11. Lần theo dấu chưn
Có tiếng động bên buồng chị. Giống như tiếng người khẽ hét lên?
Lo lắng kẻ đột nhật hôm qua đã trở lại, em mau chóng đốt đèn chạy sang xem thử là ai. Đến lúc nầy em chẳng quan tâm có nguy cơ gì sẽ xảy đến với em nữa. Nếu nó mà nhờn thì em sẽ cứng với nó. Đừng đánh giá thấp tinh thần bất ổn của em mấy ngày vừa qua.
Chưn giả em đã tháo ra trước khi ngủ không có thời gian đeo vì sợ chậm trễ thì kẻ gian sẽ tẩu thoát mất. Em vịn tường, từng bước cà nhắc tiến về buồng chị.
Vén rèm lên, bên trong có những hai người.
Anh Phong đang cầm đèn rọi kẻ đương đứng cạnh bàn làm việc.
Qua vai ảnh, em thấy một người đờn bà khá quen mắt. Bả sững người nhìn bọn em bắt quả tang bả tại trận, không dám ho he lời nào.
Em gọi tên anh Phong, hỏi tình hình, nhưng ảnh không trả lời em mà chỉ nói với người kia rằng, nếu bả mà trốn thì sẽ phải chịu tội nặng và không được nhận khoan hồng từ pháp luật.
Người kia nghe rồi xụi lơ, không phản ứng nữa.
Lúc nầy, anh Phong nhoài người ra sau đưa em cái đèn, mắt vẫn không rời người đờn bà kia. Cũng vì tâm lý phòng bị, em cứ đứng ở ngoài cửa, chắn lối thoát thân của bả. Thiệt ra cũng chẳng cần thiết lắm, ngữ như em thì chặn được ai trong khi anh Phong lớn tướng đang hùng hổ tiến về phía bả. Anh Phong giữ hai tay bả sau lưng và đẩy bả lại chỗ em. Nương theo ánh đèn le lói nhìn đôi mắt bả, bây giờ em mới nhận ra đây chính là người đờn bà trộng tuổi em thấy hồi hôm kia ở đất thổ mộ.
Khi em nhíu mày, chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì anh nói: đây chính là bà Kế Hiền Hai.
À, dĩ nhiên rồi, còn ai trồng khoai đất nầy. Vậy cũng tiện quá, tốn công đi tìm thì không thấy, bây giờ bả tự đến nộp mình.
Em vừa xin chị phò hộ tối qua thì giờ đã có kết quả rồi, chị linh thiêng thật chớ... Vậy hẳn là chị có nghe lời em nói. Tốt rồi, tốt rồi. Cứ dõi theo em đi nhớ.
Quay lại vấn đề nào.
Khi anh Phong đẩy bả ra ngoài, ánh mắt bả sượt qua em ở ngưỡng cửa. Một ánh nhìn lạnh lùng, thờ ơ. Rồi bả quay đi.
Trong đêm khuya, em và anh Phong giải bà Kế Hiền ra nhà việc đóng trăng. Chúng em phải bịt miệng bả lại và lén lút lấy xe hơi của anh đi. Sự việc còn phức tạp, chưa rõ đầu đuôi, do đó chúng em không để ai biết hết.
Trên đường đi, chẳng ai nói với ai câu nào. Tất cả đều mang trong mình tâm tình phức tạp, chờ tĩnh tâm mới có thể động khẩu.
Quẹo tới trước cửa nhà việc, anh Thường Xuyên Hồ em gặp hồi sáng chạy ra tiếp. Người nầy sáng làm ruộng, tối đi thường trực, chẳng biết ngủ khi nào. Ảnh đỡ bà Kế Hiền Hai từ tay anh Phong và hỏi chuyện tình hình.
Anh chỉ nói đơn giản rằng bả đột nhập bất hợp pháp thôi, không biết mưu đồ là gì. Nhờ quyền thế và cái danh trạng sư, anh Phong nói vài câu với người Thường Xuyên là được tự mình hỏi cung bà Kế Hiền.
Thú thiệt với chị, giờ nầy em mệt mỏi lắm rồi, mắt không mở nổi nữa. Lúc hai người kia nói chuyện, suýt chút nữa thì em đã gục xuống bàn mà ngủ. Nhưng chị thấy đấy, đến nước nầy thì ngủ nghê gì được. Nghi phạm đã nằm trong tay rồi.
Chị ở bên đó có thấy phấn khích khi chúng em gần đi đến kết cục không?
Anh Phong đứng trước em một chút, em chỉ nhìn thấy được sau ót, không rõ biểu cảm trên mặt ảnh hiện ra sao.
Ảnh sững người như tượng một lúc lâu, hai tay đút túi quần. Nhìn thì có vẻ nhàn nhã, nhưng em có thể thấy, chỗ hai bên túi lồi lên thành hình tròn.
Đứng trước mặt bà Kế Hiền Hai với chiếc trăng gỗ làm xiềng xích, cái tâm trạng nhấp nhổm của em lại dâng lên. Nhìn bả rất khác so với lần cuối em gặp. Khi đó, bả trông vẫn còn sang trọng, cả người đầy đặn, thịt mềm da trắng; không phải là kiểu người phải động tay động chưn vào việc gì. Còn bây giờ bả có gương mặt khắc khổ, cả người gầy đi nhiều; nhìn có vẻ như đã phải kinh qua bao nhiêu thống khổ. Có lẽ là thế thật. Bả thương thằng giời đánh kia đến vậy mà.
Em... không cảm thông được. Em không thương một ai đó bất chấp như thế. Lấy chị làm ví dụ đi. Nếu chị mà gây nên tội như thằng kia, thì thay vì đi trả thù nạn nhân và những người không liên quan, chính tay em sẽ xử lý chị trước. Thương cũng phải dùng não mà thương chớ không thể chỉ dùng trái tim được.
Bà Kế hiền ở trong nhà tạm giam chỉ đăm đăm nhìn bức tường, chẳng hề để ý đến hai đứa tụi em. Ngay cả lời giới thiệu của anh Phong bả cũng xem như gió thoảng qua tai.
Ấy cũng là một quyền lợi của kẻ phạm tội - sau nầy em nghe anh Phong giải thích lại như thế - nhưng quyền lợi của người điều tra chính là đặt câu hỏi. Nếu đã cứng họng không chịu trả lời, vậy anh phải tìm cách cạy miệng ra.
Chuyện không đơn giản như thế đâu, anh nói với bà Kế Hiền, bà tưởng chỉ cần giữ im lặng thì sẽ có người chuộc bà ra khỏi đây à? Tôi không chỉ là trạng sư, mà còn là vị hôn phu của cô Hai Tình. Mong muốn điều tra, làm sáng tỏ của tôi rất mạnh. Nay tôi đã biết có điều khuất tất trong cách vị hôn thê của tôi lìa đời, tôi sẵn sàng đào mộ cổ lên để khám nghiệm tử thi lại từ đầu. Tôi cũng biết hai tuần trước bà đã tìm mua một lọ cyanide từ tay một gã lang băm hám tiền, và gã đã chịu đứng trước tòa làm chứng khi tôi yêu cầu. Đến lúc đó, đừng hòng luật pháp sẽ ban cho bà khoan hồng.
Lời lẽ đánh thép ha chị ha!
Lúc nầy, bà Kế Hiền mới chịu liếc mắt nhìn tụi em. Bà ta nói với cái kiểu thời thượng lai Tây khó ngửi.
Toa mà nghĩ moa là kẻ có tội, thì chúc toa may mắn chứng minh cho tòa. Bởi vì trong khoảng thời gian đó, moa đang ở trong nhà nghỉ cách đây những nửa ngày đường, và có rất nhiều người làm chứng. Dính vào nhà các người từ mấy năm trước cho đến nay chưa một ngày nhà moa được yên. Tội gì cũng đã trả rồi, sao cứ phải gây nghiệp cho nhau làm gì nữa.
Bà nầy... nói hay nhỉ!
Em phải xen vào, nếu bà không muốn dính tới chúng tôi, chi bằng cứ nói cho bằng hết những gì bà biết. Bà không gây tội nhưng bây giờ phải ở đây chịu đóng trăng thay vì hung thủ chẳng phải rất vớ vẩn sao?
Bả nheo mắt nhìn em, khiến em hơi rùng mình, rồi khẽ thở dài, bảo: muốn moa nói. Được thôi. Nhưng phải đảm bảo an toàn cho moa. Từ tháng trước, moa đã bị người khác gởi thơ nặc danh, hẳn kẻ đó vẫn đang theo dõi moa và tìm cách bịt đầu mối. Không chỉ an toàn bên ngoài, mà còn cả về thức ăn thức uống cũng phải được đảm bảo.
Bả còn nhếch môi nói thêm, hẳn là kẻ đó vẫn còn giữ lại một ít thuốc độc, dùng làm sao mà hết được.
Nhìn thấy thái độ của bà ta như vậy, thật là làm em phẫn nộ. Bả nào có xem mạng người ra gì? Lại còn đem ra đùa cợt.
Anh Phong bên cạnh chấp nhận yêu cầu của bả, nói rằng sẽ gọi thêm người đến trông nom và cả đầu bếp riêng trong những ngày nầy. Chỉ cần nói thật, thì đãi ngộ của bả về sau sẽ không tệ.
Và rồi bả bắt đầu kể. Em không giả cái thứ tiếng thượng đẳng đó cho chị nghe nữa đâu, nhợn hết cả người. Em sẽ chỉ kể vắn tắt lại thôi.
Từ tháng trước, bà Kế Hiền đã nhận một lá thơ nặc danh, đe dọa rằng sẽ kể cho tất cả mọi người ở làng nơi bả chuyển đến sau sự cố của thằng con chuyện nó đã gây ra tội ác như thế nào.
Vì không muốn quá khứ ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại. Bả đã quyết định làm theo những gì trong thơ yêu cầu. Bà đã tìm một tay thầy thuốc trong làng, hỏi mua một lọ cyanide đúng như anh Phong đã điều tra ra. Sau đó, hai tuần trước, bả phải tận tay mang đến nhà Cai Tổng Chánh để chôn ở cánh rừng sau nhà vào giữa trưa.
Sau đó lại có một lá thơ nữa gọi bả đến một nhà nghỉ cách đây nửa ngày đường như đã nói trước đó. Nhưng có cảm giác không lành nên bà ta luôn ở những nơi có người qua lại. Đến mấy hôm vừa rồi, nghe tin chị qua đời, bả mới tá hỏa nhận ra mình đã bị sai khiến làm gì. Sợ mình sẽ bị liệt vào diện tình nghi, bèn trà trộn vào những vị khách đến phúng điếu. Một là tìm những lá thơ bả từng gửi cho chị, vốn đầy sát khí; hai là nếu có cơ hội thì sẽ đánh lạc hướng điều tra. Kết quả là chưa tìm thấy thơ thì đã bị bắt quả tang.
Anh Phong nghe rồi lại hỏi lá thơ nặc danh bả có giữ không.
Đời làm gì có chuyện dễ dàng thế. Dĩ nhiên là bả không cầm theo rồi.
Bả giấu lá thơ trong buồng ngủ của mình. Và để chứng minh mình thật thà, bả cũng tiết lộ chỗ giấu để anh Phong đi tìm.
Tới đây, em chợt nhận ra bả vừa nói gì. Bả nói khoảng hai tuần trước đã đến nhà Cai Tổng Chánh chôn thuốc ở cánh rừng. Vậy... phải chăng, đó là cái hồi chị lấy cớ đẩy em vào nhà trong khi mình đang ngồi ngoài vườn?
Em hỏi lại ngay, rằng khi chôn thuốc bà có gặp ai không.
Câu trả lời đúng là có. Bả nói khi vừa mới chôn thuốc dưới gốc cây theo chỉ định, bước ra ngoài bìa rừng đã thấy chị lại gần. Chị hỏi bả vì sao lại đến, và bả chỉ cần lấy đại một cái cớ là theo dõi cuộc sống của em là chị đã mất cảnh giác. Chị cảnh cáo bả không được lảng vảng ở đây làm hại gia đình chị nữa, và rồi để cho bả đi mà chẳng hề gây khó dễ gì.
Mọi thứ bả nói dường như đều gọn ghẽ và theo trình tự rõ ràng, ngữ khí cũng không run rẩy, chỉ có chán chường và mệt mỏi. Song cũng không rõ thực hư thế nào. Bả đã dính đến chuyện nầy từ trước đó cả tháng trời, vậy thì chút ít lý do nầy cũng hẳn đã nghĩ đầy đủ rồi.
Tạm thời chưa có bằng chứng nào khác chứng minh bả nói sai hay đúng, em cũng không có năng lượng đôi co chất vấn với bà Kế Hiền vào lúc nầy khi chuyện còn đang rối rắm và cần điều tra thêm nữa, đành phải gác lại ở đây thôi. Đợi đến lúc tìm được lá thơ nặc danh xem thế nào.
Đến khi ra ngoài, em hỏi anh Phong, liệu anh có tin lời bà Kế Hiền nói hay chăng?
Anh chỉ cúi đầu, lấy tay xoa xoa tóc, đáp rằng, anh cũng chẳng rõ, hành nghề chưa lâu nên không có nhiều kinh nghiệm thẩm vấn đến vậy. Vừa rồi ảnh tỏ ra cứng rắn để diễn cho bả xem mà thôi.
Tìm được thơ nặc danh cũng chưa chắc gì là thiệt, có khả năng là bả làm giả để đánh lạc hướng điều tra nữa, nhưng dù sao cũng phải tìm, vì nếu chỉ có một phần trăm đó là thật, hẳn hung thủ cũng sẽ để lại manh mối trên thơ, thậm chí có thể tìm dấu vân tay nhờ vào công nghệ mới.
Ảnh cũng phải đi xác nhận chứng cứ ngoại phạm của bả ở nhà nghỉ, và thăm dò xem bả có trao đổi với ai đáng ngờ hay không. Dù bả có chứng cứ ngoại phạm, song bả vẫn có thể sai người ngoài đi đầu độc.
Đầu óc anh cũng thật linh hoạt. Chỉ trong thời gian ngắn mà trăm phương hướng điều tra, các ngõ ngách đều phải nghĩ đến tường tận. Một người mà phải điều tra ngần ấy thứ, chạy đôn đáo khắp nơi nơi, làm hết việc của cả một tổ đội điều tra. Anh Phong quả là một người bạn thật tâm thật tình.
Phần em cáng đáng được lại không bao nhiêu...
Anh Phong và em cùng đi xe quay trở về nhà. Trên đường cũng bàn thêm một số chuyện. Em giả sử rằng trường hợp có người gửi thư nặc danh thật, vậy thì hẳn kẻ đó đang cố ý đổ tội cho bà Kế Hiền. Vì lá thơ dụ bả đến nhà nghỉ cách đây không xa ấy. Vậy thì kẻ nầy cao tay và tính kế chỉn chu quá rồi.
Anh chỉ bảo, chỉn chu mấy thì cũng sẽ có sơ hở. Kim trong bọc muốn giấu cũng không được. Sớm mai anh sẽ lại quay về Gò Công điều tra thêm, cùng lúc đó anh muốn em giúp điều tra một chuyện.
Về đến nhà, trời còn chưa sáng tỏ, anh Phong gọi em vào buồng để cho em xem vài thứ.
Trước đó, lúc về lại buồng sau khi tìm được các tập hợp đồng và hồ sơ, anh cũng không ngủ ngay mà tiếp tục xem xét, bởi vậy cho nên mới có thể nghe được tiếng động bất thường ở phòng chị để chạy đi kiểm tra, và phát hiện được điều đáng ngờ.
Anh chìa cho em xem tờ sơ yếu lý lịch của ông Ba Hòa, và bảo em nhìn kỹ xem có nhận ra gì không.
Em nghe theo và lật tới lui một hồi. Hồi khuya lúc lấy hồ sơ ra, ảnh của ông nầy vốn không dính vào giấy. Em nhìn vào mặt sau của tấm hình - có vết keo hơi gợn lên...
Đó là lúc em nhận ra vết keo trên hình và vết keo trên giấy không hề khớp nhau.
Chị biết đấy, khi dán hai ảnh vào giấy thì sẽ bôi một lượng keo vừa phải lên đó, muốn gỡ ra thì sẽ tróc một phần giấy ở một hoặc hai mặt. Phần keo ở trên sơ yếu lý lịch đã bị tróc ra một khoảng nhỏ rồi, sờ mạnh một chút sẽ lủng lỗ ngay. Còn vết keo trên ảnh lại không dính mảng giấy tróc ấy, thậm chí lượng keo cũng không đồng đều.
Tấm hình nầy đã bị thay thế rồi, em nói với anh như vậy.
Đúng, anh nói, đây cũng chính là vấn đề anh cần nhờ em. Chuyện nầy có khả năng không đơn giản, em cần phải tìm cho ra tấm hình cũ. Tạm thời anh sẽ không kết luận gì, vì thông tin còn quá ít ỏi. Ngày mai, em cứ đi tìm hiểu trước, đến tối lại họp với nhau.
Nhận lấy nhiệm vụ mới, em trở về phòng, trằn trọc chẳng thể ngủ tiếp. Mấy hôm nay xảy ra quá nhiều chuyện, dù rất muốn, em cũng khó lòng chợp mắt, hẹn hò với chị trong mơ được nữa.
Nhưng em có thể tự đưa mình vào giấc mộng. Không phải vĩnh hằng đâu, chị đừng lo.
Chị có còn nhớ, một tuần sau, tụi mình có một cuộc hẹn lên chùa Vĩnh Tràng chơi chớ? Trùng hợp làm sao, đêm nay em mơ một giấc mơ về cái ngày cả nhà chị và em đều đến đó để cầu phước. Cũng khi ấy, chị và em đã có một cuộc hẹn hò không chính thức. Hồi ấy, chúng ta mới xác nhận mối quan hệ chưa lâu, cả chị và em đều lo ngại đủ mọi thứ, nhưng cái niềm khát khao được ở bên nhau lại trào dâng khiến chúng ta cầm lòng không đặng mà tìm đủ mọi cách để được gần đối phương thêm đôi chút.
Đã rất lâu rồi, kể từ ngày ấy. Hai ta ít khi được ở riêng với nhau, thoải mái tự tại ở một nơi xa. Những cuộc hẹn sau nầy, chúng mình chỉ quanh quẩn gần nhà. Dù khó khăn, nhưng chị có đồng ý với em rằng lén lút như vậy cũng khá là hưng phấn không?
Em còn nhớ rõ từng cái liếc nhìn thoáng qua giữa hai ta mỗi khi không ai để ý, cả những lần tay chị khẽ lướt lên tay em khi đông người, mỗi khi chị đỡ em dậy, bàn tay ngọc ngà nấn ná trên thắt lưng em rồi miễn cưỡng dời đi.
Chúng ta chẳng mấy khi hò hẹn đoàng hoàng như bao người, nhưng em chưa bao giờ vì thế mà cảm thấy buồn rầu. Em trân quý từng giây phút được ở bên chị và luôn khát khao lần tiếp theo hai ta có thể gần nhau.
Em tự hỏi chị sẽ đưa em đi đâu và làm gì khi sang bờ Đông hẹn hò.
Đầu tiên, chắc chắn chúng ta sẽ viếng chùa. Cầu phước, cầu bình yên. Em sẽ cầu một tương lai nơi em có thể theo chưn chị, danh bất chính ngôn bất thuận cũng được, chỉ cần không phải chia xa.
Sau đó sẽ đi xin quẻ chăng? Chắc là thôi. Em có cảm giác khi ra quẻ rồi, chuyện sẽ chắc như đinh đóng cột. Tương lai tuy vô định nhưng mình còn có thể hy vọng. Một nhà hiền triết họ Thành đã từng nói: thuyền đến đầu cầu tự nhiên thẳng... À mà thôi... thuyền đã trôi khỏi bến mất rồi.
Sau đó, chúng ta sẽ quay lại những cửa tiệm mình đã từng ghé thăm. Hẳn là họ vẫn buôn may bán đắt. Nếu vậy, mình có thể mua thêm vài thứ đồ đôi mà chỉ hai ta mới hiểu ý nghĩa. Hai chữ Nhật Nguyệt trên cây viết của em và hai chữ Hỏa Thổ trên máy đánh chữ của chị, người ta chỉ nghĩ đó là tên nơi sản xuất, nào có ai ngờ chúng ta gan đến nỗi khắc tên nhau lên đồ dùng cá nhân. Cứ mỗi khi em cầm viết lên, em đều có cảm tưởng như đang nắm lấy bàn tay chị vậy.
Mua thêm cả những món quà lưu niệm cho người nhà chị nữa. Em còn nhớ bà rất thích chiếc khăn lụa thêu hoa mai chị em mình cùng mua, cả mợ Ba cũng ưng lọ nến hương cam chị đích thân chọn lựa. Lần trước mình đi vội quá, chưa kịp mua quà cho ông, vậy lần nầy phải chọn hai món, bù cho cả lần trước, có vậy mới toại lòng ông được.
Tiếp đến, chúng mình sẽ đi dọc con kinh Trạm, trước nay nhìn từ góc bên kia chán rồi, nay hai ta sẽ đổi mới một chút và ngắm vườn tược nhà đất của chị từ bờ Đông. Cũng là một cách nhìn về quá khứ, về khung cảnh chúng ta bao lần lén lút ra riêng dù chỉ thoáng chốc, thoát khỏi ánh nhìn của người đời và chìm vào hơi thở của nhau. Ở bên bờ Đông tuy nhiều người hơn, nhưng thế cũng không có nghĩa mình sẽ không làm gì được, vì suy cho cùng, tình yêu ở trong đôi mắt của kẻ si tình.
Thật là... bao nhiêu điều, bao nhiêu điều chị còn dang dở, bao nhiêu điều hai ta có thể làm vì nhau, giờ đã chẳng còn cơ hội nữa rồi.
Đến sáng, em chỉ để lại vài câu với bà Lan rằng mình sẽ đi vắng hết buổi sáng hôm nay rồi lên đường tiếp tục điều tra. Anh Phong đã đi từ tờ mờ sáng, hẳn là để điều tra tường tận lời khai của bà Hai.
Em cầm theo tấm hình anh Phong đưa và bắt đầu xuống dưới khu các tá điền sinh sống để hỏi thăm.
Chị biết gì không? Em đến nhà đầu tiên, là nhà bà Tám Bông, em còn chưa đặt câu hỏi, nhưng ngay khi nhìn thấy tấm hình bả đã thốt lên rằng: lại là tấm hình nầy nữa sao?
Như hùm đói vồ mồi, em hỏi lại ngay vì sao bả lại nói như vậy.
Và Tình ơi là Tình, quả nhiên, chị đã điều tra người đàn ông nầy từ trước rồi, và đúng như anh Phong nói, ổng chính là đầu mối của mọi vấn đề.
Từ độ tháng trước, chị cũng đã đem tấm hình nầy đến hỏi vài người trong số các tá điền một số câu nghe có vẻ chẳng liên quan gì lắm.
Bà Tám Bông còn chưa kịp nói thêm thì đã có người khác nhảy vào tiếp rằng, người đàn ông trong hình đúng là ông Ba Hòa. Ông làm tá điền nhà chị mấy năm trời rồi và nhận phần ruộng ở bên rìa phía Tây, mọi khi toàn là vợ ổng đi đóng gạo nên có thể người nhà chị không nhớ mặt ổng. Và thật ra tấm hình em đang cầm trên tay, chính là tấm hình mới chụp trước khi ổng chết từ năm ngoái, nên sẽ lại càng khác so với tấm cũ dán trên sơ yếu lý lịch năm xưa.
Nếu đây là hình sơ yếu lý lịch lúc mướn ruộng thì không thể nào dùng tấm hình năm ngoái được vì ông thuê ruộng suốt năm năm nay rồi, không có cớ gì để mà phải thay một tấm mới cả.
Đúng là có ai đó đã tráo tấm hình cũ và thay bằng tấm mới, nhưng mục đích là gì? Tấm cũ có điều gì khuất tất để kẻ ấy phải che giấu?
Hoặc là tấm hình đó có dính thứ gì đó đáng ngờ, hoặc là bản thân thứ mà tấm hình lưu lại chính là điều đáng ngờ.
Điều em có thể hỏi, là vế thứ hai.
Bà Tám Bông nói rằng, suốt mấy năm nay, ông Ba Hòa chẳng già đi mấy, cái mặt vẫn y như vậy, hiền từ và khắc khổ. Điều duy nhất thay đổi là mái tóc của ông. Trong tấm hình em cầm, tóc ông đã thẳng đi nhiều rồi, chớ độ mấy năm trước, tóc ông rất quăn. Mái tóc quăn của ông là thứ khiến nhiều người để ý, vì dân tộc mình vốn tóc thẳng, những người có mái tóc như ông vô cùng hiếm gặp.
Tóc quăn... vậy thì giải quyết được gì chớ. Về cơ bản thì mặt ông vẫn không thay đổi gì. Kẻ thủ ác chắc không mất công thay một tấm hình mới chỉ để đổi kiểu tóc cho ông Ba Hòa đâu ha? Vậy có thể là vì trên tấm hình cũ đã bị dính hoặc rách nên kẻ đó phải tốn công thay đổi.
Chắc chắn chị cũng đã biết câu trả lời cho vấn đề đó rồi, nên kẻ kia mới khiến chị ra cớ sự nầy. Thay vì cảm thấy sợ số phận ấy cũng xảy đến với mình, em chỉ thấy phẫn nộ mà thôi. Chuyện đã đến nước nầy rồi, em sẽ điều tra tận gốc rễ của vấn đề. Dẫu cho em có nằm trong tầm ngắm của kẻ đó, thì em cũng muốn biết câu trả lời trước khi đến bên chị.
Em hỏi thêm về mối quan hệ của ông Ba Hòa và những người xung quanh. Bà Tám Bông nói rằng ông là một người hòa nhã, thà chịu thiệt chớ không muốn hại ai, thành ra ai cũng quý cũng thương.
Thật sự mà nói thì... em cũng có hơi nghi ngờ. Không phải em nghi ngờ nhân cách của một người không hề quen. Chẳng qua là, bây giờ em mới nhận ra, con người ta thường hay nói tốt cho những người đã khuất, và hay lược bỏ những chuyện có thể gây ảnh hưởng xấu đến người ấy. Và từ đó sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình điều tra...
Cả khi họ nói về chị cũng thế. Dẫu vậy, em vẫn muốn tin tưởng rằng những điều mọi người nói về chị là thật lòng. Nhân cách của chị, có em làm chứng.
Sau cuộc nói chuyện với nhà bà Tám Bông, em cũng đến hỏi thăm thêm vài hộ tá điền gần đó nữa, và họ đều nói tương tự như bà. Chị cũng đã từng cầm tấm hình nầy đến nhiều nhà, thậm chí đến thẳng nhà ông Ba Hòa để hỏi cặn kẽ.
Vậy em cũng sẽ lần theo dấu chưn của chị, đến nhà ông Ba Hòa.
Lúc em đến, vợ ông và các con vẫn đang ở ngoài làm ruộng. Nhưng hay tin em sang thăm, họ đã hớt hải chạy về đón tiếp hồn hậu.
Bà Ba Hòa cũng trạc tuổi ông, họ đều có nét hiền hòa dễ gần như nhau, treo trên môi một nụ cười thoải mái. Hai người con trai ông, một lớn đã cao gầy và ngoan ngoãn, một nhỏ vẫn còn ngây thơ nghịch ngợm; cậu nhỏ được thừa hưởng mái tóc quăn đặc trưng từ ba mình, quả là rất đặc biệt.
Chuyện đã qua từ một năm trước, nhưng bây giờ em phải khơi lên nỗi đau của họ, ở vị thế của cả em và họ đều không phải điều dễ dàng.
Song việc gì cần làm thì vẫn phải làm.
Khi nghe câu hỏi của em, thái độ của bà Ba Hòa chùng xuống ngay. Bà đuổi hai người con ra ngoài ruộng rồi thở dài thườn thượt. Em chẳng dám ho he gì nữa, để thời gian cho bà tĩnh tâm. Bà ngước lên nhìn bàn thờ ông Ba Hòa trên tủ kê sát tường nhà hồi lâu. Ba cây nhang vẫn còn bốc khói trong lư hương giữa một loạt những chưn nhang đỏ đã đốt tàn, làn khói tỏa ra bao lấy thân ảnh ông Ba Hòa. Trong tấm hình thờ ấy, tóc ông vẫn còn quăn, quăn hơn so với tấm hình em có. Có lẽ họ thấy tấm nầy đẹp hơn nên đã chọn để thờ thay vì dùng hình mới.
Ổng qua đời một phần cũng là do tôi, khi em đang ngẩn người nhìn lên bàn thờ thì bà đã trả lời như vây.
Bà nói rằng, khi nấu cơm trưa cho ông, bà đã bất cẩn, không để ý đến vài miếng vụn đậu phộng bị lẫn trong nồi cơm.
Sau đó thì ông lăn ra đất, không thở được, bà vẫn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra. Khi hai đứa con trai hô hào xóm làng đến cứu thì bà vẫn ngồi nghệt ra trên đất. Cái chết của ông thật dai dẳng và quằn quại. Mọi người chỉ có thể chứng kiến linh hồn ông từ từ lìa khỏi trần gian mà không tài nào kéo lại được.
Em cố gắng lựa lời để hỏi về mối quan hệ của ông với những người xung quanh. Bà cũng chỉ nói những lời em đã nghe rồi, không có gì mới mẻ cả.
Đến đây, khác với người ta, bà lại hỏi em vì sao lại đến đây đặt những câu hỏi nầy với bà.
Chà, em sao mà có thể nói sự thiệt được chớ.
Em hiểu bản thân không thể nào để lộ ra rằng cái chết của ông có gì khuất tất được. Nên em đã dùng tên anh Phong ra làm lá chắn, nói rằng anh đang phải tìm hiểu một vụ ngộ độc, hiện tại vẫn chưa rõ người ấy chết do đâu, vậy nên anh muốn tham khảo những trường hợp tương tự.
Một lý do khá là... chẳng ăn nhằm gì. Song bà nghe vậy cũng chỉ gật đầu.
Em đoán là nỗi buồn đã làm mờ đi khả năng phát đoán của con người ta rồi.
Thông tin bà biết cũng chỉ có vậy, nên em chỉ nán lại trò chuyện đôi ba câu rồi đứng lên ra về. Những lúc như vậy, em cảm thấy mình thật là lạnh lùng. Chỉ tìm đến người ta để bới móc thông tin, gợi lên cho họ những đau thương tưởng chừng như đã nguôi ngoai, rồi quay lưng bỏ đi, để lại họ tự băng bó lại vết thương mới nứt toạc ra trong góc tối. Thôi thì, em có thể an ủi bản thân rằng: mình không còn lựa chọn nào khác.
Khi em đi ra đến ngoài ruộng, hai ông con trai vốn đang lúi húi chăm lúa đồng loạt ngẩng lên nhìn em.
Chị à, trẻ con ấy mà. Người lớn ai cũng bảo, trẻ con thì biết cái gì mà nói, đúng không? Theo đó, người ta cũng không quá đề phòng bọn trẻ vì lời của chúng không đáng tin.
Cũng chính vì vậy, mà có thể, chỉ có thể thôi, nếu như bọn trẻ chứng kiến người lớn làm những việc trái lương tâm đạo đức, thì người lớn có thể yên trí rằng: trí nhớ của chúng kém; dễ bị mua chuộc bởi những thứ rẻ tiền để giữ bí mật; dù có để lộ ra thì cũng chỉ là lời ba láp ba xàm không đáng tin cậy.
Chính vì những lý do trên, mà thỉnh thoảng, lời của bọn chúng sẽ có thể đưa ta đến gần hơn với sự thật.
Vậy liệu "thỉnh thoảng" là bây giờ chăng?
Ngoái lại đằng sau, em thấy bà Ba Hòa đã lui vào cặm cụi trong bếp, hẳn là sẽ không để ý đến bên nầy. Tội gì mà không chớp lấy thời cơ chị nhỉ?
Em giơ tay lên làm dấu cho hai đứa trẻ mặt đỏ lựng vì bêu nắng, gọi chúng nó ra một gốc cây đằng xa, khuất tầm nhìn từ trong nhà. Cả hai đứa đều nghe lời, chúng tức thì bỏ dở công việc đồng áng, lau tay vào vạt quần và đi xuyên qua đồng giữa những ngọn lúa còn xanh. Hiện tại đã là trưa trờ trưa trật rồi, nắng trời đổ lửa mướt hết cả mồ hôi, dù là đứng dưới bóng râm cổ thụ song vẫn còn nóng bức.
Cuộc đối thoại của chúng em không diễn ra quá lâu. Vấn đề cũng chỉ xoay quanh có từng ấy. Nên em sẽ không làm tốn thời gian của chị làm gì mà chỉ kể lại một chuyện em để ý được khi nói chuyện với hai đứa nhỏ.
Mới đầu em hỏi mãi mà không ra thông tin quan trọng, em đã thất vọng lắm, nhưng cũng chỉ biết cho tụi nhỏ cục kẹo để coi như làm an lòng chúng. Thế mà. Chị có biết ngay sau khi nhận kẹo, đứa bé hơn đã nói gì không?
Theo như lời của nó, mỗi lần ba với má nó đi đóng gạo, ba nó đều mua về cho mấy cái kẹo Tây, giống y như loại em vừa cho.
Chị thấy vấn đề nằm ở đâu rồi chứ?
Để kiểm chứng thông tin nầy, em đã phải quay trở lại nhà bà Ba Hòa để hỏi thêm một câu cuối cùng, dứt điểm.
- Mọi khi bà mang gạo đi đóng chắc hẳn là cực lắm, có cần cháu nhờ người đến giúp đỡ không, bà?
- Không cần đâu, cô thơ ký. Tôi vẫn đi một mình mấy năm nay đó thôi, quen rồi. Dù sao thì tôi cũng xin nhận tấm lòng của cô.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro