chương hai: mở lòng
Nắng ngọt, mềm và dịu êm, tan trong tiếng cười giòn vang của trẻ thơ trước thềm nhà. Bé gái nọ tóc thắt bím, mặc quần áo lụa, đi đôi guốc mộc đứng nép ở cửa, trông ra lũ con trai đầu trần chân đất với ánh mắt đau đáu niềm thương. Lại thêm mấy đứa con gái ăn mặc rách rưới nhập cuộc. Chúng nó nhặt sỏi, vạch vài đường trên đất, chốc chốc lại cười ồ lên. Có đứa trông thấy bé gái nọ, vẫy cánh tay gầy nhẳng ra chiều mời gọi. Nó nhoẻn cười như chỉ chờ có thế, toan bước ra.
Rồi thình lình có bàn tay ai đó đặt lên vai, mềm mại mà nặng trĩu. Nó giật mình. Đám trẻ con đã túa đâu hết cả, bỏ lại những tàn nắng như mẳn tấm vương vãi trên sân. Bàn tay kia vuốt ve bím tóc của nó, hương thơm dìu dịu của người ấy bao bọc cả cơ thể bé con. Là mẹ.
"Nắng thế này sao không vào nhà ngồi hở con?"
Một thoáng tiếc nuối lướt qua tâm trí ngây ngô con trẻ. Nó ngần ngừ trong chốc lát rồi ôm nỗi niềm nửa sợ nửa mong, đánh bạo mà rằng: "Con... con muốn ra ngoài chơi cùng các bạn."
Nhưng rồi cũng như bao lần trước, nó chỉ nhận được cái nhíu mày ra chiều không hài lòng của ai kia. "Bích, con là con gái mà, bì sao được con trai chúng nó."
Bé gái nọ ngước nhìn mẹ bằng ánh mắt trong veo như muốn nói, mẹ, nhưng con gái nhà người ta cũng ra đó chơi cho bằng bạn bằng bè đấy thôi. Mẹ, tại sao chỉ có con là không thể.
Con khác với chúng nó, con là con nhà danh giá, nay mai sẽ trở thành bà lớn, một người đàn bà mẫu mực. Mẹ nó đáp, coi đó là điều hiển nhiên.
Nó hỏi tiếp. Mẹ, tại sao lại thế? Tại sao sinh ra làm con gái lại phải khổ nhường này?
Người đàn bà luống tuổi lặng đi trong chốc lát trước câu hỏi ngô nghê của con, rồi thị ôm con, rỉ rả bên tai con những điều thị học từ mẹ thị. Thị bảo, Bích này, đàn bà khổ nhưng cũng vinh dự lắm đấy. Đàn bà chúng ta mang trên vai trọng trách trời ban mà không người đàn ông nào có thể gánh hộ. Đàn bà chúng ta đôn hậu, dịu dàng, đảm đang, nhẫn nại. Đàn bà chúng ta quán xuyến giang sơn nhà chồng, lo cho chồng từng miếng cơm, tấm áo, hết lo cho chồng rồi lại lo chuyện cháu con. Cả một đời tần tảo, chịu đựng, hi sinh, ấy là cái số của đàn bà. Bích này, sinh ra trên đời trong hình hài con gái là phúc phận của con, con phải lấy đó làm mừng. Đàn bà không cần đẹp quá, không cần thông minh hay mạnh mẽ, không cần mãnh liệt như lửa. Đàn bà phải là nước, nhẫn nại, dịu dàng. Mai này lớn lên con phải sống như mẹ, phải phục tùng chồng, phải sinh cho chồng thật nhiều con trai, không được ghen tuông vô cớ. Đàn bà như vậy mới đúng là đàn bà. Nhớ chưa?
Nó gật đầu, chăm chú lắng nghe từng lời mẹ nói để tạc vào lòng chút một, dù ở cái tuổi ấy nó chỉ hiểu câu được câu chăng. Bé gái năm nào lớn lên trong những lời bảo ban của mẹ, cố gắng trở thành một người đàn bà hệt như cái khuôn đúc từ miệng lưỡi người đời. Tiếc rằng, nó chẳng làm được gì. Một điều cũng không.
***
Mợ hai Bích tỉnh giấc bởi tiếng mở cửa và tiếng bước chân của con hầu. Nàng ngồi dậy, cổ mỏi nhừ, ánh mắt mơ màng như còn lạc trong mộng, trên trán lấm tấm mồ hôi. Một thoáng chợp mắt trong tiết trời oi nồng chỉ mang lại cáu bẳn và mệt nhọc. Nàng biết vậy, ấy mà chẳng hiểu sao cứ quen thói gục đầu xuống bàn rồi thiếp đi.
"Mợ dậy rồi ạ?" Con Xuân mau mắn dọn kim chỉ và tấm khăn đang thêu dở sang một bên, xong xuôi mới đặt hai cái bát sứ trước mặt chủ. "Đúng lúc thuốc vừa sắc xong, mợ uống luôn cho nóng chứ để nguội lại phí hoài."
Mợ hai Bích ngồi thừ trên ghế mây, chưa buồn bưng bát vì mồm miệng hãy còn lạt lẽo sau cơn mộng mị vừa rồi. Lại thuốc. Ngửi mùi thì có vẻ là thuốc mới, nhưng quanh đi quẩn lại vẫn là vài vị thuốc bổ huyết cho đàn bà thuận đường sinh nở mà gã lang băm làng bên kê cho. Thuốc đắt mà vị thì đắng, dăm ba tháng lại đổi một lần, uống ròng rã bảy tám năm trời mà có thấy tiến triển gì đâu. Số phận đã an bài không con không cái, có gắng mấy cũng bằng thừa.
Thấy nàng cứ tần ngần mãi chưa chịu uống, tưởng chủ ngại đắng, con hầu bèn lựa lời dỗ dành: "Mợ đừng lo, ở đây còn có chè đậu xanh mã thầy mà mợ thích. Nếu mợ muốn, con sẽ xuống bếp bỏ thêm đường cho ngọt."
"Thôi khỏi." Nàng thở dài, nhắm tịt mắt rồi bưng bát thuốc uống một hơi cạn sạch. Chỉ là uống thuốc thôi mà, nắng nôi thế này, bắt nó chạy đi chạy lại là làm tình làm tội nó. Uống xong, nàng vớ lấy bát chè đậu xanh mã thầy gần đó, xúc một thìa đầy cho vợi bớt cái đắng chát tràn đầy khoang miệng.
"Vừa nãy con xuống bếp sắc thuốc cho mợ thì gặp một người. Mợ có biết con đã gặp ai không?" Chừng như đã quen tính lầm lì của chủ, chẳng để nàng có thời gian suy đoán, nó tự hỏi rồi tự trả lời luôn: "Là con bé Mơ khiến mợ phải bận lòng đấy. Con bé ấy đúng là khéo diễn trò. Nó về đây mới được một tháng mà đã làm thân với cả họ nhà ta rồi. Nó còn lấy lòng cả đám kẻ ở, bày đặt chịu khó mà nấu nước quét sân. Mợ phải cẩn thận đám nghèo hèn ấy, để trèo cao, chuyện gì tụi nó cũng dám làm."
Mơ. Nghe thấy cái tên ấy, mợ hai Bích giật mình, tâm trí vừa thoát khỏi cõi mộng nay lại chìm vào miền suy tư khác. Tròn một tháng trước, cậu Vinh trở về sau chuyến đi xa, sẵn tiện mua hai người đàn bà làm lẽ. Từ bấy trở đi, nàng cứ mãi trăn trở về cô vợ bé của chồng mình. Nàng không hiểu chồng mình ưng con bé tên Mơ ở điểm nào. Người ngợm như thiếu nữ chưa tới thì, da dẻ rám sạm, từ đầu đến chân chỉ có đôi mắt tạm gọi là đẹp. Cái đẹp ấy không nằm ở lông mày hay rèm mi mà là một đôi mắt rất to, rất sáng, trắng đen rõ ràng, chẳng ngần ngại mà cứ nhìn thẳng vào kẻ khác. Người như thế vừa nhìn đã biết là bướng bỉnh, lập dị, không dễ gì luồn cúi rồi phục tùng bất cứ ai. Người như thế không hợp để lấy làm dâu, làm vợ, làm mẹ. Có lẽ chồng nàng mua nó vì đã chán đàn bà miền quê ngoan hiền, bắt đầu thèm sự hoang dại của thiếu nữ nơi núi rừng chăng? Hay chỉ vì nó trẻ khoẻ, đủ sức để đẻ con trai cho chồng nàng?
Nhưng dẫu nguyên cớ là gì, nàng vẫn thấy nó chẳng vừa mắt. Một phần là vì cảnh chồng chung, có người đàn bà nào bằng lòng cùng kẻ khác san sẻ một chồng? Thứ nữa là xuất thân và tính nết của nó. Nó chỉ là một người vợ được chồng nàng mua về bằng vài đồng lẻ, rẻ mạt chẳng khác gì cái chum, cái vại sứt mẻ ngoài sân, khác hẳn mợ hai được cưới gả đàng hoàng và đón rước về dinh là nàng. Nết ăn của nó cũng xấu lắm, thua cả con Xuân theo hầu nàng từ thuở lên năm. Ăn bốc ăn nhúm, ăn vội ăn vàng như thể chết đói đến nơi, như thể nhà này ngược đãi nó không bằng. Càng nhìn càng thấy ghét, nàng càng cố tránh thật xa như thể sợ bùn dưới đầm làm lấm lem vạt váy.
Thế rồi mợ hai Bích lại nhận ra mình đã lầm. Hoá ra con bé Mơ ấy đâu tệ như nàng vẫn nghĩ.
Mọi sự đổi thay nhen nhóm từ đêm trăng sáng ấy. Nó thình lình xuất hiện trước cửa buồng nàng như một bóng ma, sẵn lòng chui xuống xó bếp đầy tàn tro và bụi bặm chỉ để đun cho nàng thau nước ngâm chân giữa đêm hôm khuya khoắt. Nó còn không ngại tủi ngại bẩn mà ngồi bệt dưới nền đất lạnh, mà bóp chân cho nàng với vẻ hào hứng như con trẻ nhận quà bánh mẹ cho, động tác cẩn thận chẳng khác nào lão nông nâng niu viên ngọc quý vừa mò được dưới đồng. Chẳng kẻ hầu nào ở nhà này tỉ mẩn được như nó, cũng không có người đàn bà nào sẵn lòng làm chuyện ấy cho cô vợ khác của chồng mình. Đúng là kì lạ. Rồi từ bấy, nó dính lấy nàng như keo với sơn. Mỗi sớm thức dậy là nàng đã thấy nó có mặt ở buồng mình, sẵn sàng giành việc với con Xuân để chải tóc, thay áo cho nàng. Tối đến, bao giờ nó cũng nhắc con Xuân chuẩn bị nước ấm và chờ nàng ngâm chân rồi mới chịu về đi ngủ. Đến chị em ruột còn chẳng thân thiết được như thế nữa là phận đàn bà chung một tấm chồng.
"Có phải mợ vẫn bận lòng chuyện con Mơ không?" Thấy nàng chẳng ứ hừ gì, con Xuân trông mặt chủ mà cả gan phán rằng: "Nó làm vậy để lấy lòng mợ, rồi nhân lúc mợ lơ là mà chiếm lấy cậu Vinh thôi. Cả tuần nay cậu Vinh toàn ở lại chỗ nó, chắc chắn là bị nó cho ăn bùa mê thuốc lú gì rồi. Bọn trên núi thiếu gì bùa ngải đâu."
"Bậy nào. Không được nói hỗn. Để người khác nghe được thì không hay đâu." Dầu cho không có người ngoài trong phòng, mợ hai Bích vẫn dặn lòng phải giữ kẽ. "Con bé Mơ ấy... không giống kẻ biết diễn trò. Có lẽ tính nó vốn thế, đừng nghĩ nhiều làm gì, ăn nói cũng phải cẩn thận kẻo cái miệng hại cái thân. À này, vừa rồi mày bảo gặp nó dưới bếp. Thế lúc ấy nó làm gì?"
Bị trách mắng nhưng mặt Xuân vẫn lạnh tanh như không. Nó thừa hiểu chủ nó chỉ nói thế thôi chứ trong lòng cũng chẳng ưa gì con bé này. Bởi vậy, nó vẫn giở giọng khinh khỉnh: "Dạ. Nó đang ở dưới bếp... nấu cơm ạ."
Chui trong xó bếp chật chội để trông nồi cơm nấu dở khi trời oi nồng thế này ư? Đúng là không tài nào hiểu nổi suy nghĩ của những kẻ dưới đáy xã hội. Dù trước đây có nghèo hèn đến đâu thì giờ nó cũng là mợ tư của cái nhà này, cần gì phải hạ mình làm chuyện của kẻ ở như thế. Chẳng lẽ nó khổ quen rồi, thấy sướng lại không chịu được? Hay nó định diễn trò cho ai xem? Tò mò, nàng ngừng thêu, bưng bát chè xuống bếp ngó thử.
Cái nắng gay gắt ngoài thềm khiến nàng vừa bước chân khỏi buồng đã phải nhắm tịt mắt lại. Một mùi rữa nát quẩn quanh đâu đây, ngay khi vạn vật đương sinh trưởng mạnh mẽ. Nàng dừng chân, ngần ngừ, phân vân rồi lại bước tiếp. Càng đến gần, mùi củi lửa càng thêm rõ rệt, chốc chốc lại thấy tro bụi bay ra từ cửa bếp.
Mợ hai Bích không phải con người của bếp núc. Từ thuở lọt lòng cho đến khi về nhà chồng, dẫu là phận gái, nàng chưa bao giờ đặt chân xuống bếp nữa là mó tay vào nấu ăn cho mọi người. Ở nhà mẹ đẻ có vú em chăm bẵm, lấy chồng rồi thì chỉ việc nhàn tản ngồi trên phản cao, chờ người hầu hạ. Một cuộc đời ấm êm khiến nàng đinh ninh rằng bếp núc là chuyện của kẻ ở, là bổn phận của những người đàn bà nghèo khó. Cũng vì lẽ đó, khi tận mắt trông thấy cô vợ bé của chồng mình lọ mọ nơi xó bếp với cái áo nâu vá và cái quần đen bạc màu, hai má đã đen nhẻm nay lại thêm lấm lem vì tro bụi, nàng bất ngờ lắm thay.
Mợ hai Bích đứng ở cửa bếp, chẳng biết còn bận nghĩ ngợi điều chi mà chưa vội bước vào. Nàng trông thấy Mơ nhưng hai kẻ đang bận bịu trong bếp vẫn chưa nhận ra nàng có mặt ở đó. Hẳn vậy, nên con Sen đi ở cho cái nhà này mới được hai năm đã chẳng thèm giữ kẽ, nói chuyện với Mơ như những kẻ phải lứa bằng vai thích nói xấu sau lưng đứa mình ghét.
Nó bảo: "Con Xuân lại nhờ mợ sắc thuốc cho mợ hai đấy à? Rõ mệt. Nó thấy mợ lành hiền nên đùn việc cho mợ đấy. Để con kể mợ nghe, cả chủ tớ nhà nấy đều chẳng ra gì. Con Xuân biếng làm, toàn kiếm cớ đẩy hết cho chúng con còn tiếng thơm thì mình nó hưởng. Nhiều lần con đi mách các bà rồi nhưng không ăn thua, con đấy gian lắm, chối đây đẩy, cuối cùng lại thành ra con đặt điều cho nó. Còn chủ nó thì thôi. Con nghe chị con bảo vốn là cậu con định cưới mợ Bích về làm lớn nhưng các bà không chịu. Các bà đi xem thì thầy bảo cậu mợ không hợp nhau, có cố ở với nhau cũng chẳng được mụn con nào. Các bà còn định không cho mợ ấy vào cửa nhưng cậu con nài quá nên mới đồng ý cho lấy, mà lấy cũng chỉ lùi xuống làm bé thôi, bao giờ sinh được con trai mới được lên làm cả. Thế đấy, đã bảy tám năm rồi mà có đứa nào tòi ra đâu. Một con vịt giời cũng chẳng có chứ đừng nói đến thằng cu nối dõi cho họ Trần."
Người được nhắc đến trong câu chuyện ấy nép mình vào một góc, chẳng tiến thêm bước nào, cũng chẳng quay gót rời đi. Nắng chảy tràn mọi ngõ ngách mà chung quanh mợ hai Bích cứ như bị bao phủ bởi màn đêm đen đặc. Hai kẻ trong bếp vẫn chưa hay biết gì. Một đứa không ứ không hừ, đứa còn lại thì càng nói càng hăng: "Con bảo thật, mợ hai còn lâu mới bằng được mợ. Mợ trẻ khoẻ, dễ gần, tuy không cưới gả đàng hoàng nhưng con trông bà cả vẫn ưng mợ lắm. Còn mợ hai á, không đẻ được đã đành, lại hay ra vẻ bề trên kẻ cả. Không bao giờ mợ ấy quán xuyến việc nhà, đến cuối vẫn đến tay bà lớn lo liệu đấy thây. Cũng chẳng khi nào mợ ấy xuống bếp nấu cho cậu con bát cơm chứ đừng nói là giúp chúng con như mợ."
Ai kia thêm củi cho nồi cơm nấu dở, lửa bùng lên, "tách" một tiếng rõ giòn. Ở nơi mợ hai Bích không trông thấy, Mơ quay sang nhìn con ở đang cố lấy lòng mình, ánh mắt sắc lẻm như dao, giọng rắn đanh, nghiêm túc đến lạ: "Em không thích chị nói xấu mợ ấy. Lần sau chị còn thế nữa thì đừng đến gặp em, cũng đừng nhờ em làm hộ bất cứ việc gì."
Chẳng thèm nể nang, Mơ đuổi thẳng Sen ra khỏi bếp. Không hiểu mình làm gì phạm đến mợ tư, Sen bối rối trước câu đe nẹt ấy, và còn luống cuống hơn nữa khi bắt gặp mợ hai Bích đã đứng ở cửa tự lúc nào. Nó tái mặt, lí nhí rặn ra mấy tiếng: "Thưa... thưa mợ..." Rồi rối rít kiếm cớ rút lui: "Bà lớn cho gọi con. Con xin phép."
Không đợi hai mợ cho phép, Sen lách sang một bên, lủi nhanh như cắt, để lại Bích và Mơ đứng đó, nhìn nhau, khó xử. Vẫn là Mơ mở lời: "Trời nực thế này, mợ xuống đây làm gì?"
Phải xuống mới biết người ta nói gì về mình chứ. Mợ hai Bích toan nói thế, nhưng thôi. Nàng đáp bằng một câu hỏi khác: "Thế em làm gì ở đây?"
Mơ trả lời qua loa, chẳng biết là dối hay thực: "Rảnh nên em ngồi đây trông nồi cơm hộ bọn nó." Thấy nàng tìm ghế định ngồi, nó nhanh hơn, đưa mắt một lượt chọn cái sạch sẽ nhất, còn cẩn thận lau lại bằng chính tấm áo mình mặc. Xong xuôi, nó nhoẻn cười, hớn hở như thể khoe công: "Ghế không bẩn đâu. Mợ ngồi đi."
Bích ngồi thật, dù tướng ngồi phải gọn và nép hết mức có thể, tránh để vạt váy chạm nền đất đầy những tàn tro bụi bặm. Từ trong nồi cơm nấu dở bật ra mấy tiếng ùng ục. Mơ nhanh tay rút bớt củi, chỉnh cho lửa nhỏ dần. Chưa ai vội lên tiếng. Thời gian như ngừng lại. Không khí càng ngột ngạt. Lưng và gáy đôi trẻ đầm đìa khi nào không biết, còn da mặt, chỗ tiếp xúc với hơi nóng phả thẳng từ bếp củi lại bỏng rát, khô như rang.
Cuối cùng, vẫn là Mơ gợi chuyện: "Tính Sen vô tư, nhiều lúc đâm ra thái quá. Chị ấy nói thế thôi chứ bụng dạ không có gì đâu. Mợ đừng để trong lòng."
Bích thấy lạ. Nàng cứ tưởng nếu mình không hỏi, con bé tên Mơ kia sẽ im ỉm, cứ thế cho qua. Dù sao thì kẻ nói xấu nàng là Sen, nàng giận thì cũng chỉ trút giận lên con nhỏ đó, có muốn bắt thóp Mơ cũng không được. Cứ đổ hết lỗi lên đầu bọn ở rồi hứa sẽ dạy bảo là xong, nàng nghĩ thế, đằng này Mơ lại nói đỡ cho một con hầu. Không biết nó ngây ngô thật hay chỉ vờ như mình ngu ngơ, mợ hai Bích bỗng nảy ra ý thử lòng người bên cạnh, bèn tỏ vẻ buồn rầu mà rằng: "Nó nói cũng phải. Từ ngày về đây, tôi đã làm được gì cho mọi người đâu. Đến con gà mái còn biết đẻ trứng cho chủ, còn tôi, ngay cả một đứa con nối nghiệp chồng tôi cũng không sinh nổi."
Đang bận lấy que cời đống lửa, nghe nàng nói thế, Mơ bỏ cả việc đang làm mà quay ngoắt sang một bên, đáp từng tiếng dõng dạc: "Mợ nói gì thế. Cậu mợ lấy nhau vì tình. Hai người thề sẽ ăn ở đời kiếp chứ đâu phải người ta mua con nào đấy về, bóc lột chán chê rồi bỏ. Nếu đem ra ví với gà mái thì phải là em. Cậu mua em về để đẻ con cho cậu, em chịu ơn cậu nên phải trả ơn bằng đứa con. Đấy mới là quan hệ giữa chủ với tớ, giữa người với vật. Còn mợ thì không. Mợ đừng tự rẻ rúng thân mình như thế. Em không muốn nghe mợ nói thế đâu."
Lại một lần nữa Mơ khiến nàng bất ngờ. Vốn nàng chỉ định thử xem nó phản ứng ra sao, nào ngờ những gì nó thể hiện lại vượt xa điều nàng suy đoán. Phải đứa nào khéo, nó đã lựa lời an ủi sao cho đẹp lòng cả đôi bên, vừa nghe bùi tai vừa không phải rẻ rúng thân mình. Nhưng nó chỉ một mực bênh nàng mà mặc kệ bản thân. Giọng nó đanh thép. Hai mắt sáng rực như có lửa. Mãnh liệt và chân thành. Nàng sực nhớ về lời phán của gã thầy bói năm xưa, lồng ngực lại thổn thức những nhịp đập lạ lùng.
Đưa mắt ra chỗ khác, nàng gắng ghìm lại hơi thở mỗi lúc một mau, cố ra vẻ bình tĩnh mà trêu người ngồi bên rằng: "Em bảo tôi không được rẻ rúng thân mình, thế em thì sao? Chính em vẫn coi thường bản thân đấy thôi."
Mơ đáp, chẳng chút chần chừ: "Em khác, mợ khác. Em nói thế được nhưng mợ thì không."
"Rồi rồi. Tôi nghe lời em." Nhìn bát chè ăn dở trên tay, mợ hai Bích lảng sang chuyện khác: "Cơm cũng tầm tầm rồi, cứ để nó ủ đấy rồi lên nhà với tôi. À này, nay bác Thắm nấu chè đậu xanh mã thầy đấy. Em ăn chưa?"
"Sáng giờ em quanh vào nồi cơm với cháo hẹ của mợ nên quên khuấy mất."
"Em nấu cháo hẹ cho tôi?"
"Dạ phải. Em nghe các chị trên bản mách nhau ăn cháo hẹ thì đỡ được bệnh lạnh tay chân nên mới thử nấu xem có tác dụng thật không. Để lát nữa em múc cho mợ."
"Cảm ơn em. Phiền em quá. Nào, ta ra ngoài kẻo ở mãi trong này đến ngất mất. Em ra giếng rửa mặt mũi tay chân rồi ăn bát chè cho lại người."
"Dạ mợ. Ơ, còn bát chè mợ đang cầm thì sao? Mợ không ăn nữa ạ?"
"Tôi vừa uống thuốc bổ nên bụng trướng quá. Ăn không vào."
"Vậy mợ đưa bát ấy đây em ăn nốt cho."
"Bát tôi ăn dở sao đưa em được."
"Bát mợ ăn rồi cũng có sao đâu, em không ngại. Với cả... càng là bát mợ ăn, em càng thấy ngon gấp mấy lần chỗ chè trong nồi."
Thấy lạ, mợ hai Bích ngẩn ra rồi cười khúc khích. Đoạn, nàng đưa bát chè mình ăn dở cho con bé Mơ. Mơ đón lấy, mặt hớn hở như con trẻ nhận quà bánh mẹ mang ở chợ về. Rồi khi tay nó chạm phải tay nàng, để lại một vệt tro bụi mờ trên làn da trắng bóc, nó đâm ra hoảng, vội kéo nàng ra giếng mà rửa cho sạch. Bấy giờ, nàng nhìn nó, chẳng hiểu sao khoé môi lại cong lên thành một nụ cười nửa vời.
Cứ thử tin nó một lần xem sao. Biết đâu... nó lại thật lòng với mình.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro