Chương 14. Thư của A Đào
Ngay cả khi đã ngủ thiếp đi, nước mắt của cô ta vẫn chảy. Những giọt nước mắt ấy như những mũi kim nhọn liên tiếp chích vào người anh, khiến toàn thân anh tê buốt. Anh lơ đãng nhìn xuống dưới vườn chanh sai trĩu trịt. Mưa phùn dịu dàng ghé ngang qua những trái chanh chín mọng, vô tình để lại những giọt nước long lanh tựa sương sớm trên lớp vỏ vàng óng ả. Phía xa xa, hoa ban phủ trắng tinh khôi khắp núi rừng, rộn rã đón chào một mùa xuân mới. Ở trong các khu vườn nhỏ, đào cũng đã khoe sắc hồng thắm. Cảnh xuân tươi mát mỹ miều bao nhiêu thì lòng anh nẫu nề bấy nhiêu. Đứa con bé bỏng đáng thương của anh còn chưa kịp chào đời đã bị người đàn bà này hại. Lẽ ra, anh nên trả thù cô ta chứ không phải là để cô ta nằm trong lòng anh như thế này. Lẽ ra, anh không nên lo lắng cho cô ta.
Một năm gần đây, anh nhận thấy mình rất hay nổi nóng. Những lúc bình tĩnh, anh đã tự khiển trách bản thân, tự hứa với mình lần sau sẽ cố gắng kiềm chế cơn giận. Nhưng rồi, đâu lại vào đấy. Anh rồi vẫn cứ không kiểm soát được cảm xúc của mình. Anh trở thành một con người mà chính anh cũng cảm thấy xa lạ. Nhờ vào sự chăm sóc tận tình của Khánh, anh đã tìm lại được gần hết những mảnh ký ức đã mất. Giữa anh và Khánh là cả thanh xuân, vậy mà khi nghĩ về cô ấy, anh chỉ thấy có lỗi và thấy thương hại thôi chứ không có chút rung động nào cả. Anh tưởng ngoài bệnh đãng trí, anh còn bị bệnh vô cảm. Chỉ đến hôm nay, ôm người đàn bà này trong vòng tay, anh mới chợt nhận ra anh không hề trơ lì như mình tưởng. Anh cảm thấy xao xuyến như thể vừa được gặp lại người tình lâu năm. Ánh mắt anh nhìn ngắm cô ta, si mê không rời. Ngón trỏ của anh khẽ miên man quanh chiếc cổ trắng ngần. Anh vô thức cúi đầu xuống, khi cánh môi của hai người chỉ cách nhau vài phân, tim anh đập loạn. Hơi thở của anh dồn dập phả vào má ai kia, vô tình đánh thức cô ta. Sau một giây bàng hoàng, cô ta rất nhanh đã lấy lại phong độ. Cô ta nhoài người bật dậy, đanh đá hỏi:
- Mày khùng hả Kiệt?
Anh Kiệt tự thấy mình khùng thật, một người không thể kiểm soát được hành động và cảm xúc của mình, nếu không khùng thì là gì nữa? Nhưng vì sĩ diện nên anh cố tình bảo:
- Tôi đã nói là tôi chưa bao giờ bị khùng rồi mà.
- Vậy vừa nãy mày làm cái trò mèo gì thế?
- Tôi tưởng cô thích thế?
- Tao thích thế hồi nào?
- Không thích sao lúc tôi bế nằm im như cún vậy?
- Đó là do tao mệt, đầu óc không bình thường.
Chị Khuê lý luận. Nghe tin hôm nay đôi cẩu nam cẩu nữ về làng nên đêm qua chị ức không ngủ được. May mà ban nãy nằm trong lòng thằng Kiệt chợp mắt được một tí, không thì chắc bây giờ chị kiệt sức luôn rồi. Rõ ràng, chị căm hận nó, thế mà lúc yếu mềm vẫn cứ theo thói quen dựa dẫm vào nó, để bây giờ nó có cớ xỉa xói chị:
- Ra vậy. Vậy thì ban nãy tôi cũng mệt như cô thôi, lúc đó, đầu óc tôi cũng không bình thường nên hành động điên rồ. Câu trả lời đã vừa lòng cô chưa?
- Chưa. Tao vẫn bị thiệt hơn mày á.
- Sao mà thiệt hơn? Thiệt hơn chỗ nào?
- Thiệt hơn ở chỗ mày đã kiếm được mối ngon rồi, còn tao vẫn chưa chấm được anh nào cả. Ban ngày ban mặt, mày hành xử không phải phép như thế nhỡ có ai đi qua, trông thấy cảnh đấy người ta lại hiểu nhầm tao thì sao?
- Ai đi qua? Chỉ tôi và cô có chìa khoá của vườn chanh, ai đi qua cho được?
Anh Kiệt cáu kỉnh hỏi. Chị Khuê giải thích:
- Không phải chỉ tao và mày mới có chìa khoá, thằng Vinh cũng có chìa khoá.
- Thằng Vinh là thằng nào? Vườn chanh tôi tặng cô để cô đánh thêm chìa khoá cho thằng nào?
Anh Kiệt đâu có hỏi chị Khuê không đâu, anh còn điên tiết đấm tay rất mạnh vào chiếc bàn gỗ khiến chị Khuê giật bắn người. Chị hổ báo cáo chồn thế mà vẫn bị khí thế của anh doạ cho xanh mặt. Chị lí nhí nói:
- Thằng Vinh... là thằng... thằng... mua chanh sỉ. Nó mua chanh của tao... để... để đem lên thành phố bán cho các chợ... nên tao... tao... đánh thêm một chiếc chìa khoá mới cho nó... cho tiện.
- Tiện? Thế nào là tiện? Là hái chanh xong mệt quá, tiện thể dắt nhau lên chòi ngắm sao làm chén trà hả?
- Không, bọn tao chưa bao giờ dắt nhau lên chòi ngắm sao uống trà cả. Thằng Vinh nó trẻ chứ đâu có già như tụi mình, nó không thích uống trà đâu. Hôm nào tao bận bán rau ở dưới thị trấn thì tao mua cho nó lon bia để ở dưới gốc chanh, còn hôm nào tao rảnh thì hai đứa tao chỉ trải chiếu ngồi dưới vườn nhậu với nhau thôi à.
- Chỉ thế thôi à? Chỉ thế thôi? Bán có vài quả chanh mà chiều khách gớm nhỉ?
- Ơ? Vài quả chanh là vài quả chanh thế nào? Người ta là khách sộp, một lần tới là mua cả tạ chanh mà. Mình là người bán hàng thì mình phải xởi lởi chứ lị, châm ngôn của tao là khách thích thì nhích thôi.
- Cô ăn nói thế mà nghe được à? Vậy nếu thằng Vinh thích cởi váy cô, cô có nhích không?
- Mày hỏi câu tầm bậy hết sức! Thằng đó kém tao cả chục tuổi, nó thích thì nó yêu gái trẻ chứ sấn vào bà già như tao làm gì?
- Cô tự biết cái độ già của mình như thế là tốt đấy. Đừng có ham trai trẻ, bọn trẻ ranh nó chỉ chơi bời thôi à, rồi đến lúc nó đá cho thì lại cay.
- Tao biết rồi. Mày khỏi dặn thừa. Tao về ăn Tết đây. Chào. Không hẹn gặp lại!
Chị Khuê thơ thẩn đi bộ về nhà. Anh Kiệt cứ lẽo đẽo đi đằng sau chị khiến chị rất bực mình. Chị hỏi:
- Ai mượn mày bám đuôi tao?
- Ai mượn con đường này cũng dẫn về nhà tôi?
Anh Kiệt hỏi lại khiến chị Khuê bị quê quá chừng. Chị chữa ngượng bằng cách vặn vẹo anh:
- Sao mày đi chậm thế? Mày có người đàn bà học thức cao đang đợi ở nhà thì mày phải đi nhanh hơn chứ?
- Sao có người đợi lại phải đi nhanh hơn?
- Ơ kìa? Cái thằng này hỏi câu ngu quá thể! Có người đợi thì lòng mình háo hức, tim mình rộn ràng, mình mong về với người ta chứ còn gì nữa?
Anh Kiệt thừ người. Chị Khuê phân tích cũng chí lí đấy chứ. Chỉ là, anh không hề háo hức muốn về nhà. Ngược lại, khi về tới nhà, anh còn thấy hơi hụt hẫng nữa. Khánh thấy anh Kiệt quyến luyến nhìn theo bóng lưng của chị Khuê thì thoáng buồn. Có một vài hành động vốn dĩ đã trở thành bản năng, ăn sâu vào máu thịt của anh rồi, vĩnh viễn không thể mất đi được. Cùng dùng một loại thuốc như nhau để tiêm cho người mình thương mà bọn bạn Khánh đã cướp chồng của người ta suôn sẻ hết rồi. Chả bù cho Khánh, cô mới chỉ thành công trong việc khiến anh Kiệt thương xót cô, tận tình chăm sóc cô để bù đắp thôi, chứ tình cảm của hai người chưa tiến xa lắm. Ở chung với nhau cả một năm nhưng ngoài những lúc gặp ác mộng ra thì anh chưa từng chủ động sang phòng Khánh. Những lúc đó, anh thường rất bất an, anh lo lắng cho người vợ trong mộng. Anh tưởng người đó là kiếp trước của Khánh nên cô mới được ké tí yêu thương. Người phụ nữ đó là ai? Có phải anh Kiệt bị tiêm thuốc và nghe chuyện bịa nhiều quá nên anh ảo tưởng ra cô ấy hay cô ấy thực sự là kiếp trước của ai đó? Đến thời điểm hiện tại, Khánh vẫn chưa có đáp án.
Tuy nhiên, trong bộ tiểu thuyết của mình, Khánh đã viết lại tất cả các giấc mơ của anh Kiệt và tiết lộ với độc giả đó là kiếp trước của Khánh An. Cho dù chương truyện viết về kiếp trước hay kiếp này thì độc giả cũng đều xót xa cho số phận bi thảm của nữ chính. Đọc những bình luận yêu thương mọi người gửi tới Khánh An mà Khánh lại lầm tưởng rằng mình được yêu thương rất nhiều. Cô dần dần tin rằng người vợ trong giấc mộng của anh Kiệt chính là mình ở kiếp trước. Cô rất thích cuộc sống của mình sẽ diễn ra y hệt như trong truyện. Tối mồng một, Khánh đăng chương mới kể về việc Khánh An về thăm ông bà nội, bị ông bà đuổi nên cô đã quỳ trước cổng nhiều tiếng đồng hồ, bị nước mưa ngấm vào người dẫn tới cảm lạnh. Sáng mồng hai, Khánh đem túi quà Tết to bự về biếu ông bà. Đúng như cô dự đoán, ông bà khoá cổng không cho cô vào nhà. Khánh đau lòng quỳ trước cổng. Tiếc rằng, trời nắng đẹp chứ không có mưa, giá kể có tí mưa là bi thương giống y hệt như trong tiểu thuyết rồi. Cơ mà cũng chẳng sao cả, nom cô quỳ như vậy, anh Kiệt xót lắm. Anh bảo cô:
- Đứng lên đi về thôi em, mấy hôm nữa ông bà nguôi giận thì mình qua thăm sau.
- Mấy hôm nữa cụ thể là mấy hôm hả anh? Em không hiểu chị Khuê bơm đểu gì với ông bà mà anh chị bỏ nhau từ năm ngoái nhưng tới năm nay ông bà vẫn cạch mặt em. Em cũng không hiểu mình đã làm sai điều gì nữa? Em đau lắm anh à. Hôm nay, em sẽ quỳ tới khi nào ông bà thấy được thành ý của em, không hiểu nhầm em nữa thì thôi.
Mấy bà hàng xóm nghe lỏm được Khánh nói vậy thì bắt đầu xì xào bán tán. Họ mắng Khuê đểu cáng, mắng ông Khá bà Ổn đứa học thức cao nói thì không tin lại đi tin lời cái đứa chẳng có bằng đại học để rồi đối xử phũ phàng với Khánh. Tóm lại, ông bà vừa ngu vừa ác. Chị Khuê nghe người ta mắng ông bà mình thì rất bực. Chị chửi mấy bà nhiều chuyện. Họ lảng đi chỗ khác. Ngặt nỗi, sau lưng gia đình chị, họ có bàn tán tiếp hay không thì chị chẳng thể kiểm soát được. Họ hàng bên đằng nhà nội ngồi trong phòng khách cũng bắt đầu nhận xét ông bà khó tính này nọ rồi. Dẫu chị và Khánh có mâu thuẫn thì nó vẫn là cháu gái của ông bà, chị không muốn vì thương chị mà ông bà bị mang tiếng ác. Chị thở dài bảo ông nội:
- Anh Khá cho em mượn cái chìa khoá cổng tí!
Ông Khá lừ mắt hỏi chị Khuê:
- Tôi anh em gì với nhà chị?
- Gọi anh cho nó trẻ, sướng quá còn gì? Đưa chìa khoá cổng cho em, mau lên!
- Không đưa. Uống thuốc chưa?
Chị Khuê phì cười. Ông chị già rồi, hay quên cái nọ cái kia nhưng từ khi chị xuất viện, việc uống thuốc của chị, ông chưa bao giờ quên. Ngày nào ông cũng nhắc mấy lần luôn à. Chị lễ phép đáp lời ông nội:
- Dạ thưa anh, ban sáng, em uống thuốc rồi ạ.
- Thế đã uống thuốc buổi trưa chưa?
- Ơ hay? Cái anh này hỏi kỳ nhể? Đã ăn trưa đâu mà uống thuốc? Phải uống thuốc sau bữa ăn á.
- Thế mau đi ăn đi, đừng lo chuyện bao đồng.
Ông Khá nhắc nhở cháu gái. Ngặt nỗi, Khuê bướng bỉnh chẳng chịu nghe lời ông. Nhân lúc ông không để ý, nó nhanh tay chôm luôn chùm chìa khoá trong túi áo của ông rồi chạy ra ngoài sân mở cửa cho Khánh và Kiệt vào nhà. Khuê chỉ được cái to mồm thôi chứ còn khờ dại lắm, tính nó đúng kiểu gái quê thật thà, chất phác, hay thương người. Chả bù cho Khánh, cũng sinh ra ở quê mà chảnh. Bà Ổn lau nhà sạch sẽ từ tối hôm qua, bà xếp mấy chục đôi dép tổ ong màu hồng ngay ngắn ngoài hiên cho khách đi vào trong nhà, thế mà Khánh chê không thèm xỏ. Nó lễ phép bảo ông:
- Con nghĩ ông bà nên bỏ thói quen đi dép tổ ong màu hồng vào dịp năm mới đi cho nó đỡ phèn, ông ạ. Con đã mua bốn đôi dép hàng hiệu để đi trong nhà. Con mời ông bà ra ngoài hiên thử dép cùng con và anh Kiệt ạ.
Họ hàng nhà ông Khá tấm tắc khen Khánh có hiếu. Cơ mà, ông chả thấy thế. Ông chỉ thấy ở đây có một sự màu mè không hề nhẹ thôi. Ông bĩu môi bảo:
- Gớm ạ! Tôi người nhà quê, tôi phèn nó quen rồi. Có mỗi bốn đôi dép thôi mà, thử thiếc làm gì cho phức tạp? Hai anh chị mỗi người xỏ vào chân một đôi, xỏ vào tay một đôi rồi che lên má. Ai kêu da mặt dày quá làm chi?
Khánh buồn rớt nước mắt. Mấy thím thương Khánh lại hùa nhau nói ông Khá chấp nhặt cháu gái. Chị Khuê đành phải cầm đôi dép đem vào trêu ông:
- Ơ hay cái anh này giận dai thế nhờ? Cháu gái mua dép đẹp cho thích bỏ xừ đi được còn làm màu! Nào! Nâng chân lên, em xỏ dép cho! Đi vào nó lại oai oách hết cả người, chị Ổn lại cứ phải gọi là mê tít thò lò ý chứ!
- Cha bố nhà chị! Cứ phải có đôi dép này chị Ổn mới mê tôi à? Đàn ông mà phải dùng vật chất mới cua được gái thì vứt, đàn ông có mới nới cũ cũng vứt nốt!
Ông Khá mắng bâng quơ nhưng vẫn vui vẻ để chị Khuê xỏ dép cho mình. Khánh thấy chị được ông nội thiên vị thì ghen tím cả mặt. Dép sang, dép xịn như thế mà nằm trong bàn tay của một con người hèn mọn như chị nom nó lại cứ bị phèn hẳn đi. Khánh cầm đôi dép hàng hiệu đưa cho bà Ổn rồi phát quà Tết cho mọi người trong họ để lấy lòng. Sau đó, cô rút phong bao mừng tuổi ông bà kèm theo lời rào đón hết sức nhiệt tình:
- Đầu xuân năm mới, con có hai chục triệu gọi là tiền mừng tuổi ông bà. Con mong ông bà nhận cho con vui.
Họ hàng được phen nhao nhao cả lên:
- Úi! Mừng tuổi chi mà mừng tuổi hai chục triệu lận! Chị Khánh thoáng tay ghê!
- Phong bao vừa to vừa dày! Nhất ông Khá nhá!
- Họ Phạm nhà ta có cô cháu gái vừa có học thức cao, vừa giàu có kể cũng mát mặt, các bác nhể?
Ông Khá cười khẩy nhận lấy phong bao của Khánh. Cô tưởng ông bị đồng tiền làm cho mờ mắt nên có chút vui vẻ. Ai ngờ, ông đưa luôn phong bao cho chị Khuê. Khánh đau lòng khủng khiếp. Cô uất ức hỏi:
- Ông nội! Ông nội làm gì vậy? Tiền con mừng tuổi ông chứ đâu phải cho chị Khuê?
Ông nội điềm nhiên bảo Khánh:
- Tao trả cho con Khuê một phần tiền nó nuôi mày ăn học, chứ không lẽ để mày cuỗm chồng nó xong rồi lại để mày nuốt luôn cả tiền của nó à?
Khánh cay như vừa ăn ớt. Chị Khuê đưa phong bao cho bà Ổn rồi nói lời giảng hoà:
- Thôi thôi... em xin anh Khá. Sáng hôm qua, em đã mừng tuổi cho con Khánh gáo nước đới bò rồi. Chuyện khúc mắc giữa em và nó coi như xong. Em thừa nhận là em cũng bị ấm ức một tí, nhưng mà ép dầu ép mỡ chứ ai nỡ ép duyên hả anh? Năm hết Tết đến rồi, anh bỏ qua đi cho nó vui nhà vui cửa.
Bà chị họ ông của Khá cũng lên tiếng:
- Đúng rồi, ông Khá bỏ qua cho Khánh đi. Nó và thằng Kiệt yêu nhau thì cho tụi nó đến với nhau. Khuê bỏ Kiệt cũng đâu phải là tận thế đâu. Từ năm ngoái tới giờ bao nhiêu mối hỏi Khuê đấy thôi, toàn trai tân trẻ măng ý à. Nhất là thằng Vinh ý, đàn ông con trai gì mà da trắng, má hồng, nom phát mê!
Bà vừa dứt lời thì nghe thấy tiếng í ới ngoài cổng:
- Ông Khá! Bà Ổn! Ông Khá bà Ổn ơi! Con là Vinh đây ạ! Ông Khá bà Ổn có nhà không ạ?
Ông Khá lớn tiếng nói:
- Có nhà. Cả Khá và Ổn đều đang ở nhà.
Anh Kiệt liếc ra ngoài cổng, thấy có đứa hớn hở đi vào trong nhà, anh không được vui cho lắm. Chưa kể, vừa vào tới phòng khách, nó đã nháy mắt trêu chị Khuê. Rảnh quá à? Ấy vậy mà chị Khuê cũng cười cười hỏi:
- Sang chúc Tết ông bà chị à?
Vinh ngoan ngoãn đáp lời chị:
- Dạ, không hẳn là thế ạ.
Chị Khuê đăm chiêu không hiểu chuyện gì. Vinh biếu ông Khá gói mứt Tết rồi lễ phép nói:
- Đầu xuân năm mới, con sang đây biếu ông bà gói mứt do con tự tay sên, trước là để chúc ông bà vạn sự như ý, sau là để thể hiện tấm lòng thành của con. Con mong ông cho phép con ra Giêng rước chị Khuê về nhà ạ.
Chị Khuê sốc nặng. Chị hỏi Vinh:
- Mày điên à?
Vinh nhẹ nhàng đáp:
- Dạ, em không điên. Em đã suy nghĩ kỹ rồi. Ra Giêng em được tuổi, em rước chị về là hợp lý ạ.
- Cưới vợ chứ có phải trò đùa đâu hả? Mày hỏi ý kiến của người lớn chưa? Có bậc phụ huynh nào trong cái làng này cho con trai mình lấy vợ hơn chục tuổi không?
- Dạ, thưa chị là có phụ huynh nhà em ạ. Mẹ em mê chị từ cái đợt mẹ em nói xạo là mẹ em nghèo rồi được chị bán cho mười quả mướp với giá một ngàn đó ạ. Ba em tuy không mê chị nhưng ba em mê mẹ em, mẹ em nói sao thì ba em nghe vậy.
Ông Tạm băn khoăn hỏi:
- Thế anh có mê con Khuê nhà bác không?
- Dạ, con mê chị Khuê đắm đuối luôn bác ạ, chứ mà mê bình thường thì con chả xin cưới chị đâu.
Anh Kiệt nghe Vinh tâm sự mà ngứa hết cả tai. Bà Được trái lại rất vui, bà tra khảo:
- Gia đình anh như thế nào?
- Dạ, gia đình con tương đối ổn định ạ. Ba mẹ con trước đây là diễn viên múa, nay đã về hưu và đều có lương hưu. Con là con một. Hiện tại, con là biên đạo múa.
- Thảo nào! Người ngợm mày nom nó lại cứ dẻo như cái kẹo kéo, da dẻ mịn màng hơn cả con gái.
- Dạ, bác Được quá khen ạ. Báo cáo với hai bác và ông bà, ngoài nghề chính ra thì con còn có nghề phụ là buôn rau ạ. Cuối tuần, con thường thu mua rau củ quả số lượng lớn ở quê rồi đem lên thành phố bán cho các chợ. Nhờ chăm chỉ làm ăn, năm ngoái, con đã xây nhà ba tầng. Mục tiêu năm nay của con là lấy chị Khuê và mua xe bốn bánh rước chị đi chơi ạ.
Bà Ổn và bà Được đều rất hài lòng. Ông Tạm nhìn ông Khá gật đầu. Ông Khá bấy giờ mới lên tiếng:
- Được rồi, anh có chí tiến thủ, ông duyệt. Anh về kêu ba mẹ xem ngày lành tháng tốt rồi chuẩn bị trầu cau đem sang đây, ông gả chị Khuê cho.
- Dạ, con đội ơn ông ạ.
Trái ngược với sự lễ phép của Vinh, chị Khuê nói năng có phần hỗn xược:
- Hâm! Ai đã đồng ý lấy đâu mà trầu với chả cau?
Ông Khá nhấp chén trà rồi bình thản bảo:
- Cháu gái Khá Ổn và con gái Tạm Được thì chỉ cần bốn người Khá Ổn Tạm Được đồng ý là xong rồi. Cái người tên Khuê cứ thế mà theo thôi!
- Theo theo cái gì? Vợ chồng anh Khá chị Ổn, vợ chồng anh Tạm chị Được đừng bao giờ thấy em lành mà lấn lướt nhá! Em nói cho các nền anh nền chị nghe là em không bao giờ lấy chồng vội vã như thế cả.
Cả nhà cười sằng sặc. Ông Tạm xỉa xói:
- Đúng rồi. Chị có bao giờ lấy chồng vội đâu, chị chỉ quất thằng Kiệt ngay trong một nốt nhạc thôi à!
- Thì quất nhanh quá thành ra quất luôn phải thằng hèn đó anh. Trước đây, em nông nổi nên cuộc đời em nó mới nát. Bây giờ, em phải rút kinh nghiệm. Em phải tìm hiểu thật kỹ rồi mới tính tới chuyện cưới xin.
Bà Ổn bĩu môi nói lớn:
- Kỹ càng mà làm gì? Có miếng mồi ngon không đớp nhanh để con khác nó đớp mất à? Chị có còn trẻ trung gì nữa đâu mà làm giá? Cứ lấy đi! Ở với nhau dăm bữa nửa tháng thấy không hợp thì bỏ.
- Thế thì em lại mang tiếng gái nhiều đời chồng á, xấu hổ với thiên hạ lắm!
Ông Tạm cau có hỏi con gái:
- Thiên hạ có hạnh phúc thay cho chị không mà chị sợ thiên hạ gièm pha? Gái nhiều đời chồng thì sao? Phải xinh đẹp, có duyên ngầm thế nào mới được nhiều anh chết mê chết mệt chứ? Con Hồng ế chớt bà ra, chả ai đem trầu cau tới rước, nó không ca thán thì thôi, chị sắp sửa được mặc váy cưới lần hai, sướng bỏ xử đi được, õng ẹo cái nỗi gì?
Anh Vinh từ tốn lên tiếng:
- Dạ, thôi thì con xin cả nhà đừng dồn ép chị con, tội nghiệp chị. Bữa nay, con qua đây đặt gạch được trước thế là con phấn khởi rồi ạ. Chị Khuê chưa ưng con thì để con tán thêm đến bao giờ chị đổ thì con rước chị về nhà ạ.
Mọi người nhao nhao khen chị Khuê giỏi, chả cần thả thính cũng vợt được trai tân trẻ măng luôn à. Việc chị chiếm trọn sự quan tâm của cả họ Phạm khiến Khánh rất khó chịu. Bộ tiểu thuyết "Nỗi bi thương của Khánh An" đã biến Khánh trở thành trung tâm của sự chú ý trên mạng xã hội, nhưng tiếc rằng, nó lại không giúp được gì cho cô trong những mối quan hệ ngoài đời. Có lẽ, ánh hào quang ảo chẳng bao giờ có thể giúp chúng ta toả sáng trong thực tế. Ở trong cái họ Phạm này, nào ai nghĩ số phận Khánh bi thương như Khánh An đâu mà xót xa, cũng chẳng ai tin chị Khuê xấu xa như nữ phụ M mà căm ghét. Họ chỉ thấy chị Khuê vừa tức vừa ngượng nên thi nhau trêu ghẹo chị thôi. Khánh cũng muốn được trêu ghẹo, được yêu thương. Ngặt nỗi, chẳng ai thèm đoái hoài tới cô cả. Sự giàu sang phú quý của Khánh chỉ có thể làm lác mắt người ngoài chứ tuyệt nhiên không thể mua chuộc được tình cảm của người thân. Âu cũng là lẽ thường tình, nếu như có một thứ tình cảm nào đó bị mua chuộc thì chắc chắn nó không phải tình thân. Tuy vậy, Khánh vẫn sẵn sàng vung tiền để mua thứ tình cảm đó. Tiếc rằng, không một ai rao bán. Tết nhất là dịp họ hàng nhà ông Khá sum vầy, tận hưởng những giây phút thư giãn bên nhau chứ không phải là dịp xun xoe, nịnh nọt và thảo mai với nhau để vòi vĩnh cái nọ cái kia. Khánh buồn bực bóc gói mứt dừa Vinh tự làm, nếm thử một miếng rồi ghé tai bà nội thủ thỉ:
- Mứt dừa đem đi hỏi cưới mà chả giòn tí nào thế này thì chứng tỏ tâm ý cũng chẳng đến đâu bà ạ.
Bà Ổn nhỏ nhẹ bảo Khánh:
- Đàn ông con trai khó tránh khỏi sự vụng về. Con nhận xét về kỹ năng nấu ăn là được rồi, đừng đoán già đoán non tâm ý của người ta.
Ông Khá ngồi gần hai bà cháu nên hóng hớt được đôi chút. Ông bĩu môi bảo:
- Tâm ý của thằng Vinh như nào thì là việc của chị mày, phận tiểu tam như mày bép xép ít thôi.
Khánh buồn ứa nước mắt. Cô thương ông bà nhiều hơn cả ba mẹ mình, vậy mà ông bà lúc nào cũng chỉ bênh chị Khuê thôi. Đến bữa cỗ, ông bà rủ chị và Vinh ngồi ở mâm trên. Khánh và anh Kiệt chanh sả như thế mà phải ngồi ở mâm dưới. Anh Kiệt thực ra chẳng quan tâm tới việc phải ngồi ở mâm nào. Mâm nào chả được, có rượu là được. Anh cạn hết chén này tới chén khác, tu rượu ừng ực như tu nước lã. Khánh trìu mến nhìn anh. Dạo gần đây, mỗi khi say, anh thường không phân biệt được đâu là mộng, đâu là thực. Anh hay ôm cô, hôn lên bụng cô và nói lời xin lỗi. Khánh thích anh tình cảm với mình như thế lắm. Chị Khuê ngồi ở mâm trên liếc xuống thấy anh Kiệt đã nốc hết một chai rượu nhân sâm rồi mà Khánh vẫn tiếp tục mở nắp chai rượu mới liền ngứa mắt quát:
- Thằng kia! Mày sang ăn cỗ Tết hay là ăn nhậu đấy?
- Không phải việc của cô.
Anh Kiệt làu bàu rồi tiếp tục uống cạn chén rượu Khánh mới rót cho mình. Chị Khuê cáu kỉnh bảo:
- Sao lại không phải việc của tao? Đây là nhà ông bà nội tao mà, mày nốc cho lắm rượu vào rồi mày ói ra đấy thì lại chả đến cái thân tao dọn.
Khánh ỏn ẻn nói:
- Chị Khuê đừng lo, anh Kiệt mà ói thì em sẽ dọn ạ. Chẳng mấy khi Tết nhất, chị đừng giở thói bà già hay xét nét, chị để mọi người vui vẻ một tí nha.
- Mày ngậm bà cái mồm mày lại đi. Nốc một đống rượu như thế thì hại dạ dày chứ vui vẻ cái nỗi gì? Cất chai rượu ngay! Đừng để tao nóng!
- Chị! Sao chị cứ phải nghiêm trọng hoá vấn đề thế?
- Mày có cất rượu đi không hay để tao phải nhảy xuống tao phang chai rượu vào đầu mày thì mày mới cất hả?
Thấy chị Khuê cáu, anh Vinh vội vã đi xuống mâm dưới giành lấy chai rượu trên tay Khánh. Mấy thím trông thấy cảnh đó liền vô tư tám chuyện:
- Sau này thằng Vinh mà sợ vợ thứ hai thì ai sẽ là người sợ vợ thứ nhất đây?
- Làm gì có ai? Ai mà tranh được cái cúp người nền ông sợ vợ nhất làng với nó nữa! Chị Khuê của nó chỉ cần lừ mắt một cái là nó đã sợ xoắn quẩy lên rồi kìa.
- Khiếp! Con Khuê nhà này nó đào hoa quá cơ! Vừa bỏ Kiệt sáu múi đã vợt ngay được em trai mặt hoa da phấn, chị nói một câu em không dám cãi nửa câu.
Anh Vinh lễ phép nói:
- Dạ, con thưa các thím, phận là thằng nền ông si mê chị Khuê, con cho rằng cãi chị là đại nghịch bất đạo. Sợ chị, đội chị lên đầu mới là trường sinh bất tử.
Chị Khuê bật cười sằng sặc. Chị mắng:
- Đồ con nít ranh! Chỉ được cái nịnh là giỏi thôi!
- Ra Giêng hẹn hò với em nhá, tha hồ nghe em nịnh.
Anh Vinh gạ gẫm. Thấy chị Khuê chần chừ, anh nhanh nhẹn đánh vào bệnh sĩ diện của chị:
- Chị sợ bị em cưa đổ nên không dám hẹn hò à?
Chị Khuê nóng mặt quát:
- Điên! Chị mày mà phải sợ thằng nhãi nhép như mày hả? Được! Hẹn hò thì hẹn hò! Gì mà căng?
Anh Kiệt thấy chị Khuê dễ dàng bị đưa vào tròng thì cay không sao tả xiết. Nhưng anh chị bỏ nhau rồi, anh có quyền gì mà lên tiếng? Anh gằn giọng bảo anh Vinh:
- Đưa chai rượu đây.
- Thôi, anh Kiệt uống nhiều rồi mà. Anh nên ăn miếng bánh chưng cho nó ấm bụng đi ạ. Bánh chưng chị Khuê gói đấy anh. Chị luộc bánh mười hai tiếng nên bánh không bị lại gạo đâu ạ, dẻo lắm á. Anh cắn một miếng thôi là anh sẽ cảm nhận được cái bọn đậu xanh, thịt ba chỉ, tiêu, nếp hoà quyện trong miệng mình, thấy mê à!
- Cậu mê kệ cậu, tôi không mê!
- Không mê sao anh nốc nhiều rượu thế? Em lại cứ tưởng trong lòng anh đang dâng lên một sự ghen tuông không hề nhẹ cơ đấy!
- Thèm vào mà ghen.
- Vâng, cho dù anh có ghen thì bây giờ cũng đã muộn rồi. Em mà bóc được bánh chưng thì em sẽ chén sạch, anh chỉ còn cách bóc chiếc bánh chưng khác thôi.
- Đồ trẻ ranh vắt mũi chưa sạch, nếu không muốn vỡ mặt thì mau ngậm mồm lại và đưa rượu đây!
- Anh doạ đấm em ạ? Em lại sợ quá cơ! Nào! Em mời người nền anh đứng dậy thể hiện bản lĩnh của mình để em được có cơ hội sợ ạ.
Anh Kiệt nóng mặt đứng dậy. Chị Khuê khẽ thở dài. Hai thằng hâm! Bánh chưng đầy ra đấy, không chén cái này thì chén cái khác, làm gì mà phải doạ dẫm đánh đập nhau như dân đầu đường xó chợ thế nhỉ?
- Thôi Tết nhất rồi, hai đứa chúng mày mỗi đứa nhường nhau một tí cho cỗ nó ngon hộ tao với.
Chị Khuê khuyên nhủ. Bà Tráo lên tiếng:
- Bọn nó đánh nhau thì ảnh hưởng qué gì tới độ ngon của cỗ bàn? Kiệt! Vinh! Mau ra ngoài sân thể hiện khí chất đàn ông đi các con! Mợ cược hai chục cái bánh chưng cho Vinh tát sấp mặt Kiệt.
Cô Trở hớn hở chen vô:
- Anh Kiệt cơ bắp vạm vỡ lắm mợ ơi! Mợ cược thế thì khác nào mất trắng? Mợ ngốc quá à! Con cược ba chục cái bánh dày cho anh Kiệt đấm toè mỏ anh Vinh.
Ông Khá bĩu môi bảo:
- Nhân cách thối tha thì có vạm vỡ đến đâu cũng không được độ đâu. Ông cược hai khoanh giò cho thằng Vinh ôm vinh quang trở về mâm cỗ.
Tết năm nào người họ Phạm chả chơi cá cược cho xôm. Sau khi có kết quả, họ sẽ lấy tất cả đồ của phe thua chia đều cho những người ở phe thắng. Mọi người ở phe thắng hầu như chẳng bao giờ tị nạnh nhau, bởi vì họ thường cược đồ có giá trị gần như nhau. Ngặt nỗi, tự dưng bữa nay lại có đứa cháu học thức cao thích chơi trội:
- Con xin phép cả nhà cho con đặt cược mười triệu cho chiến thắng của anh Kiệt ạ.
- Úi! Khánh thoáng tay thế thì phe Kiệt lại sang xịn mịn quá đỗi à? Tội nghiệp Vinh ghê á!
Bà Được cố ý khích tướng con gái. Chị Khuê bị mắc bẫy liền, chị hấp tấp tuyên bố:
- Có chị Khuê ở đây, không ai được phép tội nghiệp Vinh hết. Mười triệu thì có cái gì mà ghê? Chị Khuê đặt mười ngàn bát miến gà cho Vinh thắng cuộc.
Anh Vinh sửng sốt thốt lên:
- Mười ngàn bát miến gà thì nó lại đẳng cấp ngoài sức tưởng tượng của em rồi. Vậy thì em xin được phép đặt cược theo phe của anh Kiệt.
Cả nhà nhao nhao chửi anh Vinh bị điên, hết khôn dồn đến dại. Anh tủm tỉm phân trần:
- Riêng vụ cá cược hôm nay, con xin phép ông Khá cho con một đặc ân ạ. Đó là bất kể kết quả như nào thì phần đặt cược của con và chị Khuê đều sẽ không được tính vào đồ của chung. Nếu anh Kiệt thắng, chị Khuê sẽ phải nấu mười ngàn bát miến gà cho riêng một mình con. Nếu con thắng anh Kiệt, tức là con thua cá cược, con xin được phép trích ra mười ngàn nụ hôn của mình để trả chị Khuê ạ.
Ông Khá chẹp miệng nói:
- Dài dòng. Tóm lại là anh muốn cược riêng với chị Khuê chứ gì? Anh đánh thua Kiệt thì anh được ăn miến gà, anh thắng Kiệt thì anh được hôn chị Khuê phải không? Anh khôn nó cũng một vừa hai phải thôi chứ!
Ông Khá bĩu môi nói. Anh Vinh lễ phép bảo:
- Dạ, nếu như con chỉ khôn một vừa hai phải thì không xứng đáng làm cháu rể tương lai của một người thông minh, hào hoa, lịch lãm như ông đâu ạ.
- Câu nói của anh có phần thảo mai và hơi vụ lợi. Tuy nhiên, nghe nó cũng có chút bùi tai nên thôi, ông duyệt cho anh và chị Khuê cược riêng với nhau.
Anh Kiệt đã giận tím tái mặt mày rồi anh Vinh còn rót thêm dầu vào ngọn lửa đang cháy rừng rực:
- Em thừa nhận với anh rằng kết quả kiểu gì thì em cũng có lợi. Nhưng mà anh đừng lo em thi đấu chểnh mảng nha, em thích hôn chị Khuê nhiều hơn ăn miến gà nên em sẽ cố gắng hết mình á! Nào! Em xin kính cẩn nghiêng mình mời người nền anh ra ngoài sân!
Anh Kiệt lạnh lùng đi ra ngoài sân. Những người chưa đặt cược vội vã chọn phe rồi cùng nhau ôm dép tổ ong đem ra ngoài hiên ngồi hóng hớt. Có đôi dép kê mông nó lại cứ bị êm đáo để. Rất nhiều cặp mắt diều hâu đã và đang dồn về hai người đàn ông nọ. Bọn họ đứng cách nhau khoảng nửa mét, người trẻ tuổi hơn mở lời trước:
- Ông anh mau nhào dô ô ô ô ố ồ ồ ô ô!
Người già đáp lời:
- Chấp cậu vào trước.
- Thôi anh ạ, em muốn kính lão đắc thọ á!
- Tôi không muốn mang tiếng bắt nạt con nít.
- Em cũng không muốn mang tiếng uy hiếp người già.
Dứt lời, anh Vinh nhanh như sóc lao tới chỗ anh Kiệt, đấm một quả cực mạnh vào đầu anh Kiệt khiến tất cả mọi người đều hoang mang. Ơ hay? Tưởng hẵng còn đang đưa đẩy xem ai là người đánh trước cơ mà? Sao tự dưng lại chơi bẩn, ra tay bất ngờ khiến đối thủ không phòng bị kịp thời thế hả? Nhân lúc đầu anh Kiệt choáng váng, đau buốt, anh Vinh lễ phép xin xỏ:
- Dạ, em xin phép người nền anh cho em được gửi thêm một quả đấm nữa ạ.
Anh Vinh tiếp tục thụi một quả đấm nữa vào ngực anh Kiệt. Chị Khuê thấy mặt anh Kiệt hầm hầm như thú dữ thì cực kỳ lo cho anh Vinh. Chị chỉ đặt cược cho vui vậy thôi chứ chị thừa biết anh Vinh không phải đối thủ của anh Kiệt. Đúng như chị dự đoán, anh Vinh bị anh Kiệt đập cho như giã gạo. Mặc dù đã bị hộc máu mồm, anh Vinh vẫn kiên cường chơi bẩn. Anh Vinh nhào tới ôm eo anh Kiệt rồi kiễng chân, cắn lên má anh Kiệt. Anh Kiệt phát tởm. Anh lầm bầm:
- Bây giờ thì tôi đã hiểu thế nào là cao thủ không bằng tranh thủ.
Anh Vinh tủm tỉm trả treo:
- Cao thủ cũng phải bỏ lỡ vài nhịp thì tranh thủ mới có cơ hội giành ưu thế chứ!
- Đã gọi là cao thủ thì có bỏ lỡ vài nhịp cũng chẳng nhằm nhò gì cả.
Anh Kiệt khẳng định. Anh Vinh cũng khẳng định:
- Đúng là bỏ lỡ vài nhịp thì chẳng nhằm nhò gì, nhưng bỏ lỡ một người là vĩnh viễn lỡ cả nhân duyên.
Anh Kiệt có muốn bỏ qua cho anh Vinh cũng không được, ai kêu anh Vinh cà khịa ngứa quá làm chi? Cái mồm dại thì cái thân đau thôi chứ biết sao giờ? Những cú đấm dồn dập của anh Kiệt khiến làn da trắng mịn của anh Vinh chuyển dần sang màu xanh tím. Anh Vinh biết mình sức hèn lực mọn nên lí nhí xin đầu hàng. Anh thua tâm phục nhưng khẩu không phục. Anh già mồm bảo chị Khuê:
- Chẳng qua là thi đánh nhau nên em mới bị yếu thế thôi, chứ mà thi múa thì anh Kiệt xách dép cho em.
Chị Khuê an ủi anh Vinh:
- Ừ. Chị biết Vinh múa dẻo nhất làng mà, nếu mà thi múa thì thằng Kiệt tuổi tôm so với mày.
- Dạ. Chỉ cần chị hiểu thế là em thấy ấm lòng rồi ạ.
- Có đau nhiều lắm không? Chị lấy thuốc bôi cho nhá!
- Vinh đau nhiều ghê lắm ý chị Khuê ạ! Chỉ có thuốc bôi thì không thể nào mà khỏi được đâu, phải được chị Khuê thơm mới nhanh hết đau á.
- Vớ vẩn... ăn nói xằng bậy, tát cho một cái bây giờ!
- Em nói thật mà. Không tin chị cứ thơm một cái vào má em thử xem! Hết đau liền à!
Anh Vinh nài nỉ. Cả nhà thi nhau giục chị Khuê thơm má anh Vinh nhưng chị nhất định không chịu. Anh Vinh đánh liều cầm tay chị Khuê, thơm trộm một cái lên mu bàn tay chị khiến mọi người cực kỳ phấn khích. Thím Thơ còn vỗ đùi đen đét rồi khen ngợi anh:
- Thằng Vinh được của nó đấy! Đàn ông cứ phải đánh nhanh thắng nhanh như thế nó mới chất.
Cô Mộng tủm tỉm nhận xét:
- Chị Thơ nói chuẩn á. Nom cái mặt thằng Vinh tưởng cong mà hoá ra lại thẳng tới không ngờ, các chị nhể?
Chú Mơ thêm nếm:
- Muốn biết cong hay thẳng thì phải đợi đến tối cái Khuê nó xác nhận chứ tụi mình ngồi đây đoán già đoán non sao mà trúng được, nhờ Khuê nhờ?
Chị Khuê ngượng chín đỏ cả mặt. Chị quát ầm ĩ:
- Thôi ngay đi! Toàn các nền anh nền chị đầu hai thứ tóc rồi mà nói năng kém duyên quá đấy ạ!
Ông Khá tủm tỉm trêu cháu gái:
- Gớm! Em Khuê già bỏ bố ra rồi mà động tới mấy cái chuyện thanh xuân lại cứ giãy nảy lên như gái mới lớn thế nhở? Em thử hỏi anh Tạm chị Được nhà em xem nếu không có những cái sự kém duyên đấy thì liệu bây giờ em đang ở chốn nào?
Anh Vinh gật gù bảo:
- Ông Khá nói chuẩn đấy chị Khuê ạ. Em nghĩ chị em mình cũng nên học cách kém duyên dần đi là vừa á.
- Mày im đi! Mồm mép tép nhảy liên hồi, bị thằng Kiệt đấm cho vẫn chưa chừa à? Tém tém lại cho tao nhờ!
Chị Khuê quát. Anh Vinh thả thính:
- Ôi dào! Cái mồm em nó bị tăng động từ xưa rồi, em tém không có nổi á! Hay chị giúp em đi! Em tình nguyện bị khoá mõm bởi cánh môi xinh đẹp của chị!
Bà Ổn phì cười bảo:
- Thôi! Tết này con Khuê khỏi ăn bánh chưng! Nó đớp thính thôi cũng đủ no rồi!
- Đến cả chị Ổn cũng trêu em nữa thì em biết sống làm sao trong cái căn nhà này đây! Em "khộ tâm" thực sự!
Khánh nhìn chị Khuê bằng ánh mắt hình viên đạn. Được trở thành trung tâm của sự chú ý, được cả nhà trêu ghẹo, quan tâm, sướng quá đi còn cứ làm màu. Chị Khuê hơn Khánh tám tuổi mà sao chị giả nai thấy ớn à! Mới ban nãy chị còn giả bộ quan tâm anh Kiệt, kêu anh nốc một đống rượu thì hại dạ dày mà bây giờ thấy anh buồn bã đi vào nhà uống rượu tiếp, chị chỉ lạnh lùng chửi:
- Thằng ngu! Mày có giỏi thì mày nốc hết luôn cả chai rượu đó đi! Cái loại cá không ăn muối như mày thì muôn đời ươn thôi! Tao đếch thèm quản nữa!
Anh Kiệt giận sôi máu. Anh đâu phải là con của Khuê mà cô ta dùng phép so sánh đó. Ngu thì nó cũng một vừa hai phải thôi chứ, ngu gì mà ngu quá thể đáng, có mỗi việc hẹn hò của mình thôi cũng để người khác chi phối. Cái ngu của con đàn bà này khiến anh phát rồ luôn. Anh hiện tại không chỉ buồn bực vì cô ta mà còn lo cho người vợ ở kiếp trước của mình nữa. Đêm qua, anh mơ thấy mình bị vợ chất vấn một thôi một hồi:
- Chén thuốc này có độc phải không?
Thực ra, anh không hạ độc vợ mình. Anh chỉ ép cô ấy uống thuốc phá thai thôi.
- Trả lời thiếp!
- Nếu như đổi lại là nàng ấy, chàng có ép nàng ấy bỏ đi cốt nhục của mình không?
- Tại sao chàng tàn nhẫn với thiếp như vậy?
Anh cố nắm tay thật chặt để ngăn mình không rơi nước mắt. Anh không còn sự lựa chọn nào khác. Trải qua một lần bị sinh non, một lần bị sảy thai và nhiều lần bị hạ độc, sức khoẻ của vợ anh cực kỳ yếu. Đứa trẻ trong bụng của cô ấy càng lớn thì cô ấy lại càng tiều tuỵ. Thầy lang nói nếu không bỏ nó đi sớm thì chỉ e không giữ được mạng của người mẹ. Nếu biết sự thật, chắc chắn cô ấy sẽ liều mạng để giữ đứa nhỏ. Anh nói dối:
- Ta chỉ có thể là phụ thân của những đứa trẻ do mợ hai sinh ra thôi. Kể cả nàng có cương quyết sinh đứa nhỏ này ra, ta cũng sẽ không nhận nó là con. Cả đời nó sẽ bị mang danh con hoang. Còn nàng, với cái danh chửa hoang, nàng sinh nó ra xong sẽ bị cạo đầu bôi vôi rồi thả trôi sông, đâu thể chăm sóc được nó nữa? Nàng hẳn biết một đứa trẻ không cha, không mẹ sẽ bị kỳ thị như nào rồi đấy. Nếu nàng thực lòng thương nó thì hãy để nó đầu thai tới một gia đình khác tốt đẹp hơn.
Vợ anh bật khóc nức nở. Một lúc lâu sau, có vẻ như đã nghĩ thông nên cô ấy nghẹn ngào nói:
- Được. Thiếp uống. Cạn chén thuốc này, đời này thiếp không sinh con cho chàng, kiếp sau nếu có gặp lại, thiếp cũng sẽ vĩnh viễn không sinh con cho chàng.
Lời thề của vợ khiến lòng anh buồn tê tái. Chứng kiến cảnh cô ấy uống một hơi cạn chén thuốc, tim anh đau đớn như bị rỉ máu. Anh rầu rĩ bỏ về gian nhà của mình. Khoảng nửa canh giờ sau, anh nghe thấy giọng con Đoán hoảng hốt ngoài hiên:
- Bẩm... bẩm cậu... nguy rồi... không thấy mợ cả đâu hết. Mợ biến mất rồi. Mợ đem hết những món đồ mợ thích đi rồi, mợ chỉ để lại cho cậu một phong thư thôi.
Anh tức tối lao ra ngoài giật lấy phong thư trên tay con Đoán. Vợ anh chỉ viết vỏn vẹn vài chữ:
"Duyên nợ của thiếp và chàng chấm dứt từ đây."
Đầu anh như muốn nổ tung. Đồ ngốc! Một thân một mình cứ thế bỏ nhà ra đi, đến lúc thuốc phá thai phát huy tác dụng thì sao? Sức khoẻ của cô ấy đã yếu lắm rồi, giữa đường giữa chợ mà xảy ra chuyện gì thì chỉ có nước bốc cám. Anh phát điên mất. Anh dự định nếu như tìm được vợ, anh sẽ chửi cho cô ấy một trận. Nhưng khoảnh khắc trông thấy những cánh hoa đào vương trên mặt đất thấm màu đỏ thẫm của máu, trái tim anh như bị đóng băng. Người vợ đáng thương của anh đang nằm bất động dưới tán hoa đào, còn anh, chưa kịp chạy tới ôm lấy cô ấy thì đã bừng tỉnh. Giấc mơ đó ám ảnh anh tới tận bây giờ. Những nỗi buồn trong mơ và sự bực bội ở ngoài đời khiến anh khốn khổ. Chẳng mấy chốc, anh đã uống hết non nửa chai rượu. Khánh thỏ thẻ ghé tai anh thả thính:
- Em chóng mặt quá anh à. Em đi xuống nhà dưới nghỉ ngơi trước anh nhé!
Khánh tưởng rằng anh Kiệt sẽ lo lắng cho cô rồi mau chóng chạy đến bên cô như mọi khi. Ngặt nỗi, cô đã quên khuấy mất một chi tiết hết sức quan trọng là hồi anh Kiệt và chị Khuê còn mặn nồng, sau mỗi bữa cỗ ở nhà ông bà nội, anh chị hay xuống nhà dưới ngủ trưa với nhau. Do đó, sau khi nốc cạn chai rượu, anh Kiệt có đi xuống nhà dưới, nhưng lại theo bản năng mở cửa đi vào phòng của chị Khuê. Chị đang ngủ. Chị đã mặc áo yếm đâu ra đấy rồi, chỉ cần chuông báo thức kêu một cái là chị sẽ bật dậy chạy ra ngoài đầu làng tham dự lễ hội cầu may ngay. Anh Kiệt trong men say nhìn thấy chị Khuê mặc đồ thời xưa liền tưởng mình được gặp người vợ ở kiếp trước. Chiếc váy màu đỏ của chị khiến anh hiểu nhầm rằng đã có chuyện kinh khủng xảy ra. Anh hoảng hốt bế xốc chị dậy. Thấy chị bừng tỉnh, anh vui mừng cực độ. Anh cúi xuống hôn chị mãnh liệt. Chị Khuê giãy giụa điên cuồng. Ngặt nỗi, chị không đủ khoẻ để thoát khỏi anh. Anh tháo cà vạt, trói chặt hai tay chị vào thành giường rồi quát lớn:
- Nàng có biết nàng phạm phải tội gì không?
Chị Khuê chảy nước mắt. Anh Kiệt hạ hoả hôn lên giọt nước mắt đó, thở dài nói:
- Ta đã rất lo lắng.
Chị Khuê thoáng rùng mình. Câu chuyện trong hiện tại sao lại có thể trùng khớp với giấc mơ đêm qua của chị đến thế? Chị mơ thấy tiểu thư Minh Khuê. Sau khi uống thuốc phá thai, cô ấy rời khỏi biệt phủ. Tuy nhiên, vừa đi tới vườn đào, trán cô ấy đã nhễ nhại mồ hôi. Máu chảy từng giọt ướt đẫm những cánh đào hồng tươi thắm. Người phụ nữ đáng thương một mình chiến đấu với cơn đau bụng dữ dội rồi kiệt sức ngất lịm. Khoảnh khắc cô ấy tỉnh lại, người chồng mừng rỡ hôn cô ấy mãnh liệt. Cô ấy còn hận người chồng nên giãy giụa điên cuồng. Người chồng dùng chiếc khăn lụa màu xanh trói chặt hai tay cô ấy vào thành giường. Anh ta quát lớn:
- Nàng có biết nàng phạm phải tội gì không?
Tiểu thư Minh Khuê chảy nước mắt. Người chồng hạ hoả hôn lên giọt nước mắt đó, thở dài nói:
- Ta đã rất lo lắng.
Người chồng cũng tên Kiệt và cũng hành động tương tự anh Kiệt bây giờ. Anh Kiệt cởi trói cho chị, dùng môi mình cọ lên vết bầm trên cổ tay chị. Một lát sau, anh cởi bỏ luôn chiếc áo tứ thân của chị, gấp gáp hôn lên lưng chị. Nhận thấy cơ thể chị khẽ run lên, anh thủ thỉ bảo:
- Đừng lo, ta sẽ không làm gì quá trớn cả đâu. Chỉ là... ta... ta muốn ở gần nàng hơn một chút... bởi vì trong lòng ta có chút bất an. Khoảnh khắc trông thấy nàng nằm bất động dưới tán hoa đào... ta đã rất sợ... ta sợ sẽ để vuột mất nàng... tim ta... đau lắm...
Anh Kiệt nói giống hệt như người đàn ông cùng tên. Anh cũng biết giữ lời giống anh ta. Anh không làm gì quá đáng cả. Anh chỉ ép chị nằm nghiêng rồi ôm chị từ phía sau, tình cảm hôn lên khắp lưng chị thôi. Phải chăng anh cũng từng mơ thấy những giấc mơ giống hệt như những giấc mơ của chị nên trong cơn say anh có hành động bất thường? Cảm xúc của chị lúc này không khác cảm xúc của người phụ nữ trong giấc mơ đêm qua là mấy. Có oán, có hận nhưng vẫn còn yêu, vẫn còn rung động với người chồng của mình. Chị... hiện tại... không thể lạnh nhạt với người đó như cái cách chị thể hiện trước mặt người khác. Chị nằm im để mặc người ta âu yếm mình. Bàn tay to lớn của người đó siết chặt lấy bàn tay nhỏ bé của chị. Đôi môi kia liên tục chạm vào làn da mịn màng của chị. Thi thoảng, chị bị nhá nhẹ ở lưng, nhưng chị chưa kịp cảm thấy đau thì có người đã dùng chiếc lưỡi ấm nóng của mình xoa dịu nơi đó. Đã rất lâu rồi, chị và cái người này không ở gần nhau đến vậy. Hơi ấm của người ta, chị cố gắng thế nào cũng chẳng quên được. Mùi hương quen thuộc của người ta, chị mãi vẫn cứ nhớ nhung. Ở bên người ta, chị vẫn luôn cảm thấy bình an. Chị lim dim chìm vào một giấc mộng kỳ lạ. Trong mơ, chị thấy mình đang đọc thư của A Đào:
"Tiểu thư, khi người đọc được những dòng này tức là đã sang một mùa xuân mới rồi. Em rất buồn khi phải rời đi một mình. Lẽ ra người cũng phải rời đi trước giao thừa với em, nhưng người vẫn cứ ngoan cố ở lại. Hẳn người cũng biết, đó là cơ hội cuối cùng của chúng ta. Em đã nắm lấy nó, còn tiểu thư đã bỏ qua. Bởi vậy, nếu như đi hết kiếp này người vẫn không có được trái tim của người đàn ông đó thì người sẽ không chỉ ra đi đơn độc như kiếp trước mà sẽ hoá thành cát bụi, vĩnh viễn không được đầu thai nữa.
Em tất nhiên mong tiểu thư được như ý nguyện. Nhưng ngộ nhỡ trong quãng thời gian sau này, có một ngày tiểu thư cảm thấy kiệt quệ, em chỉ mong người buông bỏ duyên nợ với người đó, bình bình an an sống trọn một kiếp người rồi thanh thản hoá hư vô.
- A Đào."
Đợt chị Khuê nằm viện, rất nhiều lần chị mơ thấy A Đào bảo chị rằng đã đến lúc phải rời đi rồi, nhất định phải rời đi trước giao thừa năm nay thì mới được đầu thai chuyển kiếp. Chị không hiểu vì sao A Đào lại nói với mình những điều lạ lùng như thế nữa? Phải chăng trông chị giống tiểu thư Minh Khuê của cô ấy? Hay kiếp trước của chị chính là tiểu thư Minh Khuê? Nếu thế thì hoang đường quá, chị chẳng dám tin đâu. Cho dù điều đó là sự thật, chị cũng sẽ không rời đi đâu cả. Ở nơi đây còn có gia đình chị, cho dù không có kiếp sau, chị vẫn muốn sống trọn vẹn kiếp này với người thân của mình. Bức thư của A Đào rất nhanh đã biến thành những cánh đào hồng thắm bay lượn trong gió xuân. Tiếng chuông đồng hồ rộn rã kéo chị ra khỏi giấc mộng huyền ảo. Thấy anh Kiệt đang ngủ ngon nên chị vội vã tắt chuông để anh nghỉ ngơi thêm. Chị bật dậy búi tóc gọn gàng, trang điểm qua, mặc lại chiếc áo tứ thân rồi hối hả chạy ra đầu làng tham dự lễ hội cầu may.
Khánh cay cú nhìn theo bóng lưng chị Khuê. Ban nãy, đợi mãi không thấy anh Kiệt đâu, Khánh sốt ruột lao đi tìm anh. Lúc đi ngang qua phòng chị Khuê, do nghi ngờ chị sẽ nhân cơ hội anh Kiệt say để trục lợi nên Khánh mở hé cửa sổ để nhìn trộm vào bên trong. Những dấu hôn đỏ đậm chi chít trên lưng chị Khuê khiến Khánh ghen tím mặt tím mày. Đồ đàn bà trơ trẽn, dám nẫng tay trên của Khánh. Cũng may dạo này đầu óc anh Kiệt không minh mẫn, anh hiếm khi nhớ được chính xác mọi chuyện xảy ra lúc say. Khánh lẻn vào phòng của chị Khuê. Hiện tại, cô cũng đang mặc trang phục thời xưa. Nhưng Khánh sẽ không tham dự lễ hội cầu may như dự tính nữa, bởi vì cô nhận ra may mắn của mình đang ở trước mặt rồi. Khánh đổ nước vào gối. Cô cởi áo tứ thân và váy ra, tự xé nát rồi vứt xuống dưới cuối giường. Cô trèo lên giường nằm ngay cạnh anh Kiệt, tự véo lên người mình để tạo thật nhiều những dấu hôn. Cô còn cố ý làm cho chiếc yếm đào và chiếc quần hình tam giác bằng lụa của mình trở nên xộc xệch rồi dùng cà vạt của anh Kiệt siết chặt quanh hai cổ tay của mình tạo vết bầm tím. Cô cũng không quên tự trói tay mình vào thành giường. Mấy đứa ngu dốt như chị Khuê chẳng biết cách tự trói mình đâu, chỉ có những người giỏi giang như Khánh mới làm được chuyện siêu khó đấy thôi. Thực ra là có mẹo cả đấy, phải thông minh mới nghĩ ra cơ. Nhiều lúc Khánh thấy tự phục mình quá đỗi. Cô phấn khởi cười tươi như hoa. Ấy vậy mà khi anh Kiệt vừa thức giấc, nước mắt của cô cứ đua nhau chảy xuống gối, ánh mắt thì vô thức nhìn xa xăm ra ngoài cửa sổ như thể ấm ức lắm. Anh Kiệt hoảng hốt hỏi cô:
- Khánh! Anh... anh đã gây ra chuyện gì vậy? Anh... đã rất tệ phải không?
Khánh buồn bã thở dài. Anh Kiệt áy náy bảo:
- Anh xin lỗi... anh đã mơ hồ tưởng rằng mình được gặp lại người vợ ở kiếp trước. Có lẽ là do cách ăn mặc của em khiến anh hiểu nhầm... anh đã rất xúc động... hình như... anh đã hôn lên lưng của cô ấy... rồi sau đó... anh không nhớ rõ được chuyện gì đã xảy ra sau đó nữa.
Khánh khóc nấc. Cô diễn như thể cô đã phải chịu đựng cả một ngàn nỗi bi thương. Anh Kiệt khổ sở nhìn chiếc áo tứ thân và chiếc váy rách tươm ở cuối giường. Anh tưởng mình đã xé nát chúng nên cảm thấy tội lỗi lắm. Người Khánh run lên vì lạnh. Da dẻ cô chi chít những dấu hôn như muốn tố cáo sự độc ác của anh. Có vài chỗ còn bị sưng đỏ, chứng tỏ anh đã giày vò cô rất dã man. Hai tay cô bị anh trói chặt, khi tháo cà vạt ra vẫn còn vết bầm tím. Đây không phải là lần đầu tiên anh đối xử với cô tệ như vậy. Đây cũng chẳng phải lần đầu tiên cô bao dung cho anh như thế. Không một lời oán trách, không một lời mắng chửi, cô lúc nào cũng chỉ nhẫn nhục chịu đựng những cơn phẫn nộ của anh. Chiếc gối ướt sũng bởi nước mắt của cô. Anh không thể sống vô liêm sỉ mãi như thế này được. Anh phải thay đổi. Anh cần phải có trách nhiệm với những hành động tệ hại của mình và cả với người con gái đã vì mình mà chịu nhiều uỷ khuất. Anh buồn bã đắp chăn cho Khánh.
Chị Khuê đứng ở ngoài cửa còn buồn hơn cả anh Kiệt. Ban nãy, chị vừa tới đầu làng thì nhớ ra trưa nay mình quên chưa uống thuốc, sợ ông nội biết ông lại cáu ầm ĩ nên chị vội chạy về nhà. Không ngờ chỉ trong khoảng thời gian ngắn như vậy mà thằng Kiệt đã kịp hành hạ con Khánh tả tơi thế kia. Chị biết rõ chúng nó yêu nhau rồi, nhưng mà được chứng kiến tận mắt cái tình yêu nồng cháy đấy sao mà nó lại đau đến thế? Tim chị buốt lạnh, đầu óc chị chuếnh choáng, tay chị run cầm cập, chân chị tê cứng. Trong lúc chị cảm thấy rất khó thở, chị trông thấy anh Kiệt cầm tay Khánh, ngọt ngào mở lời cầu hôn:
- Khánh! Làm vợ anh, được không em? Anh sẽ dùng những năm tháng sau này để bù đắp cho em.
Khánh xúc động khủng khiếp. Nước mắt chảy xuống gò má núng nính mỡ của cô. Chỉ là, Khánh chưa kịp e thẹn đồng ý lời cầu hôn của anh Kiệt thì ở ngoài cửa, chị Khuê đã đột ngột ngã xuống. Anh Kiệt chợt thấy tim mình đau nhói. Anh vội vã lao ra ngoài. Để che giấu cảm xúc lo lắng của mình dành cho chị Khuê, anh quát lớn:
- Ai cho cô nằm đấy?
Khánh thấy anh Kiệt to tiếng với chị Khuê thì rất vui. Nhưng niềm vui của cô chẳng được bền lâu, bởi cô nhận ra giọng nói của anh Kiệt bắt đầu run rẩy:
- Cô định giở cái trò gì vậy hả?
- Mau đứng dậy ngay!
- Cô tự đứng dậy hay là để tôi quẳng cô ra ngoài vườn?
- Ban ngày ban mặt, giả vờ mềm yếu cho ai xem?
- Khuê!
Khánh khó chịu nhổm người dậy nhìn ra ngoài. Đó là cảnh tượng bức cô phát điên. Chị Khuê đang nằm dưới đất, gió cuốn theo những cánh đào đỏ thắm rồi nhẹ nhàng thổi chúng rải rác lên chiếc váy của chị. Có vài cánh hoa vương trên mái tóc đen nhánh và gương mặt trắng bệch của chị. Sắc hoa tươi thắm đối lập với vẻ tiều tuỵ thiếu sức sống của chị. Anh Kiệt ngồi ngay bên cạnh chị, không hiểu sao mắt anh cũng đỏ hoe. Không gian như bị ngưng đọng, chỉ còn lại hai người đang u uất nhìn nhau. Khánh u uất nhìn anh chị. Khánh buồn anh Kiệt cứ trông thấy chị Khuê liền đánh mất bản thân mình. Khánh cay chị Khuê phá hỏng kế hoạch hoàn hảo của cô. Cay lắm ý! Cay như kiểu vừa bị ép ăn một loại quả gì đó có độ cay gấp tỉ lần quả ớt. Rốt cuộc là loại quả huyền bí gì mà nồng độ cay nó lại đậm sâu và dài lâu đến thế nhỉ?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro