Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG 68 - KINH PHÁP ẤN (BA CÁNH CỬA NHIỆM MẦU)

Hôm đó, tại giảng đường Kỳ Thọ, Phật nói:

– Có pháp ấn mầu nhiệm, quý vị có biết không?

Hôm nay tôi muốn nói cho quý vị nghe về pháp ấn ấy.

Quý vị hãy tháo bỏ mọi tri kiến để cho tâm hồn thanh tịnh thì mới nghe, hiểu và tiếp nhận được.

Các vị khất sĩ! Pháp ấn là con dấu chứng thực tích cách chân xác của chánh pháp. Có ba con dấu tất cả.

Bất cứ một giáo lý nào, một pháp môn nào mà không có dấu vết của ba con dấu ấy, thì không phải là giáo lý của tôi nói.

Ba con dấu ấy là không, vô tướng, và vô nguyện.

Ba con dấu ấy cũng là ba cánh cửa để đi vào thế giới của giải thoát.

Vì vậy pháp ấn cũng được gọi là ba cánh cửa giải thoát, hay tam giải thoát môn.

Các vị khất sĩ! Con dấu thứ nhất là không (sunnata).

Không ở đây có nghĩa là rỗng không, không có tự ngã riêng biệt.

Không ở đây không có nghĩa là không đối với có.

Như các vị đã biết, chấp có và chấp không là hai kiến chấp sai lầm.

Vậy không ở đây có nghĩa là không có một tự ngã riêng biệt, không có một sự tồn tại riêng biệt.

Vạn pháp nương vào nhau mà có mặt, không có pháp nào có thể phát sinh và tồn tại một cách độc lập.

Các pháp sinh khởi và tồn tại trong liên hệ nhân duyên chằng chịt, cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt.

Do đó, bản chất của không là duyên khởi.

Này các vị! Các vị phải tập nhìn vạn pháp trong liên hệ nhân duyên của chúng để thấy được rằng trong một pháp có mặt tất cả vạn pháp, để thấy rằng trong cái một có cái tất cả và ngoài cái một, cái tất cả không thể nào tồn tại.

Quán chiếu mười tám giới là sáu căn, sáu trần và sáu thức,

Quán chiếu năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức,

Các vị sẽ thấy được rằng không có giới nào cũng như không có uẩn nào có tự thể riêng biệt, rằng tất cả đều nương vào nhau mà đứng.

Thấy được tính không ấy rồi thì thấy được tính không của vạn pháp.

Thấy được tính không ấy rồi thì các vị không còn ước muốn theo đuổi hoặc trốn chạy bất cứ một pháp nào nữa và các vị sẽ đồng thời vượt thoát những tham đắm, phân biệt hoặc kỳ thị đối với tất cả các pháp.

Quán chiếu về tính không tức là mở ra một cánh cửa để đi vào thế giới của tự do. Vì vậy không là cánh cửa giải thoát thứ nhất.

Các vị khất sĩ! Con dấu thứ hai là vô tướng (animita).

Vô tướng tức là vượt thoát những khuôn khổ của tri giác và của nhận thức phân biệt.

Vì không thấy được tự tính duyên khởi của các pháp, vì không chứng đắc được tính không của các pháp, cho nên người đời thường nhìn các pháp như những hiện tượng riêng biệt, độc lập, cái này tồn tại ngoài cái kia, cái này có mặt độc lập với tất cả cái kia.

Nhìn các pháp như thế cũng giống như là lấy thanh gươm của nhận thức phân biệt để chặt thực tại ra từng mảnh nhỏ rời rạc, và như thế là không thấy được tự thân của thực tại.

Này các vị! Vạn pháp tùy thuộc vào nhau, cái này có trong cái kia, cái này lồng trong cái kia, trong một cái có tất cả mọi cái.

Đó là ý nghĩa hai từ tương nhập và tương tức.

Tương nhập là đi vào trong nhau; tương tức là nương vào nhau.

Cái này đi vào trong cái kia, cái kia đi vào trong cái này; cái này là cái kia, cái kia là cái này.

Quán chiếu như thế các vị sẽ thấy rằng tri giác của chúng ta đầy dẫy sai lầm.

Con mắt của cảm giác không thấy được vạn hữu rõ ràng và chính xác bằng con mắt quán chiếu của trí tuệ.

Có khi nhìn sợi dây, con mắt của cảm giác và của tri giác có thể nhận lầm là con rắn, nhưng dưới con mắt của quán chiếu, tự thân của sợi dây được hiển lộ rõ ràng và hình bóng con rắn sẽ tự nhiên tiêu diệt.

Các vị khất sĩ! Các tướng trạng như có, không, sinh, diệt, một, nhiều, còn, mất, tới, đi, dơ, sạch, thêm, bớt... đều là những tướng trạng mà tri giác và nhận thức phân biệt úp chụp vào thực tại.

Đối với đệ nhất nghĩa đế, thì tự thân thực tại không bị giam nhốt trong những phạm trù phân biệt đó, không bị khuôn khổ trong các tướng trạng đó của nhận thức phân biệt.

Vì vậy cho nên vạn pháp được gọi là vô tướng.

Quán chiếu để làm tan rã những ý niệm có, không, sinh, diệt, một, nhiều, còn, mất, tới, đi, dơ, sạch, thêm, bớt... các vị sẽ đạt tới giải thoát.

Vô tướng vì vậy là cánh cửa mầu nhiệm thứ hai mở ra để ta đi vào thế giới của tự do.

Vô tướng là cánh cửa giải thoát thứ hai.

Các vị khất sĩ! Con dấu thứ ba là vô tác, hay là vô nguyện

Vô nguyện là không đuổi theo bất cứ một cái gì.

Tại sao thế?

Thói thường người ta hay muốn trốn chạy khỏi một pháp để đuổi theo một pháp khác.

Người đời ưa trốn chạy sự nghèo khổ để đuổi theo sự giàu sang.

Người tu đạo ưa trốn chạy sinh tử để đuổi theo giải thoát.

Nhưng nếu các pháp có mặt trong nhau, nếu các pháp là nhau, thì ta còn cần trốn chạy pháp nào và đuổi theo pháp nào?

Trong sinh tử đã có Niết bàn, trong Niết bàn đã có sinh tử, Niết bàn và sinh tử không phải là hai thực thể riêng biệt.

Vậy thì ruồng bỏ sinh tử để chạy theo Niết bàn tức là chưa chứng nhập được thể tính duyên sinh của vạn pháp.

Chưa chứng nhập tự tính không và vô tướng của vạn pháp.

Quán chiếu vô nguyện là để chấm dứt ngay sự tìm cầu và theo đuổi.

Giải thoát và giác ngộ không phải là những pháp có mặt ở ngoài ta.

Chỉ cần mở mắt để chiêm nghiệm, thì ta thấy được ta chính là bản thân của giải thoát và giác ngộ.

Tất cả các pháp, tất cả chúng sinh đều có sẵn tự tính giác ngộ tròn đầy trong tự thân mình.

Các vị đừng đi tìm tự tính ấy ở bên ngoài.

Nếu biết xoay ánh sáng quán chiếu vào tự thân, tự khắc các vị thực hiện được giác ngộ.

Các vị khất sĩ! Tất cả các pháp trong vũ trụ không pháp nào tồn tại độc lập ngoài nhận thức của các vị, trong đó kể cả Niết bàn, kể cả Giải thoát.

Các vị không cần đi tìm cầu những thứ ấy ở đâu nữa.

Các vị nên nhớ rằng đối tượng nhận thức không tồn tại độc lập với nhận thức. Không đuổi theo một pháp nào, kể cả Phạm Thiên, Niết bàn và Giải thoát, đó là ý nghĩa của vô nguyện.

Các vị đã là cái các vị đang đi tìm.

Vô nguyện, do đó, là cánh cửa mầu nhiệm thứ ba mở ra để ta đi vào thế giới của tự do.

Vô nguyện là cánh cửa giải thoát thứ ba vậy.

Các vị khất sĩ! Đó là giáo lý pháp ấn, đó là pháp môn ba cánh cửa giải thoát.

Tam Giải Thoát Môn là pháp môn rất vi diệu, rất mầu nhiệm, các vị nên hết lòng học hỏi và thực tập.

Tu tập theo pháp nàychắc chắn quý vị sẽ đạt tới tri kiến thanh tịnh, và thực hiện được giải thoát.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro