15. Chiến thắng
Chưa bao giờ bản nhạc Quốc ca lại vang lên hào hùng đến vậy. Bài hát vốn quen thuộc với tất cả mọi người, đủ mọi tuổi tác, giới tính và tầng lớp, nay ở trong bầu không khí này bỗng chốc trở nên lạ lẫm. Lạ, không phải là vì lời hay nhạc, cũng không phải vì người ta quên, mà là vì tôi chưa bao giờ hát Quốc ca trong niềm tự hào bất tận như thế này.
Tự hào khi nhìn biển cờ đỏ rực như tình yêu của người hâm mộ.
Tự hào khi nghe hai tiếng "Việt Nam" vang lên ở đấu trường châu lục, ở giải đấu mà người ta vẫn luôn cho rằng qua được vòng bảng là kỳ tích.
Tự hào vì đã vượt qua cái danh "đội mở đường" bị gán ghép vô căn cứ mà tiến thẳng vào vòng chung kết.
Và hơn thế nữa, tự hào về chính bản thân và những người đồng đội của mình, về cái cách chúng mình cố gắng, về cái đam mê luôn cùng nhịp đập với trái tim hực lửa.
Tiếng còi khai cuộc vang lên, đầy hi vọng và phấn khích.
Tôi nheo mắt nhìn theo trái bóng vàng hòa lẫn vào mặt sân đầy tuyết. Trước mắt tôi chỉ là một màu trắng xóa, với những đốm đỏ li ti như đốm lửa. Ngay cả đội bạn cao lớn là thế, tôi vẫn không tài nào định vị được.
Phải làm sao đây?
Mọi người có vẻ chật vật lắm, tóc ai cũng ướt nhèm vì tuyết tan, lại thêm cái lạnh thấm qua lớp quần áo mỏng manh, trực tiếp xông vào da thịt. Ấy vậy mà, trong làn tuyết, những đốm lửa ấy vẫn tiếp tục cháy, cháy mãi, dù chỉ là những tia nhỏ lách tách mong manh như bếp lửa của bà trong sương sớm.
Đội bạn được hưởng một quả phạt góc ngay phút thứ 7. Chàng cầu thủ áo trắng xoay người tung một cú đá hiểm hóc kiến tạo cho đồng đội đánh đầu. Tôi lập tức bay người để đón bóng, nhưng lại chẳng thể với tới được. Trái bóng cứ thế nhẹ nhàng bay thẳng vào cầu môn, đá bay đi cả nỗi niềm quyết tâm của tôi. Lúc đó, cả khán đài như chùng xuống, mặc cho cổ động viên Uzbekistan có đánh trống khua chiêng ầm ĩ, đối với tôi nó vẫn im lặng đến không ngờ.
Im lặng đến đáng sợ.
Đây là chung kết. Đây là thời khắc quyết định.
Chỉ mới phút thứ 8, tôi đã để thủng lưới rồi...
Còn 82 phút, hay thậm chí là hơn nữa, tôi sẽ phải vào bóng nhặt lưới bao nhiêu lần nữa đây?
- KHÔNG SAO!!! - Từ trên hàng ghế dự bị, em nhìn thẳng vào mắt tôi, hét lên.
Và rồi như được truyền thêm niềm tin, cả khán đài lại một lần nữa sôi sục, như bàn thắng mới đây chưa hề tồn tại:
- VIỆT NAM VÔ ĐỊCH!!!
Tôi sẽ cố gắng! Bằng 200% sức lực của mình!
Dường như bàn thua ấy chẳng làm mọi người nản lòng. Họ vẫn chạy, luồn lách và xông pha như những chàng vệ binh bảo vệ quê nhà. Mặt sân phủ đầy tuyết phần nào cản đường chuyền bóng, có lợi cho lối chơi bóng bổng của đội bạn, nhưng nó không làm mọi người bận tâm. Họ vẫn cứ đẩy mạnh tấn công và tung ra những cú dứt điểm đẹp mắt, dù vẫn chưa thể cầm hòa.
Tuyết rơi ngày một dày, trận đấu buộc phải tạm ngừng lại để dọn tuyết trên sân. Thầy Park gọi anh em vào để bàn lại chiến thuật và nghỉ ngơi lấy lại sức. Chơi trên tuyết thế này một vài phút, rõ ràng là tốn sức hơn cả thi đấu cả hiệp trong thời tiết bình thường. Mặt ai cũng tím tái, răng va vào nhau cầm cập, duy chỉ có ánh mắt họ là giữ được lửa. Ngọn lửa ấy vẫn sáng mãi, cháy mãi, dẫu tuyết có thấm vào đầu buốt cả óc, dẫu màu trắng che lấp ngọn cỏ xanh kia, dẫu gió lùa vào người mang hơi lạnh, ngọn lửa ấy vẫn vẹn nguyên như ban đầu.
Rực rỡ và đẹp đẽ.
Trận đấu lại lần nữa bắt đầu.
Tuyết vẫn rơi dày, đưa mấy phút dọn sân trở về công cốc. Đội bạn bắt đầu chơi mạnh bạo hơn, liên tục đẩy ngã cầu thủ Việt Nam, kể cả trong vòng cấm, khiến một màn ẩu đả giữa hai đội diễn ra. Những người tôi yêu quý là như thế đấy, chơi bóng với một phong cách "hiền" và fairplay, nhưng chỉ cần động đến đồng đội là họ sẵn sàng ăn thua đủ với đội bạn. Những Duy Mạnh, những Đình Trọng, xù lông lên như mấy chú sư tử, cãi cọ qua lại với đội bạn dù chưa chắc đã hiểu nhau. Họ chỉ chịu dừng lại khi trọng tài bắt đầu tức giận lên, và cái gì đến cũng sẽ đến, một pha gài bóng khôn ngoan của Công Phượng đã buộc đối phương phải phạm lỗi.
Việt Nam được hưởng một quả phạt đền!
Góc sút lần này có lợi cho cả Quang Hải và Xuân Trường, nhưng khi Quang Hải nhìn vào anh, anh đã biết mình có thể tin tưởng cậu em này. Tôi cũng thế. Sống với nhau bao nhiêu năm, tôi hiểu rõ thực lực của bạn mình, nên tôi quyết định bỏ cả khung thành để lên xem Hải đá. Một quyết định táo bạo và có phần "ngông", nhưng sẽ chẳng bao giờ là quyết định sai lầm.
Đây là cơ hội san bằng tỉ số cho Việt Nam, một cơ hội ngàn năm có một, nên ai nấy đều mong chờ và trân quý biết bao. Xuân Trường và Văn Thanh cúi người xuống, dùng tay cào tuyết dưới sân, chắt chiu từng bàn thắng một. Khoảnh khắc đó, đã làm tim tôi ngừng lại một nhịp, và tôi biết cả khán đài cũng thế, vì mọi người đang ồn ào đột nhiên lại lặng im. Không biết mọi người đã nghĩ gì vào lúc đó, nhưng đối với tôi, nó hơn cả hai từ cảm phục.
Quang Hải tung một cú sút tuyệt đẹp từ khu vực cách cầu môn 20m. Quả bóng bay theo quỹ đạo cong, như vẽ ra trên mặt sân trắng một cầu vồng. Một cầu vồng trong tuyết, một cầu vồng dẫn người dân Việt Nam đi từ im lặng đến vỡ òa. Đây có thể là một sản phẩm của cá nhân, nhưng lại là một thành quả của cả một tập thể đoàn kết.
Cả khán đài reo lên, to và rõ. Những trống, những kèn, những loa cùng hòa nhịp vang lên bài ca chiến thắng. Cờ và băng rôn mang tên Tổ quốc bay phấp phới trên đất người xa lạ, khiến cả đội ai cũng ấm lòng. Họ chẳng nói chẳng rằng, cùng lao lên người Quang Hải mà ăn mừng bàn thắng, sưởi ấm nhau giữa cái lạnh mùa đông. Những đốm lửa nhỏ, giờ đây đã thành một ngọn lửa lớn.
Không bao giờ tắt.
Hiệp một kết thúc với tinh thần thi đấu quả cảm của toàn đội. Thời gian nghỉ sẽ lâu hơn bình thường, để ban tổ chức dọn sân. Mọi người ôm nhau, tay bắt mặt mừng, hình như cái lạnh ban đầu thường trực trên họ đã không còn.
Em đến bên tôi, ân cần hỏi han:
- Lạnh không?
Sợ em lo, tôi lắc đầu, cố giữ cho bản thân mình không run rẩy trước cái lạnh Thường Châu. Em khẽ cười, lắc lắc đầu, rồi đột ngột nắm lấy bàn tay tôi, thì thầm:
- Lạnh thì nói là lạnh! Giả vờ để tỏ ra cứng rắn à cha nội? Thủ môn có mỗi bàn tay là quan trọng nhất. Bắt bóng mà tê tay thì thôi luôn!
Cách nhau cả một lớp găng tay bắt bóng thật dày, ấy mà sao tôi lại thấy ấm áp lạ thường. Hơi ấm từ bàn tay em truyền đến tận tim tôi nóng rực, cuốn chìm tôi trong hạnh phúc ngập tràn. Trong phút chốc, tôi đã tưởng mình và em như một cặp đôi bí mật, lặng lẽ trao nhau cái nắm tay chẳng ai hay.
Hiệp hai bắt đầu. Như được em tiếp thêm sức mạnh, tôi dễ dàng cản phá được những đòn tấn công dồn dập và liên tiếp của đội bạn. Em được thầy Park tung ra sân thay cho Đức Huy, có lẽ là vì thầy muốn chấm dứt trận đấu trong vòng 90'. Mọi người vẫn chơi đoàn kết và phòng ngự chắc chắn, mặc kệ cho cái lạnh thấm vào từng tế bào trong cơ thể đến tê dại. Sau bàn cứu thua của tôi, Dụng thay Công Phượng ra sân. Trận đấu dần tiến về những phút cuối, không có bàn thắng nào khác được ghi.
Tuyết đã vơi dần, và chúng tôi tiến thẳng vào hiệp phụ mà không cần phải dọn lại sân. Hiệp phụ diễn ra khá nhẹ nhàng với những bàn cứu thua và những cơ hội, nhưng thật tiếc rằng chúng tôi chẳng thể nào dẫn trước. Đức Chinh đánh đầu cận thành, nhưng bóng lại đi chệch cột. Nhìn em ngã trên mặt sân đầy tuyết, vùi mặt vào giữa hai tay, tim tôi đau hơn tất thảy. Ắt hẳn, giờ em đang buồn lắm, phải không em?
Mọi người đều nghĩ rằng sẽ kéo dài trận đấu đến loạt sút luân lưu, nên quay về phòng ngự.
Thế rồi... một cầu thủ đội bạn được thay vào sân. Ngay ở những phút cuối cùng.
Đáng lẽ ngay từ đầu chúng tôi đã phải nhận ra. Đáng lẽ tôi đã phải nhận ra.
Rằng chẳng ai lại đi thay người vào phút cuối, nếu không vì hai chữ chiến thuật.
Từ cút phạt góc, Sidorov ghi một bàn quyết định. Tôi thừa nhận, rằng mình đã quá chủ quan.
2-1 cho Uzbekistan. Một phút nữa là hết giờ, mọi người vẫn hăng hái dẫn bóng, nhưng tâm thế đã không còn quyết tâm.
Tiếng còi mãn cuộc vang lên. Tiếng cổ động viên đội bạn hả hê hô vang.
Chưa bao giờ lại chói tai đến thế.
Chúng tôi bước những bước thất thểu đến khán đài. Tôi lén lút đưa mắt nhìn lên, và thấy họ khóc. Tôi sợ, rất sợ, sợ rằng khi đến đó, họ sẽ vứt băng rôn và cờ ở lại, sợ rằng sẽ nghe những câu chửi rủa từ những người mình đã, đang và sẽ luôn tin tưởng.
Nhưng không.
Khoảnh khắc cả đội và ban huấn luyện cúi người xin lỗi cổ động viên, mọi người vẫn cười, mặc cho mắt ướt nhèm cả đi vì nước mắt.
Có ai lặn lội qua đến tận đây mà không mong chiến thắng chứ?
Nhưng chúng tôi đã cho họ biết cái gì quý hơn cả chiến thắng.
Là tinh thần đồng đội, là niềm tự hào dân tộc, là đam mê, là không bao giờ bỏ cuộc.
Họ nhìn chúng tôi, đầy yêu thương và cảm phục, như những người anh hùng dân tộc, khẽ khàng cất lên bài hát chúng tôi luôn nghe mỗi khi giành được chiến thắng.
Họ hát, mặc cho lời ca mếu máo không rõ, mặc cho lệch cả nhịp, họ vẫn hát.
Tôi chưa bao giờ thấy những cổ động viên nào đáng yêu đến thế.
Họ yêu bóng đá, họ yêu Việt Nam, và họ yêu chúng tôi, bằng cả con tim mình.
Và dù có thua, họ vẫn đã được coi một trận cầu mang tích lịch sử, gay cấn đến tận phút cuối cùng.
Hơn cả những gì gọi là vinh quang.
Không thể phủ nhận rằng chúng tôi khát khao chiến thắng, hơn ai hết.
Chẳng ai có thể giấu được nỗi thất vọng chỉ chực trào ra nơi đáy mắt, với hình ảnh chàng trung vệ Tiến Dũng vốn gai góc trên sân lại khóc òa trong vòng tay đồng đội với khuôn miệng đầy máu, với hình ảnh đội trưởng Xuân Trường lấm lét nhìn cái cúp mà lòng quặn đau, với câu nói của Quang Hải: "Chúng em xin lỗi vì chưa cố gắng hết sức".
Chẳng một ai.
Thắng thua là chuyện thường tình trong bóng đá, em đã nói với tôi như vậy.
Ấy thế sao em vẫn trốn vào một góc hầm mà khóc vậy, hả em?
Trên sân cỏ trắng xóa hôm ấy, có chàng trung vệ Duy Mạnh cắm cao ngọn cờ lên đụn tuyết lấp vội nơi Thường Châu, rồi nghiêng mình kính cẩn cúi đầu.
Cúi đầu xin lỗi Tổ quốc, xin lỗi vì sao nơi ngực trái.
Màu cờ đỏ sao vàng vẫn đứng thẳng, kiên cường, bay mãi trên đất khách.
Một hình ảnh xúc động và rực rỡ.
Sau tất cả, chỉ còn tình yêu nước là ở lại.
-------------------
Type những dòng này mà mình nổi cả da gà các cậu ạ... Thật sự rất đau lòng khi nghĩ về các cầu thủ lúc cuối trận đấu :(
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro