Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Du lịch Ninh Bình

Ninh Bình là tỉnh ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, nhiều hang động nổi tiếng như Tam Cốc – Bích Động, Địch Lộng, động Tiên, động Hoa Sơn…Vườn quốc gia Cúc Phương nổi tiếng với hệ động thực vật phong phú, đa dạng ở đây có cây chò 1,000 năm tuổi. Vùng đất này còn có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa tôn giáo như cố đô Hoa Lư, quần thể nhà thờ đá Phát Diệm, chùa Non Nước…Tất cả những di tích này đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Chỉ cách Hà Nội chưa tới 100 km, Ninh Bình với nhiều danh thắng đẹp cả về cảnh quan và ý nghĩa lịch sử được nhiều du khách lựa chọn. Vị trí địa lý thuận lợi cho phép du khách từ Hà Nội chỉ cần dành 2 ngày cuối tuần cho một chuyến đi hứa hẹn nhiều điều thú vị.

1. Thăm chùa Bái Đính

Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á... Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam. Các hạng mục xây dựng, mở rộng khu chùa mới được các đại biểu tham dự đại lễ Phật đản thế giới 2008 làm lễ khánh thành giai đoạn 1, năm 2010 chùa Bái Đính là nơi tổ chức Đại lễ cung nghinh xá lợi Phật đầu tiên từ Ấn Độ về Việt Nam. Dự kiến, Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc - Vesak 2014 do Việt Nam đăng cai sẽ diễn ra tại chùa Bái Đính.[3] Chùa nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh - Gia Viễn - Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 15 km, cách Hà Nội 95 km.

Quần thể chùa Bái Đính hiện có diện tích 539 ha[4] bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới, các khu vực như: công viên văn hoá và học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đố xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh...[5] vẫn đang được tiếp tục xây dựng.

Lịch sử hình thành

Hơn 1000 năm về trước, tại Ninh Bình đã có ba triều đại Vua nối tiếp nhau ra đời: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Ba triều đại phong kiến này đều rất quan tâm đến đạo Phật và coi đạo Phật là Quốc giáo; cho nên tại Ninh Bình có rất nhiều chùa cổ, trong đó có chùa Bái Đính, trên dãy núi Tràng An.

Quần thể chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng từ năm 2003. Chùa nằm trên sườn núi, giữa những thung lũng mênh mông hồ và núi đá, ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư. Kiến trúc chùa mới hoành tráng, đồ sộ nhưng mang đậm bản sắc truyền thống phù hợp với tâm lý hiếu kỳ, tò mò của người Việt Nam thời nay.[6] Chính vì vậy mà nơi đây sớm trở thành một điểm đến nổi tiếng. Khu chùa Bái Đính mới được các báo giới tôn vinh là một quần thể chùa lớn nhất Đông Nam Á.[7][8][9]

Ngay cả khi đang xây dựng, chùa Bái Đính đã thu hút rất đông du khách về tham quan, chiêm bái.Thông tin về khu chùa và các sự kiện liên tục được đăng tải trên báo chí với các chủ đề nóng.

Khu Chùa Bái Đính cổ

Chùa Bái Đính cổ (Bái Đính cổ tự) nằm cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800 m về phía đông nam men theo sườn núi Đính. Khu chùa này nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh, gồm có một nhà tiền đường ở giữa, rẽ sang bên phải là hang sáng thờ Phật, rồi đến đền thờ thần Cao Sơn ở sát cuối cửa sau của hang sáng; rẽ sang bên trái là đền thờ thánh Nguyễn rồi đến động tối thờ mẫu và tiên. Nơi đây nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần.[22] Năm 1997 chùa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng cấp quốc gia.[23] Mặc dù khu chùa có lịch sử hình thành từ thời Đinh với đền thờ Cao Sơn trấn tây Hoa Lư tứ trấn nhưng chùa Bái Đính cổ có nhiều chi tiết kiến trúc và cổ vật mang dấu ấn đậm nét của thời Lý.

Hang sáng, động tối

Lên thăm hang động ở núi Bái Đính phải bước trên 300 bậc đá, qua cổng tam quan ở lưng chừng núi. Lên hết dốc là tới ngã ba: bên phải là hang sáng thờ Phật và Thần, bên trái là động tối thờ Mẫu và Tiên. Phía trên cửa hang sáng có 4 chữ đại tự "Minh Đỉnh Danh Lam" khắc trên đá do Lê Thánh Tông[24] ban tặng có nghĩa là: “Lưu danh thơm cảnh đẹp”. Khi lên vãn cảnh chùa trên đỉnh Bái Đính, vua Lê Thánh Tông đã tạc một bài thơ tứ tuỵêt chữ Hán được dịch như sau:[25]

Đính Sơn danh tiếng thực cao xa

Che chở kinh thành tự thuở xưa

Nhân kiệt, địa linh nên vượng khí

Núi thiêng cảnh đẹp vững sơn hà.

Động dài 25m, rộng 15m, cao trung bình là 2m, nền và trần của động bằng phẳng. Đi tiếp theo ngách đá bên trái cuối hang sẽ dẫn tới một cửa hang sáng và rộng, một thung lũng xanh hiện ra. Nếu đi tiếp xuống các bậc đá sẽ đến đền thờ thần Cao Sơn. Quay trở lại ngã ba đầu dốc, theo đường rẽ trái khoảng 50m là tới động Tối. Động Tối lớn hơn hang Sáng, gồm 7 buồng, có hang trên cao, có hang ở dưới sâu, các hang đều thông nhau qua nhiều ngách đá, có hang nền bằng phẳng, có hang nền trũng xuống như lòng chảo, có hang trần bằng, có hang được tạo hóa ban tặng cho một trần nhũ đá rủ xuống muôn hình vạn trạng. Trong động tối có giếng ngọc tạo thành do nước lạnh từ trần động rơi xuống. Các vị Tiên được thờ ở nhiều ngách trong động.

Đền thờ thánh Nguyễn

Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không là người sáng lập chùa Bái Đính. Ông là một thiền sư, pháp sư tài danh được vua phong Quốc sư và nhân dân tôn sùng gọi là đức thánh Nguyễn. Khu vực núi Đính nằm cách quê hương đức thánh Nguyễn Minh Không 4 km. Tương truyền khi ông đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông đã phát hiện ra các hang động đẹp liền dựng chùa thờ Phật và tạo dựng một vườn thuốc quý để chữa bệnh cho dân. Đền thánh Nguyễn nằm ngay tại ngã ba đầu dốc, xây theo kiểu tựa lưng vào núi, trong đền có tượng của ông được đúc bằng đồng.

Quốc sư Nguyễn Minh Không là con người mang ánh xạ của thời đại nhà Lý[26]. Ông đã học hỏi, sưu tầm những kiến thức y học dân gian, hàng ngày tìm thuốc trong vườn Sinh Dược mà trở thành danh y, chữa bệnh lạ cho Vua, sưu tầm và phục hưng nghề đúc đồng – tinh hoa của văn minh Đông Sơn – văn minh Việt cổ mà trở thành tổ sư nghề đúc đồng. Ông khó công tầm sư học đạo, để từ một nhà sư ở từ phủ Tràng An ra kinh thành làm Quốc sư, đứng đầu hàng tăng ni trong nước, danh vọng và đạo pháp đạt đến đỉnh cao. Hành trạng của ông thể hiện nên cái không khí của Phật Giáo thời Lý thần bí, kỳ dị, đầy rẫy sự hoang đường nhưng đóng góp hết sức tích cực vào công cuộc phục hưng và phát triển văn hoá dân tộc Việt Nam về nhiều mặt: triết lý, văn học, kiến trúc, mỹ thuật, kỹ nghệ… làm nền tảng cho sự phát triển của văn hoá Việt sau này.

Đền thờ thần Cao Sơn

Đi hết hang sáng có một lối dẫn xuống sườn thung lũng của rừng cây sưa là đền thờ thần Cao Sơn, vị thần cai quản vùng núi Vũ Lâm. Đinh Bộ Lĩnh từ thưở còn hàn vi đã được mẹ đưa vào sống cạnh đền sơn thần trong động. Khi xây dựng kinh đô Hoa Lư, Đinh Tiên Hoàng Đế cũng cho xây dựng 3 ngôi đền để thờ các vị thần trấn giữ ở 3 vòng thành mà dân gian gọi là Hoa Lư tứ trấn. Theo đó, thần Thiên Tôn trấn giữ cửa ngõ vào vòng thành phía Đông, thần Quý Minh trấn giữ cửa ngõ vào thành Nam và thần Cao Sơn trấn giữ cửa ngõ vào vòng thành phía Tây. Ngôi đền thần Cao Sơn hiện tại được tu tạo có kiến trúc gần giống với đền Thánh Nguyễn, cũng xây tựa lưng vào núi, có hành lang ngăn cách với thung lũng ở phía trước. Theo truyền thuyết, thần Cao Sơn là một trong 50 người con của Lạc Long Quân - Âu Cơ. Đền thờ chính của thần ở Phụng Hóa (Nho Quan, Ninh Bình). Vị thần này có công phù trợ quân Lê Tương Dực diệt được Uy Mục, sau cũng được dân làng Kim Liên rước về thờ và được phong là Cao Sơn đại vương trấn phía Nam kinh thành, một trong Thăng Long tứ trấn.

Theo như thần phả của đền núi Hầu (xã Yên Thắng, Yên Mô, Ninh Bình) thì Cao Sơn đại vương là Lạc tướng Vũ Lâm, con thứ 17 vua Lạc Long Quân, khi đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng, đã tìm ra một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang lang (dân địa phương vẫn gọi là cây quang lang hay cây búng báng). Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống đồng thời bảo vệ khỏi các thế lực phá hoại vì vậy đã được nhân dân lập đền thờ[27]. Thần Cao Sơn cùng với thần Thiên Tôn và thần Quý Minh là ba vị thần trấn ngự ở ba cửa ngõ phía tây, đông và nam của cố đô Hoa Lư.

Giếng ngọc

Giếng ngọc của chùa Bái Đính cổ nằm gần chân núi Bái Đính. Tương truyền đây là nơi thiền sư Nguyễn Minh Không đã lấy n­ước để sắc thuốc chữa bệnh cho dân và chữa bệnh cho Vua Lý Thần Tông. Giếng xây lại hình mặt nguyệt, rất rộng, có đường kính 30 m, độ sâu của n­ước là 6 m, không bao giờ cạn n­ước. Miệng giếng xây lan can đá. Khu đất xung quanh giếng hình vuông, có diện tích 6.000 m², 4 góc là 4 lầu bát giác. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã cấp bằng “Xác nhận kỷ lục”: “Ngôi chùa có giếng lớn nhất Việt Nam”, ngày 12 tháng 12 năm 2007.

Sự kiện lịch sử

Tên gọi chùa Bái Đính mang ý nghĩa là hướng về núi Đính, nơi diễn ra các sự kiện oai hùng trong lịch sử Việt Nam. Núi chùa Bái Đính chính là nơi Đinh Tiên Hoàng Đế lập đàn tế trời cầu mưa thuận gió hòa, sau này tiếp tục được vua Quang Trung chọn để làm lễ tế cờ động viên quân sĩ trước khi ra Thăng Long đại phá quân Thanh.[24][28] Thế kỷ XVI núi Đính là địa bàn tranh chấp giữa 2 tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh với nhà Mạc, khi mà chính quyền nhà Mạc chỉ kiểm soát được vùng lãnh thổ từ Ninh Bình trở ra. Núi chùa Bái Đính cũng là một di tích cách mạng thuộc chiến khu Quỳnh Lưu, nơi lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên truyền cách mạng tới nhân dân.[29]

Khu Chùa Bái Đính mới

Chủ trì thiết kế kiến trúc chùa Bái Đính là Giáo sư, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính - Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích Trung ương (Viện Bảo tồn di tích Việt Nam).[30] Chùa Bái Đính mới (Bái Đính tân tự) có diện tích rộng 80 ha, nằm phía bên kia núi so với chùa cổ và ở phía tây cố đô Hoa Lư. Đây là một công trình lớn gồm nhiều hạng mục, kiến trúc chính: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông và các công trình hạ tầng, phụ trợ, khu học viện Phật giáo, khu đón tiếp... được xây dựng trong nhiều giai đoạn khác nhau.

Kiến trúc khu chùa mới nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam như sử dụng nguyên vật liệu chính ở địa phương (đá xanh Ninh Bình, gỗ tứ thiết), ngói men Bát Tràng màu nâu sẫm... Điều khác biệt nhất ở kiến trúc chùa Bái Đính thể hiện ở vòm mái màu nâu sẫm cong vút hình đuôi chim phượng, nó không giống với nét thẳng thô của chùa Trung Quốc.[31] Các chi tiết trang chí kiến trúc chùa cũng mang đậm dấu ấn của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam. Chùa Bái Đính khi xây dựng được gọi là "đại công trường" với 500 nghệ nhân[32] gồm rất nhiều tổ thợ đến từ những làng nghề nổi tiếng như mộc Phúc Lộc, trạm khắc đá Ninh Vân, đúc đồng Ý Yên, thêu ren Văn Lâm, sơn mài Cát Đằng, trạm bạc Đồng Xâm... các nghệ nhân này được sử dụng các vật liệu địa phương như gỗ lim, đá xanh Ninh Bình, ngói men Bát Tràng... để tạo ra nét thuần Việt trong kiến trúc chùa Bái Đính.

Điều đặc biệt ở công trường xây dựng chùa Bái Đính là không gian nơi đây luôn mở. Ngay từ khi xây dựng với đại tượng Phật còn đặt ở ngoài trời đã thu hút rất đông các đoàn người hành hương chiêm bái. Du khách có thể đi bất cứ nơi nào để quan sát các bộ phận công trình đang hình thành.

Đặc điểm kiến trúc

Về vật liệu, hệ thống cột và kèo ở cổng Tam Quan, hành lang La Hán và điện Quan Âm được làm bằng gỗ tứ thiết, các công trình lớn hơn làm bê tông giả gỗ. Tất cả các mái sử dụng ngói men Bát Tràng, kiến trúc ba tầng mái cong vút hình đuôi của chim phượng.

Về bố cục các kiến trúc chính như cổng Tam Quan, tháp chuông, điện Quan Âm, điệp Pháp Chủ, điện Tam Thế lần lượt có chiều cao đỉnh mái là 16.5 m, 22 m, 14.8 m, 30 m, 34 m với diện tích bên trong là 560 m², 225 m², 730 m², 2060 m² và 2370 m².

Về các đối tượng suy tôn, cổng Tam Quan với hai tượng Hộ pháp (ông thiện và ông ác) bằng đồng cao 5.5 m, nặng 12 tấn và 8 pho tượng Kim Cương. Hành lang La Hán gồm 234 gian nối liền với hai đầu Tam Quan, có chiều dài 1052 m và chiều cao sàn nâng dần theo độ dốc của sườn đồi là nơi bố trí 500 tư­ợng La Hán bằng đá xanh Ninh Bình nguyên khối cao tới 2.5 m, nặng khoảng 4 tấn. Mỗi vị La Hán có một dáng vẻ khác nhau để miêu tả sự sống trần thế. Tháp chuông có 3 tầng mái, mỗi tầng mái có 8 mái ghép lại, tổng cộng là 24 mái với 24 đầu đao cong vút lên, bên trong treo một quả chuông nặng 36 tấn được cấp bằng xác nhận kỷ lục: “Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam". Phía dưới quả chuông đồng này là một chiếc trống đồng lớn nặng 70 tấn nằm trên nền tháp chuông, và tiếng chuông của chùa Bái Đính vang xa đến đâu thể hiện sử phổ độ của Phật lên chúng sinh đến đó. Các điện chính là nơi thờ Phật. Điện Quan Âm gồm 7 gian với gian giữa của điện đặt tư­ợng Quan Thế Âm Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt để thể hiện sự bao quát cứu vớt và phổ độ chúng sinh của Phật bà trên thế gian. Tượng Phật bà được đúc bằng đồng nặng 80 tấn, cao 9.57 m được công nhận là pho t­ượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đồng lớn nhất ở Việt Nam. Điện Pháp Chủ có 5 gian, gian giữa đặt pho t­ượng Phật Pháp Chủ bằng đồng cao 10 m, nặng 100 tấn. Được xác nhận kỷ lục ”Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất Việt Nam”. Trong điện còn treo 3 bức hoành phi và 3 cửa võng lớn nhất Việt Nam. Điện Tam Thế tọa lạc ở trên đồi cao so với mặt n­ước biển là 76 m, dài 59.1 m, rộng hơn 40 m. Trong điện Tam Thế đặt 3 pho t­ượng Tam Thế Phật (quá khứ, hiện tại và tương lai) bằng đồng cao 7.2 m, nặng 50 tấn. Được xác nhận kỷ lục: “Ngôi chùa có bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam”.

Những kỷ lục

Chùa Bái Đính được báo giới ca ngợi là một ngôi chùa nổi tiếng với những kỷ lục châu Á và khu vực. Tính đến ngày 6/6/2009 ngôi chùa này đã có 6 kỷ lục được công nhận. Ngày 28/2/2012 chùa có thêm 2 kỷ lục chùa lớn nhất châu Á được xác lập. Những kỷ lục của chùa Bái Đính[33][34] được xác lập gồm:

Tượng phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á.[35]: Tượng đồng 100 tấn ở trong điện Pháp Chủ

Tượng phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á: tượng phật Di lặc 100 tấn ngoài trời.

Chuông đồng lớn nhất Việt Nam: Đại hồng chung nặng 36 tấn trong Tháp Chuông.

Khu chùa rộng nhất Việt Nam: tổng 539 ha (riêng chùa cổ 27 ha, chùa mới 80 ha)[36][37].

Khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á: hành lang La Hán dài gần 3 km.

Khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam: 500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2m.

Khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam.

Khu chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam: 100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn Độ[38][39].

Những sự kiện văn hóa

Với vai trò là một trung tâm Phật giáo, khu chùa Bái Đính là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, chính trị lớn:

Ngày 17/5/2008, chùa Bái Đính là địa điểm để đại biểu các nước tham quan, chiêm bái trong đại lễ Phật đản thế giới tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam. Trong ngày, các vị đã làm lễ hô thần nhập tượng, chính thức khánh thành giai đoạn I khu chùa.

Chùa Bái Đính là nơi đón nhiều nguyên thủ quốc gia về thăm khi tới Ninh Bình: Từ cuối năm 2007 đến 2008, khi chưa khánh thành, chùa Bái Đính đã được tổng bí thư Nông Đức Mạnh, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới thăm và trồng cây tại lưu niệm.[40] Ngày 28/1/2012 (tức ngày 6/1 âm lịch), Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai hội chùa Bái Đính 2012;[41] Ngày 29/1/2012 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm và phát động Tết trồng cây Xuân 2012.[42]

Ngày 25/6/2008 Quốc Vương Campuchia Norodom Sihamoni thăm chùa Bái Đính. Ông đã tặng chùa Bái Đính bức tượng Di đà bằng chất liệu đá Campuchia, đặt tại điện Tam Thế và trồng cây lưu niệm tại chùa.[43] Ngày 18/1/2009 phái đoàn của chủ tịch Quốc hội Campuchia cũng đến tham quan khu chùa.

Ngày 6/6/2009 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử hành đại lễ cung nghinh ngọc xá lợi Phật về thờ tại chùa Bái Đính. Đây là sự kiện văn hóa, tôn giáo rất đặc biệt và lộ trình rước ngọc xá lợi được bảo vệ nghiêm ngặt để đưa 16 viên ngọc xá lợi Phật và xá lợi các Thánh Tăng có nguồn gốc và lịch sử lưu giữ suốt hơn 2500 năm ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan.[44]

Ngày 3/3/2010 Chủ tịch Phật giáo thế giới ở Ấn Độ tặng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Ngọc xá lợi Phật. Đây là lần đầu tiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức cử hành cung nghinh xá lợi Phật từ Ấn Độ về nước. Và là lần thứ hai Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức tổ chức đại lễ cung nghinh Ngọc xá lợi Phật.[45] Cả hai sự kiện đều diễn ra ở chùa Bái Đính trước sự chứng kiến của phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.[46]

Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11 năm 2010 với chủ đề chính: “Phật giáo và mối quan tâm toàn cầu”. Bên cạnh đó, các đại biểu Hội nghị vào ngày 24-25/11 tham quan Vịnh Hạ Long và chùa Bái Đính.

Ngày 21/8/2011, Đoàn đại biểu Quốc tế dự Đại hội Liên Hiệp UNESCO thế giới 2011 với 500 người về thăm chùa Bái Đính và thực hiện nghi lễ Phật giáo “Cầu nguyện thế giới hoà bình, cầu nguyện lý tưởng hoà bình của UNESCO trở thành hiện thực”.[47]

Ngày 4/10/12, Thủ tướng chính phủ CHND Bangladesh, bà Sheikh Hasina Chủ tịch Đảng liên đoàn nhân dân Bangladesh cùng đoàn đại biểu Chính phủ Bangladesh và đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh, Bộ Ngoại giao đến thăm chùa Bái Đính.[48]

Ngày 16/11/12, từ 6h30 đến 18h30 tại chùa Bái Đính, Uỷ ban ATGT Quốc gia vào Giáo hội PGVN tổ chức lễ cầu siêu tưởng niệm nạn nhân tai nạn giao thông.[49]

Từ ngày 21-22/11/12, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Bộ VHTTDL Việt Nam và ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững tại chùa Bái Đính.[50]

Lễ hội chùa Bái Đính

Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, diễn ra từ chiều ngày mùng 1 tết, khai mạc ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Ngoài thời gian trên trong năm, du khách chỉ có thể vãn cảnh chùa mà không được thăm thú các hoạt động văn hóa của lễ hội.

Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Lễ hội chùa Bái Đính bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu mang bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới để tiến hành phần hội.

Phần hội chùa Bái Đính gồm có các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm, Ca trù đất Cố đô. Phần sân khấu hóa thường do Nhà hát Chèo Ninh Bình đảm nhiệm có tái hiện lễ đăng đàn xã tắc của Đinh Tiên Hoàng Đế và lễ tế cờ của Vua Quang Trung trên núi Đính trước giờ xung trận.

Với ưu thế của một quần thể chùa rộng, lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội lớn, thu hút đông du khách tham gia. Do có những điển tích gắn với các vị vua Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung, Lê Thánh Tông và tín ngưỡng thờ thánh Nguyễn, thần Cao Sơn, Bà chúa thượng ngàn nên lễ hội chùa Bái Đính vừa có sự sùng bái tự nhiên, vừa thể hiện tín ngưỡng đạo Phật, đạo Mẫu lại có cả Nho giáo.[51]

Thông tin thêm

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh Ninh Bình giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư các hạng mục về giải phóng mặt bằng, đường giao thông, cơ sở hạ tầng, cây xanh còn doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là chủ đầu tư các hạng mục làm chùa, tạc tượng, đúc chuông. Ngày 10/4/2008, ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 091110000011, cho DNXD Xuân Trường và trong Điều 5 của Giấy chứng nhận này nêu: Thời hạn hoạt động dự án là 70 năm.[52] Quần thể chùa Bái Đính mới này nằm trong tổng thể dự án xây dựng trung tâm du lịch văn hóa Tràng An rộng gần 2.000 ha do công ty TNHH Xuân Trường làm chủ đầu tư[53] Thời hạn đầu tư và chủ dự án chùa Bái Đính cùa công ty Xuân Trường là 70 năm.

Theo ông Phan Tiến Dũng- Phó Chủ tịch thường trực ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, Khu núi chùa Bái Đính là một trong các khu chức năng thuộc khu du lịch sinh thái Tràng An đã được chính phủ cho phép đầu tư tại văn bản số 365 ngày 22/3/2004 và đã được ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phê duyệt quy hoạch tổng thể tại Quyết định số 2570 ngày 18/11/2005 nhằm bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị văn hoá, di tích lịch sử cố đô Hoa Lư, để tiến tới đề nghị Unesco công nhận khu cố đô Hoa Lư là di sản văn hoá thiên nhiên thế giới.[36] Ngày 09/08/2010, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ninh Bình thực hiện theo đúng pháp luật, bàn giao mặt bằng trong tháng 8 năm 2010 để kịp thời phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long –Hà Nội và Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ VI.

Ngày 20/1/2012 Theo đề nghị của lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về giữ ngôi trụ trì chùa Bái Đính kế tục hòa thượng Thích Thanh Tứ đã viên tịch.

2. Du lịch sinh thái Tràng An

Cách thành phố Ninh Bình 7km, khu du lịch sinh thái Tràng An gồm 31 thung, gần 50 hang động xuyên thủy chạy dài trên 10km theo hướng Bắc Nam. Tràng An thuộc địa phận nhiều xã nhưng tiện nhất là bạn kết hợp chuyến đi với tham quan chùa Bái Đính. Theo đánh giá của các nhà khoa học, Tràng An là một bảo tàng địa chất ngoài trời, ghi dấu những chuyển động thăng trầm của vỏ trái đất và chứa đựng trong lòng nó lịch sử hình thành và phát triển của con người cách đây hàng triệu năm. Đây là một điểm đến không được khi đi du lịch Ninh Bình. Thời gian tham quan: Khoảng 8 tiếng.

Tràng An là một khu du lịch sinh thái nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Nơi đây còn được gọi là thành Nam của cố đô Hoa Lư, gồm hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, qua thời gian dài phong hóa bởi sự biến đổi của trái đất, khí hậu, biển tiến, biển thoái đã mang trong mình hàng trăm thung lũng, hang động, hồ đầm. Trong danh thắng này còn có nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi và các di tích gắn với lịch sử của kinh đô Hoa Lư xưa.

Liên khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - cố đô Hoa Lư hiện được quy hoạch chung vào Quần thể danh thắng Tràng An, là đại diện di sản của Việt Nam ứng cử di sản thế giới với những giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử văn hóa và kiến tạo địa chất. Nơi đây được kỳ vọng trở thành một di sản thế giới hỗn hợp với cả 2 tiêu chí văn hóa và thiên nhiên đầu tiên tại Việt Nam và cũng là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế.

Hang động

Tràng An là một vùng non nước, mây trời hoà quyện. Đáy nước trong xanh soi bóng những vách núi đá trùng điệp. Nơi đây có tới 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động đã được phát hiện trong đó có những hang xuyên thủy dài 2 km như hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây...[6] Mỗi hang một vẻ đặc trưng như tên gọi, các hang có nhiều nhũ đá biến đổi, nước chảy ra từ trần hang làm không khí trong hang mát lạnh. Hang Tối có lòng hang rộng hẹp biến đổi bất ngờ. Hang Sáng long lanh với những nhũ đá óng ánh kỳ lạ. Hang Nấu Rượu và hang Cơm với truyền thuyết ông khổng lồ nấu rượu ở đây, mang rượu và cơm ra núi ngồi ăn. Trong hang có mạch nước ngầm sâu hơn 10 m. Tương truyền, các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước để nấu rượu tiến vua, khi nạo vét lòng hang các nhà khảo cổ đã phát hiện rất nhiều bình gốm, hũ, vại và các dụng cụ để nấu rượu[7]. Vòng qua hang núi Cơm, sang hang Vồng, ở đây có cây si cổ thụ rễ chùm cả miệng hang. Từ đây sang hang Láng, hang Ao Trai, giữa hang Ao Trai, lòng hang phình ra khoảng 30m. Hang động Tràng An có những nét đặc trưng nổi bật của một khu di sản với bốn loại hang động chính: Hang ngầm cổ, hang nền Karst cổ, hang mái đá và hang hàm ếch.

Trong quần thể danh thắng Tràng An có nhiều hang động được công nhận là di tích khảo cổ học, chúng đang được các nhà khoa học Anh tiến hành nghiên cứu như:

Di tích hang Trống là hang động có nhiều di vật, dấu tích của người tiền sử từ 3.000-30.000 năm trước.

Di tích hang Bói thuộc nằm giáp gianh giữa hai xã Trường Yên và Gia Sinh nơi đây có dấu ấn của cư dân cổ sống cách đây từ 5.000 năm đến 30.000 năm.

Di tích Mái đá Thung Bình (Gia Sinh - Gia Viễn) xuất lộ dấu tích cư dân văn hóa Hòa Bình.

Cụm di tích hang Mo; hang Cò; hang Trâu; hang Hũ Ngoài; hang Hũ Trong; mái đá Thung Bình có dấu ấn văn hóa Hòa Bình và văn hóa Đa Bút.

Di tích mái đá Hang Chợ (Ninh Hải - Hoa Lư) có tầng văn hóa Hòa Bình cách đây trên 10.000 năm.

Non nước

Không giống như ở Tam Cốc là hình thức du thuyền trên sông và Vân Long là du ngoạn đầm sinh thái rộng lớn, Tràng An có thể tạo thành nhiều hành trình xuyên thủy khép kín mà không phải quay ngược lại. Quần thể hang động này được ví như một trận đồ bát quái. Các dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn. Mỗi hồ là một bức tranh thủy mặc khác nhau về thế núi, dáng núi và hồ nước. Mây trời, non xanh, nước biếc hòa quyện với nhau, thoắt ẩn, thoắt hiện. Ðiều diệu kỳ ở Tràng An là các hồ được nối liền với nhau bởi các gạch nối là các động xuyên thủy có độ dài, ngắn khác nhau. Những hang, động này chuyển tải nước đối lưu chảy thông từ khe núi này đến khe núi kia. Núi giăng thành luỹ bao bọc quanh hồ nước và ở giữa nổi lên khu đất với rừng cây mọc thành đảo. Xa xa trên triền núi, dưới tán cây rừng lúp xúp là những đàn dê núi leo trèo trên các tảng đá chênh vênh.[8] Vẻ đẹp Tràng An trong làn khói núi, thành xưa quyến rũ như trong thơ ca của Nguyễn Du:

Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng

Đa dạng sinh học

Khu vực Tràng An có 2 dạng hệ sinh thái chính là hệ sinh thái trên núi đá vôi và hệ sinh thái thuỷ vực. Sự đa dạng sinh vật của các quần xã là một yếu tố chủ yếu cấu thành 2 hệ sinh thái này. Môi trường thiên nhiên đa dạng và hài hoà giữa sinh vật, núi rừng, hang động, thuỷ vực toát lên cảnh sắc non xanh nước biếc hoà quyện với nhau thành một vùng kỳ vĩ hiếm có trên thế giới.

Tràng An thuộc khu rừng văn hóa lịch sử môi trường Hoa Lư (rừng đặc dụng Hoa Lư) được thành lập ngày 19/05/1995. Thảm thực vật tự nhiên ở Hoa Lư là rừng trên núi đá vôi và rừng thường xanh trên đất thấp ở các thung lũng đan xen giữa các vùng đá vôi. Theo kết quả điều tra của Viện Điều tra Quy hoạch Rừng (FIPI) và Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình, Hệ sinh thái trên cạn Tràng An với hơn 600 loài thực vật, 200 loài động vật mà trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Hệ sinh thái dưới nước bao gồm khoảng 30 loài động vật nổi, 40 loài động vật đáy, trong đó có nhiều loài quý hiếm, đặc biệt là Rùa cổ sọc cần được bảo vệ.[9] Tràng An có chừng hơn 310 loại thực vật bậc cao quý hiếm như Tuế đá vôi, sưa, lát, nghiến, phong lan, hoài sơn, kim ngân, bách bộ, rau sắng, v.v. Tràng An có nhiều loài chim thú quý hiếm như sơn dương, báo gấm, chim phượng hoàng.[10]

Địa chất, thủy văn

Khu vực Tràng An được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi hình cánh cung giữa vùng chiêm trũng ngập nước đã trải qua thời gian dài biến đổi địa chất tạo thành. Các nhà địa chất khẳng định khu Tràng An xưa là một vùng biển cổ, qua quá trình vận động địa chất mà kiến tạo nên. Những khe nứt sinh ra do sự vận động đó dần dần hình thành các dòng chảy trong hang động đá vôi.[11] Khu sinh thái hang động Tràng An như một "bảo tàng địa chất ngoài trời".[12] Sự hình thành hang động karst:Nguyên nhân ban đầu phải tính đến là sự hoạt động trồi lên của các khối xâm nhập núi lửa trẻ hơn đá vôi. Các khối cùng với việc nâng các lớp đá vôi lên cao như ngày nay còn làm phát sinh động đất,đứt gẫy và núi lửa. Tại giao điểm của các đứt gãy hoặc các đới đứt gẫy lớn, núi lửa phun lên sẽ làm biến chất đá vôi, biến đá vôi thành vôi sống (CaO) dễ hoà tan trong nước, đồng thời mang vào các đứt gãy, khe nứt của đá vôi dăm, cuội, dung nham núi lửa và nước ngầm. Dung nham này trong môi trường nước sẽ bị biến thành bùn, sét - kaolin mềm nhão dễ bị nước cuốn trôi hoặc lắng chìm vào các khe nứt, lỗ hổng do mật độ nặng hơn đá vôi từ 0,3 - 0,4 g/cm3. Nước đã đóng vai trò dọn dẹp lòng hang, các thung lũng giữa núi đá vôi (cuốn trôi vôi sống, bùn, sét - kaolin) và tạo thành các thạch nhũ cho chúng ta thấy như ngày nay.

Tràng An có hệ thống núi đá vôi và hang động tự nhiên hết sức đa dạng, có tuổi từ 32 triệu năm đến 6.000 năm. Dưới chân các núi đá vôi, nhiều nơi còn có các hàm ếch, là dấu tích của biển.[13] Chính vì vậy vùng núi đá vôi Hoa Lư – Ninh Bình được gọi là “Hạ Long trên cạn”. Dưới con mắt các nhà khoa học tự nhiên, khu vực này mang giá trị của một "Hạ Long cạn", cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghiên cứu cho thấy, vỏ trái đất khu vực Tràng An – Tam Cốc có lịch sử phát triển địa chất từ 245 triệu năm đến nay gồm 6 hệ tầng tuổi Trias và hệ tầng Đệ Tứ. Khối karst cổ Tràng An – Tam Cốc mang đặc điểm nhiệt đới điển hình: những dãy núi đá hoặc khối đá vôi sót cao 150 - 200m có đỉnh dạng tháp, vòm, chuông và sườn vách dốc đứng. Phần rìa khối là các thung lũng bằng phẳng dễ úng ngập vào mùa mưa. Đặc điểm này tạo cảnh quan nhiều dãy núi đá vôi thấp trùng điệp bao quanh các thung lũng là những hồ nước nối tiếp nhau, vừa hùng vĩ vừa nên thơ. Trong hệ thống hang động karst đặc sắc nhất là loại "hang sông" nằm ngang xuyên qua lòng các dãy núi lớn, ngập nước thường xuyên. Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thống kê, riêng khu Tràng An có 50 hang nước và 50 hang khô tập trung thành cụm với cấu tạo theo tầng lớp và liên hoàn do dấu vết thời kỳ biển tiến, biển thoái nên nước xâm thực, liên thông các hang động với nhau.[14] Ở đây là các thung được nối liền với nhau bởi các hang động xuyên thủy. Những hang, động này chuyển tải nước đối lưu chảy thông từ khe núi này đến khe núi khác.[15]

Theo nhiều nhà nghiên cứu về tự nhiên, đặc trưng tiêu biểu nhất của địa chất địa mạo ở Tràng An là số lượng hang động rất phong phú, đa dạng về hình thái, chủng loại, tạo thành từng cụm, thạch nhũ đa dạng, kết cấu tầng lớp liên hoàn; có hang động xuyên thuỷ, hang động thông và hang ngầm. Là karst nhiệt đới điển hình trải qua những giai đoạn tiến hoá lâu dài còn được thể hiện khá rõ trên địa hình và trầm tích, có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu khí hậu và sự tiến hoá địa hình, ghi dấu ấn của các thời kỳ nước biển dâng trong kỷ đệ tứ liên quan đến các đợt gian băng và khí hậu nóng lên; nghiên cứu sự thích nghi của con người trong thời kỳ biển tiến, biển lùi và sự biến đổi của môi trường khí hậu về thời kỳ này.

Văn hóa

Giá trị lịch sử

Năm 2012, các nhà địa chất đã phát hiện được 64 hang và mái đá trong vùng lõi Tràng An. Qua điều tra, thám sát cho thấy, các di tích khảo cổ hang động tiền sử là nét nổi bật nhất trong vùng lõi của khu di sản này. Cộng đồng dân cư tiền sử Tràng An định cư trong các hang động hoặc mái đá, phân bố tập trung trong thung lũng đầm lầy núi đá vôi, chịu sự tác động to lớn của biến đổi cảnh quan môi trường do các đợt biển tiến, biển thoái. Cư dân tiền sử nơi đây là những người tiếp cận và khai thác biển đầu tiên ở Việt Nam, sáng tạo ra tổ hợp công cụ lao động bằng đá vôi, duy trì lâu dài kỹ nghệ ghè đẽo, sớm nảy sinh kỹ thuật cưa, mài; chế tạo và sử dụng phổ biến đồ gốm. Các chứng tích văn hoá khảo cổ tiền sử ở Tràng An phong phú và đa dạng, là nguồn sử liệu vật thật minh chứng cho sự biến đổi đặc biệt về kinh tế, văn hoá, xã hội của cộng đồng dân cư nơi đây dưới sự tác động thay đổi môi trường núi đá vôi, biến động của khí hậu cổ, của mực nước biển vùng nhiệt đới gió mùa. Đây là các chứng tích điển hình nhất cho cho loại hình cư trú liên tục trong hang động trước, trong và sau biển tiến. Đặc trưng của người Việt cổ ở Tràng An là truyền thống khai thác và sử dụng nhuyễn thể biển và trên cạn, truyền thống săn bắt đa tạp, theo phổ rộng, săn bắt nhiều loài, mỗi loài vật một ít và không dẫn đến huỷ diệt bày đàn động vật đó. Truyền thống chế tác và sử dụng công cụ đá vôi, sự nảy sinh kỹ thuật mài, cưa và kỹ thuật làm đồ gốm và trồng trọt trong thung lũng đầy lầy là nét riêng độc đáo, làm nên giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể các di tích khảo cổ ở nơi đây. Có thể nghĩ rằng, hệ thống các di tích khảo cổ tiền sử Tràng An còn chứa đựng sự độc bản hoặc chí ít là chứng cứ đặc biệt về truyền thống văn hoá hoặc nền văn minh hiện còn tồn tại hoặc đã mất của nhân loại.[16]

Tràng An gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất cố đô Hoa Lư.[17] Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Kinh đô Hoa Lư gồm 3 vòng thành liền nhau: thành Đông, thành Tây và thành Nam. Thành Đông nằm ở phía đông, giáp với vùng đồng bằng, là nơi bố trí cung điện nên được gọi là thành ngoại; thành Tây nằm ở bên trong giáp với vùng núi non, là nơi ở của quan lại và khu vực hậu cần nên được gọi là thành nội. Thành Nam rộng hơn, là vùng núi cao hiểm trở để phòng thủ, che chở kinh thành hiện được gọi là Tràng An. Với đặc thù địa hình như vậy, kinh đô Hoa Lư được ví như kinh đô đá với đặc điểm: núi là thành, sông là đường, hang động là cung điện.[18]

Tương truyền, Vua Đinh Tiên Hoàng muốn khẳng định kinh đô Hoa Lư cũng bề thế như kinh đô Tràng An của phương Bắc nên sai Nguyễn Bặc thể hiện câu đối “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo - Hoa Lư đô thị Hán Tràng An”[19]. Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ đổi Hoa Lư thành phủ Tràng An, Đại La thành Thăng Long. Danh xưng Tràng An chính thức gắn với cố đô Hoa Lư – Ninh Bình.[20] Hiện nay, Tràng An thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của cố đô Hoa Lư theo quyết định số 82 /2003/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ Việt Nam. Khu vực này đang được các nhà khoa học lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.[21]

Việc phát lộ ra hệ thống hang động Tràng An trong lòng đất đã dần hé mở ra quyết định lập đô của vua Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư vào thời kỳ đầu của một Nhà nước phong kiến tập quyền. Đó cũng là một căn cứ quan trọng để nhà vua khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc dựa trên cơ sở sức mạnh của dân tộc. Điều này thể hiện bởi sự tận dụng triệt để những ưu thế của thiên nhiên, biến các dãy núi đá vôi làm thành quách để giảm sức người và của. Địa hình Tràng An là cái gạch nối giữa Hoa Lư và Thăng Long, làm cho nhân dân Việt Nam có sự hồi tưởng lại những diễn biến lịch sử đã diễn ra ở kinh thành Hoa Lư và sự nối tiếp ở kinh thành Thăng Long cho đến Hà Nội sau đó.

Khi nạo vét ở các hang động, các nhà khoa học phát hiện được nhiều di tích từ thế kỷ thứ 10. Có khu vực với rất nhiều phế tích quan trọng khẳng định đó cũng là nơi sinh hoạt của các phân quyền ngày xưa ở thế kỷ thứ 14, nhà Trần như nồi gốm, các bát đĩa cổ. Các phế tích này rất giống với các phế tích tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long. Tràng An đồng thời cũng là kinh đô kháng chiến chống Nguyên Mông của triều đại nhà Trần.[22]

Di tích Tràng An

Thành Nam Tràng An là hệ thống phòng thủ phía Nam của kinh thành Hoa Lư nên nơi đây còn nhiều đền phủ, dấu tích của các quan lại triều Đinh và nhà Trần sau này. Tại đây còn khá nhiều di tích lịch sử mà du khách sẽ gặp trên chặng đường hành hương tiêu biểu như:

Đền Trình

Đền Trình là nơi thờ 2 công thần nhà Đinh là Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù. Đương triều họ là 2 Giám sát Đại tướng quân cai quản kho vàng, két bạc của vua.[23] Tương truyền, khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, triều đình rối ren, họ đã mang giấu Đinh Toàn tại đây để tránh sự truy bắt của Lê Hoàn. Tại đây còn có đền Tứ Trụ thờ 4 vị quan thân cận của Đinh Tiên Hoàng Đế là Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ.

Đền Trần

Đền Trần Ninh Bình do vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng cùng thời với đền Hùng, sau này vua Trần Thái Tông về đây lập hành cung Vũ Lâm tiếp tục cải tạo bề thế hơn[24] nên được gọi là đền Trần. Đền Trần là nơi thờ thần Quý Minh, vị thần trấn cửa ải phía nam Hoa Lư tứ trấn.[25] Đền còn có tên là đền Nội Lâm (ngôi đền trong rừng). Đền Trần Nội Lâm cùng với Vũ Lâm, Văn Lâm hợp thành Tam Lâm dưới triều đại nhà Trần. Lễ hội đền Trần Ninh Bình diễn ra vào ngày 18 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Phủ Khống

Phủ Khống là nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh, gắn với các truyền thuyết khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, 7 vị quan trong triều đình mang nhiều quan tài chôn theo các hướng rồi cùng tự sát để giữ kín những bí mật về ngôi mộ thật. Một vị tướng trấn giữ thành nam vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của 7 vị trung thần liền lập bát nhang thờ cúng ở đây. Sau khi vị tướng này mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và trồng cây thị ngay trước cửa Phủ để tưởng nhớ các bậc trung thần.[26] Cây thị nghìn năm tuổi mà quả có 2 loại: 1 tròn và 1 dẹt.[27]

Ứng cử di sản thế giới

Căn cứ vào các tiêu chí về giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới, Khu sinh thái Tràng An đáp ứng 2 tiêu chí di sản thiên nhiên thế giới và 1 tiêu chí của một di sản văn hóa thế giới:[28]

Tiêu chí 7 về giá trị địa chất- địa mạo: “Di sản là những ví dụ nổi bật đại diện cho những giai đoạn quan trọng của lịch sử trái đất, bao gồm cả việc ghi chép lại cuộc sống, các quá trình địa chất lớn đang tiếp diễn trong sự phát triển của các địa mạo, hay những đặc điểm địa chấn và địa hình lớn”

Tiêu chí 8 về giá trị thẩm mỹ: “Di sản chứa đựng các hiện tượng thiên nhiên siêu việt hay khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên khác thường và tầm quan trọng thẩm mỹ”.

Tiêu chí 5: là một ví dụ nổi bật về một kiểu định cư truyền thống của con người hoặc một phương pháp sử dụng đất truyền thống, đại diện cho một nền văn hoá (hoặc các nền văn hoá), nhất là khi nó trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những biến động không thể đảo ngược được;

Nếu được UNESCO vinh danh theo tiêu chí 7 hoặc 8, khu danh thắng Tràng An sẽ là di sản thiên nhiên thế giới thứ 3 của Việt Nam sau vịnh Hạ Long (đạt cả 2 tiêu chí 7, 8) và vườn quốc gia Phong Nha (theo tiêu chí 7). Trường hợp được vinh danh theo tiêu chí 5 sẽ là di sản văn hóa thế giới hoặc đạt 2 tiêu chí trong đó có tiêu chí 5 thì Tràng An sẽ là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam, tức nó đồng thời là một di sản văn hóa - thiên nhiên thế giới.

Cơ sở hạ tầng

Danh thắng Tràng An thuộc khu vực bảo vệ đặc biệt của Cố đô Hoa Lư,[29] gắn liền với các giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất cố đô Hoa Lư nên được đầu tư mở rộng để trở thành khu du lịch lớn. Chính phủ Việt Nam đã cho phép tỉnh Ninh Bình tiến hành khai quật, nạo hút bùn đất tạo đường giao thông thủy bộ và làm sáng tỏ các giá trị văn hóa, du lịch của danh thắng này. Khu sinh thái hang động Tràng An là một khu du lịch với tổng hợp các sản phẩm như du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh, lễ hội, khám phá cũng như nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học...[30] Đây là khu du lịch tầm cỡ và quy mô ở Việt Nam với tổng diện tích được quy hoạch lên tới 12000 ha.[31]

Hang động Tràng An và khu vực lân cận như chùa Bái Đính, khu rừng văn hóa lịch sử môi trường Hoa Lư, công viên văn hóa Tràng An, Tam Cốc - Bích Động... được gộp chung vào quy hoạch Quần thể danh thắng Tràng An nằm trên 3 huyện, thành phố thuộc tỉnh Ninh Bình.[32][33]. Tổng diện tích quy hoạch 12000 ha. Trong quy hoạch phát triển khu du lịch này sẽ có 9 lộ trình tham quan.[34] Khu du lịch Tràng An được xác định là điểm nhấn quan trọng của du lịch Ninh Bình.[35] Theo quy hoạch được thủ tướng chính phủ nước Việt Nam phê duyệt, Khu du lịch Tràng An có tổng diện tích gần 12.000 ha gồm các khu trọng điểm chính:

Khu trung tâm đón tiếp vào thăm hang động rộng 30 ha nằm bên đại lộ Tràng An, cách thành phố Ninh Bình 6 km. Tại đây có bãi đỗ xe, bến thuyền, nhà hàng, khu đón tiếp, bán hàng lưu niệm...

Khu du lịch sinh thái hang động: có diện tích gần 2000 ha, là quần thể danh thắng được các nhà khoa học lập hồ sơ đề nghị Unesco công nhận di sản thiên nhiên thế giới.[36]

Khu công viên văn hóa Tràng An rộng 288 ha, ở phía tây thành phố Ninh Bình gồm khu vui chơi giải trí, nhà nghỉ, khách sạn, đảo sinh thái, quảng trường, khu phố cổ Đại Việt rộng 41 ha, khu công viên Tràng An và Nghi Môn Ngoại rộng 38 ha.

Quần thể chùa Bái Đính ở huyện Gia Viễn có diện tích 539 ha bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới, khu công viên văn hoá và học viện phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đố xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh...

Khu bảo tồn đặc biệt của cố đô Hoa Lư có diện tích 300 ha ở huyện Hoa Lư với các di tích được phục dựng như chùa động Am Tiên, chùa Duyên Ninh, hồ núi Mã Yên, tường thành, hào nước bảo vệ cố đô Hoa Lư...

Khu rừng đặc dụng Hoa Lư (hay khu rừng văn hóa lịch sử môi trường Hoa Lư) được thành lập ngày 19/05/1995. Hoa Lư có trong danh mục các khu rừng đặc dụng Việt Nam đến năm 2010 với diện tích 5.624 ha bao trùm lên khu hang động Tràng An, Tam Cốc - Bích Động và nhiều di tích của cố đô Hoa Lư. Khu văn hóa lịch sử Hoa Lư khi thành lập gồm phần đất thuộc các xã Ninh Hải, Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Hoà và Ninh Nhất, huyện Hoa Lư cũ. Hiện nay khu vực này đã được mở rộng về phía tây đến tận sông Bến Đang. Địa hình của khu văn hóa lịch sử này điển hình là một vùng cát-tơ đá vôi trồi lên giữa vùng đồng bằng ven biển tương đối bằng phẳng của Miền Bắc Việt Nam. Vùng đá vôi nổi lên này nằm xen kẽ với hàng loạt các khe suối có nước thường xuyên và các các thung lũng ngập nước theo mùa. Độ cao tuyệt đối của vùng từ 10 đến 281 m.[37]

Hoạt động du lịch

Một phần của hang động Tràng An đã được Ninh Bình đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Hiện nay, Du khách đến Tràng An thường tham gia Tour du lịch bằng thuyền nan kéo dài 3 giờ, bắt đầu từ khu đón tiếp trung tâm nằm bên đại lộ Tràng An, qua các điểm du lịch:

Bến đò - Đền Trình - xuyên hang Địa Linh - xuyên hang Tối - xuyên hang Sáng - xuyên hang Đền Trần - Đền Trần - xuyên hang Đền Trần chiều ngược lại - xuyên hang Si - xuyên hang Sính - xuyên hang Tình - xuyên hang Ba Giọt - xuyên hang Nấu Rượu - Phủ Khống - xuyên hang Phủ Khống - xuyên hang Trần - xuyên hang Quy Hậu - Bến đò (qua 12 hang khác nhau và 3 đền).

So với các khu du lịch lân cận có nét tương đồng như Tam Cốc - Bích Động chủ yếu là hình thức du lịch trên sông; khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long là du thuyền trên đầm sinh thái thì hang động Tràng An có nét đặc trưng riêng biệt là hình thức du thuyền trên các thung nước tạo bởi nhiều vách núi đá được nối thông nhau bằng những hang nước mà không phải quay ngược lại.

Tràng An trong thơ ca

Mùa đông năm Canh Dần (1770) chúa Trịnh Sâm đi tuần thú cõi Tây, lúc quay thuyền trở về, đi tắt tới đất Tràng An thăm cảnh Hoa Lư. Nhìn bốn phía núi xanh, nước biếc, cửa khoá mấy lần, từng bước đều là thành vàng và hào nước. Non sông hùng tráng, hình thắng to lớn. Xem dấu vết của triều Đinh mà lạnh lùng xơ xác… khiến ông cảm khái làm một bài thơ tạc lên vách đá hang Luồn để tả nỗi lòng:[38]

Quay thuyền về tới bến Trường Yên,

Nhác thấy Hoa Lư cũng thuận miền.

Như tấm lụa chăng, hang giội nước,

Có từng núi mọc, cửa chồng then.

Cố đô đã mấy hồi thay đổi,

Thiên phủ còn nguyên dấu vững bền.

Hưng phế xưa nay bao chuyện cũ

Lòng dân đáng sợ chớ nên quên."

Sông núi Tràng An - Hoa Lư được miêu tả trong cuốn sử thi "Hoàn vương ca tích" như sau:

Tiên triều đã đặt thế uy

Thành xây thiên tạo lũy quy địa phù

Hang thăm thẳm động âm u

Hồ đi du đãng vượn đu vách rừng

Tràng An có nhiều đặc sản như quả thị đền phủ Khống, rượu Tràng An, cá tràu tiến Vua,... Đặc biệt, một đặc sản sông nước Tràng An là cá rô Tổng Trường đã đi vào ca dao của người dân cố đô:

Khi đi nhớ cậu cùng cô

Khi về lại nhớ cá rô Tổng Trường.

3. Thưởng thức đặc sản thịt dê núi Ninh Bình

Nói về thịt dê, không đâu ngon bằng dê núi Ninh Bình bởi chúng được nuôi thả tự do trên các quả núi đá vôi, ăn nhiều loại lá cây thuốc tại đó. Từ thịt dê có thể chế biến hàng chục món: tiết canh dê, tái dê, dê nướng, dê xào lăn, lẩu dê… Nếu về Ninh Bình, bạn có thể thưởng thức thịt dê tại nhà hàng Đức Dê (Số 29, phố Đoàn Kết, phường Ninh Phong). Nhà hàng này nằm hơi khuất 1 chút trong ngõ nhưng cũng rất dễ tìm vì nó nằm trên đường quốc lộ 1A Bắc – Nam. Đi từ Bái Đính về đến nhà hàng Đức Dê khoảng hơn 15km. Thời gian: khoảng 2 tiếng.

4. Khám phá rừng quốc gia Cúc Phương

Cách thành phố Ninh bình 45 km về phía Tây Bắc, vườn Quốc gia Cúc Phương là bảo tàng thiên nhiên rộng lớn, nơi lưu giữ hệ động, thực vật rừng trên núi đá vôi phong phú nhất ở Việt Nam. Muốn đi đến Cúc Phương, bạn xuôi theo quốc lộ 1A đến Gián Khẩu (huyện Gia Viễn), tiếp tục đi theo quốc lộ 12 chừng 35km là đến cửa rừng (km số 15 tính từ Nho Quan). Từ đây nếu du khách muốn tới được các điểm tham quan, thì cần đi thêm 20km nữa. Tại Cúc Phương bạn có thể đi bộ, du lịch mạo hiểm, leo núi… Cúc Phương đẹp nhất vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4, khi những cơn mưa rừng dữ dội đã đi qua. Đến rừng quốc gia, du khách cũng có thể thưởng thức món dê núi đặc sản của Ninh Bình và món ốc núi đặc biệt chỉ có ở đây. Thời gian tham quan: 5 tiếng

5. Thăm nhà thờ đá Phát Diệm

Cách thành phố Ninh Bình 28km về phía Đông Nam, nhà thờ đá Phát Diệm là một công trình kiến trúc độc đáo kết hợp tinh hoa văn hoá phương Tây và phương Ðông. Nhà thờ được xây dựng cách đây hơn một thế kỷ, tên Phát Diệm (phát sinh ra cái đẹp) do Nguyễn Công Trứ đặt. Toàn bộ công trình được tạo nên từ những khối đá lớn, phía trong được chạm nhiều bức phù điêu đẹp và sống động đến lạ thường. Là một điểm đến du lịch Ninh bình khá độc đáo và ấn tượng. Thời gian tham quan: 7 tiếng

6. Tắm suối nước nóng Kênh Gà

Cách thành phố Ninh Bình 21km về phía Bắc, khu du lịch suối khoáng nóng Kênh Gà nằm biệt lập trên một đảo nhỏ bên sông Hoàng Long (thuộc thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh). Từ ngã ba Gián Khẩu (Gia Viễn), đi hơn 10 km nữa, du khách sẽ đến với Kênh Gà. Nơi đây không chỉ có nguồn nước khoáng nóng mặn chứa nhiều muối khoáng, nhiệt độ ổn định 53 độ C mà còn có phong cảnh sơn kỳ thủy tú. Đến với Kênh Gà, bạn sẽ được tận hưởng những giây phút nghỉ ngơi tuyệt vời, được ngâm mình trong dòng suối khoáng nóng giữa khung cảnh hùng vĩ của non nước Ninh Bình. Thời gian tham quan: 5 tiếng.

7. Ngoạn cảnh Tam Cốc – Bích Động

Danh thắng này thuộc dãy núi Ngũ Nhạc Sơn thuộc địa phận thôn Ðam Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, cách thành phố Ninh Bình 7km về phía Nam. Bích Động được mệnh danh là Nam thiên đệ nhị động, sau Nam thiên đệ nhất động Hương Tích. Trong động còn giữ được nhiều di tích, nhiều cổ vật quý báu như rồng đá và hai khối đá lạ, khi gõ vào phát ra những âm thanh như tiếng đàn một trầm, một bổng. Tam Cốc còn có tên Xuyên Thuý Ðộng, có nhiều hang động quanh co hiểm trở đẹp như bồng lai tiên cảnh. Đây cũng là một điểm đến tuyệt vời khi đi du lịch Ninh Bình. Thời gian tham quan: 3 tiếng

8.  Thăm làng Việt cổ Cố Viên Lầu

Nằm ngay trung tâm Khu du lịch Tam Cốc- Bích Động, Cố Viên Lầu ngay lập tức mê hoặc bạn bởi khung cảnh bình yên với hàng cau xanh mướt, thẳng tắp hai bên đường. 20 ngôi nhà cổ trong Cố Viên Lầu được dựng theo 20 lối kiến trúc khác nhau của từng vùng, bên trong là những món đồ cổ có giá trị. Buổi tối, trong không gian yên tĩnh, bạn được nghe các nghệ sỹ Ninh Bình hát những điệu hát văn, giai điệu chèo lời cổ, ca trù có từ cách đây 200 năm… Hãy thử dành một ngày đêm sống trong ngôi nhà cổ, thử làm người Việt cổ, để cảm nhận được lối sống, phong cách sống của ông cha ta hàng trăm năm trước, trong một không gian yên lành, thanh tịnh của làng quê Việt Nam. Thời gian tham quan: 2 tiếng – 1 ngày.

9. Thăm khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long

Với diện tích gần 3000ha, cách thành phố Ninh Bình 17km về phía Tây Bắc, Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ, là nơi cư trú của loài Voọc Quần đùi trắng với số lượng cá thể lớn nhất Việt Nam cùng nhiều loài chim và động vật quý khác. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long có 32 hang động, mỗi hang mang một vẻ đẹp độc đáo riêng nhưng đẹp nhất vẫn là hang Cá dưới chân núi Hoàng Quyển. Ngoài ra, Vân Long còn là địa chỉ du lịch tâm linh với cây thị 600 năm tuổi, chùa Chi Lễ, chùa Mai Trung, khu danh thắng chùa và động Địch Lộng, di tích đền thờ Đinh Tiên Hoàng, đền Thánh Mẫu thờ tứ vị Hồng Nương, chùa Thanh Sơn Tự ở lưng chừng núi… Thời gian tham quan: Ít nhất 5 tiếng.

3. Đến Ninh Bình bằng gì

Do Ninh Bình nằm trên quốc lộ 1A nên giao thông rất thuận tiện. Bạn chỉ việc mua một vé xe tuyến đến Ninh Bình hoặc đi bất cứ xe tuyến nào đi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh hay các xe đi miền trung, miền nam đều qua Ninh Bình. Từ Hà Nội có xe tại bến xe Giáp Bát và Bến xe Mỹ Đình

- Xe Mai Linh: Đón tại bến xe Giáp bát: 04 3633 6699

- Xe Đức Cảnh: 0912 752 103

- Xe Đông Chín: 0303 881 874 / 0912 491 587

Tại Ninh Bình, những ai muốn đi phượt có thể thuê xe máy hoặc xe xe tại Khách sạn Châu Sơn

Đ/c: Đường Vạn Hạnh - Phường Ninh Khánh

Đ/t: 0303 623 879 / 0915 037 837

Hoặc nếu bạn muốn đi taxi thì có khá nhiều hãng taxi tại Ninh Bình

- Taxi Ninh Bình: 0303 633 788

- Taxi Mai Linh: 0306 251 888

- Taxi Minh Long: 0303 881122

- Taxi Xuân Thành: 0303 686868

4. Các khách sạn tại Ninh Bình

Ninh Bình phát triển du lịch khá tốt và chính điều đó mà các cơ sở lưu trú cũng phát triển theo để phục vụ khách du lịch. Hiện tại Ninh Bình có khu resort tiêu chuẩn 5 sao, tại trung tâm thành phố có khách sạn 4, 3 sao và hệ thống nhà nghỉ khá dày đặc. Với giá phòng một đêm khoảng 250,000 đ/ phòng, bạn có thể tìm được nhà nghỉ hoặc khách sạn tại bất cứ gần điểm du lịch nào.

Khách sạn Hoàng Sơn Peace Ninh Bình, 4 sao

Địa chỉ: Đường Trịnh Tú, TP Ninh Bình

Giá: 980.000 VND/phòng/đêm

Khách sạn Vissai Ninh Bình, 4 sao

Địa chỉ: 848 Trần Hưng Đạo, Tân Thành

Giá: 763.000 VND/đêm

Khách sạn Queen Ninh Bình, 3 sao

Địa chỉ: 20 Phố Hoàng Hoa Thám, Phường Thanh Bình

Giá: 405.000 VND

Khách sạn Xuân Hoa 2 Ninh Bình, 2 sao

Địa chỉ: 31-D đường Minh Khai, Phường Nam Thành

Giá: 402.000 VND/đêm

Khách sạn Ngọc Anh Ninh Bình, 2 sao

Địa chỉ: 30 đường Lương Văn Tụy, Thành phố Ninh Bình

Giá: 275.000 VND/đêm

5. Nhà hàng tại Ninh Bình

Với lượng khách du lịch về đây nhiều, cùng với các món đặc sản của quê hương nên các nhà hàng tại Ninh Bình khá nhiều. Các nhà hàng chủ yếu phục vụ đặc sản Ninh Bình như thịt dê, cơm cháy, gà đồi, lợn, bê, bò, trâu....

Một số nhà hàng khá đông khách như: Nhà hàng Thăng Long Thôn Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư - Điện thoại: 030 3620 186 Fax: 030 3775 4599; Nhà hàng Nhà sàn Cố đô Địa chỉ: Thôn Yên Trạch, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư; Điện thoại: 030 3620 066 Cơm cháy, dê núi, lợn mường, ba ba đồng, cá sông

Ngày 1: Hà Nội – Chùa Bái Đính – Tràng An

6h00 khởi hành từ Hà Nội, đến thẳng chùa Bái Đính – Ninh Bình sau 2 – 3 tiếng. Dọc đường dừng lai ăn sáng tại Phủ Lý (Hà Nam). Nên thử bánh cuốn chả hoặc bánh đa cua. Nếu bạn theo hướng cao tốc Pháp vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình rồi rẽ quốc lộ 10 thêm chừng 10km sẽ tới TP Ninh Bình thì thời gian đi chỉ khoảng 1, 5 tiếng (từ đây vào chùa Bái Đính còn 15 km nữa).

Tham quan chùa Bái Đính với các địa điểm cụ thể: chùa Bái Đính cổ (4km từ chùa mới), hang Sáng, động Tối, đền thờ Thánh Nguyễn, đền thờ thần Cao Sơn, giếng Ngọc… Tổng thời gian: 2 – 3 tiếng. Nếu muốn tiết kiệm thời gian và sức khỏe, bạn mua vé dịch vụ xe điện chở khách tham quan vì toàn bộ khu chùa diện tích khá rộng.

Thăm hết chùa Bái Đinh mà còn thời gian có thể tranh thủ ghé thăm đền Vua Đinh Vua Lê, chỉ cách Bái Đính khoảng 4 km.

Ăn trưa và nghỉ ngơi từ 1 – 2 tiếng

Khoảng 2h00 đi khu du lịch Tràng An. Tổng thời gian tham quan: 3 – 5 tiếng. Điểm tham quan chính: Đền Trình, đền thờ nhà Trần, đền Cây Thị… Gần Tràng An có một nhà hàng tên Ba Cua ở trong ngõ sâu gần Đền Vua Đinh. Ở đây món thịt dê cơm cháy rất ngon. Bạn hỏi người địa phương để được chỉ dẫn thêm.

Lên xe trở về TP Ninh Bình, nhận phòng khách sạn, ăn tối và nghỉ ngơi tại đây.

TP Ninh Bình cũng có nhiều điểm ăn vặt và dạo chơi buổi tối như: Quanh khu phố 8, nhà hàng Hương Mai, nhà sàn Cố Đô, các nhà hàng khu vực nhà thi đấu…

Ngày 2: Nhà thờ đá Phát Diệm – suối khoáng nóng Kênh Gà – Hà Nội

Từ TP Ninh Bình đi nhà thờ đá Phát Diệm quãng đường 28 km. Ăn sáng rồi khởi hành tầm 7h00, đến nơi sau khoảng 1 tiếng. Lưu ý nếu đi nhà thờ thì nên đi vào sáng chủ nhật vì tầm 9h30 là bắt đầu có lễ, mọi người sẽ được tham dự thánh lễ. Thời gian tham quan, chụp ảnh lưu niệm 2 – 5 tiếng.

Ăn uống và nghỉ trưa ngay gần nhà thờ đá hoặc quay lại thành phố Ninh Bình.

Chiều 1 h00 khởi hành đi Kênh Gà (Kênh Gà cách Ninh Bình chỉ 21 km về phía Bắc, đi khoảng 30 – 45 phút), tắm suối khoáng nóng, thời gian: khoảng 5 tiếng. Hiện nay giá vào thăm quan khoảng 15.000 VND, tắm thì tầm 170.000 VND/người.

Kết thúc chuyến vi vu Ninh Bình, bạn lên xe quay về Hà Nội.

Lựa chọn khác:

- Có thể thay lộ trình một trong 2 ngày trên bằng hành trình tham quan Cúc Phương (tuy 1 ngày đi được rất ít điểm, 2 ngày thì thoải mái hơn)

- Du khách đã từng đi Tràng An có thể chọn danh thắng khác có nhiều nét tương đồng là Tam Cốc Bích Động. Vì Tam Cốc – Bích Động cũng như Tràng An đều ngồi đò, thuyền thăm các hang, động. Khác ở chỗ Tràng An có một vài hang động dài hơn so với Tam Cốc. Gần Tam Cốc Bích Động có làng Việt Cổ Cố Viên Lầu cũng có nhiều điều thú vị.

- Ở gần suối khoáng nóng Kênh Gà, đầm Vân Long cũng là danh thắng rất đẹp.

7 món ăn không nên bỏ qua ở Ninh Bình

Ngoài những di tích lịch sử có giá trị, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, mảnh đất Ninh Bình còn thu hút du khách bởi những món ăn độc đáo, ngon miệng mà đậm nét dân dã Bắc Bộ. Nếu có dịp đến với Ninh Bình, bạn nhớ nếm thử các đặc sản nổi tiếng sau nhé!

1. Cơm cháy

Cơm cháy Ninh Bình là một trong những đặc sản ẩm thực nổi tiếng nhất của Ninh Bình. Địa bàn phát triển loại hình ẩm thực này chủ yếu là ở ven đường Quốc lộ 1, thành phố Ninh Bình và các khu du lịch. Cơm cháy Ninh Bình khác với các vùng khác từ cách chiên cho đến nước sốt đi kèm. Cơm cháy ngon có màu vàng nhạt, đều hạt, giòn mà vẫn dẻo, vị bùi, béo mà không ngán.

2. Gỏi cá nhệch, Kim Sơn

Trong tỉnh Ninh Bình có nhiều nơi giới thiệu món ăn này, nhưng gỏi cá nhệch ở Kim Sơn được coi là ngon nhất. Để chế biến ra món ăn đặc sắc gỏi cá Nhệch này cần một chuỗi nhiều khâu hết sức kì công. Món ăn này mang hương thơm bùi bùi của gạo nếp rang, vị chua thanh thanh của dấm xen vào cái vị cay ấm của gừng với tỏi, ớt, tiêu, sả. Gỏi cá nhệch thơm và bùi, có mùi vị rất đặc trưng, ăn một lần là nhớ mãi không quên.

3. Ốc núi

Ốc núi có nhiều ở các dãy núi đá vôi thuộc thị xã Tam Điệp, Yên Mô, Nho Quan. Chúng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, tức là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt. Thức ăn chính của ốc này là những loại cây cỏ mọc hoang trên núi trong đó có cả những cây thuốc quý. Vì vậy khi sơ chế người ta chỉ rửa qua vì cho rằng trong người con ốc mang nhiều vị thuốc. Thịt ốc núi dai, giòn, ngọt. Ốc núi có thể chế biến thành nhiều món: hấp gừng, xào sả ớt, trộn gỏi…

4. Tái dê Hoa Lư

Bên cạnh tái dê, người Hoa Lư còn chế biến nhiều món khác như: Nem dê, dê hấp, nhựa mận, dê nướng, tiết canh dê, mật, cà đem ngâm rượu, nhưng món tái dê vẫn đứng nhất bảng. Cái ngon của tái dê ngoài bí quyết chế biến khéo léo còn ở gia vị, gia giảm. Đó là các loại lá, quả ăn kèm theo và đặc biệt là món tương gừng. Tái dê vừa là món ăn ngon dùng bồi dưỡng cơ thể, vừa là bài thuốc chữa bệnh bởi lẽ dê ăn nhiều loại lá, có chứa dược liệu rất quý.

5. Nem Yên Mạc

Nem Yên Mạc được truyền lại từ đời nào không rõ, nhưng những người sành ăn ở đây đã biết đến từ lâu. Ngày nay, nem Yên Mạc đã vươn xa, có mặt ở nhiều khách sạn, nhà hàng cả trong và ngoài tỉnh. Nem Yên Mạc do được tinh chế khá công phu, sợi nem nhỏ, đỏ hồng, rời, tươi ướp với gia vị và lá ổi tàu để được hàng tuần. Nem Yên Mạc phải ăn kèm với chút lá ổi, lá sung, cùng rau thơm cuộn lại, chấm với nước mắm chanh, cho thêm một ít ớt, tỏi và hạt tiêu. Như vậy người ăn mới cảm nhận đủ vị ngọt, cay của hương vị đặc biệt của món ăn này.

6. Canh chua cá rô

Canh chua cá rô là món đặc sản của vùng núi đá vôi ven đồng chiêm trũng ở Ninh Bình. Tổng Tr­ường trư­ớc là tổng Trư­ờng Yên (nay là xã Trư­ờng Yên, huyện Hoa Lư), đây là vùng đất có nhiều hang động, có loại cá rô to và béo. Cá rô đư­ợc chế biến để nấu món canh chua, đây là món ăn đặc sản của vùng núi đá vôi ven đồng chiêm trũng. Món canh chua này khi chế biến không thể thiếu nước dưa chua để khử mùi tanh và tạo nên vị thanh thanh hấp dẫn. Món ăn này có vị ngọt ngọt, chua chua của n­ước dư­a cải, ngọt mát của cà chua, đậu phụ, ngậy, bùi, giòn và thơm của cá rô…

7. Miến lươn

Cùng với cơm cháy, tái dê, miến lươn cũng là món đặc sản nổi tiếng ở Ninh Bình. Bạn có thể thưởng thức món ăn này tại 3 nhà hàng gần nhau ở ngã tư đường Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình, một ngả ra chợ Rồng, một ngả vào bệnh viện tỉnh. Hương thơm của món miến lươn lan toả ngọt ngào ra khắp một không gian rộng nơi đây như mời chào khiến du khách khó có thể bỏ qua mỗi khi có dịp tới Ninh Bình.

Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức thêm món bún mọc, cà niễng, rượu Lai Thành- Kim Sơn, mắm tép Gia Viễn, rượu cần Nho Quan…

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: