Chương 4
Khi tia chớp nháng lên đằng xa, An Thái vẫn đang ngồi ngơ ngẩn cạnh bàn. Trời khi nãy hãy còn đương sáng, vậy mà chỉ với cơn giông, như có ai đó kéo tấm màn loang màu mực tối, đất trời liền rúng động theo hướng ánh sáng rời đi. Trong âm thanh cây cối run rẩy, giữa không trung nhá nhem sắc tối, tấm màn đột ngột toác làm hai, đường rách bén nhọn đó bổ loà đôi mắt. An Thái vội vàng phủ tay che khuất, trong khoảnh khắc nghĩ ra điều gì liền chạy về phía giường, tung chăn phủ đầu cuộn người xuống ván, dồn ép hơi thở tĩnh lặng lắng nghe. Lát sau đã có tiếng rì rầm, An Thái bèn ép chặt vào hai bên tai.
Tiếng nổ đánh tới. An Thái giật mình. Bầu trời gầm lên, vẫn chưa hài lòng, những đợt tiếp theo liền hung hăng dội xuống. Mọi thứ đua nhau xung chấn, thậm chí cả mặt đất cũng không ngừng rùng lên. An Thái sợ rằng, nương theo nhịp rung động khắp chốn, nhịp tim mình cũng tiêu biến bên trong. Vội há to miệng, ép mạnh lồng ngực. Cổ họng tê rần phát ra âm thanh chói lói. Trí óc quay cuồng giữa mọi thứ xung quanh. Từng giác quan trở nên tê dại, từng phần cơ thể rã rời ra. Đã đến lúc rồi sao? An Thái bắt lấy một ý nghĩ trong vô số chớp nháng hỗn loạn, dưới khuôn mặt đầm đìa nước mắt là một đường cong vặn vẹo. Mặc cảm tràn ngập qua từng đợt ký ức, dằn vặt cũng theo bước lao vào. Đau đớn tận cùng, hoan hỉ tột độ, là trừng phạt và mong chờ được giải thoát.
An Thái co người dưới lớp chăn, nửa kinh hãi nửa hân hoan chào đón. Móng tay vẫn cắm vào da thịt, níu lại chút tỉnh táo nhờ cơn đau. Giữa từng tiếng gào, An Thái thở đứt quãng, cơ thể yếu dần sau hồi chống đỡ. Tiếng gầm rít vẫn vang vang. Dưới đất trời dữ dội như thế, thật sự cho rằng sẽ bị đánh tan đi.
Đến lúc tưởng như cả cơ thể sắp vỡ vụn, miệng An Thái bị chặn lại. Không biết từ khi nào, chăn đã bị hất, vai bị đè nghiến, môi bị thứ gì đó mềm mại ép lên. Âm thanh không cách nào thoát ra mất hút bên trong. Có tiếng ai từ đâu vẳng đến. An Thái vùng vẫy, rướn người về phía giọng nói ấy, nhưng sức lực nhanh chóng rút khỏi tứ chi, nỗ lực kia trở thành những lắc lư yếu ớt. Đến khi cơ thể đã hoàn toàn bị nuốt chửng, lồng ngực phập phồng ổn định, mới nhận ra xung quanh đã lặng xuống, tiếng sấm nhường chỗ cho tiếng mưa, tiếng thét đã trở thành thổn thức nức nở. Tiếp xúc và hơi ấm của da thịt khiến tâm can yên ổn lại. Uể oải nghiêng đầu, An Thái dần hồi tỉnh từ cơn mê, nhịp tim ai đó kề bên tai, bàn tay nào đang đặt trên trán. Gương mặt mờ mịt thân quen kề sát, dường như vừa mỉm cười, cất lên vài câu thăm hỏi.
Căn phòng chìm trong ánh vàng tù mù. Đêm đã phủ.
An Thái được đỡ ngồi lên. Người kia bước đến bàn lấy một chén thuốc. Những câu chuyện trò vụn vặt kéo tới, An Thái nghe không hiểu, theo thói quen nuốt từng thìa thuốc đưa gần bên môi. Người kia không phiền lòng, vẫn chậm rãi nói. Mãi khi một cái tên được thốt ra, An Thái mới sững người, ngẩng đầu nhìn vào đối phương.
Người kia dùng khăn lau thuốc đọng bên môi An Thái, từ tốn nói:
"Cũng sắp đến ngày rồi."
An Thái nhíu mày.
Cây kim trong lòng từng đợt lung lay.
~*~
Đó là một trưa tháng năm oi ả.
Gió nóng thỉnh thoảng quét qua làm mành tre đung đưa tạo thành những âm thanh giòn tan giữa không gian tĩnh mịch. Ông già cởi trần nửa nằm nửa ngồi trên tấm phản nứt, lười biếng phe phẩy mo cau, ánh mắt lơ đãng nơi con đường vắng vẻ bóng người, chỉ có nắng vàng rải rác suốt dải đất đỏ loang loáng bóng râm. Cô gái nhà ai tay che nghiêng nón lá, miệng cười chúm chím, chân bước vội vàng dưới rặng liễu đìu hiu. Trên dòng nước chảy liu riu, người đàn ông đen đúa ngồi xổm, quần xắn tới bẹn, cánh tay rắn rỏi nhấn mạnh tay chèo, chiếc xuồng ba lá vạch một đường rẽ nhẹ tênh nhanh chóng lẩn vào rặng dừa nước xanh ngát hai bên. Từ sau dãy chuối lùn dừng bước trước bờ giậu ven sông, cậu trai thong thả vượt qua cây cầu, quạt giấy đong đưa trên tay, tà áo phấp phới theo nhịp chân thoăn thoắt. Vừa tới bên bờ, cậu xoay đầu nhìn hai người bạn sau lưng, con mắt nheo nheo, bỏ ngang câu chuyện dang dở mà thốt lên một câu, thật nhớ cô Bình Tâm quá.
Nói rồi cậu trai nhoẻn cười, hàm răng đen nhánh che dưới cây quạt giấy, trong đầu lại tái hiện buổi biểu diễn ngày ấy. Đó là một màn mở đầu thường thấy bằng đào mới, với lời giới thiệu dễ khiến người ta say lòng. Cậu trai nhịp nhịp mấy thẻ tre trong tay cười cợt với bạn bè, tâm trạng cũng không háo hức gì, cậu nhún vai nói, một cô đào trẻ mới vào nghề thì có gì đáng để trông đợi ngoài nhan sắc. Dù được gã kép giàu kinh nghiệm nâng đỡ sau lưng, thì từ thần thái đến cách đánh âm gõ nhịp có nhạy cảm tinh tế bằng cô Bình Hạ đã hát mười năm có lẻ, chỉ với một tiếng ngâm và cái liếc mắt đã khiến người ta tê tái cõi lòng; hay như cô Bình Nhật xuất khẩu thành thơ, một câu đối đáp với khách cũng du đương luyến láy ngọt ngào như mật; thậm chí một cô đào có vài năm kinh nghiệm cũng hát ra được cái tình ẩn chứa bên trong thấu tận vào lòng hơn. Cho nên cô đào trẻ này, cũng như những đào trẻ mới vào nghề khác, thực sự chỉ nên thưởng cho một tràng pháo tay gọi là khuyến khích.
Bạn cậu ngồi sau lưng nghe vậy chỉ thong thả cười, đáp rằng để vào được phòng này thì hẳn là có tài năng. Cậu trai bèn quay đầu, nhướng mày bĩu môi, nếu nhan sắc cũng là tài năng, cậu thực sự có chút mong chờ.
Kết thúc lời giới thiệu là lúc đào kép lên chiếu, mọi ánh mắt trong phòng đều nhất loạt hướng lên trên. Đào nương có gương mặt bầu bĩnh còn đậm nét trẻ con, đôi mắt ướt vì lẽ rụt rè chưa một lần nhìn thẳng, chỉ dán chặt cây phách trên tay nhịp nhàng lên xuống, thoạt trông đủ xinh xắn để mấy ai đem lòng mong nhớ. Dưới chiếu liền rì rầm tiếng bàn tán, có ai trơ trẽn bình phẩm muốn mua đào. Cô gái trẻ cau mày, cánh môi run rẩy, có lẽ là xấu hổ hay thẹn thùng, trên gò má hơi ửng lên sắc đỏ. Người kép bèn mấp máy nói gì đó, đào nương mới khẽ gật đầu cố thả lỏng nét mặt, nhưng căng thẳng vẫn vương vấn nơi đầu mày.
Thật là một cô đào non nớt, trong lòng không khỏi trào ra mấy phần cảm thán. Vừa lúc đắc ý quay sang người bạn cho rằng chỉ là màn trình diễn không tệ lắm, tiếng đàn đã im bặt. Đào nương hít một hơi, đôi môi mỏng hé mở. Âm thanh trong trẻo bắt đầu ngân nga từ cuống họng. Một tiếng thổn thức, một tiếng nức nở, nỗi lòng réo rắt cứ thế trút ra. Đè nén từ nơi xa vừa giải thoát liền cao vút, đồng loạt kéo dậy gai ốc toàn thân, trong lúc bất ngờ nhanh chóng bị choáng ngộp, hơi thở cũng theo đó bị ép đặc. Một tiếng nảy, một tiếng láy, dịu dàng mà gian xảo, len lỏi vào từng nhịp thở, dẫn cả người bức bối lại không cách nào đào thoát; đến khi không chịu nổi muốn rùng mình chạy trốn, tiếng hát lại dứt ngang, ném thẳng người vào khoảng không chới với. Không nơi bám víu, vùng vẫy muốn tìm lại mặt đất dưới chân thì tiếng ngâm đã lần nữa kéo đến. Tung hứng hết lần này đến lần khác, trở tay không kịp trở thành chiếc lá khô bị trêu đùa trong gió, vội bám mình vào thanh vịn neo chặt bên chân, hoang mang ngẩng đầu tìm lại nơi phát ra âm thanh. Trên chiếc chiếu bỗng trở nên cao xa vời vợi ấy, đào nương điềm nhiên ngồi thẳng, đôi tay gõ phách, thần sắc thoắt trở nên mềm mại, mắt phượng khẽ chớp, hàng mày nhướng lên, lần đầu tiên ngẩng đầu đã vừa vặn nhìn vào bên này.
Chỉ trong một khoảnh khắc như thế, tất cả mọi thứ lập tức chết lặng, khung cảnh xung quanh bỗng nhiên tan biến, giữa khoảng không trộn lẫn màu sắc nhoè nhoẹt đó, chỉ còn lại một ánh nhìn và tiếng ngâm tàn úa. Mọi ý nghĩ trong đầu bị quét sạch, thậm chí quên đi hô hấp. Đến lúc tưởng đã đông cứng vĩnh viễn, từ mặt trống bỗng phát ra âm thanh đanh gọn như khích lệ, lại như đánh thức chàng trai nào thoát khỏi cơn say.
Lúc này, mới nghe được tiếng tấm tắc lớn dần sau lưng. Cậu trai chậm rãi xoa mặt, còn ngơ ngẩn trong dư vị đọng bên môi.
"Đào nương mới của giáo phường đúng là có tài."
Một trong hai người phía sau tán thưởng, ái mộ ẩn trong điềm tĩnh không thoát khỏi con mắt người còn lại. Cặp anh em họ này đã quấn quýt nhau mấy năm rồi, từ thằng nhóc thành thiếu niên, giờ chỉ nhìn mặt nhau là biết người kia nghĩ gì. Thầm than trong bụng một câu, đào nương xinh đẹp lại hát hay như vậy, vừa ra mắt đã có không ít người để ý.
Cậu trai đi đằng trước dứt khỏi hồi tưởng đầy màu sắc, luồng gió tươi mát bất chợt tràn tới, dưới chân đã trở nên nhẹ bỗng, cái nóng không còn gay gắt nữa, cậu bước chân sáo tạt ngang đường mua cái bánh bao, tiện tay vứt luôn cây quạt cho đứa nhỏ gần đó. Đứa nhỏ được đồ chơi mới, thích đến nhảy cẫng lên. Cậu trai cười rộ, vừa đi vừa chùi tay vào vạt áo lam sậm ẩn hiện hoa văn, bốc cái bánh nóng hổi, cậu chợt nhớ ra điều gì liền xoay người, ánh mắt lấp lánh như sao.
"Thái, Phong, ngày mười bảy tháng sau đến nhà tôi chơi đi. Hôm đó có tiệc."
Nếu An Thái nhớ không lầm, đấy là sinh nhật của cậu ấm Trường này. Cậu trai nhanh chóng xác nhận, nhào tới bá cổ hai người, vừa giúi cho hai tấm thiệp vừa bảo đã đến lúc cha cậu chính thức tuyên bố tư cách tiếp quản công việc của cậu, muốn nhân dịp làm lớn một lần, khách mời hơn phân nửa là đối tác làm ăn.
"Sau này không rảnh chơi với mấy người nữa, nên tranh thủ lúc này mà trân trọng tôi đi." Trường nháy mắt, không giấu vẻ tự mãn.
"Chưa gì đã lên mặt, để xem lúc nhà hát ra bài mới thì ai chạy tới trước."
"Đúng rồi, hôm đó chắc có mời bên giáo phường chứ?"
"Đương nhiên, tiệc tùng mà không có ca hát thì còn gì vui." Trường cười ra tiếng, vung tay lên trời, ngơ ngẩn một thoáng thì hạ giọng bỏ thêm câu, "Cô ấy cũng tới nữa."
Rồi cậu trai giấu vẻ bẽn lẽn bằng cách quay sang vỗ vai Cao Phong, bảo là thế nào cũng phải lên đánh trống cho cô ấy một bài. Cao Phong bất ngờ, việc đấy đối với các bậc tiền bối thì có khác gì múa rìu qua mắt thợ. Nhưng Trường vẫn khăng khăng, cậu đã nói với cha, cha cậu cũng đồng ý.
"Đánh vui thôi, đừng nghĩ nhiều quá."
Trường nhún vai, tỏ vẻ chẳng phải việc to tát. Cao Phong thoáng đăm chiêu, rồi vẻ mặt giãn ra, gãi đầu nói cám ơn. Suốt quãng đường sau đó đến tận lúc chia tay Trường ở ngõ chợ, hầu như nụ cười vẫn không phai đi. An Thái thầm nghĩ, đã lâu rồi mới thấy Cao Phong cười vui vẻ đến như thế, con người lúc nào cũng nghiêm túc thâm trầm này thì ra vẫn còn nét đáng yêu.
...
Trái ngược với buổi sáng tất tả vội vàng, khung cảnh của ngõ chợ ban trưa bao trùm trong một bầu không khí lãng đãng và lười nhác. Người bán hàng đã dùng xong bữa cơm vội, kéo ghế ngồi cạnh quầy, vừa nén cái ngáp dài vừa đánh ánh mắt mong đợi về phía mấy vị khách thưa thớt. Nhưng mấy vị ấy giống như đã bị cái nắng và nóng làm cho mụ mị đầu óc, con mắt lờ đờ cũng lười biếng xoay, bước ngang hàng y không một chút lưu ý. Y nhìn họ tiếc rẻ nhưng không lưu luyến, thực tình giờ này y cũng chẳng còn tâm trí chào bán, vì vậy mọi chuyện cứ trôi tuột qua trong một mức chịu đựng dễ chịu. Ngày nào cũng thế, mọi người đều chấp nhận điều đó với cái mơ màng của giấc trưa.
Khi Cao Phong và An Thái tới cửa hàng bán dụng cụ, người bán hàng đang gà gật trên ghế. Cả hai không vội đánh thức y, chỉ tập trung xem vài thỏi mực và nghiêng mài. An Thái muốn mua thêm màu vẽ và sách, Cao Phong thì cần cái nghiêng mới. Người bán hàng thức giấc đúng lúc cả hai vừa định gọi y dậy tính tiền. Y gói nhanh món hàng, mời mọc thêm vài thứ, nhận và thối tiền chóng vánh với nụ cười rạng rỡ đến mức An Thái ngờ rằng việc gà gật ban nãy thực ra chỉ là y đang giả vờ.
"Tụi tui sắp có mấy quyển sách mới, hai cậu nhớ ghé xem đó." Y đưa gói đồ cho cả hai, đang dùng dằng đòi một cái gật đầu mới chịu buông tay thì bên đường bỗng vẳng đến tiếng reo của trẻ nhỏ.
"Cậu Thái, cậu Phong ơi!"
Chạy theo tiếng gọi là thằng bé giúp việc nhà Trường, nó hồ hởi khoanh tay lễ phép thưa, cô ba nhà nó muốn gặp. Quả là sự trùng hợp dễ chịu. Cả hai nhìn sang đường theo hướng chỉ của thằng bé, không ngoài dự liệu thấy một cô gái trẻ đang vẫy tay, nụ cười sáng bừng cả khuôn mặt tròn trĩnh của cô, rọi lên đôi mắt hấp háy như hai vì sao sa. Cả hai nhanh chóng bước đến chào hỏi. Cô gái hơi nghiêng đầu, vô tình khoe ra đường cong duyên dáng nơi chiếc cổ nhỏ. Con mắt tròn to khẽ chớp, cây răng khểnh sáng bóng nấp sau đôi môi đỏ. Cô nhoẻn cười, ánh nhìn dừng trên An Thái, đưa tay vén lọn tóc rũ xuống bên má.
"Mấy anh đang về ạ?" Vành tai giấu dưới vạt tóc treo chiếc hoa tai ngọc trai óng ánh.
"Ừ. Song đi chợ mua gì à?" An Thái hỏi.
"Dạ, quà sinh nhật cho anh hai." Cô chỉ chiếc túi trên tay mình, vui vẻ nói. Đôi bên tán gẫu một lúc cho đến khi bà dì nhà Song cắp cái làn từ trong chợ bước ra gọi cô về nhà. Trước khi chia tay, Song còn kịp giúi cho An Thái một gói lá chuối, bảo là cô đang tập làm, hy vọng An Thái không chê. Nói rồi cô xoay lưng đi, đôi bàn chân nhỏ nhắn lướt một cách uyển chuyển; hình ảnh sau đó là những gì luôn hiện ra đầu tiên mỗi lần An Thái nhớ về cô sau này: đầu hơi cúi, gò má thoáng ửng đỏ, hàng mi dài che xuống đôi mắt lấp lánh, sợi tóc mai phất qua gò má, cô đưa tay chỉnh chiếc nón lá trên đầu, vòng eo mảnh mai dường như đang đong đưa theo một nhịp điệu nào đó với tà áo thướt tha.
Đứng nhìn Song xa dần, Cao Phong hích vai An Thái, chọc ghẹo nói, "Cô Song dễ thương thật đấy."
"Ừ." An Thái đáp không chút nghĩ ngợi, hương dừa ngọt ngào len lén lan ra từ chiếc gói trên tay.
"Tiếc là chưa đến tuổi cài trâm."
Cao Phong nhướng mày, con mắt liếc An Thái cong cong. An Thái gãi đầu cười, cũng lười đáp, chỉ lặng lẽ siết gói đồ mới mua trong tay kia. Nương theo tâm trí miên man, mùi vị của món xôi trong gói lá đã lẫn lộn với vô vàn mùi vị khác.
Lúc An Thái lấy lại tinh thần, cảnh tượng trước mắt đã là cả nhà đương ngồi tụ tập ở bàn ăn, những việc xảy ra trước đó đã trôi vào miền quên lãng nào cùng mọi kí ức vặt vãnh khác. Âm thanh trò chuyện lao xao tứ phía, dường như có một tấm màn đã phủ lên An Thái, chia tách ý thức với thực tại xung quanh. An Thái khẽ hất đầu và mọi thứ bắt đầu rõ ràng, trở về với đúng nơi nó phải ở đó. Có ai cất tiếng nói điều gì. Im lặng đột ngột kéo đến khi An Thái tìm được thứ giữ mình tỉnh táo, cũng là lúc mọi ánh mắt tập trung vào mình. Không biết phải nhìn ai, cũng không rõ là ai đã nói, An Thái sau phút bối rối đã bất giác liếc sang bên cạnh. Giọng của Cao Phong nhẹ nhàng cất lên.
"Dạ có, Trường mời tụi con rồi."
"Vậy hai mình đi cùng chúng nó đi, cũng tiện hơn." Cha từ tốn nói, mọi người đều không có ý kiến khác.
Cuộc trò chuyện sau đó lại tiếp tục xoay quanh mấy chuyện thường ngày, giống như một nghi thức bất di bất dịch giữa các bữa cơm, đấy là thời điểm thiêng liêng của gia đình khi tất cả đều quây quần bên chiếc bàn tròn, sẵn sàng lắng nghe về việc làm của mọi thành viên trong nhà. Theo sau mỗi lời trần thuật là những góp ý chân thành, với sự thấu hiểu và công tâm, để khuyên bảo hay dạy dỗ con cháu của các bậc bề trên, luôn luôn sáng suốt, bao giờ cũng đúng đắn.
Cứ như vậy, bữa cơm luôn trôi qua với ít chuyện hay ho trên công đường, một số cải cách gần đây, mấy vị khách khó tính ngoài cửa tiệm, và cuối cùng vẫn là học hành thi cử. Cùng động tác và cơm, vài cái tên của con cháu bạn bè được thốt ra, đứa con cả nhà đầu xóm vốn cần cù được thầy đồ khen ngợi đã nghỉ học để làm nông, tối ngày cắm mặt vào cây kiểng ruộng đồng, thật chẳng bù với đứa con trai nhà ông thầy lang lúc nào cũng một lòng yêu thích sách vở. Thằng bé ấy đúng là bồng bột, lại chọn con đường vất vả không tiền đồ, sau này lấy cái gì mà nuôi cha mẹ vợ con. Thử nghĩ xem, một người nông dân chân lấm tay bùn lội nước đội nắng dưới thủa ruộng đầy phân, và một vị quan chân mang hài đầu che lọng ngồi trên chõng được người đưa đón, thì việc lựa chọn chẳng phải quá đỗi dễ dàng hay sao. Hai đứa nhìn đi, rồi nói xem muốn tương lai mình thế nào.
Câu trả lời luôn làm người lớn hài lòng.
Nhưng đâu đó, một góc khuất ở nơi nào đấy, An Thái không thể ngừng lưỡng lự rằng những lựa chọn ấy là đúng hay sai, liệu 'lựa chọn sai' đã được đưa ra một cách vội vàng ngu ngốc và 'lựa chọn đúng' là con đường duy nhất nên đi? An Thái đã nhiều lần dò hỏi những người khác. Có người không chút ngại ngần vạch rõ con đường của mình, có người lại e dè, là vì kẻ này việc kia nên buộc phải như thế, cũng không thiếu những lý do mơ hồ mà thậm chí bản thân người ra quyết định cũng không biết mình muốn gì, nên đành nghe theo những lời xúi giục xung quanh.
Giữa những lời bộc lộ và biện bạch ấy, thứ tác động sâu nhất đến An Thái chính là, dù người bạn đã bỏ học để làm nông và người bạn xuất sắc trên học đường quả thật trái ngược, cũng như tương lai của họ dường như đã được định sẵn bằng hai hình ảnh mường tượng kia, nhưng họ đều quyết tâm theo đuổi lựa chọn của mình bằng một sự kiên tâm và bền bỉ đáng kinh ngạc. An Thái không bao giờ có thể bỏ qua được những tia sáng đã dấy lên từ đáy mắt họ khi nói về con nước của mùa vụ sau, cách chăm bón một gốc cây, hay đàm luận về một câu thơ đắc ý. Thứ ánh sáng ấy có thể giống như sao băng lướt qua bầu trời, đợt này nối tiếp đợt kia, hoặc đôi khi như pháo hoa không ngừng bắn ra các chùm tia rực rỡ. Chúng khác nhau mà giống nhau đến kì lạ. An Thái đã không hiểu, đã muốn hiểu, những tia sáng ấy bắt nguồn từ đâu, vì sao chúng chói mắt đến như thế, vì sao mình lại băn khoăn về chúng đến như thế. Chúng thực sự tồn tại, hay đơn giản chỉ là những phản ảnh vụn vỡ; liệu có ai, giống như An Thái, đã từng nhận thấy và tự hỏi về chúng hay không.
An Thái ngẩng đầu, tìm kiếm trong gương, liệu từ chính đôi mắt này, có lúc nào, đã từng dấy lên thứ ánh sáng ấy hay không.
~*~
Tia nắng vừa loé qua trong mắt đã khiến cậu học trò phân tâm. Hình ảnh thầy đồ đang giảng bài đột nhiên bị hào quang che mất, cậu học trò nheo nheo, lập tức quên bẵng bài giảng mà xoay đầu tìm kiếm. Ở bên kia lớp học nơi một đồng môn đang ngồi cạnh cửa sổ, mặt trời chiều chếch xuống sau mành cửa, ánh nắng len lỏi qua các khe hở vạch lên gương mặt trẻ trung những đường sọc vàng tinh tế. Một trong những đường sọc ấy đã suýt soát trượt trên cái rãnh lõm xuống nơi hõm mũi, lướt qua đầu mi của con mắt đang chăm chú nhìn lên, cuối cùng đánh về phía cậu. Đường nét của gò má đầy đặn ánh một mép viền mềm mại nối tiếp với hai vành môi cong khẽ nhếch, chốc sau đã hợp lại khi người ấy cúi đầu ghi chép.
Ánh nắng lại lấp lóa, cậu học trò thất thần, thầy đồ đã gấp sách kết thúc bài giảng hôm nay.
Lũ học trò bức bối với cái nóng hầm hập cả buổi chiều liền hân hoan đứng dậy, phẩy phẩy cổ áo, chẳng biết bắt đầu từ ai đã rủ nhau đi tắm sông. Quàng vai bá cổ một đường, vừa tới con sông cạn quen thuộc đã thấy Trường cởi trần lội giữa lòng sông bắt cá. Trên bờ có người đang ngồi dưới bóng cây, chân mang giày da, mái đầu ngắn màu vàng nhạt nổi bật trên chiếc áo thư sinh màu xanh sẫm. Cậu ta chỉ trỏ gì đó dưới sông cho Trường, cái giọng lơ lớ nói tiếng bản địa nghe thật buồn cười. Lúc phát hiện cả đám đi tới, cậu ta xoay đầu gật nhẹ xem như chào hỏi, trong con mắt xanh lơ lúc nào cũng liếc xuống mọi chuyện nháng lên chút ánh sáng.
Không ai là không biết gia đình người ngoại quốc ở ngoại ô.
Ông bố nhà ấy từng là đối tác làm ăn ở Phú Lang Sa của cha Trường, nghe đồn vì khí hậu ở đây thích hợp với cơ thể của bà vợ ốm yếu nên đã cậy nhờ mọi mối quan hệ trong kinh thành để trình lên bản tấu chương, xin cho cả nhà ba người được ngụ lại, không biết tốn bao nhiêu, vài năm trước đã dựng được căn nhà khang trang lặng lẽ ở ngoại ô, trong nhà thuê vài người làm, ăn ở cũng xem như thành thực, hiếm khi tiếp xúc với ai cũng không bao giờ tranh cãi với ai, rất biết giữ mình khỏi mấy chuyện nhạy cảm thị phi. Nếu đứa con trai không hay đi chơi với đám trẻ trạc tuổi xung quanh, hẳn là người ta cũng quên luôn sự có mặt của gia đình này.
Đứa con trai nhà ấy, chính là cậu trai đang ngồi trên bờ sông, ai cũng gọi cậu ta là thằng Cao, lúc nào cũng ỷ mình to lớn mà nhìn người khác bằng cái lỗ mũi. Cậu ta thân với anh em Trường nhất, có lẽ do mối quan hệ bạn hàng của cha họ. Lúc đầu có hơi lặng yên xa cách, ai nói gì cũng không phản ứng, sau khi học được mấy câu thì bắt đầu chịu mở lòng hơn, thông qua Trường cũng kết thêm vài bạn mới, có điều cái mũi hất lên trời vẫn một mực không chịu hạ xuống. Riêng An Thái lại thấy cậu ta là một kẻ ham vui thích làm ra vẻ.
Chào hỏi xong rồi, chúng bạn liền nhanh tay cởi đồ nhào xuống sông, Cao Phong cũng không muốn bỏ lỡ cuộc vui, mấy hôm nay trời nóng gắt, được nước sông mát lạnh tráng lên làn da khô cháy thì còn gì bằng, rốt cuộc trên bờ chỉ trơ lại An Thái ngồi trông đống đồ đầy mồ hôi cùng với Cao.
"Không xuống tắm hả?" Ánh mắt An Thái như bị mê hoặc bởi con sông sóng sánh ráng chiều, cất tiếng hỏi.
Cao dùng chân khều đống đồ ra xa, lắc đầu nhăn mặt chê nước sông dơ.
"Sông ở đây nhiều phù sa mà." An Thái thật tình giải thích.
Cậu ta nhún vai, kéo ống quần dài chỉ vào mấy đốm thâm trên bắp chân trắng tinh, nói là bị côn trùng với đỉa cắn. Không hổ là người ngoại quốc, ngay cả lông chân rậm rạp cũng có màu vàng. Cậu ta lại nhếch mép chỉ vào đám con trai trụi lủi dưới sông: "Mấy người không cởi áo không biết là nam hay nữ."
Chính vì cái thói ăn nói tuỳ tiện này mà không mấy ai thích chơi với cậu ta, ngay cả người lớn cũng bảo cậu ta không lễ phép. An Thái không biết nói gì, lại tiếp tục ôm gối nhìn mọi người chơi đùa. Cao duỗi người nằm xuống cỏ, nắng xuyên qua tán cây dán mấy vệt sáng loá lên làn da hơi lấm tấm tàn nhang. Là người Tây Dương đã đủ đặc biệt, chẳng những cao lớn rắn rỏi mà còn trắng trẻo ưa nhìn, chả trách mọi người tuy không mạnh dạn tiếp xúc nhưng cứ thích bàn tán về cậu ta, nhất là mấy cô con gái, điển hình ở tiệm nhà An Thái chứ đâu. Mẹ cậu ta đặc biệt thích sản phẩm thêu thùa, cho nên ba tháng một lần, cậu ta đều tháp tùng mẹ mình đến cửa tiệm xem mẫu thêu mới sẵn tiện đặt may mấy bộ đồ. Lúc đó hai anh em vừa vặn ghé chơi, thấy cô thợ thêu đang lấy số đo của cậu ta, thước dây chuyển bao nhiêu lần thì con mắt cô thợ đảo bấy nhiêu vòng, gò má bình thường nhợt nhạt lại ửng hồng lên. Một nhóm thợ trẻ nhìn nhau cười khúc khích, mà cậu ta thì hất cằm nhếch mép liếc cả hai, đắc ý khoe ra cây răng nanh trắng nhởn như mấy con yêu quái.
"Sắp có đoàn múa rối." Cậu ta đột nhiên nói.
"Hả?" An Thái ngẩng người khi bất ngờ bị kéo về hiện thực, rồi nhớ ra Cao rất thích xem múa rối nước, bèn hắng giọng che thất thố hỏi. "Rủ mấy người kia chưa?"
"Hai người đó không đi." Cao hất cằm vào đám đông dưới sông.
"Vậy là có ba người tụi mình hả?"
Cũng không ngoài dự tính. Trường và Cao Phong dạo này hẳn là sẽ muốn dành thời gian ở nơi khác hơn; Song chắc chắn sẽ muốn đi, nhưng phụ huynh nhà cô nào có thể để cô một mình với gã trai ngoại quốc, cho nên An Thái chính là sự lựa chọn phù hợp nhất. Một sự lựa chọn ngọt ngào đáng mến.
"Song bận rồi. Đi với tôi, Thái." Cao nói nhanh, sau đó quay sang nhìn thẳng vào An Thái.
An Thái sửng sốt, cảm thấy việc con trai ngài Tri phủ bị bắt gặp cặp kè với thằng bé người ngoại quốc có vẻ không phải là lời đồn đãi tốt đẹp gì. Nhưng An Thái lại băn khoăn với việc Cao đột nhiên muốn hai người đi chung hơn, thường thì những lúc như vậy cậu ta sẽ đi một mình.
"Đi một mình chán rồi." Cao nhún vai.
An Thái cười khan từ chối. Cao liếc ngang thật nhanh, sau đó hừ nhẹ qua lỗ mũi. An Thái rất ghét hành động đó của cậu ta. Nhưng điều khiến An Thái bực nhất chính là trong thâm tâm mình đã muốn đồng ý đi cùng.
Cả hai im lặng một chốc. Có cảm giác khó chịu lặng lẽ dâng lên khi An Thái nghĩ về cảnh cậu ta một thân một mình lạc lõng giữa đám đông vui cười hớn hở. Trong lúc cố gắng tìm đề tài khác để giảm bớt căng thẳng, thì Cao đã giành trước: "Mẫu chim công vừa rồi đẹp."
An Thái có hơi theo không kịp dòng suy nghĩ của cậu ta, và khi nhận ra ý nghĩa của lời nhận xét vừa rồi, mặt An Thái bắt đầu nóng lên.
"Màu sắc tươi, kiểu dáng đẹp, mẹ tôi thích, sẽ đề nghị nhập thêm."
"Ừm... Cám ơn."
"Phía trước bầu trời, bay đến tự do."
Cao lẩm bẩm như vô ý, giọng nói hạ thấp nhưng An Thái vẫn nghe đến. Tim chợt nhói lên, An Thái ngượng ngùng cúi mặt. Cao liếc nhìn sang, con mắt khẽ cong, cậu ta lại ranh mãnh nhe hàm răng trắng tinh không nhìn quen nổi kia. An Thái quay đầu, trong lòng không ngừng cảnh giác, hình như hành động và tình cảnh như vậy xảy ra ngày càng thường xuyên. Bắt đầu là lần tình cờ cầm mẫu vẽ sang cửa tiệm đúng lúc cậu ta đang ở đấy, rồi từ đó, số lần cậu ta mở miệng nói chuyện với An Thái mơ hồ tăng lên, đa số là góp ý về những mẫu thêu, khi thì màu sắc thế này, hoặc hình dáng thế kia, và thoảng hoặc, cậu ta lại lẩm bẩm một câu, nhỏ và sắc, như cây kim đâm thẳng vào tim, một ý nghĩ bám sâu trong tận cùng của mỗi hình ảnh An Thái muốn diễn đạt. Đã có rất nhiều người khen ngợi các mẫu vẽ ấy, không một ai nhắc đến điều Cao đã nhìn thấy.
An Thái càng nghĩ càng rối rắm, cơn đau trong ngực như muốn cảnh báo điều gì, chỉ biết vụng về tránh né. Có lẽ do nắng chiều quá chói chang, Cao không nhìn An Thái nữa, quay mặt đi gác đầu lên tay nhắm mắt, biểu hiện trở nên hờ hững như mọi lần. Lúc đám con trai dưới sông chơi đùa chán chê xách hai con cá to cỡ cẳng tay quay trở lại bãi cỏ, tiếng ngáy của cậu ta đã vang vọng tận bên kia sông.
Trường không chút nương chân đá vào người Cao, cậu ta nhăn nhó thốt một câu ngoại ngữ vò đầu đứng dậy. Trước khi cả bọn rã đám về nhà, ai đó lén lút rủ, tối ngày rằm ra nghĩa địa chơi thi gan.
...
Không cần nghĩ ngợi nhiều, hai anh em biết chắc mình không được phép đi.
Vì vậy, buổi tối thổi tắt đèn giả vờ ngủ rồi, cả hai lần ra góc vườn bắt thang trèo qua đầu tường.
Cũng không phải lần đầu lén trốn nhà đi chơi, cả hai cười khúc khích, dắt tay nhau nương theo mặt trăng tròn vành vạnh, lướt hết con đường lát đá phản chiếu ánh sáng bàng bạc, trải qua dải đất đỏ còn chưa nhả hết hơi chiều, lại dẫm lên mặt cỏ ướt sương lạnh buốt. Từ đằng xa đã nghe mùi ẩm mốc và bầu không khí nặng nề đặc trưng. Nghĩa địa hẹn gặp là khu chôn người chết không ai nhận về ở sau chùa, đa số đều không rõ lai lịch như xác chết trôi sông, người đến từ nơi khác xui xẻo tử nạn, thỉnh thoảng cũng có người già neo đơn, thậm chí cô nhi... Bình thường không ai rảnh rỗi lại đi qua khu này, nói là âm khí nặng quá, về nhà liền đau đầu nhức mình. Chỉ có kẻ ý đồ bất chính hay đám con trai mới lớn không sợ trời không sợ đất là dám đang đêm mò tới, xui xẻo gặp trúng cái gì thì sau đó liền trở thành truyền kì được truyền đi khắp xóm.
Vòng qua bức tường đổ ven đường, cả hai thấy đám bạn đúng hẹn đã có mặt đầy đủ. Lần tụ tập này lại vắng Trường, vì phải ở nhà chuẩn bị tiệc; Cao thế mà đến, đứng tựa vào một thân cây; ba người kia ngồi chồm hổm bày biện gì đó dưới đất, nhanh tay phát cho mỗi người một đèn lồng và cây nhang, bảo sáng nay đã giấu mấy trái banh sau lưng miếu Thổ địa giữa nghĩa trang rồi, giờ bắt cặp tới đó thắp nhang xong cầm banh đem về, ai không làm được thì bị phạt.
An Thái và Cao Phong nhìn nhau định cất tiếng cùng đi, một bàn tay đã vòng qua vai An Thái giật lại, tiếp đó giọng nói lơ lớ vang lên sau lưng:
"Đi với tôi. Hai người nhìn ngứa mắt."
Sau thoáng im lặng sửng sốt, cả đám cũng ngẫm nghĩ, gật gù, rồi nhao nhao hưởng ứng, đòi tách cặp anh em lúc nào cũng dính như sam này ra. Một người khác bèn chạy tới bá vai Cao Phong, hai người còn lại vừa vặn là nhóm cuối cùng. Không để ai phản đối, Cao đã kéo An Thái bước qua lỗ hổng hàng rào tiến vào chốn âm u dưới tiếng thấp giọng hò reo của chúng bạn. Bất đắc dĩ, đành cầm đèn lồng soi đường đi với cậu ta.
Trong nghĩa địa không có cây cao quá người, ánh sáng dịu dàng từ bầu trời trong vắt soi rõ từng vệt đen nhấp nhô trồi lên khỏi mặt đất. Ngọn lửa nhỏ trên tay An Thái thấu qua lớp vỏ bọc màu xanh, không biết có phải cố ý chọn hay không, trông giống đốm ma trơi trôi lừng lững thấp thoáng giữa rừng bia mộ. Mùi đèn cầy cháy và lửa ấm phần nào xua đi hơi đất ẩm cùng mùi mục rữa, trở thành điểm bám víu nhỏ bé giữa những dáng hình đen đúa kỳ quặc vây bủa xung quanh. Mặc dù không phải người nhát gan, thỉnh thoảng An Thái vẫn rùng mình khi hơi lạnh thấu từ nơi nào quét qua.
Hơi người đằng sau càng lúc càng gần, bàn tay trên vai trái bấu xuống cơ hồ muốn cắm vào da thịt, cảm giác rõ ràng mồ hôi nóng ẩm đang thấm qua lớp vải. An Thái kêu khẽ một tiếng, người sau lưng mới hơi thả lỏng. Quay đầu lại, khuôn mặt nhợt nhạt kia đã sắp dán lên gáy mình. Khoảng cách gần như thế, An Thái thật sự không kềm lòng được hỏi, "Cao sợ ma hả?"
Không có tiếng trả lời, cũng không nhìn rõ mặt đối phương cố tình vùi vào bóng tối, chỉ có hơi thở là thêm nặng nề. An Thái trộm cười, bước chân chậm hơn, vừa đi vừa nói linh tinh những điều mình từng nghe, nào là ma sẽ không doạ những người nặng vía, ma sẽ không hại người hiền lành, hay linh hồn những người thân đã mất của mình sẽ bảo vệ mình... Mỗi câu đều tự ôn lại một lần hồi tưởng, cuối cùng nhớ tới ngày nào rất xa xưa, khi đó vẫn còn nhát gan, có người đã dùng giọng điệu vừa châm chọc vừa dụ dỗ mình đi tìm sự thật về một hồn ma đồn thổi. Có lẽ là từ lúc ấy, dần dần không sợ nữa.
Đằng xa có tiếng động, người phía sau lập tức căng thẳng. An Thái vỗ tay cậu ta trấn an, chắc là mấy con thú thôi, An Thái cũng bị chó mèo ở nhà doạ như vậy hoài. Lại thêm tiếng sột soạt, Cao giật mình, liền hối thúc An Thái nhanh chóng đi khỏi, tay đẩy mạnh, chân cũng bước lên. Mặt đất mọc đầy bụi cỏ, những nấm mộ chen chúc nhau, thậm chí khoảng cách giữa hai mộ chẳng đặt vừa bàn chân, mặc dù đã cẩn thận dò đường, có khi vẫn phải bám tay vào mấy tấm bia mới đứng vững. Giờ Cao đẩy vội như vậy, An Thái không kịp chuẩn bị, sẩy chân té nhào. May là cậu ta đẩy không mạnh lắm, cũng kịp kềm người sẵn kéo An Thái, không đến nỗi chúi nhũi xuống đất.
Có tiếng va chạm khô khốc. An Thái lấy lại thăng bằng bèn quay sang hỏi thăm Cao. Tay phải cậu ta nắm trước ngực, bỗng nhiên cậu ta cúi xuống đất, vừa gạt đám cây cỏ vừa lẩm bẩm, giọng nói gấp gáp.
Nhặt đèn lồng lỡ tay đánh rơi, may mắn vẫn chưa tắt lửa, An Thái hỏi Cao đang tìm gì. Cậu ta không trả lời, chỉ quýnh quáng một mình. An Thái muốn giúp cậu ta, nhưng đối phương không hợp tác nên đành đứng cầm đèn soi. Nhìn cậu ta vội vàng như vậy, lại nhớ cái vẻ ngạo mạn thường ngày mà ngay cả người hiền lành như An Thái cũng đôi khi, thỉnh thoảng, muốn đánh bay khỏi gương mặt cậu ta, trong bụng không kềm được nổi lên vài ý nghĩ thoả thuê xấu xí. Giả vờ ho một tiếng che miệng cười, thì cậu ta đã nhặt gì đó dưới đất lên, nhẹ nhõm thở phào.
An Thái tức khắc trợn trừng nhìn vật trong tay Cao.
Cha đã từng giơ lên một vật để giảng dạy cho mọi người, đấy là dấu hiệu của thứ tín ngưỡng tà đạo đến từ một đất nước đang rình rập chúng ta, ai bị nó lung lạc tiêm nhiễm sẽ trở thành kẻ bất hiếu khi quân phạm thượng, đi ngược lại những lề ngay thói cũ mà chạy theo thứ niềm tin sai quấy, không chỉ vứt bỏ đạo làm người do cổ nhân truyền dạy mà còn đạp đổ bàn thờ tổ tông, nếu thấy bất cứ ai mang theo nó thì nhất định phải báo ngay, việc cố tình che giấu sẽ bị trách phạt, còn người mang nó phải chịu tống giam chờ bề trên phán xử. Lúc ấy đã rất chú tâm nghe, trong bụng e sợ dã tâm của đất nước xa lạ có thể khiến người ta thay lòng đổi dạ này. Mà nay vật Cao cầm chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay, vừa nhặt lên liền giấu vào ngực, An Thái cũng không biết mình có nhìn đúng hay không, há miệng muốn nói, lại không biết nói gì.
Sau khi cất kỹ đồ vật của mình, Cao mới nhận ra khác thường của An Thái. Cậu ta hươ tay, rồi tiến tới khom lưng nhìn vẻ mặt đối phương. Bóng ngược hắt lên làm méo mó khuôn mặt, càng lộ rõ vẻ phân vân cùng do dự. Tiếng côn trùng lúc này càng lúc càng vang dội, ong ong, vọng thẳng vào đầu vào trán. Rõ ràng sương đêm lạnh giá, mà mồ hôi rịn từng giọt sau lưng.
Thận trọng, từng chút một, Cao đưa tay giữ lại đèn lồng đang rung lắc, hạ giọng thì thầm vừa đủ để cả hai nghe:
"Cái đó trừ tà."
"..."
"Tôi sợ ma, đem theo nó giống như... như... bùa của mấy người."
An Thái chậm chạp ngước nhìn Cao. Cậu ta đối diện với ánh đèn, những đường nét góc cạnh sâu hoắm ẩn hằn một gương mặt lạ lẫm. An Thái luôn biết con người này, ngoài bộ quần áo khoác trên thân, không có lấy nửa điểm tương đồng với mình, nhưng chỉ trong nháy mắt đó, hơn bất kỳ lúc nào, dường như mới thấu hiểu toàn bộ sự khác biệt ấy. Vô số nghi vấn bỗng chốc nảy ra, đập tan cảm giác an toàn, nhịp tim theo đó cũng dần rối loạn. An Thái bất giác thả tay, rụt người, nỗi sợ từ nơi nào bắt đầu nhen nhóm, thôi thúc ý nghĩ chỉ muốn lao vào bóng tối mà nấp giữa những nấm mộ, rời xa khỏi kẻ này.
Thấy đối phương cảnh giác, Cao giơ tay ngang đầu không nói nữa, lẳng lặng cầm đèn lồng lùi một bước đứng chờ. Dáng người dong dỏng chùng xuống, tia nhìn thấp thỏm không yên cảnh giác xung quanh, nhưng phần lớn thời gian vẫn dán vào An Thái, mơ hồ tội nghiệp như con thú bị bỏ rơi. Dáng điệu ấy, vào trong mắt An Thái, lại tựa tên đã lên nỏ chực chờ phóng tới, không dám có chút lơi lỏng dò chừng.
Cả hai cứ im lặng như vậy dường như đã thật lâu. An Thái vẫn không biết nên làm thế nào, một cái liếc mắt, đường nhìn hai bên lại vô tình chạm nhau. Giữa ánh đèn mờ ảo, từ vỏ bọc đèn lồng rọi lên, sắc xanh trong con mắt kẻ đối diện càng thêm thăm thẳm. Một thoảng lạc trong khoảng xanh ấy, An Thái lại nhớ đến những tia sáng thỉnh thoảng lóe qua, cái nhếch mép vỗ vai, những lần ngón tay chỉ vào mẫu thêu do mình thiết kế... An Thái bấy giờ mới nhận ra, sợi dây liên kết mỏng manh vừa nảy sinh liền bện kết, ngay cả Cao Phong cũng chưa từng một lần bận tâm tìm hiểu chúng. Ấm ấp của sự đồng cảm khác thường đó bắt đầu cuộn lên như sóng, xô đẩy chất chồng lên nhau, tơ vò trăm mối thi nhau giãy giụa, bám víu, cuối cùng khi mọi thứ đã rút xuống, đọng lại chỉ còn một ý nghĩ: không muốn mất đi mối liên kết này.
Hít mạnh một hơi, trấn định trái tim đang dồn dập trong lồng ngực, An Thái liều mình đánh cược. Chìa tay, cố giữ giọng nói thật bình ổn:
"Đưa đèn đây, tôi soi đường."
Cao rõ ràng kinh ngạc, sững sờ một lúc mới quýnh quáng trao trả đèn lồng. Lúc đưa qua, cậu ta bỗng chộp lấy cổ tay An Thái. Giật mình rút mạnh, cậu ta giữ rất chặt, hốt nhiên thổi bùng hoảng loạn khó khăn lắm mới dằn xuống được. An Thái lập tức hối hận đã đưa tay.
Cảm nhận sự chống cự, Cao có vẻ nấn ná, sau đó rất nhanh nhét thứ mình đang cầm cho An Thái rồi buông ra, xoay đầu, gương mặt giấu ở nơi An Thái nhìn không thấy, lí nhí nói một câu ngoại ngữ An Thái nghe không hiểu. Hồi tĩnh rồi mới chợt nghĩ, có lẽ cậu ta chỉ là đang tìm nơi bấu víu.
"... Đi nhanh lên, đừng để nhóm sau chờ lâu quá."
Quay lưng dợm bước, cảm thấy người phía sau nghe vậy thì liền tiến đến, bàn tay to lớn ướt mồ hôi của cậu ta dè dặt đặt lên vai mình. Lần này, An Thái kềm người không trốn tránh.
"Sắp có mẫu thêu mới, lúc đó nhớ cho ý kiến."
Rất lâu sau, giọng nói của cậu ta mới vỡ ra, "Ừ", ngập ngừng một chút, thì thầm, "Cám ơn."
Trái tim vẫn chưa hoàn toàn an tĩnh, trong vô số hỗn loạn điên cuồng sau đó, An Thái vẫn nhớ rõ, đấy là lần đầu tiên hiểu được tâm tình của Bá Nha khi gặp người thanh niên bên bờ sông nọ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro