Chương 21
Thế là hai con người ấy bắt xe đi lên thành phố. Người nào cũng ướt hết cả áo, ống quần dính đầy sình bùn. Cậu Ba lấy cái khăn ra lau cho Bảo, anh dịu dàng lau cho khô mặt cậu xong rồi đến mặt mình mới bắt đầu lau tay lau chân. Anh cũng không ngại dơ mà lấy tay phủi sạch bắp chân cho cậu. Đồng thời lấy cái áo khác ra, để Bảo thay. Anh nói:
- Thay đi, không ai nhìn đâu. Không thay thì cảm.
Bảo cũng chẳng sợ ai nhìn mà thay, cậu vẫn còn ngơ ngác bởi chuyện vừa xảy ra.
- Cậu có gom hết quần áo của con không?
Không hiểu tại sao... mấy hôm trước dì Man đưa lại giấy tờ tùy thân lại cho cậu, đưa đột ngột đến mức cậu không hiểu tại sao.
Anh đáp:
- Không nhiều đồ nên cậu gom hết rồi nhồi vào túi. Con... từ nay đừng kêu cậu là cậu Ba nữa. Kêu là anh Khanh đi.
Bảo cảm thấy trống rỗng, cậu sau này biết phải thế nào... Bảo chà xát đôi mắt đỏ au:
- Giấy tờ của co... em để giữa quần áo. Anh kiếm giùm em với.
Khanh nhanh tay lục lọi rồi cầm trúng mấy tờ giấy. Anh lấy ra, đưa cho Bảo xem xong rồi kẹp lại quyển sách của mình. Phải giữ thật kĩ.
Bảo như người vô hồn, dựa vào ghế.
Chiếc xe khách chỉ hơn vài chục ghế, nhưng lại chỉ có mấy người trên xe, thời điểm này chẳng ai đi lên thành phố cả, vé cũng rẻ hơn bình thường, chẳng tốn bao nhiêu.
Khanh còn mấy triệu trong người, là tiền bạc anh tiết kiệm suốt bao nhiêu năm nay, số tiền ấy phải nói là nhiều đối với một sinh viên nhà quê lên thành phố. Kể cả khi ba má không gửi tiền cho anh nữa, anh vẫn sẽ nghĩ cách kiếm tiền.
Việc học thì có học bổng, không cần sợ, chỉ lo nơi ăn nơi ở, nếu Bảo đã đi theo thì anh không ở kí túc xá nữa, có lẽ sẽ đi thuê trọ.
Bảo yếu ớt nói:
- Anh Khanh...
- Anh nói thích là sao...?
Chẳng lẽ cậu bị đuổi đi chỉ vì mấy chữ thích này. Thích là sao? Thích như hai đứa bạn với nhau? Như anh em với nhau? Thích là sao chứ?
Khanh im lặng, cảm thấy chưa thể nói rõ cho Bảo nghe được. Anh siết chặt tay cậu:
- Chờ một hai năm nữa rồi nói. Bây giờ Bảo chỉ cần ở cạnh anh là được.
- Sau này thế nào hả anh... em không nhà, không người thân, tiền cũng chẳng có bao nhiêu...
Càng nói càng sợ, tương lai của cậu bây giờ còn mờ mịt hơn ngày trước.
- Anh thề là anh sẽ lo cho Bảo, anh sẽ tìm việc cho Bảo, chúng ta thuê trọ ở. Anh có tiền.
Khanh quả thật không sợ, nhà thằng Phong cũng có tiền, có gì nhờ nó.
- Nhưng mà... em sợ. Sợ... sau này anh bỏ em, để em hoang mang một mình nơi đất khách quê người.
Mặt cậu hơi trắng, tay chân run lẩy bẩy, một phần vì lạnh, một phần vì sợ hãi.
Anh nắm hay tai cậu chà chà cho ấm lên, còn hà hơi thổi vào. Bên ngoài mưa càng nặng hơn, xe bắt đầu chạy, nó xóc nảy vì vô số cái ổ gà dưới đường. Anh vòng tay qua eo cậu, kéo Bảo dựa vào người mình:
- Yên tâm đi Bảo, anh nói được là làm được.
Hơi ấm của người bên cạnh làm Bảo bớt sợ hãi hơn ban đầu. Người anh Khanh luôn luôn ấm như thế, Bảo chỉ mong anh đừng bỏ rơi mình. Anh bây giờ là người duy nhất cậu có thể dựa vào.
Sau này khi có tiền, ổn định rồi cậu sẽ quay về thăm dì Man cũng anh Nhị, trả tiền cho lão gia.
Khanh cảm thấy mình có chỗ sai nhưng ba má đã như thế, anh ở nhà cũng chẳng có ý nghĩa gì, anh cũng đã làm liên lụy Bảo, thứ tình cảm sai trái của anh khiến cậu bị đuổi... nên bây giờ anh phải chịu trách nhiệm. Phải nói là, anh rất sẵn lòng chịu trách nhiệm.
Xe tành tạch chạy trong cơn mưa, cả hai xem nhau như lò sưởi mà dựa vào nhau ngủ.
Đến trạm dừng chân, anh cùng Bảo xuống xe mua bánh bao ăn, Bảo nói cậu không đói, đừng mua nhưng anh vẫn mua một cái, mỗi người một nửa, ép cậu ăn cho bằng được.
Bảo không nhịn được mà nở nụ cười, chỉ mong anh mãi quan tâm mình, đừng rời bỏ mình. Cậu chủ động vòng lấy tay anh, nép mình gần lại hơn.
Cảm giác có người quan tâm, che chở, làm chỗ dựa cho mình rất tuyệt vời, lấp đầy lỗ hổng trái tim của đứa nhóc như cậu.
Ở cạnh anh rất yên bình, lúc nào cũng thế, chỉ cần ở cạnh anh là tim cậu bình yên đến lạ.
Cô giáo hỏi cậu sau này ra sao? Dì Man cũng hỏi thế. Bảo chỉ có thể trả lời là không biết.
Dòng đời đẩy đưa, ai biết mai ra sau, hôm qua còn vui vẻ ăn cơm, hôm nay đã bị đuổi khỏi nhà. Sợ hãi là thật, lo lắng là thật. Bàng hoàng, hoang mang khiếp đảm, hàng nghìn từ để diễn tả cảm xúc của cậu trong một buổi sáng.
Nhưng nhìn thái độ ân cần cùng ánh mắt tràn đầy yêu thương của Khanh, Bảo như bị thôi miên. Không còn lo lắng nữa, chỉ cần anh.
Bảo hết sợ rồi, cậu tự nói với bản thân mình.
Khanh và Bảo vừa đến thành phố thì việc đầu tiên là anh dẫn Bảo đi tìm thằng Phong để giúp anh tìm trọ.
Anh không kể gì mà chỉ nói đây là em họ mình. Phong giúp anh tìm được một căn phòng nho nhỏ, có gác lửng phía trên, ở dưới là nhà vệ sinh và nhà bếp, phòng khách. Giá rẻ, không quá khó khăn. Số tiền túi hiện tại của anh cũng chống được.
Hai người ngủ ở đó một đêm, ngày hôm sau anh nhanh chóng đi tìm việc làm cho Bảo. Điều quan trọng là nằm kế trường đại học của anh, như thế anh mới quan sát cậu được.
Đi vòng vòng một hồi thì thấy quán cơm sườn để bảng tuyển nhân viên. Cả hai vào nói chuyện một hồi thì thành công giúp Bảo có được công việc, quán này đối diện cổng trường nhưng nằm chệch một chút về phía tay phải, cách nhau một cái đường.
Bà chủ cùng ông chủ chỗ đó cậu không biết nhưng nhìn ai cũng hiền, hỏi mới biết quán này mở lâu rồi, cơm cũng ngon, làm thêm thường là sinh viên, nhưng đứa này đi thì đứa kia tới. Cứ phải đổi hoài. Lương tháng cũng không nhiều, vừa đủ chi tiêu cho điện nước và căn trọ.
Khanh thì đi dạy thêm toán cho mấy đứa nhóc kiếm tiền.
Nhưng mà suy nghĩ thì nó khác xa với hiện thực lắm.
Những ngày đầu sống trên đó cũng không mấy dễ thở, Bảo không quen đường xá, không quen với lối sống của con người ở đây. Mặc dù Bảo giỏi việc nhà, biết nấu cơm nấu nước nhưng đi làm mướn thì cậu chẳng có miếng kinh nghiệm nào.
Thằng nhóc chán ướt chân ráo thường xuyên bị khách mắng. Họ xì xèo, nhăn nhó.
- Ôi thằng này chạy bàn kiểu gì thế?
- Chậm thế thì ai ăn?
- Chạy bàn kiểu này thì đuổi đi cho rồi.
Bao nhiều lời nói mắng nhiếc, xỉa xói rơi vào tai Bảo. Mặc dù không phải là thường xuyên, chỉ là đôi khi có một nhóm khách chẳng tốt lành hoặc mấy anh chị cậu ấm cô chiêu đi ăn cơm, gặp thằng nhóc đen nhem nhẻm, ốm nhôm ốm nhách chạy tới chạy lui bưng cơm thì họ thấy mắc cười, chẳng khác gì xem một vở hài kịch nên họ cứ khoái khoái mà nói như thế. Cùng nói, cùng nhau cười rộ mà không để ý tới cảm xúc của người ta.
Ông bà chủ đôi khi sẽ an ủi Bảo, nói kệ đi con, họ cũng thấy Bảo chỉ là một đứa nhóc, vì hoàn cảnh khó khăn mà mới thế này.
Bảo buồn, buồn thật. Mười năm ở dưới quê, sống rất thoải mái, dì Man tốt, lão gia và bà Cả cũng tốt, bạn bè cũng cười tươi với cậu chứ không ai cười tươi vào mặt cậu cả.
Ở đó mới một tuần mà Bảo thấy áp lực, mệt mỏi quá, cậu chỉ biết bưng cơm rửa chén cả ngày rồi đợi anh Khanh về phòng trọ với mình chứ không biết gì khác.
Nhiều lúc cậu tự hỏi sao cuộc sống bây giờ chán trường, vô vị vậy? Ở dưới quê có phải sướng hơn không. Nhưng hỏi xong mới chợt nhớ. Ha... cậu bị đuổi rồi. Hiện thực giáng một cái tát thật mạnh vào mặt cậu để cậu tỉnh lại.
Anh Khanh thấy cậu chẳng khác gì người vô hồn thì cảm thấy bản thân tệ hại gì đâu, là lỗi của anh đem cậu lên đây rồi để cậu phải đi làm thuê làm mướn, hai đứa lâm vào cảnh khó khăn... Anh đành nghĩ cách để khiến Bảo cảm thấy tích cực hơn, chỉ mong em ấy đùng bỏ cuộc sớm như thế, anh còn muốn đi cùng cậu trên con đường sau này.
Buổi tối thứ bảy, anh Khanh đợi Bảo rửa mặt đánh răng rửa mặt xong, đã leo lên chiếu nằm rồi thì nói:
- Mai anh không đi học, em không đi làm, anh dẫn em đi chơi nhé.
Đôi mắt mờ mịt của Bảo sáng lên một chút, cậu gật đầu nhìn anh tươi cười với mình, nụ cười sáng như mặt trời mười hai giờ trưa, chói.
Họ ở đây cũng gần nữa tháng rồi, trừ khu trọ và quán ăn thì Bảo chưa đi đâu nhiều.
Hai người họ không dám xài tiền nên chỉ có thể cùng nhau đi tham quan đường phố, anh chỉ Bảo nhà thờ, viện bảo tàng, mấy pho tượng lớn lớn. Bảo thấy mấy thứ đó thì được mở rộng tầm mắt, không còn là con ếch ngồi đáy giếng nữa.
Họ đi một mạch từ sáng đến trưa, buổi phụ đạo của anh Khanh cũng tới. Cũng chỉ một tiếng rưỡi, không lâu nên anh đưa Bảo đến một quán cà phê cũ kỹ gần đó để chờ. Dặn dò cậu vài điều như không nói chuyện với người lạ, cho gì cũng không lấy, ngồi yên ở đây đợi anh, anh cho cậu cuốn sách, bảo cậu đọc rồi đi.
Bảo rất ngoan ngoãn mà nghe lời anh Khanh, ngồi đó đọc sách, uống ly trà đá.
Sách này anh đã từng kể, sơ sơ là về một người con gái, bán thân chuộc cha, từ cành vàng lá ngọc trở thành gái lầu xanh. Bảo đọc nhiều câu không hiểu lắm nhưng may là có chú thích ở dưới. Cô này trải qua bao nhiêu khó khăn, khốc khổ, thử thách cuối cùng vẫn không được ở bên người mình yêu. Bảo nhíu mày, buồn thật, đời cô này là một mảnh khổ... Cảm thấy bản thân cũng khá giống cô ấy nhỉ, nghĩ xong lại lắc đầu.
Cậu đâu có bán thân, cũng đâu có làm kỹ nữ, cậu chỉ là bị đuổi đi thôi... dù cũng khổ nhưng chẳng bằng một góc nhỏ của cô ấy, Bảo nhăn nhăn cái mặt, chỉ mong mình cuối cùng không bị tách khỏi anh Khanh như cái truyện này.
Quán này toàn người già với người già nên cũng chẳng có ai đến làm phiền cậu như anh Khanh đã dặn dò, Bảo rất yên ổn mà trải qua một tiếng rưỡi.
- Về Bảo ơi.
Tiếng nói của anh Khanh vọng lên từ phía dưới, Bảo hiện tại đang ngồi ở lầu trên. Cậu lục đục cầm quyển sách, trả tiền ly nước rồi đi về cùng anh.
Anh Khanh hỏi:
- Hôm nay em vui không?
Bảo gật đầu đáp:
- Vui lắm.
Bọn họ lội bộ một mạch tới nhà, bây giờ mới tới lúc quan trọng.
Anh Khanh đóng cửa nhà, mở đèn rồi đứng đó nhìn cậu chứ không tiếp tục đi. Biểu cảm trên mặt anh dần trở nên trịnh trọng, anh mở miệng, nghiêm túc mà nói:
- Anh xin lỗi vì đã kéo em vào đống rắc rối này. Nếu không phải vì anh thì em cũng không bị đuổi đi. Bây giờ nếu em muốn về còn có thể, anh nhận lỗi với ba má, họ sẽ không đuổi em đi.
Bảo giật mình nói:
- Ơ... anh đuổi em hả? Sao anh đuổi em...
Mắt cậu đã đỏ lên hết, chỉ muốn khóc.
- Không phải là anh muốn đuổi em mà anh thấy... em có lẽ không muốn ở cùng anh lắm.
Anh gục mặt, âm thanh mang mác buồn.
Bảo nhanh chóng nắm tay anh lắc lắc, giọng nức nở:
- Em không có mà, em muốn ở cùng anh lắm, đừng đuổi em mà.
Cậu sợ lắm, giờ cậu biết đi đâu, cậu không dám vác mặt về nhà đó đâu.
Anh Khanh bây giờ mới ngước mặt lên:
- Thế em đừng buồn nữa, phải vui vẻ lên, suy nghĩ tích cực hơn, anh nhìn em buồn mà anh cũng buồn theo nhưng bản thân anh lại chẳng giúp em được gì. Đã kéo em lên đây mà lại không có tiền lo cho em, làm em phải đi bán cơm...
Hai bàn tay nhỏ áp lên mặt anh Khanh:
- Em sẽ không vậy nữa mà, anh đừng đuổi em... Không có anh em biết đi đâu. Hức...
Cuối cùng vẫn là khóc, cậu thầm nói trong lòng rằng em sẽ không thế nữa, em sẽ cố gắng mà.
Anh tranh thủ, móc ngón út mình vào ngón út của cậu:
- Em hứa nhé, móc ngoéo với anh nào, anh cũng hứa là sẽ cố gắng hết sức để lo cho em.
Bảo dụi đi nước mắt đã chảy thành hai hàng trên má:
- Dạ, em hứa, anh đừng đuổi em về.
Anh Khanh ôm Bảo, nhấn đầu cậu vào lòng ngực mình. Chỉ có thế này em ấy mới ngoan.
Và kể từ ngày đó, Bảo thay đổi hẳn.
Thời gian trôi vèo vèo vèo*n lần. Thấm thoát cũng đã ba năm trôi qua. Nhanh đến bất ngờ.
Trong khoảng thời gian ấy hai người chưa từng về quê một lần, anh hai của Khanh là Khiêm cứ lâu lâu sẽ lên đây tìm em trai mình, anh không đề cập đến Bảo, một chữ cũng không. Lên chủ yếu chỉ để khuyên em trai có thời gian thì về quê thăm ba má, hai người đều rất buồn.
Bảo sẽ luôn luôn ngồi cạnh anh Khanh dưới sàn gạch, nghe cậu Hai nói. Bảo thấy anh nhìn mình nhưng trong mắt không có gì khác ngoài chán ghét, ghê tởm. Mỗi lần cậu nhìn thấy ánh mắt đấy thì chỉ biết gục đầu xuống, yên lặng bật mode tàng hình.
Ba năm trôi qua, Bảo cũng đã mười tám tuổi, còn anh Khanh thì năm ba đại học, sinh nhật sắp tới của anh mà trôi qua nữa thì anh sẽ thành hai mươi mốt.
Bảo làm ở quán cơm ấy, bây giờ nơi đó chẳng khác gì là ngôi nhà thứ hai của cậu, ông chủ bà chủ đều quý Bảo, họ có hai đứa con gái đều đã gả đi, nên họ đối với cậu rất tốt. Trọ hơi xa trường nhưng không ảnh hưởng gì cuộc sống của cả hai. Khanh rất xuất sắc, anh học giỏi, được nhiều người mến mộ, thầy cô khen kể không hết.
Điều duy nhất không thay đổi là anh vẫn luôn đối tốt với Bảo như những lời mà anh đã nói, dù cậu làm việc có hơi cực nhưng cuộc sống bây giờ rất tốt. Đôi lúc anh còn dẫn Bảo đi chơi, đi thảo cầm viên, nơi mà anh từng nói là có bạn của Bảo ở đó. Mỗi lần cậu nghĩ tới đều phì cười, mấy con khỉ đó rất hài hước.
Chiều cao của Bảo bây giờ đã đến hơn một mét bảy mươi ba, da cậu vẫn đen như ngày nào, tay chân đều thon dài, ăn uống tốt hơn ngày xưa nên có da có thịt. Tóc cậu cũng đã dài ra rất nhiều mà vẫn chưa đi cắt.
Anh Khanh của cậu thì thay đổi ngoại hình hoàn toàn, chiều cao của anh chỉ lên một chút là một mét bảy tám, cũng không cao hơn Bảo bao nhiêu. Anh cũng đi cắt tóc, không còn bù xù như ngày xưa nữa. Mỗi lần Bảo đi với anh hoặc đứng ở quán cơm đối diện nhìn anh đều thấy xung quanh anh như có ánh sáng chói lóa ấy, mọi người đều phải quay nhìn. Bảo rất tự hào về điều đó.
Mỗi ngày sau khi anh Khanh học xong thì sẽ tới quán cơm tìm Bảo, ăn cơm sườn riết mà anh ngán luôn nên Bảo phải mượn chảo của ông bà chủ nấu món khác cho anh, họ đều rất sẵn lòng cho cậu nhờ.
Hầu như ngày nào cũng thế, trừ chủ nhật thì ít khách nên họ sẽ cho Bảo nghỉ. Anh Khanh sẽ cùng Bảo ở nhà, anh nằm trên gác lửng đọc sách, Bảo ở dưới nấu cơm. Vẫn luôn ấm áp như thế.
Nhiều lúc cậu lại nhớ đến dì Man, không biết dì có khỏe không, có bệnh gì không. Bảo đã nói với anh, lần tới khi anh Hai của anh đến thì hỏi giúp cậu.
Có những hôm cậu đang ngủ thì giật mình tỉnh dậy, tim đập thình thịch, như ảo tưởng rằng đây chỉ là giấc mơ chứ không phải sự thật, và những khi ấy, anh Khanh đều tỉnh lại, nhẹ nhàng ôm cậu vào lòng mình, hôn lên mái tóc đen nhánh của Bảo, giúp cậu an tĩnh rơi vào giấc ngủ lần nữa.
Cuộc sống hiện giờ chẳng khác gì thiên đường, đó là những gì Bảo nghĩ. Đứa nhóc lơ ngơ, sợ hãi và khờ khạo của năm xưa đã không còn nữa. Nhưng anh Khanh thì vẫn thế, thích chọc ghẹo cậu, đôi lúc nóng tính với người khác... chẳng khác gì một đứa con nít.
Bảo bây giờ cũng đã hiểu cái thích mà anh nói là gì, cậu nhìn những cặp trai gái ngoài đường, họ thân mật với nhau như cậu và anh, họ cũng có nắm tay, cũng có ôm, hôn thì ít nhưng vấn đề quan trọng là chẳng có cặp nam nam nào cả. Cậu dần dần hiểu.
Ở đây không có người con trai nào mà lại yêu người cùng giới tính với mình. Hỏi sao lúc đó lão gia và bà Cả lại phản ứng dữ dội như thế, họ sợ. Sợ con mình khác với khuôn khổ xã hội, sợ cả gia đình mình bị người ta ghê tởm, khinh bỉ...
Bảo ngáp, lắc người ra khỏi vòng tay của anh Khanh. Anh Khanh thấy gối ôm của mình bỗng dưng mất hút thì quơ tay tìm kiếm, rồi Bảo lại bị kéo lại vào người anh. Lưng áp ngực, rất tình cảm...
Giọng anh ngáy ngủ lại có chút làm nũng, dụi mặt vào gáy Bảo:
- Nay chủ nhật mà... cho anh ngủ xíu nữa đi.
Bảo thúc tay về phía sau mấy cái:
- Ngủ thì thả em ra.
Anh càng không chịu, càng ôm cậu chặt hơn:
- Không thích. Muốn ôm thôi.
Bảo cuối cùng cũng chịu nằm im cho anh ôm, cậu bỗng dưng hỏi một câu kì lạ:
- Con trai ngủ với nhau đều ôm như này hả anh?
Thích mà không nói nhưng lại suốt ngày động chạm cậu, là đồ con bò. Bảo chỉ mong anh nói với mình, một cách chính thức. Cậu thấy nếu họ giấu diếm yêu đương thì chẳng lo gì xã hội nhìn rồi phê phán, núp cả đời cũng được, miễn là có anh bên cạnh, anh sẵn sàng ở cùng cậu, không bỏ cậu lại thì cậu sẽ hoàn toàn chịu được.
Anh Khanh híp mắt, bỏ cậu ra lần mò tìm cái kính:
- Không... đàn ông con trai không ai ôm nhau thế này đâu.
Bảo thấy thế thì giúp anh lấy rồi đeo vào luôn, gương mặt mờ mịt của cậu bây giờ đã hiện rõ ra trước mắt anh. Sau đó cậu quay ngoắt 100 độ, mặt lạnh truy vấn:
- Vậy tại sao anh lại ôm, ngày nào cũng ôm, phải ôm một cái mới chịu được hay sao?
Hai người đều đã xếp bằng ngồi dậy đối diện nhau. Anh đáp:
-...Ờ, thì ôm quen rồi nên không bỏ được?
- Anh xạo ke à. Em còn nhớ rõ mấy năm trước anh nói anh thích em trước mặt ba má anh, còn nói khi nào em lớn sẽ nói cho em hiểu, thế mà bây giờ anh quên luôn à?
Cậu lấy ngón tay chỉ chỉ chọt chọt vào chỗ tim anh, cảm xúc trên gương mặt chuyển thành hầm hầm như nồi cơm khét.
- Anh đi mua bánh bao cho em ăn.
Nói xong anh Khanh ngay lập tức chạy xuống cầu thang, lấy tiền rồi mặc đồ ngủ đi ra ngoài luôn.
Bảo khó chịu trong người, này là thích gì? này là lợi dụng cậu mới đúng, Bảo trùm chăn qua đầu, hậm hực đập đầu vào gối.
Mấy ngày sau đó đều là Bảo không thèm nói chuyện với anh nữa, cơm nước vẫn có nhưng mặt không nhìn, miệng không nói, làm anh Khanh rối lên rối xuống.
Phong nhìn thằng bạn của mình mặt mày thẫn thờ, không chú ý nghe giảng:
- Dạo này mày sao vậy? Như người mất hồn. Hay là bé Bảo giận mày?
Mới nói xong thì mặt Khanh lại có thay đổi ngay tức thì.
- Haha tao nói đúng nè. Làm anh kiểu gì mà để em mình giận hoài. Tao có một đống em trai em gái mà có đứa nào giận tao đâu.
Phong lải nhải không ngừng, nước miếng văng tứ lung tung.
Khanh nghiến răng:
- Mày nói đủ chưa!
Hết giờ học đã là giờ cơm trưa, anh ra tới cổng trường, nhìn vào quán cơm thì thấy Bảo mặc cái áo thun trắng mỏng tanh giữa cái nắng gay gắt. Mồ hôi cậu đổ không nhiều nhưng vẫn ướt hết cả trán.
Trên tay là hai dĩa cơm, bàn này gọi, bàn kia gọi.
- Cho hai dĩa cơm, một dĩa không ớt, một dĩa không bì.
- Hai ly nước mía.
- Một dĩa đầy đủ.
Khanh nhanh chân chạy đến, giúp cậu bưng cơm. Bảo vẫn im lặng, không nói gì.
Đến khoảng hai giờ trưa mới hết người ăn, bắt đầu chuyển sang rửa chén.
Hơn trăm cái chén dĩa nằm trước mặt Bảo, cậu trước hết là đổ đồ thừa vào một thùng riêng rồi mới bắt đầu rửa. Anh Khanh mỗi lần đến đều chỉ ngồi một bên nhìn hoặc xem sách, anh ấy ghét rửa chén lắm.
Nhưng hôm nay không biết ma xui quỷ khiến thế nào mà anh xắn tay áo sơ mi mình lên, ngồi xuống bên cạnh giúp cậu rửa nước.
Ông bà chủ thấy thế thì tủm tỉm cười, mỗi người một câu:
- Anh hai con thương con quá hé Bảo.
- Thằng này vừa học giỏi vừa thương em.
Cậu thầm lặng đỏ mặt nhưng đen quá nên không thấy được. Anh Khanh hôm nay có vấn đề về đầu óc à...
Khanh nghiêng người, thì thầm vào tai cậu, hai tay thì vẫn còn rửa chén:
- Rửa nhanh rồi về nhà với anh...
Bảo nhanh chóng né người, liếc anh một cái:
- Anh là đồ con bò. Con bò, con bò, còn bò.
Nói xong là cho Khanh ăn bơ hoàn toàn, không thèm để ý nữa.
Khanh thở dài, chưa tới lúc nói thì sao mà nói được.
Rửa xong cậu còn phải đi lau bàn lau ghế, chồng lại đem vào nhà, quét xương, quét tăm xỉa răng, quét rác. Rửa cái bàn mà bà chủ ngồi bán cơm, rửa luôn phía dưới gạch cho sạch dầu mỡ. Xong hết cũng hơn ba giờ, làm xong cậu lãnh tiền của hôm nay rồi đi về.
Khanh rên rỉ bên tai cậu:
- Bảo, Bảo à!
Kêu thì kêu đi, kệ anh.
- Anh mua hột vịt muối cho em hé. Chờ anh một chút.
Bảo thích nhất là món này, từ xưa đều đã như thế.
Cậu cũng không đi tiếp mà đứng nhìn anh băng qua đường rồi trở lại. Đèn cho người đi bộ là đèn xanh sáng lên rồi anh mới đi nhưng không đâu lại xuất hiện một chiếc ô tô từ xa chạy đến, vượt luôn đèn đỏ.
Bảo hoảng sợ nhìn tình cảnh trước mắt, ngay lúc xe vừa chạy đến anh Khanh lập tức theo phản xạ mà cố gắng chạy nhanh qua.
Chiếc xe ấy chạy đi luôn, không hề ngừng lại. Cậu rốt rít vọt đến bên anh, tim đập thình thịch như vừa chạy nước rút xong, may mà anh chạy qua được nhưng bị vấp té, rách cả ống quần lẫn ống tay áo. Bị xước chảy máu mấy chỗ.
Bảo thở phào đầy nhẹ nhõm, may quá, cảm ơn trời đất. Bảo đỡ anh Khanh dậy, vòng tay anh sang cổ mình.
- Anh có sao không? Đi được không anh?
Mắt Bảo hơi đỏ, khóe mắt có một giọt nước.
Anh cười, mặt anh vẫn còn nguyên vẹn nên vẫn rất đẹp trai, chỉ là kính rớt đâu mất rồi nên chẳng thấy gì:
- Ây da... Không sao, không sao. Em đừng lo. mà... hột vịt bể nát hết rồi.
Tại vì nó nằm dưới mông anh mà...
- Hột vịt quan trọng hơn anh à. Kính anh cũng bể rồi... để em dìu anh về rồi em đi mua đôi mới cho anh.
May mà anh không sao, anh mà bị gì chắc cậu cũng không sống nỗi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro