
Chương 31: Thế bất khả kháng
Cứ như vậy suốt cả nửa ngày, ba người lên kế hoạch và bàn bạc với nhau trong gian phòng nhỏ hẹp kín kẽ. Những lời thảo luận, những phương án đưa ra rồi lại bác bỏ, tất cả đều xoay quanh mục tiêu duy nhất: làm sao để trà trộn vào nhà xưởng được canh gác nghiêm mật kia.
Tính tới tính lui, cuối cùng, cô Lịch cũng chỉ có thể mượn cớ thợ ốm bệnh, đưa một người họ hàng xa vào thế chỗ. Cô Lịch xoay xở được một vị trí trống rồi, nhưng ai sẽ là người vào đấy đây?
Văn Bắc to cao đậm người, giọng pha khẩu âm miền ngoài, không thông thạo chế tác thủ công, nhìn thế nào cũng rất khả nghi chú ý. Nếu để hắn, chẳng khác nào lạy ông tôi ở bụi này, tự lộ sơ hở, mỡ dâng miệng mèo.
Quanh đi quẩn lại, anh biết anh là lựa chọn hợp lý nhất.
Tuy nhiên sau khi quyết định và đi đến thống nhất bằng hai phiếu thuận một phiếu chống, Văn Bắc một mực trầm mặc. Hắn không tiếp tục phản đối quyết định này, nhưng sự im lặng nặng nề đã đủ để cô Lịch và anh nhận ra tâm trạng thực sự của người nọ.
Cô Lịch tinh ý, nhanh chóng cảm giác được bầu không khí căng thẳng giữa hai người đàn ông nên không ở thêm lâu. Cô thở dài, ngắn gọn dặn dò đôi lời rồi rời đi, để lại không gian riêng cho bọn anh trong căn phòng nhỏ.
Anh kiên quyết không nhượng bộ, và hắn cũng thế. Đáng tiếc, hai người cũng chẳng có thì giờ tranh cãi lâu.
Ngay tối hôm đó, Văn Bắc nhận tin dữ, rằng là Văn Thoại nằm vùng đã bị cậu ba phát hiện. Sau những trận tra tấn tàn khốc mà vẫn không moi được lời khai, người của cậu ba táo tợn tới mức trói Thoại ném xuống vực. Sống chết thế nào, chưa thể rõ.
Văn Công may mắn trốn thoát, bị thương nhẹ, hiện đang điên cuồng tìm tung tích em trai. Không cần nghĩ cũng biết, Công sẽ lật tung mọi ngóc ngách để tìm và cứu Văn Thoại cho ra mới thôi.
Lại nói, cậu ba Quý nghi ngờ Văn Thoại có liên quan đến triều đình, thành ra không dám làm quá tay mà chỉ trừng phạt Thoại như răn đe nhắc nhở. Chẳng biết có nên gọi là trong rủi có may hay không nữa.
Tuy nhiên, như lưỡi đao vẫn treo trên đầu, một khi anh trai anh truy ngược lại, bất kỳ ai có liên hệ với Thoại cũng có thể bị lộ. Anh hiểu rõ, nếu không nhanh chóng hành động, anh ta sẽ sớm lần ra sự hiện diện của anh và Văn Bắc.
Không còn lựa chọn nào khác, Văn Bắc buộc phải lập tức lên đường trong đêm. Hắn phải đi trước một bước, tăng cường nhân thủ, một mặt tìm kiếm Văn Thoại, mặt khác đánh lạc hướng cậu ba Quý. Bằng mọi giá, hắn phải đồng thời vừa cứu người vừa giữ chân anh trai anh tại trấn bên. Nếu không, khi cậu ba Quý dấn sâu điều tra, Trường Khanh chắc chắn sẽ rơi vào tầm ngắm.
Trong khi đó, anh, theo kế hoạch đã định, bước đầu thâm nhập vào nhà xưởng. Nhiệm vụ của anh là thu thập càng nhiều thông tin và chứng cứ càng tốt, hòng phanh phui sự thật về những hoạt động phi pháp và mưu đồ của anh trai mình. Với những chứng cứ ấy, anh mới có cơ hội lật đổ thế lực mà cậu ba Quý đã lũng đoạn xây dựng suốt nhiều năm, đưa mọi thứ ra ánh sáng.
Có thể nói, tình hình đã trở nên nguy cấp hơn bao giờ hết. Hai người đều có việc của mình, đều phải tranh thủ chạy đua với thời gian. Vậy nên cả hai không thể không tách ra hành động.
Trong ánh sáng leo lắt của ngọn đèn, hai người lặng lẽ nhìn nhau. Hai chiếc bóng đối diện cách một khoảng, tô đậm nốt lặng không ai dám chủ động cất lời phá vỡ. Bầu không khí trong gian phòng căng thẳng đến mức gần như ngột ngạt, lại yên ắng tới mức nghe được tiếng hít thở của đối phương và tiếng bấc đèn cháy lách tách trong bình dầu hăng hắc.
Văn Bắc dõi theo anh thật lâu, bất chợt siết chặt nắm tay. Vẻ mặt hắn tiếp tục trầm xuống, mang theo chút kiềm nén được hắn cố sức ghì lại nơi lồng ngực. Anh nghe tiếng hắn nặng nề: " Em thật sự nghĩ một mình mình có thể qua mặt được chúng sao?"
Anh chống tay tì vào cạnh bàn, đáp lại cái nhìn của Văn Bắc: "Nếu tôi không thử, làm sao chúng ta biết?"
"Không phải chuyện đùa đâu em!" Văn Bắc hơi nóng nảy, đôi mày sâu nhíu chặt. Hắn mím môi. "Thoại có thể đã chết. Công cũng chưa chắc an toàn. Anh trai em không phải loại người dễ đối phó và nhân từ."
Anh im lặng trong giây lát, rồi chậm rãi buông lời cảm thán: "Tôi không thể quay đầu được nữa, Văn Bắc. Chân tướng đang ở rất gần. Chỉ một bước nữa thôi... Tôi không muốn ai vì tôi mà bị tổn hại thêm nữa."
"Vậy nên em đẩy mình vào nơi nguy hiểm nhất, còn bảo tôi ở bên ngoài đánh lạc hướng?" Văn Bắc không đồng tình.
Anh nhìn hắn, ánh mắt chẳng thể tự chủ nhuốm màu dịu dàng. Anh nói khẽ: "Không phải từ đầu đến giờ anh luôn che chắn bảo vệ cho tôi sao? Lần này, tôi không muốn là người chỉ biết đứng sau, tôi muốn nhận phần khó."
Hai người đối mặt, không nói gì,
nhưng lại tựa như đã nói với nhau rất nhiều điều.
Kết cục đã định.
Như bao lần.
Văn Bắc đầu hàng. Hắn day thái dương, thở dài: "Tôi biết em kiên cường không ngại nguy nan. Nhưng là tôi ích kỷ, không thích để em hành động một mình. Em sẽ gặp phải nguy hiểm."
"Tôi cũng không thích phải chia nhau ra thế này." Trường Khanh cười nhẹ, tràn ngập bất đắc dĩ. "Nhưng đâu còn cách khác."
Văn Bắc vươn tay giữ lấy vai anh. Đôi mắt sâu đen của hắn hơi xao động. Mặt hồ đã gợn sóng. Những tia máu mờ vằn lên trong mống mắt càng làm rõ hơn sự bất lực và lo lắng của người đàn ông luôn bình chân như vại.
Hắn nói với anh, giọng hơi khẩn khoản: "Em phải sống. Dù có chuyện gì xảy ra, cũng phải giữ mạng chờ tôi quay lại. Em hứa với tôi được không?"
Anh hiểu hắn đã thực sự thoả hiệp với quyết định liều lĩnh của mình. Nhưng nội tâm của hắn vẫn chưa hoàn toàn để hắn yên. Thế nên hai người mới phải giằng co như thế.
Vậy là anh gật đầu, không keo kiệt mà trấn an. "Tôi hứa. Tôi sẽ chờ anh bình an trở về."
Giọng hắn khàn đi một chút, mang theo sự do dự hiếm thấy. Hắn siết chặt tay anh, đặt vào lòng bàn tay lạnh buốt của anh một vật nhỏ.
Trường Khanh mở tay ra. Dưới ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn, một chiếc nhẫn khảm đá đen sờn viền, nằng nặng, thô ráp. Là chiếc nhẫn mà Văn Bắc luôn mang theo bên mình mà dăm ba lần anh đã thấy thoáng qua.
Anh ngẩng đầu nhìn hắn. "Sao lại đưa tôi?"
"Vốn không hề muốn đưa nó cho em theo cách này. Nhưng tình thế bất khả kháng. Ban đầu, dưới phần khảm đá được tôi thiết kế thêm một khoang rỗng nhỏ, bên trong có ba đầu kim tí hon chứa dịch nọc rắn cực độc. Nhưng tôi hiểu tính em, đã sớm đổi nó thành đầu kim chứa thuốc mê. Những lúc nguy hiểm, tôi mong nó có thể hữu ích."
Thấy anh vẫn tròn mắt nhìn mình, hắn chậc lưỡi: "Tôi còn định đưa cho em dao hoặc súng, nhưng nghĩ không tiện. Coi như tôi cho em mượn bùa may mắn bình an của tôi, em phải mau về để trả lại cho tôi đấy nhé. Nó theo tôi hơn cả chục năm rồi."
Hắn chậm rãi khép tay anh lại, để chiếc nhẫn nằm yên trong lòng bàn tay, còn bàn tay to lớn của mình thì đặt lên trên, nhưng không cố dùng sức đè xuống.
Trường Khanh siết chặt các đốt, cảm nhận sự mát lạnh của kim loại hằn lên da thịt. Anh muốn trả lại, nhưng ánh mắt Văn Bắc quá kiên quyết.
Cuối cùng, anh chỉ có thể nhẹ giọng đáp: "Được. Tôi giữ nó. Nhưng anh cũng phải giữ lời với tôi, trở về để vật quy nguyên chủ nhé."
Văn Bắc khẽ gật đầu, không nói thêm gì nữa.
Ngoài kia, gió đêm vẫn rít qua khe cửa. Giây phút chia ly đã đến gần, nhưng hai người ăn ý không cố làm bầu không khí trầm trọng hơn. Hai người chỉ bàn bạc lại thêm một lần nữa, mãi cho tới khi người hầu giục giã Văn Bắc rời đi.
Hắn đi lúc nào cũng dứt khoát, mau lẹ. Anh cũng thổi tắt đèn, chập chờn chợp mắt.
Sáng sớm, chỉ còn lại một mình, anh đứng trước tấm gương đồng, tay siết chặt con dao găm. Một thoáng ngập ngừng lướt qua, nhưng ngay sau đó, lưỡi dao lạnh buốt đã xẹt qua mái tóc dài chạm vai, từng lọn đen nhánh rơi lả tả xuống nền đất.
Anh nhìn bóng mình phản chiếu, tóc ngắn sát đầu, đôi mắt hơi cụp, nốt ruồi son trên sóng mũi ảm đạm. Gương mặt trong gương lúc này đã bớt đi phần thư sinh, trở nên cứng cỏi hơn. Không dừng lại, anh vốc bùn nâu bôi lên da, làm cho làn da trắng xanh của mình tối màu. Anh đổi sang quần áo vải thô lao động, đi chân trần, vấn thêm khăn rằn trên trán. Mục đích là để hoá trang mình thành một người khác.
Xong xuôi, anh đem chiếc nhẫn Văn Bắc đưa tối qua xâu vào dây đeo trên cổ, khéo léo giấu dưới lớp áo. Người đứng trong căn phòng giờ đây đã không còn là Trường Khanh của ngày thường nữa.
Anh đến điểm hẹn đúng giờ. Từ xa, cô Lịch nhìn thấy anh thì hơi sững lại, nhưng nhanh chóng lấy lại bình thản, cười cười. "Tốt, nhìn cũng giống giống người quen dãi nắng dầm mưa rồi đó đa."
Cô dặn tiếp: "Xíu nữa anh cứ đi đàng sau tôi nghen. Ai hỏi thì anh cứ nói anh tên Thời, họ hàng xa bên ngoại của tôi. Gia cảnh khó khăn ít học nên mới tìm tôi xin một chân làm nhơn công kiếm cái ăn cái mặc cho gia đình. Vào trong thì nhớ phải cúi mặt mà đi, chớ hề được chủ quan nhìn ngó lung tung kẻo mang hoạ."
Anh không nói gì, gật đầu. Kế đó, hai người nhanh chóng lên đường, men theo con lộ đất đỏ dẫn về phía nhà xưởng.
Công xưởng trước mắt đã không còn là nơi anh từng biết. Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, nơi này đã được cải tạo, bành trướng quy mô hơn cả tưởng tượng. Những dãy nhà xưởng lùi vào trong, ẩn mình sâu nơi rừng cây rậm rạp, như cố tình che khuất tầm mắt của người ngoài. Hàng rào thép gai chạy dài quanh khu vực, đan xen những tháp canh gỗ đơn sơ mà cực kỳ chắc chắn.
Mặt còn lại của xưởng nằm giáp cảng sông, thuận tiện cho việc bảo kê lẫn vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ. Có lẽ con đường buôn bán lậu của cậu ba Quý nằm ở đây. Phần lớn lính tráng tập trung canh gác kho hàng, mặt mày bặm trợn hung hăng. Thợ thầy đi ngang đều khẽ cúi thấp mặt, chẳng dám ngẩng đầu.
Con đường bộ duy nhất dẫn vào xưởng mà cô Lịch dắt anh đi nằm ngay dưới sự kiểm soát gắt gao của cổng gác, nơi những tay chân trung thành của cậu ba Quý túc trực suốt ngày đêm. Họ thấy anh liền tra hỏi. Nhưng ngại cô Lịch đứng ra bảo đảm, họ đành phải cho anh vào.
Trường Khanh không cần hỏi cũng biết, một khi đã bước qua trạm này, muốn trở ra nguyên vẹn sẽ chẳng dễ dàng gì, khó vào lẫn khó ra. Nhưng anh vẫn từ tốn nện bước tới, không chút do dự.
Đi sâu vào trong, xưởng được chia thành nhiều khu vực khác nhau. Nổi bật là khu chưng cất đúc huyền, vốn là một gian nhà rộng lớn, tường gạch nung đỏ lẫn cùng những bức tường đá dày bao bên ngoài chắc chắn. Trên đỉnh là mái ngói âm dương phủ rêu phong, với lỗ thông khói duy nhất đang nhả ra làn hơi nước mờ ảo. Xung quanh khu chưng cất là những kho chứa lưu trữ nguyên liệu quý hiếm, được bảo vệ bằng những ổ khóa lớn và lính gác luân phiên. Sân bãi rải rác hàng hoá chưa phân loại xong, xe kéo tay, than củi,...
Không chỉ vậy, cậu ba Quý còn không tiếc tiền đầu tư, xây thêm các phân xưởng sản xuất, luyện kim và đóng gói san sát nhau. Phân xưởng sản xuất chứa các máy móc cơ khí tân tiến mà bản thân anh chưa từng gặp qua. Bàn làm việc trong xưởng trải dài các công cụ chế tác, chứng minh ngày thường có rất nhiều thợ thi công ở chỗ này. Khu luyện kim lại là nơi các thợ đúc làm việc bên lò nung nóng, tường gạch ám màu xám tro, bầu không khí mờ đi vì bụi than và khói.
Ánh sáng trong xưởng chủ yếu đến từ những ngọn đèn dầu được treo cao trên cột, ánh lửa lay động, vừa đủ soi sáng nhưng không làm lộ rõ không gian bên trong. Tiếng nước chảy từ hệ thống máng dẫn, tiếng búa nện kim loại, tiếng hò hét chỉ đạo và âm thanh rì rầm của người lao động vang vọng, tạo nên một bầu không khí vừa khẩn trương vừa bí mật.
Mỗi người làm việc trong xưởng đều được phân công nhiệm vụ rõ ràng. Họ chỉ được phép di chuyển trong khu vực của mình, tránh việc biết quá nhiều về quy trình tổng thể. Những người không phận sự, dù là người thân cận, cũng khó lòng vượt qua hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt để tiếp cận xưởng.
Anh cố gắng giữ cho mình bình tĩnh, nhưng không thể hoàn toàn giấu đi sự căng thẳng đang len lỏi trong lòng. Bất giác anh nhắm mắt, hít sâu một hơi để trấn tĩnh.
Không khí trong xưởng bức bối, oi nồng bởi mùi dầu mỡ, khói đốt, hóa chất thấm đẫm. Đâu đó trong làn gió tù hãm, anh thoáng ngửi thấy mùi lưu huỳnh khen khét, khiến suy đoán của anh càng thêm chắc chắn: khu chế tạo súng có lẽ không xa nơi này.
Anh lặng lẽ cúi mặt, giả vờ tập trung vào bước chân để tránh ánh mắt soi mói của những người xung quanh. Nhưng khi ngang qua một lối đi hẹp, anh kịp trông thấy một cánh cửa gỗ nặng nề dẫn xuống tầng hầm. Cửa đóng kín, nhưng túc trực là lính canh được vũ trang súng hỏa mai (1), đứng thẳng tắp với ánh mắt cảnh giác. Không giống như những người lính gác ở cổng, đám người này rõ ràng được chọn lọc kỹ lưỡng hơn, nề nếp hơn.
Cô Lịch, dường như nhận ra ánh mắt anh khựng lại trong thoáng chốc, liền lắc đầu rất khẽ. Trường Khanh lập tức hiểu ý, vội bước nhanh hơn, tập trung đi theo sau cô mà không dám nhìn thêm lần nữa.
Hai người rẽ vào một khu vực khác - kho đóng gói. Không gian ở đây tuy vẫn bức bối, nhưng không khí có phần bớt căng thẳng hơn khu ngoài. Cô Lịch dẫn anh đến chỗ một người phụ nữ tầm bốn mươi, dáng người chắc nịch, tay làm việc không ngơi nghỉ.
"Chị Hoa, cậu em này tên Thời, mới lên, giao cho chị dạy việc nghen."
Người phụ nữ tên Hoa ngước lên nhìn Trường Khanh một lượt. Bà chỉ vào đống nguyên liệu trên bàn, giọng dứt khoát:
"Tuyển hàng, xâu hạt thành dây. Làm sai thì tự chịu trách nhiệm, hiểu ý tui chưa?"
Anh gật đầu. "Dạ tôi hiểu."
Cô Lịch không nán lại lâu. Sau khi chắc chắn anh đã ổn định, cô rời đi, có lẽ để thực hiện phần việc của mình.
Phải nói chị Hoa đã thật sự nghiêm túc chỉ anh làm việc. Chỉ là chị không nói chuyện nhiều, chỉ trả lời mỗi khi được hỏi. Giờ nghỉ trưa, chị còn nhiệt tình dắt anh đến nhà bếp lấy cơm, và cho anh hay chỗ nghỉ ngơi của thợ.
Anh vâng dạ làm theo, nhận ra phần lớn trong xưởng là những gương mặt mới lạ, lòng sinh nghi nhưng không tiện hỏi.
"Ăn nhiều lên nghen. Đờn ông con trai ốm nhom như que củi thì sức đâu mà mần." Chị Hoa gõ đũa vào chén, vừa ăn vừa nói.
"Dạ cám ơn chị. Do sức em ăn ít thôi." Anh cười cười từ chối.
"Tui nói cậu nghe. Ráng ở đây mần giỏi, tiền bạc không phải lo. Việc cực nhưng ổn lắm đó đa. Nhơn lúc trẻ khoẻ chăm chỉ kiếm tiền tích cóp vốn liếng nghen cậu. Mà lúc mần không được nói chuyện nên ban nãy tui không dám hỏi gì. Cậu đừng có để bụng nghen." Chị Hoa tốt bụng giải thích.
"Thiệt vậy sao chị? Xưởng mình coi bộ khó dữ hen?"
"Ờ. Hiếm có đâu mà trả công hậu hĩnh như nầy, miễn là cậu đừng phạm vào quy tắc."
"Quy tắc gì chị?" Anh gẩy đũa, tò mò hỏi dò.
"Không được nhìn, không được hỏi, không được đi lung tung, không được ra ngoài trừ lễ tết."
"Nếu phạm phải thì sao?"
"Nhẹ thì bị đánh què giò, nặng thì đuổi đi chớ sao. Mà tui khuyên cậu đừng có ý nghĩ đó nghen. Thấy mấy cậu lính đứng đàng kia không? Lạng quạng là họ cho ăn đòn đó. Tội gì mà phải thế. Cậu cứ nghe tui là không thiệt đi đâu đâu."
Anh nghe chị Hoa nói mà lòng hơi lạnh. Mấy lời bâng quơ chị nói nghe hệt như một lời cảnh báo nghiêm khắc. Ấy vậy mà mọi người ở đây dường như đã quen với quy định này, không ai tỏ vẻ phản cảm hay chống cự.
"Không được ra ngoài trừ lễ tết ạ? Vậy nếu có việc gấp thì sao chị?"
Chị Hoa liếc nhìn anh, miệng nhai chậm lại. Một thoáng trầm ngâm hiện lên trên gương mặt tươi cười của chị. "Chuyện đó... khó lắm cậu à. Một khi đã nhận việc ở đây, thì coi như giao cả mình cho xưởng rồi đó đa. Nhiều người lúc đầu cũng thắc mắc, nhưng ở lâu sẽ hiểu liền. Phận làm công mình đòi hỏi đâu có được cậu."
"Hiểu chuyện gì ạ?" Anh giả vờ ngây ngô hỏi, trong lòng lại dậy lên một cảm giác bất an không rõ.
Chị Hoa đặt chén xuống, cẩn thận nhìn quanh, có hơi sợ hãi mà hạ giọng: "Cậu mới tới, thấy cứ ngơ ngơ, tui mới bấm bụng nói thiệt lòng. Ở đây không đơn giản là xưởng bình thường. Cậu làm tốt, sống yên. Nhưng nếu lỡ dại, coi như toi, đừng mong yên thân mà rời khỏi chốn này."
Anh mím môi, cúi đầu nhìn chén cơm, lòng băn khoăn không dứt. Những nghi ngờ từ lúc bước chân vào xưởng như được xác nhận từng chút một.
Cô Lịch đến coi vào cuối ngày, kiểm tra tiến độ công việc. Khi đi ngang qua anh, cô dừng lại vài giây, quan tâm mà hỏi: "Anh thấy sao? Mần có ổn không?"
"Dạ ổn, cảm ơn cô." Anh đáp ngay, cố gắng tỏ vẻ bình thường không quá thân thiết, cũng không quá xa lạ.
Cô gật đầu, không nói thêm, quay người đi thẳng.
Khi trời tối, xưởng trở nên im lặng lạ thường. Ngoài tiếng chân lính canh bước tuần tra thì không còn âm thanh nào khác. Anh nằm trên chiếc giường cứng ngắc trong khu nghỉ của thợ, lòng trĩu nặng. Thì giờ gấp rút, anh phải tìm cách lẻn vào cửa hầm kia xem thế nào càng sớm càng tốt. Tuy nhiên anh không dám đánh rắn động cỏ ngay trong đêm, dự định quan sát thêm một hai hôm nữa rồi mới bắt tay hành động.
Những ngày tiếp theo, anh dần thích nghi với nhịp làm việc của xưởng, nhưng trong lòng không ngừng cảnh giác, luôn trích ra một phần chú ý để âm thầm quan sát cách nơi này vận hành. Anh cố gắng ghi nhớ từng ngóc ngách của xưởng, và để ý đến tất cả mọi người.
Nhóm người phần lớn khá trẻ tuổi, vẻ mặt trông không quá hào hứng và thoải mái, ngược lại có phần nghiêm trọng lẫn sợ sệt. Mọi người hoàn toàn làm việc trong im lặng, chỉ trao đổi khi thật sự cần thiết. Đồng thời, anh nhận ra có những quy trình mà công nhân không bao giờ được tự ý chủ trương, và giám sát viên xuất hiện với tần suất đều đặn như thể đang theo dõi hơn là kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Ban ngày, tại cửa hầm, nơi khả nghi đã thu hút sự chú ý của anh từ ngày đầu tiên, lúc nào cũng có sự xuất hiện của một nhóm nhân công đặc biệt. Không ai trong số họ giao tiếp với những người còn lại, làm việc nhanh nhẹn nhưng gương mặt lúc nào cũng căng thẳng, gần như không bao giờ ngẩng đầu. Họ chuyển hàng ra mé cảng sông, sau đó vòng lại.
Mặt khác, với công việc đóng gói được giao, anh cũng bắt đầu thử quan sát những kiện hàng được vận chuyển ra ngoài. Anh nhận ra những kiện hàng không giống như mô tả trên nhãn dán.
Một số thùng gỗ rất nặng, bên ngoài chỉ ghi "phôi đá" nhưng khi nhân công khiêng đi thì lại lạo xạo tiếng kim loại bên trong. Anh đã thử nâng một thùng, cảm giác như bên trong chứa vật gì đó rắn chắc, không phải là sức nặng của huyền thông thường.
Lại có những kiện hàng được niêm phong cẩn thận bằng dây xích, bên ngoài có tem dấu mà nhân công không được phép chạm vào. Những thùng này sẽ được vận chuyển thẳng xuống cửa hầm, không qua khâu kiểm tra chất lượng.
Sau khi phát hiện những điều trên, anh bèn để ý kỹ hơn đến giám sát viên. Họ không chỉ kiểm tra tiến độ mà còn ghi chép lại thông tin của những người bên trong xưởng. Ai làm việc chăm chỉ, ai có dấu hiệu nghi ngờ, tất cả đều được ghi vào sổ tay của họ.
Thỉnh thoảng, họ gọi riêng một số công nhân vào một căn phòng nhỏ ở phía sau. Những người đi vào không phải lúc nào cũng quay lại.
Tổng hợp lại hết những quan sát trên, anh biết mình không thể ngồi yên được nữa. Nếu tiếp tục làm việc, có thể một ngày nào đó anh cũng sẽ bị gọi đi như những người khác và bị rơi vào diện tình nghi.
Cuối cùng anh quyết định thực hiện một kế hoạch táo bạo: thâm nhập vào tầng hầm bí mật dưới lòng đất.
Đợi đến đêm khuya, khi xưởng chìm trong yên lặng và lính gác đã quen với nhịp điệu tuần tra, anh len lén rời khỏi khu nghỉ ngơi. Tiếng chân lính gác vang vọng đều đặn trong không gian, nhưng anh đã ghi nhớ được nhịp đi lại của họ, từ đó tìm ra khoảng trống để hành động.
Lối vào tầng hầm nằm ẩn dưới một lớp cửa gỗ dày, được gia cố thêm thanh chắn ngang chắc chắn. Hai lính canh trang bị súng hỏa mai đứng ngay cổng, ánh mắt cảnh giác quét quanh. Không thể dùng vũ lực, anh chỉ còn cách tận dụng bóng tối để tiếp cận.
Anh bò sát mặt đất, dùng những thùng hàng và không gian tối đen làm lá chắn. Một lúc lâu sau, khi lính canh quay lưng nói chuyện với nhau, anh nhẹ nhàng thả một viên đá nhỏ lăn về phía bên phải.
Tiếng động nhỏ vang lên trong không gian yên tĩnh trái lại nghe thực rõ ràng. Hai lính canh lập tức quay sang hướng đó, súng nâng cao, tiến vài bước để kiểm tra. Anh tranh thủ khoảng trống để lách mình đến gần cửa, áp sát vào góc khuất.
Cánh cửa được khóa bằng một cơ chế phức tạp, gồm một ổ khóa và một đòn bẩy bằng kim loại. Ngay khi anh đang loay hoay không biết phải làm sao thì cánh cửa được mở ra từ bên trong. Tim anh đập mạnh, cố nép sát mình hơn vào bụi rậm bên cạnh.
Anh nghĩ chắc mình sẽ tiêu đời vì đã quá chủ quan, quá tự tin nghĩ rằng bản thân có thể dễ dàng vượt qua bảo mật của xưởng.
Anh nắm chặt chiếc nhẫn đeo trước ngực, lòng bàn tay nóng rẫy đối lập với kim loại lành lạnh. Trong trí óc anh chợt thoáng hiện lên gương mặt lo lắng của Văn Bắc. Ngực trái anh nhói đau.
Anh đã chuẩn bị sẵn sàng, chẳng có lẽ mũi kim đầu tiên sẽ phải sử dụng ở ngay đây?
Với khả năng hoàn toàn bị phát hiện ngay sau đó?
CHÚ THÍCH:
(1) súng hoả mai: Tại Việt Nam, súng hỏa mai 火枚, hay trong văn bản hành chính Đàng Ngoài gọi là Hiệp Súng 挾銃, Đàng Trong gọi là Điểu Thương 鳥鎗, là thứ vũ khí phổ dụng kể từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Các chúa phong kiến lớn như vua nhà Lê, vua nhà Mạc, chúa Trịnh, chúa Nguyễn đều trang bị súng hỏa mai với số lượng khổng lồ cho quân đội. (Theo Wiki)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro