3. Kỷ niệm I: điều không thể nói
Bàn tay Hiểu Yên đưa quản lướt mực tạo ra từng chữ cái uốn lượn trên trang giấy trắng. Mũi cô thi thoảng lại bắt được mùi mực hăng hắc, rồi lại quên đi chốc lát để chú tâm vô con chữ dưới tay mình, rồi lúc nào không hay lại nhận thức được cái mùi ấy chẳng bay biến đi đâu cả. Yên cứ nghĩ người ta sáng tạo ra mực lâu như thế rồi thì cũng phải tìm cách làm nó bớt khó chịu đi mới phải. Ý nghĩ ấy chỉ làm cô phân tâm một khắc rồi thôi. Đôi mắt cô chỉ chăm chú vô nét chữ nắn nót đều tay trên dòng kẻ vô hình, và chánh tả. Nhiệm vụ của Hiểu Yên chỉ có thế: viết cho đẹp, chép cho tươm.
Bên phải cô là chồng giấy mới tinh nguyên, còn bên kia là những thơ từ và hiệp đồng xếp gọn đúng chỗ. Thi thoảng gió thổi vô từ song cửa sổ luồn qua khe làm góc giấy lất phất. Cô lấy cục chặn giấy bằng thủy tinh đặt lên chồng giấy trước khi có tờ nào nghịch ngợm đưa đẩy với gió mà rơi xuống sàn. Cô tiếp tục với công việc của mình, tờ cô đương viết lên là lá thơ thứ ba, và cũng là giấy tờ thứ bảy trong buổi sáng ngày hôm nay. Yên đang chép lại nội dung từ lá thơ viết bằng máy đánh chữ bằng nét của mình. Thời buổi hiện đại rồi, muốn gì thì gõ dây thép tiện hơn, nhưng thơ tay vẫn có cái gì đó đặc biệt. Đặc biệt hơn hẳn sự đều đều khô khốc của máy móc.
Chấm thêm mực, cô viết những dòng cuối cùng với cổ tay tê mỏi và đôi vai căng cứng.
Thế rồi một giọng nói cất lên từ ngoài cửa:
- Em đứng dậy đi đi lại lại cho quen chưn chưa? Chị thấy em ngồi từ sáng sớm đến giờ rồi, không nhức mỏi à?
Không cần phải ngẩng đầu, Yên cũng biết giọng nói ấy thuộc về ai. Chất giọng đặc biệt - cô đã ghi nằm lòng từ cái hôm đầu tiên nghe thấy, từ trước khi mở mắt ra - là chất gây tê át đi nỗi đau máu chảy thành dòng dưới thân. Anh thơ gọi cô.
Hiểu Yên trả lời, mắt vẫn không rời hàng chữ:
- Chờ em lát nữa đã. Em sắp xong bức thơ nầy rồi.
Từ ngoài cửa, chị Tình bước vô, chậm rãi nói:
- Sắp cái giống gì. Lời cô nói tôi không tin được.
Nụ cười trên môi Yên chẳng nén lại được mà nở ra:
- Chờ em một chút nữa thôi. Người đâu mà cứ vội vàng vậy kìa.
Chị Tình kéo ghế đến kế bên bàn.
- Thôi được rồi. Em cứ viết tiếp đi.
Đó là ghế của chị, chớ không phải của ai khác - chiếc ghế Thonet chị mua và đích thân đặt trong buồng của cô để tách biệt với chiếc cùng bộ với bàn tiếp khách.
- Em chép thơ của chị hả?
- Chớ còn của ai nữa. Nhiều người kiếm chị lắm đa.
Yên cười đùa, nhưng sự thiệt là thế. Có rất nhiều thứ cần sự chú ý của chị. Tình là một người bận rộn, và cô thích giúp đỡ chị được chừng nào hay chừng ấy.
Chị nghe xong chỉ phì cười, rồi lặng im ngồi bên cạnh cô. Yên ngước lên nhìn chị, và thấy đôi mắt chị như dính chặt xuống sàn nhà, đờ đẫn. Tình ngồi nghiêng người, thân mình rủ xuống, bàn tay tựa lên ghế chống một bên má. 'Mất sức sống' là kết luận của cô.
Thiệt không giống chị chút nào. Một nỗi lo lắng lớn dần lên trong lòng cô. Chị đương ủ rũ.
Yên nghĩ xem nên nói gì để thay đổi không khí. Nhoẻn môi cười, cô chọc ghẹo:
- Chị ủ mưu gì đó, phải hôn?
Tình khẽ chớp mắt, và với một nụ cười mỉm, khẽ nói:
- Chị chỉ nghĩ là... chị muốn đi dạo quanh bờ kinh Trạm* với em. Rồi hai đứa mình tâm sự một tí. Nhưng mà em cứ thủng thẳng viết đi, không cần phải vội.
*Sông Bảo Định ngày nay.
Chớp ngay lấy cơ hội, cô nói nhanh:
- Vậy đi thôi. Chờ em một phút. Em viết đến dòng cuối cùng rồi đây.
Bỏ qua cảm giác nhức mỏi, cô cố gắng viết cho thiệt lẹ để có thể nghe chị giãi bày tâm sự.
Làm gì có thứ nào so sánh được với tầm quan trọng của chị chớ.
Không kiểm tra lại lá thơ đã chỉn chu hay chưa, Yên vội vã lau sơ qua ngòi bằng chiếc khăn và gác viết xuống. Nhớ lại ba bức thơ cần phải có chữ ký, cô bỏ vô trong túi, định bụng rằng khi gặp cô Tư Tường sẽ đưa cô ký rồi gởi đi luôn trong buổi sáng.
- Em xong rồi, mình đi thôi nà.
Cũng chẳng cần phải tìm, khi Yên vừa bước ra đến cửa, cô đã thấy cô Tư Tường đi từ trong bếp ra. Yên vội chạy tới đưa cho cô mấy lá thơ.
Cô Tư Tường cười với cô, bỏ ba lá thơ vô túi:
- Cảm ơn con nha. Mà con cứ đi làm việc của mình đi. Lát nữa mợ đọc lại rồi ký xong thì đưa cho thằng Lâm chạy đi bưu điện. Con không cần đợi đâu.
Đoạn, cổ quay sang chị Tình, nói:
- Rồi con nhỏ này nữa. Mặt mày bí xị vậy. Mới sáng sớm mà cười lên chút cho nó hên coi.
Nghe lời cô, Yên cũng nhìn chị. Quả đúng là chị đang trông khá căng thẳng, còn căng thẳng hơn lúc trong buồng.
Chị chỉ cười trừ:
- Chào thím.
Thấy vậy, Yên vội giải nguy cho chị, day qua nói với cô Tư Tường:
- Chỉ bị thiếu ngủ đó mợ. Lúc nãy ngồi với con mà cứ gục lên gục xuống. Biểu chỉ về ngủ lại đi mà chỉ không chịu. Nói là mất giấc. Ngủ ngày rồi đến tối sẽ ngủ không được là còn tệ nữa. Nên giờ con đưa chỉ ra ngoài chơi cho tỉnh nà.
- Ờ, hai đứa đi đi. Nhớ về sớm đặng còn kịp giờ ăn trưa đa.
- Dạ. Con nhớ mà. Vậy con đi nha.
Nói rồi Yên xá cô Tư Tường, kéo tay Tình đi mất.
Trời cũng đã sắp lên thiên đỉnh. Những đám mây trắng tinh khôi che bớt đi ánh nắng gắt của mặt trời, râm râm một khoảng rộng lớn, để các các tá điền bên dưới thả mình nghỉ ngơi dưới tán cây xanh trong bầu không khí mát rượi của mùa Xuân. Cơn gió mạnh thổi ngang qua làm tai Yên nghe ù ù... rồi nhanh chóng luồn lách vô hàng cây xung quanh làm tán lá đung đưa qua lại, rũ bỏ lá vàng yếu ớt để nó bị cuốn đi theo chiều gió đưa. Những chú chim đậu trên cành mất thăng bằng và đồng loạt vỗ cánh phần phật bay đi tán loạn. Mấy lọn tóc con lất phất trước mặt làm cô nhớ ra khi nãy đi vội vàng quá, chưa chỉnh lại tóc tai cho cẩn thận. Hiểu Yên vén tóc qua tai nhưng cũng như không vì ngay khi hạ tay xuống, gió lại thôi tung hết cả.
Yên liếc chị, rồi liếc xung quanh, giọng nhỏ đi:
- Hôm nay chị đánh bạo thế?
Chị nói, khe khẽ bên tai, trấn an cô:
- Nhớ em đó mà. Ở đây không có ai. Không sao đâu.
- Em có đi đâu đâu mà nhớ với chả nhung.
- Vắng em một phút cũng thấy nhớ.
Đoạn, chị hích nhẹ cô một cái bên vai.
Yên chẳng lo ngã gì, vì chị giữ cô vững lắm.
- Chị nói nghe mát lòng đó. Được!
Chị hay nói ngọt như vậy đã vài năm rồi, tưởng rằng nghe nhiều sẽ quen, thế mà tim cô vẫn rộn ràng không thôi.
Trời cũng đã sắp lên thiên đỉnh. Những đám mây trắng tinh khôi che bớt đi ánh nắng gắt của mặt trời, râm râm một khoảng rộng lớn trên đầu họ. Cơn gió mạnh thổi ngang qua làm tai Yên nghe ù ù... Mấy lọn tóc con lất phất trước mặt làm cô nhớ ra khi nãy đi vội vàng quá, chưa chỉnh lại tóc tai cho cẩn thận. Hiểu Yên vén tóc qua tai nhưng cũng như không vì ngay khi hạ tay xuống, gió lại thôi tung hết cả.
Con đường dẫn từ tư gia họ Đặng ra bờ kinh Trạm không hề khúc khuỷu, khá dễ đi và thoáng đãng, hai chiếc xe hơi có thể đi qua nhau mà không lo đụng chạm. Mặt đất dưới chưn cô được lát những phiến đá băm san sát, không rêu, cũng không có cọng cỏ nào mọc dài quá đốt ngón tay - một sự chăm chút khó thấy ở đâu khác.
Tất cả đều là vì Hiểu Yên. Ban đầu, khi cô chưa tới, đây chỉ là một lối mòn nhỏ do đi nhiều mà thành. Chẳng ai bận tâm san đường cho đẹp vì nào có ai cần, vả lại tự thế cũng đã dễ đi rồi. Chỉ đến khi cô về, bà Cai thấy cô suốt ngày chỉ có thể ở trong nhà buồn chán và bí bách, đã cho người làm lại nẻo đường ra kinh Trạm để cô có thể tự đẩy xe lăn ra hóng gió.
Trong lúc thi công, bà và chị đã phải đi qua đi lại nhiều lần để kiểm tra kỹ lưỡng có chỗ nào bị nảy lên hay lõm xuống. Khoảnh khắc chị Tình đẩy cô đi qua từng viên đá mà nhà họ đã chú tâm kỹ lưỡng soi xét từng li từng tí ấy trong tâm cô trào dâng một cảm xúc mãnh liệt: lòng biết ơn Tình vì chị cưu mang cô khi gặp nạn, biết ơn bà cho cô biết được tình mẹ bao la cô chưa được hưởng từ thủa thiếu thời. Yên có thể nói được thành lời chớ, nhưng không nổi, và họ cũng không cần phải nghe mới hiểu được cô nghĩ gì, vì họ đã thấy điều đó qua đôi vai run rẩy, qua tiếng nấc nghẹn ngào, qua hàng nước mắt trên khuôn mặt cô.
Tiếng khớp kim loại và gỗ cót két gõ trên nền đá mỗi bước chưn cô đi. Giờ đây, một bên chưn của Yên đã lành, chỉ có bên kia không lành nổi, phải lắp chưn giả. Sự cứng ngắc và kém linh động của bàn chưn thay thế nầy làm cô lóng cóng, dùng vài năm rồi nhưng vẫn thấy khó chịu. Mỗi khi đi cùng nhau, chị Tình vẫn luôn vòng lấy tay Yên đề phòng cô hụt chưn ngã. Mà... cả hai người đều biết, đó không phải là lý do duy nhứt.
Khi gần đến con kinh, bước chưn Sơ Tình chậm lại. Chị kéo cô đến một chiếc ghế đá gần đó. Dưới trời mây, nước kinh chỉ là một màu xanh đục thỉnh thoảng gợn sóng nương theo cơn gió thoáng qua, ngọn gió ấy cũng tiện đà mang theo mùi hương đất trời đến bên cô: mùi bùn, cỏ dại, ngai ngái của đất, mùi tanh của nước hồ.
Yên không vô vấn đề mà chỉ vu vơ:
- Hôm qua chị vắng nhà, cậu Toàn khóc đòi chị suốt thôi đó.
Chị thở dài:
- Thảo nào, sáng nay vừa vô tới cổng thì nó đã chạy ra đòi chị bế rồi.
Cô chú ý ngay. Có vẻ sự tình rất trầm trọng vì ngay cả khi nhắc đến cậu em họ bé bỏng của mình mà chị lại không cười cưng chiều như mọi khi nữa.
Như ý thức được suy nghĩ của cô, chị mỉm cười, nói thêm:
- Thằng bé càng ngày càng nặng. Chị sắp bế không nổi nữa rồi. Gãy lưng mất thôi.
Yên hoàn toàn không tin tưởng, nhưng vẫn cười hùa theo:
- Cậu mau ăn chóng lớn thế mới tốt. Về sau cả họ được nhờ.
Chị không hề trả lời. Sự im lặng nặng nề kéo theo nét cong trên mặt cô xuống.
Quyết định làm thinh như thế là đủ rồi, cô khẽ hỏi.
- Sao vậy? Chuyện gì làm Tình yêu của em phiền lòng?
Ngón tay chị vân vê tà áo lụa:
- Xin lỗi. Chị chỉ là đương suy nghĩ... cũng không có gì quá...
Tình thở dài, ngập ngừng mãi không kết thúc câu.
- Chị không muốn nói cũng không sao. Em cũng sẽ không gặng hỏi.
Cô nắm lấy tay chị để lên đùi mình. Làn da chị mềm mại không chai sần - đích thị là thuộc về một tiểu thơ không phải làm lụng cực khổ. Duy chỉ có năm vết sẹo nhàn nhạt trên khớp và lòng tay mặt của chị là thứ đáng lẽ không nên tồn tại. Vết thương đã khiến chị không còn cử động được ngón tay nữa.
- Em hiểu mà. Ai cũng đều có những điều khó nói và chỉ có thể mở lời khi sẵn sàng. Với cả, trong một mối quan hệ, mỗi người giữ lại một chút bí mật của riêng mình cũng bình thường mà. Nhưng mà chị phải nhớ rằng, dù thế nào thì em vẫn sẽ ở đây với chị, và ủng hộ mọi quyết định của chị hết mình. Em tin chị sẽ tìm ra được câu trả lời thỏa đáng. Còn bây giờ, chúng ta có thể ngồi đây ngắm trời mây cho đến khi chị nghĩ thông suốt.
Cô cảm thấy tay chị siết chặt lấy mình. Và chị gật đầu chấp nhận lời đề nghị nầy.
Mọi thứ xung quanh bỗng trở nên im lặng, hay nói đúng hơn thì các giác quan của cô bị phân tâm bởi không khí nặng nề. Mắt dõi theo dòng chảy của sông nhưng thay vì nhìn thấy bèo dạt, mây trôi, Yên chỉ nhìn thấy đôi mắt đờ đẫn của chị lúc ngồi trong buồng. Âm thanh réo rắt của bầy chim bị thay thế bằng tiếng thở dài não nề.
Điều gì đó chị giữ trong lòng, cô mong muốn có thể cùng chị sẻ chia gánh nặng vô cùng. Còn hiện tại, thứ Tình cần là một ai đó có thể làm chị tĩnh tâm khi ở cạnh và cô vui lòng khi được sắm vai ấy.
- Cô Hai ơi! Chị Yên ơi! Về đi thôi! Cơm trưa sắp xong rồi đa!
Tiếng thằng Lâm ới gọi từ xa làm cô giật nảy mình. Cả hai ngồi quên cả thời gian, bây giờ đã đến giờ cơm trưa rồi.
Cô nói với theo:
- Nghe rồi. Về liền đây!
Thấy nó không quay về mà lại tiếp tục chạy hướng ngược lại, cô tiện miệng hỏi thêm:
- Giờ ăn rồi mày còn tính đi đâu?
Lâm nói to, giọng nó nhỏ dần theo quãng đường nó chạy:
- Đi giao thơ đa! Mợ Ba biểu bốn lá thơ này phải gởi gấp trong trưa nay đặng còn kịp giờ bưu điện giao buổi tối!
Bên cạnh Yên, Tình nói:
- Về thôi em.
.
.
.
.
.
Một buổi tối nọ, Tình lẻn vô buồng của cô. Cô đương ngồi trên giường đọc sách dưới ánh đèn măng sông thì thấy bóng chị đi ngang qua cửa sổ buồng. Chị vén rèm bước vô.
Gấp sách lại, Yên vỗ vỗ nửa bên giường còn trống:
- Lại đây nào.
Nhanh như cắt chị luồn người vô trong chăn nằm cạnh cô:
- Thoải mái quá.
Cô mỉm cười. Nhìn chị không rời, tay kia mò mẫm tắt đèn, cô cũng trườn xuống nằm cùng chị. Cả hai ẩn mình trong sự ấm áp của chiếc chăn bông.
Yên lần mò nắm lấy bàn tay chị, sưởi ấm, bao bọc, mân mê, khẽ lướt qua từng vết sẹo. Tay lành lặn của chị cũng bao lấy cô. Hai người thường hay làm thế: bốn bàn tay đan xen nhau, như một lời hứa bất thành văn về sự bảo vệ và gắn bó.
Không thành văn, nhưng hôm đó, chị đã biến nó thành lời:
- Chị sẽ không bao giờ rời bỏ em.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro