Du lịch Việt Nam
Du lịch An Giang
An Giang là một tỉnh miền Tây Nam Bộ, bắt đầu từ chỗ sông Mê Kông chảy vào nước ta được chia làm đôi. Phía đông An Giang giáp Đồng Tháp, phía đông nam giáp Tp. Cần Thơ, phía tây nam giáp Kiên Giang, phía tây và tây bắc giáp nước Cam-pu-chia.
Khác với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh vùng đồng bằng phù sa, An Giang còn có một miền núi nhỏ, dài 30km, rộng 13km. Đó là dãy Bảy Núi (Thất Sơn) ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn. Phía tây tỉnh, chạy song song với biên giới là kênh Vĩnh Tế, được đào năm 1823 nối từ Châu Đốc đến Hà Tiên.
An Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm 27ºC, cao nhất 35ºC - 36ºC vào tháng 4 - 5, thấp nhất từ 20ºC - 21ºC vào tháng 12 và tháng 1. Lượng mưa trung bình 1400 - 1500mm, có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
An Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng lúa (trên 2 triệu tấn), ngoài cây lúa còn trồng bắp, đậu nành và nuôi (trồng) thuỷ sản nước ngọt như cá, tôm... An Giang còn nổi tiếng với các nghề thủ công truyền thống như lụa Tân Châu, mắm Châu Đốc, mộc Chợ Thủ, bánh phồng (Phú Tân), khô bò và các mặt hàng tiêu dùng. Đặc biệt là nghề dệt vải thủ công lâu đời của đồng bào Chăm và nghề nuôi cá bè đặc trưng của vùng sông nước.
An Giang được nhiều du khách biết đến với các lễ hội độc đáo như lễ hội miếu Bà Chúa Xứ, Chôl Chnam Thmây, Dolta và hội đua bò..., các danh lam thắng cảnh: núi Sam, miếu Bà Chúa Xứ, Núi Cấm và hệ thống hang động Thủy Đài Sơn, Anh Vũ Sơn, Sơn viên Cô Tô, đồi Tức Dụp anh hùng trong chống Mỹ và nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật khác.
Giao thông
An Giang có các mối giao thông thường xuyên với Cà Mau, Tp. Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh, Rạch Giá và những địa danh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Thành phố Long Xuyên cách Cần Thơ 62km, Mỹ Tho 125km và Tp. Hồ Chí Minh 190km. Thị xã Châu Đốc cách Hà Tiên 96km, Cần Thơ 117km, Mỹ Tho 179km và Tp. Hồ Chí Minh 245km.
Thị Xã Tân Châu
Huyện Châu Thành
Huyên Tịnh Biên
Huyên Thoại Sơn
Du lịch Bắc Giang
Bắc Giang là tỉnh ở miền trung du và giáp với châu thổ đồng bằng Bắc bộ. Phía bắc và đông bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía tây và tây bắc giáp Hà Nội, Thái Nguyên, phía nam và đông nam giáp tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh. Địa hình gồm có đồng bằng, trung du, miền núi.
Khí hậu: chia làm 2 mùa: mùa đông từ tháng 10 đến tháng 3; mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9. Nhiệt độ trung bình năm 24ºC.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Bắc Giang là một vùng có nhiều cảnh đẹp và di tích lịch sử như rừng cấm nguyên sinh Khe Rỗ, khu di tích Suối Mỡ, di tích thành Xương Giang... Nhiều hồ chứa nước lớn tạo nên phong cảnh kỳ vĩ, phát triển được tiềm năng du lịch như hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần.
Bắc Giang là một tỉnh vừa có truyền thống lễ hội văn hoá của đất Kinh Bắc, vừa có hội xuân của các dân tộc ít người.
Giao thông
Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy đều tương đối thuận tiện.
Đường sắt: Từ Bắc Giang có thể về thủ đô Hà Nội, lên Lạng Sơn, sang Thái Nguyên và vùng công nghiệp mỏ Quảng Ninh.
Đường bộ: Thành phố Bắc Giang cách trung tâm Hà Nội 51km. Hệ thống đường bộ thuận lợi có quốc lộ 1A chạy qua. Nhiều tuyến tỉnh lộ và huyện lỵ.
Đường thuỷ: Tỉnh Bắc Giang có nhiều sông lớn (sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam) chảy qua tỉnh, thuận tiện cho vận tải đường sông, góp phần tưới tiêu nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, du lịch.
Thành phố Bắc Giang
Huyện Lạng Giang
Huyện Hiệp Hoà
Huyện Việt Yên
Huyện Yên Dũng
Huyện Tân Yên
Huyện Lục Nam
Huyện Lục Ngạn
Huyện Sơn Động
Du lịch Bắc Kạn
Bắc Kạn là tỉnh thuộc miền núi và trung du, phía bắc giáp Cao Bằng, phía đông nam giáp Lạng Sơn, phía tây giáp Tuyên Quang, phía nam giáp Thái Nguyên. Địa hình của tỉnh chủ yếu là đồi núi, trung du, hệ thống sông ngòi dày đặc.
Khí hậu của tỉnh chia làm 2 mùa: mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 25oC
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Bắc Kạn có tiềm năng khoáng sản đa dạng và tiềm năng về rừng, đặc biệt là các khu rừng nguyên sinh với hệ thống động thực vật rất phong phú. Thế mạnh kinh tế là lâm nghiệp và khoáng sản (chủ yếu là than ở Ngân Sơn).
Bắc Kạn là tỉnh được thiên nhiên ban tặng cho nhiều phong cảnh thơ mộng, hữu tình với tiềm năng để khai thác du lịch rất lớn. Trong đó hồ Ba Bể tập trung nhiều thế mạnh phát triển du lịch sinh thái, văn hoá, cảnh quan. Ba Bể đang trở thành một trung tâm du lịch của vùng trung du và miền núi phía bắc.
Dân tộc, tôn giáo
Bắc Kạn là một tỉnh có truyền thống cách mạng. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Bắc Kạn là một cái nôi của cách mạng Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có rất nhiều di tích cách mạng đã được Bộ Văn hoá công nhận. Bắc Kạn là một trong những tỉnh có nhiều dân tộc cư trú, vì vậy nền văn hoá cũng mang nhiều sắc thái, nhiều lễ hội truyền thống của cư dân địa phương thường được tổ chức vào sau tết Nguyên Đán với những trò chơi mang đậm bản sắc dân tộc.
Giao thông
Giao thông chủ yếu là đường bộ. Thị xã Bắc Kạn cách Hà Nội hơn 160km. Quốc lộ 3 từ Hà Nội qua Thái Nguyên, Bắc Kạn tới Cao Bằng.
Du lịch Hồ Ba Bể
Du lịch Bạc Liêu
Bạc Liêu là một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Phía bắc giáp Sóc Trăng và Cần Thơ, Hậu Giang, phía đông nam giáp biển Đông, phía tây giáp Cà Mau và Kiên Giang. Là vùng đất trẻ được khai mở vào cuối thế kỷ 17 và được phù sa bồi đắp. Bạc Liêu có nhiều cánh đồng lúa bao la. Do hành trình của dòng hải lưu Bắc Nam, phù sa dồn lại tạo thành những giồng đất cát, nơi đây cây ăn trái mọc sum sê.
Khí hậu Bạc Liêu có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Thị xã Bạc Liêu được xây dựng bên rạch Bạc Liêu, cách biển 10km, là trung tâm lúa gạo và đầu mối giao lưu trong và ngoài tỉnh. Đất đai Bạc Liêu màu mỡ, dân cư đông đúc, chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, hoa mầu, cây ăn trái, đánh bắt hải sản và nghề làm muối.
Thời nhà Nguyễn, thế kỷ 18, Bạc Liêu thuộc phủ Bãi Xâu, tỉnh An Giang. Bạc Liêu được thành lập muộn hơn các tỉnh Nam kỳ khác. Tiểu khu Bạc Liêu được hình thành từ cuối năm 1882 do thống đốc Le Myre de Villers ký nghị định lấy một phần đất của 2 tiểu khu Sóc Trăng và Rạch Giá. Ngày 20/12/1989, Toàn quyền Poul Doumer đổi tiểu khu thành tỉnh Bạc Liêu.
Bạc Liêu đã có một vị trí khá quan trọng trong chiến lược khai thác và xây dựng của người Pháp. Bạc Liêu vốn là xứ của một số đại điền chủ Nam kỳ lục tỉnh, mà đến nay vẫn còn khá nhiều dinh thự, biệt thự theo lối kiến trúc phương Tây đã tạo cho Bạc Liêu một dấu ấn riêng rất thú vị.
Du khách đến Bạc Liêu sẽ hiểu thêm về giai thoại công tử Bạc Liêu lừng danh một thuở giàu có và chịu chơi. Đến Bạc Liêu du khách ghé thăm sân chim Bạc Liêu, những vườn nhãn dài hàng mấy chục kilomet mà hương vị của nó ít nơi nào sánh được, tháp cổ Việt Hưng, chùa Xiêm Cán, hoặc đi thăm những rừng đước, rừng tràm, căn cứ tự nhiên trong kháng chiến chống xâm lược.
Dân tộc, tôn giáo
Phần lớn dân cư Bạc Liêu là người Việt (Kinh), người Khmer chiếm 4,7% tập trung ở đông bắc Bạc Liêu và huyện Giá Rai; người Hoa chiếm 3,3%. Là vùng đất trù phú thịnh vượng, người dân Bạc Liêu hiền hoà, hiếu khách, có phong cách sống phóng khoáng đặc trưng của vùng Nam Bộ.
Giao thông
Bạc Liêu cách thành phố Hồ Chí Minh 280km, Cà Mau 67km, Sóc Trăng 50km và Cần Thơ 113km. Giao thông đường bộ rất thuận lợi. Có quốc lộ 1A chạy ngang qua tỉnh.
Du lịch Bắc Ninh
Bắc Ninh là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ. Phía bắc giáp Bắc Giang, phía đông và đông nam giáp Hải Dương, phía tây giáp Hà Nội, phía nam giáp Hưng Yên. Tỉnh có nhiều sông lớn, vì vậy hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường sông đều thuận lợi, lại nằm giáp thủ đô Hà Nội nên có nhiều thuận lợi trong việc phát triển kinh tế và văn hoá. Địa hình chủ yếu là đồng bằng, có nhiều địa danh đẹp đã nổi tiếng trong thơ ca: sông Cầu, núi Thiên Thai... Nhiệt độ trung bình năm khoảng 24°C.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Theo các kết quả nghiên cứu khảo cổ học thì người Việt cổ đã cư trú tại Bắc Ninh từ mấy ngàn năm trước đây. Những dấu vết còn lại về đô thị cổ Luy Lâu đã chứng minh rằng Bắc Ninh từng là một trong những đô thị cổ, một trung tâm thương mại khá phồn thịnh của người Việt từ thế kỷ thứ 2 tới thế kỷ 10. Kinh Bắc là vùng đất đạo Phật sớm thâm nhập ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên. Đến đời nhà Lý, Phật giáo đã đạt đến độ cực thịnh. Nhiều chùa, tháp được xây dựng ở đất Kinh Bắc và đã trở thành di tích kiến trúc - văn hoá. Bắc Ninh là tỉnh có nhiều di sản vật thể và phi vật thể thu hút khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu.
Bắc Ninh là một vùng đất hội tụ của nhiều dấu tích văn hoá và tôn giáo lớn; vùng đất đã hình thành nhiều huyền thoại đi vào tâm linh của cư dân người Việt; vùng đất đã sản sinh ra vương triều Lý - một triều đại đã khai mở nền văn minh Đại Việt và phát triển rực rỡ trong suốt hơn 200 năm. Bắc Ninh là nơi sinh ra nhiều nhân tài trong lịch sử đất nước như tám vị vua nhà Lý; thời Lê triều đình có 6 vị thượng thư thì 5 người quê ở Bắc Ninh; Ngô Gia Tự, một chiến sĩ cộng sản kiên cường... Bắc Ninh còn là vùng đất tổ của những làn điệu dân ca Quan họ đặc sắc, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ, mang đậm bản sắc vùng miền. Quan họ Bắc Ninh ngày nay đã trở thành di sản văn hoá quý của Việt Nam.
Bắc Ninh còn là quê hương của chùa tháp, lễ hội và các sinh hoạt văn hoá cổ truyền. Mỗi lễ hội đều thể hiện những vẻ đẹp, tinh hoa văn hoá của địa phương và dân tộc là dịp ôn cố, tri ân những anh hùng.
Bắc Ninh ngày nay là một địa phương có nhiều ngành nghề thủ công nổi tiếng cả nước: gỗ Đồng Kỵ, tranh Đông Hồ, đồng Đại Bái... đó là các điều kiện cho du lịch phát triển. Trên vùng đất cổ thấm đẫm bề dày văn hoá, cứ mỗi độ xuân về, người Kinh Bắc lại rộn ràng vui trẩy hội.
Giao thông
Tỉnh có đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 1A chạy xuyên qua. Từ thành phố Bắc Ninh theo quốc lộ 38 tới Cẩm Giàng (Hải Dương). Thành phố Bắc Ninh cách Hà Nội hơn 30km, Bắc Giang 20km, theo quốc lộ 1A.
Du lịch Bến Tre
Bến Tre là một tỉnh đồng bằng cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp với biển Đông, có bờ biển dài 60km. Phía bắc giáp Tiền Giang, phía tây và tây nam giáp Vĩnh Long, phía nam giáp Trà Vinh. Thị xã Bến Tre cách Tp. Hồ Chí Minh 85km.
Địa hình ở đây bằng phẳng, rải rác có những cồn cát xen kẽ với ruộng vườn, không có rừng cây lớn, bốn bề sông nước bao bọc rất thuận tiện cho giao thông vận tải cũng như thủy lợi.
Bến Tre có khí hậu nhiệt đới gió mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, các tháng còn lại là mùa khô. Nhiệt độ trung bình năm từ 26ºC - 27ºC. Lượng mưa trung bình năm từ 1.250 - 1.500mm.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Bến Tre hình thành bởi 3 cù lao lớn: cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa do 4 con sông lớn là Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên chia cắt. Là tỉnh có nhiều sông, rạch, Bến Tre có điều kiện thuận tiện để phát triển du lịch xanh, bởi ở đó còn giữ được nét nguyên sơ của miệt vườn, giữ được môi trường sinh thái trong lành trong màu xanh của những vườn dừa, vườn cây trái rộng lớn.
Bến Tre là vựa lúa lớn của đồng bằng sông Cửu Long với nhiều sản vật và hoa quả: lúa, ngô, khoai, dứa, chôm chôm, mãng cầu, vú sữa, sầu riêng. Bến Tre giàu thủy sản với các loại: cá thiểu, cá mối, cá cơm. Cây công nghiệp có dừa, thuốc lá, mía, bông. Đặc biệt Bến Tre là xứ sở của dừa (gần 40.000 ha trồng dừa), nổi tiếng với đặc sản kẹo dừa Bến Tre, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc. Làng nghề Cái Mơn hàng năm cung ứng cho thị trường hàng triệu giống cây ăn quả và cây cảnh nổi tiếng khắp nơi.
Giao thông
Giao thông đường thủy
Bến Tre cách Mỹ Tho 14km và cách Tp. Hồ Chí Minh 85km. Du khách có thể đi từ Mỹ Tho đến tỉnh Bến Tre bằng phà.
Khách du lịch tham quan tỉnh Bến Tre có thể thuê tầu cao tốc 5 người, hoặc các loại tàu với tốc độ thấp hơn và lớn hơn.
Du lịch Bình Định
Là một tỉnh duyên hải miền Trung, phía bắc giáp Quảng Ngãi, phía tây giáp Gia Lai, phía nam giáp Phú Yên, phía đông giáp biển Đông. Địa hình Bình Định đa dạng có vùng núi, vùng giáp núi, vùng đồng bằng và vùng bãi bồi ven biển. Bờ biển Bình Định dài hơn 100km với nhiều đảo lớn, nhỏ ngoài khơi. Nhiệt độ trung bình cả năm là 26ºC - 28ºC. Lượng mưa trung bình năm là 1.700 - 1.800mm. Mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 12, tập trung 70 - 80% lượng mưa cả năm.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Bình Định có nhiều đặc sản nổi tiếng gần xa như: tơ lụa, yến sào, tôm, cá, gỗ quí, trầm hương, dầu thực vật, gạo, đá ốp lát và hàng thủ công mỹ nghệ. Bình Ðịnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn rất phong phú để phát triển du lịch. Có bờ biển dài với nhiều vũng, vịnh, bãi tắm đẹp và danh lam thắng cảnh như: Ghềnh Ráng, Bán đảo Phương Mai, bãi tắm Hoàng Hậu, Tam Quan, Ðảo Yến, Quy Hòa, Bãi Dài.... Có suối nước nóng Hội Vân thuộc huyện Phù Cát.
Dân tộc, tôn giáo
Bình Định là tỉnh có nền văn hóa lâu đời, nơi đây còn lữu giữ nhiều di tích kiến trúc văn hóa của người Chăm, đặc biệt là thành cổ Trà Bàn, nơi đã từng là cố đô của vương triều Chămpa. Các cụm thác Chàm có kiến trúc độc đáo như : tháp Dương Long, Bánh Ít, Cánh Tiên, tháp Đôi. Bình Định là quê hương của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ đã từng vào Nam đánh tan quân xâm lược Xiêm ở Xoài Mút, ra Bắc phá tan 29 vạn quân Thanh thống nhất đất nước. Bình Định còn là một cái nôi của nghệ thuật tuồng, dân ca bài chòi, của điệu múa trống trận Quang Trung độc đáo và môn phái võ Tây Sơn, thể hiện tính cách và sức sống mãnh liệt của người dân vùng đất này.
Giao thông
Cách thủ đô Hà Nội 1.065km, cách Tp. Hồ Chí Minh 680km, Bình Định có đường giao thông thuận tiện, quốc lộ 1A chạy qua tỉnh, quốc lộ 19 nối Quy Nhơn với các tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai và Kon Tum. Tàu Thống Nhất dừng tại ga Diêu Trì cách Quy Nhơn 11km. Sân bay Phù Cát cách Quy Nhơn 36km về phía bắc. Hiện nay ngày nào cũng có chuyến bay Quy Nhơn - Tp. Hồ Chí Minh và ngược lại. Cảng biển Quy Nhơn là một cảng lớn của khu vực Nam Trung bộ.
Du lịch Bình Dương
Bình Dương là một tỉnh ở miền Đông Nam Bộ, phía bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía nam giáp Tp. Hồ Chí Minh, phía đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía tây giáp tỉnh Tây Ninh.
Tỉnh Bình Dương có các vùng đất đỏ trồng cao su và cà phê, vùng đất xám, nơi có đồng cỏ chăn nuôi và trồng hoa màu; vùng đồng bằng sông bồi, nơi có nhiều ruộng lúa, vườn cây ăn trái như Lái Thiêu, nổi tiếng với các loại: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, mít tố nữ... Có các con sông lớn chảy qua địa phận tỉnh là: sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Bé với nhiều kênh rạch, sông con, cung cấp nước tưới cho đồng ruộng và tạo điều kiện cho ghe thuyền đi lại thuận tiện.
Khí hậu: Có hai mùa rõ rệt, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Nhiệt độ trung bình năm 27ºC.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Thị xã Thủ Dầu Một nằm trên tả ngạn sông Sài Gòn, là một vùng đất thuộc Gia Định xưa, có hơn 300 năm lịch sử. Nơi đây dân cư đông đúc, có nhiều ngành nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như gốm sứ, sơn mài, điêu khắc gỗ... Bình Dương là tỉnh thuộc vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía nam: Tp. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bình Dương là cửa ngõ phía bắc Sài Gòn, trước kia là vùng có chiến sự ác liệt và kéo dài trong cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ (nhất là ở huyện Bến Cát). Đến Bình Dương du khách có thể đi theo tuyến du lịch dọc sông Sài Gòn, từ vườn trái Lái Thiêu lên thị xã Thủ Dầu Một, đến vùng hồ Dầu Tiếng. Các tuyến dọc sông Đồng Nai, theo quốc lộ 13, đường liên tỉnh 741 đến thăm các di tích và thắng cảnh của Bình Phước như Lộc Ninh, Thác Mơ, núi Bà Rá, Bù Đăng, Bù Đốp, Sóc Bom Bo, khu du lịch hồ Sóc Xiêm.
Giao thông
Giao thông của tỉnh Bình Dương khá thuận tiện, có tuyến quốc lộ 13 và quốc lộ 14 xuyên suốt tỉnh, nhiều đường liên tỉnh nối liền các vùng. Thị xã Thủ Dầu Một cách Tp. Hồ Chí Minh 30km, cách Hà Nội 1740km, Tây Ninh 129km, Biên Hòa (Đồng Nai) 40km.
Du lịch Bình Phước
Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Nam bộ. Ở vào vị trí tiếp giáp giữa đồng bằng và cao nguyên, phía bắc và tây bắc giáp Cam-pu-chia, phía đông giáp các tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng, phía nam giáp các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, phía tây giáp Tây Ninh. Đây là tỉnh có nhiều rừng. Ở đông bắc có ngọn núi Bà Rá cao 733m và dãy núi thấp quanh Lộc Ninh, còn lại là rừng bạt ngàn. Rừng rậm nhưng đất khá bằng phẳng. Phần lớn là đất đỏ nên trồng cây công nghiệp rất tốt. Bình Phước là nơi có nhiều rừng cao su lớn, vườn cây cà phê, điều, tiêu...
Tỉnh có hai con sông chảy từ bắc xuống nam: phía tây là sông Sài Gòn, phân giới giữa tỉnh Bình Phước và Tây Ninh; giữa tỉnh là Sông Bé, có các nguồn từ phía bắc, đoạn dưới đi vào đất Biên Hoà, đổ vào sông Đồng Nai.
Khí hậu: Bình Phước chia 2 mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Phía bắc nhiều rừng, nên ẩm thấp hơn phía nam, lượng mưa trung bình hàng năm 2.110mm.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Bình Phước là một trong những nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử còn ít được biết đến. Đó là các thác Mơ, núi Bà Rá, thác số 4, đồng cỏ Bàu Lạch. Chính nơi đây trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã nổi lên bao địa danh lịch sử được chú ý như ban chỉ huy quân sự Miền, nhà giao tế Lộc Ninh, kho xăng Lộc Hòa, Lộc Quang. Đặc biệt tại xã Phú Riềng (huyện Phước Long) nơi ra đời chi bộ Đảng Cộng Sản đầu tiên vùng Đông Nam Bộ, cũng là nơi diễn ra cuộc nổi dậy của hai anh em Điểu Mol và Điểu Mól (dân tộc Xtiêng) vào năm 1933.
Dân tộc, tôn giáo
Bình Phước là nơi định cư và sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau. Đồng bào dân tộc ít người chiếm 17,9%, đa số là người Xtiêng, một số ít người Hoa, Khmer, Nùng, Tày,...Vì thế Bình Phước có nhiều nét văn hóa của đồng bào dân tộc Xtiêng.
Tỉnh có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc: Liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số vào tháng 12 hàng năm, thường có: lễ hội cầu mưa của người Xtiêng; lễ bỏ mả; lễ hội đâm trâu; lễ mừng lúa mới của đồng bào Khmer.
Giao thông
Đường bộ chính là đường 13, từ thành phố Hồ Chí Minh đi Lái Thiêu - Thủ Dầu Một - Bến Cát (Bình Dương) rồi Chơn Thành - An Lộc - Lộc Ninh và rẽ phía tây 15km đến cửa khẩu biên giới Hoa Lư. Đường 14 từ ngã tư Chơn Thành đi thị xã Đồng Xoài, rồi lên tiếp Đắk Nông - Đắk Lắk - Gia Lai - Kon Tum - Đà Nẵng. Thị xã Đồng Xoài cách thành phố Hồ Chí Minh 128km.
Du lịch Bình Thuận
Bình Thuận là một tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ, phía đông bắc và bắc giáp tỉnh Ninh Thuận, phía bắc và tây bắc giáp Lâm Đồng, phía tây giáp Đồng Nai, phía tây nam giáp Bà Rịa - Vũng Tàu, phía đông và đông nam giáp biển Đông.
Địa hình của tỉnh có thể chia thành 3 vùng: vùng rừng núi, vùng đồng bằng và vùng ven biển. Bờ biển dài hơn 192km (từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná - Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu - Bà Rịa Vũng Tàu), có nhiều nhánh núi đâm ra biển tạo nên các mũi: La Gan, Mũi Nhỏ, Mũi Rơm, Mũi Né, Kê Gà, chia bờ biển thành những đoạn lõm, vòm, tạo ra những vùng cửa biển tốt như: La Gan - Phan Rí, Mũi Né - Phan Thiết, La Gi. Ngoài khơi có đảo Phú Quí rộng 23km² là cầu nối giữa đất liền với quần đảo Trường Sa.
Các sông chảy qua tỉnh là sông La Ngà (từ cao nguyên Di Linh đổ xuống hồ Biển Lạc), sông Quao, sông Công, sông Dinh... Khí hậu nhiệt đới, ít chịu ảnh hưởng gió mùa đông bắc, khí hậu nóng, khô hạn. Nhiệt độ trung bình năm 26ºC - 27ºC, lượng mưa trung bình năm 800 - 1.150mm.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Là tỉnh có nhiều rừng, công nghiệp chế biến gỗ, chế biến hạt điều và sản xuất hàng thủ công là thế mạnh của tỉnh. Bình Thuận có bờ biển dài, ngoài khơi giàu hải sản như cá thu, nục, ngừ, cơm, mực. Kinh tế biển phát triển về đánh bắt hải sản, sản xuất nước mắm, hải sản đông lạnh, làm muối.
Bên cạnh đó, nơi đây còn có nhiều bãi tắm cát trắng, nước trong xanh sạch sẽ cùng với những dãy núi trùng điệp, nối những bãi biển nên thơ bởi những dải đồng bằng bát ngát. Bình Thuận có nhiều điểm du ngoạn nổi tiếng như: Phan Thiết, Mũi Né, Hàm Tân, Đồi Dương... là những khu du lịch văn hoá - thể thao với các loại hình tắm biển, câu cá, du thuyền săn bắn và chơi golf.
Dân tộc, tôn giáo
Bình Thuận có một nền văn hóa đa dạng và lâu đời của nhiều dân tộc. Toàn tỉnh có hơn 30 dân tộc chung sống, trong đó 6 dân tộc đông nhất là: Việt (Kinh), Chăm, Hoa, Ra Glai, Cơ Ho và Tày.
Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nền kiến trúc của người Chăm rất phong phú với những tháp cao bằng đất nung, vừa thanh thoát, vừa bền vững với dáng đứng hiên ngang. Những tác phẩm điêu khắc Chăm như tượng các thần, các vị vua, hoàng hậu, vũ nữ,...đã thể hiện trình độ điêu luyện về kỹ thuật chạm, khắc, với những đường nét chắc, khoẻ, lãng mạn, giàu trí tưởng tượng. Trang phục, nhạc cụ, điệu múa, lời ca là những di sản quý của nền văn hóa cổ Sa Huỳnh và văn hóa Chăm cổ còn được đồng bào lưu giữ đến ngày nay.
Các công trình kiến trúc cổ có đền, tháp, đình, chùa, lăng, miếu đan xen với các di tích khảo cổ học, di tích lịch sử cách mạng, các lễ hội truyền thống của người Việt, người Chăm...đã đem lại cho mảnh đất Bình Thuận những nét văn hóa riêng và độc đáo.
Giao thông
Thành phố Phan Thiết cách Tp. Hồ Chí Minh 200km, cách Hà Nội 1.518km. Bình Thuận có quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam đi qua tỉnh, có quốc lộ 28 nối sang Lâm Đồng.
Du lịch Cà Mau
Cà Mau là tỉnh cực nam của Tổ quốc, có ba mặt giáp biển với 307km bờ biển. Phía bắc giáp Kiên Giang, phía đông bắc giáp Bạc Liêu, phía đông và đông nam giáp biển đông, phía tây và tây nam giáp vịnh Thái Lan.
Cà Mau nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa, nóng ẩm. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8, các tháng khác ít mưa. Lượng mưa trung bình 2.500mm/năm. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 26ºC - 27ºC.
Cà Mau là vùng đất mới, bao gồm: đất phèn, đất mặn, đất than bùn và đất bãi bồi tạo nên những cánh đồng màu mỡ. Cà Mau có mạng lưới sông ngòi chằng chịt, 7 sông chính là sông Ông Đốc, Bảy Háp, Cái Lớn, Gành Hào, Dầm Dơi, Trèm Trẹm, Bạch Ngưu tạo thành các cửa sông lớn. Ngoài biển Cà Mau còn có đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Cà Mau có bờ biển dài nên khả năng đánh bắt cá tôm rất lớn. Nơi đây phát triển nhiều hồ nuôi tôm. Cà Mau có nhiều sông và mạng lưới kênh rạch chằng chịt nên đi lại và vận chuyển bằng ghe thuyền rất thuận tiện. Ngay trong rừng đước, rừng tràm, thuyền đi chỗ nào cũng được.
Thành phố Cà Mau cách Cần Thơ 179km, cách thành phố Hồ Chí Minh 350km. Là một thành phố trẻ có tốc độ phát triển kinh tế nhanh trong những năm gần đây. Cảng biển quốc tế Năm Căn và các cảng cá khác, cùng với sân bay Cà Mau đã và đang được cải tạo để đưa vào sử dụng. Công trình Siêu thị Cà Mau, một trung tâm thương mại lớn, có cửa hàng siêu thị, khách sạn 3 sao và văn phòng cho thuê.
Giao thông
Đường không: Sân bay Cà Mau.
Đường bộ: Quốc lộ 1A từ Cần Thơ, Sóc Trăng xuống, qua Bạc Liêu (114km), Cà Mau (180km), từ Cà Mau đến Năm Căn (qua Cái Nước) 55km. Đường quốc lộ 63 từ Cà Mau lên Rạch Giá 130km. Có tuyến xe khách từ bến xe miền Tây của thành phố Hồ Chí Minh tới Cà Mau.
Đường thuỷ: Tàu thuỷ từ Cà Mau đi Tp. Hồ Chí Minh (mất 30 giờ), Rạch giá (12 giờ). Có phà đi rừng U Minh, Ngọc Hiển.
Du lịch Cần Thơ
Thành phố Cần Thơ nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, giữa một mạng lưới sông ngòi kênh rạch. Cần Thơ tiếp giáp với 5 tỉnh: phía bắc giáp An Giang và đông bắc giáp Đồng Tháp, phía nam giáp Hậu Giang, phía tây giáp Kiên Giang, phía đông giáp Vĩnh Long.
Cần Thơ có nhiều hệ thống sông ngòi kênh rạch như sông Hậu, sông Cần Thơ, kênh Thốt Nốt, rạch Ô Môn... Khí hậu Cần Thơ điều hoà dễ chịu, ít bão. Quanh năm nóng ẩm, không có mùa lạnh. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung binh là 27ºC.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Thành phố Cần Thơ có 3 bến cảng có thể tiếp nhận tàu trên 10.000 tấn phục vụ cho việc xếp nhận hàng hóa dễ dàng. Từ xa xưa Cần Thơ đã được coi là trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam bộ, hiện nay là một trong những nơi sản xuất và xuất khẩu gạo chính của cả nước.
Với đất đai phì nhiêu, bên cạnh thế mạnh về cây lúa và cây ăn quả các loại, Cần Thơ còn có nguồn thủy sản khá phong phú, chủ yếu tôm cá nước ngọt và chăn nuôi: lợn, gà, vịt. Các ngành công nghiệp hiện có chủ yếu là điện năng (nhà máy điện Trà Nóc, 33.000 kw); kỹ thuật điện, điện tử, hoá chất, may, da và chế biến nông sản, thủy sản... là thế mạnh của tỉnh.
Địa danh Cần Thơ có xuất xứ từ tên "cầm thi giang" (sông thơ, đàn) cho thấy đây là vùng văn hoá sông nước. Con sông gắn liền với mọi hoạt động kinh tế, văn hoá cư dân. Nét độc đáo tự nhiên và kiến trúc đô thị của Cần Thơ là mạng lưới kênh rạch. Kênh rạch cũng là "đường phố", nó mang vẻ đẹp cho một đô thị lớn từng được mệnh danh là Tây Đô. Cần Thơ lại có vẻ đẹp bình dị nên thơ của làng quê sông nước, dân cư tập trung đông đúc, làng xóm trù phú núp dưới bóng dừa. Cần Thơ nổi tiếng với bến Ninh Kiều, vườn cò Bằng Lăng.
Tp. Cần Thơ tập trung nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học - công nghệ. Đã từ lâu, nơi đây là trung tâm kinh tế - văn hoá của các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Dân tộc, tôn giáo
Cần Thơ có nhiều nét đặc sắc, độc đáo của văn hoá đồng bằng Nam Bộ được kết hợp hài hoà các sắc thái văn hoá truyền thống của người Việt, Khmer, Hoa...
Giao thông
Cần Thơ cách Vĩnh Long 34km, Long Xuyên 62km, Sóc Trăng 63km, Mỹ Tho 104km, Rạch Giá 116km, Châu Đốc 117km, thành phố Hồ Chí Minh 169km và Cà Mau 179km.
Đường bộ: Các tuyến đường lớn chạy qua tỉnh là quốc lộ 1A, quốc lộ 91 đi An Giang; quốc lộ 80 đi Kiên Giang. Bến xe buýt cách trung tâm thành phố khoảng 2km về phía tây bắc, dọc theo đường Nguyễn Trãi.
Đường thủy: Cần Thơ là trung tâm giao thông thủy bộ của cả vùng Nam bộ, nối liền với Cam-pu-chia. Thành phố có cảng quốc tế Cái Cui khá lớn tiếp nhận tàu 5.000 tấn.
Đường không: Sân bay Trà Nóc.
Du lịch Cao Bằng
Cao Bằng là một tỉnh miền núi ở phía bắc Bắc bộ. Phía bắc và phía đông Cao Bằng giáp Trung Quốc, phía tây giáp Tuyên Quang và Hà Giang, phía nam giáp Bắc Kạn và Lạng Sơn. Địa hình của tỉnh tương đối phức tạp vì vậy giao thông giữa các huyện trong tỉnh bị hạn chế.
Cao Bằng có khí hậu ôn đới. Một năm có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhiệt độ trung bình mùa hè là 25ºC - 28ºC, mùa đông là 16ºC - 17ºC. Một số vùng núi cao như Trùng Khánh, Trà Lĩnh về mùa đông có tuyết rơi.
Tiềm năng phát triển du lịch
Nhìn chung khí hậu Cao Bằng mát mẻ quanh năm lại có nhiều núi cao, phong cảnh thiên nhiên hữu tình rất thích hợp cho nghỉ ngơi, du lịch.
Lễ hội truyền thống của tỉnh Cao Bằng là nét đặc trưng của các dân tộc sinh sống trong vùng đặc biệt là lễ hội Lồng Tồng. Tỉnh cũng có nhiều di tích thắng cảnh như di tích Bắc Bó, khu di tích Kim Đồng, hồ trên núi Thang Hen, thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh) là một thác nước vào loại đẹp nhất ở Việt Nam...
Dân tộc, tôn giáo
Là một tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, Cao Bằng có nền văn hoá truyền thống rất phong phú. Người Tày chiếm số lượng khá lớn trong tỉnh, sống ở hầu hết các huyện. Họ có truyền thống văn hoá lâu đời, có chữ viết riêng (nhóm ngôn ngữ Tày - Nùng). Nét đặc sắc về văn hoá của người Tày được thể hiện trong các hội làng, ca hát đối đáp, hát ví, hát then.
Giao thông
Từ Hà Nội theo quốc lộ 3 đến thị xã Cao Bằng khoảng 272km. Tỉnh có quốc lộ 4B đi Lạng Sơn, quốc lộ 3 đi Bắc Kạn, Trung Quốc, quốc lộ 34 đi Hà Giang.
Du lịch Đắk Lắk
Tỉnh Đắk Lắk nằm trên cao nguyên Đắk Lắk, một trong 3 cao nguyên lớn của Tây Nguyên, có độ cao trung bình 400 - 800m so với mặt nước biển, phía bắc và đông bắc giáp Gia Lai, phía nam giáp Lâm Đồng, phía tây giáp Căm-pu-chia và tỉnh Đắk Nông, phía đông giáp Phú Yên và Khánh Hòa.
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn trong cả nước. Vùng núi cao từ 1.000 - 1.200m chiếm 35% diện tích của tỉnh. Vùng cao nguyên Buôn Ma Thuột cao 450m, chiếm 53,5%, đất đỏ mầu mỡ, khá bằng phẳng thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp dài ngày, chăn nuôi gia súc và trồng rừng. Đất trũng phù sa (12%) trồng lúa và đồng cỏ tự nhiên. Rừng Đắk Lắk có trữ lượng gỗ dồi dào và nhiều động vật quý hiếm như voi, hổ, báo, gấu, nai, heo rừng, bò rừng.
Đắk Lắk có các hệ thống sông chính: sông Ba, sông Sêrêpôk( các nhánh Krông Bông, Krông Pắk, Krông Ana, Krông Nô...) và một số nhánh sông nhỏ khác. Nhiều thác cao có nguồn thuỷ năng lớn, khai thác thủy điện như thác: Dray H'Linh, Buôn Kuốp. Nhiều hồ lớn như hồ Lắk, hồ Ea Kao, hồ Ea Súp, hồ Đakmin... cung cấp nước tưới và thuỷ sản nước ngọt cho toàn tỉnh.
Khí hậu: vùng này tương đối ôn hòa, nhiệt độ trung bình năm 24ºC, tháng nóng nhất và lạnh nhất chỉ chênh lệch trung bình 5ºC. Thời tiết và lượng mưa phụ thuộc theo mùa. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nhiều gió và hơi lạnh, thời tiết khô hạn, nhiều khe suối khô cạn. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 trong năm, lượng nước rất lớn, nhiều năm bị ngập lụt ảnh hưởng đến giao thông.
Tiềm năng phát triển du lịch
Đến Đắk Lắk du khách có thể đi thăm thác Thủy Tiên, những hồ nước thơ mộng như hồ Lắk, hồ Buôn Triết, hồ Ea Kao; các khu rừng nguyên sinh - vườn quốc gia Yok Đôn, khu lâm viên Ea Kao, thăm Buôn Đôn nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi, các di tích lịch sử như tháp Chàm thế kỷ 13, biệt điện của cựu hoàng Bảo Đại, nhà tù Buôn Ma Thuột hoặc tìm hiểu đời sống văn hoá các dân tộc ít người.
Dân tộc, tôn giáo
Vùng đất này có nền văn hoá cổ truyền khá đa dạng của nhiều dân tộc đậm nét truyền thống và bản sắc riêng. Nơi đây còn lưu giữ nhiều pho sử thi truyền miệng rất độc đáo như sử thi Đam San dài hàng ngàn câu. Các luật tục cổ, kiến trúc nhà sàn, nhà rông và tượng nhà mồ còn chứa bao điều bí ẩn đầy hấp dẫn. Các loại nhạc cụ dân tộc từ lâu đời đã trở nên nổi tiếng và là niềm tự hào của cả vùng Tây Nguyên, của văn hoá dân gian Việt Nam: bộ đàn đá của người M'Nông (huyện Lắk), đàn T'rưng, đàn Klông pút, đàn nước, kèn, sáo...
Nếu đúng dịp, du khách sẽ được tham dự những lễ hội độc đáo còn nguyên chất dân gian. Trong lễ hội, cả buôn làng cầm tay nhau nhảy múa xung quanh đống lửa theo nhịp của cồng, chiêng.
Giao thông
Hệ thống mạng lưới giao thông khá thuận lợi, các quốc lộ 14 đi Pleiku - Gia Lai (180km), đi Đắk Nông và Tp. Hồ Chí Minh; quốc lộ 26 đi Nha Trang - Khánh Hòa (190km); quốc lộ 27 đi Đà Lạt - Lâm Đồng (395km).
Thành phố Buôn Ma Thuột nằm ở vùng đông dân nhất Tây Nguyên, trên độ cao 536m, cách Hà Nội 1.390km, cách Tp. Hồ Chí Minh 360km.
Du lịch Đắk Nông
Tỉnh Đắk Nông được tách ra từ tỉnh Đắk Lắk cũ. Phía bắc tỉnh Đắk Nông giáp tỉnh Đắk Lắk, phía đông và đông nam giáp tỉnh Lâm Đồng, phía tây giáp tỉnh Bình Phước và nước bạn Căm-pu-chia.
Tỉnh Đắk Nông nằm ở phía tây nam Trung Bộ, đoạn cuối dãy Trường Sơn, trên một vùng cao nguyên, độ cao trung bình 500m so với mặt biển. Địa hình tương đối bằng, có bình nguyên rộng lớn với nhiều đồng cỏ trải dài về phía đông. Phía tây địa hình thấp dần, nghiêng về phía Căm-pu-chia, phía nam là miền đồng trũng có nhiều đầm hồ. Có các hệ thống sông chính: sông Ba, sông Sêrêpôk (các nhánh Krông Bông, Krông Pắk, Krông Ana, Krông Nô,..) và một số sông nhỏ khác, nhiều thác nước cao, thuỷ năng lớn.
Khí hậu: vùng này tương đối ôn hoà, nhiệt độ trung bình năm 24ºC, tháng nóng nhất và lạnh nhất chỉ chênh lệch trung bình 5ºC. Thời tiết và lượng mưa phụ thuộc theo mùa. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nhiều gió và hơi lạnh, thời tiết khô hạn, nhiều khe suối khô cạn. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 trong năm, lượng nước rất lớn, nhiều năm bị ngập lụt ảnh hưởng đến giao thông.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Đắk Nông có diện tích đất canh tác màu mỡ, chủ yếu là đất bazan, thuận lợi cho trồng cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê, cao su, tiêu... Có nền văn hoá cổ truyền khá đa dạng của nhiều dân tộc đậm nét truyền thống và bản sắc riêng.
Đắk Nông rất phù hợp với những du khách thích phong cảnh thác hùng vĩ, đêm lửa trại, với tiếng cồng chiêng và vị nồng của rượu cần. Dòng Sêrepok tạo nên nhiều thác ghềnh tuyệt đẹp, lúc hiền hòa, lúc dữ dội, tuyệt hơn cả là thác Gia Long tựa nàng sơn nữ ngủ quên với dáng vẻ hoang sơ và lãng mạn và thác Dray Nur tựa bức tường thành khổng lồ. Ngoài ra còn có thác Diệu Thanh, thác Ba Tầng và thác Dray Sáp hay còn gọi là thác Khói vì nơi đây quanh năm lãng đãng khói nước bay.
Giao thông
Hệ thống mạng lưới giao thông khá thuận lợi, các quốc lộ 14 đi Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk, đi Tp Hồ Chí Minh, đi Pleiku - Gia Lai (180km) ; quốc lộ 28 đi Di Linh (Lâm Đồng).
Du lịch Đà Lạt
Từ thành phố Hồ Chí Minh, theo quốc lộ 20 chừng 308km là đến Đà Lạt. Được người Pháp phát hiện từ những năm cuối thế kỷ 19 và hình thành vào những năm đầu thế kỷ 20, Đà Lạt là một thành phố nghỉ dưỡng trẻ trung với nhiều ưu thế tự nhiên về khí hậu và cảnh quan. Nhờ vào độ cao 1.475m so với mặt biển nên dù là một xứ nhiệt đới, Đà Lạt có được một khí hậu mát mẻ, dễ chịu của vùng ôn đới với nhiệt độ trung bình trong ngày thấp nhất là 15oC và cao nhất là 24oC. Mặc dù có hai mùa : mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11 và mùa nắng từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau nhưng quanh năm Đà Lạt đều có nắng. Các nhà khí hậu học quả không quá lời khi gọi Đà Lạt là thành phố của mùa xuân
Đà Lạt ở trong khoảng từ 11º52' -12º04' vĩ độ Bắc và 108º20' - 108º35' kinh độ Đông, được giới hạn bởi ngọn Langbian cao 2.167m ở phía bắc, dãy núi Voi cao 1.756m bao quanh phía tây và phía nam, ngọn Lap-Bé Nord cao 1.732m phía đông bắc và ngọn Dan-se-na cao 1.600m ở phía đông. Tiếp theo bên trong là những quả đồi đỉnh tròn thấp dần sườn thoai thoải. Xen giữa chúng là những thung lũng, phần lớn là khu dân cư và trồng trọt. Hồ Xuân Hương nằm giữa được coi là trung tâm của thành phố, ở độ cao 1.475m. Vì vậy Đà Lạt gần có dạng lòng chảo hình bầu dục.
Do rừng, đồi hoang chiếm với diện tích lớn nên đất dành cho nông nghiệp ở Đà Lạt không nhiều, chỉ khoảng 3.600ha, chủ yếu trồng rau. Diện tích rừng Đà Lạt có chừng 16.400ha. Trong đó, rừng thông chiếm một diện tích đáng kể, hơn 10.300ha, là vật "trang sức" của thành phố. Thật vậy, những giải rừng thông đã làm cho Đà Lạt thêm duyên dáng. Hơn nữa, nó cũng đóng một vai trò tích cực trong việc tạo nên những nét đặc sắc về tiểu khí hậu, môi sinh ở nơi này. Không khí trong rừng thông trong lành, dễ chịu là điều kiện tốt cho sự nghỉ dưỡng.
Đi sâu vào thành phố, du khách sẽ vừa khám phá một "bảo tàng" của các thác nước, những hồ đẹp, thung lũng hoa và đồi cỏ vừa thưởng thức những sản phẩm Đà Lạt bao gồm nhiều loại trái cây: hồng, mận, đào, bơ..., nhiều món ăn dân tộc độc đáo và các hàng lưu niệm của riêng vùng Đà Lạt. Ngày nay, đến Đà Lạt du khách sẽ cảm nhận được một nét kiến trúc rất nên thơ, lộng lẫy mà kín đáo qua từng ngôi biệt thự ẩn mình trong cây lá hoặc rực rỡ bởi được phủ lên cả một rừng hoa.
Đà Lạt mang đậm trong mình bản sắc văn hoá Tây Nguyên đẹp như huyền thoại. Vào những ngày hội làng, ngày vui của gia đình, du khách sẽ được xem họ múa, hát, chơi nhạc bằng những nhạc cụ độc đáo mà âm thanh của nó nghe như tiếng gió hú, tiếng thác chảy trên ghềnh đá.
Với những ưu thế nội tại, Đà Lạt có thể cùng lúc tổ chức nhiều loại hình du lịch khác nhau như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch thể thao, du lịch hội nghị, du lịch kết hợp nghiên cứu khoa học...Thành phố Đà Lạt hơn 100 năm tuổi đang trở thành một trong những địa danh du lịch hấp dẫn nhất đối với du khách trong và ngoài nước.
Danh lam thắng cảnh Đà Lạt, Lâm Đồng
Hồ Suối Vàng
Hồ Suối Vàng gồm hai hồ là Dankia ở trên và Ankroet ở dưới, được tạo bởi hai đập cùng tên Ankroet
Hồ Xuân Hương
Hồ Xuân Hương nguyên là thung lũng có dòng suối Cam Ly chảy qua, nơi quy tụ của các cư dân Lạch buổi ban đầu
Hồ Tuyền Lâm
Hồ nằm cách Ðà Lạt 5km, gọn gàng giữa rừng thông mênh mông và dòng suối tía huyền thoại
Hồ Than Thở
Hồ Than Thở nằm trên đồi cao giữa một rừng thông tĩnh mịch. Cảnh vật quanh hồ nên thơ, mặt nước hồ luôn phẳng lặng
Thác Pongour
Thác Pongour là một ngọn thác nổi tiếng đẹp mơ màng, hùng vĩ, hoang dã nhất của Nam Tây Nguyên.
Thác Cam Ly
Ngọn thác hùng vĩ gắn với quang cảnh của các đồi thông bao quanh đã tạo nên một thắng cảnh khó quên
Thác Voi
Thác nước gắn liền với sự tích về mối tình thủy chung, bi tráng này đã được công nhận là di tích thắng cảnh QG
Thác Hang Cọp
Thác Hang Cọp cách thành phố Đà Lạt 15 km về hướng Đông, Tiếng thác va vào đá phát ra âm thanh như tiếng cọp gầm
Thác Đamb'ri
Có độ cao khoảng 60m. Mùa mưa, nước thượng nguồn đổ về ầm ầm, đi xa vài kilômét còn nghe thấy tiếng
Thác Pernn
Con đường xuống thác thật đẹp với những bậc đá ôm theo sườn đồi được bố trí một cách hợp lý
Đồi Cù
du khách có thể nhìn thấy những vú đồi cỏ xanh non tơ, như một giải lụa mềm mại vắt ngang Phố núi
Đồi mộng mơ
Là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất, thu hút khách nhất của thành phố du lịch Đà Lạt
Núi Langbiang
Núi Lang Bian còn được gọi là Núi Mẹ, gồm 2 ngọn, có độ cao 2.167m
Thung Lũng Tình Yêu
Thung lũng Tình yêu là một thắng cảnh trữ tình và thơ mộng vào bật nhất Đà Lạt.
Vườn Quốc Gia Cát Tiên
Đặc trưng của vườn quốc gia này là rừng đất thấp ẩm ướt nhiệt đới
Nhà thờ Con Gà
Đây là nhà thờ lớn nhất ở thành phố Đà Lạt, được gọi là nhà thờ Chánh tòa, hay ngoài ra còn cái tên dân gian là nhà thờ Con Gà
Du lịch Thành Phố Đà Nẵng
Điều kiện tự nhiên
Thành phố Đà Nẵng nằm ở trung độ đất nước, phía bắc giáp tỉnh Thừa Thiên - Huế, phía tây và nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp biển Đông.
Địa hình thành phố Đà Nẵng khá đa dạng: phía bắc là đèo Hải Vân hùng vĩ, vùng núi cao thuộc huyện Hòa Vang (phía tây bắc của tỉnh) với núi Mang 1.708m, núi Bà Nà 1.487m. Phía đông là bán đảo Sơn Trà hoang sơ và một loạt các bãi tắm biển đẹp trải dài từ bán đảo Sơn Trà đến bãi biển Non Nước. Phía nam có núi Ngũ Hành Sơn. Ngoài khơi có quần đảo Hoàng Sa với ngư trường rộng lớn.
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, chia 2 mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ trung bình năm từ 28ºC- 29ºC, bão thường đổ bộ trực tiếp vào thành phố các tháng 9, 10 hàng năm.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Thành phố Đà Nẵng được thành lập từ năm 1888, từ xa xưa đã là hải cảng quan trọng của Việt Nam, nay là một trung tâm kinh tế, một thành phố lớn nhất miền Trung. Đà Nẵng không chỉ gắn bó mật thiết với Quảng Nam mà còn với cả miền Trung, Tây Nguyên, nam Lào, đông bắc Cam-pu-chia.
Đà Nẵng có khu vực cảng Đà Nẵng với cảng biển Tiên Sa (cảng sâu) và 9 cầu cảng dọc sông Hàn, có sân bay quốc tế Đà Nẵng, có hệ thống thông tin liên lạc hiện đại. Đà Nẵng còn là nơi hội tụ các xí nghiệp lớn của các ngành dệt, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
Đến với vùng đất Đà Nẵng, du khách sẽ có dịp đi thăm các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như núi Bà Ná, Ngũ Hành Sơn, đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà... và có thể bơi lội thoả thích ở các bãi biển đẹp, cát trắng mịn kéo dài hàng chục ki lô mét. Tiềm năng du lịch của vùng đất Đà Nẵng thật to lớn.
Giao thông
Thành phố Đà Nẵng nằm trên trục đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không của cả nước và khu vực. Đà Nẵng nằm trên tuyến đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 1A, cách Hà Nội 763km. Từ Đà Nẵng có các chuyến bay đi Hà Nội, Hồ Chí Minh, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Pleiku. Có 5 đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng đã được mở từ Bangkok, Hong Kong, Siêm Riệp, Đài Bắc và Singapore với 5 hãng hàng không: Vietnam Airlines, PB Air, Siem Riep Air way, F
Du lịch Kiên Giang
Kiên Giang là một dải đất nằm ở phía tây nam của Tổ quốc. Phía đông và đông nam của tỉnh Kiên Giang giáp với các tỉnh An Giang, Cần Thơ và Hậu Giang, phía nam giáp Cà Mau, phía bắc giáp Cam-pu-chia với đường biên giới dài 54km, ngoài ra còn có hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ ngoài vịnh.
Kiên Giang có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm 27ºC - 27,5ºC; quanh năm không quá nóng và quá lạnh. Khí hậu 2 mùa rõ rệt, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Là một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang có những cánh đồng lúa phì nhiêu, có rừng vàng, biển bạc, có hải đảo và đồi núi với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng về nông sản, hải sản, khoáng sản và du lịch. Nằm ven vịnh Thái Lan, Kiên Giang lưu thông với quốc tế bằng đường biển rất thuận lợi. Nghề chính của tỉnh là nghề nông, nhưng nghề cá cũng rất phát triển. Biển Kiên Giang có những bãi tôm và luồng cá rất lớn với nhiều loại cá ngon: thu, chim, nhám, bạc má, chép, he, cá thiều. Kiên Giang còn nổi tiếng về nghề làm nước mắm.
Kiên Giang có nhiều địa danh nổi tiếng đi vào lịch sử là rừng U Minh, Hòn Đất, Hà Tiên, Phú Quốc... Thiên nhiên đã ưu đãi cho Kiên Giang nhiều danh lam thắng cảnh như "Non nước Hà Tiên", "Biển trời Phú Quốc". Địa danh Hà Tiên (cách Rạch Giá 90km về hướng tây bắc) được đánh giá là nơi có nhiều cảnh đẹp (chỉ sau Hạ Long) với nhiều núi non hang động, chùa chiền, lăng mộ và nhiều hòn đảo gần xa.
Giao thông
Đường bộ: Rạch Giá cách Cần Thơ 116km, Mỹ Tho 182km và cách Tp. Hồ Chí Minh 250km.
Đường không: Tỉnh hiện có ba sân bay Rạch Giá, Phú Quốc và Hà Tiên. Có 9 chuyến bay một tuần từ Tp. Hồ Chí Minh tới sân bay Rạch Giá, 34 chuyến bay một tuần tới sân bay Phú Quốc.
Thị xã Hà Tiên
Khu Du lịch Mũi Nai
Mũi Nai là một trong mười cảnh đẹp của Hà Tiên xưa đã đi vào thơ ca với tên gọi "Lộc Trĩ thôn cư"
Hòn Phụ Tử
Khi nói đến Hà Tiên, ta không thể nào bỏ qua hòn Phụ Tử, nơi được xem là một danh lam thắng cảnh tiêu biểu của vùng
Du lịch Huyện Đảo Phú Quốc
Do vị trí đặc điểm của Đảo Phú Quốc nằm ở vĩ độ thấp lại lọt sâu vào vùng vịnh Thái Lan, xung quanh biển bao bọc nên thời tiết mát mẻ mang tính nhiệt đới gió mùa. Khí hậu chia hai mùa rõ rệt, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 âm lịch đến tháng 4 âm lịch năm sau và mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 âm lịch đến tháng 10 âm lịch năm sau.
Huyện đảo Phú Quốc bao gồm 36 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc lớn nhất có diện tích 573km², dài 50km, nơi rộng nhất (ở phía bắc đảo) 25km.
Địa hình thiên nhiên thoai thoải chạy từ nam đến bắc nhiều đồi núi. Tại đây có Vườn quốc gia Phú Quốc, diện tích 31.422ha, trong đó có 12.794ha rừng. Hệ sinh vật có 929 loài thực vật, 89 loài san hô cứng, 19 loài san hô mềm, 62 loài rong biển...
Phú Quốc được mệnh danh là hòn đảo ngọc bởi sự giầu có do thiên nhiên ban tặng và tiềm năng du lịch phong phú, một vùng đất lạ. Quanh đảo có nhiều bãi tắm đẹp như bãi Trường, bãi Khem, Gành Dầu, rạch Tràm, rạch Vẹm. Du khách có thể tắm biển, tắm suối, leo núi, vào hang, lên rừng...
Đặc sản nổi tiếng của Phú Quốc là nước mắm, hương vị ngọt, thơm được chế biến từ loại cá cơm đặc biệt, có độ đạm cao (trên 25ºC), hàng năm sản xuất khoảng 6 triệu lít. Biển Phú Quốc rất nhiều loại hải sản quý như tôm he, cá thu, cá chim, cá bạc má, cá thiều...
Phú Quốc có các cảng An Thới, càng Hòn Thơm, là nơi ra vào của tàu bè trong nước và quốc tế đến trao đổi hàng hóa. Đảo Phú Quốc là nơi có nhiều di tích lịch sử như khu căn cứ của người anh hùng Nguyễn Trung Trực, những kỷ vật của vua Gia Long trong những năm trôi dạt ra đảo (cuối thế kỷ 18), nhà tù Phú Quốc...
Ngày nay, hệ thống đường giao thông trên đảo đang phát triển nhanh chóng, cạnh đó là các tuyến vận chuyển hành khách từ đất liền ra đảo bằng cả đường hàng không lẫn hàng hải rất thuận tiện nên du khách có thể yên tâm đến cũng như đi lại trên đảo mà không gặp phải bất cứ trở ngại nào. Hiện Vietnamairline phục vụ tuyến Tp. Hồ Chí Minh - Phú Quốc (mất 1 giờ), Rạch Giá - Phú Quốc (mất 40 phút). Ngoài ra còn có tàu cánh ngầm Rạch Giá - Phú Quốc (mất 2h35').
Du lịch Đồng Tháp
Đồng Tháp nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, là một trong ba tỉnh của vùng Đồng Tháp Mười, phía bắc giáp Cam-pu-chia, phía nam giáp Vĩnh Long và Cần Thơ, phía tây giáp An Giang, phía đông giáp Long An và Tiền Giang.
Tỉnh có hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt; nhiều ao, hồ lớn. Sông chính là sông Tiền (một nhánh của sông Mê Kông) chảy qua tỉnh với chiều dài 132km. Dọc theo hai bên bờ sông Tiền là hệ thống kênh rạch dọc ngang. Đường liên tỉnh giao lưu thuận tiện với trên 300km đường bộ và một mạng lưới sông rạch thông thương.
Khí hậu: Đồng Tháp nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, chia 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình 26,6ºC.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Là một tỉnh nông nghiệp, Đồng Tháp sản xuất nhiều lương thực và các loại nông, thủy sản có giá trị xuất khẩu. Đất đai Đồng Tháp màu mỡ bởi phù sa do hai con sông Tiền và sông Hậu cung cấp hàng năm, xóm làng trù phú giữa bốn bề cây cối xanh tươi. Vì thế Đồng Tháp được biết đến như một vựa lúa của cả nước. Ở đây có giống lúa nổi một loài lúa mọc tự nhiên từ tháng 4, tháng 5 đến tháng 10 thu hoạch mà không cần chăm bón. Đồng Tháp cũng là vùng đầy triển vọng về các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, bông, thuốc lá, đậu tương và cây ăn trái như xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quít Lai Vung, bưởi Phong Hòa, chôm chôm, vú sữa, mãng cầu có quanh năm.
Vùng đất Đồng Tháp Mười ngày xưa nổi tiếng hoang vu với lắm bưng, trần, đìa, bàu, với bạt ngàn đưng, lác, năng, sen, súng và lau, sậy,...Đây là giang sơn của các loài động vật hoang dại như: rắn, rùa, chuột ếch, chim muông, cua, cá sấu.
Giờ đây về thăm Đồng Tháp du khách như trở về với cội nguồn thiên nhiên bởi bầu không khí trong lành, mát mẻ của những cánh đồng lúa phì nhiêu, đi trên những chiếc xuồng ba lá trên sông rạch để đến với khu di tích cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, đài liệt sĩ, khu di tích Gò Tháp, di tích kiến trúc cổ Kiến An Cung, vườn chim thiên nhiên lạ mắt ở Tháp Mười, vườn sếu quý hiếm ở Tam Nông, khu căn cứ Xẻo Quít, làng hoa kiểng Tân Qui Đông, các vườn cây ăn trái Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung, Thạnh Hưng...
Dân tộc và tôn giáo
Ở Đồng Tháp có nhiều tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo và Công giáo. Tính cách người dân Đồng Tháp mang đậm nét đặc trưng chung của đồng bằng Nam Bộ: cần cù, hiền lành, phóng khoáng, cởi mở và giàu lòng mến khách.
Giao thông
GiaThành phố Cao Lãnh cách quốc lộ 1A 36km, cách Tp. Hồ Chí Minh 162km. Nằm trên bờ sông Cao Lãnh (một nhánh nhỏ của sông Tiền tách ra sau 15km lại chảy vào sông Tiền), ở ngay sát Đồng Tháp Mười mênh mông, từ xa xưa Cao Lãnh đã là một đô thị sầm uất và là trung tâm kinh tế của Đồng Tháp.
Có tuyến xe khách trực tiếp từ Tp. Hồ Chí Minh, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long và Long Xuyên tới Cao Lãnh. Thị xã Sa Đéc cách Tp. Hồ Chí Minh 143km, nằm ở nút giao giữa Vĩnh Long và Long Xuyên.
Diện tích: 3.376,4km2
Dân số: 1.665.420 người
Đồng Tháp là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, phía Bắc giáp tỉnh Pray Veng (Campuchia) trên chiều dài biên giới 47,8km, với 4cửa khẩu: Thông Bình, Dinh Bà, Mỹ Cân và Thường Phước, phia Nam giáp Vĩnh Long và TP Cần Thơ, phía Tây giáp An Giang, phía Đông giáp Long An và Tiền Giang. Trung tâm tỉnh Đồng Tháp là TP Cao Lãnh, cách TP Hồ Chí Minh 162km.
Đồng Tháp có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, thị, thành: TP Cao Lãnh, Thị xã Sa Đéc, Thị xã Hồng Ngự và các huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Hồng Ngự, Lai Vung, Lấp Vò, Tam Nông, Thanh Bình. Tháp Mười.
Đồng Tháp có 2/3 diện tích tự nhiên thuộc vùng trũng Đồng Tháp Mười nên cảnh quan và sinh thái có hiều nét đặc sắc. Đến Đồng Tháp Mười, sẽ bắt gặp những cánh rừng tràm bạt ngàn, những đầm sen, đầm bông súng, những vườn cò, sân chim thuộc hệ sinh thái Đồng Tháp Mười, đang được nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế quan tâm.
Di tích-danh thắng:
- Vuờn quốc gia Tràm Chim: Có diện tích 7.588 ha, bao gồm 5 xã và thị trấn của huyện Tam Nông, cách TP Cao Lãnh 45km theo hướng Tây Bắc. Năm 1979, tỉnh Đồng Tháp quyết định chọn Tràm Chim làm nơi tái lập cảnh quan xưa cũ của Đồng Tháp Mười, rừng tràm được trồng lại, thảm thực vật được phục hồi với 130 loài, nơi cư trú của 185 loài thuỷ sinh vật, 55 loài cá cùng 198 loài chim, trong đó có 13 loài chim quý hiếm của thế giới. Đặc biệt là sếu đầu đỏ, cổ trụi.
- Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng: Có diện tích 350ha, nằm trong rừng tràm Gáo Giồng, thuộc ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh. Nơi đay có vườn chim rộng 40ha, với đủ loại chim nước như cò, còng cọc, trích, bìm bịp và nhiều loài thuỷ sản khác như cá lóc, cá rô, thác lác, lươn, rắn... Du khách đến đây có thể thư giản bằng câu cá.
- Làng hoa kiểng Sa Đéc: thuộc xã Tân Quy Đông, Thị xã Sa Đéc. Đây là một những làng hoa kiểng lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Các loại hoa được trồng nơi đây như cúc, hồng, thược dược, vạn thọ, huệ, lan... Còn các loại kiểng cũng quí hiếm, hơn trăm tuổi như khế, cau, bùm sụm, sung, si, mai...
- Lăng Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh chủ tịch Hồ Chí Minh): Cách trung tâm TP Cao Lãnh 1,5km, nằm ven quốc lộ 23 trên đường Phạm Hữu Lầu, phường 4, TP Cao Lãnh. Khu di tích được xây dựng vào năm 1977, với diện tích gần 4 ha, chia làm 2 khu vực: khu vực mộ Nguyễn Sinh Sắc và khu vực nhà sàn, ao cá.
- Chợ chiếu Định Yên: Chợ đã có cách đây khoảng 100 năm, nằm cạnh sông Hậu, thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò. Chợ họp vào ban đêm. Hàng hoá là nguyên liệu để dệt chiếu, các loại phẩm màu, dây bố và các hàng ngàn chiếc chiếu, đủ sắc màu như chiếu tráng, chiếu in hình hoa văn, chiếu con cò, chiếu cỗ trang trọng, chiếu cưới lộng lẫy.
- Bãi tắm An Hoà: Được phát hiện từ năm 1995, là một cồn cát trắng hình trăng khuyết rộng hơn 10ha, nằm giữa sông Tiền, cách thị trấn Cái Tàu Hạ (huyện Châu Thành) khoảng 40 phút đường bộ. Bãi tắm An Hoà là nơi lý tưởng để du khách thưởng ngoạn sông nước miền Tây. Hiện nay, bãi tắm An Hoà thu hút đồng đảo du khách.
- Cồn Tiên: là một cồn cát trắng mịn nổi dài giống như một nàng tiên phơi mình trong nắng. Cồn Tiên nằm trên dòng sông Hậu, đoạn chảy qua xã Định Hoà, huyện Lai Vung. Du khách đền cồn Tiên được thoả thích tắm mát dưới dòng sông Hậu, phơi nắng trên cát trặng mịn, tận hưởng không khí mát lành của đồng quê, sông nước. Cồn Tiên hiện là điểm đến miệt vườn sông nước của nhiều du khách trong và ngoài nước.
- Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê: 255A Nguyễn Huệ, phường 2, TX Sa Đéc. Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê là một di tích tình sử của Marguerite Dumas người Pháp và ông Huỳnh Thuỷ Lê người Hoa. M.Dumas đã viết tiểu thuyết L'Amant để kể về cuộc tình trắc trở của mình. Sách được dịch sang nhiều thứ tiếng khác trên thế giới và được trao giải thưởng Goncourt năm 1984. Năm 1990, Pháp cử đoàn làm phim sang Việt Nam để quay bộ phim Người Tình (L'Amant) tại ngôi nhà cổ này.
Lễ hội:
- Lễ giỗ Đốc Binh Vàng: Hàng năm vào các ngày 15-16/2 (Âm lịch), nhân dân xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tổ chức lễ giỗ Đốc Binh Vàng. Đốc Binh Vàng-Trần Ngọc, giữ chức Tổng binh kiêm chánh giải quân lương dưới triều vua Minh mạng. Năm 1837, trên đường giải lương đến biên thuỳ An Giang, đựôc tin báo thành An Giang thất thủ, ông đã ralệnh tiêu huỷ đoàn thuyền, giải giáp binh sĩ và sau đó rút gươm tự vẫn. Triều đình ban tặng ông chức thượng tướng quận công, dân chúng nhớ ơn và thương tiếc ông, đã đặt tên con rạch là rạch Đốc Vàng và thờ ông đến nay.
- Lễ vía bà Chúa Xứ: Được tổ chức hàng năm vào ngày 16/3 (Âm lịch) tại miếu bà Chúa Xứ, huyện Tháp Mười.
Các đặc sản: Đồng Tháp có các đặc sản như nem Lai Vung, hủ tiếu Sa Đéc, bánh phồng tôm Sa Giang, quít hồng Lai Vung, chuột đồng Cao Lãnh...
Khách Sạn:
- Sông Trà: 178 Nguyễn Huệ, TP Cao Lãnh - Điện thoại: 067 3852 624
- Hoà Bình: 10 quốc lộ 30, TP Cao Lãnh - Điện thoại: 067 3861 469
- Bông Hồng: 215A Nguyễn Sinh Sắc, TX Sa Đéc - Điện thoại: 067 3868 288
- Sa Đéc: 108/5A Hùng Vương, TX Sa Đéc - Điện thoại: 067 3862 828
- Mộng Yến: 786 Phan Hữu Lầu, TP Cao Lãnh - Điện thoại: 067 3881 017
Nhà hàng:
- Sông Trà; 178 Nguyễn Huệ, TP Cao Lãnh - Điện thoại: 067 3852 624
- Mỹ Trà: Lê Duẫn, TP Cao Lãnh - Điện thoại: 067 3855 624
- Hoà Bình : 10 quốc lộ 30, TP Cao Lãnh - Điện thoại: 067 3861 496
- Bông Hồng: 251A Nguyễn Sinh Sắc,TX Sa Đéc - Điện thoại: 067 3868 288
Doanh nghiệp du lịch:
- Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp: 178 Nguyễn Huệ, Phường 2, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 067 3852 136
- Cty TNHH Dịch vụ- Du lịch Gáo Giồng: Ấp 6, Xã Gáo Giồng, Huyện Cao Lãnh, Tỉnh Đồng Tháp - Điện thoại: 067 3926097
Về thăm Đồng Tháp
Đến với Đồng Tháp, du khách sẽ được đắm mình trong màu xanh của bạt ngàn cây trái, được ngắm nhìn nhìn những loài vật đặc hữu chỉ riêng có ở nơi đây.
Thành phố Cao Lãnh
Một trong những điểm mạnh của Thành phố là du lịch văn hóa lịch sử và sinh thái, đến Thành phố Cao Lãnh, sẽ được viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, là một trong những điểm tham quan trọng tâm trong tuyến du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái của tỉnh
Du lịch Đồng Nai
Sông Đồng Nai
Đồng Nai là tỉnh miền Đông Nam Bộ, cửa ngõ phía đông của Tp. Hồ Chí Minh, phía bắc giáp Lâm Đồng, phía đông giáp Bình Thuận, phía tây giáp Bình Dương, Bình Phước và Tp. Hồ Chí Minh, phía nam giáp Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tỉnh Đồng Nai nằm trên lưu vực sông Đồng Nai và một nhánh của nó là sông La Ngà, có sông Lá Buông chảy qua, có nhà máy thủy điện Trị An... Địa hình Đồng Nai gồm một số thung lũng, đồng bằng, gò, đồi thấp, tuy nhiên phần đất tiếp giáp với cao nguyên Lâm Viên và Di Linh thì tương đối cao. Phần lớn đất ở Đồng Nai là đất bazan, đất xám và đất phù sa cũ rất tốt cho việc trồng trọt. Bởi vậy Đồng Nai trồng nhiều cây công nghiệp (cây cao su, cà phê...), cây ăn trái và cây công nghiệp ngắn ngày.
Khí hậu: có 2 mùa - mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 25,4ºC - 27,2ºC.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Đồng Nai là tỉnh có công nghiệp phát triển, thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của khu vực miền Nam, chỉ sau Tp. Hồ Chí Minh. Xung quanh thành phố Biên Hoà có khu công nghiệp rộng lớn, nhiều nhà máy, xí nghiệp, công ty. Đồng Nai có nhiều nghề thủ công. Đồ gốm sứ Đồng Nai đẹp có tiếng trong nước. Đồng Nai có những rừng cao su, cà phê bạt ngàn, có rừng cấm Cát Tiên, một khu rừng nguyên sinh rộng lớn.
Đến Đồng Nai du khách có thể tham gia những chuyến du lịch sinh thái trong các khu rừng hoặc vườn cây ăn quả, cũng như săn bắn, câu cá, du thuyền trên sông Đồng Nai, dã ngoại tại các thắng cảnh: hồ Long Ẩn, khu văn hoá Suối Tre, thác Trị An, rừng Mã Đà,... hay tham quan các di tích chiến tranh, nghiên cứu các di chỉ khảo cổ: mộ cổ Hàng Gòn, đàn đá Bình Đa... Đồng Nai còn nổi tiếng với nghề thủ công truyền thống như làng gốm Tân Vạn, ven sông Đồng Nai của người Việt, nghề đục đá truyền thống tinh xảo của người Hoa sống gần hồ Long Ẩn.
Dân tộc, tôn giáo
Đồng Nai có nhiều dân tộc sinh sống, phần lớn là người Việt. Ngoài ra có người Hoa, Xtiêng, Chơ Ro, Chăm, Mạ... Đồng Nai có một truyền thống dân gian khá phong phú, đặc biệt là văn hóa của đồng bào dân tộc ít người. Tôn giáo chủ yếu ở Đồng Nai là Phật giáo và Công giáo. Ngoài ra, một số ít người theo đạo Tin Lành, đạo Hồi, đạo Cao Đài, Hòa Hảo.
Đồng Nai còn là quê hương của một số loại nhạc cụ dân gian độc đáo: đàn đá Bình Đa, sáo trúc, chiêng đồng, thanh la, khèn bầu, khèn môi. Lối hát Tam Pót của dân tộc Mạ, một loại hình hát kể có vần điệu được lưu truyền trong cộng đồng người Mạ ở huyện Định Quán hiện đang được khôi phục lại.
Giao Thông
Thành phố Biên Hòa cách Tp. Hồ Chí Minh 30km, cách Hà Nội 1.684km theo đường quốc lộ 1A, cách Đà Lạt (Lâm Đồng) 278km theo quốc lộ 20, cách Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) 95km theo quốc lộ 51, cách Cần Thơ 198km. Đường sắt tuyến Bắc - Nam đi từ Hà Nội qua thành phố Biên Hòa đến Tp. Hồ Chí Minh.
Du lịch Sóc Trăng
Sóc Trăng nằm ở cuối lưu vực sông Mê Kông, giáp các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu và biển Đông. Sóc Trăng có 72km bờ biển, 30.000ha bãi bồi.
Khí hậu mang tính chất khí hậu đại dương hai mùa: mùa mưa từ giữa tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau. Nhiệt độ trung bình cả năm 26ºC - 28ºC
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Sóc Trăng là tỉnh nông nghiệp chủ yếu trồng lúa (chiếm hơn 90% diện tích đất canh tác). Du khách đến đây sẽ thấy một vùng đất xanh tươi với những cánh đồng lúa mênh mông, những đầm nuôi tôm, những vườn cây trái xum xuê trĩu quả như vườn nhãn ven biển Vĩnh Châu, vườn chôm chôm, sầu riêng, cam, quít... trên cù lao Dung, cồn Mỹ Phước.
Dân tộc, tôn giáo
Ở Sóc Trăng người Việt (Kinh) chiếm 65% dân số của tỉnh, người Khmer chiếm 28%, khoảng 7% người Hoa nên tập quán sinh hoạt, văn hoá ở đây mang đậm màu sắc của ba dân tộc. Toàn tỉnh có 89 chùa Khmer, 47 chùa Hoa trong đó có những chùa nổi tiếng như chùa Mã Tộc (chùa Dơi), chùa Khleang, chùa Chruitim Chas, nhà Bảo tàng Khmer Sóc Trăng, chùa Đất Sét, chùa Chén Kiểu (Sà Lôn)...
Cách Tp. Hồ Chí Minh 231km, cách Tp. Cần Thơ 60km. Bến xe khách ở phía bắc thành phố trên đường Nguyễn Chí Thanh.
Du lịch Tây Ninh
Tây Ninh là tỉnh biên giới của miền Đông Nam Bộ. Phía bắc giáp 3 tỉnh của Cam-pu-chia với đường biên giới dài 240km, phía đông là tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía nam giáp Tp. Hồ Chí Minh và Long An. Tỉnh có hai cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài và Xa Mát.
Phía bắc tỉnh, từ thị xã Tây Ninh trở lên, có nhiều rừng núi trong đó núi Bà Đen cao 986m. Phía nam tỉnh khá bằng phẳng, gần như đồng bằng. Có hai con sông lớn chảy qua là sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn. Sông Sài Gòn được chặn lại tạo nên hồ Dầu Tiếng, là công trình thuỷ lợi lớn nhất nước, tưới tiêu cho 17.500ha đất nông nghiệp.
Tây Ninh là nơi tiếp giáp vùng núi cao nguyên Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, thuộc miền đất cao của Nam Bộ. Phần lớn là đất đỏ và đất xám, rất tốt cho việc trồng trọt, nhất là trồng rừng và trồng cây công nghiệp.
Khí hậu: nóng ấm, ôn hòa quanh năm, nhiệt độ trung bình năm 26ºC - 27ºC, lượng mưa trung bình cả năm từ 1400 - 2000mm. Có hai mùa rõ rệt: mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Giữ vị trí nối giữa Tp. Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh (Cam-pu-chia), Tây Ninh là địa bàn chiến lược về kinh tế và quốc phòng, từng là căn cứ địa cách mạng miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngày xưa đây là đất Phù Nam, sau đó thuộc phủ Gia Định (thời Nhà Nguyễn). Năm 1936 đặt phủ Tây Ninh gồm 2 huyện Tân Ninh và Quang Hóa, sau đổi thành tỉnh Tây Ninh.
Các di tích, danh thắng của tỉnh có tòa thánh Tây Ninh, núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng, tháp cổ Bình Thanh...
Dân tộc và tôn giáo
Có 3 dân tộc chính sinh sống tại đây, đó là người Việt(Kinh), Khmer và người Chăm. Tôn giáo ở Tây Ninh có đạo Phật, Công giáo và đạo Cao Đài.
Tây Ninh là trung tâm của đạo Cao Đài với tòa thánh Cao Đài được xây dựng qui mô lớn tại huyện Hòa Thành, cách thị xã Tây Ninh 4km. Từ đây đạo Cao Đài được lan truyền sang các tỉnh miền nam và miền trung Việt Nam với số dân theo đạo khoảng hơn 2 triệu người.
Thị xã Tây Ninh cách Tp. Hồ Chí Minh 99km. Tuyến đường xuyên Á mới mở rộng (quốc lộ 22A) hai chiều sáu làn xe từ thành phố Hồ Chí Minh qua Trảng Bàng, Gò Dầu tới cửa khẩu Mộc Bài dài 73km. Hiên nay, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đang trở thành trung tâm thương mại lớn của Việt Nam và Cam-pu-chia. Tỉnh có quốc lộ 22B từ Gò Dầu qua thị xã Tây Ninh tới cửa khẩu Xa Mát.
Thị xã Tây Ninh
Huyện Tân Biên
Huyện Tân Châu
Huyện Dương Minh Châu
Huyện Châu Thành
Huyện Hòa Thành
Huyện Bến Cầu
Huyện Gò Dầu
Huyện Trảng Bàng
Du lịch Thành Phố Hội An
Thành phố có 13 xã, phường (9 phường, 3 xã ở đất liền và 1 xã đảo). Cư dân ở ba xã ở đất liền chủ yếu là sản xuất nông - ngư nghiệp, một số xã có nghề thủ công như mộc, đồ đồng, gốm... Xã đảo Tân Hiệp với diện tích tự nhiên khoảng 15km2, gồm bảy hòn đảo, địa hình trên đảo phần lớn là núi với đảo Cù Lao Chàm lớn nhất và là nơi có đặc sản yến sào. Hội An còn có 7 km bờ biển, bãi tắm Cửa Đại là một trong những bãi tắm sạch đẹp của Hội An và Việt Nam.
Từ thế kỷ 16 đến 19, Hội An từng là trung tâm mậu dịch quốc tế trên hành trình thương mại Đông - Tây, một thương cảng phồn thịnh nhất của xứ Đàng Trong - Việt Nam trong triều đại các chúa Nguyễn bởi thương thuyền từ Nhật Bản, Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan ... thường đến đây để trao đổi, mua bán hàng hoá. Trong lịch sử hình thành và phát triển, Hội An đã được thế giới biết đến dưới nhiều tên gọi khác nhau. Phổ biến nhất là: Faifo, Haisfo, Hoài phố, Ketchem, Cotam. Các di chỉ khảo cổ và các hiện vật, công trình kiến trúc còn lưu lại đã chứng minh Hội An là nơi hội tụ, giao thoa giữa nhiều nền văn hoá: Chăm, Việt, Trung Hoa, Nhật Bản ... trong đó chịu sự ảnh hưởng nhiều nhất của văn hoá Việt và Trung.
Đến nay, khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ ...và những con đường hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Cảnh quan phố phường Hội An bao quát một màu rêu phong cổ kính trông hư hư, thực thực như một bức tranh sống động. Sự tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới. Đây được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.
Ngoài những giá trị văn hoá qua kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ một nền tảng văn hoá phi vật thể khá đồ sộ. Cuộc sống thường nhật của cư dân với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hoá đang được bảo tồn và phát huy cùng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, các làng nghề truyền thống, các món ăn đặc sản ... làm cho Hội An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.
Theo tài liệu thống kê, đến nay Hội An có 1.360 di tích, danh thắng. Riêng các di tích được phân thành 11 loại gồm: 1.068 nhà cổ, 19 chùa, 43 miếu thờ thần linh, 23 đình, 38 nhà thờ tộc, 5 hội quán, 11 giếng nước cổ, 1 cầu, 44 ngôi mộ cổ. Trong khu vực đô thị cổ có hơn 1.100 di tích
Du lịch Thủ Đô Hà Nội
Hà Nội nằm ở đồng bằng Bắc bộ, tiếp giáp với các tỉnh: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc ở phía bắc; phía nam giáp Hà Nam và Hoà Bình; phía đông giáp các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên; phía tây giáp tỉnh Hoà Bình và Phú Thọ.
Hà Nội nằm ở phía hữu ngạn sông Đà và hai bên sông Hồng, vị trí và địa thế thuận lợi cho một trung tâm chính trị, kinh tế, vǎn hoá, khoa học và đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam.
Khí hậu: Khí hậu Hà Nội khá tiêu biểu cho kiểu khí hậu Bắc bộ với đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa ấm, mùa hè nóng, mưa nhiều và mùa đông lạnh, mưa ít. Nằm trong vùng nhiệt đới, Hà Nội quanh nǎm tiếp nhận được lượng bức xạ mặt trời rất dồi dào và có nhiệt độ cao. Lượng bức xạ tổng cộng trung bình hàng nǎm ở Hà Nội là 122,8 kcal/cm2 và nhiệt độ không khí trung bình hàng nǎm là 23,6ºC. Do chịu ảnh hưởng của biển, Hà Nội có độ ẩm và lượng mưa khá lớn. Ðộ ẩm tương đối trung bình hàng nǎm là 79%. Lượng mưa trung bình hàng nǎm là 1.800mm và mỗi nǎm có khoảng 114 ngày mưa. Ðặc điểm khí hậu Hà Nội rõ nét nhất là sự thay đổi và khác biệt của hai mùa nóng, lạnh. Từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa nóng và mưa. Nhiệt độ trung bình mùa này là 29,2ºC. Từ tháng 11 đến tháng 3 nǎm sau là mùa đông thời tiết khô ráo. Nhiệt độ trung bình mùa đông 15,2ºC. Giữa hai mùa đó lại có hai thời kỳ chuyển tiếp (tháng 4 và tháng 10) cho nên Hà Nội có đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông. Bốn mùa thay đổi làm cho thời tiết Hà Nội mùa nào cũng có vẻ đẹp riêng. Mùa tham quan du lịch thích hợp nhất ở Hà Nội là mùa thu. Phần địa hình của Hà Tây (cũ) sáp nhập với Hà Nội, có những đặc điểm riêng nên hình thành những tiểu vùng khí hậu: vùng núi, vùng gò đồi và đồng bằng. Nhưng nói chung sự khác biệt thời tiết và chênh lệch về nhiệt độ giữa các địa phương của Hà Nội hiện nay không lớn.
Địa hình: Hà Nội có hai dạng địa hình chính là đồng bằng và đồi núi. Địa hình đồng bằng chủ yếu thuộc địa phận Hà Nội cũ và một số huyện phía đông của Hà Tây (cũ), chiếm khoảng 3/4 diện tích tự nhiên, nằm bên hữu ngạn sông Đà, hai bên sông Hồng và chi lưu các sông. Phần lớn địa hình đồi núi thuộc địa phận các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức. Một số đỉnh núi cao như: Ba Vì 1.281m; Gia Dê 707m; Chân Chim 462m; Thanh Lanh 427m; Thiên Trù 378m; Bà Tượng 334m; Sóc Sơn 308m; Núi Bộc 245m; Dục Linh 294m...
Sông ngòi: Hà Nội nằm cạnh hai con sông lớn ở miền Bắc: sông Đà và sông Hồng. Sông Hồng dài 1.183km từ Vân Nam (Trung Quốc) xuống. Ðoạn sông Hồng qua Hà Nội dài 163km (chiếm khoảng 1/3 chiều dài trên đất Việt Nam, khoảng 550km. Ngoài hai con sông lớn, trên địa phận Hà Nội còn có các sông: Đuống, Cầu, Cà Lồ, Đáy, Nhuệ, Tích, Tô Lịch, Kim Ngưu, Bùi.
Hồ đầm ở địa bàn Hà Nội có nhiều. Những hồ nổi tiếng ở nội thành Hà Nội như hồ Tây, Trúc Bạch, Hoàn Kiếm, Thiền Quang, Bảy Mẫu. Hàng chục hồ đầm thuộc địa phận Hà Nội cũ: hồ Kim Liên, hồ Liên Đàm, đầm Vân Trì... và nhiều hồ lớn thuộc địa phận Hà Tây (cũ): Ngải Sơn - Đồng Mô, Suối Hai, Mèo Gù, Xuân Khanh, Tuy Lai, Quan Sơn...
Dân cư
Theo số liệu 1/4/1999 cư dân Hà Nội và Hà Tây (cũ) chủ yếu là người dân tộc Việt (Kinh) chiếm tỷ lệ 99,1%; các dân tộc khác: Dao, Mường, Tày chiếm 0,9%. Năm 2006 cũng trên địa bàn Hà Nội và Hà Tây (cũ) cư dân đô thị chiếm tỷ lệ 41,1% và cư dân nông thôn là 58,1%; tỷ lệ nữ chiếm 50,7% và nam là 49,3%. Mật độ dân cư bình quân hiện nay trên toàn thành phố là 1875 người/km2, cư dân sản xuất nông nghiệp khoảng 2,5 triệu người.
Giao thông
Từ thủ đô Hà Nội, có thể đi khắp mọi miền đất nước bằng các loại phương tiện giao thông đều thuận tiện.
Đường không: sân bay quốc tế Nội Bài (nằm ở địa phận huyện Sóc Sơn, cách trung tâm Hà Nội chừng 35km). Sân bay Gia Lâm, vốn là sân bay chính của Hà Nội từ trước những năm 70 thế kỷ 20. Bây giờ là sân bay trực thăng phục vụ bay dịch vụ, trong đó có dịch vụ du lịch.
Đường bộ: Xe ô tô khách liên tỉnh xuất phát từ các bến xe Phía Nam, Gia Lâm, Lương Yên, Nước Ngầm, Mỹ Đình toả đi khắp mọi miền trên toàn quốc theo các quốc lộ 1A xuyên Bắc - Nam; quốc lộ 2 đi Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang; quốc lộ 3 đi Thái Nguyên, Cao Bằng; quốc lộ 5 đi Hải Phòng, Quảng Ninh; quốc lộ 6 đi Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu...
Đường sắt: Hà Nội là đầu mối giao thông của 5 tuyến đường sắt trong nước. Có đường sắt liên vận sang Bắc Kinh (Trung Quốc), đi nhiều nước châu Âu.
Đường thuỷ: Hà Nội là đầu mối giao thông quan trọng với bến Phà Đen đi Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Việt Trì; bến Hàm Tử Quan đi Phả Lại.
Văn hóa - Du lịch
Hà Nội hiện có trên 4.000 di tích và danh thắng, trong đó được xếp hạng quốc gia trên 900 di tích và danh thắng (hàng trăm di tích, danh thắng mới được sáp nhập từ Hà Tây và Mê Linh) với hàng trăm đền, chùa, công trình kiến trúc, danh thắng nổi tiếng.
Hà Nội là một trung tâm du lịch lớn ở Việt Nam. Du khách có dịp khám phá nhiều công trình kiến trúc văn hóa - nghệ thuật xây dựng qua nhiều thế hệ, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Những danh thắng tự nhiên đẹp và quyến rũ; những làng nghề thủ công tồn tại hàng trăm năm; những lễ hội truyền thống - sản phẩm văn hóa kết tinh nhiều giá trị tinh thần... sẽ là những sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Không phải Hà Nội vào cuối thế kỷ 20 mới có được bấy nhiêu điều kiện thuận lợi mà từ lâu, từ ngày vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Ðại La để lập kinh đô Thăng Long vào tháng bảy năm Canh Tuất (1010), trong "Chiếu dời đô", vị vua khai sáng triều Lý (1010-1225) đồng thời khai sáng cho Thăng Long - Hà Nội đã chỉ ra
Quận Ba Đình
Quận Cầu Giấy
Quận Đống Đa
Quận Hà Đông
Quận Hai Bà Trưng
Quận Hoàn Kiếm
Quận Hoàng Mai
Quận Long Biên
Quận Tây Hồ
Quận Thanh Xuân
Thị xã Sơn Tây
Huyện Ba Vì
Huyện Chương Mỹ
Huyện Đan Phượng
Huyện Đông Anh
Huyện Gia Lâm
Huyện Hoài Đức
Huyện Mê Linh
Huyện Mỹ Đức
Huyện Phúc Thọ
Huyện Quốc Oai
Huyện Sóc Sơn
Huyện Thạch Thất
Huyện Thanh Oai
Huyện Thanh Trì
Huyện Thường Tín
Du lịch Lâm Đồng
Tỉnh Lâm Đồng nằm trên cao nguyên thứ ba và cao nhất của vùng đất Tây Nguyên, cao nguyên Lâm Viên - Di Linh (cao 1.500m so với mặt biển), 70% diện tích là núi rừng, phía bắc giáp tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, phía đông nam giáp các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận, phía tây giáp các tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.
Phía bắc tỉnh là núi đi từ đông sang tây, có đỉnh Yang Bông cao 1.749m. Sát ngay Đà Lạt, có các đỉnh Đan Sê Na cao 1.950m, Lang Bian cao 2.163m, Hòn Nga cao 1.948m. Giữa hai dãy núi này là nơi bắt nguồn của các dòng sông Đa Dung chảy vào Đồng Nai, sông Cái chảy ra Nha Trang. Phía nam của hai dãy núi là cao nguyên Lang Biang, trong đó có Tp. Đà Lạt ở độ cao 1.475m. Phía đông nam tỉnh có cao nguyên nhỏ Di Linh cao 1.010m, khá bằng phẳng và đông dân cư, là nơi đầu nguồn của sông La Ngà chảy vào Đồng Nai.
Khí hậu: Đà Lạt được mệnh danh là "thành phố của mùa Xuân". Ở đây rất mát mẻ, nhiệt độ trung bình cao nhất trong ngày 24ºC và nhiệt độ trung bình thấp nhất trong ngày 15ºC. Lượng mưa trung bình năm 1.755mm. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11. Có nắng trong tất cả các mùa. Nhờ khí hậu đó, cả thành phố Đà Lạt như một vườn hoa trăm hương, ngàn sắc suốt quanh năm.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Từ Tp. Hồ Chí Minh, đi ô tô theo quốc lộ 20 chừng 300km là đến Đà Lạt. Con đường sẽ đưa du khách lên cao dần, cao dần và khi chạm vào Đà Lạt ở thác Prenn thì trước mặt du khách đã là ngút ngàn rừng thông hai lá, ba lá. Đi sâu vào thành phố Đà Lạt, du khách sẽ khám phá một "bảo tàng" của các thác nước, những hồ đẹp, thung lũng hoa và đồi cỏ.
Nếu đi theo đường 27 từ Phan Rang ngược sông Dinh lên, sau khi vượt qua những khu di tích lịch sử của nước Chămpa xưa và những cánh đồng khô ráo quanh năm, chúng ta đứng trên đèo Ngoạn Mục với bức tranh thiên nhiên hùng vĩ trước mắt.
Thành phố Đà Lạt hơn 100 năm tuổi (phát hiện 1893), đang trở thành một trong những địa danh du lịch hấp dẫn nhất đối với du khách trong và ngoài nước, một thành phố nghỉ mát lâu đời ở nước ta. Đà Lạt nổi tiếng về hồ, về thác nước và rừng thông. Những hồ đẹp ở Đà Lạt là hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Đa Thiện, hồ Vạn Kiếp, hồ Mê Linh. Những hồ này nằm ngay trong thành phố, tên thơ mộng như cảnh hồ thơ mộng, mỗi hồ gắn với một truyền thuyết xa xưa.
Du khách đến Đà Lạt vừa thăm viếng, vừa thưởng thức những sản phẩm Đà Lạt bao gồm nhiều loại trái cây: hồng, mận, đào, bơ; nhiều món ăn dân tộc độc đáo và các hàng lưu niệm của riêng vùng Đà Lạt.
Vẻ đẹp của Đà Lạt còn được ngợi ca nhiều và hấp dẫn du khách bởi hàng trăm, ngàn loại hoa, loại phong lan độc đáo, hoặc được sản sinh riêng trên mảnh đất này, hoặc lấy giống từ nhiều nơi như: Pháp, Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, Italy,...như hoa hồng, hoa bất tử, hoa đỗ quyên, hoa xác pháo, hoa tư tưởng, hoa trà mi, mi mô da, mai anh đào, thủy tiên trắng...
Khách sạn du lịch đầu tiên ở Đà Lạt được xây dựng từ năm 1907, đó là ngôi nhà gỗ mang tên khách sạn Hồ (Hôtel du Lac). Ngày nay, đến Đà Lạt du khách sẽ cảm nhận có một nét kiến trúc rất nên thơ, lộng lẫy mà kín đáo qua ngôi biệt thự ẩn mình trong cây lá hoặc rực rỡ bởi được phủ lên cả một rừng hoa.
Dân tộc, tôn giáo
Cộng đồng dân cư Đà Lạt là một sự hòa nhập hết sức độc đáo của dân tộc từ các vùng Bắc, Trung Nam. Cả tỉnh có trên 20 tộc người, đông nhất là người Việt, sau đó là M'Nông, Mạ, Cơ Ho...Người dân ở quanh vùng Đà Lạt và Di Linh trồng rau và hoa cung cấp cho các tỉnh Nam Bộ.
Đà Lạt mang đậm trong mình bản sắc văn hóa Tây Nguyên đẹp như huyền thoại. Những người dân hiền lành sống bằng nghề làm rẫy, làm vườn, trồng cà phê, chè, chăn nuôi gia súc...Vào những ngày hội làng, ngày vui của gia đình, du khách sẽ được xem họ múa, hát, chơi nhạc bằng những nhạc cụ độc đáo mà âm thanh của nó nghe như tiếng gió hú, tiếng thác chảy trên ghềnh đá. Thiên nhiên tươi đẹp đã tạo nên những mẫu người Đà Lạt có phong cách đáng yêu, hiền hòa, thanh lịch và mến khách.
Giao thông
Lâm Đồng có đường bộ chính là quốc lộ 20 chạy xuyên qua tỉnh từ Đà Lạt, Bảo Lộc, Di Linh, Ma Đa Gui tới Đồng Nai. Ngoài ra tỉnh còn nằm trên trục đường quốc lộ 27: Thị xã Phan Rang Tháp Chàm (Ninh Thuận) - Lâm Đồng - Đắk Lắk (Buôn Ma Thuột), trục đường 28: Bình Thuận - Lâm Đồng (Di Linh) - Đắk Nông.
Đà Lạt cách Biên Hòa (Đồng Nai) 278km, Hà Nội 1.481km, Tp. Hồ Chí Minh 293km, Nha Trang (Khánh Hòa) 205km.
Về hàng không, Lâm Đồng có chuyến bay Đà Lạt - Tp. Hồ Chí Minh và ngược lại.
Bảo Lộc trên đường phát triển "cao nguyên xanh" và "thủ đô trà" của Việt Nam
Sau 35 năm giải phóng và 16 năm chia tách từ huyện Bảo Lộc (cũ) để thành lập thị xã, Bảo Lộc đã phát triển thành trung tâm kinh tế - văn hóa ở khu vực phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Tháng 3-2009, Bảo Lộc được công nhận là đô thị loại III và ngày 8-4-2010, Chính phủ đã ra Nghị quyết thành lập thành phố Bảo Lộc (trực thuộc tỉnh Lâm Đồng).
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro