Chương 12
LÚC ĐÓNG CỬA CĂN NHÀ, TÔI LẨM NHẦM ĐẾM. MƯỜI BẢY CÁI CỬA SỔ, mỗi cái đều có cửa chớp nặng bên ngoài còn bên trong được trang trí phức tạp với các tấm gỗ đung đưa, ngoài ra tôi còn phải khóa thêm bảy cánh cửa ra vào. Khi kéo cửa chớp vào, các căn phòng đột nhiên tối om, ngoại trừ những tia nắng chiếu trên sàn. Các cửa ra vào đều có các thanh sắt để móc vào, trừ cái portone, cánh cửa mặt tiền to bự, khóa bằng chiếc chìa khóa sắt mà tôi cho là khiến các công đoạn khóa phức tạp của các cánh cửa khác trở nên vô dụng, bởi một tên trộm kiên nhẫn có thể dễ dàng nhảy vào nhà bất chấp ổ khóa kêu hai tiếng lạch cạch. Nhưng ngôi nhà đã nằm trống rỗng ở đây qua ba mươi mùa đông; một mùa đông nữa thì nhằm nhò gì chứ? Bất kỳ tên trộm nào đẩy cửa vào được căn nhà tối tăm này cũng chỉ tìm thấy một cái giường đơn, một số khăn trải giường, bếp nấu, tủ lạnh và xoong nồi thôi.
Chỉ việc dọn đồ và lái xe đi, rời khỏi ngôi nhà đang chễnh chệ đứng đó trong ánh nắng sớm mai, một trong những thời điểm yêu thích trong ngày của tôi, cảm giác lại kỳ lạ như thể chúng tôi chưa từng ở đó bao giờ.
Cả hai hướng về Nice, băng qua Tuscany về phía bờ biển Ligurian. Những ngọn đồi vàng rượm, cánh đồng hoa hướng dương rủ xuống và biển báo lối ra với những cái tên kỳ diệu nhấp nháy như: Montevarchi, Firenze, Montecatini, Pisa, Lucca, Pietrasanta, Carrara với dòng sông trắng sữa lấp lánh màu bụi đá cẩm thạch. Các ngôi nhà như được nhân hóa hoàn toàn đối với tôi. Chúng thật đậm chất của chính bản thân mình. Bramasole trở lại là chính nó khi chúng tôi rời đi, thẳng đứng và đầy ắp, hướng về phía mặt trời.
Tai tôi liên tục nghe thấy mình ngâm nga, "Pho mát đứng một mình" khi hai tôi rẽ vào và ra khỏi đường hầm. "Em đang hát gì vậy?" Ed vượt mấy chiếc ô tô đằng trước với vận tốc 140 km một giờ; tôi e là anh học theo môn thể thao máu lửa này của người Ý một cách khá tự nhiên.
"Bộ anh không chơi trò Nông trại trong thung lũng hồi lớp một à?"
"Anh thích trò Cướp cờ hơn. Tụi con gái mới thích chơi trò ca hát đó."
"Em luôn thích phần cuối khi cả đám đồng thanh, "Pho mát đứng một mình" và nhấn mạnh từng chữ một. Em thấy buồn vì phải rời đi khi biết rằng ngôi nhà sẽ nằm đó một mình qua cả một mùa đông dài. Còn tụi mình thì bận rộn, thậm chí sẽ không có thời gian để nghĩ về nó."
"Em điên rồi à - hai đứa sẽ suy nghĩ mãi mỗi ngày về chuyện căn nhà cần thêm gì và sẽ trồng cây gì - cũng như sẽ bị cướp mất bao nhiêu thứ lúc mình đi."
Tại Menton, chúng tôi nhận phòng khách sạn và dành buổi chiều muộn để bơi ở bờ biển Địa Trung Hải. Nước Ý bây giờ là dải đất xa xôi trong hoàng hôn mờ mịt. Ở một nơi nào đó, cách xa hàng năm ánh sáng, Bramasole giờ đã chìm trong bóng tối; mặt trời chiều đã lặn xuống dưới đỉnh đồi phía trên chúng tôi. Xa hơn vài năm ánh sáng là ban ngày ở California; ánh sáng tràn vào phòng ăn nơi mèo Chị đang đang ủ lông trên bàn dưới cửa sổ. Chúng tôi cuốc bộ trên con đường dài vào thị trấn và thưởng thức bát soupe au pistou và cá nướng. Đầu ngày hôm sau, hai tôi lái xe đến Nice và bay về Mỹ. Khi máy bay chở chúng tôi tăng tốc trên đường băng, tôi nhìn thấy rìa lá của những cây cọ đang vẫy vẫy trên nền trời rực rỡ; sau đó chúng tôi cất cánh và biến mất suốt chín tháng sau.
*soupe au pistou: một món súp rau lạnh miền Provence của Pháp.
Chị Nước, Anh Lửa
THÁNG SÁU. NGƯỜI TA NÓI TÔI RẰNG MÙA ĐÔNG khốc liệt còn mùa xuân thì rực rỡ một cách lạ thường với muôn hoa nở rộ. Hoa anh túc đã tàn và hương thơm của cây đậu chổi vàng đầy gai vẫn còn lan tỏa khắp không khí. Ngôi nhà trông như được tiếp thêm nắng trong suốt những tháng ngày tôi đi vắng. Cảnh sắc tuyệt diệu mà các thợ sơn giả vật liệu trong toàn thế giới sáng tạo đang cố gắng trau chuốt cho hoàn hảo thì các mùa của tự nhiên lại dễ dàng xoay sở một cách đáng ngưỡng mộ. Nếu không thì, nếu tất cả vẫn như cũ, sẽ khiến tôi ảo tưởng rằng những tháng trôi qua chỉ vỏn vẹn trong vài ngày. Chỉ mới khoảnh khắc trước đó khi vừa cắt cỏ xong, giờ thì tôi lại tiếp tục làm thế, dù tôi hay dừng tay ngơi nghỉ. Tôi quan sát người đàn ông với những đóa hoa trên tay.
Một nhánh trúc đào, một nắm hoa cà rốt dại và cây thì là buộc bằng thân cây, một bó hoa tầm xuân, hoa bồ công anh, hoa mao lương và hoa thường sơn tía - hàng ngày tôi nhìn xem ông chuẩn bị những gì để ở ngôi miếu phía dưới đường xe chạy. Khi tôi lần đầu thấy đám hoa, tôi cứ nghĩ đó là một phụ nữ. Tôi hình dung sẽ gặp bà ấy trong bộ đầm màu xanh navy với chiếc túi đi chợ treo trên tay lái chiếc xe đạp cũ nát.
Bà lão lưng còng quấn chiếc khăn choàng màu đỏ thường đến vào buổi sáng sớm. Bà hôn các đầu ngón tay mình, sau đó chạm tay vào bức tượng đức mẹ Mary bằng gốm. Tôi từng thấy một thanh niên dừng xe chỗ này, nhảy ra ngoài một lúc rồi lại rồ ga chạy đi. Chẳng ai trong số họ mang hoa đến. Rồi một ngày tôi thấy một người đàn ông đi bộ từ Cortona. Ông ấy chậm rãi và đàng hoàng. Tôi nghe thấy tiếng bước chân ông trên đường bỗng dừng lại trong giây lát. Sau đó, tôi tìm thấy một chùm đậu ngọt màu tím tươi ngát ở chỗ ngôi miếu, còn đóa thạch thảo ngày hôm qua thì bị ném vào đống cây khô héo khác.
Giờ thì tôi đợi ông ấy đến. Ông xem xét những bông hoa dại ven đường và cánh đồng, nghiêng người để chọn đóa ông thích. Ông thay đổi lựa chọn của mình thường xuyên và mang những bông hoa tới khi chúng mới vừa nở. Tôi đứng trên sân thượng cao, cắt nhánh thường xuân khỏi bức tường đá và chặt bỏ cành khô của mấy cái cây không được chăm sóc tới. Sự đa dạng của hoa lá nơi đây khiến tôi chững lại mỗi vài phút. Tôi không biết hết tên của chúng trong tiếng Anh, ít hơn cả tên tiếng Ý. Một loại cây, hình dạng như cái cây Noel nhỏ đặt trên bàn, với đầy những bông hoa màu trắng. Tôi nghĩ vườn chúng tôi có hoa lay-ơn đỏ dại. Những đóa hoa anh túc đỏ rực trải trên các sườn đồi như một tấm thảm theo đúng nghĩa đen, ánh rực rỡ của chúng bị làm nguội đi bởi những cụm hoa diên vĩ xanh lam, giờ đã khô héo thành một màu xám tro. Đám cỏ cọ vào đầu gối tôi. Khi tôi ngừng chân để nhìn, ông lão đi bộ đến gần. Ông dừng lại trên đường và nhìn tôi chằm chằm. Tôi vẫy tay nhưng ông không vẫy lại, chỉ chằm chằm nhìn tôi như thể tôi, một kẻ ngoại quốc, là một sinh vật không biết mình đang bị theo dõi, một loài động vật trong vườn thú.
Ngôi miếu là thứ đầu tiên bạn thấy khi đến chỗ khu nhà. Được cắt thành một bức tường đá cong cong, cái miếu khá bình thường ở điểm này, với một bức tượng Đức mẹ bằng sứ trên nền xanh lam theo phong cách Della Robbia đặt chính giữa trong một cái ngách hình vòm. Theo tôi thấy, thường các ngôi miếu quanh vùng nông thôn có đầy bụi bặm và bị lãng quên. Cái miếu này, vì một lý do nào đó, lại đặc biệt khác.
Đó là một ông già, áo khoác khoác hờ trên vai, ông trầm ngâm chậm rãi từng bước trên đường. Một lần tôi vượt mặt ông trong công viên thị trấn, ông nghiêm nghị nói, "Buon giorno," nhưng chỉ khi tôi mở lời trước. Ông cởi mũ lưỡi trai trong giây lát và tôi nhìn thấy viền tóc trắng xung quanh chiếc vương miện hói sáng như bóng đèn của ông. Đôi mắt ông mờ đục và xa xăm, một sắc xanh như đá. Tôi cũng trông thấy ông ngoài thị trấn. Ông không thích giao du, không cùng bạn bè uống cà phê tại các quán bar, ông chỉ không ngừng đi dạo qua con phố chính và chào hỏi bất cứ ai. Tôi bắt đầu có ý nghĩ rằng có lẽ ông là một thiên thần, bởi chiếc áo khoác của ông luôn choàng qua vai, và vì ông có vẻ như vô hình với tất cả mọi người trừ tôi. Tôi nhớ một giấc mơ mình từng có vào ngày đầu ở đây: tôi sẽ khám phá hết một trăm thiên thần, từng người một. Vị thiên thần này, dù vậy, lại ở trong một cơ thể bằng da bằng thịt. Ông ấy lau trán bằng chiếc khăn tay. Có lẽ ông được sinh ra trong ngôi nhà này, hoặc yêu ai đó sống ở đây. Hoặc giả những cây bách nhọn dọc con đường này, mỗi cây tưởng niệm một cậu bé địa phương đã mất trong Thế chiến thứ nhất (quá nhiều so với một thị trấn nhỏ), nhắc ông nhớ về những người bạn của mình. Có lẽ mẹ ông có nhan sắc tuyệt mỹ đã lên xe hoa ở chỗ này, hoặc cha ông khó tính vô cùng đã cấm ông không bao giờ được bước vào nhà nữa. Hay là do ông biết ơn Chúa Giê-su hàng ngày vì đã cứu con gái ông khỏi hiểm nguy từ cuộc phẫu thuật ở Parma. Hoặc có lẽ đây chỉ là một cột mốc trong chuyến đi bộ hàng ngày của ông, một thói quen dễ chịu, một sự tôn vinh đối với một vị thần đi bộ. Dù sao đi nữa, tôi vẫn ngần ngại lau lớp bụi đường trên mặt Đức mẹ, hoặc dùng vải phủ bóng lên bức nền màu xanh lam, thậm chí làm xáo trộn đám hoa còn nguyên vẹn nằm cứng ngắc chất đống trên mặt đường. Có cuộc sống ở những nơi xưa cũ mà chúng ta vẫn luôn đi qua. Ông khiến tôi cảm thấy có những vòng tròn rộng bao bọc lấy ngôi nhà này. Tôi sẽ phải dành hàng năm trời để học được những gì mình có thể và không thể chạm vào, cũng như chạm vào như thế nào. Tôi tưởng tượng năm chị em gái ở Perugia nắm giữ tài sản của gia đình này, bỏ mặc để lớp nấm mốc trắng mịn bao lấy những căn phòng bằng đá kín, để đống dây leo siết chặt những cái cây, để mận và lê rơi đầy mặt đất từ mùa hè này sang mùa hè khác. Họ cũng không chịu rời xa nó. Những cô gái ở đây, buổi sáng họ có thức dậy vào cùng một thời điểm, mở cửa chớp của năm gian phòng ngủ và hít thở cùng một luồng không khí xanh mới không? Những ký ức này đã buộc sợi dây liên kết họ với ngôi nhà.
*Buon giorno: Xin chào/ Ngày tốt lành.
Cuối cùng họ cũng chịu rời đi, và tôi, người chỉ đơn giản là tình cờ, giờ đang nắm giữ tấm bản đồ từ thế kỷ mười tám thể hiện phạm vi tài sản trải dài tới đâu. Tại một điểm hình tam giác bên dưới, tôi phát hiện ra những bậc thang đúc hẫng nhô ra khỏi một bức tường đá được ghép lại với nhau gọn gàng như trò chơi ô chữ. Kiểu điêu khắc nguyên khối của những bậc thang đá vôi vươn lên không trung chỉ là một cách khéo léo để bước lên sân thượng của một số nông dân ở đây. Đám địa y màu xanh lam và xám sau nhiều năm đã xóa đi dấu vết bàn chân, nhưng khi lướt tay qua bậc thang, tôi nhận thấy một vết lõm nhẹ ở trung tâm.
Từ sân thượng ở độ cao này nhìn xuống ngôi nhà. Ở những nơi thạch cao bị vỡ, loại đá hình vuông rắn chắc có tên là pietra serana hiện ra. Ở phía trước, hai cây cọ vươn cao ở hai bên cửa trước khiến ngôi nhà trông như ở Costa Rica hay Tangier. Tôi thích cây cọ với tiếng kêu khô đét trong gió và cảm giác kỳ lạ khi chạm tay vào của chúng. Xuyên qua cửa sổ rẽ quạt của cánh cửa đôi phía trước, tôi thấy ban công bằng đá và sắt rèn, vừa đủ rộng để bước ra ngoài và chiêm ngưỡng những tán hoa phong lữ và hoa nhài mà tôi định trồng.
Từ sân thượng này, tôi không thể nhìn hay nghe thấy cảnh hỗn loạn của đám công nhân đang diễn ra bên dưới. Tôi thấy những cái cây ô liu, vài cây còi cọc và chết vì trận đóng băng nổi tiếng vào năm 1985, những cây khác thì đang nở rộ, nhấp nháy màu xanh lá và bạc. Tôi đếm được ba cây sung có những chiếc lá lớn đến khó tin rồi hình dung những bông hoa loa kèn vàng mọc bên dưới. Tôi có thể nghỉ ngơi ở đây và chiêm ngưỡng những ngọn đồi sừng sững, con đường rợp bóng cây bách, bầu trời màu thiên thanh với những đám mây lớn như trong các bức tranh Ba rốc trông như thể có những quả anh đào ló ra từ đằng sau, những ngôi nhà bằng đá ở xa gần nhìn như được chải những nét cọ vào khung cảnh, các bậc thang ô liu và nho gọn gàng (bao giờ chỗ chúng tôi mới được gọn gàng như vậy?).
Việc có được cái miếu làm tôi kinh ngạc. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn là tôi bắt đầu bắt chước thói quen của ông lão với đám hoa. Tôi đặt cái máy xén xuống nền cỏ. Ông lão từ từ tiến lại gần, bó hoa gần như ở phía sau ông. Tôi không bao giờ quan sát ông lúc ở chỗ cái miếu. Nhưng sau đó, tôi sẽ rời khỏi sân thượng, bước xuống đường để xem ông để lại cái gì. Đám hoa đậu chổi vàng có tên ginestra và hoa anh túc đỏ? Hoa oải hương và lúa mì? Tôi luôn chạm tay vào sợi dây cỏ buộc chúng với nhau.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro