Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG 1: TIỂU ĐỘI 3

Chuyện kể rằng, ở làng Vĩnh Hoá ngày xưa có một ông thầy đồ tên Vũ Lĩnh, tính tình nóng nảy, khó ưa, chẳng giống với những ông thầy đồ ở các làng lân cận khác. Hễ gặp chuyện chi không hợp ý, thay vì dặn lòng cho qua, thì ông lại gân cổ gào mồm làm ầm lên. Một ông thầy đồ miệng lưỡi chua ngoa, cộc cằn như thế, ấy vậy mà người tới nhà tìm ông để nhờ ông đó chữ đông như kiến tha mồi về tổ. Năm nào cũng vậy, cứ độ mỗi tháng sáu, trước sân nhà thầy Vũ Lĩnh lại tụ tập nào là trò cũ, nào là trò mới, hoặc những cha mẹ nào muốn gửi con cho ông dạy đều phải xếp hàng từ sớm ngoài đầu đường, đợi tít trong nhà vang lên ba hồi kẻng, sáu hồi trống thì mới được vô nói chuyện thầy thầy trò trò, rần rần cả một góc làng. Lần lần rồi, nó thành cái lệ của làng Vĩnh Hoá nói chung, và của ông thầy đồ Vũ Linh nói riêng hồi nào không biết.

Quan trọng hơn, ông thầy Vũ Lĩnh còn có một người con gái tên Chi, đẹp người, đẹp nết có tiếng nhất làng. Hay hè! Một người kỹ tính khó chịu như ông, ấy thế mà lại đẻ ra được đứa con gái vừa dịu dàng, vừa duyên dáng thế này đây. Chi năm nay đã mười tám, còn chưa gả đi, thế nhưng, người đòi tới xem mắt Chi thậm chí còn nhiều hơn số học trò hàng năm tới để nhờ ông Lĩnh dạy học. Nhưng ngặt nỗi, tám lần mười lứa, dù cho có bao nhiêu thanh niên tứ xứ tụ về đòi rước Chi đi chăng nữa, thì ông Lĩnh vẫn nhất nhất không chịu gả với cái lý do cũ mốc xì của mình:

- Con tau, tau giữ ở nhà là để phụng dưỡng tau. Làm răng mà tau cho hắn qua ở nhà người để phụng dưỡng kẻ khác?

Và để chắc chắn rằng về sau không còn ai dám bén mảng tới con gái nhà mình, ông Lĩnh đã tự thân đưa ra "ba ải tử" cho những người nào có ý định tơ tưởng muốn cưới Chi, hòng cắt được những cái đuôi bám Chi dai như đỉa đói ấy. Nhưng chẳng mấy ai biết rõ tường tận, "ba ải tử" mà ông thầy Lĩnh đặt ra cho những kẻ đó, rốt cuộc là gì.

Nghe nhiều người từng trải kể lại, ở ải tử thứ nhất, ông Lĩnh đem một bao chứa đầy miểng chai ra và rải nó từ đầu cổng tới tận thềm nhà, bắt người nào muốn vào thì phải giẫm đống miểng chai ấy để vào, coi như là gia tiên thử thách lòng thành người nào muốn cưới con gái nhà này. Đương nhiên, làm gì có ai dại mà tự hành xác mình chỉ để lấy lòng một ông già khó ăn khó ở như thế được. Cũng có người quyết tâm làm theo, với cái mong muốn là được bước một chân vào làm rể nhà thầy đồ cho oách tấm thân, nhưng khi chỉ vừa mới đi được ba bước, thì đã la oai oái đòi bỏ cuộc với cái lí do là miểng chai đau quá, giẫm vào chỉ có nước rách da chảy máu chứ được ít gì. Đi hết một con đường miểng chai này, thì da thịt nào mà chịu cho nổi. Cứ như vậy bẵng cho tới hai năm sau, chẳng có ai dám hoàn thành cái ải thứ nhất để lấn sang cái ải thứ hai, thứ ba, và cố nhiên, đời Chi cũng vì những cái ải oái ăm ấy mà sống đơn độc không một tấm chồng cho tới năm mười tám tuổi.

Thiếu nữ ở làng Vĩnh Hoá này, mười sáu tuổi cưới chồng, mười bảy tuổi đã đẻ con. Chi nhìn những người bạn đồng trang lứa lần lượt cưới chồng, xúng xính đồ đẹp, mặc áo voan trắng, tay trong tay với ý trung nhân mà không khỏi ghen tị đỏ mắt. Thú thật, Chi cũng muốn cưới chồng lắm. Có chồng rồi, thì được chồng thương, chồng chiều, đẻ con xong thì ở nhà chăm con, lo chuyện cơm nước. Đời người phụ nữ nếu nhàn nhã như thế, thì tội gì mà không lấy chồng. Và đó là mơ ước của Chi, cái mơ ước gieo rắc trong lòng Chi một nỗi khát khao mãnh liệt từ mùa tết này qua mùa tết nọ, năm này nối tiếp sang năm kia. Rằng, Chi muốn cưới chồng.

Đời con gái người ta già sớm hơn con trai, mười tám mà không có mối nào gả tấm thân, thì mai mốt lỡ già, da dẻ nhăn nheo, dung nhan xấu xí, thì có ma trù ma quế nào mà thèm lấy. Vậy nên, Chi buồn lắm. Chi có phải hạng đàn bà quê mùa, hay dung nhan ma chê quỷ hờn gì để bị cánh đàn ông khinh ghét đâu. Chi đẹp, đẹp nhất làng. Ngặt nỗi, do cha Chi khó, mạ Chi không nỡ gả con. Vì những lý do ấy, nó khiến Chi buồn. Buồn nẫu ruột. Buồn tới nỗi, sông Ngự Hà dù sâu cấp mấy, cũng khó lòng chứa hết nỗi buồn suốt ngần ấy năm của Chi.

Cho tới một hôm, cái sự đơn độc và thèm khát ái tình của con gái tuổi mới lớn đã sai khiến con tim Chi, làm lú lý trí của Chi, sau cùng, nó làm cho Chi nảy ra một quyết định vô cùng táo bạo. Trong năm này, Chi nhất định phải cưới chồng. Mà trai làng dẫu mê Chi như mê một vầng trăng sáng, nhưng họ lại ngán cha Chi như ngán một món ăn đã ăn tới chán chê, thế thì, còn mấy ai chịu lấy Chi nữa? Chi vắt óc suy nghĩ, vẫn không biết làm thế nào để tìm được thứ ái tình như ý nguyện. Đôi lúc, Chi thấy chuyện gì khó quá, thì thôi. Vốn là con của thầy đồ, được cha mạ dạy dỗ cẩn thận, nên Chi rất biết giữ thân, giữ tính. Chi sợ, nếu cha mạ mà biết trong đầu Chi toan tính những suy nghĩ đê hèn rẻ mạt ấy, thì nhất định sẽ mắng chửi Chi. Chi sợ cái uy của cha, sợ sự thất vọng của mạ, và đương nhiên, sau một thời gian Chi nhận ra, ái tình muốn có thì phải đợi tới lúc duyên chín muồi, tương tự như muốn hái quả ngọt thì phải đợi tới mùa mới được hái, nếu hái giữa chừng thì gặp quả chua quả chát. Ái tình, tương tự như vậy.

Dân gian có câu: "Trời không phụ lòng người". Vào lúc tưởng chừng như mình đã chấp nhận chuyện gửi cái ái tình cá nhân cho đấng sinh thành toàn quyền quyết định, thì lại có một sự việc nghiêm trọng xảy ra khiến Chi phải nghiêm túc suy nghĩ về cuộc đời bản thân, về sự rung động ái tình mà nàng ngày đêm khao khát. Sự việc ấy diễn ra vào hôm một nhóm chiến sĩ về làng Vĩnh Hoá để vận động bà con sơ tán khi có tin quân giặc chuẩn bị ném bom xuống Huế.

Chi nhớ rất rõ, hôm ấy là ngày 12 tháng 12 năm 1964.

Từ lúc tờ mờ sáng, làng Vĩnh Hoá đã tấp nập người qua kẻ lại. Ngoài cổng làng, có hai chàng thanh niên trai tráng cầm những tấm vải đỏ dài chừng hai sải tay người lớn, trên tấm vải ghi một dòng chữ quốc ngữ được viết bằng sơn vàng bự chảng: "Quân với dân, như cá với nước". Hai người thanh niên bắt hai cái thang tre cao vừa tầm với cổng làng, rồi trèo lên, mỗi người cầm một đầu tấm vải kéo căng ra và treo tấm vải lên giữa cổng. Tấm vải sau khi căng, như một tấm biển tuyên truyền được làm dã chiến, dòng chữ quốc ngữ tuy không được viết bằng thứ mực đắt tiền hay được tô vẽ cầu kì, nhưng tự nó lại rực lên một màu vàng sáng lấp lánh tựa sao, như sẵn sàng thể hiện cái tình tương thân tương ái giữa dân và lính trong thời thế loạn lạc này. Bên trong làng, các o đương tất bật thái những trái vả và thịt bò để chuẩn bị làm món vả trộn thết đãi nhóm chiến sĩ. Và không phải lúc nào trong làng cũng có sẵn thịt bò để nấu như thế. Thịt bò, thịt trâu đắt lắm, và cũng chẳng có nhà nào gan dạ hy sinh một con bò đương sức cày chỉ để nấu một bữa ăn cả. Chỉ khi làng phải tiếp khách quý, như các cán bộ hay chiến sĩ ghé thăm, thì người làng mới chịu mổ bò để nấu mà thôi. Chứ còn bình thường, người làng vẫn cứ xoay quanh với những món rau luộc, rau dại hay khoai mì khoai sắn, và nhịn bụng dành những của ngon khác để tẩm bổ các anh chị bộ đội đi đường xa tới làng có cái mà ăn cho ngon miệng. Bên cạnh đó, còn có những cái nồi gang tới nhẻm sôi ùng ục cơm, mùi thơm từ gạo trắng nấu chín và thịt bò xào dậy lên một mùi hương quyến rũ, bay ngào ngạt khắp cả làng, khiến đám con nít, và cả người lớn đều chẹp miệng thòm thèm.

Đương lúc người làng vẫn còn loay hoay với bữa cơm chào đón khách quý, thì cách đó chừng bảy cây số, tiểu đội được phân công tới làng Vĩnh Hoá để vận động người dân cũng đã hành quân đi được một đoạn khá xa.

Khác với những lần trước chỉ toàn là đàn ông con trai, lần này, tiểu đội được phân công gồm mười hai người, thì đủ mười hai người là con gái hết thảy. Những nữ chiến sĩ mặc bộ quân phục đã phai màu, từ màu xanh lá đậm thành màu bạc, đầu đội mũ cối, vai vác những khẩu súng nặng trịch. Mồ hôi lấm tấm trên những vầng trán, rủ những lọn tóc tới bết dính lại với nhau. Và hình như, họ không cảm thấy nặng và mệt. Mặt mày cô nào cô nấy, đều nở nụ cười tươi như những bông hoa. Làn da hơi đen do phải dãi nắng dầm mưa ngoài chiến trường cũng chẳng thể làm xấu đi những nét đẹp mặn mà ấy. Đôi mắt của các cô, sáng ngời ngợi và phơi phới sức sống của tuổi trẻ. Từng bước đi vừa thuỳ mị nhẹ nhàng, lại vừa cứng cỏi kiên cường chẳng kém các nam chiến sĩ là bao. Vừa đi, các cô vừa nghêu ngao hát, tiếng hát thánh thót, trong trẻo vang vọng khắp cả một vùng:

"Giải phóng Điện Biên Bộ đội ta
Tiến quân trở về giữa mùa này hoa nở
Miền Tây Bắc tưng bừng vui
Bản mường xưa nương lúa mới trồng
Kìa đàn em bé giữa đồng nắm tay xoè hoa."

Đương hát nhộn nhịp như thế, thì chị Trang tiểu đội trưởng thổi một hồi còi chói cả tai. đó là còi hiệu lệnh tập hợp. Tiếng còi vừa dứt, người nào người nấy đều dừng bước chỉnh đốn lại hàng ngũ. Có cô vì đi mỏi chân quá, định lén lút lấy bi đông ra hớp một ngụm nước, nhưng sợ ánh mắt sắc lẹm của chị tiểu đội trưởng nhỏ nhắn ấy, mà lại thôi không dám nữa. Chị Trang xốc lại ba lô cùng khẩu súng trường trên vai, ngó nghiêng hàng ngũ xem liệu có thiếu ai hay không. tới khi chắc chắn rằng tiểu đội mười hai người đều đã có mặt đầy đủ, thì chị giả vờ đanh mặt, nói bằng giọng xứ Quảng rặt:

- Chị em mình có mệt không?

Chị vừa dứt câu, phía sau hàng đã có tiếng trả lời vọng lại. Lần này, người trả lời nói bằng giọng xứ Nghệ:

- Choa mệt bở hơi tai, mi nỏ thấy à?

Tiếng cười rộ lên rần rần, lấn át hoàn toàn giọng nói nghiêm nghị của chị tiểu đội trưởng. Trong hàng, mười một chị em còn lại bụm miệng, thúc vai nhau cố gắng nhịn cười, vì đương lúc tiểu đội trưởng phân công nhiệm vụ thế này mà cười, thì coi không phải phép gì hết. Chị Trang mặt đỏ phừng phừng, liếc mắt nhìn thủ phạm vừa mới phát ngôn câu nói kia. Không khó để chị nhận ra người nọ là ai. Trong tiểu đội này, người hay giả giọng xứ Nghệ chỉ có mỗi mình hắn chứ không ai hết. Con bé Nhung ấy, mới vô chưa được bao lâu mà đã bày trò nghịch phá, táo tợn thế rồi. Ai chịu cho nổi?

- Đồng chí Nhung! Ra khỏi hàng!

Chị Trang gằn giọng ra lệnh, cùng lúc đó, tiếng cười của cả tiểu đội cũng im bặt.

Nhung từ cuối hàng lập tức bước ra. đó là một cô thanh niên xung phong nhỏ nhắn, cao chừng mét rưỡi hơn. Dù thấp bé nhất tiểu đội, nhưng ai cũng phải công nhận, Nhung là đứa lì lợm và bướng bỉnh nhất trung đoàn. Em có gương mặt trái xoan, đôi mắt đen láy sáng ngời ngợi như vì sao đêm, hàng lông mi cong vút và mái tóc dài suôn mượt lúc nào cũng tết đuôi sam gọn gàng. Cả ánh mắt, và gương mặt Nhung tuy hiện rõ nét hiền dịu, nhưng đôi mắt em lại rực lên một sự gan dạ lạ thường. Khuôn miệng chúm chím của em rộ lên nụ cười thật tươi, lộ ra hàm răng trắng đều tăm tắp. Em thực hiện động tác đi đều một cách vô cùng vụng về. Đứng trước mặt tiểu đội trưởng, em giơ tay chào, ngực ưỡn ra oai phong như một vị nữ tướng, và giọng nói trong trẻo như nước suối rừng của em khiến cả tiểu đội đều cảm thấy thổn thức.

- Báo cáo! Tôi có mặt!

- Răng đồng chí dám giỡn trong hàng?

- Tôi có giỡn mô. Tiểu đội trưởng hỏi, thì tôi trả lời.

- Tôi không cấm đồng chí trả lời. Nhưng đây là trong tập thể tiểu đội đang làm nhiệm vụ, đồng chí muốn trả lời thì phải trả lời cho đúng chuẩn mực.

Nhung nhún vai, bĩu môi. Em cười hì hì, đáp:

- Rứa đồng chí muốn tôi trả lời cho đúng, thì đồng chí phải hỏi đúng đã chớ. Đồng chí xưng chị em với tụi tôi, tụi tôi tưởng đồng chí giỡn nên mới trả lời như ri.

Nét mặt ngây thơ lẫn câu trả lời của Nhung khiến chị Trang tức tới độ bụng dạ sôi lên ùng ục. Không biết cách nào để trả lời con bé miệng còn hôi sữa này, chị đành phủi tay ra hiệu em hãy về hàng, trong sự khoái chí của cô thanh niên xung phong đương còn chập chững trên con đường đánh giặc. Nhung chạy ngay về và đứng phía cuối hàng, em tự đắc vỗ ngực, thể hiện ta đó không sợ tiểu đội trưởng cho người bạn trước mặt mình xem. Em kéo vạt áo người kia, thì thầm hỏi:

- Mi thấy tau ghê không?

Đối phương nhoẻn miệng cười, rồi đưa ngón trỏ chỉ chỉ về phía chị Trang đương chuẩn bị nói điều gì đó với tiểu đội, họ trả lời:

- Mi ghê rứa, dám trả treo với tiểu đội trưởng. Chuyến ni về, coi chừng chị Trang phạt mi vác súng chạy khắp chiến khu.

- Tau cóc sợ. Chạy nhiều cho khỏe bắp giò.

Câu nói lạc quan của Nhung đã thành công khiến cả hai người cùng phì cười. Đầu hàng, chị Trang tiếp tục thổi thêm một hồi còi dài. Những người đứng gần chị, co rút vai, len lén bịt tai lại cho khỏi phải điếc. Chị Trang hơi kiễng chân để cho mình cao ngang bằng với chị đương đứng đối diện, và cũng để thể hiện rằng, mình là một người tiểu đội trưởng có uy hẳn hoi.

- Sắp tới làng Vĩnh Hoá, các đồng chí khi gặp dân thì phải tươi cười chào hỏi. Cấm không ai được khóc, nếu thấy mình khóc là dân xót. Các đồng chí nghe không?

Hàng loạt giọng nói vang lên như sấm rền:

- Nghe!

Chị Trang lại nói:

- Chừ còn năm cây số nữa là tới nơi, tôi cho các đồng chí ngồi nghỉ mệt năm phút, sau năm phút ta đi tiếp.

Sau khi có lệnh nghỉ mệt từ tiểu đội trưởng, mọi người giờ đó mới dám thở phào nhẹ nhỏm, ai nấy đều hạ ba lô và súng xuống, ngồi bệt ra giữa đường mà thở hồng hộc. Âm thanh từ cái bi đông đựng nước vang lên lách cách, hòa lẫn với tiếng nói chuyện xôn xao của các chị em khác đã góp phần làm đoạn đường ruộng này trở nên nhộn nhịp hơn hẳn.

Nhung ở đó, không thèm bắt chuyện với chị em, em phóng tầm mắt ra thửa ruộng vàng ươm chói lóa như ánh mặt trời, ngửa đầu tận hưởng cơn gió lướt nhè nhẹ qua da mặt. Nhung hít hà một hơi thật sâu, có bao nhiêu sự thanh khiết của đất trời, em đều hít cho tràn căng cả phổi, bù lại cho khoảng thời gian nửa năm ròng rã hít khói bụi và bom mìn ở mặt trận. Đó, là giây phút yên bình hiếm hoi của Nhung, khi được thủ trưởng phân công đi làm nhiệm vụ tuyên truyền. Nhung nghĩ, không gì sướng bằng việc đi tuyên truyền. Vừa được dân nấu cơm cho ăn, vừa được ra ngoài ngắm nhìn ruộng vườn bát ngát. Nhung ngồi ôm lấy ba lô, cằm tựa vô báng súng, đôi mắt to tròn của em cứ chăm chăm nhìn khắp thửa ruộng ấy như nhìn một kỳ quan rực rỡ.

Ngồi nhìn ruộng, nhìn dân vác cày, vác cuốc đi làm, tự dưng, nỗi nhớ mạ trong lòng Nhung dâng cao hơn bao giờ hết. Nhung nhớ, hồi còn sống, mạ Nhung mỗi buổi trưa đều sẽ ra đồng giống thế này, rồi địu Nhung sau lưng, vừa làm, mạ vừa hát những bài ru nghe thật êm tai. Chỉ tiếc là mạ chết lâu rồi, bây giờ Nhung muốn nghe mạ hát, cũng không tài nào nghe được. Đúng thật là, cảnh đồng quê thanh bình tới độ khiến con người ta gợi nhớ về những kỉ niệm thời ấu thơ. Nhung nhớ thế, và Nhung im lặng để nhớ. Mãi cho tới khi người bạn bên cạnh vỗ bộp một cái vào vai, Nhung mới giật mình tỉnh người. Em ngơ ngác nhìn người nọ, lại phát hiện ra họ đương đưa cho em một nắm cơm bọc trong lá sen. Lá sen hơi héo, nắm cơm trắng tinh với muối mè kế bên dấy lên mùi thơm thoang thoảng, khiến bụng Nhung sôi cồn cào vì đói. Em trân mắt, lấm lét nhìn chị tiểu đội trưởng đứng đầu hàng, sau đó quay sang hỏi họ rằng:

- Chi rứa?

- Cơm nắm muối mè chơ chi nữa. Mi ăn nhanh cho đỡ đói.

- Mà lát nữa vô làng, thể mô cũng được ăn mà.

- Răng mà đợi được tới lúc nớ. Chớ mi nghĩ, vô làng một cái là được ngồi ăn ngay à?

Nhung ngây thơ gật đầu, người nọ cốc vào trán em một cái.

- Vô làng rồi còn phải đợi tiểu đội trưởng thông báo với dân làng xong thì mới được ăn. Tới ngang nớ là tới chiều rồi. Mi chịu đói được không?

Nhìn nắm cơm tuy nguội ngắt vón cục, nhưng lại tỏa ra một sức hút đó mê hoặc khiến Nhung không nhịn nổi nữa. Thế là, em lắc đầu và đón nhận nắm cơm ấy từ tay bạn mình, ăn nhai ngấu nghiến như kẻ bị bỏ đói lâu ngày. Người nọ thấy em ăn cơm ngon miệng thế kia, thì phì cười. Đưa cái bi đông đã mở sẵn nắp cho em, họ khẽ dặn:

- Ăn chi mà nhanh rứa, coi chừng mắc nghẹn là không cứu được mô.

Nhung tủm tỉm cười, hạt cơm vẫn còn dính trên khoé môi. Em dốc bi đông lên, tu ừng ực một hơi cho nắm cơm trôi tuột xuống cổ họng. tới khi cơn đói được chữa tạm thời, thì cũng là lúc chị Trang ra lệnh cho mọi người tiếp tục hành quân về làng. Nhung đứng bật đó như con tôm, hào hứng ngóng chờ đoạn đường phía trước.

Chỉ còn đúng năm cây số nữa, là về được làng Vĩnh Hoá, khỏi phải nói, Nhung mừng không sao tả xiết. Bởi, làng Vĩnh Hoá là quê nội của em, cha em từng sống ở làng này từ nhỏ chí lớn, rồi sau này mới chuyển về Phong Điền cưới mạ và sinh ra em. Tuy số lần về làng không được thường xuyên do cha làm tình báo viên cho quân ta, mọi thông tin kể cả quê quán, hay lộ trình đi đâu, làm gì đều phải được giữ kín, không thể tuỳ tiện rời khỏi khu vực đương sinh sống để tránh bị quân địch phát hiện. Kể từ khi cha bị giặc Mỹ giết, mạ bị bắt để tra khảo, thì Nhung cũng chẳng còn cơ hội nào để về thăm quê nữa. Trong trí nhớ non nớt của em, làng Vĩnh Hoá là một ngôi làng nghèo, mọi thứ trong làng đều đã cũ mục và lỗi thời hết cả, ngay tới những người già vẫn còn giữ hoài những quan niệm từ thời phong kiến. Trong làng, người ta vẫn còn sử dụng chữ Nôm rất nhiều, số người biết chữ quốc ngữ còn ít, ít tới đáng thương. Chỉ có những người nào đi học từ bên ngoài về, mới biết chữ quốc ngữ viết thế nào, đọc ra làm sao. Đó là những điều hiếm hoi Nhung nhớ về làng Vĩnh Hoá mười năm về trước, chứ bây giờ làng đổi khác thế nào, phát triển tới đâu, thì em cũng khó lòng biết được.

Vừa đi vừa nghĩ như thế, tức thì, có một con bướm bay lượn lờ tới và đậu trên bả vai em. Nhung hiếu kỳ nhìn sang. Con bướm sặc sỡ ấy đương vỗ nhẹ hai cái cánh đó màu sắc của mình, như gọi mời em hãy chú ý tới nó. Tính Nhung mới lớn nên ham vui, thấy bướm đậu trên vai, em liền ngừng bước và khẽ đưa tay ra chạm vào. Bướm liền chuyển từ đậu trên vai sang đậu trên ngón tay em. Nhung giơ con bướm lên ngang tầm mắt, bỗng dưng nó lại vỗ cánh bay đi, không kịp để em ngắm nhìn nó thêm giây phút nào. Và cũng vì lo ngắm bướm như thế, mà em đã tụt lại phía sau hàng hồi nào không biết. Tới khi phát hiện ra rồi, Nhung liền co giò chạy bám sát mọi người. Cũng may là em đứng cuối hàng, chứ nếu đứng giữa hay đầu mà chểnh mảng thế này, thể nào cũng bị tiểu đội trưởng mắng té tát cho xem.

- Tau nghe nói, quê nội mi ở làng ni phải không?

Nhung gật đầu:

- Phải. Lâu rồi tau không về làng, không biết nhà nội tau còn hay bị giặc đốt rồi. Nhưng răng mà đốt được. Tụi nó chỉ để ý tới mấy chỗ đô thị, chớ còn làng quê thì tụi nó không thèm đốt mô. Tính ra, quê nghèo cũng có cái giá của quê nghèo quá chớ, mi hỉ? Nghèo như rứa khỏi phải quan tâm tới bom đạn.

Đối phương bĩu môi:

- Cái nớ may ra chỉ đúng khi còn chống Pháp thôi. Chớ tụi Mỹ ni, là tụi nớ đốt sạch, đốt cho bằng hết. Ở chỗ mô có người của ta len lỏi tới, là tụi hắn không tha cho mô. Mả cha tụi giặc ác ôn nớ thiệt chớ.

Ngưng lại một hồi để cho cái mệt tạm thời lắng xuống, người bạn kia tiếp tục hỏi Nhung:

- Chớ mi còn nhớ chi về làng nữa không? Lát tới nơi, có chi thì dẫn tau đi tham quan nghe.

- Về từ hồi nhỏ xíu, răng mà nhớ được, mi. Tau chỉ nhớ mỗi lần về, mạ hay đưa tau ra quán chè của một o đầu làng ăn thôi. Mi có muốn ăn, thì đợi chiều sau khi tuyên truyền xong, tau đưa mi đi ăn.

Gương mặt đối phương liền hiện rõ nét rạng rỡ, họ hào hứng vỗ tay bôm bốp, như thể hiện rằng mình vô cùng trông chờ được ăn cái quán chè mà Nhung nhắc tới.

Cuộc nói chuyện phiếm ngắn ngủn gợi nhớ về làng dường như đã hun đúc cho Nhung một sức mạnh mãnh liệt, để từng bước chân em bước đi mỗi lúc một nhanh hơn. Và chỉ trong vòng hai mươi phút, cả tiểu đội đã tới được làng Vĩnh Hoá.

Từ bên ngoài nhìn vào, ngôi làng trông thật nghèo nàn với con đường đất đầy rẫy sỏi đá, những ngôi nhà tranh vách đất bị nứt nẻ vô số chỗ, bám đầy mạng nhện và xiêu vẹo như chỉ cần một trận bão lớn thôi, cũng đủ khiến cho từng dãy nhà đổ ập xuống như hàng cây bị chặt. Cổng làng được dựng bằng tre nứa thô sơ, không được đắp gạch, đắp đất, hay có ngói như những cổng làng ở các nơi khác. Tuy vậy, cổng làng Vĩnh Hoà lại mang một sự lộng lẫy mà hiếm làng nào có được, ấy là nhờ vào tấm biển dã chiến "Quân với dân, như cá với nước" được treo vô cùng trịnh trọng trên kia. Chính nó là thứ đã khiến cho cả tiểu đội đều phải trầm trồ ngước nhìn. Thậm chí, cả chị Trang cũng phải rơm rớm nước mắt, vì không ngờ rằng tiểu đội lại được bà con nghênh đón một cách long trọng như thế.

Tiểu đội vừa tới nơi, tiếng vỗ tay của bà con dân làng vang lên tựa tiếng pháo nổ. Người làng già trẻ, gái trai gì đều đã có mặt đầy đủ. Đợi khi tiểu đội trưởng đại diện cả tiểu đội bắt tay và cảm ơn dân làng, thì người già nhất làng, cũng chính là trưởng làng bèn đứng lên phát biểu bằng chất giọng xởi lởi thân thiện:

- Hôm ni là ngày vui cho cả làng Vĩnh Hoá, vì được các chiến sĩ bộ đội tới thăm và tuyên truyền. Thay mặt cho người dân trong làng, tôi xin chân thành cảm ơn chiến khu, cảm ơn các cô, các cháu chiến sĩ. Còn cái biển ni, tôi nhờ mấy đứa nhỏ biết chữ quốc ngữ viết cho. Chớ người già tụi tôi, có biết chữ mô mà viết. Tôi cũng chẳng biết tụi nó viết có đúng hay không. Chừ mà sai, các cô nhắc nhở giùm nghe.

Rồi ông quay sang các o đương đứng thập thò ở tít đằng kia, nói:

- Mọi người chuẩn bị cơm nước hết chưa? Xong rồi thì chuẩn bị dọn ra, cho các cô cùng ăn cho vui. Sáng chừ chuẩn bị đó đủ cả rồi.

Chị Trang nghe tới việc tiểu đội được dân làng mời ăn, chị vội vàng ngăn trưởng làng lại.

- Tụi cháu vẫn chưa ăn được mô, phải đợi tuyên truyền xong cái đã.

Trưởng làng xua tay, đáp:

- Ui chao! Có thực mới vực được đạo. Không ăn, làm răng có sức mô mà tuyên truyền.

Nói đoạn, ông vẫy tay ra hiệu mười một người còn lại nhanh chóng vào làng. Lần này không cần nghe lời tiểu đội trưởng nữa, mùi thơm từ món vả trộn thịt bò và cơm trắng đã khiến cho những cái bụng lép xẹp của các cô chiến sĩ réo lên như tiếng còi tập hợp. Chị Trang đứng tần ngần ra đó nhìn những chiến sĩ của mình ngang nhiên vào làng mà không cần đợi lệnh thế này, nhất thời ngơ ngác không biết phải làm sao. Một o đứng gần đó thấy chị chưa vào, bèn kéo tay lôi chị đi cùng với mọi người. Ngoài cổng làng bây giờ không còn một ai, chỉ còn những tiếng hò reo của mấy đứa con nít chạy búa xua xung quanh, cầm những lon thiếc rỗng gõ choang choang vô nhau. Vừa gõ, chúng vừa thích thú nói to:

- Bộ đội về làng rồi anh em ơi! Bộ đội về làng rồi anh em ơi!

Một đứa mặt mày trông có vẻ lém lỉnh hùa theo:

- Không phải chú bộ đội mô. Cô bộ đội đó! Các cô răng mà đẹp rứa.

Đi giữa một rừng người, các cô chiến sĩ không khỏi đỏ mặt. Trong số bọn họ, phải có tới bảy tám người là lần đầu đi tuyên truyền, nên không thể tránh khỏi việc ngại ngùng khi phải tiếp xúc với nhiều người lạ thế này. Những người nào mà đi tuyên truyền nhiều rồi, cố nhiên sẽ cảm thấy những điều ấy thật bình thường, và họ sẽ tự nhiên chào hỏi lại người dân. Nhưng Nhung, một người cũng được liệt vào hàng lần đầu đi, thay vì mang bộ dạng rụt rè ít nói như những chị em khác, thì Nhung lại tự tin nói cười, trông chẳng khác gì một người sỏi nghề. Bởi lẽ, đó chính là quê nội của Nhung. Dù về ít hay về nhiều, thì đó cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của cha Nhung, của Nhung, vậy nên, Nhung không phải việc chi mà ngại ngùng nữa hết.

Tuy không có nhiều người trong làng nhớ, vì lần cuối cùng em về làng đã là hơn mười năm về trước rồi. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có một số o mang máng nhớ Nhung là con của anh Ba Nhiều làm tình báo viên cho mặt trận Việt Minh thời kháng chiến chống Pháp. Những o ấy đa phần tuổi đã ngoài bốn mươi, ấy thế mà trí nhớ vẫn nhớ rất tốt. Khi thấy một cô chiến sĩ đi phía cuối hàng lướt ngang, gương mặt trái xoan hiền hậu của cô chiến sĩ ấy đã đó nên trong lòng các o một sự thân thuộc không sao quên được. Một o trong số ấy rẽ hàng bước ra, đứng cách xa tiểu đội chừng một sải tay và í ới gọi:

- Nhung! Nhung con anh Hai Nhiều phải không?

Vừa nghe có người nhắc tới tên mình và cha, Nhung ngỡ ngàng lập tức quay sang. O ấy mặt mày cười rạng rỡ, tiến lại gần Nhung tay bắt mặt mừng, o nói trong sự xúc động:

- Răng mi về mà không báo cho o một tiếng? O Trinh đó, mi có nhớ không?

Đương lúc Nhung không biết trả lời thế nào, thì o tiếp tục hướng về phía nơi mà bà con tập trung đông nhất, lớn tiếng hỏi:

- Các o, các chú, các bác có nhớ con Nhung ni không? Hắn là con của anh Hai Nhiều, cháu của ông Ba Sang đó.

Một khoảng lặng chừng vài giây xuất hiện, rồi những tiếng xì xầm bàn tán rộ lên ngay tức khắc. Có một o khác giơ tay và tách hẳn ra khỏi đám đông, đáp:

- A! Ra hắn là con của anh Hai Nhiều. Rứa mà tôi cứ thấy quen quen. Nhìn hắn khác với lúc còn nhỏ quá.

Ngay khi o ấy nói xong, bà con đều đồng loạt nhận ra và nhớ tới cha Nhung. Nhưng nếu nhắc tới Nhung, thì hầu hết mọi người vẫn còn mơ hồ lắm. Vì không phải lúc nào khi về làng, cha cũng đưa Nhung tới nhà gặp mặt mọi người. Làng Vĩnh Hoá có hàng trăm hộ gia đình, làm sao mà biết nhau cho xuể.

- Chừ mi làm bộ đội à? Làm bộ đội giống cha mi à? Mi đi bộ đội lâu chưa? Lên chiến khu được lâu chưa?

O đứng phía đối diện vỗ bồm bộp vô cánh tay khẳng khiu như que củi của Nhung, không giấu được niềm tự hào và vui sướng.

- Dạ, con lên chiến khu cũng được nửa năm rồi.

- Chiến khu ở mô? Ở Nam Đông, hay Hương Thuỷ?

- Dạ, con ở Dương Hòa, Hương Thuỷ.

Nhung vừa đáp xong, o ấy lại oà lên. Đôi mắt một mí mở to tròn biểu lộ sự ngạc nhiên tột độ. Rồi rất nhanh sau, o lấy từ trong túi áo ra một bức hình trắng đen đã bị nhàu nát, đưa cho Nhung xem. Người trong bức hình là một chàng thanh niên trạc hai mươi tuổi, gương mặt góc cạnh cực kỳ nam tính, cùng đôi mắt một mí chẳng khác gì o là bao. O dí sát bức hình vào mặt Nhung, hỏi mà giọng cứ run run:

- Mi... mi có biết hắn không? Hắn là con o, hắn ở cùng chiến khu với mi. Năm sáu năm ni o không thấy hắn báo tin chi về hết.

Nhung nhìn thật lâu vào bức hình nọ, cũng lắc đầu bảo không. Rồi em xin phép o cho mình mượn bức hình và đưa nó sang cho người bạn hay đi cùng mình, bạn ấy đã vào chiến khu được khoảng thời gian khá lâu, nên Nhung nghĩ họ ít nhiều gì cũng sẽ biết về tung tích của con trai o ấy.

- Mi có biết người ni không? Có biết, thì nói cho o hay.

Vừa nhìn thấy bức hình, ánh mắt người bạn đột nhiên sáng rỡ. Họ giành lấy bức hình từ tay Nhung, hốc mắt chẳng hiểu vì sao mà đỏ hoe như trực chờ khóc.

- Tau biết. Đó là anh Trung, thuộc tiểu đội 6. Trước tê anh nớ ở chung chiến khu với mình, nhưng hồi bốn năm trước đã được chuyển lên Khe Tre rồi.

- Chừ mi còn biết thêm chi về anh ta không?

Người bạn lần này lắc đầu. Nhung hiểu ý, em cũng không muốn hỏi nữa. Gửi lại bức hình cho o, Nhung khẽ nói:

- Con không biết anh ni, mà bạn con thì biết. Có điều hắn chỉ biết tên và chiến khu anh nớ công tác thôi o ạ.

- Rứa hắn không còn ở Dương Hoà nữa à?

- Dạ không. Bạn con nói, anh nớ đã được điều công tác lên Khe Tre từ bốn năm nay.

Cảm thấy tin tức về đứa con trai mình vô cùng ít ỏi, o không nén nổi xúc động mà bật khóc thành tiếng. Nhung và người bạn nọ thấy cảnh o khóc, tất nhiên chẳng đành lòng nổi. Em tiến lại vỗ vai an ủi o, còn hứa sau khi trở về, nếu có dịp thì nhất định sẽ dò la thông tin về người con trai ấy cho o hay. Tiếng khóc của o Trinh đã thành công thu hút sự chú ý của tất cả mọi người đương có mặt, và tất nhiên, nó cũng khiến chị Trang tiểu đội trưởng chú ý. Chị nhanh chóng lại gần hỏi thăm tình hình. Khi nhìn thấy một o đương ôm Nhung khóc nức nở, hàng lông mày chị chau thật chặt, chị trầm giọng hỏi:

- Chuyện chi rứa? Răng o lại khóc?

Nhung thở dài sườn sượt và thuật lại đầu đuôi sự việc cho tiểu đội trưởng nghe. Nghe xong, chị Trang có vẻ như hơi quạu, vội vàng an ủi o vài câu rồi chị kéo Nhung ra đằng xa kia nói chuyện. Nhung không biết chị muốn nói chuyện gì với mình, em chỉ biết, sắc mặt chị dần chuyển đỏ như trái ớt chín. Mà một khi đỏ như thế, thì có nghĩa là chị Trang đương giận. Em ngờ nghệch không hiểu, tại sao chị Trang lại giận?

- Đồng chí kéo tôi đi mô?

Chị Trang nghiêm mặt nhìn cô bé nhỏ thó trước mặt mình. Kỳ thực, chị muốn đè ra đánh em một trận cho thỏa đáng, cho chừa cái tội làm dân khóc. Nhưng ở đó đông người quá, chị làm sao đánh được. Vả lại, chị Trang là tiểu đội trưởng, chứ không phải phường du côn đâu mà có thể tự tiện đánh đồng đội của mình như thế. Chị nén cơn giận trong lồng ngực, cố gắng làm sao cho bản thân không phải buông những lời mắng chửi Nhung. Chị hít thở sâu một hơi, đè chặt vai Nhung xuống, chị nói:

- Trước khi tới đó tôi có dặn, tuyệt đối không được làm dân khóc. Răng đồng chí dám cãi lời tôi?

Bị đè vai, Nhung đau tới nhăn nhó mặt mày. Sức lực của chị tiểu đội trưởng hơn em nhiều, đã vậy, trông chị khỏe khoắn thế kia, chỉ cần dùng chút lực thôi cũng đủ khiến Nhung phải chật vật, chẳng khác gì con chuột bị con mèo ngoạm chặt đuôi.

- Tôi không có làm o nớ khóc. Là o tự khóc.

Giọng chị Trang càng nghiêm hơn nữa. Nhung run sợ, đó là lần đầu tiên, em biết sợ tiểu đội trưởng của mình. Đôi mắt bồ câu của chị Trang mở trừng trừng, môi chị mím chặt vào nhau, và trong một khoảnh khắc diễn ra vụt như tên bắn, Nhung chợt thấy chị Trang mếu. Em ngây người, tự hỏi vì sao mà chị lại tỏ một biểu cảm kì lạ như thế. Nhưng không kịp để Nhung hiểu, là chị Trang đã ngắt ngang dòng suy nghĩ của em, bằng một câu nói đó sự nghiêm trọng:

- Về sau, nếu có ai hỏi về tung tích của con họ, đồng chí cứ trả lời là không biết cho tôi. Đồng chí nghe không?

Tuy Nhung muốn hỏi chị Trang, lí do vì sao mà chị lại dặn như thế, nhưng bản thân em là cấp dưới, chỉ huy nói gì, thì cấp dưới sẽ không được phép cãi lại. Nhung chỉ còn biết nuốt cục tức vô bụng, miễn cưỡng gật đầu. Song, tới khi Nhung gật đầu rồi, thì chị Trang lại tự đi giải thích với em rằng:

- Nếu đồng chí nói mình biết con của o, thì o sẽ hỏi cho tới cùng, rằng người con nớ còn sống hay đã chết. Nếu nói còn sống, thì người làm mạ như o nớ tuy yên tâm, nhưng sẽ trông thư con biết bao nhiêu. Còn nếu nói là chết, thì đồng chí hiểu rứa mô rồi đó. Tôi không muốn đồng chí nói ra, là vì rứa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro