Mảnh vỡ thứ nhất: Ai sẽ thương em?
Có ai từng nói với bạn rằng: cuộc đời này là một bức tranh đa sắc màu? Vì nó được tạo nên bởi những mảnh đời của chính chúng ta. Có những mảnh đời hạnh phúc chỉ toàn màu hồng và cũng có những mảnh đời luôn một màu trong suốt của những giọt nước mắt. "Tôi đã khóc khi không có giày để mang cho đến khi thấy người không có chân để mang giày". Tôi đã thật sự thấm thía câu nói ấy khi gặp em- một mảnh đời bất hạnh.
Câu chuyện có lẽ nên bắt đầu ở buổi chợ đêm tại hòn đảo Phú Quốc xinh đẹp vào hai năm về trước. "Anh chị ơi! Ghé vào quán em này!", "Đồ trang sức rẻ đẹp đây". Tiếng mời gọi nhiệt tình từ các gian hàng khiến không khí trong chợ càng thêm nhộn nhịp. Nhìn từng tốp người trong những bộ quần áo thật đẹp đang cười nói qua lại, lòng tôi bỗng nhiên cũng cảm thấy phấn khích, rộn ràng theo. Lại thêm không gian se se lạnh về đêm của Phú Quốc, mùi gió biển mằn mặn thoang thoảng càng khiến tôi dễ chịu. Lát nữa có thêm những món hải sản mà tôi thích bày sẵn trên bàn thì... sung sướng thay một cuộc đời! Chỉ tiếc là...
- Mẹ! Sao không có sò điệp cho con? Sao mẹ chỉ mua có hai con cua vậy mẹ? Con muốn bốn con cơ- Tôi thất vọng,nhăn mặt mè nheo
- Kìa con. Do quán hôm nay đắt khách nên hết sò điệp rồi.Con thong cảm đi. Còn cua hai con này to lắm! Ăn hết rồi thì mẹ kêu thêm nghen!
Thấy tôi có vẻ không vui, mẹ vội ra sức dỗ dành,dùng những lời ngon ngọt để tôi chịu ăn và không phá vỡ không khí đi chơi vui vẻ của gia đình. Với cái tính bướng bỉnh của mình, trừ phi đáp ứng được ý muốn của tôi, không thì chẳng bao giờ tôi chịu nghe ai cả. Thế nên mẹ có dỗ dành thế nào, mặt tôi cũng xụ xuống, cau có. "Này thì ăn sao thoả thích được. Cái mình thích là không khí thoải mái kìa. Giờ bực bội rồi, nhất quyết không ăn. Cùng lắm bỏ thôi!"- Tôi nhún vai thản nhiên suy nghĩ .Trong lúc không khí buổi đi chơi bắt đầu trùng xuống thấy rõ, chợt tiếng quát của bà chủ quán vang lên khiến mọi người giật nảy mình:
- Cút đi! Chỗ người ta buôn bán!
Nghe trong câu nói, đầu tôi chắc mẩm người bị bà quát hẳn là những tên thanh niên hư hỏng, thích phá làng phá xóm. Phút chốc, quên luôn việc mình đang nhõng nhẽo, tính tò mò trỗi dậy thôi thúc tôi nhìn sang nơi phát ra tiếng quát nạt chanh chua kia. Và tôi thật sự bất ngờ. Bởi trước mắt tôi không phải là những chàng tóc xanh đỏ, thuốc lá phì phèo cười ngạo nghễ mà là một cậu nhóc ăn xin chừng bốn, năm. Dáng người em gầy gò, xanh xao, lòng thòng trong bộ quần áo rách rưới, dính đầy bùn đất, khẽ bốc mùi hôi. Em đứng khép nép, tay chân run lẩy bẩy trước sự giận dữ của bà chủ. Ngước đôi mắt to tròn, ngân ngấn nước như sắp khóc, em thất thỉu bước đi nơi khác. Ánh mắt ấy của em khiến trái tim tôi chợt xao xuyến đến lạ. Bỗng tôi muốn gọi em lại, cho em vài ngàn cùng những lời an ủi. Chỉ là em đi nhanh quá, mới đó tôi chẳng thấy em đâu cả. Những tưởng sẽ không còn thấy em, ngờ đâu chưa đầy mấy phút, tôi đã gặp lại trong khi em đang bị.... người ta rượt đánh
- Tha cho con. Mốt con không dám nữa. Tha cho con!!!
Em sợ hãi gào thóc thảm thiết. Nhưng chẳng ai quan tâm đến lời thỉnh cầu đó cả. Họ giận dữ, họ cáu gắt, họ nhẫn tâm buông những lời nhục mạ nặng nề lên một cậu bé bốn tuổi. Họ cố sức kéo cậu bé gầy gò ấy lên đồn công an, mặc cho sức nắm của họ khiến tay em đỏ tấy, mặc cho em đang bị lôi xềnh xệch trên mặt đường lổm chổm đá. Chỉ đến khi một xấp tiền được lôi ra trong áo em, họ mới chịu bỏ đi, mặc kệ em ngồi khóc tức tưởi giữa đường. Những người xung quanh, ai cũng nhìn em nhưng chẳng ai đi đến gần dù là nửa bước.
- Thằng bé đó sao vậy chị?
Mẹ tôi quay sang hỏi bà chủ quán. Trong giọng nói của mẹ cũng có phần lo lắng. Có lẽ tâm trạng của mẹ giống tôi lúc này- xót xa. Dù ghét bà chủ lắm vì bà ấy cũng hất hủi, cay nghiến đuổi em đi, nhưng ánh mắt bà nhìn em lúc này, cùng cái thở dài thườn thượt kia khiến tôi khó hiểu. Một cách chậm rãi, bà từ tốn trả lời câu hỏi của mẹ tôi nhưng ánh mắt vẫn không dứt khỏi hình bóng nhỏ bé, gầy gò kia:
- Thằng nhóc đấy ăn cắp đó chị ạ! Nó làm mấy vụ rồi. Quán em cũng bị một lần nên em mới thế! Chứ nó xin tiền không ai mà nỡ không cho.
Ra là em ăn cắp. Tôi sững người. Nhìn họ rồi nhìn em, tôi không biết nên đáng buồn hay đáng trách. Em ăn cắp là em sai.Họ giận dữ như thế vì đó là số tiền cả một đêm họ cực khổ, vất vả làm ra. Nhưng chẳng nhẽ họ quên rằng liệu một cậu bé bốn tuổi có thể biết nhiều mánh khoé để ăn cắp? Tôi nhăn mặt nghĩ thầm. Như đoán được suy nghĩ của tôi, bà chủ quán khẽ cười buồn rồi tiếp tục nói:
- Người trong chợ ai cũng biết nó bị chăn dắt cả. Chị với bé thấy người phụ nữ ngồi gần cuối chợ kia không? Người nuôi nó đấy! Chẳng biết là mẹ ruột hay là "bà mụ", chỉ biết cứ tới khuya, sau khi đi xin xong là người phụ nữ ấy dắt nó đi. Tụi tôi doạ đánh nó thế cốt là người kia thấy, không đem nó đến đây nữa. Chứ tụi tôi dễ dãi là bà ấy dắt tới hoài. Mà thằng bé không xin hay ăn cắp được thể nào về cũng bị đánh.
Những lời bà chủ quán nói cũng đúng. Dẫu có muốn giúp cũng không thể giúp đứa bé khốn khổ kia được. Nhìn em thật kĩ , tôi mới chợt nhận ra những vết bầm tím chằn chéo trên cổ, tay, chân em. Vết thương cũ có, mới cũng có. Tôi không dám tưởng tượng cuộc sống của em kinh khủng đến nhường nào. Con người ta có thể đối xử tàn nhẫn với một đứa bé nhỏ xíu như vậy sao?
Nhìn lại những dĩa thức ăn thơm ngon trên bàn, tôi bỗng thấy mình hạnh phúc hơn em rất nhiều. Tôi có những món ăn ngon mà chê bai, đòi hỏi, trong khi em đói meo, không có lấy một ổ bánh mì lót dạ. Tôi có những buổi đi chơi thoải mái vào dịp hè trong khi em... chẳng biết có lấy một buổi cắp sách đến trường hay không? Và tôi có gia đình, có ba mẹ yêu thương, chiều chuộng hết mực, trong khi em lại phải sống trong tuổi thơ đầy nước mắt, đầy sự ghẻ lạnh của mọi người. Tôi thấy mình thật ngu ngốc khi có hạnh phúc mà không biết quý trọng.
Nhiều lúc, chúng ta cảm thấy không thoả mãn với cuộc sống hiện tại. Chúng ta ganh ghét, đố kị những người hơn mình. Chúng ta bi quan nghĩ rằng mình là người bất hạnh nhất mà quên rằng, xung quanh chúng ta còn rất nhiều những người phải chịu nhiều đau khổ hơn. Thử hỏi nhé! Có bao giờ bạn vòi xin ba mẹ một đôi giày hàng hiệu giống lũ bạn mà không được thì giận dỗi ba mẹ cả buổi trời không? Có bao giờ bạn lên tiếng phàn nàn với bữa cơm mẹ nấu chỉ vì có món mặn hơn, nhạt hơn hay đắng hơn bình thường? Hay có nhiều lúc bạn cảm thấy mình thật cực khổ khi ngày ngày phải đến trường nghe thầy cô "tụng kinh" rồi về nhà đối mặt với hàng tấn bài tập? Thế thì sung sướng thật đấy! Vì khi đó chúng ta vẫn còn được sống trong một tuổi thơ vô ưu vô lo về cái ăn cái mặc để có thể nghĩ đến những quần áo, giày dép, mỹ phẩm làm đẹp các thứ. Vì chúng ta vẫn còn có người chăm sóc từng li từng tí, còn có một bữa cơm thật thịnh soạn, thật ấm cúng mỗi khi về nhà. Và vì chúng ta vẫn có thể cắp sách đến trường, được biết đến tri thức, được mơ mộng, ước mơ về những tương lai tốt đẹp.
Cuộc sống xung quanh chúng ta còn rất nhiều những mảnh đời bất hạnh. Và họ cần chúng ta giúp đỡ, cần chúng ta vực dậy khỏi hố sâu đau khổ chứ không phải chà đạp, vùi dập, gieo rắc thêm vết thương lên họ- những con người bị Thượng Đế lãng quên.
-----------------------************-------------------------
Một tác phẩm mới của Na, một thể loại mới. Mỗi tập sẽ là một câu chuyện, một mảnh đời khác nhau mà Na đã thấy, đã nghe hay đã trực tiếp trải qua nên đều có độ thực từ 70->100%. Tất cả sẽ xoay quanh về tình cảm gia đình, học đường. Chủ đề này có thể sẽ kén người đọc nhưng Na vẫn mong mọi người sẽ ủng hộ và có vài phút suy ngẫm. Mọi người có thể cmt để nói lên suy nghĩ của mình nhé! Truyện này sẽ ra rất chậm vì đâu phải lúc nào cũng thấy đâu nhỉ? Do Na còn nhỏ nên có thể lời văn sẽ không hay, có gì mọi người thông cảm bỏ qua nha. Lời cuối Na xin chúc mọi người đọc vui vẻ. Thân ái!!!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro