21-
[James]
Tôi đã làm theo lời gợi ý từ lần ấy của P'Net. Có lẽ, đổi địa điểm sẽ nghĩ ra ý tưởng mới chăng?
Kết quả vẫn chỉ là những tờ giấy bị vo tròn ném trên cát cùng với khung tranh trống trơn. Tôi đã đổi liên tiếp mười địa điểm rồi, nhưng có lẽ cách này thực sự không có hiệu quả.
Chỉ còn vỏn vẹn mười lăm ngày nữa là đến ngày diễn ra vòng chung kết, và tôi thực sự không biết nên làm gì nữa.
"Mấy ngày nay, em ăn ít hơn trước đấy". P'Net gắp đồ ăn vào đĩa tôi, khẽ nói.
"Em nhìn gì cũng không thấy ngon miệng". Tôi cầm chiếc thìa, chán nản lắc qua lắc lại.
"Hôm qua, lúc dọn nhà, anh nhìn thấy một cuốn sổ vẽ cũ của em, không biết em còn cần nó không, nên anh vẫn để trên bàn bên kia đấy".
"Cảm ơn anh, lát em qua xem thử".
Tôi gật gù, không quan tâm lắm vào câu chuyện của đối phương.
"Chiều nay anh qua Aunglo sớm phải không?".
"Ừm. Họ đang chuẩn bị tiến hành sơn tường rồi, anh đến để kiểm tra tiến độ".
"Có cần em đi cùng không?".
"Không cần đâu. Nếu có gì không ổn, anh sẽ gọi điện".
Bản thiết kế hoàn chỉnh đã bàn giao cho bên nhà thầu từ đầu tháng. Thỉnh thoảng, P'Net cũng sẽ đưa cho tôi xem những bức ảnh ghi lại quá trình hình thành nên Aunglo. Tôi mừng thay cho anh, trong trường hiếm có ai khởi nghiệp sớm như anh ấy, nhất là trong giai đoạn chỉ còn hơn một năm nữa là tốt nghiệp như vậy.
Tôi dọn bát đĩa ra bồn, giành rửa bát với P'Net để anh còn có thời gian sửa soạn đi làm việc. Sau khi P'Net rời đi, cũng là lúc tôi vừa rửa bát xong. Vừa xoay người định trở lại phòng tranh, đường mắt liền va phải cuốn sổ vẽ mà P'Net đã nhặt được khi dọn nhà, đang yên vị nằm trên bàn.
Tôi tiến lại gần xem, lúc này tôi mới nhận ra, cuốn sổ này là cuốn đầu tiên tôi mua trong khoảng thời gian học đại học, từ lúc mới vào năm nhất đến lần cuối tôi nhìn thấy nó là giữa năm hai. Lúc phát hiện nó biến mất, tôi nhớ bản thân đã lục tung cả căn nhà này lên để tìm nhưng không thấy. Bây giờ chỉ cần P'Net dọn phòng, tìm bừa liền thấy.
Lúc trước, nó vốn rất quan trọng đối với tôi, vì tất cả những ý tưởng chợt loé ra, tôi liền vừa ghi vừa vẽ vào sổ, cứ nghĩ rằng có thể dùng tất cả những ý tưởng này vẽ đến cuối đời, đúng là sung sướng không thể tả. Ai ngờ rằng, quay đi quay lại, đã không biết nó biến mất từ bao giờ. Lần ấy, phải đến khi bạn trai mua lại cho thôi một chồng sổ vẽ mới, tôi mới nguôi ngoai đi phần nào cảm giác mất mát. Bẵng đi một khoảng thời gian dài, hiện tại nó lại xuất hiện trước mặt tôi bằng một cách thần kỳ nào đó.
Tôi mở ra xem, tự bật cười bởi những nét vẽ ngây ngô của mình. So với bản phác thảo của bây giờ, thì cuốn sổ này đúng là không thể đặt lên bàn cân được, chỉ sau gần hai năm, đến cả những nét phác hoạ nguệch ngoạc của tôi cũng đã tiến bộ hơn rất nhiều.
Có nhiều trang vẽ lại những kỷ niệm từ thời còn học cấp ba của tôi và P'Net, còn có cả lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau nữa. Cảm giác hoài niệm trào dâng trong cổ họng, thật sự rất nhớ quãng thời gian ấy, khi thế giới non nớt của một đứa trẻ con chỉ gói gọn lại bằng những người mà nó thật lòng thương yêu.
Mở đến trang cuối, nét bút chì lộn xộn lập tức thu hút sự chú ý của tôi. Những kí ức trong não bộ như thước phim tua ngược lại quá khứ, dừng lại ở thời điểm tôi đặt bút xuống trang vẽ này. Tôi nhớ đó là một buổi chiều âm u khi vừa học xong lớp Lịch sử mỹ thuật, tôi cùng thằng Bank quyết định xuống thư viện để tìm thêm sách về mấy môn lý thuyết vừa được học. Trong lúc nhàm chán, tôi ngồi lướt điện thoại, ngay khi vừa định thoát khỏi mạng xã hội thì đột nhiên một bài báo đập vào mắt tôi, thành công thu hút toàn bộ sự chú ý.
"Hành trình cuối cùng của em bé di cư chết trên bờ biển".
Bài báo viết về một cậu bé di cư ba tuổi xấu số Aylan Kurdi đã tử nạn khi cùng gia đình vượt biển Địa Trung Hải sang Hy Lạp để trốn cảnh chiến tranh loạn lạc. Gia đình họ mất đi người mẹ và hai người con, trong đó, cậu bé ấy dạt vào bờ biển với tư thế nằm úp, được một nhiếp ảnh gia chụp lại và dấy lên làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới về nạn di cư đến từ thảm kịch của chiến tranh.
Tôi nhớ bản thân mình đã nhìn tấm ảnh người cha gục xuống khóc nức nở trong đám tang cả tiếng đồng hồ, khoé mắt cay cay, cùng trái tim đồng cảm giữa người với người.
Tôi tin rằng, không có nỗi đau nào có thể khổ sở bằng việc mãi mãi mất đi người thân yêu, mà người đàn ông ấy cùng lúc đã mất đi những ba người ruột thịt.
Lúc ấy, tôi đã phác thảo ra cuốn sổ vẽ của mình hình ảnh người cha dùng hai tay ôm lấy gương mặt đỏ ửng cùng với hai mắt sưng lên vì khóc quá nhiều. Bên trên có ba linh hồn cùng đôi cánh thiên thần không cách nào an ủi được ông ấy vì cách biệt âm dương.
Lần này nhìn lại, mọi thứ đánh động vào tâm trí, khiến cảm xúc ban đầu quay trở về mãnh liệt.
Và, tôi quyết định vẽ lại bản thảo ấy thành một bức tranh hoàn chỉnh.
Hôm sau, tôi phác lại bố cục rồi đem đến trường. Khi ngồi ở khu tự học, tôi đã mở ra cho Bank xem. Học lực của Bank khá tốt, nhưng lại có khiếu trong mảng thời trang hơn, tôi muốn cho nó xem ý tưởng trong bài dự thi sắp tới của mình vì tôi tin rằng nó cũng là một trong số những người đánh giá được toàn diện nhất.
"Tao cảm động luôn đó, James. Ý tưởng của mày tốt lắm, câu chuyện này cũng qua được vài năm rồi, đến tao còn không nghĩ tới". Bank thích thú đến mức cứ ngồi xem đi xem lại bản phác hoạ.
"Mày nhớ hồi năm nhất lúc mình ở thư viện, mày đi lấy sách về đã thấy tao vừa vẽ vừa khóc không? Tao lấy ý tưởng từ bản vẽ cũ đó, vừa hay trùng với thứ tao đang tìm kiếm".
"Ừ nhỉ?! Lúc đó tao đã khen một lần rồi, nhưng cứ tưởng cuốn sổ vẽ mất rồi cơ mà?".
"Ừ. Tao cũng tưởng thế, nhưng P'Net đã tìm thấy rồi".
Tôi thực sự cảm thấy biết ơn anh ấy, nếu anh không tìm thấy, có lẽ tôi đã tuỳ tiện chọn bừa một sự kiện nào đó mà mình không thấy quá thích thú để vẽ lại rồi.
Thời gian sau, tôi vừa vẽ vừa kìm nén cảm xúc, không nhịn được trước số phận của hàng nghìn con người ngoài kia vẫn đang chống chọi với nghịch cảnh. Tôi biết, sau khi cậu bé ấy qua đời, dường như chẳng có gì thay đổi cả, dù bức ảnh đó đã gây chấn động toàn thế giới nhưng chiến tranh vẫn diễn ra, các con đường di cư lại được mở rộng. Mỗi năm thống kê được cả chục nghìn đứa trẻ giống như Aylan, một tuần trước còn cười nói, một tuần sau đã trở về dưới tiếng khóc thất thanh của người nhà.
Tình thân là thứ thiêng liêng nhất trên cuộc đời này. Nếu buông bỏ niềm đau dễ như bới một tô cơm, thì trên thế giới đã không còn ai phải chịu cảnh đói khát.
Bức tranh lấy màu xanh dương làm chủ đạo, vì nước biển và bầu trời màu xanh, nước mắt cũng vậy.
Mỗi ngày, tôi sẽ dành vài tiếng để ngồi xuống hoàn thành bức tranh. Nếu dùng nhiều thời gian hơn thế, tôi sợ bản thân sẽ khóc trôi cả phòng tranh này mất.
Mỗi lần như vậy, tôi đều lấy tiếng mở cửa làm căn cứ để xác định được rằng khi nào mình nên dừng cọ. Tôi vẽ đến khi P'Net trở về, lúc đó tôi sẽ đi ra ngoài và ôm anh một cái, giống như đang cố gắng dựa vào anh để chữa lành cho chính mình vậy.
Thực ra có lẽ Chúa trời đã ban cho những người yêu thích nghệ thuật một tâm hồn nhạy cảm hơn những người khác.
Tôi không muốn tranh của mình chỉ là những nét vẽ sáo rỗng, tìm đại một câu chuyện rồi kể lại bằng tranh. Tôi muốn thổi vào đó những cảm xúc của chính mình, đồng cảm với câu chuyện ấy và bất bình thay cho số phận của nhân vật. Những nét vẽ cẩn thận, tỉ mỉ này có lẽ cũng đã đủ để thể hiện điều đó, tôi hy vọng là thế.
Tôi cuộn tròn trong lòng P'Net, lắng nghe một ngày của anh ấy trải qua như thế nào. Cảm nhận từng nhịp đập bên ngực trái của người kia rồi dần dần thiếp đi. Khoảnh khắc bình yên duy nhất trong ngày, khiến lòng tôi bỗng chốc được an nhiên.
Lần này, thay vì gặp mặt trực tiếp, tôi đã chụp ảnh bức tranh rồi gửi cho P'Fah xem thử, có lẽ sâu trong tâm khảm, tôi vẫn muốn nghe lời khuyên từ quán quân của rất nhiều cuộc thi vẽ chỉ vì tôi thực sự khao khát trở thành quán quân cuộc thi lần này.
Tính đến thời điểm hiện tại, dường như đã gần một tháng kể từ khi tôi quyết định sẽ giữ khoảng cách đến mức tối đa với P'Fah, chúng tôi dường như chẳng nói với nhau câu gì, ngoại trừ vài dòng tin nhắn có chút miễn cưỡng từ tôi và những câu trả lời xen lẫn lo lắng từ anh ấy.
[James nhấn thêm màu vào nền nhé, đổ bóng kĩ hơn đi, để làm nổi yếu tố chính trong bố cục hơn nữa.]
Những chi tiết nhỏ như thế này, cũng chỉ có P'Fah mới đủ kiên nhẫn để chỉ ra mà thôi.
"Cảm ơn anh, em sẽ gửi lại bản hoàn chỉnh sau nhé ạ".
Tôi lịch sự gửi lại một dòng tin nhắn, kèm theo một chiếc sticker cúi đầu cảm ơn. Không lâu sau, đầu dây bên kia cũng đã trả lời.
[Vòng thi cuối cùng tổ chức vào cuối tuần sau đúng không? Anh đến được chứ?]
Vốn dĩ, vòng chung kết không bán vé để giới hạn người tham gia mà mở cửa tự do cho những người có hứng thú đều được đến xem kết quả cuộc thi. Vậy nên, P'Fah biết rõ cách thức tổ chức rồi nhưng vẫn hỏi vì thứ anh ấy để tâm chính là ý kiến của tôi. P'Fah không rõ tại sao tôi đột nhiên lại có thái độ như vậy, anh ấy cũng không dám tiến đến để dò xét xem rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra, chỉ lặng yên một chỗ, chờ đến khi nào tôi thực sự sẵn sàng, chỉ vậy thôi. Đó cũng là điểm sáng mà mọi người thường bị thu hút bởi anh ấy.
Vô số lần tôi nhìn thấy P'Fah đang an ủi một đàn em nào đó trong khoa, có lúc là họ tìm đến anh ấy, có lúc lại là anh vô tình bắt gặp. Bất luận là thế nào đi chăng nữa, những người đã từng quen biết với P'Fah đều cho rằng tiền bối đáng tin cậy nhất chính là anh ấy, người không bao giờ vượt quá giới hạn cho phép nếu chưa được sự đồng ý của người khác, nếu đàn em không tự mở lời chia sẻ, anh ấy tuyệt đối sẽ không hỏi đến. Đó là vì, P'Fah không muốn chỉ vì sự vô ý của mình lại khiến người khác cảm thấy không thoải mái với những câu chuyện phải miễn cưỡng kể ra của họ.
Thế nên, P'Fah hỏi như vậy, rõ ràng là có ẩn ý cả.
"Anh cứ làm điều anh muốn đi, nhưng mà, em không chắc bản thân em sẽ giống như trước kia đâu".
Tất cả những cảm xúc tôi có với P'Fah chỉ là tôn trọng, ngưỡng mộ và biết ơn. Tôi biết rằng, khi anh ấy cần, tôi nên có mặt vì những ơn huệ tôi vô tình mắc nợ anh ấy. Nhưng không có nghĩa là cuộc đời tôi sẽ gặp hết rắc rối này đến rắc rối khác chỉ vì không muốn làm phật lòng đàn anh.
P'Fah rất thông minh, không những là thiên tài hội hoạ mà còn là doanh nhân trẻ tài giỏi. Có lẽ những đạo lý cơ bản này, anh cũng sẽ hiểu cho tôi mà thôi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro