Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

DUC MARIA VA GH CONG GIAO

Ðức Maria và Giáo Hội Công Giáo

1. Tại sao Giáo Hội Công Giáo ban cho Ðức Maria quá nhiều vinh dự trong khi ngài chỉ là một phụ nữ bình thường được chọn với một mục đích vĩ đại?

Trước hết, tôi phản đối điều bạn cho rằng Ðức Maria là một phụ nữ bình thường. Ngài là một con người, nhưng loài người có nhiều mức độ phẩm giá khác nhau. Và ngài không phải là một phụ nữ bình thường khi Thiên Chúa thấy xứng đáng để sai thiên thần đến với lời chúc tụng, "Kính chào cô, người đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng cô." Và ngài cũng không phải là một phụ nữ bình thường khi bà Elizabeth, được tràn đầy Thánh Thần, kêu lên rằng, "Em có phúc hơn mọi người nữ; và bởi đâu tôi được người mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi." Nếu bất cứ người phụ nữ bình thường nào đến thăm thì bà Elizabeth đâu có những lời lẽ như vậy.

Thứ hai, chính bạn nói Ðức Maria được chọn với một mục đích vĩ đại. Ðược chọn bởi ai? Bởi Thiên Chúa. Thiên Chúa đã từng chuẩn bị một cách thích hợp cho những người mà Ngài muốn mời gọi họ nhận lãnh những trách nhiệm lớn lao. Ðó là trường hợp của các tiên tri, và trên tất cả, vị tiên tri cao cả nhất là Thánh Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, không một tiên tri nào được gần Ðức Giêsu hơn là Ðức Maria, người đã được tiền định làm Mẹ của Ngài.

2. Chúng ta không tôn vinh Ðức Maria mà phải tôn vinh Thiên Chúa.

Chính Ðức Maria đã nói như vậy. Ngài đã ca tụng Thiên Chúa, khi nói "Ðấng quyền năng đã làm cho tôi những điều trọng đại." Ngài không khước từ sự kiện là những điều trọng đại đã được làm cho ngài mà không làm cho người khác. Và những ai được lãnh nhận món quà cao trọng của Thiên Chúa thì xứng đáng được chúng ta tôn vinh.

3. Trong Kitô Giáo vị thế của Ðức Maria là gì?

Vị thế của Ðức Maria trong Kitô Giáo rất rõ rệt. Ngài là ánh sao đi trước Sự Sáng Thế Gian, là Ðức Kitô. Chỉ có điều khác biệt là tất cả sự sáng của ngài đều do bởi Chúa Con mà ngài là sứ giả. Do sự tiền định từ muôn đời của Thiên Chúa, Ðức Maria có liên can đến những mầu nhiệm cao trọng nhất của Kitô Giáo, là công cụ của sự Nhập Thể của Con Thiên Chúa Vĩnh Cửu, và bởi đó, chúng ta được cứu chuộc. Chúng ta tôn kính ngài vì chúng ta ngưỡng mộ ngài, và vì ngài lo lắng đến sự sống đời đời của chúng ta. Dĩ nhiên, khi chúng ta tôn vinh Ðức Maria, chúng ta cũng tôn vinh Ðức Kitô trong ngài. Không có Ðức Kitô, ngài không là gì cả, và ngài là người đầu tiên xác nhận điều ấy. Khi chúng ta tôn vinh ngài, điều ấy không làm phật lòng Ðức Kitô, là người Con tuyệt hảo, và có lẽ Ðức Kitô sẽ buồn lòng nếu chúng ta lãng quên hay coi thường Ðức Maria.

4. Kinh Thánh không coi Ðức Maria là thần linh, và không có ơn sủng của Thiên Chúa, ngài cũng tầm thường như bất cứ phụ nữ nào.

Giáo Hội Công Giáo cấm bất cứ ai gán ghép tính cách thần linh cho Ðức Maria, dù bên trong hay bên ngoài ơn sủng của Thiên Chúa. Dù nhờ ơn sủng ngài có thánh thiện đến đâu chăng nữa, ngài vẫn là một tạo vật. Chắc chắn là Ðức Maria được những ơn sủng mà không một phụ nữ nào khác từng có hay sẽ có, và ngài được chức vị siêu nhiên và uy quyền vượt trên tất cả. Khi sinh hạ Ðức Kitô, ngài đem đến sự sống cho linh hồn tôi, và ngài là người mẹ của tôi về phương diện siêu nhiên cũng giống như người mẹ ruột của tôi ở trần gian. Và tôi hy vọng, cho đến chết, tôi vẫn giữ được lòng sùng kính của một đứa con đối với người Mẹ Thiên Ðàng. Tôi hiểu rằng, như Evà là mẹ của chúng sinh, đưa chúng ta đến sự đau khổ, sự bất hạnh và sự chết, thì Ðức Maria, một Evà thứ hai, mà Thiên Chúa đã đặt sự thù nghịch giữa ngài và Satan, sẽ đưa tôi đến tới hạnh phúc và sự sống trong ơn sủng Thiên Chúa.

Evà đã nghe lời Satan, bất tuân phục Thiên Chúa, cho chúng ta ăn trái của cây sự dữ, khiến chúng ta phải khốn khổ và xa rời thiên đàng ơn sủng của Thiên Chúa.

Ðức Maria nghe lời thiên sứ, vâng phục, cho chúng ta ăn trái của cây sự sống, phục hồi hạnh phúc cho chúng ta và đưa chúng ta đến ơn sủng của Thiên Chúa, và ngài đang ngự trên Thiên Ðàng với Ðức Kitô. Ngài là Mẹ và là Nữ Vương của tôi. Tôi ao ước ngài sẽ hãnh diện về tôi cũng như tôi hãnh diện về ngài.

5. Ông trả lời sao khi có người nói rằng tôn vinh Ðức Maria là thờ nữ thần Ishtar của người Babylon? Họ dùng sách tiên tri Giêrêmia đoạn 44 như một bằng chứng, bởi vì người Công Giáo gọi Ðức Maria là Nữ Vương Thiên Ðàng.

Sự kiện một tà thần được coi là bà chúa thiên đàng không có nghĩa là danh xưng này không thể áp dụng một cách đúng đắn cho Ðức Maria, trong bất cứ ý nghĩa nào nói chung. Vua Babylon, là Nebuchadnezzer, được tiên tri Daniel gọi là vua của các vua (Daniel 2:37), điều đó cũng không ngăn cản Ðức Giêsu được gọi với cùng một danh xưng như vậy (Khải Huyền 17:14; 19:16).

Vì định mệnh của mọi Kitô Hữu là cùng với Ðức Kitô cai trị như vua và nữ hoàng trên thiên đàng (Eph. 2:12; KH 1:6; 5:10), và vì Ðức Maria là một Kitô Hữu trổi vượt, thì không có gì sái quấy để ban tặng cho ngài danh hiệu mà Ðức Kitô, Vua Các Vua, đã dành cho ngài khi chọn Ðức Maria làm mẹ.

6. Trong sách tiên tri Samuel đoạn 4, chúng ta thấy dân Israel đặt đức tin của họ nơi Hòm Bia Giao Ước (như người Công Giáo tin nơi Ðức Maria), thay vì tin nơi một Thiên Chúa thực và hằng sống. Ðây là lý do họ bị tiêu diệt. Nếu, như ông nói, Ðức Maria là "hòm bia tân ước," tôi không chắc đó có phải là điều mà ông hãnh diện.

Tôi ngạc nhiên khi thấy có nhiều lầm lẫn về phúc âm và giả sử sai lầm trong câu hỏi của ông. Trước hết, hy đọc lại sách tiên tri Samuel đoạn 4. Không đâu nói rằng dân Israel "đặt niềm tin của họ" nơi hòm bia thay vì nơi Thiên Chúa. Cũng không đâu nói họ thờ hòm bia như thờ thần tượng, như ông có ý nói. Sự thực, người Israel biết rằng khi họ ra trận với hòm bia thì họ luôn luôn thắng trận. Ðó là nhờ sự bảo vệ của Thiên Chúa. Hòm bia trở thành một vũ khí cho họ.

Giáo Hội Công Giáo không dạy "thờ Ðức Maria," và người Công Giáo cũng không đặt niềm tin ở Ðức Maria thay vì tin nơi Thiên Chúa. Nói như vậy, có nghĩa ông không biết gì về giáo huấn Công Giáo.

Và ông định lấy đoạn 4 của sách tiên tri Samuel như một cách để bác bẻ lại lý luận dùng hình ảnh hòm bia giao ước mà sánh với vai trò của Ðức Maria trong lịch sử cứu chuộc. Chắc là ông không có ý định như vậy. Có phải vì dân Israel lạm dụng hòm bia mà Thiên Chúa đã ban cho họ, nên chúng ta phải đổ lỗi cho hòm bia hay phải hủy bỏ hòm bia ấy vì sự lạm dụng? Lý luận ấy thật nghèo nàn và tệ hại.

Ông có muốn áp dụng nguyên tắc ấy vào những trường hợp khác trong phúc âm không? Có lẽ không. Nói cho cùng, Thánh Gioan Tông Ðồ đã phạm tội thờ ngẫu thần khi ông quỳ và thờ một thiên thần (KH 19:9-11). Như vậy, chúng ta có nên xa lánh các thiên thần không? Chúng ta có từ chối tư cách tông đồ của Thánh Gioan không? Chúng ta có nên coi thường sách Khải Huyền vì nó được viết bởi một người tự nhận là thờ tà thần không? Dĩ nhiên là không.

Sự thực thì khi có người lạm dụng ơn sủng của Thiên Chúa thì không có lý do gì phải tẩy chay ơn sủng của Ngài. Nếu một người Công Giáo phạm tội thờ Ðức Maria, đó là tội của họ, chứ không phải lỗi của Ðức Maria.

7. Ðức Maria đóng vai trò gì trong sự cứu chuộc nhân loại, là điều được hoàn tất bởi một mình Ðức Kitô?

Ðức Kitô là Tác Giả chính của sự cứu chuộc, nhưng trong công trình ấy còn có sự cộng tác của nhiều người. Chúng ta thấy ngay cả Thánh Phaolô nói rằng, chúng ta phải lấp đầy những gì được mong muốn cho sự thống khổ của Ðức Kitô. Tuy nhiên, để giải thích điều này đòi hỏi cả một luận án về nhiệm thể của Ðức Kitô như bao gồm mọi phần tử của Giáo Hội, mà tôi không đủ khả năng để giải thích điều ấy ở đây. Tất cả những gì tôi có thể nói là Ðức Maria đã cộng tác trong công trình cứu chuộc một cách rất đặc biệt.

Như Ðức Giêsu là A-Dong thứ hai, thì Ðức Maria là E-Và thứ hai. Khi người Mẹ E-và đầu tiên đem chúng ta đến sự đau khổ, thì người Mẹ Maria thứ hai, khi sinh hạ Ðấng Cứu Thế, đã đem chúng ta đến sự cứu chuộc và hạnh phúc. Khi đến giai đoạn Nhập Thể, Ðức Maria đã đồng ý nhận lời Thiên Chúa, ngài đã đồng ý với toàn thể công trình của Ðức Kitô, từ hang Bê Lem cho đến Thánh Giá Calvariô. Máu đã đổ ra vì chúng ta cũng chính là máu của ngài. Khi kết hợp với Ðức Kitô, ngài cũng phải chịu sự đau khổ, và ông Simeon đã đúng khi được Chúa Thánh Thần linh ứng để tiên đoán về ngài rằng, "Một lưỡi gươm sẽ thâu qua linh hồn baø." Với, trong, và qua công trình của Ðức Kitô, sự đau khổ của Ðức Maria cũng góp phần một cách thứ yếu trong sự cứu chuộc chúng ta. Và từ Thánh Giá, ngài được trao cho chúng ta như một người mẹ vì công nghiệp của ngài. Qua Thánh Gioan, Ðức Kitô nói với tất cả chúng ta, "Này con, đây là Mẹ con." Do đó, người Công Giáo coi Ðức Maria như người Mẹ tinh thần, và làm đẹp lòng ngài qua sự kính yêu của con cái. Nhất là, mọi phụ nữ Công Giáo phải coi Ðức Maria, Mẹ Ðức Kitô, như một vinh dự cho phái nữ.

8. Có phải học thuyết Vô Nhiễm Nguyên Tội được Giáo Hội Công Giáo coi như một tín điều?

Phải. Nếu bạn muốn bài bác điều ấy, bạn phải bài bác đặc tính không thể sai lầm (bất khả ngộ) của Giáo Hội Công Giáo.

9. Tại sao Giáo Hội Công Giáo lại xác định như vậy?

Vì thật chính đáng để nói lên chân lý về Ðức Maria như đã được đề cập đến trong những điều Thiên Chúa mặc khải. Chân lý đó là Ðức Maria đã được miễn trừ khỏi dấu vết tội tổ tông truyền.

10. Ở thời điểm nào mà Giáo Hội Công Giáo chấp nhận ý tưởng Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Ðức Giêsu?

Tôi nghĩ là bạn đã lầm lẫn hai học thuyết khác nhau. Vô Nhiễm Nguyên Tội là danh xưng để chỉ về sự thụ thai của Ðức Maria bởi cha mẹ ngài, là bà Anna và ông Gioankim. Khi bắt đầu thụ thai, linh hồn Ðức Maria được gìn giữ cách tinh khiết, khỏi bị ảnh hưởng bởi tội tổ tông. Nhưng khi chính Ðức Maria thụ thai Ðức Giêsu, đó là bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, và không qua sự liên hệ nào với người nam. Ðây có thể gọi là sự thụ thai lạ lùng của Hài Nhi Giêsu. Thông thường người ta đề cập đến điều này là Sinh Hạ Ðồng Trinh (Virgin Birth), vì nó có nghĩa Ðức Maria vẫn còn trinh khiết sau khi sinh hạ Ðức Giêsu. Cả hai học thuyết về Ðức Giêsu được sinh hạ bởi một trinh nữ, và trinh nữ ấy được vẹn tuyền không mắc tội tổ tông đều được đề cập đến trong Phúc Âm. Nhưng học thuyết thứ hai không được rõ ràng ghi lại như học thuyết thứ nhất. Ngay từ đầu, Giáo Hội Công Giáo đã dạy rằng Ðức Giêsu được sinh ra bởi người Mẹ đồng trinh. Bởi đó trong kinh Tin Kính, chúng tôi tuyên xưng, "sinh bởi Trinh Nữ Maria". Học thuyết Vô Nhiễm Nguyên Tội cũng là phần mặc khải Kitô Giáo được Giáo Hội Công Giáo xác nhận vào năm 1854. Giáo Hội không sáng chế ra học thuyết đó. Giáo Hội chỉ xác định điều đã được dạy bảo trong Tân Ước.

11. Tại sao ông nói Ðức Maria là trinh nữ khi Phúc Âm có đề cập đến anh em của Ðức Giêsu?

Câu "anh em của Ðức Giêsu" không có nghĩa là Ðức Maria có những người con khác ngoài Ðức Giêsu. Trong tiếng Aramaic, là tiếng được dùng vào thời ấy, không có chữ riêng để chỉ người bà con. Và người Do Thái dùng chữ "Achim" để chỉ về bất cứ người bà con nào thuộc bàng hệ, mà không có ý nghĩa liên hệ máu mủ bậc nhất (trực hệ). Những thế hệ con cháu của cùng một dòng tộc đều được gọi là "Achim" (anh em).

Gia-cô-bê được gọi là anh em của Ðức Giêsu. Tuy nhiên chúng ta biết ông là con của Alphaeus, và chắc chắc Ðức Maria không phải là vợ của ông Alphaeus. Gia-cô-bê cũng là anh em máu mủ với Giu-đa. Và Giu-đa mở đầu thư của ngài với câu, "Giu-đa, tôi tớ Ðức Kitô Giêsu, và là anh em với Gia-cô-beâ." Ở đây ngài dùng chữ anh em với nghĩa hẹp, và ngài biết rằng không thể dùng nghĩa đó để coi ngài là anh em với Ðức Kitô Giêsu. Tuy nhiên, theo nghĩa rộng, Giu-đa cũng thuộc về những người bà con với Ðức Kitô, như chúng ta biết theo Mátthêu 13:55, là đoạn Phúc Âm nói về "Anh em của Ðức Giêsu là Gia-cô-bê, Giuse, Si-mon và Giu-đa."

12. Tôi nghĩ chữ anh chị em chỉ về con của ông Giuse và bà Maria sau khi sinh hạ Ðức Giêsu. Không có lý do gì để nghĩ khác đi.

Có nhiều lý do để nghĩ khác. Trước hết, trong Phúc Âm những người được gọi là anh em của Ðức Giêsu là những người lớn tuổi hơn Ngài, vì họ chỉ trích và răn bảo Ngài mà chỉ những người lớn tuổi hơn mới được làm như thế, và họ ghen tương vì sự nổi tiếng của Ngài.

Thứ hai, khi sứ thần nói với Ðức Maria là ngài sẽ là Mẹ Ðấng Thiên Sai, ngài trả lời, "Làm sao có thể được, vì tôi không biết đến người nam." Thiên Chúa toàn năng đã chuẩn bị một cách lạ lùng để ngài được làm Mẹ mà không phải hy sinh sự trinh khiết. Không vì lý do gì ngài lại hy sinh sự trinh khiết ấy để sinh con sau này mà lại không muốn sinh Con Thiên Chúa.

Thứ ba, trong Phúc Âm chỉ một mình Ðức Giêsu được gọi là Con bà Maria; và không có lần nào ngài được gọi là mẹ của anh em Ðức Giêsu.

Thứ tư, chỉ có bốn người anh em được nhắc đến tên là Gia-cô-bê và Giuse, Simon và Giu-đa. Phúc Âm Thánh Gioan cho chúng ta biết khi dưới chân Thánh Giá gồm có Mẹ Người, và chị của Mẹ Người là bà Maria Cleophas. Và về sau, bà này được Thánh Mátthêu coi là mẹ của Gia-cô-bê và Giuse.

Một lần nữa, nếu bạn đọc thư của Thánh Giu-đa bạn sẽ thấy ngài viết, "Giu-đa, tôi tớ của Ðức Kitô Giêsu, và anh em của Gia-cô-bê." Tại sao ngài lại phải phân biệt như vậy? Sau cùng, nếu Gia-cô-bê và Giuse, Simon và Giu-đa là các con chính thức của Ðức Maria, và nếu còn có những anh chị em khác của Ðức Giêsu như bạn nghĩ, thì tại sao Ðức Giêsu lại trao Mẹ Ngài cho Thánh Gioan chăm sóc sau khi Ngài chết, để rồi Gioan coi Ðức Maria như mẹ của mình? Ðiều ấy không cần thiết nếu Ðức Maria có các con khác để chăm sóc ngài.

13. Ðức Maria thề giữ mình đồng trinh từ khi còn nhỏ, hay bà "đã hứa hôn với người đàn ông tên là Giuse" với ý định kết hôn cách bình thường, cho đến khi Sứ Thần Gabriel đến thì bà mới thay đổi ý định?

Theo sự dẫn giải của các thần học gia Công Giáo, Ðức Maria, dưới sự linh ứng của Thiên Chúa, đã quyết định giữ mình trọn đời đồng trinh, và cũng với sự linh ứng của Thiên Chúa, ngài đồng ý kết hôn với Thánh Giuse, cả hai đều đồng ý thề hứa không đòi hỏi nơi nhau những quyền lợi thông thường của sự tương giao vợ chồng. Trong mục đích của Thiên Chúa, hôn nhân này là để bảo vệ Mẹ và Con, mục đích này được Ðức Maria thấy rõ hơn khi Sứ Thần Gabriel, như Thánh Luca kể, "xuất hiện với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse." Khi sứ thần cho biết ngài sẽ sinh một con trai, và vì ý thức rằng ngài đã quyết định giữ mình đồng trinh nên ngài trả lời, "Làm sao việc ấy xảy ra được, vì tôi không biết đến người nam." Như Thánh Augustin có nói, Ðức Maria sẽ không nói câu này nếu ngài không quyết định giữ mình đồng trinh, mặc dù có đính hôn với Thánh Giuse.

14. Ông tin rằng Ðức Maria đã lên Thiên Ðàng, và được phần thưởng vinh hiển ở giữa các Thánh?

Giáo huấn Công Giáo không nói Ðức Maria lên Thiên Ðàng. Ðức Kitô, bởi chính quyền năng Thiên Chúa của Ngài, đã lên Thiên Ðàng. Ðức Maria được đưa lên Thiên Ðàng, linh hồn và xác, sau khi ngài chết. Do đó, người Công Giáo chúng tôi tin vào sự Thăng Thiên của Ðức Trinh Nữ Maria. Và chúng tôi muốn nói về vinh dự xứng hợp mà Thiên Chúa đã tiếp đón ngài với triều thiên vinh hiển.

15. Kinh Thánh không đề cập gì đến điều này.

Không cần thiết phải được đề cập đến. Chúng ta biết Ðức Kitô là Vua các vua, và là Chúa các chúa. Chúng ta biết Mẹ Ngài đang ở trên Thiên Ðàng, và Mẹ Vua đang hân hoan trong chức vị của một hoàng hậu. Chắc chắn Ðức Maria có sự liên hệ mật thiết với Ðức Giêsu hơn bất cứ người nào khác, và vì thế, nếu Ðức Kitô ban triều thiên vinh hiển cho các Thánh thì Ngài phải ban vinh dự cao cả nhất cho Mẹ Ngài.

16. Tư cách gì để đưa ra học thuyết này?

Trước hết, dĩ nhiên, là quyền giáo huấn được thừa hưởng từ Ðức Kitô. Giáo Hội Công Giáo được trao cho nhiệm vụ giảng dạy mọi dân tộc với quyền bính của Ngài và dưới sự bảo vệ của Ngài. Khi Giáo Hội dạy rằng Ðức Trinh Nữ Maria Lên Trời thì điều ấy đủ để đảm bảo cho sự kiện này. Nhưng ngoài quyền bính của Giáo Hội, những lý lẽ nào hỗ trợ cho giáo huấn ấy? Trong Kinh Thánh không trực tiếp đề cập đến. Nhưng điều đó đã có trong truyền thống của Kitô Giáo ngay từ thuở ban đầu, và, như Mozley của Anh Giáo đã nói, "Sức thuyết phục của dữ kiện không chỉ phát sinh bởi lòng tin; lòng tin chỉ được coi là giá trị bởi những dữ kiện nguyên thủy." Về phương diện thần học, sự hư nát của thân xác là hậu quả của tội nguyên tổ. Nhưng Ðức Maria đã được gìn giữ khỏi sự hư hỏng của tội nguyên tổ, và thật thích đáng để ngài không bị hư nát ở trong mồ. Giáo Hội Chính Thống Giáo Ðông Phương đồng ý với Giáo Hội Công Giáo về học thuyết này. Giáo Hội Anh Giáo cũng đang trở về học thuyết ấy. Tôi vừa mới đọc một đoạn trong sách của Anh Giáo về vấn đề này, trong đó tác giả viết:

"Dường như đó là điều cẩu thả để khước từ sự kiện hồn xác Lên Trời, vì bất kể đến tính cách dễ tin thông thường trong vấn đề thánh tích, không một Giáo Hội (hay thành phố nào) cho rằng đang nắm giữ được di hài của Ðức Maria. Tại sao lại không? Ðó là một sự kiện cần được giải thích. Di hài của Ðức Maria sẽ có giá trị lớn cho người Kitô hơn bất cứ ai khác. Ðừng xúi giục người Tin Lành bác bỏ lễ Ðức Bà Thăng Thiên. Họ đã bác bỏ nhiều điều lẽ ra không nên đụng tới. Nhiều cố gắng của họ đã không thành công. Chúng ta hy vọng sẽ có một ngày nào đó, các giới thẩm quyền của tổ chức chúng ta sẽ đền bù những mất mát mà vì chểnh mảng đã bị kéo dài."

Tôi trích dẫn câu trên để cho thấy khuynh hướng của Anh Giáo, và cũng vì dữ kiện lịch sử là, trong khi thân xác của Thánh Phêrô được cung kính ở Rôma, thì không có một thành phố nào cho rằng đang chiếm giữ được thân xác của Ðức Maria. Lý do hiển nhiên là vì Ðức Maria đã lên trời, cả hồn và xác.

Copyright © 2000 by Nguoi Tin Huu. Send any comment or question to Nguoi Tin Huu .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #nghĩa