Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

8. Xung quanh nơi thiếu vắng chị

Chị đã không đến thăm em.

Một giấc ngủ không mộng mị. Hay thiệt đa. Đến cái lúc em chấp nhận thế thân trong mơ của em là chị, thì nó lại biến mất. Em đã từ hoài nghi thành chờ mong như thế để rồi chỉ được gặp chị trong mơ đúng hai lần duy nhất thôi sao? Thậm chí xém chút nữa em đã ngủ lại với hi vọng có thể gặp lại chị hôm nay, nhưng em có việc quan trọng phải làm.

Trời hôm nay không đẹp, cứ âm u, chỉ chực mưa. Buổi sáng ai cũng đều bận rộn khi phải chuẩn bị bữa sáng cho những người đến phúng điếu chị. Họ ở đây một hai ngày nữa rồi mới về. Em dậy trễ hơn mọi khi, lúc vô bếp thì mọi người đều đang tất bật rồi. Tiếng hét người trên sai bảo kẻ dưới xen lẫn với tiếng nồi niêu chảo ly chén va đập rốp rẻn, người chạy qua kẻ luồn lách, tạo thành một khung cảnh hỗn loạn em chưa từng thấy bao giờ.

Em phụ họ rửa bớt những vật dụng đã dùng xong, bớt việc cho họ khỏi cực. Nhìn họ như vậy, em lại không thể nghĩ được rằng, có thể một trong những người ở đây là kẻ gây tội. Trông họ thiệt là trong sạch. Tính dân mình chất phác như vậy, quả là khó cho rằng sâu trong lòng họ là một người nhẫn tâm lắm. Nhất là khi họ cũng là những người đã giúp đỡ em trong cơn hoạn nạn.

Khi công việc đã bớt rồi, em ngồi cùng họ uống miếng nước ăn miếng bánh. Có thể là do có em ở đây, nên không có một ai nhắc đến chuyện của chị cả. Họ đều nói lảng sang chuyện khác: ở Chợ Gạo, ông Kinh Lý Tứ hứa gả con gái út cho thầy Thông Hàn con ông Hương Sư Chí, họ khen trai gái đẹp đôi ra sao rồi có người lại chen mồm nói trai gái đẹp đôi là vì trai gái đã trai gái từ trước đó cả năm trời rồi, cứ chờ sáu tháng nữa kiểu gì cô út chả sanh non; Thường Xuyên* Hồ phải đóng phạt đến năm mươi giạ lúa vì anh lỡ va phải Hương Chức nào đó làm chảy máu người ta; tối qua, có một người đờn bà trộng tuổi đi vô phòng bà Lan khiến bà suýt nữa báo ăn trộm nhưng hóa ra chỉ là người đến phúng điếu đi tìm nhà vệ sinh mà thôi; rồi lại ông nầy bà kia ngoại tình.

*Vị trí giúp việc trong trụ sở làm việc của ban hội tề/nhà việc.

Mấy chuyện nầy đều khiến em sốt ruột quá. Là người làm việc, họ đều có những luồng thông tin rất rộng nhưng độ chánh xác thì chẳng ai xác minh được. Có khi họ lại thêm ý của mình làm nhiễu hết cả. Nói vậy chứ em cũng hùa theo với họ, để xem có thể khui ra được ngoài người nhà ra, còn ai khác đáng khả nghi hay không.

Em nói bâng quơ rằng, bây giờ kinh tế khó khăn, không biết bà con mình sống như thế nào. Chưa nói hết câu, thằng Lâm đã ăn cơm hớt.

Cái thằng này đêm nào cũng đi tuần quanh nhà mà sao sáng ra sức nói dẻo dai vậy không biết!

Nó nói, hay đi xuống dưới chợ chơi cũng thấy được sơ sơ. Nó nói là ngộ lắm, khủng hoảng thì đúng rồi đó, người nghèo người ta nghèo rớt à, có người hồi trước ra chợ bán buôn còn được mấy đồng một ngày, giờ mấy cắc không biết có nổi không. Dân nghèo quá mua không nổi đồ để sinh hoạt. Người giàu thì nhiều người phá sản, nhưng một số ít thậm chí còn trở nên giàu hơn. Lâm kể là có ông Khách giàu có nọ chuyên cho vay bạc, đến lúc con nợ không trả nổi nợ nữa thì ổng thâu đất của người ta. Vậy là giờ vừa giàu tiền vừa giàu ruộng đất, tài sản chất núi chẳng biết để làm gì. Thế là lắm người đâm ra ghét ổng, toan trộm đồ nhưng bị phát hiện, bị đánh gần chết.

Nói mãi rồi cũng đến giờ uống trà xỉa thuốc, bà Lan như mọi lần lại đi chuẩn bị cho ông bà ở nhà trên. Em vội đứng lên đi cùng với bà. Bà hỏi thăm em ăn uống đầy đủ không. Biết là bà có ý tốt, nhưng thú thiệt là em không có tâm trạng buồn rầu nữa rồi. Trả lời đại cho xong, em vô luôn vấn đề là hỏi về nguồn nước. Bả biểu rằng em ít khi ra ngoài chắc không biết, mình hay lấy ở hồ nước ngọt ngay đường Delfosse*, muốn lấy hồ lớn hồ nhỏ cũng được cả. Hồi xưa nhà hay lấy nước ở ngoài sông, nhưng từ hồi chánh quyền cho đào cái hồ thì sang đó lấy cho sạch. Lấy về rồi mình đun lên xong cho vô lu để dùng sinh hoạt, hoặc bình để mọi người uống. Nói đoạn bà chỉ tay lên mấy cái bình, lu cách tụi em mấy thước.

*Lý Thường Kiệt ngày nay.

Em hỏi bà mọi người đem nước lên cho nhà uống hay sao. Bà Lan hất đầu về mấy cái bình thủy tinh đang phơi ngoài nắng, giải thích rằng cứ mỗi sáng thì mình đổ nước rồi cầm theo ly bưng vô buồng để gia chủ uống cả ngày hôm đó, sáng hôm sau thay bằng bình và ly mới.

Nghe thế, em đã có thể suy ra được sơ sơ. Nước của chị không bị đầu độc ở đây. Do chị uống từ sáng đến tối không bị làm sao, thế mà khuya lại có chuyện. Vậy hung thủ phải đột nhập từ khoảng tối cho đến nửa đêm để gây án.

Khi bà Lan bưng thuốc lên nhà trên cho ông bà rồi, em lại nảy ra một ý định. Em lựa lúc con Lài nó ra sân rửa chén dĩa em đi theo, đặng hỏi nó về người Thường Xuyên tên Hồ kia gia cảnh thế nào, nhà ở đâu. Nó nói người nọ ở cùng làng Điều Hòa với mình, trong nhà có vợ và tận năm con, trai gái đủ cả. Nó vừa nói vừa xả nước ào ào vô cái chậu lớn rồi thả chén dĩa xuống làm nước bên trong tràn hết cả ra ngoài. Nó tiếp tục, nhà ảnh cũng thuộc dạng nghèo, nhưng qua đợt vừa rồi coi mòi là không nghèo tới mức phải bán vợ đợ con. Nó nói nhiều lắm mà em thấy mấy thứ nó nói đó để khi nào gặp ảnh rồi hỏi thì tốt hơn. Ghi nhớ địa chỉ nhà của anh nầy rồi em để nó đi làm việc của nó.

Em khẽ bước lên nhà trên xem thử tình hình của ông và bà như thế nào. Cả ông bà đều ngồi trên bộ ván, bên cạnh có mâm á phiện và bà Lan đang cầm cây tiêm nhồi điếu thuốc cho. Trông họ xụi lơ kiệt sức, em thương vô cùng. Người tốt như ông bà mà phải chịu cảnh tiễn người đầu xanh như vầy. Họ cũng chẳng biết oán trách ai. Chắc hẳn ông bà vẫn còn nghĩ rằng chị tự vận thiệt chứ không phải có người động tay động chưn. Em cũng chẳng nhẫn tâm nói cho họ điều chi khi sự việc vẫn còn chưa sáng tỏ. Mà nếu họ biết thì sẽ ra sao?

Nếu họ biết, họ sẽ đau khổ đến nhường nào nữa khi họ vừa mới chấp nhận rằng đứa con gái duy nhất của mình đã tự vận, thì đã lại hay tin con mình là do người khác mưu hại. Lòng nhơn ái của họ sẽ bị che lấp bởi thù hận chăng? Giống như sự mù quáng của bà Kế Hiền khi mất con, dù rằng thằng đó sai chứ chẳng ai nhét dao vô tay nó bắt nó giết người cả. Tình yêu thương của đấng sinh thành dành cho đứa con bao la như khung thương vời vợi thì nỗi oán hận dành cho kẻ khiến con họ không bao giờ lớn được nữa cũng sâu như hải để u tối. Họ sẽ có thể làm những chuyện trời tru đất diệt vì đứa con máu mủ của mình.

Bui một quân thân ơn cực nặng

Tơ hào chưa báo hãy còn âu.

Chị mất rồi, chẳng thể báo hiếu được nữa.

Còn em, em cũng nợ ông bà nhiều lắm. Mạng nầy của em là do nhà chị đòi về cho em từ nơi Diêm Vương ngụ. Vậy ơn của chị cứ để em gánh. Vì chúng ta tuy hai mà một. Em sẽ không để ông bà phải rơi vô vòng xoáy không lối thoát của hai chữ Trả Thù đâu.

Em bận thêm đôi ủng, đặng khi xuống dưới đó em không bị bùn cát dính vô chưn giả làm hỏng hóc. Đi thế nầy em chẳng dám nói với ai cả, vả lại họ bận tối mắt tối mũi thì cũng có để ý đến em đâu.

Đường xuống đó không xa, nhà Thường Xuyên Hồ ngay gần chỗ cái hồ nước ngọt bà Lan kể với em hồi sáng. Bên trái chỗ đó toàn là cơ quan nhà nước, không dân thường nào dám ở gần. Thường Xuyên Hồ ở trong một căn nhà cũng không đến nỗi gọi là tồi tàn nép cạnh một góc ruộng nhà mình phía bên phải cái hồ. Khi em bước vô con đường nhỏ, có một vài đứa con nít đang chơi tán u ngay trong sân. Thấy em tới bọn nó dừng lại, chạy đi báo cho người lớn.

Một người đờn ông tầm gần ba mươi ra đón tiếp.

Em tự giới thiệu mình và ngỏ ý muốn hỏi chuyện. Biết em là ai, ảnh mừng rỡ, hồ hởi đồng ý và mời trà em trong nhà. Về vụ phải đóng phạt lúa, ảnh bảo chuyện đó là có thiệt; chuyện xảy ra mấy ngày trước rồi và khi đó ảnh bức xúc không nguôi. Lúa xuống giá thì xuống nhưng đó vẫn là nguồn lương của cả nhà, bao năm làm nghề nầy dành dụm được có bao nhiêu đâu mà còn phải đóng phạt như thế thì đúng là làm khó con nhà nghèo. Thế rồi sau đó một hôm, chị tới. Chị cho anh tận vài đồng bạc, đủ để bù cho số giạ lúa mà anh phải trả và thêm một ít nữa dùng khi cần thiết.

Anh nói, so với mấy chủ điền hay làm khó dễ và bắt chẹt vớ vẩn mấy người bạn của anh đang ở xa, thì nhà Cai Tổng Chánh thiệt là làm phước cho nhà nghèo bọn anh. Giá mướn ruộng chỉ bằng hai phần ba so với chỗ khác, đã vậy thi thoảng cô Hai Tình còn xuống chỗ tá điền để hỏi thăm tình hình cuộc sống và tìm cách cải thiện cho. Anh còn kéo tá điền nhà bên là anh Sáu Tị vô cuộc.

Anh nầy hứng khởi kể lại, mấy năm trước ảnh cưới được vợ là do có bà Cai đứng ra giúp anh hỏi cưới, đặng bây giờ anh mới có đôi bạn làm ăn. Rồi cái tầm hai năm trước, ông Ba Hòa nhà cách đây năm căn lỡ ăn phải đậu phộng lên cơn dị ứng mà chết, cũng là nhà ông Cai hỗ trợ ma chay cho. Nghe tin 'cô Hai nhơn đức' mất, mấy nhà tá điền cũng muốn lại thăm và chia buồn với nhà ông. Mà mấy hôm đó có nhiều nhà giàu mới và mấy tay khó tính khinh thường họ nên họ không dám vô tận bên trong để mà phúng điếu.

Em hỏi rằng, chị thì tốt lắm, mà không biết có ai xấu tính ganh ghét gì nhà chị hay không. Họ lắc đầu nguầy nguậy, ai ghét thì ghét chứ bọn họ không ghét, làm tá điền của ông Cai sướng thế họ nào dám chê.

Hồi mấy năm trước, nhiều người trong số họ bị chánh quyền sai đi lao động công ích, một nhà mấy người phải đi đào cái rạch nước thành cái giếng mà giờ gọi là hồ nước ngọt; xong cái chợ Mỹ Tho nhiều người biểu tình đình công quá nên có cái giếng đó phải đào mấy năm trời mới xong vì không ai chịu làm. Còn bây giờ làm ruộng, nhiều tiền hơn, không bị chủ đối xử như chó, thì ai cũng muốn làm. Họ làm cho họ, cũng là làm cho ông Cai; ông Cai giàu thì họ cũng sướng theo.

Trông họ thế nầy em cũng rất tin tưởng, chẳng có vẻ gì là họ phải nói dối cả, và em cũng không nghe ra được tị hiềm nào. Trong em còn có một sự tự hào khi chị được người ta quý đến vậy. Anh thư trong lòng em là cô Hai nhơn đức trong lòng người. Trước sau như một.

Sau khi em rời đi, để chắc ăn hơn, em còn đến nhiều nhà khác để hỏi thăm. Câu trả lời của họ cũng tương tự. Do đó, trong danh sách tình nghi, em loại các tá điền nhà chị ra ngoài.

Lúc em về thì cũng đã đến giờ ăn trưa. Dùng bữa qua loa xong, em theo lời bà Lan mang thức ăn vô buồng cho mợ Ba đang mỏi mệt nằm nghỉ. Mợ không tiện ra ngoài dùng bữa với mọi người.

Em gọi cửa, khi mợ cho phép, em vén rèm cửa lên và thấy mợ Ba đang ngồi trước bàn trang điểm coi kiếng. Bên cạnh mợ có đốt hũ đèn cầy màu tím mùi oải hương thơm phức bởi đó là cái thú của mợ. Bàn trang điểm của người ta toàn phấn son, còn của mợ thì toàn là đèn cầy. Hũ tím mợ đang đốt đã vơi đi gần hết, mấy hũ kia thì độ vơi cũng tùy lượt dùng; cái hũ trắng ngà có đề nhãn "Gỗ trầm hương" đặt trong cùng chưa đốt thì đầy tới tận miệng. Người làm đèn cầy cũng có tâm đa, đổ sáp đầy hũ chứ không ăn bớt của khách.

Mợ Ba chỉ tay về cái bàn tiếp khách giữa phòng và biểu em để cơm lên đó. Em làm theo lời mợ, tiện thể nói lời biết ơn vì hôm qua mợ đã gánh vác nhiều thứ đến độ hôm nay đổ bệnh. Nghe vậy, mợ lắc đầu, nói rằng chị là cháu của mợ, chẳng phải người ngoài gì, mợ chỉ làm điều hiển nhiên phải làm mà thôi.

Muốn trả lại cho mợ thời gian riêng tư, em bèn rời khỏi phòng.

Tiếng xoạt nhỏ vang lên dưới đất. Nhìn theo âm thanh, em thấy cái túi nhung màu đỏ hôm qua nhặt được ra rơi từ túi áo của em. Cái túi đã bị đứt chỉ thủng đáy lúc nào không hay khiến chiếc túi nhung lọt khỏi khe hở. Vốn định bụng sẽ trả lại cho người mất từ hôm qua mà em đã quên sửng mất.

Từ phía sau em nghe tiếng mợ Ba lớn giọng hỏi em nhặt được chiếc túi nhung ở đâu. Em trả lời. Mợ nói đó là của mợ. Túi ấy đựng đồ trang sức kỷ niệm mà cậu trước khi ra chiến trường đã tặng cho mợ. Mấy hôm nay không tìm thấy, mợ cứ ngỡ rằng đã có trộm nhón mất rồi. May phước sao em lại nhặt được. Gởi trả lại túi, em xá mợ đi ra ngoài.

Quay lại với người ở trong nhà, em cũng đã đi hỏi chuyện. Em vờ như buồng chị bị thiếu vài món đồ và hỏi xem có ai nhìn thấy ai vô phòng chị từ tối cho đến nửa đêm hôm ấy. Không ai thấy gì và cũng không có gì đáng khả nghi ở họ cả.

Nhà chị hình chữ Khẩu. Từ nhà trên nối xuống nhà dưới có hai nhà nối, chính giữa là một khoảng sân. Bàn ăn đặt ở mặt hậu nhà trên, từ đây có thể nhìn thấy bao quát mọi hành vi của nhà dưới và hai cầu nối. Người ở không được lên nhà trên khi chưa được phép. Vậy nên nếu trong bữa tối, có ai đó đi từ khu người ở lẻn vô buồng của chị thì sẽ bị thấy ngay. Từ đây em thu hẹp thêm thời gian gây án là từ canh một - khi cả nhà chị đều đang sinh hoạt ở thềm ba nhà trên - cho đến canh tư.

Những gì em làm được ở nhà đều đã làm. Bây giờ chỉ chờ anh Phong về để ngồi lại với nhau thôi. Dù không lấy được manh mối chỉ em về phía hung thủ, thì ít nhất cũng đã thu hẹp diện tình nghi lại; coi như chuyến đi này không uổng công.

Em nghĩ là chị cũng đồng ý với quyết định của em, nhỉ?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro