2.
Cả đội rập rình hành quân về doanh trại. Doanh trại ở đây là một ngôi lầu 2 tầng kiểu biệt thự, xung quanh có hàng rào thép gai, tường cắm mảnh chai bao kín. Hai cánh cửa sắt to lớn đồ sộ mở ra trước khoảng sân con con có rải sỏi. Khắp vườn mọc um tùm những cây cổ thụ với tán lá rậm rạp, xanh mướt.
Về đến doanh trại, Trung đội trưởng Dung cho cả đội vào nghỉ ngơi, đợi ăn cơm trưa. Thằng Hựu với thằng Dân đã tót ngay xuống bếp nhặt rau thổi cơm phụ các chị cấp dưỡng. Gì chứ những việc như vậy, thằng Hựu với thằng Dân lanh phải biết. Âu cũng là do hoàn cảnh lúc trước của tụi nó. Thằng Dân từ bé đã đi ở giữ em cho người ta, nếm bao nhiêu đắng cay cực nhọc nên tính tình hiền như cục bột, đặc biệt nấu ăn ngon chẳng kém mấy chị cấp dưỡng là bao. Thằng Hựu thì đi rửa bát thuê cho mấy quán ăn, các ngón tay dài mà chai sạn hết cả. Chui trong xó bếp lâu ngày nên món gì nó cũng biết, việc gì nó cũng thuần thục.
Không chỉ Dân và Hựu mà hầu như tất cả các đội viên từ trước khi gia nhập đội đều có cuộc sống rất khó khăn. Trung đội trưởng Dung là người biết rõ nhất điều đó. Lắm khi nghe các em thuật lại cuộc sống mà anh cứ rưng rưng nước mắt. Thì bởi, chúng khổ quá. Mới tí tuổi đầu mà ngày nào cũng nai lưng ra làm việc, nghe chửi nghe mắng, cơm ăn áo mặc chẳng ra đâu vào đâu bao giờ...
Trong phòng Trung đội trưởng, anh đang hỏi về thông tin và lai lịch của hai đội viên mới.
"Hách, Hưởng hai em họ gì?"
Đội trưởng vừa dứt câu, hai đứa đã nói luôn: "Dạ, em họ Lý."
Anh Dung nghe thế liền nói: "Hai đứa em vào đội cùng hôm, giờ còn cùng họ luôn nghe! Chi bằng nhận nhau làm anh em luôn?"
Chưa kịp nghe anh nói hết câu, thằng Hách đã nhăn nhó: "Đời nào em chịu làm anh em với thằng đó hở anh!"
Trái với thằng Hách, thằng Hưởng chỉ mỉm cười khe khẽ nhìn Trung đội trưởng.
"Lại cười! Không có miệng để nói đâu mà cứ cười?" Thằng Hách hậm hực nhìn thằng Hưởng nói. Nó ghét cái điệu cười mỉm của thằng Hưởng lắm rồi, trông đến là cáu!
Trung đội trưởng Dung gõ đầu bút vào bàn giấy tỏ ý nhắc nhở. Thằng Hách im luôn, lệnh Trung đội trưởng nào ai dám trái?
Thằng Hưởng đợi cho thằng Hách thôi bực tức liền ghé gần tai nó cười cợt: "Không nói là vì không muốn chấp mi đó."
Vừa nghe xong, mặt thằng Hách đã đỏ lựng như con gà chọi, sẵn sàng xông đến tóm cổ thằng Hưởng đánh lộn. Nó khó khăn lắm mới kiềm lại được, trên mặt còn hiện rõ vẻ ấm ức không thể nói thành lời.
Trung đội trưởng nhìn hai đứa, cảm thấy không hài lòng. Nhưng anh lại ngẫm, dù sao chúng cũng chỉ là trẻ con, mấy chuyện kiểu này sẽ chỉ xảy ra như cơm bữa thôi. Muốn chúng nên người thì anh phải tích cực uốn nắn mới được. Anh nghĩ xong xuôi như vậy rồi cất tiếng phá tan cái bầu không khí chỉ chực chờ đánh nhau, móc mỉa nhau của hai thằng.
"Hách, trước khi gia nhập Vệ quốc đoàn em làm gì?"
Thằng Hách nghe anh hỏi liền ngồi ngay ngắn trả lời: "Dạ, trước khi gia nhập Vệ quốc đoàn em đi chăn trâu cho ông T trên huyện. Anh coi, do vậy mà da em đen thui!" Nó vừa nói vừa cười "Nhà em chỉ có một mẹ một con nên cũng cực lắm anh ạ. Mẹ em lại còn bệnh nặng, không đi đâu được. Cả nhà hôm đó có ăn hay không đều phụ thuộc vào em cả, mà ông chủ cũng hay đánh em..."
"Thế tại sao em lại gia nhập Vệ quốc đoàn hả Hách?" Anh Dung vừa hỏi vừa nhìn em thương xót.
"Dạ, bữa đó em đi về nhà, đi quáng quàng thế nào lại bị trúng sức ép của quả bom mới rơi cách em mấy chục mét. Em nằm đó ngất luôn. Các anh ở trung đội ca-nông tìm thấy em nên đưa em về trung đội cứu chữa. Lúc em tỉnh lại các anh chưa biết nên em nằm nghe lỏm được bài học chính trị hôm đó của các anh. Em nghe được rằng nếu cùng nhau đánh bại giặc Pháp thì sẽ giành được độc lập, mà độc lập thì sướng hơn tiên! Ai bệnh nặng cũng sẽ được chữa. Nên em chồm ngay dậy, van nài các anh cho em đi theo với. Chuyện là như thế đấy anh ạ."
"Còn mẹ em thì thế nào? Em không lo cho mẹ à?"
"Dạ có chứ anh. Em nằm suy nghĩ rồi khóc cả đêm vì không biết nên làm sao. Mẹ em bệnh nặng như vậy, mà mẹ lại chỉ có mình em. Giờ em đi Vệ quốc đoàn thì lấy ai chăm sóc mẹ? Nhưng nếu em đi Vệ quốc đoàn rồi đánh bại quân Pháp, giành độc lập thì mẹ em sẽ được chữa, còn hơn là cứ nằm chèo queo rồi chạy lông nhông chăn trâu ở nhà! Em nghĩ thế đấy anh. Mấy anh ở trung đội ca-nông cũng thương em nên cử người về nói với mẹ em cho mẹ em đỡ rầu. Các anh kể mẹ em khóc dữ lắm, nhưng cuối cùng vẫn chấp nhận cho em đi. Em thương mẹ lắm, anh ạ." Nhắc đến mẹ là thằng Hách rơm rớm nước mắt. Nỗi nhớ mẹ của nó không làm cách nào nguôi được...
Nghe nó kể, anh Dung cũng bất giác nhớ đến người mẹ già của mình ở nhà, trong lòng cũng hơi dao động, muốn khóc.
"Còn Hưởng, em thì sao?"
Thằng Hưởng nghe gọi đến tên liền giật nảy mình. Nó gãi đầu ngượng nghịu:
"Em tự thấy mình may mắn hơn các bạn nhiều lắm anh ạ. Em còn cha còn mẹ, được cho đi ăn học, tuy mới học đỗ bằng "rime".... Nhưng anh ạ, em không muốn học, em muốn vào Vệ quốc đoàn. Em muốn ra mặt trận cứu nước, em không muốn mài đũng quần ở trường học thứ tiếng của bọn thực dân cướp nước đó đâu. Em nói với cha mẹ nhưng cha mẹ không cho. Em phải lựa thời cơ trốn đi đấy anh ạ..." Thằng Hưởng vừa cười vừa ngượng nghịu kể cho anh Dung nghe. Giờ nghĩ lại, nó vẫn thấy lúc đó sao mà nó gan thế, dám vứt cặp vứt sách trốn theo các anh. Cũng chỉ tại lòng yêu nước trong nó sôi sục quá, không cách chi vùi đi được!
Trung đội trưởng Dung nhìn hai đứa cười hiền từ. Đúng là trừ giặc đãn hiềm tam tuế vãn (1)!
Nghe cậu chuyện của Hách và Hưởng, anh bỗng nhớ lại câu chuyện của nhiều đội viên khác trong trung đoàn. Thằng Thập từng là diễn viên của một gánh xiếc rong, phải diễn nhiều trò nguy hiểm rợn tóc gáy như đi trên dây thép, nhảy qua vòng lửa. Thằng Lạc lúc trước làm thuê cho mụ chủ lò kẹo lạc, kẹo gừng nên cái tên Lạc gắn theo nó luôn. Thằng Tuấn thì từng làm trong nhà máy điện nên thông minh dữ lắm, mỗi khi cả đội hỏng hóc cái gì là đều đến tay nó cả. Thằng Thành thì vốn xuất thân khá giả nhưng vẫn lủi bằng được đi Vệ quốc đoàn, mặc cha mẹ hắn năm lần bảy lượt đến cổng trung đoàn khóc hết nước mắt. Và còn rất nhiều, rất nhiều câu chuyện của những đội viên khác nữa mà nếu kể ra chắc chắn ai cũng phải nao lòng.
Tuy khác nhau về xuất thân, về tên họ, về tuổi tác, về hoàn cảnh nhưng tất cả ba mươi nhăm chiến sĩ nhỏ tuổi của trung đoàn 127 đều có chung một mục tiêu đó là làm sao giành được độc lập cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam, chứ đất nước dấu yêu của chúng cứ bị bọn Pháp đô hộ thế này thì đau đớn cách chi nguôi?
Trung đội trưởng Dung đang cắm cúi ghi chép thông tin của Hách và Hưởng thì bỗng từ ngoài sân thằng Lạc hốt hoảng chạy vào. Nó chạy nhanh quá thành ra đã vào đến phòng rồi mà vẫn không phanh lại kịp, suýt ngã chúi vào bàn làm việc của Trung đội trưởng. Thấy nó hốt hoảng như vậy, anh biết ngay là có chuyện không hay. Thằng Lạc đứng nghiêm, giơ tay lên chào rồi mới thở hổn hển nói:
"Báo cáo Trung đội trưởng, anh ra ngoài gấp ạ, anh Tuấn lại đánh nhau nữa rồi!"
(1): Trừ giặc ba tuổi đời vẫn còn là hiềm muộn - câu đối của Cao Bá Quát về Thánh Gióng.
------------------------------------
hello cả nhà, mình đã xong chương 2.
chương này ngắn thật sự vì mình cũng không biết phải viết gì:((((( thôi mình bù ở chương sau nhé hihi
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro