Chương 11 : Chợ âm dương
"Cũng đã hơn 20 năm rồi sao...?"
Quyết ngồi xuống cạnh bia đá, tựa đầu vào. Mắt anh ta nhắm nghiền, miệng lẩm bẩm hát một giai điệu nào đó, nghe thật quen thuộc, nhưng sao lại thê lương đến kỳ lạ.
"Đỏ thắm khăn quàng trên màu cờ,
Cuộc đời em là ngàn hoa rực rỡ!
Đường chúng em đi đẹp những ước mơ,
Tổ quốc thân yêu ngày đêm trông chờ..."
Tôi thực sự đã rất ngạc nhiên khi nghe anh ta hát. Giọng hát cao, nghe thật vui tươi và yêu đời. Bài hát này vốn dĩ nói về ước mơ của học sinh về một cuộc sống tươi đẹp. Tôi hoàn toàn chẳng thể nghĩ tới, một kẻ đã tuyệt vọng đến mức thắt cổ tự tử như anh ta lại có thể hát ca khúc với âm sắc tươi tắn đến thế.
Đặng Cương Quyết...anh chàng này, nói sao nhỉ? Động cơ tự sát của anh ta vốn đã không rõ ràng. Giả sử anh ta thật sự giết cô giáo, thì tại sao sau khi được giải oan, anh ta lại thắt cổ? Mà nếu anh ta không làm, thì anh ta lại càng không có lý do để làm thế!
Bạo lực ngôn từ, bạo lực học đường, tra tấn tinh thần từ người nhà nạn nhân? Ân hận?!
Tất cả đều chẳng phù hợp với tính cách của Quyết, một người ngông cuồng và thô lỗ.
Hay đấy chỉ là vẻ bề ngoài?
Có những người bề ngoài nhút nhát hay sợ hãi, nhưng bản thân lại cực kỳ lạc quan và bạo dạn, nếu có cơ hội. Điển hình như cô bé Trúc của tôi.
Nhưng... cũng có những con người trông thì cứng rắn, mạnh mẽ, nhưng khi chạm đến giới hạn của họ, họ sẽ sụp đổ mà chẳng ai hay biết.
Đối với tôi, giới hạn ấy là anh Nguyên, là bố Khôi mẹ Hồng, là Trúc.
Phải chăng với Quyết cũng vậy? Phải chăng là do bà Chiêm?
"Nếu lúc ấy, mẹ chịu để tao đi đầu thú, có lẽ... tao sẽ không làm đến nước này."
...Có lẽ đúng như tôi nghĩ.
"Vậy là chính anh đã giết cô Tuyết Minh?"
Khi đặt câu hỏi này, tôi gần như nín thở. Tôi sợ anh ta sẽ điên lên mà lao vào tôi, như cái cách mà những tên tội phạm trên phim hay làm.
Nhưng một lần nữa, Quyết lại khiến tôi bất ngờ.
"Tôi cũng chẳng muốn giải thích gì cả. Nhóc tin là tôi làm thì sẽ là tôi làm, còn không thì không phải... Mà...chuyện này đâu quan trọng nhỉ?"
Anh ta đảo mắt xuống tờ báo cáo mất tích của Trúc từ đồn công an. Cả hai anh em chúng tôi lập tức hiểu ý anh ta. Anh Nguyên đã thực sự rất mất kiên nhẫn rồi, anh gằn giọng hỏi từng chữ một:
"Anh biết tại sao cô Tuyết Minh bắt Trúc đúng không? Biết cả lý do thực sự khiến cô ấy chết nữa?! Làm ơn, xin anh đấy! Nói cho chúng tôi biết đi."
Quyết liếc nhìn chúng tôi từ trên xuống dưới như thể đang phán xét. Rồi anh ta nhìn xuống bàn tay đang nắm chặt của anh tôi:
"Ngặt cái lũ suốt ngày ru rú trong làng như tụi bay mà cũng có mấy cái vòng duối xịn như thế, chắc không phải của tụi mày đâu nhỉ?"
Tôi không cãi được, mọi chuyện đúng như lời anh ta nói.
Vòng duối vốn là một biện pháp trừ tà khá hiệu quả, ít nhất là ở nơi như làng Tân Hạc. Những nhành duối khô được bện lại thành một cái vòng nhỏ nhưng rất chắc chắn và hiệu quả. Chính nhờ nó mà chúng tôi mới sống an ổn suốt ngần ấy năm giữa cái nơi oán khí tích tự này.
"Đây là cái vòng mà một cô đồng trong làng tặng cho chúng tôi, có chuyện gì sao?"
"Sao tụi mày không nhờ sự giúp đỡ từ cô ấy đi? Tuy là tao biết hết sự thật, nhưng nếu nói ra, tao sẽ hồn phi phách tán. Trần gian có luật, âm gian cũng thế. Nếu tụi mày sợ cô Tuyết Minh như vậy, thì nhờ bà ta giúp đi!"
"Tôi cũng muốn lắm chứ, nhưng việc này gần như không thể..."
Anh Nguyên nói không sai, việc tìm được cô ấy gần như là bất khả thi. Lần duy nhất chúng tôi gặp được cô ấy là khi tôi sắp bị lũ oán linh dưới lòng sông kéo đến sắp chết đuối thì chính cô ấy là người ra tay cứu tôi. Cô không ngần ngại nhảy xuống sông để làm phép và cứu tôi lên dưới cái tiết trời lạnh giá mà còn tặng cho hai chúng tôi hai chiếc vòng duối trừ tà. Cô dặn dò chúng tôi những điều cấm kỵ mà tôi chưa từng nghe, về đôi mắt đặc biệt này, về số phận của chúng tôi.
Những lời dặn ấy được tôi khắc sâu trong lòng đến tận bây giờ. Tôi đã luôn muốn tìm lại cô ấy, nhưng khổ nỗi, dù là cô đồng canh sông, có ngôi nhà nằm bên bờ sông Hạc, nhưng chúng tôi chẳng bao giờ có thể tìm thấy cô ấy. Dẫu cùng là người làng, nhưng gần như chẳng ai biết về sự tồn tại của một người lái đò canh sông, ngoại trừ anh em chúng tôi và các bậc cao niên gần đất xa trời.
Một con người sống ẩn dật như những hồn ma. Nếu không có khả năng đặc biệt này, có lẽ chúng tôi cũng sẽ chẳng biết một người thế này có tồn tại.
"Cô Miên đúng không?"
"!...Sao anh...?!"
"Nói thật với mày, chỉ mấy tháng trước ở phiên chợ Đông, tao đã thấy cô ta bán cái gì đó cho hồn ma của cô Tuyết Minh."
"!?"
"Bất ngờ lắm phải không? Cô ta không trẻ như vẻ bề ngoài đâu, đừng có trông mặt mà bắt hình dong. Cô Tuyết Minh từng đưa tôi đi xin bùa cầu an từ cô ta rồi."
Nói rồi anh ta đứng thẳng dậy, móc trong túi áo ra một thứ gì đó. Một cục gạch xây nhà đã mục nát. Rồi anh ta giờ ra trước mặt chúng tôi.
"Thấy gì đặc biệt không?"
Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng sẽ cho đó là một cục gạch cũ nát. Nhưng khi nhìn kĩ, chúng tôi thấy trên đấy có những dòng chữ thoắt ẩn thoắt hiện màu đỏ sẫm, hệt như những con rắn bò lúc nhúc:
Chợ phiên âm dương ngày 16/3 - Giờ Tý - Chợ Cối
...
Tiểu thương đăng ký số 27: Cô đồng Miên.
_ _ _ _ _
Trần sao âm vậy. Người sống có những phiên chợ buổi sáng để trao đổi đồ và buôn bán, thì người âm cũng thế.
Chợ bình thường, hay còn gọi là chợ dương, là cái nơi mà mẹ thường đưa chúng tôi đi chơi vào mỗi buổi sáng đầu tuần khi tôi còn bé tí, mua đủ thứ bánh trái thịt thà, với rau củ quả về nấu cơm. Mỗi lúc ấy chợ rất đông vui, mùi thơm ngào ngạt đến từ khu ẩm thực, tiếng la hét vui nhộn đến từ những đứa trẻ đi chợ chung với cha mẹ. Các cô chủ sạp chào hàng những thớ thịt đỏ mọng, những lá rau tươi ngon, những bát bánh canh nóng hổi. Nhưng ấy chỉ là buổi sáng.
Đến đêm, khi những sạp hàng của người sống được dẹp gọn gàng, những linh hồn, ma quỷ sẽ nô nức kéo nhau đi buôn bán, gọi là chợ âm. Căn bản, đối với người chết, thứ họ thấy chẳng khác gì người sống thấy. Vẫn là những thớ thịt đỏ mọng, vẫn những lá rau tươi xanh, vẫn những lá rau tươi xanh, vẫn những bát đồ ăn nóng hổi thơm lừng. Chỉ khác là sẽ chẳng có tiếng nói cười, tiếng trả giá hay đùa giỡn. Toàn bộ đều lặng im như tờ.
Tất cả dường như sẽ thật bình thường, nếu không có một người sống nào đó vô tình lạc vào chợ âm.
Thứ mà người sống thấy ở chợ âm, chẳng có gì ngoài xú khí, đất và tro tàn, theo đúng nghĩa đen. Những nồi bánh canh thơm phức, những chảo dầu chiên quẩy xèo xèo sẽ chỉ có tro đen trong đấy. Tro trong chợ âm là loại tro tanh tưởi và độc hại chứ chẳng hề có mùi thơm phảng phất như tro bếp. Những miếng thịt, lá rau sẽ là những cục đất, người sống vô tình ăn phải thì chỉ còn nước ngộ độc. Cũng sẽ chẳng có những tiểu thương nô nức cười đùa, chỉ có những oán linh thất thần, giận dữ.
Mà nếu thật sự có người sống lạc vào chợ âm, nếu không có chuẩn bị, họ sẽ chôn xác luôn tại đấy.
Nhưng có một khu chợ khác mà người sống và người chết có thể cùng nhau giao thương, trò chuyện, dù không được thân thiện cho lắm, ấy là chợ âm dương. Chợ âm dương chỉ mở mỗi mùa (quý) một lần, vào tháng Ba, Sáu, Chín, Mười hai âm lịch.
Chỉ vài hôm nữa thôi, phiên chợ âm dương mùa xuân ở làng Tân Hạc sẽ chính thức mở, cho phép cả người sống lẫn người chết đi vào và giao du.
Đó cũng sẽ là lúc chúng tôi tìm thấy cô Miên.
_ _ _ _ _
Hết chương 11
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro