
Chương 3: Đi cấy
Hôm nay hai đứa về thẳng đường lớn trên thị trấn. Đi qua ngã tư đường phố bắt đầu vắng vẻ hẳn, không còn cảnh nhốn nháo ầm ĩ như nơi cổng trường nữa. Buổi trưa nên rất ít xe cộ qua lại, con đường nhựa rộng lớn chỉ có bóng dáng vài học sinh bước vội trên vỉa hè, lòng đường cũng chỉ còn những chiếc xe đạp đang di chuyển chậm rãi.
Bồ vẫn còn đang vờ dỗi Hạnh, cô im lặng mặc kệ cô bạn mình cứ nói liến thoắng bên cạnh. Huyên thuyên một hồi lâu, Hạnh tự nhiên lại nói một câu: "Ê, nếu hồi thi vào lớp mười ấy mày làm bài hẳn hoi thì có phải là giờ vẫn là bạn cùng lớp với Trang rồi không? Người ta cũng đỡ mất công chạy từ A1 sang mãi A6 tìm mày."
Bồ vẫn im lặng. Câu nói của Hạnh khiến cô lại nhớ về ngày thi hôm đó. Năm thi tuyển lên lớp mười ấy, một chuyện hiếm có đã xảy ra - trường cấp ba công lập duy nhất trên thị trấn thế mà lại thiếu học sinh. Vậy nên nhà trường quyết định chỉ tổ chức một kỳ thi để phân lớp.
Sau bốn năm học lớp chọn, Bồ tự cảm thấy mình không phù hợp học lớp này, mặc dù thành tích vẫn luôn đứng đầu toàn khối.
Là một thành viên của lớp chọn, nên lúc nào cũng phải nhận về khối lượng bài tập nhiều hơn lớp thường. Nó khiến cô mất rất nhiều thời gian để hoàn thành trong khi nhà còn biết bao nhiêu việc đang chờ. Áp lực học tập rất lớn, thầy cô thì luôn lôi kéo vào các kỳ thi học sinh giỏi, Bồ phải biện đủ lý do để từ chối.
Nhưng đó đều không phải lý do chính khiến Bồ không muốn học lớp chọn. Cái chính là cô không thể nào hòa nhập được với bạn bè trong lớp. Bồ là học sinh dân tộc thiểu số duy nhất trong lớp, những người bạn cũ trong thôn đều học lớp thường cả. Các bạn trong lớp hầu như đều là con cái của những gia đình có điều kiện, không thì cũng là gia đình gia giáo. Câu chuyện phiếm của họ chỉ toàn là chủ đề về các lớp học thêm, những cuốn sách mà cô chưa bao giờ được đọc, rồi còn có những chuyến du lịch khắp mọi nơi... Bồ dần dần không tìm được tiếng nói chung với mọi người, cứ thế cảm thấy lạc lõng, bơ vơ giữa một tập thể đông đúc.
Ngày thi hôm đó, nhận đề xong Bồ chỉ điền mỗi tên mình vào bài thi rồi gục mặt xuống bàn ngủ... Kết quả cô từ một học sinh hạng nhất lại bị xếp vào lớp 10A6, lớp có thành tích kém nhất trường. Bồ cũng thành công được học chung lớp với Hạnh. Dù vậy cô vẫn không hề hối hận vì quyết định của mình, bởi giờ đây bản thân đã bắt đầu có những người bạn thân thiết, mỗi ngày đều vui vẻ nói cười.
Hạnh thấy Bồ im lặng nãy giờ liền cảm thấy sốt ruột, lần này mới nghiêm túc hỏi: "Mày dỗi thật đấy à?"
"Về nhanh lên, tao đói rồi!" Bồ bây giờ mới lên tiếng. Trêu cô bạn này như thế đủ rồi, nó lại dỗi ngược lại thì toi! Cô thừa hiểu tính Hạnh.
Hạnh cũng cười vui vẻ: "Ừ. Đói thật! Chẳng biết mấy nhà này đang nấu món gì mà thơm thế không biết?"
Hương thơm ngào ngạt của đủ loại món ăn từ những ngôi nhà bên đường toả ra, khiến cái dạ dày rỗng tuếch cũng vì thế mà kêu lên biểu tình. Hai đứa bắt đầu gia tăng tốc độ, họ đạp phăng phăng trên con đường nhựa rộng lớn, như thể đang chạy đua với cái nắng ban trưa.
...
Về đến sân, Bồ dựng vội xe rồi lao thẳng vào nhà để thay sang một bộ đồ mát mẻ. Xong xuôi, cô đi xuống bếp, tìm đến cái nơi khiến bụng mình sôi sục nãy giờ.
Căn bếp nhỏ được xây từ hồi Bồ còn bé xíu, đến nay cũng đã mười mấy năm. Bốn bức tường được quét vôi trắng cũng bị khói bếp hun đến đen thui. Trưa nắng nên căn bếp sáng sủa hẳn, đốm lửa nơi góc tường càng làm không gian thêm ấm cúng hơn.
Trong bếp cũng chỉ vài đồ dùng đơn giản, đều có dấu vết của năm tháng, có cái còn chẳng được nguyên vẹn.
Bà Xuân lủi thủi trong khói bếp, làm cơm trưa cho hai mẹ con. Hôm nay bà nấu món trứng xào cà chua, món ăn yêu thích của cả hai cô con gái.
Bồ cũng chạy đến dọn mân lên cái bàn gỗ giữa nhà, nhặt thêm bát đũa rồi bê nồi cơm được lót rế tre trên nóc chạn xuống. Nó cứ lăng xăng đi tới đi lui, bà Xuân nhìn đến chóng cả mặt.
Trên chiếc bàn ăn nhỏ là một mâm cơm nóng hổi với trứng xào cà chua, rau cải luộc, một tô canh nước rau, còn có thêm chén mắm ớt nữa.
"Thơm thế mẹ ơi!" Bồ nhìn vào bàn ăn với ánh mắt thèm thuồng rồi nhanh chóng ngồi xuống, xới một bát cơm đầy cho mẹ, thêm một bát cho mình nữa.
Bà Xuân nhìn con gái ăn ngon miệng như vậy cũng đủ vui lây trong lòng.
"Ngon thì ăn nhiều vào." Bà nhẹ nhàng nói, còn vươn tay gắp thêm thức ăn vào bát con gái.
Xong bữa cơm trưa, Bồ mới đến bên bàn học tranh thủ làm ít bài tập. Đang ngồi học tập trung thì bỗng nhiên cô nghe thấy tiếng gọi từ bên ngoài vọng vào.
"Bồ ơi, có đi cấy thuê với thím không?"
Thím Hà với bộ đồ lao động, chân đeo ủng cấy đến bắp đùi, trên đầu còn đội thêm nón lá nữa. Thím mặt mày tươi cười, đứng bên ngoài hàng rào vẫy gọi.
"Cháu có! Thím đợi cháu với!"
Bồ vội vàng thu dọn sách vở rồi chạy đi thay đồ. Đầu tiên, cô khoác lên người chiếc áo công nhân của chị Sả rồi mặc thêm cái quần vải thô đã bạc màu, xỏ chân vào đôi tất tự chế từ ống tay áo len cũ cùng ủng cấy, cuối cùng mới đội lên đầu cái nón mê. Nhìn tổng thể, Bồ bây giờ chả khác gì mấy thím trong thôn.
Trang phục coi như xong, đang tính đi luôn lại như nhớ ra gì đó, Bồ gọi với vào trong bếp: "Mẹ ơi, con đi cấy với thím Hà."
Không chờ mẹ trả lời, Bồ đi thẳng ra cổng.
Bà Xuân đang trong bếp làm củ cải muối, nghe con báo vậy cũng chẳng có ý kiến gì. Bà biết con bé này thích đi cấy thuê lắm, mỗi một buổi cấy như này có thể giúp nó kiếm thêm ít tiền mua sách vở, đồ dùng học tập. Bà trước đây lúc mới khỏe lại cũng từng đi cấy thuê, kết quả bị ốm cả tuần liền. Từ đó hai cô con gái của bà cũng cấm tiệt, không cho bà bước chân ra ngoài đồng. Đến giờ, cứ nghĩ tới, bà lại thấy thương hai đứa.
...
Bồ theo chân thím Hà đi đến cánh đồng ngoài thôn. Ruộng nhà bà Liên ở cách nhà họ khá xa, nằm ngay cạnh đoạn đường bờ kè hồi sáng, nhưng là ở phía đối diện cái lối mà bọn trẻ đi học. Đường bên này hầu như chỉ có những người dân có ruộng vườn ở đây qua lại. Cùng với hai thím cháu còn có thêm ba bác gái nữa, họ vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ, đoạn đường phía trước cũng như ngắn lại.
Đến nơi mới thấy, trên cánh đồng đâu đâu cũng có bóng người đang còng lưng lội ruộng cấy lúa. Họ như những thợ thủ công lành nghề, miệt mài cần mẫn dệt nên bức thảm xanh biếc ngay trên đất ruộng thẫm màu.
Đều là người trong thôn cả, nên dù đang bận rộn tay chân thế mà khi thấy có người đi qua họ vẫn dừng công việc dang dở lại, trò chuyện hỏi thăm nhau đôi câu.
Trong số những người dưới ruộng còn có cái Mấy, bạn thân của Bồ. Mấy vốn nhỏ nhắn lại đội thêm cái nón rộng vành, nhìn y như cây nấm biết đi. Nó vừa ngước đầu lên thì thấy bạn mình, liền gọi: "Ê, mày đi cấy cho nhà ai đấy?"
Bồ thấy người gọi là cái Mấy thì vui lắm, đứng trên bờ đáp rõ to: "Tao đi cấy thuê cho nhà bà Liên. Nhà mày cũng ra đồng sớm thế."
"Làm sớm về sớm. À, tối tao xuống chơi nhé!"
"Ừ. Tao đợi."
Vì bận nên hai đứa cũng chẳng trò chuyện gì nhiều, Bồ nói xong câu này thì đi luôn.
Mấy vòng tay ra sau vỗ vào sau lưng mấy cái rồi mới tiếp tục công việc. Mấy không may mắn như Bồ với Hạnh, nó chỉ được học hết lớp chín. Mặc dù nhà nó chưa đến mức khó khăn như nhà Bồ, vậy nhưng bố mẹ vẫn mang tư tưởng: trọng nam khinh nữ. Mấy lại là đứa biết điều từ bé, thương bố mẹ vất vả nên dù là đứa ham học thế mà cũng đành ngậm ngùi chấp nhận nghỉ học sớm. Thay vì ganh tị Mấy lại cảm thấy ngưỡng mộ Bồ hơn, có lẽ cũng vì vậy mà hai đứa luôn là bạn thân nhất của nhau.
Nhà bà Liên còn ba thửa ruộng rất lớn, cỡ gần ba sào. Chiều nay nếu cố gắng năm người họ có thể hoàn thành xong chỗ này.
Mọi người bắt đầu lội xuống ruộng, cầm lấy những túm mạ được ném trên mặt nước, chia nhỏ chúng ra rồi cấy từng cây xuống bùn đất.
Bồ vừa bước xuống, nước cũng bắt đầu chảy vào trong đôi ủng đã bị bục mấy lỗ của cô. Bồ khẽ rùng mình, mùa đông nên nước cũng lạnh quá. Đôi ủng này đã dùng lâu lắm rồi, có thủng vài chỗ cũng là bình thường. Chỉ là Bồ tiếc tiền không muốn mua đôi mới mà cứ dùng mãi, cũng vì thế nên mới phải tự chế cái đôi tất kia, chứ để đôi tất hẳn hoi phải ngâm trong nước bùn đục này cô cũng không nỡ. Mà thật ra, nếu không phải sợ đỉa từ bé thì Bồ cũng chẳng thèm đeo ủng rách đâu, cứ để chân trần lội ruộng cũng chẳng sao.
Bồ là một thợ cấy rất giỏi, lối lúa của cô vừa thẳng vừa đều lại còn đi nhanh hơn mấy thím bên cạnh nữa. Mọi người cấy đều tay nhưng miệng vẫn không ngừng trò chuyện. Từ chuyện nhà đến chuyện trong thôn, hễ có gì hay ho thì chỉ một thửa ruộng là được các thím ấy kể ra hết.
Dù là vùng dân tộc thiểu số nhưng người thôn Mèo đều nói tiếng Kinh rất sõi. Các bà, các cô cứ một câu tiếng Kinh lại thêm một câu tiếng dân tộc. Bồ nghe đều hiểu hết, tuy nhiên cô cũng chỉ sử dụng tiếng phổ thông trong giao tiếp hằng ngày.
Điều đáng buồn là bọn trẻ bây giờ chẳng còn mấy đứa biết tiếng dân tộc mình nữa, người lớn trong thôn còn đang lo lắng sau này những bản sắc dân tộc sẽ dần mai một đi hết...
Thi thoảng mọi người có lên nghỉ tay để uống miếng nước. Nhà bà Liên là hộ giàu có nhất thôn, bà ấy tính tình cũng rất tốt, lúc nào cũng trả công rất hậu hĩnh. Hôm nay còn chu đáo chuẩn bị thêm sữa hộp và mấy cái bánh mỳ ngọt cho mọi người lót dạ. Túi đồ ăn được treo cẩn thận trên bụi tre bên bờ mương ở cạnh đám ruộng.
Hoàn thành xong luống cấy của mình, Bồ mới dám nghỉ tay đi tìm nước uống. Cô lõm bõm đeo đôi ủng ngấm nước đi đến bên mương, cũng may, hôm nay nước mương rất trong còn nhìn rõ cả những viên sỏi dưới đáy. Bồ cúi người xuống rửa tay, bàn tay của một đứa con gái mười bảy tuổi giờ đã hóa nhăn nheo như bà lão, trong từng kẽ móng tay còn dính bùn đất đen sì. Nhìn có hơi ghê, Bồ chép miệng: "Xem ra tối nay lại phải cắt sạch móng tay rồi!" Vậy nhưng, cô vẫn cố gắng rửa sạch lại bộ móng của mình dù biết lát nữa còn phải cấy tiếp.
Sạch sẽ rồi, Bồ mới đi đến bên bụi tre lấy cái bánh cùng hộp sữa duy nhất còn sót lại xuống, đây là phần của cô.
Sữa đậu nành vừa thơm vừa ngậy, bánh mỳ cũng rất mềm và ngon, ăn hết rồi mà Bồ vẫn còn thòm thèm.
"Đúng là hạnh phúc của người lao động mà!" Bồ tự lẩm bẩm một mình. Nếu không phải hôm nay đi cấy thì chắc chắn sẽ chẳng bao giờ cô lại bỏ tiền ra mua mấy thứ đồ ăn kiểu này. Ngon thì có ngon nhưng với Bồ thì quá lãng phí, ăn bát cơm vẫn là chắc bụng nhất.
Mặt trời cũng dần xuống núi, mùa này trời tối rất nhanh. Bồ cùng mọi người cũng đã hoàn thành xong công việc hôm nay.
Bà Liên đon đả đi đến bên ruộng, tay còn cầm theo ví tiền. Bà rất dễ tính, chỉ cần hoàn thành xong công việc dù vẫn chưa hết thời gian bà vẫn cho mọi người về luôn, không để mọi người làm thêm cho đủ giờ giống một số nhà khác.
Bà bắt đầu trả công cho mọi người. Một công cấy bây giờ là hai trăm năm mươi nghìn một ngày. Bà Liên đếm đủ tiền cho các thím bên cạnh, riêng đến phần của Bồ, bà dừng lại nhìn cô bé ngoan trước mặt rồi mỉm cười. Bà thế mà lại đưa cho Bồ công của cả ngày luôn.
Bồ ngạc nhiên tròn mắt nhìn bà. Thím Hà bên cạnh thấy vậy còn huých vào vai, nói: "Bác cho thì cầm lấy đi."
Bà Liên thấy Bồ vẫn lững lự không dám nhận liền lên tiếng nhắc: "Cầm lấy đi cháu, đừng ngại!"
Bồ lúc này mới vâng dạ đưa hai tay ra nhận lấy số tiền kia.
Bà Liên bấy giờ mới mỉm cười hài lòng. Bà rất thích cô bé này, ngoan ngoãn chăm chỉ còn học giỏi nữa. Mỗi lần đi họp phụ huynh cho con đều nghe cô giáo khen con bé rất nhiều, không như cái thằng con trời đánh nhà mình. Nghĩ đến nó bà lại thấy nhức cả đầu.
"Bồ làm con dâu bác nhé!" Bà Liên càng nhìn càng vừa ý với con bé, bỗng nhiên nổi hứng trêu đùa.
Nghe thấy câu này, phản ứng đầu tiên của Bồ là hốt hoảng, giật mình. Cô sượng sùng, đứng chết trân tại chỗ, bất giác không biết phải nói gì. Thế mà trong mắt mọi người, Bồ lại biến thành bộ dạng thiếu nữ e thẹn, mới biết yêu.
Mấy bà thím bên cạnh cũng bật cười thành tiếng, bắt đầu hùa vào gán ghép Bồ với con trai nhà bà Liên. Mà con trai bà ấy không ai khác chính là Tỏn, nhân vật nổi tiếng khắp trường kia.
Mọi người cứ câu ra câu vào, mãi một lúc lâu sau mới kết thúc chủ đề này. Cuối cùng họ cũng chịu chào nhau rồi ai về nhà nấy.
Bồ cũng chẳng hơi đâu mà bận tâm về câu chuyện đùa vui vừa nãy, bởi cô còn có việc cần làm nữa. Sáng nay chị Sả có dặn đi lấy rau cho lợn mà Bồ lại bận đi cấy còn chưa làm được. Hồi chiều cô còn cố ý cầm theo cái liềm để xem dọc đường có kiếm được rau gì cho bốn con lợn nhà mình không. Cũng may lúc nãy thím Hà có mách là đi thẳng xuống dưới lối bờ kè có đám dọc mùng dại mọc tốt lắm. Bồ nghe thế thì mừng ra mặt, dọc mùng này đám lợn nhà cô rất thích ăn.
Bồ cầm liềm đi về chỗ được chỉ, thím Hà không vội về mà đi theo giúp con bé một tay. Thím rất là quý cô cháu gái này, lúc nào có việc gì làm thêm cũng muốn rủ thêm Bồ, để nó kiếm thêm ít tiền đỡ đần chị gái.
Lúc này mới gần năm giờ chiều, xung quanh vắng vẻ chỉ còn hai thím cháu đang vội bước trên đường. Thấy trời sắp tối tới nơi, Bồ lại càng gia tăng nhịp bước. Cho đến khi đi đến một khúc cua nhỏ phía sau bụi cỏ um tùm, bỗng hai người họ bắt gặp một cảnh tượng vô cùng xấu hổ...
Trên chiếc xe máy là một nam, một nữ, đang ôm chặt lấy nhau, trên người cô gái còn khoác áo đồng phục cùng trường với Bồ. Cặp đôi kia quay lưng về phía họ, nhưng Bồ vẫn cảm thấy người con trai kia rất quen.
Đúng rồi là Tỏn, người mà vừa nãy còn được gán ghép với cô. Bồ nhận ra bởi cái xe Wave xanh không gương cùng với biển số kia thì đúng là anh ta rồi.
Hai thím cháu dừng lại, không nói lời nào cũng không biết có nên đi tiếp hay không. Nếu là người lạ thì không sao, đây lại là người quen, thành ra có hơi khó xử. Bởi đám dọc mùng nọ thế mà lại mọc ngay đúng chỗ đôi nam nữ đang ngồi.
Cặp đôi kia thì hay rồi, không những ôm nhau mà người con trai kia còn cúi đầu xuống, hôn một cái lên má bạn gái mình. Tuy đứng phía sau một khoảng, nhưng hai thím cháu có thể nhìn rõ họ đang làm những gì.
Thím Hà không nhìn nổi nữa, lớn giọng mắng: "Chúng mày làm cái gì đấy? Ban ngày ban mặt, không biết xấu hổ à?"
Đôi trẻ bị câu nói kia làm cho giật mình. Cô gái ngay lập tức đỏ mặt, vội vàng vùi đầu vào ngực bạn trai, song vẫn không giấu nổi đôi tai đã ửng hồng. Thanh niên kia lại chẳng biết xấu hổ, cậu ta quay lại nhăn nhở cười nói: "Cái thím này! Bọn cháu có làm gì đâu."
Nói xong, cậu dựng chân chống xe lên, nổ máy, một tay ôm lấy cô bạn gái vẫn đang cúi gằm mặt phía trước, một tay vít ga, phóng xe đi thẳng. Chiếc xe cùng cặp đôi nọ rất nhanh đã không còn dấu vết, trên đường chỉ còn lại hai thím cháu đứng đó ngơ ngác, như thể chuyện mất mặt vừa rồi chưa từng xảy ra.
Lối bờ kè này đúng là nơi hẹn hò của các cặp đôi, nhưng là vào buổi tối, không có ai lại ngang nhiên ôm hôn nhau giữ ban ngày như vậy cả. Có điều đây là Tỏn, thanh niên này trước giờ đâu có để ý đến ánh mắt hay mấy lời bàn ra tán vào của mọi người xung quanh về mình chứ. Việc hôm nay nếu đặt vào người khác thì có lẽ đã xấu hổ đến mức tìm cái lỗ mà chui xuống, nhưng đổi lại là Tỏn thì khác. Bởi Tỏn chính là kiểu người rất thích chơi trội.
Từ lúc đó thím Hà bên cạnh cứ không ngừng chỉ trích cặp đôi kia. Bồ nghe mãi cũng chán chẳng buồn để ý nữa, vẫn cứ cặm cụi cùng chiếc liềm trên tay hoạt động hết công suất. Thế rồi thím đột nhiên lại quay sang dặn dò một câu thế này: "Mày đấy, đừng có dây vào cái thằng đấy, biết chưa?"
Bồ nghe xong thì bật cười: "Vừa nãy không phải thím còn cùng với người ta gán ghép cháu với anh Tỏn sao?"
"Đấy là vui miệng thì nói thế. Bố mẹ nó giàu, tử tế đấy, nhưng cái thằng này ai mà lấy phải thì khổ cả một đời. Đúng là cái loại chỉ được cái mã!" Thím Hà lần nữa khẳng định chắc nịch như thể bản thân rất biết nhìn người.
"Ui giời! Thím không phải dặn đâu." Bồ cười đáp lời.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro