Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Tiêu đề phần

Ngày 28/3/1975, chúng tôi hành quân tới ven 1 bãi lầy Phú Yên.
Gọi là hành quân, thực ra chỉ có nhóm đi bám địch trước chúng tôi thôi, còn đơn vị vẫn ở đằng sau. Khi chúng tôi đánh địch trên Củng Sơn, Phú Túc thì có đoàn xe đã vượt qua rồi. Về tới khúc sông máng, đường 5 này thì gặp bộ đội Phú Yên chặn đánh. Việc đó đã diễn ra ngày hôm trước.

Phía xa, làng mạc miền Nam đầy những vườn dừa, những đồng lúa xanh ngút ngát, chiều nắng vàng phía sau lưng, chúng tôi hít căng lồng ngựa cái hương đồng miền Nam mà xưa nay vẫn hát: "Miền Nam em dừa nhiều, miền Nam em dứa nhiều...".

Không có quân địch, không thấy có súng nổ, chiều hôm ấy thật lạ. 5 thằng chúng tôi ngồi trên mép sông máng, dưới chân là đồng lúa xanh mượt mà. Bỗng từ dưới ruộng có tiếng động. Nhỏm dậy! Bờ ruộng bùng  nhùng, thằng Luật nổ mấy viên đạn lên trời (may thế, nó không bắn xuống ruộng).

Từ dưới bùn rùng rùng đứng dậy một chú lính ngụy, người bê bết bùn nước, tay xách cái làn nhựa đỏ lót kín bằng những mảnh ni lông, run rẩy: "Thưa ông, con xin các ông...".

Chúng tôi nhào xuống bờ ruộng. Nhìn vào cái làn đỏ trước tiên vì nghi đó là vũ khí. Không! Không có vũ khí nào hết mà là một hài nhi, hai tay huơ huơ, mắt ti hí. Ngưòi lính sụp xuống: "Thưa các ông, con đưa vợ con chạy từ quân khu 2, vợ con ngang đường sổ dạ rồi chết luôn. Các ông có bắt con xin các ông làm phước cho con gửi đứa bé này... cho nó làm... làm... người".

Người lính Việt Nam cộng hòa gục đầu nức nở. 5 đứa tôi nhìn nhau, rồi vội nhìn đi chỗ khác bởi vì chẳng thằng nào muốn thằng kia nhìn thấy mình khóc. Đứa bé chừng 1 - 2 ngày tuổi huơ tay ẹ ẹ, nó đói hay chỉ là phản xạ sinh linh. Lúc ấy tôi đâu có thể biết. Chỉ thấy thương.

Thương như khi xưa mẹ đẻ em bé thích thú nhìn em khua cái nắm tay tí xíu đỏ hồng. Có tiếng đạn pháo vút qua đầu, người lính ngụy ôm chặt cái làn đỏ vào ngực: "Ối con ơi!".

Chúng tôi cũng sà xuống che ngưòi xung quanh cái làn nhựa loe hoe những mảnh vải vụng về, và tiếng cựa quậy của đứa trẻ lọt lòng.

Thằng Luật là đứa cục nhất lên tiếng: "Thằng Luân chữ đẹp viết một tờ giấy chứng nhận quân giải phóng đã đồng ý cho anh này gửi đứa bé vào địa phương đi. Làm nhanh kẻo du kích họ lại không tin. Còn thằng nào có cái gì đưa ra".

Chúng tôi ngó vào trong làn nhựa, ở đó có 2 hộp sữa. Bây giờ chúng tôi mỗi đứa đưa ra 1 hộp nữa, tôi có mấý tờ tiền Trần Hưng Đạo đưa ra cho ngửòi lính, thế là chúng nó bắt chước moi hết tiền ra cho ngưòi bố tội nghiệp kia. Đạn vẫn nổ vút qua đầu về phía biển. Trời xanh veo thật kỳ lạ. Lúa con gái xanh và thơm như ở quê tôi.

Ngưòi lính ngụy ngồi đờ đẫn cám ơn, chúng tôi giục: "Thôi, đi ngay vào làng đi, anh không nuôi được cháu đâu, gửi dân họ nuôi thôi. Chúng tôi cảnh giới cho mà đi".

Tôi nhìn ngưòi lính xách cái làn đi qua cánh đồng vào làng trong hoàng hôn. Suốt đời tôi nhớ cái bóng của người mới được làm cha 1 - 2 ngày, co rúm dưới tầm bom đạn chiến tranh mang đứa con mình đi cho ngưòi khác.

Chúng tôi lặng im nhìn theo, trong sống lưng ngồn ngột dài theo những bước cao bước thấp cho tới khi người lính khuất sau vườn dừa yên ắng, rồi chúng tôi mới hành quân.

Chiến tranh lùi lại phía sau còn ký ức thì lại nhao về phía trước mắt những người già.

Mấy chục năm rồi. Người lính ngụy ấy còn sống ỏ đâu?. Anh cũng cỡ tuổi tôi, chắc cũng già yếu như tôi, anh có tìm về một làng ven con sông máng đường 5 Phú Yên tìm đứa con gái tội nghiệp của anh không?.

Mấy chục năm rồi, cháu bé khốn khổ ấy còn sống ở đâu?. Sống với những người nông dân hiển lành lam lũ hay nơi nương rẫy hút heo?...

Trong hằng đêm ngần ấy năm trời tôi luôn cầu mong cháu may mắn mà nên người lành lặn, may mắn để sống và làm người nhân hậu.

Tôi cũng đã già, cũng đã trở lại con đường máu lửa ngày ấy, tôi cũng đã từng ngồi khóc khi xem chương trình ký ức Đường 7 của cô Thu Uyên.

Bởi hơn ai hết, chúng tôi là người chứng kiến tận mắt những mảnh đời bất hạnh vì chiến tranh, trên con đường này.
---
* Bài: Chiến binh Nguyễn Trọng Luân (E64, F320, QĐ3)
* Hình: Sài Gòn, tháng 4/1975; nguồn: Mạnh Hải.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: