mạch ra bến xe bus, ngồi trên xe ngó qua lớp cửa kính cửa sổ mà cô vẫn thấy người đó đứng đăm chiêm ngóng theo bóng cô trong gió lạnh.
Dạ Tử chỉ hận không thể bỏ việc, Tết Nguyên đán đang đến gần cũng là thời điểm làm ăn ế ẩm, chỉ sợ không dễ gì tìm được công việc mới ngay. Sau đợt Thiên Thiên bị ốm, tiền tích cóp trong nhà cũng cuốn gói ra đi, thực lòng cô không dám làm liều. Thế rồi cũng đến ngày phát lương, tổng cộng một ngàn bốn trăm tệ nhưng trừ đi năm trăm tệ lần tạm ứng trước thì còn có chín trăm.
Tiền ăn, tiền mua áo bông mới cho Thiên Thiên, tiền tiêm phòng viêm não cho Thiên Thiên, rồi lại còn tiền điện, tiền nước....
Dạ Tử rầu rầu tính nhẩm, với số tiền còn lại e rằng không đủ để tìm một căn phòng khác có lò sưởi, bây giờ ở đâu chủ nhà cũng yêu cầu phải trả trước ba tháng cộng với tiền đặt cọc một tháng, tính sơ sơ cũng phải đến hai ba ngàn tệ, cô đào đâu ra lắm tiền thế.
Thiên Thiên đang lặng lẽ ngồi góc nhà, nghịch miếng bọt hình tam giác mà bà Ngô hàng xóm nhặt về, thằng bé coi nó như đồ chơi của mình, lúc thì làm súng ngắn, lúc lại làm thuyền, chung quy nó vẫn chơi rất hăng say. Nhưng cũng có lúc bầu không khí lại trầm xuống, mỗi lần cô đếm tiền, con trai cô luôn biết ý lánh ra một góc xa xa, dường như nó cũng thấu hiểu nỗi lo của cô.
Đếm đi đếm lại, có đếm nữa cũng chẳng dôi ra được đồng nào. Dạ Tử thở dài não nề, bèn cất tiền vào túi áo trong.
Được đến đâu hay đến đấy vậy, lực bất tòng tâm, thôi thì đành làm con đà điều vùi đầu trong cát.
Buổi sáng hôm ấy, tiệm vừa mở cửa nên khách khứa thưa thớt. Cô và Kiều Khiết rảnh tay ra ghế ngồi nghỉ, Kiều Khiết chợt trỏ ra ngoài cửa sổ, vẻ mặt kinh ngạc bảo: "Mau nhìn kia! Mercedes-Benz dòng S nhé!
Cũng bởi Kiều Khiết luôn ao ước mình sẽ tìm được một người bạn trai lái xe BMW hoặc Mercedes nên cô ấy cũng chỉ nhận ra được có hai dòng xe, một là Mercedes - hai là BMW mà thôi.
Dạ Tử ngó chiếc xe Mercedes đang chầm chầm đỗ lại trước cửa tiệm, thế rồi một cảm giác hoảng sợ bất chợt trỗi dậy trong lòng cô.
Tiếp tân đã lanh lẹ kéo mở cánh cửa kính, khom mình chào, đồng thời nở nụ cười tươi như hoa: "Hoan nghênh quý khách." Người đàn ông mặc bộ đồ đen dẫn đầu cả đám người tiến thẳng vào bên trong, bà chủ đứng quầy thu ngân hình như cũng cảm nhận thấy điều gì đó liền mỉm cười đón tiếp. Người đó nói vài câu là bà chủ đã biến sắc mặt, đoạn quay người sẵng giọng: "Cô Dạ Tử! Qua đây xem nào!" Kiều Khiết nhìn cô bằng ánh mắt quá đỗi kinh ngạc, Dạ Tử đành cười trừ với chị ấy.
Cô không hề quen người đàn ông được phái đến kia, nhưng anh ta vẫn thưa gửi đầy kính cẩn: "Thưa cô Lịch, anh Ba muốn gặp cô." Cô giữ vẻ bình tĩnh, đoạn bảo: "Vậy phiền anh đợi một lát, tôi thay quần áo đã." Lúc cô thay quần áo xong xuôi rồi ra ngoài chợt thấy có hai người đàn ông nom lầm lầm lì lì như hai cây cột điện bằng sắt, đang canh ở cửa phòng thay đồ, chẳng nhẽ họ sợ cô viện cớ thay quần áo để bỏ trốn ư?
Còn đằng nào để trốn nữa đâu?
Khi chính thức đặt chân vào căn phòng làm việc rộng lớn ấy, cô không sao ngăn nổi mình thôi cười mỉa. Cô thư ký trong bộ đồng phục công sở vừa đặt tách trà xuống liền lui ra ngoài, không quên đóng cửa phòng làm việc lại giúp họ.
Bức tranh sơn dầu to đùng có hình rồng đặc trưng của Trung Quốc đang uốn lượn lẩn khuất giữa ngàn mây - được treo choán hết toàn bộ bức tường phía sau bàn làm việc. Cách xa đến thế mà cô vẫn có thể nhìn rõ con ngươi khảm bụi vàng đầy dữ dằn lộ ra giữa hai mí mắt nửa khép nửa mở trên đầu rồng.
Lạc Tuấn Khải đang ngồi sau bàn làm việc bằng gỗ trắc, mắt anh cũng đang lim dim, có vẻ như chẳng buồn ngước lên.
Cô nhớ như in cái lần đầu tiên bị gọi vào văn phòng này nghe chửi một trận, ấm ức dồn nén trong bụng suốt bao lâu. Lạc Ý An ôm cô, bảo: "Thôi nào, đừng so đo với anh trai em nữa mà, ông anh em toàn cố ra oai y như con rồng đang nhe nanh múa vuốt sau lưng ông ấy kia kìa, chứ thực ra làm bộ dọa người ta đó thôi ." Cho đến lần sau, khi Lạc Tuấn Khải lại gọi cô đến văn phòng quở trách, cô cứ vừa nghe rầy la vừa len lén liếc nhìn bức tranh sơn dầu treo trên tường, ngẫm mấy lời Lạc Ý An nói là lại cười thầm trong bụng.
Ngày hôm nay Lạc Tuấn Khải không hề lớn tiếng chửi bới cô.
Liếc sơ qua cũng nhận ra những bức ảnh đang phủ kín bàn làm việc kia toàn là những bức ảnh được chụp trộm, bức gần nhất có hình cô dẫn Thiên Thiên đi chợ, một tay cô đang dắt Thiên Thiên, tay kia xách làn nhựa còn đựng túi đậu phụ. Hôm đó tiết trời rất lạnh, cô lấy khăn quàng cổ của mình quấn quanh mặt con, nên trong bức ảnh nom thằng bé chỉ lộ ra đôi mắt đen lay láy, dễ thương như một bé gái.
Cả một mặt bàn trải đầy ảnh ọt ấy , chính nó đã đẩy trái tim cô rơi tọt xuống một nơi sâu hoắm mà lạnh giá, thế rồi cô chợt hiểu ra điều gì đang đón đầu mình.
Lạc Tuấn Khải mớ mắt, đoạn chỉ xuống sô pha: "Ngồi đi." Chưa bao giờ anh có cử chỉ lịch thiệp đến thế, vậy mà chân cô dán chặt xuống sàn. Lạc Tuấn Khải mở lời: "Mấy năm gần đây hẳn cô đã sống rất vất vả." Cô chỉ nhếch mép mà không hề đáp lại.
Lạc Tuấn Khải nói: "Cô có một thân một mình mà nuôi thằng bé khôn lớn từng này, quả thật không dễ dàng gì. Nếu có điều kiện gì thì cứ việc nêu ra, tiền bạc không thành vấn đề." Cô phải mím thật chặt môi mới ngăn được mình không thốt lên thành tiếng. "Không sao," Có vẻ như Lạc Tuấn Khải rất thoải mái trong vấn đề này: "Cô cứ nói giá đi, tôi sẽ bù đắp đầy đủ cho cô." Cô nhéo mình một cái thật đau điếng, qua một lúc rất lâu mới có đủ bình tĩnh để lên tiếng: "Anh lầm rồi, thằng bé không phải con anh." Lạc Tuấn Khải cưởi khảy một cái rồi quẳng lên bàn một tập hồ sơ y tế, ánh mắt cô vội lướt qua mới biết thì ra là bệnh án của Thiên Thiên từ lần nằm viện trước đó, chẳng hiểu sao nó lại lọt vào tay anh.
Lạc Tuấn Khải nheo mắt: "Vất vả lắm tôi mới đá được cái loại đàn bà cố chấp như cô, là để cô đi sinh con cho thằng khác đấy à?" Ngón tay anh vô tình vuốt nhẹ lên khuôn mặt Thiên Thiên trong bức ảnh: "Nhóm máu, ngày tháng năm sinh đều khớp. Nhưng mà cô yên tâm, cứ đưa thằng bé qua đây, tôi sẽ đi xét nghiện ADN cẩn thận." Chẳng bởi sợ hãi, mà chính cơn phẫn nộ khiến cô run lên bần bật: "Anh đừng có hòng cướp con đi, tôi là mẹ nó." "Còn tôi là bố nó." Lạc Tuấn Khải dửng dưng rút điếu xì-gà: "Thằng bé là cốt nhục nhà họ Lạc chúng tôi, tôi không thể để nó lưu lạc bên ngoài được." "Tôi sẽ không bỏ rơi con mình đâu, mặc xác anh trả bao nhiêu, tôi quyết không bỏ con." Lạc Tuấn Khải bật cười rồi nhả ra làn khói trắng nhàn nhạt: "Này Lịch Dạ, hình như tôi từng nói với cô rồi mà nhỉ, nếu có đứa nào ở đời dám cả gan cản trở tôi, thế nào rồi tôi cũng sẽ phanh phui nó ra, khiến nó chết không toàn thây thì thôi." . "Kể cả có phải chết thì tôi cũng không bao giờ để anh cướp thẳng bé khỏi tay tôi đâu." "Năm mươi vạn thì sao đây, cô cứ cân nhắc đi." "Anh đừng có hy vọng hão huyền." "Ba mươi vạn, nếu như cô không đồng ý thì đừng hòng tôi cho cô dẫu chỉ một xu." Cô phải gồng mình lên mới kiềm chế được bản thân không vớ ngay lấy cái cốc rồi đập vào mặt anh ta: "Thưa anh Lạc, tôi không rao bán con mình, tôi mong anh đừng đến làm phiền cuộc sống của chúng tôi nữa, chỉ vậy thôi." "Rượu mời không uống, lại thích uống rượu phạt à." Anh ta tỏ vẻ dửng dưng, đoạn dụi điếu xì gà vào gạt tàn: "Vậy thì cô cứ đợi mà xem." Trong lòng cô chất đầy nỗi sợ hãi và hoang mang, cô bèn bắt một chiếc taxi phóng về nhà ngay tức thì. Xe chỉ dừng ở đầu ngõ, lúc ấy ruột gan cô rối bời, quýnh quáng đưa tiền cho tài xế taxi, rồi thậm chí còn không cho mình thời gian để nhận tiền thối đã chạy một mạch về nhà.
Hằng ngày mỗi khi đi làm, cô thường nhốt Thiên Thiên trong nhà. Đành chịu vậy thôi, chứ cô cũng chẳng có cách nào khác. Sự lo âu làm càng làm cô thêm hoảng sợ, cô ngỡ mình có ảo giác khi nghe tiếng Thiên Thiên khóc từ tít đầu ngõ, thế nhưng vừa bước vào sân thì càng nghe rõ mồn một tiếng thằng bé khóc lóc khản cổ đòi mẹ. Cô cuống cả lên, móc mãi không sao tìm ra chìa khóa, bà Ngô đang đứng dưới hiên mà sốt hết cả ruột, vừa ngóng thấy bóng cô về đã vỗ đùi đen đét : "Rõ là nghiệp chướng! Giờ này chị mới về à!" Cô mở cửa bước vào thì thấy Thiên Thiên đang ngồi dưới đất bên cạnh những mảnh vỡ bắn tung tóe khắp nền nhà từ chiếc bình nước nóng, một chân của nó bị bỏng đến nỗi sưng tấy chẳng còn nhận ra hình thù gì nữa.
Cô bế phắt con rồi lao như điên đến bệnh viện, lúc vào phòng cấp cứu, bác sĩ vừa rạch ống quần thằng bé vừa quở trách cô, y tá thấy cô đứng cạnh chỉ biết rưng rức khóc, cô ta liền mắng át đi: "Giờ chỉ biết khóc thôi à, chị đi đâu mà lại nhốt thằng bé mới từng này tuổi ở trong nhà thế hả?" Cô nấc lên nghẹn ngào, chẳng biết trả lời ra sao.
Phí cấp cứu mất đứt bốn trăm sáu mươi tệ, lại thêm hai bình truyền dịch chống viêm nhiễm. Bác sĩ kiên quyết bảo phải nằm viện nhưng cô không đủ tiền đặt cọc, bác sĩ thấy hai mẹ con ăn mặc quê mùa, trong lòng chắc cũng nắm rõ phần hoàn cảnh của hai mẹ con họ, về sau đành thở dài: "Thôi, vậy chị cứ bế cháu về đi, mai nhớ đến thay thuốc, tình hình này xem ra còn phải truyền thêm vài bữa kháng sinh nữa. Tuy nhiên, cũng đừng đến mấy phòng khám nhỏ lẻ, ngộ nhỡ bị viêm nhiễm ra đấy thì bên chân này của cháu nó sợ không giữ nổi đâu, chỉ e người làm mẹ như chị sẽ hối hấn cả đời thôi." Cô bồng con ra khỏi bệnh viện, Thiên Thiên khóc tắt tịt cổ họng nãy giờ, nó rúc vào lòng cô thút thít không thành hơi.
Đón cơn gió rét lạnh căm căm mà nước mắt cô cứ mặc sức rơi thành hai hàng.
Thiên Thiên thấy mẹ khóc thì sợ trợn tròn hai con mắt, nó cất giọng khản đục bảo: "Mẹ ơi, mẹ đừng giận con... Con vẫn nhớ lời mẹ dặn là không được đụng vào bình nước sôi, nhưng con lạnh lắm... con chỉ muốn thay túi sưởi thôi... mẹ đừng giận con..." Cô thấy mình mệt lử, bế đứa con gầy xanh xao trên tay mà chẳng thấy nặng là bao. Mỗi lần đi tiêm phòng là bác sĩ ở phường lại nói, thể trọng của thằng bé không đạt tiêu chuẩn, sợ nó bị thiếu canxi hoặc thiếu máu. Cô cũng xoay xở đủ kiểu, thoạt đầu thì mua sữa bột dùng suốt, về sau xảy ra sự cố sữa bột, mà sữa nhập ngoại thì đắt đỏ cô không sao cáng đáng được. Cô nhịn ăn nhịn mặc để lo cho con, nhưng có nhịn kiểu gì đi chăng nữa thì phí sinh hoạt hàng tháng vẫn ở tầm đó, tiền cô kiếm được chẳng bao giờ đủ tiêu. .
Cô bồng thằng bé lên xe bus, có người tốt bụng nhường chỗ cho hai mẹ con, chưa cần cô nhắc mà Thiên Thiên đã cảm ơn rất lễ phép: "Cảm ơn dì ạ." Bà cô xinh đẹp ấy xoa đầu Thiên Thiên: "Thằng bé đáng yêu ghê." Đoạn thấy chân Thiên Thiên quấn bông băng liền trêu: "Sao chân lại ra nông nỗi này." Thiên Thiên gục đầu, không ho he lấy một tiếng.
Bến xe bus về nhà phải cuộc bộ một đoạn khá xá, cô không còn sức để ẵm Thiên Thiên, bèn chuyển sang cõng thằng bé về. Đôi tay nhỏ xíu mềm oặt của con trai quàng qua cổ cô, còn cô thì cứ cắm cúi tiến về phía trước.
Cô đã gặp Lạc Ý An ở ngay đầu hẻm.
Lạc Ý An tự mình lái xe đến, vừa thấy cô liền xuống xe, gọi cô lại: "Dạ Tử ơi." Lịch Dạ quay người, hơi sững sờ nhìn cô. Không gặp đã bốn năm nhưng Lạc Ý An vẫn trẻ trung và thời thượng, hầu như không có gì thay đổi. "Ôi, đây là Thiên Thiên nhỉ." Lạc Ý An nhoẻn cười rạng rỡ: "Bé ngủ rồi à." Có lẽ thằng bé khóc cho đến khi mệt nhoài rồi chẳng biết biết từ lúc nào ngủ thiếp trên lưng cô. Khuôn mặt nó lấm lem nước mắt nước mũi, nước mắt càng làm hai gò má vốn đang nứt nẻ càng thêm đỏ ửng.
Trên xe của Lạc Ý An có lò sưởi, Thiên Thiên đánh một giấc ngon lành trên chiếc ghế da mềm mại, thỉnh thoảng có giật mình một cái, xem chừng nó đã khóc rất lâu.
Lạc Ý An nói: "Tội gì mà chị phải thế, chị thừa biết tính anh trai em rồi đấy, chị mà cứ trái ý anh ấy là thế nào anh em cũng gây sự cho mà xem. Nếu anh ấy muốn thằng bé thì chị cứ giao quách cho anh ấy là xong. Tiền thì anh em chẳng thiếu, chị cứ để anh ấy nuôi thằng bé, chị cũng bớt phải lo nhiều." Lịch Dạ cúi gằm mặt: "Chị không bao giờ để Thiên Thiên xa chị." "Thế chị có nuôi nổi cháu nó không?" Lịch Dạ thừ người, lập lại lời mình một cách máy móc: "Chị sẽ không để Thiên Thiên rời xa chị." "Với công việc làm thuê ở tiệm cắt tóc ấy hả? Một tháng chị kiếm căng đét được bao nhiêu nào? Một ngàn rưỡi? Hay một ngàn bẩy? Giá thuê nhà rẻ nhất ở khu này cũng phải ba bốn trăm, rồi còn chi tiêu ăn mặc nữa chứ, tiền đâu mà đưa cháu nó đi nhà trẻ? Tiền đâu để nuôi nó ăn học? Chị định nuôi nó khôn lớn bằng cách nào? "Chị là mẹ nó, chị không bỏ rơi nó đâu." "Em thật không hiểu trong đầu chị đang nghĩ cái gì nữa!" Lạc Ý An nói: "Rốt cuộc chị đang nghĩ gì? Chị với anh trai em đã đường ai người nấy đi rồi, thế mà còn cố đẻ thằng cu, chị tưởng mình đang đóng phim truyền hình hả? Chị đẻ được đấy nhưng chị có nuôi nổi không? Chị nhìn mình vào lúc này mà xem, nhìn thằng con chị mà xem, nó theo chị chỉ tổ phải tội, nói cho cùng thì trong đầu chị đang nghĩ cái gì?" Lịch Dạ không giải thích lấy một lời, cô chỉ cúi gằm, ánh mắt dán vào lòng bàn tay mình, bấy lâu nay, đôi tay ấy ngâm trong nước nóng nên da dẻ nhăn nheo chỉ chực bong tróc, cứ hết lớp này bong ra, liền có lớp khác trồi lên. Da thịt chỗ ấy đỏ ửng như đôi má của Thiên Thiên, mỗi lần thơm con là lại cảm nhận được sự mềm mại. "Chị suy nghĩ cho thực tế vào? Chị nhìn thằng bé mà xem, nó theo chị thế này thì tương lai của nó biết đi về đâu? Chị có nuôi nổi nó ăn học thành tài hay không? Chị có biết mức bây giờ phí đóng góp cho nhà trẻ là bao nhiêu không?" Lạc Ý An rút một tờ chi phiếu từ trong túi ra: "Anh em đang trút giận lên cả một đám người, đòi sai bọn tay chân đi bắt thằng bé về bằng được thì thôi. Em phải can ngăn, bảo cứ để em đến khuyên chị cái đã. Đây là tiền riêng của em, chứ không phải của anh ấy đâu, chị cầm lấy rồi mai em đến đón cháu." Ánh mắt của Lịch Dạ không hề đậu trên tờ chi phiếu ấy, cô cứ lập đi lập lại: "Chị không cần tiền, mà cũng không bao giờ giao thằng bé cho bọn họ." "Thế tóm lại chị đang tính cái gì? Biết thừa anh em ghét chị rồi mà chị còn cố đẻ thằng bé ra. Chị có biết rằng một khi anh trai em đã nổi cơn lên thì chuyện gì cũng có thể làm không hả? Nếu em không can ngăn, dễ chừng chị bị thằng nào nó bắn chết toi ngay từ tối hôm qua rồi. Hoặc chưa biết chừng bị quẳng lên container rồi bán sang Malaysia rồi cũng nên. Nếu quả thật chị vì đứa bé thì hãy cho cháu nó một được cuộc sống tốt đẹp hơn, phải thế không nào? Nó cứ bám theo chị thì sao ngóc đầu lên được?
Trong lòng Lịch Dạ đau đáu mà không sao khóc nổi thành lời, dường như cô chỉ biết lập đi lập lại có một câu duy nhất: "Chị là mẹ nó, chị không thể giao nó cho người khác được." Cuối cùng Lạc Ý An nổi giận đùng đùng, ném quách tờ chi phiếu lên chỗ vô lăng: "Nói đến thế rồi rốt cuộc chị đã vỡ lẽ chưa hả? Chị làm ơn đừng có tôn mình lên làm Thánh Mẫu nữa. Chị cố chấp đòi nuôi thằng bé thì tương lai của nó lẫn chị sẽ đi về đâu? Chị không cần tiền chứ gì, cũng được thôi, ngày mai, bọn tay chân của anh em đến thể nào cũng lôi thằng bé đi bằng được, rồi thì đừng bao giờ nói đến việc cho chị một xu. Bản thân chị thích thế nào thì sẽ được thế ấy, nhưng chị làm ơn đừng có làm tình làm tội thằng bé nữa, vừa nãy em đứng đợi ở đây có nghe hàng xóm kể chuyện, chị ra ngoài nhốt con trong phòng, khiến nó bị bỏng. Giả sử một ngày nào đó xảy ra hỏa hoạn thì phải làm sao? Nói gở nhỡ đứa bé bị thiêu sống trong nhà thì sao? Em biết chị là mẹ nó, đã là mẹ thì chị nên dành cho con mình một cuộc sống tốt đẹp hơn chứ..." Tiếng của Lạc Ý An cũng to dần theo sự kịch động, Thiên Thiên nằm ở ghế sau chợt giật mình tỉnh giấc, nó mở choàng mắt, hoang mang tìm mẹ: "Mẹ ơi..." Cô chẳng nói chẳng giằng, mở cửa sau, bế phắt con dậy rồi bỏ đi.
Lạc Ý An bực mình cũng lao xuống, cô đóng sầm cửa xe, đoạn gào toáng lên với bóng lưng của Dạ Tử: "Em mặc kệ không thèm quan tâm nữa đâu đấy! Chị cứ đợi anh trai em đến cho chị một trận đi." -- Mới tinh mơ Dạ Tử đã mò dậy, ra hiên nhóm lò, nhưng ngay sau đó đã bị sặc khói ho sù sụ. Đã ba năm rồi mà tay chân cô vẫn lóng nga lóng ngóng khi đụng vào bếp núc, xem chừng có những việc mãi mãi cô chẳng bao giờ học được.
Về sau, cô đành xin bà Ngô ít than hồng bỏ vào lò để đun siêu nước.
Bao giờ Thiên Thiên dậy, cô pha một chậu nước âm ấm thật lớn, vắt cái khăn mặt để rửa ráy cho con.
Trời thì rét căm căm, mà trong phòng lại không có lò sưởi, bản thân cô cũng không dám tắm, chứ đừng nói tới việc tắm táp cho Thiên Thiên, huống hồ bây giờ chân thằng bé đang băng bó thế này. Thiên Thiên nằm trong chăn, được mẹ lau mặt bằng chiếc khăn ấm ơi là ấm, nó thấy dễ chịu lắm liền cười tít cả mắt.
Thằng bé bị thiếu canxi nên răng mọc lưa thưa, nom chẳng được nét nào của nhà họ Lạc. Trong khi đó, người nhà họ ai nầy đều có một bộ răng trắng sáng đều tăm tắp, cứ nhìn Lạc Ý An và Lạc Tuấn Khải thì biết. Được cái mái tóc là giống y xì đúc, sống với cô, thằng bé thỉnh thoảng mới được bữa canh sườn gọi là, chứ làm gì có món gì ra hồn. Vậy mà nó vẫn có một mái tóc dày rậm, trên đỉnh đầu còn hiện rõ hai xoáy y chang Lạc Tuấn Khải.
Anh quen nằm quay lưng về phía cô, lắm lúc choàng tỉnh giữa đêm, hai xoáy tròn hiện ra rõ rệt trên mái đầu húi cua của anh thể nào cũng lọt ngay vào mắt cô.
Nhiều khi cô muốn chìa tay rờ thử vào nó nhưng lại không dám, chỉ bởi anh rất ghét có người chạm vào mình, nhất là cô.
Đôi lần anh dành cho cô những cái ôm, nhưng những lần như thế thật hiếm hoi, theo trí nhớ của cô thì chỉ có hai lần mà thôi. Lần đầu tiên, anh ôm cô trên ban công khi ngà ngà say, khi ấy, vòng tay của anh đầy ấm áp làm cô nhớ mãi không quên.
Có lúc, anh hứng chí nhấc bổng cô lên rồi thả xuống giường, nụ cười của anh lúc ấy hệt như một đứa trẻ. Họa hoằn lắm cô mới thấy anh cười với mình, nên cô cứ nhớ mãi, nhớ mãi, mỗi lần nhớ là mỗi lần bâng khuâng ngẩn ngơ, tưởng như điều đó chưa từng xảy ra hoặc có thể do mình nhầm lẫn.
Cô mặc quần áo cho Thiên Thiên rồi ngồi xuống đếm tiền. Thằng bé con ngồi trên giường nhìn cô đầy e dè, với hơn hai trăm tệ còn lại này thì cô phải tích cực dè sẻn mới được.
Cô ẵm Thiên Thiên ra ngoài, trước tiên là đáp xe bus đến khu bách hóa tổng hợp, cô lấn cấn chọn lựa hồi lâu mới tìm được một chiếc áo bông cỡ trẻ con, sau khi giảm giá bảy mươi phân trăm thì vừa vặn hai trăm tệ. Từ ngày có Thiên Thiên, cô chưa từng mua cái áo nào lại đắt đến vậy, kể cả là sắm sửa cho con.
Thiên Thiên diện chiếc áo mới nom đầu thì to đùng mà thân thì gầy hóp lại, dài lêu nghêu như một cọng giá đỗ.
Sau đấy, cô dẫn thằng bé xuống cửa hàng McDonald ở dưới lầu, mua cho con trai một suất ăn dành cho trẻ em, bên cạnh đó còn được tặng kèm đồ chơi.
Lần đầu tiên Thiên Thiên được vào McDonald và cũng là lần đầu tiên nó được sở hữu một món đồ chơi đích thực, ánh mắt nó hấp háy niềm vui: "Mẹ, những cái này đều là của con cả ạ?" Cô cẩn thận lột miếng bọc giấy ở hamburger cho con: "Cứ từ từ mà ăn, đều là của con cả mà." Thiên Thiên mừng lắm, nó ngoạm một miếng thật to, thế rồi reo lên đầy hứng khởi như thể vừa phát hiện ra một điều gì đó vô cùng mới lạ: "Mẹ ơi, có thịt đó! Thịt nạc đó mẹ ơi!" Giá một cân thịt bò cũng phải ngót nghét sáu mươi tệ nên cô xót tiền không dám mua. Câu nói ấy của con trai làm cô ứa giọt nước mắt, thằng bé lớn bằng từng này mà giờ mới được ăn thịt bò. Nó chìa miếng bánh hamburger ra trước mặt cô: "Mẹ ăn đi này mẹ ơi!" Cô bảo: "Mẹ không đói, con ăn đi." Thiên Thiên vẫn khăng khăng, cô đành chiều con rồi cắn một miếng làm thằng bé phấn khởi quá đỗi, nó vừa mân mê món đồ chơi vừa cầm hamburger.
Cô cho con uống cốc nước hoa quả mát lạnh rôi từ tốn bảo: "Thiên Thiên à, chốc nữa mẹ sẽ đưa con đi nhà trẻ nhé?" "Mẹ lĩnh lương rồi ạ?" "Ừ." "Hay quá! Nhà trẻ có nhiều bạn lắm phải không ạ?" "Ừ." "Có phải cô giáo ở nhà trẻ sẽ dạy con hát phải không ạ?" "Ừ." "Có phải nhà trẻ có lò sưởi phải không ạ?" "Ừ." "Mẹ ơi sao mẹ cứ ừ mãi thế nhỉ!" Cô cười trừ rồi sửa sang lại cổ áo cho con: "Lúc đó Thiên Thiên phải ngoan nhé, không được làm cô giáo bực mình đâu đấy." "Đi nhà trẻ rồi con về nhà bằng cách nào?" "Tối mẹ sẽ đến đón con mà." "Buổi tối con sẽ ăn cơm ở đó ạ?" "Phải ăn cơm ở đó chứ, mà con phải ngoan nhé, mẹ tan làm về sẽ đến đón con." Nhân lúc con trai đang mải ăn, cô nhờ phục vụ trông chừng thằng bé rồi hối hả chạy ra ngoài tìm bốt điện thoại công cộng. Ở nơi xa, cô nhìn thấy Thiên Thiên qua lớp cửa kính, nó ngồi ngay ngắn ở chỗ cũ, không biết chị phục vụ ở McDonald hát gì đó mà thằng bé vừa ngỏng tai nghe vừa vỗ tay thích thú. Cái cảm giác nghẹn ngào gần như dâng lên đến nghẹt thở: "Em đến đón cháu đi, chị nghĩ kỹ rồi." Lạc Ý An liền thở phào: "Phải vậy chứ, âu cũng là vì cháu nó cả, chị cũng đừng dồn mình vào chỗ bí nữa." Lịch Dạ quay về với đôi khóe mắt hoen đỏ, Thiên Thiên tinh ý nhìn ra ngay: "Sao mẹ lại khóc rồi mẹ ơi? Chân con không đau nữa đâu, con nói thật đó." Lịch Dạ cười gượng với con trai: "Mẹ có khóc đâu mà." Thiên Thiên giương đôi mắt ngây thơ nhìn mẹ mình: "Hay do mẹ không có đủ tiền ạ? Thế thì con không đi nhà trẻ nữa đâu, con đợi mẹ lĩnh lương cơ." "Bé ngốc này." Lịch Dạ cười: "Mẹ đã bảo các cô bên nhà trẻ rồi, mẹ vừa lĩnh lương nên có tiền đây mà." Lần này Lạc Ý An đến cùng với tài xế và dẫn theo cả một cô bảo mẫu, cô ấy bảo: "Nhìn ông anh nhà em thô lỗ cộc cằn thế chứ cũng thuê cả bảo mẫu đây này, chị cứ yên tâm." Lịch Dạ vẫn cúi gằm mặt, không hề ngó ngàng đến người bảo mẫu kia, cô chỉ bảo: "Chân thằng bé bị bỏng, hôm qua bác sĩ nói phải nằm viện điều trị nhưng chị không có tiền nên đành thôi, em giúp chị đưa thằng bé đến bệnh viện để khám hẳn hoi hơn nhé." "Em biết rồi." "Thiên Thiên sợ bóng tối, nếu buổi tối nó có ngủ một mình thì phải bật đèn ngủ. Em đừng dọa cháu nó, nó nhát lắm." "Vâng ạ." "Thằng bé thích ăn thịt nạc, lại hay bị viêm họng, nếu nó bảo đau họng thì em cứ ninh ít canh xương, bằng không sợ nó không ăn được cơm." "Vâng ạ." "Nếu cháu nó khóc thì em cứ dỗ nó, bảo chị đi làm về sẽ đến đón." "Em biết mà." "Lúc đầu chị muốn mua bộ quần áo mới cho cháu nó nhưng không đủ tiền. Chiếc áo bông khoác ngoài này là đồ vừa mới mua, em cứ để nó mặc vài ngày, đừng vội vất đi." "Được ạ." Lịch Dạ ngẩng đầu, ánh mắt cô dường như trĩu sâu: "Ý An ạ, trước đây em từng giúp đỡ chị nhiều như thế mà chị lại chẳng báo đáp được em cái gì. Chị nợ em quá nhiều nhưng riêng lần này thì chị không hề ngại. Phiền em nói với anh Lạc rằng, anh ấy có thể trách chị nhưng đừng trút giận lên đầu thằng bé. Đừng vì chị mà ghét bỏ đứa con này. Bản thân thằng bé từ nay về sau sẽ thiếu thốn tình thương của mẹ, mọi việc chỉ mong anh ấy mở lòng khoan dung hơn." "Sao chị lại nói thế?" Lạc Ý An quở trách: "Làm gì có chuyện anh em đối xử tệ bạc với cháu nó? Chị cứ yên tâm đi." Lịch Dạ dằn lòng, cô xoay người bế Thiên Thiên rồi trao con cho Lạc Ý An ôm: "Con theo các cô đến nhà trẻ nhé, chốc nữa mẹ sẽ đến đón con." Thiên Thiện nở vội một nụ cười với Lạc Ý An rồi lại lo lắng dõi mắt theo Lịch Dạ: "Mẹ ơi, mẹ đi làm về rồi đến đón con mẹ nhé?" "Mẹ đi làm về rồi sẽ đến ngay." Cửa kính xe ô tô từ từ kéo lên, khuôn mặt Thiên Thiên dán lên ô cửa, nó nhệch miệng gào khóc như thể đã hiểu ra điều gì. Cánh cửa kính đóng kín mít không để lọt bất kỳ một âm thành nào ra ngoài. Lịch Dạ lặng người đứng ở đó, nhìn con mình đang gào khóc trong xe. Bàn tay nhỏ xíu yếu ớt của đứa trẻ đang vỗ lên cửa kính, dường như thằng bé đang đấu tranh trong tuyệt vọng. "Thiên Thiên à, đừng sợ, bao giờ mẹ tan ca sẽ đến đón con ngay." Cô đứng đó thi thào, giống như nói cho con nghe, mà cũng như nói với cả bản thân mình. "Thiên Thiên đừng sợ, mẹ ngày nào cũng sẽ nhớ con...." Chiếc xe đã khuất bóng từ lâu, lúc ấy cô mới bải hoải khụy xuống ven đường, thế rồi nức nở bật khóc thành tiếng. --- Lạc Ý An vừa chập chờn chợp mắt chưa được bao lâu thì đột nhiên thấy tiếng rầm rầm như thể có người đang cật lực nện vào cánh cửa, thoáng đó cô đã choàng tỉnh, đúng lúc đang định cáu um lên thì có người giúp việc cất tiếng se sẽ gọi cô qua cánh cửa: "Cô Lạc ơi!" Thiên Thiên lăn lóc rồi khóc ngằn ngặt đòi mẹ suốt nửa đêm, cô và bảo mẫu phải luân phiên ẵm nó nhưng có dỗ thế nào cũng không xong, về sau nó khóc mệt lử người rồi cũng lăn ra ngủ. Cô ngồi bên đó trông chừng thêm nửa tiếng đống hồ nữa, thấy thằng bé ngủ say rồi mới yên tâm trở về phòng, vừa sải lưng chưa được bao lâu, ấy thế mà người giúp việc đã lại hò.
Lạc Ý An vùng vằng bật dậy, vác bộ mặt đờ đẫn ra mở cửa: "Đứa bé lại sao rồi?" Người giúp việc e dè thưa: "Không phải cậu nhỏ đâu ạ.... mà là cậu Lạc vừa về..." "Về thì làm sao, bữa nào anh ấy mà chẳng nửa đêm nửa hôm mới mò về." Lạc Ý An ngáp dài: "Hơi đâu mà bận tâm." Đúng lúc này, một tiếng "bang" cực mạnh dội từ trên lầu xuống, đi liền ngay sau đó là một tiếng "rầm" như thể có thứ gì nặng trịch vừa đổ ập xuống sàn nhà. Lạc Ý An giật thót mình, lúc này mới sực nhớ ra phòng thằng bé cũng ở trên lầu, vừa nãy chẳng biết có làm nó thức giấc không nữa, nó mà thức giấc bây giờ thì lại phải dỗ dành trong khi mình đã oải lắm rồi.
Cô nổi giận đùng đùng lao ngay lên lầu thì gặp Bính ở hành lanh, hắn lắp ba lắp bắp báo cáo với cô: "Anh Ba uống say khướt rồi." Lạc Ý An ngớ ra: "Anh ấy cai rượu lâu rồi cơ mà?" Sắc mặt Bính càng trở nên lúng túng hơn: "Hôm nay có mấy vị đại ca tổ chức tiệc tùng để chúc mừng anh Ba có con trai, thế nên mới uống say ra nông nỗi này." Lạc Ý An cũng chẳng buốn tức giận thêm nữa, đoạn hỏi: "Thế anh ấy đâu?" A Bính chỉ vào căn phòng tít đằng xa, Lạc Ý An ngó thấy lối cửa ra vào ở căn phòng ngủ dành cho khách phía đằng ấy trống hơ trống hoác, thì ra cánh cửa đã bị đạp trật bản lề bị vẹo sang một bên. Đèn đóm trong phòng bật sáng trưng, còn Lạc Tuấn Khải nồng nặc mùi rượu đang nằm ngủ vắt vẻo ngang giường.
Nhìn cánh cửa bị đạp bung ấy cùng ổ khóa đang lung lay chực rơi, Lạc Ý An đành thở dài ngao ngán: "Thôi, để anh ấy ngủ ở đây vậy." Lạc Tuấn Khải đánh luôn một giấc dài tới tận sáng ngày hôm sau. Khi tỉnh dậy, hắn thấy đầu mình đau như búa bổ, còn tay chân thì mỏi nhừ, hắn sực nhận ra mình vẫn mặc nguyên xi bộ vest lẫn giầy da rồi cứ thế lăn ra ngủ suốt cả đêm. Thì ra bây giờ đã không giống như trước kia nữa, ngày xưa có cuộn tròn trong ống xi măng thì hắn vẫn làm được một giấc ngon lành.
Căn phòng không buồng rèm cửa khiến nắng dội thẳng vào mặt hắn càng thêm phần bức bối. Hắn đưa tay day day hai bên thái dương rồi vật lộn nhỏm người dậy.
Có lẽ chính ánh nắng chói chang đã mang lại cho hắn thứ cảm giác ngẩn ngơ như thể không hiểu mình đang ở chốn nào.
Dưới sức nặng của hắn, ga giường trở nên rúm ró, còn chiếc gối dưới đầu bị xô xiêu vẹo, giờ đây đang nhô ra khỏi giường quá nửa. Chiếc gối gấm màu đỏ có thêu hoa văn là một đôi chim uyên ương bằng chỉ vàng ấy xem chừng rất tầm thường. Ngày xưa, đáng nhẽ chiếc gối mà Lịch Dạ mang theo làm của hồi môn này có đôi có cặp của nó. Bởi theo tập tục của địa phương thì lúc kết hôn, đồ dùng trên giường đều là do chính dâu cô dâu chuẩn bị.
Hắn nhớ như in sắc mặt tái xanh tái mét của cô vào ngày hôm đó, nhưng lúc ấy, ánh mắt kia không hề lướt qua ả đàn bà mà hắn đang ôm ấp trong vòng tay, mà ánh mắt ngây ngô ấy chỉ dừng ở hắn như thể hai người bọn họ hoàn toàn xa lạ, trong khi cô vẫn đứng chôn chân bên cạnh cánh cửa bằng gỗ được chạm trổ tinh xảo của phòng ngủ.
Giọng cô lí nhí như thể chờ mong mà cũng phảng phất nỗi tuyệt vọng: "Lần sau anh đừng làm chuyện này ở nhà." Hắn cười khảy: "Nhà ông ở đây, cô không thích thì biến." Cô mím chặt môi, đôi chân vẫn bất động chừng một hai giây rồi quay người, từ từ bước đến bên giường, rút chiếc gối hằng ngày cô vẫn nằm.
Lúc này thì hắn đã hiểu, hắn nhanh tay nhấc luôn chiếc còn lại rồi ném phăng nó ra ngoài ban công.
Cô vẫn giữ chặt chiếc gối ấy của mình, nhưng bấy giờ cô đứng đần mặt một chỗ, trong khi chiếc gối bằng gấm đỏ có thêu hoa văn đôi uyên ương dù tầm thường nhưng mang ý nghĩa đại hỷ ấy - càng tô điểm lên sắc mặt trắng tái của cô. Hắn tưởng cô sẽ lại khóc, mà một khi cô dám khóc thì hắn sẽ buông ra không sót một từ ngữ nào tồi tệ nhất trên đời này để rủa sả cho hả dạ thì thôi. Song cô chỉ cúi gằm mặt chứ không hề khóc, về sau thì biết thân biết phận sang phòng ngủ dành cho khách.
Cô nhốt mình trong căn phòng im ăng ấy - như một bóng ma lặng lẽ cho đến khi hai người họ ly hôn.
Sau khi họ ly hôn, gian phòng ấy bị khóa trái lại nên không ai dám mò vào mà người ở nhà này đều ngầm hiểu rằng: hắn ghét căn phòng cô từng ở, hắn ghét những đồ cô từng đụng vào, hắn ghét cay ghét đắng chúng.
Kể từ lúc ly hôn, chính bản thân hắn cũng không hề đặt chân vào căn phòng này, chẳng ngờ hôm qua uống say lúy túy rồi lúc tỉnh dậy lại thấy mình ở đây.
Vô vàn hạt bụi màu vàng óng đang nhảy nhót trong ánh nắng rực rỡ. Hắn nhỏm dậy rồi ngồi thừ trên giường một lúc lâu, sau mới đứng lên, bước đến bên cửa sổ định bụng làm điếu thuốc thì lọt vào mắt hắn lại là chiếc bàn trang điểm phủ bụi đặt cạnh cửa sổ với hai dòng chữ được ai đó dùng ngón tay viết lên.
Không rõ viết từ lúc nào, chắc hẳn phải từ vài năm về trước khi cô còn ở căn phòng này. Lớp bụi mỏng phủ lên mặt chữ có phần nhạt hơn những chỗ khác.
Hắn nhận ra tuồng chữ của cô, nét chữ ấy cũng mảnh khảnh y chang dáng vóc của cô vậy. "Ném..... xó rương, Nửa đường ân tình tuyệt." Cả thẩy mười chữ, trong đó, có hai chữ câu đầu là hắn không nhận ra. Còn năm chữ ở câu sau, hắn vẫn đọc được và hắn cũng hiểu ý nghĩa của cả câu ấy.
Không thể đè nén được cơn giận trong lòng trào ra, hắn giơ tay phủi sạch lớp bụi trên hàng chữ, trong lòng hắn hằn học tự hỏi, ân tình à, cô ta là cái thá gì mà dám đòi hỏi ân tình?
Người ta đã quá quen với cái tính thất thường sau khi ngủ dậy của hắn, mà buổi sáng thường là lúc nóng nẩy nhất. Suốt bữa sáng, tất cả những người đứng đó đều nín lặng không dám thở mạnh, ai nấy đều cố giữ một khoảng cách thật xa so với hắn. Cho đến khi hắn uống xong bát canh sâm, chợt nghe tiếng ồn ào từ ngoài cửa thì người giúp việc mới bước lại gần, đoạn báo cáo: "Cô hai đưa cậu về rồi ạ." Lạc Ý An ẵm đứa trẻ, dắt sau lưng là bảo mẫu đang tay xách nách mang một đống đồ, vừa thấy hắn thì mặt mày đanh lại: "Sao anh không say chết quách đi?" Hắn cũng chẳng thèm trông lên, Lạc Ý An cố tình ngồi phịch xuống chiếc ghế đối diện hắn: "Xem con trai anh đáng thương chưa này, chân bên này của nó sưng tấy cả lên. Bác sĩ nói không nhập viện cũng được nhưng hàng ngày phải đến thay thuốc." Nói rồi lại cúi xuống dỗ đứa bé: "Thiên Thiên ngoan ghê cơ, hôm nay bị tiêm mà không hề khóc nhè." Lúc này đây ánh mắt của hắn mới đặt vào đứa bé, nói thực ra thì hắn cũng xem ảnh rồi nhưng thằng bé xanh xao hơn rất nhiều so với trong ảnh, khuôn mặt bé xíu xìu xiu chỉ có mỗi đôi mắt là to, có điều lông mi dài thượt nom thanh tú như con gái mà đôi mắt ấy cứ ngây ngô nhìn hắn chằm chặp.
Hắn lừ lừ nhìn thằng bé một chặp rồi bảo: "Chẳng giống anh gì cả." "Ai bảo không giống anh?" Lạc Ý An phát cáu, liền xoay đầu Thiên Thiên lại: "Anh nhìn hai xoáy trên đỉnh đầu thằng bé mà xem, giống anh y đúc ấy chứ lại." "Thiếu gì người có hai xoáy ở đầu, mấy hôm nữa đưa nó đi xét nghiệm ADN kẻo sau này lại mất công nuôi báo cô con của thắng khác." Lạc Ý An bực mình ẵm thằng bé đứng phắt dậy, cô cáu gắt bảo: "Anh bị điên đấy à! Cứ khăng khăng đòi thằng bé về cho bằng được, bây giờ lại giở trò nói này nói nọ. Kể cả nhà họ Lịch có lỗi với anh đi chăng nữa, nhưng anh hành hạ Lịch Dạ cũng đủ khổ rồi. Kể từ lúc chị ấy cuốn gói ra khỏi cái nhà này cũng có được mang theo xu nào đâu. Một thân một mình bươn trải nuôi thằng bé, chị ấy vất vả thế nào anh có biết không hả? Giả như anh không uy hiếp hăm dọa, liệu chị ấy có chịu đưa thằng bé cho anh không?" Tuy sự tức tối của hắn đã chạm mức đỉnh điểm, nhưng nghe giọng điệu thì lại bình thản đến đáng sợ: "Số cô ta đáng phải vậy. Cha nợ con trả, nhà họ Lịch nợ anh nên bây giờ cô ta phải trả giá cũng đúng thôi." Lạc Ý An cáu tiết, thả phắt Thiên Thiên xuống đùi anh: "Được lắm, này thì cha nợ con trả! Anh sống khốn nạn thế thì con trai anh khổ là phải lẽ rồi!" Nói rồi cô cốc trán Thiên Thiên một cái rõ mạnh.
Lúc tức lên thì cô chẳng còn biết gì nữa, chỉ nghe đốp một tiếng thế rồi đầu thằng bé đã ngửa về đằng sau, nó rưng rưng chực khóc nhưng vẫn mím chặt môi, đôi mắt tròn xoe ấy chỉ lo nhìn cô.
Trong khi mắt Lạc Ý An lại dán vào chỗ vừa bị cốc đang dần sưng tấy trên trán thằng bé, cô thấy vừa bực lại vừa xót: "Sao không khóc đi, mày cũng y như mẹ mày ấy, chẳng khá hơn gì cả, bị đánh cũng nhịn, bị chửi cũng nhịn!" Thiên Thiên như chú chim non vừa chui ra khỏi trứng, nó rầu rầu siết chặt bàn tay, nước mắt nước mũi giàn giụa mà vẫn ngó chừng hai người lớn đang gườm gườm với nhau.
Lạc Tuấn Khải thả đứa nhỏ lên bàn ăn rồi bỏ đi thẳng.
Lúc này thì Lạc Ý An thấy áy náy vô cùng, cô quýnh quáng bế thằng bé lên, tay xoa chỗ vừa bị đánh của nó mà lòng cứ day dứt mãi không nguôi: "Cô không cố ý đâu, cô hư quá, Thiên Thiên còn đau không?" Thiên Thiên lắc đầu, nó giương mắt nhìn cô rồi bất giác hỏi: "Cô ơi, bao giờ mẹ cháu mới tan ca? Mẹ bảo đi làm về sẽ đến đón cháu." Lạc Ý An gượng cười: "Lát nữa thôi, lát nữa mẹ đến bây giờ đấy." Thiên Thiên cúi gằm mặt, cất giọng lí nhí: "Hay là mẹ không có tiền nên không đến đón cháu nữa?" "Vớ vẩn nào! Cháu phải ngoan ngoãn nghe lời, lát nữa mẹ cháu sẽ đến." "Vâng ạ, cháu sẽ ngoan." Có vẻ như nó đang tự dỗ dành chính mình, đồng thời an ủi cả Lạc Ý An: "Cháu không đau đâu, thật đấy cô ạ." Lạc Tuấn Khải đứng sau bức bình phong khuất trong đám cây cảnh sum suê, từ đấy ngó ra chỉ thấy hình như Lạc Ý An đang dụi mắt nhưng vẫn cố rặn cười với thằng bé. Nhìn từ sau gáy thì nó có một cái cổ nhỏ xíu cùng nước da trắng bóc. Có thể là do chiếc đầu tròn xoe mà lại có phần to hơn người, lại thêm hai cái xoáy trên đỉnh đầu đầy tóc đen láy nên cũng giống hắn ra phết.
Nhưng cái cổ ấy thì lại y xì đúc mẹ nó, những lần cô cúi đầu trước hắn thì nhiều vô số, có lúc nhìn từ đằng sau gáy thấy da dẻ mịn màng trên chiếc cổ trắng muốt, khiến hắn nảy sinh ảo giác về một món đồ sứ nào đó, mà hễ đụng nhẹ vào thôi là nó sẽ vỡ vụn ra thành muôn mảnh khuôn thể gom góp lại được.
Mặc dù sinh ra trong gia đình giàu có, chẳng bao giờ phải đụng tay đụng chân vào những công việc nặng nhọc nhưng thực chất cô không hề yểu điệu như hắn hằng nghĩ. Ngay cả việc vừa lên đại học đã bị ép thôi học để lấy hắn, vậy mà cô cũng chẳng hé nửa lời oán thán. Dẫu hắn có ăn chơi lu bù thâu đêm suốt sáng ở bên ngoài, cố tình làm bẽ mặt cô thì cô vẫn chăm chỉ học cách sắp xếp mọi việc trong nhà, mỗi lần hắn về là lại thấy căn nhà sạch sẽ sáng bóng.
Nói ngay như việc mỗi bữa sáng luôn xuất hiện một cát canh sâm trên bàn ăn, quy định có từ lúc cô về sống ở nhà này, chính cô đã dặn đầu bếp chuẩn bị món cánh ấy vào mỗi bữa sáng cho hắn. Tuổi thơ hắn là những ngày khổ cực, sau này lớn lên lại lao đầu vào kiếm tiền, nào có hiểu canh sâm là cái gì.
Người làm trong nhà quen gọi cô là "bà chủ", nhưng bọn thuộc hạ đã quá rõ tính cách của hắn thế nên họ chỉ dám gọi cô là "cô Lịch", song Lịch Dạ cũng chẳng so đo bao giờ. Lúc mới về làm vợ hắn, tính cô vẫn còn trẻ con lắm, cả ngày đùa nghịch với Lạc Ý An ấy thôi, nhưng càng về sau lại càng trở nên trầm tĩnh. Lần nào hắn về cũng thấy cô ngồi một mình trên ghế sô pha xem DVD. Bộ phim ấy cô xem không biết bao nhiêu lần mà cứ xem tái xem hồi, quẩn quanh vẫn vài tập phim ấy, thậm chí có cảnh phim đập vào mắt hắn không chỉ một lần.
Trong bộ phim cổ trang ấy có một tình tiết như sau, một cô bé con khá là đáng yêu vừa khóc vừa lật mặt nạ của một người đàn ông. Người đàn ông sau lớp mặt nạ kia có khuôn mặt rất sáng sủa, lần nào hắn cũng nghe thấy lời thoại này: "Tiểu thư nhận nhầm người rồi chăng?" Ngay cả hắn cũng thuộc lòng cái đoạn ấy, song chẳng biết bộ phim dài tập kia có gì hay ho mà cô cứ xem đi xem lại. Có bận nửa đêm nửa hôm hắn mới mò về, trong khi máy chiếu vẫn đang bật, cả tấm màn hình lớn lất phất đung đưa trong gió như thể là tấm lụa đào, còn cô thì đang gà gật trên ghế sô pha.
Trong loa phát lời thoại của cô bé con trong phim, đó là một giọng nữ non nớt mà đáng yêu vô cùng: "Chàng ấy có sống mũi giống Hoằng huynh, cao vút này, mà lại thẳng tắp cứ như là triền núi. Đôi mắt của chàng ấy thì lại hao hao Hiền huynh, tròn này, to này, chẳng khác nào một đầm nước sâu. Cặp lông mày của chàng ấy thật đẹp, đôi mày lưỡi mác ấy mang đậm khí khái anh hùng, nom tuấn tú lắm. Ngay cả bờ môi cũng rất ưa nhìn, không, là trông rất sáng sủa mà sắc nét, khóe miệng còn hơi vểnh lên. Cằm thì hơi nhọn, ở ngay chỗ này đây, khiến dáng vẻ chàng trở nên oai phong hơn. A phải rồi, hàm răng chàng ấy nữa chứ, chúng trắng như tuyết và đều tăm tắp, còn phản ánh hào quang.... lúc chàng cười ấy à, nụ cười dường như là ánh nắng rực rỡ của ngày xuân....." Chỉ có loại đàn bà ngu ngơ khờ khạo như cô mới ru rú ở nhà cả ngày để xem loại phim truyền hình ngớ ngẩn này.
Thậm chí lần đầu tiên nghe hắn đè cập đến vấn đề li hôn, cô còn ngô nghê nhìn hắn: "Sao lại thế?" "Chẳng sao cả, tôi chán đến tận cổ rồi." Hắn ngồi chễm chệ hết sức thoải mái trên chiếc ghế sô pha, đoạn bảo: "Chán rồi thì không thích đùa nữa chứ sao." Dáng vẻ của cô lúc ấy giống y như vẻ mặt vừa bị đánh của Thiên Thiên, tuy cũng đôi mắt trẻ con rưng rưng nhưng không hề bật khóc, mà chỉ mím chặt môi nhìn hắn.
Hắn ghét cay ghét đắng loại đàn bà hở tý là khóc thế nên cũng chẳng mấy khi bắt gặp giọt nước mắt của cô.
Cô nhất quyết không chịu ký vào đơn ly hôn cho đến khi hắn dắt đàn bà lạ về nhà.
Trước đầy hắn cứ tưởng cô đồng ý ly hôn là bởi vậy. Giờ mới rõ, thì ra là vì cái thai trong bụng nên cô mới tìm đường thoát thân.
Mới chớm nghĩ đến đó là hắn đã giận sôi lên, vừa bước vào văn phòng liền trút giận xối xả xuống đầu thư ký, ngay cả thằng Bính cũng lặn biệt tăm biệt tích. Người ta đã quá quen với tính nóng giận thất thường sau mỗi cơn say của hắn, nên trong lòng ai nấy đều nơm nớp lo sợ, làm gì cũng dè dặt thận trọng.
Hắn vừa ký rời tay hai tập văn kiện thì Lạc Ý An ôm Thiên Thiên xông thẳng vào phòng làm việc của hắn, bất chấp cô thư ký ra sức ngăn cản. Cô đặt đứa bé lên bàn làm việc rồi xẵng giọng bảo: "Này đấy cha nợ con trả, em không nợ anh cái gì cả, anh tự đi mà lo cho thằng con anh.!" Nói dứt câu liền bỏ đi ngay tức thì.
Lạc Tuấn Khải tức điên lên vì đứa em gái, từ nhỏ hai anh em nhà họ đã sống dựa vào nhau, mà cô em gái này cũng quen được chiều chuộng, chỉ có điều chẳng ngờ hôm nay con bé lại bật mình. Cơn giận khiến hắn run lên bần bật, cô thư ký đứng ngoài cũng không dám ló mặt vào, bèn im ỉm khép cánh cửa phòng làm việc lại. Hắn nhìn thằng bé đang yên vị trên bàn làm việc, tuy mới có ba tuổi nhưng ánh mắt nó dè dặt thế kia chứng tỏ nó rất hiểu tình hình trước mắt. Chiếc dép lủng lẳng ở một bên chân của nó, bên kia lại quấn bông băng dầy cộm còn nguyên mùi thuốc trị phỏng mà sáng sớm Lạc Ý An vừa đưa nó đi bệnh viện thay xong.
Thấy hắn nhìn chân nó rồi chau mày, thế là sự lo lắng chợt dấy lên trong lòng thằng bé, : "Chú ơi, mẹ cháu bao giờ tan ca?" Hắn cười gằn: "Mẹ mày chết rồi." Thằng bé biến sắc mặt, nó ngoác miệng nhịn hồi lâu, sau cùng không thể nhịn được nữa, những giọt nước mắt to bằng hạt đậu vẫn tí tách rơi xuống mặt bàn bằng gỗ trắc hết giọt này đến giọt khác tròn xoe.
Hắn thấy đầu mình đau như búa bổ, hai bên huyệt thái dương cứ giật liên hồi, cảm giác ấy rất giống với kẻ vừa tỉnh dậy sau cơn say, chân tay cứng đờ có vẻ như không còn thuộc về mình nữa. Thế mà trong lòng cứ trống hươ trống hoác, hình như có một chỗ nào đó bị khoan lủng, vết thương căng lên đau buốt, cơn đau nhức ấy tựa như xé toạc tâm can hắn.
Hắn nhớ cái lần ở bệnh viện, hắn cũng mang trong mình thứ cảm giác này, khi ấy bác sĩ điều trị đã nói với hắn rất nhiều điều, nhiều kinh hoàng, nhiều đến nỗi hắn hầu như không tài nào hiểu nỗi ông ta đang nói những gì.
Giây phút sau cùng, chính hắn đã tự tay gạt ống dưỡng khí của Tiểu Thái xuống, Tiểu Thái của hắn - chính người con gái đã lớn lên bên cạnh hắn, Tiểu Thái đồng kham cộng khổ với hắn lại không thể ở bên hắn để cùng hưởng phú quý. Hắn đã từng nhủ thầm sẽ yêu người con gái ấy trọn đời nhưng cô ấy lại trút hơi thở cuối cùng trong chính vòng tay của hắn Khi ra đi, Tiểu Thái còn mang theo cái thai mới ba tháng tuổi. Hắn thậm chí chưa kịp nhìn thấy đứa con của mình. Không có ai hiểu được cảm giác khi người mình yêu chết trong vòng tay của chính mình đau đớn như thế nào. Cũng chẳng có ai hiểu được cảm giác khi phải trơ mắt nhìn người mình yêu rời bỏ thế giới này bất lực ra sao. Thế nên sẽ không có ai hiều được cảm giác của hắn khi đánh mất Tiểu Thái cùng với đứa con của hai người. Cái giây phút hắn giật ống dưỡng khí của Tiểu Thái xuống ấy, hắn đã có lời thề báo thù.
Hắn chẳng ngần ngại bỏ ra tám năm để dồn bằng được nhà họ Lịch vào góc đường cùng. Nhưng chỉ thế thôi thì rẻ mạt quá, hắn không cho phép mình chấp nhận cái giá rẻ mạt đó. Hắn sẽ bắt cả nhà họ Lịch phải đền bù lại gấp mười lần cho những gì hắn từng nhận. Hắn vẫn còn nhớ cái vẻ gắng gượng bình tĩnh của Lịch Mạo Huy khi đứng trước mặt hắn lúc ấy, trong khi hắn vẫn thản nhiên bảo: "Nghe nói ngài Lịch chỉ có một mụn con gái khá là xinh xắn, năm nay vừa mới đỗ đại học." Lịch Mạo Huy gườm gườm nhìn hắn còn hẵn vẫn ung dung nói: "Tuy tôi chỉ là một thằng quê mùa thô kệch, nhưng bấy lâu nay luôn ao ước có được một cô vợ tuổi còn đương đi học. Hay ngài Lịch gả con gái cho tôi, tôi nhất định sẽ chăm sóc cô nhà thật tử tế." Lịch Mạo Huy nổi xung lên, gạt phắt đi: "Mày đừng có mà mơ!" "Này, đừng nóng tính thế chứ." Hắn dửng dưng rút điếu xì-gà, ngay lập tức đã có thằng em từ phía sau bước lên châm lửa cho hắn: "Bọn đàn em của của tôi cũng rất ngưỡng mộ tài mạo song toàn của con gái ông. À thì đương nhiên, bây giờ chúng nó còn nể mặt tôi nên không dám làm quen với cô nhà, có điều một khi ngài Lịch cũng chê tôi không xứng tầm thì tôi e là bọn nó sẽ chẳng nể nang gì nữa đâu." Lịch Mạo Huy thừa hiểu cái trò mèo mà hắn đang chơi, nhưng lại không dám trở mặt cự tuyệt.
Dù sao hắn cũng chẳng vội, con mèo đã tóm được chuột rồi thì chưa cần phải ăn ngay, cứ vờn chán, nghịch chán cái đã, việc gì phải cuống lên.
Điều bất ngờ hơn cả chính là việc Lịch Dạ chủ động đến tìm hắn, thậm chí thằng Bính cũng hốt hoảng, đoạn ấp úng báo cáo: "Anh Ba.... có chuyện này... tiếp tân dưới lầu nói.... Cô Lịch muốn gặp anh." Con nhóc này cũng to gan gớm.
Thực chất trước đây hắn chưa bao giờ gặp mặt Lịch Dạ, thậm chí cũng chưa từng nhìn ảnh, tài mạo song toàn cái đếch gì ấy chỉ là hắn buột miệng nói vui thế thôi, chứ đến tận khi Lịch Dạ bước vào phòng làm việc của hắn thì hắn mới biết hóa ra con nhỏ này cũng xinh xắn ra phết.
Con ranh ấy có một cặp mắt long lanh, thậm chí khuôn mặt cũng có vẻ mũm mĩm, gò má thì ửng hồng rõ là trẻ con, thế mà nó lại từ tốn cất lời đi thẳng vào vấn đề: "Sao anh lại muốn cưới tôi?" Hắn cố tình bảo: "Tôi thích bến cảng của nhà em." "Cha tôi có thể nhượng lại bến cảng cho anh mà." Con bé nhoẻn cười như trẻ con, quả nhiên nó rất ngây thơ,: "Chuyện kinh doanh thì tôi không hiểu lắm nhưng nếu thật sự nhà chúng tôi nợ anh nhiều tiền, cha tôi có thể trả cho anh bất cứ thứ gì anh muốn." Đúng là bông hoa nhỏ quen sống trong lồng kính, chỉ khổ gặp đúng lúc hắn đang nhàn rỗi nên hắn mới đùa cô rằng: "Tôi chẳng muốn gì cả, chỉ muốn có em thôi." Trong trí nhớ của hắn vẫn còn y nguyên khuôn mặt đỏ ửng như một quả đào chín mõm của cô lúc bấy giớ, màu hồng phấn trên chóp quả đào cứ lan dần ra. Câu nói ấy của hắn làm cô ấp úng mất bao lâu, sau cùng đành bỏ về với một khuôn mặt đỏ ửng.
Về sau Lịch Mạo Huy vẫn bị ép phải gả con gái cho hắn. Tuy cô còn nhỏ song hắn kiên quyết không cho phép cô tiếp tục đi học nữa, cô đành nghỉ học để lấy chồng, vậy mà cô chẳng bao giờ oán trách hắn lấy một lời.
Trong khi Lạc Ý An thì kịch liệt phản đối: "Kể cả năm đó nhà họ Lịch hại chết Tiểu Thái thì anh cũng không nên đối xử với Lịch Dạ như thế." Còn hắn chỉ cười: "Anh đối với Lịch Dạ không tốt chắc?" Có rất nhiều việc người thứ ba không thể biết được. Một trong những chuyện đó đã xảy ra vào đúng đêm tân hôn, khi hắn mượn men rượu giở đủ mọi trò hành hạ Lịch Dạ ở trên giường, khiến cô suýt thì phải đi bệnh viện cấp cứu.Thế rồi cả về thời gian dài sau đó, hễ hắn cứ bước vào phòng ngủ là Lịch Dạ lại run lên bần bật. Trong khi Lạc Ý An chỉ biết thói quen dậy muộn, nhiều hôm ngủ đến tận chiều và thường xuyên bỏ bữa sáng của Lịch Dạ mà thôi.
Về sau hắn đùa chán rồi thì cặp kè với một bọn đàn bà thuộc thành phần bất hảo ở bên ngoài, đồng thời người ta cũng biết tỏng hắn chẳng coi Lịch Dạ ra gì. Lúc nào thấy bực, hắn sẽ gọi Lịch Dạ đến văn phòng mắng một trận như tát nước, trút giận chán lên đầu cô rồi về nhà lại hằm hằm với cô. Năm ấy Lịch Dạ mới mười tám đôi mươi, cuộc sống kiểu đó đối với cô mà nói hoàn toàn chẳng buồn chút nào, lắm lúc cô còn hào hứng đi dạo phố, đi mua sắm, đi xem phim với Lạc Ý An. Hắn có chơi bời đàn đúm thế nào đi chăng nữa thì hình như cô vẫn cứ sống theo cách của mình.
Dạo đó hắn không bao giờ thèm mang bao cao su, toàn bắt Lịch Dạ phải uống thuốc, trong khi tính tình Lịch Dạ thì trẻ con mà lại bất cẩn, uống bữa đực bữa cái, cho đến ngày Lịch Dạ mang thai ngoài ý muốn. Lúc cô nhận ra thì cái thai đã bốn tháng tuổi, cô không dám nói với hắn, đành nhờ Lạc Ý An nói bóng nói gió hộ cô, lúc ấy hắn cũng chẳng thèm ngước mắt lên nhìn: "Bảo cô ta đi phá đi." Lạc Ý An nổi cáu ngay tức thì: "Anh bị điên à, con của mình cũng không cần à!" "Con của anh đã xuống mồ cùng với Tiểu Thái rồi." Hắn vẫn giữ vẻ bình tĩnh, thản nhiên nhìn cô em gái: "Em quên rồi à?" Lạc Ý An tức tối bỏ ra ngoài, khi hắn bước ra từ thư phòng lại gặp Lịch Dạ đang núp ở sau góc cầu thang, nghe lén câu chuyện giữa hai anh em hắn.
Vẻ mặt của cô còn nhợt nhạt hơn cả màu tay vịn cầu thang bằng đá cẩm thạch, hắn quay người bước xuống cầu thang, cô cũng bật dậy, cất giọng van lơn gọi hắn: "Tuấn Khải..." Hắn không hề ngoảnh đầu lại, chỉ lạnh lùng uốn nắn cô: "Tôi chưa cho phép cô gọi tôi như thế đâu nhé." Cô cúi gằm mặt, đứng chân chôn một chỗ: "Em không muốn đi bệnh viện....em sợ...." Hắn tiến lại gần để nhìn cô cho kỹ. Hồi đó cô vẫn chưa bước sang tuổi hai mươi, cô đang mặc trên mình một bộ đồ ngủ đi cùng đôi dép lê đi trong nhà, nom dáng vẻ gầy gò chẳng thấy eo đâu. Hắn kéo cô ra tuốt đầu cầu thang rồi dửng dưng bảo: "Nếu cô không muốn đi bệnh viện thì bây giờ giải quyết ngay tại đây cũng được, cứ để tôi đẩy cô một cái thì kết quả cũng giống như đến bệnh viện cả thôi." Cô khiếp sợ ôm riết lấy tay vịn lan can, cả người run bắn lên như cầy sấy, mắt trợn tròn nhìn hắn, có vẻ cô hoàn toàn không tin những gì hắn đang nói.
Thế rồi khi Lạc Ý An dẫn cô đến bệnh viện, cái thai quá lớn khiến cô nằm vật ở bệnh viện mất mấy ngày. Lạc Ý An vừa từ bệnh viện về đã sửng cổ với hắn : "Rốt cuộc anh có còn là con người không hả, Lịch Dạ thì đau đến sống dở chết dở, cô ấy ngất xỉu mấy lần rồi, đứa bé cũng thành hình cả rồi mà vẫn phải phá đi. Anh làm như thế là phạm tội giết người đấy!" Hắn lạnh lùng bác lại: "Bọn chúng giết Tiểu Thái, giết con anh, đây là oan oan tương báo mà thôi." Lịch Dạ nằm viện hơn một tháng mới về nhà, khuôn mặt mũm mĩm cùng đôi gò má đỏ hây hây đã biến đi đâu mất và thay vào đó là sự trầm mặc ít nói - không còn khiến hắn phải bận tâm nữa, cô cũng không hào hứng đi dạo phố với Lạc Ý An nữa mà thường xuyên ru rú trong nhà xem tivi. Chẳng rõ vì sao bộ DVD kia cứ tua đi tua lại xem hoài không biết chán.
Nhưng bấy giờ mọi mối bận tâm lại chuyển sang hắn, bất luận hắn có khiến cô khó xử ra sao, bất luận hắn có hành hạ cô thế nào, vậy mà nụ cười đã tắt lịm trên bờ môi cô, thậm chí những giọt nước mắt cũng vợi hơn rất nhiều. Thế nên dần dà hắn ít đảo qua nhà hơn, nhưng có một bận, hắn say rũ người được A Bính tự ý đưa về. Tầm nửa đêm, đang ngủ mà thấy khát khô cổ bèn bật dậy xuống lầu uống nước, hắn chợt phát hiện ra cô vẫn ngồi ở ghế sô pha xem DVD.
Dàn loa chỉnh tiếng thiếu nữ mềm mại ngân nga vọng lại trong phim xuống mức thấp nhất, ánh sáng màn hình phản chiếu trên mặt cô lúc tỏ lúc mờ. Hắn nghe thấy tiếng cô đang rủ rỉ rù rì nhẩm lời thoại trong phim: "Chàng ấy có sống mũi giống Hoằng huynh, cao vút này, mà lại thẳng tắp cứ như là triền núi. Đôi mắt của chàng ấy thì lại hao hao Hiền huynh, tròn này, to này, chẳng khác nào một đầm nước sâu. Cặp lông mày của chàng ấy thật đẹp, đôi mày lưỡi mác ấy mang đậm khí khái anh hùng, nom tuấn tú lắm. Ngay cả bờ môi cũng rất ưa nhìn, không, là trông rất sáng sủa mà sắc nét, khóe miệng còn hơi vểnh lên. Cằm thì hơi nhọn, ở ngay chỗ này đây, khiến dáng vẻ chàng trở nên oai phong hơn. A phải rồi, hàm răng chàng ấy nữa chứ, chúng trắng như tuyết và đều tăm tắp, còn phản ánh hào quang.... lúc chàng cười ấy à, nụ cười dường như là ánh nắng rực rỡ của ngày xuân....." Trong đêm, hắn đứng cách đó rất xa nhưng nhờ chút ánh sáng lờ mờ từ màn hình dội lại - mới nhìn thấy khóe môi cô cong cong như đứa trẻ nhỏ đang ngậm viên kẹo, nom vẻ mừng vui phấn khởi. Thế nhưng rõ ràng cô đang cười đấy mà trên gò má lại ngân dài hàng lệ, những giọt nước mắt kia vẫn âm thầm rơi trong bóng đêm.
Sáng hôm sau, vừa mở mắt ra đã thấy bóng hình lẻ loi của cô trong chiếc áo ngủ mỏng manh, đứng ngoài ban công hướng mặt về phía bờ hồ phủ sương. Tay áo ngủ căng phồng trong hơi gió lật phật bay y như cô công chúa cổ đại trong bộ phim cô hằng xem. Cô đứng rụt cổ nom thảm thương chẳng khác nào một con mèo - hẳn cô phải đang lạnh lắm.
Khi sực tỉnh thì hắn mới nhận ra mình đã làm một chuyện khiến bản thân cứ thấy thẹn mãi không nguôi, hắn ôm lấy cô từ phía đằng sau rồi ghì cô ấy vào lòng mình. Thế rồi sau này hắn nghĩ, có lẽ vào giây phút ngẩn ngơ ấy, hắn tưởng cô là Tiểu Thái nên mới thấy thương cô. Khi hắn khom người hôn cô, cô sợ sệt nhắm tịt mắt lại, thậm chí cũng chẳng biết đổi hơi ra làm sao, hắn chợt nhận ra, mình chưa bao giờ dành cho cô những nụ hôn.
Dục vọng bùng dậy trong chớp mắt khó mà đè nén được. Hắn thấy thẹn với lòng mình, sao mình lại hôn cô ta, sao mình lại thương cô ta, rõ ràng bao nhiêu năm nay trong lòng hắn chỉ có mình Tiểu Thái mà cũng chỉ nhớ về cô ấy mà thôi, hắn cưới Lịch Dạ là vì muốn báo thù cơ mà.
Cứ như thể hắn đã trúng tà nên mới rung động trước sự dịu dàng của cô ta mà không cách nào ngăn được bước chân mình sa vào thứ hấp dẫn ấy. Hắn đang quẩn quanh giữa do dự và mâu thuẫn, khi màn đêm buông xuống, bản thân hắn cũng không rõ mình nên về nhà hay không nên về nhà, thằng Bính dường như lại đoán ra điều gì đó, nó không thèm hỏi hắn mà đã đánh xe về thằng nhà.
Có lẽ hắn thường xuyên có mặt ở nhà dùng cơm nên Lịch Dạ cũng trở lại hoạt bát như thời kỳ tân hôn, dần dà cô cũng dạn dĩ nở nụ cười với hắn, thậm chí trong chuyện chăn gối cô còn chiều hắn một cách đầy vụng về.
Hắn mau chóng sực tỉnh, thế rồi hắn quyết định phải dừng lại ngay lập tức.
Hắn ép cô ly hôn kì được thì thôi, không thì hắn cứ dẫn đàn bà về nhà, hắn đi bước nào bước ấy vừa chuẩn mà lại vừa lợi hại, hắn không chừa cho cô bất kỳ một cơ hội nào, lại càng không cho phép mình được chần chừ. Lúc ấy cô ngơ ngắc nhìn hắn mà trong lòng cứ tự hỏi tại sao hắn lại quay phắt đi như vậy.
Đến khi hắn ép được cô ký tên vào đơn ly hôn, hắn không cho cô lấy một xu rồi đuổi thẳng cổ cô ra khỏi nhà.
Hắn cảm thấy để trả thù cho Tiểu Thái thì tất cả những gì mình đã làm đều là xứng đáng và nên làm, thế là mỗi tiết Thanh Minh đi tảo mộ Tiểu Thái, hắn lại thấy nụ cười cười tươi tắn của cô ấy trên bức ảnh khắc trên bia mộ - dường như cô ấy vẫn luôn bên hắn, chưa từng lìa xa.
Cả đời này hắn sẽ chỉ yêu mình Tiểu Thái, yêu đến mãi mãi. - Thiên Thiên khóc đển khi mệt lử thì thôi. Nó bị ngạt thở, cả thân hình nhỏ nhắn khẽ rùng mình một cái rồi nín bặt, chừng như nó đã hiểu có khóc cũng chẳng mang lại ích lợi gì, một lúc lâu sau, nó ngẩng mặt, cất giọng đẩy khẩn khoản: "Chú ơi, cháu muốn về nhà." Mặc xác đứa nhỏ ở cạnh bên, hắn vẫn phì phèo đốt hết điếu xì gà này đến điếu xì gà khác cho đến khi hết nhẵn một hộp. Còn thằng bé vẫn lầm thầm lẩm bẩm như tiếng muỗi kêu: "Cháu muốn về nhà." Đến hắn cũng không hiểu vì sao hắn lại thấy ghét đứa trẻ này đến thế, hoặc biết đâu là vì Lịch Dạ đã giấu hắn sinh nó ra, nên mới làm hắn tức tối vô cùng. Mà không chừng vì đứa trẻ này có cái tính giống y chang Lịch Dạ, hễ động một tý là lại rưng rưng nhìn người khác bằng vẻ mặt nín nhịn cầu toàn.
Hắn không cần, hắn không cần một cái gì cả, hắn ước sao tất cả những thứ có liên quan đến nhà họ Lịch trên đời này tốt nhất là nên biến hết cả đi. Hắn đã từng thề rằng hắn sẽ nhổ cỏ tận gốc cả nhà họ Lịch, hắn chán đùa với Lịch Dạ rồi nên mới vứt cô ta đi, hắn không muốn huyết thống của mình bị pha lẫn với dòng máu của nhà họ Lịch rồi tự dưng rơi ở đâu ra đứa trẻ này.
Hắn nhìn vết sưng tấy đỏ ứng tự nhiên xuất hiện trên vầng trán trắng bóc của thằng bé kể từ lúc Lạc Ý An đánh nó xong, quả thực chỉ khiến người ta muốn giơ tay xoa vào chỗ đó, . Hắn lạnh lùng đe thằng bé: "Sau này không được mở mồm đòi về nhà, cũng không được đòi mẹ nữa." Đứa trẻ rưng rưng mắt nhìn hắn chỉ càng khiến hắn thêm bực mình, đấy, lại thế rồi! Hai mẹ con nó y chang nhau!
Hắn sởn cả da gà, bất giác gào toáng lên: "Nghe chưa hả? Bằng không tao ném mày ra ngoài cửa sổ ngay bây giờ!" Đứa trẻ sợ hãi nín bặt, nãy giờ Lạc Ý An núp bên ngoài cuối cùng không kiềm chế được đành lao vào, ôm bế phắt đứa nhỏ lên rồi mắng hắn: "Quả nhiên anh mất hết tính người rồi! Thằng bé mới nhiêu tuổi, nó biết cái gì mà anh gào lên với nó? Anh không thích nó chứ gì, không thích thì còn đưa nó về làm gì nữa? Em chỉ mong anh thật lòng muốn nuôi con nên mới giúp anh khuyên Dạ Lịch. Hóa ra anh chỉ muốn ép Dạ Lịch, khiến cô ấy khổ sở thôi à. Anh đày đọa cô ấy còn chưa đủ hay sao? Anh lớn tiếng với thằng bé để làm cái gì? Lịch Dạ nợ anh cái gì nào? Cứ cho như năm đó nhà họ Lịch nợ Tiểu Thái một xác hai mạng người thì Lịch Dạ cũng trả đủ từ lâu lẩu lầu lâu rồi! Em không muốn giúp loại đốn mạt như anh nữa, anh không thích thằng nhỏ chứ gì, được thôi! Em đem trả nó cho Lịch Dạ, anh muốn thế nào thì sẽ thế đấy!" Hắn nổi xung lên: "Em dám à!" Lạc Ý An gườm hắn cũng xung không kém: "Kể cả anh có dí súng vào đầu em thì em cũng phải trả đứa bé lại cho Lịch Dạ!" Hắn bị cơn tức làm cho điên lên, liền vung tay tát vào mặt Ý An một cái nghe rõ tiếng bốp. Cái tát ấy làm cả Lạc Ý An lẫn bản thân hắn cùng đờ đẫn. Bao nhiêu năm nay, anh em họ luôn nương tựa vào nhau, bất kể hắn có làm gì thì Lạc Ý An vẫn đứng về phía hắn dù cô có không tán thành đi chăng nữa. Việc hắn nuông chiều em gái ra sao thì ai cũng hay, lắm lúc người ta không dám mở lời với hắn, toàn đi nhờ cậy Lạc Ý An nói góp mấy lời. Chẳng ngờ hôm nay chỉ vì chuyện này mà hắn tát em gái mình.
Hắn áy náy nhìn cô em gái: "Tiểu An này..." Khuôn mặt Lạc Ý An thoắt xanh rồi lại trắng, sau đó cô ấy phá lên cười. Lạc Tuấn Khải tưởng cái tát của hắn làm cô em gái trở nên ngớ ngẩn nên càng cảm giác rầu hơn, hắn thốt thêm một tiếng: "Tiểu An." Lạc Ý An dường như đã lấy lại vẻ bình tĩnh ban đầu: "Anh, anh đang lo cái gì chứ? Em trả thằng bé lại cho Lịch Dạ, sao anh phải sồn sồn lên như thế. Ngày xưa tại sao anh cứ cố ghép Lịch Dạ phải lấy anh? Anh vốn có coi chị ấy ra gì đâu, sao anh cứ nằng nặc đòi đuổi chị ấy đi, chị ấy ở nhà thì ảnh hưởng gì đến anh? Trước nay chị có bao giờ quan tâm đến việc anh chơi bời lêu lổng ở bên ngoài, rồi người ngoài có biết chị ấy là vợ anh đâu. Chị ấy có làm phiền gì anh đâu mà anh cứ khăng khăng đòi tống cổ chị ấy đi bằng được mới thôi? Tối qua lúc anh uống say, sao còn đạp cửa phòng ngủ bên đó, khóa trái bốn năm nay rồi hà cớ gì hôm qua anh còn đạp bung cửa ở phòng bên đó ra? Phải chăng anh mượn men rượu để lấy can đảm bước vào căn phòng đó? Hồi xưa lúc chị ấy nhốt mình trong căn phòng đó, thậm chí anh còn không thèm lên gác cơ mà? Anh sợ cái gì? Rốt cuộc anh đang sợ cái gì hả? Anh là đồ hèn!" Cô gào toáng lên với Lạc Tuấn Khải: "Thực ra anh sợ mình sẽ yêu Lịch Dạ, anh sợ trái tim anh sẽ rung động trước cô ấy! Anh cứ làm tình làm tội chị ấy như vậy là bởi nỗi sợ hãi đang có trong lòng anh mà thôi! Anh sợ chị ấy nhận ra, anh sợ người khác biết! Đừng tưởng em không hiểu, từ sau khi Dạ Tử bỏ đi, ngày nào anh cũng xem bộ phim "Đại Minh Cung Từ" ấy. Anh xem biết bao nhiêu lần rồi, anh còn chưa rõ bản thân mình đang nghĩ gì sao? Anh dồn Dạ Tử vào đường cùng, hóa ra anh cũng dồn cả bản thân anh vào đường cùng. Anh là đồ hèn nhát! Em nói cho anh hay, ngày Dạ Tử chết chính là ngày anh biết hối hận là gì!" Mắt cô đỏ ngầu, rồi ẵm đứa bé bước thẳng ra cửa, vừa đi mấy bước đã ngoảnh lại: "Anh là anh trai em, chuyện gì em cũng đứng về phía anh nhưng lần này thì em không thể. Vì anh đã quá sai lầm rồi, em không thể giúp anh được nữa. Dạ Tử hận anh cũng là đáng thôi, anh cứ chuẩn bị hối hận cả đời đi." Cô ngẩng cao đầu rảo bước ra ngoài, đứa trẻ nhoài người trên vai cô mở đôi mắt to tròn nhìn hắn đang chôn chân một chỗ. Cô với tay sập cánh cửa cái rầm.
Tất cả lại rơi vào tĩnh lặng, vẫn hắn đứng nguyên một chỗ, trên bàn loang loáng ngấn nước mắt của thằng bé vừa rỏ xuống ban nãy.
Khi Tiết Thiệu chấp nhận để mũi kiếm sắc bén của Thái Bình đâm ngập cơ thể hắn, thì hắn đã có cảm giác như thể mũi kiếm ấy đã đâm xuyên qua người hắn, đâm xuyên qua lục phủ ngũ tạng của hắn từ lâu, thế rồi chẳng còn biết đau là gì nữa.
Hắn nhớ giọng nói xa thăm thẳm ấy, cô bé con kia có chất giọng nửa hờn dỗi nửa hứng khởi dường như là cơn mưa phùn lao xao trong đêm đông vọng ra từ màn hình. "Chàng ấy có sống mũi giống Hoằng huynh, cao vút này, mà lại thẳng tắp cứ như là triền núi. Đôi mắt của chàng ấy thì lại hao hao Hiền huynh, tròn này, to này, chẳng khác nào một đầm nước sâu. Cặp lông mày của chàng ấy thật đẹp, đôi mày lưỡi mác ấy mang đậm khí khái anh hùng, nom tuấn tú lắm. Ngay cả bờ môi cũng rất ưa nhìn, không, là trông rất sáng sủa mà sắc nét, khóe miệng còn hơi vểnh lên. Cằm thì hơi nhọn, ở ngay chỗ này đây, khiến dáng vẻ chàng trở nên oai phong hơn. A phải rồi, hàm răng chàng ấy nữa chứ, chúng trắng như tuyết và đều tăm tắp, còn phản ánh hào quang.... lúc chàng cười ấy à, nụ cười dường như là ánh nắng rực rỡ của ngày xuân....." Hắn còn nhớ đôi mắt cô có vệt nước lóng lánh, đôi tay cô mảnh khảnh trắng muốt, nhẹ nhàng vuốt ve khuôn mặt hắn trong tấm hình. [hết] :((
(*Ghi chú: Tiết Thiệu là nhân vật trong bộ phim Đại Minh Cung từ hay còn gọi Ảo Vọng Quyền Lực, vai Thái Bình công chúa do Châu Tấn thủ vai, lời thoại trên của Thái Bình Công Chúa, tập 9, từ đoạn 21 phút trở ra)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro