Chương 2-1
Nắng rọi xuống những luống hoa. Luống hoa vẫn chưa trổ bông nào. Cũng phải, An Thái thầm đếm, lần cuối ra hoa mới cách đây một tháng.Đưa tay vuốt ve thân cây khẳng khiu, sắc trời xanh mướt trải vào mắt, lúc này mới nhớ đến cơn mưa vừa dứt. Thân thể thấm đẫm cái lạnh liền rùng lên, cánh tay rũ rượi thả xuống, bất giác từ ngón trỏ nhìn về phía bầu trời xa thẳm, có bóng trắng đang chậm rãi đong đưa.Một con diều. Ai đó đang thả diều.
An Thái chợt nhớ, mình đã từng có một con diều.
...
Ngày hôm ấy đầy nắng và gió.
Cái khí trời oi ả hực lên, chút mát mẻ liền bị hong khôcho queoquắt. Nóng đến cơn buồn ngủ cũng trốn điđâumất. An Thái mở hé cánh cửa, theo thói quen kéo gối ra hiên nhà nằm. Úp bụng xuống đất, một tay chống cằm, một tay quẹt mấy nét cọ lên tờ giấy trắng tinh. Chẳng bụng dạ nào mà vẽ tới vẽ lui, rốt cuộcra một đống be bét. Vò nát tờ giấy định ném đi thì thằng Vĩ từ đâu nhảy xuống, dộng vào sàn gỗ đánh "uỳnh" một tiếng. An Thái suýt nữa đã nhảy dựng lên hét toáng, quờ quạng thế nào làm xổ cả xấp giấy vẽ xuống sân. Ôm ngực định thần, liền vội đẩy thằng bạn xuống gầm sàn rồi thò đầu ra nghe ngóng. May đấy, hình như chẳng có ai để ý tiếng vừa rồi!
Nhìn thằng bạn đang tò mò ôm đống giấy, An Thái nuốt nước miếng nhẩm lại. Hôm nay đã là ngày thứ bảy. Bảy ngày, từ lần cuối thằng Vĩ ghé thăm. Ngày đầu là háo hức trông mong, ngày hai ngày ba là âm thầm chờ đợi. Ngày bốn, cảm thấy hơi nôn nóng. Ngày năm bắt đầu thắc mắc, cái thằng này sao mãi chẳng ghé qua. Bắt thang lên đầu tường ngó cũng không thấy đâu. Lũ trẻ hàng xóm vẫn chơi đùa bên đó, chẳng qua thiếu đi đứa cầm đầu thì hợp tan chóng vánh hơn. Dỏng tai nghe ngóng, giữa những tiếng cười đùa, thì thằng Vĩ bị cha nó bắt đi làm ăn xa rồi, hay hình như bị kéo vào vụ xích mích với xóm khác, dùng đến cả dao cả rựa, giờ đang nằm ở nhà. Nghe tới nghe lui, chỉ biết một điều, thằng Vĩ cũng đã vắng mặt trong xóm được chừng ấy thời gian.
Tối ngày thứ sáu, An Thái trùm chăn kín đầu. Chuyện gì xảy ra với thằng Vĩ rồi? Chuyển nhà đột ngột? Bị bắt cóc? Hay bị chém đến nằm bẹp ở nhà như lũ trẻ kia nói? Có cái gì đó dồn lên cổ rồi nghẹn lại, cố nuốt thế nào cũng không trôi. An Thái quẹt tay ngang mắt, trong đầu cứ hiện lên hình ảnh thằng bạn qua rất nhiều câu chuyện, mà mỗi câu chuyện đều chẳng mấy vui vẻ gì. Cả một ngày dài ai cũng bảo nó thất thần, không tập trung nổi đến nửa khắc. Mọi người hỏi han nó đủ điều. Uống thuốc chưa đấy? Thấy mệt trong người sao? Có chuyện gì thì nói ra đi, cứ thế này chỉ khiến mọi người càng thêm lo lắng.
Lo lắng?
An Thái tròn mắt không hiểu. Cao Phong mỉm cười giải thích. Là cảm giác bồn chồn, như kiến bò trong bụng, như lửa cháy trong lòng. Lúc nào cũng thấp thỏm, lúc nào cũng không yên. An Thái nghe vậy mới nhíu mày suy nghĩ, được một chốc thì ngây thơ hỏi, lúc nó bị đau bụng tiêu chảy cũng là do lo lắng phải không...
Làm cả buổi chiều còn lại, ai thấy mặt nó cũng tủm tỉm che miệng cười.
...
- Mày vẽ đó hả?
Thằng Vĩ bật hỏi, mắt vẫn cắm vào đống giấy, giọng không giấu vẻ ngạc nhiên. Thật là mày vẽ đó hả, công tử bột?
Vẽ đẹp đấy chứ! Chơi với nhau bao lâu rồi, thỉnh thoáng thấy cứ hí hoáy gì đó, tới gần một chút thì liền giấu tiệt đi. Ai ngờ lại vẽ đẹp như vậy. Chậm rãi xếp những bức vẽ lên sàn. Hình tụi nhỏ trong xóm này, sáu con chó con mới đẻ, đàn vịt lội nước, bông hoa rụng trước hiên nhà, đây là cảnh cả nhà chơi thả diều, còn hình này... hình như là thằng ở nhờ thì phải, nó biết chơi đàn à?
Hỏi mãi không thấy trả lời, thằng Vĩ mới ngẩng lên. An Thái đang khoanh tay trước ngực, quay mặt đi một cách cường điệu. Thằng Vĩ nghiêng đầu thắc mắc, rồi nóbật cười, đang dỗi đấy sao, công tử bột?
- Tao có việc riêng của tao, đâu phải lúc nào cũng rảnh mà đi chơi với mày.
Biết là vậy, nhưng lo thì vẫn lo, ức vẫn cứ ức. Nuốt vào bụng không được, thì ném vào thằng này.
- Nè, tao cực khổ lắm mới leo vào đây được đó.
Thằng Vĩ chỉ lên đám lá cành chi chít nhoài ra ngoài bờ tường. Giữa nách nhánh cây to khỏe là một đám dây leo rũ xuống, có cái thân mập như cổ tay, có cái chỉ bằng sợi dây chão, theo lời thằng Vĩ thì đó là rễ cây. Nhưng cây gì lại đi mọc rễ ở giữa thân chứ? An Thái hừ một tiếng, vẫn không chịu nhìn thằng Vĩ, xem ra đã quyết chí để bụng. Thằng Vĩ gãi đầu một hồi mới nói. Mày biết tao không vào chơi với mày mãi được không? Mấy cái rễ đó không khỏe lắm đâu, trẻ con như tao thì trèo được, chứ người lớn là đã đứt từ đời nào rồi.
An Thái đảo mắt ra chiều suy nghĩ, nhưng trong bụng rõ là đã dao động lắm. Thằng Vĩ im lặng thêm lát nữa, bỗng đứng lên đi về phía bờ tường. Được rồi, mày ghét thì tao về, sau này không tới làm phiền mày nữa.
Đi được vài bước đã bị kéo áo lại, quay đầu thấy thằng nhỏ mắt ngân ngấn nước, mím môi như muốn nói gì đó. Răng cắn chặt, mặt từ từ đỏ lên. Tại sao lâu vậy không qua chơi mà không cho biết trước? Tưởng Vĩ gặp chuyện gì rồi. Có biết An Thái lo lắng đến mức nào không? Lúc nào cũng đợi ở đây, Vĩ tới thì vui rồi, không tới chỉ biết ngồi chờ mà phỏng đoán. Nghe tụi nhỏ nói Vĩ gặp chuyện, cứ sợ mãi không thôi, muốn trốn ra tìm mà biết tìm ở đâu. Càng chờ thì càng sợ, lồng ngực cũng càng lúc càng đau. Phải chỉ Vĩ cho biết trước lúc nào sẽ ghé qua, phải chỉ nếu tới không được thì báo cho một tiếng, phải chi… Nói tới đâu, nước mắt trào ra tới đó.
- Rồi rồi, mày làm ơn... nín giùm tao cái!
Thằng Vĩ bối rối vỗ lên đầu An Thái, nhưng cái cảm giác dồn nén mấy ngày qua đã tràn đến không cách nào cứu chữa. An Thái càng khóc nhiều hơn, rấm rức, hai tay siết lấy gấu áo thằng bạn sống chết cũng không buông. Thằng Vĩ không khỏi chửi thầm trong bụng, thằng tao này không phải là đồ chơi! Nhưng rồi cũng không cách nào mà cáu nổi, nhất là với gương mặt An Thái lúc này: mắt mở to một cách đáng thương, hai má phùng lên do mím môi cố không phát ra tiếng, nước mắt nước mũi thì nhoe nhoét, vừa thấy gớm vừa thấy mắc cười, suýt tí nữa đã không nhịn được mà phụt ra.
- Tao đầu hàng!
Giơ hai tay lên trời, thằng Vĩ ngửa đầu cảm thán. Quay bước về phía bụi rậm dưới gốc cây, kéo theo thằng nhỏ mít ướt đang càng lúc càng cuộn gấu áo nó lên cao, cúi xuống lục lọi gì đó rồi thảy ra một mảng màu trắng lên mặt thẳng nhỏ.
Mùi chua chua và dính nhớp len vào mũi An Thái, nó từ từ nín khóc. Giơ tay kéo xuống, không quên lấy ống tay áo chùi mặt, bèn thấy một tờ giấy lớn xỉn màu dán vào hai cái nan tre cột hình chữ thập, phía đuôi còn đính mấy sợi giấy dài. An Thái nấc thêm vài tiếng rồi ngước đầu muốn hỏi, nhưng lập tức bị giọng nói sang sảng của đối phương át mất:
- Diều! Chưa thấy bao giờ hả?
Nó cười toe toét, xong đội cái nón lá lên đầu An Thái rồi kéo tay lôi tuột đi, trên tay kia nó cũng cầm một con. Gió thốc cái nón làm sợi dây chẹt vào cổ An Thái, thằng nhỏ vừa loay hoay gỡ vừa cố giải thích. Không, không phải An Thái chưa từng nhìn thấy diều. Trong cái tủ lớn ở góc phòng có xếp mấy con, bằng giấy trắng phao, hình vẽ sống động và còn thơm mùi mực mới; hoặc thỉnh thoảng ngước lên bầu trời phía bên kia tường vây, nó thấy hàng dãy neo như những con cá vừa nhất loạt cắn câu. Không phải đâu. Cái An Thái muốn hỏi thằng Vĩ là, đống que và giấy này đều do Vĩ tự làm lấy hay sao?
Khoảng đất trống hiện ra trước mắt hai đứa nhỏ, câu hỏi vụn vặt cũng nhanh chóng trôi tuột đi. Thằng Vĩ giơ con diều lên và chạy. Cánh diều chỉ bằng ba gang tay, chẳng mấy chốc đã bắt gió rồi lảo đảo lượn vòng.
An Thái chợt nhớ, một ngày nào cũng một mùa nổi gió, mình đã từng chỉ lên bầu trời mà nói, trời hôm nay lốm đốm quá. Cha mẹ phì cười đặt vào tay An Thái, bảo con diều này định lát nữa mới đưa. Trong lòng liền nôn nao trông ngóng, không ngừng đòi hôm nào cả nhà sẽ cùng chơi. Nhưng rất nhanh đã học được, lời hứa người lớn thật quá đỗi mong manh. Đứa trẻ dồn hết tâm sức, nài nỉ một cái gật đầu. Rốt cuộc chỉ là phút cao hứng, hay ậm ừ cho qua chuyện, nên khi đứa trẻ sung sướng chạy đi, thì liền quên ngay lập tức. Đến lúc nhìn gương mặt buồn bã mới nhớ ra, hình như đã có chuyện gì đó, bèn cười trừ dúi cho chút quà cùng lời hứa hẹn khác. Cứ như vậy, diều càng ngày càng chất chồng trong tủ, lời hứa cũng ngày càng xa, mà nôn nao dần đọng thành chán nản. Giờ nhìn thằng Vĩ thả diều, cảm xúc hôm nào bỗng chốc òa trong ngực. Diều bay càng cao thì tim đập càng mạnh, và khi An Thái nhận ra mình đang đứng ngóng cổ ngẩng ngơ, thì đôi cánh trong tay thằng Vĩ đã chỉ còn là một chấm trắng neo xa.
Đứa nhỏ cúi xuống, cảm thấy đôi mắt cay xé. Cánh diều này rồi sẽ tung thật cao trên bầu trời xanh thắm ấy?
...
Con diều của An Thái không bay được.
Nó quay mòng mòng rồi cắm đầu xuống đất, được bốn lần như vậy thì gãy đôi. Thằng Vĩ cười xòa, trêu tại ai kia không biết thả. Nhìn cái liếc mắt của thằng bạn, nó nhún vai, thôi để lần sau làm con khác tốt hơn. Ngẫm nghĩ một chút, bỗng nó nói thêm, ba ngày nữa ghé lại.
An Thái nghe mà sững sờ ngạc nhiên. Cảm giác vui sướng bắt đầu ngập vào nó, chậm rãi rồi dồn dập. Không ngăn được nụ cười căng lên, nó nhào tới ôm lấy cổ thằng Vĩ. Thằng nhóc giật mình đến sững người, sơ sẩy một chút, đã để sợi dây vuột khỏi tầm tay. Cơn gió to quét tới, cuốn phăng con diều lẫn cuộn dây đi mất. Hai đứa nhỏ chỉ kịp kêu một tiếng, con diều đã bị quăng quật rồi ném xuống khu nhà cũ bỏ hoang.
Gió lặng, mọi âm thanh như tắt ngấm xung quanh, chỉ dội lại tiếng thình thịch bên tai. An Thái ngước lên, lần đầu tiên thấy thằng Vĩ biểu lộ một sự e ngại khi nhìn về phía khu vườn um tùm không người chăm sóc đó. Đi về. Thằng Vĩ đẩy An Thái ra, hạ thấp giọng xuống khô khốc. Hôm nay chơi tới đây thôi.
Nhưng còn con diều? An Thái chỉ vào khu vườn, vừa dượm bước liền bị nắm lại. Bỏ đi! Thằng Vĩ lắc đầu, kéo An Thái về nhà. Bay vào đó thì coi như mất rồi, đừng tìm làm gì cho mất công.
Vừa chạy theo thằng Vĩ, An Thái vừa ngoái đầu nhìn lại. Chỗ đó cũng thuộc nhà An Thái mà. Thằng Vĩ vẫn cắm cúi bước đi. Gió lại nổi lên tán ra những âm thanh xao xác. An Thái không biết? Thật sự không biết chút gì sao?
Đã bao giờ dùng cái đầu tí teo này thắc mắc, trong khu nhà cũ có gì để bị bỏ hoang?
...
...
Có rận.
Cao Phong đã xám ngoét mặt mày khi phát hiện chuyện động trời đó.
Lúc hai đứa nhỏ chuẩn bị đi tắm, An Thái vừa thay đồ vừa than, người dạo này hay bị ngứa ngáy. Cao Phong cởi áo thì thấy cổ và lưng thằng nhỏ có vài vết mẩn, vội vàng gọi người hầu lại xem. Một cuộc tổng vệ sinh lập tức diễn ra ngày hôm sau. Hai đứa nhỏ vốn không phải làm gì, để trong nhà chỉ tổ vướng tay vướng chân, nên quyết định sẽ gửi lại nhà thầy dạy. Đối với An Thái, việc này thực sự đáng ăn mừng, vì đây là một trong những dịp hiếm hoi nó được phép đến với “thế giới bên ngoài”.
Buổi sáng hôm ấy An Thái dậy thật sớm, không cần Cao Phong phải gọi như mọi khi. Chuẩn bị xong, tay ôm tập vở đã sửa soạn từ hôm qua, bồn chồn đứng đợi sẵn ở cổng. Cũng giống lần đầu tiên, cả thế giới chỉ đơn giản là tràn qua khe cửa đang từ từ hé mở. Một hỗn hợp âm thanh rót vào tai, đôi mắt cũng choáng ngợp bởi một trời màu sắc. Xa phía bên kia bức tường xám xịt, là những dãi màu đang không ngừng lưu chuyển, không ngừng hòa vào nhau. Trên trời lam dưới đất vàng, điểm lên cái nền lấm tấm lục là một góc hoa giấy hồng rợp, hay hàng rào thiên lý vàng cam, hay đơn sơ là rắc vụn vàng của hàng hoa hoàng hậu. Trong đám đông áo nâu tụ tập dưới những gốc cây, có người ngồi chân gác lên chiếc ghế gỗ mun đen, chân kia xoãi ra nền đất bụi, tay cầm tách trà sứ trắng, miệng phun phì phì mấy bãi đờm xuống đất; có người ngồi thẳng lưng, màu da loang loáng theo từng cái múa tay múa chân, mà miệng cũng không ngừng nhảy múa. Có mấy gánh hàng rong san sát nhau trong một góc, nồi đất đen bóng ngồi cạnh khăn rằn xám kẻ sọc, trang sức lấp lánh cạnh bán mẹt bán thúng vàng úa thô sơ. Trong cửa hàng có chất chồng toàn cây vải, sặc sỡ mà lại hòa hợp vô cùng; hay có cửa hàng bán cẩm thạch, từ trong ra ngoài, ngập đầy sắc lục xanh biên biếc. Một thế giới rất nhiều người, rất nhiều màu sắc. Rất ồn ào, cũng thật náo nhiệt làm sao.
An Thái chồm người tới trước, nhìn trái nhìn phải, càng nhìn thì chân càng muốn bước đi. Cao Phong nắm tay đứa nhỏ giữ lại và quay sang người hầu. Gọi xe đi, anh Danh. Đứa trẻ điềm tĩnh nói, tay chỉ vào nhóm xe kéo đang đợi khách dưới gốc cây đa.
Đỡ An Thái lên xe, Cao Phong cũng ngồi vào bên cạnh, không quên kéo nóc xe lên cao thêm một chút. Danh bước song song với phu xe, vừa chỉ đường vừa trò chuyện. Chiếc xe cọc cạch lăn trên con đường đất, rẽ trái rẽ phải, rẽ tới đâu, đôi mắt An Thái cũng tròn xoe mà xoay hết bên này sang bên khác. Cao Phong nhìn mấy con chim kìa, sao thả ra khỏi lồng rồi mà nó chỉ nhảy dưới đất. Đó là chim sáo, bị cắt cánh nên không bay được. Con mèo đang trèo trên mái nhà. Mèo đen xui lắm, đừng để ý. Người đó bán tò he, An Thái cũng muốn một con... An Thái cứ như vậy mà tíu tít, Cao Phong cũng cứ như vậy mà trả lời, Danh và phu xe chỉ cười cười không nói. Cứ như vậy mà đi, chẳng biết khi nào đã ra vùng phụ cận ngoại ô.
Nhà thầy đồ ở phía bên kia con sông, nước chảy êm đềm dạt mấy khóm lục bình trôi, có chiếc cầu tre nhỏ bắc ngang, xe không đi được nên ba đứa phải tự qua. Xuống khỏi cây cầu, men theo con đường mòn một chút, sẽ thấy giữa hàng chuối già lúp xúp có một hàng rào và một chiếc cổng tre, nhìn vào là căn nhà nhỏ vách đất khang trang, phía trước có con ngỗng trắng phao đang đứng nghểnh cổ đầy cảnh giác. Danh cất tiếng gọi, thầy đồ liền ra xua con ngỗng đi rồi mở cổng dẫn mấy đứa vào. Nhà thầy nhỏ nhưng ngăn nắp sạch sẽ lắm, nội thất cũng đơn giản: Bàn thờ treo trên cao, giữa nhà là chiếc bàn tròn cùng vài chiếc ghế, tấm phản đen đặt sát bức vách ngăn với buồng trong. Ba người ngồi vào đã có cảm giác chiếm hết chỗ.
Thầy đồ hôm nay mặc chiếc áo dài màu nâu sậm, áo rộng hơn khổ người nên trông thầy có chút ốm o. Thầy cũng chưa đến nổi già, có điều râu tóc đã bị nhuốm màu muối tiêu, có lẽ do máu xấu. Gương mặt nếu nhìn kĩ một chút, thì da dẻ còn mịn màng lắm. Nghe đồn thời trẻ thầy rất tài hoa, thi cũng đỗ cao đấy, nhưng lỡ chuộng lòng vùng quê yên ả nên sau ba năm đã từ quan về đây dạy học, thỉnh thoảng còn nhận trông giùm lũ trẻ hàng xóm. Không phải do nhà nghèo, thầy giải thích, cuộc sống hiện tại khá dư dả, chẳng qua thích trong nhà có con nít nên nhận trông vậy thôi. An Thái không thể không thắc mắc, vậy tại sao thầy không lấy vợ sinh con đi, có điều không dám nói ra khỏi miệng.
Nói chuyện phiếm một lát thì kêu hai đứa nhỏ mở tập học bài.
...
Giờ học buổi sáng nhanh chóng trôi qua, thoắt cái đã đến giờ ăn trưa. Thầy đồ vươn vai đứng dậy, hỏi mấy đứa thích ăn gì. Cao Phong đáp, anh Danh có mang theo nhiều lắm, mời thầy cùng dùng chung cho vui.
Danh nghe vậy bèn đặt chiếc hạp mang theo lên bàn rồi bắt tay vào dọn. Hạp vừa mở ra, mùi thức ăn đã tràn khắp nhà, nước miếng cũng theo đó mà tươm đầy vòm miệng. Thầy tấm tắc khen vài tiếng, rồi ra vườn lặt vài miếng rau, vài trái đậu ròng đem luộc một chút. Thầy nói, mấy thứ này ăn riết rồi quen, không có tự dưng ăn cơm không ngon. Lấy thêm chồng chén trong chạn, vừa ngoảnh lại đã thấy Danh bày sẵn hai bộ chén đũa. Xin thầy thứ lỗi, Danh cúi đầu, cậu chủ sức khỏe không tốt, nhà chỉ cho phép dùng đồ riêng. Thầy cười bảo không sao, bày phần mình ba bộ xong thì quay về phía buồng trong mà gọi: "Văn, ra ăn cơm!"
Lát sau, một người thanh niên bước ra.
Gật đầu với mấy vị khách, Văn tự nhiên ngồi xuống bàn, có vẻ không bận tâm đến người lạ. Trái ngược với An Thái. Thằng nhỏ lấm lét nhìn Văn, sau đó ngồi sang phía bên kia. Bốn người đã yên vị mà vẫn còn dư ra một chỗ, hai đứa nhỏ bèn ngước lên hai người lớn, thấy họ đều đang nhìn vào Danh vừa đứng lùi về đằng sau.
Thầy đồ ngoắc gọi: “Nhỏ, sao không ngồi đi?”
Cả ba đứa đều bất ngờ. Danh lúng túng đáp, con là đứa ở, rồi dợm cầm chén đũa của mình lên. Văn liền kéo Danh lại, “Ngồi xuống đi, nhà còn chỗ nào đâu.” Danh đưa mắt về phía tấm phản, nhưng thầy đồ đã xua tay, người hầu cũng là người, ngồi ăn với nhau, không đi đâu hết!
Đến nước này thì đành ngồi xuống ăn chung. Danh kéo ghế xa hơn Cao Phong một chút, đến gần như vai chạm vào vai Văn. Thầy đồ nhìn cậu nhỏ ngượng ngập cúi gương mặt đỏ ửng, bèn lắc đầu, cái thằng này, ngồi vậy làm sao mà ăn? Văn khẽ mỉm cười nhích qua chừa thêm chút chỗ. Thôi ăn đi, đồ ăn nguội hết bây giờ.
Mọi người chuẩn bị cầm đũa lên rồi, thầy đồ mới giới thiệu, Văn là em trai thầy.
Hai người cách nhau mười lăm tuổi, ở giữa còn ba người con gái đã lấy chồng rồi. Cha mẹ mất hết nên hai anh em nương nhau mà sống. Văn không giỏi văn chương, thi trượt hai lần đã không muốn theo con đường quan lại nữa, cũng chẳng đủ dũng khí để mà xung quân ra trận. Sau vài cuộc tranh luận, đôi trận cãi vã, thì quyết chí đắm mình vào điêu khắc. Làm mấy thứ tào lao, thầy đồ thở dài, vậy mà cũng kiếm được chút đỉnh, tụi con nít khoái lắm.
Văn lại không nói nhiều, cả buổi chỉ cắm cúi ăn, ai hỏi gì thì trả lời nấy. An Thái âm thầm quan sát. Nước da trắng trẻo, gương mặt tuấn tú, thân người khỏe mạnh, Văn một chút cũng không giống thầy đồ. Càng không giống người hầu lúc nào cũng cúi đầu, lúc nào cam chịu như Danh. Ở Văn có gì đó mơ màng nhàn hạ, đôi mắt nhìn thẳng nhưng dường như không phản chiếu gì từ những thứ đằng trước. Biểu hiện này, lạ lùng thay, lại khiến An Thái nhớ đến dáng vẻ Cao Phong mỗi lúc chơi đàn. Nhắm mắt cũng có thể mường tượng được, khi dạo nhạc thì đầu hơi cúi, sống lưng thẳng, ngón tay dài mảnh đều đặn nhảy múa, đến lúc say sưa sẽ khẽ mỉm cười, mắt hơi khép, cả người bất động, toàn bộ tâm sức đều dồn vào hai bàn tay. Cái ánh nhìn xa xắm lúc ấy như biểu lộ, rằng chẳng còn gì bên trong nữa, cả con người, cả sự tồn tại, đều trút theo từng nốt nhạc rời đi, cái thân xác này chỉ còn lại chiếc vỏ rỗng mà thôi.
Và chẳng biết làm sao, An Thái cảm thấy mình dường như hiểu được điều gì.
...
...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro