Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 39

Chương 39: Ngâm du thi nhân

Để giúp sinh viên làm quen với hoạt động thương mại hóa âm nhạc, mỗi năm AMU đều bán vé buổi hòa nhạc cuối kỳ cho khán giả.

Tuy nhiên, hệ thống bán vé năm nay đã bị ảnh hưởng nặng nề, kênh đặt vé vừa mở vài giây là đã bị lượt truy cập khổng lồ làm sập, chỉ trong nháy mắt tất cả các hàng ghế đã bị "hốt" hết.

Nguyên nhân chỉ có một — không hiểu sao thông tin về việc tác phẩm được chỉ đạo bởi Hứa Mộ Thời và anh sẽ tham gia biểu diễn đã bị lan truyền đi khắp nơi. Ngoài khán giả bình thường trong khu vực ra còn có rất nhiều người yêu âm nhạc đến từ những nơi khác nhau, thậm chí có cả phóng viên tham gia, biến một buổi hòa nhạc trường học đơn giản thành một sự kiện với sức hút chẳng khác gì một buổi trình diễn của siêu sao.

Đối với các sinh viên có ước mơ âm nhạc, nhận được sự chú ý là việc rất vui, điều này có nghĩa là cơ hội hợp tác với các dàn nhạc lâu năm đang tăng lên. Cả trường như được tiếp thêm sức sống, các phòng luyện tập dù là ngày hay đêm đều sáng đèn, máy đếm nhịp lắc lư qua lại đầy nhiệt huyết.

Sau khi cân nhắc kỹ càng, AMU quyết định tăng thêm ngân sách, dành riêng cho giới truyền thông một chỗ ngồi đặc biệt.

Bản giao hưởng thơ của Mantura trở thành tiết mục được chú ý nhất trong buổi hòa nhạc lần này, thậm chí cả màn độc tấu 《Goldberg Variations*》 của William Bain — vốn được mong chờ từ lâu — cũng bị lu mờ. Các bài thảo luận về Mantura trên diễn đàn của trường liên tục xuất hiện, giúp cho khoa sáng tác, vốn ít được chú ý, bỗng dưng nổi bật hẳn.

* Goldberg Variations là một tác phẩm nổi tiếng của nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach, được viết cho đàn harpsichord (hoặc đàn dương cầm). Tác phẩm này gồm 30 biến tấu (variations) và được chia thành 32 phần, với phần đầu tiên và phần cuối cùng là những aria (bài hát đơn giản) giống nhau.

Về phần William Bain, cậu buồn bã vô cùng, mỗi lần đi ngang qua Mantura, sự muộn phiền trong cậu gần như biến thành vật thể kỳ lạ trôi nổi xung quanh.

Cậu than thở: "Chẳng ai mời tôi đảm nhận phần piano trong Hồ Vàng sao? Đúng là quá đáng mà!"

Và: "Tại sao giáo sư Hứa lại muốn vừa đàn vừa chỉ đạo mà không nghĩ đến việc giao phần piano cho tôi?"

Đáng tiếc là, "kẻ thù cướp ngai vàng của hoàng đế" trong hội trường, Lê Diệu, đã quay về Paris, Mantura lại bận rộn đến mức chẳng thể quan tâm đến nỗi buồn có thể sánh ngang với nỗi buồn Chopin* của hoàng tử piano.

*"Nỗi buồn Chopin" thường được hiểu như một biểu tượng về những cảm xúc da diết, lắng đọng trong âm nhạc của Frédéric Chopin. Cuộc đời và các tác phẩm của ông gắn liền với nỗi cô đơn, tình yêu dang dở, và nỗi nhớ quê hương không nguôi. Chopin, dù sống ở Paris, luôn mang trong tim nỗi hoài niệm về Ba Lan, nơi ông không thể quay về do hoàn cảnh chính trị.

Dù vậy nhưng phân đoạn trong Hồ Vàng đã được Hứa Mộ Thời dượt đi dượt lại năm lần, tiến độ khá khả quan.

"Chúng ta dừng ở đây thôi."

Khi bản nhạc kết thúc, Hứa Mộ Thời gật đầu.

"Bức tranh đa chiều, hòa âm rất hay." Anh dịu dàng nói: "Các em làm rất tốt."

Với phong cách giảng dạy khắt khe và tỉ mỉ của Hứa Mộ Thời, một lời khen như vậy có nghĩa là trình độ biểu diễn của các sinh viên đã hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để lên sân khấu biểu diễn cho buổi hòa nhạc cuối kỳ ở trường.

Tất cả các nhạc công, kể cả Mantura, cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm, bọn họ bỏ nhạc cụ xuống rồi bắt đầu lau mồ hôi trên trán.

"Cảm ơn trời, nếu còn chơi nữa chắc em không thở nổi mất." Cô nàng đảm nhận phần sáo mệt mỏi đóng bản nhạc lại, loạng choạng đứng dậy: "Mantura, mình đã cố gắng lắm đó, có gì thưởng cho mình không?"

"Cho cậu một ly trà sữa, nghỉ ngơi một chút đi." Mantura đang đứng cạnh sân khấu, cô điềm tĩnh nói: "Sau này mình sẽ thử thêm nhạc cụ bộ khí vào bài nhạc, để giảm bớt áp lực cho phần sáo."

Người chơi violin trừng mắt nhìn cô nàng thổi sáo nói: "Đừng nghe cậu ấy, buổi biểu diễn sẽ thành công mà."

Cô nàng thổi sáo lè lưỡi cười cợt.

"Phần solo dài 15 ô nhịp trong chương ba không hợp với sáo đúng không? Còn kèn trumpet thì sao? Còn sáo chăn cừu được giáo sư đề nghị thế nào?"

"Cây sáo đó chính là âm sắc mà mình muốn." Mantura khẳng định: "Kèn trumpet sẽ đảm nhận phần hòa âm giọng Mi giáng trưởng."

— Có vẻ như tiến độ sáng tác đang bị đình trệ sẽ nhanh chóng có tiến triển.

Bọn họ nhìn nhau, vẻ mặt ai nấy cũng có vẻ rất nhẹ nhõm.

"Bọn mình sẽ cố gắng theo kịp cậu, thiên tài âm nhạc tương lai à."

Mantura nhẹ nhàng mỉm cười, mặc dù trong lòng cô vẫn chưa nhẹ nhõm được bao nhiêu.

Cô có phong cách sáng tác táo bạo, không đi theo lối mòn, nhưng trong việc thể hiện tính nhạc, cô luôn tuân theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

Chất lượng cao đồng nghĩa với việc nhạc sĩ phải liên tục chất vấn và tra tấn bản thân không ngừng. Cảm giác cô đơn vì quá nhập tâm vào sáng tác không phải là nói quá.

Không biết từ lúc nào mà cô gái trong câu chuyện đã bước vào con đường của một vị tử đạo, hồ nước vàng mà cô tin tưởng đã trở thành vật tế. Câu chuyện kỳ ảo này có vẻ không quá khó hiểu, nhưng những cảm hứng bất chợt lóe lên lại khó mà viết thành một bản nhạc hoàn chỉnh. Trong quá trình chuyển nó thành âm nhạc, Mantura không thể tránh khỏi việc nghi ngờ bản thân.

Cô không chắc về cách mình truyền tải câu chuyện, cô cảm thấy lo lắng vô cùng.

Trong khoảng thời gian này, cô đã thử rất nhiều cách để tìm cảm hứng, như: đọc thơ, nghe nhạc, đi du lịch hoặc ngồi lơ đãng ở quảng trường cổ. Nhưng ngoài việc bị một loạt những kẻ có ý đồ xấu tiếp cận ra thì gần như không có bước đột phá nào.

Khi bản nhạc được hoàn thành, Mantura vội vã đuổi theo Hứa Mộ Thời: "Giáo sư."

Hứa Mộ Thời mở cửa phòng hòa nhạc ra, anh vừa đi về phía thang máy vừa nhìn đồng hồ: "Vẫn còn một chút khuyết điểm, nhưng như vậy đã khá tốt rồi, trước buổi biểu diễn nhớ luyện lại vài lần nữa."

Mantura gật đầu.

Hứa Mộ Thời hỏi cô: "Em đã thử qua sáo Fujiara chưa?"

"Giảng viên Hannah có thể thổi được nốt C4 ở giọng Sol trưởng, âm sắc mà cô ấy thổi ra rất hay." Mantura đáp.

"Em theo cô ấy chắc chắn sẽ học được rất nhiều thứ. À, này..." Hứa Mộ Thời ngắn gọn nhắc nhở: "Không cần quá bận tâm về âm sắc, tạp âm chói ở quãng cao hay âm trầm ở quãng thấp đều không quan trọng."

Mantura ôm bản nhạc đi theo anh.

Hứa Mộ Thời liếc nhìn cô một cái, ánh mắt như thể hiểu rõ được những suy nghĩ trong lòng cô.

"Vẫn chưa tìm được cảm hứng sao?"

Mantura buông xuôi gật đầu: "Khó viết quá ạ."

Hứa Mộ Thời nhẹ nhàng "ừm" một tiếng.

"Không tìm được cảm hứng thì làm việc khác trước đi, sáng tác luôn là một quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ mà."

Mantura cúi đầu, mãi một lúc sau cô mới khẽ nói: "Nhưng... em không muốn làm người khác thất vọng."

Việc thiếu cảm hứng sáng tác và việc nhận được sự chú ý quá lớn đã phần nào tạo thêm gánh nặng cho Mantura.

"Ở tuổi của em, chút áp lực này chẳng phải là chuyện bình thường sao?"

Hứa Mộ Thời dừng bước trước thang máy, anh suy nghĩ một lúc rồi cười nói: "Tôi nghe người ta nói, Gramonphone* đã phỏng vấn em, còn nói trong bản giao hưởng của em có bóng dáng của Strauss à?"

*Tạp chí uy tín về nhạc cổ điển.

"Vâng? Dạ..." Mantura xấu hổ đáp.

"Đó là chuyện tốt mà." Hứa Mộ Thời nói: "Nhưng ngay cả Strauss cũng không thể có nguồn cảm hứng vô tận được, nếu không thì tranh cãi về 《Salome*》 từ đâu mà có? Em hãy thư giãn đi, đừng suy nghĩ nhiều quá."

*Salome là một vở opera nổi tiếng của nhà soạn nhạc người Đức Richard Strauss, được sáng tác vào năm 1905. Tác phẩm này dựa trên vở kịch Salomé của Oscar Wilde, kể về câu chuyện kinh điển trong Kinh Thánh về Salome, con gái của nữ hoàng Herodias, người yêu cầu cái đầu của tiên tri John the Baptist (Ján Baptista) sau khi cô nhảy múa và quyến rũ vua Herod.

... Đây đúng là kiểu an ủi điển hình của Hứa Mộ Thời.

Cũng không thể trách anh được, dù sao thì cả đời này anh cũng không có mấy lần an ủi người khác, nếu không phải là học trò mà anh thật sự tin tưởng, có khi anh cũng chẳng buồn nói lấy một lời.

Mantura buồn bã nhìn anh: "Giáo sư, gần đây em luôn sắp xếp lại các ý tưởng sáng tác... những chương nhạc mang tính triết lý khiến em thấy rất khó khăn."

Hứa Mộ Thời nghe vậy cũng không ngạc nhiên gì mấy, anh suy nghĩ một lúc rồi hỏi cô: "Cách sáng tác của em là bắt đầu từ giai điệu trừu tượng, sau đó hòa âm phối khí rồi cuối cùng mới xây dựng chủ đề đúng không?"

Mantura gật đầu thừa nhận.

Hứa Mộ Thời nói: "Vậy khi mô tả những cảnh tượng trong câu chuyện em sẽ cảm thấy rất dễ, vì các phần phối khí trong tưởng tượng có thể khớp nhau, nhưng khi phải đối mặt với những phần cần bước đột phá, lại không thể có được ý tưởng."

Mantura có vẻ đã hiểu ý anh.

Cô đứng sau Hứa Mộ Thời, cắn môi nói: "Thật ra cũng không thể nói là hoàn toàn không có, chỉ là rất mơ hồ, em cứ cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó."

"Em muốn tăng chiều sâu của bản nhạc, nhưng lại có quá nhiều suy nghĩ, em thậm chí còn cảm thấy mình không còn nhận ra nhân vật bản thân đang sáng tác nữa. Lạ thật, rõ ràng cô ấy là em mà."

Có lẽ vì đang ở trước mặt vị giáo sư mà mình ngưỡng mộ nên Mantura có hơi bối rối: "Có phải em đã suy nghĩ quá nhiều rồi không?"

— Đương nhiên là không.

Sự sống và cái chết, ngọt ngào và đau khổ, quá khứ và tương lai... những cuộc thảo luận này gần như đã tồn tại xuyên suốt toàn bộ lịch sử văn minh loài người, nó là động lực nguyên thủy để nghệ thuật phát triển đến hôm nay.

Hứa Mộ Thời không nói gì, dường như anh đang suy nghĩ gì đó.

Với tư cách là một nhạc trưởng, anh hoàn toàn hiểu được hướng đi của từng phần trong Hồ Vàng, cũng như sự tỉ mỉ trong việc bố trí từng nhạc cụ của nhà soạn nhạc.

Bản giao hưởng này không chỉ đơn giản là một tác phẩm huyền ảo tuyệt đẹp, Mantura hy vọng cô có thể khám phá cuộc sống của bản thân thông qua âm nhạc, đưa mọi mâu thuẫn và lời giải vào từng nốt nhạc.

— Tuy nhiên, đối với một cô gái chưa đầy hai mươi tuổi, cô vẫn chưa có đủ kinh nghiệm sống để làm ra một tác phẩm có ý tưởng lớn như vậy.

"Âm nhạc có bao nhiêu phần không quan trọng, quan trọng là các phần khác nhau phải mang ý nghĩa khác nhau." Hứa Mộ Thời nhẹ giọng nói: "Rất nhiều người đến giờ vẫn chưa hiểu điều này. Em đã làm rất tốt rồi."

Anh dừng lại, đột nhiên hỏi: "Em còn nhớ bài học đầu tiên trong chuyên ngành sáng tác là gì không?"

Mantura vẫn chưa hoàn hồn, cô ngẩn người một lúc, không chắc chắn trả lời: "... Có phải thầy đang nói về 《Listening to Music*》không?"

*Dịch ra nghĩa là Lắng Nghe Âm Nhạc. Một môn học bắt buộc trong khoa sáng tác. Listening to Music là một cuốn sách nổi tiếng của tác giả Craig Wright, được xuất bản lần đầu vào năm 2008. Cuốn sách này được viết với mục đích giúp độc giả, đặc biệt là những người mới bắt đầu học về âm nhạc, có thể hiểu và thưởng thức âm nhạc một cách sâu sắc hơn. Sau được đưa vào giảng dạy trong các trường đại học.

Hứa Mộ Thời lắc đầu, mỉm cười: "Là âm nhạc và bản chất con người."

"Nhạc sĩ muốn có cảm hứng sáng tác, đầu tiên phải học cách tách mình khỏi bản chất của những nhân vật mình viết. Vì chỉ khi tách biệt khỏi câu chuyện, người nhạc sĩ mới có thể giữ được lý trí và sự khách quan của âm nhạc."

Mặc dù như vậy rất khó.

Hứa Mộ Thời từ từ nói tiếp: "Nhân vật trong câu chuyện là cô đơn, tự kỷ, không hòa nhập với thế giới thực, cuối cùng ngay cả linh hồn cũng không có chốn nương tựa... Nhưng Mantura, ngoài đời em lại là người lý trí, tự tin, có những người bạn đồng hành."

"Cô ấy là em, nhưng em không phải là cô ấy."

Hứa Mộ Thời dịu dàng nhìn Mantura, ánh mắt ấy có một sức thuyết phục lạ lùng: "Câu chuyện của cô ấy sẽ kết thúc ngay tại Hồ Vàng, nhưng câu chuyện của em còn dài lắm. Cô ấy có thể là một mảnh nhỏ trong hàng triệu linh hồn của em, nhưng tuyệt đối không phải là em."

Mantura cau mày, khó hiểu hỏi: "Giáo sư, nhưng thầy đã nói, sáng tác cần phải tự xem xét và phân tích bản thân."

"Đương nhiên không phải là bảo em dừng việc khám phá bản thân lại." Hứa Mộ Thời nhìn cô gái đang trong giai đoạn trưởng thành, anh dành cho cô sự kiên nhẫn hiếm có: "Nhà soạn nhạc giống như nhà văn, họa sĩ, đôi khi cũng như diễn viên, nhập vai là điều cần thiết, nhưng mục tiêu cuối cùng là phải học cách kể câu chuyện của linh hồn người khác."

Đắm chìm trong cảm xúc không hẳn là điều xấu, nhưng những tưởng tượng hão huyền sẽ không định hướng được cuộc đời, sáng tác chỉ có cao trào thì mãi mãi không thể thuyết phục được người nghe.

Hứa Mộ Thời dùng tay cài khuy áo lại, anh nói: "Nếu cả đời này em chỉ sáng tác về bản thân, có lẽ em là một nghệ sĩ xuất sắc, nhưng sẽ không phải là một người sáng tác tốt. Em có thể thử thay đổi góc nhìn, kể câu chuyện của cô ấy từ góc nhìn của một người ngoài cuộc."

Mantura hỏi: "Người ngoài cuộc... người ghi chép sao?"

Hứa Mộ Thời gật đầu xác nhận: "Người ghi chép, người kể chuyện, hoặc có thể dùng một cách nói cổ điển hơn— Ngâm du thi nhân*."

*吟游诗人 - Ngâm du thi nhân có thể được hiểu là một người kể chuyện hoặc người hát về các câu chuyện, đặc biệt là những câu chuyện thần thoại, lịch sử, hoặc các sự kiện nổi bật trong văn hóa. Đây là một khái niệm bắt nguồn từ truyền thống văn hóa phương Tây và phương Đông, nơi các nghệ sĩ này không chỉ sáng tác mà còn biểu diễn các tác phẩm của mình, truyền tải những câu chuyện qua âm nhạc hoặc thơ ca. Cụ thể trong ngữ cảnh này,  ám chỉ việc người sáng tạo (như Mantura trong câu chuyện) có thể nhìn nhận câu chuyện và nhân vật không chỉ từ góc độ cá nhân mà còn từ cái nhìn của một người ngoài cuộc, người kể lại câu chuyện của nhân vật, giống như một thi nhân ngâm thơ, không hoàn toàn lún sâu vào cảm xúc cá nhân mà vẫn giữ được sự khách quan và tách biệt.

Mantura nhìn bản nhạc trong tay, cô chìm trong suy tư, không biết nên đáp lời thế nào.

Hứa Mộ Thời nhấn nút thang máy, không làm phiền cô nữa.

"Em..." Một lát sau, Mantura nhẹ giọng nói: "Em hy vọng mình có thể trở thành một người sáng tác giống như thầy vậy, giáo sư."

Hứa Mộ Thời nghe vậy không khỏi ngẩn ra, nghĩ đến bản "Tổ Khúc Các Vì Sao" vẫn chưa hoàn thành, anh không khỏi bật cười.

"Tôi rất vinh dự. Mặc dù bây giờ tôi vẫn chưa phải là một người sáng tác tốt" Anh bình thản nói: "Nhưng tương lai nhất định sẽ trở thành."

"Phải chăng vì còn có rất nhiều chuyện muốn kể?" Mantura tò mò hỏi.

Hứa Mộ Thời ừ một tiếng, ánh mắt rơi vào con số đang nhảy trên thang máy: "Có lẽ vì tôi đã gặp rất nhiều người, trải qua rất nhiều chuyện."

Thang máy "ding" một tiếng, cửa thang máy mở ra.

Mantura đi theo anh vào thang máy, rồi bỗng nhiên nhớ ra điều gì đó.

"Mà giáo sư này." Cô khó hiểu nói: "Hôm qua... cô Hannah hỏi em một câu, em cũng không biết trả lời sao."

Hứa Mộ Thời ra hiệu cho cô cứ thoải mái hỏi.

Mantura tò mò nói: "Cô ấy hỏi em cái gì mà... tình anh em xã hội chủ nghĩa gì đó."

"..."

"... Không biết liệu có tình chị em xã hội chủ nghĩa không ạ."

"..."

"Đó có phải là cách nói biểu đạt cảm xúc của người phương Đông không giáo sư?"

"..."

Bầu không khí trong thang máy chìm trong khoảng lặng, biểu cảm trên mặt Hứa Mộ Thời khó diễn tả vô cùng.

Mantura đang lưỡng lự không biết có nên mở miệng hỏi nữa không, thì đột nhiên điện thoại trong túi Hứa Mộ Thời reo lên.

Hứa Mộ Thời ho nhẹ, anh không nhìn vào màn hình điện thoại mà trực tiếp đưa lên nghe: "Alo?"

Ngay sau đó, giọng nói quen thuộc, đầy nhiệt tình của Lê Diệu phát ra: "Thầy Hứa! Có nhớ tôi không? Tôi về rồi đây, có đem theo bánh macaron và cả con chuột đầu bếp dễ thương lắm, chúng ta cùng nhau ăn tối nhé? Tôi sẽ qua đón anh ngay..."

Hứa Mộ Thời vô cảm dứt khoát cúp máy.

Lời editor:

Con chuột đầu bếp mà Lê Diệu nhắc đến là Remy trong bộ phim Ratatouille. Ngoài ra Ratatouille còn là một món ăn truyền thống của Pháp, đặc biệt phổ biến ở vùng Provence. Đây là một món hầm rau, thường được làm từ các loại rau củ như cà tím, bí ngòi, ớt, cà chua, hành tây và tỏi, tất cả đều được nấu chín trong dầu ô liu và gia vị. Món ăn này có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau, nhưng cách phổ biến nhất là hầm tất cả các nguyên liệu với nhau cho đến khi mềm. Lê Diệu đang nói đùa hoặc dùng hình ảnh của con chuột đầu bếp trong bộ phim để thêm phần thú vị  khi mời thầy hứa ăn tối cùng mình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro