Dragon Strike_Đòn Rồng
Dragon Strike_Đòn Rồng - Humphrey Hawksley & Simon Holberton
Tác phẩm: Dragon Strike_Đòn Rồng
Tác giả: Humphrey Hawksley & Simon Holberton
Chủ biên: Nguyễn Văn Lập
Biên dịch: Đặng Ngọc Lan, Lưu Kim Liên, Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Thái Hùng
Vài lời về tác giả
HUMPHREY HAWKSLEY là phóng viên BBC tại châu Á trong 10 năm. Vào những năm 80 ông có mặt ở Sri Lanka, Ấn Độ, và Philippin. Từ năm 1990, ông đóng ở Hồng Kông trên cương vị phóng viên khu vực. Ông đã đưa tin từ hơn 20 nước châu Á trong thời điểm sôi động nhất của sự phát triển - thế kỷ 20 - của những nước này. Năm 1994 ông được cử đến làm trưởng phân xã của BBC tại Trung Quốc và kể từ đó ông đã đi khắp nước này.
SIMON HOLBERTON đã hoàn thành hai nhiệm kỳ công tác ở châu Á. Gần đây nhất ông là trưởng phân xã Hồng Kông của tờ Financial Times (1992 - 1996) nơi ông đã đưa tin về những chuẩn bị của Trung Quốc cho việc tiếp quản thuộc địa này và công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế rộng lớn của nước này. Vào những năm 80, ông đưa tin về Nhật Bản và Triều Tiên cho tờ Melbourne Age (1984 - 1986). Năm 1996 ông trở lại làm việc cho tờ Financial Times ở Anh, nơi ông chuyên viết về lĩnh vực năng lượng.
Lời nói đầu
Những sự kiện được mô tả trong cuốn sách này vẫn chưa diễn ra... Đây là một sự kiện trong lịch sử tương lai, hay tác phẩm được hư cấu dựa trên những sự kiện có thực, về một đất nước mà sự nổi lên của nó với tư cách là một cường quốc thế giới trở thành một trong những diễn biến quan trọng nhất của cuối thế kỷ 20. Tuy nhiên, việc Trung Quốc xuất hiện trên sân khấu thế giới đang gây ra những vấn đề mà các chế độ dân chủ của thế giới đã không gặp phải trong hơn 50 năm. Giống như châu Âu bị thách thức bởi một nước Đức đầy tham vọng trong nửa đầu thế kỷ này, châu Á bị thách thức bởi Trung Quốc, nước đã vạch ra những kế hoạch bành trướng của chính nó trong những yêu sách chi tiết đối với Tây Tạng, Biển Nam Trung Hoa và Đài Loan. Mùa xuân năm 1996, dọc theo đường bờ biển phía Đông Trung Quốc Giải Phóng quân Nhân dân đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô chẳng khác gì thực hành một cuộc xâm lược Đài Loan. Năm trước đã có những cuộc giao tranh nhỏ ở Biển Nam Trung Hoa khi Trung Quốc tìm cách nhấn mạnh yêu sách bị tranh chấp của họ đối với vùng lãnh thổ đó.
Đồng thời, Trung Quốc rêu rao Mỹ có những kế hoạch nhằm kiềm chế sự phát triển của họ và bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới. Những người đã nói thẳng về điều này gồm từ những học giả ôn hòa đến bản thân các nhà lãnh đạo hiện tại như Chủ tịch Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng. Cuốn sách bán chạy nhất năm 1996 của 5 nhà văn trẻ nhan đề "Trung Quốc có thể nói Không" đã trình bày ngắn gọn về một làn sóng mới của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc hung hăng coi một cuộc đối đầu với Mỹ là không thể tránh khỏi.
Với "Cuộc Tấn Công Của Con Rồng" chúng tôi đã đi theo những xu hướng hiện tại, tạo ra một kịch bản, và dõi theo nó cho đến khi kết thúc. Để minh họa mặt mang tính chất đe dọa trong chính sách của Trung Quốc, chúng tôi dựa vào những tài liệu đã được công bố, đặc biệt là tờ báo quân đội "Giải Phóng Quân", với những yêu sách chi tiết của nó đối với Biển Nam Trung Hoa và những kế hoạch của quân đội để đạt được những mục tiêu đó. Hầu hết những gì mà chúng tôi cho phát ra từ miệng Vương Phong, Chủ tịch Trung Quốc theo hư cấu của chúng tôi, là những lời đã được chính các quan chức Trung Quốc nói ra, hay xuất hiện trên phương tiện tuyên truyền chính thức của Cộng sản trong vài năm qua.
Theo một cách tương tự, chúng tôi đã sử dụng những phát ngôn có thật của người Nhật cho một số điều mà Noburo Hyashi, Thủ tướng Nhật theo hư cấu của chúng tôi, nói ra. Lời giải thích của ông về Hệ thống Amber ở các trang 152-3 và phần lớn bài phát biểu của ông trước cả nước ở các trang 226 được rút từ cuốn "Nước Nhật Bản có thể nói Không" của Akio Morita và Shinrato Ishihara. Chúng tôi đã tham khảo tất cả các nguồn đã được công bố của chúng tôi. Các phần chính trị, quân sự và tài chính đã được các chuyên gia thảo luận và sắp đặt đầy đủ chi tiết. David Tait, cựu Sĩ quan Tác chiến của tàu ngầm tấn công HMS Opossum, đã giúp chúng tôi vạch kế hoạch tác chiến bằng tàu ngầm sử dụng công nghệ máy phát điện điêden của Trung Quốc. John Myers, một cựu chỉ huy tàu ngầm Hải quân Hoàng gia, và Richard Sharpe, một cựu chỉ huy tàu ngầm hạt nhân và là chủ bút tờ Jane's Fighting Ships, đã xem và giúp thẩm định. Cựu sĩ quan biệt động Hải quân Hoàng gia David Dunbar đã giúp đặt kế hoạch các cuộc tấn công đổ bộ và bằng máy bay lên thẳng của ngày đầu tiên trong Cuộc Tấn Công của Con Rồng. Những lời cảm ơn cũng xin dành cho Ian Strachan, cựu phi công lái thử nghiệm máy bay chiến đấu của Không quân Hoàng gia về những ý kiến cố vấn của ông trong vấn đề tiến hành cuộc không chiến, và John Downing, cựu sĩ quan tình báo Hải quân Hoàng gia, người đã giúp một số phần về chiến tranh thông tin trong cuốn sách này. Nhiều người khác vẫn còn đang phục vụ trong quân đội giúp đảm bảo cho tính chính xác của các trận chiến đấu trên không, trên biển và trên bộ, những tên tuổi họ vẫn còn phải giữ kín. Dĩ nhiên, nếu có lỗi lầm nào thì đó là thuộc về chúng tôi.
Patricia Lewis đã có những nhận xét hữu ích về thiết kế của quả bom hạt nhân của Nhật, trong khi Steve Thomas đã nhận xét về các phần đề cập đến khả năng vũ khí hạt nhân của Nhật. Damon Moglen và Saun Burnie cung cấp tài liệu và tư vấn cũng về vấn đề đó, trong khi Nick Rowe giúp những chi tiết về phản ứng của dân thường và các quan chức địa phương của họ trong trường hợp có một cuộc chiến tranh hạt nhân. Các nhà nghiên cứu của chúng tôi gồm Charlie Whipple và Gene Koprowski, Kurt Hanson, Keiko Bang và những người khác muốn giấu tên.
Các nhà ngoại giao đã dựng các cuộc họp trong các chính phủ phương Tây và chúng tôi đã dựa vào lời khuyên của các chuyên gia ở Hồng Kông và Luân Đôn để ráp lại với nhau thành tác động mà Cuộc Tấn Công Của Con Rồng sẽ tạo ra đối với các thị trường tài chính. Peter Gignoux, John Mulcahy và RoseMary Safranek đã gợi ý cách thức Trung Quốc có thể điều khiển các thị trường. Chúng tôi đã sử dụng các nguồn đã được công bố, cùng với các nhà điều hành công ty dầu, những người yêu cầu giấu tên, để có được những xem xét rộng rãi hơn về triển vọng đối với thị trường dầu lửa, và mức độ khai thác dầu tương lai ở Biển Nam Trung Hoa. Ian Harwood và John Sheppard đã tư vấn về triển vọng nền kinh tế thế giới và những thị trường chứng khoán chủ yếu vào năm 2001, và Paul Chertkow và Adrian Powell đã giúp về các vấn đề hối đoái.
Tiềm năng thực sự của Trung Quốc chỉ trở nên rõ ràng trong nhiệm Tổng thống của Clinton. Tuy nhiên vào lúc viết cuốn sách này, Mỹ vẫn chưa vạch ra được một chính sách toàn diện về cách thức đối phó với họ. 10 năm sau sự sụp đổ của Liên Xô, một khối quyền lực nữa đang xuất hiện. Nó giàu có. Nó mang tính bành trướng. Nó làm rộng ra những khác biệt văn hóa với phương Tây. Nó cay đắng vì quá khứ của nó. Trung Quốc là nhà nước độc đảng không dân chủ mà chính phủ của nó phải chứng tỏ mình còn tồn tại. Cuốn sách này được viết ra như một lời cảnh báo về điều có thể xảy ra nếu chính sách của phương Tây, và nhất là của, đối với Trung Quốc bị buông trôi.
Chương 1
BẮC KINH, TRUNG QUỐC
Giờ địa phương: 05h00' Chủ Nhật 18/02/2001
Giờ GMT: 21h00' thứ Bảy 17/02/2001
Một lớp sương mỏng bao phủ những viên đá lát quanh quảng trường Thiên An Môn: biểu tượng ám ảnh nhất về quyền lực Cộng sản Trung Quốc. Ánh đèn quanh quảng trường xuyên qua màn khói sương lơ lửng trên thành phố. Những cái bóng buồn tẻ lạnh lẽo của nhóm tượng những người lính trẻ đứng gác quanh quảng trường, một đài kỷ niệm về thành công của Đảng trong việc cai trị đất nước. Ngoài họ ra quảng trường trống rỗng. Một sự im lặng ngấm ngầm, kỳ lạ bao trùm khắp quảng trường rộng 1000 mẫu Anh này và các tòa nhà của nó.
Phía Nam là lăng Chủ tịch Mao Trạch Đông, hoàng đế thế kỷ 20 mà những cuộc cách mạng hỗn loạn của ông đã gieo những hạt giống của nhà nước một đảng mạnh mẽ ngày nay. Ông đã cho xây lên từ đá granit Đài kỷ niệm Những Liệt sĩ Nhân dân, cao 30 mét với 170 hình tượng to như người thật và một chân tượng khắc bút tích của ông "Vinh quang mãi mãi thuộc về những người Anh hùng Dân tộc". Ở phía Đông là Bảo tàng Cách mạng Trung Quốc đồ sộ và Bảo tàng Lịch sử. Ở phía Tây, những chiếc cột và các bậc lên xuống của Đại Lễ Đường Nhân dân trải dài hơn 300 mét tính từ đầu này cho đến đầu kia. Phòng tiệc lớn của nó chứa được 5.000 khách và các Phòng Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan là những kỷ niệm gợi nhớ về các vùng lãnh thổ đã mất của Trung Quốc và sự kiện chia cắt nhục nhã của đất nước. Ở phía Bắc là cổng Thiên An Môn, nơi Mao Trạch Đông tuyên bố thắng lợi của Đảng Cộng sản năm 1949 và nơi vẫn còn treo bức chân dung được giữ rất lâu của ông. Năm chiếc cầu chạy từ đó tới các cổng của Cấm Thành. Cổng Thiên An Môn là mối liên kết giữa những vị hoàng đế mới và cũ. Cấm Thành là Đại Nội. Trên một diện tích hơn 250 mẫu Anh có 9.000 phòng đã từng là nơi ở của 70.000 Quan hoạn của Hoàng đế. Các cánh cửa của nó mở ra quảng trường, từ đây quyền lực và chủ nghĩa yêu nước được tạo ra cho toàn Trung Quốc. Tối nay đây là nơi tham khảo cho con người muốn trở thành Hoàng đế.
Cách vài trăm mét về phía Tây, cạnh Cấm Thành là những bức tường cao quét vôi đỏ của Trung Nam Hải. Tấm biển bên trong cổng chính mang dòng chữ Trung Quốc lớn: Phục Vụ Nhân Dân. Dọc bức tường nằm ở phía Tây cổng là khẩu hiệu: "Đảng Cộng Sản Trung Quốc Vĩ Đại Muôn Năm". Trên bức tường phía Đông là một dòng chữ nữa tỏ lòng tôn kính: Tư Tưởng Bất Diệt Của Chủ Tịch Mao Muôn Năm. Những con đường rộng, sạch sẽ, những hàng liễu rũ, những hồ nước đóng băng, những căn phòng tiếp đón, và những ngôi nhà xa hoa hiện đại hơn nhưng không kém phần bí hiểm hơn, cấm đoán hơn so với Cấm Thành trong các thời đế chế. Những biểu tượng của quyền lực trong nhà nước hiện đại có ở mọi nơi - các camêra theo dõi, các ăngten đĩa và các máy phát radio. Những người lính vũ trang mặc quân phục xanh lá cây tại các cổng là thuộc Trung đoàn Cận vệ Trung ương, nổi tiếng một thời là đơn vị truyền thuyết 8341, đã bảo vệ các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ sau Cách mạng. Thành tích của họ là đáng chú ý đối với một đất nước rối ren như vậy. Đơn vị gồm hơn 8.000 quân này đã bảo đảm những bí mật của Đảng Cộng sản. Đối với tình báo phương Tây, đây là một trong những trung tâm quyền lực khó có thể thâm nhập nhất trên thế giới. Những người được tuyển vào Trung đoàn Cận vệ phải là những người mù chữ hay ít học và thường xuất thân từ các gia đình nông dân ở những vùng núi xa xôi. Chưa một nhà lãnh đạo cao cấp nào bị ám sát kể từ 1949. Những cận vệ này được thông báo là chủ tịch Trung Quốc sẽ lên đường ngay trước 05 giờ 00 phút. Khi đoàn xe hộ tống 3 chiếc xe Li-mu-din Mercedes sêri số 88 đến gần, các cánh cổng gỗ nặng nề được mở ra. Bốn người lái môtô mở đường cưỡi trên những chiếc BMW 1000 phân khối đi kèm đoàn hộ tống ở phía trước và sau.
Đoàn xe đi không bật đèn và bấm còi. Toàn một loại xe màu đen. Ánh trăng mờ nhạt chỉ đủ xuyên qua màn không khí ô nhiễm. Đường phố vắng tanh. Những người vô gia cư đang sưởi ấm quanh các đám lửa dưới gầm những cái cầu chui. Các con số mới nhất báo cáo cho Bộ Chính trị cho biết số người thất nghiệp hiện lên tới 250 triệu. Một con số bằng số dân của nước Mỹ, họ đi lang thang khắp đất nước, không nhà cửa, mệt mỏi, không xu dính túi. Họ vẫn chưa nổi loạn, nhưng nghèo khó đã cắt đứt mối ràng buộc của họ với Đảng Cộng sản. Chỉ có lo sợ mới giữ cho họ im lặng.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường thích đi lại bằng hệ thống đường ngầm và đường sắt, nhưng tối nay Chủ tịch Vương muốn chiêm ngưỡng thành phố mà ông sắp thay đổi mãi mãi. Không ai nói gì trong chiếc xe của ông. Người lái xe rẽ về bên phải vào đại lộ Trường An. Phía trái họ đi ngang qua Bộ Thương Mại và Hợp tác nước ngoài, rất sành sỏi trong việc ve vãn đầu tư nước ngoài. Các công ty cổ phần thượng hạng của Mỹ, Boeing, Motorola, McDonald's, và các công ty khác, đã xác lập sự có mặt vững chắc với những khoản đầu tư trị giá hàng tỉ đôla và các kế hoạch tài chính kéo dài 20 năm. Những cái mốc phía trên các tòa nhà xã hội chủ nghĩa là những biển quảng cáo bằng đèn nêon của các hãng Kenwood, Digital, và Rémy Martin. Tất cả đã phớt lờ sự van nài của các nhóm nhân quyền và tiếp tục công việc làm ăn của họ với chính phú độc đoán lớn nhất thế giới này. Tất cả đã kiếm tiền và chủ trương dính líu có tính chất xây dựng với Chủ nghĩa Cộng sản đã cho phép nền kinh tế bùng nổ. Bên phải con đường họ đi qua là các văn phòng của Hàng không Trung Quốc, khách sạn Dân Tộc, và Ngân hàng Trung Quốc. Họ đi vượt qua Đường Vành Đai Số Hai và qua Bảo tàng Quân đội nơi sẽ sớm bổ sung thêm vào những vật trưng bày của nó một thắng lợi vinh quang nữa.
Xa hơn về phía Tây, bên ngoài Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, những lính gác thường lệ đã được thay thế bằng một phân đội thuộc Trung đoàn Cận vệ. Họ cũng có mặt bên ngoài tòa nhà hãng Tân Hoa Xã. Đèn đường trên các phố của Bắc Kinh khi lóe khi tắt, những cái mốc trở nên ít quan trọng hơn. Trong chưa đầy nửa giờ họ đã đi qua Di Hòa Viên, nơi ẩn dật của Hoàng đế bị các quân đội phương Tây cướp phá vào thế kỷ 19. Con đường lượn vòng tới Vườn Bách Thảo, nơi họ rẽ trái vào một con đường thôn quê hai bên là những vườn đào. Các dây ăngten quân sự nhô lên từ mặt đất. Các dàn ăngtên ở trên những ngọn đồi phía xa. Trung tâm Chỉ huy tác chiến của Giải phóng Nhân dân (PLA) đã được xây dựng trong lòng núi vào những năm 50 khi Trung Quốc cho rằng họ phải chịu mối đe dọa hạt nhân từ phía Mỹ. Các căn phòng giống như cái hang hiện vẫn còn được sử dụng.
Đây là đỉnh cao trong sự nghiệp của Chủ tịch, bắt đầu khi ông được cha mình trao cho khẩu súng lục lúc lên 5. Ông sinh vào đầu những năm 40 ở vùng núi Diên An nơi Mao tiến hành cuộc nội chiến chống lại Quốc Dân Đảng. Cha của Vương, Vương Phi là một cựu binh trong cuộc Trường Chinh và là một nguyên soái. Khi Đảng Cộng sản đã duy trì vững chắc quyền lực, Vương con đã kết bạn với con trai và con gái các nhà lãnh đạo. Ông học trường trung học 101 tinh hoa, nơi ông là một ngôi sao của đội bóng đá. Trong quân đội, ông phục vụ ở Vân Nam, thuộc miền tây nam và ở Hắc Long Giang trên biên giới với Nga thuộc cực đông bắc, nhưng bước ngoặt trong sự nghiệp của ông là chỉ huy một trung đoàn trong cuộc chiến tranh với Việt Nam năm 1979. Chiến dịch này là một thảm họa quân sự. Mục tiêu của chiến dịch này là dạy cho Việt Nam một bài học vì tội đã lật đổ chính phủ Khơme Đỏ được Trung Quốc ủng hộ ở Campuchia. Nhưng thay vào đó những người lính Việt Nam thiện chiến đã tiêu diệt quân Trung Quốc khi họ được giao nhiệm vụ tràn qua biên giới theo chiến thuật biển người. Trung Quốc đã bị tổn thất từ 15.000 đến 20.000 người. Vương đã tìm cách chiếm thị xã biên giới - Lạng Sơn. Ông đã cho nổ tung trung tâm thị xã trước khi rút lui, và khi đó ông đã tin rằng Trung Quốc phải hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình. Không bao giờ được để một quân đội nước ngoài làm nhục một lần nữa. Ông cũng ấp ủ một tham vọng rửa nhục cho cái chết của quá nhiều lính Trung Quốc. Giờ đây, gần một phần tư thế kỷ sau, Vương chuẩn bị mở đòn phản công khủng khiếp của ông. Trước khi tuần lễ kết thúc, bản đồ chiến lược Thái Bình Dương sẽ được vẽ lại. Danh dự của Trung Quốc sẽ được nâng cao và cương vị lãnh tụ tối cao của Vương là không thể đụng đến được.
Đoàn xe hộ tống rẽ phải vào một con đường thẳng và đi dưới một cái cổng vòm có trang trí ngôi sao đỏ đơn độc ở giữa. Đoàn xe đã được người ta chờ sẵn. Các lính gác làm động tác chào. Đoàn xe dừng lại trước một tòa nhà bê tông cốt sắt ảm đạm. Thang máy đi xuống trung tâm tác chiến ở tầng ngầm đang đợi sẵn. Chủ tịch Vương bước vào một hàng lanh trông xuống phòng điều khiển. Phía dưới ông ta là một phòng lớn hình chữ nhật đèn điện sáng trưng và đối diện là một màn hình trải gần hết toàn bộ bức tường dài. Nó biểu hiện nửa phía Nam của Trung Quốc và Đông Nam Á kéo dài tới bờ biển Ôxtrâylia ở phía Nam. Từ các ô điều khiển của họ, các nhân viên tác chiến sử dụng một con chuột máy tính có thể chỉ và đánh dấu vào bất cứ mục tiêu quan trọng nào và cung cấp tất cả tin tức tình báo hiện tạo kể cả chỗ ở của các nhà lãnh đạo chính trị. Họ có thể trình bày những lĩnh vực khác có liên quan đến chiến trường, như một cuộc triển khai quân ở Bắc Ấn Độ trên biên giới với Tây Tạng, các hoạt động trên biên giới Nga, và việc Nga triển khai hải quân ở Bắc Thái Bình Dương. Cách bố trí lực lượng của không quân và hải quân PLA cũng đã được thể hiện trên màn hình. Những ngôi sao đỏ xác định vị trí của chúng, cạnh đó những ô đối thoại xác định quy mô, hình thức và sự bố trí của các lực lượng đang được đề cập đến. Các vị trí của kẻ thù chính được xác định là các đơn vị không quân và tàu chiến của Việt Nam, Philippin, Inđônêxia, Thái Lan, Xingapo và Malaixia. Tình trạng báo động của các lực lượng phòng thủ ở Đài Loan đang được giám sát chặt chẽ. Các điệp viên sẽ thường xuyên cung cấp thông tin mới nhất về bất cứ sự náo loạn của dân chúng ở Đài Loan, Hồng Kông, hay các tỉnh bất kham hơn ở Nam Trung Quốc. Một đơn vị đặc biệt gồm các nhà phân tích đang theo dõi những sự di chuyển quân của các cường quốc lớn hơn: nhóm tàu sân bay Nimitz của Mỹ, đang tập trận ở biển Sulu ngoài khơi bờ biển miền Tây của Philippin, nhóm tàu sân bay phối hợp Anh, Ôxtrâylia, và Niu Dilân đang tiến hành chuyến thăm thiện chí Brunây, và các lực lượng hải quân và không quân Mỹ và Nhật ở biển Đông Trung Hoa. Một phụ tá của Chủ tịch ra hiệu cho ông đi theo những bậc cầu thang dẫn đến tầng tác chiến. Khi ông bắt đầu leo xuống thì trong phòng người ta đã biết đến sự có mặt của ông và một sự im lặng bao trùm. Khi xuống đến nơi ông bước thẳng đến một cái bục nhỏ được trang hoàng quốc kỳ Trung Quốc. Một sĩ quan yêu cầu các sĩ quan và những người đàn ông đang tụ tập ở đó hãy chú ý.
Chủ tịch bắt đầu, "Thưa các đồng chí, từ rất lâu rồi những kẻ thù của Trung Quốc đã khai thác nguồn dầu lửa phong phú ở các vùng biển quanh các quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa). Các nhà khoa học của chúng ta ước tính có tới 10 tỉ tấn dầu bên dưới bề mặt vùng biển niềm Nam rộng lớn của chúng ta. Đây là dầu của Trung Quốc và 1,3 tỉ người Trung Quốc cần số dầu đó. Trung Quốc là một nước nghèo, đang phát triển và chúng ta không thể tiếp tục nhập dầu với tỉ giá hiện nay mà sự tăng trưởng trong nền kinh tế của chúng ta đòi hỏi.
Việt Nam đã chiếm đóng bất hợp pháp các quần đảo Nam Sa và Tây Sa. Việt Nam đã phớt lờ lập trường kiên định của chính phủ Trung Quốc và cản trở những hoạt động hợp pháp của chúng ta. Nhân dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình và không mong muốn chiến tranh. Nhưng nhà cầm quyền Việt Nam thật sai lầm khi nghĩ rằng chúng ta mềm yếu và dễ dàng bắt nạt đơn giản vì chúng ta mong muốn hòa bình. Sứ mệnh mà các đồng chí bắt tay vào thực hiện sáng hôm nay là lời cảnh cáo Chủ tịch Nguyễn hãy từ bỏ mãi mãi những tham vọng nuốt chửng vùng lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc.
Thưa các đồng chí, đây là những thời điểm quan trọng. Ngay sau đây các đơn vị của lực lượng không quân và hải quân anh hùng của chúng ta sẽ bắt đầu một sứ mệnh không kém phần quan trọng so với bất cứ gì mà quân đội cách mạng hùng mạnh của chúng ta đã đương đầu trong quá khứ. Thành công trên chiến trường sẽ đảm bảo một tương lai tươi sáng cho Đảng, Tổ quốc và nhân dân chúng ta."
CĂN CỨ HẢI QUÂN CAM RANH, VIỆT NAM
Giờ địa phương: 06h00' Chủ Nhật 18/02/2001
Giờ GMT: 23h00' thứ Bảy 17/02/2001
Tiếng gầm rú của những động cơ từ 12 chiếc máy bay chiến đấu phòng không SU-27 Flanker của Trung Quốc như xé rách bầu trời Việt Nam và chẳng mấy chốc những chiếc máy bay đã bay tới bờ biển phía trên mục tiêu vịnh Cam Ranh. Những chiếc Flanker này làm nhiệm vụ bảo vệ 20 máy bay tấn công A-7, thế hệ mới của loại máy bay tấn công mặt đất của Trung Quốc được phát triển từ loại Su-24 Fencer của Nga. Chúng sà xuống thấp dựa vào rađa theo dõi mặt đất. Các phi công đã sử dụng những màn hình treo trước mặt trong buồng lái cho thấy rõ những phương tiện của họ mà không cần nhìn xuống. Khi đã ở trên mục tiêu, người Trung Quốc thả xuống những vũ khí chết người kết hợp nhằm vào hệ thống phòng thủ của Việt Nam. Những vũ khí được chọn cho hoạt động này gồm các quả bom chùm mà khi được thả sẽ rải những quả bom nhỏ hơn mang những đầu nổ xuyên thủng bê tông, những quả mìn nổ chậm, và mảnh vỡ để phá "những cấu trúc sáng" như máy bay, xe cộ và những vẫn kẹt ở bên ngoài. Hầu hết những người bị đánh thức bởi tiếng ồn đều không kịp chạy thoát trước khi những quả bom rơi trúng. Những mảnh vỡ rơi khắp căn cứ hải quân chính của Việt Nam. Các quả mìn tiếp tục tàn phá sau đó và làm trì hoãn các hoạt động thu dọn.
Ngay sau khi những chiếc Fencer vọt lên sau cuộc tấn công đầu tiên, những chiếc máy bay có gắn các ổ súng bên dưới đã vòng trở lại xả hết đạn vào bất cứ chiếc máy bay tấn công mặt đất hay máy bay chiến đấu Mig-21 Fishbed lâu năm nào của Việt Nam còn nguyên vẹn nằm xếp hàng trên đường băng của căn cứ hải quân này. Việc không được báo trước đã ngăn cản Việt Nam phân tán các máy bay của họ để làm cho chúng khó bị tấn công hơn. Trong chưa đầy 5 phút, một phần của hệ thống phòng không Việt Nam chỉ còn là một đống đổ nát méo mó. Nhiều tòa nhà và các dàn rađa bị phá hủy, và tháp kiểm soát tạm thời không hoạt động được. Nhưng phải cần một cuộc tấn công dữ dội hơn để hoàn thành cuộc hủy diệt này. các phi công Trung Quốc bay đi, tăng tốc hơn 1000 km/giờ, máy bay của họ giờ đây trở nên nhẹ và có thể điều khiển dễ dàng. Một bức điện duy nhất từ viên chỉ huy cuộc tấn công của Trung Quốc bắt được qua làn sóng điện: "Con Rồng". Điều này nói đến đợt tấn công tiếp theo mà các hệ thống phòng thủ này phải chịu.
Ngay lập tức, dội lên tiếng gầm khác của động cơ, tiếng ù ù của 24 máy bay ném bon H-6 của Trung Quốc - những bản sao của loại Tu-16 Badger của Liên Xô. Phạm vi hoạt động 2000 km mang được 5000 kg bom đủ cho chuyến bay từ căn cứ không quân Hải Khẩu ở nam đảo Hải Nam. Nhìn từ mặt đất, nhóm máy bay ném bom có thể tỏ ra không linh hoạt lắm và dễ bị tấn công. Chúng có thể bay dưới tốc độ âm thanh nhưng chúng được bảo vệ chặt chẽ. Các phi công của 12 chiếc máy bay đánh chặn Thẩm Dương J-811 cánh hình tam giác, do Trung Quốc thiết kế, làm nhiệm vụ bảo vệ chúng. Hệ thống rađa Zhuk của Nga trên máy bay có thể đồng thời theo dõi 10 máy bay đối phương và hướng dẫn các tên lửa phòng không. Chúng đã được mở rộng tầm hoạt động tương đương với tầm hoạt động của các máy bay ném bom có mang những thùng chứa và tiếp nhiên liệu trên không, hiện được gỡ bỏ cho nhẹ để sẵn sàng chiến đấu. Những chiếc máy bay tiếp dầu bay ở khoảng cách 500km để giúp cho máy bay ném bom có đủ nhiên liệu về được đến nhà sau cuộc tấn công.
Trận không chiến đầu tiên của cuộc chiến tranh Cuộc Tấn Công Của Con Rồng kéo dài chưa đầy 30 giây. Một phi công J-8 bám đuôi hai máy bay chiến đấu Mig-21 Fishbed cũ kỹ của Việt Nam đang trên đường trở về từ một cuộc tuần tra thường lệ buổi sáng, và phóng hai quả tên lửa. Các hệ thống báo động tên lửa trên các máy bay Fishbed đã cũ. Chúng có thể không bao giờ biết cái gì đang lao về phía chúng khi chiếc máy bay đầu tiên bị trúng đạn. Chiếc máy bay thứ hai thoạt đầu gặp may vì thiết bị tìm mục tiêu trong quả tên lửa bị lẫn lộn bởi hai chiếc máy bay đang bay theo đội hình và quả tên lửa đã đi qua giữa chúng. Điều không may mắn là khoảng cách giữa hai máy bay quá gần và chiếc máy bay bị bắn trúng, nằm ngoài sự kiểm soát, va vào chiếc kia và cả hai cùng nổ tung. Chỉ có một quả cầu lửa nhỏ vì chúng còn rất ít nhiên liệu.
Lúc đó là 06 giờ 10 phút.
Các máy bay ném bom tiến đến gần căn cứ hải quân theo đội hình ba chiếc một. Thoạt đầu chúng gặp phải hỏa lực phòng không nhẹ từ hai vị trí đã thoát khỏi cuộc tấn công của các máy bay Fencer. Hai trong những chiếc J-8 bay hộ tống đã nhanh chóng dập tắt hỏa lực đó bằng những tràng súng. Những hình người chạy ngang dọc khắp căn cứ, được chiếu sáng bằng những đám cháy, chưa kịp mặc đủ quần áo và chỉ vừa mới thức giấc, đã chống trả một cách vô vọng bằng hỏa lực của những khẩu súng nhỏ luôn luôn bắn đuổi phía sau mục tiêu. Họ bị nhấn chìm trong địa ngục khi quả bom giáng xuống vài giây sau đó. Gần như không ai thoát chết. Các phi công Trung Quốc đã thi hành mệnh lệnh hết sức chính xác. Những chiếc H-6 đầu tiên đã hoàn tất công việc của những chiếc Fencer bằng việc biến những chiếc máy bay và toàn bộ khu vực đậu của chúng thành một khối lửa với những tảng bê tông bị bật tung lên và những thanh kim loại bị vặn cong queo bởi những quả bom chùm. Các thùng chứa nhiên liệu của máy bay nổ tung. Lửa bắt vào những bụi cây thấp trên bải cỏ khô, phẳng xung quanh căn cứ. Tốp thứ hai phá hủy trung tâm chỉ huy, sử dụng bom một đầu nổ thông thường được kích nổ trên không điều khiển bằng rađa làm tăng diện tích phá hủy đối với những cấu trúc như các tòa nhà. Tốp thứ ba đánh vào kho nhiên liệu và đạn dược bằng sự kết hợp bom chùm và nổ trên không. Lửa bắt vào nhà cửa chất lượng xấu, bị làm suy yếu bởi những đợt sóng xung kích từ các vụ nổ trên không. Các đường ống dẫn khí trong căn cứ không đường chôn sâu và đã bắt cháy, làm tăng thêm cảnh rùng rợn này. Đây là một thảm họa chưa bao giờ xảy ra ở một căn cứ quân sự của NATO. Vịnh Cam Ranh do người Mỹ xây dựng, nhưng được Liên Xô tiếp quản năm 1979. Khả năng tồn tại qua một cuộc tấn công bất ngờ đã không được đặt thành vấn đề.
Ngay trước khi các máy bay ném bom H-6 hoàn thành nhiệm vụ của chúng, một phi đội Fencer khác đã tiến đến gần căn cứ. Mỗi chiếc mang 4 tên lửa C-802 chống tàu. Trong vòng vài phút vùng biển trong cảng Cam Ranh rực sáng, mặc dù thiết bị tìm mục tiêu của một số tên lửa bị mất mục tiêu không mong đợi. Và điều này chỉ làm tăng thêm sự hỗn loạn. Một lần nữa, bức điện nhận được từ viên chỉ huy không quân chỉ đơn thuần hai chữ "Con Rồng".
Cách 800 km về phía Bắc, các phi công Trung Quốc nhận thấy thắng lợi có vẻ khó khăn hơn. Mây dày đặc lơ lửng trên căn cứ không quân chính của Việt Nam ở Đà Nẵng. 12 chiếc Su-27, 12 chiếc Fencer, và 12 máy bay ném bom chiến đấu Jang Hong 7 của Hải quân Trung Quốc đã xuất kích cho cuộc tấn công vào lúc 06 giờ 20 phút. Đã bị chậm mất 10 phút. Những chiếc JH-7 có tốc độ bay chậm hơn làm nhiệm vụ hỗ trợ cho nhóm này.
Không quân PLA chưa bao giờ muốn hoạt động cùng với hải quân. Không quân từ lâu đã không chấp nhận máy bay JH-7 với thiết kế khung, thiết bị điện tử hàng không và loại động cơ Rolls Royce Spey lỗi thời khiến cho nó kém sức mạnh theo những tiêu chuẩn hiện đại. Nhưng Quân ủy đòi hỏi phải hợp đồng tác chiến. Chính trị đã thắng thực tế còn tình trạng thù địch tiếp tục diễn ra trong các khoang lái. Thời tiết thật kinh khủng. Tầm nhìn hết sức tồi tệ và có nguy cơ đâm xuống đất. Viên sĩ quan chỉ huy nhóm máy bay JH-7 hiểu sai tín hiệu của rađa dẫn đường từ mặt đất và vọt lên quá cao. Những chiếc máy bay này đã bị phát hiện mấy phút trước khi các máy bay SU-27 tiến hành gây nhiễu điện tử đối với Việt Nam. Điều đó đủ thời gian cho 15 máy bay của Việt Nam bay lên.
Những chiếc Mig của Việt Nam chắc chắn không thể sánh được với những chiếc SU-27 nhanh hơn và linh hoạt hơn với thiết bị điện tử và khả năng tấn công hết sức ưu việt. Nhưng các phi công Việt Nam quen thuộc hơn với những máy bay cũ kỹ của họ, và được đào tạo tốt hơn trong chiến thuật chiến đấu thực tế. Việt Nam đã dành cho các phi công ít nhất mỗi tháng 16 giờ bay. Con số chưa bằng một nửa so với 33 giờ bay một tháng theo hệ thống C-1 (hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu) của Mỹ, nhưng lại gấp đôi số giờ bay huấn luyện của Trung Quốc. Những thương vong đầu tiên của Trung Quốc là hai máy bay JH-7 khả năng vận động kém hơn, và trước khi những chiếc SU-27 khéo léo hơn định hướng được thì một chiếc đã bị trúng tên lửa không đối không của Việt Nam. Một chiếc JH-7 nữa bị một tên lửa SA-6 từ mặt đất bắn trúng.
Sau đó các phi công Việt Nam rẽ về hướng Tây. Trong 30 phút tiếp theo, còi báo động rú lên từ Bắc đến Nam khắp dải đất hẹp là đất nước Việt Nam. Các phi công cất cánh từ các căn cứ của họ, và lái máy bay ra khỏi Việt Nam tới hai nước mà họ dùng làm nơi ẩn náu truyền thống của họ - Lào và Campuchia. Trong các cuộc chiến tranh chống những kẻ thù mạnh hơn của thế kỷ 20, Pháp, Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam đã giấu kín các lực lượng chiến đấu của họ và cho chúng xuất trận ở những địa điểm và thời điểm mà họ lựa chọn. Kẻ thù có thể thắng trong một số trận đánh; còn Việt Nam đã thắng các cuộc chiến tranh. Các phi công Trung Quốc đã tàn phá nghiêm trọng căn cứ không quân Đà Nẵng, nhưng khi những thắng lợi quân sự được thuật lại trên tờ Nhân Dân Nhật Báo, số máy bay Việt Nam bị tiêu diệt đã không được đề cập đến và con số thiệt hại của Trung Quốc cũng vậy. Vào thời gian mà các phi công Việt Nam ở Campuchia và Lào, tin tức đầu tiên của cuộc tấn công đã đến Nhà Trắng.
Lúc đó là 06 giờ 45 phút.
QUẦN ĐẢO HOÀNG SA, BIỂN NAM TRUNG HOA
Giờ địa phương: 07h00' Chủ Nhật 18/02/2001
Giờ GMT: 23h00' thứ Bảy 17/02/2001
Từ chiếc máy bay lên thẳng chở quân M-17 do Nga chế tạo nhìn xuống, bãi đá ngầm Discovery trong quần đảo Hoàng Sa trông giống 2 cái móng ngựa lớn chụm đầu vào nhau. nằm trong vùng nước nông ở giữa là Discovery 1, giếng dầu có 160 nhân viên làm việc đang tiến hành khoan thử và dự định bắt đầu sản xuất vào tháng Tư. 30 người đang làm ở đó thoạt đầu nghe thấy tiếng đập mạnh của các cánh quạt, rồi nhìn thấy mũi chiếc trực thăng khi nó bổ nhào xuống phía họ. Ở phía xa, giữa những cơn sóng cồn vừa phải của Biển Nam Trung Hoa, 6 chiếc tàu tập kích làm bằng sợi thủy tinh được trang bị 2 động cơ 150 mã lực tăng tốc rời khỏi chiếc tàu đổ bộ chở tăng 927 lớp Yukan. Mỗi chiếc tàu tập kích chở 10 người tiến tới địa hình lởm chởm này. Chiếc máy bay lên thẳng bay lượn một cách hăm dọa. Những loạt đạn cảnh cáo được bắn xuống nước. Những chiếc tàu đi chậm lại khi chỉ còn cách 40 hải lý. Các lính biệt động của hải quân Trung Quốc lao lên bờ giữa những bề mặt lởm chởm đá và các bãi đá ngầm không chút hiếu khách để chiếm lĩnh các vị trí. Cùng đi với họ là một đơn vị thuộc đoàn làm phim đặc biệt của PLA, có nhiệm vụ ghi lại lịch sử quân sự của Trung Quốc kể từ Cách mạng. Sáng nay Trung Quốc đã thông báo trước sự kiểm soát hoàn toàn của họ đối với quần đảo này và các đảo san hô vòng lởm chởm là một bộ phận không thể tách rời chủ quyền của họ.
Các lính biệt kích được lệnh giảm đến mức thấp nhất sự đổ máu. Discovery 1 là một liên doanh Anh - Nhật liên quan đến một công ty chi nhánh của British Petroleum và Nippon Oil. Khi lính thủy đánh bộ đã chiếm lĩnh xong mặt đất, chiếc máy bay lên thẳng hạ cánh xuống bãi đỗ trực thăng của dàn khoan với 20 quân nữa. Một loạt đạn từ các khẩu súng nhỏ bắn lên không trung khiến cho đội bảo dưỡng nhận thấy rằng những chiếc cờ lê mỏ lết không chọi được với các vũ khí tự động. Nhân viên thông tin liên lạc có đủ thời gian để phát đi một tín hiệu báo động trước khi một lính thủy đánh bộ chĩa súng chặn anh ta lại và thay đổi tần số. Chiếc trực thăng bay đi. Trừ hai tàu tập kích còn tất cả quay trở về tàu tiếp tế. Đơn vị làm phim của PLA quay hình ảnh dựng cờ. Các lính biệt động hát quốc ca. Rồi cả người tấn công lẫn kẻ bị bắt giữ đều im lặng khi họ nghe bài phát biểu của chủ tịch Vương Phong qua hệ thống truyền thanh công cộng mà viên hạ sĩ quan truyền tin lính thủy đánh bộ đã lọc qua radio.
"Giống như Hồng Kông, Đài Loan, Macao và Tây Tạng, vùng lãnh thổ mà các bạn đã thu hồi hôm nay là một phần không thể chuyển nhượng của Tổ quốc chúng ta. trong những năm gần đây đã diễn ra tình hình các đảo và đảo nhỏ này bị chiếm giữ, các vùng biển bị chia cắt, các nguồn tài nguyên bị cướp bóc, và các quyền và lợi ích về biển bị cố tình vi phạm. Nhưng chúng ta đã chú trọng đến việc tăng cường xây dựng lực lượng hải quân và không quân của chúng ta. Và hôm nay chúng ta tuyên bố thắng lợi. Tất cả các bạn nên tự hào về những gì mà các bạn đã đạt được, không chỉ vì thắng lợi của các bạn ngày hôm nay, mà còn vì mối liên hệ trực tiếp của nó đến sự nghiệp nghìn năm của đất nước chúng ta, và đến con cháu chúng ta trong tất cả các thế hệ mai sau."
Đó là hành động cuối cùng mà Trung Quốc phải tiến hành để chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và là nhiệm vụ dễ dàng nhất được giao cho các lính thủy đánh bộ. Ở quần đảo Trường Sa, cách 800 km về phía Nam, cuộc tấn công đã không tiến triển thuận lợi được như vậy.
QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA, BIỂN NAM TRUNG HOA
Giờ địa phương: 07h00' Chủ Nhật 18/02/2001
Giờ GMT: 23h00' thứ Bảy 17/02/2001
Trước đây Trung Quốc chưa hề thực hiện một chiếc dịch của không quân và hải quân có tầm cỡ như thế này. Khu vực sẽ được chiếm giữ rộng 340.000 km2. Các mục tiêu gồm 21 đảo và đảo san hô vòng, 50 dải đất ngập nước và 28 bãi đá ngầm, phần lớn đều nằm dưới mặt nước. Những địa điểm lởm chởm và không ở được này được coi như những điểm đặt chân chiến lược và một nguồn phong phú về dầu lửa và khoáng sản. Chỉ có những người lính sống ở đó, với những lá quốc kỳ của họ. Hầu hết các trại đều được dựng trên những chiếc cột, đủ cao để tránh sóng đánh tràn qua những bãi cập bến lởm chởm đá và những đợt thủy triều nhận chìm các căn cứ này dưới mặt nước. Quần đảo Trường Sa là những địa điểm ác mộng.
Các bãi đá ngầm phía Bắc và cực Đông được Philippin coi là của họ. Các đảo cực Nam do quân Malaixia chiếm đóng. Trên đảo có tên Terumbi Layang - Iayang, có một đường băng và một căn cứ hải quân. Về phía Tây là các lực lượng Việt Nam. Tiền đồn thực chất duy nhất của Trung Quốc là Fiery Cross Shoal dài 26 km và rộng 7,5 km. Năm 1988, các kỹ sư Trung Quốc đã dùng thuốc nổ phá san hô để các tàu chiến có thể tiến vào cập bến bãi đá ngầm này. Họ đã xây một cầu tàu, các con đường, một nhà để máy bay lên thẳng, một bãi đỗ máy bay, và một doanh trại 2 tầng có diện tích 1.000 m2. tình trạng bảo dưỡng rất kém. Hệ thống vệ sinh và cung cấp nước ngọt bị hỏng. Các lính thủy đánh bộ, những người đang kề vai sát cánh sống ở đó, reo mừng khi nghe được các mệnh lệnh truyền cho họ. Họ muốn ở bất cứ đâu trừ Fiery Cross.
Chiếc trực thăng Z-8 Super Frelon thứ nhất của Trung Quốc cất cánh lúc 06 giờ 20 phút với 10 lính thủy đánh bộ trên khoang. Chẳng bao lâu, 8 chiếc đã ở trong không trung hướng tới một bãi đá ngầm do Việt Nam chiếm giữ cách đó 70 km về phía Đông. 7 chiếc Flanker SU-27 từ căn cứ của chúng ở Lingshui trên đảo Hải Nam cùng tham gia để hỗ trợ trên không. Chúng được tiếp nhiên liệu khi bay được quãng đường dài 120 km từ ba chiếc máy bay chở nhiên liệu IL-76, được cải tạo từ máy bay vận tải. Mỗi chiếc máy bay thả ra 3 đường ống với những cái phao tiếp nhiên liệu chốt ở đầu ống, mỗi cánh có một ống và một đường ống từ dưới thân máy bay.
Những chiếc SU-27 có thể hoạt động trên khu vực xung đột trong ít nhất là 30 phút và hoàn thành chuyến bay đi về dài 1.500 km với sự hỗ trợ của máy bay tiếp nhiên liệu. Nhiều tháng trước đã có sự bất đồng trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản về việc PLA có thể tiến hành Chiến dịch Cuộc Tấn Công Của Con Rồng mà không có một tàu sân bay để triển khai sức mạnh khắp Biển Nam Trung Hoa không. Một tài liệu được tiết lộ từ Quân ủy Trung ương lập luận rằng 40 máy bay trên boong một tàu chở sân bay có thể đạt được hiệu quả chiến đấu của 200 đến 800 máy bay triển khai ở mặt đất. Nhưng để có được tàu, để trang bị và đào tạo tổ lái cho các hoạt động của tàu sân bay thì phải mất nhiều năm ròng. Về việc tính toán thời điểm có thể có tàu sân bay, tức là có hoạt động của máy bay phản lực cất cánh thẳng đứng Harrier, các ý kiến khác nhau đưa ra trong khoảng từ năm 2005 đến tận năm 2015. Nhưng ban lãnh đạo chính trị trong Đảng Cộng sản nói thời điểm có thể là quá muộn. Tài liệu viết: "Vào lúc đó thì quyền bá chủ của Mỹ sẽ thao túng các thành phố bờ biển của chúng ta như các cường quốc châu Âu đã làm trong thế kỷ 19. Người Mỹ sẽ tìm cách chia rẽ Trung Quốc bằng bất cứ biện pháp nào và Tổ quốc sẽ lại bị chia cắt một lần nữa."
Vào giữa những năm 90 lực lượng không quân Trung Quốc đã thực hiện một số cuộc thử nghiệm tiếp nhiên liệu trong khi bay. Họ đã thương lượng với Ixraen để tìm kiếm công nghệ, nhưng vụ làm ăn chưa bao giờ diễn ra do sức ép đối với Ixraen từ phía Oasinhtơn. Tình báo phương Tây tin rằng công nghệ tiếp nhiên liệu trong Cuộc Tấn Công của Con Rồng đã được mua từ Pakixtan, và các thiết bị phao tiếp nhiên liệu được sản xuất ở Trung Quốc. Những thiết bị hút nhiên liệu đơn giản được chốt vào các đường ống tiếp nhiên liệu của máy bay chiến đấu, máy bay lên thẳng và miệng van được sao chép từ mẫu của NATO. Thiết bị hoạt động có hiệu quả và tạo thêm tầm hoạt động cũng như tăng tính linh hoạt có khả năng không giới hạn, mặc dù các máy bay chở nhiên liệu khó điều khiển sẽ dễ dàng bị tấn công trừ phi được bảo vệ tốt.
7 chiếc SU-27 hướng về đảo Vanguard Bank, nằm ở phía Nam quần đảo Trường Sa và do các lực lượng Việt Nam chiếm đóng. Do mây hết sức dày đặc và tầm nhìn yếu, các phi công thoạt đầu không xác định được chính xác các đảo. Họ đã bay ngang qua chúng một lần trước khi nhận thấy họ đã đi quá xa, tạo cho người Việt Nam một lợi thế đầu tiên. 3 tên lửa SA-6 được bắn lên từ mặt đất, nhưng các phi công Trung Quốc đã thả các đám sợi kim loại giống như trấu và đột ngột quay ngoắt lại chịu lực hút tối đa. Lực được tạo ra do sự vận động này đẩy cơ thể họ sâu vào buồng lái bất chấp những bộ quần áo chống lực hút, bó chặt lấy chân và bụng họ nhằm ngân chặn máu dồn xuống chân và rút hết từ não ôxy duy trì sự sống. Các tên lửa SAM đã bắn trượt. Tiếp đó 4 chiếc máy bay chiến đấu Mig-21 Fishbed của Việt Nam từ căn cứ của chúng ở thành phố Hồ Chí Minh đã tham chiến, tiêu diệt 2 máy bay SU-27 bằng tên lửa không đối không trong khi những máy bay này đang bối rối tìm cách tránh tên lửa SAM. Những máy bay còn lại của Trung Quốc tách ra và với khả năng vận động tối ưu của chúng đã phát hiện ra hai máy bay Fishbed. Hai phi công Việt Nam lao xuống cách mặt 120 mét và vọt lên, mỗi chiếc bị một máy bay kẻ thù bám đuôi. Một chiếc Fishbed nổ tung do bị trúng một quả tên lửa. Chiếc thứ hai bị mất một cánh. Viên phi công nhảy ra. Máy bay lao xuống biển. Tiếp đó một phi công SU-27, bối rối bởi việc chiếc máy bay Việt Nam nổ tung, đã bị tiêu diệt bởi một tên lửa SA-6 khác bắn trúng buồng lái.
Ở phía dưới trên mặt biển, khẩu súng hai nòng 100 ly trên mũi chiếc khu trục lớp Luhu của Trung Quốc mang tên Haribing đã khai hỏa vào các vị trí của Việt Nam. Chiếc tàu khu trục cũng được trang bị tên lửa đất đối đất của Pháp, các ngư lôi của Ý và động cơ của Mỹ. Đây là một ví dụ về sự pha trộn các hệ thống trong lực lượng vũ trang Trung Quốc, gây ra những vấn đề về đào tạo, phụ tùng thay thế và bảo dưỡng. Trong 4 phút những quả đạn cối nặng 15 kg đã giã vào bãi đá ngầm trong khi cuộc không chiến tiếp tục diễn ra ở phía trên. Rồi một chiếc tàu tấn công cao tốc lớp Shershen của Việt Nam tham chiến, lao tới tàu Haribing cách đó 45 hải lý. Sĩ quan Chỉ huy Tác chiến trong phòng tác chiến đầu tiên ra lệnh phóng một tên lửa đất đối không. Quả tên lửa tiêu diệt một chiếc SU-27 nữa. 5 phút sau viên sĩ quan ra lệnh phóng 2 quả ngư lôi 533 ly vào tàu Haribing. Một quả lao trượt qua trước mũi tàu. Quả thứ hai trúng mục tiêu. Khi chiếc tàu chiến Việt Nam tăng tốc vòng ra xa, chiếc Haribing bắn theo một quả tên lửa đất đối đất. Một chiếc máy bay lên thẳng Zhi-9a Haitun cũng đã cất cánh và đuổi kịp chiếc tàu Việt Nam. Đột nhiên chiếc máy bay bị lọt vào một luồng gió mạnh kèm mưa, bị mất phương hướng và phải tập trung giữ độ cao để khỏi bị rơi xuống biển. Tên lửa đi chệch mục tiêu, để chiếc tàu của Việt Nam chạy thoát.
Giao tranh nổ ra khắp khu vực quần đảo Trường Sa sáng hôm đó, từ bãi đá ngầm này đến bãi đá ngầm khác, từ đảo san hô vòng này tới đảo san hô vòng khác, Trung Quốc đã thực hiện yêu sách lãnh thổ của họ bằng sức mạnh quân sự. Quân Philippin kháng cự yếu ớt, sau đó đầu hàng. Malaixia và Brunây để quân đội của họ giao nộp vũ khí mà không kháng cự. Ngoài Vanguard Bank, giao tranh ác liệt đang diễn ra quanh đường bờ biển lởm chởm đá của đảo Itu Aba, Sand Cay và bãi đá ngầm Trường Sa, nơi quân Việt Nam và Đài Loan đã hợp lực để ngăn chặn một lực lượng xâm lược của lính thủy đánh bộ Trung Quốc. Thoạt đầu họ dựng lên một tuyến lửa ở hai cầu tàu. Sau đó, trong khi tiếp tục khống chế nó, họ đợi khi các lính thủy đánh bộ tìm cách đổ bộ lên bãi biển nhỏ phía bên kia Sand Cay. Họ nã cối vào khu vực đổ bộ và tiêu diệt các xuồng đổ bộ bằng hỏa lực súng máy hạng nặng. Họ bắn đạn cối vào phía sau bãi biển nơi các lính thủy đánh bộ Trung Quốc đang tìm chỗ ẩn núp. Họ biến bãi biển này thành một khu vực giết chóc. Hầu hết số lính Trung Quốc bị giết trong khoảng thời gian 15 phút. Những người bị thương lần lượt bị quân bắn tỉa hạ gục cho đến khi hai chiếc máy bay lên thẳng Zhi-9a của Trung Quốc bay đến với hỏa lực hơn hẳn. Quân Đài Loan và Việt Nam rút lui có kiểm soát, hy sinh một nhóm quân tiên phong nhỏ. Họ trốn thoát trên một tàu tuần tra biển kiểu PCL của Đài Loan và một tuần tra bờ biển lớp Poluchat của Việt Nam. Mặc dù với tốc độ 20 hải lý, tổ lái máy bay lên thẳng vẫn có thể nhằm bắn vào chiếc tàu Việt Nam. Những người trên boong chiếc tàu chiến Đài Loan sống sót.
Thiệt hại đối với tàu Haribing không nghiêm trọng lắm. Súng vẫn còn bắn được mặc dù khẩu cối được sử dụng cho chiến đấu chống tàu ngầm không hoạt động nữa. 7 chiếc SU-27 khác lúc này đã từ Hải Nam đến. Cuộc chiến đã kết thúc. 8 máy bay lên thẳng vận tải từ Fiery Cross Shoal đổ quân xuống không gặp cản trở nào. Mặc dù đạn vẫn còn được bắn lên nhưng người Việt Nam đã bị thương vong nặng. Sức kháng cự của họ bị suy yếu đi. Quân Trung Quốc chỉ bắt giữ 23 tù binh. Họ tìm thấy 106 thi thể. Cờ Trung Quốc được cắm trên Vanguard Bank vào lúc 06 giờ 45 phút. Trong khoảng thời gian này cờ cũng đã được cắm trên những tiền đồn khác của Việt Nam ở gần đó.
NHÀ TRẮNG, OASINHTƠN, DC
Giờ địa phương: 18h45' thứ Bảy 17/02/2001
Giờ GMT: 23h45' thứ Bảy 17/02/2001
Chiếc máy điện thoại được bảo mật réo vang trên bàn làm việc trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Tổng thống James Bradlay mới được bầu lên chỉ cách đây 3 tháng trong một thắng lợi long trời lở đất. Có sức thu hút quần chúng, trông khá hấp dẫn, trẻ trung, mặc dù đã có tuổi, một người vui thú cuộc sống gia đình mà không giống người tiền nhiệm trực tiếp của ông, không hề cảm thấy phải chứng tỏ phẩm chất đàn ông của mình với những người tương đối xa lạ mà ông gặp, Bradlay đã nắm lấy cơ hội để thuyết trình về nguyên tắc phục hồi sau khi những cuộc bạo loạn đã biến nhiều thành phố bên trong nước Mỹ thành những nơi không đến được trong hầu hết mùa hè. Ông đã thúc giục các cử tri hành động khi ở Chicago ông chường mặt ra trước một đám đông trong cơn tức giận ở Southside, dập tắt cái mà các nhà cầm quyền lo ngại sẽ là cuộc bạo loạn dân sự tồi tệ nhất ở thành phố này kể từ Đại hội Đảng Dân Chủ năm 1968. Trong bài diễn văn nhậm chức, chưa đầy một tháng trước, ông gần như chỉ quan tâm đến các vấn đề trong nước, đặc biệt là sự cần thiết phải có một thỏa ước mới giữa người da đen và da trắng. Ông tỏ sự tôn trọng đối với Liên Hợp Quốc, yêu cầu Nhật Bản mở cửa thị trường trong nước cho buôn bán nước ngoài và bày tỏ lòng mong muốn của chính quyền của ông về một mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc.
Ông dừng lại trong Phòng Bầu dục để xem qua các giấy tờ về cải cách phúc lợi trước khi tới dự một bữa tiệc nhỏ ở Nhà Trắng. Tiếng điện thoại đột ngột nhắc ông nhớ đến thời gian. Chỉ một nhóm nhỏ các đồng sự gần gũi của ông là biết số điện thoại này. Bradlay nhấc máy. Người gọi là Marty Weintein, cố vấn An ninh Quốc gia của ông. Ông này nói "Thưa Tổng thống, tôi xin lỗi đã quấy rầy Ngài".
THÔNG BÁO TÌNH HÌNH
Tình trạng sẵn sàng chiến tranh của Trung Quốc
Trước khi diễn ra Chiến dịch Cuộc Tấn Công Của Con Rồng, Trung Quốc là một nhà nước một Đảng hùng mạnh về kinh tế, được cai trị đằng sau hậu trường bởi Giải phóng quân Nhân dân, một lực lượng quân sự có 2 triệu quân vũ trang. Ban lãnh đạo có sẵn trong tay các vũ khí hạt nhân chiến lược, một lực lượng hải quân biển khơi và một lực lượng không quân được hiện đại hóa.
Các nền kinh tế của Nga, Mỹ và châu Âu có sự liên kết không thể tách rời với Trung Quốc. Các công ty Boeing, Motorola, Mercedes, Simen, GEC và các công ty đa quốc gia khác có các nhà máy và các khoản đầu tư ở thị trường Trung Quốc. Ngành công nghiệp vũ khí của Nga, ngành chủ yếu sống sót được qua những năm tháng dưới thời Yeltsin, đã cung cấp phần lớn trang thiết bị và bí quyết kỹ thuật cho tổ hợp công nghiệp - quân sự đang phát triển của Trung Quốc, đặc biệt là lực lượng không quân và hải quân nước này. Các nền dân chủ phương Tây đã cam chịu với những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Niềm hy vọng rằng nước này sẽ tan vỡ như Liên Xô trước đây đã tỏ ra là một ảo tưởng.
Sự thần kỳ về kinh tế của Trung Quốc đã làm thế giới kinh ngạc, nhưng bãn thân các nhà lãnh đão Đảng Cộng sản lại nhận thức quá rõ những vấn đề do việc duy trì mức tăng trưởng nhanh như vậy gây ra. Tham nhũng lan tràn, tình trạng thiếu lương thực quay trở lại ám ảnh Đảng. Đảng phải giữ cho 1,3 tỉ người tin tưởng (hay ít ra cũng không chống lại tư tưởng này) rằng chỉ có Đảng là nhận được Ý Trời ban cho quyền cai trị Trung Quốc. Để nâng cao uy tín với dân chúng, Đảng đã phát triển một hệ tư tưởng chủ nghĩa dân tộc độc đoán, chú trọng đến những phẩm chất duy nhất của nền văn hóa và văn minh Trung Quốc. Đảng nhắc nhở dân chúng Trung Quốc rằng nền dân chủ là điều xa lạ đối với xã hội của họ. Đảng viện dẫn nhà hiền triết vĩ đại Khổng Tử, người nói rằng những mối dây ràng buộc đoàn kết dân tộc Trung Quốc giống như những mối dây ràng buộc gia đình với nhau: tôn trọng người cha của gia đình và những thể chế của chính phủ. Những người chống lại chế độ này lập luận rằng sự pha trộn có lựa chọn chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa độc đoán, tính bài ngoại và động cơ cá nhân chẳng hơn gì một hình thức chủ nghĩa phát xít châu Á. Họ cảnh báo rằng Trung Quốc đã gây ra mối đe dọa lớn nhất cho hòa bình thế giới kể từ sau sự nổi lên của nước Đức và Ý phát xít vào những năm 1930.
Vào giữa những năm 90, ban lãnh đạo Đảng đã tin rằng Mỹ có kế hoạch kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Điều này được khẳng định vào tháng 03/1996, khi các tàu chiến Mỹ được triển khai ở Biển Nam Trung Hoa để bảo vệ Đài Loan trong khi có các cuộc tập trận của Trung Quốc. PLA đã thề rằng họ sẽ không bao giờ để Mỹ làm cho bẽ mặt nữa. Ngân quỹ được dùng cho việc phát triển hạ tầng cơ sở dân sự đã được chuyển sang tăng cường hiện đại hóa quân đội. Các lĩnh vực được tập trung là hải quân, không quân và nghiên cứu tên lửa. Một đối tác chiến lược với Nga được hình thành.
Cũng có những lý do kinh tế trong việc tăng cường khả năng quân sự của nước này. Sự độc lập của Trung Quốc về nguồn cung cấp năng lượng bị xói mòn bởi sự phát triển nhanh của nước này. Để duy trì cái đà đó Trung Quốc đã trở thành một nước nhập khẩu dầu lửa lớn. Họ cảm thấy dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi bất thường của các thị trường dầu quốc tế. Chính phủ tin rằng những nguồn dự trữ dầu lớn duy nhất chưa dùng đến là nằm quanh 2 nhóm các bãi đá ngầm và bãi cát ngập nước xa xôi và không có người ở tại Biển Nam Trung Hoa có tên gọi là các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Chúng nằm cách xa 800 km và trên một trong những con đường biển tấp nập nhất của thế giới. Việc thăm dò dầu bị hạn chế vì vùng lãnh thổ này bị tranh chấp. Trung Quốc có một yêu sách lịch sử đối với toàn bộ Biển Nam Trung Hoa, nhưng quyền sở hữu nó bị tranh chấp bởi một số nước trong khu vực: Việt Nam, nước lập luận đã có lịch sử đóng giữ và phát triển trên các đảo này; Philippin, Malaixia và Inđônêxia, tất cả có thể đưa ra những yêu sách có vẻ hợp lý đối với một số đảo và phần lớn Biển Nam Trung Hoa. Những vùng biển này, là nơi có các con đường tàu bè qua lại giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là một con đường biển sống còn cho tất cả các nước trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản, nước phải nhập hầu như tất cả năng lượng mà nó tiêu thụ. Gần một phần tư buôn bán của thế giới hàng năm trên đại dương đi ngang qua các quần đảo này.
Vào cuối thế kỷ 20, khi những sức mạnh của lòng tự hào dân tộc và khả năng dễ bị tổn thương về kinh tế cùng hội tụ, thì Đông Á đã bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang. Có cảm giác rằng những ngày yên bình sống dưới cái ô an ninh của Mỹ sẽ sớm chấm dứt. Mỹ đã mệt mỏi. Việc Mỹ hay soi mói về nhân quyền đã khiến nước này không được ưa thích tại những nước mà ở đó các nhà lãnh đạo được học hành ở phương Tây thường lên tiếng thuyết giảng về những ưu điểm của ban lãnh đạo mạnh và cảnh cáo về những nguy cơ của tình trạng suy đồi phương Tây đối với sự cấu kết xã hội. Khu vực này cảm thấy họ đã sẵn sàng tự chăm lo cho bản thân và đã thiếu kiên nhẫn để làm việc đó. Nhiều nước Đông Nam Á sẵn sàng tự bảo vệ mình. Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đang tranh giành để được thừa kế trọng trách người lãnh đạo khu vực. Tuy nhiên, Nhật Bản không được hoan nghênh vì lịch sự thực dân hóa của nó trong nửa đầu thế kỷ 20; còn Trung Quốc thì vì chủ nghĩa Sôvanh về văn hóa.
Mức chi phí quốc phòng ở Đông Á đã trở thành cao nhất thế giới. Từ năm 1994 đến năm 1996, ngân sách ở một số nước tăng hơn 20% khi họ đặt mua các máy bay và tàu chiến mới. Sau Mỹ, Nhật trở thành nước có mức chi phí cao nhất về quốc phòng so với bất cứ nước nào ở Thái Bình Dương. Mối quan hệ an ninh của nước này với Mỹ, đã từng một thời vững chắc như bàn thạch, đang rạn nứt dưới sức ép của những đòi hỏi còn ầm ĩ hơn từ phía Mỹ yêu cầu Nhật Bản mở cửa thị trường của họ và một mong muốn từ một thế hệ mới các nhà lãnh đạo Nhật được thấy đất nước họ tự đứng trên đôi chân của mình. Các kế hoạch của Trung Quốc vẫn còn bị giấu kín trong bức màn bí mật. Họ đã thiết kế máy bay chiến đấu với Pakixtan. Họ đã mua các máy bay chiến đấu và tàu chiến của Nga. Họ đã thuê các nhóm nhà khoa học Nga làm việc về các hệ thống phóng cho các tên lửa tầm xa. Họ đã phái điệp viên đến châu Âu, Mỹ và Ôxtrâylia để đem về công nghệ mà cộng đồng quốc tế không cung cấp cho họ trên thị trường công khai. Trong vòng vài năm, họ đã tạo ra khả năng triển khai sức mạnh của họ ở khu vực thông qua việc phối hợp hoạt động hải quân và không quân. Cái mà họ thiếu trong công nghệ thì họ đã bù đắp lại bằng sự thông minh của con người.
Mối quan tâm quan trọng hơn cả đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn không thay đổi kể từ Mao tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân tháng 10/1949; duy trì sự cai trị của Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, vào lúc bắt đầu thế kỷ 21, sự kiểm soát của Đảng đối với quyền lực là không chắc chắn. Nỗi lo ngại của ban lãnh đạo về tình trạng hỗn loạn là rõ ràng. Họ cần một sự ủy quyền mới. Một cuộc chiến tranh nhằm thu hồi vùng lãnh thổ chủ quyền đã nhanh chóng chuyển từ chỗ nói ngoài miệng sang chỗ cần thiết phải làm. Để theo đuổi có được các vũ khí, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tạm thời sẵn sàng đánh mất sự phát triển kinh tế dân tộc chủ nghĩa và chấp nhận thương vong trong chiến tranh. Chủ tịch Vương kết luận rằng không nước nào trong số những nước láng giềng châu Á nhỏ hơn của Trung Quốc lại liều lĩnh gây xung đột, họ cũng không đoàn kết đủ để đối đầu với Trung Quốc như một lực lượng quân sự duy nhất. Chỉ có Việt Nam sẽ chiến đấu chống lại. Vương biết từ kinh nghiệm bản thân việc Việt Nam có thể đánh giỏi như thế nào. Tuy nhiên, lần này kết quả sẽ khác. Về lịch sử, người Trung Quốc và người Việt Nam nổi tiếng là "những kẻ thù anh em". Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức các cuộc bầu cử cấp tỉnh và đã nói đến các cuộc bầu cử Quốc hội và Chủ tịch trong 5 năm tới. Họ đã ký một hiệp ước phòng thù tay đôi với Pháp, cường quốc thực dân cũ của họ.
Cuộc Tấn Công Của Con Rồng, sự chiếm đóng quân sự của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa và việc làm nhục Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên khắp đất nước Trung Quốc. Nó sẽ hợp pháp hóa sự kiểm soát quyền lực của hợp đồng, đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng, thách thức cường quân sự Mỹ và tuyên bố Trung Quốc là nhà lãnh đạo ở khu vực Đông Á.
PHỐ DOWNING, LUÂN ĐÔN
Giờ địa phương: 00h15' Chủ Nhật 18/02/2001
Sự kiện gây gián đoạn xuất hiện vào cuối bữa ăn tối không chính thức giữa Michael Stephenson, Thủ tướng; Charles Wentworth, ngoại trưởng; Peter Makinson, chủ tịch Đảng; và các vị phu nhân của họ tại số 10 phố Downing, dinh thự chính thức của Thủ tướng ở Luân Đôn. Một cuộc trò chuyện vui vẻ về mức thâu chi ở ngân hàng của Đảng đã nhanh chóng bị quên đi khi một sĩ quan thường trực trao cho Thủ tướng tin tức về cuộc tấn công của Trung Quốc.
Người ta đã liên lạc với Chủ tịch và Thư ký Ủy ban Tình báo Liên quân, cùng Tham mưu trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng và yêu cầu họ sẵn sàng chờ lệnh. Các nhân viên theo dõi 2 máy truyền hình, bắt kênh BBC và CNN. Phố Downing đã mở các đường dây đến Chỉ huy sở Thường trực Tác chiến Liên quân tại Northwood ở Bắc Luân Đôn, trung tâm chỉ huy liên quân của Anh. Vài phút trước khi thông báo cho phố Downing, bản thân Northwood đã được Sở Chỉ huy Thông tin liên lạc Chính phủ (GCHQ) ở Cheltenham báo động; GCHQ nhận được thông báo từ trạm thu thập tin tức Viễn Đông của Anh đặt tại Darwin, Bắc Ôxtrâylia.
Wentworth đã nhanh chóng được biết rằng Nhà Trắng coi cuộc tấn công này là một cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng và trù tính sẽ đưa ra một phản ứng vào 00 giờ 45 phút. Người ta không biết chính xác người Mỹ sẽ phản ứng theo đường hướng nào. Thủ tướng yêu cầu một báo cáo miệng và tuyên bố dự thảo vào lúc 00 giờ 25 phút. Bí thư báo chí, Thư ký riêng phụ trách các vấn đề Đối ngoại của ông và một quan chức cao cấp từ Bộ Ngoại giao đã thảo ra phản ứng của Anh. Bộ Ngoại giao Anh đảm bảo là các hãng AP và Reuters sẵn sàng đưa tin ngay lập tức.
Ở phía bên kia phố Downing, tại Bộ Ngoại giao, các quan chức so sánh đối chiếu những đánh giá của các đại diện của Anh ở Hà Nội, Bắc Kinh và những nơi khác trong khu vực, kịp để ngoại trưởng có thể trình chúng trong cuộc họp lúc 00 giờ 45 phút. Từ Hà Nội, Đại sứ báo cáo có 1750 người Anh cư trú thường xuyên ở Việt Nam và khoảng 5000 khách du lịch. Những tin tức không được xác nhận từ cuộc ném bom cho biết 01 kỹ sư Anh bị chết và 02 người bị thương nhẹ tại vịnh Cam Ranh. Có tin trong số thương vong có người Nga, Pháp, Đức, Mỹ và một số người phương Tây khác. Tổng lãnh sự ở Hồng Kông nói có 87 người quốc tịch Anh trong danh sách làm việc ở các dàn khoan tại Biển Nam Trung Hoa. Một con số không rõ người Trung Quốc gốc Hồng Kông có hộ chiếu Anh cũng được thuê làm việc ở đó. Ít nhất 7 người có thể đang có mặt ở bãi đá ngầm Discovery vào lúc diễn ra cuộc tấn công. Có thể giả định rằng họ đang bị quân Trung Quốc bắt giữ. Trong một cuộc nói chuyện qua điện thoại với Thư ký phụ trách Các đại diện thường trú ở nước ngoài (Sĩ quan thường trực) tại Bộ Ngoại giao, Tổng lãnh sự ở Hồng Kông nói tình hình tại vùng lãnh thổ đó là dễ thay đổi: "Chúng ta phải làm mọi cái để vẫn duy trì được lòng tin của người Trung Quốc. Họ nghĩ chúng ta đang tìm cách gây bất ổn định cho tình hình ở đó. Cuộc phiêu lưu này ở Biển Nam Trung Hoa chắc chắn không thể diễn ra vào thời điểm tồi tệ hơn." Đại sứ Anh tại Bắc Kinh nói qua điện thoại từ một phòng bảo mật bên trong tòa Đại sứ có tên gọi là Wendy House. Ông chưa có sự xác nhận chính thức về các cuộc tấn công. Thông tin của ông là từ các hãng BBC và CNN. Ông đề nghị Luân Đôn cư xử thận trọng với ban lãnh đạo Trung Quốc. "Đây là những nhà lãnh đạo rất thông minh và có động cơ dân tộc rõ rệt đang gặp phải một cuộc khủng hoảng trong nước. Đây có thể là một nền độc tài nhưng nó đang rạn nứt. Tham nhũng lan tràn, lương thực không đủ và có tình trạng thiếu dầu xăng. Lời khuyên của tôi là tiến hành từng bước thận trọng và suy xét cái mà họ nói. Trung Quốc là một cường quốc hạt nhân có những tham vọng lớn."
Vào 00 giờ 50 phút, Wentworth gần kết thúc bản báo cáo của ông. Ông lưu ý rằng Anh có những nghĩa vụ theo hiệp ước với Malaixia, một trong những nước có yêu sách lãnh thổ đối với các đảo ở Biển Nam Trung Hoa, theo Hiệp ước Phòng thủ Năm nước được đưa ra vào những năm 1960. Nếu người Malaixia yêu cầu Anh tôn trọng hiệp ước, Ôxtrâylia và Niu Dilân cũng sẽ có liên quan.
Thủ tướng hỏi: "Họ sẽ làm gì?"
Ngoại trưởng trả lời: "Niu Dilân, dù gì đi nữa, sẽ ủng hộ chúng ta. Ôxtrâylia, quan trọng hơn, có thể giữ vai trò hàng đầu ở châu Á. Họ sẽ phải tham khảo ý kiến các láng giềng châu Á của họ. Họ không có Liên hiệp châu Âu. Họ không có Hiệp định Buôn bán Tự do Bắc Mỹ. Nếu họ đi một bước sai lầm ở Đông Á, họ sẽ mất khối buôn bán duy nhất mà họ đang mong muốn là một thành viên."
Wentworth sau đó phát biểu tại cuộc họp rằng Đại sứ ở Pari báo cáo rằng phản ứng của Pháp đối với cuộc tấn công vào Việt Nam sẽ là mạnh mẽ. Đại sứ nhắc lại một cuộc trò chuyện về Đông Dương với Tổng thống Pháp, người đã nói thẳng thừng: "Chúng tôi đã từng sở hữu hòn ngọc này của châu Á. Chúng tôi đã mất nó năm 1945. chúng tôi không có ý định mất nó một lần nữa." Ông chỉ ra rằng sau các cuộc bầu cử hàng tỉnh của Việt Nam, Pari và Hà Nội đã bắt đầu thảo ra một hiệp ước an ninh chung. Pháp có thể sử dụng hiệp ước này để đưa ra lập trường về quân sự ủng hộ Hà Nội.
Một bức điện từ Đại sứ tại Vương Quốc Brunây phong phú về dầu lửa nhắc nhở các bộ trưởng rằng một đơn vị hải quân Anh dẫn đầu là tàu sân bay HMS Ark Royal đang tiến hành chuyến thăm Brunây trên đường đến Ôxtrâylia. Một cách có cân nhắc, điều này không được nhắc đến trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao được đưa ra đúng lúc mở đầu bản tin 01 giờ 00 phút:
"Chính phủ Anh quan tâm sâu sắc đến bạo lực và tổn thất sinh mạng ở Việt Nam và Biển Nam Trung Hoa. Chúng ta đang tiếp xúc với các đồng minh châu Âu và Mỹ của chúng ta cũng như đề nghị Trung Quốc rút khỏi vùng lãnh thổ đang tranh chấp để tránh đổ máu thêm nữa. Chính phủ kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam tôn trọng những cam kết được đưa ra trong nhiều năm qua: rằng các cuộc tranh chấp chủ quyền trong khu vực cần được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình.
Chính phủ đặc biệt lo ngại về sự an toàn của các công dân Anh trong khu vực chiến sự."
Ngay sau khi tuyên bố được phát đi, cả BBC lẫn CNN đều chuyển sang truyền tại chỗ cuộc họp báo từ Bộ Ngoại giao ở Oasinhtơn.
PHỦ CHỦ TỊCH, HÀ NỘI, VIỆT NAM
Giờ địa phương: 07h30' Chủ Nhật 18/02/2001
Giờ GMT: 00h30' Chủ Nhật 18/02/2001
Nguyễn Văn Tài, chủ tịch Việt Nam, có kế hoạch đi thăm Huế, cố đô của Việt Nam, buổi sáng hôm đó, nhưng trong 45 phút ông và bộ tham mưu của ông đang vùi đầu vào những tấm đồ Việt Nam và Biển Nam Trung Hoa. Nguyễn, con người được biết đến như là Gorbachev của Việt Nam, một vinh dự mà ông không chấp nhận hoàn toàn, ngồi ở một phía chiếc bàn kiểu Pháp thế kỷ 19 trang trí cầu kỳ, các viên tướng và cố vấn dân sự của ông ngồi phía bên kia. Hai bức chân dung treo trên tường phía đối diện: Ông Hồ Chí Minh, nhà sáng lập Việt Nam Cộng sản và võ tướng Võ Nguyên Giáp, người đã đánh bại Pháp tại cuộc vây hãm Điện Biên Phủ năm 1954. Trong lúc những khuôn mặt của hai nhà lãnh đạo lớn của châu Á này nhìn xuống những người kế tục họ, Chủ tịch Nguyễn đang kết thúc bài tổng kết của ông.
Nguyễn nói: "Thưa các ông, như vậy các ông nói với tôi rằng đường hướng hành động tốt nhất của chúng ta lúc này là không hành động gì hết. Tôi sẽ ra lệnh cho lực lượng không quân của chúng ta ở nguyên tại Lào và Campuchia. Hải quân của chúng ta, hay những gì còn lại của lực lượng đó, tôi sẽ giữ số tàu này ở vùng biển tránh xa các cuộc tấn công của Trung Quốc. Đành vậy và đó là mệnh lệnh. Tướng Diễm, hãy lo liệu để thông báo ngay cho không quân và hải quân. Tuy nhiên, tôi không hoàn toàn hài lòng với ý kiến không làm gì ngoài việc bảo vệ tài sản quân sự của chúng ta. Tôi muốn Trung Quốc trả giá cho điều họ đã làm. Chúng ta cần phát động một thời kỳ khủng bố dọc đường biên giới chung của chúng ta. Không có gì lớn. Chỉ những đơn vị nhỏ. Tôi muốn những binh lính giỏi nhất của chúng ta được giữ lại để bảo vệ Hà Nội. Điều tôi nghĩ đến là các hoạt động du kích. Khéo léo và không để lại dấu vết gì, nhưng phải bố trí thế nào để có được ảnh hưởng tối đa. Tướng Ng, hãy lo liệu điều đó. Cuối cùng, tôi cho rằng chúng ta cần kéo cộng đồng quốc tế vào, đặc biệt là Pháp và Mỹ. Tôi sẽ gọi cho Tổng thống Pháp Dargaud và tôi sẽ gặp Đại sứ Mỹ ở đây.
Đồng thời, tôi muốn một tuyên bố đầy đủ được phát qua Đài tiếng nói Việt Nam lên án Trung Quốc một cách dứt khoát không mập mờ. Tôi cũng muốn trình bày rõ ràng tính hợp pháp trong yêu sách của chúng ta đối với các đảo này. Tuyên bố này cần kết luận bằng một lời kêu gọi Liên Hợp Quốc can thiệp. Đó là tất cả."
Buổi phát thanh của Đài Hà Nội cho biết:
"Rạng sáng nay Chính phủ Trung Quốc đã mở một cuộc tấn công trong tình trạng không bị khiêu khích vào lực lượng không quân và hải quân của chúng ta nhằm tiêu diệt khả năng của chúng ta bảo vệ đất nước. Đây là một nhát dao nhằm vào trái tim của nhân dân Việt Nam, những người trong 10.000 năm nữa không bao giờ quên hành động bội bạc này. Đồng thời hải quân Trung Quốc đã bao vây những dàn khai thác dầu trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa). Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Dân chủ Việt Nam kêu gọi Trung Quốc rút ngay lập tức và từ bỏ yêu sách có tính chất nổi loạn của họ đối với lãnh thổ Việt Nam hoặc là chấp nhận những hậu quả của chiến tranh kéo dài."
THÔNG BÁO HÌNH TÌNH
Yêu sách của Việt Nam đối với các khu vực trong Biển Nam Trung Hoa
Trước tình hình hết sức nghiêm trọng ở khu vực quần đảo Trường Sa, kể từ tháng 12 năm ngoái Việt Nam đã ba lần đề nghị phía Trung Quốc mở các cuộc thảo luận để giải quyết các bất đồng liên quan đến quần đảo Trường Sa và các cuộc tranh chấp khác về đường biên giới chung và quần đảo Hoàng Sa. (Các công hàm ngày 17/12 và 23/12). Đồng thời Việt Nam đã đề nghị rằng trong khi chờ đợi giải quyết các cuộc tranh chấp bằng biện pháp thương lượng hai bên cần kiềm chế sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp và tránh bất cứ xung đột nào có thể làm trầm trọng thêm tình hình. (Công hàm ngày 26/12).
Nhà cầm quyền Trung Quốc đã vu khống gán cho những đề nghị của Việt Nam cái nhãn "đạo đức giả" để bác bỏ các cuộc thương lượng với Việt Nam và không đáp ứng đề nghị của Việt Nam hai bên cam kết không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Tất cả những điều này cho thấy rằng Trung Quốc tiếp tục thực hiện một chính sách thù địch đối với Việt Nam và tiếp tục các hành động lấn chiếm ở quần đảo Trường Sa. Trước chính sách dựa vào sử dụng vũ lực của Trung Quốc, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Dân chủ Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Những hành động của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa trước đó và ở quần đảo Trường Sa hiện nay, thực tế chăng chỉ là một phần của chính sách bành trướng và bá quyền của Trung Quốc đối với Việt Nam và Đông Nam Á.
Hai quần đảo này nằm cách nhau 800 km. Chúng gồm một số lớn các đảo và bãi đá ngầm san hô và bãi cát ngầm san hô và bãi cát ngầm. Tổng diện tích phần nổi của mỗi quần đảo khoảng 10 km2. Giá trị của cả hai quần đảo là vị trí chiến lược của chúng ở biển Đông và sự phong phú về dầu khí của chúng. Lập luận của Việt Nam là nước này đã duy trì sự chiếm giữ trên thực tế hai quần đảo này ít nhất là từ thế kỷ 12, khi chúng không thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào và nhà nước Việt Nam đã thực hiện một cách có hiệu quả, liên tục và hòa bình chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo này cho đến khi chúng bị các lực lượng vũ trang Trung Quốc xâm chiếm.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã không phát triển như nhân dân Việt Nam hy vọng. Cùng với việc leo thang những hành động khiêu khích và các hoạt động lấn chiếm đất dọc biên giới trên đất liền, vào tháng 1/1974 Bắc Kinh đã sử dụng một lực lượng quân sự tấn công và chiếm đóng các nhóm đảo còn lại ở phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Cùng với cuộc chiến tranh mượn tay kẻ khác do bè lũ diệt chủng Pol Pot tiến hành ở Tây Nam Việt Nam, cụôc chiến tranh năm 1979 với sự tham gia của 600.000 quân Trung Quốc ở các khu vực biên giới phía Bắc Việt Nam và giờ đây cuộc tấn công ô nhục này, Bắc Kinh đã đưa các quan hệ Trung - Việt đến mức xấu nhất. Những thực tế của hơn 20 năm qua đã cho thấy rõ rằng Trung Quốc đã đảo ngược quan hệ, đổi bạn thành thù và trơ tráo thực hiện chính sách chống Việt Nam.
Hàng nghìn năm qua, Trung Quốc chưa bao giờ thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo này. Tuy nhiên Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa bằng cách sử dụng dần dần sức mạnh quân sự trong thời gian từ năm 1956 đến năm 1999. Và điều họ làm từ cuối năm ngoái là bắt đầu đe dọa chiếm đóng một số bãi đá và bãi đá ngầm ở Trường Sa của Việt Nam, một lần nữa cũng bằng sử dụng sức mạnh quân sự. Bằng cách đó, Trung Quốc đang tiến hành hành động tuyên bố ngày 30/7/1997 của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Ngũ Hoa: "Lãnh thổ Trung Quốc trải dài tới các bãi đá ngầm James gần Sarawak (Malaixia)... Người ta có thể đã tự do tiến hành khai thác (khu vực này). Tuy nhiên đến lúc chúng ta sẽ lấy lại những hòn đảo này. Khi đó sẽ không cần thiết phải thương lượng gì hết, những hòn đảo này từ lâu đã thuộc về Trung Quốc."
Những yêu sách của Trung Quốc đòi chủ quyền đối với những đảo này là vô nghĩa. Bắc Kinh đã viện ra những cuộc khảo sát thiên văn học triều Nguyên (thế kỷ 13) tại Nanhaito để kết luận rằng quần đảo Tây Sa nằm trong lãnh thổ của Trung Quốc dưới thời Nguyên. Tuy nhiên, trong sử sách triều Nguyên có viết rằng lãnh thổ Trung Quốc dưới triều này chỉ kéo dài đến đảo Hải Nam ở phía Nam và không vượt quá sa mạc Gôbi ở phía Bắc, tức là nó không bao gồm các đảo mà Trung Quốc ngày nay gọi là Tây Sa. Trung Quốc đã viện ra cuộc tuần tra biển của Phó Đô đốc Vũ sinh trong những năm 1710 đến khoảng năm 1721 dưới triều Thanh, lập luận rằng bản thân Phó Đô đốc Vũ đã xuất phát từ Qiongya, qua Tonggu, Qizhouyang và Sigengsha thực hiện một chuyến đi kiểm tra dài 5000 km. Trên cơ sở này, Trung Quốc quả quyết rằng Qizhouyang là khu vực quần đảo Tây Sa hiện nay khi lúc đó nằm trong phạm vi tuần tra của các đơn vị hải quân của tỉnh Quảng Đông. Qiongya, Tonggu và Sigengsha là tên những địa điểm trên bờ biển đảo Hải Nam, còn Qizhouyang là một vùng biển nằm giữa bờ biển Đông Bắc của đảo Hải Nam và nhóm 7 đảo nhỏ nằm phía Đông Bắc đảo Hải Nam. Như vậy đó chính là một chuyến đi thanh tra qua đảo Hải Nam. Những kết luận của Bắc Kinh rõ ràng trái ngược với những thực tế lịch sử địa lý.
Ngoài ra, nếu các chuyến tuần tra và thanh tra trên biển được trình bày như là một lập luận chứng tỏ chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này thì người ta có thể tự hỏi liệu Trung Quốc có sẽ đòi chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ liên quan đến cái mà Trịnh Hòa dưới triều Minh đã 7 lần (từ năm 1405 đến năm 1430) phái một hạm đội hải quân lớn với hơn 60 tàu chiến và 28.000 quân đến để áp đặt quyền bá chủ của Trung Quốc trên những vùng lãnh thổ ở khu vực Ấn Độ Dương và tiến hành thăm dò lãnh thổ ở khu vực Hồng Hải và dọc bờ biển Đông Phi không.
So sánh những trường hợp riêng biệt của Việt Nam và Trung Quốc, người ta có thể thấy rằng Trung Quốc đã chưa bao giờ quản lý về mặt hành chính đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như hoàn toàn không thể nói rằng Trung Quốc đã thực hiện có hiệu quả, liên tục và hòa bình "chủ quyền" của họ đối với những quần đảo này. Yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc là một yêu sách mà Trung Quốc cho đến nay đã không thể chứng minh được. Nhà nước Việt Nam đã chiếm giữ có hiệu quả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa kể từ ít nhất là thế kỷ 17 và đã thực hiện có hiệu quả, liên tục và hòa bình chủ quyền của mình kể từ đó. Từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, các triều đại của Trung Quốc chưa bao giờ phản đối mà đã ngầm công nhận quyền lực pháp lý của Việt Nam đối với những quần đảo này.
Quyền pháp lý của chúng ta đối với những đảo này được nhiều nước hàng đầu công nhận, trong đó có Pháp. Trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Pháp phái một phân đội đến giúp đánh giá thiệt hại mà Trung Quốc đã gây ra cho các lực lượng quân sự của chúng ta. Chúng ta tin tưởng chờ đợi sự đáp ứng tích cực từ phía Pháp.
Những diễn biến cho đến thời điểm ngày hôm nay cho thấy tất cả những mối nguy hiểm vốn có trong chính sách của Trung Quốc dựa vào việc sử dụng vũ lực. Một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa sẽ đáp ứng nguyện vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam và Trung Quốc, phù hợp với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và hiến chương Liên Hợp Quốc, phù hợp với lợi ích của hòa bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn thế giới. Đây là con đường đúng đắn nhất. Dư luận công chúng ở Đông Nam Á và trên toàn thế giới đang trông chờ sự đáp ứng tích cực của Trung Quốc. Là một trong năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, Trung Quốc có nghĩa vụ quan trọng là tuân thủ Hiến Chương Liên Hợp Quốc.
BỘ NGOẠI GIAO, OASINHTƠN, DC
Giờ địa phương: 20h00' thứ Bảy 17/02/2001
Giờ GMT: 01h00' Chủ Nhật 18/02/2001
Tuyên bố đầu tiên của Mỹ là từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Donald Bryant, người đã tổ chức một cuộc họp báo cho các phóng viên hoạt động tại Bộ Ngoại giao.
BRYANT: Như các vị đã biết, chúng tôi vẫn còn đang cố gắng tìm hiểu chính xác những gì đang diễn ra ở Việt Nam và Biển Nam Trung Hoa. Tổng thống, Ngoại trưởng, Cố vấn An ninh Quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng và các Tham mưu trưởng liên quân đã được thông báo tình hình. Tổng thống đã họp với Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng trong nửa giờ qua.
Tổng thống đã đưa ra tuyên bố sau: "Chính phủ Mỹ lo ngại trước sự bùng nổ bạo lực ở Biển Nam Trung Hoa. Những tin tức đầu tiên của chúng tôi cho thấy đã có thương vong đáng kể, đặc biệt là trong những thường dân Việt Nam. Chúng tôi bị choáng váng bởi sự cố đổ máu này. Đây là một khu vực của thế giới đã nêu tấm gương cho tất cả chúng ta về cách thức dành ưu tiên trên hết cho buôn bán và làm giàu. Chúng tôi kêu gọi cả Việt Nam lẫn Trung Quốc hãy chấm dứt tình trạng thù địch của họ. Mỹ sẽ làm tất cả những gì trong phạm vi quyền lực của mình để chấm dứt cuộc tranh chấp này. Chúng tôi vẫn còn đang cố gắng xác định số thương vong trong số các công dân Mỹ. Các vị sẽ được thông tin về mọi diễn biến."
Có ai hỏi tiếp không?
HỎI: Ngài có biết gì thêm về những thương vong của Mỹ?
BRYANT: Chúng tôi cho rằng một số người Mỹ có thể bị thương trong cuộc ném bon bom vùng vịnh Cam Ranh. Các khu vực dân sự ở đó bị tiến công dữ dội. Có vài trăm người Mỹ trên các dàn khoan ở Biển Nam Trung Hoa. Chúng tôi không biết cái gì đang diễn ra ở đó lúc này. Trung Quốc đã xác nhận chủ quyền đối với nhóm đảo Crescent ở Hoàng Sa. Họ đã loan báo điều đó trên đài phát thanh nhà nước của họ. Đó là tất cả những gì chúng tôi biết được cho đến nay. Mời Sarah.
HỎI: Ngài nói các khu vực dân sự bị tiến công tại vịnh Cam Ranh. Ý ngài muốn nói các khu vực thường dân Việt Nam ở trong thành phố hay các khu nhà của các nhân viên phương Tây ở đó? Và nếu như vậy, họ có đúng là dân sự không? Chẳng phải là họ đang giúp quân đội Việt Nam đó sao?
BRYANT: Đúng. Tôi đang nói đến khu ở của người nước ngoài. Nhưng khi người ta bắt đầu ném bom những ngôi nhà có trẻ em ở trong thì tôi nghĩ chúng ta đang nói về thường dân.
HỎI: Ngài cho rằng các công nhân dầu khí Mỹ ở đó trong khu vực lãnh thổ bị Trung Quốc chiếm đóng hiện là con tin hay tù nhân?
BRYANT: Họ đang bị giam giữ. Chúng tôi muốn họ được thả.
HỎI: Các sứ quán của chúng ta ở Bắc Kinh và Hà Nội nói gì?
BRYANT: Thứ trưởng, Bostock, đã nói chuyện riêng với từng đại sứ của chúng ta ở đó.
HỎI: Vậy ngài nói gì: họ không biết điều gì khác chứ?
BRYANT: Đại sứ của chúng ta ở Hà Nội dự kiến tới gặp Chủ tịch Nguyễn trong thời gian vài giờ nữa. Đại sứ của chúng ta ở Bắc Kinh không được biết liệu ông sẽ có thể gặp được một nhà lãnh đạo cao cấp nào của Trung Quốc không.
HỎI: Tại sao các ngài không lên án đây rõ ràng là một hành động xâm lược của Trung Quốc?
BRYANT: Tôi không muốn bị lôi kéo vào một con đường đầy những ngôn ngữ kích động. Trung Quốc đã tiến hành các cuộc không kích chống Việt Nam. Như Tổng thống nói, đã có thương vong. Ông cũng nhấn mạnh rằng chúng ta là bạn của cả hai nước.
HỎI: Ngài thấy Việt Nam đang dự tính những hành động gì gây thêm căng thẳng?
BRYANT: Ồ, Barry, ông biết đấy, tôi sẽ không đưa ra ý kiến này nọ về cái mà chúng ta có thể đoán trước nhà cầm quyền Việt Nam sẽ làm. Tôi muốn nói, người ta có thể tưởng tượng hoàn toàn dễ dàng tất cả các kiểu sự việc sẽ khiêu khích Trung Quốc.
HỎI: Tôi đang cố hiểu tại sao ngài lại chọn việc tình nguyện đưa ra sự khuyên nhủ đối với cả hai bên.
BRYANT: Chúng tôi đã...
HỎI: Người Trung Quốc là những người đang tấn công. Người Việt Nam đang ở đó, mất bình tĩnh đôi chút và tự hỏi liệu sẽ có ai tới giúp hõ không và các ông thì lại nói với họ "Đừng có khiêu khích".
BRYANT: Này, John? Ông có câu hỏi à?
HỎI: Chúng ta xuất phát từ đâu? Từ Liên Hợp Quốc hay từ lính thủy đánh bộ?
BRYANT: Tôi không muốn phỏng đoán điều mà Tổng thống và các cố vấn của ông đang thảo luận. Tôi sẽ ở đây phần lớn đêm nay. Tôi sẽ ở đây phần lớn đêm nay. Tôi sẽ cho các vị biết nếu chúng tôi có bất cứ thứ gì khác để nói.
PHỐ DOWNING, LUÂN ĐÔN
Giờ địa phương: 01h55' Chủ Nhật 18/02/2001
Thủ tướng Stephenson đọc những báo cáo cuối cùng từ Chỉ huy sở Thường trực Liên quân Northwood trong khi đợi kết thúc buổi thông báo tình hình của Bộ Ngoại giao, sau đó ông nói chuyện với Tổng thống (Mỹ). Hai người nhất trí rằng châu Âu và Mỹ phải tỏ thái độ trung lập vào giai đoạn này. Tổng thống Bradlay chỉ ra rằng Mỹ đã có một hiệp ước an ninh với Nhật từ năm 1960. Mỹ cũng có những cam kết với Philippin. Nếu Trung Quốc gây trở ngại cho việc chuyên chở bằng đường biển, đặc biệt là các đường tiếp tế dầu qua Biển Nam Trung Hoa, thì Mỹ sẽ gửi một tín hiệu quân sự cho Bắc Kinh. Các nhóm tàu sân bay khu vực đã trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Ngay sau nửa đêm, Đại sứ Anh tại Pari đã báo cáo rằng từ 20 đến 30 chuyên gia Pháp và gia đình họ đã bị giết trong trận ném bom vịnh Cam Ranh. Trong số người chết có cả trẻ em Pháp. Những hình ảnh truyền hình đầu tiên sẽ được phát đi trong vòng 1 giờ. Pháp đang chuẩn bị một tuyên bố lên án Trung Quốc. Wentwortth, Ngoại trưởng, nhận xét rằng Pháp chỉ mới tiếp nhận chức Chủ tịch Liên hiệp châu Âu hồi tháng giêng. Có nguy cơ họ sẽ công khai chống Trung Quốc mà không tham khảo ý kiến các thành viên cùng hội của họ.
Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại Stephenson hỏi Tổng thống Pháp, M. Dargaud, liệu Pháp có đảm bảo sự lãnh đạo trung lập của Liên minh châu Âu không?
Tổng thống trả lời bằng tiếng Anh: "Thưa Ngài Thủ tướng, các thường dân Pháp đã bị giết hại bởi bom Trung Quốc. Nhân dân Pháp biết điều này. Ngài định chờ đợi tôi nhắc lại như con vẹt lời Tổng thống Mỹ và nói chúng tôi thân thiện với cả hai nước chăng? Không, không, không. Tuyên bố của tôi là đại diện cho nước Pháp, không phải cho châu Âu. Tuyên bố này đại diện cho các gia đình của những nạn nhân bị ném bom."
Stephenson nhắc lại đề nghị của ông: "Liệu Pháp có thể giữ thái độ trung lập ít nhất cho đến khi có một cuộc bỏ phiếu ở Liên Hợp Quốc chứ?"
Nhưng Dargaud nhấn giọng: "Tôi có thể làm gì? Ngay khi những hình ảnh này được phát đi, thưa Thủ tướng, tôi phải ủng hộ Việt Nam. Bất cứ gì khác cũng sẽ là tự sát chính trị. Và người ta sẽ làm tương tự như vậy."
Thủ tướng kết thúc: "Trong bất cứ trường hợp nào, ngài Tổng thống, ngài có thể nói rõ ngài phát biểu nhân danh nước Pháp và không phải nhân danh Liên Minh châu Âu."
Wentworth, trên một đường dây khác đang nói chuyện trực tiếp với Đại sứ tại Đức. Thủ tướng Đức sắp ra một tuyên bố kêu gọi kiềm chế và thận trọng. Giọng điệu của ông là nêu bật vấn đề buôn bán, là lĩnh vực sẽ bị thua thiệt nếu cuộc khủng hoảng leo thang. Ngoại trưởng hỏi: "Đức có thể giữ cho Pháp không đi chệch đường không?"
Đại sứ trả lời "Đức sẽ giữ im lặng trong vấn đề các công dân Pháp bị giết hại trong một hành động chiến tranh."
DINH THỰ CỦA THỦ TƯỚNG, TOKYO
Giờ địa phương: 11h00' Chủ Nhật 18/02/2001
Giờ GMT: 02h00' Chủ Nhật 18/02/2001
Phòng họp trong dinh Thủ tướng mang phong thái Xpac-ta. Một chiếc bàn gỗ sồi hình chữ nhật xung quanh là những chiếc ghế bành chiếm phần lớn căn phòng. Ngồi đầu bàn là Noburo Hyashi, Thủ tướng. Ngồi phía phải ông là Yasuhiro Ishihara, Bộ trưởng Quốc phòng. Ba người, cùng với Takeshi Naito (Thương mại) và Shigeto-Wada (Tài chính), tạo thành Ủy ban Quốc phòng của Nội các Nhật. Chỉ có một quan chức có mặt và ông là tướng Shigehiko Ogawa, Giám đốc, Chỉ huy sở Tình báo Quốc phòng.
Hyashi là một con người câu nệ hình thức. Ông khai mạc cuộc họp bằng lời cảm ơn các Bộ trưởng đã đến mặc dù chỉ được báo trước gấp gáp và yêu cầu tướng Ogawa thông báo vắn tắt với Ủy ban những diễn biến mới nhất ở Biển Nam Trung Hoa.
"Như tất cả các ngài biết, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát Biển Nam Trung Hoa." Tướng Ogawa nói: "Trong quá trình này họ cũng đồng thời tiêu diệt khả năng trả đũa của Việt Nam. Những ước tính của chúng tôi cho thấy cuộc tấn công đầu tiên của Trung Quốc vào vịnh Cam Ranh đã dẫn đến kết quả tiêu diệt hay loại khỏi vòng chiến đấu 40% lực lượng hải quân Việt Nam."
"Phải chăng tỉ lệ đó tương tự như cái chúng ta đã đạt được - trong cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng?" Hyashi ngắt lời.
"Đúng, đối với hải quân". Viên tướng trả lời. "Nhưng các cuộc tấn công vào các căn cứ không quân chính ít thành công hơn. Việt Nam đã bảo vệ các máy bay của họ bằng cách lái chúng sang Lào và Campuchia. Tuy nhiên, Trung Quốc có khả năng mở một cuộc tấn công thứ hai và chúng ta cho rằng họ sẽ tiến hành cuộc tấn công nhằm vào hải quân Việt Nam trong vòng 24 giờ tới. Việt Nam cũng hành động. Các nguồn đáng tin cậy ở Việt Nam đưa tin các đơn vị còn lại của hải quân còn hoạt động được hiện đang có mặt ở trên biển hoặc đang tiến ra biển."
"Tướng quân, ông dự đoán người Trung Quốc sẽ có hành động gì tiếp theo?", Hyashi hỏi.
"Chúng tôi cho là họ sẽ củng cố việc nắm giữ các cơ sở sản xuất dầu", ông này trả lời.
"Có một cơ sở mới ở quần đảo Hoàng Sa vẫn chưa đạt đến mức sản xuất hoàn toàn mang tính thương mại và ba cơ sở hoạt động ở mức thương mại hoàn toàn tại quần đảo Trường Sa. Có khả năng họ sẽ phong tỏa con đường vào Biển Nam Trung Hoa một thời gian để hợp lý hóa yêu sách của họ đối với vùng biển này."
"Xin cảm ơn tướng quân, ông có thể ra ngoài được rồi", Thủ tướng nói, "Ngài Naito, đánh giá của Bộ Thương mại Quốc tế và công nghiệp như thế nào?"
Bộ trưởng Thương mại trả lời: "Rất đáng lo ngại, thưa ngài Hyashi. Điện thoại của tôi đổ chuông liên tục cả buổi sáng, Chủ tịch Kaidanren nói ngành công nghiệp chờ đợi một phản ứng kiên quyết. Tôi không thể liên lạc điện thoại với Tanaka ở hãng Nippon Oil được. Công ty của ông ấy là nhà đầu tư lớn ở cơ sở sản xuất dầu Hoàng Sa.
Như các ngài biết chúng ta nhập 99,6% các sản phẩm dầu lữa của chúng ta. gần 80% nhập khẩu dầu thô của chúng ta là từ Trung Đông - tất cả đều đi qua Biển Nam Trung Hoa. Chúng ta nhập dầu từ Brunây, Inđônêxia và Ôxtrâylia. Tất cả đều qua Biển Nam Trung Hoa, mặc dù dầu thô của Ôxtrâylia (là loại dầu thô nhẹ chỉ tốt cho việc sản xuất dầu xăng) có thể đi đường khác. Tôi được thông báo rằng kho dự trữ chiến lược của chúng ta sẽ đáp ứng tất cả những nhu cầu của chúng ta - xăng dầu và hóa dầu - trong thời gian 2 đến 3 tháng. Một tình hình tương tự đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Chúng ta nhập tất cả nhu cầu đáng kể về LNG khoảng 60.000.000 mét khối và 90% số hàng nhập khẩu này là đi qua Biển Nam Trung Hoa. Tôi nhấn mạnh về năng lượng vì nó đi vào thực chất sự sống còn của dân tộc chúng ta. Nhưng Nhật Bản sẽ không còn là cái gì cả nếu nó không thể tiến hành buôn bán."
"Ngài Wada, Bộ Tài chính phải nói gì đây?" , Thủ tướng hỏi.
"Chúng tôi cho rằng sẽ có tình trạng bất ổn định đáng kể trên các thị trường tài chính khi chúng mở cửa cho buôn bán sáng mai", Wada đáp. "Ngân hàng Nhật sẽ sẵn sàng bước vào các thị trường ngoại tệ để ổn định đồng yên với đồng đôla. Các quan chức sẽ liên hệ với ngân hàng Liên bang Đức, ngân hàng Anh và ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ, nếu họ vẫn chưa làm việc gì đó, để bàn về một phản ứng có phối hợp đối với cuộc xung đột này. Vào lúc đóng cửa, các quan chức của tôi dự đoán một sự sụt giá mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán. Thị trường dầu lửa sẽ bị rối loạn nhưng chúng ta hầu như không thể làm được gì."
"Xin cảm ơn. Ngài Ishihara, tình trạng sẵn sàng của quân đội chúng ta như thế nào?"
"Thưa ngài Hyashi, chúng tôi đang theo dõi tình hình này một cách chặt chẽ và đặc biệt từ khi các quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam xấu đi vào cuối năm ngoái", Ishihara bắt đầu. "Hiện chúng ta có một nhóm tàu chiến đang hoạt động ở các vùng biển quanh Okinawa. Chúng ta cũng có 2 tàu ngầm ở khu vực này, nhưng vì những lý do tác chiến, tôi không muốn nói rõ. Chúng tôi liên tục tiếp xúc với người Mỹ. Họ có một số cuộc triển khai hải quân ở khu vực. Tàu Harry S.Truman USS hiện có mặt ở biển Nhật Bản và nhóm tàu chiến thuộc tàu sân bay USS Nimitz đang ở biển Sulu. Anh cũng có một nhóm tàu hải quân của khối Thịnh vượng chung đang tập trận với tàu Ark Royal ngoài khơi Brunây. Từ khi cuộc tấn công của Trung Quốc bắt đầu chúng ta đã cho hoạt động Các Hệ Thống Báo Động và Kiểm Soát Trên Không (AWACS) tầm xa từ các căn cứ của chúng ta ở Okinawa. Từ những hệ thống này chúng ta có một bức tranh chi tiết về việc triển khai các lực lượng của Trung Quốc."
"Ngài Ngoại trưởng, đánh giá của Ngài thế nào? Người Mỹ sẽ làm gì?"
"Tôi cho rằng tất cả chúng ta đã chờ đợi điều này", Kimura nói "Đó chỉ là một vấn đề thời gian. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp, mặc dù chúng ta có ít hy vọng là tổ chức này có thể làm được gì nhiều. Trung Quốc sẽ thực hiện quyền phủ quyết của họ. Hy vọng nhiều nhất của chúng ta nằm ở Hiệp ước an ninh của chúng ta với Mỹ. Tôi giỏi lắm cũng chỉ có thái độ nước đôi về điều này. Các quan hệ kinh tế của Mỹ với Trung Quốc đã trở nên sâu sắc hơn và mở rộng hơn thậm chí so với các quan hệ của chúng ta tương đối đáng kể với tổng đầu tư 120 tỉ thấy rằng cam kết của họ với Hiệp ước an ninh là một cam kết mang tính chất hình thức hơn là thực chất. Tôi sẽ gặp riêng các Đại sứ Mỹ và Trung Quốc sau cuộc họp này."
Thủ tướng thu lại các giấy tờ của ông: "Rất tốt, ngài Kimura. Hãy giữ liên lạc với tôi." Ông hắng giọng: "Thưa các quý ngài, tôi không cho rằng chúng ta đã gặp phải một mối đe dọa lớn đối với sự tồn tại của mình kể từ sau cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Nhưng trong cái rủi thường có cái may. Trung Quốc đang đẩy chúng ta và người Mỹ tới giới hạn. Có thể đã đến lúc để Nhật Bản đứng lên.
Tôi chắc chắn một điều là đã đến lúc chúng ta thử thách hiệp ước của chúng ta với Mỹ. Hãy nói với Đại sứ Mỹ rằng chúng ta chờ đợi được thấy hiệp ước này được tôn trọng đầy đủ. Một mối đe dọa đối với những lợi ích dân tộc của Nhật Bản trước đây thường là mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ. Phải chăng điều đó vẫn như vậy và họ có kế hoạch làm gì với điều đó? Còn về Đại sứ Trung Quốc, tôi nghĩ chúng ta cần khôn khéo hơn. Giải thích cho ông ta những lợi ích của chúng ta ở Trung Quốc và khu vực cũng như sự cần thiết phải giảm đến mức tối thiểu xung đột. Và nếu chúng ta có những khó khăn với người Mỹ, có lẽ chúng ta nên nhắn nhủ Liên Minh Châu Âu theo cách suy nghĩ của chúng ta.
Thưa các ngài, tôi cho rằng chúng ta sẽ sẵn sàng họp lại ngay tức thì.
Cám ơn sự tham dự của các vị."
NHÀ TRẮNG, OASINHTƠN, DC
Giờ địa phương: 21h30' thứ Bảy 17/02/2001
Giờ GMT: 02h30' Chủ Nhật 18/02/2001
Tổng thống Bradlay nói ông sẽ không nhận bất cứ cú điện thoại nào nữa trừ trường hợp hết sức khẩn cấp. Bất cứ nhà lãnh đạo Việt Nam hay Trung Quốc nào gọi sẽ được nối thẳng không chậm trễ. Sau đó ông chính thức triệu tập một cuộc họp đặc biệt của Hội đồng An Ninh Quốc gia và đề nghị Ngoại trưởng bắt đầu đánh giá tình hình.
Ông Newton Fischer, Ngoại trưởng, đã mô tả các cuộc tấn công của Trung Quốc là có một yếu tố bất ngờ về quân sự nhưng không phải là điều không được lường trước. Mối đe dọa này và yêu sách được tuyên bố đối với Biển Nam Trung Hoa đã được đưa ra công khai từ nhiều năm nay. Từ sau khi quyền lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình chấm dứt, có một sự chuyển hướng không thể đảo ngược sang chủ nghĩa dân tộc. Với việc cải tổ lại quân đội và mua sắm vũ khí mới, chắc chắn sớm hay muộn Giải phóng quân nhân dân sẽ làm một cái gì đó để chứng minh cho vai trò của nó.
Fischer nhấn mạnh rằng Chủ tịch Vương không phải là một nhà độc tài điên rồ. Ông ta là một nhà chiến lược khôn ngoan quyết tâm triển khai sức mạnh của Trung Quốc. Từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã phô trương sức mạnh của họ.
Ngược trở lại năm 1989, tờ Nhân dân Nhật Báo đã nhận xét: "Đối với một nước tiền đề cho sự phát triển của nó là giũ bỏ tình trạng nô dịch hóa của nước ngoài và trở nên độc lập và tự lực... Một khi nhân dân mất đi ý thức của họ về đất nước, về phòng thủ quốc gia và về dân tộc thì chắc chắn tiếp theo đó sẽ là toàn bộ sự sụp đổ về tinh thần".
"Họ muốn gì?", Tổng thống Bradlay ngắt lời.
Câu trả lời là "Họ muốn chúng ta rút khỏi châu Á, thưa ngài. Điều này được thể hiện từ lâu rồi. Chúng ta phải đương đầu với thực tế là Mỹ sẽ phải đối phó với một chính phủ hầu như là quân sự trong cuộc khủng hoảng này. Tôi có trong tay tuyên bố có căn cứ đích xác nhất của họ về Biển Nam Trung Hoa và những đảo mà họ đòi hỏi là của họ. Người ta có được một cảm nhận đối với chế độ này theo ngôn ngữ mà họ sử dụng.
Vì các tàu chiến của Việt Nam đã bị giáng những đòn choáng váng sau khi xâm phạm các vùng biển lãnh thổ của Trung Quốc hồi tháng 3 năm nay, một làn sóng chuẩn bị chiến tranh đã dấy lên khắp Việt Nam.
Việt Nam đơn giản sẽ tìm kiếm sự hủy diệt của bản thân họ nếu họ thực sự muốn một cuộc đối đầu lớn với Hải quân Trung Quốc. Một nhân tố chủ yếu hỗ trợ những khả năng chiến đấu của hải quân Trung Quốc trong những năm gần đây là sự huấn luyện phối hợp ở biển khơi của hải quân để bảo vệ chủ quyền của chúng ta chống lại hành động xâm lược.
Theo những điều khoản của Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc được hội nghị thế giới về Luật Biển thông qua, Trung Quốc có vài triệu km2 biển lãnh thổ kể cả thềm lục địa và các khu kinh tế có liên quan. Khu vực biển rộng lớn này hết sức giàu có về sinh vật học, khoáng sản và các nguồn năng lượng. Việc bảo vệ và chăm nom các vùng biển lãnh thổ của Trung Quốc và bảo vệ những lợi ích biển của đất nước là nhiệm vụ không thể né tránh của Hải quân Nhân dân... Khái niệm mạnh mẽ này về các vùng biển lãnh thổ được in sâu trong tâm trí của mọi cán bộ và chiến sĩ".
Bradlay nói ông lo ngại trước yếu tố bất ngờ mà Trung Quốc đòi hỏi sau khi đã có nhiều tài liệu được công bố. Ngoại trưởng Fischer trả lời rằng cuộc vận động hành lang của các nhà kinh doanh và bộ máy các quan hệ công chúng của chính phủ Trung Quốc có sức thuyết phục hơn nhiều so với các nhà phân tích quốc phòng.
Cuộc họp bị gián đoạn bởi một bức điện khẩn từ Đại sứ Mỹ tại Malaixia.
"Năm chuyên gia dầu khí Mỹ đã trốn thoát cùng quân lính Malaixia trong 5 phút đầu của cuộc tấn công vào vùng lãnh thổ thuộc yêu sách của Malaixia. Họ báo cáo rằng tàu tuần tra hải quân của họ đã nằm dưới làn đạn của Trung Quốc. Về phía Malaixia có thương vong nhưng không có (nhắc lại không có) thương vong về phía người Mỹ. Tuy nhiên phía Trung Quốc đã khai hỏa khi họ đột kích chiếm đảo san hô vòng. Các chuyên gia dầu khí cho rằng một số trong các đồng nghiệp của họ có thể đã bị trúng đạn. Người Malaixia đã được lệnh là rút đi nếu phải đối đầu với các lực lượng kẻ thù áp đảo. Các nhân viên dần khí sẽ không (nhắc lại không) thể tiếp xúc với báo chí. Cả họ lẫn công ty của họ đề cho rằng họ có thể trở lại làm việc một khi cuộc xung đột chấm dứt".
Fischer trả lời rằng người ta cho rằng Malaixia sẽ không phản ứng khi chưa tham khảo ý kiến các láng giềng của họ thuộc Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN). Bản thân ASEAN có thể theo một đường hướng không đối đầu. Ông không chờ đợi một phản ứng quân sự từ những nước này. Thậm chí về mặt tập thể họ cũng không địch nổi Trung Quốc. Của cải ở những nước này do các thương gia Trung Quốc kiểm soát. Các nhà kinh doanh này có thể sống xa Trung Quốc nhưng họ nuôi dưỡng mối liên hệ với ban lãnh đạo Cộng sản để giành được các hợp đồng. Ngoại trưởng nhắc Tổng thống về một gia đình Malaixia gốc Trung Quốc là một nhà đầu tư lớn trong các dịch vụ tài chính ở Maine, bang quê hương của Tổng thống và rằng họ đã tham dự lễ nhậm chức của ông chỉ cách đây 1 tháng.
Mối đe dọa lớn hơn cả của cuộc phiêu lưu của Trung Quốc là đối với Nhật Bản. Toàn bộ buôn bán với châu Âu và Đông Nam Á của nước này là qua Biển Nam Trung Hoa. Hơn nữa, Nhật Bản là một nước nhập khẩu dầu lớn không có nguồn cung cấp của chính họ. 3/4 dầu của nước này là từ Trung Đông đến và phần còn lại từ Brunây, Inđônêxia và Ôxtrâylia. Ngoại trưởng nói, vấn đề chủ yếu là Hiệp ước An ninh với Tôkyô. Những hậu quả của bất cứ lời nói nước đôi nào của Mỹ về vấn đề này cũng sẽ gần như chắc chắn chấm dứt hiệp ước này và thả lỏng ở châu Á một nước Nhật Bản quyết đoán hơn về quân sự ở châu Á.
"Thưa Tổng thống, lời khuyên đã được cân nhắc của tôi là chúng ta nên hành động rất thận trọng ở khu vực này. Chúng ta đã có một liên minh quân sự với Nhật từ năm 1960. Người ta không nên vứt bỏ một mối quan hệ như vậy một cách nông nổi. Tôi biết có những người sẽ nói Trung Quốc quan trọng hơn - quả thực, một số người tại bàn này - nhưng người Nhật đã là những người bạn rất tốt đối với Mỹ."
Tổng thống Bradlay tiếp đó quay sang Martin Weinstein, Cố vấn An ninh quốc gia, người đã giới hạn bản báo cáo của ông ở những hoạt động thu thập tình báo của cả hai chính phủ.
"Chúng ta đã đặt một mạng lưới vệ tinh khắp khu vực này khi các cuộc tập trận bắt đầu. Chúng ta có các máy bay AWACS và chúng ta có các tuần dương hạm Aegis với một tàu sân bay ngoài khơi Philippin. Ít có sự di chuyển nào ở đó mà chúng ta không biết. Tôi hài lòng với hệ thống IMINT và SIGINT (hệ thống tình báo thu thập hình ảnh và tín hiệu) của chúng ta. Trung Quốc có những vệ tinh của riêng họ nhưng kỹ thuật không hoàn hảo và lạc hậu. Chúng ta có thể chắc rằng vệ tinh của không thể theo dõi được tất cả mọi chuyện. Nhưng chúng ta không biết chúng không phát hiện được cái gì.
Nhược điểm trong hoạt động của chúng ta là hệ thống HUMINT (tình báo từ nguồn con người). Chúng ta không có bất cứ điệp viên nào có chất lượng nào hoạt động tại chỗ ở Bắc Kinh. Chúng ta không có ai ở bên trong Trung Nam Hải. Chúng ta không biết Vương Phong đang nghĩ gì. Liệu có những chia rẽ giữa ông ta và những người có thế lực khác trong chính phủ không? Bộ Ngoại thương và Hợp tác Kinh tế (MOFTEC) ủng hộ đến mức nào đối với hành động của PLA, gây ra những nguy cơ kinh tế ở mức cao nhất? Trong hầu hết các nước kể cả Liên Xô khi nó còn tồn tại, chúng ta đã có thu thập được nhiều mảnh của trò chơi ghép hình. Chúng ta đưa các điệp viên vào. Chúng ta có những mạng lưới tốt. Chúng ta không có cái đó tại bất cứ nơi nào quan trọng ở Trung Quốc. Trung Nam Hải là một thành lũy không thể thâm nhập được. Cái nhiều nhất mà chúng ta có là thông tin chủ yếu từ con cái các quan chức sống ở đó. Rất nhiều người trong số này bay sang đây và các điệp viên của chúng ta làm bạn với họ. Nhưng đó là tin đồn. Thỉnh thoảng, có một ai đó đánh cắp và bán một tài liệu cho tờ New York Times hay một người nào đó".
"Họ biết gì về chúng ta?" Tổng thống hỏi.
Weinstein nhắc đến những lưu ý của ông: "Hoạt động gián điệp của họ được điều hành thông qua Bộ An Ninh Quốc Gia (MSS). Chúng ta tin rằng chỉ riêng ở Mỹ, MSS dựa vào hoạt động của 1.500 nhà ngoại giao và đại diện thương mại Trung Quốc, 90 tổ chức và văn phòng khác của Trung Quốc và 20.000 sinh viên Trung Quốc đến đây theo học hàng năm. Những người này hoặc là được tuyển mộ để thu thập tình báo trong thời gian ở đây hoặc được phỏng vấn khi trở về Trung Quốc. Nếu họ không tuân thủ, gia đình họ sẽ chịu sức ép; mất viện làm, nhà cửa, chăm sóc y tế. Đại loại như vậy. Thêm vào đấy, hàng năm chúng ta có 15.000 đại diện đi lại trong khoảng 3.000 phái đoàn. Điều tương tự cũng diễn ra đối với họ. và còn có một cộng đồng vài triệu người Hoa. Tóm lại, thưa Tổng thống, nếu chúng ta bước vào những hoạt động thù địch với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì họ có thể có gián điệp ở mọi thành phố."
Bradlay quay sang Peter Ray, giám đốc CIA, "Cho đến nay, ông có thể nói cho tôi những gì họ biết mà đáng ra họ không được biết?"
"Tôi có thể nói với ngài về kiểu tài liệu. Hai năm trước khi Richard Nixon vạch lại chính sách về Trung Quốc của chúng ta, những người Cộng sản đã biết về mong muốn của ông ta muốn có các quan hệ ngoại giao với họ. Năm 1970 một trong các nhà phân tích của chúng ta, Larry Chin Wu-tai, đã đưa cho họ một tài liệu mật phác thảo kế hoạch của ông. Họ đã có thể điều chỉnh chính sách đối ngoại của họ cho phù hợp. Chúng ta nghĩ là chúng ta gây bất ngờ cho họ. Nhưng lúc nào họ cũng qua mặt chúng ta. Larry Chin đã làm việc cho CIA trong 37 năm. Ông ta bị truy tố năm 1981."
"Ông nói với tôi là họ có các điệp viên trong Chính phủ của chúng ta?"
"Tôi nói với ngài, thưa Tổng thống, rằng chúng ta không có người của mình nằm trong nội bộ của họ. Chúng ta không biết liệu họ có người của họ trong chúng ta không? MSS tích cực tìm cách thâm nhập các cơ quan tình báo và vạch chính sách của Mỹ. Ngay mới đây thôi, chúng ta đã phải đưa ra khỏi sứ quán ở Bắc Kinh một sĩ quan liên lạc. Họ đã tìm cách tuyển mộ anh ta. Nếu họ thành công, họ sẽ tiếp cận được tất cả thông tin của sứ quán. Chúng ta hoàn toàn chắc chắn là họ sẽ tiến hành nghe trộm tất cả các cuộc điện thoại. Chúng ta đang theo dõi. Nhưng HUMINT trong xã hội Trung Quốc là điều rất khó khăn.
Mũi đột kích khác của hoạt động tình báo của họ là về công nghệ. Các cuộc không kích ở Biển Nam Trung Hoa hôm nay có thể tiến hành được là công nghệ Mỹ. Và người ta phải ngưỡng mộ lòng can đảm của họ. Công ty xuất nhập khẩu công nghệ hàng không Trung Quốc, CATIC, đã mua một công ty ở Seattle chế tạo các bộ phận của máy bay, gọi là Công ty Mamco Manufacturing Inc., vào cuối những năm 1980. Mamco có công nghệ có thể cung cấp cho lực lượng không quân tqq khả năng tiếp nhiên liệu trên không. Vào tháng 2/1990, chúng ta đã đóng cửa hoạt động này. Nhưng ngài hãy nhìn vào số các hãng thiết kế công ty và công nghệ Mỹ hiện do các công ty Trung Quốc sở hữu. Tất cả các công ty này cuối cùng đều chịu trách nhiệm trước Đảng Cộng sản. Đây là chính sách buôn bán, phụ thuộc lẫn nhau và dính líu có tính chất xây dựng. Nhưng tối nay đối với tôi đó dường như là một sự thâm nhập của kẻ thù".
Ông kết thúc: "Một vấn đề cũng thuộc các tham mưu trưởng liên quân. Các hoạt động tình báo của PLA đã được tăng cường khắp biên giới trên đất liền với Việt Nam. Trong tháng qua đã có những vụ ám sát cấp thấp, các vụ gài mìn, giết hại gia súc. Tất cả không nằm xa hơn 5 dặm phía bên kia biên giới. Một lính Việt Nam bị bắt và bị tra tấn bắt phải khai ra mệnh lệnh chiến đấu của Việt Nam. Anh này đã trốn thoát."
"Ông nói gì?"
"Chúng tôi đang theo dõi biên giới đó, thưa Tổng thống".
Bradlay yêu cầu Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân cho biết đánh giá của mình.
"Không nghi ngờ gì là Mỹ có khảnăng giành lại quyền kiểm soát đối với các cơ sở khai thác dầu ở Trường Sa và Hoàng Sa cũng như việc mở cửa lại Biển Nam Trung Hoa cho sự đi lại của tàu bè quốc tế. 2 nhóm tàu chở sân bay ở khá gần để có thể có mặt ở đó trong vòng 1 ngày.
Người Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát các cơ sở sản xuất dầu bằng lính biệt kích hải quân. Để lấy lại chúng sẽ không phải là điều dễ dàng. Đánh giá khả quan nhất là ít ra cũng có vài giếng dầu sẽ bị phá hủy theo kiểu Irắc, điều này có thể dân đến một thảm họa môi trường.
Người Trung Quốc đã triển khai các tàu nổi và tàu ngầm tại các nút cổ chai vào Biển Nam Trung Hoa. Đó là các eo biển Malacca, Sunda và quan trọng nhất là Lombok, nơi nguồn cung cấp dầu cho Nhật phải đi qua đó. Cách đây vài phút chụ tịch Vương đã dẫn lại Đạo Luật Các Vùng Biển của Trung Quốc năm 1992, cấm các tàu quân sự và chạy bằng động cơ hạt nhân. Việc qua lại của tàu bè thương mại thì được phép."
"Mọi chuyện ra sao?" Tổng thống ngắt lời.
"Một số tàu chở hàng không tuyến nhất định thì vẫn được qua lại. Các hãng hàng hải lớn đang chỉ thị các thuyền trưởng của hãng ngừng các chuyến đi."
Tổng thống nói: "Vậy thì, tôi cho rằng để có được sự đánh giá tối nay chúng ta nên nghĩ về sự phong tỏa này không chỉ nhằm vào buôn bán của Nhật hay Đông Nam Á mà còn nhằm vào buôn bán của Mỹ nữa. Chúng ta có rất nhiều chuyện dọc những tuyến đường biển này. Với việc lợi ích quốc gia của Mỹ bị đe dọa, suy nghĩ của chúng ta phải rõ ràng hơn. Câu hỏi tiếp theo của tôi là một sự nối tiếp đương nhiên. Điều gì xảy ra nếu chúng ta tiến vào với những nhóm tàu sân bay?"
"Suy cho cùng, họ sẽ không thể tự vệ được. Nhưng tình hình sẽ không giống như tình trạng đối đầu ở Đài Loan năm 1996. Tôi hiểu rằng sau vụ đó một chính sách đã được PLA đưa ra là thà chiến đấu và đổ máu còn hơn là bị một cường quốc bá quyền nước ngoài làm nhục. Do vậy, chúng ta sẽ thắng nhưng chúng ta có thể bị thương vong nặng nề. Các lính biệt động SEALS (Chó Biển) của hải quân chúng ta sẽ phải chiến đấu giáp lá cà để lấy lại các bãi đá ngầm. Không có lý do gì để tin rằng các biệt kích của Trung Quốc sẽ không chiến đấu đến cùng. Trong các trận đánh trên biển, họ có 15 chiếc trong đó. Nhưng chỉ cần hai quả ngư lôi có thể giết nhiều nhân viên của chúng ta.
Cho đến nay chúng ta không chắc chắn về sự ủng hộ của các đồng minh của chúng ta ở khu vực. Đông Nam Á đã trở nên giàu có thông qua chủ nghĩa thực dụng và trung lập. Nếu họ tin rằng Trung Quốc sẽ giành thắng lợi, họ sẽ không để chúng ta sử dụng các cảng và sân bay của họ.
Trên thực tế, thưa Tổng thống, họ đang thách thức chúng ta hoặc chiến tranh hoặc từ bỏ vai trò an ninh của chúng ta ở châu Á. Cái mà họ thiếu trong huấn luyện và công nghệ thì họ bù lại bằng những viên đạn và quân số. Họ còn có đất để triển khai hoạt động về phía họ".
Bà Bernadtte Lin, Bộ trưởng Thương mại, lên tiếng với giọng điệu vốn đã chi phối quan hệ Trung - Mỹ, nhưng bà bắt đầu với một vẻ riêng tư:
"Tất cả chúng ta đã nghe đánh giá của CIA về các hoạt động thu thập tình báo của Trung Quốc ở đây. Tôi muốn nhấn mạnh một điểm. Xin đừng có khủng bố tinh thần. Đừng để lộ cho giới báo chí rằng mọi người Trung Quốc đều có thể là một gián điệp. Tôi là một người Mỹ gốc Hoa. Khi còn nhỏ, tôi đã trốn khỏi Thượng Hải năm 1952. Chính sách nhập cư của chúng ta không phải là không có những nguy cơ. Chúng ta hãy chấp nhận những nguy cơ và đừng có tạo ra một phản ứng theo kiểu phản xạ bánh chè có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm nghìn công dân Mỹ chỉ vì họ trông giống người Trung Quốc. Sẽ không phải là một chuyến đi dễ dàng cho bất cứ ai trong chúng ta cho đến khi cuộc khủng hoảng này kết thúc".
"Chúng tôi hiểu ý bà, thưa bà Bộ trưởng", Tổng thống trả lời.
"Bây giờ, tôi sẽ nói thẳng", bà Lin tiếp tục "Hợp chủng quốc Hoa Kỳ không muốn đối đầu với Trung Quốc. Đất nước này có quá nhiều cái để mất. Vào giữa những năm 1990, Trung Quốc đã bán cho chúng ta số hàng hóa trị giá 30 tỉ USD. Chúng ta đã bán lại 9 tỉ UDS cho họ, điều này có nghĩa là nếu xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại thì chúng ta sẽ thắng. Kể từ đó, hố ngăn cách đó đã được thu hẹp lại. Nó vẫn chưa ngang bằng, nhưng Trung Quốc đã đa dạng hóa để hàng xuất khẩu của họ giờ đây được xuất sang Đông Nam Á, châu Âu và Mỹ Latinh với những số lượng lớn.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không mua hàng Trung Quốc nữa? Chắc chắn Trung Quốc sẽ bị tổn thương nặng nề và nhiều người sẽ bị mất việc. Nhưng họ không bị lụn bại. Nếu Trung Quốc ngừng mua hàng của Mỹ, thưa Tổng thống, thì chúng ta có thể tồn thất 15 tỉ UAD trong năm nay. Hiện tại có 15 tiểu bang mà nền kinh tế của chúng phụ thuộc nặng nề vào buôn bán với Trung Quốc. Tôi sẽ đưa ra những ví dụ. Ở California, hàng xuất sang Trung Quốc duy trì việc làm cho 216.000 người. Ở Seattle, Washington, là 112.000 người, nhiều người trong họ làm cho hãng Boeing. Ở Arizona là 16.000 người. Ở New York, 100.000 người. Rõ ràng, sẽ có một ảnh hưởng chính trị trong nước với nhiều gia đình bị tác động. Điều đó sẽ được cử tri phản ánh trong cuộc bầu cử tới. Và để cho ngài có một ý niệm, thì California có 52 ghế ở Quốc Hội trong cuộc bầu cử tới. Oasinhtơn có 9; Arizona 6; New York 31; Florida với 32.000 việc làm bị lâm nguy, có 23 ghế. Khắp nước Mỹ có 469 ghế mà những đại diện của nó sẽ đưa vấn đề buôn bán với Trung Quốc vào cương lĩnh bầu cử của họ.
Đúng là ở Trung Quốc thêm hàng triệu người nữa sẽ bị mất việc. Tất cả những nông dân này, những người đã từ bỏ ruộng đồng của họ để lập ra một nhà máy sản xuất Búp Bê Barbie, sẽ làm gì? Thưa Tổng thống, tôi có thể nói cho ngài điều mà họ sẽ không làm. Họ sẽ không phản kháng. Họ sẽ không bỏ phiếu chống chính phủ vì họ không thể. Khắp nước Mỹ, có 1,25 triệu công việc làm cần đến buôn bán với Trung Quốc. Hãy cân nhắc đến các gia đình và những người phụ thuộc, điều này có nghĩa là có tới 5 triệu người Mỹ sẽ chịu thiệt hại nghiêm trọng nếu chúng ta để cho cuộc khủng hoảng này trở nên trầm trọng hơn.
Hiện có một số công ty cổ phần thượng hạng coi Trung Quốc là một phần không thể thiếu được của sự phát triển và tồn tại của họ. Hãng Boeing ước tính rằng trị giá toàn bộ thị trường bán máy bay hành khách cho Trung Quốc tới năm 2013 sẽ là 66 tỉ USD. Các công ty khác như Motorola và AT & T cũng có những dự án bán tương tự. Nhưng những khoản đầu tư hiện tư nay là lớn: Motorola đã đầu tư 1,2 tỉ USD ở Trung Quốc và hiện đang sản xuất vi mạch vi tính mới nhất ở đó. Cả Hewlett-Packard lẫn IBM cũng có những khoản đầu tư trị giá 100 triệu USD. Các nhà sản xuất ô tô đã đầu tư nhiều vào Trung Quốc - dẫn đầu là Ford với 250 triệu USD đầu tư vào 3 nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô. Tổng cộng 10 nhà đầu tư hàng đầu của chúng ta ở Trung Quốc đã đầu tư hơn 4 tỉ USD ở nước này và khối lượng đầu tư sẽ tăng lên.
Thưa Tổng thống, tôi đã chứng kiến khi Tổng thống Jimmy Carter tìm cách ngăn cản việc bán lúa mì cho người Nga và vụ làm ăn này đã rơi vào tay người Ôxtrâylia và người Canada. Tôi đã chứng kiến khi Ronald Reagan đã tìm cách ngăn chặn việc xây dựng một đường ống dẫn khí tự nhiên ở Liên Xô và lúc đó chiến tranh Caterpallar gần như bị loại khỏi công việc làm ăn. Và tôi đã chứng kiến khi Clinton đã hành động như phủi bụi thế nào trong vấn đề Quy Chế Tối Huệ Quốc dành cho Trung Quốc. Ông đã học được bài học. Sự thật đơn giản là càng ngày tiền bạc chứ không phải chiến tranh sẽ là điểm chính trong các vấn đề đối ngoại. Vụ rắc rối này ở Biển Nam Trung Hoa là điều đáng tiếc nhưng nó sẽ không thay đổi điều đó."
BỘ NGOẠI GIAO
Giờ địa phương: 12h00' Chủ Nhật 18/02/2001
Giờ GMT: 03h00' Chủ Nhật 18/02/2001
Chiếc xe chính thức của Ngoại trưởng Kimura chạy ra khỏi dinh thự của Thủ tướng và hướng về Gaimusho (Bộ Ngoại giao) ở khu Kasumigaseki. Những cánh cổng thép của tòa nhà Bộ mở ra khi chiếc Nissan President của Kimura tiến đến gần. Người gác cổng lịch sử lối vào cổng chính.
Kimura kiên nhẫn đợi ngài Richard Monroe, Đại sứ Mỹ. Kimura không thích Monroe. Ông ta quá vô ý. Ông ta không hiểu những tác dụng của sự im lặng. Tuy nhiên ông ta là người cần được coi trọng. Monroe là một người bạn gần gũi của Tổng thống Mỹ. Monroe đã giúp giành lá phiếu của người Ailen ở Boston, nơi ông là chủ nhân của hãng Boston Analytics Inc., một công ty thiết kế phần mềm máy tính. Ông cũng là một người quyên góp quỹ chính cho Đảng.
Monroe đi bộ vào văn phòng của Kimura dường như ông vừa mới rời sân tennis. Rối rít xin lỗi, ông giải thích rằng ông nhận được lời đề nghị tới tham dự cuộc gặp này của Bộ Ngoại giao Nhật tại nhà một người bạn, nơi ông đang chơi quần vợt. Kimura, với nụ cười nửa miệng, nghiêng đầu về phía vị khách và ra hiệu mời ông ta ngồi xuống.
"Thưa ngài Đại sứ, chúng tôi dường như có một... chút khó khăn riêng ở Biển Nam Trung Hoa, Ngoại trưởng nhận xét. "Chính phủ tôi hết sức lo ngại xem xét những hành động của chính phủ Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng quyết định của Trung Quốc chiếm giữ các nguồn tài sản dầu lửa hiện đang được khai thác ở Biển Nam Trung Hoa, cũng như cuộc tấn công không có lý do xác đáng của họ nhằm vào Việt Nam, gây ra một mối đe dọa đến những lợi ích sống còn của chúng tôi ở khu vực và trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh của dân tộc này. Do vậy tôi được chính phủ của tôi chỉ thị phải viện đến Điều 6 trong hiệp ước an ninh chung của chúng ta. Chúng tôi muốn quay trở lại nguyên trạng trước đây; chúng tôi muốn Trung Quốc rút khỏi Biển Nam Trung Hoa; chúng tôi muốn các ngài phát một nhóm tàu sân bay đến khu vực này để hỗ trợ cho những yêu cầu đó."
"Vâng, tôi nghe rõ điều ngài nói, thưa ngài Ngoại trưởng", Đại sứ Monroe đáp. "Tôi sẽ báo cáo ngay điều này cho Tổng thống".
Nửa giờ sau, Đại sứ Trung Quốc bước vào phòng. Ông Bạc Ân Chu là một nhà ngoại giao khổ hạnh hơn, hay ít nhất muốn được coi là như vậy. Trên thực tế ông thường làm mọi người rất khó chịu. Ông có thói quen ghé sát tai người nghe trong một cử chỉ cho thấy ông sắp tiết lộ một sự thật lớn nào đó và rồi sau đó chỉ tuôn ra những gì mà ông đã đọc được trên tờ Nhân dân Nhật báo ngày hôm đó. Những bức điện tín ông gửi cho Bắc Kinh nhạt nhẽo nhưng chính xác về những gì ông nghe được.
"Ngài Đại sứ, thật quý hóa ngài đã đến khi được báo trước gấp gáp như vậy." Kimura nói, cố tỏ ra quan tâm.
"Không sao, ngài Ngoại trưởng. Đến thăm Bộ Ngoại giao luôn luôn là một vinh dự", Bạc Ân Chu đáp.
"Chúng tôi... lấy làm bối rối bởi những hoạt động của nước ngài ở Biển Nam Trung Hoa. Ngài có lời giải thích nào cho chúng tôi không?" Kimura đưa ra lời thăm dò.
"Điều này chẳng có gì làm cho chính phủ của ngài phải lo ngại cả, thưa ngài Bộ trưởng". Bạc bắt đầu: "Chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Nam Trung Hoa là không thể chuyển nhượng và có tính chất lịch sử. Chúng tôi đơn giản đã tìm cách hợp pháp hóa các đã là thực tế trong hai nghìn năm qua. Việc này không thể hiện mối đe dọa đối với Nhật Bản. Trung Quốc tin tưởng vào việc đi lại tự do trên biển dọc những tuyến đường biển được quốc tế công nhận như Biển Nam Trung Hoa."
"Và cả quyền sở hữu tài sản?" Kimura hỏi.
"Biển và tất cả những gì dưới nó cũng như tất cả cái mà nó chứa đựng. Đó dĩ nhiên là một tuyên bố về tương lai. Chúng tôi không phải không ý thức về các cơ sở đang tồn tại. Tôi được biết rằng sẽ không có sự thay đổi về quyền sở hữu."
"Hãy nói với chính phủ ngài rằng mối quan tâm của chúng tôi là an ninh kinh tế", Kimura trả lời "Hầu như tất cả dầu của chúng tôi đều đi qua Biển Nam Trung Hoa. Một mối đe dọa đối với khu vực đó sẽ gây ra mối đe dọa đối với Nhật."
Trên đường trở lại dinh Thủ tướng, Kimura nhận thấy một hàng các lái xe tại một trạm bảo dưỡng ô tô.
THÔNG BÁO TÌNH HÌNH
Những mục tiêu tài chính của Trung Quốc trong chiến tranh
Tướng Triệu Nhất là một người ở độ tuổi cuối 50, gầy gò và thấp lùn, đúng gốc người miền Nam Trung Quốc. Ông là một vị tướng kỳ cựu phụ trách Bộ Tổng Tham Mưu (GSD) và là người đặt kế hoạch tài trợ cho Cuộc Tấn Công Của Con Rồng bằng cách lôi kéo, vận động các thị trường tài chính thế giới.
Ông đã có một sự nghiệp đáng chú ý trong PLA. Trong một thể chế nổi tiếng vì tính bảo thủ của nó, việc ông vươn lên trở thành nhân vật xuất chúng sau khi vào làm việc ở cơ quan này vào cái tuổi 33 muộn màng một cách không bình thường đã khiến cho ông thành một nhân vật đặc biệt. Giống như nhiều người thuộc thế hệ ông, kể cả chủ tịch Vương Phong, ông sinh ra ở Diên An, mặc dù theo truyền thống Trung Quốc, quê hương chính thức của ông, ngôi nhà tổ tiên của ông, là Thuận Đức, ở châu thổ sông Châu tỉnh Quảng Đông. Cha ông, Triệu Bình, đã tham gia cuộc Trường Chinh và làm việc gần gũi với Mao Trạch Đông. Ở Bắc Kinh sau Cách mạng gia đình này đã phát đạt. Ông được đề bạt là Nguyên soái của PLA; gia đình sống trong một biệt thự ở Trung Nam Hải. Triệu lớn lên chơi và học với con cái của Lưu Thiếu Kỳ, Bành Chân và Đặng Tiểu Bình. Cuộc sống đầøy đặc quyền đặc lợi của ông bỗng chốc chấm dứt vào năm 1967 khi cuộc Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản Vĩ Đại làm đảo lộn thế giới đối với 800 triệu dân Trung Quốc. Các ấn phẩm của Hồng Vệ Binh tố cáo Triệu sống một cuộc sống đặc quyền đặc lợi. Ông đã học cưỡi ngựa và lái môtô - những trò tiêu khiển vượt quá tầm suy nghĩ của người dân bình thường. Vào lúc bị tố cáo ông đang học tại trường Đại học Bắc Kinh. Vào đầu năm 1967, ông mất liên lạc với cha mẹ và hai người em trai của ông. Ông đã không gặp mẹ ông cho đến năm 1971, ba năm sau khi cha ông chết. Trong "những năm mất mát" này, Triệu đã sống cuộc sống của một kẻ trốn tránh. Ông đã tìm đường đến Quảng Đông và dưới một cái tên giả, làm việc trên một chiếc tàu chạy trên sông Châu. Gia đình của ông ở Thuận Đức đã có một sự bảo vệ nào đó đối với ông, nhưng ông cuối cùng đã bị bắt và bị giam trong một trung tâm giam giữ thanh niên. Và ở đó ông có thể đã bị mòn mỏi trong nhiều năm nếu không nhờ những cố gắng của Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung Quốc và là Viên Thị Thần của Mao. Chu đã tìm thấy Triệu và bảo vệ ông. Đó là vào năm 1973.
Bộ Tổng Tham mưu của Triệu giám sát các xí nghiệp công nghiệp và tài chính đang trải rộng của PLA, nằm trong Ban Trang Thiết Bị của GSD. Kể từ các thời Hoàng đế xa xưa quân đội ở Trung Quốc đã được yêu cầu phải tự lo ăn lo mặc. Nhưng PLA dưới thời chủ nghĩa Cộng sản gần đây lại còn đưa truyền thống này đi xa hơn nữa. Quân đội là xí nghiệp công nghiệp và tài chính dưới mọi hình thức mà con người biết đến - thiết kế công trình, dược phẩm, đóng tàu, hàng không, phóng vệ tinh, sản xuất xe cộ, mua bán cổ phần chứng khoán và ngân hàng. Lợi nhuận từ những công ty này được hiểu là để bổ sung cho ngân sách của PLA. Và điều này đã diễn ra đúng như vậy. Chúng đã tỏ ra có tầm quan trọng sống còn trong việc mua sắm nhiều tài sản có giá trị nhất của quân đội, như tàu khu trục nhỏ lớp Sovremenny mang tên Vazhny của Nga và trong việc tài trợ cho sự hợp tác đang diễn ra giữa Trung Quốc và Nga trong hàng không quân sự. Bộ Tổng tham mưu là nhà của Triệu. Ông đã dành cả sự nghiệp của ông cho nó và được tiếng là một trong những nhà tài phiệt thông minh nhất trong quân đội - như các đồng nghiệp của ông ghi nhận, kết quả của tính lanh lợi tinh tường tự nhiên của người Quảng Đông với đồng tiền, được mài sắc thêm bởi phải sống cuộc sống long đong trước đây của ông.
Từ lúc bắt đầu các cuộc thảo luận của nhóm khống chế về Cuộc Tấn Công Của Con Rồng, Triệu đã xác định rằng vai trò của ông sẽ là kiếm tiền cho PLA. Ông biết rằng việc biết trước khi nào Trung Quốc sẽ tấn công Việt Nam và chiếm Biển Nam Trung Hoa đem lại cho ông một lợi thế lớn trên các thị trường tài chính toàn cầu. Đó là một hoạt động sẽ cần được phép từ cấp cao cấp nhất vì không phải là không có rủi ro. Nó cũng cần phải vạch kế hoạch tỉ mỉ sẽ phải được giữ bí mật hoàn toàn. Cuộc họp đầu tiên của tướng Triệu với Chủ tịch diễn ra sáu tuần trước khi Cuộc Tấn Công Của Con Rồng được phát lệnh. Lúc đó ông đã giải thích cho Chủ tịch việc các thị trường tài chính được thúc đẩy bởi thông tin như thế nào và các nhà đầu tư giống các bầy súc vật chạy tán loạn ra làm sao - đổ xô về hướng này rồi lại giạt về hướng khác nhưng luôn cụm lại với nhau. Thông tin là chìa khóa. Một đơn đặt hàng mua hay bán được đưa ra trước khi tin tức về Cuộc Tấn Công Của Con Rồng được tung ra có thể đem lại cho một nhà đầu tư nhiều triệu lợi nhuận chỉ qua một đêm.
"Ý kiến của ông thật tuyệt vời!", Chủ tịch nói: "Ông cần bao nhiêu? 50 tỉ đôla?"
"Không, thưa ngài, thế thì quá nhiều. Để kiếm được số tiền mà tôi nghĩ chúng ta có thể kiếm được, chúng ta cần duy trì cho các bên đối tác của chúng ta có khả năng thanh toán. 50 tỉ đôla có nguy cơ làm lụi bại quá nhiều công ty chứng khoán. Ngài còn nhớ vụ Barings chứ?"
"Barings?" Chủ tịch cau mày.
"Cách đây gần 10 năm, một trụ cột của giới tài chính Anh đã sụp đổ, sau khi thiệt hại gần 1 tỉ bảng. Có một ai đó khác hay một nhóm các thể chế, ở phía bên kia của vụ làm ăn này đã kiếm được 1 tỉ bảng. Các thị trường tài chính là trò chơi bên này được bao nhiêu thì bên kia mất bấy nhiêu, thưa Chủ tịch. Có một ai đó thắng, một ai đó thua. Khi chúng ta thắng, một ai đó sẽ thua. Nhưng hệ thống tài chính toàn cầu không thể tồn tại được nếu xảy ra tới 30 vụ Barings. Việc làm sụp đổ hệ thống tài chính thế giới không phải là một phần của mục tiêu chiến tranh của chúng ta. Điều đó không có lợi cho Trung Quốc. Do vậy, chúng ta cần có thái độ ôn hòa hơn trong những mục tiêu của chúng ta. Chúng ta cũng phải đầu tư vào những thị trường mà ở đó các chính phủ tích cực hoạt động nhất - chủ yếu là thị trường ngoại tệ. Chính phủ Anh đã mất hàng tỉ và các thương gia kiếm được nó vào năm 1992 khi chính phủ này cố gắng giữ cho đồng bảng Anh nằm trong Hệ thống Tiền tệ châu Âu. Số lợi nhuận mà chúng ta có thể kiếm được vẫn còn chưa rõ ràng nhưng tôi cho rằng chúng ta có thể tài trợ một phần lớn chi phí của cuộc chiến tranh qua một số giao dịch được vạch kế hoạch cẩn thận."
Chủ tịch chấp nhận lời trình bày của viên tướng và chỉ thị cho ông này tiến hành những chuẩn bị chi tiết. Ông cũng đảm bảo rằng Triệu sẽ được thông tin về tất cả những diễn biến liên quan đến Cuộc Tấn Công Của Con Rồng. Được chấp nhận, Triệu hành động rất nhanh. Trước hết là tới thăm ông Damian Phillips, Chủ tịch First China Securities, một ngân hàng đầu tư Hồng Kông. First China đã trở nên nổi tiếng vào thời điểm sự cai trị của Anh sắp tàn. Ngân hàng này được thành lập bởi con trai của một nhà tài chính thành phố Luân Đôn và con trai của một nông dân trồng lúa - là kiểu mẫu của sự hợp tác Anh - Trung. Phillips đã nhìn thấy hình dáng của tương lai trước mọi người. Ông đã nuôi dưỡng các ông trùm tư bản Trung Quốc địa phương; họ thích sự ân cần chu đáo của một người Anh tầng lớp thượng lưu. Vào thời điểm thành lập First China ông đã có một nhóm hỗ trợ gồm các nhà kinh doanh Trung Quốc địa phương và lục địa sẵn sàng xì ra khoản tiền cần thiết để giúp công việc làm ăn tiến triển. Đó là vào cuối những năm 80 và First China đã tiến không ngừng. Phillips tiến sâu hơn vào cộng đồng Trung Quốc ở cả hai bên đường biên giới. Chính là một trong nhiều chuyến đi thăm Bắc Kinh của ông trước khi Hồng Kông được chuyển giao chính thức cho Bắc Kinh năm 1997 ông đã gặp Triệu. Phillips đã chộp lấy Multitechnologies, hãng buôn vũ khí hàng đầu của PLA và là tổ hợp nổi bật ở trong nước. Triệu là chủ tịch hãng. Phillips đã giải thích làm thế nào bằng việc sử dụng đúng đắn những cơ cấu kinh doanh ngoài nước, có thể thực hiện được buôn bán tiền tệ có hiệu quả và giấu mặt. Viên tướng này đã có ấn tượng đủ mạnh để đánh liều đưa một số tiền kiếm được một cách vất vả của Multitechnologies tham gia các thị trường. Những mưu mẹo của Phillips đã tỏ ra hoàn hảo trên thực tế như khi được nghe nói. Một mối quan hệ đã nảy nở. Trong những năm tiếp theo Phillips đã đảm bảo chắc chắn cho những mối quan hệ này phát triển. Ông thường xuyên đến thăm viên tướng này, mở các bữa tiệc thịnh soạn chiêu đãi ông ta ở Hồng Kông và luôn cẩn thận để lại cho ông này một khoản thù lao đầu tư chắc chắn - cho bản thân hay công ty của ông này - bất cứ khi nào họ gặp nhau. Công việc làm ăn phát triển dần dần. Khi Multitechnologies quyết định là nó muốn đặt cơ sở các hoạt động quốc tế của nó ở Hồng Kông, First China đã tìm thấy một công ty được niêm yết ở Sở giao dịch Chứng khoán Hồng Kông mà họ có thể mua. Khi Multi-Tech (Hồng Kông) đã có một số tương đối những khách hàng trong số những nhà đầu tư trong và châu Âu.
Tướng Triệu đã đến Hồng Kông 5 tuần rưỡi trước khi Cuộc Tấn Công Của Con Rồng nổ ra. Ông đến với tư cách là một quan chức dân sự. Phillips lái xe của mình ra đón ông tại sân bay. Thay cho một cuộc gặp tại trụ sở của First China ở Trung tâm thành phố trong quận Central trên đảo Hồng Kông, viên tướng được đưa đến nhà Phillips ở Peak. Ngôi nhà đó nằm phía sau con đường và không ai nhìn vào được. Phillips đã có mặt ở đó để đích thân đón viên tướng.
"Tôi xin lỗi không thể ra sân bay đón ngài!" Phillips nói với vẻ lịch sự. "Nhưng trong bức fax của ngài, ngài có nói rằng ngài không muốn thu hút sự chú ý vào chuyến đi của ngài. Dù sao cũng xin hoan nghênh ngài đã tới và tình hình ở Bắc Kinh thế nào?"
"Lạnh", tướng Triệu nói, hơi khô khan. "Tôi không có nhiều thời gian. Như ngài biết tôi sẽ trở lại Bắc Kinh tối nay. Chúng ta bắt đầu vào việc chứ? Chúng tôi ở Multitechnologies đã quyết định mở rộng sự dính líu của chúng tôi trong các thị trường tài chính. Chúng tôi đã quyết định rằng chúng tôi muốn buôn bán ngoại tệ và dầu lửa cũng như chúng tôi muốn các ngài là đại lý của chúng tôi. Điều quan trọng sống còn, Damian, là chúng tôi và thực tế là Trung Quốc tuyệt nhiên không liên hệ với những hoạt động mà chúng tôi yêu cầu các ngài thực hiện nhân danh chúng tôi. Ngài hiểu chứ...?"
"Hoàn toàn".
"Tốt, vậy thì chúng ta tiếp tục", ông nói.
Tướng Triệu phác họa cho Phillips kế hoạch của Multitechnologies tham gia các thị trường ngoại tệ và dầu lửa triển hạn. Ông trao cho Phillips một danh sách các ngân hàng quốc tế, hầu hết là các tổ chức hạng hai và ba đang muốn tăng cường sự dính líu của họ trong lĩnh vực ngoại tệ - mà với họ ông sẽ chia sẻ các hoạt động buôn bán ngoại tệ của ông. Mục đích của ông là tích lũy đôla Mỹ và bán yên Nhật. Để mua Đôla ông đã phải bán ngoại tệ khác và ông muốn First China mua Yên, sau đó bán chúng để lấy Đôla. Phillips nghĩ rằng mặc dù đồng Yên không đặc biệt mạnh thời gian gần đây, nó sẽ phải giảm một mức đáng kể: đối với một nhà đầu tư để kiếm được nhiều tiền từ việc bán Yên, anh ta sẽ phải chờ đồng Yên giảm mạnh để đến lúc thanh toán các khoản vay bằng đồng Yên - trước hoặc đến hạn - giá đồng Yên sẽ giảm xuống dưới giá mua ban đầu. Đây chính là điều mà viên tướng dường như tin tưởng. Tuy nhiên, ông không thể để cho người ta thấy được điều này. Do vậy nếu vào bất cứ một ngày đã định nào ông mua 100 triệu đôla thông qua một ngân hàng, ông sẽ bán 20 triệu đôla thông qua ngân hàng khác. Lượng tích lũy thực của ông sẽ là 80 triệu đôla, nhưng thị trường sẽ coi ông ta là nhà buôn, là một người mua và người bán. Khi Phillips đặt vấn đề nghi ngờ chiến lược đầu tư thì tất cả những gì mà viên tướng nói là First China sẽ được đền bù. Tóm lại ông muốn First China tích lũy bằng các khoản nợ giữa tháng 1 - gọi là "chứng khoán ngắn hạn đồng yên" - từ 1,5 đến 2 tỉ đôla tính tương đương từ chứng khoán đồng yên. Với tỉ giá buôn bán đồng yên vào khoảng 120 yên ăn 1 đôla, những món nợ này sẽ lên tới khoảng 240 tỉ yên.
Tương tự như vậy, mặc dù trên quy mô nhỏ hơn, First China sẽ củng cố một vị thế lớn trên các thị trường triển hạn dầu lửa ở Luân Đôn và Niu Yoóc. Theo biệt ngữ của các thị trường tài chính, viên tướng muốn First China đi theo hướng "đầu cơ giá lên" với đồng đôla và dầu lửa cũng như việc "đầu cơ giá xuống" với đồng yên. Tuy nhiên, buôn bán dầu sẽ chỉ sử dụng những số lượng tiền nhỏ hơn nhiều. Mặc dù các thị trường này có quy mô lớn chúng chỉ là những thị trường thuần túy tư nhân với rất ít sự can thiệp công khai của chính phủ. Triệu nói ông không muốn dính líu đến những vấn đề rủi ro của đối tác. "Toàn bộ hoạt động sẽ tan thành từng mảnh nếu chúng ta tìm cách thu gom chỉ ở một giao dịch và sẽ lại chứng kiến như chúng ta đã làm phá sản Morgan Stanley", ông nói, thêm vào với một giọng khinh bạc hiếm thấy, "thú vị dù kết quả có thể là thế nào đi nữa."
Sau khi giải thích mục đích của các giao dịch, Triệu nói với Phillips là ông muốn First China chịu trách nhiệm các giao dịch buôn bán ra sao. Điều này đòi hỏi găm lại các khoản thu nhập từ tất cả các giao dịch ở các công ty được đăng ký tại các lãnh thổ British Virgin Islands (BVI). Có 7 ngân hàng mà ông được quyền giao dịch với chúng nhưng có tới 14 công ty ở BVI chuyên về buôn bán ngoại tệ. Điều này tạo khả năng tách biệt về việc mua và bán ngoại tệ với mỗi ngân hàng và có nghĩa là các giao dịch có thể được rào kín nếu những cặp mắt tò mò của những nhân viên quản lý soi thấy có một cái gì đó không bình thường.
Nếu một trong các ngân hàng hỏi First China ai là khách hàng của nó thì First China có thể trả lời thực rằng nó đang làm cho một nhà đầu tư tư nhân hoạt động từ BVI với một công ty gọi là Bright Future, hay cái gì đó tương tự. Nếu một nhân viên quản lý đánh hơi thấy một cái gì đó và muốn đóng băng tài sản thì hậu quả sẽ được hạn chế ở một công ty. Các cuộc buôn bán triển hạn về dầu lửa sẽ được thực hiện trong một công ty ở BVI, mặc dù First China sẽ buôn bán nhân danh bản thân nó tại Sở giao dịch dầu Quốc tế ở Luân Đôn.
Vào buổi sáng đầu tiên với Cuộc Tấn Công Của Con Rồng, tướng Triệu ngồi xuống trong tâm trạng cởi mở. Ông giải thích tỉ mỉ cho Chủ tịch Vương các cuộc tiếp xúc của ông với First China và các vụ buôn bán mà họ đang tiến hành với các ngân hàng trong 4 tuần trước. Ông mở chiếc cặp đặt trong lòng và lấy ra một tập các biểu mẫu. Những bảng này chỉ ra mỗi công ty ở British Virgin Islands và quy mô vị thế của nó so với đồng yên. Trong khoảng thời gian trên First China có thể gom cho Multitechnologies số chứng khoán ngắn hạn bằng đồng yên ước tính khoảng 248 tỉ yên. Multitechnologies sẽ kiếm được khoản tiền lớn nếu đồng yên suy yếu đi ở mức khoảng 150-160 yên một đôla.
Phillips đã tích lũy đồng yên với giá trung bình cho Multitechnologies là 124 yên ăn một đôla. Hiện tỉ giá đồng yên ở mức 125 yên một đôla.
"Có ai phát hiện ra chúng ta không?" Chủ tịch hỏi.
"Không, chúng tôi không nghĩ vậy", Triệu nói. "Có một báo cáo mang tính suy đoán qua điện tín tài chính của Bloomberg về First China. Hoạt động của First China trên thị trường ngoại tệ ở Luân Đôn đã bị chú ý. Nhưng Phillips đã xử lý tốt việc đó. Toàn bộ hoạt động tiếp diễn không có sự cố gì. Thưa ngài, điều đáng ghi nhớ là lượng giao dịch trung bình hàng ngày về ngoại tệ là 1, 2 nghìn tỉ đôla. Chỉ riêng ở Tôkyô các giao dịch buôn bán đôla/yên và đôla/đồng euro là gần 20 tỉ đôla. Do vậy hoạt động của chúng ta, nhất là khi chúng ta là người mua và người bán, phần lớn đã diễn ra mà không bị phát hiện."
"Lợi nhuận thì sao?" Chủ tịch thầm thì.
"Chúng tôi cho rằng đồng yên có thể sụt giá 20% hoặc hơn trong thời gian diễn ra xung đột hiện nay", Triệu nói. "Đó là một khoản lãi 45 tỉ yên khi chúng ta kết thúc hoạt động chứng khoán ngắn hạn. Nhưng đó là một ước tính dè dặt, đồng yên có thể giảm nhiều hơn nữa, do dự quá mẫn cảm của Nhật về dầu lửa. Cái hay của vụ làm ăn này đối với chúng ta là khi đồng yên bắt đầu sụt giá chúng ta sẽ là một trong những người mua đồng yên duy nhất trên thị trường. Với chúng ta việc bù đắp các thiệt hại này của chúng ta sẽ hoàn toàn không khó khăn gì.
Tương tự như vậy trên thị trường dầu lửa. Chúng ta có gần 20% trong hợp đồng triển hạn tháng Tư. Khi giá dầu bắt đầu tăng - vì tôi cho rằng nó sẽ tăng - chúng ta quả thật ở vào vị thế rất tốt đẹp."
BIỂN NAM TRUNG HOA
Giờ địa phương: 11h30' Chủ Nhật 18/02/2001
Giờ GMT: 03h30' Chủ Nhật 18/02/2001
Vào hồi 11 giờ 30 phút, hãng Tân Hoa Xã đã ra một tuyên bố ngắn. "Về tình hình ở Biển Nam Trung Hoa, Chủ tịch Vương Phong đã lưu ý đến Đạo luật về các Vùng Biển Lãnh Thổ được ban hành năm 1992. Các tàu bè phi quân sự có quyền qua lại vùng lãnh thổ chủ quyền của chúng tôi. Tàu quân sự và tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân phải được phép của Trung Quốc mới được qua các vùng biển của chúng tôi. Vùng lãnh thổ chủ quyền này đang được các tàu ngầm của PLA đi tuần tra."
Người Trung Quốc không nói suông. Họ đã triển khai 20 tàu ngầm lớp Romeo và Ming. Các tàu Romeo là những tàu của Liên Xô còn hoạt động nhưng cũ kỹ mà thiết kế của nó là từ những năm 1960. Tàu Ming là kiểu do Trung Quốc đóng. Những tàu này được triển khai thành từng nhóm 5 chiếc, thành những nửa vòng tròn để bảo vệ các con đường hàng hải của Biển Nam Trung Hoa. Các tàu ngầm Romeo khác ở các vùng biển nước nông quanh Quần đảo Trường Sa, là những nơi được coi là lý tưởng cho các động cơ điện điêden - điện không tiếng động, mặc dù nguy hiểm hơn. Chúng chỉ có thể đánh chìm một chiếc tàu chiến hiện đại nếu các thủy thủ đoàn của những tàu ngầm cũ kỹ này có thể mưu mẹo hơn những kẻ thù kỹ thuật cao của họ. trong nhiều lực lượng hải quân hiện đại, loại tàu thiết kế điêden - điện cũ kỹ đang được xếp lại nhường chỗ cho các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trung Quốc mong muốn có một quân đội hiện đại, nhưng biết rằng để Cuộc Tấn Công Của Con Rồng thắng lợi PLA sẽ phải trở lại những chiến thuật của chiến tranh du kích mà với nó họ đã giành thắng lợi trong cuộc nội chiến năm 1949. Những con người này quen thuộc với trang bị của họ và biết rõ khu vực chiến đấu. Tiếp đó với một phong cách hoạt động kiểu bầy sói trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai các chỉ huy hải quân tin rằng họ có thể bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc.
Ở khu vực khác tại Biển Nam Trung Hoa, ba trong các tàu ngầm tấn công SSK lớp Kilo (Granay) do Nga đóng cho Trung Quốc đã chiếm lĩnh các vị trí giữa Xingapo và bang Kalimantan của Inđônêxia ở Borneo; tại eo biển Luzon giữa Bắc Philippin và Nam Đài Loan và qua vịnh Thái Lan giữa Việt Nam cũng như khu vực quanh biên giới Thái - Malaixia.
10 phút sau thông báo của Tân Hoa Xã, hai quả ngư lôi được phóng ra từ một tàu ngầm lớp Romeo ngoài khơi phía Tây quần đảo Hoàng Sa gần vịnh Bắc Bộ, một khu vực cho đến nay chưa bị lôi kéo vào cuộc xung đột. Một chiếc tàu phá mìn loại Sonya 400 tấn của Việt Nam vỡ làm đôi. Các khoang chứa nhiên liệu bùng nổ. Tất cả trừ một người trong thủy thủ đoàn 60 người đã chết trong vụ nổ, mà thậm chí dưới ánh sáng ban ngày quanh đó hàng km vẫn có thể thấy rõ. Thủy thủ còn sót lại sống thêm được 3 phút nữa trước khi chết đuối vì bị nhấn chìm bởi những mảnh vỡ từ con tàu.
"Biết rõ chúng ta thế nào rồi chứ", Vương Phong nói khẽ đến mức chỉ có viên sĩ quan được tin cậy thuộc Trung Đoàn Cận Vệ Trung Ương nghe thấy.
Chương 2
BIỂN NAM TRUNG HOA
Giờ địa phương: 03h00' Thứ Hai 19/02/2001
Giờ GMT: 19h00' Chủ Nhật 18/02/2001
Trước rạng sáng ngày thứ hai của Chiến dịch Cuộc Tấn Công Của Con Rồng, Trung Quốc tuyên bố ba chiếc tàu ngầm tấn công SSK lớp Kilo (Granay) do Nga sản xuất đã có mặt tại các điểm yết hầu trong Biển Nam Trung Hoa. Với khả năng di chuyển với tốc độ 17 hải lý, đây là những tàu ngầm đầu bảng của hạm đội tàu ngầm điêzen hiện đại của Trung Quốc, loại được Nga xuất khẩu nhiều nhất. Mỗi tàu được trang bị máy định vị thủy âm tần số trung Shark Teeth có chức năng dò tìm chủ động lẫn thụ động và máy định vị thủy âm tần số cao Mouse Roar phục vụ cho việc tấn công chủ động. Một khi đã phát hiện được đối phương, những thiết bị tìm diệt này của hải quân Trung Quốc sẽ truy tìm và tiêu diệt. Đó là những mệnh lệnh tác chiến. Mỗi chiếc tàu ngầm có 13 sĩ quan; nhiều người đã được đào tạo ở Nga theo một chương trình đặc biệt do hải quân Quân giải phóng nhân dân phát động nhằm chuẩn bị cho các thủy thủ tàu ngầm vào tư thế sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh. Chỉ vài năm trước đây, các tàu ngầm của Trung Quốc không thể hoạt động trên biển được quá một tuần lễ cho mỗi chuyến đi vì không được huấn luyện đến nơi đến chốn. Vấn đề này nay đã được giải quyết.
Hồi 03 giờ 00 phút, Tân Hoa Xã phát đi một tuyên bố: Chính phủ Trung Quốc thông báo cấm tất cả các hoạt động hàng hải quốc tế ở vùng biển được biết đến là Biển Nam Trung Hoa (110-120 độ kinh đông và 5-22 độ vĩ bắc) cho tới khi có thông báo tiếp khác.
Hải quân và không quân Quân giải phóng nhân dân đang tuần tra Biển Nam Trung Hoa và sẽ ngăn không cho tàu bè đi vào vùng biển cấm này. Các hãng hàng không quốc tế cũng được khuyến cáo không được bay qua khu vực này. Tàu bè sẽ bị ngăn chặn không cho đi vào vùng biển này qua eo biển Bashi, eo biển Luzon cũng như qua các eo biển Mindoro và Balabac. Mặc dù eo biển Malacca nằm ngoài vùng lãnh hải chủ quyền của Trung Quốc nhưng các công ty hàng hải quốc tế cũng được khuyên răn nên tránh các eo biển này vì tàu bè rời các eo biển này sẽ không được phép đi vào Biển Nam Trung Hoa.
Quốc vụ viện thông báo các lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ thực hiện chủ quyền của đất nước ở Biển Nam Trung Hoa và kêu gọi tất cả các quốc gia công bằng và yêu chuộng hòa bình trong khu vực hãy thừa nhận tính chất chính đáng của những yêu sách của Trung Quốc. Quốc vụ viện nói rằng chính phủ Trung Quốc không có ý định hạn chế sự ra vào Biển Nam Trung Hoa vô thời hạn và rằng các tuyến hàng hải sẽ được mở lại vào dịp thích hợp.
BIỂN NAM TRUNG HOA
Giờ địa phương: 05h00' Thứ Hai 19/02/2001
Giờ GMT: 21h00' Chủ Nhật 18/02/2001
Tàu đổ bộ Cagayan De Oro lớp Whibey Island và tàu hộ tống Cebu của hải quân Philippin đã dừng cách bãi đá ngầm Mischief 5 hải lý, đủ xa ngoài tầm hỏa lực súng máy dày đặc của Trung Quốc. Trăng lấp ló sau những đám mây. Bốn chiếc xuồng tấn công vững chải làm bằng sợi thủy tinh, chở 36 lính thủy lục chiến, rời khỏi con tàu và lặng lẽ tiến về phía bãi đá ngầm. Mục tiêu của họ là một công trình bằng gỗ và kim loại do lính chiếm đóng Trung Quốc xây dựng năm 1995 nói là nơi ẩn náu cho các ngư dân.
Số thủy quân lục chiến này là những người lính được huấn luyện hết sức kỹ càng và có động cơ tận tụy của quân đội Philippin. Mệnh lệnh giao cho họ là thâm nhập trong đêm tối, thiết lập chỗ đứng chân trên đảo và theo dõi sự vận động của đối phương trước khi được tăng viện. Một trung đội lính trực thăng vận và nhiều lính đổ bộ nữa sẽ tới vào lúc rạng sáng để thu hồi chủ quyền. Số thủy quân lục chiến này đã lặng lẽ đổ bộ trên bãi đá. Lợi dụng bãi đất ngoài tầm nhìn, không bị phát hiện thấy từ khối nhà chính, họ đã triển khai xong vị trí của mình và báo cáo không hề có sự chuyển động của đối phương. Cửa sổ của khối nhà không có kính. Những tấm nhựa bập bùng trong khuôn cửa, một số đã rách mướp vì gió mạnh. Toàn bộ khu vực trông tan nát, tiêu điều vì thời tiết, trừ lá cờ Trung Quốc vẫn tung bay trên tháp pháo trên nóc nhà. Không hề có ánh điện, không có bất kỳ dấu hiệu nào của sự sống cả. Một giờ sau đó, vào lúc tranh tối tranh sáng trước khi trời sáng. Một chiếc trực thăng chở quân Sikorsky Sea Stallion cất cánh khỏi chiếc tàu Cagayan De Oro.
Thêm những chiếc xuồng tấn công lao vút ra khỏi chiếc tàu, lần này với tốc độ tối đa. Bốn máy bay chiến đấu F-5A do Mỹ chế tạo gầm rú trên đầu, bay tới đây từ căn cứ của chúng trên đảo Palawan cách đó 130 km. Những chiếc F-5A sà thấp xuống khu công trình xây dựng này, hai chiếc tách khỏi đội hình và bay vọt lên cao để yểm trợ cho lực lượng thủy quân lục chiến đang tiến vào.
Chiếc trực thăng Sikorsky được số lính đã có mặt trên đảo dẫn đường, họ đã thiết lập 3 trận địa hỏa lực đan chéo nhau để yểm hộ cho lực lượng thủy quân lục chiến đang tiến đến. Lần lượt hai người một nhảy ra khỏi trực thăng. Số khác từ những chiếc xuống tấn công lao lên chiếm giữ những vị trí tấn công đã được xác định trước. Họ hy vọng chiếm được toàn bộ hòn đảo, hạ bỏ cờ đối phương và thay thế bằng lá quốc kỳ Philippin trong 10 phút.
Viên hạ sĩ thủy quân lục chiến chỉ huy lính của anh ta tiến lên. Trời đủ sáng để nhìn thấy những chướng ngại vật trên bãi đá. Chẳng mấy chốc họ đã ém mình được vào các bức tường. Sử dụng những chiếc gương, họ bí mật nhìn qua các ô cửa sổ, hài lòng khi thấy khu công trình này đã bị bỏ hoang. Thế nhưng đây là một sứ mệnh nguy hiểm. Ngay cả một vài người lính dạn dày kinh nghiệm cũng chưa bao giờ trải qua hành động kiểu này. Họ tiếp tục thận trọng theo đúng bài bản đã học. Họ ném lựu đạn qua cửa sổ và chờ đợi những tiếng nổ đinh tai lắng xuống mới lao qua khu cửa chính, bắn hỏa lực M-16. Căn phòng trống rỗng. Họ treo những cờ hiệu hiệu Philippin ở hai ô cửa sổ gần cửa ra vào nhất để báo hiệu cho các lực lượng binh lính yểm trợ bên ngoài rằng những căn phòng trong này đã được dẹp sạch. Viên hạ sĩ báo cáo về bằng vô tuyến điện, những dấu hiệu chứng tỏ đã có người sinh sống ở đây. Một tạp chí của Trung Quốc, ca ngợi sự lãnh đạo của Chủ tịch Vương; một cuốn sách hướng dẫn nấu ăn của Quân giải phóng nhân dân; một bàn cờ tướng bằng giấy bị vò nhàu và xé vụn nứt trên nền nhà. Viên hạ sĩ thủy quân lục chiến xông vào căn phòng kề bên.
Đột nhiên, một tiếng nổ lớn phá tung tòa nhà. Quả mìn bẫy người đó đã giết chết ngay tức thì viên hạ sĩ quan và ba chiến hữu của anh ta. Vài phút sau, thủy quân lục chiến Trung Quốc châm ngòi các khối nổ được điều khiển từ xa đặt ở giữa bãi đất ngoài tầm nhìn nơi lính Philippin ém quân. Bảy lính Philippin đã bị tiêu diệt. Mười hai người khác bị thương. Viên phi công lái chiếc trực thăng Sikorsky đang bay thấp với mặt trời vừa mọc phía sau lưng, đã phát hiện ra vị trí đóng quân của binh lính Trung Quốc và xả súng máy 12 ly 7. Đạn bắn nát gỗ và trúng vào các thùng nhiên liệu. Lá cờ Trung Quốc chìm trong cột lửa. Lửa bén vào các thanh gỗ nhưng bén chậm vì hơi ẩm phủ khắp hòn đảo. Khẩu súng máy hạng nặng của chiếc trực thăng tiếp tục trút đạn xuống tòa nhà. Sau đó, khi chiếc Sikorsky vòng lại nhằm vào một mục tiêu khác thì nó bị nổ tung thành một quả cầu lửa.
Người lính Trung Quốc bắn quả tên lửa đất đối không vác vai cổ lỗ SA-7 đã bị chết trước khi mảnh vỡ đầu tiên của chiếc Sikorsky rơi xuống mặt nước. Một trận mưa đạn của lính thủy quân lục chiến Philippin xé nát người anh ta thành từng mảnh. Lính Trung Quốc bắn trả. Nhưng viên trung úy thủy quân lục chiến đã tránh được. Đạn bắn tóe lửa các tảng đá xung quanh họ nhưng bật xuống nước không gây ra thiệt hại nào. Họ trút thẳng luồng hỏa lực vào hai cổng chính của khu công trình, nơi đối phương lúc này đã bị phát hiện. Đúng lúc này lực lượng chi viện tới, các trung đội dự bị của tàu Cagayan De Oro, lao hết tốc độ vào nơi đang diễn ra trận đánh. Các máy bay F-5 của Philippin yểm trợ bằng hỏa lực súng canon. Đột nhiên, sáu chiếc SU-27 của Trung Quốc tấn công như từ dưới đất chui lên. Các tên lửa không đối không được bắn ra mặc dù một số quả bắn trượt hoặc không nổ, những máy bay của Philippin tháo chạy hoặc bị phá hủy. Những chiếc máy bay SU-27 tách thành hai đội hình. Ba chiếc, trang bị tên lửa chống tàu, bay vọt lên và vòng trở lại hòn đảo. Những quả tên lửa dẫn đường bằng rađa của máy bay đã bắn trúng phần giữa con tàu chở quân nơi đặt rađa, xuyên thủng các khoang trước khi các đầu đạn nhỏ hơn của chúng nổ tung, gây ra những đám cháy sâu bên trong con tàu đã chết máy. Tốp thứ hai tấn công số binh lính trên những chiếc xuồng tấn công bằng những hỏa lực canon. Chiếc tàu Cagayan De Oro bị lật nghiêng. Một chiếc SU-27 thả những quả bom thường có kíp nổ nhanh, rơi dọc con tàu đứng im trên mặt nước và một quả lớn hơn làm nổ tung thân tàu, làm nó chìm nhanh. Lời trăn trối cuối cùng của viên thuyền trưởng: "Mischief Reef và toàn bộ tàu chiến đều mất cả rồi."
Viên trung úy thủy quân lục chiến Philippin vẫy cờ trắng xin hàng. Khi anh ta đứng lên khỏi chỗ ẩn náu, binh lính Trung Quốc ngừng bắn. Nửa giờ tiếp theo, cả binh lính Trung Quốc và binh lính Philippin đều giúp đưa những người lính thủy quân lục chiến khác lên mặt những tảng đá. Những gói cứu thương dã chiến không giúp ích gì nhiều cho những người bị thương. Kết quả kiểm kê cuối cùng là 152 lính Philippin bị chết và 7 bị thương. Người lính duy nhất của Trung Quốc bị chết là người đã bắn rơi chiếc trực thăng Sikorsky.
Thông báo của Tân Hoa Xã nói: "Mười sáu nhân viên quân sự Philippin bị chìm tàu do thời tiết xấu, đã được Quân giải phóng Nhân dân đóng ở quần đảo Nam Sa cứu vớt. Số lính này sẽ được trả về các đơn vị của họ trong thời gian sớm nhất có thể được. Nhờ hành động mau lẹ và dũng cảm của bộ đội Trung Quốc nên không có thiệt hại gì về người."
HÀ NỘI, VIỆT NAM
Giờ địa phương: 05h15' thứ Hai 19/02/2001
Giờ GMT: 22h15' Chủ Nhật 18/02/2001
Thời tiết trái mùa, những đám mây mưa là thấp bao phủ phần lớn Bắc Việt Nam. Các phi công Trung Quốc bay vào nhờ những thiết bị rađa Harpy V của Ixraen. Nhiệm vụ của họ là triệt phá các trận địa phòng không của Việt Nam xung quanh thành phố cảng Hải Phòng ở phía Bắc. Ngay cả trong thời tiết khủng khiếp đó, các thiết bị rađa vẫn dễ dàng bắt được các mục tiêu. Các máy bay phóng những quả tên lửa trọng lượng 30 kg, được dẫn đường nhờ những tín hiệu rađa đang hoạt động, tới khi chúng đã đánh trúng và tiêu diệt mục tiêu. Khi đó, bầu trời Hải Phòng hoàn toàn tự do cho các cuộc tấn công. Tuy nhiên, đã quá muộn để ngăn chặn tiếng còi báo động. Hệ thống báo động sớm của Việt Nam đã phát hiện được những di chuyển này ngay khi các máy bay của Trung Quốc cất cánh khỏi căn cứ của chúng trên đảo Hải Nam.
Tuy nhiên, khi các thành phố của Việt Nam sắp bị tấn công, Chủ tịch Nguyễn Văn Tài đã chuẩn bị cho một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình. Nước ông không thể địch nổi Trung Quốc về số lượng nhưng có thể sánh nổi về tài nghệ ngoại giao quốc tế. Trong thời gian ông Tài là Chủ tịch Đại hội Nhân dân toàn quốc trong thập niên 90 ông đã mời các quan sát viên quốc tế đến chứng kiến các cuộc bầu cử cấp xã và thành phố. Bộ ngoại giao (Mỹ) mô tả các cuộc bầu cử này là một bước đi có ý nghĩa kiến tạo một nước Việt Nam dân chủ. Hãng CNN đưa tin ông là vị Chủ tịch được mọi người chờ đợi. Ông đã được mời tới tổng hành dinh của CNN ở Atlanta như một phần trong chính sách tiếp cận các nhà lãnh đạo thế giới tương lai đầy hứa hẹn. Ông được hướng dẫn một ngày về cách đối phó với các phương tiện thông tin đại chúng và sau đó nhận xét rằng đó là sáu tiếng đồng hồ bổ ích nhất trong đời ông. Ông được hướng dẫn cách ngồi trên một chiếc ghế cố định chứ không phải một chiếc ghế xoay; không rời mắt khỏi người phỏng vấn; không bao giờ được nói bất kỳ điều gì không chính thức trong phòng thu; chỉ nói một, hai điều mình muốn nói và chỉ nói trong vòng 12 giây; nhìn đồng hồ nếu muốn nói lời cuối cùng; dùng đại từ chỉ người trực tiếp với người phỏng vấn; không bao giờ được mất bình tĩnh. Họ cũng khuyên ông chọn thính giả và địa điểm. Đó là lý do vì sao tối nay ông Nguyễn Văn Tài khước từ CNN. Thông điệp của ông là gửi tới nhân dân Pháp.
Mưa thấm ướt các đường phố của Hà Nội. Nước mưa thấm thành từng vệt mặt ngoài các tòa nhà nguy nga thời thuộc địa, nhiều tòa nhà hiện nay là văn phòng làm việc của Chính phủ. Nhưng ông Nguyễn Văn Tài lại chọn khách sạn Metropole do người Pháp sở hữu làm địa điểm trả lời phỏng vấn. Ông không muốn ống kính camera thu hình những thứ đồ trang trí lặt vặt của chế độ Cộng sản hay vứt lay lứt ngoài hành lang Dinh Chủ tịch. Đội ngũ nhân viên thiếu việc làm của ông ta, thường ngủ gật với những ấm trà nguội dần trên bàn làm việc, chắc chắn không nuôi dưỡng hình ảnh một con hổ kinh tế bên cạnh sự cai quản dân chủ. Việt Nam không phải vậy, nhưng những hình ảnh là vô cùng quan trọng.
Chính phủ Việt Nam đã trả tiền thuê dãy phòng đó tại khách sạn. Các thiết bị thu tiếng, lắp đặt trong thời kỳ đổi mới, đã được đưa vào hoạt động. Ông Nguyễn Văn Tài yêu cầu phát biểu trực tiếp trong chương trình thời sự cuối ngày. Khi chiếc micrô được gắn vào ve áo của ông, người phụ trách chương trình tiết lộ Đại sứ Trung Quốc tại Pari cũng sẽ tham gia cuộc thảo luận này. Ông Nguyễn gật đầu đồng ý. Các quan chức của Việt Nam ở Pari đã thông báo cho ông.
Đột nhiên, chỉ vài phút trước khi phát sóng, ông Nguyễn Văn Tài tháo chiếc micrô ra, xin lỗi và đi sang phòng kế bên, nơi sĩ quan phụ trách tình báo quân sự của ông đang đàm thoại trên một đường dây có lắp thiết bị chống nghe trộm với một viên đại tá ở sở chỉ huy quân sự ở Hà Nội. Các cuộc tấn công của Trung Quốc theo tính toán sẽ bắt đầu trong vòng 5 phút nữa. Các máy bay đang tiến về hướng cảng Hải Phòng ở phía Bắc và thủ đô thương mại Thành phố Hồ Chí Minh ở phía Nam.
Ông Nguyễn Văn Tài đã trở lại ghế của mình và cho phép Đại sứ Trung Quốc nói trước. Tiếng Pháp của nhà ngoại giao này không hoàn hảo lắm. Ông ta nói lắp và hình như không biết các chi tiết của chiến dịch quân sự của Trung Quốc. Đến lượt ông Nguyễn nói thì đúng là lúc chiếc máy bay ném bom chiến đấu H-6 đầu tiên của Trung Quốc đã xé tan những đám mây trên bầu trời Hải Phòng.
"Thưa ngài Chủ tịch, Trung Quốc nói rằng các ngài khơi mào cuộc xung đột này", người giới thiệu ở Pari nói. "Ngài đáp lại như thế nào?"
"Chúng tôi và các đồng minh ASEAN của chúng tôi (Xingapo, Inđônêxia, Thái Lan, Brunây, Malaixia, Mianma, Campuchia, Lào và Philippin) từ lâu đều đã biết về yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Nam Trung Hoa. Tôi e rằng, ngài Đại sứ đang nói một điều chẳng mới mẻ gì về thế giới. Cái mà ông ta không đề cập đến là cam kết năm 1994 của Thủ tướng Trung Quốc hồi đó, ông Lý Bằng, rằng tất cả những bất đồng được giải quyết một cách hòa bình. Hơn thế, phía Trung Quốc hoàn toàn làm ngơ bức công hàm ngoại giao đã trao đổi giữa hai nước mới ngày 26/12 năm ngoái. Cho phép tôi nhắc lại với các bạn nội dung bức công hàm đó? Chúng tôi đã có một bước đi không bình thường là công bố toàn văn bức công hàm đó ngày hôm qua. Bức công hàm đó nói "hai bên nên kiềm chế sử dụng vũ lực để giải quyết những bất đồng và tránh mọi cuộc đụng độ có thể làm cho tình hình xấu hơn."
"Giờ đây Trung Quốc đã phá vỡ cam kết đó theo một cách thức đổ máu và đáng sợ nhất. Ngài Đại sứ nói rằng chúng tôi chiếm cứ bất hợp pháp các bãi đá ngầm. Ông ta tố cáo bộ đội của chúng tôi xâm phạm khu vực biên giới. Tôi sẽ không trả lời những lời buộc tội đó vì nếu tôi làm như vậy thì khán giả của các bạn sẽ buộc phải phán xử xem ai nói sự thật ai không. Điểm mấu chốt mà tất cả chúng ta đều đã biết là sự thật: các công dân Pháp đã bị các công dân Trung Quốc giết hại. Người Việt Nam và những người thuộc quốc tịch khác cũng là những nạn nhân. Chúng tôi không bàn luận về việc chiếm đóng các bãi đá ngầm. Chúng tôi thảo luận về việc chính phủ Trung Quốc giết hại hàng loạt dân thường."
Người dẫn chương trình nói chen vào "Ngài nói về các đồng minh ASEAN của Ngài. Ngài có tin rằng họ ủng hộ các ngài chống lại Trung Quốc hay không?"
Đó là điều ASEAN đã làm ngay từ đầu. Tuyên bố năm 1972 về Đông Nam Á là một khu vực hòa bình đã nói chính điều đó. Cái được viết thành điều khoản ASEAN là cam kết rằng không một quốc gia nào có thể đứng nhin một quốc gia khác bị một cường quốc bên ngoài chặt chân tay. Ở châu Á, chúng tôi gặp phải một vấn đề với chủ nghĩa thiển cận chỉ nhìn thấy trước mắt. Chúng tôi thường đặt tiền bạc lên trước văn hóa và văn minh, đó là lý dó vì sao chúng tôi lại dễ dàng bị thuộc địa hóa trong thế kỷ 19."
"Và Ngài định nói là..."
"Hãy để tôi nói hết, vì nó rất quan trọng", vị Chủ tịch Việt Nam ngắt lời. "Các nhà lãnh đạo đồng nghiệp của tôi trong ASEAN hiện đang bị sức ép lớn từ các thương gia Hoa Kiều, những người có một sự kiểm soát đặc biệt đối với các nền kinh tế của nước họ. Ví dụ, 10% dân số Thái Lan là người Hoa. Thế nhưng giới kinh doanh người Hoa chiếm 90% số gia đình giàu có nhất. Tình hình cũng tương tự như vậy khắp Đông Nam Á. Đây là những gia đình có thể khuyên Trung Quốc thay đổi, những gia đình có thể gây sức ép phải cải cách. Nếu họ đoàn kết lại thì họ có thể làm tê liệt nền kinh tế Trung Quốc bằng cách cho đóng băng đầu tư của họ. Tôi hối thúc họ hành động như chúng tôi ở Việt Nam đã từng làm với nước Pháp và Mỹ. Chúng tôi đã chiến đấu và chiến thắng. Chúng tôi đã hy sinh và giờ đây chúng tôi là bạn với cả hai nước theo những điều kiện bình đẳng. Niềm tự hào của chúng tôi là trên hết. Việt Nam chưa bao giờ đặt lợi lộc lên trên nền độc lập và tự do của mình."
"Ngài có hoan nghênh sự giúp đỡ của chính phủ Pháp hay không?"
"Chúng tôi không thể chiến thắng một cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Chúng tôi hoan nghênh sự giúp đỡ của bất cứ ai dành cho chúng tôi."
"Và cả từ những người Mỹ mà các ngài đã đánh nhau quyết liệt với họ cách đây chưa đầy 40 năm?"
"Trước đó chúng tôi đã đánh nhau với Pháp. Và các bạn đã được mời trở lại. Người cha sáng lập nước chúng tôi, Hồ Chí Minh, đã đề nghị dành cảng Cam Ranh cho người Mỹ năm 1945. Nếu họ chấp nhận đề nghị đó thì có lẽ đã không có chiến tranh."
"Đề nghị đó vẫn còn đó chứ?"
"Giờ đây chúng tôi nhận thấy rằng nếu một siêu cường có trách nhiệm yếu đi ở Đông Nam Á thì một siêu cường thiếu trách nhiệm sẽ nhảy vào. Và tôi muốn nói điều này với ông Đại sứ trong phòng thu của các bạn. Chúng tôi có thể đánh nhau với Mỹ và Pháp nhưng binh lính của chúng tôi chưa bao giờ được sử dụng để giết hại đồng bào của mình không giống những gì đã xảy ra ở Trung Quốc."
Người dẫn chương trình quay sang vị Đại sứ Trung Quốc để chờ câu đáp lại.
"Dân tộc Trung Quốc có một lịch sử nghìn năm và có một đặc thù tự trọng dân tộc mạnh mẽ", ông này nói. "Trong hơn một trăm năm qua, dân tộc Trung Hoa đã nếm đủ mùi xâm lăng và tàn phá của các cường quốc phương Tây. Bởi vậy, chúng tôi rất trân trọng nền độc lập và chủ quyền của chúng tôi."
Trong lúc ông Đại sứ cố gắng hùng biện, người phụ trách an ninh Việt Nam bước vào phòng và chuyển nhanh cho ông Nguyễn Văn Tài một mảnh giấy. Chủ tịch đọc mảnh giấy, rồi ngắt lời ông Đại sứ. Giọng Chủ tịch vang lên trong khi ống kính camera vẫn tiếp tục dừng vài giây trên khuôn mặt ông Đại sứ. "Tôi không dám chắc ông Đại sứ đang trình bày điều gì nhưng tôi đã nhận được một vài tin tức tai hại."
"Đề nghị Ngài nói tiếp", người dẫn chương trình giục.
"Ngay lúc này, các máy bay của Trung Quốc đang tiến công các khu dân sự ở thành phố cảng Hải Phòng phía Bắc của chúng tôi và ở thành phố Hồ Chí Minh, quen thuộc hơn đối với nhiều người trong số các bạn là Sài Gòn. Một tên lửa của Trung Quốc đã bắn trúng khách sạn Rex. Ở trong đó đang có khách ăn sáng. Nhiều người đã bị chết. Các khu dân cư ở Hải Phòng đã bị tấn công, chủ yếu gần khu cảng. Một khối nhà cao tầng, nơi các công nhân cảng và gia đình họ đang sinh sống đã bị sập. Mà lại là vào sáng sớm. Nhiều người đang ở nhà. Nhiều tàu buôn đã bị đánh chìm ở Hải Phòng nhưng thiệt hại đó dường như không thấm gì so với những thiệt hại to lớn về sinh mạng."
KHU TÀI CHÍNH KABUTO-CHO, TÔKYÔ
Giờ địa phương: 07h45' thứ Hai 19/02/2001
Giờ GMT: 22h45' Chủ Nhật 18/02/2001
Trời vẫn còn tối khi người lái xe đến đón Kobayashi và đưa cho ông ta tờ "Nihon Keizai (Nikkei) Shimbun", chuyên về tài chính, và tờ "Yomiuri Shimbun", tờ báo khổ rộng đăng tin tức chung. Kobayashi là người đứng đầu bộ phận chiến lược và kinh doanh Công ty chứng khoán Nomura Securiries - công ty buôn bán cổ phiếu và công trái lớn nhất Nhật Bản và thế giới. Ông xem tờ "Yomiuri Shimbun" trước. Đây là tờ báo gần gũi với phe của Thủ tướng Hyashi trong Đảng Dân chủ và ở Nhật Bản, trước hết, chính trị là kinh doanh. Người lái xe của Hidei Kobayashi sáng nào cũng lái xe theo cùng một tuyến đường và sáng nay không phải là ngoại lệ. Sau khi rẽ vào đường Aoyama-Dori, chiếc xe của Kobayashi quay sang phía Đông, về hướng Hoàng cung tới khu Kabuto-Cho. Nhưng sáng nay có một vài cái khác hẳn. Dọc đường, Kobayashi không để ý đến những hàng người xếp hàng rồng rắn tại các trạm xăng dầu. Cuộc tấn công của Trung Quốc vào cảng Cam Ranh đã choán hết chương trình tin vô tuyến tối hôm trước và các buổi phát thanh sáng hôm đó đầy ắp tin về cuộc phong tỏa của hải quân đối với Biển Nam Trung Hoa và cuộc tấn công vào Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh. Những người lái xe Nhật Bản, ông nghĩ, không phó mặc số phận.
Bầu trời sáng dần khi ông tới được Hoàng cung và nơi đây thật yên tĩnh. Hệ thống đường hào vây quanh Hoàng cung giớng như những chiếc gương phản chiếu tuyệt vời những hàng cây tùng, bách cổ thụ được trồng lên để ngăn cản những con mắt thèm thuồng nhòm ngó gia đình hoàng tộc. Ở góc đường Hakumi-Dori và Habiya-Dori - vẫn bị choáng ngợp bởi tòa nhà của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Hỗ tương Daiichi là nơi tướng Mỹ Douglas Mac Arthur đã cai trị Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ II - ông Kobayashi rẽ về đường bắc theo đường Habiya-Dori. Đây là khu phố Marunouchi, nơi đặt trụ sở của giới chiến tranh Nhật Bản "giàu có". Những khối nhà lớn là trụ sở của Mítsui, Mitsubishi và Sumitomo, cũng như một số ngân hàng hàng đầu như Ngân hàng Công nghiệp Nhật Bản. Từ thế kỷ 17, khi Tướng quân Ieasu Tokugawa chọn Edo làm kinh đô, trung tâm thương mại và tài chính này của Tôkyô nằm ở phía Đông và qua đó là Hoàng cung. Sau vụ đánh bom Tôkyô đã xây dựng lại thành phố này, hay ít là khu vực này, theo mô hình của những kẻ tàn phá nó. Marunouchi là một trong những khu phố trông giống phương Tây nhất. Phố xá rộng rãi và qui củ, các khu nhà vuông vắn và chiếm diện tích lớn. Trên đường phố ở một số khu của Marunouchi, như khu Ginza sang trọng, có cảm giác gần giống như Pari. Những hàng cây nhỏ, được cắt tỉa cầu kỳ dọc theo các dãy phố san sát các cửa hàng bán thời trang đắt tiền và những tiệm cà phê lịch sự.
Đó là một buổi sáng mùa đông đẹp trời, lạnh và khô ráo. Bầu trời quang đãng báo hiệu trong ngày sẽ có nắng. Các báo mà Kobayashi xem đều mang các đầu đề nhìn chung là ảm đạm. Hàng tít in đậm trên tờ Nikkei nói hết tất cả: Minami Umi Shokku. "Cú sốc Biển Nam Trung Hoa", đúng vậy. Hành động quân sự của Trung Quốc ngày hôm trước chắc chắn đã đẩy giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Tôkyô xuống thấp. Đồng yên bị sức ép va giá công trái của chính phủ sẽ sụt xuống, điều đó có nghĩa là tỷ lệ lãi suất sẽ tăng lên. Các thị trường chứng khoán khác của châu Á sẽ không miễn dịch với điều này. Công việc của Kobayashi là tìm cách trục lợi từ tình hình lộn xộn này hoặc tối thiểu là hạn chế thấp nhất những thiệt hại đối với công ty của ông. Tiếp tục đi về phía Bắc khoảng 1 km người lái xe rẽ trái vào đường Eitai-Dori. Khi xe của họ đi ngang qua đường Sotobori-Dori, Kobayashi ngước mắt nhìn lên, nhận ra vỏ bề ngoài kiến trúc thời kỳ trước chiến tranh của ngân hàng Nhật Bản, một trong số ít những tòa nhà còn sót lại sau vụ đánh bom của Mỹ. Ông nghĩ, ngân hàng này hôm nay chắc chắn buộc phải tìm cách cắt giảm bớt công việc. Chiếc xe chuyển hướng Bắc vào đường Chuo-Dori và đi về hướng Nihonbashi, cây cầu cũ hai nhịp duyên dáng mà từ đây được lấy làm khởi điểm tính độ dài tất cả các tuyến đường từ Tôkyô đi các nơi và trụ sở của Nomura ở gần đó. Một tin trên tờ Yomiuri làm ông chú ý. Đó là một bài bình luận của giáo sư Hiroshi Sato, một cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Hyashi. Giáo sư Sato nói ông nghĩ rằng Nhật Bản có thể xây dựng một thứ gì đó mới mẻ từ nghịch vận hiện nay. "Từ lâu chúng ta luôn sẵn sàng nấp dưới váy người khác. Chúng ta có những lợi ích quốc gia chính đáng và chúng ta phải khẳng định chúng bằng mọi phương tiện sẵn có của mình."
THÔNG BÁO TIN TỨC DẦU LỬA
Tại cuộc họp buổi sáng của nhóm hoạch định chiến lược và thương mại của Kobayashi, chủ đề thảo luận duy nhất là việc Trung Quốc chiếm Biển Nam Trung Hoa. Ít người thấy việc này có một cái gì đó tốt đẹp cho Nhật Bản. Việc lệ thuộc của nước này vào nguồn cung cấp năng lượng của nước ngoài đã được bàn cãi nhiều trên báo chí. Chỉ có 14% tổng nguồn cung cấp điện của Nhật Bản là thuộc các cơ sở hoàn toàn nắm dưới quyền kiểm soát của nước này - điện hạt nhân và thủy điện. Phần 86% còn lại là từ dầu lửa, than đá hoặc khí đốt mà nhiên liệu cung cấp là nhập khẩu. Đa số các mặt hàng nhập khẩu đó - hơn 90% - phải đi qua Biển Nam Trung Hoa. Cuộc thảo luận chuyển sang tác động có thể có đối với Nhật Bản do bị gián đoạn nguồn cung cấp hoặc việc tăng giá dầu kéo dài. Việc gián đoạn nguồn cung cấp được nhìn nhận là không thể xảy ra. Nếu hoạt động hàng hải quốc tế bị cấm qua lại Biển Nam Trung Hoa thì tàu bè từ vịnh Pecxích và từ Ôxtrâylia có thể đi ngược lên bờ biển phía Đông Philippin. Tuyến đường này kéo dài thời gian đi lại thêm 4 đến 5 ngày, điều này tuy gây ra những đảo lộn nhưng hoàn toàn nằm trong giới hạn có thể chấp nhận được nhờ những kho dự trữ dầu của nước này. Tuy nhiên, nó sẽ làm tăng giá dầu nhập theo giá CIF. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới giá xăng trong nước. Tuy thế, tác động lớn hơn về giá được xác định sẽ bắt nguồn từ phản ứng của các thị trường dầu lửa quốc tế trước những sự kiện xảy ra ở Biển Nam Trung Hoa.
Dầu lửa không phải là nhân tố duy nhất. Nhiều công ty của Nhật Bản có quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế Trung Quốc. Trong những năm mở cửa, giới cầm quyền Bắc Kinh, nghi kỵ những ảnh hưởng của bên ngoài, đã khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm các đối tác tại địa phương và cùng với họ lập các công ty liên doanh. Tuy nhiên, thời gian gần đây Trung Quốc đã cho phép các công ty nước ngoài tự tổ chức công việc kinh doanh của họ, không cần các đối tác địa phương. Nhìn chung, những công ty am hiểu nhiều về việc làm ăn ở Trung Quốc thích các dàn xếp "đứng riêng rẽ" này hơn. Làm ăn riêng rẽ một mình không phải không mất phí tổn nhưng là một sự rủi ro mà nhiều công ty đã dám chấp nhận vì việc kiểm soát, quản lý chủ yếu nằm trong tay nhà đầu tư và lợi nhuận không phải chia sẻ với các nhà đầu tư địa phương. Một ví dụ điển hình, và giờ đây dễ bị tổn thương, của điều này là Công ty Matsushita Electric, nổi tiếng về mặt hàng điện tử dân dụng nhãn hiệu NATIONAL. Công ty này đã đầu tư lớn vào Trung Quốc, đặc biệt ở khu vực Đông Bắc có thời gọi là Mãn Châu Lý, hay được gọi là Manchuko trong thời kỳ người Nhật Bản kiểm soát. Tại cảng Đại Liên ở phía Đông Bắc, nơi công ty Matsushita đổ khoản đầu tư lớn nhất của họ - 180 triệu đôla để sản xuất đầu video. Đối với người Trung Quốc, khoản đầu tư đó của Nhật Bản là hào phóng có một ý nghĩa vừa ngọt vừa đắng. Đây là khu vực buôn bán mà Nhật Bản đã xâm lược và chiếm đóng từ tay chính phủ Quốc dân đảng què quặt trong những năm 30. Tuy nhiên, trước đó người Nhật Bản đã đánh bại hạm đội Thái Bình Dương của Nga, và chỉ cho thế giới thấy rằng người châu Á có thể chiến đấu và chiến thắng trước một siêu cường châu Âu. Nhưng các nhà quản lý của Matsushita cũng biết rằng Trung Quốc là một đất nước gồm nhiều vùng mà ở đó những ưu tiên của địa phương thường được đặt cao hơn những nguyện vọng quốc gia. Do vậy công ty này phân tán sự hào phóng của họ ra khắp cả nước. Ở Quảng Châu, họ đã đầu tư 35 triệu đôla vào một nhà máy chế tạo máy cạo râu điện, 28 triệu đôla sản xuất các mặt hàng đồ điện như nồi cơm điện; và ở Bắc Kinh họ đã đầu tư 28 triệu đôla vào các trạm tiếp âm tổng đài điện thoại. Quan điểm không hoàn toàn gây ngạc nhiên của cuộc họp là công ty Matsushita chắc chắn sẽ bị tác động. Kobayashi nhận xét rằng Matsushita có một chút gì đó giống Boeing, công ty hàng không của Mỹ. Cả hai đều đổ những khoản đầu tư lớn vào Trung Quốc và cả hai đều cột chặt vận may của họ vào sự thành công của chương trình hiện đại hóa của Trung Quốc.
Ở tư thế dễ bị sức ép bán tống bán tháo đi sẽ là một số công ty lớn, như công ty dầu lửa Nippon Oil, với những khoản đầu tư lớn ở Biển Nam Trung Hoa và chiếm 30% cổ phần mỏ dầu Discovery I ở Hoàng Sa. Điều này đã đặt Nomura vào một tình thế tế nhị. Với tư cách là công ty môi giới của Nippon Oil, danh dự đòi hỏi họ không được bán các cổ phần của công ty này. Cách đây nhiều năm, công ty này đã làm công việc lưu hành cổ phiếu của Nippon Oil trên thị trường chứng khoán Tôkyô và là đại diện của công ty này trong tất cả các vụ giao dịch. Và, mối quan hệ đó, trải qua 30 năm đến nay, đã trở nên sâu sắc hơn. Bất kỳ khi nào Nippon Oil muốn tăng nguồn vốn mới để mở rộng hoạt động Nomura đều cố vấn phương thức tài trợ tối ưu. Quả thực, Nomura đã dàn xếp khoản tiền vay 30 tỷ yên mà Nippon Oil đã phát hành để tài trợ cho phần của họ trong việc khai thác mỏ dầu Discovery I. Nomura là công ty chứng khoán lớn nhất Nhật Bản, chiếm 40% lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán Tôkyô. Tuy nhiên chỉ có 25% được thực hiện dưới danh nghĩa Nomura. Số còn lại được xử lý bởi các công ty chi nhánh, kinh doanh dưới các tên khác nhau. Mặc dù với vẻ bề ngoài hiện đại, Tôkyô không giống như Luân Đôn và phố Uôn. Danh dự, lòng trung thành và nghị lực bền bỉ đã tạo ra những vị tướng quân của khu Kabuto-cho. Đây là chủ nghĩa tư bản, mang phong cách Nhật Bản. Nó hoạt động có hiệu quả. Nó đã tạo ra quốc gia lãnh đạo kinh tế không có đối thủ này của châu Á trong khoảng thời gian chưa đầy một thế hệ. Tuy nhiên, Kobayashi tuyệt nhiên không thể nào hình dung nổi việc bán các cổ phiếu của Nippon Oil. Làm như vậy sẽ tiêu tan linh hồn của truyền thống ngân hàng Nhật Bản. Ông cũng phải hành động trong khuôn khổ những lợi ích tối ưu của tổ chức danh tiếng của mình. Kobayashi chỉ thị cho một chi nhánh của Nomura xử lý các lệnh bán chứng khoán của Nomura, trong khi Nomura, dưới dang nghĩa của chính nó, sẽ thực hiện mọi lệnh "mua chứng khoán" theo cách của công ty. Bằng cách này, Nomura sẽ được nhìn nhận là đang hỗ trợ cho Nippon Oil.
Và, ai có thể sẽ là những người bán? Họ rơi vào hai nhóm: Bán lẻ và chuyên nghiệp. "Bán lẻ" là biệt ngữ thị trường chỉ các nhà đầu tư qui mô gia đình. Họ chính là những người mà Kobayashi đã nhìn thấy xếp hàng mua xăng trên đường ông đi làm và họ thường là những người phụ nữ và họ rất mạnh. Các nhà đầu tư lẻ chịu trách nhiệm 23% lượng giao dịch của thị trường Tôkyô. Bà nội trợ Nhật Bản cũng có tính quyết đoán không kém đức ông chồng "sống bằng lương" của mình. bà ta quản lý các khoản tài chính gia đình, theo thông tục ở Đông Á, và là một nhà đầu tư thị trường chứng khoán đầy kinh nghiệm. Sau khi đã nạp đầy xăng cho chiếc xe gia đình, công việc tiếp theo mà bà Suzuki ghê gớm của Nhật Bản sẽ làm là gọi điện cho người môi giới để tìm hiểu việc bán cổ phiếu. Kinh nghiệm cay đắng đã dạy cho Kobayashi rằng công ty không thể nào cản được đường của những người phụ nữ này. Tốt hơn hết hãy chuyển các khoản tiền của họ đi nơi khác. Với đồng yên đang bị sức ép thì đồng đôla là nơi họ hướng vào.
Tiếp đó là các nhà chuyên nghiệp. Đây là các công ty ủy thác và đầu tư lớn của Nhật Bản quản lý những khoản tiền hưu bổng. Chúng là những công ty khổng lồ và hùng mạnh nhưng thật ngược đời là bất lực. Chúng lớn tới mức việc thay đổi hướng đầu tư cũng giống như những khó khăn mà vị thuyền trưởng chiếc tàu chở dầu siêu nặng gặp phải khi tìm cách lái quay đầu 180 độ. Việc này có thể làm được nhưng đòi hỏi phải có thời gian và diện tích lớn để thực hiện. Các nhà chuyên nghiệp, ở chừng mực lớn, bị khóa chân khóa tay. Họ có thể điều chỉnh một chút cổ phiếu của họ nhưng không thể toàn bộ. Họ bị phó mặc cho "các quỹ đầu tư". Đây là các nhà quản lý tiền, những người trong nháy mắt có thể chuyển hàng trăm triệu đôla từ đầu này của thế giới sang đầu bên kia và ngược lại. Họ đặt cược lớn vào các cổ phiếu, vào hàng hóa, vào công trái, vào các đồng tiền và thường thắng, và thua, một cách ngoạn mục. Nhưng mới lo ngại thực sự của Kobayashi là các quỹ đầu tư tín mục. Nhưng mối lo ngại thực sự của Kobayashi là các quỹ đầu tư tín thác hỗ huệ của Mỹ. Sức mạnh của các quỹ này đã trở nên đáng sợ. Trong những năm 80, chúng đã trở thành công cụ tiết kiệm được ưa chuộng của công dân Mỹ. Vào cuối năm 1995, tổng giá trị các quỹ này là 1.250 tỷ đôla. Kể từ đó các quỹ này đã phát triển mạnh, với mức tăng trung bình hàng năm 10%, và trước Cuộc Tấn Công Của Con Rồng, các nhà quản lý quỹ đầu tư tín thác của Mỹ đã kiểm soát một khối lượng tài sản khoảng 2.600 tỷ đôla. Cơ sở tài sản của họ gây choáng váng và họ đã đầu tư một phần tài sản đó ở châu Á. Nhưng, đây chỉ là khoản tiền lưu động. Các nhà quản lý quỹ đầu tư tín thác nổi tiếng bị thúc đẩy bởi nhu cầu kiếm những khoản lời ngắn hạn. Nay đây mai đó, sự có mặt của họ ở các thị trường chứng khoán châu Á đã làm tăng đáng kể tính chất bấp bênh về giá cổ phiếu. Chỉ bằng một cú điện thoại, một nhà đầu tư ở Kansas có thể bán những cổ phiếu Hồng Kông và mua các trái phiếu kho bạc của Mỹ; bán cổ phiếu châu Âu và mua cổ phiếu Ôxtrâylia. Tuy nhiên, những giao dịch cá nhân không thấm vào đâu so với những quyết định của các nhà quản lý đầu tư. Kobayashi biết rõ từ kinh nghiệm kinh doanh của công ty Nomura là chỉ qua một đêm các quỹ đầu tư tín thác đó - vì tất cả niềm tin của họ vào Thế kỷ Thái Bình Dương - sẽ rút các khoản tiền của họ về nước. Và quyết định mà các nhà quản lý đã đưa ra trong ngày chủ nhật là bán ra.
DINH TỔNG THỐNG MALACANGANG, MANILA
Giờ địa phương: 07h00' thứ Hai 19/02/2001
Giờ GMT: 23h00' Chủ Nhật 18/02/2001
Thư ký riêng của Tổng thống Philippin, Miguel Luzong, mở cánh cửa hai lớp bằng gỗ tếch bước vào phòng hội nghị mà không gõ cửa. Khi ông ta vào phòng thì sự tập trung của Tổng thống bị lái sang những tin tức mà ông ta sắp nhận được. Cuộc thảo luận quanh bàn đã lắng xuống rồi im bặt khi người nguyên là chỉ huy các lực lượng vũ trang Philippin này được thông báo về tình hình trên bãi đá ngầm Mischief.
"Việc này vừa xảy ra, thưa Ngài", viên thư ký riêng trình báo.
Ông Luzong phát biểu trước cuộc họp các Bộ trưởng và các thương gia. "Thưa quý vị, binh lính của chúng ta đã vấp phải sự kháng cự trong nỗ lực của họ nhằm lấy lại Mischief Reef và chúng ta đã mất liên lạc. Chúng ta đang gửi quân tiếp viện tới."
Ông thị trưởng Manila đầy quyền lực, Hernesto Lim, một người Philippin gốc Trung Quốc, nhanh chóng đáp lại. "Không nên, thưa Ngài Tổng thống. Nhân danh cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, chúng tôi đề nghị ngài rút về. Nếu chúng ta gửi quân tiếp viện, họ sẽ gửi quân tiếp viện. Chúng ta không thể giữ được lãnh thổ đó, không có bất kỳ lý do gì trừ lòng tự hào dân tộc mà chúng ta muốn làm việc đó."
"Lòng tự hào dân tộc không phải là một tình cảm không quan trọng, thưa ông Hernesto", ông Luzong phản lại.
"Nó là một căn bệnh đang gây khổ sở cho chính phủ Trung Quốc ở thời điểm hiện nay và có thể tiêu diệt chính phủ đó. Đất nước ta đã phải chịu căn bệnh độc tài trong 20 năm rồi. Nó đã biến chúng ta trở thành kẻ ốm yếu của châu Á. Trong lúc Triều Tiên, Đài Loan, Malaixia và Thái Lan đã trở nên giàu có, thì Philippin lại trở thành một trò đùa. Thưa Tổng thống, cuộc xung đột Biển Nam Trung Hoa này không phải là một cuộc xung đột cho chúng ta. Nó là dành cho Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Nếu chúng ta đứng về phía nào đó, như chúng ta đã từng làm trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh thì tinh thần dân tộc của chúng ta sẽ một lần nữa bị hủy hoại. Chúng ta sẽ bị tố cáo là bù nhìn của Mỹ. Chúng ta hãy noi gương Malaixia. Họ đã từ bỏ các bãi đá Mariveles, Ardasier và Swallow, ngay cả căn cứ không quân của họ trên đảo Terumbi Layanglayang. Hãy quên bãi đá ngầm Mischief đi. Chúng ta đã tự thoát ra khỏi người Mỹ năm 1992. Chúng ta đã phục hồi dân chủ. Chúng ta đang xây dựng những nền tảng của một di sản Philippin mà chúng ta có thể tự hào về nó. Nền kinh tế của chúng ta mà phần nhiều trong đó đã gắn liền với các cộng đồng người Hoa khắp thế giới, đang phát triển mạnh. Chúng ta đã tham gia cuộc Chiến tranh Lạnh trong lúc các nước láng giềng ASEAN của chúng ta giữ một vai trò nhỏ bé và trở nên giàu có. Nếu một cuộc xung đột toàn cầu nữa kéo đến, chúng ta đừng dính vào. Chúng ta hãy tập trung vào việc xây dựng các bảo vệ, đường sá, sân bay, bến cảng, các trạm phát điện, trường học và nhà ở cho dân chúng của chúng ta. Những cái đó, thưa ngài, là nhiệm vụ của chúng ta với tư cách là các lãnh đạo đất nước."
"Và chúng ta để mặc Trung Quốc chiếm Biển Nam Trung Hoa?", ông Luzong vặn lại.
"Điều đó có ý nghĩa gì? Họ sẽ cho phép buôn bán."
"Các viên tướng của tôi sẽ không để yên."
"Rồi họ sẽ chọn một trận đánh mà họ có thể thắng. Nếu họ không thể đánh bại kẻ khủng bố Hồi giáo ở miền Nam, thì họ không nên chọn một trận chiến với Quân giải phóng Nhân dân."
Không đề nghị bỏ phiếu, Tổng thống nhìn vào từng người có mặt trong phòng, sau đó gật đầu ra hiệu cho viên thư ký riêng dừng việc thu hồi bãi ngầm Mischief.
NHÀ TRẮNG, OASINHTƠN, DC
Giờ địa phương: 18h45' Chủ Nhật 18/02/2001
Giờ GMT: 23h45' Chủ Nhật 18/02/2001
Hai mươi bốn giờ sau cuộc họp thứ nhất, James Bradlay, Tổng thống Mỹ, ngồi một mình với Martin Weinstein, Cố vấn An ninh quốc gia của ông. Những hình ảnh đầu tiên của cuộc oanh tạc thành phố Hồ Chí Minh đang được phát trên kênh truyền hình CNN. Người phóng viên suy đoán cố đô này đã được chọn làm mục itêu vì nó là nơi nghỉ đông ưa chuộng của nội các Việt Nam.
"Điều này chứng minh khả năng tấn công tầm xa của họ", Weinstein thì thầm. "Sài Gòn cách Du Lâm, căn cứ không quân xa nhất về phía Nam của họ 500 km. Nó là bằng chứng về khả năng tiếp nhiên liệu trên không của họ, cho phép họ ít nhất 30 phút tấn công, quay đầu và trở về. Chúng ta gọi nó là thời gian la cà lãng phí."
Lời kêu gọi của ông Nguyễn Văn Tài, được lồng tiếng và dịch sang tiếng Anh, được phát đi trên nền cảnh tàn phá trên nóc khách sạn Rex. Một phụ nữ Mỹ, máu chảy ròng ròng trên mình, ôm một đứa trẻ quấn trong một tấm khăn trải bàn chạy ra khỏi đống đổ nát.
"Vậy, ông có gì cho tôi, Marty?"
Ông Cố vấn An ninh quốc gia đã phác họa khả năng quân sự trước mắt của Mỹ.
Tàu sân bay 100.000 tấn chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Harry S. Truman đã được đổi hướng từ vùng biển Nhật Bản tiến vào khu vực phong tỏa của Trung Quốc. Chưa có thông báo công khai nào được đưa ra. Chiếc này có thể tới khu vực ở rìa Biển Nam Trung Hoa trong vòng 24 giờ. Chiếc tàu này chở 20 máy bay chiến đấu Tomcat F-14, 36 máy bay chiến đấu ném bom Hornet F/A-18, 4 máy bay chống nhiễu điện tử Prowler EA-6B, 4 máy bay báo động sớm Hawkeye E-2C, 6 máy bay săn tàu ngầm Viking S-3A và 8 máy bay trực thăng cứu hộ Seahawk SH-3.
Chiếc tàu sân bay này chỉ huy một nhóm tàu chiến hùng mạnh mà một khi đã có mặt ở Biển Nam Trung Hoa thì chúng có thể triển khai sức mạnh khắp khu vực. Nhóm này gồm tàu khu trục mới tinh USS Oscar Austin lớp Arleigh Burker trang bị tên lửa có điều khiển trọng tải 9.217 tấn, vừa đưa vào hoạt động trước đó 1 năm, mang theo các tên lửa chống tàu Harpoon, thủy lôi chống tàu ngầm (ASROC) và các thủy lôi MK50; khinh hạm trọng tải 4.100 tấn USS Ford lớp Oliver Hazard Perry trang bị tên lửa có điều khiển và các loại vũ khí tương tự, tàu khu trục USS Hayler lớp Spruance trọng tải 8.040 tấn, với vũ khí trang bị bao gồm các tên lửa hành trình tầm xa đối đất và chống tàu Tomahawk và các tên lửa phòng không Sea Sparrow; tàu chở đạn USS Shasta lớp Kilauea; tàu chở dầu USS Willamette lớp Jumboized Cimarron; các tuần dương hạm Aegis 9.466 tấn trang bị tên lửa có điều khiển USS Port Royal và USS Vella Gulf lớp Ticonderoga. Hai tàu này mang các tên lửa biển đối không tiêu chuẩn Tomahawk, Harpoon và các thủy lôi ASROC, MK32 và MK50. Ba tàu ngầm tháp tùng nhóm tàu này là các tàu USS Cheyenne, Columbia và Boise lớp Los Angeles.
Một nhóm tàu chiến khác của Mỹ do tàu sân bay USS Nimitz chỉ huy do tuổi tác của nó được triển khai hoạt động hạn chế ở khu vực Đông Á. Cùng với nó là tàu tấn công đổ bộ USS Peleliu lớp Tarawa. Với 1.600 lính thủy đánh bộ trên boong, chiếc tàu này vừa tham gia cuộc diễn tập huấn luyện chung cứu nạn quốc tế với thủy quân lục chiến Philippin và đang trên đường trở về Hawaii thì được lệnh ở lại cùng tàu Nimitz. Nhóm tàu chiến đấu này đang giữ vị trí của nó ở vùng biển Sulu gần quần đảo Cagayan giữa Negros và Palawan. Từ đây tới Biển Nam Trung Hoa mất 8 giờ tàu chạy.
"Marty, hẳn ông đang nói với tôi rằng chúng ta có thể tiến vào vùng biển đó và lấy lại Biển Nam Trung Hoa và các hòn đảo?" Bradlay hỏi.
"Đúng và không đúng, thưa Tổng thống", Weinstein trả lời. "Người Trung Quốc có một lực lượng lục quân, hải quân và không quân kém cỏi. Thế nhưng, về tên lửa thì người ta có thể nói rằng họ sắp bắt kịp chúng ta. Chỉ cần một quả tên lửa bắn lọt qua hàng rào bảo vệ là có thể gây ra sự tàn phá. Tàu Bunker Hill đang có mặt ở đó có thể hỗ trợ các hoạt động tình báo thu thập hình ảnh (IMINT) của chúng ta. Hệ thống này có thể theo dõi bất cứ quả tên lửa nào từ lúc được phóng lên không trung cho tới khi rơi xuống mục tiêu. Do vậy, người Trung Quốc có thể tăng sự đặt cược và đe dọa phóng một quả tên lửa vào Việt Nam hoặc làm một cái gì đó nếu chúng ta có động thái chống lại họ."
"Và chúng ta không thể bắn rơi quả tên lửa đó?"
"Không có sự đảm bảo nào cả. Và còn một điểm nữa."
"Nói tiếp đi."
"Chúng ta có vấn đề tương tự như Trung Quốc. Chúng ta có thể lấy Biển Nam Trung Hoa, nhưng chúng ta không thể giữ được nó. Lực lượng hải quân tuyệt vời nhất thế giới thuần túy đơn thuần là không đủ mạnh. Các lực lượng vũ trang của chúng ta đang thật sự chịu những tổn thất bởi kế hoạch Cơ bản được tướng Colin Powell, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân hồi đó thực hiện năm 1992. Các tàu hải quân của chúng ta đã bị cắt giảm từ 443 chiếc xuống 340 chiếc; các nhóm tàu sân bay từ 14 xuống 12; các phi đoàn máy bay chiến đấu của không quân giảm từ 16 xuống 13. Các lực lượng vũ trang đã bị cắt giảm và cắt giảm, trong khi các cam kết của chúng ta thì ngày càng tăng."
"Nhưng chúng ta vẫn có thể điều động thêm 4 nhóm tàu sân bay nữa tới Biển Nam Trung Hoa."
"Lại một lần nữa, được và không được, thưa Tổng thống. Chúng ta hiện triển khai 35 nhóm tác chiến khắp thế giới. Hiện có 160.000 nhân viên đang phục vụ các nhiệm vụ khác nhau từ 35.000 người ở bán đảo Triều Tiên tới 2.000 người ở Burunđi. Các hoạt động này rất hao phí của. Ở Burunđi là 120 triệu đôla. Việc giải quyết người tỵ nạn Caribê tại căn cứ Guantanamo ở Cu Ba của 1.100 binh sĩ tiêu tốn mỗi năm 250 triệu đôla. Những xung đột nổ ra không thể biết trước với Irắc và Lybi làm thiệt hại tới 550 triệu đôla. Chỉ cần tăng mỗi nơi một chút là bị Quốc hội để ý. Chúng ta thường phải xin xỏ mỗi khi chúng ta muốn triển khai một hoạt động mới."
"Việc bố trí các lực lượng vũ trang của chúng ta hiện nay chính là nhằm vào các hoạt động đa phương này và việc này đã diễn ra từ những năm 90, khi chúng ta bước vào việc triển khai sau Chiến tranh Lạnh. Nhưng việc cắt giảm này có nghĩa là chúng ta không đủ khả năng tiến hành hai cuộc xung đột khu vực cùng một lúc. Một ví dụ là máy bay vận tải mới C-17. Các hoạt động của chúng ta có nghĩa là phải không vận hàng nghìn binh lính thật nhanh. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, chúng ta có thể phải đến Việt Nam hoặc chúng ta có thể phải thuyết phục Philippin cho chúng ta trở lại. Phi đoàn không vận C-17 của chúng ta thiếu 30 máy bay vì số này chưa xuất xưởng. Khả năng của Mỹ tiến hành hai cuộc xung đột khu vực lớn vẫn hạn chế cho tới năm 2006."
"Tôi nghe ông nói, Marty, nhưng ngay lúc này chúng ta chỉ có một cuộc xung đột, ở Biển Nam Trung Hoa."
"Đó là ở thời điểm tuần này, thưa Tổng thống."
Hai người im lặng một lúc, theo dõi những hình ảnh cuộc ném bom ở Hải Phòng. Lửa và khói đen bùng lên từ một khu nhà. Tàu bè đã bị lật úp cháy ngùn ngụt ở khu cảng.
"Có những ai đứng về phía chúng ta", Bradlay hỏi.
"Tâu Âu. Phần lớn bọn họ sẽ lớn tiếng. Nhưng chúng ta có thể dựa vào Pháp và Anh. Nhật Bản là một đồng minh. Thế nhưng chúng ta liệu có muốn họ dính líu vào về mặt quân sự hay không? Những bóng đen của Chiến tranh Thế giới Thứ II và những gì tương tự như thế. Ấn Độ lo ngại Trung Quốc và Pakixtan. Họ muốn chúng ta ở bên cạnh. Không nên trông chờ vào Pakixtan. Họ đã trở nên sâu nặng với Trung Quốc. Máy bay huấn luyện phản lực Karakoram-8, xe tăng Khalid, tên lửa chống tăng HJ-8 và tên lửa đất đối không Anza-2 của họ đều dựa trên cơ sở thiết kế và công nghệ của Trung Quốc. Quân đội Mianma được Quân giải phóng nhân dân trang bị và trả lương. Những nước còn lại ở Đông Nam Á muốn kiếm chác. Nếu Mỹ có vẻ làm hỏng việc kiếm tiền của họ thì họ sẽ không ủng hộ chúng ta. Châu Phi không thành vấn đề."
"Người Nga thì sao?" Tổng thống hỏi.
"Ngay lúc này, họ có những đội kỹ sư trên đảo Hải Nam, làm công việc bảo dưỡng các máy bay SU-27 ở căn cứ Du Lâm, các tàu ngầm Kilo ở căn cứ tàu ngầm Tam Á kế bên, và nhiều vũ khí mà họ đã bán cho Trung Quốc ở Trạm Giang, tổng hành dinh của hạm đội Hoa Nam. Quan trọng nhất, các nhà khoa học của họ đang giúp các chương trình tên lửa của Trung Quốc. Không có sự hợp tác của Nga, thưa ngài, chúng ta sẽ ờ vào vị trí thuận lợi trong một cuộc chiến tranh với người Trung Quốc."
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TÔKYÔ
Giờ địa phương: 09h00' thứ Hai 19/02/2001
Giờ GMT: 24h00' Chủ Nhật 18/02/2001
Phiên giao dịch buổi sáng, ở Tôkyô kéo dài từ 9 giờ 00 phút đến 11 giờ 00 phút, là quá tải, với khối lượng giao dịch 200 triệu cổ phiếu. Những điều gây lo ngại là mức độ tụt giá cổ phiếu theo chỉ số Nikkei Matsushita, Nippon Oil và một loạt đại công ty có cổ phần thượng hạng khác của Nhật Bản. Chỉ số này vượt quá hàng rào 40.000 vào cuối tháng giêng, và kết thúc buổi giảm hơn 400 điểm, hoặc thấp hơn 1%, ở mức 39.7000. Điều đáng lo ngại hơn vẫn là sự dao động của đồng yên. Trước đó nó được giao dịch với biên độ hẹp từ 120 yên đến 125 yên ăn 1 đôla, nhưng trong phiên giao dịch buổi sáng ở Tôkyô, nó giảm 6,2 yên xuống còn 143,6 yên - phá giá 4%. Ngân hàng Nhật Bản bán mạnh đồng đôla lấy đồng yên, nhưng đôla là thứ mà thị trường muốn mua... trừ First China. Khi các nhà đầu tư bán tống bán tháo đồng yên thì ngân hàng này bắt đầu tính toán các chứng khoán ngắn hạn bằng đồng yên của họ. Ngân hàng First China, với sự hậu thuẫn của tướng Triệu, đã vay 248 tỷ yên và ngay lập tức bán ra thành các khoản có kỳ hạn. Chắc chắn sẽ thắng, tỷ giá tại chỗ của đồng yên so với đồng đôla - tỷ giá mà người ta giao dịch từng phút trong ngày - chắc chắn sẽ sụt giảm từ tỷ giá trung bình 124 yên là mức mà ngân hàng First China đã vay. Sự sụt giá của đồng yên chính là điều mà Phillips và tướng Triệu đã tiên đoán. Chỉ riêng ngày hôm đó ở Tôkyô, ngân hàng này đã xoay sở kiếm được cho tướng Triệu khoản lãi tổng cộng là 10,8%, tương đương 181,95 triệu đôla. Tuy nhiên, Damian Phillips chỉ là một khán giả tinh tường vào hôm thứ hai. Ông ta biết là đồng yên còn tiếp tục sụt giá nữa.
THÔNG BÁO TIN TỨC HỒNG KÔNG
Năm 2001, ở các nước Đông Nam Á có các nhóm thiểu số gốc Hoa tương đối lớn. Hàng chục triệu người đã trốn tránh các cuộc nội chiến, những vụ xáo động và nạn đói ở nước họ đi tới khắp mọi ngõ ngách xa xôi trên thế giới. Họ xây dựng các tuyến đường sắt ở Canađa, Mỹ và Ôxtrâylia và ở lại đó để đãi vàng, mở các nhà hàng và kinh doanh, nhưng phần đông thì di cư sang các nước nằm ven Biển Nam Trung Hoa. Ở những nước này, sự nhạy bén về kinh doanh đã giúp họ xây dựng được các vương quốc tiền tệ hùng mạnh làm còi cọc những vương quốc tiền tệ của người bản xứ nhìn chung không có đầu óc kinh doanh. Nhỏ về số lượng, số Hoa kiều này đã nắm được quyền lực to lớn về tài chính. Ở Inđônêxia chỉ có 3,5% dân số là người hoa nhưng họ đã kiểm soát tới 80% tài sản của 300 công ty hàng đầu. Hình thức chi phối kinh tế này được lặp lại ở khắp khu vực. Ở Philippin, người Hoa chiếm 2% dân số và kiểm soát tới 60% thị trường chứng khoán; và ở Thái Lan khoảng 10% dân số và 80% thị trường chứng khoán. Hồng Kông là điểm tại đó người Trung Quốc hải ngoại gặp gỡ người Đại Lục. Trong khi họ vẫn chán ghét chế độ Cộng sản đã xua đuổi nhiều người trong số họ phải chạy khỏi Trung Quốc, nhưng sự trung thành của họ với những lời giáo huấn của nhà hiền triết thời cổ Khổng Tử và lòng yêu mến của họ đối với đất nước Trung Quốc vẫn không hề mai một. Điều quan trọng là, các mối liên hệ của họ với quê hương nơi chôn rau cắt rốn của tổ tiên họ không bị lỏng lẻo đi chút nào. Các thương gia Hoa kiều từ Inđônêxia, Malaixia, Xingapo và Philippin, theo truyền thống, thường sử dụng Hồng Kông làm cơ sở để giữ tài sản ở "nước ngoài" của họ. Giờ đây, Hồng Kông đã trở thành đầu cầu cho cuộc tiến công thương mại của họ vào Trung Quốc và là nơi họ cảm thấy thoải mái nhất để uống rượu và ăn nhậu với các bạn hàng Đại Lục của họ.
Kể từ khi Đại Lục tiếp quản Hồng Kông ngày 01/07/1997, dường như ít thấy có sự thay đổi. Hồng Kông vẫn giữ nguyên dáng vẻ hùng vĩ hiện đại kỳ lạ của nó. Các khối nhà cao tầng bằng kính và thép, do một số nhà thầu xây dựng các công trình lớn cho các chủ giàu có hàng đầu của thế giới thiết kế, được xây dựng sừng sững trên nền mặt phía Bắc dốc thẳng đứng của đỉnh Vitoria Peak. Đối với du khách dừng chân ở đây ba ngày trên đường sang Ôxtrâylia hoặc trước khi hay sau khi thăm Trung Quốc, Hồng Kông dường như vẫn nhộn nhịp như thường lệ. Chợ Stanley vẫn mời chào những chiếc áo phông rẻ tiền và những đồ sứ giả đời Minh, chợ đồ trang sức ở Kowloon vẫn buôn bán sôi động và trước sự ngạc nhiên của nhiều người (đặc biệt vì những luật lệ khắt khe của Trung Quốc về việc xuất khẩu đồ cổ) là vẫn có thể mua được một con ngựa đời Đường (618-907 trước công nguyên) tại các cửa hiệu bán đồ cổ dọc đường Hollywood ở khu trung tâm. Nhưng dưới cái vẻ bề ngoài ấy, ông chủ mới cứng rắn hơn đã thực hiện quyền lực thay những người tiền nhiệm hòa nhã và có thái độ thờ ơ. Trung Quốc đã thực hiện những hình thức bên ngoài của cuộc sống dân sự mà người Anh để lại. Bắc Kinh không cần phải đưa các quan chức từ thủ đô xuống để cai quản Hồng Kông; thông qua sự thuyết phục họ đảm bảo chắc chắn rằng những người được họ lựa chọn đã tìm thấy sự thắng lợi trong các cuộc bầu cử vào quốc hội địa phương hoặc trong những vụ bổ nhiệm vào những chức vụ cao cấp nhất trong chính quyền, học viện và phương tiện thông tin đại chúng. Thời điểm tệ hại nhất đối với các nhà quản lý địa phương là mùa đông. Kể từ khi tiếp quản, Hồng Kông đã trở thành một nơi được ưa chuộng cho nhiều nhà lãnh đạo cao tuổi của Đảng và Quân đội đến nghỉ ngơi trong những tháng khắc nghiệt nhất của mùa đông ở miền bắc Trung Quốc. Một khu đất rộng lớn phía Đông Nam của hòn đảo ở Chum Hum Kok - nơi người Anh đã từng sử dụng để do thám người Quảng Đông bản xứ gọi nơi này là "làng nghỉ hưu". Nhưng đây chỉ là một chuyện đùa được kể thầm qua tai nhau. Chỉ một cú điện thoại từ bất kỳ ai trong khoảng 30 nhà lãnh đạo cao cấp đang ẩn dật ở khu nghỉ này thì một sự nghiệp, mặc dù hiếm khi là một mạng sống, có thể đi tiêu. Ngoài sự can thiệp bừa bãi của các nguyên lão, sự kiểm soát của Bắc Kinh còn được thực hiện tại cuộc họp hàng tuần giữa Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, tước hiệu được đặt ra sau thời thuộc địa tương đương với thống đốc, với đại diện cao cấp của Bắc Kinh ở "Đặc khu hành chính" này. Chỉ một cái bĩu môi hay nheo mày của vị đại diện Bắc Kinh cũng đủ cho vị Trưởng đặc khu hành chính biết rằng liệu sự lựa chọn của ông ta, ví dụ, cho chức giám đốc bệnh viện hay cơ quan tiền tệ có được sự ủng hộ của Bắc Kinh hay không.
Các phương tiện thông tin đại chúng đi đều theo nhịp trống. Đảng Cộng sản rất năng nổ trong việc cài cắm những điệp viên tin cậy vào tòa báo và các đài phát thanh tiếng Trung và tiếng Anh. Cùng với sự bóp nghẹt của Đảng đối với các trường đại học, việc tiếp quản các phương tiện thông tin đại chúng là một trong những hoạt động thành công nhất của Đảng ở Hồng Kông, thành công hơn vì hầu như không bị nhận ra. Những người leo lên những vị trí chóp by trong các phương tiện truyền của Hồng Kông sau năm 1997 là những người được đào tạo đến nơi đến chốn và trình bày lưu loát quan điểm của Trung Quốc. Họ bảo đảm là các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin tích cực và đầy đủ các kế hoạch và phát triển kinh tế đất nước của chính phủ. Buổi sáng hôm đó, các báo đăng tải đầy ắp những lý do Trung Quốc chiếm đóng Biển Nam Trung Hoa. Trung Quốc chỉ đơn thuần biến cái chủ quyền trên thực tế của họ đối với Biển Nam Trung Hoa trở thành chủ quyền có hiệu lực có pháp lý. Cuộc tấn công chặn trước của họ chống Việt Nam được tiến hành thận trọng, mặc dù hậu quả thương vong đối với cả hai bên là điều đáng tiếc. Các báo cáo nhắc lại sự hào phóng mà Hồng Kông đã dành cho các thuyền nhân Việt Nam trong những năm 80 và 90. Mục duy nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng tương đối không bị can thiệp là các trang nói về tài chính. Tuy nhiên ngay trên những trang này cũng có sự thận trọng không xúc phạm đến bất kỳ ai trong số "những nhân vật Hồng Kông đáng kính" - nhóm những ông trùm tư bản Trung Quốc đã hợp sức vào cuối năm 1995 thúc đẩy quan điểm cho rằng việc kinh doanh vẫn sẽ như thường lệ ở Hồng Kông sau khi Trung Quốc thu hồi chủ quyền. Đây là một bước đi khôn ngoan vì phần lớn các ông trùm tư bản muốn một cuộc sống công cộng tích cực đều được phép làm điều đó.
Hồng Kông là một thị trường chứng khoán 500 tỷ đôla Hồng Kông, khoảng 65 tỷ đôla Mỹ: Thị trường chứng khoán lớn nhất khu vực sau Tôkyô. Sự tập trung của cải như vậy giống như mật ngọt đối với những con ong các nhà đầu tư - ngân hàng thế giới. Họ đã kéo thành đàn tới đó. Nhưng vấn đề rắc rối đối với Hồng Kông là các quỹ đầu tư tín tháo hỗ huệ của Mỹ sở hữu gần 40% thị trường này.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN, HỒNG KÔNG
Giờ địa phương: 09h00' thứ Hai 19/02/2001
Giờ GMT: 01h00' thứ Hai 19/02/2001
Trong phiên giao dịch buổi sáng đầu tiên kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng, vị thế của người Hoa hải ngoại hoàn toàn không có trong suy nghĩ của các nhà buôn ở Hồng Kông. Niềm tin đã bị giáng một cú nghiêm trọng. Chỉ số Hang Seng của 33 cổ phiếu hàng đầu lúc mở cửa là 120 điểm, giảm 0,5%. Tiếp đó, khi sức ép bán ra của các quỹ đầu tư tín thác của Mỹ lấy được đà và những người môi giới, đang trong một tiến trình được gọi là "bắt cá sát đáy", tiếp tục hạ giá để xem liệu các nhà đầu tư có bị cám dỗ mua vào không, chỉ số Hang Seng tiếp tục giảm xuống. Citic Pacific, doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc ở Hồng Kông đã bị mất gần 10% giá trị của nó chỉ riêng trong phiên giao dịch buổi sáng. Tình hình tương tự diễn ra đối với các cổ phiếu khác của Hồng Kông, cả cổ phiếu của công ty làm ăn thua lỗ và cổ phiếu "thượng hạng" của các công ty của Trung Quốc đại lục đăng ký ở đó. Các công ty nước ngoài đăng ký ở Hồng Kông thì khá hơn một chút, với một ngoại lệ đáng chú ý là Boeing, tập đoàn công ty hàng không của Mỹ. Tập đoàn này gần đây đã chính thức chấp nhận một yêu cầu của chính phủ Trung Quốc đăng ký các cổ phiếu của họ ở một thị trường chứng khoán của Trung Quốc và họ đã chọn Hồng Kông.
Khi việc giao dịch chứng khoán đi vào thời điểm náo nhiệt nhất, thị trường Hồng Kông tỏ ra ít quan tâm đến những lời bào chữa nhã nhặn cho những hành động của Trung Quốc mà lại quan tâm đến những đồn đại rằng sức ép bán ra là xuất phát từ Bắc Kinh. Việc này lúc đầu dường như không lạ lùng đến như vậy. Các nhà lãnh đạo Đảng và quân đội ở Bắc Kinh nằm trong số những người đầu cơ lớn nhất trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. Hồng Kông là một nơi tuyệt vời cho họ. Đó là Trung Quốc nhưng theo một cách thức bí mật nào đó lại cũng không phải là Trung Quốc mà là nước ngoài. Đây là một nơi mà những điều kỳ diệu của phương Tây có thể được nếm mùi một cách hoàn toàn an toàn mà không gặp rắc rối khi thực sự phải giao dịch với người nước ngoài. Các ngân hàng vẫn tương đối giữ bí mật và biết cách giữ kín những hoạt động chuyển tiền nhưng phần lớn các quan chức cấp cao thích một sự thay thế cho ngân hàng địa phương hơn. Họ đặt mình ngoài tầm những con mắt rình mò của lực lượng công an mật bằng cách giao dịch thông qua những công ty chỉ định đăng ký ở lãnh thổ British Virgin Island. Việc liên kết với một tiền đồn của chủ nghĩa thuộc địa Anh là điều đau đớn nhưng còn cách xa giới hạn cuối cùng. Những công ty này không phải đệ trình các tài khoản của công ty đã quyết toán lên nhà cầm quyền và được phép lập công ty với một giám đốc công ty duy nhất mà thôi, thay vì hai giám đốc như thường thấy trong hầu hết các trung tâm tài chính "ở nước ngoài" khác. Điều này gần như đạt được mức độ bí mật tài chính hoàn toàn mà người ta có thể. Người ta xì xào bàn tán xung quanh Thị trường Chứng khoán là không rõ quan chức cao cấp nào ở Trung Nam Hải đang thanh lý những khoản tiền dự trữ lớn như thế. Không thấy nói gì nhiều đến niềm tin của ban lãnh đạo vào thắng lợi của Cuộc hành quân ở Biển Nam Trung Hoa bởi vì một lý do tin tưởng trên đã được bộc lộ rõ ở mặt bán ra của thị trường.
Damian Phillips, Chủ tịch Công ty chứng khoán của First China, bác bỏ tin đồn này là một sự suy đoán vô căn cứ khi trả lời điện thoại một phóng viên của tờ "Bưu điện Hoa Nam buổi sáng". Trong bữa ăn chiều hôm đó với một bạn hàng của Li & Li, một công ty danh tiếng gồm chủ yếu các nhà môi giới Quảng Đông, tại phòng Red Room của Câu lạc bộ Hồng Kông, người khách của ông ta được nói với rằng: "Rồi đấy mà xem, Damian, họ có thể chỉ ép giá thị trường xuống thấp hơn để họ mua lại với giá rẻ hơn. Sẽ thật thú vị nếu anh ta là người của Quân giải phóng nhân dân, đúng không?"
"Quả thực dễ như vậy lắm, Peter ạ?", người khách nói, tiết lộ không hơn một thái độ lịch sự.
PHỦ THỦ TƯỚNG, BERLIN
Giờ địa phương: 11h00' thứ Hai 19/02/2001
Giờ GMT: 10h00' thứ Hai 19/02/2001
Thủ tướng Đức chờ thành viên nội các cuối cùng rời khỏi phòng rồi nói với thư ký riêng rằng ông không muốn bị quấy rầy trong ít nhất là 15 phút. Đã có một sự nhất trí bất ngờ giữa các Bộ trưởng của ông ta về sự cần thiết phải giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột Biển Nam Trung Hoa. Trước đó, ông đã chờ đợi một vài sự phản đối hình thức nào đó.
Đã nhiều tuần nay, Thủ tướng đã bác bỏ sự tiên đoán của phe đối lập rằng nước Đức đang suy sụp và sẽ sớm đi vào một chiều hướng suy thoái không thể tránh khỏi. Nhưng ngay cả câu nói năm 1815 trích lại của Goethe được đóng khung treo trên tường phía sau bàn làm việc cũng nhắc nhở ông về mối thách thức ở phía trước: "Mọi cái trên thế giới đều có thể kéo dài được trừ những ngày tháng phồn vinh".
Thất nghiệp ở mức 4 triệu người. Những ước tính không chính thức đưa ra là con số 6 triệu. Lần gần nhất khi nhiều người Đức phải chịu cảnh cơ cực và bị xỉ nhục là vào năm 1945 sau khi Đế chế thứ 3 sụp đổ. Chi phí phúc lợi đang tăng lên. Mittelstand - những công ty tư nhân qui mô nhỏ và vừa tạo nên nền tảng sức mạnh công nghiệp của Đức - đang mất dần ưu thế của họ.
Mô hình kinh tế Đức đang bị tan rã hậu quả của lương bổng cao, tinh thần thấp, thái độ ỷ lại trong công nhân, nền chính trị luôn cãi vã lẫn nhau, và một thị trường toàn cầu đang thay đổi mà người khổng lồ này do quá tự hào không chịu tôn trọng. Đã diễn ra hiện tượng bòn rút chất xám của tầng lớp tinh hoa nhất, sáng chói nhất sang Harvard và Stanford. Các trường đại học của Đức không tốt lắm: mặc dù trước Chiến tranh Thế giới Thứ II, Đức là trung tâm y tế, hóa học và vật lý của thế giới. Việc nghiên cứu và phát triển, những nền tảng của một nền kinh tế mạnh, đã trở thành chuyện đàm tiếu. Một câu chuyện buồn tương tự như vậy có thể được kể ra xung quanh vị thế của nước Đức trong các lĩnh vực máy tính, công nghệ văn phòng và thiết bị lade.
Thế rồi còn tệ quan liêu nữa. Trong lúc Anh đã cắt giảm tệ quan liêu và thu hút được sự đầu tư của nước ngoài, thì Đức lại không làm như vậy. Các nhà đầu tư phải chờ trung bình 3 tháng ở Anh, 6 tháng ở Pháp và 22 tháng ở Đức để kế hoạch đầu tư của họ được chấp thuận. "Người Mỹ phát minh, người Nhật sản xuất, trong khi người Đức thì do dự". Lời nhận xét này của phòng thương mại Hanover lặng lẽ vọng lên khắp căn phòng. Đã có bao nhiêu tỷ mác Đức đã bị mất khi đổ vào làm ăn ở các thị trường lao động rẻ mạt ở Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc? Một công nhân Đức phải trả 25 đôla một giờ. Một công nhân Séc chỉ mất 2 đôla. Không thể có sự cạnh tranh nào cả.
Không có một sự bảo đảm nào rằng sự giàu có của khu vực Viễn Đông sẽ giải quyết hết được các vấn đề. Nhưng cơ hội ở đó là quá lớn không thể liều lĩnh bị lôi cuốn vào một cuộc xung đột khu vực. Thị trường tiêu dùng phát triển nhanh tới mức mỗi tỉnh của Trung Quốc sẽ sớm đại diện cho sức mua của cả một nước châu Âu.
Nhưng giờ đây một bóng ma đạo lý đã phủ bóng đen lên việc buôn bán với Trung Quốc và vùng Viễn Đông. Pháp, không tham khảo ý kiến, đang di chuyển các tàu chiến và binh lính của họ tới bảo vệ một thuộc địa cũ ở châu Á. Thủ tướng Đức không nghi ngờ gì rằng hải quân Anh sẽ dính líu vào trong 1 hoặc 2 ngày tới.
Ông ta bật công tắc vô tuyến để xem Pháp loan báo việc triển khai các tàu chiến từ căn cứ của họ ở Tahiti. Ông hy vọng, theo tinh thần cạnh tranh kinh tế, rằng khi cuộc khủng hoảng đã qua rồi thì ông có thể loan báo những thỏa thuận liên doanh mới trị giá hàng tỷ mác Đức, theo đó Daimler-Benz sẽ tiến vào các tỉnh Trung Quốc đã có lúc được dành riêng cho Citroen.
ĐIỆN ELYSEE, PARI
Giờ địa phương: 12h00' thứ Hai 19/02/2001
Giờ GMT: 11h00' thứ Hai 19/02/2001
Sau bài phát biểu trên vô tuyến, trên xe trở về dinh thự chính thức của ông, Tổng thống Pháp bật lại những bảng chữ nhắc mang nội dung mà ông đã đề cập tới. Ông biết tường tận những con số thống kê, hiểu rằng các chính sách của ông sẽ được ca tụng trong các quán cà phê và các quầy bán thuốc lá khắp nước Pháp. Có hai tài sản không thể đặt thành nghi vấn trong đời sống chính trị Pháp: một quí bà và việc triển khai quân ở nước ngoài. Tổng thống không gặp phải nhiều vấn đề kinh tế rắc rối như ông bạn đồng nghiệp của ông là Thủ tướng Đức. Nước Pháp đang trải qua những cuộc cải cách đau đớn cắt bỏ bao cấp và phúc lợi. Việc cắt giảm phúc lợi đã gây ra những cuộc bạo loạn tệ hại nhất kể từ những năm 60. Nhưng Tổng thống không có gì nghi ngờ là cả những kẻ bạo loạn lẫn các Bộ trưởng trong chính phủ đều nhất trí với tuyên bố mà ông vừa đưa ra. Từ nhiều năm nay, những con số thống kê không hề thay đổi.
50% công chúng nghĩ rằng cần phải chi nhiều hơn nữa cho quốc phòng, so với từ 20% đến 30% nghĩ rằng việc chi tiêu cần phải cắt giảm. 45% tin rằng an ninh của Pháp đã được duy trì tốt hơn với tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) so với đứng trung lập (16%) hoặc với một Liên minh châu Âu (30%).
90% dân chúng Pháp tin rằng binh lính cần phải được phái đi để giải thoát các con tin người Pháp. 84% nói rằng họ sẽ đi bảo vệ những sinh mạng người Pháp. Bất luận những cơn ác mộng chính trị nào mà ông đang đối phó, hành động quân sự của Pháp chống Trung Quốc sẽ là một việc có thể thực hiện mà không gây ra sự tranh cãi nào. Việt Nam thuộc về Pháp, không thuộc về Liên minh châu Âu.
Xây dựng lại Việt Nam, đường sá, bến cảng, hệ thống liên lạc viễn thông và các lực lượng vũ trang của Việt Nam, sẽ bù đắp nhiều hơn cho việc chọc tức và khó khăn trong việc giành được các hợp đồng làm ăn ở Trung Quốc.
BỘ NGOẠI GIAO, MATXCƠVA
Giờ địa phương: 15h30' thứ Hai 19/02/2001
Giờ GMT: 13h30' thứ Hai 19/02/2001
Ánh sáng đang tắt dần phía trên bầu trời Matxcơva khi Đại sứ Mỹ được dẫn vào khu văn phòng tại Bộ Ngoại giao Nga. Dù chỉ cách vài mét từ chiếc Limousine đến cửa chính đường bệ nhưng luồng gió lạnh buốt của mùa đông Matxcơva vẫn xuyên qua chiếc áo khoác và làm tê cứng phần da mặt lộ ra của ông Đại sứ. Vị Bộ trưởng ngoại giao đang ngồi trên một chiếc ghế thoải mái ở góc căn phòng rộng lớn. Phong thái của ông không mang tính chất nghi lễ chút nào. Hai người đã từng làm việc với nhau và chống lại nhau trong gần 20 năm khi Liên Xô tiếp đó là Nga đã chao đảo qua bộ mặt chính trị đang thay đổi của họ.
Vị Bộ trưởng ngoại giao luôn coi ông Đại sứ là nhà tư tưởng dân chủ thiếu tính thực dụng. Hôm nay, ông ta đang chuẩn bị cho Mỹ một cú choáng váng của thực tế nhưng ông để ông Đại sứ nói trước.
"Yergor, tôi xin bắt đầu như một người nhún nhường thường làm bằng việc trích dẫn lời của một người tiền nhiệm của tôi, Charles Bohlen, vị Đại sứ tại nước ngoài vĩ đại hơn nhiều so với tôi. Ông nói: "Có hai cách người ta có thể diễn đạt khi một người đang nói dối. Một là khi anh ta nói anh ta có thể uống sâm banh suốt đêm và không bị say. Hai là khi anh ta nói rằng ta hiểu người Nga." Tiếc rằng, tôi không thể làm được cả hai, vậy ngài có thể giúp tôi được chứ?"
"Ngài muốn biết chúng tôi đang làm gì với Trung Quốc?, vị Bộ trưởng đáp lại, không thừa nhận câu chuyện tiếu lâm mào đầu câu chuyện.
"Có lẽ chúng ta bắt đầu từ đầu. Ngài có biết về Cuộc Tấn Công Của Con Rồng?"
"Đó là cái tên họ gọi phải không? Không, tôi không biết, Andrew. Tôi nghĩ là Tổng thống cũng không biết. Các tướng lĩnh của chúng tôi, như ngài biết, có nguyên tắc riêng của họ. Nhưng vì khó ai biết người Trung Quốc đang nghĩ gì nên tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu họ bị giữ kín với chúng ta."
"Vậy ngài đang cung cấp cho họ những gì về thiết bị và nhân viên quân sự?"
"Chỉ những gì mà chúng tôi có bổn phận phải làm theo những dàn xếp theo hợp đồng của chúng tôi. Tôi chắc rằng CIA cũng có trong tay nhiều chi tiết như tôi đây. Tuy vậy có những máy bay chiến đấu SU-27 và các tàu ngầm lớp Kilo. Họ thậm chí cứ nói mãi về việc mua một chiếc tàu sân bay của chúng tôi. Từ nhiều năm nay, lực lượng không quân của chúng tôi chở người và thiết bị sang Trung Quốc theo đề nghị của Bắc Kinh. Đó là bổn phận thep hợp đồng chúng tôi đã ký kết với Quân giải phóng".
"Chúng tôi muốn các ngài dừng lại."
"Việc đó ngoài quyền hạn của tôi", vị bộ trưởng nói. "Tại sao các ông không đề nghị Rosvoorouchenie, công ty xuất nhập khẩu vũ khí và thiết bị quân sự nhà nước? Họ đang xử lý việc đó."
"Ngài Yergor, đừng dính líu vào vụ này. Thế giới đang trở nên rất nguy hiểm với nước Trung Quốc điên khùng. Nếu Nga nhảy vào..."
Ba mươi giây im lặng. Cuối cùng vị bộ trưởng trả lời.
"Ngài Andrew, nếu tôi muốn ngừng các chuyến không vận đó, tôi cũng không thể. Các tướng lĩnh sẽ ráo tên tôi qua điện thoại. Họ cũng sẽ làm như vậy đối với Tổng thống. Và nói thật trong các cuộc thương lượng của chúng ta trong vài năm qua, Mỹ đã quá mù quáng không nhìn thấy những gì đang diễn ra. Thế giới nguy hiểm này đã được tạo ra bởi các chính sách của các ngài, chứ không phải bởi một vài chuyến vận chuyển phụ tùng thay thế của máy bay sang Trung Quốc.
"Tôi không thể nhất trí với..."
"Thế thì hãy ngừng suy nghĩ về việc nhất trí và hãy chịu khó lắng nghe một lần". Vị bộ trưởng đứng dậy vừa đi vừa nói. "Các ngài chiến đấu chống cái gì trong những năm Chiến tranh Lạnh. Chủ nghĩa Cộng sản ư? Hay một nước Nga theo chủ nghĩa bành trướng mà ngọn cờ Mácxit của nó đã tạo ra cái cớ để bày mưu ngăn chặn nó? Hãy nói cho tôi biết, các chuyên gia phân tích của các ngài kết luận cái gì là đặc thù của nước tôi? Có phải gốc rễ của Nga chỉ nhuốm màu chủ nghĩa Bônsêvích hay không? Hay họ sẽ luôn luôn bất đồng với cái mà các ngài gọi là Thế giới Tự do và phương Tây bởi vì Con Gấu Nga sẽ mãi mãi là một nguy cơ đe dọa?
"Nếu các ngài chiến đấu chống chủ nghĩa Cộng sản thì các ngài đã cứu nhân dân Nga và giờ đây đang giúp đỡ họ hồi phục, tạo ra các thể chế dân chủ và kinh tế bền vững, gia nhập cộng đồng toàn cầu với tư cách là một đối tác hùng mạnh và bình đẳng. Nhưng có lẽ không phải như vậy. Nếu chủ nghĩa Cộng sản là kẻ thù thì tại sao chính phủ của ngài lại có quan hệ hữu hảo như vậy với Trung Quốc? Ngài chưa cung cấp cho chúng tôi bằng chứng chứng tỏ chiến dịch ngăn chặn của Mỹ không nhằm chống lại nước Nga, rằng Mỹ không có ý định là suy yếu và chia cắt nước Nga. Nhiều người nghĩ rằng Mỹ tin là nền an ninh lâu dài của châu Âu có được với một nước Nga nhu nhược bị bao bọc bởi một hàng rào cách ly mà chúng tôi không thể vượt qua và đây là quan điểm tiếp nhiên liệu cho những nhóm cử tri bỏ phiếu cho các kẻ thù của các ngài - những người Cộng sản và những người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa."
"Ngài định đi về đâu vậy, Yergor?"
"Tôi sẽ không đi vào một cuộc tranh luận về lý luận, thưa ngài Đại sứ. Tôi đang chuyển một thông điệp cho Tổng thống của ngài."
"Viên cảnh sát đứng cạnh hàng rào này là tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Đây là một tổ chức quân sự và không phải là một tổ chức chính trị. Và thay vì để mặc tổ chức này như trước đây, một thứ vũ khí hữu hiệu cho Tây Âu, các ngài giờ đây lại liên minh với Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Sec. Các ngài đỗ xe tăng trên bãi cỏ phía trước nhà chúng tôi. Ba Lan nói rằng họ sẵn sàng đón tiếp các vũ khí hạt nhân của NATO. Đó là một hành động thù địch."
"Nhưng tất cả điều này đang được thương lượng. Việc này đã kéo dài từ nhiều năm nay rồi. Nên vấn đề ra vào lúc này là định nhằm điều gì?"
"Vì thưa ngài Andrew, đây là lý do tôi không thể ngừng các chuyến không vận quân sự sang Trung Quốc. Đây là lý do những người dân tộc chủ nghĩa và những người Cộng sản đang giành được sự ủng hộ hàng ngày trong cử tri chúng tôi. Chính sách của các ngài - và tôi xin trích dẫn lời Clinton nói tại Hội nghị cấp cao NATO năm 1994 "Vấn đề không phải là NATO sẽ chấp nhận thành viên mới hay không mà là khi nào và như thế nào" - đang tạo ra một quái vật Nga mới. Nếu các ngài mở rộng NATO, các ngài sẽ biến hàng triệu đồng minh dân chủ thành các đồng minh cấp tính và điên khùng. Người Nga sẽ nhận ra rằng họ đã sai lầm khi tin cậy các ngài. Một tình cảm đau lòng và thất bại sẽ bao trùm lên nước này, một tình hình một thời đã từng đưa Hitler và Mussolini lên cầm quyền và đẩy thế giới vào chiến tranh."
"Chúng tôi quá yếu không thể mở rộng sang phía tây được. Do vậy, nếu các ngài mở rộng sang phía đông thì chúng tôi không có một sự lựa chọn nào khác là đành phải tiến sang phía đông. Chỉ có một nơi duy nhất để dừng lại và đó là Bắc Kinh. Nếu tôi nói chưa thật rõ thì tôi xin nói toạc ra vậy. Các ngài đang cấp tiền cho các nước vệ tinh Đông Âu cũ của chúng tôi. Việc làm này chỉ được trông chờ nhằm vào những người da trắng và nền văn minh chung. Thế nhưng, các ngài lại không cấp tiền cho các nước phía Đông trước đây của chúng tôi, đầy rẫy những người Hồi giáo mắt xếch da nâu. Các Tổng thống Cadăcxtan, Cơrơgưxtan và Tagikixtan, đều đã bị Trung Quốc mua rồi, thưa ngài Đại sứ. Tại sao ngài không đáp một chuyến bay sang đó và dạo quanh các hành lang khách sạn ở Dushanbe và nói cho tôi biết ai là người mà các ngài nghĩ là đang điều hành nơi đó? Những mảng kiến tạo địa tầng quyền lực toàn cầu đang tụ tập lại với nhau trong tháng này. Chúng được khơi động bởi Cuộc Tấn Công Của Con Rồng và chỉ có chính phủ của ngài mới đủ mạnh để kiểm soát những mối hiểm họa mà cuộc tấn công này gây ra."
THÔNG BÁO TIN TỨC
Những ảnh hưởng đầu tiên trên các thị trường thế giới
Trong tất cả những công ty của Mỹ bị tác động bởi cuộc tấn công của Trung Quốc chống Việt Nam và cuộc phong tỏa của họ đối với Biển Nam Trung Hoa, công ty Boeing có nhiều cái bị mất nhất. Công ty này đã dính líu sâu vào Trung Quốc và thị trường hàng không ngày càng phát triển nhanh của nước này. Một kỹ sư Trung Quốc, Wang Tsu, đã tham gia thiết kế chiếc thủy phi cơ mới Clipper 314 và chiếc máy bay đã thực hiện chuyến bay vượt Thái Bình Dương sang Hồng Kông năm 1939. Một chiếc Boeing 707 đã chở Richard Nixon sang Trung Quốc trong một chuyến thăm lịch sử đã viết lại những mối liên kết về sức mạnh toàn cầu. Ngay sau đó, Cục hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) đã đặt mua 10 chiếc Boeing 707 để tổ chức thành một hãng hàng không quốc tế. Đặng Tiểu Bình đã đến thăm trụ sở của Boeing ở Seattle khi ông này sang Mỹ năm 1979. Khi Giang Trạch Dân, Chủ tịch Trung Quốc sau khi Đặng chết, thăm Mỹ năm 1994, ông đã tới thăm một công nhân Mỹ "bình thường" và gia đình anh ta. Và lại là ở Seattle. Người công nhân đó là một nhân viên của Boeing. Cho đến nay Trung Quốc mua hoặc đặt mua 224 máy bay Boeing trong các hợp đồng trị giá 9 tỷ đôla. Công ty này đã đặt đại diện ở 16 thành phố khắp Trung Quốc. Mỗi năm một ngàn phi công và kỹ sư được Boeing đào tạo. Công ty này đã tặng những thiết bị bay mô phỏng tại Học viện lái máy bay dân dụng của Trung Quốc. Đã có những nhà máy liên doanh ở Tây An chế tạo các cánh thẳng đứng, thiết bị giữ thăng bằng ngang và cửa trước các máy bay Boeing 737 và các khung sườn của máy bay Boeing 747 cùng với việc chế tạo các máy bay ném bom H-6 cho lực lượng không quân Trung Quốc và ở Thẩm Dương chế tạo các cửa vào cho máy bay vận tải Boeing 757; một nhà máy ở Trùng Khánh sản xuất các hợp chất nhôm và titan.
Đây là lý do giải thích tại sao Reece Overhalt Jr., Tổng giám đốc điều hành và là người khởi xướng hàng đầu trong ban quản lý cao cấp của chiến dịch "tiến vào Trung Quốc" của Boeing, đã có mặt tại văn phòng làm việc của ông tại trụ sở ở Seattle của công ty lúc 6 giờ sáng thứ hai. Văn phòng của ông được bài trí đơn giản, ít đồ đạc. Những ai thích kiểu này có thể gọi nó là dè xẻn tiết kiệm. Ngoài một chiếc bàn làm việc lớn, chiếc màn hình thu tin Reuters, máy tình và những mô hình thu nhỏ Boeing, vật trang trí duy nhất là mẫu thư pháp treo trên tường đối diện bàn làm việc của ông ta. Nó mô tả một từ tiếng Trung, được cấu thành bởi 2 chữ riêng rẽ: chữ "đao" và "tâm"; "đao" ở trên "tâm" và hợp thành chữ "nhẫn".
Overhalt đã nhìn thấy sự trỗi dậy của châu Á diễn ra vào thập kỷ 80. Trên cương vị là Phó chủ tịch tổ chức Phát triển Kinh doanh hải ngoại, ông đã thiết lập các mối liên hệ với các tập đoàn xây dựng công trình của Nhật Bản như Mitsubishi Heavy Industries, là người sẽ cung cấp "phần nội địa" cần thiết để đảm bảo các đơn đặt hàng mua máy bay của các hãng hàng không quốc tế của Nhật Bản. Nhưng ông đã không rời mắt khỏi Trung Quốc, nơi sẽ trở thành hàng không lớn nhất thế giới. Overhalt đã ở Trung Quốc 3 năm vào những năm đầu thập kỷ 80 và ông hiểu biết sâu sắc đất nước này cũng như người dân nước này.
Đó không phải là một thời gian dễ dàng đối với một giám đốc phương Tây, người đã lớn lên một cách êm đềm từ cuộc sống khá giả của vùng ngoại ô Seattle. Overhalt thích nhắc nhở mọi người về 3 năm ông phải sống giam chân trong một khách sạn cũ kỹ, nơi những người phục vụ phòng thường xuyên tìm lý do vào phòng ông không hề được yêu cầu để thay xà phòng hoặc giấy vệ sinh. Và ông đã từng làm việc như thế nào trong một phòng làm việc không được sưởi ấm trong mùa đông và cố gắng để theo dõi công việc của các thợ máy không chịu đọc những bản hướng dẫn cách bảo dưỡng và sửa chữa những chiếc máy bay trị giá nhiều triệu đôla. Những gì phải trải qua đó có lẽ đã làm nhụt chí nhiều người nhưng đối với Overhalt thì ông không hiểu rằng ông đang quan sát những bước đi đầu tiên, ngật ngưỡng của một người khổng lồ đã bị nhốt trong bóng tối quá lâu tới mức sợ cả ánh sáng.
Ông không suy nghĩ hão huyền về Trung Quốc. Các nhà quản lý Trung Quốc thường yếu kém trong việc lập kế hoạch; họ không có khái niệm về công việc bảo dưỡng phòng ngừa, một việc làm mà họ coi là lãng phí tiền của; họ là những người truyền đạt gây kinh hoàng và họ có một tâm lý kiếm chác "vặt vãnh". Overhalt kể không bao giờ chán câu chuyện về việc những nhà chức trách không cho chở một chiếc động cơ trị giá 4 triệu đôla đã bị hỏng sang Mỹ sửa chữa, thay vào đó lại chở bằng đường biển vì rẻ tiền hơn. Công việc sửa chữa kéo dài 30 ngày nhưng chiếc động cơ đã không hoạt động 13 tháng. Tuy nhiên, ông khâm phục đức tính kiên trì của họ. Câu chuyện ưa thích khác của ông là về việc ở Thượng Hải ông ta đã nhìn thấy một chiếc Boeing 707 bị tháo tung. Người Trung Quốc đã mua chiếc máy bay này đầu những năm 70 và, theo ước tính của ông ta, đã chi phí 300 triệu đôla để tìm cách bắt chước mẫu thiết kế và công nghệ của chiếc máy bay. Họ không thể làm được việc đó.
Những năm ở Trung Quốc thay vào đó đã có ích cho ông. Với tư cách là cố vấn cho Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC), cơ quan điều hành và đề ra các qui định cho tất cả các hãng hàng không không thuộc quân sự ở Trung Quốc, Overhalt kết bạn với nhiều quan chức, những người, giống như ông, mà những năm sau đó sẽ leo lên những cương vị nổi bật trong ngành công nghiệp hàng không được cởi bỏ những luật lệ của Trung Quốc. Thời gian ở Trung Quốc cho phép ông nối lại mối quan hệ bạn bè của ông với con người đã trở thành Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc. Hai người đã học với nhau tại đại học Harvard. Ông Tống thoạt đầu đã thận trọng hưởng ứng việc nới lỏng sự cai trị của Đảng Cộng sản trong những năm đầu thập kỷ 80 nhưng vào thời điểm năm 1985 khi Overhalt rời khỏi Trung Quốc thì ông Tống đã là chủ nhân kiêu hãnh của một trong 7 chiếc Cadillac duy nhất ở Bắc Kinh. Ông Tống cũng đã nuôi các mối quan hệ chính trị mạnh mẽ trong nội bộ bộ máy quan chức Bắc Kinh. Overhalt vẫn nhớ như in cái buổi chiều ông Tống đưa ông vào Trung Nam Hải để gặp Ủy viên Bộ chính trị phụ trách hàng không. Khi đó đã là vào cuối đông và rét tê tái nhưng sau cuộc gặp gỡ họ đã đi dạo quanh chiếc hồ đã đóng băng một phần - nét đặc thù nổi bật của Trung Nam Hải - nói chuyện về Trung Quốc và tương lai của nước này.
Tất cả dường như đã lâu lắm rồi. Khi nhìn vào màn hình hiện những dòng tin của Reuters, Overhalt nhận thấy giá cổ phiếu của hãng Boeing đang bắt đầu sụt - giá cổ phiếu của công ty đã tụt 5 đôla 3/8 so với thời điểm đóng cửa ngày thứ sáu. Thị trường chứng khoán Niu Yoóc vừa mới mở cửa và trong số những công ty tiếng tăm của Mỹ có quan hệ làm ăn với Trung Quốc thì công ty Boeing bị coi là người bị thua thiệt chủ chốt. Điều này đã được phản ánh ở những thị trường khác bởi các công ty khác tham gia đầu tư vào Trung Quốc như của Boeing. Tại Frankfurt, giá cổ phiếu của công ty Siemens giảm xuống; ở Luân Đôn, GEC cũng tỏ ra tồi tệ hơn so với thị trường nói chung. Cả hai công ty này đã đặt cược có tính chất chiến lược vào Trung Quốc trong thập kỷ 90 và đã thu được lời: GEC đã bán được các tuốcbin cho các trạm phát điện; các tổng đài điện thoại tốc độ cao cho các công ty thông tin viễn thông địa phương và các hệ thống liên lạc quốc phòng. Quả thực, ngoài NATO ra, Trung Quốc là thị trường quan trọng độc nhất vô nhị.
Tác động của những hành động của Trung Quốc được cảm nhận nhạy nhất trong thị trường dầu lửa và ở thị trường bảo hiểm của Lloyd. Dầu thô Brent, loại dầu thô hàng đầu được buôn bán ở Luân Đôn, tăng 1,4 đôla lên 26,40 đôla/1 thùng. Khi thị trường Niu Yoóc mở cửa, công ty West Texas Intermadiate, theo thông lệ thường bán với giá cao hơn dầu Brent khoảng 1,50 đôla, đã tăng vọt lên mức gần 28 đôla trong các giao dịch buôn bán với châu Âu. Thị trường dầu lửa thế giới đã ở vào tình trạng cân bằng mỏng manh. Các công ty lớn đã cố gắng tìm cách chuyển giao dầu lửa "đúng hạn" cho các nhà máy lọc dầu của họ. Họ đã học tập sáng kiến của Toyota, công ty sản xuất ô tô của Nhật Bản, là công ty tổ chức việc sản xuất một chiếc xe làm sao để các bộ phận cho việc sản xuất chiếc xe đó đến được cửa nhà máy đúng lúc cho việc lắp ráp. Cách làm này giảm bớt chi phí cho Toyota trong việc duy trì những kho phụ tùng. Đối với các công ty dầu lửa lớn cũng vậy. Họ đang cố gắng để quản lý các nhà máy lọc dầu của họ sao cho số dầu dự trữ trong kho (và những chi phí đi kèm) được trữ ở mức tối thiểu. Nhưng mùa đông năm 2000-2001 là một mùa đông khắc nghiệt nhất ở Bắc Âu và ở Mỹ. Nhu cầu về dầu lửa - đặc biệt là dầu sưởi - tăng mạnh. Tình trạng căng thẳng do thời tiết gây ra trên thị trường càng trở nên gay gắt hơn do sự thay đổi về tập tục kinh doanh chỉ giao hàng đúng thời điểm cần trên đã làm tăng những sức ép đẩy giá cả lên. Các kho dự trữ dầu lửa thế giới đã ở mức thấp trong vòng 5 năm qua; các mỏ dầu ở Biển Nam Trung Hoa đã được coi là một số trong những mỏ dầu hứa hẹn nhất trên thế giới. Các hợp đồng mua bán dầu lửa theo kỳ hạn đã tăng mạnh. Hợp đồng tháng tư, hợp đồng ngắn hạn được trao đổi sôi động nhất và là bản hợp đồng mà ngân hàng First China đã mua vào mạnh nhất, đã tăng mạnh. Giá vào lúc đóng cửa của nó là 35 đôla, tăng 10 đôla.
Việc giao dịch diễn ra cuồng nhiệt trên thị trường mua bán dầu lửa quốc tế ở Luân Đôn. Đây là quê hương của loại hợp đồng kỳ hạn đối với loại dầu thô Brent. Hơn 70% dầu lửa của thế giới được định giá dựa vào hợp đồng này (có nghĩa là, giá cả của tất cả các loại dầu lửa khác đều có thể liên quan đến giá này, với một giới hạn chênh lệch cao hơn hay thấp hơn). IPE là tổ chức giao dịch dầu lửa quốc tế lớn nhất thế giới. Nó có quy mô - trung bình mỗi ngày tổ chức này mua bán trao đổi lượng dầu lửa trị giá 2,4 tỷ đôla - tạo cho các công ty dầu lửa, nhà đầu tư và nhà buôn những cơ hội có một không hai để tự bảo vệ và kiếm tiền. Ngân hàng First China có một ghế trong IPE. Vào tháng trước khi nổ ra Cuộc Tấn Công Của Con Rồng, First China đã tung tiền vào thị trường triển hạn một số lượng tới 600 triệu đôla. Số này bao gồm 200.000 hợp đồng kỳ hạn, tương đương 200.000.000 thùng dầu. Nếu First China tung ra bán khoản đầu tư này trên thị trường kỳ hạn thì ngay lập tức tướng Triệu và công ty Multitechnilogies sẽ thu được 1 tỷ đôla tiền lãi. Thế nhưng bán hết 200.000 hợp đồng kỳ hạn còn khó hơn việc tìm cách mua chúng. Khi giá dầu lửa bắt đầu tăng, Damian Phillips nói với các nhà kinh doanh của ông ta tung ra từ các hợp đồng của họ. Vào lúc kết thúc phiên giao dịch ở thị trường Luân Đôn, họ đã thanh lý được 40.000 hợp đồng tháng tư với giá khác nhau và bỏ vào túi tướng Triệu một khoản tới 400 triệu đôla.
Cuộc xung đột ở Biển Nam Trung Hoa đã có tác động khắp Luân Đôn và Niu Yoóc. Một tác động ngay lập tức là đối với Lloyd - trung tâm thị trường bảo hiểm thế giới. Sáng thứ hai hôm đó, Ủy ban Phân loại Rủi ro Chiến tranh đã phải nhóm họp để đánh giá ý nghĩa của cuộc xung đột và để quyết định xem có nên đặt ra những phí bảo hiểm đặc biệt đối với tàu bè và hàng hóa vận chuyển cũng như các máy bay thương mại hay không. Ủy ban này đã đặt ra một danh mục mới các mức bảo hiểm lên tới 3,5% đối với cảng của Việt Nam. Các mức bảo hiểm cho hàng hóa tới Xingapo và Hồng Kông được ấn định thấp hơn một chút với mức tối thiểu là 2,5%. Đối với bản thân các con tàu, thị trường Lloyd áp dụng mức 5% - một mức chưa từng có kể từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh và là cái đã dẫn đến những phản đối ầm ĩ từ các chuyến tàu. Những tàu chở dầu siêu nặng quá cảnh Biển Nam Trung Hoa có một mức chi phí vốn khoảng 60 triệu đôla trở lên; trong đó mất riêng 3 triệu đôla tiền đóng bảo hiểm cho một chuyến đi. Tình hình tương tự cũng diễn ra đối với ngành hàng không. Hãng hàng không Anh British Airways có tin phải đóng mức phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh 162.00 đôla cho mỗi chuyến bay của máy bay Airbus 320 đến Hà Nội và 60.000 đôla cho mỗi chuyến bay của máy bay Boeing 747 tới Hồng Kông. Một người phát ngôn của hãng cho biết mức tiền trả thêm cho rủi ro chiến tranh gần 845 đôla đã được áp dụng đối với mỗi hành khách đến Việt Nam và xấp xỉ một nửa mức đó đối với mỗi hành khách đến Hồng Kông. Hãng hàng không này nói rằng họ sẽ tiếp tục phục vụ chừng nào còn an toàn để làm việc đó; các hãng khác đều đã đồng loạt ngừng hoạt động.
Biến cố trên thị trường dầu lửa đã làm xáo động tất cả thị trường khác. Ở châu Âu và Mỹ, các thị trường tài chính tìm được cách dễ dàng vượt qua các cuộc xung đột khu vực nhưng làn sóng bán ra ồ ạt đã làm rung chuyển các thị trường chứng khoán Đông Á đáng ra không nên xảy ra ở một thời điểm tồi tệ hơn. Các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ, sau 5 năm thu lợi nhuận gần như liên tục, giờ đây có vẻ dễ phải chịu một sự thoái trào. Một số nhà buôn lớn tuổi đã so sánh với năm 1987; nguyên nhân của cuộc phá sản trên thị trường chứng khoán tháng mười là sự bất hòa trong tháng chín năm đó giữa Mỹ và Đức về mức lãi suất. Người Mỹ muốn người Đức hạ thấp lãi suất; ngân hàng Bundesbank đã từ chối. Các chuyên gia phân tích ở khu kinh doanh tiền tệ Luân Đôn và phố Uôn lập luận rằng cuộc chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991 - cuộc xung đột khu vực lớn gần đây nhất - có ản hưởng rất ít đối với các thị trường chứng khoán của Anh, Đức và Mỹ vì mức dự trữ dầu lửa là dồi dào, thế giới đang ra khỏi tình trạng suy thoái và Saddam không có một cơ hội chống lại sức mạnh quân sự của Mỹ và các đồng minh. Sự đáp ứng của phương Tây đối với Côoét là khá đơn giản; Saddam là một kẻ độc tài không có được một bất kỳ sự ủng hộ nào của phương Tây. Tuy nhiên, cuộc tiến công của Trung Quốc vào Biển Nam Trung Hoa được nhìn nhận không chỉ là một phiên bản cuộc chiến tranh vùng Vịnh ở Đông Á - một hành động chiếm đoạt lãnh thổ của một kẻ hay bắt nạt trong khu vực, một kẻ, đã đến lúc, nên bị đẩy trở lại đúng vị trí của hắn. Khoảng cách đã giảm bớt tác động của cái mà người Trung Quốc đang làm: châu Á nằm rất xa và ít người thực sự quan tâm đến Việt Nam hoặc vùng biển kéo dài giữa họ và Philippin có tên gọi là Biển Nam Trung Hoa. Nhưng các thị trường thì quan tâm. Nền kinh tế thế giới giờ đây đã vào vị trí khác hẳn. Các kho dự trữ dầu lửa là thấp, sản lượng dầu lửa thế giới, đặc biệt ở châu Âu và Mỹ, đang tăng mạnh, trên thực tế là quá mạnh, và Trung Quốc hiển nhiên không phải là Irắc. Trung Quốc có thể là một chính thể chuyên chế nhưng nó cũng là một cơ hội thương mại dưới những góc độ mà Irắc chưa bao giờ có thể có được.
Chỉ số cổ phiếu FT-SE 100 đã tụt 136 điểm xuống 6.347 điểm và trung tâm tài chính phố Uôn cũng không khá hơn. Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã vượt qua hàng rào 8.000 hồi tháng giêng nhưng sáng thứ hai vào lúc mở cửa đã tụt 300 điểm xuống còn 7.838. việc giá dầu tăng lên và triển vọng lạm phát và lãi suất cao hơn đã gây căng thẳng phố Uôn vốn dĩ đã không yên tĩnh. Trong các văn phòng điều hành của công ty Mỹ, tâm trạng lo lắng đang tăng lên. Reece Overhalt, biết rằng những hành động của Trung Quốc báo hiệu điều chẳng lành đối với Boeing. Việc công ty này vào làm ăn ở Trung Quốc rất không được lòng các tầng lớp lực lượng lao động của Boeing và Hiệp hội Quốc tế các nhà chế tạo máy, tổ chức công đoàn chính của Boeing, chắc chắn sẽ khai thác tâm trạng này.
HẠ VIỆN, LUÂN ĐÔN
Giờ địa phương: 15h30' thứ Hai 19/02/2001
Ngài Stephenson, Thủ tướng: ... Đó, thưa ngài Chủ tịch Hạ viện, là tình hình đang diễn ra. Như tôi đã nói, Trung Quốc vẫn tiếp tục tấn công Việt Nam. Đã có những thương vong về dân sự, trong đó có người châu Âu và người Mỹ. Chúng ta chưa có những thông tin cụ thể về các công dân Anh. Do vậy, chúng ta hy vọng thương vong đối với người Anh là nhẹ. Tôi đã đích thân nói chuyện với đồng nghiệp Mỹ và châu Âu và chúng tôi đã quyết định rằng số người đang bị bắt giữ trên các dàn khoan dầu đã bị binh lính Trung Quốc chiếm sẽ được coi là những con tin, mặc dù chúng tôi không tin rằng họ đang ở trong một tình trạng nguy hiểm nào đó. Chưa có một đề nghị nào được đưa ra đòi phóng thích những người này. Chúng tôi tin rằng người Trung Quốc đang gặp phải một vấn đề về hậu cần trong việc đưa số người đó tới một nơi mà từ đó họ có thể trả tự do.
Ngài Andrew Dixon, Lãnh tụ phe đối lập: Trong khi cám ơn ngài Thủ tướng về thông báo của ông, tôi vẫn không rõ về chính sách của chính phủ ông. Tôi chưa nghe bất kỳ sự lên án nào đối với hành động của Trung Quốc. Tôi chưa thấy có dấu hiệu nào chứng tỏ chúng ta sẽ ủng hộ Việt Nam, như người Pháp đã làm. Tôi không thấy một lập trường về mặt đạo lý nào ủng hộ những nguyên tắc dân chủ là cái đã làm cho đất nước này trở nên vĩ đại. Do vậy, liệu ngài Thủ tướng, trước Hạ viện, có thể nói cho chúng tôi biết ngài đứng về bên nào trong cuộc xung đột này, liệu ngài có lên án hành động bạo lực của một nhà nước một Đảng, phi dân chủ chống lại một nhà nước dân chủ mới ở châu Á không?
Ngài Stephenson, Thủ tướng: Rõ ràng quý ngài tôn kính xa lạ với trách nhiệm của chính quyền. Tôi hiểu điều đó và nếu quí ngài tới ngồi ở phía bên này Hạ viện, quí ngài sẽ nhận ra những lời bình luận liến thoắng và việc ghi điểm chính trị rẻ tiền xảy ra thường xuyên hơn việc không chống lại lợi ích dân tộc. Thông thường các vị bộ trưởng phải gác sang một bên những quan điểm cá nhân của họ và xem xét những vấn đề rộng lớn hơn. Đã qua lâu rồi những ngày khi Anh gửi những lực lượng viễn chinh khắp thế giới. Liệu quí ngài có thể nói cho chúng ta biết Đảng của quí ngài có ủng hộ việc liều lĩnh đặt tính mạng của các quân nhân Anh vào một khu vực của thế giới mà ở đó chúng ta không có lợi ích quốc gia thực chất và cũng không có nghĩa vụ hiệp ước thực chất nào đối với các quốc gia đang bị tấn công đó không? Liệu quí ngài có thể nói với chúng ta là quí ngài khuyên hãy hành động chống lại một nước Trung Quốc là nước có thể đẩy nhiều người Anh ra xếp hàng chờ lương thất nghiệp với triển vọng nhỏ nhoi sẽ kiếm được một việc làm mới không? Liệu quí ngài có thể đồng ý, thay vì hót như một con vẹt không được huấn luyện, rằng đúng nhất đối với Anh bây giờ là chờ xem và đánh giá cuộc khủng hoảng ở Biển Nam Trung Hoa - và chỉ đến khi đó, sau khi đã thảo luận với các đồng minh của chúng ta, mới nên đề ra một chính sách có thể góp phần hình thành cơ cấu địa chính trị toàn cầu trong 50 năm tới đây hay không?
Ngài Andrew Dixon, Lãnh tụ phe đối lập: Vậy, xin hãy nói cho chúng tôi biết, quí ngài, có hay không, ủng hộ hành động của Pháp?
Ngài Stephenson, Thủ tướng: Pháp có những nghĩa vụ hiệp ước đối với Việt Nam. Tôi ủng hộ các chính phủ tôn trọng các nghĩa vụ hiệp ước của họ.
Ngài George Cranby: Để giúp làm yên lặng những dãy ghế của phe Đối lập và đem lại một sự nhất trí quốc gia nào đó trong vấn đề này, liệu ông bạn đáng kính của tôi có thể nói cho chúng tôi rõ chúng ta có những nghĩa vụ hiệp ước với những nước nào ở Viễn Đông và chúng ta có kế hoạch tôn trọng nghĩa vụ đó theo cách nào?
Ngài Stephenson, Thủ tướng: Chúng ta có những dàn xếp từ lâu với Malaixia, Xingapo và Brunây. Thông qua tuyên bố chung năm 1984 với Hồng Kông, chúng ta có trách nhiệm đảm bảo rằng chiến dịch quân sự của Trung Quốc không liên hệ gì tới Đặc khu Hành chính này dưới mọi hình thức... Chúng ta cũng có dàn xếp quân sự theo hợp đồng với Inđônêxia và Malaixia bao gồm việc bán máy bay và các thiết bị khác. Chúng ta có kế hoạch tôn trọng tất cả những cam kết của chúng ta khi và nếu chúng ta được yêu cầu làm như vậy. Cho tới nay chưa có một yêu cầu nào gửi đến bàn làm việc của tôi.
Ngài George Fallon: Từ nhiều năm nay chính phủ biết rõ bản chất của chính phủ Trung Quốc. Đó là một chính phủ độc tài tàn bạo và đàn áp chẳng khác gì Irắc của Saddam Hussein, Lybi của Gaddaffi hay Đức của Hitler: Thú thật, tôi kinh hoàng khi Thủ tướng nói với chúng ta rằng công việc làm ăn của người Anh phụ thuộc vào việc làm ăn giao dịch với một chế độ ghê tởm như vậy. Liệu chúng ta có thể cho Đức Quốc xã vượt qua vách eo biển Dover chỉ vì hãng BMW sở hữu Rover? Chúng tôi ở phe bên này tại Hạ viện đã lên tiếng cảnh tỉnh chính sách "phụ thuộc kinh tế lẫn nhau" và "dính líu có tính chất xây dựng" của ngài với Trung Quốc. Bây giờ, liệu Ngài Thủ tướng có thể nói với chúng tôi rằng chính sách của Ngài là sai lầm về mặt đạo lý và đáng hổ thẹn và rằng sẽ không có thêm những thỏa thuận bí mật nào nữa với chế độ ở Bắc Kinh được không?
Ngài Stephenson, Thủ tướng: Không.
Ngài Fred Clarke: Liệu ông bạn rất đáng kính của tôi có thể đảm bảo với chúng tôi rằng quí ngài không đơn thuần ngồi chờ điện thoại để nhận những chỉ thị hoặc từ Đức hoặc từ Mỹ sẽ đi theo con đường nào và rằng quí ngài sẽ tiếp tục bảo đảm rằng nước Anh sẽ bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình bằng những chính sách của mình trong những thời điểm quyết định nhất trong các vấn đề thế giới không?
Ngài Stephenson, Thủ tướng: Nước Anh sẽ và đã luôn luôn đi theo con đường riêng của mình trong chính sách đối ngoại - có tham khảo ý kiến với các đồng minh của chúng ta. Chưa có gì thay đổi trong 24 giờ qua để phải thay đổi điều đó.
viện: nếu chúng ta tôn trọng các thỏa thuận theo hợp đồng của chúng ta với chính phủ chuyên quyền độc đoán của Inđônêxia và Malaixia, do vũ khí mà chúng ta cho họ thì chúng ta làm thế nào để có gây áp lực - đối với người Nga, những người mà chúng ta nói là đang cung cấp hàng trăm cố vấn quân sự và hàng tấn thiết bị để bảo đảm cho nỗ lực chiến tranh của Trung Quốc tiếp tục là một thành công? Và, trong khi vấn đề đó còn chưa giải quyết, thưa ngài Chủ tịch Hạ viện, liệu ngài Thủ tướng có thể nói cho chúng ta rõ là quí ngài có hoan nghênh một Trật tự Thế giới Mới hơn với một nước Trung Quốc có vũ khí hạt nhân, phi dân chủ và theo chủ nghĩa bành trướng là một siêu cường quân sự đang nổi lên hay không?
Ngài Stephenson, Thủ tướng: Tôi nhắc quí bà đáng kính câu trả lời tôi đã đưa ra cách đây vài phút.
NHÀ TRẮNG, OASINHTƠN, DC
Giờ địa phương: 10h30' thứ Hai 19/02/2001
Giờ GMT: 15h30' thứ Hai 19/02/2001
Thư ký riêng của Tổng thống Bradlay báo ông có điện thoại của Thủ tướng Nhật Bản, Nouburo Hyashi. Hai người không thân thiết với nhau lắm mặc dù ông Hyashi nói khá tốt tiếng Anh. Hai người đã từng đọ kiếm với nhau vào giữa thập kỷ 90, sau sự sụp đổ của Đảng Dân chủ Tự do, ông Hyashi đã dốc sức để trở thành nhân vật nổi bật nhờ lá phiếu theo đường lối dân tộc giấu mặt ngấm ngầm thù địch với Mỹ. Bradlay là một thượng nghị sĩ đầy triển vọng đã tìm cách chứng tỏ mình là một người am hiểu sâu sắc các vấn đề quốc tế.
"Chào ngài Tổng thống", Hyashi nói vào máy điện thoại.
"Nobby, Ngài đó phải không?" Bradlay đáp lại.
"Tôi đây, Jim."
"Mitsuko thế nào? Tôi tin quí bà vẫn mạnh khỏe."
"Dạ, Jim. Bà ấy khỏe. Còn đệ nhất phu nhân thì sao."
"Khỏe, rất khỏe. Ngài đã gặp phải một vấn đề rắc rối ở Biển Nam Trung Hoa..."
"Chúng tôi đang có một vấn đề Jim ạ và đó là lý do của cú điện thoại này. Chắc ngài đã biết thảm họa xảy ra với thủy quân lục chiến Philippin trên bãi đá ngầm Mischief? Các đồng nghiệp trong nội các và tôi cảm thấy rằng chúng ta cần phải viện tới Hiệp ước an ninh của chúng ta. Chúng ta cần một sự biểu dương sức mạnh phối hợp ở đây để chứng tỏ cho người Trung Quốc hiểu rằng họ đã đi quá xa."
"Chúng ta chắc chắn cần phải làm một cái gì đó, Nobby ạ, tôi nhất trí với ý kiến đó. Sáng nay ở Niu Yoóc, chúng ta sẽ đề nghị Hội đồng bảo an khiển trách Trung Quốc và yêu cầu họ rút khỏi Spratlys (Trường Sa) và Paracels (Hoàng Sa) và bồi thường cho Việt Nam về những thiệt hại về người và trang thiết bị trong hai ngày qua."
"Như người Mỹ các ngài thường nói - không có chuyện đó. Người Trung Quốc sẽ sử dụng quyền phủ quyết của họ để bác bỏ mọi nghị quyết như vậy. Tôi thiết nghĩ chúng ta cần có một cái gì đó mạnh mẽ hơn những lời nói đơn thuần. Người Pháp đã gửi binh lính tới Việt Nam."
"Chúng tôi đã từng trượt theo con đường đó trước đây, Nobby ạ. Dân chúng Mỹ giờ đây ít hứng thú với các cuộc chiến tranh nước ngoài, chưa nói gì đến các cuộc chiến tranh xảy ra ở khu vực đặc biệt đó của châu Á."
Bradlay đặt ống nghe xuống. Hyashi có ý đúng, những cuộc thăm dò dư luận mới nhất của tờ "Bưu điện Oasinhtơn" cũng đúng. Cơ quan thăm dò dư luận của báo này đã vận dụng mọi khả năng của nó vào đêm thứ bảy, tiến hành một cuộc thăm dò dư luận qua điện thoại về việc Trung Quốc chiếm đóng Biển Nam Trung Hoa và điều gì, nếu có, Mỹ có thể làm đối với việc này. Một tỷ lệ lớn tới 79% người Mỹ, hay ít nhất là 79% trong số 1.036 người Mỹ được chọn hỏi một cách ngẫu nhiên, nghĩ rằng Mỹ không có vai trò gì ở đó cả. Hơn nữa, một bài phân tích các cuộc khủng hoảng trước đây và những ảnh hưởng của chúng đối với uy tín của Tổng thống đã cho thấy bản chất lẫn lộn của các sự kiện như vậy, xét từ góc độ quan điểm chính trị trong nước.
Bài phân tích chỉ ra rằng các cuộc khủng hoảng quốc tế, về mặt lịch sử, có khuynh hướng nhằm để cải thiện vị thế của Tổng thống. Trong ba phần tư các sự kiện được nghiên cứu từ những năm của thập kỷ 40 tới những năm của thập kỷ 80, uy tín của các Tổng thống đã tăng lên trong tháng tiếp sau các sự kiện quốc tế. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống đã tăng 5 điểm sau cuộc xâm lược Cuba được CIA hậu thuẫn ở vịnh con Lợn năm 1965; Gearald Ford cải thiện được 11 điểm sau vụ Mayaguez năm 1975 trong đó một tàu buôn của Mỹ bị Campuchia bắt giữ; tỷ lệ ủng hộ Ronald Reagan tăng 5 điểm sau cuộc xâm lược của Mỹ vào Grênada năm 1983 và Geore Bush đã thu thêm được 14 điểm sau khi ông ta thông báo việc tăng cường lực lượng quân sự ở vùng Vịnh năm 1990 và thêm 18 điểm nữa khi ông ta phát động cuộc chiến tranh chống Irắc tháng giêng năm 1991.
Cho tới nay mọi việc đều ổn. Những cuộc thăm dò cho thấy dân chúng cho rằng cuộc chiến tranh ở châu Á là không thể thắng được. Ngoài ra còn thấy nhuốm màu chủng tộc. Phần lớn số người tham gia cuộc thăm dò dư luận này đều bày tỏ mối lo ngại ngày càng tăng đối với Nhật Bản và thái độ không ưa thích người Nhật Bản. Những tình cảm chống Nhật đã tăng mạnh lên ở Mỹ. Một đa số ngày càng tăng người Mỹ nói rằng họ đang cố tránh mua các sản phẩm của Nhật Bản. Đối với khối cử tri miền Trung nước Mỹ thì việc liều lĩnh tính mạng của người Mỹ để bảo vệ các lợi ích của Nhật Bản cũng vô vị như cháo loãng mà ai cũng nấu được. Không may là chính một nhân vật của Đảng Cộng hòa Joseph Borchert, Thượng nghị sĩ bang Oasinhtơn, người đã nắm bắt được tâm trạng của dân chúng. Ông này nói: "Đa số lớn người Mỹ không muốn nước Mỹ, một mình hay phối hợp với các nước khác, can thiệp vào châu Á. Hiện không có một sự đe dọa an ninh quốc gia nào, không có một lý do chính sách công khai nào, không có cớ nào hết."
Borchert đã đọc được tâm trạng dân tộc với mức độ chính xác kỳ lạ. Khi các sự kiện nổ ra vào hôm chủ nhật đó, vấn đề đã trở nên rõ ràng là dù có khối cử tri nào đó ủng hộ sự can thiệp của Mỹ thì nó cũng tan biến nhanh chóng. Các nhà lãnh đạo Quốc hội sẽ chẳng có ai ủng hộ. Tình cảm của Quốc hội được nuôi dưỡng kỹ càng bởi những sự điều khiển tinh thông đối với các phương tiện thông tin của các công ty Bland, Michael & Judd, cố vấn phụ trách quan hệ với công chúng và nhân vật vận động chính cho Đảng Cộng sản. Bằng vài cú điện thoại gọi tới các tổ chức cố vấn hàng đầu ở Oasinhtơn và bờ biển phía Tây. Judd chỉ ra rằng việc "các chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc" của các tổ chức muốn tiếp tục đến Trung Quốc nghiên cứu sẽ được giúp đỡ nếu họ chấp nhận lập trường cân bằng đối với bước đi mở đầu ván bài ở Biển Nam Trung Hoa. Đồng thời, những người khác trong công ty thì bảo đảm rằng những người chủ trì chương trình trao đổi trên truyền hình biết chính xác những chuyên gia nào mà họ tìm kiếm để có được những lời bình luận. Suốt ngày hôm đó, tổng đài điện thoại của Nhà Trắng tắc nghẽn bởi các cú điện thoại, phần lớn từ những công dân phản đối bất kỳ sự can thiệp nào. Thư tín qua các điểm thường khó tiếp cận hơn cũng bắt đầu đến từ các Chủ tịch và các tổng giám đốc của một số công ty hàng đầu trong nước - Boeing và Microsoft ở Seattle, General Motors ở Detroit, Compaq ở Houston và các công ty khác. Tối hôm đó, vào lúc Tổng thống sẵn sàng cho một cuộc tiếp xúc ngoài cuộc xung đột này và tìm cách đóng vai "người môi giới trung thực".
Đoàn xe mô tô hộ tống Tổng thống đã dàn hàng ngoài chiếc cổng cổ kính của Khu trưng bày quốc gia. Khu này được một chủ nhà băng xây dựng để cất giữ đồ sưu tập của ông ta, rồi hào phóng cống hiến cho đất nước. I.M Pei, kiến trúc sư người Mỹ gốc Trung Quốc, đã thiết kế phần mở rộng bê tông - kính rất ấn tượng của khu trưng bày này, nhưng vẫn không giúp làm thanh thoát phần nào dáng vẻ nặng nề của tòa nhà. Bữa tiệc trưa tại Khu trưng bày quốc gia là một trong những sự kiện ở Oasinhtơn. Đoàn ngoại giao vai sánh vai với tần lớp tinh hoa của Thượng viện, Hạ viện và Chính quyền. Khi Makoto Katamaya, Đại sứ Nhật Bản, nhìn thấy Bradlay trước khi ông này đang say sưa nói chuyện với các thượng nghị sĩ từ các bang Kansas và Oasinhtơn, một nghị sĩ vùng Long Beach, bang California và trưởng đại diện Oasinhtơn của Bland, Michael & Judd. Với một tập hợp những người như vậy thì chủ đề duy nhất của cuộc thảo luận chỉ là: Trung Quốc. Các tiểu bang này đã dính khá sâu vào nền kinh tế Trung Quốc - Hàng không vũ trụ ở California và Oasinhtơn, lúa mì ở Kansas - tới mức các nhà đại diện của họ đôi khi được đề cập tới như bè lũ Trung Quốc của Quốc hội. Katamaya đi vòng quanh như các nhà ngoại giao thường làm trong những dịp như thế, chờ cơ hội để bắt chuyện với Bradlay.
Ngay lúc đó, Katamaya nhận ra viên bí thư thứ ba Đại quán Nhật Bản đang len lỏi trong đám đông. Cùng lúc đó, một trợ lý của Nhà Trắng cũng đang lách qua đám đông hướng tới chỗ Tổng thống. Cả hai quan chức này đều gặp các sếp của mình một lúc. Katamaya lắng nghe người cán bộ sứ quán thông báo về cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng bảo an. Đúng như mong đợi, người Trung Quốc đã sử dụng quyền phủ quyết của họ. Sẽ không có sự lên án của Liên Hợp Quốc đối với những hành động của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa. Tuy nhiên, điều tệ hại hơn là cách thức diễn ra cuộc bỏ phiếu giữa các thành viên Hội đồng bảo an. Một nhóm các nước châu Phi và Nam Thái Bình Dương giữ các ghế luân phiên tại Hội đồng đã bỏ phiếu trắng. Đây là những nước nhận viện trợ quân sự của Trung Quốc. Anh và Pháp sẵn sàng lên án Trung Quốc nhưng Đại diện thường trực của Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc đã nhận ra mức độ do dự nhất định của Mỹ trong việc vào hùa những lời lẽ gay gắt nhất do Luân Đôn và Pari đưa ra. Nga đã bỏ phiếu trắng. Tuy nhiên, cuối cùng thì Mỹ đã đứng về các đối tác Đại Tây Dương của họ.
Khi Katamaya đang suy ngẫm về những gì ông ta nghe được, thì một trợ lý khác của Bradlay tiến đến gần. Viên trợ lý này thông báo Tổng thống muốn nói chuyện với ông. Một phòng tiếp khách trong khu bảo tàng được chuẩn bị. Vào lúc kết thúc bữa tiệc, Tổng thống sẽ giả bộ như thể quay về nhưng trên đường đi ông sẽ dừng lại ở phòng khách đó. Liệu ngài Đại sứ có thể chờ Tổng thống ở đó được không? Katamaya tỏ ra rất hài lòng. Ông không thích thú với nhiệm vụ mà Tôkyô đặt ra: nói công khai với Bradlay tại một cuộc gặp gỡ công khai.
Cuộc gặp gỡ được dàn xếp theo một hình thức đặc biệt, thiếu một nghi lễ thông thường đi kèm với một cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ và Đại sứ Nhật Bản. Thoạt đầu, nó được tiến hành bằng tiếng Anh, một thứ ngôn ngữ mà Katamaya thành thục tới mức đáng sợ, mặc dù ông ta giả bộ như một học trò đáng thương. Cuộc gặp gỡ khởi đầu tốt đẹp với việc Bradlay thân mật bắt tay Katamaya nhưng sớm xấu đi khi ông Đại sứ thúc ép Bradlay về những gì mà Mỹ cần phải làm xung quanh hành vi của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa.
"Ồ, ngài Đại sứ, dường như thể chúng ta đang quay trở lại những ngày tháng tồi tệ của cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây tại Liên Hợp Quốc. Theo tôi thì như Ngài đã biết, đại diện của Trung Quốc, đã phủ quyết một nghị quyết vào khoảng thời gian khi cả hai chúng ta tới dự cuộc gặp mặt này. Điều này không có gì là bất ngờ đối với chúng tôi. Thực ra, chúng tôi ít sốt sắng hơn các đồng minh của chúng tôi khi cho là chúng ta cần phải đưa ra một nghị quyết như vậy. Trung Quốc thường luôn luôn phủ quyết."
"Hoàn toàn đúng vậy", Katamaya nói.
"Tôi đã nói chuyện với ngài Thủ tướng sáng nay", Bradlay nói. "Tôi đánh giá cao những mối quan ngại của các Ngài."
Đó là sự mở đầu mà Katamaya muốn. "Thực vậy, thưa Ngài. Tôi được Tôkyô yêu cầu làm sao có được sự bảo đảm của ngài rằng Mỹ có ý định trung thành với những nghĩa vụ hiệp ước của nước này."
Tổng thống ngừng lời. Ông đáp: "Thế này, ngài Đại sứ, Ngài cũng như tôi đều biết rằng hiệp ước an ninh của chúng ta - đã phục vụ tốt cho cả hai bên - được soạn thảo trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi nguy cơ đe dọa của chủ nghĩa Cộng sản Nga và Trung Quốc đang ở vào đỉnh cao của nó. Nga đã thay đổi. Trung Quốc đã thay đổi. Thế giới đã thay đổi. Chúng ta cũng thay đổi theo nó. Hãy thông báo với chính phủ của ngài rằng tôi dành ưu tiên cao nhất cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng này ở Thái Bình Dương bằng con đường hòa bình".
THÔN HẠ ĐỒNG, BIÊN GIỚI TRUNG - VIỆT
Giờ địa phương: 23h30' thứ Hai 19/02/2001
Giờ GMT: 15h30' thứ Hai 19/02/2001
Tốp du kích trông như thể họ đang mặc bộ quần áo ngủ màu đen. Quan sát gần hơn, họ được trang bị những thứ đồ dùng chết người của những kẻ ám sát được đào tạo kỹ lưỡng - một khẩu súng tiểu liên được gắn ống giảm thanh, dao găm và một sợi dây điện dùng để siết cổ. Họ có tất cả 8 người, ẩn mình trong bóng đêm khi vượt qua những phố xá hầu như không có một bóng người của Hạ Đồng, một thôn nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, cách biên giới Việt Nam khoảng 7 km. Từ bìa rừng nằm ở ngoại vi thôn tới mục tiêu của họ - khu nhà ở của bí thư Đảng và trưởng công an xã - họ chỉ gặp hai người Trung Quốc. Một người là một kẻ lang thang nghiện rượu và người kia là một phụ nữ đang trên đường về nhà, đều đã bị giết rất tinh vi và không hề để lại dấu vết, xác của họ được kéo giấu vào trong bóng tối.
Đã gần nửa đêm và mặt trăng đã bị che khuất khi họ tới được khu nhà trên đại lộ Hoài Hải nơi ban lãnh đạo xã trú ngụ. Cổng vào khu nhà, cách 200 mét, được canh gác bởi một lính bảo vệ đang uể oải trong bộ quân phục màu xanh Quân giải phóng nhân dân rộng thùng thình. Anh này thậm chí không kịp giương vũ khí lên trước khi 3 loạt đạn súng máy có giảm thanh xé nát ngực. Họ nhét xác anh ta vào trong bốt gác rồi tiến qua chiếc cổng mở toang. Không một bóng người. Trên đường tiến vào khu nhà, họ chia thành hai nhóm: một nhóm đánh vào nhà Bí thư Đảng và nhóm kia vào trưởng công an xã. Họ biết rõ nơi các quan chức này sống và tiến rất nhanh và hầu như không tốn sức lực tới tiếp cận các mục tiêu của mình.
Tờ "Nhật báo Hạ Đồng" đưa tin cả hai quan chức này đã dũng cảm đánh trả những kẻ tấn công. Tuy nhiên, sự thật thì đáng buồn hơn. Viên bí thư, Châu Hoa, đang ngủ khi người cầm đầu nhóm du kích ập vào phòng ngủ. Vợ ông này thức giấc trước và còn kịp chứng kiến cái chết của chồng trước khi bà ta bị bắn gục. Trưởng công an xã, Tôn Bình, đang đọc sách khi nghe thấy tiếng gõ cửa. Quá hoảng sợ, ông ta mở cửa và kinh hoàng thấy bốn du kích Việt Nam bước vào nhà. Nhóm trưởng, nói tiếng Trung một cách vất vả, bắn ông ta quì xuống. Ông ta đã xin tha mạng trước khi bị giết.
Tám du kích rút đi giống như khi họ đến: không ai nhìn thấy và - mãi tới sáng, khi những hành động khủng khiếp của họ bị phát hiện - vẫn không bị phát giác. Tuy nhiên, khắp các thị trấn và thôn xóm dọc biên giới Trung - Việt - từ Zhelang ở phía Tây tới Hạ Đồng ở phía Đông - các toán du kích Việt Nam đã tiến hành một loạt các hoạt động "thọc sâu" gây nên tình trạng khiếp đảm ở các trung tâm dân cư địa phương và một ý nguyện báo thù trong số các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở cách đó 2.200 km về phía Bắc.
BIỂN NAM TRUNG HOA
Giờ địa phương: 23h45' thứ Hai 19/02/2001
Giờ GMT: 15h45' Chủ Nhật 18/02/2001
Tàu "The New World" là niềm tự hào của hạm đội tàu hãng Shell. Chủ sở hữu của nó, New World Transport Maritime với Consolidated Navigation. Con tàu này được hãng Hyundai đóng tại tổ hợp Ulan của hãng này ở Triều Tiên trước đó 6 năm, với giá gần 60 triệu đôla. Đây là một trong 2 chiếc được chế tạo theo mẫu thiết kế vỏ thép tân tiến nhất cho những chiếc tàu cực lớn, do Hyundai Heavy Industries, tập đoàn lớn nhất Triều Tiên cộng tác với công ty Consolidated Navigation SA có trụ sở ở Monaco chế tạo, tạo ra một đáy kép phía trước chìm sâu hơn bình thường để hấp thụ tốt hơn lực tác động lên vỏ tàu và các khoang phụ có tác dụng hạn chế sự chòng chành và lắc ngang khi đi lại ở những vùng biển sóng dữ. Đây là một chiếc tàu khổng lồ dài khoảng 334 mét, rộng 59 mét, cao 31,50 mét. Con tàu này được thiết kế để có thể chuyên chở đồng thời 3 loại dầu khác nhau. Con tàu chở được 270.000 tấn dầu, với động cơ điêzen khổng lồ 7 xilanh (với công suất 34.650 BHP) có thể chạy trên biển với tốc độ 15 hải lý.
Tàu "The New World" đang trên đường hướng tới nhà máy lọc dầu của hãng Shell gần Tôkyô. Nó đã bơm đầy dầu tại cảng Ras Tanura của Arập Xêút ở vùng Vịnh, vượt qua Ấn Độ Dương và biển Andaman và qua eo biển Malacca. Con tàu đã đi vào vùng Biển Nam Trung Hoa trước đó 70 giờ và đang ở tọa độ 16,49 độ vĩ Bắc và 117,66 độ kinh Đông, cách đảo Luzon khoảng 200 hải lý về phía Tây.
Viên thuyền trưởng, một người Anh ở độ tuổi cuối tứ tuần, vừa ngước nhìn chiếc đồng hồ treo trên đài chỉ huy của thuyền trưởng. Ông bồn chồn lo lắng. Suốt ngày, ông và tổ lái của ông đã theo dõi sát sao vị trí của các tàu hải quân của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa. Họ đã quen với tiếng gầm rú của động cơ những chiếc máy bay quân sự bay qua lại trên đầu. Họ cũng đã phát hiện thấy những chiếc kính ngắm của tàu ngầm. Viên thuyền trưởng đang hy vọng được chợp mắt ít nhất vài tiếng đồng hồ. Ông đã sử dụng thiết bị định vị toàn cầu (GPS) để xác định rõ vị trí của con tàu rồi ghi vào cuốn nhật ký hàng hải. Viên thuyền trưởng đàm thoại với hãng Shell ở Hague để khẳng định chỉ thị của ông ta tiếp tục cho tàu chạy. Viên phó thuyền trưởng, người Bỉ, của ông được đánh thức. Viên thuyền trưởng chờ chương trình tin tức thế giới vào lúc nửa đêm của đài BBC sau đó mới bàn giao việc chỉ huy tàu tới 03 giờ. Khi mục điểm tin đang được phát tin thì cũng là lúc sự yên tĩnh của ban đêm đã bị phá tan bởi những tràng hỏa lực của súng máy. Đạn bắn vỡ tan tành cửa kính trong phòng lái tàu.
Chương 3
BIỂN NAM TRUNG HOA
Giờ địa phương: 00h10' Thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 16h10' Thứ Hai 19/02/2001
Viên thuyền trưởng ngã vật xuống sàn, máu chảy đầm đìa. Trong màn đêm tối đen, người làm nhiệm vụ đứng cạnh bên mạn phải con tàu New World không thể phát hiện ra hai chiếc xuồng hơi đang lao về phía tàu chở dầu. Chúng được phóng ra từ chiếc tàu ngầm Trung Quốc trước đó vài phút. Khi ông nhận ra hai chiếc xuồng thì chúng đã đến gần. Mỗi chiếc chở 6 lính biệt kích. Ông cứng người vì sợ. Mười hai con người đó mặc quân phục Trung Quốc. Họ mang theo súng máy, súng ngắn và lựu đạn. Tất cả đều đội mũ sắt che một phần mặt. Viên thuyền trưởng lấy lại bình tĩnh và cố đứng lên. Đạn đã sượt qua trán ông, làm rách một miếng nhỏ. Không thấy gì khác. Ông quay sang mạn phải đài chỉ huy và ngó vào phòng để hải đồ, nơi viên thuyền phó của ông đã kiểm tra các hải đồ trước đó vài phút. Nhưng thay cho một người đàn ông cúi gập mình trên bàn, thuyền trưởng nhìn thấy viên thuyền phó của mình đang đứng, hai tay giơ lên trời. Trước mặt ông ta là một tên lính Trung Quốc đang chĩa súng ngắn vào đầu ông. Trước khi viên thuyền trưởng kịp phản ứng, một tên lính Trung Quốc khác đã xuất hiện và đẩy ông lùi trở lại. Tên lính này xả súng vào hệ thống thông tin liên lạc của con tàu. Vẩy súng vào phía thuyền trưởng, hắn hét lên: "Tôi đây!". Kẻ đột nhập đẩy viên thuyền trưởng mặt bê bết máu ra khỏi đài chỉ huy, ngang qua một đám thủy thủ đang khiếp đảm và đó là lần cuối cùng họ nhìn thấy ông còn sống. Những tên lính này, được thêm những số khác tới hỗ trợ, dồn số thủy thủ còn lại vào một cabin trên boong C. Từ chỗ đó, các thủy thủ New World chỉ còn nghe được những gì đang diễn ra. Có tiếng quát từ xa. Sau đó là tiếng chân chạy, tiếng xô đẩy. Một tiếng súng. Rồi im lặng. Viên thuyền trưởng đã bị giết hại.
Trên đài chỉ huy, một người mặc quân phục của Trung Quốc Cộng sản đang cầm lái.
BỘ NGOẠI GIAO, BẮC KINH
Giờ địa phương: 01h45' Thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 17h45' Thứ Hai 19/02/2001
Jamie Tống chỉ đứng ở ngoài phạm vi quyền lực thực sự nhưng đối với khán giả truyền hình thế giới, ông là bộ mặt của nước Trung Quốc hiện đại. Ông có diện mạo gây ấn tượng. Khả năng sử dụng tiếng Anh rất Mỹ của ông phản ảnh những năm tháng ông theo học tại trường Havard, lúc đầu là sinh viên, sau đó là một nghiên cứu sinh cuối những năm 80. Trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thừa nhận giá trị của phong cách lịch lãm của ông, ông đã trở thành một ông trùm phần mềm. Ông nằm trong số bạn bè của ông gồm các giám đốc của nhiều công ty cổ phần thượng hạng của Mỹ, những người được ông chỉ dẫn trên con đường gập ghềnh kiếm tiền ở Trung Quốc. Ông biết họ đang theo dõi các cuộc phỏng vấn của ông. Ông tắt đài BBC, đài TF1 của Pháp, đài NRD của Đức và các hệ thống khác của Mỹ. Những máy truyền hình ở Lầu Năm Góc, Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và trong các văn phong điều hành của các công ty Mỹ đều được chỉnh bắt một kênh duy nhất - CNN. Đó là lý do tại sao ông cho phép hãng CNN đặt một chiếc ăngten thu qua vệ tinh ở khu nhà Bộ Ngoại giao.
Tống là một đứa con tinh thần của Đặng Tiểu Bình. Một trong những câu nói khiến Đặng trở nên nổi tiếng khắp đất nước Trung Quốc và cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 là lời huấn thị của ông đối với các quan chức Đảng Cộng sản yêu cầu phải "dám làm". Bằng câu nói này, Đặng có ý muốn nói họ nên sáng tạo trong việc giải quyết những vấn đề gay cấn của công cuộc phát triển kinh tế. Nếu điều này khiến họ trở nên năng động trong kinh doanh thì càng tốt. Sau hết, ông cũng chính là người nói câu: "Làm giàu là vinh quang". Sống trong cảnh khá sung túc, sự dám làm của Tống được thể hiện cho tất cả mọi người thấy trong những lần ông xuất hiện trên vô tuyến truyền hình trong cuộc khủng hoảng này. Chính phủ Mỹ là kẻ thù của ông. Thông qua kênh CNN, dân chúng Mỹ có thể là các đồng minh của ông. Các đường dây điện thoại được mắc khắp văn phòng của ông. Ống kính thu cảnh thư viện của ông phía sau là những tập sách của Mao, Đặng, Adam Smith, Thatcher, Churchill và nhiều người khác. Một bức tượng người đánh gôn bằng thủy tinh đặt trên bệ cửa sổ. Bàn làm việc của ông bừa bộn như thể ông đang làm việc. Và lúc đó gần đến giờ ăn trưa tính theo giờ ở bờ biển phía Đông nước Mỹ.
Người dẫn chương trình: Trong buổi truyền hình tại chỗ hôm nay từ Bắc Kinh, chúng ta chứng kiến cuộc phỏng vấn đầu tiên với một nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng ở Biển Nam Trung Hoa. Ông là một trong những tác giả Cuộc Tấn Công Của Con Rồng và ông có mặt tại đây để nói tại sao Trung Quốc đang làm những việc mà không ai trong số chúng ta có thể hiểu được. Jamie Tống, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc sẽ nói với chúng ta tại sao Trung Quốc tấn công Việt Nam. Tại sao lính Trung Quốc chiếm các đảo san hô và bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa - những địa điểm mà hầu hết chúng ta chỉ mới vài ngày trước đây vẫn chưa hề được nghe nói đến. Ngài có thể nói ngay bây giờ, thưa ngài Jamie. Và cùng với tôi trong phòng quay có Chris Bronowski, một chuyên gia về Trung Quốc làm việc tại Rand Corporation. Chris là một chuyên gia về quân đội Trung Quốc. Ông sẽ nói với chúng ta liệu người Mỹ có nên lo ngại Trung Quốc không? Lần này chắc chắn sẽ phong phú hơn thường lệ. Xin chào Chris.
Bình luận viên: Xin cảm ơn.
Người dẫn chương trình: Chris, câu hỏi đầu tiên dành cho ông. Liệu chúng ta có nên trù tính một cuộc chiến tranh với Trung Quốc không? Chúng ta biết (Trung Quốc) là một quốc gia Cộng sản nhưng chắc là không chứ?
Bình luận viên: Tôi muốn nói không phải là tháng này, Mike.
Người dẫn chương trình: Jamie Tống, có chiến tranh hay không?
Jamie Tống: Tôi hy vọng là không, Mike. Ai lại muốn chiến tranh khi mà tất cả chúng ta đang kiếm được rất nhiều tiền?
Người dẫn chương trình: Nhưng ngài không nói từ không. Tại sao vậy? một cuộc tấn công không bị khiêu khích nhằm vào Việt Nam? Vấn đề chủ yếu là thế nào?
Jamie Tống: Mike, như người Mỹ các ngài nói, không có lửa làm sao có khói. Việt Nam đang thăm dò dầu lửa ở nơi họ gọi là Bồn Nam Côn Sơn trong một liên doanh với công ty Conoco của Mỹ. Từ lâu, đã có một hiệp định giữa các chính phủ trong khu vực này về việc cùng phát triển các nguồn tài nguyên của Biển Nam Trung Hoa. Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng chúng tôi sẽ không tha thứ nếu Việt Nam vi phạm hiệp định. Chủ tịch Nguyễn đã trả tiền cho một công ty luật ở Oasinhtơn, công ty Covington và Burling, đại diện cho Việt Nam...
Người dẫn chương trình: Và họ nói Việt Nam xử sự trong phạm vi quyền hạn của họ.
Jamie Tống: Đó là điều họ được trả tiền để nói. Việt Nam không có quyền khởi sự mà không có sự nhất trí của khu vực. Do vậy chúng tôi đã ngăn chặn họ.
Người dẫn chương trình: Các ngài đã ném bom Hải Phòng; thành phố Hồ Chí Minh, vịnh Cam Ranh và Đà Nẵng.
Jamie Tống: Như các ngài biết đấy, trong bất kỳ hành động quân sự nào, một chính phủ có trách nhiệm bảo vệ sinh mạng cho binh lính của nó. Để lấy lại một khu vực, chúng tôi phải vô hiệu hóa sức mạnh không và hải quân của Việt Nam.
Người dẫn chương trình: Chris, liệu điều đó có đi quá xa không?
Bình luận viên: Ngài ngoại trưởng là một người biện hộ khéo léo cho chính phủ của ông. Về mặt chuyên môn mà nói, ông đã đúng khi nhắc đến sự nhất trí trong khu vực. Ông nhắc lại một chính sách được thực hiện từ nhiều năm nay. Ngài biết đấy, Mike, tôi đã nhiều lần thấy mọi người nói về tích chất không thể đoán trước được của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc là nước dễ dự đoán trước được nhất trên thế giới. Nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam, họ sẽ nói với chúng ta trước đó một thời gian. Và đã có những lời lẽ đe dọa binh đao.
Người dẫn chương trình: Nhưng Jamie nói trừ Việt Nam, hiện không có cuộc chiến tranh nào. Người gọi đầu tiên cho chúng ta từ châu Âu, thủ đô Béclin của Đức. Xin mời nước Đức.
Từ nước Đức: Xin chào ngài ngoại trưởng.
Jamie Tống: Xin chào.
Từ nước Đức: Định nghĩa chủ nghĩa phát xít là chủ nghĩa dân tộc độc đoán. Do sự kiểm soát gần như tuyệt đối của Đảng Cộng sản, ngài có coi Trung Quốc là một nước phát xít không?
Người dẫn chương trình: Một câu hỏi thông minh từ nước Đức. Jamie Tống, ngài có phải là một phần tử phát xít không?
Jamie Tống: Chúng tôi thích từ kỷ luật hơn từ độc đoán và chủ nghĩa yêu nước hơn chủ nghĩa dân tộc. Nhưng Mike sẽ không hài lòng nếu tôi trở nên chuyên đi bàn về chữ nghĩa. Chủ nghĩa phát xít cũng như chủ nghĩa Mác đã tồn tại hay bắt nguồn từ châu Âu. Ở châu Á, có một chiều hướng văn hóa tôn trọng người lớn tuổi, cha mẹ và chính phủ của chúng tôi. Chúng tôi có xu hướng không hỏi quá nhiều. Chúng tôi không có các cuộc đấu khẩu chính trị như trong các nghị viện được bầu lên của các ngài.
Người dẫn chương trình: Phát xít hay không, Jamie?
Jamie Tống: Tôi sinh ra sai thế hệ. Tôi là người theo chủ nghĩa xã hội và là người theo đạo Khổng.
Người dẫn chương trình: Jamie đúng khi ông nói rằng chủ nghĩa phát xít mang nặng đặc tính châu Âu đến mức không thể gắn cho ông cái nhãn đó được. Nhưng sự khác biệt chính là ở chỗ Hitler đã hủy hoại nước Đức bằng hành động bành tránh lãnh thổ quá nhiều tham vọng. Trung Quốc không phải là một quốc gia dựng nước theo kiểu đó.
Người dẫn chương trình: Từ Hà Nội, Việt Nam. Các bạn đang tiếp xúc trực tiếp với ngoại trưởng Trung Quốc Jamie Tống.
Từ Hà Nội: Thưa ngài ngoại trưởng, trong khi máy bay của các ngài đang ném bom vào nhân dân Việt Nam, ngài có thừa nhận một cách trung thực rằng cuộc tấn công này không liên quan gì đến hãng Conoco mà vì Trung Quốc lo sợ một nước Việt Nam mới được dân chủ hóa?
Jamie Tống: Tuyệt nhiên không.
Người dẫn chương trình: Vậy thì vấn đề là gì?
Jamie Tống: Nỗi tức giận của các vị nên nhằm vào Chủ tịch Nguyễn, người đã dẫn dắt sai lầm nhân dân Việt Nam tới chỗ suy nghĩ rằng họ có chủ quyền đối với vùng lãnh thổ không phải là của họ - và đã làm cho họ tin rằng Trung Quốc sẽ không phản ứng.
Người dẫn chương trình: Điều đó có nghĩa gì, Chirs?
Bình luận viên: Điều này đã xảy ra trước đây. Đã có các cuộc giao tranh nhỏ trong 20 hoặc 30 năm qua giữa các lực lượng hải quân Trung Quốc và Việt Nam; Trung Quốc và Philippin.
Người dẫn chương trình: Từ Texas, các bạn có câu hỏi chứ?
Từ Texas: Thưa ngài ngoại trưởng, tôi làm việc trong ngành dầu lửa. Các cuộc thăm dò của chúng tôi cho thấy - và tôi xin lỗi vì đã nói thẳng - rằng các mỏ dầu ở phía Bắc của các ngài là những thứ rác rưởi. Năm mươi thùng một ngày một giếng. Các mỏ ở ngoài khơi của các ngài thì được. Nhưng chẳng bao lâu nữa đất nước các ngài cần nhập 8 triệu thùng mỗi ngày để duy trì sự phát triển.
Người dẫn chương trình: Còn câu hỏi của ngài?
Từ Texas: Các ngài đã chiếm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa bởi vì các ngài đang đứng trước một cuộc khủng hoảng dầu lửa. Có đúng vậy hay không?
Người dẫn chương trình: Jamie, phải chăng các ngài thiếu dầu cũng như thiếu gạo?
Jamie Tống: Chúng tôi không tự cung tự cấp được. Nhưng nước Mỹ cũng vậy. Người gọi từ Texas của ngài hoàn toàn đúng khi ông ta nói về nhu cầu của chúng tôi cần nhập khẩu 8 triệu thùng dầu mỗi ngày. Và chúng tôi sẽ làm việc đó bằng cách bảo đảm các cơ sở cung cấp của chúng tôi và đa dạng hóa.
Bình luận viên: Liệu tôi có thể nói rõ hơn không, Mike. Ngài ngoại trưởng, phải chăng đó là lý do mà bây giờ các ngài thực hiện đòi hỏi lãnh thổ của các ngài ở Biển Nam Trung Hoa?
Jamie Tống: Chúng tôi vẫn có xu hướng cùng tiến hành phát triển với các nước láng giềng của chúng tôi. Tuy nhiên, mối đe dọa mà Việt Nam - nước cũng trong tình trạng thiếu dầu - gây ra đã buộc chúng tôi phải làm sáng tỏ lập trường của mình. Nhưng tôi có thể đảm bảo với tất cả khán giả của các bạn ở mọi nơi trên thế giới là các tuyến đường buôn bán đi qua Thái Bình Dương vẫn tiếp tục được để ngỏ. Đây là một cuộc tranh chấp khu vực bị cô lập không có gì phải đáng sợ. Công việc của Trung Quốc là buôn bán và phát triển. Không có gì ngăn cản chúng tôi đi theo chiều hướng đó.
QUỐC LỘ MỘT, VIỆT NAM
Giờ địa phương: 06h00' thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 23h00' thứ Hai 19/02/2001
Một đoàn gồm mười hai chiếc xe thùng hiệu Toyota Hi-Ace không có lực lượng bảo vệ chậm chạp tiến về phía Tây, băng qua những ổ gà trên con đường quốc lộ chính quá lâu không được bảo dưỡng của Việt Nam. Những người ngồi trên xe, gồm người châu Âu, người Nhật, Triều Tiên, Mỹ, Canada và Ôxtrâylia, đã quen với chuyến đi không lấy gì làm dễ chịu kéo dài 5 tiếng đồng hồ từ thành phố cảng Hải Phòng đến Hà Nội. Có ba giáo viên tiếng Anh, một nhân viên ngân hàng từ Liên minh châu Âu được cử đến làm cố vấn giúp tổ chức các doanh nghiệp nhỏ, một bác sĩ và một y tá tổ chức Médicins Sans Frontières (Thầy thuốc không biên giới), hai đại diện của Tổ chức Lương thực Thế giới và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc, một nhà ngoại giao từ sứ quán Ôxtrâylia, 7 nhân viên cứu trợ từ Scandinavia, một phái đoàn Triều Tiên tới giám sát các hợp đồng xây dựng cầu, và thật mỉa mai, một nhóm nhân viên Nhật Bản làm việc cho hãng Toyota là hãng đang mở rộng mạng lưới phân phối của nó ở miền Bắc Việt Nam. Nhiều người trong đám hành khách bị thu hút bởi phong cảnh lạc hậu của Việt Nam. Hải Phòng, với những tòa nhà đổ nát có từ thời thực dân Pháp, những khu tập thể xấu xí thời Cộng sản, xưởng đóng tàu cổ lỗ kiểu Liên Xô, đã tạo ra một ấn tượng mạnh về đất nước dũng cảm và bị tàn phá này thậm chí nhiều hơn những chặng dừng chân của khách du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Mưa như trút nước. Lái xe của một chiếc xe đã phải nhoài người ra lau kính chắn gió bằng một tấm giẻ vì cái gạt nước đã gãy. Đoàn xe thường xuyên phải dừng lại, một chiếc sa vào một hố to, hai bánh sau của nó quay tít, văng ra phía sau những thứ rác rưởi sũng nước trong khi hàng chục người đẩy đằng sau giúp nó thoát khỏi cái hố đó. Cuộc bàn luận giữa những người nước ngoài này chủ yếu là họ có nên rời khỏi Hà Nội vào buổi tối đó bằng chuyến bay sơ tán của Pháp hay không. Các chuyến bay dân sự đã bị ngừng lại. Hàng không Việt Nam đã đưa máy bay chở khách của họ sang Băng Cốc.
Nước ở các nhánh sông Hồng đang dâng lên khiến cho việc đi lại bằng phà càng thêm nguy hiểm. Đoàn xe này được ưu tiên nhưng điều đó có nghĩa là phải gạt bớt những chiếc xe khác đang xếp nối đuôi nhau khỏi hàng. Trong số 12 chiếc xe chỉ có 9 chiếc kịp xuống chuyến phà đầu tiên, 3 chiếc còn lại chờ ở phía sau, chỗ ngã tư đường, khi thảm kịch xảy ra.
Một số hành khách ngồi uống nước chè trong những chiếc quán nhỏ dựng bên lề đường lầy lội. Nhạc pop ầm ĩ phát ra từ những chiếc cát xét nhỏ. Những người bán hàng rong thu hút sự chú ý bằng cách vừa đấm vào những chiếc thùng gỗ vừa hét to. Chiếc phà cập bến sông với tiếng xích rít lên hai bên mạn và tiếng hò hét từ đám nhân viên bến phà, bắt và liệng những sợi dây thừng. Lái xe khởi động ô tô. Họ cho máy rú to khi những chiếc bánh xe vật lộn với đám bùn. Tiếng còi inh ỏi. Tất cả những âm thanh này làm chìm nghỉm những tiếng còi báo động đầu tiên về chiếc máy bay tiêm kích đang bay rất thấp ở trên đầu. Tầm nhìn hết sức tồi. Những đám mây bay ngang qua. Gió thổi hất những hạt mưa dày và nặng vào những túp lều ven sông. Cho đến khi những đám mây tan đi trong chốc lát những người dưới mặt đất mới có thể nhìn thấy cuộc không chiến giữa một máy bay chiến đấu của Việt Nam và hai chiếc của Trung Quốc.
Trong một trận đánh được tái tạo trên máy tính, máy bay MiG-21 Fishbeds của Việt Nam không thể địch nổi hai chiếc SU-27 của Trung Quốc. Nhưng máy tính hiếm khi tính đến sáng kiến của con người và sự huấn luyện. Phi công Việt Nam cho máy bay bay hết tốc độ, tìm cách cắt đuôi hai chiếc máy bay đang đuổi theo trong khi máy bay Việt Nam mà theo mọi người nghĩ đang cố thoát bằng cách bay sang không phận Lào cách đó 200 km về phía Tây. Viên phi công Việt Nam cho máy bay bay vọt lên cao, phía trên những đám mây. Viên phi công giữ cho máy bay bay thẳng trong vòng chưa đầy ba giây, sau đó bổ nhào vào đúng vị trí mà anh ta đoán là máy bay đối phương sẽ bay tới đó. Vọt ra từ đám mây, viên phi công phát hiện ra mục tiêu, nhanh chóng làm động tác khai hỏa và bắn trúng đuôi một trong hai chiếc máy bay Trung Quốc, làm cho nó không còn điều khiển được. Chiếc máy bay đâm sầm xuống và viên phi công không còn cơ hội sống sót.
Nhưng do quá ham, viên phi công lái chiếc MiG đã lao đến quá gần nên phần đầu một bên cánh chiếc máy bay của anh ta va vào những mảnh vụn. Chiếc máy bay của anh ta lộn nhào không kiểm soát được, và khi đó, những loạt đạn từ chiếc máy bay đang bám theo đã bắn trúng. Viên phi công trẻ người Trung Quốc của chiếc máy bay còn lại nhả đạn từ khẩu súng 25 ly gắn ở phía trước cho đến khi chiếc MiG nổ tung như một quả cầu lửa ở phía Tây con sông. Những tàn lửa rơi xuống trúng một chiếc tàu chở xăng, và rồi quầng lửa rùng rợn vọt thẳng lên trời. Những chiếc xe đậu xung quanh bến phà đều bắt lửa. Những người nước ngoài đã lên được phà bị thiêu sống trong vài giây.
Mặc dù vậy, viên phi công Trung Quốc vẫn cho máy bay vòng trở lại, xả súng bắng từng tràng xuống đất cho đến khi hết đạn, trước khi quay đầu về phía biên giới Trung Quốc. Thêm nhiều chiếc xe nữa bốc cháy. Xăng bùng lên. Hành động trả thù của hắn là 378 người chết. Trong số 87 người nước ngoài được đưa đi sơ tán khỏi Hải Phòng chỉ có 9 người sống sót. Một người, thuộc tổ chức UNDP, đã quay video toàn bộ thảm họa này. Trong vòng vài giờ, những hình ảnh mà ông thu được đã được phát trên kênh truyền hình trên khắp thế giới.
DINH THỰ THỦ TƯỚNG, TÔKYÔ
Giờ địa phương: 08h00' thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 23h00' thứ Hai 19/02/2001
Nội các Nhật Bản tương đối yên tâm về mức dự trữ dầu lửa của Nhật Bản. Chính phủ duy trì mức dự trữ tương đương với mức tiêu dùng trong 80 ngày và ngành công nghiệp mức dự trữ tương đương 75 ngày. Với các kho chứa nằm rải rác dọc theo bờ biển, Nhật Bản có thể cầm cự được trong một thời gian tương đối dài. Trước mắt, không có lý do gì lo lắng. Tuy nhiên, việc cướp chiếc tàu New World của hãng Shell đã gây ra lo ngại mạnh mẽ.
Cuộc họp của Ủy ban Phòng thủ của nội các diễn ra được 10 phút thì có tiếng gõ cửa và một sĩ quan quân đội bước vào mang theo một phong bì lớn, yêu cầu được gặp tướng Ogawa. Tướng Ogawa đứng lên, xin lỗi mọi người, và ra hiệu cho viên sĩ quan rời căn phòng. Thủ tướng phát biểu.
"Trong khi tướng quân ra khỏi phòng, tôi cho rằng điều hết sức quan trọng là tất cả chúng ta khi gặp các quan chức Trung Quốc trong những ngày tới phải nói bằng lời lẽ mạnh mẽ nhất sự lo ngại của chúng ta về hành động của họ ở Biển Nam Trung Hoa." Đúng lúc đó, tướng Ogawa quay trở lại. Hyashi nhìn ông và hỏi: "Tướng quân, có gì mới không?"
"Tôi sợ rằng đó là những tin tức tồi tệ, thưa Thủ tướng". Tướng Ogawa nói "Tôi vừa mới được khẳng định rằng tàu New World của hãng Shell, tàu chở dầu trọng tải 296.000 tấn, đang trên đường tới Yokohama, thực tế đã bị hải quân Trung Quốc trưng dụng, như chúng ta nghĩ. Chưa thật hoàn toàn rõ ràng nhưng có vẻ nó đang tiến về Trạm Giang - căn cứ của Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc."
"Ngài chắc chắn về điều đó, tướng quân?" Thủ tướng hỏi.
"Hoàn toàn chắc chắn, thưa Thủ tướng. Chúng ta có bằng chứng nhưng bức ảnh chụp tia hồng ngoại cho thấy việc chiếm tàu và sự thay đổi hướng đi sau đó của tàu New World của hãng Shell. Như ngài thấy qua các bức ảnh mà tôi đã chuyển cho các bộ trưởng - mà vì những lý do an ninh không được đem ra khỏi phòng này - một nhóm 12 lính biệt kích Trung Quốc đã đột kích lên tàu; bọn họ dường như đã bắn bằng vũ khí tự động và đã bắt cầm tù một thành viên trên tàu. Bức ảnh thứ tư, được phóng to bởi kỹ thuật phóng ảnh mới nhất, cho chúng ta thấy quân phục của đơn vị biệt kích hải quân Trung Quốc. Loạt ảnh chụp thứ hai chụp hướng di chuyển sau đó trong vùng biển. Ngài có thể thấy rằng tàu New World, trước đó đang đi theo hướng Bắc - Đông Bắc, đã chuyển hướng và giờ đây đang đi theo hướng Bắc - Tây Bắc."
"Chiến dịch này đã được Bắc Kinh phê chuẩn hay nó là hoạt động độc lập của hải quân Trung Quốc?" Hyashi hỏi.
"Chúng tôi không chắc chắn lắm. Cướp biển - dưới cái vỏ các hoạt động của hải quân Trung Quốc - vốn là thực tế của đời sống ngành hàng hải kể từ khi Trung Quốc mở rộng cửa cho thương mại quốc tế trong thời kỳ nguyên Đặng. Hoạt động lần này có một số điểm tương tự với các hoạt động độc lập trước đây của hải quân Trung Quốc nhưng theo những gì xảy ra ở Biển Nam Trung Hoa ngày hôm qua, tôi nghi ngờ điều đó."
"Được. Tôi cho rằng chúng ta sẽ coi nó là một phần cuộc xung đột. Ngài Kimura, tôi cho rằng ngài nên có một cuộc nói chuyện nữa với Đại sứ Bạc. Hãy nói với ông ta rằng chính phủ Nhật Bản sẽ không ngồi yên nhìn lợi ích dân tộc sống còn của mình bị vi phạm theo cách đó."
"Thưa Thủ tướng, tôi xin ngợi ý là ngài Tanaka ở Bắc Kinh cũng nên tìm kiếm một cuộc gặp gỡ ngoại trưởng Tống để nhấn mạnh thêm bức thông điệp mà tôi gửi đến cho Đại sứ Bạc?" Ngoại trưởng nói.
"Đồng ý. Ngài Ishihara, tôi cũng muốn ngài chuẩn bị một số khuyến nghị cho chúng ta liên quan đến hình thức hành động, mà các lực lượng vũ trang của chúng ta có thể triển khai. Lúc này đây, tôi đang suy nghĩ đặc biệt về dự án ở Ogasawara. Thưa các ngài, tôi cho rằng chúng ta phải xem xét mọi khả năng lựa chọn của chúng ta trong giai đoạn này. Tôi có ý kiến chúng ta sẽ họp lại tại đây vào lúc hai giờ chiều."
BỘ NGOẠI GIAO, BẮC KINH
Giờ địa phương: 09h00' thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 01h00' thứ Ba 20/02/2001
Jamie Tống liếc nhìn khi kỹ thuật viên người Mỹ bật hết đèn lên. Một người giúp việc hóa trang thấm nhẹ mồ hôi trên trán ông khi ông theo dõi chiếc kim phút trên chiếc đồng hồ của hãng CNN nhích về thời điểm bắt đầu một cuộc phỏng vấn trực tiếp khác.
Chủ nhiệm chương trình truyền hình nói: "Chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu, thưa ngài ngoại trưởng. Chúng tôi đã đưa tin về cuộc xâm lược của các ngài trước đó. Giờ đây, chúng tôi chờ đợi ngài giải thích với khán giả truyền hình về Trung Quốc - làm cho họ tin vào mô hình cai trị của các ngài. Ba mươi giây nữa sẽ bắt đầu chương trình phát."
Người dẫn chương trình: Trong buổi truyền hình trực tiếp từ Bắc Kinh tối hôm nay, lần thứ hai chúng ta lại dành riêng cuộc gặp gỡ với ngài ngoại trưởng Trung Quốc Jamie Tống. Các bạn sẽ trực tiếp đưa ra các câu hỏi của các bạn. Tất cả các bạn giờ đây đều quen với những diễn biến tình hình ở Biển Nam Trung Hoa. Ông Jamie đã đồng ý tham gia buổi truyền hình này để nói với chúng ta về Trung Quốc, hệ thống giá trị của nó và những gì họ hy vọng sẽ đạt được về lâu dài. Và lại cùng có mặt với tôi trong phòng quay là chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, Chris Bronowski. Từ Seattle, các bạn có câu hỏi.
Từ Seattle: Ngài Tống có thể xác nhận rằng các bộ phận cho máy bay Boeing 757 và 737 được sản xuất ở nhà máy ở Tây An chính là nơi đang sản xuất máy bay ném bom H-6 được dùng để tấn công Việt Nam không? Và rằng nhiều công nhân đang làm việc ở đó thực tế là những tù nhân bị kết án tù dài hạn trong các nhà tù của các ngài? Và nếu đúng như vậy, điều đó có còn gì đạo lý không?
Người dẫn chương trình: Chúng ta hãy thảo luận thực tế trước khi nói đến đạo lý. Lao động tù nhân sản xuất những chiếc máy bay dân dụng của Mỹ?
Jamie Tống: Đây là một câu hỏi dành cho đồng nghiệp của tôi phụ trách vấn đề buôn bán.
Người dẫn chương trình: Vì bà ta (Bộ trưởng thương mại Trung Quốc) không có mặt ở đây, chúng ta hãy đề cập đến vấn đề này theo một khía cạnh khác vậy. Nếu lao động tù nhân hay quân đội được sử dụng để sản xuất những chiếc máy bay cua Mỹ thì ngài có lên án điều đó không?
Jamie Tống: Tại sao tôi lại lên án? Một số trong số những chiếc quần jean tốt nhất của Mỹ có được từ lao động trong tù. Các ngài có lên án điều đó không?
Người dẫn chương trình: Chúng ta có lên án không, Chris Bronowski?
Bình luận viên: Vấn đề lao động trong quân đội, tôi đoán rằng đó là lao động để sản xuất máy bay Boeing. Họ biết họ đã thỏa thuận được những gì. Vấn đề nhà tù rộng lớn hơn khác là hàng nghìn người trong các nhà tù Trung Quốc không phải là những kẻ trấn lột và cưỡng dâm, mà là các tù chính trị. Nhiều người trong số họ ở trong các trại cải tạo lao động chỉ vì họ đã cố gắng thực hiện các quyền tự do mà các bạn và tôi cho là điều dĩ nhiên.
Người dẫn chương trình: Phải chăng ông ta đúng, ngài ngoại trưởng?
Jamie Tống: Ở trong các nhà tù của Mỹ, các ngài có những đứa trẻ da đen, nhiều trong số đó sinh ra trong những gia đình bị tan vỡ. Chúng lớn lên trong môi trường độc ác và ma túy. Chế độ xã hội và chính trị của các ngài không chú ý đến những đứa trẻ này. Nếu có, chúng đã không phải vào tù như những kẽ bị xã hội ruồng bỏ, chúng đã được giúp đỡ.
Người dẫn chương trình: Nhưng phải chăng...
Jamie Tống: Không, Mike, hãy để tôi nói hết. Đây là một vấn đề rất quan trọng. Chúng tôi không có vấn đề đó. Chúng tôi có một nhóm nhỏ, và tôi nhấn mạnh là một nhóm nhỏ, những phần từ mà chúng tôi co là một mối đe dọa đối với sự ổn định của đất nước chúng tôi. Những kẻ này chủ trương làm sụp đổ Đảng Cộng sản và các cuộc bầu cử đa Đảng. Chúng tôi trong chính phủ Trung Quốc tin rằng họ làm được điều họ muốn, đất nước chúng tôi sẽ tan rã thành chủ nghĩa lãnh chúa cát cứ, chủ nghĩa ly khai, và có thể là nội chiến. Nhóm người này đang bị giam giữ để cho 1,3 tỷ dân có cơ hội một cuộc sống tốt đẹp nhất mà chúng tôi có thể mang lại cho họ. Và tôi sẽ không nói về vấn đề bầu cử. Có vấn đề ở Nga và Ấn Độ, và tôi không nhận thấy những cải thiện lớn về bệnh viện, trường học và đường sá và nhà ở. Chúng ta được chứng kiến những xác chết ở các địa phương như Chechnya và Kashmir, những nơi chính quyền trung ương không thể kiểm soát được. Đã diễn ra tình trạng bất ổn định, bạo lực và sa lầy về kinh tế. Và một điểm cuối cùng. Chúng tôi không tìm cách can thiệp vào các công việc nội bộ của Mỹ. Liệu tôi có thể gợi ý với thái độ tôn kính rằng các bạn đừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của chúng tôi chăng
Người dẫn chương trình: Chris Bronowski, liệu có nội chiến không nếu có các cuộc bầu cử?
Bình luận viên: Ngài ngoại trưởng bày tỏ một quan điểm đang thịnh hành ở Trung Quốc. Và ông có bằng chứng hợp lý nào đó, chẳng hạn từ Nga thậm chí từ Nam Tư trong những năm 90, để hỗ trợ cho mình.
Người dẫn chương trình: Vậy là ngài lập luận rằng chế độ một Đảng của Trung Quốc là thích hợp nhất đối với đất nước đó.
Bình luận viên: Tôi không tán thành, Mike. Tôi xin nói rõ như vậy.
Người dẫn chương trình: Bombay, Ấn Độ, đến lượt các bạn đặt câu hỏi với ngài ngoại trưởng Tống.
Từ Bombay: Thưa ngài Tống, tại sao các ngài sợ dân chủ?
Người dẫn chương trình: Ngài đã trả lời câu hỏi đó, Jamie?
Jamie Tống: Tôi nghĩ là tôi đã trả lời rồi.
Từ Bombay: Ngài đang nói những điều hoàn toàn đáng vứt vào sọt rác nếu tôi có thể nói như vậy. Mức độ tư bản hóa thị trường chứng khoán của chúng tôi cao hơn nhiều so với các ngài ở Thượng Hải và Thẩm Quyến. Các nhà quản lý tiền tệ ở Schroders và Merrill Lynch thu hút tiền từ quỹ hưu bổng của Mỹ vào Ấn Độ nhiều hơn rất nhiều so với vào Trung Quốc. Mất trung bình ba tháng để ký một liên doanh ở đất nước chúng tôi. Còn ở đất nước các ngài là hai năm. Các tòa án của chúng tôi không chịu ơn Đảng cầm quyền. Họ không thiên vị. Cả hai nước chúng ta đều có tệ nạn tham nhũng, và ngài nói về Kashmir và chiến tranh. Đúng, chúng tôi có những vấn đề rắc rối, nhưng dân chúng của chúng tôi biết những vấn đề đó. Còn các ngài giữ bí mật về những bao đựng xác chết được đưa ra khỏi Tây Tạng và Tân Cương.
Người dẫn chương trình: Còn câu hỏi của ngài?
Từ Bombay: Vấn đề là gì? Con người là một kẻ dối trá tàn bạo.
Người dẫn chương trình: Ngài ngoại trưởng?
Jamie Tống: Ấn Độ và Trung Quốc có truyền thống kình địch nhau. Sẽ phải mất một trăm năm nữa trước khi có người nào đó có thể nói chắc chắn chế độ nào đúng.
Người dẫn chương trình: Băng Cốc, Thái Lan. Các bạn có câu hỏi?
Từ Băng Cốc: Có. Chúng tôi ở Đông Nam Á lo ngại về các cuộc tiến công ở Biển Nam Trung Hoa. Tôi muốn hỏi ngài Tống tại sao việc này lại là cần thiết? Tại sao Trung Quốc gây bất ổn định cho khu vực này?
Người dẫn chương trình: Lùi việc trả lời câu hỏi này vào giờ ăn trưa chứ, Jamie?
Jamie Tống: Tôi biết có sự lo ngại. Nhưng Trung Quốc là một siêu cường. Các lực lượng quốc phòng của chúng tôi phải nghĩ về điều đó. Các vị đã nghe chính phủ của chúng tôi nói rằng buôn bán của các nước ven rìa Thái Bình Dương sẽ ko bị tác động. Nhưng chúng tôi đã tuyên bố nhiều lần, chúng tôi chỉ lấy lại chủ quyền đối với vùng lãnh thổ đúng là của chúng tôi.
Người dẫn chương trình: Cam Túc, Trung Quốc. Các bạn muốn nói với vị ngoại trưởng của các bạn.
Cam Túc: (không nghe thấy)
Người dẫn chương trình: Các bạn đang nói trực tiếp với ngoại trưởng Trung Quốc.
Cáp Nhĩ Tân: Tại sao chính phủ của tôi không thể nuôi nổi dân chúng của mình? (bị ngắt liên lạc)
Người dẫn chương trình: Ngài có nghe thấy không, Jamie? Tại sao các ngài không nuôi nổi dân chúng của mình?
Jamie Tống: Có thỏa thuận để tôi phát biểu trên chương trình của các ngài là tôi không trả lời những câu hỏi từ các công dân Trung Quốc.
Người dẫn chương trình: Cho qua câu hỏi đó, Jamie. Tôi sẽ đặt câu hỏi vậy. Có phải dân chúng đang chết đói ở Trung Quốc?
Jamie Tống: Không có chuyện đó.
Người dẫn chương trình: Có tình trạng thiếu lương thực không?
Jamie Tống: Tuyệt đối không có.
Người dẫn chương trình: Iowa, bạn có câu hỏi dành cho Jamie Tống.
Từ Madison County: Thưa ngài ngoại trưởng, tôi là một nông dân trồng ngũ cốc. 80% thu hoạch của tôi được dành bán cho đất nước ngài. Thẳng thắn mà nói, tôi cảm thấy sợ hãi. Liệu tình hình có trở nên thật sự tồi tệ không, các ngài sẽ ngừng mua ngũ cốc của tôi chứ?
Người dẫn chương trình: Các ngài sẽ tôn trọng những hợp đồng mua lương thực của mình chứ?
Jamie Tống: Chúng tôi chưa bao giờ khởi xướng một sự đe dọa trừng phạt chống lại Mỹ. Chúng tôi chỉ nói rằng nếu Mỹ khởi sự một cuộc chiến tranh buôn bán, chúng tôi sẽ trả đũa.
Người dẫn chương trình: Phải chăng sự trả đũa đó sẽ nhằm vào ngũ cốc của Mỹ?
Jamie Tống: Tôi có thể nói như thế nào nhỉ? Tại sao ngài không hỏi Tổng thống xem ông ta có những sự trừng phạt nào trong đầu?
Người dẫn chương trình: Liệu Trung Quốc có tồn tại được không nếu như không có ngũ cốc của Mỹ?
Jamie Tống: Chắc chắn là có thể.
Người dẫn chương trình: Iowa, nếu tất cả ngũ cốc của bạn bán cho Trung Quốc bị ngừng lại thì điều gì sẽ xảy ra?
Từ Madison County: Tôi sẽ bị phá sản. Các ngân hàng sẽ rút lại các khoản tiền cho vay. Tôi thừa nhận điều này sẽ xảy ra hầu hết các trang trại ở đây. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần mọi việc được giải quyết thận trọng...
Người dẫn chương trình: Ngài ngoại trưởng, các ngài có thể gây thiệt hại cho nước Mỹ như thế nào trong một cuộc chiến tranh buôn bán?
Jamie Tống: Tôi không ngồi làm công việc tính toán, Mike. Nhưng sẽ là tồi tệ đấy.
Người dẫn chương trình: (Ngừng lại sửa cặp kính để đọc một bức điện được đưa tới trước mặt ông). Bây giờ, chúng tôi đón nghe một số tin đáng sợ vừa mới được gửi đến.
Jamie Tống, xin vui lòng ở lại đây với chúng tôi để đưa ra bình luận của ông. Tất cả những gì chúng tôi cho đến nay được biết là máy bay Trung Quốc đã tấn công đoàn xe dân sự đang rời Hải Phòng. Hàng chục người đã bị giết hại, nhiều người trong đó là người Mỹ.
THÔNG BÁO TÌNH HÌNH DẦU LỬA (II)
Hidei Kobayashi, người phụ trách vấn đề Chiến lược và Buôn bán của công ty chứng khoán Nomura không thích phát biểu trước công chúng. Nhưng vào sáng thứ ba ngày 20/02 ông được yêu cầu phát biểu thay mặt hội đồng quản trị của Nomura về cuộc khủng hoảng ở Biển Nam Trung Hoa.
Ông bắt đầu bằng việc giải thích rằng Cuộc Tấn Công Của Con Rồng chỉ có lý do một phần liên quan đến lãnh thổ, một phần là dạy một bài học về nền chính trị thực dụng cho những nước nhỏ hơn có chung biên giới hoặc nuôi dưỡng một yêu sách lãnh thổ đối với Biển Nam Trung Hoa. Mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn luôn là đòi hỏi giành giật nguồn dầu lửa và hơi đốt ở dưới biển. Vào cuối thế kỷ 20 đã có một sự thay đổi cơ bản trong thị trường dầu lửa thế giới và một sự chuyển hướng thị trường từ châu Âu và Bắc Mỹ sang Đông Á. Trước hết, đã có sự thay đổi quan trọng về quyền lực tương đối của Tổ chức cá Nước Xuất Khẩu Dầu Lửa (OPEC) trong việc tác động đến giá dầu. Vào giữa những năm 1980 là lúc quyền lực của OPEC xuống đến mức thấp nhất, và phần của tổ chức này trong thị trường dầu lửa của nó giảm xuống chỉ còn 30% trong năm 1985 - so với 50% giữa những năm 1970, khi nó ở đỉnh cao quyền lực và ảnh hưởng. Nhưng trong những năm 1990 tổ chức này đã khôi phục lại được vị trí của mình. Đây không phải là kết quả của bất kỳ điều gì tổ chức này đã thực hiện mà là do sự tăng trưởng nhanh chóng thì mức tiêu dùng trong nước ngày càng ngốn nhiều dầu lửa mà họ sản xuất ra. Việc phát hiện ra những mỏ dầu mới không thể theo kịp tốc độ công nghiệp hóa của họ.
Đối với Trung Quốc, vấn đề đặc biệt gay cấn: vào cuối thế kỷ này, sau những năm có mức tăng trung bình 7% về cầu, đất nước này đứng trước sự thiếu hụt 3,5 triệu tấn dầu trong một năm và điều này phải được đáp ứng bằng nhập khẩu. Những nỗ lực của nước này tìm kiếm dầu ở những vùng biển nội địa không đem lại mấy kết quả. Vùng biển Hoa Đông phát hiện thấy trữ lượng hơi đốt khiêm tốn nhưng không thấy dầu. Phát hiện khả quan nhất là trữ lượng hơi đốt lớn ở ngoài khơi bờ biển phía Nam đảo Hải Nam ở cực bắc Biển Nam Trung Hoa, và một đường ống dẫn ngầm dưới biển dài 800 km đã được xây dựng để dẫn 2,9 m3 hơi đốt một ngày cung cấp cho một nhà máy điện ở Hồng Kông. Trên đất liền, việc áp dụng những kỹ thuật khoan mới đã thành công trong việc hút được nhiều dầu hơn từ mỏ Đại Khánh ở Đông Bắc Trung Quốc, mỏ dầu có sản lượng cao nhất của nước này - thực tế các mỏ dầu ở vùng Đông Bắc chiếm 70% sản lượng dầu trên đất liền. Vùng lòng chảo Tarim ở Tây Bắc tỏ ra có triển vọng nhưng mỏ này nằm khá xa bờ biển và chi phí vận chuyển phải cộng thêm ba đôla một thùng. Kobayashi nói với các giám đốc Nomura rằng trong bối cảnh đó chẳng có gì là khó hiểu, sức hấp dẫn của việc chiếm Biển Nam Trung Hoa đối với ban lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt khi các tài liệu thông báo cho họ biết sự giàu có không kể xiết của vùng biển này. Một tài liệu chính thức cho rằng "theo các con số ước tính" các mỏ dầu ở "Nam Sa" có trữ lượng tới trên 10 tỷ tấn. Các nhà địa chất cho rằng khu vực bãi ngầm Tăng Mẫu nằm trên vùng thềm lục địa nông và có lớp đá trầm tích dày khoảng 15.000 mét và là một trong những vùng có nhiều dầu và khí đốt. Đây rất có khả năng trở thành một "vịnh Pecxich" thứ hai. Nếu so sánh vào thời kỳ cực thịnh, Đại Khánh sản xuất được 1 tỷ 490 triệu tấn dầu trong 35 năm tính đến cuối năm 1995. với nguồn dự trữ ước tính 10 tỷ tấn có thể khai thác, Trung Quốc sẽ không cần phải nhập dù là một giọt dầu trong tương lai có thể thấy trước.
Các láng giềng của Trung Quốc cũng không bỏ qua điều này, đặc biệt là Việt Nam. Kể từ năm 1987, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa và cho phép đầu tư nước ngoài vào, nước này đã coi việc phát triển ngành công nghiệp khai thác dầu và khí đốt ngoài khơi là ưu tiên hàng đầu của mình. Một phần tư đầu tư nước ngoài đổ vào ngành công nghiệp này. Hà Nội có những kế hoạch lớn. Họ đề ra mục tiêu sản lượng hàng năm 20 triệu tấn dầu vào năm 2000 - một mục tiêu mà họ đã đạt được một cách dễ dàng. Giờ đây, họ còn nhìn xa hơn và đang nhằm mục tiêu 25 triệu tấn/năm vào năm 2005. Điều này không có nghĩa là để tìm kiếm dầu ở Biển Nam Trung Hoa, tất cả những gì người ta phải làm là khoan giếng và hút dầu lên cho chảy vào một chiếc tàu chở dầu. Về mặt môi trường Biển Nam Trung Hoa là một khu vực khó làm việc. Những trận bão làm cho việc khoan dầu trở nên mạo hiểm trong khi những dòng nước mạnh cuốn đi nhiều phương tiện thiết bị không người điều khiển ngầm dưới nước. Ngoài những khó khăn mà người khai thác dầu gặp phải, cấu tạo địa chất của vùng biển này còn phức tạp và khó đánh giá. Thực tế, trữ lượng phát hiện lúc đầu ở Đại Hùng, trong vùng biển nằm sát Trường Sa, đã giảm xuống còn 200 triệu trùng từ mức trên 500 triệu thùng. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Việt Nam đã khuyến khích các công ty thăm dò dầu lửa hàng đầu thế giới tới thử vận may ở khu vực này, và việc làm này đã được trả giá. Công ty British Petroleum (BP) đã có những phát hiện quan trọng về khí đốt cách bờ biển phía Nam Việt Nam 360 km, đủ để cung cấp năng lượng cho thành phố Hồ Chí Minh trong vòng ít nhất 25 năm. BP còn là đối tác với Nippon Oil ở một cơ sở khai thác dầu lớn ở quần đảo Hoàng Sa.
Lợi ích của Nhật Bản ở Biển Nam Trung Hoa gồm hai phần. Đã có các công ty như Nippon Oil, Mitsubishi và Mitsui tiến hành thăm dò dầu. Những khoản đầu tư của họ là đáng kể. Những lợi ích lớn hơn là ở vai trò của Biển Nam Trung Hoa là một tuyến đường quan trọng cho buôn bán với châu Âu và Trung Đông. Biển Nam Trung Hoa có thể nói là vùng biển quan trọng nhất đối với Nhật Bản, không có ngoại lệ nào. Đây là đường giao thông huyết mạch vận chuyển trên 90% khối lượng dầu và khí đốt hóa lỏng (LNG) cùng với ít nhất 70% khối lượng than mà nước này tiêu thụ. Buôn bán dầu là ngành kinh doanh lên tới 500 tỷ đôla một năm. Châu Á chiếm trên 1/3 khối lượng đó và Nhật Bản chiếm một nửa mức tiêu thụ của châu Á. Hầu như toàn bộ buôn bán này đi qua Biển Nam Trung Hoa. Tầm quan trọng kinh tế của Biển Nam Trung Hoa không chỉ giới hạn ở buôn bán về năng lượng, mặc dù điều này cũng có tầm quan trọng lớn lao. Còn có những hàng hóa khác phải xét đến - nông phẩm và hàng hóa các loại - và khi đưa những cái này vào trong chương trình thì điều trở nên rõ ràng là trên một phần tư buôn bán bằng đường biển của thế giới là đi qua tuyến đường này.
Kobayashi thông báo ở cuộc họp rằng giá dầu đã tăng 5 đôla một thùng vào ngày thứ hai. Với việc các mỏ dầu ở Biển Nam Trung Hoa đóng cửa; Brunây và Inđônêxia không còn nằm trong mạng lưới cung cấp, ông này nói giá dầu trong một thời gian ngắn chắc chắn sẽ còn tăng nữa. Mặc dù Nhật Bản có những kho dự trữ lớn, không thể biết được những thiệt hại nào có thể xảy ra đối với các cơ sở sản xuất hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Ông nhắc lại cho các giám đốc về việc khi đội quân của Saddam rút lui họ biến tất cả những giếng dầu ở Côoét thành những bó đuốc. Trước một bối cảnh không chắc chắn như vậy, ông nói ông cho rằng đồng yên và thị trường chứng khoán Tôkyô không có cách nào khác là giảm sút. Thị trường này lúc mở cửa đã giảm 1.267 điểm xuống 38.033 điểm. Các quĩ của Mỹ là bên bán ra chính trên thị trường, do các nhà đầu tư Nhật Bản quay sang mua đồng đôla vào một cách ồ ạt. Đồng yên cũng tiếp tục cuộc tấn công có tính chất đầu cơ. Đồng tiền này giảm 10% vào ngày thứ hai và mất thêm 6,8 yên (5%) từ mức 144,2 yên trong phiên giao dịch buổi sáng ở Tôkyô.
Kobayashi kết thúc một cách buồn bã. Tình trạng sôi động trên các thị trường đã kết thúc. Lạm phát có chiều hướng gia tăng trước khi Trung Quốc hành động. Nếu giá dầu đứng ở mức cao trong thời gian đủ lâu, nó sẽ tác động đến các loại giá khác trong toàn bộ nền kinh tế thế giới. Các thị trường chứng khoán đã ở vào tình trạng dễ bị tổn thương kể từ năm 1987. Các thị trường Niu Yoóc, Luân Đôn và Tôkyô tất cả đều đã lên đến mức cao nhất vào tháng giêng. Lãi suất chắc chắn sẽ tăng khi các ngân hàng trung ương tìm cách hạn chế bớt sự kích thích lạm phát từ dầu lửa với số tiền bỏ ra tốn kém hơn. Ngân hàng Nhật Bản đã siết chặt tiền để cách hỗ trợ đồng yên, mặc dù không có mấy kết quả. Ông nói "Trong thời kỳ bất trắc như vậy, thưa các ngài, thật khó có thể bỏ qua kết luận là 'tiền là chúa tể'".
THÔNG BÁO TÌNH HÌNH
Những tác hại về mặt nội bộ từ chính sách chiến tranh của Trung Quốc
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng CNN, Jamie Tống lấy cớ là thực sự không biết gì về cuộc tấn công vào đoàn xe ở Hải Phòng nhưng ông đã để ý thấy tín hiệu đèn đỏ trên camera trong phòng quay tắt đi khi giọng nói của ông vang lên trên nền hình ảnh đạn đang bắn vào những chiếc xe đậu bên bờ sông.
Việc này không làm cho công việc của ông ở Trung Nam Hải dễ dàng hơn chút nào. Chủ tịch Trung Quốc ít quan tâm đến sắc thái của các mối quan hệ quốc tế trừ phi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến vị trí của ông ở nước này. Vấn đề ông phải đương đầu là hiệu lực của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật và liệu Trung Quốc có đủ can đảm và sức mạnh quân sự để đương đầu với nó không? Nếu Cuộc Tấn Công Của Con Rồng là một thắng lợi về mặt tuyên truyền, Tống sẽ phải thuyết phục các tướng lĩnh hạn chế những hành vi thái quá của binh lính của họ đối với những thường dân.
Chính sách chi tiêu mới đã được thực hiện trong khá nhiều năm đủ để có thể cảm nhận được những tác động của nó. Việc đột ngột chuyển ngân quỹ dành cho phát triển sang cho lĩnh vực quân sự đã tạo ra một bộ máy chiến đấu tự tin hơn và được tổ chức hợp lý hơn. Khả năng tên lửa và lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc đem lại cho nước này khả năng triển khai sức mạnh mà mười năm trước đây là không thể hình dung nổi. Đây là một trong những bí mật về việc lập kế hoạch dài hạn được bảo vệ chặt chẽ nhất của Trung Quốc. Sau khi Tổng thống Clintơn cử hai nhóm tàu sân bay đến bảo vệ Đài Loan hồi tháng 3/1996, Bộ chỉ huy tối cao của PLA đã nhấn mãnh là họ phải được phép bảo vệ chủ quyền và nhân phẩm của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Giang Trạch Dân đã đi đến kết luận "Nếu chúng ta tiếp tục theo đuổi hệ tư tưởng đồng đôla một cách mù quáng, chúng ta sẽ trở thành không hơn gì những chính phủ thối nát của thế kỷ 19. Chúng ta sẽ phải chịu ơn các công ty thương mại nước ngoài và sẽ bị các cường quốc, đế quốc bắt nạt. Tổ quốc sẽ không bao giờ đổi tự do của mình lấy sự giàu sang."
Những tác động có hại của chính sách này đã được giữ kín đối với dân chúng. Sự thống khổ, chết đói, các cuộc nổi loạn, binh biến, các cuộc hành hình tức khắc, việc tích trữ lương thực, tất cả được giới hạn càng nhiều càng tốt ở những vùng xa xôi, khó đến được và tại đó Đảng Cộng sản có thể sử dụng bạo lực mà không sợ những hậu quả. Tiền của đáng lẽ được dùng trong việc xây dựng hệ thống tưới tiêu lại được chi cho việc huấn luyện tàu ngầm. Một tuyến đường đã bị hy sinh cho việc nghiên cứu công nghệ phát hiện hình ảnh bằng nhiệt độ. Một tỉnh không được cung cấp đủ về thuốc men do ngân sách được dành vào việc phát triển kỹ thuật tiếp nhiên liệu trên không.
Jamie Tống ghi trong cuốn nhật ký của ông rằng Trung Quốc có thể sẽ kết thúc không gì hơn ngoài những sự phân chia niềm tự hào của chính họ, được chia sẻ giữa các lãnh chúa ở các địa phương với nhau. Trên đường đến Ủy ban Trung ương ở Trung Nam Hải, ông đọc những bài báo cắt ra từ báo chí phương Tây nhắc nhở ông về sự tan vỡ ở bên trong nước Trung Hoa hiện đại.
BÁO WASHINGTON POST - DINGXI
Tây Bắc Trung Quốc
Thứ Hai 23/10/2000
Những vùng đất hoang vu khô cằn trải dài hàng trăm kilômét trên nền một khung cảnh gồm những ngọn đồi và bầu trời không chút mến khách. Đây đó, từng tốp nông dân làm việc. Những chiếc khăn quàng bẩn thỉu nhưng sặc sỡ màu đỏ và xanh của họ nổi bật trên nền khung cảnh cằn cỗi. Những ruộng lúa được đào đắp bằng bàn tay con người thành bậc thang chạy xuôi theo sườn đồi. Đất tơi xốp dưới đường cày. Mưa họa hoằn mới có nhưng lại hết sức dữ dội. Đất khô nẻ, không còn giữ được độ ẩm và mùa màng mất sạch nhưng hầu hết các ngày trong năm bầu trời không có mây. Mặt trời làm ngừng mọi hình thức sống và cây trồng chết dần. Từ nhiều năm nay, nông dân vẫn tiếp tục cày cấy. Họ đặt lòng tin vào Tổ quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc và người cha sáng lập Đảng Mao Trạch Đông. Mao đã biến họ thành những anh hùng của cuộc Cách mạng Trung Quốc của ông, và nơi đây, cách Bắc Kinh 3.000km, họ tin vào cuộc Cách mạng đó.
Mọi việc cứ tiếp tục như vậy cho đến khi vùng ngoại ô thị trấn Dingxi nhỏ bé, một con ngựa gầy gò, không được chăm sóc đã quỵ xuống khi đang kéo cày. Người nông dân đi bộ đến thị trấn và đề nghị được giúp đỡ để chuyển xác con vật đi. Ông cũng cần một con ngựa khác. Ông quay trở về ruộng của mình và chờ đợi. Một tuần sau, xác con vật thối rữa trên mảnh ruộng duy nhất của ông. Vụ ngô bị phá hoại. Không một quan chức chính phủ nào đến thăm. Người nông dân trở lại Dingxi. Bên ngoài trụ sở chính quyền của thị trấn này có treo một tấm biểu ngữ mang dòng chữ Trung Quốc màu đỏ chói ca ngợi chủ nghĩa xã hội và nền văn minh tinh thần của Trung Quốc. Quan chức tiếp người nông dân này thậm chí còn không mời ông uống nước chè. Thay vào đó, người nông dân được nói cho biết rằng bản thân ông không chịu theo dõi những gì đang diễn ra ở Trung Quốc. Quan chức này đến từ Bắc Kinh - anh ta ở độ tuổi xấp xỉ 30. Mặc dù chỉ trẻ hơn người nông dân vài tuổi, mặt mày nhẵn nhụi, nhanh mồm nhanh miệng và mặc bộ quần áo hợp mốt, anh ta như thuộc về thế hệ khác. Anh này giải thích cho người nông dân rằng chính phủ sẽ không có ngựa để cấp. Ở nước Trung Hoa hiện đại, mọi người phải tự lo cho mình. Chỉ những người thích nghi tốt nhất mới tồn tại được. Một số người có thể bị tác động nhưng đó là cách duy nhất để làm Trung Quốc trở nên giàu có để có thể đương đầu được với đường lối bá quyền của phương Tây.
Người nông dân này đã nghe nói về những thay đổi. Giờ đây, ông có thể bán sản phẩm thu hoạch của mình cho bất cứ người nào ông muốn. Nhưng ông chưa bao giờ được nói cho biết rằng Đảng sẽ không giúp đỡ nếu ông gặp khó khăn. Người nông dân hỏi liệu chính phủ có giúp ông chuyển từ trồng ngô sang trồng lúa miến không? Ông nghe nói lúa miến cần ít nước tưới hơn, như vậy ông có thể cày ruộng bằng tay nhưng ông cần được hướng dẫn cách làm. Thậm chí ông sẽ trồng thử đậu tương để lấy dầu bởi vì loại cây này chỉ cần 3/4 lượng nước mà ông hiện đang cần đến. Nhưng quan chức này không hiểu người nông dân đang nói gì. "Ông có thể làm những gì ông muốn nhưng chúng tôi không thể trợ cấp cho ông được nữa."
Khi rời khỏi trụ sở chính quyền của thị trấn, người nông dân đã làm một việc khác thường. Ông hành động không phải vì ông mất con ngựa hoặc thậm chí vì khả năng sẽ bị mất sạch mùa màng trong năm đó. Tất cả những chuyện này đều có thể chấp nhận được. Đó là số phận của người nông dân Trung Quốc từ nhiều thế kỷ nay. Và người nông dân đã luôn vượt qua thử thách để làm cho đất nước này trở nên vĩ đại. Ông hành động là vì những lời của Mao đã bị phản bội. Đang bước xuống cầu thang, ông nhìn thấy ba quan chức chính phủ cười nói giống như khi những nhân vật tai to mặt lớn gặp nhau. Họ chui vào một chiếc ô tô màu đen và cho xe vọt nhanh tới mức một phụ nữ cõng con trên lưng bị mất thăng bằng và ngã sóng soài. Chiếc xe không dừng lại nhưng nhiều người bán hàng rong đã rời quầy hàng của họ tới giúp người phụ nữ này. Người nông dân, đã trở nên hoàn toàn nổi tiếng sau ngày hôm đó, nhớ lại một đoạn trong tác phẩm của Mao Trạch Đông. Hàng trăm triệu nông dân sẽ nổi lên như một cơn cuồng phong, một trận bão tố, một sức mạnh quét đi nhanh và mạnh đến mức không một cường quốc nào, dù lớn đến đâu, có thể ngăn cản được. Họ sẽ đập tan mọi xiềng xích trói buộc họ và tiến về phía trước trên con đường đi tới tự do. Họ sẽ quét sạch bè lũ đế quốc, địa chủ, quan chức tham nhũng, bạo chúa địa phương và những kẻ độc ác xuống mồ của chúng.
Khi chiếc xe phóng đi rồi, người phụ nữ đượcđỡ dậy và người nông dân kêu lên giận dữ. Ông giật tấm biểu ngữ treo ở lối vào cửa trụ sở thị trấn xuống. Ông trải nó xuống đất và nhổ lên tấm biểu ngữ đó. Bất ngờ bởi hành động cả gan của mình, ông đứng ngơ ngác nhưng ngay lúc đó, có thêm nhiều người tỏ thái độ ủng hộ ông. Một số cũng nhổ nước bọt. Những người khác dẫm chân lên. Một số còn đổ nước chè từ những chiếc ấm trong tay họ lên tấm vải. Tiếp đó, có ba thanh niên đi xe máy đến. Họ nhặt tấm biểu ngữ lên, đổ dầu và châm lửa đốt. Một đám đông xúm đến xem. Không ai hò hét cổ vũ. Khi tàn tro tan ra bay theo gió, những thanh niên này trao cho đám đông những tờ giấy in sẵn.
Những tờ giấy này do tổ chức có tên là Đảng Cộng sản Trung Quốc mới in ra, đề nghị dân chúng tự chọn mình thuộc tầng lớp nào: tư sản, tầng lớp nửa tư sản gồm nông dân, thợ thủ công, bán hàng rong, bán hàng thuê; tầng lớp vô sản gồm tá điền, lao động không lành nghề và những người thuộc tầng lớp cung đình, nhóm người mà Mao Trạch Đông coi là một trong những vấn đề rắc rối lớn nhất mà nước Trung Hoa phải đương đầu: nông dân mất đất đai, thợ thủ công mất hết cơ hội việc làm kết quả của sự đàn áp và bóc lột... những người hiện có cuộc bấp bênh nhất.
Dưới thời Mao, có 20 triệu người thuộc nhóm này. Giờ đây con số này là 200 triệu. Người nông dân chỉ là một người trong số này. Tối hôm đó, ông không trở về ngôi nhà của mình. Sau khi đốt tấm biểu ngữ, ông đã có thêm những người bạn mới, họ đưa ông đến quán cà phê và mua bia cho ông uống. Ông kể với họ về vấn đề con ngựa của ông. Ông lắng nhge những vấn đề của người khác. Rõ ràng những tình trạng hết sức bất công đang diễn ra ở khắp Trung Quốc. Sau đó, khoảng 100 người quay trở lại trụ sở chính quyền của thị trấn. Họ ném đá, đập tan các cửa sổ. Sau đó, họ xông vào nhà và lục lọi các phòng làm việc. Khi họ sắp đốt trụ sở này thì cảnh sát vũ trang nhân dân nổ súng. Mười người bị thương. Năm người chết. Người nông dân bị bắt giữ và kết án 5 năm lao động khổ sai. Những thanh niên phát các tờ giấy in đã rời khỏi Dingxi từ lâu. Mao biết họ có những tổ chức bí mật ở nhiều nơi.
SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN, HỒNG KÔNG
Giờ địa phương: 10h30' thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 02h30' thứ Ba 20/02/2001
Damian Phillips, Chủ tịch công ty chứng khoán First China Securities đang chuẩn bị báo cáo đầu tiên trong số sẽ trở thành những báo cáo thương xuyên cho tướng Triệu. Kết quả của phiên giao dịch ở Sở Giao dịch Xăng dầu Quốc tế (IPE) ở Luân Đôn vượt ra ngoài sức tưởng tượng của ông. Cái hay của IPE là ở chỗ khác với Sở giao dịch Buôn bán Niu Yoóc, ở IPE không có giới hạn nào. Ngoài ra, khác với người Mỹ, Luân Đôn không đặt câu hỏi về quốc tịch của nhà đầu tư; ở Niu Yoóc, nhà chức trách muốn biết danh tính của bất kỳ người nào mua trên 20.000 hợp đồng kỳ hạn về dầu lửa ở Sở Giao dịch Niu Yoóc. Vì vậy, trước khi nổ ra cuộc chiến tranh vào ngày thứ sáu, First China đã mua vét 20% thị trường hàng hoá kỳ hạn. Mối quan tâm duy nhất của IPE là First China thỉnh thoảng thuờng làm phình to lợi nhuận của họ, và điều này họ làm được nhờ những chiếc túi không đáy của tướng Triệu và công ty Multitechnologies. Trong bản báo cáo gửi cho họ Triệu được chuyển đến Bắc Kinh bằng chuyên cơ, Phillips đã tính toán chính xác mức lãi thu được cho đến thời điểm đó. Con số 400 triệu đôla thu được từ ngày giao dịch đầu tiên đã được chuyển vào thị trường tiền tệ Niu Yoóc. Thị trường này rất lớn, dễ dàng chuyển sang tiền mặt, và không phải tiết lộ tên tuổi. Với khuynh hướng "đổ xô đầu tư vào chất lượng" thịnh hành vào lúc đó, thì đây là một quyết định đầu tư khôn ngoan. Khoản tiền lời chưa được đưa vào sổ. Đồng yên càng mất giá thì khoản đầu tư của họ càng thuận lợi. Khoản lời trên sổ sách 181,95 triệu đôla của hôm thứ hai đã tăng lên 261,6 triệu. Tuy nhiên, ông này đã báo động với tướng Triệu về sự cần thiết phải hành động nhanh chóng nếu có một sự thay đổi lớn về chiều hướng tiền tệ và đề nghị cho phép ông được hành động khi ông thấy có cơ hội.
TRUNG NAM HẢI, BẮC KINH
Giờ địa phương: 11h00' thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 03h00' thứ Ba 20/02/2001
Xe ô tô của Jamie Tống chạy qua các cổng ở Trung Nam Hải. Người lái xe do ông chọn nhưng người bảo vệ được cử đi theo ông hai tuần trước là thuộc Trung đoàn cảnh vệ trung ương. Nhiệm vụ của anh này là bảo vệ tính mạng của ngoại trưởng và báo cáo lại các hoạt động của Jamie Tống. Bị theo dõi là một trong những gánh nặng của người có chức vụ cao trong Đảng Cộng sản.
Một người lính đi hộ tống ngoại trưởng và lực lượng bảo vệ đứng dọc lối đi có treo những bức chân dung các nhà lãnh đạo trước đây của Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc đang chờ ông trong dãy phòng làm việc ở phía Nam tòa nhà này, cùng với bốn thành viên Ủy ban thường trực Bộ chính trị. Tống không phải là ủy viên Bộ chính trị nhưng là vị bộ trưởng duy nhất của Trung Quốc có thể nói tiếng Anh như một người Mỹ nên ban lãnh đạo vừa cần vừa không tin ông. Tống được triệu đến để báo cáo với Ủy ban thường trực về vấn đề duy nhất là nước Mỹ. Rõ ràng cuộc họp đã diễn ra từ trước đó. Sau khi Tống ngồi xuống, Chủ tịch Vương không đề cập ngay đến Cuộc Tấn Công Của Con Rồng.
"Các đồng chí ở miền Bắc của chúng ta thiếu lương thực, nguồn nước và dầu đốt. Hiện ở đây có tình trạng suy dinh dưỡng. Có những căn bệnh trước đây chưa bao giờ tác động đến dân chúng của chúng ta trên phạm vi rộng như vậy. Những người nông dân được coi là nòng cốt của Đảng bị vỡ mộng. Họ đang nổi loạn chống lại chúng ta. Họ hành động có tổ chức. Họ lập ra các tổ chức riêng của họ và tự gọi mình là người Cộng sản mới. Nhiệm vụ của chúng ta là khôi phục mối liên kết giữa nhân dân và Đảng. Nhưng chúng ta hãy tự nhìn vào bản thân mình xem. Những đợt gió hung dữ từ Trung Á đang tràn qua khắp các vùng hoang mạc của chúng ta, nơi không loại cây gì có thể gieo trồng được. Các giếng dầu của chúng ta đã cạn khô. Các vụ thu hoạch của chúng ta là không đủ. Nếu Đảng Cộng sản không nuôi, cung cấp nhà ở và lãnh đạo được 1,3 tỷ dân của chúng ta thì Đảng sẽ bị tiêu diệt. Và nếu không có Đảng, sẽ không có Tổ quốc. Chúng ta một lần nữa sẽ lại bị thương gia phương Tây xâm lược. Những người cai trị chúng ta sẽ là Boeing, Motorola, Toyota.
"Thưa các đồng chí, đoàn kết là sức mạnh; còn chia rẽ thì chỉ có thất bại và hỗn loạn."
Chủ tịch Vương ngừng một lát rồi nói trực tiếp với Jamie Tống.
"Ngoại trưởng, sáng nay, ông lại có một buổi phát biểu trực tiếp trên truyền hình. Các Đại sứ của chúng ta báo cáo rằng buổi phát đầu của ông đã thành công trong khi Đại sứ của chúng ta tại Pari đã bị ông Nguyễn biến thành một thằng ngốc. Chúng tôi đi đến kết luận rằng tốt hơn là nên tiến hành chiến dịch tuyên truyền ở đây, ngay tại Bắc Kinh này, đồng thời liên lạc với các công ty tư vấn của chúng ta ở Oasinhtơn và châu Âu. Chúng tôi muốn biết ông sẽ tập trung như thế nào và cuộc phỏng vấn sắp tới."
"Vào những hình thức trừng phạt, thưa đồng chí Chủ tịch. Tôi tin rằng có thể lợi dụng những sự trừng phạt của Mỹ để giải quyết những vấn đề nội bộ mà đồng chí đã mô tả. Để làm được việc đó, chúng ta phải đảm bảo rằng ngoài Cuộc Tấn Công Của Con Rồng, Trung Quốc chỉ phải chịu một mức tối thiểu tác động bất lợi của báo chí quốc tế, điều không thể tránh khỏi."
"Tôi đã nghiên cứu các thông báo về tâm trạng bất mãn trong tầng lớp nông dân của chúng ta và về việc những người Cộng sản mới ngày càng trở nên được lòng dân, điều này thậm chí phương tiện thông tin đại chúng phương Tây cũng đã đưa tin. Điều đáng chú ý là họ có thể đưa lén một tuyên bố về vụ rắc rối ở Dingxi ra khỏi nhà tù số một Lan Châu và đăng trên tờ Washington Post. Tôi có ý kiến là Bộ An ninh quốc gia nên chuyển các phương tiện theo dõi hiện đang được sử dụng theo dõi các thương gia nước ngoài, những người mà chúng ta nên coi là đồng minh, sang để theo dõi các phóng viên phương Tây, những người theo truyền thống có thái độ thù địch. Bất kỳ người phương Tây nào mang theo máy quay video hoặc máy ảnh vào các tỉnh nên giữ lại để xét hỏi, phim bị tịch thu và nếu họ bị nghi làm việc cho một tổ chức báo chí nước ngoài nào đó thì họ phải bị trục xuất. Nhưng không được đối xử tồi tệ với họ trong bất kỳ hoàn cảnh nào."
"Còn khách du lịch thì sao?"
"Theo dõi họ. Còn bây giờ, không có mấy vấn đề trục trặc trong việc vận chuyển ngũ cốc giữa các tỉnh nhưng do những trận lụt ở miền Nam hồi năm ngoái, chúng ta ước tính thiếu hụt trên 30 triệu tấn mà chúng ta sẽ phải nhập khẩu. Các tỉnh bị tác động nhiều nhất là các khu vực duyên hải miền Nam như Quảng Châu, Phúc Kiến, Vân Nam và vùng đồng bằng sông Dương Tử quanh Thượng Hải. Đây là những địa phương tạo ra nhiều rắc rối nhất trong việc phớt lờ các chỉ thị từ Bắc Kinh. Lịch sử có thể đến lúc coi họ là nguyên nhân gây ra sự chia rẽ của đất nước Trung Quốc. Họ giàu có. Họ mua nhiều gạo trực tiếp từ phía Mỹ."
"Các đồng chí, tôi có ý kiến ngay khi Oasinhtơn tuyên bố những sự trừng phạt, chúng ta sẽ trả đũa bằng cách hủy những hợp đồng mua lương thực của chúng ta. Hàng hóa đang vận chuyển sẽ được trả lại. Những sự trừng phạt của Mỹ sẽ nhằm vào việc sản xuất hàng hóa xuất khẩu của chúng ta mà hầu hết là các nhà máy ở tỉnh miền Nam này đều sống dựa vào đó. Công ăn việc làm của hàng chục nghìn người sẽ bị đe dọa. chắc chắn sẽ có hỗn loạn xã hội, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Châu bao quanh Quảng Đông, Hồng Kông, Thâm Quyến và Chu Hải."
Chủ tịch ngắt lời: "Nói chính xác thì ông đề nghị cái gì, ngoại trưởng."
"Nghệ thuật chiến tranh là biến cuộc tấn công không thể tránh khỏi của kẻ thù với chúng ta thành lợi thế của chúng ta. Nông dân Mỹ sẽ phải chịu thiệt hại do việc chấm dứt các hợp đồng mua lương thực. Và khu vực miền Nam hay gây rắc rối sẽ phải cần đến sự giúp đỡ của chúng ta để có được các nguồn cung cấp từ những nơi khác ở Trung Quốc. Khi các công nhân ở các đặc khu kinh tế biểu tình, chúng ta sẽ điều quân từ các tỉnh khác đến để kiểm soát. Trong một thời gian rất ngắn thưa các đồng chí, chúng ta có thể khôi phục được quyền lực của Bắc Kinh trong việc cai trị Trung Quốc. Các tỉnh Trung Quốc sẽ nhận ra rằng họ cần chúng ta sức mạnh từ trung ương."
"Còn tình trạng thiếu lương thực thì sao?"
"Tình trạng bế tắc này cùng lắm chỉ kéo dài trong vài tháng. Rồi thì công việc kinh doanh sẽ trở lại bình thường. Người Mỹ sẽ phải thương lượng lại. Nếu họ không làm như vậy, chúng ta sẽ trục xuất các công ty đa quốc gia của họ, dành công việc kinh doanh cho người châu Âu và mua gạo từ Ôxtrâylia và Mỹ Latinh."
Người chỉ huy Cuộc Tấn Công Của Con Rồng của PLA xen vào một câu hỏi về các kế hoạch quân sự của Mỹ. Jamie Tống tỏ thái độ tôn trọng một cách từ tốn. Ở nước Trung Hoa hiện đại, người lính chứ không phải viện sĩ, là người có quyền lực. "Thưa đồng chí, tôi tin rắng liên minh giữa Mỹ và Nhật đang bị thử thách một cách nghiêm túc. Giới kinh doanh Mỹ nhấn mạnh vào một giải pháp ngoại giao nhanh chóng. Người ta không thể tin là Lầu Năm Góc có thể đưa các lực lượng của họ tới tham gia một cuộc xung đột kéo dài ở Biển Nam Trung Hoa. Tôi cho rằng những biện pháp trừng phạt trả đũa cùng với - trong trường hợp tệ nhất - một số thương vong của Mỹ sẽ chứng kiến việc chấm dứt sự can thiệp của Mỹ."
DINH THỰ THỦ TƯỚNG, TÔKYÔ
Giờ địa phương: 14h00' thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 05h00' thứ Ba 20/02/2001
Giờ phút quyết định của Thủ tướng Hyashi đến vào lúc diễn ra cuộc họp buổi chiều của ủy ban phòng vệ nội các. Ông đã chuẩn bị cho điều này từ nhiều năm nay. Trong thời gian làm Bộ trưởng quốc phòng, ông mải mê với các vấn đề phòng thủ - tình trạng sẵn sàng của Nhật Bản, khả năng nổ ra một cuộc chiến tranh với Trung Quốc, phát triển tên lửa, và điều cấm kỵ lớn nhất, tái vũ trang vũ khí hạt nhân. Khi lựa chọn nội các của mình, Hyashi đã thận trọng lưu ý đến những mong muốn của các nhân vật chính trị có ảnh hưởng đứng đầu các phe phái cạnh tranh nhau. Nhưng Hyashi - ông thuộc một phe thiểu số - tin vào nghệ thuật cân bằng, chứ không phải nghệ thuật cai trị. Ông đã dành nhiều đêm ngồi uống rượu với các thành viên đầy triển vọng của các phe phái khác, không phải để tìm cách lôi kéo họ về phe mình mà là để khi thời điểm đến, một số người trong số họ có thể phục vụ ông trong nội các. Sự kiên nhẫn và bền chí của ông đã được đền đáp. Hyashi có hai đồng minh dũng cảm - Bộ trưởng quốc phòng Ishihara và Bộ trưởng ngoại giao Kimura. Hai ông này nhận thức rõ tư thế quân sự của Nhật Bản và giống như ông, họ sẵn sàng suy nghĩ về những điều được cho là không thể nghĩ tới vào thời điểm đó. Ủy ban quốc phòng họp lại tại dinh thự của Hyashi.
Hyashi mở đầu "Thưa các vị, tôi hy vọng tất cả các vị đã có thời gian đọc bức điện của Đại sứ Katayama ở Oasinhtơn. Tôi nghĩ các vị sẽ đồng ý với tôi rằng thật đáng buồn khi đọc bức điện và nó đòi hỏi chúng ta ngày hôm nay phải có những quyết định có tầm quan trọng sâu rộng đối với Nhật Bản và nhân dân Nhật Bản."
"Tôi muốn nói ngay từ đầu rằng tôi hy vọng, khi bị thúc ép, người Mỹ sẽ không tôn trọng hiệp ước mà họ ký với chúng ta. Khi sáng kiến ở Nye thất bại cách đây vài năm, và tiếp theo là việc Mỹ rút quân khỏi Okinawa sau đó 8 năm, tôi biết chỉ là vấn đề thời gian trước khi Hiệp ước An ninh 1960 hoặc mất hiệu lực hoặc sụp đổ khi gặp trở ngại đầu tiên. Những lời lẽ lập lờ của Bradlay với tôi và sau đó với Đại sứ của chúng ta khiến tôi tin rằng đã đến lúc chúng ta phải hành động."
"Chúng ta người Nhật Bản luôn luôn chỉ có một mình. Hiệp ước An ninh từ trước đến nay chỉ là cái lá nho che đậy, ít ra kể từ khi kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh với Liên Xô. Những sự cân nhắc về chủng tộc, hay nói trực tiếp hơn là sự định kiến về chủng tộc, luôn là cái u nằm ở cốt lõi của mối quan hệ Mỹ - Nhật. Tôi có niềm tin vững chắc rằng gốc cốt lõi của mối quan hệ Mỹ - Nhật. Tôi có niềm tin vững chắc rằng gốc rễ của sự xích mích giữa Mỹ và Nhật chính là sự định kiến về chủng tộc. Định kiến về chủng tộc của người Mỹ dựa trên đức tin về văn hóa rằng kỷ nguyên hiện đại là sản phẩm sáng tạo của chủng tộc da trắng."
"Khi tôi làm Bộ trưởng quốc phòng, tôi đã có dịp nói chuyện với Bộ trưởng hải quân Mỹ về Hệ thống Màu Hổ phách. Màu Hổ phách được coi là màu thể hiện sự thận trọng và hệ thống này được đặt tên theo khái niệm đó. Theo Hệ thống Màu Hổ phách, các tàu bè bình thường như tàu chở dầu và tàu côngtenơ được trang bị rađa định vị thủy âm ở mũi tàu. Thiết bị này có thể phát hiện các mục tiêu dưới nước. Một số mục tiêu là những mỏm đá... được chỉ rõ trên hải đồ. Cái mà hệ thống này tìm kiếm là các tàu ngầm hạt nhân."
"Chỉ riêng Hệ thống Màu Hổ phách không thể phát hiện ra quốc tịch của tàu ngầm; nó không thể cho biết chúng là của Mỹ, Nga hay nước nào khác. Nó đơn thuần chỉ phát hiện ra sự có mặt của một mục tiêu nước ngoài nào đó và thông tin này được chuyển trực tiếp cho Lầu Năm Góc, và ở đó người ta biết được cái gì dựa trên hải đồ và liệu một chiếc tàu ngầm nào đó có phải là của Mỹ hay không."
"Tôi đã đề nghị hải quân Mỹ trang bị hệ thống này cho tất cả các tàu thương mại của Nhật Bản. Các thủy thủ Nhật Bản là đáng tin cậy và đội tàu buôn của Nhật có mặt ở khắp các đại dương và vùng biển trên thế giới. Các tàu của Nhật Bản, trong đó có các tàu chở dầu của chúng ta, có thể thu thập tin tức dọc các tuyến đường vận tải quan trọng và Mỹ có thể phân tích thông tin nhận được từ các tàu của Nhật."
"Trước sự ngạc nhiên của tôi, người Mỹ nói rằng không phải là công việc của Nhật Bản. Tôi hỏi nếu xét số lượng rất hạn chế tàu bè của Mỹ, làm sao họ có thể bác bỏ sự cần thiết phải có sự giúp đỡ như vậy. Câu trả lời: 'Chúng tôi không thể giao công việc quan trọng như vậy cho Nhật Bản.' Tôi hỏi liệu có thích hợp không nếu lôi kéo người Anh và người Đức vào, và ông ta nói là có."
"Thực tế của vấn đề là người Mỹ không tin tưởng Nhật Bản. Nhật Bản chắc chắn không có đủ chuyên môn để phân tích thông tin do Hệ thống Màu Hổ phách cung cấp, nhưng họ vẫn lo ngại về tính đáng tin cậy của Nhật Bản trong việc thu thập thông tin đó. Định kiến về chủng tộc của người Mỹ đối với Nhật Bản là vấn đề cơ bản; và chúng ta luôn ghi nhớ tới điều đó khi làm việc với người Mỹ. Trong Chiến tranh Thế giới Thứ II, Mỹ đã ném bom các mục tiêu dân sự ở Đức, nhưng họ chỉ sử dụng bom nguyên tử với Nhật Bản. Trong khi họ từ chối thừa nhận điều đó, lý do duy nhất giải thích vì sao họ có thể sử dụng bom nguyên tử là do thái độ định kiến về chủng tộc của họ đối với Nhật Bản."
"Chúng ta, người Nhật Bản, hiện đang đứng trước những sự lựa chọn nên hành động táo bạo hay lặng lẽ lùi lại sau. Có khả năng Nhật Bản có thể tìm được cho mình một tương lai mới dựa trên một tư thế độc lập thực sự trong khu vực của chúng ta và trên thế giới. Chúng ta không được tự kiềm chế mình chỉ trong giới hạn những gì chúng ta đã làm cho đến thời điểm này."
"Thủ tướng cân nhắc hình thức hành động nào?" Bộ trưởng thương mại Naito hỏi.
"Tôi sẽ nói điều này sau, nhưng tôi nghĩ ít ra chúng ta phải làm cho Mỹ và thế giới thấy rõ rằng Hiệp ước An ninh không còn tồn tại nữa. Tôi nghĩ chúng ta cũng nên xem xét việc thể hiện sức mạnh quân sự của chúng ta để cho đặc biệt là Trung Quốc phải thừa nhận các quyền lợi và lợi ích chính đáng của chúng ta ở Biển Nam Trung Hoa. Ngài Naito, hơn ai khác, ngài thừa nhận tầm quan trọng của việc đi lại tự do và không bị ngăn cản trên tuyến đường biển đặc biệt đó đối với nền kinh tế của chúng ta."
"Quả thực là tôi cũng nhận thức được các khoản đầu tư ở Trung Quốc có thể bị đe dọa nếu chúng ta có hành động thiếu suy nghĩ chống lại Bắc Kinh ở Biển Nam Trung Hoa." Naito nói. "Việc vận chuyển dầu lửa bằng đường biển tuyệt nhiên không phải là một vấn đề vặt vãnh, nhưng liệu có đáng hy sinh những gì chúng ta có ở Trung Quốc không? Trong số 30 liên doanh hàng đầu ở Trung Quốc, chúng ta nắm 7. Chúng ta là nước nhập khẩu lớn nhất hàng hóa từ Trung Quốc trong một mối quan hệ buôn bán rất có lợi cho chúng ta. Tôi lo ngại sẽ có sự sung công tài sản. Tôi biết ngành công nghiệp cũng có thái độ lo ngại về việc nói đến hành động quân sự này."
"Cái không thể tránh khỏi không thể loại bỏ đơn giản chỉ bằng việc hy vọng như vậy." Ngoại trưởng Kimura nói 'Ngoài ra, tất cả chúng ta đều là người châu Á. Tôi tin là chúng ta có thể đi đến một sự thỏa hiệp với Trung Quốc. Các thương gia nên làm những gì mà họ có khả năng nhất và nên tránh xa các hoạt động chính trị.'"
"Bây giờ, tôi muốn ngài Ishihara thông báo vắn tắt cho chúng ta về tình trạng sẵn sàng của các lực lượng của chúng ta và về dự án Ogasarawa," Hyashi nói, "Ngài Ishihara".
"Các lực lượng quân sự của Nhật Bản hiện ở trong tình trạng sẵn sàng cao độ, thưa Thủ tướng. Hạm đội miền Nam của chúng ta, hiện đóng tại các căn cứ trước đây của Mỹ ở Okinawa, đang có mặt ở ngoài khơi. Hạm đội này gồm một tàu sân bay nhỏ, ba tàu tuần dương được trang bị tên lửa điều khiển và các tàu hộ tống. Chúng ta cũng có một tàu ngầm hoạt động ở gần đó. Do trình độ công nghệ của chúng ta, người Trung Quốc khó có thể gây nhiều thiệt hại cho chúng ta. Nhưng tất nhiên, sự tự mãn chẳng mang lại điều gì hết. Đô đốc Yamashita hiện chỉ huy hạm đội này."
"Như các ngài đều biết, căn cứ ở Ogasawara trải dài bao trùm một số hòn đảo nhỏ. Hòn đảo nhỏ nhất là một bãi tập và, cách đó 22 km về phía Nam, hòn đảo lớn nhất là nơi đặt Cơ sở Nghiên cứu Quốc phòng 317 và khoảng 165 nhà khoa học và binh lính đang làm việc ở đó. Căn cứ này cũng đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Thực tế, tất cả đã sẵn sàng và chỉ chờ mệnh lệnh của Thủ tướng."
"Tôi có biết về căn cứ bí mật này", Bộ trưởng tài chính Wada nói. "Ngân sách dành cho nó được giấu trong ngân sách hàng năm của nông nghiệp dành cho nghiên cứu cây lúa. Nhưng tôi chưa bao giờ được nói cho biết Cơ sở 317 làm cái gì và tôi buộc phải nói rằng ngài Ishihara chưa làm tôi rõ thêm chút nào."
"317 là một cơ sở nghiên cứu vũ khí hạt nhân", Ishihara nói. "Nó tồn tại là để tập trung và phát triển những nỗ lực của chính phủ trong lĩnh vực hạt nhân. Việc lập cơ sở này là theo quyết định của chính phủ khi đó và đã được các chính phủ kế tiếp ủng hộ nhằm mục tiêu để cho Nhật Bản có được khả năng sản xuất một số lượng vũ khí hạt nhân. Chính phủ chưa bao giờ có ý định cạnh tranh với Mỹ, Nga hoặc Trung Quốc về số lượng vũ khí hạt nhân mà nước Nhật sở hữu. Thay vào đó chúng ta tập trung vào chất lượng và khả năng dẫn tên lửa tới mục tiêu. Do kinh nghiệm bi thảm của chúng ta là nước duy nhất trên Trái Đất chịu đựng bom hạt nhân trong thời gian chiến tranh, chúng ta bắt tay vào triển khai với mục tiêu chế tạo thiết bị có khả năng là sạch sẽ nhất. Những đầu đạn mà chúng ta sản xuất nếu được sử dụng sẽ chỉ gây ra những thiệt hại ban đầu đáng kể nhưng để lại rất ít những hậu quả đối với sức khỏe như trong trường hợp những trái bom tạo ra nhiều phóng xạ."
Một bầu không khí im lặng tuyệt đối bao trùm lên phòng họp của nội các. Thủ tướng quyết định kết thúc cuộc họp.
"Mặc dù tôi là người lúc đầu có thái độ hoài nghi, tôi tin rằng những diễn biến cho đến nay, đến tuần này biện minh đầy đủ cho quyết định thành lập dự án 317. Đề nghị mà tôi muốn đưa ra cho các ngài chính là thế này. Chúng ta cần mọi người biết chúng ta sẽ làm cái gì đó; có dính líu đến cuộc khủng hoảng này chứ không phải chỉ là người đứng nhìn bất lực. Để đạt được mục tiêu này, tôi dự định cho phép thử một trong những thiết bị nhỏ nhất của chúng ta, một quả bom 50 kilôtôn sẽ được cho nổ dưới lòng đất. Tôi tin rằng vụ nổ có mức độ này sẽ thông báo cho thế giới biết rằng kỷ nguyên của chúng ta đã đến với tư cách là một cường quốc hạt nhân và đồng thời làm cho Trung Quốc phải lưu ý rằng chúng ta sẽ không tha thứ cho những hành động của họ ở Biển Nam Trung Hoa."
BỘ NGOẠI GIAO, BẮC KINH
Giờ địa phương: 14h00' thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 06h00' thứ Ba 20/02/2001
Xe ô tô của Đại sứ Ấn Độ dừng lại bên ngoài tòa nhà mới của Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh năm phút trước khi bắt đầu cuộc họp với Jamie Tống. Ông được dẫn vào luôn. Hai người bắt tay nhau và xưng hô với nhau bằng tên thánh. Sau này Đại sứ có nói với hãng tin PTI của Ấn Độ rằng các cuộc thảo luận là có tính chất làm việc, nhưng diễn ra thân mật.
"Hardeep, Bộ an ninh quốc gia cho tôi biết các ngài đang điều thêm quân vào vùng biên giới Tây Tạng". Ngoại trưởng mở đầu.
"Nếu đúng như vậy, Jamie, thì đó là một điều bí ẩn đối với tôi. Ngay sáng nay tôi đã hỏi Delhi và họ nói là đang theo dõi nhưng không thấy gì cả.
"Ngài có thể kiểm tra lại được không?"
"Tôi có thể nhưng cũng muốn lưu ý rằng RAW (Bộ phận nghiên cứu và phân tích thuộc lực lượng an ninh Ấn Độ) thông báo về những hoạt động chống đối ngày càng tăng ở Lhasa và các thành phố khác. Tất nhiên, tôi đề cập đến vấn đề này với tư cách cá nhân."
"Tất nhiên rồi."
"Và người ta tin rằng có khả năng các nhóm chống đối đang lợi dụng tình hình các ngài tập trung hoạt động quân sự ở Biển Nam Trung Hoa."
"Tôi tin rằng Ấn Độ sẽ không làm gì khuyến khích vấn đề này."
"Chúng tôi cung cấp nơi cư trú, ngài biết đấy. Ngoài ra không có gì khác nhưng tôi đã được Thủ tướng của tôi chỉ thị phải nêu những vấn đề sau đây một cách chính thức."
"Mời ngài, Hardeep."
"Chúng tôi đang xem xét việc chấp nhận một đề nghị có từ lâu mở rộng các chương trình huấn luyện quân sự của chúng tôi với Mỹ. Như ngài biết đấy, người Mỹ bắt đầu đưa ra đề nghị này từ năm 1991. Cùng với những hoạt động khác, Mỹ tham gia việc huấn luyện ở độ cao trên dãy Himalaya. Tôi được chỉ thị nói với ngài rằng Ấn Độ lo ngại về việc mở rộng hoạt động quân sự của Trung Quốc và chúng tôi đang tìm kiếm những lời bảo đảm."
"Những bảo đảm như thế nào?"
"Ngừng bán công nghệ hạt nhân cho Pakixtan. Giảm bớt việc bán vũ khí cho Pakixtan. Đóng cửa hoặc cùng với chúng tôi sử dụng căn cứ quân sự của các ngài trên đảo Hangyi ở Mianma là nơi, như ngài biết đấy, nằm ở vị trí chiến lược bên sườn vịnh Bengan. Và cũng như vậy đối với trạm theo dõi trên đảo Great Coco của Mianma nằm ở phía Bắc quần đảo Andaman của chúng tôi."
"Ngài thẳng thắn đấy, ngài Đại sứ."
"Đó là nhờ sự huấn luyện theo kiểu thuộc địa Anh của chúng tôi. Sẽ là tốt hơn đối với các ngài nếu chia sẻ những gì không phải là của các ngài và làm cho chính phủ của tôi hài lòng."
"Nếu chúng tôi không làm như vậy thì sao?"
"Nếu những điều lo ngại của chính phủ tôi về sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc không được xoa dịu thì chúng to sẽ đem ra trưng bày kho vũ khí hạt nhân của chúng tôi."
"Một hành động nguy hiểm, Hardeep."
"Thế giới đang trở thành một nơi nguy hiểm hơn."
"Và nếu chúng tôi đồng ý?"
"Chúng tôi sẽ không can thiệp vào Tây Tạng."
KREMLI, MATXCƠVA
Giờ địa phương: 09h00' thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 07h00' thứ Ba 20/02/2001
Đại sứ Trung Quốc tại Matxcơva được mời đến Điện Kremli trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ kể từ khi nhận được giấy mời. Quãng thời gian ngắn ngủi này có ý nghĩa ngoại giao sâu sắc, cũng như cấp bậc của vị chủ nhà của ông, thứ trưởng ngoại giao. Ngoại trưởng đang bận việc khác.
"Ngài Đại sứ, chính phủ của tôi lo ngại về những thương vong về dân sự được gây ra bởi các cuộc tấn công của các ngài nhằm vào Việt Nam. Chúng tôi không muốn thấy thêm bất kỳ điều gì nữa."
"Đây là một vấn đề nội bộ giữa Trung Quốc và..."
Thứ trưởng ngoại giao nói xen vào: "Không phải như vậy khi mà máy bay của Nga cũng dính líu vào đó."
"Ngài có ý gì, ngài thứ trưởng?"
"Tôi sẽ nói thẳng. Chúng tôi đang chịu sức ép từ phía Mỹ đòi phải rút lại sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của chúng tôi. Nếu các ngài có thể giữ cho chiến dịch của các ngài không gây ra đổ máu trong dân chúng, tốt hơn là không có sự đổ máu nào, thì chúng tôi không có lý do gì phải làm theo phía Mỹ yêu cầu. Những bóng ma hình ảnh các máy bay của Nga ném bom vào các khu dân cư ở Việt Nam là điều chính phủ của tôi sẽ không tha thứ."
BỘ NGOẠI GIAO, BẮC KINH
Giờ địa phương: 16h30' thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 08h30' thứ Ba 20/02/2001
Jamie Tống thu xếp các cuộc gặp gỡ vào buổi chiều của ông với các Đại sứ Pháp, Đức và Anh cách nhau nửa giờ một. Ông không muốn họ chạm trán nhau nhưng ông muốn họ báo cáo lại với các thủ đô của họ và để cho các nước này có một phản ứng vào sớm ngày hôm sau.
Ông cố tình để cho Đại sứ Pháp phải đợi bảy phút và giữ nguyên tư thế đứng khi ông này được mời vào. Không ai ngồi trong cuộc gặp gỡ thế này.
"Ngài Đại sứ, chính phủ của tôi lấy làm ngạc nhiên và buồn phiền vì sự ủng hộ công khai mà các ngài thể hiện lần này đối với một kẻ thù của Trung Quốc. Theo tôi hiểu thì nhân viên quân sự Pháp đã được sử dụng chống lại Quân giải phóng Nhân dân."
"Ngài biết đấy, chúng tôi có những nghĩa vụ theo hiệp ước đối với Việt Nam."
"Những cái này không làm cho chính phủ của tôi quan tâm. Vì thiện ý, Trung Quốc đã cho phép Pháp lập một phái đoàn ngoại giao ở Bắc Kinh trước Mỹ đúng 10 năm. Chúng tôi đã xem các ngài là một người bạn cũ và tin cậy. Đã có những thời kỳ khó khăn, như việc các ngài bán tàu chiến và máy bay cho Đài Loan trong những năm 90 nhưng chẳng có gì có thể so sánh được mức độ phản bội mà các ngài đã thể hiện trong hai ngày qua."
"Tôi sẽ truyền đạt những lời bình luận của ngài ngoại trưởng đến chính phủ của tôi."
"Ngài sẽ làm hơn thế nữa, ngài Đại sứ. Ngài sẽ nói với họ rằng trừ phi chúng tôi nghe được một tuyên bố ngay lập tức về thái độ trung lập của Pháp, chúng tôi sẽ gạch tên tất cả các công ty của Pháp không cho tham gia đấu thầu những hợp đồng mới của Trung Quốc và từ tuần tới chúng tôi sẽ đóng cửa nhà máy Citroen của các ngài ở Vũ Hán. Đó là tất cả những gì chúng tôi muốn nói."
Jamie Tống tỏ ra thân mật hơn với Đại sứ Anh. Hai người ngồi xuống trên những chiếc ghế da thoải mái đặt ở một góc trong văn phòng của ông. Ông mở đầu: "Chúng tôi đánh giá cao thái độ trung lập của Anh trong cuộc tranh chấp khu vực khó giải quyết này. Sự hiểu biết sâu sắc của các ngài đối với nhân dân Trung Quốc và nền văn hóa Trung Quốc đã góp phần giúp các ngài hiểu rằng những vấn đề này được giải quyết tốt hơn nhiều nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài. Xét cho cùng, người châu Á chúng tôi đến lúc nào đó phải tự đứng trên đôi chân của mình mà không bị các tàu sân bay của Mỹ phát vào mông."
"Đúng là khó khăn, ngài ngoại trưởng. Lần này, tôi chỉ nhận được chỉ thị nói rằng chúng tôi lo ngại cho các kiều dân Anh đang bị đe dọa ở cả Việt Nam lẫn trên các dàn khoan dầu trên đảo Trường Sa đã bị chiếm giữ. Hạ viện hết sức ầm ĩ. Ngài biết đấy, các nước dân chủ thích những giải pháp dễ dàng và hành động nhanh chóng. Nếu Thủ tướng có thể cho Hạ viện biết về sự an toàn của kiều dân Anh vào buổi chiều hôm nay thì thái độ trung lập của chúng tôi sẽ dễ duy trì hơn nhiều. Đồng thời, những hình ảnh trên vô tuyến truyền hình về các cuộc tấn công nhằm vào Việt Nam không giúp gì cho hình ảnh quốc tế của Trung Quốc. Cũng vì lý do này, các cuộc tấn công đó cần chấm dứt nếu muốn Anh tiếp tục biện hộ cho trường hợp của các ngài."
"Đó là một vấn đề nội bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nói thẳng ra thì, ngài Đại sứ, đó không phải là việc của ngài."
"Tôi e rằng với thế giới nhỏ bé như ngày nay thì điều đó sẽ trở thành một vấn đề nội bộ của nước Anh. Khi chúng tôi cướp phá Di Hòa Viên năm 1860, không có các ống kính camera ghi lại hành vi của quân Anh. Nếu dân chúng Anh cảm thấy bất bình với những hành động của các ngài ở Việt Nam thì các chính khách Anh - mặc dù là miễn cưỡng - có lẽ sẽ phải phản ánh tâm trạng bất bình."
Jamie Tống đứng lên để ra hiệu rằng cuộc gặp gỡ đã kết thúc. Ông chìa tay ra, nắm chặt tay Đại sứ và nói: "Tôi muốn nói chuyện với ngài trong vài ngày tới về các hợp đồng xây dựng sân bay. Có khả năng những hợp đồng này sẽ rơi vào tay các công ty của Anh nếu tất cả chúng ta chơi đúng con bài của mình. Sẽ không có ai hài lòng hơn tôi."
Jamie Tống tiễn Đại sứ hết đoạn hành lanh dài tới chỗ cầu thang máy, và điều này thậm chí theo nền văn hóa hiện đại của Trung Quốc là một dấu hiệu thể hiện thái độ rất kính trọng. Nhưng thái độ kính trọng đó vẫn chưa là cái gì so với hình ảnh Jamie Tống đứng đợi ở bậc lên xuống khi chiếc xe của Đại sứ Đức dừng lại, khoác tay nhà ngoại giao, dẫn ông vào cầu thang máy và rồi vào phòng làm việc của ông. Một người phục vụ mang vào một ly vốtca Smirnoff pha với cam tươi, thứ đồ uống mà Jamie Tống biết ông Đại sứ thích dùng vào buổi chiều. Hai người ngồi xuống vẫn trên những chiếc ghế bành đó. Bản giao hưởng số năm của Mahler vang lên khắp căn phòng rộng làm thành một thứ nhạc nền. Họ xưng hô với nhau bằng tên thánh.
"Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm tất cả các ngoại kiều, Helmut. Tôi đã nói chuyện với Chủ tịch cách đây vài phút. Ông ta nói với tôi các hoạt động quân sự chống Việt Nam sẽ được ngừng lại vào cuối ngày. Các tuyến đường biển sẽ được mở lại. Đến cuối tuần mọi người chắc chắn sẽ quên hết."
"Thủ tướng đề nghị cộng đồng quốc tế hãy kềm chế."
"Chủ tịch đề nghị tôi truyền đạt tới Thủ tướng sự đánh giá cao của ông về lập trường chín chắn của Đức đối với vấn đề khu vực khó khăn này. Hãy tin tôi, Helmut, một khi vấn đề này được giải quyết, người ta sẽ không nói gì thêm về những điểm dễ bùng nổ ở châu Á nữa."
"Và những tuyến đường biển thì sao?"
"Chúng tôi chỉ lo ngại về việc tàu bè bị kẹt ở những khu vực có chiến sự. Tôi nghĩ là ngay khi chúng ta đang nói chuyện đây thì các tuyến đường đã được mở lại."
"Tôi sẽ truyền đạt với Thủ tướng."
"Đúng và ngài có thể nói rằng chúng tôi rất quan tâm đến những đề nghị liên doanh mới đây nhất của Siemens, Mercedes và Volkswagen... Tôi hiểu đã có vài chậm trễ trong các cuộc thương lượng nhưng tôi nghĩ ngài sẽ nhận thấy chúng được giải quyết trong một vài ngày tới."
TRỤ SỞ CỦA BOEING, SEATTLE
Giờ địa phương: 00h30' thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 08h30' thứ Ba 20/02/2001
Hàng người đứng cản kéo dài hơn một kilômét và sẽ đứng đó suốt đêm. Reece Overhault, tổng giám đốc điều hành của hãng Boeing, từ trên văn phòng của mình nhìn xuống đám người biểu tình. Ông biết ông không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc giơ mặt ra mà chịu. Những tấm áp phích của những người biểu tình lên án Trung Quốc và lên án hãng Boeing. "Ngừng xuất khẩu việc làm của Mỹ cho Trung Quốc"; "Boeing hỗ trợ những kẻ sát nhân Trung Quốc"; "Overhault, quá đủ rồi, tống cổ hắn đi!" Cầm đầu đoàn biểu tình là một quan chức từ Hiệp hội thợ máy quốc tế (IAM). IAM đã lãnh đạo một cuộc đình công quyết liệt kéo dài 7 tuần năm 1995 phản đối hãng Boeing, nơi việc xuất khẩu việc làm sang Trung Quốc là một vấn đề chủ chốt. Để giành được các đơn đặt hàng máy bay của Trung Quốc, Boeing đã đồng ý xuất khẩu một phần công việc sản xuất máy bay sang nước này. IAM Journal, tạp chí của Hiệp hội này, gọi những "sự đền bù" này là một "trò hăm dọa tống tiền công ăn việc làm có tính chất côn đồ... Các hãng chế tạo máy bay khổng lồ của Mỹ dường như không quan tâm đến điều này. Họ nuôi con hổ châu Á và đối thủ cạnh tranh này trưởng thành lên." Việc Trung Quốc tấn công Việt Nam và phong tỏa Biển Nam Trung Hoa có tác dụng như cột thu lôi cho tâm trạng bất bình của hiệp hội này. IAM đã tố cáo Boeing bán rẻ quyền lợi của người lao động Mỹ bằng việc chấp nhận để Nhật Bản sản xuất các bộ phận trị giá khoảng 20% giá trị loại máy bay thân rộng 777 mới của Boeing. Một quan chức của hiệp hội này lưu ý rằng Trung Quốc đang sản xuất phần đuôi máy bay Boeing 737 ở một nhà máy do quân đội quản lý; nhà máy này cũng là nơi sản xuất những máy bay ném bom đang tấn công Việt Nam. "Sẽ là không hợp pháp và lố bịch nếu trông chờ giới kinh doanh và lao động Mỹ cạnh tranh với giới lao động Trung Quốc theo kỷ luật quân đội."
Mối lo ngại cấp bách hơn của Overhault là về giá cổ phiếu của Boeing. Cổ phiếu của Boeing đã bị sụt mạnh giảm 3 đôla xuống còn 67,50 đôla. Nó còn bị mất giá với tốc độ nhanh hơn so với thị trường nói chung. Chỉ số Dow Jones Industrial đã giảm 2,76% trong khi của Boeing là 4,4%. Đã thấy có những vụ bán ồ ạt các cổ phiếu của công ty này ở Hồng Kông. Ông đã gọi điện cho các cố vấn tài chính của Boeing, tới Goldman Sachs, ngân hàng đầu tư của Wall Street, và yêu cầu họ tìm hiểu xem ai hoặc cái gì diễn ra đằng sau vụ bán ở Hồng Kông.
ĐÀI TRUYỀN HÌNH TRUNG ƯƠNG, BẮC KINH
Giờ địa phương: 19h00' thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 11h00' thứ Ba 20/02/2001
Lời cầu khẩn của một công nhân dần lửa người Mỹ đã được BBC và CNN thu được và phát lại. Cả hai hệ thống đã phát xen vào các chương trình đã được lên kế hoạch từ trước của họ và cho chạy hàng chữ dưới những hình ảnh để giải thích điều gì đang xảy ra. Đó là tin thứ hai trong chương trình thời sự của đài truyền hình quốc gia Trung Quốc. Tin thứ nhất là về cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Vương Phong và ngoại trưởng Iran đang ở thăm tại một biệt thự ở Trung Nam Hải. Lời tường thuật của phát thanh viên vang lên cùng với những hình ảnh hai người bắt tay nhau, sau đó nắm chặt khuỷu tay nhau, nói về tình hữu nghị nồng ấm giữa hai chính phủ: "Đồng chí Vương Phong nói nhân dân Trung Quốc và Iran đã nêu một tấm gương cho những nước khác trong thế giới đang phát triển noi theo. Chúng ta có thể đoàn kết, và cùng nhau đứng dậy chống lại cái gọi là các cường quốc phương Tây, những nước không những không tôn trọng các nền văn hóa châu Á mà còn muốn ngăn không cho những nền văn hóa này phát triển."
Tiếp đó, trên nền tấm bản đồ Biển Nam Trung Hoa, phát thanh viên nhắc lại yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh. Trong khi bà này nói, hình ảnh đột ngột bị cắt ngang, xen vào hình ảnh một công nhân khai thác dầu tự xưng là Jake Walker, người bang Minnesota. Chiếc áo phông màu đen của ông rách ở vai phải. Da mặt ông bị bong từng mảng vì cháy nắng. Mái tóc của ông này được buộc túm lại và không được chải. Trông ông phờ phạc và mệt mỏi. Ông bắt đầu bằng việc giải thích diện mạo của mình, nói rằng ông và đồng nghiệp được ăn rất ít kể từ hôm Chủ Nhật khi lính Trung Quốc chiếm bãi đá ngầm Discovery. Thức ăn được dành cho số lính tham gia giải phóng lãnh thổ này."
Chính cụm từ đó - giải phóng lãnh thổ - đã rung tiếng chuông báo động ở khắp các phòng tác chiến ở châu Âu và Mỹ. Hình ảnh nền là bằng chứng cho thấy vẫn còn nhiều người bị giam giữ trên bãi đá ngầm này. Giọng nói của Jake Walker là điều sỉ nhục đối với nước Mỹ. Ở đây người ta thấy bóng dáng của Têhêran năm 1979, những con tin ở Beirut trong những năm 1980 và thất bại thảm hại ở Xômali trong những năm 1990.
Walker nói: "Chúng tôi đánh bạn với nhiều lính Trung Quốc. Họ đã giải thích lập trường của họ, chúng tôi hiểu và giờ đây ủng hộ lập trường đó. Toàn bộ vấn đề này có thể được giải quyết nếu Mỹ, đất nước mà tôi yêu mến, rút đi và cho phép Trung Quốc, một đất nước mà tôi kính trọng và sẽ yêu quý, lấy lại quyền lịch sử của họ."
NHÀ TRẮNG, OASINHTƠN, DC
Giờ địa phương: 06h20' thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 11h20' thứ Ba 20/02/2001
Tổng thống vặn nhỏ tiếng vô tuyến. Ông gọi điện cho thư ký riêng của mình: "Mời Đại sứ Trung Quốc đến đây ngay. Sau đó liên lạc với cố vấn an ninh quốc gia, ngoại trưởng, Bộ trưởng quốc phòng và Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân."
một bài post phải post 5 chương truyện, quy định mới của box, hi vọng bạn tuân theo
__________________
Diễn đàn lịch sử
thay đổi nội dung bởi: the_life_of_monster, 06-01-2008 lúc 20:55
phithiengia
Xem hồ sơ
Gởi nhắn tin tới phithiengia
Tìm bài gởi bởi phithiengia
Chuyển Rep cho phithiengia
#2
Old 22-01-2008, 15:28
phithiengia's Avatar
phithiengia phithiengia is offline
Bishop
Phòng trưng bày huy hiệu
Bronze Drum Panzer VI Tiger Panzer VI Tiger
Tổng số huy hiệu: 3
Tham gia ngày: 28-10-2007
Giới tính:
Bài gửi: 647
Cấp Độ: 9
Rep: 377
phithiengia VnSharing tự hào về bạn!phithiengia VnSharing tự hào về bạn!phithiengia VnSharing tự hào về bạn!
@the_life_of_monster: tôi không rõ tại sao nhưng tôi không thể edit chương 4 và 5 vào bài 1 được. Do đó tôi quyết định gộp 5 chương cuối vào bài này.
Chương 4
XƠUN, NAM TRIỀU TIÊN
Giờ địa phương: 21h00' thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 12h00' thứ Ba 20/02/2001
Người Mỹ đầu tiên chết trong khi làm nhiệm vụ ở bán đảo Triều Tiên trong chiến dịch Cuộc Tấn Công Của Con Rồng bị bắng bằng một khẩu súng lục tự động 45 ly ở trung tâm buôn bán Itaewon, một trong những khu chợ đông đúc nhất Xơun. Anh ta gục ngã gần một cửa hàng bán gà rán Kentucky giữa đống túi xách và áo khoác treo trên quầy và chết ngay lập tức. Anh này được nhận dạng là một hạ sĩ hải quân được biệt phái sang công tác tại sứ quán ở Xơun. Kẻ giết anh ta lẩn mất dạng trong đám đông. Những người chứng kiến kẻ bắn anh này đã không hề làm gì ngoài việc đứng nhìn một cách sợ hãi. Trong ba tiếng đồng hồ tiếp theo có thêm 5 người Mỹ nữa bị bắn chết trong những vụ nổ súng tương tự. Tất cả đều diễn ra công khai ở những khu vực đông đúc trong thành phố. Còn có 23 người Nam Triều Tiên bị bắn chết và 7 người bị thương. Có ít nhất là 4 vụ bọn giết người từ trên xe xả đạn bừa bãi bằng súng trường tự động AK47: vào những khách hàng trong một quán cà phê, những người đi bộ ở một ngã tư, ngoài ga Chong-gak và một đám đông đang từ rạp chiếu phim Piccadilly ở trung tâm Xơun đi ra, cùng với 4 lái xe chết vì bị trúng đạn bắn tỉa dọc đường quốc lộ chính đi về phía Bắc tới khu phi quân sự chia cắt hai nước Triều Tiên, cách đó gần 40 km. Bộ quốc phòng Nam Triều Tiên ước tính có ít nhất là 5 chiếc tàu ngầm nhỏ loại hoạt động ở ven biển đã cho đổ bộ tới 100 lính biệt kích thuộc các lực lượng đặc biệt lên dọc bờ biển Nam Triều Tiên. Những chiếc tàu ngầm này ban đầu được thiết kế ở Nam Tư nhưng từ đầu những năm 60 Bắc Triều Tiên tự đóng lấy tàu ngầm của họ. Khoảng 50 tàu theo những mẫu thiết kế khác nhau đang hoạt động. Một số làm nhiệm vụ đặt mìn, số khác đưa các lực lượng đặc biệt xâm nhập, tấn công bằng ngư lôi và do thám. Những bức ảnh chụp qua vệ tinh của Mỹ vài giờ sau những vụ giết người đầu tiên ở Xơun cho thấy rằng những chiếc tàu ngầm này được điều khiển từ hai tàu mẹ, tàu Dong Hae-ho ở biển Nhật Bản và tàu Song Rim-ho ở Hoàng Hải vốn là những tàu chở hàng được chuyển đổi chức năng.
Hầu như chắc chắn là vẫn còn những đơn vị biệt kích đang ở trên tàu chờ đợt đổ bộ thứ hai. Số này thuộc đơn vị tinh nhuệ của quân đội Bắc Triều Tiên và khả năng sống sót, hoạt động bí mật, ám sát và nổ bom của họ có thể được đánh giá là tương đương hoặc thậm chí còn giỏi hơn so với các cường quốc phương Tây mạnh nhất. Những người được huấn luyện đặc biệt cho hoạt động trên tàu ngầm thuộc Đơn vị thứ 22 của Cục Trinh sát, một lực lượng được chuyên môn cao bao gồm 8 tiểu đoàn. Cục Trinh sát này hoạt động phối hợp chặt chẽ với Bộ tư lệnh lực lượng đặc công là một đội quân tinh nhuệ gồm 88.000 người được huấn luyện về mọi lĩnh vực của hoạt động bí mật và kỹ thuật chiến đấu đổ bộ và không vận. Chính nhờ lực lượng chỉ có hơn 100.000 quân này mà Bắc Triều Tiên đã tiến hành cuộc chiến tranh cân não với miền Nam trong thời gian lâu như vậy. Những người được lựa chọn vào lực lượng này phải có những tiêu chuẩn lòng trung thành, có khả năng chịu đựng, sức khỏe và thông minh. Họ được huấn luyện đạt trình độ tinh nhuệ đến mức nhiều đơn vị được thuê để bảo vệ các nhà lãnh đạo của Thế giới thứ ba - họ hoạt động ở ít nhất là 12 nước châu Phi và cố quốc vương Norodom Sihanouk của Campuchia hiếm khi đi đâu mà không có họ bảo vệ vì ông ta sợ bị ám sát. Các lực lượng đặc biệt của Bắc Triều Tiên bị buộc tội về một số hoạt động khủng bố, trong đó có vụ sát hại các thành viên của nội các Nam Triều Tiên năm 1987. Tối nay, khi mà thế giới đang bận rộn với cuộc chiến tranh Cuộc Tấn Công Của Con Rồng, chính quân đội chết chóc này đã có mặt ở Nam Triều Tiên với sứ mệnh gây bất ổn định chính phủ, phá hoại nền kinh tế và khủng bố dân chúng.
Một tốp nhân viên an ninh ở khách sạn Westin Chosun đã chặn được một gián điệp Bắc Triều Tiên vào giờ cao điểm khuya hôm đó. Từ nhiều năm nay, khi Nam Triều Tiên tự tăng cường để chống lại những mối đe dọa từ phía Bắc, khách sạn Westin Chosun 18 tầng được thiết kế hình bán nguyệt đã trở thành nơi gần như nhà mình cho các nhà ngoại giao, phóng viên và sĩ quan quân đội. Khách sạn nằm cách đường bởi một đoạn đường vòng dài cho xe chạy vào. Người quản lý khách sạn không muốn chặn khách lại để kiểm tra và lục soát một cách nghiêm ngặt, nên ông quyết định tăng cường giám sát ngầm. Nhân viên an ninh của khách sạn trà trộn vào đám khách phát hiện ra một mật vụ Bắc Triều Tiên đang đi qua cánh cửa quay lớn vào phòng chờ của khách sạn. Người này mặc bộ quần áo may rất xấu và vụng về bước trên sàn nhà lát đá hoa cương. Anh ta tỏ ra lúng túng trong bầu không khí lịch sự và ấm cúng được tạo ra bởi các mảng đường được ép bằng gỗ sồi và ánh sáng kiểu đèn cháy bằng ga thời Victoria. Anh ta mấy lần hỏi đường đến quầy rượu O'Kim dưới tầng hầm, nơi các ngoại kiều thích lui tới. Anh ta tiến gần quầy lễ tân phía bên trái, sau đó đi nhanh qua cửa hàng cà phê. Thái độ anh ta vừa ngạo mạn vừa nôn nóng, chửi thề bằng tiếng Triều Tiên khi bị cản đường bởi đống vali của một nhóm khách du lịch xếp cạnh quầy rượu thì nhân viên an ninh ở khắp khách sạn đã được báo động. Khi nghe thấy tiếng hô: "Đứng lại", ngay lập tức, anh ta rút ra một con dao nhưng không phải để đe dọa mọi người đang vây quanh. Anh ta giơ dao chỉ nhằm làm cho đám nhân viên bảo vệ bị lưỡng lự vài giây đồng hồ để anh ta rút ra một khẩu súng lục nhỏ từ trong túi áo khoác và tự bắn vào đầu mình.
NHÀ TRẮNG, OASINHTƠN, DC
Giờ địa phương: 07h30' thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 12h30' thứ Ba 20/02/2001
Đại sứ Trung Quốc tại Oasinhtơn, Giang Hoa, không giấu giếm sự bực bội của ông khi được mời đến một cách thiếu trịnh trọng đến như vậy. Nhưng ông che đậy sự tức giận dưới vẻ lịch sự ngoại giao và tiếp đó là sự ngạc nhiên thật sự. Người Mỹ đã bỏ qua nghi thức đưa ông đến gặp Tổng thống Hợp Chủng Quốc.
Tổng thống Bradley quyết định ngồi trên ghế nói chuyện thoải mái với Đại sứ. Các quan chức khác của nội các ngồi bên cạnh Đại sứ. Họ không nói gì. Chỉ riêng việc tất cả họ đều có liên quan đến các lực lượng quốc phòng là đủ nói lên tất cả. Thương mại và buôn bán không phải là vấn đề được bàn đến trong cuộc gặp này. Tổng thống chờ cho đến khi cà phê được mang ra. Nước trà là thứ mà Tổng thống biết rằng Đại sứ thích hơn lại không được mang ra mời, với một lời giải thích rằng uống cà phê buổi sáng là một phần cố hữu của nền văn hóa Mỹ. Sau này, Tổng thống thừa nhận ông định đùa cợt bảo mang bánh nướng ra mời nhưng rồi nghĩ rằng như vậy có lẽ là đi quá xa. Lúc đầu, ông chuyện trò dăm ba câu về cái giá lạnh mùa đông đang bao phủ Oasinhtơn. Ông Đại sứ nói đến nhiệt độ dưới không ở Bắc Kinh. Khi Tổng thống chuyển sang nói về Biển Nam Trung Hoa, giọng của ông trở nên nghiêm khắc hơn nhưng thái độ vẫn nhã nhặn: "Ngài Đại sứ, chúng tôi vừa tiến hành một số cuộc thăm dò ý kiến về những phát biểu của Jake Walker, công nhân dầu khí, trên chương trình tin buổi tối của các ngài. Chắc chắn ngài đã xem chương trình trên CNN. Trung Quốc không được ưa chuộng mấy, do những vấn đề với Việt Nam, ngay cả trước khi có chương trình này. Còn bây giờ, các cử tri của tôi muốn tôi trừng phạt đất nước các ngài."
"Tôi không cho rằng đó là một biện pháp có ích để xem xét các vấn đề quốc tế phức tạp..."
Bradley ngắt lời: "Chúng tôi biết như vậy. Chính vì thế, chúng đang tìm kiếm sự giúp đỡ của ngài".
"Ngài cần sự giúp đỡ của tôi?"
"Vâng, sự giúp đỡ của chính phủ ngài, - Tổng thống nói tiếp, "Tôi cần tách riêng vấn đề Biển Nam Trung Hoa, mà như ngài nói là phức tạp, với vấn đề người Mỹ bị giữ làm con tin..."
"Nói con tin là không đúng."
"Họ không được rời đi. Họ đang bị quân đội Trung Quốc giam giữ. Các ngài phát đi những cảnh truyền hình được quay rất tồi trong đó các ngài trông như một bọn khủng bố Trung Đông. Vì vậy hãy nghe tôi nói."
Đại sứ gật đầu.
"Các cử tri ở một nước dân chủ không đánh giá vấn đề theo tính chất phức tạp mà đôi khi chúng ta hy vọng, thưa ngài Đại sứ. Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề yêu sách chủ quyền của các ngài đối với Biển Nam Trung Hoa, cuộc chiến tranh của các ngài với Việt Nam và vấn đề sự an toàn của các tuyến đường buôn bán qua Thái Bình Dương mà không bị các cử tri Mỹ truy đuổi sau lưng chúng tôi. Để có thể làm điều đó, chúng tôi cần đưa những người Mỹ này ra khỏi quần đảo Hoàng Sa và đưa họ về nước. Do vậy, tôi đã ra lệnh cho một trong những tàu tấn công đổ bộ của chúng tôi, tàu US Peleliu, cùng với các tàu hộ tống, lên đường tới bãi đá ngầm Discovery để đón họ. Họ sẽ có mặt ở đó trong 26 giờ nữa. Liệu ngài có thể nói với Chủ tịch Vương Phong rằng chúng tôi không thách thức đòi hỏi chủ quyền của các ngài được không? Chúng tôi đang thực hiện một sứ mệnh nhân đạo. Chỉ sau khi sứ mệnh đó được thực hiện thành công thì chúng tôi mới thảo luận với ngài về những vấn đề phức tạp hơn."
"Tôi sẽ phải truyền đạt lại cho Chủ tịch. Tôi không thể đưa ra một sự bảo đảm nào."
"Chúng tôi đang hy vọng các ngài bảo đảm sự an toàn cho sứ mệnh nhân đạo này, ngài Đại sứ."
EO BIỂN MINDORO, BIỂN NAM TRUNG HOA
Giờ địa phương: 23h30' thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 12h30' thứ Ba 20/02/2001
Tàu tấn công đổ bộ US Peleliu lớp Tarawa 36.967 tấn, trước đó nằm trong đội hình tàu sân bay Nimitz triển khai bên ngoài quần đảo Cagayan, đã được báo động khả năng tiến hành cứu hộ trên biển đối với các công dân Mỹ. Các tàu hộ tống đã vào vị trí. Tàu ngầm tấn công USS Olympia lớp Los Angeles chạy bằng năng lượng hạt nhân từ Trân Châu Cảng dẫn đầu nhóm tàu này. Khinh hạm USS Ford lớp Oliver Hazard Perry mang tên lửa điều khiển và các tàu khu vực USS Oldendorf, USS O'Brieh, USS Hewitt lớp USS Spruance dàn hàng ngang theo hình trăng lưỡi liềm phía trước tàu USS Peleliu và tàu chở dầu US Willamette ở giữa. Tuần dương hạm USS Bunker Hill lớp Ticonderoga mang tên lửa điều khiển đi cuối cùng. Nhóm tàu chiến này có 5 máy bay trực thăng chiến đấu chống tàu ngầm. Hai chiếc bay phía trước đội hình.
Tàu USS Peleliu là một trong những phương tiện chiến tranh đa năng nhất của hải quân Mỹ và đặc biệt phù hợp với hình thức hoạt động mà Mỹ đã tham gia sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Tàu này cao 65 mét, tương đương độ cao của một tòa nhà 20 tầng, dài 250 mét, bằng 3 sân bóng đá bà boong cho máy bay đỗ rộng 35 mét. Tàu có thể chuyên chở một lực lượng lính thủy đánh bộ đủ cơ số chiến đấu, cùng với thiết bị và hậu cần cũng như việc đưa lực lượng lên bờ bằng máy bay trực thăng hoặc xuồng đổ bộ. Phía đuôi tàu là một bãi đậu khổng lồ cho các xuồng đổ bộ. Khi đuôi tàu chìm xuống nước, các xuồng đổ bộ sẽ nổi lên mặt nước. Hôm nay, tàu USS Peleliu chở 15 máy bay trực thăng chuyển quân CH-53E, mỗi chiếc chở được 36 lính thủy đánh bộ, cùng với 4 máy bay trực thăng AH-1 Sea Cobra. Những chiếc máy bay được thiết kế đẹp và nguy hiểm này được trang bị một hệ thống vũ khí đa dạng gồm các tên lửa Hell-Fire, Tose, Sidewinder và một khẩu pháo 25 ly gắn ở mũi. Cột chặt ở đuôi tàu là 5 máy bay trực thăng hỗ trợ cất cánh thẳng đứng AV8-B Harrier, dựa trên thiết kế của hãng Aerospace Harrier của Anh, trang bị vũ khí gồm bom chùm và bom rơi tự do, tên lửa, pháo và tên lửa không đối không. Những vũ khí gắn trên tàu là loại vũ khí phòng thủ. Ở mạn trái phía mũi tàu có đặt hệ thống tên lửa Rolling Airframe Missile (RAM) có thể bắn từng loạt hai tên lửa có sức công phá lớn và khi nổ sẽ tung ra làm nhiều mảnh xa tới 4 km. Ở mạn phải của tàu bố trí hai hệ thống vũ khí tấn công nhiều hướng (CIWS) Vulcan Phalanx có khả năng mỗi phút bắn ra 4000 loạt đạn vào bất kỳ mục tiêu thù địch nào đang tiến lại gần. Trong hầm tàu chứa hàng trăm tấn thuốc men và thực phẩm có thể được phân phát cho các nạn nhân của thiên tai hoặc chiến tranh. Hệ thống máy phát có thể cung cấp đủ điện và nước ngọt cho 6.000 người. Bệnh viện trên tàu được thiết kế đủ chỗ cho 300 bệnh nhân. Bệnh viện có 4 phòng phẫu thuật có thể thực hiện các ca phẫu thuật phức tạp và khó khăn nhất do chiến tranh và thiên tai gây ra. Tất cả các công nhân dầu khí được cứu thoát khỏi Hoàng Sa sẽ được kiểm tra sức khỏe ở đây ngay sau khi được đưa lên boong tàu an toàn. Tàu đi qua eo biển Mindoro cách Manila 150 km về phía Nam với tốc độ 20 hải lý giờ. Điểm đến của tàu, quần đảo Hoàng Sa, cách đó 26 giờ tàu chạy. Tàu sân bay USS Nimitz, với khả năng tung sức mạnh khủng khiếp của nó, triển khai ở biển Sulu ngay sát khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc. Lầu Năm Góc tin rằng người Trung Quốc sẽ trao trả các công nhân dầu khí mà không xảy ra xung đột.
Mệnh lệnh đối với thuyền trưởng tàu USS Peleliu là không làm điều gì ngoài việc nhận lại các con tin và rời khỏi Biển Nam Trung Hoa. Tàu USS Peleliu và những tàu hộ tống tiếp tục hành trình theo hướng Tây - Tây Bắc về phía quần đảo Hoàng Sa. 300 trong số 1.800 lính thủy đánh bộ trên tàu được lệnh sẵn sàng. Chỉ có 12 người sẽ lên 8 máy bay. Nhiệm vụ của họ là đưa công nhân dầu khí trở về cứ 24 người trên mỗi máy bay. Thuyền trưởng của tàu giữ liên lạc với sở chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương ở Hawaii. Không ai nghĩ là sẽ xảy ra một cuộc chiến.
VĂN PHÒNG NỘI CÁC, LUÂN ĐÔN
Giờ địa phương: 13h00' thứ Ba 20/02/2001
Chính sách của Anh đối với Chiến dịch Cuộc Tấn Công Của Con Rồng đang được những nhân vật thông minh nhất trong ngành Dân chính hình thành lên. Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại và Quốc phòng của Văn phòng nội các đang chuẩn bị khai mạc một cuộc họp sẽ đưa ra những đề xuất đối với Ủy ban trong vòng một giờ đồng hồ nữa. Ông cũng là một thành viên trong những quan chức có ảnh hưởng nhất ở Anh. Tám đồng nghiệp của ông đã đặt tài liệu của họ lên một chiếc bàn vuông rộng có từ thế kỷ 18. Những căn phòng có trần cao của văn phòng nội các nằm ở góc đường giao nhau giữa hai phố Whitehall và Downing thường được sử dụng trong thời kỳ có khủng khoảng từ nhiều thế kỷ nay để thảo luận về những lợi ích quốc gia của Anh ở những khu vực xa xôi trên thế giới. Hôm nay, từng bộ và đơn vị quan trọng nhất đều có đại diện: Văn phòng đối ngoại, Bộ quốc phòng, Bộ thương mại, Bộ tài chính và ba cơ quan chủ chốt của ngành tình báo là cơ quan An ninh, được công chúng biết đến nhiều hơn dưới cái tên M15 mà nhiệm vụ của nó là đối phó với bất cứ mối đe dọa nào chống lại Vương quốc Anh, Cơ quan Tình báo Mật, hay M16, mà không giống như Cơ quan Tình báo Trung ương, chỉ xử lý tin tức tình báo thu thập một cách bí mật, và quản lý các trạm thu thập tin SIGINT GCHQ. Một đại diện của CIA cũng có mặt, trái lại các đối tác châu Âu của Anh không có ai được mời dự. Những cuộc họp như thế này là bằng chứng cho thấy rằng mặc dù về mặt công khai các chính phủ biểu hiện một châu Âu hợp nhất và một chính sách đối ngoại chung nhưng khi có khủng hoảng thì Mỹ và Anh thường hành động riêng với nhau.
Chủ tịch khai mạc cuộc thảo luận bằng việc tóm tắt tình hình vào lúc 12 giờ 30 phút. Nhiệm vụ của cuộc họp là đề ra những sự lựa chọn và khuyến nghị một đường lối hành động cho Ủy ban Quốc phòng và Chính sách đối ngoại của nội các và Ủy ban này sẽ nhóm họp vào lúc 14 giờ, do Thủ tướng chủ trì. Giọng điệu được đề ra là đúng mức và thực tế nhưng họ vẫn phải tưởng tượng ra những điều không thể hình dung nổi: với việc USS Peleliu đã tiến vào Biển Nam Trung Hoa, nước Anh sẽ bằng cách nào để có thể hỗ trợ một cách thực tế và tinh thần nếu được yêu cầu?
Bộ Quốc Phòng nói rằng một sự có mặt đáng kể của hải quân Anh, cùng với các tàu chiến của Ôxtrâylia và Niu Dilân đã được triển khai ở Biển Nam Trung Hoa từ châu Á để đến Ôxtrâylia một cách tình cờ. Lực lượng đã tham gia cuộc tập trận dọc bờ biển Malaixia theo Hiệp định Phòng thủ Năm nước. Các tàu thả neo ở ngoài khơi Bander Seri Begawan, thủ đô Brunây. Tàu sân bay HMS Ark Royal lớp Invicible trọng tải 20.600 tấn, với 9 máy bay chiến đấu Sea Harrier và 12 máy bay trực thăng Westland Sea King và Merlin, chỉ huy nhóm tàu chiến đấu phối hợp phức tạp nhất ở khu vực châu Á kể từ khi Anh rút khỏi Hồng Kông 4 năm trước. hộ tống tàu sân bay này có các tàu khu trục nhỏ HMS Montrose, tàu khu trục HMS Liverpool lớp Type 42 đã 19 năm tuổi. Tàu tấn công HMS Albion trọng tải 16.000 tấn hiện đại nhất, vừa mới được đưa vào hoạt động năm ngoái, chở 300 lính thủy đánh bộ trên boong. Các tàu này được lệnh sẵn sàng sơ tán các ngoại kiều. Tàu HMS Ark Royal còn được hộ tống bởi tàu ngầm tấn công hạt nhân HMS Triumph lớp Trafalgar. Người Ôxtrâylia có tàu chiến HMAS Parramatta lớp Anzac và tàu chiến HMAS Sydney lớp Adelaide cùng với tàu ngầm HMAS Rankin lớp Collins chạy bằng diezen được đưa vào hoạt động từ năm 1997. Niu Dilân có tàu chiến HMNZS Canterbury lớp Leander. Các lực lượng đặc biệt của Anh, Ôxtrâylia và Niu Dilân đang tập trận gần Invercargill, trên đảo Nam của Niu Dilân, được điều động về Bandar Seri Begawan gia nhập đoàn tàu này.
Bộ Quốc Phòng nói rằng tuy nhiên Quốc vương Brunây đã yêu cầu những tàu chiến này tiếp tục thảneo để không kích động cuộc khủng hoảng. Đại diện của CIA hỏi liệu Anh có sẵn sàng đi ngược lại nguyện vọng của vị Quốc vương này không? Ngài Chủ tịch có thái độ mập mờ trả lời rằng bởi vì Brunây gửi nhiều tiền vào các ngân hàng của Anh cho nên tốt hơn hết cứ để lãnh thổ của Quốc vương cho ông ta quyết định lấy.
Văn phòng đối ngoại nói rằng hơn 200 người Anh bị kẹt trong cuộc xung đột. Khoảng 50 người là công nhân dầu khí. Số còn lại phần lớn là ở miền Bắc Việt Nam, trong đó có một nhóm giáo viên dạy tiếng Anh ở tỉnh Lạng Sơn, sát biên giới với Trung Quốc. Họ thông báo là quân đội Việt Nam đã tràn ngập tỉnh lỵ này. Dân địa phương đoán chắc rằng sẽ có một cuộc tấn công qua biên giới. Các đại diện của CIA và GCHQ xác nhận rằng tin tức tình báo thu được qua hệ thống COMINT (liên lạc) và ELINT (điện tử) của họ cũng khẳng định điều đó. Đại diện của CIA khẳng định rằng Cơ quan An ninh Quốc gia cũng có quan điểm đó. Ông này nói thêm rằng tin tức tình báo IMINT (thu qua vệ tinh) đã thu được hình ảnh những chiếc SU-27 của Trung Quốc trên đường băng ở đảo Terumbi Layang-Layang bị chiếm đóng mà Malaixia nhận thuộc chủ quyền của họ.
Đại diện của CIA hỏi liệu có lực lượng quân sự nào khác của châu Âu tham gia không? Ngài Chủ tịch trả lời rằng nếu Mỹ muốn sự hỗ trợ có tính chất tượng trưng thì có thể mời một số chính phủ khác tham gia. Tuy nhiên, nếu họ thực sự định hành động chống lại Trung Quốc, tốt nhất là nên giữ kín trong phạm vi ba nước: Mỹ, Pháp và Anh. Những kết luận của cuộc họp đáng chú ý là được sự nhất trí của rất nhiều cơ quan khác nhau, được in ra để chuyển tới tay các Bộ trưởng trong vòng 45 phút. Ủy ban Quốc phòng và Chính sách đối ngoại của Thủ tướng quyết định công khai ủng hộ hoàn toàn sứ mệnh nhân đạo của tàu USS Peleliu. Ủy ban này quyết định rằng lực lượng đặc nhiệm của tàu sân bay Ark Royal sẽ rời khỏi Brunây cho dù có hay không sự chấp thuận của Quốc vương Brunây. Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho dù xảy ra xung đột nếu cần thiết. Các Đại sứ từ Canberra và Wellington báo cáo về rằng tàu chiến của Ôxtrâylia và Niu Dilân sẽ tiếp tục nằm trong đội hình dưới sự chỉ huy tác chiến của tàu Ark Royal.
BẮC KINH, BỘ NGOẠI GIAO
Giờ địa phương: 21h00' thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 13h00' thứ Ba 20/02/2001
Các phóng viên nước ngoài được Jamie Tống mời đến dự cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao trước giờ khai mạc có 30 phút. Không giống như địa điểm cũ tại Câu lạc bộ Quốc tế tồi tàn trong khu ngoại giao Kiến Quốc Môn Ngoại, phòng truyền thống trong tòa nhà mới của Bộ Ngoại giao là một ví dụ lấp lánh về thông tin công nghệ cao của châu Á. Tấm phông khổng lồ treo phía sau sân khấu có gắn một tấm bản đồ Đông Nam Á nhiều màu sắc. Nhân viên kỹ thuật thử các công tắc đèn trước khi Jamie Tống xuất hiện. Các máy thu hình của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc được phép giữ chỗ ở hàng đầu. Một số hãng tin tiến hành truyền hình tại chỗ. Bộ trưởng Ngoại giao đến muộn 20 phút, tiến thẳng tới bục phát biểu và nói bằng tiếng Anh không cần phiên dịch giúp cho việc truyền tin trực tiếp.
Ông bắt đầu: "Tôi xin lỗi đã mời tất cả quí vị đến đây với thời gian báo trước gấp gáp đến như vậy. Và xin lỗi đã làm gián đoạn buổi tối của các vị. Đáng tiếc là mấy ngày tới sẽ hết sức bận rộn. Tôi mới vừa từ Trung Nam Hải đến đây. Tôi sẽ không giữ các vị ở đây lâu. Cách đây khoảng một tiếng đồng hồ, các Đại sứ các nước Xingapo, Thái Lan, Malaixia, Mianma và Philippin theo chỉ thị của các chính phủ của họ đã ký vào một bản ghi nhớ khẳng định lại chính sách trước đây về Biển Nam Trung Hoa. Nói tóm lại, điều đó có nghĩa là họ công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Nói tóm lại, điều đó có nghĩa là họ công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Toàn bộ công việc khai thác dầu thô, khí đốt và khoáng sản sẽ được tiến hành theo thỏa thuận riêng với nhau. Không một lực lượng nước ngoài nào được phép vào khu vực này. Trung Quốc chịu trách nhiệm về an ninh. Các tuyến đường buôn bán sẽ không bị ảnh hưởng. Ngoài Bản ghi nhớ này, tất cả các chính phủ đã nhất trí giúp đưa Việt Nam trở lại cộng đồng khu vực chúng tôi. Chính phủ tôi tin rằng sau một thời gian thỏa đáng, Trung Quốc và Việt Nam có thể chung sống hòa bình hợp tác tay đôi. Tôi có thời gian để trả lời một vài câu hỏi nhưng đề nghị các vị tập trung vào Bản ghi nhớ. Tôi sẽ không trả lời bất cứ câu nào về Biển Nam Trung Hoa nói chung".
"Ngài Bộ trưởng. Đài BBC xin hỏi. Tại sao không có Brunây trong số này?".
"Chúng tôi muốn theo tinh thần của Tuyên bố 1970 về khu vực Hòa bình Tự do và Trung lập (ZOPFAN), như đã được đề ra trong đường lối chỉ đạo của ZOPFAN 1972. Điều 5 và 10 nói đến sự có mặt về quân sự của nước ngoài trong khu vực. Brunây đang duy trì một căn cứ quân sự của nước ngoài trong khu vực. Brunây đang duy trì một căn cứ quân sự của Anh trên lãnh thổ của họ. Hiện tại có các tàu chiến của Anh ở đó. Đây không phải là một vấn đề lớn và ngay khi người Anh ra đi, chúng tôi sẽ đón chào Brunây với vòng tay rộng mở. Sự có mặt của Pháp ở Việt Nam, tất nhiên, cũng ngăn cản sự tham gia của Hà Nội. Chúng tôi hy vọng rằng điều này cũng chỉ có tính chất tạm thời. Chúng tôi đang thảo luận với Xingapo và Malaixia về việc đóng cửa các căn cứ mà nước này trao cho các cường quốc quân sự phương Tây. Vị nào đã quen thuộc với văn kiện ZOPFAN có thể muốn trích dẫn với tôi điều 11 qui định cấm sử dụng, tàng trử, vận chuyển và thử vũ khí hạt nhân. Tôi có thể tiết lộ rằng Chủ tịch Vương đã đảm bảo với các Đại sứ rằng kế hoạch lâu dài của Trung Quốc là từ bỏ chương trình hạt nhân của mình nhưng như các vị biết rằng việc này đòi hỏi phải mất thời gian."
"CNN xin hỏi, ngài Ngoại trưởng. Còn Lào và Campuchia thì sao?"
"Khi Việt Nam trở lại với cộng đồng, thì các nước này cũng vậy. Còn hai câu hỏi nữa."
"Báo Straits Times, Xingapo. Xin hỏi tại sao Inđônêxia không ký vào Bản ghi nhớ này."
"Inđônêxia là nước lớn nhất vượt xa các nước khác ở Đông Nam Á. Inđônêxia nhìn chung là nhất trí nhưng chúng tôi cần có thêm thời gian để thảo ra các chi tiết cụ thể."
"Báo New York Times. Xin hỏi liệu giờ đây các tàu buôn có thể qua lại mà không bị cản trở và liệu các ngài có trả lại chiếc tàu chở dầu New World của hãng Shell cho các chủ sở hữu hợp pháp của nó và thả số thủy thủ bị bắt giữ hay không?"
Jamie Tống nhìn đồng hồ trả lời: "Vụ tàu chở dầu New World của hãng Shell đang được điều tra. Quân giải phóng Nhân dân không liên quan đến vụ này. Bây giờ có các tài liệu trên bàn bên. Tấm bản đồ được phóng to đằng sau tôi chỉ rõ khu vực Hữu nghị và Hợp tác mới ở Đông Á". Khi ngoại trưởng rời khỏi bục phát biểu, đèn đỏ trên bản đồ bật sáng ở những nước đã ký vào Bản ghi nhớ, đến mức không thể phân biệt được các nước này với Trung Quốc. Chris Bronowski, bình luận trực tiếp trong bản tin của CNN về cuộc họp báo này, nói: "Chúng ta đang xem tấm bản đồ đầu tiên của đế quốc Trung Quốc thế kỷ 21."
Người dẫn chương trình nhắc: "Ngài có thể nói cụ thể hơn không?"
"Được. Có một mảng rộng lớn các khu vực mà trong lịch sử nằm dưới quyền kiểm soát của đế quốc Trung Hoa - và Trung Quốc hiện vẫn đòi chủ quyền. Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và Lào đã từng nằm dưới sự thống trị của triều Mãn Châu. Trung Quốc đòi quyền bá chủ đối với Triều Tiên. Trung Quốc đòi chủ quyền và kiểm soát Tây Tạng. Trung Quốc cũng đòi chủ quyền đối với vương quốc Bu-Tan nhỏ xíu trên dãy Hymalaya, Trung Quốc không công nhận chủ quyền của nước này và đòi chủ quyền đối với bang Sikkim của Ấn Độ và không thừa nhận việc chính phủ Ấn Độ sáp nhập bang này. Trung Quốc có thể muốn phục hồi đòi hỏi chủ quyền đối với Mông Cổ đã nằm dưới sự kiểm soát của Matxcơva khi triều Mãn Châu sụp đổ năm 1911. Tôi đoán Chủ tịch Vương muốn đưa Trung Quốc trở lại thời kỳ hưng hoàng trước đây của nước này dưới hình thức khu vực Hữu nghị và Hợp tác mới ở Đông Á dễ chấp nhận hơn."
PHỦ CHỦ TỊCH, HÀ NỘI
Giờ địa phương: 20h20' thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 13h20' thứ Ba 20/02/2001
Đại tá Etienne Gerbet được đưa vào phòng làm việc của Chủ tịch Nguyễn. Chủ tịch đang nói chuyện điện thoại và Đại tá Gerbet quan sát căn phòng một cách thận trọng. Phòng của Chủ tịch tôn nghiêm nhưng không đến nỗi quá buồn tẻ. Các bức ảnh gia đình Chủ tịch được đặt trên một cái tủ búp-phê cùng với số ảnh lớn các nhà lãnh đạo trên thế giới và các chính trị gia trong khu vực mà Chủ tịch Nguyễn đã gặp gỡ trong thời gian ông tiến dần trên bậc thang quyền lực.
Chủ tịch Nguyễn nói: "Hoanh nghênh Đại tá đến Hà Nội. Tôi hy vọng chuyến bay của ông không có chuyện gì xảy ra."
"Hoàn toàn yên ổn, xin cám ơn ngài", Đại tá đáp.
"Nào, chúng ta vào việc chứ. Qua cuộc nói chuyện với Tổng thống Dargaud hôm Chủ Nhật, tôi hiểu rằng Tổng thống sẽ gửi cho tôi một thứ đặc biệt. Ông có mang theo không?"
"Theo một nghĩa nào đó, đúng như vậy. Tôi xin phép..."
Chủ tịch gật đầu đồng ý. Gerbet mở cặp đựng tài liệu lấy ra một số giấy tờ và đĩa mềm vi tính. "Thưa ngài, cái mà tôi có ở đây là một đề xuất về việc làm thế nào để chúng tôi có thể giúp đỡ các ngài đỡ bị áp đảo trên chiến trường. Ngài có quen với thuật ngữ 'chiến tranh thông tin'"?
"Không chút nào. Ông nói tiếp đi."
"Kể từ hôm Chủ Nhật các lực lượng của ngài đã tiến hành các hoạt động ở miền Nam Trung Quốc. Các nhóm nhỏ nhiều nhất là 10 người đã thâm nhập sâu vào trong lãnh thổ của Trung Quốc và gieo rắc sự rối loạn trong dân chúng địa phương. Cuộc đột kích hôm thứ hai vào Hạ Đồng khi bí thư Đảng và trưởng công an địa phương bị giết ngay trên giường ngủ đặc biệt có hiệu quả. Chúng tôi có lý do để tin rằng người Trung Quốc đã trù tính những gì họ tiếp tục phải chịu đựng những hoạt động quấy rối này ở các tỉnh biên giới của họ. Trên thực tế, họ đang chuẩn bị một lực lượng được trang bị xe bọc thép nhẹ với khoảng 50.000 quân để mở một cuộc tấn công trả đũa qua biên giới. Chúng tôi có lý do để tin rằng họ dự định san phẳng tỉnh Lạng Sơn để trả thù."
Chủ tịch Nguyễn hỏi: "Tôi rất có ấn tượng với sự hiểu biết của các ngài không chỉ về những hoạt động của chúng tôi mà còn về cả những ý định của người Trung Quốc nhưng điều này có liên quan gì đến... chiến tranh thông tin?"
"Tôi sắp đề cập đến vấn đề này. Tổng thống Dargaud đã ủy quyền cho tôi và người của tôi giúp quân đội của các ngài đánh bại cuộc tấn công của Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng cuộc tấn công này sẽ sớm diễn ra."
"Chúng tôi có kinh nghiệm đánh nhau với người Trung Quốc trước đây, ngài Đại tá. Tại sao chúng tôi lại phải cần sự giúp đỡ của các ngài?"
"Tôi vô cùng kính trọng những người lính Việt Nam và tôi không nghi ngờ gì việc họ có thể đánh dập mũi người Trung Quốc, như vào năm 1979. Tuy nhiên, cái mà chúng tôi đề nghị giúp các ngài là một cách thức để vừa bảo toàn quân đội của các ngài vừa cho người Trung Quốc một cú nốc ao."
"Ngài nói tiếp đi."
"Chúng tôi có khả năng nhìn bao quát toàn bộ chiến trường và giúp quân đội của các ngài chọn đúng mục tiêu. Chúng tôi có thể xác định vị trí của xe tăng và việc triển khai quân của Trung Quốc theo thời gian trên thực tế. Với thông tin này, trọng pháo, tên lửa và súng cối của các ngài có thể làm nốt những việc còn lại. Chúng tôi có thể làm được việc này như thế nào? Tôi không được phép nói chi tiết nhưng chúng tôi, cũng như người Mỹ và người Trung Quốc trong lĩnh vực này, có các vệ tinh trên bầu trời. Chúng tôi đã bố trí một trong những vệ tinh tốt nhất của chúng tôi trên khu vực biên giới Việt - Trung kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào hôm chủ nhật. Vệ tinh này có thể nối với sứ quán của chúng tôi ở Hà Nội và từ đây nối với Lạng Sơn bằng sóng cực ngắn. Chúng tôi có thể làm nốt những việc còn lại nhưng tôi cũng được ủy quyền đưa ra một đề nghị giúp đỡ nữa. Quân đội Trung Quốc đã mua nhiều, mặc dù chưa phải là tất cả, những hệ thống thông tin chiến trường của chúng tôi. Quả thực họ sử dụng rộng rãi một hệ thống xử lý thông tin chiến trường Thomson - CSF Star Burst. Mặc dù tôi không thể nói chi tiết nhưng chúng tôi có thể bảo đảm rằng hệ thống này sẽ trục trặc lần lượt từng phần và điều này sẽ có lợi cho các lực lượng của ngài."
TRUNG NAM HẢI, BẮC KINH
Giờ địa phương: 22h00' thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 14h00' thứ Ba 20/02/2001
Trong con mắt của mọi người, Chủ tịch Vương vẫn cứ là một nhân vật khó hiểu. Theo truyền thống chính trị Trung hoa, Vương đã sử dụng nghệ thuật treo rèm nhiếp chính để vun đắp lên hình ảnh về ông ta như một bậc thánh nhân có quyền lực tuyệt đối, luôn khuất sau cánh cửa hậu cung nhưng thao túng cả chính trường. Dân chúng chỉ được nhìn thấy hình ảnh ông trên vô tuyến truyền hình hoặc trên báo chí mỗi khi ông gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia đến thăm Trung Quốc hoặc khi ông chủ trì những cuộc họp quan trọng. Không giống như những người tiền nhiệm của mình, Vương hiếm khi mạo hiểm vượt qua khỏi những bức tường đỏ bao quanh khu vực Trung Nam Hải để đi ra ngoài thủ đô, ông hầu như tự giới hạn chỉ đi lại trong phạm vi Trung Nam Hải. Suốt cả ngày hôm đó, Đài Truyền hình Trung ương và các đài phát thanh địa phương của Trung Quốc liên tục thông báo Chủ tịch Vương sẽ có một bài phát biểu trước toàn thể quốc dân vào lúc 22 giờ 15 phút, Đài truyền hình sẽ dành một chương trình đặc biệt để tưởng thuật sự kiện này. Một phòng thu ở Trung Nam Hải đã được chuẩn bị cho chương trình đặc biệt này. Chủ tịch sẽ ngồi bên một chiếc bàn. Sau lưng ông là một tấm phông đỏ sẫm làm nền cho hình một con sếu đang giang cánh bay. Sếu được coi là một loài chim cao quí nhất ở Bắc Á, chúng rất được tôn sùng ở Trung Quốc cũng như Triều Tiên và Nhật Bản. Vào đúng lúc 22 giờ 00, Vương Chủ tịch bước vào phòng thu, chuyện trò với cô nghệ sĩ hóa trang trẻ tuổi và nhóm quay phim. Ông ngồi xuống và đợi tín hiệu bắt đầu, báo hiệu việc camera đang ghi lại thông điệp của ông gửi toàn thể nhân dân Trung Quốc.
Ông bắt đầu:
- Thưa toàn thể nhân dân Trung Quốc, tối nay tôi nói với đồng bào về một cuộc khủng hoảng mà đất nước chúng ta đang phải đối phó. Tôi tin là với sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc vĩ đại chúng ta sẽ giành được thắng lợi. Kể từ cuộc chiến tranh Nha phiến diễn ra hồi thế kỷ thứ 19, chủ nghĩa Tư bản phương Tây chưa bao giờ chấm dứt việc xâm lược và cướp bóc Trung Quốc. Hiện nay các lực lượng vũ trang anh dũng của chúng ta đang chiến đấu để dành lại chủ quyền của chúng ta đối với đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa) và các vùng biển lớn xung quanh quần đảo này, để bảo vệ nguồn tài nguyên giàu có của Tổ quốc, nguồn tài nguyên đó thuộc về nhân dân Trung Quốc.
Tôi xin giải thích tại sao lại như vậy. Có một vùng biển rộng lớn phía nam Tổ quốc, đó là Biển Nam Trung Hoa, biển này bao trùm một diện tích 3.200.000 km2 lãnh hải của chúng ta. Quần đảo Nam Sa tươi đẹp và giàu có nằm ở cực Nam của vùng biển rộng lớn này. Nam Sa ngay từ thời cổ đại đã thuộc về Trung Quốc.
Từ trước tới nay các thế lực tư bản chưa bao giờ dừng ánh mắt thèm muốn của chúng đối với sự giàu có của quần đảo này. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi 60 năm kể từ khi một tàu chiến của Anh tiến hành một cuộc khảo sát bất hợp pháp tại Nam Sa vào năm 1867, các quốc gia khác đã tiến hành chiếm đóng và cướp bóc tài nguyên của quần đảo này trên 10 lần. Thậm chí ngay cả đến ngày hôm nay, đã có khoảng hơn năm chục côngxoocxiom dầu lửa của hơn một chục quốc gia và vùng lãnh thổ đang ở tại Nam Sa để tiến hành thăm dò dầu lửa, chúng đã ở đó từ lâu nay. Hơn nữa, một vài thế lực thậm chí đang cố gắng biến Nam Sa trở thành cái gọi là vùng biển quốc tế chung, chúng muốn chiếm lấy khối tài sản quý báu này.
Tôi đánh giá sự kiện này như việc các bên thứ ba can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Bất kỳ thảo luận nào về việc này cũng chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở chấp nhận nguyên tắc Trung Quốc không cho phép bất kỳ ai can thiệp vào công việc nội bộ của mình.
Ngay cả Hoa kỳ là nước có tiềm lực mạnh mẽ nhất cũng không có quyền tự cho mình là kẻ quyết định cuối cùng trong các công việc quốc tế. Trên thực tế, để duy trì vị thế siêu cường duy nhất của mình, Hoa kỳ đã cố gắng một cách liều lĩnh nhằm kiềm chế sự phát triển của các quốc gia khác. Quan hệ của Hoa kỳ với các nước khác, ví dụ như với khối Liên minh Châu Âu hoặc với Nhật bản, là những mối quan hệ hợp tác chứ không phải là kiềm chế, trong khi đó, họ quan hệ với Nga và Trung Quốc là để kiềm chế chứ không phải để hợp tác.
Nhân dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình. Tại sao ngày nay ở Bắc Kinh chúng ta lại ký với các nước láng giềng Đông Nam Á một bản Nghị định thư? Đó là bởi vì chúng ta không muốn chiến tranh, đó là bởi vì chúng ta muốn hòa bình. Bản hiệp ước ký kết ngày hôm nay là rộng mở cho tất cả các bên muốn tham gia. Trung Quốc nằm ở vị trí trung tâm của Châu Á. Các bạn bè của Trung Quốc trong khu vực đều hiểu rõ điều này. Cũng như chúng ta, họ đang tức giận và lo ngại khi chứng kiến sự phục hồi chủ nghĩa quân phiệt ở Nhật bản. Nhật bản chính là mối đe dọa lớn nhất cho sự ổn định khu vực mà chúng ta đang có. Chẳng có ai có thể hiểu rõ bản chất của người Nhật bản hơn người Trung Hoa. Các hành động cướp đoạt lãnh thổ hèn hạ của người Nhật những năm 1930, hành đông tàn sát phụ nữ và trẻ em của người Nhật ở Nam Kinh và Thượng Hải, việc người Nhật dùng thuốc phiện để điều khiển nhân dân vùng Mãn Châu lý cũ đã cho thấy người Nhật chính là những tên đế quốc đê tiện nhất, những kẻ chỉ biết tọng đầy bụng mình trong khi nhân dân Trung hoa bị chết đói.
Sau khi kết thúc chiến tranh Lạnh, Nhật bản đã chuyển hướng chiến lược quốc phòng, từ mục tiêu tập trung khả năng chống lại mối đe dọa tiềm tàng từ phía Liên xô sang hình thành một căn cứ nhằm đấu đầu với Trung Quốc. Nhưng chúng ta đã cảnh cáo Nhật bản, cũng như chúng ta đã từng cảnh cáo Mỹ, kẻ gieo gió ắt sẽ gặt bão. Và tôi muốn cả hai nước đó hãy nhớ lấy lời của cựu binh Vạn Lý Trường Chinh Vương Chấn: "Chúng ta có kinh nghiệm đánh nhau với người Mỹ trên chiến trường. Chúng chẳng có gì đáng sợ cả. Mỹ có thể lựa chọn chiến trường, ở Triều Tiên hay ở Đài Loan cũng được. Chúng có vũ khí hạt nhân thì ta cũng có.
BIỂN NAM TRUNG HOA
Giờ địa phương: 23h00, thứ Ba, ngày 20/02/2001
Giờ GMT: 15h00, thứ Ba, ngày 20/02/2001
Vùng biển nằm giữa hai tuyến hàng hải chính đi qua eo biển Mindoro chỉ sâu chừng 60 mét. Eo biển Apo Tây chạy dọc theo tuyến bờ biển nằm ở phía Bắc của quần đảo Calamian, dọc theo tuyến này có những làng chài của dân Philippines, thuyền đánh cá của Philippines đang trong giờ nghỉ ngơi, họ như không để ý gì đến những cảnh báo của phía Trung Quốc. Nằm phía đông bắc là eo biển Apo Đông, eo biển này nằm dọc theo bờ đảo Mindoro. Hạm trưởng tàu USS Peleliu đã dẫn lực lượng đổ bộ của mình đi qua đây để hướng về phía biển Nam Trung hoa.
Vũng biển nông với tiếng ồn phát ra từ hàng tá tàu đánh cá nhỏ đã biến nơi này thành một chiến trường lý tưởng dành cho các tàu ngầm điện-diezel của Trung Quốc đang nằm chờ sẵn ở độ sâu 50 mét dưới mặt nước. Một vài tàu ngầm Trung Quốc thậm chí còn nằm dài ngay trên đáy biển, động cơ chính của chúng đã được tắt đi khiến cho những tàu ngầm này trở nên hoàn toàn câm lặng, nhờ đó chúng đã thoát khỏi sự phát hiện của các thiết bị dò âm hiện đại.
Viên sĩ quan chỉ huy tàu ngầm Ming 353 biết chính xác mình đang tìm kiếm mục tiêu nào. Sáu giờ trước đó, khi vệ tinh quân sự Đông Phương Hồng 6 của Trung Quốc bay qua vùng biển này, tàu ngầm Ming 353 đã giương ra một anten kết nối vệ tinh và nhận được một bức điện vẫn được liên tục phát xuống từ khoảng không. Trong không quá ba mươi giây, chiếc tàu ngầm lại lặn xuống đáy biển. Mệnh lệnh là phải tấn công tàu USS Peleliu ngay khi tàu này tiến vào vùng biển Nam Trung hoa. Trong những giờ tiếp theo, tất cả các tàu ngầm Trung Quốc trong vùng biển Nam Trung hoa đều nhận được cùng một chỉ thị này.
Năm mươi bảy sĩ quan và thủy thủ trên tàu ngầm Ming 353 đã phải chịu sống trong tình trạng chật chội gò bó suốt hơn ba tuần qua. Họ ngủ trên các giường ngủ 3 tầng chật chội xếp chen chúc trong các buồng trên tàu, họ phải chia nhau các túi ngủ và đệm gối. Giữa các giường ngủ và hành lang chỉ được phân cách bằng một tấm rido vải bẩn thỉu dơ dáy. Tình trạng khó chịu này đang thách đố thậm chí đến cả tính kiên nhẫn của các hạ sĩ quan người Hoa, những người này thường được tuyển lựa từ các địa phương thuộc miền núi cao có đời sống rất khắc nghiệt. Mọi người trên tàu không thể tắm. Họ chẳng thay quần áo. Râu ria xồm xoàm mọc tua tủa. Khắp cả con tàu thối um một mùi trộn lẫn giữa mùi mỡ nấu, mùi dầu diezel, và mùi mồ hôi. Thiết bị trên tàu bị hư hỏng vì sự thay đổi độ ẩm liên tục. Nước ngưng tụ rỏ rọt chảy khắp nơi.
Nhiệm vụ phát hiện tàu chiến Mỹ đã trở thành sự thèm muốn đầy đố kỵ giữa các chỉ huy tàu ngầm. Viên chỉ huy tàu Ming 353 đã biết rõ khi nào tàu chiến USS Peleliu sẽ đi qua và cũng biết rõ tuyến hành trình của tàu này. Anh ta cũng có một file máy tính ghi rõ đặc điểm tín hiệu âm học của tàu USS Peleliu, các tín hiệu này đã được ghi lại một cách tỉ mỉ qua vài dịp tàu USS Peleliu được mời cập bến Hồng Kông trước khi người Anh rời khỏi nơi này vào năm 1997. Các chiến dịch tình báo quân sự của người Trung Quốc diễn ra ở lưu vực đồng bằng sông Châu đã giúp ghi lại mọi tín hiệu âm thanh mà con tàu này phát ra. Trong một thế giới quân sự lý tưởng, thiết kế của chân vịt tàu thủy, kích cỡ và tốc độ của các loại tàu chiến cũng được coi là một loại bí mật cần được bảo vệ chặt chẽ. Nhưng tàu USS Peleliu đã hoạt động ở vùng biển Thái Bình Dương trong hơn hai mươi năm và người Trung Quốc đã nắm chính xác đặc điểm cấu tạo chân vịt của nó. Chân vịt tàu USS Peleliu cũng được ráp lại từ các chi tiết phức tạp và có tính duy nhất, giống như vân tay của mỗi con người. Phía Trung quốc cũng đã ghi được tiếng động của các động cơ phụ, các thiết bị xử lý nước thải, tiếng động của các thang máy hơi nước dùng để di chuyển máy bay từ boong này sang boong khác trên tàu, tiếng máy nén dùng để nén khí ôxy và khí gas vào các bình khí dùng trong bệnh xá trên tàu ... Tất cả các loại tiếng động này tạo nên tín hiệu âm học của con tàu, chúng được sao chép vào một đĩa CD-ROM, cùng với tín hiệu âm học của hàng tá tàu chiến khác nữa. Người Trung Quốc đã cố gắng trang bị thêm máy tính xách tay dùng bộ vi xử lý Pentium cho những chiếc tàu ngầm cổ lỗ sĩ của mình. Những bộ vi tính xách tay này chẳng có gì khác hơn so với những máy tính dân dụng thông thường vẫn dùng trong các văn phòng. Nhưng chẳng sao cả, thế giới hiện nay là một thế giới mà trong đó các công nghệ dân dụng đã vượt xa công nghệ quân sự. Các nhân viên chuyên dò tìm tín hiệu âm học bằng thiết bị dò âm (sona) trên tàu Ming 353 sẽ phát hiện ra các tín hiệu của tàu USS Peleliu một cách đơn giản khi nhìn vào màn hình máy tính.
Viên sĩ quan chỉ huy ra lệnh cho tàu ngầm Ming 353 nổi lên, dùng kính tiềm vọng để cố gắng xác định chính xác mục tiêu cần tìm bằng Phương pháp Kiểm soát Điện tử (ESM). Trong khoảng ba mươi giây, anten của thiết bị ESM đã thu được phổ điện từ bao quanh tàu phát ra từ radar hàng hải của tàu USS Peleliu, thu được các tín hiệu liên lạc đã được mã hóa và các tín hiệu vệ tinh. Dữ liệu thu được đã tạo nên một dấu vân tay ESM, chúng được máy tính chứa chương trình Hệ thống Vũ khí Chiến thuật trên tàu Ming 353 phân tích và so sánh với mẫu dấu vết âm học. Bây giờ thì chỉ huy tàu ngầm đã gần như chắc chắn phân định được mục tiêu của mình và có thể quyết định tiến gần hơn vào tầm bắn hiệu quả.
Khi còn cách mục tiêu 1.700 mét, trong tâm trí viên chỉ huy tàu ngầm Ming 353 chợt dâng lên một niềm ham muốn rất mạnh mẽ, ông ta muốn thực hiện cuộc tấn công bằng "mắt thường", sử dụng kính tiềm vọng để tấn công, cách tiếp cận mục tiêu như thế này tuy nguy hiểm hơn nhưng cũng mang lại độ chính xác cao hơn. Chỉ huy tàu ngầm Ming 353 thừa biết rằng thiết bị chống tàu ngầm của tàu chiến Mỹ có thể phát hiện ra tàu của ông ta trước khi ngư lôi phóng trúng mục tiêu, nhưng đó là sự mạo hiểm của công việc. Tàu ngầm Ming 353 sẽ sử dụng loại ngư lôi phóng thẳng được chế tạo theo thiết kế cũ từ những năm 1960, đây là loại vũ khí mà giới Hải quân đánh giá là quá cổ lỗ sỹ, tuy nhiên, loại ngư lôi này sẽ không bị hút theo tín hiệu mục tiêu giả do thiết bị đối phó điện tử của tàu USS Peleliu phát ra. Hệ thống cơ học thô sơ của thứ vũ khí này sẽ phớt lờ những cái bẫy mà tàu USS Peleliu phát đi hòng làm thay đổi hướng chuyển động của các quả ngư lôi. Thuyền trưởng chiến hạm của Mỹ sẽ cố tìm cách làm cho tín hiệu âm thanh giả của tàu USS Peleliu xuất hiện cách con tàu thật vài nghìn mét. Một biện pháp đối phó khác đơn thuần là tạo ra tiếng ồn ào có nhiều tần số với cường độ xấp xỉ, giống như tiếng phun sì sì của bình chữa cháy, biện pháp này sẽ tạo ra tiếng động lớn hơn tiếng động của chính con tàu.
Viên chỉ huy tàu ngầm Ming 353 nâng kính tiềm vọng lên quan sát trong vòng 5 giây để xác định góc bắn. Tàu của ông nằm chếch mũi con tàu Mỹ một góc 30 độ. Ông hạ kính tiềm vọng xuống. Sau khi đối chiếu các thông tin về âm thanh, điện tử và hình ảnh thu được, tàu Ming 353 quyết định mở các cánh cửa khoang phóng ngư lôi. Viên sỹ quan chỉ huy lại nâng kính tiềm vọng lên. Tuy nhiên, những gì mà ông ta nhìn thấy đã khiến ông phải hạ kính xuống ngay lập tức, đợi 10 thêm giây rồi mới lại nâng kính lên. Phía bên trên, một chiếc trực thăng Seahawk đang quần đảo, phi hành đoàn của máy bay trực thăng này đã phát hiện ra kính tiềm vọng của một chiếc tàu ngầm thứ hai. Con tàu này lặn xuống ngay nhưng máy bay trực thăng đã kịp thả xuống hai quả ngư lôi MK46. Chiếc tàu ngầm Romeo bị nổ tung làm chấn động cả vùng biển. Đúng lúc này viên chỉ huy tàu Ming 353 ra lệnh khai hỏa. Lúc đó tàu của ông cách mục tiêu 850 mét.
Tàu ngầm Ming 353 phóng quả ngư lôi đầu tiên theo hướng cắt đường đi của mục tiêu một góc 90 độ. Đây là quả ngư lôi ở vị trí nằm giữa trong loạt ngư lôi gồm ba quả. Sóng biển nhồi lên quanh kính tiềm vọng che khuất mục tiêu nhưng chỉ huy tàu cũng đã lập xong các phần tử bắn. Quả ngư lôi tiếp theo được phóng chếch mục tiêu một góc 5 độ về phía trước, quả thứ ba chếch 5 độ về phía sau. Ông đã thực hiện cách bắn được biết đến với cái tên là bắn tạo góc hồi chuyển bằng không, tạo nên màn đạn khiến mục tiêu không thể thoát được bằng cách tiến lên hay lùi lại.
Người Mỹ có hai mươi sáu giây để đối phó. Trong một cơn hoảng loạn bất ngờ, họ tung ra một loạt biện pháp đối phó điện tử nhưng những quả ngư lôi công nghệ thấp, chỉ gồm một động cơ và đầu đạn, vẫn tiếp tục hành trình của chúng. Viên thuyền trưởng Mỹ cố cho tàu USS Peleliu quay quay hướng để tránh ngư lôi nhưng chỉ là một việc làm vô ích với một con tàu nặng nề ì ạch như vậy.
Quả ngư lôi đầu được viên chỉ huy tàu Ming gắn kèm một thiết bị điều khiển nổ gần mục tiêu cách thân tàu 2 mét. Khi nổ sẽ tạo thành một lỗ hổng dưới đáy tàu và phá tung mảng lớn của con tàu. Quả ngư lôi thứ hai, với thiết bị gây nổ khi va chạm, đâm trực tiếp vào thân tàu, làm ngừng động cơ. Quả thứ ba phát nổ khi đi qua mũi tàu.
Phi hành đoàn của chiếc Seahawk thứ hai vội vã cất cánh từ tàu USS Bunker Hill. Họ thả một loạt thiết bị phát hiện tiếng động ở khu vực xảy ra cuộc tấn công và trong 3 tiếng đồng hồ sau đó họ phát hiện và phá hủy một tàu ngầm Ming cùng hai tàu ngầm Romeo khác có chở theo ngư lôi và thủy lôi nhưng tàu Ming 353 và một tàu ngầm khác chạy thoát. Khi thủy thủ đoàn này về đến căn cứ của họ trên đảo Hải Nam, họ được chào đón như những vị anh hùng. Đã có sáu tàu ngầm đợi để tấn công tàu USS Peleliu. Các chuyên gia quân sự đã tranh cãi khá nhiều về việc những chỉ huy Trung Quốc học được chiến thuật bầy sói mà hạm đội tàu ngầm U-boat của Đức Quốc xa đã sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ II như thế nào. Người Đức đã từng dàn tới 50 tàu ngầm U-boat để tạo thành một cái lưới dăng ngang đường đi của các hạm tàu quân đội đồng minh ở Đại Tây Dương. Các tàu của Đức thường nổi lên mặt nước và chỉ lặn xuống khi tấn công. Trên thực tế một số chỉ huy Đức cũng thường thực hiện những cuộc tấn công ngay trên mặt nước, lao tàu của họ vào giữa đoàn tàu địch và sử dụng pháo, ngư lôi để chiến đấu. Chìa khóa của vấn đề là yếu tố bất ngờ và táo bạo, tương tự như sự mạo hiểm mà chỉ huy tàu Ming 353 dám thực hiện. Khi Chiến dịch Đòn Rồng tiếp tục diễn ra, sĩ quan hải quân của quân đồng minh thường gọi những cụm tàu ngầm của Trung Quốc là những bầy sói.
Thông thường một viên chỉ huy tàu ngầm sẽ lái tàu ra ngoài tầm tấn công hoặc vùng chiến sự nhưng tàu ngầm Ming 353 lại lặn xuống độ sâu 45 mét, áp dụng chiến thuật chiến đấu lỗi thời. Con tàu này tiến thẳng tới khu vực hỗn loạn nơi tàu USS Peleliu đang bốc cháy, lật nghiêng và bắt đầu chìm xuống. Các phi công trên máy bay trực thăng của Mỹ biết rằng kẻ tấn công đang ẩn nấp giữa các mảnh vỡ của con tàu đang chìm. Đám thủy thủ trên tàu Ming có thể nghe thấy những tiếng nổ trên boong tàu và tiếng các vách ngăn trên tàu bị phá tung do áp lực, nhưng viên thuyền trưởng nhận định rằng người Mỹ sẽ không bao giờ bắn vào lòng biển nơi những đồng bào của họ đang hấp hối.
Nước tràn vào boong chính được thiết kế như những nhà để máy bay khổng lồ nhưng không có vách ngăn chia thành từng khu. Nước ào vào rồi lại rút ra do cái mà thủy thủ gọi là hiệu ứng trên mặt phẳng trống trải. Sóng đánh từ mạn tàu bên này sang bên kia, làm cho con tàu ngày càng tròng trành. Các đội cứu hỏa vô tình làm vấn đề rắc rối thêm khi họ dùng nước có áp suất cao để dập các đám cháy bùng phát phía dưới boong tàu, vòi nước phun với áp suất cao này đã phá vỡ boong tàu ở phía dưới. Phi công trên ba chiếc máy bay trực thăng CH53-Echo cố gắng cho máy bay cất cánh, nhồi nhét mỗi máy bay tới 50 hành khách. Năm xuồng cứu đắm và hai tàu đổ bộ lớn hơn đã được hạ thủy. Tàu USS Peleliu chỉ cầm cự được có 25 phút rồi lật úp và chìm xuống. Trong thời gian ngắn ngủi đó, 585 người đã thoát được khỏi tàu nhưng số còn lại, 1960 quân nhân Mỹ, trong đó có Hạm trưởng tàu USS Peleliu thuộc Hải quân Mỹ và viên Đại tá chỉ huy đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ, đã bị chết.
Mệnh lệnh của phía Trung Quốc là chỉ đánh chìm tàu USS Peleliu. Bộ chỉ huy Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa cho rằng sau sự kiện này Mỹ sẽ nhanh chóng rút khỏi Đông Nam Á. Mỉa mai thay, trước khi tàu USS Peleliu bị đánh chìm, Hải quân Mỹ cũng đã mất một chiếc tàu chiến lớn trong khi tiến hành một trận hải chiến, đó chính là tàu dắt trên đại dương USS Sarsi, bị trúng mìn vào tháng 8/1952 trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Trong cuộc xung đột đó, kẻ thù cũng là Trung Quốc.
PHÒNG HỌP BÁO CỦA NHÀ TRẮNG, OASINHTƠN, DC
Giờ địa phương: 10h15' thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 15h15' thứ Ba 20/02/2001
Thư ký báo chí của Tổng thống đi lên bục.
"Tổng thống sẽ đến ngay bây giờ để đưa ra tuyên bố về vụ tàu USS Peleliu bị chìm. Bây giờ tôi muốn nói ngay với các vị để khỏi có sự hiểu lầm về nguyên tắc cơ bản: Tổng thống sẽ không trả lời bất cứ câu hỏi nào, các vị nghe rõ rồi chứ? Tốt!".
Ngay khi viên thư ký báo chí của Tổng thống dứt lời, Tổng thống Bradlay xuất hiện. Ông mặc bộ com-lê sẫm màu và thắt cà vạt đen. Mắt ông thâm quầng chứng tỏ ông thiếu ngủ.
"Vào lúc 10 giờ giờ Oasinhtơn, tàu USS Peleliu đang trên đường thực hiện nhiệm vụ nhân đạo ở vùng biển quốc tế thuộc biển Nam Trung Hoa đã bị một tàu ngầm Trung Quốc tấn công và bị chìm. Chúng tôi chưa có con số chính xác nhưng tôi được thông báo có lẽ không còn nhiều người sống sót trong số gần 2.000 nhân viên và lính thủy đánh bộ trên tàu. Những hành động của Trung Quốc trong vụ này là hèn hạ. Chúng ta cùng cầu nguyện và bày tỏ sự quan tâm đối với gia đình những nam nữ quân nhân phục vụ trên tàu USS Peleliu. Sự hy sinh của họ sẽ không phải là vô ích. Sự hy sinh đó sẽ được báo thù. Tôi đã chỉ thị cho người của tôi chuẩn bị một phản ứng cần thiết đối với hành động dã man này. Trong vài giờ tới tôi sẽ thảo luận với các đồng minh của chúng ta và tôi dự định sáng mai sẽ có lời phát biểu với cả nước, sẽ có một tuyên bố dứt khoát về những kế hoạch của chúng ta. Cám ơn các vị và cầu Chúa phù hộ cho chúng ta."
Khi Bradlay thu dọn giấy tờ và bắt đầu tiến về phía cửa, các phóng viên có mặt ở đó bắt đầu nêu câu hỏi hy vọng rằng Tổng thống sẽ trả lời.
"Thưa Tổng thống, chúng ta sẽ phản công chứ?"
"Ngài đã ra lệnh báo động cho các lực lượng hạt nhân của chúng ta?"
"Chúng ta có thể làm gì..."
Đúng vào khoảnh khắc cuối cùng ông quay lại, trước sự ngạc nhiên của các trợ lý của ông và nói: "Tôi sẽ nói cho các vị biết chúng ta sẽ làm gì. Chúng ta sẽ quay trở lại chính nơi mà họ đã đánh chìm tàu của chúng ta. Chúng ta sẽ tìm kiếm những người đã chết của chúng ta. Và chúng ta sẽ không để cho bất cứ cái gì cản đường chúng ta." Và ông đi ra theo lối đi dành cho các quan chức trong chính quyền.
LUÂN ĐÔN, ANH
Giờ địa phương: 15h30' thứ Ba 20/02/2001
Thị trường phản ứng với tin tức giống như một chiếc phong vũ biểu phản ứng với áp suất không khí. Chỉ số Dow Jones sụt giảm nhanh khủng khiếp khi có tin dữ về con tàu USS Peleliu. Trong vòng vài phút chỉ số giảm 235,14 điểm xuống còn 7.602,86 điểm. Giá đồng đô la tăng vọt. Sự biến động có tính dây chuyền và tất nhiên của các đồng tiền khác phản ánh tình hình căng thẳng như dây đàn của thị trường trong ngày hôm đó. Đồng đô la được định giá bằng đồng yên, chẳng hạn, một ngân hàng định giá mua vào với giá 144,45 yên một dolar và bán ra với giá 145,55 yên. Thông thường, đối với những đồng tiền lớn và dễ chuyển đổi như đồng yên, mức chênh lệch giữa giá mua và và giá bán ra hầu như rất ít. Thế nhưng vào buổi chiều hôm thứ ba đó, mức chênh lệch giá này đã vượt mức 1 yên.
Điều này không gây nhiều hậu quả gì đối với Damian Phillips. Ông này đã nhận được các tin tức cần thiết do văn phòng của công ty đóng tại Luân Đôn gọi điện thoại sang ngay khi tin về tàu USS Peleliu bị chìm xuất hiện trên màn hình giao dịch ở Luân Đôn. Damian đã có được một sự kiện mà bản thân ông đang tìm kiếm. Bây giờ chính là lúc phục hồi lại vị thế đồng yên từ thế bán hạ giá, vị thế mà các nhân viên giao dịch chứng khoán của Damian tạo ra vào tháng trước. Đồng yên được đem bán ra ồ ạt. Nhật Bản bị xem là nước thua thiệt nhiều từ cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc - một cuộc chiến tranh có vẻ sắp xảy ra. Đồng yên đã sụt giá xuống mức 152,22 yên một đô la và có vẻ không ổn định ngay cả ở mức đó. Ngân hàng Anh quốc, đại diện cho ngân hàng Trung ương Nhật bản, đã dùng đô la mua đồng yên vào nhưng với số lượng rất ít. Đồng Yên của Nhật Bản đã mất giá hơn 20 phần trăm trong vòng hai ngày. Công ty chứng khoán First China hai ngày trước đó đã bán ra số lượng ít ỏi đồng yên, hiện thu được khoản lợi nhuận 300 tỷ yên trên sổ sách. Khi các loại ngoại tệ khác sụt giá so với đồng đô la, vị thế giá Yên thấp của First China trong vụ đầu cơ hạ giá đồng yên đã đảo ngược.
Trong phòng giao dịch của Ngân hàng Thương mại quốc tế của Luân Đôn, bầu không khí hoàn toàn hỗn loạn. Các nhà buôn gào lên qua điện thoại, một số còn gọi ba điện thoại một lúc. Tuy nhiên, Mark Fuller, trưởng nhóm giao dịch chứng khoán đô la/yên, vẫn kiên nhẫn trù tính để tất cả các lễ Nô-en trong đời anh cũng đến một lúc. Fuller, 32 tuổi, là một nhà buôn ngoại hối cổ điển ở Luân Đôn. Anh này khởi đầu sự nghiệp của mình ở khu kinh doanh tiền tệ Luân Đôn bằng công việc của người giao hàng rồi được đào tạo vào làm ở phòng thanh toán của ngân hàng. Ngân hàng National Westminster, nơi anh làm việc trong 8 năm, đã phát hiện ra tài tính toán con số của anh. Anh chưa bao giờ bị lay chuyển trong công việc. Anh này lái một chiếc xe Morgan màu xanh và sống ở Chelmsford, Essex. Suốt cả tuần này anh chỉ làm mỗi một việc là bán ra đồng yên. Không ai muốn giữ đồng tiền này. Quả là không có một ai muốn giữ đồng Yên nữa cho đến khi First China yêu cầu anh mua vào tất cả đồng yên mà anh có thể, Fuller đã mua tới 124 tỷ yên. Trước đây chưa bao giờ Fuller gặp một đơn đặt hàng như vậy. Anh biết rõ công ty chứng khoán First China. Tháng trước công ty này đã hoạt động tích cực trên thị trường đô la/yên, đặc biệt là những vụ đầu cơ hạ giá mà công ty này đã thực hiện. Anh ta ngước nhìn lên màn hình trước mặt. Nó cho thấy tất cả các ngân hàng đang định giá đô la/yên và theo tiếng lóng của thị trường, anh ta đã "đánh" các ngân hàng này. Trong ba tiếng đồng hồ anh ta đã mua tất cả số yên mà First China muốn. Điều mà anh ta không biết - mà thật ra là không thể biết được - là với tỷ giá trung bình 156,80 yên, tướng Triệu của công ty Multitechnologies đã thu được khoản lời gần 210 triệu đô la.
Các thị trường dầy lửa cũng lên cơn hoảng hốt. Giá giao tại chỗ dầu thô Brent - giá gốc cho hơn 70% khối lượng buôn bán dầu của thế giới - đã tăng vọt và vượt qua mức hàng rào 40 đô la một thùng. Trên thị trường giao dịch kỳ hạn, 160.000 hợp đồng tháng tư thuộc sở hữu của First China đã tăng giá. Quan chức phụ trách kinh doanh dầu lửa của First China nhân dịp tăng giá trở lại này đã bán ra hết mức có thể. Cuối phiên giao dịch ông ta đã bán được hơn 80.000 hợp đồng mang lại cho khách hàng của ông khoản lãi hơn 600 triệu đô la.
QUẦN ĐẢO OGASAWARA, NHẬT BẢN
Giờ địa phương: 04h00' thứ Tư 21/02/2001
Giờ GMT: 19h00' thứ Ba 20/02/2001
Trung tâm kiểm soát đặt ngầm dưới mặt đất thuộc Cơ sở Nghiên cứu Quốc phòng 317 có một cái vẻ vô cùng sáng sủa và sạch sẽ của một bệnh viện với những cách bài trí tương xứng. Một máy tính siêu cấp hiệu Fujitsu được đặt trong một căn phòng, áp suất trong phòng hơi cao để khi cửa mở không khí tràn ra khỏi phòng chứ không phải ngược lại. Ở khu vực kiểm soát chính có bốn dãy máy tính, tất cả các màn hình đều có kỹ thuật viên theo dõi. Trên bức tường phía xa có một tấm bản đồ điện tử lớn khu vực Tây Thái Bình Dương. Ngoài những vị trí địa lý của khu vực, bản đồ còn chỉ rõ vị trí của hải quân Nhật Bản, cũng như hải quân Trung Quốc, Việt Nam và Philippin. Một hàng chữ số chỉ phút và giây đang chạy lùi về số không.
Cơ sở Nghiên cứu Quốc phòng 317 nằm trên đảo Chichijima, hòn đảo chính trong quần đảo Ogasawara. Những người đầu tiên đến cư trú trên những hòn đảo này là một nhóm người thuộc nhiều quốc tịch như Mỹ, Anh, xứ Wales, quần đảo Polinesi... những người này do Nathaniel Savory ở Massachusetts dẫn đầu. Họ đến Chichijima vào năm 1830. Không phải chờ cho đến năm 1873 khi Nhật Bản đòi chủ quyền đối với quần đảo này; những người định cư đã khôn ngoan chấp nhận ngay quy chế mới của họ bằng việc thề trung thành với Đế chế Nhật Bản. Ngay cả vào năm 2001 này nhiều người trong số "dân đảo gốc" vẫn còn dáng dấp riêng của người châu Á và người Polynesian. Tuy nhiên, trong chiến tranh Thế giới thứ II tầm quan trọng chiến lược của quần đảo này đã được khai thác. Chichijima là một khu vực tập kết lớn để từ đó Nhật Bản tiến hành xâm lược quần đảo Mariana, Solomon, Philippin và trực chỉ xuống phía Nam. Trạm vô tuyến điện khổng lồ đặt trên đỉnh núi Yoake truyền các mệnh lệnh cho các hạm đội Thái Bình Dương của Nhật Bản. Một trong những hòn đảo trong quần đảo này, đảo Iwo Jima, là nơi diễn ra trận đánh đẫm máu nhất mà người Mỹ vấp phải vào mùa xuân năm 1945 khi họ tiến về phía Nhật Bản. Quần đảo này hầu như vẫn không thay đổi mấy so với khi người Nhật rời khỏi đây. Những ngọn núi bị đào lỗ chỗ bởi những đường hầm dẫn tới những dãy phòng được bọc đồng. Mặc dù được đặt dưới sự quản lý trên danh nghĩa của Bộ Tài chính, hải quân Nhật Bản - khi đó được gọi là Lực lượng Phòng vệ hải quân đã xây dựng một sân bay trên đảo Anijima đối diện đảo Chichijima. Sân bay này có khả năng tiếp nhận những máy bay chiến đấu và máy bay vận tải quân sự mới nhất.
Người Nhật Bản là một dân tộc tiết kiệm. Họ rất ít khi lãng phí. Họ chịu khó phục hồi lại những đường hầm và những dãy phòng. Lớp đồng được dỡ bỏ để tái chế và thay vào đó là thép, chì và bêtông. Một khu nhà ở cho 150 nhà khoa học làm việc thường xuyên (và cho tới 60 khách) được xây dựng trong lòng đá. Hệ thống cấp điện và hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh hiện đại được lắp đặt. Đến năm 2000 cơ sở này đã hoàn toàn đi vào hoạt động với mục tiêu chính yếu là nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Cơ sở nghiên cứu Quốc phòng 317 là một bí mật được giữ rất kín. Tuy nhiên, trạm nghiên cứu ở sâu trong lòng núi Chichijima là bộ phận quan trọng nhất của một cơ sở lớn hơn nhiều. Cách đó năm mươi ki-lô-mét về phía Đông là một hòn đảo nhỏ xíu không có người ở thuộc Thái Bình Dương, đảo này đã được chuẩn bị để làm địa điểm tiến hành vụ thủ hạt nhân đầu tiên của Nhật Bản. Người ta đã khooan một hố sâu khoảng 120 mét và đặt xuống đáy hố khoan một thiết bị hạt nhân có công suất 50 kiloton. Tạo ra một vụ nổ tương đương với 50.000 tấn TNT là một việc làm rất dễ dàng, nếu như có được nguyên liệu. Thành phần "phóng xạ" cho vụ thử hạt nhân đầu tiên này của Nhật Bản nặng đúng 5 kg. Một trái bom hạt nhân 50 kiloton cần vài kilôgram plutoni loại dùng để chế tạo vũ khí. Trái bom này được lắp ráp ở Okinawa một tuần trước khi người Trung Quốc tấn công Việt Nam và chiếm biển Nam Trung Hoa. Nó đã được đưa đến Chichijima một cách hết sức bí mật vào hôm thứ hai. Các kỹ sư làm việc suốt đêm để hạ trái bom xuống đáy giếng.
Bảng hiện số đếm tín hiệu đều đặn lùi dần về số không.
Chương 5:
QUẦN ĐẢO OGASAWARA, NHẬT BẢN
Giờ địa phương: 04h30' thứ Tư 21/02/2001
Giờ GMT: 19h30' thứ Ba 20/02/2001
Một bầu không khí yên tĩnh lặng lẽ chế ngự khắp căn phòng. Không một cử động thừa. Mọi người đang tập trung vào nhiệm vụ sắp tới: một vụ nổ thành công và công việc giám sát toàn diện kết quả vụ nổ... 6, 5, 4, 3, 2...
Trong một vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất, lực thoát ra ban đầu bị nén trong lòng các vách đá. Năng lượng của vụ nổ do không thể lan rộng ra xung quanh như ở trong không khí nên sẽ nhanh chóng làm đá bốc hơi tạo thành một lỗ hổng lớn. Áp suất trong lỗ hổng này tăng lên hàng triệu átmốtphe. Hơi nóng tỏa về mọi phía biến đất đá xung quanh điểm nổ thành bột. Trong vòng 80 nano giây (80 phần nghìn triệu giây đồng hồ), nhiệt độ ở đáy đảo Ogasawara là 130 triệu độ C và áp suất là 100 triệu átmốtphe. Người Nhật Bản đã cho nổ quả bom dưới lòng đất ở độ sâu đủ để phần lớn sóng xung kích mà vụ nổ tạo ra bị giữ lại ở vỏ Trái Đất. Tuy nhiên, một phần sóng này thoát ra khỏi bề mặt và tại chỗ đó sẽ hiện ra một hố sâu hoắm; khi sóng này di chuyển theo chiều thẳng đứng nó tạo thành một cái ống khói mà đáy của nó là khoang diễn ra vụ nổ, chứa đầy đất đá bị vụn ra như bột. Phần còn lại của sóng nổ đi xuyên qua nền đất đang nén các lực nổ dưới nhiều dạng: một loạt những đợt nén ép liên tục, một đợt "sóng xoăn lông cừu" dao động lên xuống và một loạt những đợt sóng xuyên qua lòng đất giống như sóng biển. Tuy nhiên, dù dưới dạng nào, những đợt sóng này cũng lan đi rất xa, đưa tiếng vọng của vụ nổ đi vòng quanh thế giới. Những máy ghi địa chấn đặc biệt ở Lop Nor ở Trung Quốc và các trạm quan sát của Ôxtrâylia, Nga và Mỹ đã ghi được chính sóng chấn động này ngay sau vụ nổ. Đây là vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên kể từ năm 1996 khi một hiệp định cấm thử vũ khí hạt nhân quốc tế được các cường quốc hạt nhân thỏa thuận với nhau. Không báo trước cho bất cứ một đồng minh nào, Nhật Bản đã tham gia Câu lạc bộ hạt nhân.
XƠUN, NAM TRIỀU TIÊN
Giờ địa phương: 05h30' thứ Tư 21/02/2001
Giờ GMT: 20h30' thứ Ba 20/02/2001
Những màn hình khổng lồ được dựng lên bên cạnh các tòa nhà khắp thành phố truyền đi các chương trình tin tức về những vụ giết người trong đêm, thỉnh thoảng xen vào tin đặc biệt về vụ thử hạt nhân đầu tiên của Nhật Bản, vụ chìm tàu Peleliu và tâm trạng lo sợ chiến tranh đang tăng lên ở Đông Á. Trong một hành động ngoại giao có cân nhắc thận trọng, Nam Triều Tiên đã lên án vụ thử hạt nhân của Nhật Bản, lấy làm tiếc về vụ tàu Peleliu bị chìm nhưng đề nghị tất cả các bên kiềm chế. Trong một cuộc trao đổi ý kiến riêng, Nam Triều Tiên kêu gọi Trung Quốc lên án chiến dịch khủng bố của Bắc Triều Tiên ở miền Nam. Binh lính Mỹ và Nam Triều Tiên canh gác Khu phi quân sự được cấp áo giáp mới. Binh lính ở căn cứ Fort Boniface được phòng thủ chắc chắn ở phía sau Khu Phi quân sự được đặt trong tình trạng báo động cao nhất.
Ngay trước lúc rạng đông, hàng chục nghìn sinh viên và thành viên công đoàn Bắc Triều Tiên, trong một cuộc biểu tình được tổ chức tốt, vừa hát vừa vượt qua đường ranh giới là dãy lều ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Vừa vẫy cờ, đoàn biểu tình vừa đòi thống nhất ngay lập tức với miền Nam. Các tướng lĩnh của Bắc Triều Tiên tập trung trên ban công một tòa nhà làm nơi hội họp chỉ cách đường phân ranh giới có mấy mét. Cách đó hơn 1 km, các loa phóng thanh được gắn trên một cột cờ cao tới 160 mét, được coi là cao nhất thế giới, đang phát đi chương trình tuyên truyền chống Mỹ. Những khẩu hiệu ca ngợi những tư tưởng của học thuyết Chủ Thể được đề xướng bởi nhà độc tài Cộng sản Kim Nhật Thành, người được Xtalin dựng lên sau Chiến tranh Thế giới thứ II và cai trị Bắc Triều Tiên cho đến khi ông này qua đời năm 1998. Năm 1950, Kim Nhật Thành đã tiến hành xâm lăng miền Nam và với sự giúp đỡ của Trung Quốc đã tạo ra một tình trạng bế tắc về quân sự với Mỹ và các lực lượng đồng minh, các lực lượng này vẫn tiếp tục tồn tại ở Nam Triều tiên cho đến tận ngày nay. Chủ Thể có nghĩa là tự lực cánh sinh và triết lý này đã tách người Bắc Triều Tiên ra khỏi thế giới trong hơn 50 năm qua. Chưa có dân tộc nào bị kiểm soát chặt chẽ như người dân Bắc Triều tiên và họ được nói rằng họ đang sống trên thiên đường. Kim trở thành Lãnh tụ vĩ đại, một nhân vật như Chúa trời, trong khi nhiều người dân của ông này dốt nát đến mức không biết rằng con người đã đặt chân lên mặt trăng. Khi Kim Nhật Thành chuẩn bị chết, ông ta lập di chúc trao lại quyền lãnh đạo đất nước cho người con trai lông bông và hư hỏng của ông ta là Kim Chính Nhật. Và giờ đây các vụ đổ máu trên đường phố Hàn Quốc chính là thông điệp của Kim Chính Nhật chính là thông điệpvà chính theo luận của ông này giờ đây đang làm đổ máu những đường phố ở Nam Triều Tiên. Là một mô hình thu nhỏ bộ mặt của Bắc Triều Tiên, ngôi làng xung quanh cột cờ này không có người ở, mặc dù đèn trong các căn hộ để trống này tự động bật tắt đánh lừa những người nông dân Nam Triều Tiên để họ tin tưởng vào chế độ đang sụp đổ bên kia giới tuyến.
Một xe bọc thép chở quân của Bắc Triều Tiên đi vào Khu Phi quân sự, trắng trợn phá vỡ hiệp định đình chiến cấm tất cả các loại vũ khí trong khu vực này. Binh lính Mỹ và Nam Triều Tiên đã nổ súng. Cách 500 kilômét về phía Nam, bên ngoài cảng Pusan, một chiếc tàu buôn Nam Triều Tiên đã va phải một quả mìn mà Bắc Triều Tiên mới thả và bị chìm. Thủy thủ đoàn được cứu sống. Cảnh sát đã chặn lối ra vào các trường đại học ở những thành phố chính của Nam Triều Tiên và bắt các sinh viên bị nghi là ủng hộ việc thống nhất với miền Bắc. Từ nhiều năm nay các lực lượng an ninh đã thông báo rằng gián điệp Bắc Triều Tiên đang xâm nhập đầy vào các trường đại học. Hôm nay, choáng váng trước các sự kiện xảy ra, không ai đứng ra tổ chức các cuộc biểu tình thường lệ.
Trong một tuyên bố, chính phủ Nam Triều Tiên nói rằng Trung Quốc đã lên án Bắc Triều Tiên nhưng không có lời xác nhận nào từ phía Bắc Kinh. Những chi tiết của các cuộc trao đổi giữa hai chính phủ chỉ được đưa ra công khai sau này khi vai trò phức tạp của Trung Quốc đã trở nên rõ ràng. Trong hai ngày đầu xung đột, Đại sứ của Xơun tại Bắc Kinh chỉ được nói cho biết rằng Trung Quốc coi tình trạng hỗn loạn trên bán đảo Triều Tiên là một vấn đề nội bộ và Trung Quốc là bạn của cả hai nước. Trung Quốc sẽ không can thiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Hai tàu ngầm mini lớp Tologorae và bốn chiếc lớp Cosmos của Nam Triều Tiên đã rời căn cứ trên đảo Cheju, cách bán đảo 60 km về phía Nam, hiện được triển khai thành ba nhóm ở vùng biển bên ngoài bờ biển phía Đông lẫn phía Tây Bắc Triều Tiên. Mỗi nhóm được hộ tống bởi một tàu ngầm tấn công đa năng 209/1200 lớn hơn kiểu Chang Bogo. Những tàu này được đóng ở xưởng đóng tàu Daewoo dựa trên thiết kế của Đức, một số thành viên trong thủy thủ đoàn 33 người đã được cử sang Đức huấn luyện. Giống như miền Bắc, các tàu ngầm nhỏ của miền Nam được sử dụng để xâm nhập vào bờ biển, ngoại trừ một điều là từ trước đến nay chúng chưa bao giờ được thực thi một nhiệm vụ thật sự. Giờ đây, các tàu ngầm mini của Nam Triều tiên phải hoàn thành nhiệm vụ phá hủy các căn cứ tàu ngầm mini của Bắc Triều Tiên ở Cha-ho, Ma Yangdo và Song Jon Tando nằm bờ biển phía Đông và căn cứ Sagon-ni nhỏ hơn ở bờ biển phía Tây bán đảo Triều tiên.
Tại cuộc họp đầu tiên của nội các bàn về cuộc khủng hoảng kể từ khi các cuộc tấn công bắt đầu diễn ra, Tổng thống Nam Triều tiên Kim Hong-Koo, người đã từng được đào tạo ở Mỹ, đã hỏi thẳng các đồng nghiệp của ông: là người Trung Quốc ủng hộ ai? Câu trả lời là "Không biết". Ngay cả người Nam Triều Tiên vốn rất thông hiểu đời sống chính trị Đông Á, một thứ đời sống chính trị với nhiều sắc thái khác nhau và nghệ thuật điều khiển con rối rất tinh vi, cũng không thể đọc được những tín hiệu từ Bắc Kinh.
Tổng thống nói: "Chính sách của chúng ta luôn là thống nhất bằng những biện pháp hòa bình và đúng thời điểm. Chúng ta không bao giờ muốn thực hiện theo một mô hình kiểu Đức. Việc bị lăng nhục và mất thể diện trước Bắc Triều Tiên là không phù hợp với phong cách chính trị Đông Á của chúng ta. Phí tổn cho việc làm đó sẽ là khủng khiếp, lớn đến mức không thể chịu được. Điều này sẽ đe dọa mục tiêu mở rộng nền kinh tế của chúng ta vào đúng thời điểm khi mà các cơ sở sản xuất của chúng ta bắt đầu cạnh tranh trực tiếp với Nhật Bản trên thị trường toàn cầu. Vậy mà miền Bắc dường như có ý định phá vỡ nguyên trạng đó. Tôi muốn cho rằng ý định này không được Bắc Kinh khuyến khích. Nếu tôi đúng khi cho rằng quân đội và vũ khí của Trung Quốc không được sử dụng để chống lại chúng ta thì miền Bắc không thể thắng được. Tôi cũng muốn cho rằng dù khả năng hạt nhân của họ có như thế nào đi nữa thì cả thiết bị kích nổ và hệ thống phóng tên lửa hạt nhân của họ sẽ không hoạt động được. Cuối cùng tôi muốn cho rằng trong số những nhân vật đang cộng tác với Kim Jong - II phải có những người nào đó còn có chút lý trí."
Bộ trưởng Quốc phòng nói xen vào: "Ngài đưa ra nhiều giả định quá, thưa Tổng thống."
Tổng thống đáp: "Đúng vậy. Nhưng nếu không dựa trên những giả định như thề thì hai nước Triều Tiên sẽ rất nhanh chóng chìm sâu vào một biển máu lửa tàn phá như trong ngày tận thế. Hậu quả đó còn khủng khiếp hơn rất nhiều so với việc bị mất thể diện quốc gia hay việc công cuộc thống nhất đất nước bị thất bại. Thưa các vị, nhiệm vụ trước mắt là vô hiệu hóa tất cả các toán biệt kích của Bình Nhưỡng đang hoạt động ở đây và phải bảo đảm rằng chúng sẽ không thể tổ chức được thêm một cuộc tấn công nào nữa. Chúng ta phải tin rằng nếu chúng ta làm được việc này thì miền Nam sẽ không còn là mục tiêu của một đợt tấn công hạt nhân từ phía Bắc."
NHÀ TRẮNG, OASINHTƠN, DC
Giờ địa phương: 15h45' thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 20h45' thứ Ba 20/02/2001
Lần gần nhất mà Tổng thống nói chuyện với Makoto Katayama, Đại sứ Nhật Bản, là vào tối thứ hai, khi hai người gặp nhau tại Khu Triển lãm bày Quốc gia. Cuộc gặp gỡ diễn ra không được tốt đẹp lắm. Katayama muốn thúc ép Bradley đưa ra một quyết định về việc can thiệp quân sự vào biển Nam Trung Hoa còn Tổng thống thì chưa sẵn sàng để đưa ra quyết định đó. Còn lần này Katayama được triệu đến để giải thích lý do Nhật Bản cho nổ một đầu đạn hạt nhân 50 kiloton ở Ogasawara.
Đại sứ Katayama được dẫn vào. Ông ta có một thân hình khá cao lớn so với tầm vóc bình thường của người Nhật Bản, với chiều cao tới gần 2 mét, trông ông đại sứ già hơn tuổi năm mươi tư của mình. Mái tóc của ông ta khá thưa kết hợp với một vẻ nhún nhường lịch sự càng làm tăng thêm vẻ học thức cho dáng bề ngoài của ông. Nhiệm kỳ của Katayama ở Oasinhtơn sắp kết thúc. Ông sẽ trở về Tôkyô vào cuối mùa xuân để nhận chức Thứ trưởng phụ trách hành chính ở Gaimusho (Bộ Ngoại giao). Đó là một chức vụ cao nhất mà một quan chức tiến thân nhanh trong Bộ Ngoại giao như ông có thể ao ước. Chức vụ này sẽ đặt ông vào vị trí phụ trách quá trình phát triển chính sách đối ngoại của Nhật Bản, đó cũng chính là phần thưởng xứng đáng dành cho một sự nghiệp chói lọi, một sự nghiệp đã được khởi đầu từ ba mươi năm trước với một cái bằng tốt nghiệp hạng ưu của khoa Luật trường Đại học Tổng hợp Tôkyô.
Tổng thống ra hiệu mời ông ngồi xuống chiếc ghế dài được đặt phía bên phải ghế bành của Tổng thống và hỏi xem Đại sứ thích trà, cà phê hay một thứ đồ uống gì đó mạnh hơn. Katayama từ chối và ngồi chờ đợi sự im lặng được phá vỡ. Tổng thống hắng giọng: "Thế này, ngài Đại sứ, chúng ta sẽ nghĩ sao về những sự kiện ở Ogasawara? Tôi có thể nói, chỉ cần đọc mục tin về cuộc thăm dò thái độ của người Mỹ đối với Nhật Bản trên tờ Washington Post là ngài thấy như chọc vào tổ ong. Ngài định nói gì không?"
Katayama để cho thời gian kéo dài dường như vô tận trước khi trả lời. Ông nói: "Trước hết, thưa Tổng thống, tôi xin thay mặt chính phủ Nhật Bản và nhân dân Nhật Bản bày tỏ sự thông cảm sâu sắc về sự mất mát đối với tàu Peleliu. Đây là một cú sốc đối với tất cả chúng ta. Tôkyô đã chỉ thị cho Đại sứ của chúng tôi ở Bắc Kinh bày tỏ thái độ mạnh mẽ nhất có thể được đối với chính phủ Trung Quốc. Bây giờ tôi xin trở lại trả lời câu hỏi của ngài. Rất đáng tiếc là sự việc đã đi đến chỗ như vậy nhưng sự việc đã diễn ra và chúng tôi phải tiến lên chứ đừng lùi lại. Sự thật đơn giản, thưa Tổng thống, là ngài và đất nước ngài không còn thực hiện Hiệp ước An ninh của ngài với chúng tôi nữa. Điều này đã được thể hiện quá đầy đủ qua những sự kiện trong tuần này. Chúng tôi hiểu điều đó và đã hiểu ít lâu rồi. Thời kỳ người Mỹ tiến hành chiến tranh ở châu Á đã qua rồi. Các ngài đã hy sinh, các ngài đã bảo vệ khu vực này trong lúc chúng tôi lớn mạnh trở nên hùng mạnh và giàu có. Nhưng rồi cũng đến lúc các quốc gia trưởng thành, lúc mà chúng ta phải chia tay với sự nuôi dưỡng của cha mẹ và tự đứng bằng đôi chân của mình. Chúng tôi đã có những nỗi đau ngày càng lớn. Liệu chúng tôi có cần phải nhắc ngài về việc Niu Dilân thực tế đã rút khỏi hiệp ước ANZUS vào đầu những năm 1980, việc các ngài rút khỏi Philippin vào đầu những năm 1990 và tâm lý thù địch mà các ngài nhận thấy ở Okinawa từ giữa những năm 1990? Việc các ngài rút sự có mặt về quân sự của các ngài khỏi châu Á diễn ra đồng thời với việc Trung Quốc nổi lên như một siêu cường, điều mà chính phủ ngài biết rất rõ, đấy là một vấn đề làm cho chúng tôi hết sức lo ngại. Đây quả thực là một điều đã khiến cho dân chúng Nhật Bản không thể dễ dàng chấp nhận, nó cũng tương tự như các cuộc tấn công liên tục mà các chính phủ kế tiếp nhau tiến hành nhằm vào chúng tôi trong lĩnh vực buôn bán. Các ngài luôn nói rằng hãy chi nhiều tiền hơn cho phòng thủ. Các ngài không thể một mặt đòi hỏi chúng tôi chi ngày càng nhiều cho nền phòng thủ của chính chúng tôi và mặt khác lại tìm cách quyết định cho chúng tôi phải hành động như thế nào. Tôi nghĩ điều đó phải chăng có thể gọi là "hành động đế quốc quá xa". Nhật Bản, thưa Tổng thống, đã không thể đứng yên trong giai đoạn này. Một thế hệ mới, thế hệ sau-chiến-tranh đã lên cầm quyền. Họ không có chút ký ức nào về cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương, họ chỉ có những câu hỏi tại sao Nhật Bản không thể tự lo lấy cho những vấn đề của mình".
"Tại sao các ngài lại ngạc nhiên với cuộc thử hạt nhân khiêm tốn của chúng tôi? Tôi tin là ngài biết rõ hơn tôi, rằng hơn một thập kỷ nay chính phủ Mỹ đã cung cấp cho Nhật Bản bí quyết kỹ thuật để chế tạo một đầu đạn hạt nhân. Chúng tôi đã không quyết định lao vào con đường hạt nhân một cách nhẹ nhàng. Điều này không chỉ có nghĩa là chế tạo một vài quả bom, nó còn có nghĩa là có khả năng phóng chúng đi. Và chúng tôi có khả năng, trong phạm vi khu vực, phóng một đầu đạn hạt nhân với độ chính xác cao".
"Tôi nghĩ rằng điều ngài muốn biết là những ý định của chúng tôi. Ngay tới đây Thủ tướng Hyashi sẽ phát biểu trước toàn quốc về vấn đề này. Tôi không thể nói trước điều gì nhưng tôi có thể bảo đảm với ngài rằng không có điều gì thật sự bất ngờ, rằng chúng tôi mong muốn tiếp tục sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ. Nhưng hãy cho phép tôi nói điều này: Chúng tôi ở châu Á; các ngài thì không. Chúng tôi phải quan hệ với Trung Quốc với tư cách vừa là một mối đe dọa quân sự vừa là một cơ hội thương mại, còn các ngài thì chỉ phải xử lý mối quan hệ thương mại. Địa vị của chúng tôi cũng phức tạp hơn. Chúng tôi có di sản lịch sử phải vượt qua. Ngay cả khi chúng ta đang nói chuyện ở đây, chúng tôi cũng phải có những đánh giá nhất định về sự bùng nổ bạo lực mới vừa diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. Khu vực này đã trở thành một điểm nóng đầy nguy hiểm và không thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra ở đó, chí biết ở đó mọi người sẽ trông cậy vào vai trò lãnh đạo của Nhật Bản. Và đây sẽ là sự thách thức đối với chính sách ngoại giao của Nhật Bản trong những năm tới. Đối với công luận của Mỹ, chúng tôi trông đợi các ngài thực hiện quyền lãnh đạo đối với nhân dân Mỹ. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, một từ gớm ghiếc, đã luôn là một phần trong mối quan hệ giữa chúng ta. Thông qua sự lãnh đạo ở cả hai phía, điều này có thể được cải thiện, nếu không xóa bỏ được hoàn toàn. Chúng ta không thể xử lý các vấn đề của chúng ta trên cơ sở các cuộc thăm dò ý kiến trên báo chí."
BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN
Giờ địa phương: 06h00' thứ Tư 21/02/2001
Giờ GMT: 21h00' thứ Ba 20/02/2001
Những bức ảnh chụp từ vệ tinh của Mỹ cho thấy không có hoạt động khác thường nào dọc theo giới tuyến được phòng thủ kiên cố giữa miền Bắc và miền Nam bán đảo Triều tiên. Những ngọn đồi và cánh đồng lúa bị bao phủ bởi tuyết, sương mù và một lớp băng dày như thường vẫn thấy vào thời điểm này trong năm. Những người nông dân Bắc Triều Tiên phủ kín quần áo làm việc ở nhiệt độ dưới không trước những cơn gió lạnh buốt. Kể từ khi những trận lũ lụt đầu tiên cách đây 6 năm gây tàn phá dữ dội mùa màng và hạ tầng cơ sở, tình trạng thiếu thốn lương thực và nhiên liệu đã đẩy đất nước họ vào tình cảnh nguy khốn. Thời kỳ tồi tệ ập đến ngay sau cái chết của Kim Nhật Thành và người ta không tin tưởng lắm vào người con trai sống ẩn dật của Chủ tịch Kim. Người ta vẫn gọi Kim Chính Nhật là "chúa tể sắt đá của muôn loài" và "nhà chiến lược quân sự vĩ đại". Nhưng bản thân Kim Chính Nhật hiếm khi xuất hiện hòa nhập với mọi người, ông ta cũng không đưa ra bất cứ một chỉ đạo nào về nông nghiệp, công nghiệp và tư tưởng Chủ thể như người cha Kim Nhật Thành của ông đã làm trước đây. Trong giới tinh hoa của Bình Nhưỡng đã lan truyền những câu chuyện về Kim Chính Nhật với những bữa tiệc trác táng cùng với đám gái làng chơi đến từ Scandinavi, Pháp và Anh; về chuyện nghiện rượu của ông ta; về những cơn trầm cảm và tính tình nóng nảy không kềm chế được của Kim con. Không ai biết rõ được tính cách thật của nhà lãnh đạo khó hiểu này, nhưng đối với những người nông dân thì chắc chắn là ông không thể bảo vệ được Triều Tiên trước những thiên tai. Nông dân Bắc Triều tiên sống được là nhờ khẩu phần ăn đủ để tồn tại và lần cuối cùng nhà họ có điện hay chút chất đốt để sưởi ấm đã cách đây hơn một năm.
Tuy nhiên ngay dưới những cánh của họ trong lòng đất có những kho dự trữ đủ để cung cấp cho nhiều thành phố nằm trong một tổ hợp các cơ sở quân sự mà đất nước đầy bí ẩn này đã xây dựng để chuẩn bị cho một cuộc tổng tấn công vào miền Nam khi thời điểm chín muồi. Pháo, xe tăng, máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng được cất giấu trong các đường hầm và các hang lớn đào xuyên qua núi. Bắc Triều Tiên tin rằng họ có thể mở cuộc tấn công trên qui mô lớn bất ngờ bằng trọng pháo mà không phải để lộ vũ khí của họ ra. Hỏa lực tầm ngắn sẽ nhờ vào xe tăng và các đơn vị cơ giới. Hàng trăm xe đổ bộ sẽ vượt sông Imjin để chuyển quân và thiết bị. Hơn 2.000 chiếc cầu nổi sẵn sàng thay thế những chiếc cầu hiện có sẽ bị các lực lượng đồng minh cho nổ tung khi rút quân. Vào cuối những năm 1990, Bình Nhưỡng đã xiết chặt hệ thống phòng thủ của họ với hơn 15.000 súng phòng không, cùng với 500 tên lửa đất đối không và một hệ thống ra đa báo động sớm đời mới để ngăn chặn máy bay xâm nhập, trong khi đại bác 170 ly và tên lửa 240 ly của miền Bắc sẽ nã vào trung tâm Xơun. Một trong những mục tiêu đầu tiên sẽ là xa lộ số 88 chạy ngang qua thành phố Xơun và có thể được sử dụng làm đường băng cho máy bay chiến đấu của miền Nam.
Trong khi các lính biệt kích thuộc lực lượng đặc biệt của Nam Triều Tiên rời khỏi tàu ngầm của họ và hướng về phía bờ biển của miền Bắc thì các quan chức của Bộ Quốc phòng ở Xơun đang lập kế hoạch bảo vệ thành phố trong trường hợp xấu nhất, xảy ra cuộc tấn công trên toàn mặt trận từ miền Bắc.
Từng lính biệt kích biết rõ căn cứ mà anh ta sắp tấn công như chính căn cứ của mình. Họ đã nghiên cứu kỹ các bức ảnh và được huấn luyện trên sơ đồ theo đúng mô hình thật, mặc dù không người nào tin rằng sẽ có lúc họ phải tiến vào căn cứ thật như lúc này. Tại Mayangdo, hai mươi tư người đổ bộ vào bên trong căn cứ để tránh bãi mìn ở phía bên kia hàng rào. Sáu người đánh thốc từ trong ra, giết chết lính gác và ra hiệu cho mười người khác tiến vào. Số còn lại vẫn ở nguyên trên xuồng. Chất nổ được đặt xung quanh các khối nhà chính và nơi trữ nhiên liệu và đạn dược. Nhóm người nhái gắn mìn hẹn giờ vào 12 chiếc tàu ngầm mini của Bắc Triều Tiên. Ba tàu tấn công nhanh lớp Soju đang có mặt ở cầu cảng: chúng cũng đã bị gắn mìn. Trong vòng 10 phút, nhóm đột kích đã hoàn thành nhiệm vụ mà không hề bị phát hiện. Chất nổ được bố trí để gây sợ hãi và tàn phá. Chúng phạt ngang các ngôi nhà, làm bắn tung tóe những quả mìn nhỏ hơn và biến tòa bộ khu vực xung quanh thành một bãi mìn. Binh lính Bắc Triều Tiên tiếp tục bị sát thương nhiều tiếng đồng hồ sau cuộc tấn công. Căn cứ đã bị tê liệt vì trước khi rút đi, lính biệt kích Nam Triều tiên đã cài mìn ở lối ra vào cảng. Theo kế hoạch còn có hai cuộc tấn công khác nhưng ở Sagon-ni, một lính gác Bắc Triều Tiên phát hiện ra nhóm đột kích khi nhóm này đã đổ bộ lên bờ. Anh này nổ súng bắn chết hai người và làm bị thương ba người khác. Đèn được bật lên chiếu sáng toàn bộ căn cứ và còi báo động rền rĩ trong khi binh lính Bắc Triều Tiên triển khai vào các vị trí trên nóc nhà với những khẩu súng máy hạng nặng. Sáu lính biệt kích lặn xuống nước và trốn thoát. Năm người khác bị bắn gục và ít nhất bốn người bị bắt sống. Một chương trình truyền hình của Bình Nhưỡng cho thấy xác những người lính biệt kích này, ống kính truyền hình chiếu cảnh xác họ nằm trên mặt đất trong căn cứ. Phát thanh viên phỏng vấn các tù binh Nam Triều Tiên, những người này cúi gục đầu và lắc đi lắc lại, một cử chỉ có nghĩa như một sự hối hận. Miền Nam phủ nhận thẳng thừng tin này. Họ nói những người này là các diễn viên Bắc Triều Tiên. Không bên nào đề cập đến thành công của những cuộc tiến công vào ba căn cứ hải quân của nhau.
VĂN PHÒNG BÁO GUARDIAN, LONDON
Giờ địa phương: 02h00' thứ Ba, ngày 21/02/2001
Bài đặc biệt của chuyên mục đăng trên trang nhất tờ Guardian của Anh được đặt trên bàn làm việc của các nhà lãnh đạo thế giới chừng nửa tiếng sau khi chúng được phát hành trên các đường phố London. Bài báo này đã được các quan chức trợ lý của Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh đánh giá là đủ quan trọng để đọc nguyên bản chứ không đọc bản tóm tắt.
Bài báo được tác giả Martin Miller viết, đây là một phóng viên đã từng giành được giải thưởng báo chí Nhật. Những mối quan hệ của Martin Miller với giới an ninh và quốc phòng đã được coi là huyền thoại. Sự nhanh nhạy và những vấn đề mà Martin đã đưa vào bài viết của mình cùng những chứng cứ rất rõ ràng đã khiến cho người đọc buộc phải cho rằng chính Martin Miller từ vài tuần trước đó đã biết rõ kế hoạch tiến hành cuộc thử vũ khí hạt nhân của người Nhật. Nhưng Miller đã chuyển hướng chỉ trích của công luận sang phía chính quyền Mỹ. Đầu đề của bài báo mà Miller viết là: Nước Mỹ đã đưa bom cho họ mà không hề hối tiếc.
LƯỢC THUẬT
Nhật Bản đã chế tạo bom hạt nhân như thế nào?
Nước Mỹ đã đưa bom cho họ mà không hề hối tiếc.
Vụ thử đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ của Nhật đã diễn ra mà không hề làm nhiều quan chức Washington ngạc nhiên, những quan chức này trong vài năm qua đã ủng hộ việc dàn xếp một sự kết thúc có kiểm soát hiệp ước an ninh đã lỗi thời của Mỹ với Nhật bản. Trong khi chính sách công khai của Mỹ là hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân hủy diệt hàng loạt thì một nhóm quan chức cao cấp nhất và có quyền lực nhất của chính quyền Mỹ trong nhiều năm đã ngon ngọt dỗ dành Nhật bản đi theo hướng trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân. Những quan chức này đã bắt đầu chiến dịch của họ từ thời Reagan và Bush (cha) nắm chính quyền, khi mà Liên bang Xô viết bị coi là mối đe dọa chủ yếu trong khu vực Thái Bình dương. Sau đó, họ đã tin tưởng rằng trên một số phương diện, sẽ không tránh khỏi việc Mỹ phải kết thúc vai trò đảm bảo an ninh của tại khu vực Đông Á, có thể do nguyên nhân xuất hiện sự thách thức của một quyền lực không thân thiện đối với quốc gia mà thế lực này không muốn gây chiến. Vì vậy, nhóm quan chức Mỹ đã quyết định, để giúp cho Nhật bản, với tư cách là một đồng minh trung thành của Mỹ, có thể chế tạo được vũ khí hạn nhân trước khi Ấn độ hoặc Pakistan tuyên bố họ có bom hạt nhân, hoặc trước khi Trung Quốc có ý định thử thách ý chí quân sự của các nước láng giềng châu Á.
Chính sách này quả là đơn giản một cách mù quáng. Mỹ và châu Âu đã giúp Nhật bản tích trữ được một lượng lớn plutonium phân hạch, đủ để cho phép Nhật có được khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân. Phòng thí nghiệm Savannah River đã giúp hoàn tất phần lớn công việc này. Những nhà khoa học thuộc phòng thí nghiệm này đã chuyển giao công nghệ và các thiết bị phần cứng để sử dụng trong hai lò phản ứng tốc độ cao (fast-breeder reactors - FBRs) của Nhật bản. Hai lò phản ứng này đã sản xuất ra plutonim chất lượng cao, và đó có thể được coi là một mối đe dọa chủ yếu đối với chính sách kiềm chế vũ khí hạt nhân hủy diệt hàng loạt. Nguyên lý hoạt động của các lò phản ứng nhanh FBRs là nó sẽ tạo ra nhiều plutonim hơn là lượng bản thân lò tiêu thụ. Khối lượng plutonim thừa ra sẽ được sử dụng làm nhiên liệu cho các lò FBRs khác, cứ như thế, càng ngày sẽ càng sản xuất được nhiều nguyên liệu hạt nhân. Tuy nhiên, các lò FBRs cũng sẽ sản xuất ra loại plutonim nguyên chất hơn nhiều so với bất kỳ loại plutonium nào đã được nạp vào vũ khí hạt nhân tiêu chuẩn. Tổ chức Cơ quan năng lượng nguyên tử thế giới IAEA đã xếp nguyên liệu hạt nhân của Nhật bản vào loại plutonim "siêu cấp".
Trên thực tế Quốc hội Mỹ đã ra lệnh chấm dứt chương trình FBR của Mỹ vào năm 1983, thậm chí trước cả khi họ có thể xây dựng loại lò phản ứng này tại nước mình. Nhưng Nhật Bản có 2 cơ sở đang hoạt động. Một là FBR Joyo ở Trung tâm nghiên cứu Oarai nằm ở phía Bắc Tôkyô, lò này đã đạt đến trạng thái phản ứng hạt nhân tự ổn định vào năm 1977. Cơ sở thứ hai là FBR Monju ở gần Tsuruga trên bờ biển Đông, phía Tây Tôkyo. Monju đạt đến trạng thái phản ứng tự ổn định vào năm 1994. Có tầm quan trọng hết sức lớn lao đối với việc phát triển chương trình hạt nhân là cơ sở Rokkasho Mura ở quận Amori. Cơ sở này nàm trên một khu vực rộng lớn, Nhật Bản chi 18 tỉ đô la cho riêng việc xây một nhà máy tái chế nhiên liệu ở đây. Chính ở đây tờ Guardian biết rằng chính phủ Nhật bản cũng xây dựng một cơ sở để tiếp nhận Ôxyt Plutoni, biến nó thành kim loại và gia công trên máy theo những hình dáng kích cỡ thích hợp để chế tạo vũ khí.
Bước tiến tới sự cộng tác chặt chẽ giữa Mỹ và Nhật Bản được chính thức hóa khi sự việc trở nên rõ ràng rằng Nhật Bản đang triển khai các lò phản ứng nhanh FBR trong khi Mỹ lại không. Những tài liệu mà báo Guardian thu thập được cho thấy rõ chính phía Mỹ đã cam kết theo kịp những phát triển về FBR của Nhật - cho dù việc này bị cấm ở ngay nước Mỹ. Năm 1987, khi chương trình này đang hình thành, tạp chí Oak Ridge National Laboratory (ORNL) đã đăng bài viết như sau: "... Sự cộng tác này sẽ cho phép Mỹ duy trì được một cốt lõi chuyên môn; ... các chuyên gia kỹ thuật có thể theo kịp sự phát triển trong lĩnh vực tái chế khi họ tham gia một sứ mệnh lâu dài và có tính khả thi..." Và một năm sau đó, William Burch, Giám đốc bộ phận tái sinh nhiên liệu của ORNL đã nói: "... Hiệp định tay đôi sẽ có lợi cho cả đôi bên... Nhật Bản sẽ có thể đẩy nhanh giai đoạn phát triển công nhgệ tái chế thông qua sự cộng tác với Mỹ, đồng thời còn có thể tiết kiệm được chút ít tiền bạc... Đối với Mỹ... sự cộng tác này giúp cho chúng ta tiếp tục tham gia cuộc chơi..."
Các nhà chính trị của cả Mỹ lẫn Nhật Bản đều đã công khai phủ nhận ý định phát triển vũ khí hạt nhân của Tôkyô. Vào tháng 11/1992, như một phần của nỗ lực phát triển một chu trình nhiên liệu hạt nhân tự túc, Nhật Bản bắt đầu nhập một khối lượng lớn plutonium đã phân tách. Hiện tại Nhật Bản đã có tới 50.000 kg và đến năm 2010 dự tính có 90.000 kg. Nhật Bản chưa bao giờ cần quá 30 ngày để chế tạo một vũ khí hạt nhân. Tất cả những gì mà họ cần là một quyết định chính trị, mà quyết định này giờ đây đã có.
Các thống kê thật đáng sợ. Chỉ cần một lượng nhỏ chừng 3 kg là chế tạo được một đầu đạn hạt nhân có sức công phá tương đương với ít nhất là 20.000 tấn TNT. Với kho dự trữ hiện tại, người ta cho rằng Nhật Bản có đủ plutonium siêu hạng để nạp vào hơn 200 đầu đạn. Những đầu đạn này có thể được gắn vào tên lửa đạn đạo tiên tiến mà chúng ta có thể sẽ được chứng kiến trong các cuộc thử nghiệm mà Nhật Bản dự tính bắt đầu trong mấy ngày tới. Các tên lửa này có trọng lượng không quá 150 kg và có tầm bắn khoảng 2.500 km. Các chuyên gia quốc phòng nói rằng trong số tàu ngầm lớp Harushio mới được đưa vào hoạt động gần đây, ít nhất có hai chiếc hiện đã được trang bị vũ khí hạt nhân. Đồng thời, Nhật Bản đã triển khai hệ thống phóng tàu không gian H-2, hệ thống mà Lầu Năm Góc cho rằng chúng đã được triển khai cho những mục đích quân sự trong thời gian gần đây. Hệ thống này có một khoang thử nghiệm trở về bầu khí quyển trái đất từ quĩ đạo có trọng tải 4.000 kg.
Nhật Bản luôn bảo lưu quyền trở thành nước có vũ khí hạt nhân. Ngay từ năm 1957, Thủ tướng khi đó là Nobosuke Kishi tuyên bố rằng việc Nhật Bản có vũ khí hạt nhân không phải là điều trái với hiến pháp, miễn là những vũ khí đó nằm trong giới hạn xác định là để tự vệ.
Kể từ đó, những thay đổi tinh vi đã thực hiện đối với hiến pháp, cùng với sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy chính trị, đã làm cho sự lựa chọn hạt nhân trở thành điều có thể chấp nhận được. Tháng 10/1993 Masashi Nishihara ở Học viện Quốc phòng nói: "Chúng tôi lo ngại Trung Quốc việc chúng tôi để cho Trung Quốc nắm vai trò chi phối hoặc chúng tôi có thể bình đẳng hơn bằng cách đối đầu với họ". Nishihara cho rằng Nhật Bản cần đối phó với Trung Quốc như Mỹ đối phó với Liên Xô: đương đầu với họ, sau đó tiền hành thương lượng về các hiệp ước cắt giảm vũ khí nhưng để làm được điều đó, Nhật Bản cần có bom hạt nhân. Việc Trung Quốc chiếm đoạt Biển Nam Trung Hoa là chất xúc tác. Kể từ đầu năm 90, mối lo ngại về ngân sách quân sự phình to và kế hoạch mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc đã tăng lên ở châu Á. Những tin tức không được xác nhận nhưng được công bố rộng rãi nói rằng từ cuộc đối đầu với 2 tàu sân bay của Mỹ ngoài eo biển Đài Loan vào năm 1996, hàng tỉ đô la đã được dành cho việc hiện đại hóa quân đội và hải quân Trung Quốc. Nhưng điều này vẫn chưa thể sánh được so với cả quân Trung Quốc. Hiện tại, hai nước này đang cùng giữ địa vị siêu cường toàn cầu. Nhật Bản, như cậu bé nghịch ngợm, đang bị cảnh cáo rằng bất cứ việc lặp lại những hành động tàn bạo nào trong Chiến tranh Thế giới thứ II sẽ không được tha thứ.
Trong khi châu Á vừa nghi ngờ vừa phẫn nộ đối với Nhật Bản thì điều lựa chọn thay thế khác còn đáng lo ngại hơn - chế độ Trung Quốc bưng bít, vô trách nhiệm, phi dân chủ và không được hiện đại hóa của Trung Quốc. Trong vài tuần tới, Mỹ sẽ khuyến khích người châu Á và Mỹ chôn vùi những ký ức của 50 năm về trước và hoan nghênh sức mạnh quân sự của Nhật Bản có khả năng bắn tới các thành phố của Mỹ và Ấn Độ nhưng lúc này người ta có thể tin chắc rằng chúng chỉ được lập chương trình để nhằm vào Trung Quốc.
NHÀ TRẮNG, OASINHTƠN, DC
Giờ địa phương: 21h30' thứ Ba 20/02/2001
Giờ GMT: 02h30' thứ Tư 21/02/2001
Nhiệm vụ giải thích chính sách được giữ kín của Mỹ được giao cho Marty Weinstein, Cố vấn an ninh quốc gia, người được Tổng thống gọi đến ngay sau khi ông đọc xong bài báo. Tổng thống yêu cầu một bản ghi chép rõ ràng về những điểm mà báo Guardian nêu ra và một cuộc thăm dò ý kiến những người đã đọc bài báo để đánh giá mức độ ủng hộ của công chúng. Weinstein giải thích rằng mặc dù Marty Miller viết đại thể là đúng nhưng không có một chính sách nào của chính quyền là giúp Nhật Bản chế tạo bom hạt nhân. Các nhà khoa học hạt nhân của Mỹ đơn thuần chỉ muốn theo kịp sự phát triển về công nghệ trong một lĩnh vực mà Quốc hội đã cắt bỏ ngân sách dành cho nó. Không có đạo luật nào của Mỹ bị vi phạm. Không có sự hợp tác của Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge, thì giờ đây Nhật Bản vẫn sẽ có vũ khí hạt nhân.
"Marty, việc đưa ra lý do bào chữa cho những điều bí mật không làm tôi lo ngại. Chúng ta vẫn luôn luôn làm như vậy nhưng trước khi điều một lực lượng đặc nhiệm tới đánh đuổi người Trung Quốc ra khỏi Biển Nam Trung Hoa, tôi cần quyết định xem liệu bây giờ chúng ta nên lên án hay hợp tác với Nhật Bản. Cách nào sẽ bảo vệ sinh mạng người Mỹ và bảo vệ những lợi ích quốc gia của chúng tôi?"
"Tôi cho rằng chúng ta nên lựa chọn con đường hợp tác, thưa Tổng thống. Xét cho cùng thì Nhật Bản vẫn là đồng minh. Chúng ta không có xung đột nào về lợi ích."
"Được. Nhưng hãy giải thích cho kỹ, Martin. Vì tôi sẽ phải giải thích việc này trước quốc dân."
"Chúng ta hãy coi đây như một sự chia sẻ gánh nặng. Người Mỹ không thể giữ gìn trật tự một cách vô thời hạn cho cả thế giới. Do vậy trước hết chúng ta hãy xem xét mối đe dọa và sau đó chúng ta nên liên minh với ai là tốt nhất. Ở châu Âu chúng ta có thể dựa hoàn toàn vào Anh và bình thường có thể dựa vào Pháp. Họ là những nước đã trưởng thành trong liên minh an ninh. Họ là những nước có vũ khí hạt nhân. Những nước khác đang dao động. Chúng ta không có những liên minh lớn không thể tan vỡ ở Nam Á hay Trung Đông. Ấn Độ sẽ là một đồng minh trung lập nhưng về mặt lịch sử nước này rất đáng ngờ. Họ có khát vọng siêu cường riêng của họ. Bạn bè của chúng ta ở Trung Đông như Ai Cập và Arập Xêút có những mối quan tâm về chính trị trong nước phải để tâm đến. Về lâu dài nguy cơ tương tự như nguy cơ nước Trung Quốc. Chế độ chính trị và văn hóa Hồi giáo không thích hợp với chế độ của chúng ta. Các giá trị và khát vọng là khác nhau. Cho đến nay chỉ có một mối quan hệ có thể tiến triển, ở Đông Á, các nước ASEAN sẽ dao động. Họ biết rằng họ không thể đương đầu với Trung Quốc hoặc Nhật Bản. Họ thích chúng ta hơn nhưng họ cảm thấy chúng ta đã hết thời. Họ là những người thực dụng. Trọng tâm của họ là buôn bán và phát triển. Họ sẽ chấp nhận một trật tự mới ở Trung Quốc hoặc Nhật Bản chừngnào mà điều này không gây phương hại cho buôn bán. Và chúng ta còn có một nước dao động khác là Nga. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra ở đó. Nga là một nước hạt nhân.
"Trong vòng 50 năm tới, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tranh giành địa vị siêu cường. Được thôi, không nước nào trong số này là không lương thiện cả."
Tổng thống ngắt lời: "Marty, Trung Quốc đã tấn công Việt Nam, chiếm các tuyến đường biển vào Thái Bình Dương và đánh chìm một trong các tàu chiến của chúng ta làm nhiều người thiệt mạng."
"Thưa Tổng thống, tôi đang nói theo quan điểm lịch sử. Chúng ta có thể trừng phạt và ném bom Irắc, Lybi, Panama. Chúng ta biết các nhà lãnh đạo của các nước này là những tên bạo chúa. Trung Quốc không thuộc loại đó và tôi cho rằng chúng ta phải xem xét điều này từ góc độ đó. Hãy xem điều gì đã xảy ra ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Bắc Kinh phủ quyết tất cả những đề nghị của chúng ta đưa ra."
"Được, ngài nói tiếp đi."
"Chúng ta có thể có một chính sách công khai là tiến hành hai chiến dịch lớn cùng một lúc nhưng tôi đã nói điều này sẽ không thể thực hiện được vì ngân sách dànhcho quân sự đã bị cắt giảm. Nếu chúng ta tiến hành chiến tranh ở Biển Nam Trung Hoa, chúng ta sẽ để cho một bên sườn khác bị trống hoàn toàn. Ví dụ, Hạm đội Sáu có một cam kết lâu dài với NATO ở Địa Trung Hải. Iran, Irắc và vùng Vịnh vẫn là những khu vực căng thẳng mà chúng ta không thể rút các lực lượng của chúng ta ra khỏi đó. Nếu Iran thấy chúng ta đối đầu với Trung Quốc, nếu chúng ta bắt đầu đổ đồ tiếp viện cho Việt Nam hoặc Philippin như chúng ta đã làm trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh vào năm 1990 và khi đó nếu Iran quyết định phô trương sức mạnh của họ ở vùng Vịnh, chúng ta sẽ không thể đối phó được, thưa Tổng thống. Ý tôi muốn nói là chúng ta sẽ không dễ bị bại trận, nhưng những phí tổn, những bao đựng xác chết, những kẻ thù ở Trung Đông và phương Đông trên vô tuyến truyền hình sẽ làm cho nhân dân Mỹ quay sang chống lại những gì mà chúng ta đang cố gắng thành đạt."
"Giống như trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam."
"Đúng vậy. Chúng ta thắng trên chiến trường nhưng thua ở Quốc hội."
"Ngài đang suy đoán hay là người đã biết được một điều gì đó, Marty?"
"Tôi suy đoán dựa trên thực tế. Trung Quốc đã kiếm được nhiều tiền từ việc bán vũ khí. Trong thời gian 5 năm qua, số tiền đó đã lên tới 10 tỉ đô la. Chín mươi phần trăm số tiền đó là từ Trung Đông. Mối quan hệ chặt chẽ nhất của Trung Quốc hiện nay là Iran và điều này giải thích tại sao họ (Iran) tài trợ cho việc mua bất ngờ 2 chiếc tàu chiến rất nguy hiểm của Nga trong hai năm qua. Họ đã mua các tàu khu trục nhỏ Vazhny và Vdumchivy lớp Udaloy mà chúng ta bằng con thuyền treo một lá cờ khác. Trung Quốc đã có tên lửa và công nghệ hạt nhân. Iran có tiền bán dầu. Nga thì có đồ chơi."
"Trung Quốc đã vi phạm hiệp ước về Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) mà họ tham gia ký kết năm 1987. Hiệp ước này cấm bán tên lửa hoặc công nghệ chế tạo loại tên lửa có thể mang một trọng tải trên 500 kg với tầm bắn trên 300 km. Một năm sau đó, Trung Quốc đã bán 36 tên lửa CSS-2 tầm trung cho Arập Xêút và nước này phải trả trên 3 tỉ đô la cho số tên lửa này. Trung Quốc cũng đang xúc tiến một hợp đồng bán tên lửa M-9 mới được phát triển của họ cho Xyri. Trung Quốc đã có quan hệ trong lĩnh vực vũ khí với Iran, Irắc, Pakixtan, Xyri, Arập Xêút và vài nước khác. Nhân tố chung liên kết các nước này với nhau, thưa Tổng thống, là họ là các nước Hồi giáo."
"Chúng ta đã gây sức ép lần đầu tiên với Trung Quốc vào năm 1987 khi họ bán tên lửa Silkworm cho Iran. Thế rồi sự việc còn trở nên tồi tệ hơn. Năm 1989 và 1991, các công ty của Trung Quốc và Iran đã ký kết với nhau cái mà trong con mắt công chúng có vẻ như một hợp đồng thương mại. Nhưng sản phẩm lại là hạt nhân - một thiết bị điện tử để sản xuất chất đồng vị và một lò phản ứng mini. Người Trung Quốc nói rằng nó được sử dụng cho mục đích hòa bình; cho việc chẩn đoán bệnh và nghiên cứu vật lý hạt nhân."
"Bom nguyên tử có thể chế tạo từ chất đồng vị uranium cô đặc. Phi vụ làm ăn đặc biệt đó không thành, chúng ta cho rằng ký do là người Nga chen vào với sản phẩm tốt hơn. Nhưng chúng ta thử đặt giả định rằng Iran hiện ở vào vị trí của Irắc đầu nhữngnăm 90. Họ đang thăm dò con đường hạt nhân nhưng chưa bước được lên đó. Điều tiếp theo mà chúng ta biết là Trung Quốc đã chuyển giao cái mà chúng ta gọi là thiết bị "calutron" cần để làm giàu chất uranium. Cơ quan tình báo của chúng ta cũng tìm thấy bằng chứng về việc Trung Quốc cung cấp cho Iran nguyên liệu chế tạo vũ khí hóa học là thiodiglycol và cloruathionyl, cảhai chất này đều là những chất rất nguy hiểm. Kết quả cuối cùng là xuất hiện thêm một kẻ thù khao khát có vũ khí hạt nhân, còn có thể thêm một kho vũ khí hóa học hủy diệt hàng loạt. Nhưng cho đến nay khả năng phóng tên lửa hạt nhân của Iran vẫn còn hạn chế."
"Tiếp đó chúng ta phát hiện ra hai đoàn xe chở 26 tên lửa cùng bệ phóng và phụ kiện khác di chuyển qua ngoại ô Bắc Kinh trong ba ngày. Hai đoàn xe này tiếnvề phía cảng chính ở phía Bắc là cảng Thiên Tân. Chúng ta tin rằng đó là tên lửa Đông Phong 31, một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn 8.000 km. Những tên lửa này được đẩy bằng rốc-két sử dụng nhiên liệu rắn, có thể chuyên chở bằng xe tải và bắn rất nhanh. Chúng ta không thể phát hiện chúng một cách dễ dàng và chúng bắn với độ chính xác cao."
"Và Iran có thể có tên lửa này trong kho vũ khí của họ?"
"Chúng ta gần như tin chắc là họ có, thưa Tổng thống. Đó không phải là loại tốt nhất mà Trung Quốc có. Đông Phong 32 được thử nghiệm vào năm 2000. Nó được bắn từ Tân Cương ở cực Tây và thực hiện chuyến du hành xa tới 3.000 km qua đất liền tới Biển Nam Trung Hoa. Tầm bắn của nó là 12.000 km. Tải trọng của nó có thể là một đầu đạn hạt nhân 700 kg. Nếu bắn được từ đất Trung Quốc, thưa Tổng thống, Đông Phong có thể tới được Alaska hoặc Tây Âu. Chúng ta cũng cho rằng họ đang phát triển một loại tên lửa này ở Thái Bình Dương thì họ có thể tấn công Oasinhtơn hoặc Niu Yoóc."
"Cám ơn ngài, Marty" - Tổng thống nói - Chính xác là ngài muốn nói điều gì?"
"Trung Quốc bán cho Trung Đông những vũ khí rẻ tiền. Một máy bay chiến đấu MIG-29 của Nga giá khoảng 25 triệu đô la. Một F-7M của Trung Quốc giá không quá 4,5 triệu đô la. Điều này bảo đảm một mối quan hệ với các nước sản xuất dầu nhằm duy trì việc cung cấp cho Trung Quốc 8 triệu thùng dầu mỗi ngày là số dầu mà Trung Quốc sẽ cần phải nhập vào năm 2010. Trung Quốc tính toán rằng mối quan hệ với các nước Hồi giáo sẽ chống lại được sức ép của quốc tế đòi phải có những biện pháp trừng phạt đối với họ. Tại Liên Hợp Quốc họ đã dùng quyền phủ quyết của họ, như chúng ta đã biết. Bằng những chướngngại đó họ tiến hành kiểm soát Biển Nam Trung Hoa. Sau vụ đối đầu năm 1996 trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Đài Loan, Quân giải phóng nhận ra rằng họ không thể đánh bại hải quân của chúng ta trên chiến trường và thậm chí đến năm 2020 cũng không thể địch nổi hải quân của chúng ta. Nhưng họ biết rằng chúng ta không thể tiến hành hai cuộc xung đột cùng một lúc. Vì vậy họ tìm cách cho Iran có khả năng khởi sự một hoạt động đánh lạc hướng nếu chúng ta có ý định triển khai một nhóm tàu sân bay khác giốngnhư kiểu năm 1996."
"Ngài biết điều này sẽ xảy ra?"
"Như tôi đã nói, thưa Tổng thống, tình báo của chúng ta không được tốt lắm. Chúng ta không biết ban lãnh đạo Trung Quốc đang nghĩ gì nhưng họ không muốn đánh nhau với chúng ta. Họ muốn chúng ta mất tinh thần và rút khỏi Thái Bình Dương. Trong hoàn cảnh bình thường, toàn bộ sự tập trung của chúng ta sẽ là vào tình trạng lộn xộn hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Còn hiện tại, mọi nguồn vật lực của chúng ta được triển khai nhằm chống lại Trung Quốc và chúng ta phần lớn sử dụng tin tình báo của Nhật Bản; những hoạt động của quân đội và hải quân Bắc Triều Tiên. Nếu chúng ta định ở lại với một sự tín nhiệm nào đó, chúng ta phải làm việc này trong một liên minh với một nước Nhật Bản ở cương vị một cường quốc quân sự và hạt nhân có thể đương đầu với Trung Quốc và buộc Trung Quốc phải giữ một khoảng cách."
BIÊN GIỚI TRUNG - VIỆT
Giờ địa phương: 10h00' thứ Tư 21/02/2001
Giờ GMT: 03h00' thứ Tư 21/02/2001
Thiếu tá Long há hốc mồm nhìn chằm chằm khi trung úy Claud Joffe thuộc Đơn vị Tín hiệu của quân đội Pháp mở máy tính xách tay của anh ta ra. Một hạ sĩ Pháp định hướng cái đó có vẻ như là một dĩa Parabol vệ tinh, thay vì hướng lên trời, anh ta hướng nó về phía Nam về phía Hà Nội và sứ quán Pháp ở đó. Ngay lập tức vị trí chính xác của tất cả các đơn vị Trung Quốc đang tràn qua biên giới xuất hiện trên màn hình của trung úy Joffe. Những đám mây bao phủ phía trên khu vực chiến trường đã tản ra, tạo điều kiện lý tưởng cho vệ tinh do thám của Pháp theo dõi được hoạt động di chuyển quân cách 100 km phía dưới.
Cách đó 300 km về phía Tây Bắc, ở Nam Ninh, một sĩ quan chỉ huy Trung Quốc, Kiều Hiểu Minh, cũng đang làm nhiệm vụ giống hệt như vậy, gần như vào cùng một thời điểm. Anh này sử dụng một thiết bị xử lý thông tin chiến trường Thomson-CSF Star Burst giúp anh ta có thể liên lạc bằng điện tử và qua rađiô với các sĩ quan trên chiến trường có các thiết bị di động giống như thiết bị của anh ta. Đồ thị hiện trên màn hình trước mặt anh ta. Những hình ảnh trên màn hình không phải là các bức ảnh chụp, chúng mang tính chất biểu đồ nhiều hơn nhưng với sự trợ giúp của con chuột máy tính anh ta có thể phóng to tập trung vào bất cứ đơn vị nào và biết được quân số, khả năng và vị trí chính xác của đơn vị đó ở trong rừng và trên các con đường ở Việt Nam trong phạm vi 1mét.
Loại camera thông thường giờ đây đã lùi xa vào quá khứ: hiện tại nó là camera số hóa và kết nối với một máy tính và máy phát tín hiệu tốc độ cao: nhưng vệ tinh mà người Pháp triển khai phía trên khu vực chiến trường không chỉ làm công việc chụp ảnh, rửa phim và truyền ngay lập tức cho máy thu dưới mặt đất. Nó còn có một máy phát cực mạnh cho những hoạt động bí mật tương tự khác. Giống như người Mỹ và người Anh, các nhà sản xuất vũ khí "tình báo" của Pháp muốn tiếp tục kiểm soát những thứ mà họ bán cho các chính phủ nước ngoài, do vậy họ lắp vào ổ cứng của mỗi thiết bị quân sự một thiết bị có thể điều khiển cho hoạt động từ xa làm cho nó trở nên vô dụng. Có thể bật và tắt nó tùy ý, làm cho những người bất cẩn tưởng rằng máy bị trục trặc. Đây là một biện pháp phòng xa trên cơ sở suy luận khách hàng hôm nay có thể trở thành kẻ thù hoặc kẻ thù thành người bạn vào ngày mai. Cái hay của nó là người ta không thể dò tìm sự can thiệp này đến tận người sản xuất - Con ngựa thành Tơroa được gắn vào các con chíp silic trong trường hợp có tác dụng khởi động hệ thống Star Burst.
Khi Kiều Hiểu Minh quan sát 50.000 lính Trung Quốc tràn qua biên giới Việt Nam, được hỗ trợ bởi 250 xe tăng, vô số xe tải và xe hạng nhẹ, anh ta không dám chắc là nên tỏ sự khâm phục trước những điều kỳ diệu của khoa học hiện đại hay là nên nhường chỗ cho tình cảm tự hào về những gì mà đồng chí của anh ta đang làm. Anh ta không có thời gian nghiền ngẫm quyết định. Màn hình đột nhiên nhấp nháy và những hình ảnh trên đó biến mất trước mắt anh ta. Anh ta gõ gõ vào máy nhưng máy không có phản ứng gì. Anh ta ấn nút gọi khẩn cấp, sau đó tắt hệ thống Star Burst rồi lại bật lên. Máy dường như trở lại hoạt động bình thường trong phút chốc thế rồi màn hình lại trở lại trống không. Vào lúc máy bị trục trặc đó, nửa tá sĩ quan cao cấp của Quân giải phóng nhân dân đứng xung quanh với vẻ hoảng hốt trên nét mặt. Tất cả họ đều biết rằng khả năng kiểm soát cuộc tấn công vào Lạng Sơn vừa mới tuột khỏi tay họ.
DINH THỰ THỦ TƯỚNG, TÔKYÔ
Giờ địa phương: 12h30' thứ Tư 21/02/2001
Giờ GMT: 03h30' thứ Tư 21/02/2001
Noburo Hyashi đã chờ đợi suốt cuộc đời chính trị của ông cho thời điểm này - cái ngày mà ông sẽ lên lãnh đạo Nhật Bản đi tới độc lập và tự do hoàn toàn. Nhóm làm phim truyền hình NHK đang bận rộn trong văn phòng của ông chuẩn bị ánh sáng và dây micro. Frank Lloyd Wright, kiến trúc sư Mỹ, là người đã thiết kế dinh thự chính thức của Thủ tướng Nhật Bản nằm ở khu Nagatacho, gần tòa nhà Quốc hội. Trong khi Hyashi đặc biệt không ưa gì người Mỹ thì ông đã dần dần trở nên ưa thích dinh thự chính thức của ông. Cách sử dụng gỗ màu vàng của Lloyd Wright đặc biệt hấp dẫn. Ông cho trổ những cửa sổ lớn trên tường cho ánh sáng tràn vào và để Hyashi có thể ngắm nhìn ra ngoài cảnh một trong những khu vườn Nhật Bản nhỏ được bảo tồn một cách hoàn hảo nhất ở Tôkyô. Văn phòng của ông nhìn thẳng xuống một cây mận hoa đang độ nở rộ. Các bài phát biểu của Thủ tướng với quốc dân là điều hiếm khi xảy ra trong nền chính trị Nhật Bản. Thường thì Thủ tướng (với toàn bộ nội các của ông đứng cách ông ba thước phía sau) xuất hiện trên bục trong một căn phòng không rõ ở đâu tường màu trắng, với một bài phát biểu ngắn và sau đó trả lời các câu hỏi lê thê của các phóng viên. Viên thư ký riêng của ông dọn dẹp tất cả giấy tờ trên bàn làm việc của ông. Một máy nhắc lời bằng plastic đặt nghiêng phía trước bàn, dưới tầm ngắm của camera khi ông nói. Ông mở đầu: "Thưa đồng bào Nhật Bản của tôi. Tôi đã yêu cầu có được cơ hội phát biểu với các vị ngày hôm nay để giải thích về tình hình hiện nay và phản ứng của chính phủ trước tình hình đó. Như các vị đã biết chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã mở một cuộc không kích không hề bị khiêu khích vào nước Cộng hòa Việt Nam hôm chủ nhật. Đồng thời họ phong tỏa Biển Nam Trung Hoa, không cho Nhật Bản và các dân tộc yêu hòa bình khác ở châu Á sử dụng con đường thủy có tầm quan trọng sống còn và sáng nay họ phát động một cuộc xâm lược qua biên giới Việt Nam. Chúng ta cũng đang cố gắng đánh giá tình trạng bùng nổ bạo lực mới đây trên bán đảo Triều Tiên và xác định xem điều đó sẽ đe dọa đến mức nào nền hòa bình lâu dài ở Thái Bình Dương. Kể từ năm 1960 Nhật Bản đã có liên minh quân sự với Mỹ. Một phần trong những yêu cầu mà hiệp ước đó đặt ra đối với hai nước ký hiệp ước là nước này sẽ nhờ đến sự giúp đỡ của nước kia khi lợi ích quốc gia bị đe dọa. Chính phủ của các vị đã quyết định rằng những hành động của Trung Quốc hôm chủ nhật đã gây ra một mối đe dọa như vậy đối với sự sống còn của Nhật Bản và thông qua các con đường ngoại giao chúng ta tìm cách viện dẫn hiệp ước của chúng ta với Mỹ. Đáng buồn là hai nước đã không thể nhất trí với nhau rằng đã tồn tại một mối đe dọa như vậy.
"Chính phủ đã đi đến kết luận rằng thực tế là liên minh quân sự mà chúng ta có với Mỹ đã chấm dứt. Điều này khiến cho Nhật Bản không còn mấy sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải hành động độc lập. Phần đầu tiên của hành động độc lập đó đã diễn ra sáng nay khi các lực lượng quân sự của chúng ta đã cho thử một đầu đạn hạt nhân nhỏ. Tôi hoàn toàn hiểu được rằng do chúng ta đã có kinh nghiệm bi thảm với vũ khí hạt nhân, nhiều người trong số các vị sẽ lấy làm buồn về những tin tức chúng ta cũng đã có những vũ khí như vậy. Quả thực một số người thậm chí có thể còn tức giận. Đối với những người đó tôi chẳng thể làm gì hơn ngoài việc bày tỏ lời xin lỗi chân thành nhất của tôi.
"Đây không phải là nơi để Thủ tướng Nhật Bản đưa ra bài thuyết giải đối với Mỹ. Nhưng chúng tôi không thể kết thúc phần này trong bài phát biểu của tôi với các vị mà không có một sự nhận xét về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Người Mỹ nên thừa nhận rằng sự thành kiến về chủng tộc không chứa đựng bất kỳ giải phát nào cho các vấn đề đang diễn ra trên thế giới ngày nay. Điều quan trọng là đứng trước tình trạng họ phải nhận thức rõ khung cảnh lịch sử, chấp nhận thực tế là quyền lực trên thế giới, kể cả quyền lực kinh tế, đang chuyển từ phương Tây sang phương Đông. Sự di chuyển này có thể không mạnh mẽ như người ta thường diễn tả về nó ở thế kỷ trước khi người ta nói về "kỷ nguyên Thái Bình Dương" nhưng dù di chuyển với tốc độ như thế nào đi chăng nữa, việc Mỹ giũ bỏ những thành kiến của Mỹ đối với châu Á, trong đó có thành kiến đối với Nhật Bản, là nằm trong lợi ích của Mỹ duy trì một địa vị lãnh đạo trên thế giới.
"Địa vị mới của chúng ta trên thế giới sẽ đòi hỏi chúng ta phải có những thay đổi và hy sinh. Mặc dù chính phủ của các vị không đòi hỏi gì hơn cho Nhật Bản ngoài việc Nhật Bản sẽ đóng một vai trò tương xứng với địa vị kinh tế của Nhật Bản trên thế giới nhưng chúng ta phải nhạy bén đối với những tình cảm của các nước láng giềng của chúng ta khi họ điều chỉnh cho thích hợp với những thực tế mới. Chúng ta không thể trở thành độc tài, điều này sẽ không được tha thứ trong kỷ nguyên mới, nhưng tương tự vậy, mặc cảm tự ti cũng tai hại không kém. Người Nhật Bản phải thoát ra khỏi trì trệ về tinh thần hiện tại. Nếu các vị cứ im lặng khi các vị có một yêu cầu đặc biệt hoặc một quan điểm đối lập muốn bày tỏ, phía bên kia sẽ mặc nhiên cho là các vị không có yêu cầu hoặc sự phản đối nào. Khi các vị nhắm mắt không thèm quan tâm đến bên ngoài, giữ mình trong khuôn khổ tư duy có một không hai của Nhật Bản, các vị sẽ bị cô lập trong thế giới hiện tại, phụ thuộc lẫn nhau này.
"Cho phép tôi giải thích vai trò mới của dân tộc chúng ta mà chính phủ dự đoán. Nhật Bản sẽ mở cửa thị trường của mình đến mức không còn lý do gì để bạn bè nước ngoài của chúng ta phải phàn nàn, và chúng ta sẽ tài trợ để giúp đỡ những nước đang phát triển ở những nơi mà dân chúng không bị đàn áp. Nhật Bản cần ý thức được những trách nhiệm của mình. Tôi thừa nhận là việc này sẽ phải kèm theo phí tổn. Chắc chắn là việc mở cửa hoàn toàn các thị trường của chúng ta và việc cung cấp cho các nước đang phát triển những khoản tiền lớn sẽ là điều rất khó khăn và tốn kém. Tuy nhiên, mọi việc trên thế giới sẽ không trở nên tốt đẹp hơn chừng nào sự khó khăn chưa được chia sẻ một cách bình đẳng hơn. Các vị thử hình dung xem khó khăn đến mức nào trong thời kỳ Minh Trị Duy Tân (1868) khi tầng lớp Samurai được hưởng đặc quyền từ bỏ quyền lực của họ, cắt bỏ kiểu tóc đặc biệt của họ, và vứt bỏ kiếm của họ đi? Điều này cho phép một cuộc cách mạng không đổ máu diễn ra trong phạm vi Nhật Bản. Chúng ta cần một cuộc cách mạng hòa bình như vậy ở châu Á."
"Bất chấp di sản của quá khứ, Nhật Bản có khả năng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo ở châu Á. Tôi đưa ra hai ví dụ ở hai đầu của thước đo. Ngày nay ở khắp châu Á đâu đâu cũng nghe thấy những bài hát của Nhật Bản được ưa chuộng. Karaoke là hình thức giải trí gia đình phổ biến nhất trong khu vực của chúng ta. Từ Đại Liên đến Sydney, trò tiêu khiển thuần túy mang tính chất Nhật Bản này rất được ưa chuộng. Rồi có những tài sản văn hóa như Miroku Buddha (Tượng Di lặc), hoặc chùa Horiyuji. Những tài sản này thu hút sự quan tâm và tôn trọng trên khắp thế giới, vượt lên trên các đường biên giới quốc gia, chủng tộc và văn hóa. Đây là những sản phẩm của tinh hoa mà nhân dân Nhật Bản hung đúc. Xuất xứ hình tượng Phật là từ Ấn Độ, được truyền bá qua con đường Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Hình tượng Phật của Nhật Bản là sản phẩm tinh xảo của nghệ thuật Nhật Bản. Quá trình tạo dựng được trau chuốt không ngừng và trở thành một sản phẩm của những quá trình phát triển trí tuệ của Nhật Bản; nó mang tính Nhật Bản rõ ràng. Mọi cái đều dừng lại trước Nhật Bản; người Nhật Bản tinh chế tất cả những gì đến với họ; Nhật Bản là điểm dừng cuối cùng trong quá trình chuyển tiếp văn hóa.
"Đây là những mục tiêu cao cả cho tương lai. Nhật Bản luôn sẵn sàng giúp đỡ các nước láng giềng xa gần của chúng ta ở châu Á. Tuy nhiên, vào lúc này chúng ta đang đứng trước một mối đe dọa nghiêm trọng chưa từng có. Chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa không thể tiếp tục mà không bị ngăn chặn. Chúng ta có trách nhiệm làm người môi giới hòa bình ở bán đảo Triều Tiên. Chúng ta không có tham vọng thống trị châu Á. Chúng ta chỉ tìm kiếm sự ổn định để buôn bán có cơ hội phát triển. Vậy mà một chiếc tàu chở dầu đang trên đường đến Nhật Bản đã bị cướp đoạt. Chúng ta đã điều một nhóm tàu hải quân đến Biển Nam Trung Hoa. Trước tiên nhóm này sẽ tiến hành các cuộc thử tên lửa. Họ cũng sẽ làm công việc bảo vệ các tàu của Nhật Bản và các tàu đang trên đường đến Nhật Bản. "Chính phủ Nhật Bản luôn sẵn sàng thảo luận về những vấn đề này với chính phủ Trung Quốc. Một giải pháp hòa bình thông qua thương lượng đối với cuộc khủng hoảng này đã và đang luôn luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của chính phủ Nhật Bản."
KHU TÀI CHÍNH KABUTO-CHO, TÔKYO
Giờ địa phương: 13h00' thứ Tư 21/02/2001
Giờ GMT: 04h00' thứ Tư 21/02/2001
Hidei Kobayashi, người phụ trách buôn bán và chiến lược của công ty chứng khoán Nomura, tắt công tắc vô tuyến. Một trăm lẻ một ý nghĩ cùng một lúc hiện lên trong tâm trí ông khi ông cố gắng hiểu thấu những điều mà Thủ tướng nói - bị sốc về vụ thử hạt nhân, lo sợ bị tách khỏi người Mỹ, tự hào khi nghe thấy một người Nhật Bản có thể nói hay như vậy - và cố gắng gạt bỏ tất cả những ý nghĩ đó ra khỏi tâm trí và đánh giá quyết định đầu tư. Ông không mất nhiều thời gian. Ông quyết định chọn mua cổ phiếu của riêng các công ty, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng - Mitsubishi Heavy Industries, Mitsui, Nippon Steel, và Sumitomo Steel - mà ông tính toán rằng sẽ được lời từ các đơn đặt hàng lớn hơn trong tương lai. Suy cho cùng, Hyashi có một "hệ thống an ninh đáp ứng những nhu cầu của Nhật Bản có thể được xây dựng" - ngụ ý rằng hệ thống đó chưa được hoàn thành. Ngay cả sức mạnh của Momura cũng không thể xoay chuyển được thị trường. Mức bác ở bên ngoài đã trở nên áp đảo. Chỉ số Mikkei, đã giảm 1.678 điểm vào hôm thứ ba, lại sụt mạnh. Đến cuối phiên giao dịch buổi sáng nó giảm 2.063 điểm xuống còn 35.559.
Đồng yên bị sức ép lớn. Ngân hàng Bank of Japan hầu như ở yên tại thị trường và mua tất cả số tiền yên mà thị trường muốn quẳng cho nó. Từ mức 163,75 yên vào lúc đóng cửa ở New York giảm xuống còn 168,75 trong giờ giao dịch đầu tiên. Đúng vào thời điểm này Phillips thực hiện phi vụ đang trên đà thắng của ông. Ông chỉ thị tháo khoán số còn lại trong khoản tiền yên mà First China đã thu gom cho tướng Triệu. First China đang nắm 124 tỷ yên - khoản còn lại trong số mà nó đã mua vào khi đồng yên được giao dịch với mức khoảng 120 tỷ yên so với đồng đôla. Trên thị trường Luân Đôn ngày hôm trước khoảng 124 tỷ yên đã được chuyển đổi, đem lại cho tướng Triệu khoản lãi ròng vượt quá 200 triệu đôla. Trên thị trường Tôkyô, First China tóm chặt số lãi còn lại. Khi đồng tiền của Nhật Bản mất giá 36%, First China mới ra tay thu lại số tiền họ bỏ ra, đút túi 256 triệu đôla trong vụ này.
Ở Hồng Kông, thị trường đã giảm đột ngột vào lúc mở cửa. Sự xuất hiện của Hyashi trên vô tuyến truyền hình đã được truyền đi khắp châu Á trên hệ thống Star TV, mạng truyền hình vệ tinh khu vực. Những ký ức cũ rất khó mà mất đi và hành vi của quân đội đế quốc Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ II đã được khơi dậy, một phần là do những hành động của quân đội này là quá khủng khiếp, và một phần là cái được sử dụng như một cây gậy để buộc Tôkyô phải phục tùng bất cứ lúc nào cần. Thị trường tiếp tục chao đảo suốt cả buổi sáng khi các nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông thanh lý số cổ phần địa phương của họ và chuyển đổi sang đồng đôla Mỹ. Đồng đôla Hồng Kông được giữ cố định với đồng đôla Mỹ ở tỉ giá 7,8 đôla Hồng Kông ăn 1 đôla Mỹ từ tháng 9/1983 bắt đầu cảm thấy sự căng thẳng của việc luồng vốn chạy ra ngoài. Cục Tiền tệ của Hồng Kông, cơ quan quản lý các ngân hàng và thị trường tiền tệ, đã hành động để hỗ trợ đồng đôla địa phương bằng cách bắt buộc tăng lãi suất. Luật pháp yêu cầu cơ quan này phải duy trì sự ổn định về tỷ giá, vì vậy khi đồng tiền mất giá họ phải tăng lãi suất. Tuy nhiên, điều này có lẽ đã không diễn ra vào một thời điểm tồi tệ hơn. Mức tăng 0,5% đối với lãi suất ngắn lên tới 11% chỉ làm cho lòng tin vào thị trường chứng khoán giảm sút hơn nữa.
PHÒNG TIN TỨC CHÂU Á CỦA CNN, SINGAPO
Giờ địa phương: 12h45' thứ Tư 21/02/2001
Giờ GMT: 04h45' thứ Tư 21/02/2001
Với phụ đề "Tin mới nhận" chạy phía dưới màn hình, CNN tuyên bố Ấn Độ lên án sự đe dọa hạt nhân của Nhật Bản. Đó là một điều "đáng hổ thẹn và ghê tởm đối với sự phát triển của thế giới trong tương lai." Ấn Độ cũng lên án Trung Quốc mở cuộc tấn công Việt Nam. "Hành động vô trách nhiệm đó đã trở thành chất xúc tác cho việc tạo ta một siêu cường mới không được hoan nghênh. Thế giới vừa mới được cân bằng lại bị đẩy vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm".
Nga nói điều không thể tránh khỏi đã xảy ra: "Không gì trên Trái Đất này có thể đứng yên tại chỗ. Nhật Bản giờ đây đã tham gia câu lạc bộ dành riêng của chúng ta. Liệu họ có trở thành một thành viên được hoan nghênh hay không phụ thuộc vào mức độ trưởng thành chín chắn mà cùng với nó họ sử dụng quyền lực mới được tuyên bố của họ." Chính phủ Nga không chỉ trích Cuộc Tấn Công Của Con Rồng.
Nam Phi mô tả cuộc thử hạt nhân này là một chiều hướng gây thất vọng. "Trong khi Nam Phi và các nước khác tình nguyện từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân của mình, Nhật Bản lại bí mật theo đuổi con đường tạo ra những thứ vũ khí có sức tàn phá lớn nhất mà con người có được. Chúng ta chờ xem họ hy vọng đạt được cái gì và quan trọng hơn là họ sẽ đưa ra mức độ che chở như thế nào trong hiệp ước với các chính phủ không có vũ khí hạt nhân và liệu họ có đảm bảo một chính sách không cần tấn công chống những nước trong số chúng ta không có những vũ khí như vậy không".
Liên hiệp châu Âu nói cuộc thử hạt nhân này là một "sự thay đổi đáng tiếc và không cần thiết đối với chính sách của Nhật Bản". Tây Ban Nha kêu gọi tổ chức một hội nghị quốc tế ngay lập tức nhằm xác định những nguyên tắc mới cho các cường quốc hạt nhân. Anh nói về việc "phải chấp nhận chung sống với chủ nghĩa hiện thực tàn nhẫn của các vấn đề quốc tế. Suy cho cùng, Nhật Bản là một đồng minh của phương Tây dân chủ". Không nên làm gì trong "bầu không khí không thể đoán trước được ở Thái Bình Dương" hiện nay mà nó sẽ phá hoại liên minh đó. Pháp thậm chí còn đi gần đến chỗ tế nhị phủ nhận tuyên bố của Liên hiệp châu Âu. "Đáng tiếc là một nước ven rìa Thái Bình Dương đã phạm phải một hành động xâm lược không thể chấp nhận được như vậy, khiến cho một nước khác phải tuyên bố kho vũ khí hạt nhân của mình. Nếu nổ ra xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản, chính phủ Pháp sẽ ủng hộ người Nhật Bản".
BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN
Giờ địa phương: 13h50' thứ Tư 21/02/2001
Giờ GMT: 04h50' thứ Tư 21/02/2001
Máy bay báo động sớm của Nhật đang giám sát chiến trường đã phát hiện ra quả tên lửa đạn đạo Taepo-Dong được phóng từ một địa điểm nằm ở phía Bắc Bình Nhưỡng và trong vòng vài giây Nam Triều Tiên đã bắn các tên lửa Patriot Mark IV do Mỹ sản xuất để chặn quả tên lửa đó. Tên lửa Taepo-Dong đã thử lần cuối vào năm 1998 và với tầm hoạt động gần 2.000 km nó có thể tấn công hầu hết các vị trí thuộc Đông Bắc Á. Những tên lửa này đã bị phá hủy hoàn toàn trước khi nó tới được mục tiêu đã định là Pusan, nằm ở mỏm phía Nam bán đảo này. Sau đó người Nhật phát hiện ra những dàn phóng cơ động của hai tên lửa No-Dong tầm ngắn hơn, cả hai đều nằm ở cực Bắc của nước này gần biên giới Trung Quốc, nơi Bắc Triều Tiên đã xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá và năng lượng của nó dưới chiêu bài lập ra khu vực tự do buôn bán. Các nhà phân tích quốc phòng tin rằng các tên lửa này đang được di chuyển khỏi nơi che dấu đến vị trí phóng. Trong khi mạng lưới phòng thủ gồm các tên lửa Patriot và hệ thống phát hiện báo động sớm là cái ô bảo vệ hùng mạnh chống lại các cuộc tấn công, thì nó không phải là không thể tiến công được. Thất bại của các tên lửa Patriot trước các tên lửa Scud của Irắc trong Chiến tranh Vùng vịnh là một được nhắc nhở nghiêm khắc về khả năng dễ bị tấn công của Nam Triều Tiên. Các vụ sát hại vẫn đang tiếp tục diễn ra ở ngay Xơun và những kẻ phá hoại Bắc Triều Tiên đã bắt đầu một làn sóng khủng bố thứ hai ở Pusan và Mokpo ở phía Nam.
Tại Bình Nhưỡng có một sự im lặng mang tính chất ngoại giao. Từ Bắc Kinh Jamie Tống, tạm thời tách khỏi Cuộc Tấn Công Của Con Rồng, đã gọi điện thoại đến thủ đô Bắc Triều Tiên trong một cố gắng nói chuyện với Kim Jong-II. Nhưng thư ký của Ngoại trưởng nói rằng ngay khi cô nói thì đường dây hoàn toàn im lặng. Tất cả các số máy khác đều hoặc là không được nối hoặc đổ chuông mà không có ai trả lời. Đại sứ Trung Quốc tại Bình Nhưỡng cho biết ông đã tìm cách nói chuyện với ban lãnh đạo ở đây từ hai ngày qua. Đại sứ Đức, một trong một số ít các nhà ngoại giao phương Tây được cử tới thành phố này, báo cáo là không thấy có hoạt động bất thường nào. Đã có những cuộc luyện tập phòng không nhưng đây chỉ là những hoạt động thường thấy. Thành phố tắt đèn phòng không khi màn đêm buông xuống. Những tấm rèm che được hạ xuống ở các ô cửa sổ khách sạn Kyryo, khách sạn duy nhất còn mở cửa. Những ngọn đèn pha thường được bật sáng ở Khải Hoàn Môn, bên bức tượng của Lãnh tụ vĩ đại, Tháp Chủ thể và các biểu tượng khác mô tả sự vĩ đại của Bắc Triều Tiên, đã được tắt. Nhưng không thấy thêm binh lính được triển khai công khai ở thành phố chuyên chế phong nhã này, với những đại lộ rộng lớn dành cho các cuộc diễu binh, những khối nhà cao tầng xám xịt dành cho dân chúng, và những đài kỷ niệm giàu trí tưởng tượng khoa khoang những phẩm chất như chúa trời của Kim Nhật Thành. Dấu hiệu duy nhất về một cuộc chiến tranh sắp xảy ra là lời lẽ đả kích Mỹ và Nam Triều Tiên ngày càng tăng trên vô tuyến truyền hình và đài phát thanh. Một thông điệp trên đài phát thanh nói: "Lãnh tụ kính yêu của chúng ta Kim Jong-II là một thiên tài về chiến lược quân sự và một thiên tài về lãnh đạo quân sự. Chúng ta chẳng có gì phải lo sợ đế quốc Mỹ xâm lược và quân đội bù nhìn Nam Triều Tiên của chúng". Trong khi đó một phát thanh viên truyền hình công kích tính ích kỷ của xã hội phương Tây: "Theo đuổi quyền lợi cá nhân thì chẳng khác gì sâu bọ. Chúng ta chẳng có gì phải lo sợ súng ống và tên lửa của lũ sâu bọ, vì khi gặp phải những người lính dũng cảm và không ích kỷ mang tư tưởng Chủ thể, lũ sâu bọ sẽ co dúm lại và chui trở lại xuống lòng đất".
Một phi đội máy bay F-16 của Nam Triều Tiên bay qua Khu Phi Quân sự đủ thấp để nằm dưới tầm ra đa của kẻ thù. Chúng chia thành ba tốp để tấn công các vị trí phòng không và ra đa của Bắc Triều Tiên bằng bom điều khiển chính xác. Hoạt động này chỉ mất vài phút nhưng không phải không có tổn thất. Hệ thống phòng không của Bắc Triều Tiên được thử thách lần đầu tiên từ trước tới nay, ở trong tình trạng báo động cao và phản ứng đủ chính xác để tiêu diệt 2 máy bay Nam Triều Tiên. Khi các phi công Nam Triều Tiên quay trở về căn cứ, miền Bắc cho máy bay của họ cất cánh, nhiều chiếc xuất phát từ các nhà chứa máy bay được dấu bên trong các căn cứ trên núi. Trong 30 phút tiếp theo, hệ thống phòng không của Nam Triều Tiên bắn rơi 5 máy bay chiến đấu Mig-21, tấn công chúng bằng tên lửa đất đối không và các máy bay chiến đấu F-16 ở cả hai phía Khu Phi Quân sự. Một phi công Bắc Triều Tiên lẻn qua hệ thống phòng thủ đầu tiên và bay ngang qua lãnh thổ Nam Triều Tiên chỉ để hướng máy bay của anh ta về phía biển và bật dù nhảy ra. Anh này bị quân Mỹ tóm được và đưa ngay đi thẩm vấn. Một phi đội F-16 thứ hai của Nam Triều Tiên bay cao phía trên điểm phóng tên lửa. Họ sử dụng cả bom rơi tự do lẫn bom điều khiển tại các địa điểm ở khu vực rừng núi được ghi rõ trên những bức ảnh chụp từ vệ tinh. Trên đường về, một chiếc F-16 bị một quả tên lửa đất đối không bắn rơi. Viên phi công chết. Tốp máy bay này gặp trên đường một phi đội thứ ba đang tấn công các vị trí ra đa và phòng không quanh Bình Nhưỡng, và một phi đội thứ tư tấn công cơ sở năng lượng hạt nhân Yongbyon, trọng tâm của chương trình vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên. Trong vài giờ tiếp theo, hết đợt này đến đợt khác các máy bay Nam Triều Tiên đã tiến công các cơ sở quân sự ở Bắc Triều Tiên. Tỉ lệ thương vong là cao. Vào cuối ngày, Nam Triều Tiên đã mất 33 máy bay. Chỉ có 3 viên phi công tìm cách đưa những chiếc máy bay của họ vượt biên giới trở về là sống sót.
Tổng thống Kim Hong Koo nói chuyện chưa đến 10 phút với Jamie Tống ở Bắc Kinh, sau đó ông triệu tập một cuộc họp đầy đủ nội các Nam Triều Tiên. "Chính phủ Trung Quốc nói họ sẽ ủng hộ bất cứ hành động nào mà chúng ta tiến hành nhằm vô hiệu hóa Bắc Triều Tiên. Quan điểm của Bắc Kinh là chế độ hiện tại ở Bình Nhưỡng có thể gây bất ổn định toàn bộ khu vực Đông Á".
"Nhưng bản thân Trung Quốc đang gây bất ổn định cho khu vực." Ngoại trưởng xen vào.
"Rút cục Trung Quốc có thể giành thắng lợi. Bắc Triều Tiên nhất định thất bại." Tổng thống trả lời. "Thưa các quý ngài, cách thức mà Jamie Tống giải thích với tôi là chúng ta ở Xơun có một nhiệm vụ đối với khu vực là đem lại sự bình ổn cho bán đảo này. Trung Quốc sẽ đóng vai trò của họ bằng sự ủng hộ ngoại giao và cung cấp nơi tị nạn cho Kim jong-II và một số bạn bè thân cận của ông ta".
"Người Mỹ sẽ nói gì?" Ngoại trưởng hỏi.
"Tôi không thể tìm thấy lý do tại sao họ không đồng ý với Trung Quốc. Một Bắc Triều Tiên bị vô hiệu hóa sẽ là một nhà nước lương thiện hơn để giao thiệp".
BIÊN GIỚI TRUNG - VIỆT
Giờ địa phương: 13h00' thứ Tư 21/02/2001
Giờ GMT: 06h00' thứ Tư 21/02/2001
Các lực lượng Trung Quốc hầu như không gặp phải sự kháng cự nào khi họ vượt qua biên giới. Các lực lượng Việt Nam, theo mệnh lệh, đơn giản là đã biến hết vào rừng. Viên chỉ huy Trung Quốc coi đây là một dấu hiệu hèn nhát. Các đơn vị cơ giới hóa của ông tiếp tục tiến và đã có mặt ở ngoại ô Lạng Sơn trong vòng 3 giờ. Họ dừng lại tại đó, và ở đó như định mệnh an bài họ đợi cho đội hình đằng sau theo kịp.
Trung úy Joffe ra hiệu cho Thiếu tá Long bắt đầu khai hỏa. Trong 10 phút qua Joffe đã thông báo các tọa độ chi tiết cho Long và ông này đã chỉ thị lại cho các sĩ quan pháo binh của ông về góc bắn và loại đạn sử dụng. Long chỉ huy 25 khẩu pháo bức kích 105 ly. Chúng có thể đẩy viên đạn đi xa 10 km mà khi va chạm sẽ tạo ra một cái hố có đường kính 3 m. Ngoài số pháo này ông có ba khẩu đội dàn phóng rốckét có khả năng tương tự. Các khẩu pháo lần lượt khai hỏa thỉnh thoảng xen vào tiếng ù của những quả rốckét được phóng đi. Cùng một lúc chúng phóng đi một hỗn hợp những lượng thuốc nổ chết người vào những mục tiêu "cứng" của Trung Quốc như xe tăng và xe tải cùng xe bọc thép chở quân, và một hỗn hợp các loại đạn có ngòi nổ chậm có thể thay đổi đã nổ trên không, gây ra lớp lớp mảnh đạn vãi lên đội hình bộ binh Trung Quốc đang tiến. Gần như ngay lập tức - chỉ chậm vài giây - các vệ tinh Pháp theo dõi viên đạn rơi và cung cấp những hiệu chỉnh mục tiêu được chuyển cho thiếu tá Long qua trung úy Joffe. Hàng trăm quân Trung Quốc đã gục xuống ngay tại nơi họ đứng. Sự chính xác tuyệt đối của "những nghiệm bắn" của Pháp khiến cho Việt Nam có thể tiêu diệt được một số xe bọc thép được đánh giá cao của Trung Quốc - những chiếc xe được phát triển sau Chiến tranh Vùng vịnh để hoạt động tốt hơn những chiếc hộp sắt tây mà Bắc Kinh đã bán cho Saddam để ông này tiến hành cuộc chiến tranh chống Cô-oét. Các sĩ quan chỉ huy Trung Quốc đã không biết trốn đường nào. Do những hệ thống điều khiển trên chiến trường của họ không còn hoạt động được, họ đã dùng đến phương tiện thông tin liên lạc bằng tiếng nói. Nhưng một lần nữa người Việt Nam đã sẵn sàng. Họ dò đúng làn sóng vô tuyến của Trung Quốc, ghi âm và phát lại nó trên cùng tần số nhưng chậm nửa giây. Kết quả là tất cả những gì mà các chỉ huy Trung Quốc có thể nghe được chỉ là những tiếng lắp bắp; chỉ huy của họ ở Nam Ninh và những vị trí gần biên giới cũng vậy. Trước tình trạng không có phương tiện liên lạc, các sĩ quan chỉ huy đã chủ động bắt đầu cho rút quân, nhưng khi số quân còn sống sót qua làn đạn pháo và rốckét ban đầu tìm cách đi ngược trở lại con đường mà họ đã đi đến thì họ lại gặp những đội quân mới đang tiến về phía họ. Thật là cảnh hỗn loạn. Không may cho quân Trung Quốc việc người và phương tiện bị dồn lại một chỗ do tình trạng rối loạn này gây ra đơn giản tạo thành những mục tiêu lớn hơn cho người Việt Nam.
Trong trận đánh đầu tiên chiếm Lạng Sơn - mà chủ tịch Vương đã tham gia - người Trung Quốc đã chiếm thị xã này với giá 20.000 sinh mạng trước khi họ rút trở về biên giới. Lần này quân xâm lược thậm chí đã không thể tiến được đến ở các cửa ngõ thị trấn này. Ngay cả nhìn thấy một người lính Việt Nam cũng không, chứ chưa nói gì đến giết được một người, quân Trung Quốc trong khoảng 5 giờ nằm dưới hỏa lực pháo tập trung và liên tục, đã mất 25.000 người - hoặc bị giết ngay lập tức, bị thương hay mất tích. Trong số 250 xe tăng chiến đấu tiến vào Việt Nam ngày hôm đó chỉ có 85 chiếc xe trở về. 25.000 quân tìm cách vượt qua biên giới đã bị quân đội Việt Nam đuổi theo và quấy rối suốt trên đường rút lui.
BỘ NGOẠI GIAO, BẮC KINH
Giờ địa phương: 14h30' thứ Tư 21/02/2001
Giờ GMT: 06h30' thứ Tư 21/02/2001
Chiếc xe Nissan President của Đại sứ Nhật Bản dừng lại trước Bộ Ngoại giao 10 phút trước cuộc gặp của ông với Jamie Tống. Hiro Tanaka là một người thấp chắc nịch ở độ tuổi 50. Ông là người nói thạo tiếng phổ thông Trung Quốc. người ông của ông là một quan chức cao cấp trong công ty Đường sắt Nam Mãn Châu Lý của Nhật, thể lực thực dân hóa trong ở Đông Bắc Trung Quốc trong những năm 1930 và 1940. Tanaka, và một bí thư thứ nhất sứ quán là người sẽ có nhiệm vụ ghi chép, leo lên bậc thang dẫn vào khu nhà Bộ Ngoại giao và đi vào bên trong khá ẩm mốc của khu nhà. Một dãy bậc nữa ở bên trong đón chào khách thăm. Những bậc thang này được trải thảm nâu sáng và dẫn đến một dãy phòng, cái này tráng lệ hơn cái kia, nơi các quan chức Bộ Ngoại giao gặp gỡ những vị khách là nhà ngoại giao và những nhà báo. Tanaka và nhân viên của ông được dẫn vào một căn phòng rộng vừa phải hình chữ nhật. Đặt dọc các bức tường là những chiếc ghế bành bọc nệm, xen giữa chúng là những chiếc bàn có đặt gạt tàn thuốc lá và khoảng trống cho những chiếc cốc xanh trắng đặt khắp nơi mà các viên chức Trung Quốc rót trà xanh vào đó. Căn phòng được trang trí thưa thớt mặc dù trên một bức tường nổi bật một bức họa vẽ những bông hoa - không phải là xấu nhưng tiêu biểu cho phong cách hơi ủy mị được các nhà lãnh đạo sau Cách mạng của Trung Quốc ưa thích. Cũng tiêu biểu cho căn phòng này là hệ thống chiếu sáng đáng sợ trên trần. Những chao đèn hình cầu trong các công sở chính thức của Trung Quốc là nguồn ánh sáng duy nhất của chúng nhưng chẳng chiếu sáng được mấy. Căn phòng lúc nào cũng tù mù mặc dù hệ thống sưởi hoạt động tốt.
Cửa bật mở. Jamie Tống và đoàn tùy tùng của ông tràn vào phòng. Những động tác cúi chào vội vã rồi đến những cái bắt tay và cử chỉ mời ngồi. Một trợ lý của Tống chuyển cho ngoại trưởng một tờ giấy. Ông chăm chú vào đó một lúc, ngẩng lên và bắt đầu nói.
"Thưa ngài Đại sứ, ngài đã được triệu đến đây để nhận lời phản đối chính thức của chính phủ chúng tôi đối với vụ thử hạt nhân của chính phủ ngài sớm hôm nay. Để thực hiện mức độ ghê tởm của Trung Quốc trước hành động của Nhật mà đích thân tôi, chứ không phải Thứ trưởng phụ trách Đông Á, chuyển giao công hàm này.
Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân bằng lời lẽ mạnh mẽ nhất có thể được lên án quyết định của Nhật cho nổ một thiết bị hạt nhân. Chính phủ Trung Quốc luôn luôn ủng hộ giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Quyết định của Nhật cho nổ một thiết bị 50 kiloton tại một cơ sở ở đảo Osagawara là một bước thụt lùi và chỉ có thể làm tăng thêm tình trạng căng thẳng ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Vào lúc mà Trung Quốc đang bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Nam Trung Hoa thì một vụ nổ thử như vậy chỉ có thể được xem là một hành động thù địch.
Chính phủ Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản từ bỏ việc sử dụng vũ khí hạt nhân, duy trì hiến pháp của Nhật và từ bỏ chiến tranh như một chủ quyền tối cao, và giải thích cho cộng đồng quốc tế những lý do của hành động tội ác này."
Tống nhìn lên. Nét mặt ông không biểu lộ gì hết. Tanaka, người hiểu rất rõ về cái nhìn lạnh tanh này, đã nhìn trả lại, và cầm lấy tờ công hàm.
"Tôi sẽ báo cáo lại quan điểm của các ngài cho cấp trên của tôi ở Tôkyô," ông bắt đầu. "Nhưng tôi cũng được đích thân Ngoại trưởng Kimura chỉ thị chuyển giao một công hàm. Chính phủ Nhật lên án những hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa, những hành động đi ngược lại hành vi cư xử quốc tế đã được chấp nhận và vi phạm luật pháp quốc tế. Đặc biệt chính phủ tôi coi là hết sức nghiêm trọng việc đánh chìm tàu USS Peleliu, một chiếc tàu thuộc về một người bạn và đồng minh của Nhật, đang tham gia sứ mệnh nhân đạo. Không có gì có thể biện minh cho hành động khủng bố quốc tế này. Chính phủ của chúng tôi sẽ dành cho Mỹ mọi sự giúp đỡ mà họ yêu cầu.
Chính phủ Trung Quốc phải rút khỏi cuộc phiêu lưu ở Biển Nam Trung Hoa, tìm kiếm một thỏa hiệp với các bên có liên quan, và quay trở lại con đường hòa bình mà thế giới có quyền hy vọng. Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng bảo vệ lợi ích sống còn của mình."
SÂN BAY QUỐC TẾ SEUL, NAM TRIỀU TIÊN
Giờ địa phương: 18h00' thứ Tư 21/02/2001
Giờ GMT: 09h00' thứ Tư 21/02/2001
Hai quả bom phá tan phòng chờ quá cảnh quốc tế tại sân bay Seul giết chết 87 người và làm bị thương hơn 200 người. Chúng nổ cách nhau 6 phút với sức mạnh khủng khiếp đến mức một phần khối nhà sụp đổ đè bẹp nhiều người trong số các nạn nhân. 150 người khác bị chết khi máy bay bị hất tung khỏi những cầu dẫn lên máy bay. Các khoang chứa nhiên liệu của một máy bay phát nổ, bắn tung những mảnh kim loại nóng bỏng và những quả cầu lửa khắp đường băng. Tất cả những người đã lên khoang chiếc Boeing 737 đó đều chết. Một chiếc Boeing 757 bị trùm trong ngọn lửa, mặc dù nhiều hành khách đã có thể thoát ra vì các cửa máy bay vẫn còn mở. Khắp khu nhà ga đón khách, sự hoảng loạn đã dẫn đến tình trạng xô nhau chạy tán loạn và có thêm người chết do bị đè bẹp trên các bậc cầu thang và ở các ô cửa khi hàng nghìn người lao ra ngoài trời băng giá mà họ cho là nơi an toàn. Nhưng ngoài đó các lính biệt kích Bắc Triều Tiên trong các đội hành quyết cấm tử đang chờ sẵn. Đám đông trở thành mục tiêu của những tràng đạn súng máy. Lựu đạn nổ, mảnh đạn xé rách thi thể của những phụ nữ và trẻ em vô tội. Khi quân Nam Triều Tiên tiến đến, các tay súng trở nên quyết liệt hơn. Một người chạy ra khỏi chỗ nấp, xả đạn từ hai khẩu tiểu liên trước khi bị bắn gục. Một người khác ném hết quả lựu đạn này đến lựu đạn khác. Một người thứ ba bắn chết 4 người Nam Triều Tiên trước khi anh ta tự sát. Người ta không bao giờ biết được có bao nhiêu người Bắc Triều Tiên tham gia vào cuộc tấn công này, cũng như liệu có ai trốn thoát không. Tổng cộng 11 người đã bị bắn chết. Không ai bị bắt sống. 403 người chết trong cuộc tấn công này. 23 người nữa bị tử thương ngày hôm sau. Sân bay, được mở chưa đầy 2 năm, đã bị đóng cửa. Bắc Triều Tiên đã đạt được mục tiêu của họ khủng bố dân chúng và đánh vào trung tâm nền kinh tế của kẻ thù của họ.
BỘ NGOẠI GIAO, LUÂN ĐÔN
Giờ địa phương: 09h00' thứ Tư 21/02/2001
Chiếc Rolls-Royce Silver Spur II, mang biển số CHN1, chạy ra khỏi khu sứ quán Trung Quốc tiến vào phố Portland ở khu Tây Luân Đôn. Vào thời gian này trong ngày, giao thông trên phố Regent, Khu Haymarket, và Piccadilly vẫn trong giờ cao điểm, chuyến đi tới Bộ Ngoại giao nằm trên phố King Charles có thể mất tới 20 phút. Việc viên Thứ trưởng thường trực triệu một vị Đại sứ đến với sự báo trước gấp gáp như vậy và vào một thời gian sớm như vậy là điều không bình thường. Nhưng Đại sứ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không coi đó là một sự xúc phạm. Cuộc Tấn Công Của Con Rồng là một trong những bước ngoặt hiếm hoi xác định lịch sử toàn cầu. Vấn đề rắc rối duy nhất đối với ông là ông đã không nhận được chỉ thị nào từ Bắc Kinh kể từ khi cuộc tấn công này bắt đầu. Ông hoan nghênh cuộc gặp với ngài Thứ trưởng nếu cuộc gặp này chỉ để xác định điều gì đang dĩên ra. Ông đã thuộc lòng những lời phát biểu của Chủ tịch Vương và ghi nhớ những câu nói đáng chú ý trong bài trả lời phỏng vấn trên truyền hình của Jamie Tống. Và trong khi người lái xe của ông cho xe lượng vòng quanh Piccadilly Circus và hướng về phía Whitehall, và thư ký riêng của ông đọc các báo cáo buổi sáng, Đại sứ đột nhiên trở nên tò mò muốn biết làm thế nào mà Luân Đôn đã có thể vẫn giữ được lịch sử của nó đẹp đến thế trong khi ở Bắc Kinh quá khứ đã được đưa vào các viện bảo tàng và thường bị bóp méo.
Chiếc xe ô tô đi dưới cổng Admiralty tiến vào khu Mall. Cờ hiệu của Hoàng gia tung bay trên điện Buckingham, cho thấy Nữ hoàng đang ngự trong cung. Người lái xe rẽ trái vào Khu Diễu Hành của Đội Kỵ Binh Hoàng Gia và tiếp tục rẽ trái ngang qua con đường rải sỏi của khu vực duyệt binh, rẽ sang bức tường có vườn cây của Nhà Số 10 Phố Downing để đỗ tại lối vào dành cho Đại sứ ít được biết đến phía sau Khu nhà Bộ Ngoại giao. Các thủ tục kiểm tra an ninh hết sức nhanh chóng vì chiếc xe đang được người ta chờ. Viên Đại sứ được dẫn lên theo Cầu Thang Lớn viền đá cẩm thạch và trải thảm đỏ thẫm, và được mời vào một phòng đợi đặc biệt, quen thuộc trên tầng hai. Ông ngồi đợi 4 phút trên một chiếc ghế sôpha hai màu xanh và kem. Đối diện ông là một chiếc gương khung mạ vàng gắn trên tường dán giấy màu vàng. Nổi bật trong phòng là bức họa Thánh Cecolia khổ lớn, vị thánh bảo hộ của âm nhạc, đang chơi đàn organ. Vị Đại sứ đã đến đây một vài lần trước đó, nhưng chuyến đi lần này làm cho ông nhận thấy những khác biệt không thể hòa hợp được giữa các nền văn hóa Trung Quốc và châu Âu. Một nền văn hóa đã được bảo tồn lịch sử của nó, với tất cả những nhược điểm và sự điên rồ của nó. Còn nền văn hóa kia, nền văn hóa của chính ông, đã phá hủy lịch sử và kể những câu chuyện bịa đặt về quá khứ để không ai biết được điều gì đã xảy ra.
Thứ trưởng thường trực, đứng đầu Ngành Ngoại giao của Anh, tỏ ra vừa lạnh lùng vừa trịnh trọng. Việc của ông là truyền đạt thái độ không hài lòng của Chính phủ Hoàng gia theo cách để viên Đại sứ sẽ truyền lại đầy đủ bức thông điệp này cho Bắc Kinh. Thư ký riêng của Thứ trưởng thường trực làm vông việc ghi chép.
Chính phủ Anh lên án hành động của các ngài ở Biển Nam Trung Hoa. Không gì có thể biện minh cho những hành động của Trung Quốc. Việc đánh chìm tàu USS Peleliu là đi ngược lại tất cả những gì chúng ta đã tìm cách đạt được trên vũ đài hòa bình thế giới và cuộc xâm lược Việt Nam hoàn toàn là điều không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ không làm ngơ cho việc tiếp tục giam giữ các công dân Anh bị bắt trong cuộc xung đột này. Tất cả các lực lượng Trung Quốc phải rút khỏi tất cả những khu vực diễn ra xung đột và các hành động thù địch phải được chấm dứt ngay lập tức."
"Tôi sẽ báo cáo lại những lời phê phán của các ngài cho chính phủ của tôi," Đại sứ trả lời.
"Hôm nay chúng tôi sẽ tuyên bố ý định của chúng tôi ủng hộ Mỹ theo mọi cách cần thiết để giải thoát cho các con tin nước ngoài và để đảm bảo an toàn cho các con đường hàng hải của Biển Nam Trung Hoa."
"Phải chăng điều đó có nghĩa là các ngài sẽ có sự đóng góp về quân sự?" "Nó có nghĩa như những gì nó được nói ra, ngài Đại sứ. Ngài phải tự rút ra những kết luận của mình."
"Như ngài biết có một số hợp đồng buôn bán đang được xem xét, và Chủ tịch Phòng Thương mại dự định đi thăm Bắc Kinh vào tháng năm."
Thứ trưởng thường trực đáp ngay: "Tôi e rằng chúng ta đã ở trong hoàn cảnh như thế này vài lần trước đây rồi. Phái đoàn thương mại đã bị hoãn lại. Các công ty Anh sẽ rút khỏi các cuộc đấu thầu của họ cho đến khi mọi chuyện trở lại bình thường. Hệ thống rađa sân bay, công trình đường xe điện ngầm, các liên doanh hàng không vũ trụ tất cả đều được ngừng lại, ngài Đại sứ."
"Các ngài sẽ áp đặt những hình phạt chăng?"
"Hoàn toàn không, ngài Đại sứ. Các nhà điều hành công ty của chúng tôi đơn giản cho rằng sẽ là quá rủi ro nếu bắt tay vào những công việc kinh doanh mạo hiểm ở một nước mà chúng tôi có thể sớm rơi vào tình trạng chiến tranh với nó. Các Đại sứ đồng bào của ngài ở châu Âu, Mỹ, Canada, Ôxtrâylia và Nhật cũng được trao một thông điệp tương tự. Chúng tôi sẽ không còn giúp đỡ trong việc xây dựng một nước Trung Quốc hiện đại nữa."
"Có những người khác sẽ giúp chúng tôi," Đại sứ trả lời.
"Tôi chắc là người Nga và Ấn Độ sẽ giúp," Thứ trưởng thường trực nói, kết thúc cuộc trao đổi. "Nhưng các ngài khó có thể mô tả cơ sở hạ tầng và công nghệ của họ là hiện đại được." Đại sứ Trung Quốc được dẫn ra như khi ông tới, với thái độ lịch sự lạnh lùng.
NHÀ TRẮNG, OASINHTƠN
Giờ địa phương: 07h00' thứ Tư 21/02/2001
Giờ GMT: 12h00' thứ Tư 21/02/2001
Với sự giúp đỡ của thiết bị nhắc lời được đặt trước mặt, Tổng thống Mỹ nhìn thẳng vào camera. Ông đợi tín hiệu thu hình trên ống kính chuyển sang màu đỏ. Rồi ông bắt đầu bài diễn văn của ông trước cả nước. Tất cả các hệ thống truyền hình đều hủy bỏ chương trình đã được sắp xếp của mình. Hầu hết dồn dập đưa tin ngay sau khi Lầu Năm Góc xác nhận rằng tàu USS Peleliu đã bị đánh chìm ngày hôm trước. Mặc dù đã gần 24 giờ kể từ khi xảy ra thảm họa này, vẫn chưa thấy một hình ảnh nào được phát đi, và đó là điều mà Tổng thống muốn. Phần đầu của bài phát biểu đã thuật lạu những diễn biến của 4 ngày qua, bắt đầu với cái mà Tổng thống mô tả là một "cuộc tấn công không bị khiêu khích" vào Việt Nam và "việc đóng cửa trái phép các tuyến đường buôn bán sống còn ở Biển Nam Trung Hoa." Tổng thống nói về tổn thất bi thảm về sinh mạng. Rồi ông ngừng lại trước khi tiếp tục nói đến việc đánh chìm tàu USS Peleliu. Ông lưu ý rằng chiếc tàu Mỹ cuối cùng bị đánh chìm trên chiến trường là vào năm 1952 trong Chiến tranh Triều Tiên. Ông nói "Trung Quốc khi đó cũng là kẻ thù của chúng ta." Ông nhắc nhở dân chúng Mỹ rằng tàu USS Peleliu không phải là trên đường đi tham chiến mà là đi cứu các công dân Mỹ, những thường dân, đã biết mắc kẹt trên một trong các bãi đá ngầm bị tranh chấp ở khu vực xung đột. Ý định của Tổng thống là đảm bảo an toàn cho dân thường trước khi bắt đầu những cuộc thương lượng phức tạp và nguy hiểm với Trung Quốc. Ông mô tả cuộc tấn công này là một hành động khủng bố.
"Tuy nhiên phản ứng của chúng ta được cân nhắc thận trọng hơn nhiều so với phản ứng của đồng minh chúng ta là Nhật Bản. Hôm qua họ đã tự tuyên bố là cường quốc hạt nhân ở Thái Bình Dương bằng việc cho nổ một thiết bị hạt nhân dưới lòng đất. Cá nhân tôi đã bày tỏ thái độ lấy làm tiếc với Thủ tướng Hyashi, nhưng chúng tôi nhất trí với nhau rằng không ai trong các dân tộc vĩ đại của chúng ta được buông lỏng trọng tâm đối với cái mà chúng ta cần phải thành đạt. Đó là đảm bảo các con đường vận chuyển dầu lửa và các hàng hóa khác của chúng ta từ Trung Đông, Nam và Đông Á; và bảo vệ tính mạng của các công dân Mỹ ở khu vực xung đột này. Đây cũng là quan điểm của cả đồng minh châu Âu của chúng ta, những người có thỏa thuận an ninh của riêng họ với các chính phủ trong khu vực
Do vậy, Thủ tướng Hyashi, Thủ tướng Anh, và Tổng thống Pháp đã cùng tôi cam kết đưa ra các lực lượng không quân và hải quân của mình đến giải phóng Biển Nam Trung Hoa khỏi sự kiểm soát của Trung Quốc. Hành độ quân sự của chúng ta chỉ vừa mới bắt đầu."
BIỂN NAM TRUNG HOA
Giờ địa phương: 20h00' thứ Tư 21/02/2001
Giờ GMT: 12h00' thứ Tư 21/02/2001
Chiếc máy bay quân sự đầu tiên của Nhật bay vượt qua vĩ tuyến 25 cắt ngang mỏm phía Bắc của Đài Loan là một chiếc máy bay trinh sát có hệ thống báo động sớm AWACS, chiếc Boeing 767-200, bắt đầu hoạt động trong năm 1999. Loại máy bay này dễ bị tấn công và được bảo vệ cẩn thận ở mức cao nhất có thể được trước sự tấn công của máy bay đối phương. Phía dưới cách đó 8 km, hải quân Nhật Bản đang đặt dấu ấn của họ lên cán cân quyền lực mới ở Thái Bình Dương. Các tàu khu trục lớp Kongou mang tên Myoko và Kirishima, và các tàu khu trục lớp Asagiri mang tên Umigiri và Sawagiri tiến qua eo biển Luzon vào Biển Nam Trung Hoa để giao chiến với Trung Quốc.
Tàu Yokohama chở tăng và quân đổ bộ, với 550 lính thủy đánh bộ trên boong, đã được triển khai để thay thế tàu USS Peleliu, nhưng lần này làm hai nhiệm vụ cùng một lúc là cứu các con tin là thường dân và giành lại bãi đá ngầm Discovery và quyền kiểm soát dàn khoan của BP-Nippon Oil ở đó. 3 tàu ngầm SSK lớp Harushio, là Fuyushio, Wakashio và Arashio, đi tuần tra ở phía trước. Các tàuSSK lớp Yuushio mang tên Yukishio và Akishio đi ở phía sau. Các tổ lái từ hai máy bay lên thẳng Sea King và Sea Stallion đã thả các thiết bị thu tiếng động để phát hiện tàu ngầm của kẻ thù.
Cách 100 km phía trước lực lượng đặc nhiệm của Nhật là tàu sân bay USS Harry S. Truman. Những máy bay chiến đấu F-14 Tomcat mang tên lửa không đối không và những chiếc F/A-18 Hornet mang bom điều khiển bằng lade và tên lửa chống rađa thuộc tàu này đã thâm nhập sâu vào không phận mà Trung Quốc tự coi là chủ quyền của họ. Mục tiêu của chúng là các căn cứ quân sự trên đảo Woddy thuộc quần đảo Hoàng Sa. Với những chiếc Tomcat yểm trợ trên không, những chiếc Hornet bay vào tấn công căn cứ đó.
7 chiếc SU-27 cất cánh từ căn cứ của chúng trên đảo Hải Nam và trong vòng vài phút đã giao chiến với những chiếc Tomcat trong trận thử sức đầu tiên từ trước đến nay giữa hai loại máy bay này. Máy bay SU-27 được các kỹ sư hàng không vũ trụ Xô Viết thiết kế để đương đầu với các loại máy bay F-14, F-15, F-16 và F-18 của Mỹ. Chúng được phát triển dựa theo thiết kế của Mỹ với lợi thế là loại máy bay đối thủ này đã được chế tạo và đã đi vào hoạt động. Máy bay của Nga là một trong những máy bay đầu tiên được lắp các tên lửa không đối không với thiết bị chủ động tìm kiếm mục tiêu của chúng, cho phép phi công "bắn và quên luôn", hay rời khỏi mục tiêu của anh ta ngay sau khi đã phóng những vũ khí của mình đi. Mỗi máy bay mang 10 tên lửa, 6 chiếc gắn trên hai cánh, 2 ở phía dưới ống chứa động cơ, và 2 dưới thân. Để tấn công mặt đất, nó được trang bị loại rôckét 130 ly bắn thành từng chùm 5 quả một và cũng có thể mang theo loại tên lửa Moskit chống tày đáng gờm. Vài ngày trước đó, trong những sứ mệnh chống lại Việt Nam của các máy bay đó, lợi thế về công nghệ này chỉ có tính chất thứ yếu. Nhưng lúc này, khi những chiếc Tomcat có vai trò phòng thủ trên không ở phía dưới để bảo vệ tàu sân bay Mỹ, thì sự thật nghiệt ngã cuối cùng đã đến với Lầu Năm Góc và Nhà Trắng: Công nghệ Chiến tranh Lạnh của Liên Xô đã chuyển cho một cường quốc Cộng sản khác, tồn tại lâu hơn, và người Mỹ giờ đây đang gánh chịu các hậu quả.
Cuộc chiến bắt đầu khi những chiếc máy bay vẫn còn ở cách mục tiêu xa. Một phi công trên chiếc Tomcat đã phát hiện trên thiết bị cảnh giới một tín hiệu mà anh này xác định là tín hiệu chỉ dẫn của rađa cho một tên lửa còn cách xa hơn 110 km. Các nguyên tắc giao chiến của Mỹ lúc đó cho phép các máy bay Tomcat khai hỏa. Hai chiếc mang 8 tên lửa không đối không Phoenix tầm xa được dẫn đường tiến đến những mục tiêu khác nhau bởi rađa vừa quét vừa theo dõi AWG-9. Mặc dù đây là thiết bị cũ có từ những năm 1970, nó đã được cải tiến và vẫn còn là một vũ khí đáng gờm. Không trung ngay lập tức dày đặc 14 tên lửa Phoenix được phóng về phía mục tiêu, một quả không nổ nằm nguyên trên bệ phóng, và một quả không điều khiển được sau khi phóng, lao thẳng xuống biển. Chiếc máy bay có quả tên lửa không nổ đã vứt bỏ quả tên lửa hiện đã thành vô dụng này. Nhưng điều mà người Mỹ không biết trước khi cuộc chiến tranh bắt đầu là đối phương đã triển khai hệ thống gây nhiễu đánh lừa thiết bị tìm mục tiêu gắn ở đầu tên lửa Phoenix có chức năng điều khiển tên lửa chính xác. Chỉ có 2 trong 7 chiếc SU-27 chịu thua trước các tên lửa Phoenix, và 5 chiếc còn lại tiếp tục tiến lại gà6n tham gia cuộc không chiến với hỏa lực là súng và các tên lửa hồng ngoại, được dẫn tới mục tiêu bằng công nghệ bám theo hơi nóng mà các động cơ máy bay tỏa ra. Khả năng vận động khéo léo và sự luyện tập là chìa khóa đối với cuộc không chiến, và mặc dù các máy bay SU-27 có khả năng vận động dễ dàng hơn so với những chiếc tomcat, các phi công của nó không được huấn luyện tốt như những phi công Mỹ với các hệ thống huấn luyện Red Flag và Top Gun của họ.
Các phi công Mỹ tránh sang bên và tấn công kẻ thù bằng động tác mà họ gọi theo biệt ngữ của họ là yô-yô, những cú ngoặt gia tốc tối đa, những động tác bay đảo liên tục, bay zic-zắc và bổ nhào. Một phi công hy sinh, không phải do trúng tên lửa không đối không, mà do trúng đạn của đối phương khi anh ta sơ ý vòng chiếc máy bay của mình ngay trước mũi một chiếc SU-27, mà anh ta không phát hiện ra. Một phi công trên chiếc Tomcat chợt thấy tín hiệu báo có tên lửa đang bám theo máy bay của anh ta ở phía đuôi. Anh ta đoán rằng từ góc đó thì đây sẽ là một tên lửa hồng ngoại. Viên phi công ngay lập tức cho máy bay chuyển hướng đột ngột về hướng mặt trời, và người bạn đồng hành của anh ta trên máy bay đã bắn những quả pháo sáng tạo thành những nguồn nhiệt mạnh nhằm nhử quả tên lửa. Việc này đã có tác dụng. Trong khi làm cho kẻ tấn công mình bị ngược nắng, viên phi công đổi ngược hướng và trong tích tắc khi đối thủ của anh ta nhận ra được điều anh ta đã làm thì anh ta đã cho đối phương nằm trong tầm bắn của tên lửa AIM-7 Sparrow điều khiển bằng rađa, mặc dù tầm hoạt động có hiệu quả ở mức thấp nhất. Viên phi công SU-27 nhận thấy trên thiết bị rađa của mình tín hiệu chiếc Tomcat bắt được mục tiêu và anh ta đã thả các đám mây kim loại gây nhiễu. Anh ta đã lừa được quả tên lửa Sparrow đầu nhưng không làm được đối với quả thứ hai được phóng ra liền sau đó. Chiếc SU-27 trúng đạn và đâm sầm xuống biển. Một SU-27 khác đã sử dụng buồng đốt sau của nó quá nhiều nên động cơ bị kẹt khi định tìm cách tăng tốc, nhiên liệu cạn dần, và một động cơ ngừng hoạt động. Nó không còn khả năng chiến đấu và ngay lập tức bị một chiếc Tomcat tiêu diệt, viên phi công bật dù ngay sau khi anh ta nhận thấy mình đang bị tấn công.
Khi cuộc chiến tiếp diễn dữ dội trên không, những chiếc Hornet tiếp tục sứ mệnh tấn công mục tiêu mặt đất của chúng ở quần đảo Hoàng Sa. Khả năng phòng thủ không đối không của chúng bị hạn chế vì các tên lửa chống máy bay AIM-7 Sparrow và AIM-9 Sidewinder của chúng đã được gỡ bỏ để máy bay có thể mang bom chùm và bom thông thường điều khiển bằng lade cùng với một số tên lửa chống rađa HARM và AGM-65F Maverick. Chỉ huy đội hình lái một chiếc hai chỗ ngồi - viên phi công ngồi phía sau phụ trách hệ thống vũ khí và có thể tập trung kỹ thuật chiến tranh điện tử. Các thiết bị gây nhiễu của những chiếc Hornet đầu tiên phát đi sóng cực ngắn cường độ cao phủ kín không trung với năng lượng rađa trong một giải tần số rộng. Đây được gọi là nhiễu âm. Tiếp đó các thiết bị gây nhiễu làm cho rađa kẻ thù bị lẫn lộn hơn nữa bằng những phương pháp tinh vi hơn liên quan đến các xung được làm đồng bộ một cách khéo léo và những thay đổi hiệu ứng Doppler tạo ra những mục tiêu giả. Đôi khi màn hình rađa của đối phương gần như bị mờ hẳn bởi sự gây nhiễu ồ ạt tạo ra một loạt các tia như chùm pháo hoa tỏa ra từ tấm màn hình rađa làm cho các nhân viên điều khiển rađa hoàn toàn lẫn lộn.
Phía Trung Quốc phóng lên ít nhất 4 tên lửa đất đối không, nhưng chúng dễ dàng bị làm chệch hướng bằng những biện pháp đối phó và vài giây sau đó rađa và các hệ thống phòng không đã bị phá hủy. Các tên lửa HARM tìm mục tiêu bằng rađa đã nhận dạng được hai trận địa phòng không có rađa hướng dẫn. Các rađa khác hiểu và ngay lập tức ngừng hoạt động. Một trận địa tên lửa SAM thứ ba đã bị phát hiện khi nó bắn một quả tên lửa SAM mà chưa kịp khóa rađa lại. Chiếc máy bay của viên phi công đã phát hiện ra trận địa SAM được trang bị những quả bom lớn điều khiển bằng lade. Anh ta cắt một quả bom nhưng không giống như với tên lửa HARM, anh ta phải tiếp tục bám mục tiêu bằng lade cho đến khi quả bom rơi trúng mục tiêu. Mặc dù thiết bị bám sát mục tiêu bằng lade hoạt động rất ổn định và không cần phải định hướng bằng tay, nó vẫn hạn chế sự vận động của anh ta. Viên phi công đã không phát hiện ra quả tên lửa do một chiếc SU-27 bắn từ trên cao. Khi thiết bị báo động tên lửa của anh ta phát tín hiệu thì đã quá muộn. Tuy nhiên, tên lửa đã không nổ và bay sạt qua rất gần mà không gây thiệt hại gì. Viên phi công lái chiếc Hornet nghĩ là mình đã thoát nhưng chiếc SU-27 đã bắn một loạt hai quả - quả thứ hai đã nổ và chiếc máy bay của anh ta bị tiêu diệt. Quả bom, do không được điều khiển nên không thể tìm tới được mục tiêu ở mặt đất, và thậm chí đã không nổ, sau khi không còn sự điều khiển đối với chốt hãm lade, một thiết bị được đưa vào để tránh gây thiệt hại cho thường dân trong các cuộc chiến tranh trước đó. Cuộc tấn công mặt đất vẫn tiếp tục. Sau khi các hệ thống phòng thủ đã bị phá tan các quả bom nhỏ rải thảm với diện tác động rộng đã được sử dụng ném xuống đường băng và các khu vực chứa máy bay. Mọi máy bay đậu trên mặt đất đều là mục tiêu ngon lành, và hoặc là bị phá hủy hoặc bị gây hỏng nặng bởi các quả bom nhỏ và các mảnh vụn văng tung tóe. Đường băng lỗ chỗ những cái hố nhỏ và các quả mìn nhỏ cũng được bắn ra từ đám bom chùm.
Trong vòng 20 phút, toàn bộ số máy bay SU-27 hoặc bị bắn rơi hoặc rút lui. Hai chiếc SU-27 phải hạ cánh trước khi chúng có thể tới được căn cứ của chúng trên đất liền. Trung Quốc không có lực lượng máy bay tiếp nhiên liệu trên không. Mỹ mất hai chiếc Tomcat và chiếc Hornet đã tấn công trận địa tên lửa SAM. Một vài chiếc Tomcat phải tiếp nhiên liệu trên không trên đường về. Một chiếc Tomcat khác bị hư hại đến mức nó không thể hạ cánh xuống tàu sân bay; tổ lái bật dù nhảy ra và chiếc máy bay lao xuống biển gần sát mạn tàu. Họ được máy bay lên thẳng cức hộ vớt lên bình yên vô sự. Viên chỉ huy phi đội Tomcat, người đã đích thân bắn rơi một máy bay kẻ thù và cùng tham gia bắn rơi một chiếc khác, nói với vẻ châm biếm: "Tôi cho rằng trận đánh cho thấy việc máy bay của anh tốt như thế nào không thành vấn đề nếu anh ta không được huấn luyện tốt và không có sự hỗ trợ."
Cách 1.200 km về phía Nam, nhóm tàu sân bay Nimitz tiến vào khu vực xung đột qua eo Balabac. Với đội hình hỗn tạp tương tự gồm các máy bay Tomcat và Hornet, các máy bay Mỹ đầu tiên đã đánh chìm tàu khu trục lớp Luhu mang tên Haribing, đã bị trúng ngư lôi của Việt Nam lúc bắt đầu cuộc xung đột. Sau khi phi đội đầu làm xong nhiệm vụ quay trở về tàu sân bay, một phi đội khác cất cánh để tiêu diệt các vị trí của Trung Quốc trên Bãi đá ngầm Mischief. Không gặp phải sự kháng cự nào.
Các máy bay chiến đấu đa chức năng Dassault Rafale của Pháp hướng tới quần đảo Trường Sa sau khi cất cánh từ thành phố Hồ Chí Minh nơi chúng vừa từ châu Âu đến chỉ trước đó vài giờ. Các máy bay này bắn rơi 3 máy bay tiếp nhiên liệu trên không bay ì ạch của Trung Quốc và lần lượt bắn cháy bốn chiếc SU-27 đang nặng nề mang bom khi chúng đang trên đường tới chỗ hỗ trợ cho hải quân Trung Quốc. Lần thứ hai trong cuộc chiến tranh Cuộc Tấn Công Của Con Rồng, các máy bay Việt Nam đã cất cánh từ Campuchia và Lào. Xuất phát từ Viêng Chăn, được tiếp nhiên liệu tại Vinh trên bờ biển Đông Bắc Việt Nam, chúng đánh vào căn cứ hải quân của Trung Quốc trên đảo Hải Nam cách đó 800 km. Từ cố đô Luang Prabang của Lào, họ đã tấn công các đơn vị bộ binh của PLA đóng ở biên giới phía Bắc.
Nhóm tàu sân bay HMS Ark Royal rời vùng biển Brunây đi về phía khu vực nguy hiểm nhất ở Biển Nam Trung Hoa. Các tàu chiến Anh chạy theo hướng Bắc đến giữa quần đảo Trường Sa, nơi vùng biển nông và các tàu ngầm Ming và Romeo của Trung Quốc được biết là đang nằm đợi. Trong thời gian Chiến tranh Lạnh nhiệm vụ chống tàu ngầm đã trở thành một công việc chuyên môn của Anh, do vậy ở châu Á khi họ một lần nữa tham gia các lực lượng phối hợp với Mỹ, Anh đã đảm nhận cùng nhiệm vụ đó. Nhưng trước khi tới khu vực này, đã có tin tức về một cuộc tấn công thất bại của Mỹ vào căn cứ không quân và hải quân tại Terumbi Layang-Layang. Kể từ khi chiếm căn cứ này từ tay Malaixia, nhiệm vụ Trung Quốc đã triển khai ở đây những hệ thống phòng không và rađa tinh vi nhất của họ; cùng với hơn 20 máy bay chiến đấu SU-27 và máy bay tấn công mặt đất Fencer. Tình báo phương Tây đã không nắm được quy mô phòng thủ ở đó. Trong đợt tấn công đầu tiên ba chiếc Tomcat và bốn chiếc Hornet đã bị bắn rơi. Người Mỹ không thể tiến hành một cuộc tấn công thứ hai ngay lập tức vì phải ấn định lại thời gian biển thực hiện cam kết khác và sửa chữa một số máy bay bị hư hỏng trong chiến đấu. Việc định lại thời gian biểu các chương trình bảo dưỡng máy bay từ thời bình sang thời chiến vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên đã có các kế hoạch tiến hành không kích ồ ạt khi mọi việc sẵn sàng. Căn cứ không quân này đem lại cho Trung Quốc một khả năng triển khai sức mạnh khủng khiếp đối với toàn bộ Biển Nam Trung Hoa, tương đương với việc có tàu sân bay của chính họ, là cái có thể gây ra những thiệt hại to lớn cho các lực lượng đồng minh. Trong lúc đó Anh được hỏi liệu các lính biệt kích thuộc phi Đội Tàu Đặc Biệt trên chiếc HMS Albion có thể giúp vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ của Trung Quốc ở đó không?
BIỂN THÁI BÌNH DƯƠNG
Giờ địa phương: 03h00' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 15h00' thứ Tư 21/02/2001
Cách Tây Thái Bình Dương 5.000 km về phía Đông, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân 092 lớp Hạ của Trung Quốc đang bị tàu USS Connecticut lớp Seawolf lần theo dấu vết. Tàu Hạ chạy với tốc độ 6 hải lý sâu dưới mặt nước 20 mét. Đã hơn một tháng nay kể từ khi tàu này rời khỏi Trung Quốc. Tàu này cho đến nay chỉ nhận được ba chỉ thị và sau mỗi lần nhận nó tiếp tục duy trì hành trình của nó hướng tới Đông Thái Bình Dương. Khi tàu USS Peleliu bị tấn công, tàu Hạ ở cách quần đảo Mariana hơn 2.000 km về phía Đông và cách quần đảo Marshall 1.000 km về phía Bắc. Mặc dù cả hai nhóm đảo này về nguyên tắc là các lãnh thổ độc lập, chúng được Lầu Năm Góc coi là đất của Mỹ. Cảng gần nhất là đảo Wake, một căn cứ không quân của Mỹ ở nơi rất xa xôi và hẻo lánh. Khu vực này của Thái Bình Dương là nơi vắng vẻ hiu quạnh của đại dương, xa xôi đến mức tiếng kêu la về thảm họa môi trường do việc làm mà chỉ huy tàu USS Connecticut sắp gây ra đã sớm chìm nghỉm.
Chiếc tàu của Mỹ đang ở độ sâu 360 mét và không bị tàu Hạ phát hiện ra. Hai quả ngư lôi Mk48 ADCAP được phóng ra. Sau giai đoạn đầu lao đi với tốc độ 55 hải lý chúng đã tăng tốc lên 70 hải lý. Mất 1 phút 18 giây thì hai quả ngư lôi chạm được vào tàu Hạ. Gần như ngay lập tức, thân tàu sụp xuống do sức nổ và khi nó chìm xuống dưới 300 mét, nó bị sức ép ghiền nát, giết chết toàn bộ 104 người trong khoang.
Tuyên bố của Lầu Năm Góc giải thích rằng lò phản ứng hạt nhân, được bịt kín trong khoang áp lực của chính nó, được chế tạo để chịu đựng được việc con tàu ngầm bị phá hủy. 12 đầu nổ hạt nhân có thể văng ra xa tới hàng trăm nghìn mét ngoài và rơi trở lại lòng biển. Chúng đủ chắc chắn để nằm nguyên vẹn ở đáy đại dương mà không rò rỉ. Tàu ngầm Trung Quốc đã ở trong tầm có thể tấn công lãnh thổ Mỹ. Thêm 4 ngày nữa, nó có thể bắn tên lửa hạt nhân vào mục tiêu Trân Châu cảng, Ha Oai.
TRỤ SỞ HÃNG BOEING, SEATTLE
Giờ địa phương: 07h00' thứ Tư 21/02/2001
Giờ GMT: 15h00' thứ Tư 21/02/2001
Chuông điện thoại réo hai lần trước khi Reece Overhalt, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Boeing, nhấc máy. Trợ lý riêng của ông nói với ông rằng Jamie Tống đang gọi từ Bắc Kinh. Tống và Overhalt đã cùng học với nhau ở Harvard cách đây 30 năm. Cả hai đã trú tại Elliot House, nơi các phòng của họ đối diện nhau qua một hành lang. Overhalt đã theo dõi giá cổ phiếu của Boeing tụt xuống trong suốt cả buổi sáng. Một lệnh bán ồ ạt từ Hồng Kông đã làm các nhà đầu tư ở châu Âu hoảng hốt, và bây giờ đến lượt ở Mỹ. Overhalt đã ra lệnh điều tra ngay lập tức xem ai là người đứng sau vụ bán này, nhưng ông biết cuộc điều tra sẽ có thể kết thúc với một công ty đại danh với số vn 2 USD ở lãnh thổ British Virgin Islands và sẽ không ai biết gì hơn. Ông đợi sau khi thư ký của Tống chuyển máy cho Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc.
Với vẻ niềm nở, mặc dù bị kìm lại phần nào bởi sự thận trọng nào đó, hai người trao đổi những câu xã giao.
"Betty thế nào?" Tống nói.
"Khỏe, khỏe... Còn Helen thì sao? Bà ấy khỏe chứ?" Overhalt hỏi thăm, phân vân không biết Tống muốn gì.
Tống nói "Tôi sẽ đi thẳng vào vấn đề. Chúng tôi nghĩ sẽ có ích trong hoàn cảnh hiện nay nếu ngài đến thăm Bắc Kinh. Ngài là người bạn cũ của Trung Quốc và chúng tôi nghĩ ngài có thể giúp chúng tôi trong những vấn đề rắc rối hiện nay của chúng tôi. Ngài có thể nói như thể tôi đang nói, công khai như thế, rằng đây là một đề nghị nghiêm túc. Chúng tôi có thể đảm bảo giữ bí mật; tôi đảm bảo với ngài chúng tôi sẽ không tìm cách tuyên truyền sự có mặt của ngài ở đây."
Overhalt bối rối. Ở cương vị của ông trong giới công ty Mỹ ông thường gặp các Tổng thống và các Thủ tướng, nhưng ông là một người thận trọng; trước hết ông là một người của công ty. Khi ông đang suy nghĩ thì Tống nói xen vào "Reece, tôi biết ngài đang phải nghĩ gì. Không cần trả lời lúc này. Hãy suy nghĩ đi. Gọi lại cho tôi sau 3 giờ nữa được không?"
NHÀ TRẮNG, OASINHTƠN, SC
Giờ địa phương: 11h00' thứ Tư 21/02/2001
Giờ GMT: 16h00' thứ Tư 21/02/2001
Tổng thống đang thông báo tình hình cho một phái đoàn các thống đốc bang thì có điện thoại từ văn phòng của Overhalt. Tổng thống và Overhalt biết nhau từ thời họ còn là sinh viên chưa tốt nghiệp ở trường Harvard. Chính tại Harvard họ đã gặp Tống khi ông này theo học một khóa sau đại học về các đề quốc tế ở đó.
"Tôi hiểu là người bạn cũ của chúng ta đã liên lạc", Tổng thống nói. "Tôi vừa mới xem một băng hình về cái thằng chó đẻ đó trên truyền hình. Hắn ta chẳng thay đổi chút nào. Ngọt xớt và trơn tuột như một con lươn và thâm hiểm chẳng kém gì."
"Jamie gọi điện cho tôi cách đây một giờ. Ông ta gọi tôi là "người bạn của Trung Quốc" và muốn tôi bay qua đó gặp ông ta. Bằng lời lẽ rất không cụ thể ông ta ám chỉ đến một giải pháp. Tôi muốn nói với ngài rằng tôi không thích điều này tý nào. Có kẻ nào đó đang gây sức ép với giá cổ phiếu của tôi và các nhà đầu tư của tôi không thích điều đó. Dù sao thì ngài nghĩ thế nào? Tôi có thể giúp gì được không?"
"Reece, tôi cho rằng đi Bắc Kinh là một ý kiến rất hay đối với ngài. Tôi có thể nói cho ngài biết các sự kiện đang diễn ra rất nhanh. Nói riêng với nhau, tôi không hoàn toàn dám chắc chúng sẽ kết thúc ở đâu. Nhưng chúng tôi có thể cần một người nào đó như ngài - được cả hai bên tin cậy, nhưng không làm việc cho bên nào cả. Tôi muốn ngài đi Bắc Kinh. Sứ quán của chúng ta ở đó sẽ dành cho ngài mọi sự giúp đỡ mà ngài cần."
BIỂN NAM TRUNG HOA
Giờ địa phương: 01h00' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 17h00' thứ Tư 21/02/2001
Trong đêm tối, các phi công Pháp đã bắn rơi thêm 2 máy bay chở dầu tiếp nhiên liệu IL-16 nữa. 10 máy bay SU-27 bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công của Việt Nam vào đảo Hải Nam. Một lực lượng phối hợp các đơn vị đặc biệt Anh, Ôxtrâylia, Niu Dilân đã làm tê liệt các hệ thống phòng thủ ở Terumbi Layang- Layang. Họ thâm nhập qua hàng rào vòng ngoài và phá hủy thiết bị rađa trước khi bị phát hiện khi đang trên đường rút ra dọc theo đường băng. Quân Trung Quốc giao chiến với họ, nhưng các chuyên gia chất nổ đã kịp đặt thuốc nổ vào 7 chiếc máy bay. Các tiếng nổ đẩy quân Trung Quốc vào tình trạng rối loạn, cho phép các lực lượng đồng minh thoát ra ngoài. Quân Anh có hai người bị thương, một người chết. Không có thương vong nào trong số quân Niu Dilân và Ôxtrâylia. Không rõ số thương vong về phía quân Trung Quốc. Phần lớn phi đội máy bay chiến đấu tiên tiến SU-27 đã bị phá hủy. Trong lúc các lính biệt kích tìm đường thoát ra ngoài, căn cứ của Trung Quốc bị vô hiệu hóa bởi các máy bay Hornet được sự yểm trợ trên không của những chiếc Tomcat và những chiếc Sea Harrier của Anh từ tàu Ark Royal. Một cuộc đột kích thứ hai đã đánh chìm tàu khu trục Zhuhai (DDG 166) lớp Luda III và hai tàu hộ tống đang tuần tra quanh căn cứ. Tổng cộng Trung Quốc mất 12 trong số hơn 40 tàu chiến tạo thành lực lượng đặc nhiệm Biển Nam Trung Hoa của họ, khi các máy bay hết đợt này đến đợt khác từ ba tàu sân bay tiếp tục thực hin các cuộc tấn công của chúng. Vào lúc rạng sáng, Bộ tư lệnh quân đội Trung Quốc đã ra lệnh cho tất cả các tàu rút về hướng Bắc tới những khu vực mà chúng sẽ được yểm trợ ni hơn từ trên không. Một ngoại lệ là tàu khu trục nhỏ lớp Sovremenny do Nga đóng Vazhny, được đổi thành Lưu Hoa Thanh, đã lẻn ra khỏi chỉ huy sở hạm đội miền Nam. Mây dày đặc phía trên và nó đã đi vào Biển Nam Trung Hoa mà không bị các vệ tinh và máy bay do thám phát hiện.
Chương 6:
BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN
Giờ địa phương: 05h00' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 20h00' thứ Tư 21/02/2001
Tổng thống Kim gọi điện thoại cho James Bradlay, và ông này nói rằng ông vui mừng về việc Nam Triều Tiên đưa các lực lượng quân sự của họ tham gia cuộc chiến với miền Bắc. Bradlay đang phải chịu trách nhiệm với một cuộc khủng hoảng lớn hơn nhiều và cảm ơn việc Nam Triều Tiên sẽ giải quyết các vấn đề của chính họ. Tuy nhiên, Mỹ sẽ cung cấp kỹ thuật và các cố vấn và chính Mỹ đã cung cấp thông tin và chỉ dẫn việc phóng lần đầu tiên các tên lửa đất đối đất MC Donnell Douglas Sea Slam từ ba tàu khu trục nhỏ lớp Ulsan của Nam Triều Tiên mang tên Chung-fu, Che-ju, và Masan. Tất cả các sĩ quan hải quân Nam Triều Tiên đều đã được đào tạo kỹ càng và đã tham gia các cuộc tập trận với hải quân Mỹ về một hoạt động như vậy. Các tên lửa trước đây chưa bao giờ được sử dụng với độ chính xác tuyệt đối như vậy, bay là là mặt biển rồi lướt qua mặt đất gồ ghề quanh khu phi quân sự và cuối cùng cắt ngang lao thẳng vào những boongke ngầm che dấu bộ máy quân sự đang đe dọa Seul.
Quân Mỹ và Nam Triều Tiên đã rời khỏi khu phi quân sự, rút khỏi các vị trí được bảo vệ của họ ở Bàn Môn Điếm và ngay dọc giới tuyến. Không một bóng người trên các tháp quan sát và trong làng đình chiến. Những ngôi nhà dựng tạm thời làm nơi thương lượng những tranh chấp trong việc phân chia ranh giới trong những năm qua hiện trống không. Tuyến đầu được củng cố chắc chắn nhất trên thế giới này đang trong tình trạng báo động cao nhất. Một lực lượng phòng thủ nòng cốt gồm các binh sĩ nam cũng như nữ thuộc Sư Đoàn Bộ binh Thứ Hai của Mỹ đã được triển khai tại Trại Greaves, vị trí gần khu phi quân sự nhất. Trên quân phục của mọi người đều gắn khẩu hiệu của đơn vị họ: "Trước Tất Cả".
Tên lửa đầu tiên của Nam Triều Tiên bắn trúng vào một khối đá chỉ cách một lối vào đường hầm vài mét. Một quả khác bay vượt qua đỉnh đồi và trượt xuống một cánh đồng mà không nổ. Tuy nhiên, quả thứ ba đã thành công và lao trúng những chiếc xe tăng được che giấu xếp thành hàng. Vụ nổ, trở nên mạnh hơn trong khoảng không gian chật hẹp, đã làm cháy cả kho dự trữ nhiên liệu lẫn đạn dược. Những chiếc xe tăng xếp gần lối vào bị phá hỏng. Chiếc xe bọc thép bị phá hỏng đã chặn lối ra do vậy những chiếc phía sau trở nên vô dụng. Trong 45 phút tiếp theo những tên lửa được máy tính chỉ đường đã tìm được đường đi của chúng bên trong những nơi được che giấu. Những tên lửa khác bay trượt mục tiêu và nổ vô hại ở xung quanh, nhưng cuộc tấn công đã đạt được kết quả mong muốn là buộc người Bắc Triều Tiên lộ các quân bài của họ: khi vũ khí thiết bị của họ bị đe dọa, họ chuyển nó ra ngoài trời để có thể sử dụng chúng có hiệu quả hơn. Các con đường gần biên giới đột nhiên tràn đầy các xe bọc thép, pháo và các phương tiện tiếp tế. Nhiều xe cộ hơn xuất hiện trên quốc lộ Kim Nhật Thành, là con đường nối liền Bình Nhưỡng với Bàn Môn Điếm và được xây để cho cả máy bay chiến đấu lẫn xe tăng sử dụng. Trong khi các dữ liệu được xử lý qua hệ thống do thám của Nam Triều Tiên, hết phi đội này đến phi đội khác các máy bay F-16, F-5 và F-4 đã gầm rú trên các đường băng khắp miền Nam, cất cánh và hướng về phía Bắc tới khu phi quân sự. Mệnh lệnh của các phi công là tiêu diệt mọi cái mà họ thấy trên mặt đất.
Tổng thống Kim biết ông đã có một trong những quyết định liều lĩnh nhất trong lịch sử quân sự hiện đại. Đứng trước sự hủy diệt gần như chắc chắn, miền Bắc không còn sự lựa chọn nào ngoài việc mở cuộc tấn công trên bộ và bằng tên lửa vào Seul, và cuộc tấn công đó phải được chặn lại. Tuy nhiên nếu các nhà vạch kế hoạch phòng thủ của ông nhận định sai, thì đó chỉ có thể là vấn đề về mấy giờ đồng hồ trước khi một chiếc xe tăng Bắc Triều Tiên có mặt trên đường phố Seul. Máy bay kẻ thù đã thâm nhập không phận. Một lực lượng kết hợp các máy bay chiến đấu chiến thuật tiên tiến, Mig-23 và Mig-29, cùng với phi đội máy bay chiến đấu nòng cốt Mig-19 và Mig-21 đã cất cánh về hướng thủ đô của miền Nam. Phần lớn số máy bay này đã giao chiến với máy bay Nam Triều Tiên và điều nhanh chóng trở nên rõ ràng là với tình trạng bảo dưỡng tồi và thời gian biểu huấn luyện nghèo nàn lực lượng không quân Bắc Triều Tiên sớm bị đánh bại. Hết máy bay này đến máy bay khác bị các tên lửa đất đối không và tên lửa không đối không trên các máy bay đánh chặn của Nam Triều Tiên bắn rơi, nhưng trong mỗi đợt từ 30 đến 40 máy bay như vậy có vài chiếc đã đến được Seul. Chúng không có những mục tiêu cụ thể và chúng thả bom và rốcket xuống các khu vực dân thường. Một vài chiếc trong đó lao xuống mặt đất trong những cú bổ nhào cảm tử, từng chiếc nghiêng ngả tìm kiếm một tòa nhà cao tầng và lao thẳng vào biến thành một quả cầu lửa gây ra cảnh tàn phá khủng khiếp. Hàng nghìn người chết. Tại tòa nhà 63 được xây như hai bàn tay đang cầu nguyện, hơn 500 người chết, nhiều người mắc kẹt trong những khu cầu thang và thang máy, đã được đóng lại khi cuộc không kích bắt đầu. Còi báo động rền rĩ và hàng triệu người tìm cách trú ẩn ở đường xe điện ngầm và tầng hầm các tòa nhà. Các bệnh viện đầy ứ các nạn nhân. Dịch vụ cứu hộ, trong nhiều thập kỷ nay đã được chuẩn bị cho giờ phút này, ngay lập tức quá tải, với hàng trăm người chết bị bỏ mặc trên các đường phố và các tòa nhà để mặc cho cháy mà không có lực lượng chữa cháy.
QUẢNG TRƯỜNG THIÊN AN MÔN, BẮC KINH
Giờ địa phương: 08h00' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 24h00' thứ Tư 21/02/2001
Những cơn gió lạnh buốt trong tuần qua đã quét đi những lớp không khí ô nhiễm treo lơ lửng phía trên thành phố Bắc Kinh trong phần lớn mùa đông. Mặt trời làm tan đi cái giá lạnh và chiếu những tia sáng lấp lánh trên quảng trường Thiên An Môn. Những ngả đường quanh đó cấm người qua lại và được trang hoàng những lá cờ đỏ tươi. Học sinh xếp hàng mười trên vỉa hè, mỗi em cầm một lá quốc kỳ và giơ cao trên đầu theo sự chỉ huy của người hô khẩu hiệu. Các loa phóng thanh, được gắn trên các cột đèn, phát bài quốc ca và các bài hát Trung Quốc về việc nước này được giải phóng khỏi quá khứ của nó nằm dưới sự kiểm soát của nước ngoài. Các quan chức Đảng Cộng Sản từ các tỉnh đã được triệu tập đến Bắc Kinh. Họ theo dõi các sự kiện từ bậc lên xuống của Đại Lễ Đường Nhân Dân nằm ở phía Tây quảng trường và từ bên ngoài các bảo tàng Cách Mạng và Lịch Sử Trung Quốc nằm ở phía Đông quảng trường. Các nhóm quay phim thuộc đài truyền hình Trung ương Trung Quốc tự do đi lại khắp quảng trường. Suốt buổi sáng, hệ thống truyền hình quốc gia chiếu các bộ phim về nỗi thống khổ của Trung Quốc trong thời kỳ bị các lực lượng nước ngoài chiếm đóng. Người Anh bị chỉ trích vì các cuộc Chiến tranh Thuốc phiện thế kỷ 19 và chiếm đoạt Hồng Kông. Người Mỹ bị lên án vì sự ủng hộ của họ đối với lãnh tụ Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thạch trong những năm 1940 cũng như đối với quần đảo phiến loạn của ông này trong việc chiếm Đài Loan. Phim về Chiến tranh Triều Tiên trong những năm 1950 cho thấy quân Trung Quốc đã đánh bại quân Anh, Mỹ và các lực lượng đế quốc như thế nào. Đoạn phim đen trắng chiếu cảnh quân lính bị tàn sát và những người sống sót hốc hác, lạnh cóng và chán nản. Người Nhật được miêu tả là những người phạm tội trong cả thiên niên kỷ. Họ đã đối xử với đồng bào châu Á của họ một cách tàn bạo và gây nhiều đau khổ hơn bất kỳ nước phương Tây nào khác. Cảnh chiếu binh lính Nhật đang tàn sát dân thường trong những vụ hành quyết tức khắc, chặt đầu và đánh đập. Một nông dân Trung Quốc bị trói vào cột đèn, đầu thõng xuống. Những binh lính Nhật lột da anh ta cho đến khi anh ta chết vì choáng và mất máu.
Trong cảnh tượng khủng khiếp này, giọng người bình luận của đài truyền hình trung ương vang lên: "Nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành nô lệ cho các lực lượng nước ngoài nữa. Ngay cả nếu như họ phải ăn rễ cây và sống trong hang động, do thái độ thù hận của cả thế giới đối với Trung Quốc, thì nhân dân Trung Quốc sẽ vẫn tự do và kiêu hãnh. Chủ tịch và bí thư Đảng Vương Phong muôn năm".
Các xe quân sự từ phía Tây chầm chậm lăn bánh tiến vào. Đi đầu là hàng xe tăng chiến đấu chính. Tiếp đến đại bác đặt trên xe tự hành, các dàn phóng rốcket, súng sử dụng đạn tự đẩy, súng cối, tên lửa đất đối đất và đất đối không, các vũ khí điều khiển chống tăng và các vũ khí phòng không. Tiếp theo là một nghi lễ diễu hành, trong đó những hình ảnh tàu ngầm, máy bay và tàu chiến hải quân được chiếu trên những màn hình khổng lồ dựng khắp quảng trường. Một cuộc trình diễn các tên lửa đã kết thúc cuộc diễu binh. Tên lửa CSS-4 hay Gió Đông 5 làm năm 1981, với tầm bắn 15.000 km và một đầu đạn duy nhất 5 megaton. Tiếp đó là tên lửa CSS-N-3 hay JL1 nhỏ hơn được phóng từ tàu ngầm với tầm bắn tới 3.000 km và đầu nổ 2 megaton. Ngoài ra còn một số tên lửa khác, được các tùy viên quân sự biết đến. Những vũ khí cuối cùng trong cuộc diễu binh là lòng tự hào về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Nó chiếm vị trí ngay phía Nam bậc đài cột cờ. Được trưng ra trực tiếp cho cả thế giới thấy, tên lửa này ngay lập tức được công nhận là vũ khí có thể bắn được nước Mỹ lục địa và bất cứ địa điểm nào ở châu Aâu. Đây là tên lửa Gió Đông 32 sử dụng nhiên liệu rắn. Tầm bắn của nó lá 12.000 km. Độ chính xác của nó đã được mài dũa bằng một hệ thống dẫn hướng kỹ thuật mới do một nhóm các nhà khoa học Nga cung cấp. Nó mang một đầu nổ nhẹ hơn, và nguy hiểm nhất, nó được phóng không phải từ một hầm chứa mà từ một phương tiện phóng cơ động. Gió Đông 32 sẽ gần như không thể bị phát hiện qua vệ tinh do thám cho đến khi nó được phóng. Ban ngày nó có thể ẩn náu. Các tên lửa cơ động với các đầu nổ hạt nhân đã ám ảnh Lầu Năm Góc trong những năm 1990, vì Mỹ đã không lần theo dấu vết và tiêu diệt được các tên lửa Scud của Irắc trong Chiến tranh Vùng vịnh. Chúng đã được giấu dưới những chiếc cầu, trong các hầm trú ẩn, hay để lẫn trong khu vực dân sự dân cư đông đúc mà kẻ thù không thể đánh bom mà không bị quốc tế lên án. Hiện nay, Trung Quốc không giữ bí mật khả năng tên lửa của họ. Họ đang chế nhạo nước hùng mạnh nhất thế giới. Trung Quốc đã tính toán rằng chỉ vụ nổ nhỏ cũng sẽ đủ để ngăn chặn lính Mỹ dính líu vào các cuộc chiến tranh hạt nhân với Trung Quốc. Mỹ trong quá khứ chưa bao giờ trải qua xung đột trong nước.
Đầu nổ của tên lửa Gió Đông 32, màu đỏ và bạc của nó lấp lánh dưới ánh mặt trời mùa đông, chĩa thẳng về phía Bắc hướng vào Thiên An Môn nơi Chủ tịch Vương Phong, có các viên tướng bên cạnh, đã tiến lên diễn đàn để phát biểu trước nhân dân Trung Quốc. Vương đã chọn thời điểm và vị trí in sâu ý nghĩa lịch sử. Đây là nơi các hoàng đế Trung Quốc đã truyền những chỉ dụ qua các thế kỷ và nơi Mao Trạch Đông đã tuyên bố thành lập Trung Quốc Cộng sản năm 1949. Toàn cảnh cuộc phô bày sức mạnh quân sự của Trung Quốc đầy tính chất tượng trưng, công trình của chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc, Đại Lễ Đường Nhân Dân, Đài Kỷ Niệm Những Anh Hùng Nhân Dân ngay cạnh Nhà Tưởng Niệm Chủ tịch Mao, nơi thi hài được ướp của ông vẫn còn nằm đó. Khi Vương nói, ông không chọn từ của riêng ông, mà là những từ mà Mao Trạch Đông nói năm 1949.
"Việc làm của chúng ta sẽ đi vào lịch sử nhân loại, thể hiện rằng nhân dân Trung Quốc, chiếm một phần tư nhân loại, giờ đây đã đứng lên. Trung Quốc luôn luôn là một dân tộc vĩ đại, dũng cảm, và cần cù; chỉ vào những thời kỳ hiện đại họ mới bị tụt lại đằng sau. Từ nay trở đi dân tộc chúng ta sẽ thuộc về cộng đồng các dân tộc yêu hòa bình và yêu tự do trên thế giới và làm việc dũng cảm và cần cù để thúc đẩy nền văn minh hóa và phúc lợi và đồng thời thúc đẩy hòa bình và tự do thế giới.
Dân tộc chúng ta sẽ không còn là dân tộc chịu để bị xúc phạm và làm nhục nữa. Chúng ta đã đứng lên. Cuộc Cách mạng của chúng ta đã dành được sư đồng tình và hoan nghênh của các dân tộc trên thế giới. Chúng ta có bạn bè ở khắp nơi trên thế giới. Kỷ nguyên trong đó nhân dân Trung Quốc bị coi là không văn minh giờ đây đã chấm dứt. Chúng ta sẽ nổi lên trên thế giới như một dân tộc có nền văn hóa tiên tiến. Chúng ta sẽ trở nên hùng mạnh và được vị nể. Nhân dân Trung Quốc không còn là nô lệ nữa."
Đảng điều khiển những tiếng hoan hô và vẫy cờ. Nhưng điều đó khiến cho phản ứng thậm chí đáng khiếp sợ hơn. Trung Quốc đã từng đi theo con đường này trước đây. Và mỗi lần như vậy nó đều kết thúc trong chết chóc, đổ máu, hỗn loạn và sự tan vỡ của triều đại cầm quyền.
TÂN HOA XÃ, BẮC KINH
Giờ địa phương: 09h30' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 01h30' thứ Năm 22/02/2001
Tuyên bố của Tân Hoa Xã về việc thay đổi chính sách quân sự của Trung Quốc tỏ ra đặc biệt mập mờ. Tuyên bố nói Hội Đồng Nhà Nước đã đánh giá lại thông báo ngày 16/10/1064, ngày mà Trung Quốc tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên của họ. Sau đó nó liệt kê ra 7 nguyên tắc, nguyên tắc trước hết và quan trọng nhất là: Trung Quốc sẽ không bao giờ là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuyên bố nói: "Việc đánh giá lại đã trở nên cần thiết vì những hành động gần đây của các lực lượng nước ngoài xâm lăng Tổ quốc.
Trong một âm mưu của đế quốc phương Tây, các sĩ quan và chiến sĩ dũng cảm của Giải Phóng Quân Nhân Dân đã bị sát hại bởi các nước ngoài có ý định ngăn cản Trung Quốc. Điều này đã xảy ra trong thế kỷ 19. Trong thế kỷ 20 nhiều người Trung Quốc đã sống như những người nô lệ cho người Nhật, người Mỹ, người Anh và các thuộc địa của Pháp. Chúng ta sẽ không bao giờ làm nô lệ nữa. Bảo vệ Tổ quốc bằng bất cứ thứ vũ khí nào có thể đó là nhiệm vụ của nhân dân Trung Quốc. Trung Quốc là một nước nghèo, nhưng nó có thể và sẽ tự bảo vệ được mình. Như Mao Trạch Đông đã nói: "Dù nước nào, dù tên lửa, bom nguyên tử, bom khinh khí gì đi nữa... chúng ta cũng phải vượt qua chúng".
KABUTO-CHO, TOKYO
Giờ địa phương: 11h00' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 02h00' thứ Năm 22/02/2001
Khi tuyên bố của Tân Hoa Xã hiện lên trên màn hình của các nhà buôn ở Tokyo, phản ứng ngay lập tức, mang tính chất phản xạ của họ là bán đồng yên. Triển vọng về một cuộc đấu hạt nhân giữa Trung Quốc và Mỹ và khả năng Nhật cũng sẽ là mục tiêu là điều quá sức chịu đựng của đồng tiền Nhật. Nó giảm giá 10 yên xuống mức 178,60 yên ăn một đôla và ổn định ở mức này. Nhưng chẳng bao lâu điều trở nên rõ ràng đối với những người điều hành thị trường tài chính là mối đe dọa của sự hủy diệt hạt nhân đã làm thay đổi sự tính toán của các thị trường tài chính. Doanh thu ngoại tệ ở Tokyo vào một ngày bình thường thường vượt quá 20 tỉ đôla. Nhưng suốt cả buổi sáng hoạt động trên thị trường hết sức rời rạc. Các hoạt động bùng lên đã chấm dứt những thời gian dài hầu như bất động. Khách hàng của Damian Phillips đã mua vào gần 260 triệu đôla. Trước khi có thông báo của Tân Hoa Xã, ông này đã liều hành động bất chấp sự nghe trộm của các cơ quan tình báo nước ngoài bằng việc gọi điện cho Phillips ở Hồng Kông. Ông nói 2 từ rồi gác máy: "Mua Nhật Bản". Chỉ số Nikkei trong trạng thái rơi tự do khi First China bắt đầu mua một cách có chọn lựa các cổ phần thượng hạng của Nhật. Chỉ số giảm 5,5% ngày hôm trước. Lúc mở cửa nó giảm 5% nữa ở mức 34.056 và lại giảm nữa khi buổi sáng trôi qua. Phillips đã có những đơn đặt hàng của mình. First China đã có những đơn đặt hàng của mình. First China, hành động thông qua Nomura, đã mua một cách có lựa chọn nhưng với số lượng lớn. Nó mua 3% của Nippon Oil, 1% của Tokyo, 4% cổ phần trong Matsushita, và một phần nhỏ hơn, được giấu kín của Sony. Phillips tin vào lời hứa hẹn của tướng Triệu và không cảm thấy miễn cưỡng trong việc sử dụng lợi nhuận buôn bán vào các giao dịch tiền tệ để mua các cổ phần không có lãi cố định của Nhật; ông cũng rút tiền ra từ khoản lãi hơn 1 tỷ USD mà First China đã kiếm được trong phi vụ buôn bán dầu.
BIỂN NAM TRUNG HOA
Giờ địa phương: 10h00' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 02h00' thứ Năm 22/02/2001
209 quân nhân Mỹ đã bị chết khi hải quân Trung Quốc thâm nhập các hệ thống phòng thủ của nhóm tàu sân bay của nhóm tàu sân bay USS Harry S. Truman và đánh chìm tàu khu trục mang tên lửa điều khiển USS Oscar Austin. Con tàu lúc đầu bị trúng 3 tên lửa Sunburn đất đối đất được bắn từ tàu Lưu Hoa Thanh, cách quần đảo Hoàng Sa 100 km về phía Đông Bắc. Tàu Trung Quốc chỉ còn cách căn cứ chưa đầy 12 giờ chạy. Rồi hai quả ngư lôi 533 ly của nó xuyên thủng vỏ chiếc tàu đã bị phá hỏng, gây ra những tiếng nổ và các đám cháy. Máy bay tấn công cất cánh từ tàu USS Harry S. Truman, và trong vòng vài phút các tên lửa không đối biển và bom điều khiển bằng lade của chúng đã được phóng vào con tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc. Nhưng giống như trên đảo Woody ngày hôm trước, người Mỹ lại phải đương đầu với kỹ thuật Chiến tranh Lạnh của Liên Xô. Đợt tên lửa và bom đầu tiên đã bị các thiết bị gây nhiễu làm chệch hướng khỏi con tàu. 3 chiếc Hornet bị các tên lửa biển đối không bắn rơi. Tổi lái không kịp nhảy dù. 2 chiếc Tomcat cũng trúng đạn. Một chiếc trở về tàu sân bay an toàn. Chiếc kia đâm bổ xuống biển và viên phi công được cứu lên. Khi các tàu tuần tra tiến về phía tàu Oscar Austin để cứu những người sống sót, một tàu ngầm Romeo không bị phát hiện ra đã phóng 2 quả ngư lôi nhằm tàu chở dầu USS Willamette. Chỉ một quả ngư lôi bắn trúng và thiệt hại đã bị hạn chế. 10 trong số 135 người thuộc thủy thủ đoàn bị chết. 20 người bị thương. Giống tàu Ming là tàu đã tấn công chiếc USS Peleliu, chiếc Romeo này hướng vào khu vực cứu hộ, nơi viên chỉ huy biết rằng ông ta sẽ tránh được khỏi bị tấn công. Ba giờ sau chiếc tàu ngầm tấn công USS Cheyenne, đang lần theo dấu vết tàu Lưu Hoa Thanh, từ phía sau và vẫn chưa bị phát hiện ra, đã phóng 3 quả ngư lôi Mk48 điều khiển bằng dây. Cả ba quả đều trúng chiếc khinh hạm và đánh chìm nó. Chiếc Romeo đã tấn công tàu USS Willamette thì chạy thoát.
NHÀ TRẮNG, OASINHTƠN, DC
Giờ địa phương: 21h00' thứ Tư 21/02/2001
Giờ GMT: 02h00' thứ Năm 22/02/2001
Bữa ăn tối nhẹ của Tổng thống, được thu xếp để thông báo tình hình cho các thượng nghị sĩ, đã sớm kết thúc khi bản thông báo của Tân Hoa Xã được công bố. Bradlay đã triệu Weinstein, Cố Vấn An ninh Quốc gia, Collins, Bộ trưởng Quốc phòng, Kuhnert, Chủ tịch Tham mưu trưởng liên quân, và Gillchrest, Ngoại trưởng, đến. Vấn đề được Tổng thống nêu ra là liệu các Đồng Minh hiện có nên tấn công các căn cứ quân sự của Trung Quốc trên đất liền, nhất là các căn cứ được biết là có chứa các vũ khí hạt nhân không. Kuhnert, trích dẫn câu cách ngôn về hạt nhân đã đi vào truyền thống: "Sử dụng chúng, hay mất chúng". Ông nói nếu lúc này người Trung Quốc chỉ dọa dẫm, thì họ sẽ bị thúc đẩy mở kho vũ khí hạt nhân của họ nếu họ bị đe dọa. Ông tin rằng trong vòng 12 giờ nữa các lực lượng đồng minh sẽ đảm bảo an toàn cho Biển Nam Trung Hoa và Trung Quốc sẽ mất hết khát vọng triển khai sức mạnh. Việc ném bom lục địa sẽ chọc tức họ và làm cho họ thành một con thú nguy hiểm mà ta phải đối phó trong tương lai. Ngoại trưởng lưu ý những vấn đề chính trị mà Anh gặp phải trong việc quyết định có tấn công hay không lục địa Achentina trong cuộc chiến tranh Falklands năm 1982.
Ông nói "Chúng ta sẽ mất sự ủng hộ của cộng đồng người Hoa trên thế giới. Các nước Đông Nam Á hiện đang giữ thái độ trung lập có thể quay sang chống lại chúng ta. Đó sẽ là một hành động có tính chất tượng trưng hơn là thực tiễn quân sự. Chúng ta có thể bắn trúng một số đầu đạn hạt nhân, nhưng vẫn còn những đầu đạn khác họ có thể phóng đi. Và chắc chắn sẽ có những luận điệu đi kèm các hình ảnh truyền đi về những thương vong của dân thường. Quả thực, không tránh khỏi có những tưhơng vong đối với dân thường. " Ông nói rằng mục tiêu chính sách của Mỹ là bảo vệ các con đường buôn bán giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và bảo vệ tính mạng cho các công dân Mỹ. Điều đó đang được thực hiện. Mục tiêu của Việt Nam là bảo vệ lãnh thổ của họ khỏi các cuộc tấn công trên biển và trên không, và đây chính là lý do biện minh cho các cuộc không kích vào các căn cứ trên đất liền. Họ đã được sự giúp đỡ của tình báp phương Tây. Có lẽ, nếu các nhà vạch kế hoạch quân sự tin rằng cần có thêm các cuộc tấn công quân sự thì chúng sẽ được người Nhật tiến hành trong vai trò mới của họ là cường quốc quân sự khu vực.
Cố vấn An ninh Quốc gia Weinstein nói rằng mối đe dọa hạt nhân chủ yếu là Trung Quốc đến từ các dàn phóng cơ động có thể được vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường sắt. Chúng có thể được di chuyển vào ban đêm và được che giấu vào ban ngày. Ông mang đến một chiếc cặp giấy trong đó đựng hai tập ảnh màu khổ 8x10 được chụp dọc tuyến đường sắt giữa Thẩm Dương và Cáp Nhĩ Tân ở phíc Bắc Trung Quốc. Khả năng các con mắt của Mỹ trên trời theo dõi thế giới bên dưới chẳng phải là điều không gây bất ngờ, và nó gây sửng sốt cho Tổng thống mỗi lần những tấm ảnh như vậy được đặt trước mặt ông. Chúng được thu thập bởi các vệ tinh Big Bird bay trên quỹ đạo chỉ cách Trái Đất khoảng 180 đến 290 km. Nhờ công nghệ tên lửa được hợp lý hóa cao của chúng, chúng có khả năng vận động rất lớn. Các vệ tinh được lắp các hệ thống tạo ảnh với một loạt những thiết bị dò quang học điện tử. Mỗi thiết bị dò tạo ra một tín hiệu điện tỷ lệ với ánh sáng chiếu vào nó. Khi phối hợp lại với nhau, thông tin được thu thập bởi hàng nghìn thiết bị dò lắp trên vệ tinh đem lại hình ảnh về địa hình phía dưới. Kỹ thuật phân giải thật tuyệt vời. Nó hoàn hảo đến mức có thể xác định được từng cá nhân. Hơn nữa, các vệ tinh được đặt chương trình để truyền các hình ảnh mà chúng đã được chỉ thị nhận dạng, như các hầm chứa tên lửa, tàu ngầm, máy bay quân sự. Nếu nhà phân tích đang xem các hình ảnh trên màn hình máy tính của anh ta muốn nhìn gần hơn một hiện tượng không bình thường trên mặt đất, thì vệ tinh sẽ đáp ứng. Sau khi máy tính trên vệ tinh của Big Bird biểu thị bằng số những dữ liệu ảnh của nó được truyền cho một vệ tinh chuyển tiếp trên quỹ đạo địa tĩnh và luôn trong tầm theo dõi của trạm tiếp nhận mặt đất của nó tại cơ quan an ninh quốc gia, nằm ở ngoại ô Oasinhtơn.
Loạt ảnh đầu tiên mà Tổng thống xem buổi tối hôm đó đã được chụp vào lúc 08 giờ 48 theo giờ chuẩn của Bắc Kinh, loạt thứ hai vào 15 phút sau, lúc 09 giờ 03, và những loạt ảnh khác cứ 15 phút một lần. Chúng cho thấy một loạt các toa xe lửa chở những chiếc trùng trông như công-ten-nơ, loại trừ là nó dài hơn nhiều và rõ ràng không phải làm bằng kim loại, vì trên một thùng đầu phía trước có vẻ như bị thủng với một đầu tên lửa chĩa ra.
"Đây là dàn phóng cơ động, thưa Tổng thống", Marty Weinstein nói. "Chúng đang được di chuyển ra ngoài từ chế độ tập luyện bình thường của chúng. Liêu Ninh là căn cứ của đơn vị 80301 của Trung Đoàn Pháo Thứ Hai, trung đoàn điều khiển chương trình tên lửa đạn đạo của Trung Quốc. Chúng ta tin rằng chuyến tàu nay đang hướng tới Cáp Nhĩ Tân. Nhưng chúng ta đã mất hút nó sau khi trời tối. Thời tiết đã không giúp chúng ta."
"Họ có thể phóng từ đó chứ?" Bradlay hỏi.
"Nếu họ làm việc đó thì sẽ có cy. Nhưng còn có một cy khác nữa. Vào tháng 05/1995, Trung Đoàn Pháo Thứ Hai đã hoàn thành việc xây dựng một mạng lưới các vị trí phóng tên lửa hiện đại bao trùm toàn bộ nước này. Họ phải mất 15 năm để làm việc đó và họ gọi việc đó là Dự án Trường Thành vì vai trò của nó trong việc bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc."
Cố vấn An ninh Quốc gia mở một chiếc cặp giấy khác. "Đây là những tên lửa phóng từ xe cơ động đang được di chuyển ra khỏi căn cứ của Trung Đoàn Pháo Thứ Hai tại Hoàng Sơn thuộc tỉnh An Huy. Đơn vị 80302." Ông đổ ra một tập ảnh nữa. "Đây là những tên lửa phóng từ xe cơ động nữa đến từ đơn vị 80303 ở Côn Minh thuộc Vân Nam. Chúng gần như chắc chắn đang nhằm vào Việt Nam. Và xin hãy nhìn đây. Đơn vị 80306 ở Tây Ninh trong vùng sa mạc Tây Bắc nơi khó che giấu hơn. Không có các khu rừng hay những khu vực có công trình xây dựng. Địa điểm phóng này nằm ở ngoài trời và nhằm từ trên độ cao. Những tên lửa này có thể phóng bất cứ lúc nào và chúng nhằm vào Tây Âu. Những tên lửa ở An Huy có thể bắn tới Nhật Bản. Ở Liêu Ninh chúng có thể bắn tới Nhật hay nước Mỹ lục địa."
"Chúng ta không thể chịu được một cuộc tấn công hạt nhân," Tổng thống nói.
"Đó là lý do tại sao họ liều lĩnh như vậy," Ngoại trưởng Gillchrest nói. "Họ biết chúng ta nghĩ gì."
Weinstein tiếp tục "Người Trung Quốc cũng có khả năng phóng tên lửa trên biển. Nhưng chúng ta đã đánh chìm tàu Hạ là con tàu đang trên đường hướng tới Đông Thái Bình Dương. Tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo có khả năng phóng tên lửa Cruise từ trên biển. Nó sẽ đi xa tới 2.500 km. Các vụ bắn thử đã được thực hiện trên tàu ngầm lớp Hạ mới nhất với tên lửa ICBM JL2 có tầm bắn 8.000 km. Chúng ta không nhận được tin tình báo nào thông báo rằng tàu ngầm này có mặt ở bất cứ đâu trừ trong cảng. Các cuộc bắn thử đã không có kết quả. Chúng ta tin rằng nó thậm chí chưa sẵn sàng để sử dụng."
"Họ có biết là chúng ta biết không?" Tổng thống hỏi.
"Câu hỏi đầu tiên chúng ta đặt ra trong lĩnh vực tình báo, thưa ngài, là tại sao chúng ta phát hiện ra điều này. Rõ ràng, ở Tây Ninh họ biết chắc chắn là chúng ta biết điều họ đang làm. Hoặc họ sẽ không bày công khai chúng ra giữa thanh thiên bạch nhật. Người Trung Quốc luôn loan báo những ý định của họ, thưa Tổng thống. Họ đang nói với chúng ta họ có thể tiến công chúng ta bằng hạt nhân bất cứ lúc nào."
Tổng thống quay sang Kuhnert "Arnold, nếu ông định đánh trúng kho vũ khí hạt nhân của họ, ông sẽ làm điều đó như thế nào?"
"Mục tiêu chính là các đơn vị của Trung Đoàn Pháo Thứ Hai ở miền Bắc tại Thẩm Dương, Cáp Nhĩ Tân và Diên Biên. Đơn giản do phạm vi hoạt động, đó là nơi việc phóng tên lửa có thể diễn ra. Tôi cũng muốn nhằm vào mục tiêu là các quân khu Nam Kinh, Quảng Châu, và Thành Đô. Để làm việc đó một cách có hiệu quả sẽ cần nhiều hỏa lực. Các cuộc tấn công sẽ phải diễn ra đồng thời và ngay cả khi đó cũng sẽ không thể đảm bảo phá hủy được toàn bộ kho vũ khí của Trung Quốc. Cách duy nhất có thể ngăn chặn họ sử dụng vũ khí hạt nhân, thưa Tổng thống, là thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân trước vào Trung Quốc. Nhưng thẳng thắn mà nói, do biết chút ít về tư duy quân sự của Trung Quốc, tôi không cho rằng điều này sẽ có tác dụng. Tôi cho rằng suy nghĩ của giới quân sự ngay lúc này đây là họ sẽ chứng kiến toàn bộ đất nước họ biết triệt hạ trước khi bị Mỹ đánh bại."
VĂN PHÒNG TỔNG THỐNG, SEUL, TRIỀU TIÊN
Giờ địa phương: 11h00' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 02h00' thứ Năm 22/02/2001
Seul chìm trong khói lửa dữ dội. Tổng thống Kim nhận một cú điện thoại từ Jamie Tống trên đường dây trực tiếp của ông
"Chúng tôi đã kết thúc việc đó," Ngoại trưởng Trung Quốc nói bằng tiếng Anh. "Tân Hoa Xã sẽ ra một tuyên bố trong vòng 1 giờ nữa, rằng Kim Jong II và các phụ tá thân cận của ông ta đang tiến hành một chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Chúng tôi đã cử các đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt của chúng tôi đến Bình Nhưỡng để đưa ông ta đi. Đã xảy ra giao tranh ở sân bay và chiếc máy bay đầu tiên của chúng tôi đã bị tiêu diệt. Nhưng một số đơn vị quần đảo hiện đã sang với phía chúng tôi. Quân lính quanh Phủ Chủ tịch đã bị vô hiệu hóa. Kim Jong II hiện đang ở trong thành phố Diên Cát, bên kia biên giới, dưới sự bảo vệ chặt chẽ. Sẽ có một tuyên bố từ Bình Nhưỡng loan báo việc thành lập một chính phủ mới, nhưng việc đó có thể không diễn ra trong vòng vài giờ tới".
"Về cuộc tấn công hiện tại thì sao?" Tổng thống ngắt lời.
"Tôi không biết liệu những người nắm quyền ở Bình Nhưỡng có quyền lực đề ngừng cuộc tấn công không. Về điều đó, người ta phải tự rút ra quyết định của mình. Và một điều khác: một khi ngừng bắn được đảm bảo, chúng tôi muốn người Mỹ rút đi trong vòng một tháng".
Chiếc tăng T-62 đầu tiên của Bắc Triều Tiên lăn bánh qua Khu Phi quân sự dường như người lái đang trong trạng thái điên rồ trước khi đâm sầm vào một trong những ngôi nhà trong làng đình chiến và lao thẳng về phía các vị trí quân sự của Nam Triều Tiên. Quân đồng minh chặn nó lại bằng một tên lửa chống tăng. Rồi pháo của Bắc Triều Tiên cất lên dữ dội. Bốn người Mỹ chết vì một quả pháo nổ ở Trại Greaves. Sáu người bị thương, 5 máy bay lên thẳng, 2 chiếc bắn rốcket và súng máy hạng nặng yểm trợ, bay đến chở đi những người chết, người bị thương và những người còn sống sót. Trại Greaves trống rỗng khi những chiếc xe tăng T-62 của Bắc Triều Tiên phá vỡ hàng rào bên ngoài. Pháo của Bắc Triều Tiên bị phá hủy bởi bom điều khiển và tên lửa bắn từ các máy bay, tàu chiến và các địa điểm khác trên mặt đất. Con đường quốc lộ chạy về phía Bắc đến Bình Nhưỡng vương vãi đầy mảnh cháy trụi của những chiếc xe bọc thép. Lửa hoành hàng phía dưới mặt đất trong những đường hầm và hang động. Nhưng không giống Đội Cận Vệ Cộng hòa của Saddam Hussein trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh 10 năm trước, cần phải mất nhiều thời gian hơn để làm tê liệt bộ máy quân sự của Bắc Triều Tiên.
Hàng chục nghìn quân tràn xuống phía Nam. Một số chạy ngang qua cánh đồng. Thoạt đầu, khi họ vượt qua giới tuyến, họ chết như rạ bởi đạn súng máy hay mìn nổ. Những người khác tiến vào bằng số đông áp đảo qua hàng chục đường hầm đã được đào trong nhiều năm nhưng không được sử dụng. Những chiếc xe lội nước chở các đơn vị cỡ trung đội giảm tốc độ ở mức 40 hải lý đổ quân xuống bất cứ chỗ nào chúng thấy có thể thích hợp để cập bờ. Các máy bay chở quân Antonov thả quân nhảy dù. Hàng trăm người bị bắn chết khi họ nhảy dù xuống. Các máy bay chở đầy người bị nổ tung trên bầu trời. Vào đầu giờ chiều, khi cuộc tấn công mặt đất của Bắc Triều Tiên ở vào cao điểm của nó, có vẻ như pháo đài Boniface sẽ phải bỏ lại. Một đơn vị biệt kích của Bắc Triều Tiên thâm nhập những boongke bên ngoài và đã diễn ra cuộc đánh nhau giáp lá cả trên phòng tuyến xếp bằng bao cát. Nhưng người Mỹ đã dựng một hàng rào bảo vệ bằng hỏa lực máy bay lên thẳng quanh căn cứ và chẳng bao lâu cuộc phản công với sức mạnh tàn phá khủng khiếp của Nam Triều Tiên và Mỹ đã chấm dứt làn sóng tiến quân đầu tiên của kẻ thù.
Các cuộc giao tranh lẻ tẻ vẫn tiếp tục khi Đài phát thanh Bình Nhưỡng loan báo một sự thay đổi chính phủ ở Bắc Triều Tiên. Nó phát đi một lệnh ngừng bắn và trong vòng một giờ sau khi tin này được mọi người biết đến, một máy bay quân sự Boeing 737 của Trung Quốc, được nghênh đón trên biên giới phía Bắc bởi các máy bay chiến đấu F-16 của Nam Triều Tiên bay theo hộ tống, đã hướng về Bình Nhưỡng. Quân lính tiến về phía Nam rơi vào tình trạng hỗn loạn. Chẳng bao lâu họ biết rõ là họ không có ai chỉ huy và trong những giờ tiếp theo nhiều người trong số những người bị bắt ở những vị trí tiền tiêu đã đổi từ tình trạng là kẻ thù sang tình trạng là những người nông dân tị nạn tìm nơi ẩn náu dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.
Tại một căn cứ không quân gần Bình Nhưỡng, các quan chức Trung Quốc và Nam Triều Tiên bước xuống máy bay được các vị chủ nhà trong giới quân sự Bắc Triều Tiên ra đón. Một hiệp ước tạm thời, do Trung Quốc làm trung gian, đã được ký trong một tòa nhà ọp ẹp và không có lò sưởi mà sau đó đã trở nên nổi tiếng như những tòa nhà quanh Bàn Môn Điếm. Các bức ảnh chụp những người tham gia kín mít trong những chiếc áo bành tô quần đảo khi họ ký tên vào văn kiện này.
Văn kiện tuyên bố rằng Bán đảo Triều Tiên sẽ được tái thống nhất theo một nước hai chế độ. Giới tuyến dọc vĩ tuyến 38 sẽ được giữ nguyên để đảm bảo rằng Nam Triều Tiên không bị tràn ngập dân tị nạn. Sẽ có hai đồng tiền riêng rẽ. Nhưng đường biên giới sẽ được mở cửa cho buôn bán và đầu tư và trong quá trình dần dần, hai xã hội và chính phủ sẽ hợp nhất hoàn toàn. Các đài kỷ niệm Lãnh tụ Vĩ Đại Kim Nhật Thành sẽ được giữ nguyên vẹn, cũng như triết lý Chủ Thể của ông. Một vài đài kỷ niệm Kim Jong II sẽ bị phá bỏ. Bản thân Kim Jong II sẽ vẫn trong tình trạng quản thúc vô thời hạn ở Diên Cát. Một khi cuộc khủng hoảng Cuộc Tấn Công Của Con Rồng kết thúc, những lễ kỷ niệm quân sự chung về thống nhất đất nước sẽ được tổ chức ở cả Bình Nhưỡng lẫn Seul. Điều khoản cuối cùng của hiệp ước quy định rằng tất cả các lực lượng nước ngoài sẽ được yêu cầu rời khỏi bán đảo này một khi nền hòa bình thực sự đã được khôi phục.
SÂN BAY THỦ ĐÔ, BẮC KINH
Giờ địa phương: 10h00' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 02h00' thứ Năm 22/02/2001
Ngay sau khi chiếc máy bay quân sự Boeing 707 của Mỹ bay vào không phận của Trung Quốc, nó được nghênh tiếp bởi 4 chiếc máy bay chiến đấu tiêm kích Thẩm Dương J-6c Farner. Những chiếc máy bay già nua này được sao chép từ những chiếc Mig-19 của Liên Xô được thiết kế từ năm 1960. Chúng không địch nổi những chiếc Tomcat của Mỹ trong chiến đấu phía trên Biển Nam Trung Hoa. Trong khi những sinh mạng của người Mỹ, Anh và Trung Quốc bị mất đi trong chiến tranh, thì những phi công lái máy bay chiến đấu của Trung Quốc này lại bay theo sau chiếc Boeing và tiếp tục cùng bay với nó cho đến lúc nó hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Thủ Đô của Bắc Kinh. Đây là chiếc máy bay của nước ngoài duy nhất ở đó. Tất cả các máy bay dân sự quốc tế đã rời Trung Quốc trong 48 giờ qua. Đội máy bay dân sự của Trung Quốc hoặc là ở nguyên trên mặt đất hoặc được sử dụng để chở quân. Thậm chí trong chuyến bay này, chuyến đầu tiên từ Seattle đến Tokyo và sau đó tiếp tục đến Bắc Kinh, Reece Overhalt không bao giờ tưởng tượng được ga hành khách ở Bắc Kinh lại có thể biến đổi thành một căn cứ quân sự nhanh đến như vậy. Những tấm ngụy trang đã được tháo bỏ khỏi những vị trí phòng không trên những cánh đồng bụi bặm quanh đường băng. Những dãy máy bay oanh tạc và tấn công mặt đất trong mọi thời tiết Sukhoi Su-24 Fencer-C cùng với những chiếc Thẩm Dương J-6C đỗ ở nơi mà chiếc Boeing 747 của hãng United Airlines và British Airways đã đỗ chỉ cách đây một tuần. Hai chiếc Boeing 747 của Hàng Không Trung Quốc đỗ cạnh các đường ống dẫn khách lên máy bay tại một trong những tòa nhà ga chính nơi máy bay của Overhalt đỗ. Khi ông bước xuống máy bay, hàng trăm lính Trung Quốc đang đi loanh quanh, đợi lên máy bay để triển khai ở biên giới Việt Nam.
Các quan chức sứ quán Mỹ gặp Overhalt gần quầy chỉ dẫn chính. Trên đường xuống hành lang rộng dẫn tới Phòng Đến, ông thấy các sĩ quan đang họp trong Phòng Đợi dành cho khách hạng nhất. Vang lên tiếng động của những đôi ủng quân sự và vũ khí, của một nước sắp bước vào tình trạng chiến tranh. Các quầy làm thủ tục Nhập cư và Hải quan không có người. Các đội lái xe bọc thép chở quân đứng thâu đêm ở nơi mà những chiếc ô tô của khách sạn và tắc xi vẫn đỗ chỉ cách đó một tuần. Các điểm kiểm soát quân sự được dựng lên hai bên đường cao tốc từ sân bay vào Bắc Kinh. Chiếc Lincoln Continental của Sứ quán đi chậm lại ở mỗi trạm kiểm soát vả được phép đi qua. Một phi đội máy bay chiến đấu của Trung Quốc cất cánh và gầm rú trên đầu trên đường đi tham chiến với Nhật Bản ở các biển Hoàng Hải và Đông Trung Hoa.
BIỂN NAM TRUNG HOA
Giờ địa phương: 10h15' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 02h15' thứ Năm 22/02/2001
Nhóm tàu chiến của Anh và Khối Thịnh Vượng Chung dẫn đầu là tàu sân bay HMS Ark Royal đang phải tự vệ, chủ yếu trước cuộc chiến tranh tàu ngầm kiểu du kích của Trung Quốc. Tàu Ark Royal và các tàu hộ tống của nó bị mắc vào mạng lưới các tàu ngầm Romeo và Ming đang tiến hành tuần tra ở quần đảo Trường Sa theo từng khu vực. Mỗi chỉ huy tàu ngầm được lệnh tấn công bất cứ tàu nào đi vào khu vực kiểm soát của nó. Các tàu ngầm điêzen-điện rất lặng lẽ đợi các mục tiêu đến gần chúng. Thuyền trưởng tàu Ark Royal viết trong nhật ký rất giống như một cuộc tuần tra trong rừng nơi kẻ thù ẩn náu trong những bụi cây và một kẻ bắn tỉa có thể tấn công bất cứ lúc nào.
"Tôi nhớ đến những bộ phim về chiến tranh du kích trong rừng. Cái khác duy nhất là chúng tôi đang ở giữa biển khơi, với những khoảng trời trong xanh và một đường chân trời rõ ràng. Đó là một sự trống rỗng đáng sợ, chúng tôi biết kẻ thù đang ở trong lòng biển bên dưới chúng tôi. Chúng tôi ý thức được là họ sẽ không quan tâm đến việc mất 3 hay 10 tàu vì chiếc tàu của chúng tôi. Nhưng đối thủ của chúng tôi là những người lái tàu ngầm chân đất của Mao. Chúng tôi là hải quân sử dụng kỹ thuật số của NATO. Chúng tôi đã thấy một số tàu của họ. Nhưng hầu hết họ ẩn núp như những kẻ bắn tỉa, xem khinh công nghệ của chúng tôi. Chỉ khi chúng tôi phát hiện ra dấu vết của quả ngư lôi thì chúng tôi mới biết mình bị tấn công. Và vào lúc đó thường là quá muộn. Khi điều đó kết thúc, tôi cảm thấy bực, với tư cách là một sĩ quan hải quân, phải cúi chào lòng dũng cảm và táo bạo của họ".
Chiếc tàu đầu tiên bị tấn công là tàu HMS Liverpool. Một quả ngư lôi nổ cách 3 mét phía dưới thân tàu. Sức ép của vụ nổ phá hỏng phòng máy, giết chết 23 người. Rồi đến một cú va trực tiếp ở phía đuôi tàu. Năm người nữa chết bởi tác động ban đầu. 17 người nữa chết vào lúc con tàu chìm. Nửa giờ sau thủy thủ đoàn của tàu ngầm tấn công HMS Triumph đã tránh được một loạt 3 quả ngư lôi của Trung Quốc. Viên chỉ huy ban đầu tăng tốc, rồi chuyển hướng và giảm tốc độ. Những quyết định của ông phần nào dựa trên cơ sở suy đoán rằng các quả ngư lôi của Trung Quốc là cùng kiểu với ngư lôi đã đánh chìm chiếc tàu USS Peleliu và sẽ không đổi hướng đi khi gặp phải những biện pháp đối phó. Vài phút sau ông quyết định tiêu diệt chiếc tàu Romeo bằng một quả ngư lôi Spearfish điều khiển bằng dây. Các máy bay lên thẳng Merlin từ tàu Ark Royal đánh trúng một tàu ngầm khác bằng cách sử dụng phao thủy âm và ngư lôi Stingray. Tàu HMAS Rankin, tàu ngầm lớp Collins của Ôxtrâylia là chiếc tàu duy nhất có thể đương đầu với các tàu ngầm Trung Quốc. Bằng việc áp dụng những chiến thuật của Trung Quốc và yên lặng chờ đợi, đôi khi dưới biển, chỉ huy tàu Collins đã đánh gục 2 kẻ thù nữa, khiến ông trở thành thủy thủ tàu ngầm bắn trúng nhiều tàu nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II. Ông trở về căn cứ hải quân Darwin như một người anh hùng.
HOLLYWOOD, LOS ANGELES, CALIFORNIA
Giờ địa phương: 19h00' thứ Tư 21/02/2001
Giờ GMT: 03h00' thứ Năm 22/02/2001
Không có loan báo chính thức nào từ Nhà Trắng, Lầu Năm Góc hay Bộ Ngoại Giao, nhưng trong vòng một giờ khi những bức ảnh vệ tinh đến bàn Tổng thống, hãng CNN đã kịp đưa tin về một cuộc tấn công hạt nhân sắp xảy ra. Hệ thống truyền hình này, với những tin tức được phát đi liên tục, thậm chí đã bỏ những chương trình hiện có theo thường lệ. Các hãng cạnh tranh làm theo và chẳng bao lâu mọi kênh đều là một sự pha trộn những lời bình luận của các nhà phân tích và những bài tường thuật tại chỗ của các phóng viên khắp nước Mỹ. Sự suy đoán bắt đầu đưa ra từ khả năng duy trì sự kiểm soát của các lực lượng an ninh, và sau đó chuyển sang tác động đối với hệ thống y tế, thông tin liên lạc, giao thông và ngân hàng.
Một người điều khiển chương trình nêu câu hỏi: "Ngài nói với chúng tôi rằng nếu một quả bom hạt nhân rơi trúng nước Mỹ, thì cơ sở hạ tầng của chính phủ sẽ không có khả năng đối phó với điều đó?"
Bình luận viên trả lời: "Tôi có nói với các vị rằng mọi người tốt hơn là nên đảm bảo rằng họ có tiền trong túi, có đủ đồ ăn trong bếp, một thùng gas đầy, một bộ dụng cụ sơ cứu mới nhất và nhận thức rằng sẽ không ai chăm lo cho gia đình mình ngoài bản thân mình".
Không ai biết chắc điều gì gây ra tâm trạng náo loạn này, nhưng đó là điều có lẽ được đăng tải nhiều nhất. Hành động cướp phá đầu tiên chính thức có liên quan đến Chiến dịch Cuộc Tấn Công Của Con Rồng là diễn ra ở một cửa hàng bán đồ ăn nhanh ở Hollywood. Một người chứng kiến nói bà nghĩ đó là một vụ bắn nhau của những kẻ lái xe ngang đường và đã tìm nơi ẩn nấp trong một cái ngõ nhỏ cách cửa hiệu này 2 khối nhà. Những kẻ tấn công vào chiếc cửa lớn rộng từ mặt đất lên sát trần bằng những vũ khí tự động và một súng trường ổ quay. Rồi họ lùi một chiếc xe chở hàng vào vỉa hè và chất đồ ăn vào phía sau. Họ bắn chỉ thiên và rút đi. Cảnh sát ghi vào sổ thời gian là 19 giờ 17 phút. Vào nửa đêm, các bệnh viện, trạm gas, và siêu thị khắp cả nước đều bị cướp phá.
NHÀ TRẮNG, OASINHTƠN, DC
Giờ địa phương: 22h30' thứ Tư 21/02/2001
Giờ GMT: 03h30' thứ Năm 22/02/2001
Ông Jiang Hua, Đại sứ Trung Quốc, là một con người có lòng tự trọng cao và không bao giờ biết chán trong việc nhắc cho mọi người nhớ việc đó. Ông lao vào Phòng Bầu Dục, xin lỗi vì bị tắc đường và không nhắc gì đến việc bị triệu đến Nhà Trắng vào một giờ muộn như vậy. Ông vẫn điềm tĩnh ngay cả khi Tổng thống, từ bỏ thái độ lịch sự ngoại giao, tỏ thái độ đối dịch với ông. Tổng thống bắt đầu: "Nhân danh chúa, chính phủ ngài nghĩ là họ đang làm gì vậy?" Ông quăng chiếc cặp giấy chứa đầy những bức ảnh tình báo lên chiếc bàn cà phê trước mặt Đại sứ.
Mọi người trong phòng đều đứng. Vị Đại sứ vẫn giữ im lặng trong gần nửa phút rồi trả lời: "Tôi không biết ngài đang nói về cái gì, thưa Tổng thống".
Tổng thống trả lời thẳng thừng: "Đừng có giả câm giả điếc, ngài Đại sứ. Những tấm ảnh này cho thấy các tên lửa của Trung Quốc đang được chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào Mỹ".
Vị Đại sứ xê dịch đôi chân. "Tôi đã được chỉ thị thông báo với ngài rằng chính phủ Trung Quốc chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. Liệu tôi có thể chỉ ra rằng Mỹ đã trơ tráo ủng hộ những hoạt động chia rẽ nhóm phiến loạn chống nhân dân Trung Quốc không? Các ngài đã bán vũ khí tối tân cho những kẻ thù của chúng tôi và cung cấp nơi trú ẩn cho những kẻ đang tìm cách lật đổ chính phủ của chúng tôi. Do vậy, điều cần thiết, cần thiết một cách có sức thuyết phục và kiên quyết, là đánh trả những hành động can thiệp, lật đổ và đe dọa bằng bạo lực láo xược của những kẻ bá quyền Mỹ. Các sĩ quan và binh lính thuộc các đơn vị hải, lục, không quân đang sẵn sàng nhận lệnh từ Đồng chí Vương Phong và Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc".
"Ngài Đại sứ, tôi đề nghị ngài quay trở lại sứ quán của ngài và nói với Chủ tịch Vương hãy rút bỏ những tên lửa này. Khi có dấu hiệu đầu tiên tên lửa được phóng, chúng tôi sẽ phá hủy tan tành Trung Quốc."
TÀU SSBN HMS VENGEANCE, BIỂN CHUKCHI, BẮC CỰC
Giờ địa phương: 16h45' thứ Tư 21/02/2001
Giờ GMT: 03h45' thứ Năm 22/02/2001
Chỉ huy tàu ngầm tên lửa chiến lược HMS Vengeance lớp Vanguard nhận được lệnh chuẩn bị cho một cuộc phóng hạt nhân từ một bức điện qua rađio tần số cực thấp xuyên qua chỏm băng mà ông đang đi tuần ở phía dưới. Mọi mục tiêu ở bán cầu Bắc đều nằm trong tầm bắn từ những vùng biển quanh Bắc Cực, nơi các tàu ngầm Liên Xô và NATO trước đây thường kéo đến trong trò chơi mèo vờn chuột đông đúc thời Chiến tranh Lạnh. Tàu HMS Vengeance hoạt động trong tình trạng biết chắc chắn là không có một tàu ngầm Trung Quốc nào ở đó lúc này. Tàu ngầm Trung Quốc không được huấn luyện thực sự ở vùng biển lạnh. Tàu HMS Vengeance được bảo vệ bởi tàu ngầm tấn công HMS Trenchant lớp Trefalgar, mà các nhân viên điều khiển thiết bị phát hiện tàu ngầm của nó đang theo dõi một tàu ngầm tấn công lớp Akula. Tàu Akula theo sau tàu HMS Vengeance khi tàu này đang xúc tiến các công việc chuẩn bị phóng tên lửa. Trong phòng điều khiển, máy tính vẫn còn tự động xếp các tàu của Nga vào danh sách kẻ thù.
Trong vòng một giờ viên chỉ huy đã tìm ra khe băng hay vùng nước trống bao quanh là băng mà xuyên qua đó ông có thể phóng các tên lửa Tredent 11 (D5). Mọi hành động của ông đều được thẩm tra bằng thiết bị điều khiển vũ khí Weapons Engineer của ông: chúng giữ những chìa khóa riêng rẽ cần cho việc phóng. Mỗi tên lửa mang một rốcket ba tầng sử dụng nhiên liệu đặc và mang 8 tên lửa đạn đạo tấn công MIRV với các đầu nổ 100 kiloton. Các vệ tinh Trung Quốc có thể phát hiện ra việc phóng tên lửa này 15 giây trước khi nó diễn ra, do mặt nước cuộn lên và tạo ra bọt nước trắng quanh chiếc tàu ngầm chìm dưới nước khi những cánh cửa khoang chứa tên lửa được mở ra. 4 giây sau khi phóng biển sẽ bắt đầu nổi sóng dữ dội. Tiếp đó một tiếng trầm đục bắt đầu giống như một tiếng sét lớn. Xung quanh, biển trở nên xáo động và trong một mớ hỗn độn bụi nước, lửa, và bọt quả tên lửa nổi lên khỏi biển và hướng tới mục tiêu của nó cách xa 5.000 km.
Quả tên lửa đầu tiên được đặt chương trình nhằm vào mục tiêu mang mã số DGZ-1 ở Bắc Kinh. Trong Chiến tranh Lạnh, DGZ-1, điểm chính xác mà đầu đạn hạt nhân sẽ nổ, là lăng Lênin ở Hồng Trường. Ở Trung Quốc DGZ-1 là lăng Mao Trạch Đông trên quảng trường Thiên An Môn nằm ở tọa độ 116 độ 23 phút 35 giây kinh độ Đông và 39 độ 53 phút 58 giây vĩ độ Bắc. Trong cùng loạt tên lửa bắn đi, khu vực phía Nam của Trung Nam Hải sẽ bị phá hủy ở tọa độ 116 độ 22 phút 40 giây kinh độ Bắc và 39 độ 54 phút 25 giây vĩ độ Đông; và nơi cung cấp thực phẩm bí mật của Đảng tại Tiancun Lu, phía Tây Bắc Kinh, ở tọa độ 116 độ 14 phút 50 giây kinh độ Bắc và 39 độ 55 phút 45 giây vĩ độ Đông.
Các tọa độ mục tiêu đã được đặt chương trình trong các máy tính của tên lửa bằng mật mã. Ngay cả những người ấn nút phóng cũng không biết chúng hướng tới đâu.
Để giữ một khoảng cách an toàn với tàu ngầm của Nga, chỉ huy tàu HMS Trenchant đã làm công khai sự có mặt của hải quân Anh bằng việc mở các lỗ thông hơi chính và cho nổ các thùng chất thải. Chỉ huy tàu Akula đáp lại bằng một tín hiệu khẽ thông qua thiết bị Shark Gill phát hiện tàu ngầm của anh ta. Nga đang theo dõi nhưng không can thiệp. Gần với mặt nước, tàu HMS Vengeance lần theo một tín hiệu điện báo tần số rất thấp. Thủy thủ đoàn chờ đợi lệnh bắn.
TRUNG TÂM CHỈ HUY KHÔNG GIAN MỸ
CĂN CỨ KHÔNG QUÂN PETERSON, COLORADO
Giờ địa phương: 21h00' thứ Tư 21/02/2001
Giờ GMT: 04h00' thứ Năm 22/02/2001
Tín hiệu từ mọi nguồn trinh sát chiến lược và vệ tinh tình báo đều được chuyển về Trung tâm Chỉ huy không gian Mỹ. Những thiết bị thu nhận được theo dõi trong các vệ tinh thuộc hệ thống phát hiện các vụ nổ hạt nhân NAVSTAR. Các dữ liệu từ các hệ thống báo động sớm tên lửa đạn đạo tại Thule ở Greenland và Fylinhdales Moor ở Anh được theo dõi từng giây một. Các kíp trực rađa đã được đặt trong tình trạng báo động cao tại các trạm ở Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, Diego Garcia, và khắp nước Mỹ. Các giàn rađa Pave Paws đặc biệt ở Massachusetts, Georgia, Texas và California theo dõi các mục tiêu ở cách xa hơn 5.000 km. Các rađa phát hin và theo dõi các hoạt động trên Đảo san hô Kwjalein ở Thái Bình Dương, đảo Ascansion Island của Anh ở Đại Tây Dương, Antigua ở vùng biển Caribê, và tại Phòng Thí nghiệm Lincoln, Viện Công nghệ Massachusetts.
Cũng như tàu HMS Vengeance, các chỉ huy của tàu ngầm mang tên lửa chiến lược của Mỹ USS Nebraska và USS Louisiana lớp Ohio ở Bắc và Nam Thái Bình Dương và tàu USS Rhode Island đang hoạt động ở phía Bắc Cực đều được lệnh sẵn sàng phóng tên lửa Trident. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, Guam và Nhật Bản, các máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ đã được gắn những quả bom hạt nhân có điều khiển. Ở hai nhóm tàu sân bay của Mỹ, các tên lửa hành trình Tomahawk, phần lớn trang bị các đầu đạn 200 kiloton, hiện sẵn sàng cho việc bắn đi. Ở các vùng sa mạc miền Trung nước Mỹ, các nhân viên kỹ thuật đã chuẩn bị sẵn sàng cho các tên lửa xuyên lục địa Peacekeeper và Minuteman III dưới những xilô bê tông cốt thép sâu 25 mét, được ngụy trang bằng những chiếc nắp bằng thép có thể di chuyển. Các xilô này nằm cách nhau ít nhất là 6 km nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự thiệt hại của một cú bắn trực tiếp. Trung tâm kiểm soát khu vực nằm cách đó 18 km và kíp trực của Bộ chỉ huy Không vận khẩn cấp quốc gia đã tiến hành tuần tra những vùng trời giả thiết họ phải đảm nhận. Cả hai loại tên lửa Minuteman và Peacekeeper đều mang các đầu hạt nhân 331 kiloton W-78 và có thể bắn trúng các mục tiêu cách xa gần 12.000 km. Tên lửa Peacekeeper, với 10 đầu riêng rẽ và một hệ thống máy tính có thể xử lý 2 triệu phép tính trong 1 giây, đã tiếp nhận vai trò của Minuteman là hệ thống phòng thủ tuyến đầu trong chương trình ICBM. Khi Mỹ và châu Âu đứng trước khả năng một cuộc chiến tranh hạt nhân với Trung Quốc, các tên lửa đã được cài chương trình để đánh vào mục tiêu là các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Đại Liên, Thành Đô, Cáp Nhĩ Tân và Thẩm Dương. Quảng Đông không bị chọn làm mục tiêu vì khả năng có thể bắn trượt sang Hồng Kông, Hạ Môn và Phúc Châu thoát vì chúng nằm gần Đài Loan. Sở chỉ huy của hạm đội Bắc Hải ở Thanh Đảo, hạm đội Đông Hải ở Ninh Bạc, và hạm đội Nam Hải ở Trạm Giang sẽ bị phá hủy cùng với các căn cứ không quân và tàu ngầm trên đảo Hải Nam. Các mục tiêu cụ thể khác là các học viên hải quân ở Đại Liên và Thanh Đảo, Học viện kỹ thuật ở Vũ Hán và Học viện tham mưu hải quân Nam Kinh.
Mục tiêu của cuộc tấn công là tiêu diệt Quân giải phóng Nhân dân và Đảng Cộng sản Trung Quốc.
TÔKYÔ
Giờ địa phương: 13h30 thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 02h30 thứ Năm 22/02/2001
Các kênh truyền hình của Nhật Bản đều minh họa các cuộc bắn thử tên lửa bằng những đồ thị màu sắc sặc sỡ. Những đám đông tụ tập xung quanh tủ kính các cửa hàng bán vô tuyến trên đường đi làm về. Những màn hình khổng lồ tại sân bay, bến xe, ga tàu điện ngầm đều chiếu cảnh bắn 4 quả tên lửa đạn đạo tầm trung từ Okinawa và 4 tên lửa hành trình bay theo địa hình kiểu Tomahawk do Trung Quốc chế tạo từ con tàu khu trục Myoko và Kirishima lớp Kongou cách 1.000 km về phía Nam trong Biển Nam Trung Hoa. Hai tên lửa hành trình và hai tên lửa đạn đạo rơi ngoài khơi cách bờ biển Trung Quốc 3 km gần Thiên Tân, một thành phố cảng chỉ cách Bắc Kinh 120 km. Một quả tên lửa đạn đạo khác rơi xuống vùng biển ngay bên ngoài căn cứ hải quân Trạm Giang ở miền Nam và quả thứ tư rơi ở cửa sông Dương Tử gần Thượng Hải. Một quả tên lửa hành trình rơi ở ngoài khơi gần căn cứ không quân Du Lâm trên đảo Hải Nam và quả cuối cùng được nhằm vào vùng biển xung quanh Hạ Môn, thành phố cảng đang ngày càng trở nên phồn thịnh nằm bên bờ biển eo biển đối diện Đài Loan. Không tên lửa nào mang đầu nổ. Các bình luận viên truyền hình được hỗ trợ bởi những đồ thị đã giải thích về các cuộc bắn thử tên lửa có kèm theo việc nổ hạt nhân, khẳng định rằng Nhật Bản giờ đây đã là một cường quốc quân sự toàn cầu. Chỉ riêng số lượng đầu đạn hạt nhân mà Nhật Bản có thể bắn vào kẻ thù cũng đã có nghĩa là một vài quả sẽ xuyên thủng hàng rào phòng thủ và sẽ không có được sự bảo vệ nào. Dân chúng khắp Nhật Bản ăn mừng cả ngày. Không hề có sự chỉ trích nào của các cường quốc phương Tây đối với các vụ bắn thử này.
ĐẠI SỨ QUÁN MỸ, BẮC KINH
Giờ địa phương: 21h30 thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 02h30 thứ Năm 22/02/2001
Động cơ của chiếc Lincoln Continental của Đại sứ đang khởi động, hệ thống điều hòa đang sưởi ấm không khí trong xe chuẩn bị cho Reece Overhalt trên đường tới Bộ ngoại giao. Tuy vậy, người lái xe vẫn đi ra chiếc cổng sắt để xác định xem có đúng tiếng ầm ĩ mà anh ta đang nghe thấy từ khu phố Xiu Shui chật hẹp với hàng cây thẳng tắp trong khu ngoại giao của Bắc Kinh là một cuộc biểu tình của sinh viên không? Anh ta chưa bao giờ chứng kiến cảnh này ở Trung Quốc kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa cách đây 30 năm. Đối với nhiều nhân viên sứ quán là người địa phương làm thuê, nhiều người đã ra ngoài khu nhà Sứ quán để theo dõi, thì tiếng hò theo nhịp đó đã làm sống lại những kỷ niệm khủng khiếp của cuộc bạo loạn bị những phần tử Maoít kiểm soát đã giết chết quá nhiều bạn bè và người thân của họ. Khu sứ quán với những bãi cỏ và cây thích, cây linh sam cao xanh rờn bắt đầu đầy kín người, người Mỹ và người Trung Quốc im lặng đứng bên nhau trong lúc đám người biểu tình tiến lại gần. Tòa nhà được bảo vệ bằng những hàng rào chướng ngại vật bê tông chống được tên lửa và lựu đạn. Viên trung sĩ thủy quân lục chiến đã bố trí thêm người phía trong cổng. Một hàng người ngắn đang xếp hàng để vào Sứ quán đã giải tán. Khách mua hàng người nước ngoài từ các khu chợ lân cận vội vã chuồn hết.
Những người lãnh đạo cuộc biểu tình từ trường Đại học Nhân dân Bắc Kinh, quê hương tinh thần của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ đã tản ra khắp khu Kiến Quốc Môn Nội, chặn hết các ngả đường dẫn tới nhiều Đại sứ quan chính. Nhiều người quấn khăn đỏ. Số khác thì mặc bộ quần áo màu xanh Maoít. Một số người vẫn mặc những chiếc quần bò kiểu phương Tây và Nhật Bản, một số làm bằng nhựa, một số bằng bìa các-tông và gỗ dán. Bên ngoài Sứ quán Mỹ, họ tưới xăng lên hình nộm những chiếc thang gấp cho thật căng rồi dùng dao rạch nát trước khi châm lửa đốt. Một sinh viên, ăn mặc giống Chú Sam trong bộ quần áo Sao và Vạch, bị kéo lên phía trước. Họ treo quanh cổ anh ta tấm biển mang dòng chữ: "Tôi là kẻ phản bội nhân dân". Họ chụp lên đầu anh ta một chiếc mũ tai lừa hình lăng trụ, rồi bắt anh ta quỳ xuống trước cổng cách đám lính thủy đánh bộ đứng gác vài bước chân. Họ dúi đầu anh ta xuống, bắt anh ta cho hai tay ra sau lưng rồi làm động tác như đấm đá, tát và phỉ nhổ anh ta. Khu sứ quán giờ đây đã bị bao vây. Sinh viên từng người một bước lên phía trước đám đông để tố cáo Mỹ. Cùng diễn ra những cảnh bày tỏ sự tức giận tương tự của người Trung Quốc bên ngoài các sứ quán của những nước đã phản đối Cuộc Tấn Công Của Con Rồng. Cách đó vài trăm mét, các lối vào sứ quán Anh và tư dinh của ông Đại sứ đều đã bịt kín. Người ta ném pháo qua cổng. Bên ngoài khu ngoại giao, sát khu du lịch chính của Bắc Kinh, binh lính vũ trang và mặc đồng phục thuộc Trung đoàn Bảo vệ Trung ương đang tuần tra, bảo đảm không một ai can thiệp. Tân Hoa Xã gọi đó là "sự bộc lộ tâm trạng tức giận tự phát".
Reece Overhalt đã chậm nửa giờ cho cuộc gặp với Jamie Tống khi ông gọi điện thoại cho Ngoại trưởng thận trọng đưa ra lời giải thích. Sự bóng gió duy nhất ám chỉ cuộc biểu tình đã nằm ngoài tầm kiểm soát của ông là khi ông nói: "Việc chọn thời điểm tiến hành biểu tình là điều không may cho các cuộc thảo luận công việc của chúng ta".
Overhalt đã quen với những giọng điệu của Trung Quốc. Tuy vậy, ông quyết định đóng vai một kẻ ngốc nghếch văn hóa của phương Tây. Ông tin rằng thái độ thẳng thừng là cách thức hữu hiệu nhất để chuyển một thông điệp qua những nhân viên đang nghe trộm điện thoại của Bộ an ninh Quốc gia. "Jamie, chúng tôi đã đặt lực lượng tàu ngầm vào tình trạng sẵn sàng bắn. Nếu chúng tôi chỉ cần thấy một động tác chuẩn bị phóng các tên lửa của các ngài thì ngài, tôi và những sinh viên kia sẽ bị cháy rụi".
"Họ sẽ không làm việc đó trong khi ngài đang ở đây, Reece ạ".
"Có quái gì mà họ không dám làm, Jamie. Và, có nhiều người ở Lầu Năm Góc nghĩ rằng chúng tôi lẽ ra phải làm việc đó sớm hơn rồi".
THÔNG BÁO TIN TỨC
Ảnh hưởng của một vụ nổ hạt nhân đối với một thành phố Nhật Bản
Những ngôi nhà và những khối nhà thấp tầng của Nhật Bản được xây cất đề phòng sập. Lịch sử các cuộc động đất triền miên đã buộc người Nhật Bản phải xem việc xây dựng nhà cửa chỉ là những cấu trúc thực chất mang tính chất tạm bợ. Đây là một tư duy đã được củng cố bởi nghi lễ hoàng gia. Ở phía Nam Tôkyô, trên bá đảo Ise, là khu Đại diện thờ Shinto ở Ise. Khu đền này được xây cất để tưởng niệm việc hình thành dòng dõi hoàng tộc trong sương mù của thời gian và được các nhà sư dòng Shinto bảo trì. Từ năm 478 sau Công nguyên, cứ hai mươi năm một, họ lại dỡ bỏ và xây dựng lại khu điện thờ này. Đôi lúc một vụ động đất mạnh đã phá hủy mọi thứ - như năm 1923, hay vụ động đất Kobe năm 1995 đã phá hủy thành phố cảng này - nhưng phần lớn thời gian, nhà cửa và các căn hộ của dân chúng đều luôn bị đung đưa và lắc mạnh bởi các vụ chấn động lớn nhỏ gần như liên tục. Do vậy, nhà ở của họ thường có trọng lượng nhẹ - gồm khung gỗ và tường bêtông cốt thép - và được xây dựng để có thể lắc lư theo sự vận động của Trái Đất. Nếu vụ động đất mạnh làm đổ thì các tòa nhà này có thể được xây dựng lại với chi phí tương đối rẻ. Những cấu trúc nhẹ, dễ thay đổi là rất thích hợp để qua khỏi những vụ động đất cấp thấp nhưng sẽ là những nơi trú ẩn tồi tệ nhất trong trường hợp diễn ra một cuộc tấn công hạt nhân. Khả năng làm nơ trú ẩn này không nhiều bởi vì chúng đã sụp đổ trước sức ép và gió lớn do một vụ nổ hạt nhân gây ra: những ngôi nhà gần tâm và cách xa nhiều km sẽ bị san phẳng. Việc xây dựng những ngôi nhà và các căn hộ trọng lượng nhẹ ở Tôkyô có nghĩa là những ngôi nhà nào qua khỏi một cuộc tấn công hạt nhân - những ngôi nhà nằm ở ngoại vi vụ nổ - sẽ không còn mấy tác dụng bảo vệ khỏi những tác động của bụi phóng xạ tới mức thực ra là vô ích. Tia gama xuyên qua mái và tường các ngôi nhà mà không hề bị cản trở.
Lời khuyên tốt mà nhà cầm quyền gửi tới dân chúng là hãy sắm riêng một bình cứu hỏa. Do nguyên vật liệu xây nhà ở Tôkyô nên hỏa hoạn rất dễ xảy ra trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân. Đối với những người sống sót qua một cuộc tấn công thì hai ba ngày sau là một quãng thời gian nguy hiểm nhất. Trong thời gian này tốt nhất là ở nguyên trong nhà, vì bụi phóng xạ là cái dễ gây chết người nhất ngay sau vụ nổ hạt nhân. Việc cung cấp lương thực, nước uống và chăn màn được tiến hành tập trung. Mỗi khu vực có thể nuôi sống 300.000 người trong một hai ngày; nó tích trữ 51.000 chiếc chăn, 51.000 chiếu cói, 2.300 nhà vệ sinh lưu động và trong những bể chứa ngầm dự phòng trường hợp khẩn cấp có 52.700 mét khối nước ngọt. Tuy nhiên, số dân chúng sống sót sẽ phải tự tìm đến những nơi an toàn đã được xếp đặt trước, tại đó chính quyền địa phương sẽ phân phối lương thực và thuốc men.
NHÀ GA MONZENNAKA-CHO, KHU KOTO, TÔKYÔ
Giờ địa phương: 15h00' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 06h00' thứ Năm 22/02/2001
Con đường chạy qua lối vào nhà ga Monzennaka-cho trên tuyến tàu điện ngầm Tozai cũng giống như mọi đường phố khác ở Tôkyô. Kế bên cửa hiệu Chozushi bán món Sushi, chỉ cách lối vào nhà ga bốn nhà, là một hiệu bánh kẹo Nhật Bản; kề sát nó là một quán cà phê rẻ tiền, rồi đến là Mr Donuts, một nhà hàng trong mạng lưới các nhà hàng bình dân chuyên phục vụ khách đi tàu thường xuyên, nữ học sinh, các bà mẹ và trẻ em trong khu phố. Với hơn một chục bàn ăn và một quầy đủ chỗ cho hơn một chục người, nhà hàng Mr Donuts thường chen chúc đn hàng trăm khách quen. Trước cửa hàng, hai cô gái nhanh tay bỏ bánh cam vòng vào túi cho khách. Nhà hàng gần như suốt cả ngày lúc nào cũng ầm ĩ náo nhiệt. Cửa ra vào phía Tây của tuyến tàu điện ngầm này nằm ngay bên ngoài nhà hàng Mr Donuts, án ngữ phía bên kia là một cửa hàng ăn đứng bán món soba và tempura. Một phụ nữ ngồi trong quầy bán báo nhỏ xíu nằm kẹt giữa hai cửa ra vào nằm ở hai đầu nhà hàng ăn soba - tempura. Góc phố là đồn cảnh sát khu vực, nằm kẹt giữa kế bên một cửa hàng giầy dép. Kế đến là hiệu bán gà quay Kentucky, một cửa hàng soba nữa, một tiệm cắt tóc, một tiệm rượu và nhà hàng Mc Donald.
Trời lạnh và xám xịt nhưng khu chợ trời vẫn rất tấp nập. Cứ hai lần một tháng, những người bán hàng rong lại tụ tập về phố Mon-naka, dựng sạp trên đoạn hè phố rộng rãi trải dài từ ngân hàng Mitsubishi nằm ở phía đông cách vài khu phố qua ngôi chùa Tomioka Hachiman. Sạp đầu tiên thường bán máy khâu hiệu Brother và chủ sạp đang quảng cáo những công dụng tuyệt vời của việc máy may gia đình. Tiếp đến là các sạp bán kẹo cứng, bánh bao hấp nhân bạch tuộc (takoyaki), bánh monaka, mì ống xào, quần áo lót dành cho quý bà trên 60 tuổi, đồ chơi bằng nhựa, mạng che mặt, chuông gió, gà nướng (yakitori), đồ gốm, băng và đĩa CD sao lậu, rau quả hộp và hoa tươi. Những người bán hàng rong này tụ họp vào ngày 22 hàng tháng, và khi họ xuất hiện, những cư dân lớn tuổi ra chợ đảo một vòng. Cả ngày hôm đó chỉ thấy những tấm lưng còng và gậy chống, và tìm cách đi bộ trên phía hè phố đó là một việc căng thẳng. Tình trạng lộn xộn và tắc nghẽn càng tăng thêm trầm trọng do chủ các cửa hiệu bày bán hàng hóa của họ ra hè, tranh bán với chợ trời.
Các chương trình phát thanh bắt đầu ngay sau 3 giờ chiều. Có tất cả 111 loa truyền thanh công cộng ở khu Koto, trong đó ba chiếc được đặt dọc khu chợ trời. Đồng loạt những loa truyền thanh chuyển từ chương trình âm nhạc tương đối du dương mà chúng thường phát đi sang một giọng nói bình tĩnh của một nữ phát thanh viên khuyên mọi người hãy trở về nhà. Tất cả chỉ có vậy. Lặp đi lặp lại vẫn bằng một giọng nói bình tĩnh, cô phát thanh viên nhắc mọi người nên trở về nhà và tất cả các cửa hàng nên đóng cửa: đang có một tình hình khẩn cấp. Dân chúng dừng lại và chỉ biết nhìn nhau. Một bà già bắt đầu khóc. Trong cửa hàng bán sushi, chủ cửa hàng bật vô tuyến sang kênh NHK, kênh truyền hình quốc gia. Một nữ phát thanh viên trẻ nghiêm nghị loan báo Trung Quốc đang đe dọa tấn công hạt nhân Nhật Bản. Dân chúng nên nghe và làm theo những gì mà các quan chức địa phương nói với họ.
Ngay trước khi các chương trình phát thanh công cộng bắt đầu, người đứng đầu Ủy ban Phòng chống các thảm họa khu Koto đã gửi một thông điệp tới những người làm công tác tình nguyện địa phương qua hệ thống gồm 533 loa công cộng của khu đặt tại nhà những người tình nguyện. Ông này kêu gọi họ hãy chủ động trong việc giúp đỡ những người hàng xóm của họ. "Nếu họ hỏi vì sao thì thông báo với họ rằng Trung Quốc đe dọa ném bom chúng ta". Tình trạng khẩn cấp thường được nói tới và được chuẩn bị phòng ngừa về động đất. Ngày 01/9, ngày diễn ra vụ động đất lớn Kanto năm 1923 tàn phá Tôkyô, được dành riêng cho các công dân tốt của Koto, thực ra là Nhật Bản, thực hành những gì mà họ sẽ phải làm sau một vụ động đất lớn. Ngày 06/08/1945, người Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima; ba ngày sau đó đến lượt Nagasaki. Tuy nhiên, không có một ngày 06/08 được dành riêng để thực hành những gì phải làm trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân. Chính phủ Nhật Bản không có một kế hoạch như vậy để đối phó với cuộc tấn công nguyên tử. Thảm họa duy nhất mà Koto thậm chí chỉ được chuẩn bị một phần để đối phó là một vụ động đất: các quan chức địa phương đã phải sử dụng những thủ tục khẩn cấp trong trường hợp có động đất thông qua hệ thống loa công cộng của khu.
Koto gặp phải vấn đề rắc rối với tình trạng khẩn cấp vào buổi chiều thứ năm đó và họ hoàn toàn không biết phải làm gì.
THÔNG BÁO TIN TỨC
Vạch kế hoạch đối phó với một cuộc tấn công hạt nhân vào Kent
Trung tâm về tình trạng khẩn cấp của hạt Kent (dân số 1,5 triệu người) đặt ở tầng hầm phía dưới khu căngtin cho các văn phòng làm việc của hạt nằm trên phố Sandling ở trung tâm Maidstone. Trung tâm này là một tập hợp những căn phòng không chút hấp dẫn được thiết kế cho thích hợp với thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Tuy vậy, do cuộc khủng hoảng sắp xảy ra nên nhiều người có lý do để cảm ơn nó. Trung tâm này được thiết kế chủ yếu để bảo vệ cư dân trong khu vực trước những ảnh hưởng xấu nhất của bụi phóng xạ từ một vụ nổ hạt nhân. Chỉ 1% mức phóng xạ trên đường phố là có thể thẩm thấu xuống được boong-ke, như những người thiết kế hy vọng. Tuy nhiên, về mặt cấu trúc, cơ sở này chỉ có thể chịu được áp lực do một vụ nổ hạt nhân cỡ khoảng 1 pound trên 1 inch vuông (p.s.i) tạo ra. Một quả bom mêgaton của Trung Quốc sẽ tạo ra áp lực khoảng 126 p.s.i và có hiệu lực tới nửa dặm tính từ điểm phát nổ. Do vậy, một cách ngấm ngầm, những người thiết kế boong-ke này giả định là nếu Maidstone trở thành một mục tiêu thì việc duy trì sự hiện diện của chính quyền địa phương là vô nghĩa khi toàn bộ dân chúng đã bị hủy diệt. Thực ra, do chỉ cách điểm nổ có 1 dặm, nên một quả bom 1 mêgaton cũng tạo áp lực quá 10 p.s.i - quá mạnh đủ làm bật rễ tất cả cây cối, phá hủy tất cả các ngôi nhà, và phá sập hầu hết các tòa nhà cao tầng. Đây chính là quả bom mà một tin của Tân Hoa Xã nói sẽ được phóng vào phía Đông Nam nước Anh.
Trung tâm về tình trạng khẩn cấp này được thiết kế để giúp đỡ 48 người mỗi tháng. Nó có một máy phát điện chạy bằng dầu, một bể nước ngọt, kho lương thực, đủ chỗ cho 16 người ngủ, và một dãy phòng chứa đầy điện thoại - dây điện thoại được treo rũ từ trần xuống - được xếp trên những chiếc bàn dài. Điện thoại là một bộ phận trong một mạng lưới do chính phủ duy trì và hoàn toàn tách rời hệ thống điện thoại dân sự do công ty viễn thông Telecom của Anh sở hữu và điều hành. Trong một căn phòng dưới hầm có một chiếc hộp màu xanh, cỡ bằng một chiếc tủ lạnh. Do công ty Rainford Secure Sysytems of St Helens, gần Liverpool, chế tạo, đây là hộp tổng đài điện thoại và nó được thiết kế để không bị ảnh hưởng bởi xung điện từ (EMP). Thiết bị này sẽ phải bền vững vì một vũ khí hạt nhân một megaton nổ trên mặt đất có thể sinh ra 100 tỷ jun năng lượng. Một phần nhỏ của 1 jun cũng đủ làm hỏng những thiết bị điện tử hiện đại nhất; 1 jun đã đủ làm cho một chiếc điện thoại hay một thiết bị cứu sống nhân tạo của bệnh viện trở nên vô dụng. Thiệt hại lan tràn và bừa bãi như thế đối với tất cả các thiết bị điện và điện tử có thể sẽ xảy ra trong phạm vi bán kính 10 đến 20 km từ điểm chịu tác động của quả bom của Trung Quốc. Khả năng liên lạc giữa chính quyền địa phương hạt Kent với Ủy ban về tình trạng khẩn cấp của Văn phòng Nội các ở Luân Đôn sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc lớp vỏ bảo vệ hộp tổng đài này của Rainford Secure Sysytems thực sự tốt tới mức nào.
Vào lúc các quan chức cao cấp của hội đồng hạt và các đơn vị khẩn cấp được triệu tập tới trung tâm về tình trạng khẩn cấp - mới sau 9 giờ sáng - tất cả họ đều đã biết vì sao họ có mặt ở đây. Từ 7 giờ sáng, hãng tin BBC và các đối thủ cạnh tranh thương mại của nó đều đưa tin về sự đe dọa của Trung Quốc. Mặc dù mãi tới 10 giờ sáng BBC mới bắt đầu phát chương trình truyền hình và truyền thanh "Phải làm gì trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân", nhiều người dân Kent đã đi đến quyết định rằng lời đe dọa đó là hoàn toàn có thật và đã bắt đầu sơ tán về hướng Đông Nam. Các con đường đã bị tắt nghẽn, đặc biệt các đường ô tô chính - M20 đi Folkstones và Dover, M2 đi Ramsgate và Dover - và các tuyến đường cao tốc A đi về hướng Bắc tới đường ô tô vành đai bao quanh Luân Đôn dẫn tới các sân bay Gatwick và Heathrow. Các điểm nút, như cửa vào đường hầm Măngxơ tại Folkstones, và lối lên phà qua eo Măngxơ ở Ramsgate, Dover và Folkstones cũng đông đặc người chạy trốn. Một trong những quyết định đầu tiên mà Ủy ban về tình trạng khẩn cấp phải đưa ra là có nên cho phép một cuộc sơ tán tự động quy mô lớn (kèm theo nó có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn trên các ngả đường) hay tìm cách giữ dân chúng ở lại nhà họ. một lợi thế cho việc chọn thời điểm đưa ra lời cảnh báo là vào thời gian đó những người là lao động chính trong gia đình chưa đi làm, nên các gia đình không bị phân tán. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, những hành động của dân chúng đã loại trừ cuộc thảo luận để đưa ra quyết định: Việc tự sơ tán đã diễn ra, và đã có một sự bàn bạc sôi nổi giữa cảnh sách và Hội đồng hạt. Đại diện cảnh sát trưởng hạt Kent nói ông ta tin chắc là các sĩ quan của ông có thể kiểm soát được tình hình và giữ cho các tuyến đường thông suốt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Viên sĩ quan phụ trách kế hoạch khẩn cấp của hạt không nhất trí với ý kiến này. Khi chính quyền hạt không thể đảm bảo được sự an toàn của cá nhân thì cảnh sát không nên cản trở nỗ lực sơ tán của bất kì ai, mà thay vào đó cảnh sát có thể đóng cửa các tuyến đường và duy trì trật tự công cộng thì tính hợp pháp của việc họ đưa ra những quy định hạn chế đó sẽ được coi là hết sức đáng ngờ. Tuy nhiên, chính quyền hạt nên sử dụng đài truyền thanh địa phương để gửi đi thông điệp nói rằng dân chúng có thể an toàn ở trong một hầm trú ẩn được xây dựng thích hợp ngay trong căn nhà của họ hơn là trong một chiếc xe ô tô trong trường hợp xảy ra bom nổ. Người đứng đầu chính quyền hạt thảo luận với quan chức phụ trách vạch kế hoạch khẩn cấp của hạt và người ta đi đến quyết định là hai ông sẽ sẵn sàng có mặt cho các cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh sau cuộc họp giải thích những cái lợi của việc ở lại nhà.
Mặc dù nhiều người đã lên xe riêng và chạy theo hướng Bắc lên tuyến đường cao tốc M25 hoặc ra phía biển với hy vọng chạy sang Pháp, nhưng vẫn còn nhiều người hoặc quyết định ở lại nhà hoặc không có phương tiện để sơ tán. Nhóm người sau phần lớn là những người vô gia cư và người già. Đối với nhóm người này người ta quyết định là các dịch vụ xã hội phải được tổ chức ngay lập tức để xác định xem những ai đang cần sự giúp đỡ; xác định nơi ở của họ, và đối với những người vô gia cư thì chuyển họ tới một nơi cư trú thích hợp.
Chủ đề mà không ai muốn thực sự thảo luận nhưng mọi người biết là phải bàn tới đã được nêu lên vào cuối cuộc họp: vấn đề y tế. Các chính phủ không có kế hoạch chi tiêu cho một nền tảng cơ sở y tế mà một quốc gia gồm 60 triệu dân sẽ cần đến để sống sót qua khỏi một cuộc tấn công hạt nhân. Kent sẽ phải làm với những gì họ có trong tay. Một trong những hậu quả của các vụ thảm họa hạt nhân về mặt dân sự là số người mắc bệnh ung thơ tuyến giáp tăng lên. Việc này xảy ra vì iốt phóng xạ do một vụ nổ hạt nhân tạo ra xâm nhập vào tuyến giáp của những công nhân bị ảnh hưởng. Một cách để ngăn chặn ung thư tuyến giáp là cung cấp iôđat cali. Chất này đọng ở tuyến giáp và tống ra ngoài tất cả những đồng vị phóng xạ khi nó đang thâm nhập khắp cơ thể. Các kho iôđat cali nằm ở nhà máy điện hạt nhân Dungeness trên bờ biển phía Nam hạt Kent, quá Romney Marshes, nhưng không đủ cho một tình trạng khẩn trong phạm vi cả nước. Các bệnh viện đã được báo động và đang thiết lập những thủ tục trong tình trạng khẩn cấp riêng. Tuy nhiên, chỉ có một bệnh viện duy nhất, "The Royal Marsden Hospital" ở Sutton vùng Surrey, là sẵn sàng đối phó với các tai nạn hạt nhân. Bệnh viện này đã áp dụng một thủ tục gọi là "rửa phổi", theo đó người bệnh hít phải chất phóng xạ được truyền loại máu đã được ôxy hóa thay thế trong lúc các lá phổi của anh ta đang được rửa sạch. Tuy nhiên, rửa phổi là một tiến trình phức tạp và tốn nhiều thời gian, và bệnh viện Royal Marsden chỉ đủ chỗ cho một số nhỏ những người bị thương từ một vụ đánh bom hạt nhân của Trung Quốc.
ROYAL TUNBRIDGE WELLS, KENT
Giờ địa phương: 10h00' thứ Năm 22/02/2001
Eric Wallace, người cha của hai đứa con, nhìn qua cửa sổ phòng khách nhà ông trên phố St John. Đây thường là một đường phố nhộn nhịp - phía Bắc dẫn tới Tonbridge và Sevenoaks, phía Nam tới Lewes và East Grinstead - nhưng buổi sáng ngày thứ Năm đó, cả hai chiều xe cộ nối đuôi nhau. Wallace bàn bạc với vợ là Cathy, và họ đã quyết định ở lại nhà. Ông nói: "Nếu họ định đánh chúng ta trực tiếp thì việc chúng ta ở đâu chẳng có ý nghĩa gì cả". Ông cũng nghĩ rằng toàn bộ vùng Đông Nam Tunbridge Wells không thể là một mục tiêu mà người ta có thể nhằm vào... mà có khả năng hơn nhiều là Luân Đôn. Trong bất cứ trường hợp nào thì ông cũng không được liều lĩnh.
Vô tuyến truyền hình đã được bật lên và chuyển sang kênh BBC 1 kể từ lúc Wallace nghe được tin từ chiếc đài đồng hồ của ông nói rằng khu vực Đông Nam nước Anh có thể là mục tiêu của một cuộc tấn công hạt nhân của Trung Quốc. Giọng nói bình tĩnh của phát thanh viên giải thích rằng mối đe dọa lớn nhất đối với sự sống là tia phóng xạ gama. Một số ngôi nhà ngăn chặn được sự lan tràn của tia phóng xạ gama tốt hơn một số nhà khác. Các xe caravan gần như là vô dụng vì chúng thực ra chẳng ngăn chặn được bất kỳ tia phóng xạ nào cả. Rất nhiều ngôi nhà hiện đại cũng chẳng khá hơn chút nào. Nơi tốt nhất để ẩn mình trong thời gian xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân là dưới tầng hầm của một khu nhà 3 tầng. Phát thanh viên dẫn một tài liệu nghiên cứu nhan đề "Số lượng các khu nhà được bảo vệ" (do Ban cố vấn khoa học Bộ Nội vụ công bố ở Luân Đôn năm 1981) chỉ rõ ràng những người sống ở kho hầm hay một tầng hầm ngầm như thế sẽ chỉ phải chịu 3% tia phóng xạ gama so với bên ngoài. Nói chung, các kho hầm hoặc các tầng ngầm là nơi tốt nhất để ẩn náu vì chúng cách xa mái nhất, nơi có nhiều tia phóng xạ lọt vào, và bởi vì mặt đất là một tấm lá chắn tốt chống lại tia phóng xạ. Nhưng Eric Wallace và gia đình ông sống ở ngôi nhà giả phong cách Tudor hai tầng không có kho ngầm. Ở tầng trệt, chỉ với những cửa sổ được đóng kín thì vẫn có hơn 80% tia phóng xạ gama sẽ xuyên vào nhà, không bảo vệ được mấy.
Ngay sau khi ông và vợ quyết định ở lại ngôi nhà của họ, bà Cathy ra ngoài đi mua hàng ở Tunbridge Wells. Bà chịu trách nhiệm sắm sửa mọi thứ cần cho sự sinh tồn của gia đình. Bà xuống phố St John đi về hướng trung tâm thành phố. Phố xá đầy xe cộ. Xe chen chúc với người và đồ đạc. Bà Cathy vượt hết xe này đến xe khác. Không ai vượt nổi bà. Bà đã đến được phố Grosvenor nhưng cửa hàng Tesco đóng cửa. Một đám đông đứng quanh cửa ra vào. Bà Cathy tiếp tục đi. Bà thường mua tại cửa hàng Tesco vì nó gần nhà nhất và họ quen biết bà.
Phố Grosvenor nối tiếp phố Mount Pleasan ngay tại ngã tư cắt đường Calverley. Calverley là một thành phố dành riêng cho người đi bộ và đi thêm một quãng ngắn là cửa hàng Mark & Spencer. Cửa hàng này mở cửa, nhưng một đám đông tức giận đang chen lấn nhau ngoài cửa giống như một bầy ong bị chọc tức. Năm cảnh sát đang cố kiềm chế một nhóm người đang kêu ca rằng có người vừa chen vào hàng. Bà Cathy nói chuyện với một viên cảnh sát, và anh này nói với bà rằng cửa hàng Safeway, nằm gần nhà ga xe lửa chính, đang mở cửa, do vậy bà quyết định tới đó mua hàng. Khi bà đi qua tòa thị chính, một cấu trúc xấu xí một cách có chủ tâm của những năm 30 ở đường Mount Pleasant, bà nhìn thấy một chiếc xe van hiệu Transit chở đầy những kẻ lang thang đang xuống xe và được đưa vào khu nhà này. Cửa hàng Safeway cũng đông đặc người và nhốn nháo như các siêu thị khác. Bà Cathy đứng vào hàng và nói một vài câu. Tất cả những gì bà biết lúc này là bà có nhiều thứ cần phải mua, rồi mang về nhà mặc dù viễn cảnh 20 phút vừa đi bộ vừa xách tất cả những thứ bà phải mang về làm cho bà không còn thiết gì nữa. Eric nói với bà rằng gia đình họ cần có đủ thực phẩm cho 4 người trong 14 ngày. Từ 10 giờ sáng, Đài BBC đã phát đi lời khuyên mọi người nên mua những thứ gì. Chính phủ khuyên nên mua trữ đường, bánh kẹo, ngũ cốc, bánh bích qui, thịt, rau và nước quả. Bà Cathy còn phải mua pin cho chiếc đài xách tay, thuốc giảm đau, bông băng, thuốc tẩy, ba chiếc xô (có nắp đậy) và túi lót thùng rác.
Khi bà về đến nhà thì mọi thứ như thể quả bom đã rơi xuống. Eric đã tháo hết cửa và xúc đất trong vườn đổ đầy vào những chiếc túi đựng rác. Ông Eric cũng đã quét sơn trắng các ô kính cửa sổ và chuyển đồ đạc che kín những cửa sổ này.
Căn phòng chính ở tầng trệt trong ngôi nhà của gia đình Wallace chạy sâu dọc căn nhà. Căn phòng này được ngăn làm đôi bằng các cửa trượt và gia đình đã sử dụng nửa phía trước làm phòng khách và nửa sau làm phòng ăn. Phía sau chỗ gia đình sử dụng làm nơi ăn uống là bếp và sau bếp là mảnh vườn. Ông Wallace thiết kế một hầm trú ẩn cho gia đình trong phòng ăn. Dọc bức tường ngăn với bếp ông dựng bốn cánh cửa tháo xuống từ các căn phòng ở tầng trên. Những cánh cửa này được dựng nghiêng vào tường và được giữ cho khỏi trượt trên nền nhà bằng chốt là một thanh gỗ chạy suốt. Theo bộ phim được chiếu liên tục trên kênh truyền hình BBC suốt từ 10 giờ sáng, việc tiếp theo phải làm là cách ly phần hầm nghiêng đó. Cách làm hiệu quả nhất là đổ đầy đất vào những chiếc túi đựng rác rồi xếp lên phần mặt nghiêng của hầm. Ông còn chất các túi đất phía trên bên mặt tường trong gian bếp giáp chiếc hầm. Tổng cộng, đến giờ ăn trưa ông đã xoay sở đổ đất và xếp được hơn 50 túi. Cửa vào hầm là cả một vấn đề mãi tới khi ông phát hiện ra hai chiếc tủ chè cũ. Ông đổ đầy đất vào hai chiếc tủ đó. Ông xếp các tấm ván lên nóc lên nóc hai chiếc tủ và trên những tấm ván đó còn chất thêm vài túi đất. Khu vườn gần như chẳng còn gì sau khi ông hoàn tất công việc.
Dựng xong nơi trú ẩn, ông Wallace bắt tay vào việc bảo đảm an toàn cho căn phòng có chiếc hầm. Ông đóng chặt những cánh những cửa kép, đều làm bằng gỡ6 cứng. Phòng ăn chỉ có một cửa sổ. Ông quét sơn trắng lên các ô kính - việc này có thể giúp làm chệch tia chớp, mặc dù các ô kính có thể vỡ vụn nếu quả bom nổ ngay trong hạt Kent - rồi bắt đầu xếp túi đất che kín cửa sổ. Sau khi làm xong việc này, ông chuyển một chiếc tủ ly tới che những chiếc túi đất đi.
Việc cuối cùng ông phải làm, trước khi thời gian chờ đợi bắt đầu, là dựng một khu công trình phụ tạm thời. Lời khuyên của BBC là tháo bỏ mặt một chiếc ghế ăn rồi đặt một chiếc xô vào, lót bằng một chiếc túi đựng rác. Ba chiếc xô có nắp mà bà Cathy mua giờ đây đã có công dụng.
Tiếp đó gia đình Wallace bắt đầu chờ đợi. Họ ngồi phía ngoài căn hầm, theo dõi kênh truyền hình BBC. Họ trù tính một khi chiếc vô tuyến bị tắt thì họ vẫn còn đủ thời gian để chui vào hầm.
Chương 7:
BIỂN NAM TRUNG HOA
Giờ địa phương: 19h00' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 11h00' thứ Năm 22/02/2001
Suốt cả ngày, những chiếc máy bay Sea Harrier và Merlin tiếp tục oanh tạc và tiêu diệt bất kỳ chiếc tàu nào của Trung Quốc mà chúng phát hiện được trong các chuyến bay tuần tra. Những máy bay này được trang bị nhiều vũ khí kết hợp gồm các tên lửa Sidewinder, tên lửa không đối đất AS-16 Kickback do Mỹ sản xuất được thiết kế đặc biệt để tấn công tàu, cùng với các ngư lôi Stingray chống tàu ngầm và bom chống tàu ngầm. Chúng đã phá hủy được một chiếc tàu ngầm lớp Ming và đánh chìm một chiếc đổ bộ (LST) lớp Yukan có tin là đang chở trên đó tới 200 binh lính. Hầu hết đã bị chết đuối.
Ngay trước khi trời tối, một chiếc Romeo nữa tấn công, lần này bắn trúng gần mũi chiếc khinh hạm HMAS Parramatta của Ôxtrâylia. Năm quân nhân bị chết trong đó có một sĩ quan. Mặc dù thiệt hại đạ được kiểm soát, con tàu này đã bị loại khỏi vòng chiến. Viên thuyền trưởng đưa con tàu ra khỏi khu vực chiến sự. Chỉ huy nhóm tàu chiến đồng ý để tàu HMAS Rankin tháp tùng con tàu này. Năm giờ sau đó, chiếc tàu HMS Triumph đã tiêu diệt được chiếc tàu ngầm mà người ta tin là thủ phạm đã thực hiện cuộc tấn công trên.
"Chúng tôi chờ đợi có thêm các cuộc tấn công vào ban đêm", viên thuyền trưởng tàu Ark Royal viết: "Thật lạ lùng, chẳng có gì cả. Chúng tôi cho tàu đi với tốc độ trung bình vì chiếc Montrose đang sửa chữa. Trăng mờ nhạt. Chúng tôi rọi tìm những chiếc kính tiềm vọng giống như những gì họ làm trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Tôi nghĩ họ đang ém mình, có thể quyết định không nổ súng để thử thách thần kinh của chúng tôi. Tốc độ và hành trình của chúng tôi là không thích hợp. Nhiệm vụ của chúng tôi là duy trì sự hiện diện ở những vùng biển tranh chấp này, mặc dù thực ra khó có thể hiểu vì sao binh sĩ Anh và Trung Quốc lại phải chết vì những mô đất cằn cỗi và xa xôi như thế. Tôi phải khép mình vào kỷ luật không để sa vào một con đường nguy hiểm như thế. Điều rút ra từ những nhận xét thường được trích sau các chiến dịch của Anh ở những nơi mà chúng ta đã từ bỏ lâu chỉ để trở lại với nghèo đói và cảnh chém giết giữa các bộ lạc: một trận đánh như vậy phải chăng là một trận đánh tốt mà người ta có trong lý lịch? Có thể ngày 22/02/2001, trận hải chiến tranh giành quần đảo Trường Sa, cũng sẽ là điều tốt cho sự nghiệp của chúng ta?
SỞ CHỈ HUY HẢI QUÂN CỦA HẠM ĐỘI NAM HẢI
TRUNG QUỐC - TRẠM GIANG
Giờ địa phương: 21h00' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 13h00' thứ Năm 22/02/2001
Sứ mệnh của Việt Nam là tiêu diệt khả năng phát động cuộc tấn công của Trung Quốc. Để hoàn thành được mục tiêu này, lực lượng không quân của Việt Nam sẽ được chia nhỏ ra. Thương vong sẽ cao. Báo chí Trung Quốc gọi việc làm đó là tự sát. Nhưng sự việc không phải là như vậy; đây là cách Việt Nam đã tiến hành các cuộc chiến tranh hiện đại và đã chiến thắng. Mục tiêu là các đơn vị pháo binh và thiết giáp của Trung Quốc tập trung dọc tuyến biên giới dài 300 km; căn cứ máy bay SU-27 ở Du Lâm trên đảo Hải Nam; căn cứ tàu ngầm gần đó ở Nam Hải Trung Quốc, căn cứ hải quân Trạm Giang. Sở chỉ huy tiền phương của Cuộc Tấn Công Của Con Rồng được đặt ở phía Đông bán đảo Lôi Châu, tạo thành tuyến ngăn cách giữa Biển Nam Trung Hoa và vịnh Bắc Bộ.
Những người tấn công không hy vọng tìm thấy bất kỳ một tài sản lớn nào của hải quân Trung Quốc còn ở các cảng - chúng hoặc đang lặn xuống đáy Biển Nam Trung Hoa hoặc đang tuần tra từng khu vực trên tuyến hàng hải quân Mỹ, Nhật Bản hay hải quân Anh. Không. Mục tiêu của họ là những kho nhiên liệu phía Bắc cảng được biết đến với cái tên "khu Nga". Đây là một khu nhà thấp tầng nằm ở phía Đông cầu tàu là nơi của các cố vấn kỹ thuật Nga (và gia đình họ) cùng trang thiết bị.
Trong đêm, máy bay đã được điều động từ nơi ẩn náu của chúng ở Campuchia và Lào trở lại các đường băng quân sự gần Hà Nội. Nhiệm vụ tấn công Trạm Giang được trao cho các phi công của một phi đội duy nhất gồm 12 máy bay chiến đấu MIG-21. Phi đội máy bay này bay về hướng Đông, ở tầm 45 mét, quá thấp để không lọt vào màn hình rađa của Trung Quốc. Chúng sẽ không bị phát hiện cho đến lúc tới được đất liền của Trung Quốc: nhưng người Trung Quốc dự kiến sẽ triển khai các máy bay SU-27 của họ và vì thế các máy bay MIG cần phải được sử dụng tất cả biện pháp chống lại. Bóng đêm sẽ có ích. Các phi công Việt Nam là những người lái dày dạn kinh nghiệm hơn các đồng nghiệp Trung Quốc, những người chủ yếu dành thời gian huấn luyện vào việc thực hiện các chuyến bay ngày.
Theo kế hoạch tác chiến của Việt Nam, phi đội máy bay sẽ chia thành hai tốp. Tốp thứ nhất gồm 5 máy bay, sẽ đảm nhận kho xăng dầu. Lửa bùng lên, theo tính toán sẽ là điều thuận lợi cho công việc của tốp thư hai - tấn công vào khu Nga. Các máy bay MIG-21 đã đến được đất liền lúc 21 giờ 14 phút và ngay lập tức gặp phải hỏa lực phòng không tạo thành bức màn lửa từ các trận địa cố định dọc bờ biển dẫn tới căn cứ hải quân này. Tuy nhiên không máy bay nào trúng đạn và chúng đã tới được mục tiêu. Trong vòng vài phút, một phi đội máy bay SU-27 đã xuất kích đánh chặn trước khi các máy bay MIG bắt đầu đầu dội bom xuống kho xăng dầu. Và đúng lúc này người Việt Nam thể hiện khí phách của họ. Những phi công Việt Nam còn đeo kính nhìn đêm trong khi phi công Trung Quốc thì không. Bay vào ban đêm đã là công việc căng thẳng thần kinh ngay cả những lúc thời tiết tốt nhất, chưa nói gì đến những việc làm những động tác quay gấp đột ngột trong lúc bổ nhào hay vọt lên và khi đó rất khó xác định trên dưới. Hai phi công Trung Quốc đã mất mạng đêm đó khi máy bay của họ đâm sầm vào núi sau khi mất phương hướng và không còn biết đâu là mặt đất nữa. Các máy bay MIG còn bắng trúng 3 chiếc SU-27 khác, sau đó một chiếc MIG cũng bị dính đạn.
Các máy bay Việt Nam bắt đầu cắt bom, dùng kính quan sát ban đêm. Các bồn chứa dầu nằm gần khu cảng và trải rộng trên một diện tích lớn. Chỉ cần một quả bom bắn trúng bất kỳ một trong 10 bồn dầu khổng lồ đó thì cũng có thể làm phát nổ toàn bộ số bồn còn lại. Chiếc MIG đầu tiên đang định tấn công thì bị nổ tung trong một trận mưa hỏa lực mặt đất được rađa điều khiển chính xác. Chiếc thứ hai cũng bị trúng đạn hỏng nặng, nhưng ít ra thì viên phi công cũng còn thời gian để nhảy dù. Chiếc máy bay thứ ba đánh trúng vào một bồn chứa dầu. Quả cầu lửa bùng lên cao 150 mét và những bồn dầu kế cạnh cũng bắt đầu bắt lửa. Khắp nơi, những tiếng nổ lớn nối tiếp nhau. Bóng chiếc tàu chổ dầu New World của hãng Shell hắt lên trên nền bức tường lửa. Bốn chiếc MIG còn lại quay sang hoàn thành sứ mệnh của họ.
Cuộc tấn công vào bồn chứa dầu chỉ diễn ra không đầy 5 phút, nhưng cũng đủ thời gian cho các chuyên gia và các nhà khoa học Nga tìm chỗ ẩn nấp. Nhưng họ không kịp làm việc đó. Các máy bay MIG - mỗi chiếc được trang bị một quả bom có sức công phá lớn nổ trên cao và các tên lửa không đối đất, súng - đã quay sang làm nốt công việc của chúng. Một chiếc SU-27, bay thẳng về phía họ phóng hai quả tên lửa không đối không. Viên phi công lái chiếc máy bay MIG đi đầu thậm chí không kịp ấn nút ghế dù trước khi máy bay của anh ta bị bắn trúng. Các đồng đội của anh ta tiếp tục cuộc không kích. Ba chiếc đã cắt được bom. Chúng không phải là những quả bom tinh khôn được điều khiển bằng lada, nhưng cũng đã làm tròn nhiệm vụ của chúng. Khu người Nga đã trở thành đống gạch vụn vì các tòa nhà bị sập đổ. Tám mươi lăm người Nga bị thiệt mạng - đa số là phụ nữ và trẻ em. Sứ mệnh đã thành công - cả hai mục tiêu đều đã đánh trúng và lực lượng không quân Việt Nam đã để lại trên chiến trường 7 chiếc MIG.
Căn cứ không quân ở Du Lâm bị bỏ trống. Tất cả máy bay hiện có của Trung Quốc đã được triển khai ở Biển Nam Trung Hoa hoặc để bảo vệ Trạm Giang. Việt Nam đã điều một phi đội nhỏ máy bay SU-27 của họ vào căn cứ tiền phương chính cho Cuộc Tấn Công Của Con Rồng này của Trung Quốc. Chúng bay nhanh và thấp dưới tầm hỏa lực phòng không, trút lửa xuống đường băng, phá hủy đài chỉ huy, ba chiếc máy bay tiếp dầu và IL-76 trạm rađa. Những máy bay Trung Quốc sau khi làm nhiệm vụ về đã phải chuyển về sân bay dân dụng ở Hải Khẩu, nơi đó không có các kỹ sư hay dịch vụ hậu cần làm công việc bảo dưỡng máy bay cho đợt tấn công khác. Cuộc tấn công của Việt Nam vào Du Lâm đã làm tê liệt lực lượng chiến đấu của Trung Quốc một khoảng thời gian đủ dài giữ cho bầu trời của họ yên tĩnh để họ tiến công nốt hai mục tiêu còn lại. Thừa thắng từ cuộc tấn công vào Du Lâm, các phi công Việt Nam bay thẳng tới tiến công căn cứ tàu ngầm Tam Á. Bằng hỏa lực, rốckét và canông, họ đã cắt đứt hệ thống thông tin liên lạc và gây ra một loạt đám cháy nhỏ. Một chiếc tàu ngầm lớp Romeo đã bị phá hủy và chìm xuống. Một chiếc khác bị đánh trúng. Rất nhanh chóng, phi đội máy bay này, không hề bị thương vong, rút lui và bay trở lại hướng biên giới về Hà Nội. Cùng thời gian đó, 34 máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay cường kích của Việt Nam đã đánh vào các vị trí của Trung Quốc dọc biên giới. Trong những cảnh làm những người ta nhớ lại của chiến dịch ném bom rải thảm của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, toàn bộ tuyến biên giới bị bốc cháy khi những quả bom chùm và bom sát thương nổ trên không trung cày xới các khu rừng, nơi pháo binh và binh lính Trung Quốc ẩn nấp. Mãi tới đợt không kích, các ụ súng của Trung Quốc mới cất tiếng bảo vệ hàng chục nghìn binh lính tập trung ở đó. Các máy bay của Việt Nam đã bị thiệt hại, mất 12 chiếc trong đợt không kích thứ hai trước khi các ụ pháo phòng không của Trung Quốc bị tiêu diệt, và mất 5 chiếc nữa trong đợt không kích thứ ba khi hỏa lực phòng không của Trung Quốc giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, khi máy bay Việt Nam rút đi thì các vị trí của Trung Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn, sự chỉ huy và kỷ luật bị phá vỡ. Người ta không bao giờ biết toàn bộ mức thương vong. Trung Quốc nói rằng 600 lính đã bị chết hoặc bị thương. Ảnh của vệ tinh quân sự cho thấy số lượng thương vong có thể lên tới 4.000 người. Không bao giờ biết được toàn bộ những gì đã xảy ra.
Trung Quốc tập trung toàn bộ vào một cuộc tiến công trên bộ vào lãnh thổ Việt Nam và Quân ủy ra chỉ thị rằng lực lượng không quân của đối phương đã bị tiêu diệt. Họ đã bị bất ngờ bởi cường độ và độ chính xác của cuộc tấn công. Các bom sát thương và bom chùm đã giết chết tất cả những ai không ẩn nấp và phá hủy mọi thứ từ những chiếc xe bọc thép hạng nặng. Chủ tịch Vương đích thân ra lệnh ngừng cuộc tấn công vào Việt Nam.
XƯỞNG QUAY CỦA CNN, ATLANTA
Giờ địa phương: 08h30' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 13h30' thứ Năm 22/02/2001
Chắc chắn không có ai ở nước này coi ý kiến phòng vệ dân sự là điều nghiêm túc và chỉ có Chúa mới biết được là thái độ đã tồn tại được bao lâu rồi, ít ra thì cũng 25 năm. Phần lớn mọi người cho rằng phòng vệ quân sự là một thứ suy nghĩ ngớ ngẩn xét cái điều mà nó có nghĩa vụ phải bảo vệ. Chương trình được truyền hình truc tiếp từ trường đại học Michigan ở Chicago. Giọng trầm trầm là của Edward Stone, một biên tập viên kỳ cựu, 61 tuổi, của tập san "The Bulletin of the Atomic Scientists". Ngày hôm trước, những chiếc kim của chiếc đồng hồ nguyên tử hư cấu của tạp chí này đã dịch từ 19 phút xuống còn 1 phút trước nửa đêm, đúng thời điểm mà kim đồng hồ đứng lại trong cuộc khủng hoảng CuBa với Liên Xô trong thập niên 60. Nửa đêm báo hiệu thời điểm của cuộc hủy diệt.
Dường như có thể bảo vệ được dân chúng ở các thành phố, ở chừng mực nào đó, trong những căn hầm tránh bụi phóng xạ, Stone tiếp tục nói "Bằng biện pháp đơn giản như chui xuống gầm bàn làm việc hoặc bàn học nếu bạn thấy một tia sáng lóe lên, hoặc nấp đằng sau một thân cây, hoặc chui xuống một cái rảnh khi bạn ở ngoài trời. Nhưng khi có tới hàng chục vũ khí hạt nhân được sử dụng chống lại Mỹ thì tình hình sẽ khác hẳn. Một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực theo như kịch bản được Matxcơva và Oasinhtơn vạch ra sẽ bao gồm hàng nghìn vũ khí hạt nhân được bắn vào lãnh thổ của nhau. Điều trở nên khá rõ đối với những người nhạy cảm nhất là công việc phòng vệ dân sự chống lại một cuộc tiến công dữ dội như thế là sẽ vô ích. Nếu bạn đang ở trong thành phố, và bạn bị tấn công bởi một vũ khí hạt nhân thì bạn hoặc sẽ bị chết ngạt hoặc bị thei6u cháy hay bị giết chết bởi sức ép của vụ nổ đó. Những cơn bão lửa sẽ đốt cháy hết ôxy - bạn sẽ không còn không khí để thở. Và bụi phóng xạ sẽ không tan đi sau hai tuần lễ. Bạn không thể như có phép lạ ra khỏi nơi trú ẩn và mọi thứ lại trở lại tốt đẹp và bạn đi đến cửa hàng để mua một ít sữa và trở lại cuộc sống bình thường. Sự việc không đơn giản diễn ra như vậy."
Người dẫn chương trình quay sang đại tá David Blakeny thuộc lực lượng vệ binh Quốc gia tiểu bang Illinois. Ông này có 10.000 binh sĩ thuộc quyền và ăn nói theo lối nhà binh luôn nuốt âm. "Ở một chừng mực nào đó đối với cuộc tấn công hạt nhân, bất kể đơn vị quân sự nào đó, trải qua các thủ tục huấn luyện thông thường, chắc chắn chỉ có một khả năng hạn chế trước mối đe dọa đó," - ông nói. "Chúng tôi có thể đảm bảo an ninh, giúp đỡ sơ tán hoặc xây dựng lại. chúng tôi duy trì một mức độ sẵn sàng rất thấp. Nhưng qua những hoạt động và rèn luyện hàng ngày của mình, chúng tôi có thể đáp ứng điều đó."
"Đáp ứng ư, tốt quá, ngài đại tá", người giới thiệu nhấn mạnh. "Thế nhưng, sự đáp ứng đó hiệu quả đến mức nào? Người của ngài đã được huấn luyện cho cuộc tấn công hạt nhân chưa?" "Chưa hề. Từ nhiều năm nay, lực lượng cảnh vệ đã không tiến hành bất kỳ một bài huấn luyện nào sẵn sàng đối phó với một cuộc chiến tranh hạt nhân. Có ba lý do. Chúng tôi không muốn làm dân chúng hoảng sợ. Tái tạo trên mô hình một cuộc tiến công như vậy sẽ rất tốn kém. Và thứ ba, trong thời Chiến tranh Lạnh, việc chuẩn bị cho một cuộc tiến công hạt nhân bị đối phương coi là một hành động thù địch".
Người dẫn chương trình ngắt lời: "Ngài đang nói với tôi rằng nước Mỹ hoàn toàn, ý tôi muốn nói là hoàn toàn không chuẩn bị cho việc này. Có đúng thế không, ngài Edward Stone?"
"Chúng ta sẽ đối phó tương tự như chúng ta vẫn thường làm đối với bất kỳ thảm họa nào. Trong những năm 50 và 60, cuộc chạy đua vũ trang đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Chúng ta đã cố gắng ổn định bằng các hiệp ước SALT 1 và ABM vào thập kỷ 70. Ý tưởng là chấp nhận khái niệm cân bằng hạt nhân. Thay vì một phía luôn cố tìm cách vượt lên trên phía kia, chúng ta chấp nhận một tình hình, và họ cũng vậy, trong đó cả hai phía đều có lực lượng đại thể ngang bằng nhau. Mỗi phía đều có thể tiêu diệt phía kia trên thực tế, cho dù phía nào tiến công trước. Để làm cho khái niệm Đảm Bảo Tiêu Diệt Lẫn Nhau (hay còn gọi mà MAD) có hiệu lực, phải đảm bảo rằng không bên nào có thể bảo vệ được dân chúng hay lực lượng vũ trang của mình. Do vậy từ cách nhìn này mà những chương trình phòng thủ dân sự thực sự mạnh mẽ sẽ bị coi là có tính chất khiêu khích. Nếu bên nào thực sự bắt đầu đào những hầm trú ẩn lớn, sâu trong lòng đất và trang bị thực sự cho chúng, và hành động như thể họ nghiêm túc bất đầu công việc bảo vệ dân chúng, thì việc đó sẽ bị coi là một hành động khiêu khích. Nó sẽ bị coi là một bằng chứng là họ đang vạch kế hoạch gì đó."
Chương trình đã chuyển sang một đoạn phim quay trực tiếp về một đường phố với những hàng cây cọ thẳng tắp ở thủ phủ California, Sacramento. Delia Murphy nhân viên Cơ quan phụ trách các hoạt động khẩn cấp, đang chờ để phát biểu. Người dẫn chương trình giải thích việc cơ quan của cô này đã đối phó như thế nào với các trận động đất, lũ lụt, rò rỉ chất thải, nổi loạn sắc tộc, và những thảm họa khác trong những năm gần đây, nhưng không phải là một cuộc tấn công hạt nhân.
"Cho tới nay, điều này vẫn chưa đè nặng lên tâm trí chúng ta," Hopwood nói. "Chúng ta đã từng có các hầm phòng không trong những năm 50 và 60, nhưng những chiếc hầm đó đã bị lãng quên. Không một căn hầm trú ẩn nào ở các địa phương được dự phòng. Nếu chúng ta bị tấn công bởi một tên lửa hạt nhân, rất nhiều người sẽ bị chết ngay từ cú đánh đầu tiên. Không hề có sự chuẩn bị nào cho một tình huống như thế. Suốt thập niên 60, các hầm trú ẩn đã được dự phòng với bánh kẹo và các thùng vệ sinh. Nhưng vào năm 1984, chúng ta đã bán sạch những kho đó cho các nước Thế giới thứ Ba. Lần gần đây nhất dân chúng phải lo lắng là trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Họ hỏi hầm trú ẩn gần nhất ở đâu. Tôi đã phải nói đùa với họ. Tôi giới thiệu họ tới các nhà hàng Mc Donald vì ở đó người ta trữ thực phẩm dưới tầng hầm.
"Có dấu hiệu hoảng loạn nào ở chỗ cô không, Carole?"
"Đã xảy ra một vụ cướp của. Nhưng tôi nghĩ phần lớn dân chúng vẫn bình tĩnh, lắng nghe các thông báo, và lo toan cho gia đình mình".
"Chúng ta giờ đây sẽ có một hồi âm từ Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp Liên bang (FEMA)," người dẫn chương trình nói. "Hôm nay họ rất bận rộn chuẩn bị cho cái mà tất cả chúng ta hy vọng sẽ không bao giờ xảy ra. Họ chỉ đang xác nhận những gì mà tất cả chúng ta vừa mới khám phá cách đây vài phút. Những sáng kiến liên bang và các chương trình huấn luyện của họ giúp đỡ dân chúng Mỹ trong một cuộc tấn công hủy diệt hạt nhân đã bị cắt bỏ do thiếu kinh phí. Không ai nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra. Edward Stone, cho phép tôi quay lại với ngài. Tôi có trong tay một tài liệu tình báo đã được loại ra khỏi phạm trù mật của Richard Cooper, Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia. Ông này nói, và tôi xin trích dẫn: "Trung Quốc có kế hoạch hiện đại hóa lực lượng ICBM của họ bằng các tên lửa mới và, khác với người Nga, tăng số lượng tên lửa triển khai. Một sự cải thiện có thể diễn ra trong tương lai sẽ bao gồm một lực lượng ICBM cơ động" - Và, ông nói: "Nhiều hệ thống tên lửa tầm xa của Trung Quốc có thể nhằm vào nước Mỹ".
"Edward Stone, nếu chúng ta biết rằng điều này sẽ xảy ra thì tại sao chúng ta lại không làm điều gì với nó?"
"Rõ ràng, chúng ta đã đánh giá sai những ý đồ và quyết tâm của Trung Quốc. Cho tới cách đây hai ngày, tôi vẫn không biết có ai đó ngoài cánh hữu cứng rắn những người thực sự tin rằng Trung Quốc sẽ phát động một cuộc tấn công tên lửa vào CONUS".
"Xin lỗi, CONUS là cái gì vậy?"
"Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ Lục địa. Chắc chắn chúng ta biết Trung Quốc có khả năng bắn tới một hoặc hai thành phố nằm trên bờ biển phía Tây. Họ không thể bắn tới Chicago hay Oasinhtơn. Nhưng họ có thể gây một số thiệt hại thực sự ở California. Điều đó làm chúng ta phải tỉnh táo với Trung Quốc. Chúng ta sẽ không bao giờ lao vào một cuộc chiến tranh với họ. Tổng thống lại muốn để mất San Francisco hay Los Angeles hay sao? Chính cái đó khiến chúng ta khá thận trọng. Đó là phương cách hoạt động của chính sách răn đe. Chính sách của chúng ta đối với Trung Quốc dường như hơi bị vụn vặt. Tuy nhiên nó là hình thức dính líu có tính chất xây dựng nào đó. Trung Quốc có một kho vũ khí hạt nhân rất nhỏ, khoảng 400 đến 500 tên lửa. Trong khi đó, Mỹ có hơn 20.000 vũ khí như vậy. Nhưng nếu quý vị đề nghị tôi chỉ ra những khiếm khuyết trong chính sách tình báo của chúng ta, thì tôi sẽ phải nói rằng chúng ta đã tập trung quá nhiều vào những quốc gia không lương thiện như Iran, Irắc, Liby, (Bắc) Triều Tiên và luôn luôn hy vọng rằng Trung Quốc giữ thái độ trung lập ít nhất về mặt quân sự. Vấn đề không phải như vậy."
"Tôi chỉ muốn nói thêm," đại tá Blakeny nói, "sẽ có hàng triệu người bị thương trong một cuộc tiến công hạt nhân. Họ sẽ không hề nhận được ngay sự điều trị y tế thích hợp. Chỉ có vài trăm giường bệnh chữa trị tập trung trong cả nước, không đủ để giải quyết cơn lũ người bị bỏng và những nạn nhân bị tia phóng xạ sau vụ nổ hạt nhân. Bây giờ tôi muốn nói với các vị rằng, nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ không thể giải quyết được tình trạng đối đầu này thì lực lượng Vệ binh Quốc gia của Illinois sẽ chẳng làm gì được cả. Chúng ta đang đi tới một tình hình mà ở đó những người sống sót sẽ ghen tỵ với những người đã chết".
PHỐ UÔN, NIU YOÓC
Giờ địa phương: 08h45' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 13h45' thứ Năm 22/02/2001
Giống như thành phố Luân Đôn trước đó vài giờ, Phố Uôn được bao trùm bởi một sự trống rỗng bí hiểm. Vài ba nhân viên miễn cưỡng đến làm việc. Hệ thống tàu điện ngầm của Niu Yoóc có cớ để tạm ngừng hoạt động, và dịch vụ xe lửa từ "Ga Trung Tâm" nối Manhattan với các vùng ngoại ô dân cư ở New Jersey và Connecticut cũng vậy. Những thương gia cố xoay xở để đến được nơi làm việc thì nhận thấy rằng các thị trường tài chính ở trong tình trạng tê liệt. Trước đó Ngân hàng Bank of England, cùng với các nhân viên ngân hàng thương mại lớn đóng trụ sở ở Luân Đôn, đã thông báo ngừng trao đổi tiền tệ ở khu vực City, trung tâm tài chính và thương mại của thành phố. Ngân hàng còn loan báo, những thỏa thuận đặc biệt sẽ được dàn xếp để giải quyết các cuộc giao dịch cho ngày thứ năm và thứ sáu. Không có lời giải thích, ngân hàng này nói thêm rằng họ "hy vọng" cuộc khủng hoảng đang đè nặng toàn thế giới sẽ được giải quyết tới chừng mực để các hoạt động bình thường có thể nối lại vào ngày thứ hai tuần sau. Chưa bao giờ các nhà quản lý tiền tệ thế giới phải đối mặt với một tình trạng như thế này. Thị trường tiền tệ hiện đại không có chuyện chuẩn bị, hoặc đối phó, với tình hình như vậy. Từ những năm 80, một nhóm các ngân hàng của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đã chi phối công việc kinh doanh thị trường tiền tệ và đã phát triển các hệ thống để tạo điều kiện cho các thị trường này hoạt động suốt ngày đêm. Một hồ sơ điện tử ghi lại tất cả các thương vụ được tiến hành - được biết đến dưới cái tên "The Book" - được chuyển từ Tokyo sang Luân Đôn và từ Luân Đôn đi Niu Yoóc, rồi lại quay trở lại Tokyo, tại đó toàn bộ tiến trình lại bắt đầu từ đầu. Chưa một ai nghĩ rằng chiếc đồng hồ này sẽ ngừng lại. Do vậy khi một nhóm nhỏ các thương gia đã tìm cách tới được nơi làm việc ở Luân Đôn đặt chân tới văn phòng làm việc thì họ nhận ra là họ có trong tay một tập hồ sơ gồm các hợp đồng mà họ không thể giao dịch với sự tin tưởng nào đó. Ngay sau đó, Bank of England ra một thông báo.
"Do những sự kiện chưa từng có ở Đông Á, Ngân hàng, sau khi tham thảo ý kiến với các ngân hàng lớn, các ngân hàng trao đổi vàng thỏi, các cơ sở chiết khấu, thông báo rằng cho tới khi có thông báo tiếp theo, tất cả các giao dịch trên thị trường tiền tệ hoạt động thông qua hệ thống máy tính sẽ ngừng hoạt động. Bank of England sẽ giúp đỡ bất kỳ ngân hàng nào ở Luân Đôn gặp khó khăn do quyết định này. Ngân hàng chúng tôi hy vọng rằng cuộc khủng hoảng tiền tệ sẽ được giải quyết trong một vài ngày tới, và chúng tôi sẽ hợp tác với các cơ quan quản lý tiền tệ ở những nơi khác nhằm ổn định thị trường tài chính. Ngân hàng dự trữ Liên Bang Niu Yoóc - chi nhánh của Ngân hàng Trung ương Liên bang Mỹ, thực hiện các giao dịch trên thị trường cũng đưa ra một thông báo tương tự vào đầu giờ giao dịch ở Niu Yoóc. Trong khi có một cơ sở pháp lý nào đó trong thông báo của ngân hàng Bank of England, thì lại không có cơ sở pháp lý nào trong thông báo của Ngân hàng dự trữ liên bang Niu Yoóc. Nhưng có thể như vậy. Chẳng hạn đối với ngân hàng ở Luân Đôn, Ngân hàng dự trữ liên bang Niu Yoóc không thể ngăn hai bên thỏa thuận với nhau về giá cả, nếu như họ muốn mạo hiểm làm như vậy. Nhưng do không có một thị trường chuyên nghiệp nào đề cập đến - "The Book" đã ngừng hoạt động ở Luân Đôn - nên lời kêu gọi của Ngân hàng dự trữ liên bang tạm ngừng trao đổi buôn bán chỉ thuần túy mang tính chất lý thuyết.
TRUNG NAM HẢI, BẮC KINH
Giờ địa phương: 22h00' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 14h00' thứ Năm 22/02/2001
Chiếc Mercedes của Jamie Tống rẽ từ phố Phúc Hữu vào cổng phía Đông Trung Nam Hải. Hai bên cửa những cánh cổng kép này đều có một người lính Quân giải phóng và khi chiếc xe của Tống đi chậm lại thì họ nhìn chăm chú. Con đường phía trong cổng thu hẹp đáng kể và chiếc Mercedes nhích chậm như sên bò. Những khối nhà khung bê tông thấp tầng chen lẫn những sảnh đường được bài trí trang trọng là nơi Ban lãnh đạo tiến hành các cuộc họp quan trọng. Và, bên cạnh một kiến trúc như thế, được xây dựng từ đầu thế kỷ 19, người lái xe cho dừng lại. Ông bước ra khỏi xe. Không khí lạnh và khô. Trăng lấp ló sau những đám mây đã làm cho cả ngày trở nên nặng nề và ảm đạm. Ông ra khỏi xe và rảo bước. Quá sảnh đường là một nhóm cây và tiếp đó là Trung Hải Hồ. Lối vào căn nhà, nằm lệch sang một bên, rất xuyềnh xoàng, chỉ là một chiếc cửa đầy bằng kính khung gỗ. Khung cảnh ngay phía sau cánh cửa tương tự như vậy chẳng gây ấn tượng chút nào. Vẫn là gỗ và kính, nhưng kính lúc này được che phủ bằng một bức rèm màu ôliu. Tống được dẫn qua chỗ này vào chính phòng. Một bộ khoảng 16 chiếc ghế tựa đã xếp đặt theo hình chữ U xung quanh một chiếc bàn hội nghị lớn.
Chủ tịch Vương và các cán bộ cao cấp Quân giải phóng và tình báo đang chờ ông ta. Ngoại trưởng ngồi vào chỗ của mình ở cuối bàn, đối diện với Chủ tịch. Ngồi hai bên Chủ tịch là các tư lệnh hải quân và không quân. Vương Phong bắt đầu cuộc họp bằng việc trích dẫn chính sách hạt nhân lâu đời của Trung Quốc: "Mục tiêu của chúng ta kể từ năm 1964 là duy trì một kho hạt nhân chiến lược hạn chế làm lá chắn không để những siêu cường hiếu chiến hơn mưu tính quyền bá chủ toàn cầu. Giờ đây, chính sách của chúng ta đang bị đặt trước thử thách. Điều không may là Mỹ đã chọn việc chứng tỏ rằng họ có thể đánh bại chúng ta trong một trận đánh hải quân thông thường. Nếu chúng ta không sử dụng tới sức mạnh hạt nhân của mình, chúng ta sẽ mất các vùng lãnh thổ ở Biển Nam Trung Hoa. Tôi chắc rằng tất cả các đồng chí có mặt ờ đây đều nhất trí đó là một viễn cảnh không thể chấp nhận được". Vương ngừng lời rồi đề nghị có một sự đánh giá về quân sự.
Vị tướng kỳ cựu của Quân giải phóng nhân dân nói rằng Trung Quốc có hơn 500 đầu đạn hạt nhân. Khoảng 120 tên lửa triển khai trên đất liền. Một số được giấu kín trong các hang động và có thể được chuyển ra các địa điểm phóng trong đêm tối. Có 120 máy bay, có khả năng mang 250 đầu đạn nữa, nhưng chúng chỉ có hiệu quả khi đánh Việt Nam và Đài Loan. Số máy bay này có thể tới được Nhật Bản nếu không bị bắn rơi. Sức mạnh chính của Trung Quốc là lực lượng tàu ngầm. Hiện có hai tàu ngầm đang nằm trong khoảng cách có thể tấn công hạt nhân vào lục địa Mỹ, và chưa có dấu hiệu nào cho thấy chúng đã bị phát hiện. Chiếc tàu kiểu mới cải tiến từ tàu ngầm tấn công điêzen lớp Kilo hiện đang ở ngoài khơi bờ biển California. Trước sự kiện Đài Loan năm 1996, chiếc tàu này dự định chỉ đưa vào hoạt động vào năm 2001, nhưng thời gian biểu đó đã được điều chỉnh và Cục thiết kế Rubin của Nga đã đồng ý giúp đỡ. Chiếc tàu ngầm này mang những tên lửa hành trình phóng từ biển do Nga chế tạo có các đầu nổ hạt nhân 200 kiloton, có thể vượt qua khoảng cách 3.000 km vào nước Mỹ. Những thành phố nằm trong tầm bắn xa nhất của nó là Minneapolis, Kansas City, Little Rock và Houston. Những thành phố dự kiến được chọn làm mục tiêu là Denver, Salt Lake City và Phoenix.
Chủ tịch Vương hỏi vì sao các cơ sở quân sự không nằm trong kế hoạch tiến công. Viên tướng trả lời rằng do số lượng đầu đạn hạt nhân có hạn chế, nên sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu triệt phá các trung tâm dân cư và gây nên tình trạng hoảng loạn khắp nước Mỹ. "Cỗ máy quân sự của Mỹ không thể bị đánh bại, nhưng nước Mỹ có thể bị đánh bại bởi chính nhân dân của Mỹ. Họ vốn đã hoảng sợ và đã bắt đầu có các vụ cướp bóc".
"Vậy tại sao không phải là Los Angeles hay San Francisco? Chúng là những thành phố có tính chất tượng trưng hơn," Vương nói tiếp.
"Chúng ta muốn giữ lại sự đồng tình của số đông Hoa kiều ở đó cũng như của cộng đồng di cư châu Á khác. Họ là một lực lượng chính trị hùng mạnh ở chính nước Mỹ".
Vương gật đầu. Vị tướng nói tiếp: "Nhưng ngoài ra cách 3.000 km ngoài khơi ở Đông Thái Bình Dương hiện có chiếc tàu ngầm tên lửa chiến lược lớp Hạ loại hiện đại của chúng ta. Chiếc tàu ngầm lớp Hạ mà chúng ta hy sinh mang tên lửa ICBM là JL1 chỉ có tầm bắn 2.700 km. Chiếc tàu mới được trang bị tên lửa JL2, có tầm bắn 8.000 km. Điều đó có nghĩa là, thưa đồng chí, việc hủy diệt Oasinhtơn là nằm trong tầm tay của chúng ta. Người Mỹ không hề nghĩ là tàu ngầm của Trung Quốc lại ở gần đến như vậy. Tàu này đã rời sở chỉ huy hạm đội Bắc Hải ở Thanh Đảo cách đây vài tuần, chạy sau một chiếc tàu vận tải, làm cho nó hầu như không thể bị phát hiện".
"Chúng ta sẽ tuyên bố về những chiếc tàu ngầm này chứ," Jamie Tống hỏi.
"Người Mỹ mô tả chúng ta là một nhà nước đã bị nhụt chí," Vương nói. "Họ tin rằng bằng cách đe dọa chúng ta bằng một cuộc tấn công hạt nhân, chúng ta sẽ đầu hàng. Chúng ta được tách khỏi Iran, Irắc và Liby, những quốc gia mà họ coi là không thể kiểm soát và không thể ngăn chặn được. Nếu chúng ta có thể thuyết phục được Tổng thống Bradlay tin rằng Trung Quốc, tương tự như vậy, sẽ không bị dọa nạt và rằng không như trong thế kỷ 19 và 20, chúng ta sẽ dám chấp nhận nguy cơ hủy diệt để bảo vệ chủ quyền của chúng ta, và rồi chúng ta sẽ chiến thắng cuộc chiến tranh. Do vậy, bằng việc tuyên bố một chiếc tàu ngầm, chúng ta có thể tránh được việc cả hai nước lớn cùng bị hủy diệt. Và, chúng ta sẽ giữ một bí mật để bảo đảm rằng nếu người Mỹ ngoan cố, Trung Quốc sẽ không phải là nạn nhân duy nhất. Tôi hoàn toàn sẵn sàng hủy diệt một thành phố, mặc dù tôi không thể hình dung nó có lợi ra sao với bất kỳ phía nào. Đó, đồng chí Tống, sẽ là thông điệp của đồng chí gửi cho Ngài Overhalt".
CRESCENT CITY, CALIFORNIA
Giờ địa phương: 06h00' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 14h00' thứ Năm 22/02/2001
Cột ăngten thu phát vô tuyến của chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Trung Quốc đã bị thuyền trưởng một chiếc tàu đánh cá của Mỹ phát hiện cách bờ biển Crescent City, California 25 km. Hai chiếc tàu này đã suýt va vào nhau khi chiếc tàu ngầm nổi lên ở tầm vừa đủ cho kính tiềm vọng thò lên trên mặt nước để nhận một bức điện. Viên thuyền trưởng thông báo cho các lực lượng bảo vệ bờ biển và lực lượng này đã điều một chiếc tàu từ Crescent City và một trực thăng từ Humboldt Bay, cách đó 125 km. Trước khi lực lượng này tới khu vực đó, chiếc tàu ngầm Kilo đã lặn xuống sâu và các nhân viên điều hành thiết bị định vị bằng sóng nhờ những chiếc micro cố định dưới đáy biển dọc bờ biển không thể bắt được tín hiện âm thanh của chiếc tàu này nữa. Những chiếc tàu ngầm tấn công USS Asheville và USS Jefferson City lớp Los Angeles đã chuyển từ nhiệm vụ tuần tra bờ biển phía Bắc sang tìm kiếm chiếc tàu này. Nhưng dường như chiếc tàu này của Trung Quốc còn yên lặng hơn tiếng động của chính đại dương phát ra. Các viên chỉ huy Mỹ đã tăng cường nguy cơ của họ dễ trở thành mục tiêu cho cuộc tấn công của đối phương bằng việc sử dụng việc truyền sóng định vị âm thanh chủ động có thể phát hiện được tiếng dội từ vị trí của chiếc tàu Kilo. Họ chẳng phát hiện được gì hết. Những chiếc trực thăng đã thả những chiếc phao định vị âm thanh. Các tàu trinh sát đã triển khai các mạng ăngten kéo sau tàu và một sợi dây dài có gắn thiết bị phát hiện âm thanh dưới nước với hy vọng sẽ tìm được chiếc tàu ngầm đó của Trung Quốc.
Đây là một kẻ thù không nhìn thấy, di chuyển trong màn đêm của biển cả. Trong chiến tranh hiện đại, không có gì chết người như thế. Ngay từ thập niên 80, Lầu Năm Góc đã đứng trước bằng chứng phũ phàng là hệ thống phòng thủ quốc gia công nghệ cao của Mỹ có thể bị đánh bại bởi một chiếc tàu ngầm duy nhất. Trong cuộc tập trận chung Mỹ - Nhật ở Thái Bình Dương, bảy chiếc tàu ngầm đã lần theo dấu vết của ba chiếc hàng không mẫu hạm. Với hệ thống cảnh giới chống tàu ngầm liên tục hoạt động, và các tuần dương hạm, khu trục hạm và khinh hạm săn lùng các tàu ngầm, hai trong số ba chiếc hàng không mẫu hạm cùng tám tàu chiến khác đã bị đánh chìm đổi lấy bốn tàu ngầm của đối phương. Cuộc tranh luận về cách tiến hành phòng thủ hải quân chưa bao giờ chấm dứt. Những kế hoạch theo thuyết vị lai đã được nêu ra về cách giải quyết mối đe dọa của các loại tàu ngầm ngày càng chạy êm hơn, ít tiếng ồn hơn. Những câu hỏi được nêu lên rằng tại sao lại nhấn mạnh nhiều đến như thế đến các tàu sân bay, vật trưng bày của hệ thống phòng thủ Mỹ, trong khi các tàu này đã tỏ ra dễ bị tiến công như thế. Đã có sự bất đồng xung quanh những vấn đề ưu tiêu tài trợ, đặc biệt cho hệ thống phòng thủ không gian Chiến tranh giữa các vì sao mà một vài khoa học tin rằng không bao giờ có hiệu lực. Đã có những nỗ lực nhằm không để cho kỹ thuật phát hiện tàu ngầm quá phụ thuộc vào ngành âm học. Hệ thống rađa đặc biệt đã được thử nghiệm từ vệ tinh nhằm phát hiện những dấu hiệu bất thường trên mặt biển và so sánh chúng, giống như chữ ký của mỗi người, với các hình ảnh do máy tính tạo ra. Tàu ngầm sẽ tạo ra những thay đổi nhỏ về độ cao và độ bằng phẳng của sóng bề mặt. Vùng nước biển xung quanh sẽ thay đổi nhiệt độ. Các sinh vật sống trong nước sẽ bị xáo động. Tàu lúc di chuyển sẽ để lại phía sau những hạt nhỏ. Tất cả những hiện tượng này sẽ hiện lên trên bức ảnh từ vệ tinh cho thấy vệt rẽ nước kéo dài hơn so với vệt rẽ nước của một tàu nổi.
Trong nội bộ hải quân Trung Quốc đã có một cuộc tranh luận mạnh mẽ về việc nên điều một tàu ngầm đêzen hay tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Phần thắng trong cuộc tranh luận đã thuộc về những người ủng hộ những chiến thuật của tàu Romeo và Ming công nghệ thấp được áp dụng trong trận đánh ơ Biển Nam Trung Hoa. Họ tin rằng hải quân Mỹ, với việc tập trung vào hệ thống phòng thủ NATO, không được huấn luyện để đối phó với kiểu đe dọa mà tàu ngầm Kilo tạo ra.
XƯỞNG QUAY CỦA CNN, ATLANTA
Giờ địa phương: 10h00' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 15h00' thứ Năm 22/02/2001
Từ khắp nước Mỹ tin tức đổ về thông báo tình trạng cướp bóc, giết người, đốt phá và bạo loạn. Các phóng viên ở Los Angeles, New Orleans, Oasinhtơn, New York, Chicago, Dallas và các nông trại miền Trung nước Mỹ, đều đưa những tin u ám và đẫm máu giống nhau về một dân tộc đang trong cơn hoảng loạn ích kỷ để sống sót. Hàng ngàn nhà cửa bị đột kích. Thời gian đầu, cảnh sát đổ cho là cuộc chiến tranh giữa các băng đảng, nhưng sớm nổi lên tình trạng những gia đình thuộc tầng lớp trung lưu đáng kính cũng đang chất thực phẩm ăn cắp được lên xe của họ. Họ tự vũ trang và bắn giết để cướp hàng. Đến giữa buổi sáng, các siêu thị đóng cửa. Các nhân viên và gia đình họ được phép ở lại bên trong cho tới khi cuộc khủng hoảng chấm dứt. Ở Memphis, bọn cướp lùi một chiếc xe tải nhận hàng vào một cửa nhà hàng. Khi người chủ 42 tuổi cố ngăn họ lại thì ngực ông ta bị bắn nát bởi đạn bắn ra từ khẩu súng ngắn hai nòng. Ở Albuquerque, hàng trăm người bao vây một siêu thị đúng lúc những chiếc cửa cuốn bằng sắt được kéo xuống. Hai chiếc xe lao sầm vào tấm kính phía trước để đẩy cửa cuốn lên. Đám người tràn vào cửa hàng, cướp tất cả số thực phẩm tươi và đồ hộp rồi nhồi nhét vào những chiếc túi, hộp, xe đẩy và mọi thứ mà họ có thể tìm thấy. Các nhân viên tự nhốt mình vào buồng kho. Khi tình trạng cướp bóc lan tràn, nhiều thủ đoạn xấu xa hơn đã được áp dụng: đốt phá, bom xăng, thậm chí cả lựu đạn và súng phun lửa. Ở New Oreans, 15 người đã bị giết khi họ mắc kẹt trong một quán rượu ở tầng hầm và những trái bom xăng được ném từ tầng trên xuống. Ở Los Angeles, nhiều khu vực của thành phố đã bị các nhóm cướp bóc có tổ chức, những nhóm đã bắn nhau với cảnh sát, chiếm cứ. Một băng xe máy có vũ trang đã đập phá đại lộ Rodeo ở Beverly Hills trước khi tiến vào khu vực ngoại ô giàu có, nơi lực lượng Vệ binh Quốc gia thiết lập một hàng rào súng phun nước, được hậu thuẫn bởi những chiếc xe bọc thép và máy bay trực thăng quân sự. Ở hầu hết các thành phố của Mỹ, tình hình đều xấu đi. Không gian đầy tiếng còi não nùng của xe cứu thương, tiếng động cơ xe cứu hỏa và tiếng súng. Một số khu vực bị tàn phá nặng nề nhất là khu phố người Hoa bị các nhóm côn đồ tấn công đơn thuần chỉ cốt cho hả cơn giận dữ. Cảnh sát và các lực lượng Vệ binh Quốc gia, vốn đã bị dàn ra quá mỏng, và với ngay các gia đình riêng của họ bị đe dọa trong chiến tranh, không thấy có lý do gì để bảo vệ những cộng đồng sắc tộc này cả. Ở Chicago, đôi vợ chồng chủ nhà hàng East Lake đã treo một tấm biển với dòng chữ tiếng Anh: "Mời vào và tự nhiên cho". Họ rời nhà qua lối cửa sau mang theo một chiếc vali đúng như ông bà của họ đã làm ở Thượng Hải cách đây 50 năm. Phần lớn người Hoa ở Chicago và nhiều thành phố khác quyết định không hành động bảo vệ tài sản của họ, hoặc tranh lun về sự vô tội của họ. Họ đã từng biết về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Họ cũng biết những người cai trị Trung Quốc, đôi lúc đã quyết chí tự hủy diệt đất nước họ như thế nào. Với sự kiên nhẫn đáng kể, hàng nghìn người đã từ bỏ sự nghiệp của họ trong ngày hôm đó. Hầu hết đều tới xếp vào những hàng người bên ngoài các lãnh sứ quán các nước châu Âu và Mỹ Latinh, khai là người tị nạn do bị đàn áp chính trị. Ở San Francisco, bảy người đã bị giết trong một vụ xả súng từ chiếc xe chạy qua khi họ đang xếp hàng trước lãnh sứ quán Braxin.
Trong phạm vi bán kính 7 dãy phố khu East Lake ở Chicago có ít nhất 20 nhà hàng và cửa hiệu của người châu Á. Những hình vẽ được phun lên khắp nơi xung quanh các tòa nhà mang dấu ấn của các băng bụi đời da đen, những băng nhóm đã chiếm cứ lãnh địa cách vài dãy phố về phía Nam, cộng đồng người Việt Nam và người Triều Tiên đỡ căng thẳng hơn người Hoa. Khi các băng nhóm xông vào, họ tự vệ quyết liệt, điều này làm cho người Mỹ nhớ lại rằng vì sao họ đã không thể đánh bại được những dân tộc này trong hai cuộc chiến tranh riêng rẽ. Những người châu Á này nhử những thanh niên da đen được chỉ đạo kém vào các điểm mai phục. Họ đánh giáp lá cà tay không, giết nhau bằng những cú đá và chém chí tử. Sau một trận đấu súng đẫm máu trong đó thi thể các thành viên băng cướp cỡ 12 tuổi nằm ngổn ngang trên các đường phố, người Việt tiến xuống phía Nam vào lãnh địa của một băng đảng đã từng tấn công siêu thị của họ. Họ bao vây một quán rượu. Dưới làn đạn yểm trợ, người Việt cho nổ hai thùng nhiên liệu ngoài cửa sổ, ném lựu đạn vào, bắn vào những kẻ sống sót bỏ chạy ra ngoài rồi trốn đi. Một bình luận viên truyền hình bắt đầu suy đoán hàng chục ngàn người Hoa đang tiến hành nổi dậy trên các đường phố nước Mỹ theo lệnh của Đảng Cộng sản.
Ở vùng nông thôn, nơi lương thực dồi dào hơn, dân chúng tự tổ chức thành những công xã tự vệ. Người ta xô tới các cửa hàng bán súng đạn. Các nông trại đã biến thành những khu vực phòng thủ tự cung tự cấp. Như một cảnh sát trưởng ở Wyoming nói: "Hình như không ai vi phạm luật nghiêm trọng. Nhưng đã có thêm nhiều súng ống so với cách đây 12 tiếng đồng hồ". Các nhà buôn ô tô cũng thông báo tình trạng mua vét những chiếc 4 bánh, xe tải và xe thùng. "Một số người tới với túi và hòm tiền, lấy một chiếc xe, rồi lái đi", một chủ cửa hàng bán xe ô tô ở Kansas City cho biết. "Họ chẳng lấy giấy tờ gì hết và không chờ tôi đếm tiền. Họ trả toàn bộ tiền ngay. Đôi khi quá nhiều. Chiến tranh hạt nhân chắc chắn là rất tốt cho công việc kinh doanh chừng nào nó không bao giờ xảy ra".
Các thống đốc bang và sau cùng là Tổng thống đã xuất hiện trên hệ thống truyền hình kêu gọi bình tĩnh, nhưng sự xuất hiện của họ dường như chỉ càng làm tăng thêm sự hoảng loạn.
KHÁCH SẠN CHINA WORLD, BẮC KINH
Giờ địa phương: 23h00' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 15h00' thứ Năm 22/02/2001
¬Tài xế của chiếc Lincoln Continental cho xe chạy vòng qua các phố nằm ở phía sau khu ngoại giao để tới khách sạn China World, nơi sứ quán đã đặt thuê một phòng đặc bit trên tầng Horizon. Những hình nộm cháy dở nằm ngổn ngang trên đường. Tờ "Quân giải phóng", mà nhiều sinh viên mang theo, bay tứ tung khắp các phố. Những tấm áp phích được dán lên các bức tường của sứ quán ca ngợi Chủ tịch Vương. Họ chỉ nhìn thấy ba xe ô tô trên đoạn đường ngắn đó; những chiếc tắcxi tính tiền vé bằng ngoại tệ. Các luồng đường dành cho xe đạp vắng tanh. Những đường phố này đã bị Đảng trưng dụng. Những đường phố này cấm đi lại đối với dân chúng Trung Quốc. Không ai dám liều đi vào đó. Một bầu không khí yên tĩnh bao trùm khu vực này của Bắc Kinh, một khu vực đã được dọn sạch sẽ của đất nước Trung Hoa nơi mà trận đánh chống Chủ nghĩa đế quốc đã diễn ra trong vài giờ đồng hồ và rồi nhanh chóng được từ bỏ. Ngay lập tức, chiếc xe đi vào khu tổ hợp China World Trade, rực sáng và nhộn nhịp. Người gác cửa, trông vạm vỡ trong chiếc áo choàng đỏ, chỉ đường cho Overhalt.
Bản nhạc do một ban nhạc thính phòng phía bên phải đang chơi vọng khắp hành lang. Ông nghe thấy tiếng trống của một ban nhạc Rock & Roll của Philippin từ một quầy tượu tối om phía bên trái. Các nhân viên đã chuẩn bị một chiếc thang máy chờ ông. Tiếng người sau bức thảm vọng ra: "Xin chúc một ngày thứ năm tốt đẹp". Trên tầng 21, các vệ sĩ của Jamie Tống đón ông và đưa ông tới thẳng khu phòng đặc biệt ở cuối hành lang. Ngoại trưởng Trung Quốc đã có mặt ở đó, pha cho ông một ly vốtka với tonic tại một quầy rượu nhỏ.
"Reece, hân hạnh được gặp Ngài", ông nói bằng tiếng Anh.
"Tôi cũng vậy, Jamie", Overhalt đáp lại. Jamie Tống bảo các trợ lý của mình rời khỏi căn phòng, nhưng Overhalt nói ông biết chắc là mọi lời nói đều được ghi âm, được dịch tại phòng giám sát kỹ thuật của Bộ An ninh Quốc gia đặt ngay phía sau khách sạn, rồi chuyển thẳng tới Ủy ban Trung ương ở Trung Nam Hải. Overhalt tin rằng tất cả điều này sẽ là một lợi thế. "Sau khi ngài gọi điện cho tôi hôm thứ tư," ông nói tiếp: "Tôi đã nói chuyện với Tổng thống. Chính theo đề nghị của Tổng thống, tôi có mặt tại đây tối nay. Tôi e ngại những người biểu tình của Ngài có thể làm chúng ta mất thời gian và làm tăng nguy cơ của một cuộc đánh nhau bằng hạt nhân".
Ngoại trưởng nhìn thẳng vào mắt Overhalt với một vẻ thờ ơ. "Đảng không thể làm gì chống lại những người muốn bày tỏ những tình cảm tự phát chống chủ nghĩa đế quốc".
Overhalt làm ngơ trước nhận xét này và nhanh chóng đưa câu chuyện đi vào điểm chính là Cuộc Tấn Công Của Con Rồng. "Dẫu sao, tôi đang có mặt tại đây. Cuộc khủng hoảng này, một cuộc khủng hoảng do chính các ngài gây ra, đã vượt khỏi tầm tay. Do vậy, tôi sẽ đi nhanh vào vấn đề và nói một cách thẳng thắn. Như tôi có nói với các ngài hôm nay rằng chúng tôi đã có những tên lửa được đặt chương trình sẵn sàng phóng đi. Tôi được Tổng thống ủy quyền thông báo với các ngài điều này: nếu Trung Quốc bắn một quả tên lửa, chúng tôi sẽ tiến hành một cuộc tấn công trả đũa. Không có chuyện "nếu" hay "nhưng" gì hết. Chúng tôi không chỉ nói tới Bắc Kinh. Chúng tôi nói tới Đại Liên, Thanh Đảo, Thượng Hải, Vũ Hán, Thành Đô. Các thành phố của các ngài sẽ trở thành một đống phế thải phóng xạ. Cơ sở hạ tầng của các ngài sẽ là một đống bê tông vụn nát và những thanh sắt dúm dó. Đất nước của các ngài sẽ không còn là gì nữa".
Jamie Tống ngắt lời: "Reece, ngừng lại, ngừng lại. Ai đang nói về chiến tranh hạt nhân đây?"
Overhalt không dám chắc là liệu người bạn của ông có đúng là không biết gì về mức độ nguy cơ chiến tranh mà PLA đã làm trầm trọng thêm. "Các ngài đã đặt các tên lửa ICBM triển khai trên đất liền trong tình trạng sẵn sàng phóng. Các ngài đã từ bỏ chính sách tiến công trước. Tuy nhiên, các lực lượng hải quân của các ngài đang bị tiêu diệt. Nếu chúng tôi muốn chúng tôi sẽ hủy diệt những gì còn lại của lực lượng không quân của các ngài. Nếu điều đó xảy ra thì có nghĩa là PLA sẽ hết sức bẽ mặt. Đảng sẽ sụp đổ. Giấc mơ của các ngài trở thành một siêu cường kinh tế trong một nhà nước chuyên quyền sẽ không bao giờ diễn ra. Đó phải chăng là những gì các ngài muốn, Jamie? Để cho Trung Quốc thua cuộc, giống như Liên Xô ư? Đó là mục tiêu của các ngài ư?".
Tống nói: "Trung Quốc sẽ không bao giờ lại để hạ nhục thành nô lệ", Tống nói sau khi dừng trong một giây, "Chúng tôi là một nền văn minh rất lâu đời. Các ngài có thể đánh bom toàn bộ đất nước chúng tôi, nhưng chúng tôi sẽ phục hồi, cho dù phải mất một nghìn năm. Tuy nhiên, nếu chúng tôi chỉ biến một khu ngoại ô của thành phố thành cái mà ngài gọi là đống phế thải phóng xạ, thì điều gì sẽ xảy ra với nước Mỹ?"
"Chúng tôi có thể xử lý được nó."
"Các ngài có thể ư? Hãy xem vô tuyến. Hãy nhìn nước Mỹ hoảng loạn tới mức nào ngay khi đất nước họ cũng bị đe dọa như đất nước chúng tôi đã từng bị đe dọa rất nhiều lần trong quá khứ."
Overhalt không trả lời.
"Tại sao ngài không so sánh chúng tôi với một băng đảng người Mỹ gốc Phi ở Los Angeles?". Tống nói. "Bọn chúng đang tiến công nước Mỹ từ những chiếc xe tải của chúng xả súng bắn vào mọi thứ và rồi bị bắn trả. Những đứa trẻ mới 11, 12, 13 tuổi đang bị hủy diệt bởi thư vũ khí tự động. Nhưng giờ đây chúng vẫn tiếp tục làm điều đó. Chúng muốn chết. Đó là thuộc về cuộc sống băng đảng. Nếu các công dân Mỹ ra khỏi nhà và tự hủy hoại mình, thì tại sao các ngài lại không thể nhận thức được rằng Trung Quốc sẽ không làm như thế?"
"Toàn bộ cuộc nói chuyện này làm miệng tôi đắng ngắt, Jamie". Overhalt nói: "Chúng tôi đã đổ nhiều thời gian, tiền của và sự chân thành vào đất nước của các ngài, tin rằng các ngài đã thưc sự muốn hiện đại hóa và cải cách. Nhưng tôi muốn nói với ngài điều này, và không hề sai lầm, rằng nước Mỹ và hãng Boeing sẽ sống sót. Ấn Độ đang cho các ngài thấy thắng được họ các ngài cũng sầy vẩy, châu Mỹ Latinh đang phát triển nhanh chóng. Nga và Đông Âu đang xếp hàng chờ các công nghệ và kỹ thuật xây dựng của chúng tôi. Cái ngày mà các nước đang phát triển kêu gào là nạn nhân và đòi thoát khỏi thân phận đó đã qua rồi. Có những thị trường lớn dễ thâm nhập hơn nhiều so với ở đây. Có các nhà lãnh đạo dân chủ có những kế hoạch thực sự cho đất nước họ phát triển. Trung Quốc không còn có gì đặc biệt nữa, và nếu các ngài không có chúng tôi thì các ngài cũng sẽ không có Liên hiệp châu Âu. Nếu Boeing bỏ đi, Airbus cũng sẽ bỏ đi. Các ngài xua đuổi Ford và Chrysler, thì Citroen và Mercedes cũng sẽ cuốn gói. Các ngài cấm AT&T và Motorola, thì các ngài sẽ không có Nokia và Siemens. Tất cả chúng tôi sẽ chấp nhận những mất mát để ra đi. Những người mà các ngài đang đe dọa tấn công hạt nhân chính là những người xây dựng cơ sở hạ tầng tuyệt vời nhất trên thế giới".
Đúng lúc này, Jamie Tống đứng dậy và bước tới cửa sổ. "Tôi đã được ủy quyền để thông báo với ngài rằng tàu ngầm tên lửa hạt nhân Hạ của chúng tôi đang có mặt ở Thái Bình Dương với loạn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới JL2. Từ nơi mà nó đang có mặt, nó có thể bắn tới Oasinhtơn".
"Chúng tôi đã đánh chìm nó rồi", Overhalt rít lên.
"Các ngài đã đánh đắm chiếc tàu Hạ cũ hơn mang tên lửa JL1. Chỉ huy con tàu Hạ 407 đang đợi lệnh bắn. Tôi phải trở lại Trung Nam Hải để báo cáo cuộc gặp này của chúng ta. Tại sao ngài không báo cáo với Tổng thống Bradlay qua đường dây an toàn từ sứ quán, và chúng ta có thể gặp lại nhau tại đây trong khoảng hai tiếng đồng hồ nữa? Ngài có thể báo cáo với Bradlay rằng chúng tôi sẽ không bắn cho tới sau cuộc gặp tới của chúng ta? Ngài hiểu ý tôi chứ?".
Hai người cùng nhau đi xuống trong thang máy. Lúc đó đã nửa đêm. Khi họ đứng ở tiền sảnh của khách sạn, thì hoạt động của Bắc Kinh về đêm thấp thoáng trước mắt họ như thể chẳng có điều gì xảy ra cả. Những chiếc xe Limousine nối đuôi nhau. Họ nghe thấy những tiếng còi xe dọc đại lộ Trường An. Khói từ các đống lửa mà những kẻ vô gia cư nhóm lên để sưởi ấm dưới gầm chiếc cầu chui được chiếu sáng bởi những ngọn đèn đường. Overhalt phát hiện ra một điều mỉa mai là một ban nhạc đang chơi rất tồi bài "Rocket man" của Elton John. "Nhìn kìa, Reece", Jamie Tống nói, "Trong lúc nước Mỹ bốc cháy, thì Trung Quốc, lại yên bình. Chúng tôi vẫn đang kiểm soát được con người và nền văn hóa của mình. Tại sao ngài không hỏi Bradlay xem liệu ông ta có kiểm soát được giấc mơ của người Mỹ không?"
NHÀ TRẮNG, OASINHTƠN
Giờ địa phương: 12h00' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 17h00' thứ Năm 22/02/2001
Sau khi nói chuyện trực tiếp với Reece Overhalt từ sứ quán, Tổng thống Bradlay đã ra lệnh ngừng bắn đơn phương về phía các lực lượng liên quân tại Biển Nam Trung Hoa. Tất cả các máy bay trừ máy bay do thám đã trở về căn cứ. Sẽ không có nổ súng trừ khi bị bắn trước. Cố vấn an ninh quốc gia Martin Weinstein cho rằng người Trung Quốc có thể chơi trò bịp bợm, nhưng có một nguy cơ nước Mỹ không có khả năng chấp nhận. "Thưa quý vị, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta chỉ cách một cuộc tấn công hạt nhân có 2 giờ đồng hồ", ông nói.
Trong một vài phút đã có tình trạng không chắc chắn về số lượng tàu ngầm của Trung Quốc được triển khai ở Thái Bình Dương. Tình báo quân sự đã xác định gần như chắc chắn một tàu ngầm tấn công lớp Kilo ngoài khơi bờ biển California gần Crescent City. Vị trí hiện nay của nó chưa xác định, cho dù có một cơ hội rất tốt là chiếc USS Asheville hoặc chiếc USS Jefferson City sẽ theo sát nó trong một vài giờ tới. Vào thời điểm nó bị phát hiện, Jamie Tống ở khách sạn China World Hotel với Reece Overhalt. Có khả năng là Tống không biết rằng nó đã bị phát hiện. Ông ta đã công bố một loại tàu ngầm hoàn toàn khác, tàu ngầm tên lửa chiến lược lớp Hạ, khi nó vẫn còn cách đó vài nghìn km ngoài khơi Thái Bình Dương.
Tổng thống nói: "Chúng ta hãy làm rõ toàn bộ vấn đề. Chúng ta đang bị hai chiếc tàu ngầm đe dọa. Phía Trung Quốc nói có một chiếc. Chúng ta biết chiếc kia. Ngay bây giờ, một trong hai chiếc này có thể mở cuộc tấn công vào dân chúng Mỹ. Không rõ có còn chiếc tàu ngầm nào nữa?"
"Chúng tôi không nghĩ như vậy, thưa ngài. Nhưng chúng ta không biết còn tàu nữa không?"
"Chúng có thể tiêu diệt một thành phố của Mỹ và chúng ta sẽ không thể làm quái gì với việc này".
Arnold Kuhnert nói: "Chúng ta có thể phát hiện một quả tên lửa khi nó vừa rời bệ phóng, nhưng điều này sẽ chỉ có ý nghĩa là thời gian đủ dài trước khi nó tới được mục tiêu".
Arnold Kuhnert nói: "Còn các cơ hội cho chúng ta chặn lại tên lửa (của Trung Quốc) hiện nay là không tốt lắm".
"Và để ngăn không cho nó xảy ra, chúng ta đã từ bỏ quyền của mình đối với Biển Nam Trung Hoa".
"Đó là tất cả những gì vấn đề này, thưa ngài".
"Hoặc chúng ta sẽ xóa bỏ Trung Quốc, mất Oasinhtơn và một vài thành phố khác. Bao nhiêu người sẽ thiệt mạng, có thể là 1 hoặc 2 triệu? Thưa quý vị, câu hỏi trước mắt là liệu có đáng hy sinh những sinh mạng đó để duy trì vai trò lãnh đạo của chúng ta trong các vấn đề toàn cầu không?".
ĐẠI HỌC BẮC KINH
Giờ địa phương: 01h00' thứ Sáu 23/02/2001
Giờ GMT: 17h00' thứ Năm 22/02/2001
Trong suốt đêm hôm trước, các sự kiện đã được các sinh viên ghi chép lại qua mạng Internet. Trong lúc các phương tiện truyền thông chính thức do nhà nước quản lý tiếp tục xỉ vả cuộc xâm lược của Mỹ và Nhật Bản, thì không thấy nhắc tới nguy cơ hạt nhân sắp xảy ra. Kể từ lúc bắt đầu xảy ra Cuộc Tấn Công Của Con Rồng, các sinh viên đã tổ chức các cuộc hội thảo không chính thức bàn về những tác động của nó. Nhóm rất bí mật gồm 12 nam nữ thanh niên của Phong trào Cộng sản Mới giờ đây đang xác định vào thời điểm nào của cuộc khủng hoảng nên được lợi dụng để buộc có một sự thay đổi chính phủ. Một đài thu thanh sóng ngắn, bắt sóng Chương trình quốc tế của đài BBC, đặt trên bệ cửa sổ với ăngten treo bên ngoài vì tín hiệu thu kém. Nhóm trưởng, một sinh viên khoa kinh tế 21 tuổi, cho rằng phong trào này có 2 nhiệm vụ. Liệt kê một danh sách các tên tuổi trong đó có Mao Trạch Đông, Mahatma Gandhi và Nelson Mandela, anh này lập luận rằng để giành thắng lợi cho Trung Quốc họ phải sẵn sàng hy sinh tự do và có thể cả tính mạng của mình nữa. Nhưng thực tế chưa đến lúc tiến hành biểu tình. Với việc Mỹ sắp mở một cuộc tấn công hạt nhân thì nhiệm vụ của những người Cộng sản Mới là đưa ra những lời khuyên răn đối với dân chúng hãy tự bảo vệ mình. Trong vài giờ qua, các thông điệp đã được truyền trên mạng Internet tới các chi bộ của phong trào ở Thượng Hải, Quảng Châu, Hồng Kông, Đài Bắc, Lan Châu và các thành phố lớn khác. Các đài phát thanh bí mật của Hồng Kông và Đài Loan đã sẵn sàng bắt đầu phát sóng. Có một đài phát nữa ở Lhasa và chi bộ ở Thượng Hải nói rằng họ cũng đang lắp đặt thiết bị truyền thanh. Từng chi bộ dán áp phích khuyên những người sống sót qua một cuộc tấn công hạt nhân cần phải làm gì. Các sinh viên đã lấy ra toàn bộ những trang Web về hạt nhân từ mạng Internet và sao chụp chúng. Người lãnh đạo chi bộ Bắc Kinh cho biết trong vòng nửa giờ nữa những người Cộng sản Mới khắp Trung Quốc sẽ bắt đầu những tuyên bố của mình. Các xe ô tô đang chờ ngoài sân trường đại học và những tấm áp phích sẽ được phân phát khắp các khu dân cư. Sau đó, dân chúng sẽ khuyến cáo qua những chiếc loa phóng thanh. Trưởng nhóm nói rõ rằng đây không phải là một dạng hành động chính trị. Mục đích chỉ là cứu các tính mạng. Do vậy, sẽ không có một tấm áp phích nào được dán ở trong hoặc xung quanh Quảng trường Thiên An Môn và khu vực nhạy cảm khác, và cũng sẽ không có thông báo nào ở đó.
Khi cuộc họp giải tán, nhân viên Sở công an (PSB) xông vào ký túc xá của họ, bắt giữ các sinh viên, tịch thu máy thu thanh và thiết bị máy tính. Trưởng nhóm vùng ra và chạy dọc hành lang hòng tẩu thoát. Anh này đã bị bắn chết, đạn trúng vào lưng. Các nhân viên PSB ập tới ba chiếc xe đậu bên phía đường đối diện cách cổng chính của trường đại học 300 mét. Hai người lái xe bị bắt. Người thứ ba lao xe chạy trốn, nhưng đã bị dính một trận mưa đạn súng máy ngay ngã tư đầu tiên. Chiếc Volkswagen Santana lật nhào và đâm sầm vào một cột đèn cao áp. Người lái xe bị chết. Một vài người chứng kiến cảnh chết người đó đã bị tạm giam. Rõ ràng là một bộ máy an ninh khổng lồ của Trung Quốc giám sát các hoạt động của những người Cộng sản Mới từ nhiều tháng nay, và khi sinh viên sắp xuất đầu lộ diện thì họ chọn thời điểm để ra tay. Ít nhất là 18 người khác bị chết, 1 ở Hạ Môn, 2 ở Vũ Hán, 3 ở Lan Châu, 1 ở Quảng Đông, 3 ở Thành Đô, 5 ở Lhasa và 3 ở Thượng Hải, nơi cảnh sát nổ súng ngay khi họ ập vào căn phòng đang tiến hành các chương trình phát thanh. Một vài người đã nghe thấy tiếng súng máy trước khi tín hiệu phát thanh kết thúc. Trạm phát thanh của những người Cộng sản Mới ở Hồng Kông đã phát sóng được 12 phút trước khi bị cảnh sát phát hiện. Các tín hiệu từ Đài Bắc bị gây nhiễu.
BỜ BIỂN CALIFORNIA, THÁI BÌNH DƯƠNG
Giờ địa phương: 09h30' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 17h30' thứ Năm 22/02/2001
Viên chỉ huy tàu ngầm tấn công USS Asheville báo cáo rằng anh ta đã nhận được tín hiệu âm thanh gần như chắc chắn của chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Trung Quốc cách 10 km về phía Nam nơi nó lần đầu tiên bị phát hiện. Lệnh cho anh ta là bám sát chiếc tàu này, nhưng chưa tiêu diệt nó vì đang có một cuộc ngừng bắn tạm thời. Lần theo tín hiệu rađio tần số rất thấp, anh ta cho chiếc tàu ngầm của mình chạy bám sau chiếc của Trung Quốc và chờ đợi. Các thiết bị thu âm đặt dưới biển cũng đã nhận được các tín hiệu tương tự. Một máy bay do thám AWACS được giao nhiệm vụ chuyên theo dõi chiếc tàu này. Các bức ảnh vệ tinh gửi về chụp rõ vệt rẽ nước mà con tàu này để lại. Viên chỉ huy tàu USS Asheville chờ đợi. Các nhân viên điều hành thiết bị định vị bằng sóng âm của ông, đang thu tiếng động cơ khí phát ra từ chiếc tàu ngầm của Trung Quốc, báo cáo rằng các động tác chuẩn bị phóng các tên lửa hành trình trên con tàu này vẫn chưa bắt đầu. Họ chưa phát hiện thấy cửa các ống phóng ngư lôi được mở để chuẩn bị bắn.
THÔNG BÁO TIN TỨC
Nước Mỹ chuẩn bị kế hoạch tồn tại
sau một cuộc tấn công hạt nhân như thế nào?
Trong khi những nỗ lực che chở dân thường đã kết thúc từ nhiều thập kỷ trước đây, thì các kế hoạch cứu các nhà lãnh đạo đất nước, những tài sản quí của dân tộc, và các văn kiện quốc gia vẫn tiếp tục được duy trì, các nhân viên chủ chốt của chính phủ, cùng với Tổng thống và Quốc hội, vẫn có những hầm tránh hạt nhân. Tạp chí "Time" trong một số phát hành đặc biệt 4 trang, loan tin rằng chính phủ đang khôi phục một kế hoạch được soạn thảo lần đầu tiên trong những năm 1950 để cứu Tổng thống khỏi nguy cơ của một vụ nổ bom hạt nhân. Trong Sứ mệnh Tiền đồn, tên gọi của kế hoạch này, một máy bay trực thăng luôn ở tư thế sẵn sàng. Các phi công đeo kính sẫm màu để bảo vệ mắt khỏi chớp sáng của vụ nổ nguyên tử và mặc bộ quần áo bảo vệ nặng 9 kg để tránh tia phóng xạ. Chiếc máy bay được trang bị những bộ đồ khử nhiễm xạ và những bộ quần chống phóng xạ cho Tổng thống và gia đình Tổng thống, thậm chí còn chở theo cả những thiết bị để đào bới cứu các nhân viên Nhà Trắng ra khỏi những đống đổ nát, nếu bị đánh bom trước. Chiếc máy bay này sẽ bay tới chiếc tàu thông tin liên lạc được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt - chiếc USS Northampton - nằm ở ngoài khơi Đại Tây Dương hoặc tới một vài hầm khoát sâu vào lòng núi, mặc dù tờ "Time", tạp chí đã viết rất nhiều về việc bảo vệ hạt nhân trong năm 1990, tiên đoán rằng cơ sở duy nhất vẫn có thể hoạt động là Mount Weather, một boongke cách thủ đô 80 km.
Tờ "Time" viết rất chính xác. Chiếc hầm ngầm được khoét sâu vào lòng dãy núi Mount Weather này là khu liên hoàn đã có từ 43 năm nay. Về mặt hình thức, nó chưa bao giờ tồn tại và chỉ được nhắc tới như một Cơ sở đặc biệt, do Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp Liên bang điều hành. Khu liên hoàn này nằm gọn trong lòng một quả núi cây cối rậm rạp, được bao quanh bằng một hàng rào sắt cao 3 mét phủ trên là 6 hàng dây thép gai. Bên trong là những bãi cỏ được cắt tỉa và các khối nhà được trang bị ăngten và hệ thống tiếp sóng viba. Phía mặt đá cứng được gia cố bằng những chốt sắt dài từ 2,5 mét đến 3 mét. Dưới mặt đất là một khu liên hàn điều phối giải quyết thảm họa khổng lồ, bao phủ một diện tích 18.500 mét vuông, có một cửa ra vào bằng thép chống được vụ nổ hạt nhân ngay cửa vào đường hầm. Các phòng làm việc được gia cố bằng bê tông cốt thép. Nước uống được chứa trong một bể ngầm. Có một hệ thống máy tính rộng lớn, một đài truyền thanh và một đài truyền hình mà từ đây có thể phát biểu với cả nước, một bệnh viện, quán ăn tự phục vụ với đủ thực phẩm cho vài tuần, một trạm phát điện và các khu nhà nghỉ tập thể. Các quan chức chính quyền cao cấp nhất mang những tấm thẻ đặc biệt, xếp loại theo thứ tự quan trọng phải sơ tán. Họ gồm các bộ trưởng nội các và các thẩm phán tòa án tối cao. Các quan chức sẽ được kiểm tra xem có bị phóng xạ và những người bị nhiễm xạ sẽ được khử bằng nước xà phòng có pha thuốc. Quần áo của họ sẽ bị đem đi đốt. Họ sẽ được cấp phát quân phục. Những chiếc xe chạy điện dùng trong chơi gôn sẽ được dùng làm phương tiện vận chuyển những người bị thương tới bệnh viện.
Đồng thời, Quốc hội có thể ẩn náu tại khu nghỉ Greenbriar ở White Sulphur Springs, Tây Virginia. Boongke này mang mật danh Dự án Đảo Hy Lạp, được xây dựng phía dưới một tổ hợp khách sạn và được trang bị như boongke Mount Weather, nhưng kém sang trọng hơn, cho phép Quốc hội hoạt đng 60 ngày sau một cuộc tấn công hạt nhân. Mục đích là để đảm bảo rằng nền dân chủ không bị sụp đổ và không dẫn đến một chế độ độc tài quân sự. Có 1.000 giường ngủ trong 18 nhà tập thể, với các nhà vệ sinh chung và giống như một nhà trừng giới.
"Cái mà họ đã hình dung trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và có thể đang hình dung ngày hôm nay", tờ "Time" viết, "là một nước Mỹ bị bao trùm không chỉ bởi cuộc chiến tranh hạt nhân mà còn bởi việc áp đặt tình trạng thiết quân luật, khẩu phần hóa lương thực, chế độ kiểm duyệt và việc đình chỉ nhiều quyền tự do công dân. Nó sẽ là sự kết thúc một xã hội như chúng ta từng biết về nó".
Trong lúc chính phủ vẫn tiếp tục chính sách không bình luận gì, thì các kế hoạch trước đây về cách thức nước Mỹ cứu vớt di sản của mình khỏi cuộc hủy diệt hạt nhân đã được đem ra thảo lun. Các văn bản gốc của Tuyên ngôn Độc lập, Hiến pháp, Tuyên ngôn Nhân quyền sẽ được chuyển bằng máy bay từ Cục lưu trữ quốc gia, cách Nhà Trắng 7 khu nhà, tới Mount Weather. Nếu còn thế giới, các văn bản khác như Cuốn kinh Guteberg, Bài diễn văn Gettysburg, và các hồ sơ về James Madison, Thomas Jefferson và George Mason sẽ được chuyển tới đây bằng xe tải. Khu trưng bày Quốc gia chọn những tác phẩm để bảo vệ không phải căn cứ vào bức tranh mà kích cỡ của bức họa. Chúng gồm bức họa Ginevra de, Benci của Leonardo Da Vinci, bức Alba Madonna của Raphael và St. George and the Dragon của Rogier van der Weyden, kích thước chỉ bằng một tấm bưu thiếp. Chúng được đóng gói vào các côngtenơ kim loại nhẹ, trong đó độ ẩm không khí được giữ ổn định bằng các túi hóa chất.
Cục dự trữ liên bang sẽ có những kế hoạch riêng của họ. Họ đã duy trì một boongke rộng 13.000 mét vuông với đủ tiền mặt trong đó đủ để cung cấp cho một nước Mỹ bị thảm họa hạt nhân. Những xấp tiền được cho vào những chiếc túi nylon xếp trên những giá gỗ được kê sát tường sẽ được chuyển ra ngoài bằng một chiếc xe nâng. Ban quản lý của công ty Standard Oil được rút vào một trung tâm điều hành khẩn cấp nằm sâu trong lòng đất 100 mét, gần Hudson, Niu Yoóc. Công việc của họ là đảm bảo việc cung cấp năng lượng được liên tục. Bộ nông nghiệp đã công bố một chương trình khẩu phần hóa lương thực, cho phép những người sống sót được nhận từ 2.000 đến 2.500 calo một ngày, gồm hơn 3 lít sữa và 6 quả trứng mỗi tuần. Các quan chức chính phủ nói mật hiệu duy nhất gồm một từ "FLASH" để thông báo cho người khác biết rằng chiến dịch đã bắt đầu.
OASINHTƠN, DC
Giờ địa phương: 13h00' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 18h00' thứ Năm 22/02/2001
Các đơn vị Vệ binh Quốc gia được huy động ở tất cả các thành phố trong nước Mỹ. Tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong toàn quốc. Một vụ bạo loạn tồi tệ nhất đã nổ ra ở ngay Oasinhtơn khi những lời đồn đại loan truyền sau khi các kênh truyền hình bắt đầu suy đoán liệu Tổng thống, Nội các của ông và các quan chức cao cấp có sẽ được chuyển bằng máy bay đến boongke Mount Weather không. Một người phát ngôn Nhà Trắng nói: "Chúng tôi chưa bao giờ thảo luận về những thu xếp an ninh cho Tổng thống". Lực lượng Thủy quân lục chiến đã dựng vội một hàng rào bảo vệ xung quanh Đồi Capitol và Nhà Trắng. Giống như kẻ thù Trung Nam Hải, các nhà lãnh đạo Mỹ di chuyển trong một khu vực dày đặc những đường hầm và đường tàu điện ngầm, không muốn lộ mặt trước các cử tri của họ. Các nghị sĩ nghe nói đang chuẩn bị để rời đến nơi trú ẩn Greenbriar, cách đó 400 km, được xây dựng ngầm phía dưới tổ hợp khách sạn sang trọng. Một người phát ngôn nói: "Chúng tôi không thể xác nhận hoặc phủ nhận việc liệu căn cứ này có còn được sử dụng hay không". Một lính thủy quân lục chiến đã bị chết vì một kẻ bắn tỉa từ trong đám đông bắn vào cổ. Một quả đạn từ súng phóng lựu vọt qua đầu đám lính thủy quân lục chiến rơi vào tòa nhà của quốc hội. Những chiếc máy bay lên thẳng giải tán đám đông bằng hơi cay. Binh lính xuất hiện với súng phun nước và đạn cao su.
Không thể giấu nổi công chúng bóng ma một cuộc hủy diệt hạt nhân, và nỗi lo sợ một cuộc tấn công hạt nhân sắp xảy ra đã lan khắp nước Mỹ, còn các quan chức và công chúng đều có thái độ phớt lờ những thừ gì cần phải làm. Tất cả đều có gia đình phải bảo vệ, con cái phải chăm nom và phải mua các thứ dự trữ. Lực lượng vệ binh quốc gia, lục quân và thủy quân lục chiến đã kiểm soát hầu hết các trung tâm thành phố. Các băng cướp kiểm soát nhiều khu vực khác. Nhiều người coi nông thôn là nơi an toàn hơn và đã hướng về đó bằng ô tô: các tuyến đường trở nên tắc nghẽn và đã có những vụ xô xát. Các hệ thống giao thông bị đình trệ. Các hãng hàng không hủy bỏ các chuyến bay và cho máy bay của họ bay về phía Nam tới Mỹ Latinh hoặc về phía Bắc tới Canada. Các báo tăng thêm số với những lời chỉ dẫn cách đối phó với một cuộc hủy diệt hạt nhân. Các đài truyền hình, giờ đây dành toàn bộ chương trình của họ nói về cuộc khủng hoảng Cuộc Tấn Công Của Con Rồng, đã suy đoán về mới đe dọa hạt nhân của Trung Quốc trong khi các mục tin thương mại của họ tập trung vào các loại thực phẩm đóng hộp và đồ dùng cần thiết cho sự tồn tại. Một cuộc thăm dò ý kiến trên tờ New York Times nhận thấy rằng 64% người Mỹ tin rằng chính phủ đã có sự phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa. Tờ Washington Post ước tính rằng hai triệu người Mỹ có thể thiệt mạng và hai trăm nghìn người có thể bị thương với chỉ hai quả tên lửa của Trung Quốc. Báo này đã đưa ra những so sánh với những số liệu được sưu tập trong thời kỳ có mối đe dọa Liên Xô, với nguy cơ hai mươi triệu người chết và năm trăm triệu người bị thương. Mỗi quả bom 550 kiloton sẽ hủy diệt tất cả sinh vật và những tòa nhà trong phạm vi bán kính 5,6 km. Lửa có thể thiêu hủy những khu vực có diện tích gấp đôi và dân chúng sống trong khu vực đó một nửa sẽ bị giết hại và nửa còn lại sẽ bị thương.
Cơ quan thường trú của CNN của Bắc Kinh, theo các nguồn tin ngoại giao, là hãng đầu tiên đưa tin một tàu ngầm lớp Hạ của Trung Quốc được tuyên bố đã có mặt ở Thái Bình Dương. Tuyên bố này đã làm gián đoạn một cuộc thảo luận về Mount Weather khi nó chỉ ra rằng thời gian bay bằng máy bay lên thẳng từ Oasinhtơn đến nơi trú ẩn này là 20 phút. Các tên lửa của tàu ngầm cấp Hạ có thể bắn tới mục tiêu từ 10 đến 15 phút sau khi phóng.
Một phi công lái máy bay lên thẳng đã về hưu, đã từng được giao nhiệm vụ cứu hộ gia đình Tổng thống, đã được phỏng vấn trong chương trình ABC News. "Trong những năm đó, chúng ta luôn phản ứng như thể chúng ta gặp phải một cuộc tấn công hạt nhân toàn lực. Tôi không nghĩ mọi người - thậm chí cả những người có chức vụ cao trong chính phủ - có bất kỳ suy nghĩ nào về những gì về cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân nhiều megaton nhằm vào Mỹ sẽ gây ra. Chúng ta sẽ quay trở lại thời kỳ đồ đá. Điều đó là không thể tưởng tượng được".
Tại Nhà Trắng, Tổng thống Bradlay nói với các nội các của ông: "Dân chúng Mỹ đang hoảng sợ. Họ có thể trở nên không thể kiềm chế được. Sau một cuộc tấn công, chúng ta sẽ phải sẵn sàng với một đám dân chúng, những người trở nên điên loạn và sợ hãi không còn kiểm soát được."
Một sự yên lặng bao trùm và tiếp đó là những lời bình luận của một nhân viên cứu trợ đang trả lời phỏng vấn trên truyền hình vang lên khắp phòng họp. "Thật là vờ vịt nếu tôi nói với dân chúng rằng tôi có thể giúp đỡ họ. Điều này nằm ngoài khả năng của chúng tôi. Tôi không thể làm cho dân chúng tin rằng hiện có một hệ thống có tác dụng khi mà từ trong sâu thẳm trái tim tôi, từ trong bóng tối của màn đêm, tôi nghi ngờ là nó sẽ có tác dụng".
Tiếp sau đó là những nhận xét của một cựu giám đốc khu liên hợp Mount Weather: "Tôi sẽ vi phạm luật lệ nếu tôi nói với các bạn là liệu căn cứ đó có sẵn sàng tiếp đón Tổng thống Bradlay và chính quyền của ông hay không. Tôi chỉ muốn nói rằng chính sách của chúng ta sau sự sụp đổ của Liên Xô là chúng ta không nên đóng lại những cánh cửa hầm chết tiệt đó. Hãy nhớ điều mà Plato nói: "Chỉ có cái chết mới chứng kiến sự kết thúc của chiến tranh".
KHÁCH SẠN CHINA WORLD, BẮC KINH
Giờ địa phương: 02h00' thứ Sáu 23/02/2001
Giờ GMT: 18h00' thứ Năm 23/02/2001
Reece Overhalt mở đầu khi hai người ngồi xuống ghế trong khách sạn China World: "Tổng thống Bradlay đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có thể đáp ứng những điều kiện quốc tế được đưa ra nhằm chấm dứt cuộc xung đột này không. Ông cũng muốn các ngài ghi nhận cuộc ngừng bắn đơn phương ở Biển Nam Trung Hoa của các lực lượng đồng minh trong khi chúng tôi tìm cách giải quyết tình trạng lộn xộn này. Đồng thời, các tàu ngầm Trident của Anh và Mỹ sẵn sàng phóng tên lửa bất kỳ lúc nào. Chúng tôi hiện có máy bay ném bom tàng hình B2 ở Okinawa và Guam và các hầm chứa tên lửa Peacekeeper và Minuteman đã sẵn sàng. Những bộ chìa khóa đã được đưa ra khỏi hộp. Mỗi sĩ quan ở từng dàn phóng đã sẵn sàng sử dụng khi nhận được lệnh của Tổng thống".
Jamie Tống lấy một tờ giấy từ trong cặp ra và trải lên trên mặt chiếc bàn thấp. Vừa đọc ông vừa nói: "Chủ tịch Vương sẽ rút các vũ khí hạt nhân của chúng tôi với điều kiện Mỹ rút các lực lượng quân sự ra khỏi Biển Nam Trung Hoa. Nếu các ngài làm như vậy, chúng tôi sẽ đảm bảo việc đi lại tự do cho tất cả các tàu bè không phải quân sự và chúng tôi sẽ cho phép các cuộc tuần tra có giới hạn của hải quân Nhật Bản. Sau một thời gian thỏa đáng cho tình hình lắng xuống, các tàu chiến của Mỹ và đồng minh sẽ được phép vào trên cơ sở từng trường hợp một, nếu chẳng hạn các ngài muốn vào thăm cảng Hồng Kông hoặc Thượng Hải, hoặc Anh lại muốn tới Brunây. Các ngài sẽ thừa nhận hiện có một cuộc tranh chấp hợp pháp mang tính chất khu vực này đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và để cuộc tranh chấp đó cho khu vực này tự giải quyết." Đến đoạn này Jamie Tống ngước mắt lên. "Những gì chúng tôi muốn nói, Reece, là để cho châu Á giải quyết những vấn đề của châu Á. Hãy rút khỏi nơi các ngài không được cần đến nữa và đừng có dính líu vào một cuộc chiến tranh nào khác ở đây, mà nó sẽ làm hàng nghìn người Mỹ bỏ mạng. Đại sứ các ngài và tôi sẽ ký một bản ghi nhớ tối nay. Tiếp đó một văn kiện chi tiết hơn sẽ được các quan chức hai bên thương lượng trong vài tháng tới. Sau đó nên có một sự trao đổi các cuộc viếng thăm cấp cao nhất và mọi việc sẽ trở lại bình thường. Chủ tịch Vương cũng muốn đưa ra một đảm bảo của cá nhân ông rằng buôn bán sẽ không bị tác động. Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi cần công nghệ và đầu tư của các ngài để phát triển. Ông hy vọng chúng tôi sẽ tiếp tục được hưởng những đặc quyền buôn bán".
Reece Overhalt quay trở lại sứ quán để gọi điện cho Tổng thống Bradlay. Trung Quốc cho Mỹ thêm 3 giờ nữa để đi đến một quyết định.
NHÀ TRẮNG, OASINHTƠN, DC
Giờ địa phương: 15h00' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 20h00' thứ Năm 22/02/2001
Một báo cáo của Bộ phận tình báo tín hiệu từ Haoai thông báo họ đã bắt được những tín hiệu trao đổi ngắt quãng trên một tần số đã được mã hóa mà các nhà phân tích nói có thể đã diễn ra giữa căn cứ hải quân Thanh Đảo và tàu ngầm lớp Hạ. Máy bay đã được điều động đi tìm kiếm những tín hiệu đó. Chiếc tàu ngầm của Mỹ ở gần nhất vị trí rất không thuận lợi, nơi chiếc tàu ngầm Trung Quốc có thể đang ẩn náu, là 250 hải lý. Tổng thống được biết cho đến nay việc tìm kiếm các tín hiệu vẫn giống như tìm kim đáy biển. Thủ tướng Anh gọi điện đề nghị tiếp tục sự giúp đỡ về quân sự. Ông bày tỏ sự thông cảm về tình trạng hỗn loạn trong xã hội dân sự ở nước Mỹ. May mắn là nước Anh, đã có kinh nghiệm với các thành phố của họ bị oanh tạc, vẫn được kiểm soát tốt hơn. Ông cũng bày tỏ lo ngại với việc các tờ báo, đài phát thanh và truyền hình ở Hồng Kông bị đóng cửa. Chủ bút tờ South China Morning Post đã bị bắt giam. Cả BBC và CNN đều đưa tin về những vụ bắt bớ hàng loạt những người bị tình nghi có âm mưu lật đổ. Hội đồng Lập pháp đã bị đình chỉ hoạt động và Trưởng đặc khu Hồng Kông đã loan báo những biện pháp khẩn cấp. Thủ tướng Nhật Bản gọi điện yêu cầu Tổng thống Bradlay rút khỏi cuộc chiến tranh lớn hơn mà cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều sẽ không phải là người chiến thắng. Ông này nói rằng Nhật Bản có thể chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Nam Trung Hoa chừng nào đó vẫn là tuyến đường buôn bán quốc tế. Nhưng đây không phải là vấn đề mà vì nó tiến hành cuộc chiến tranh nhiệt hạch. Thủ tướng Đức nói ông không nhận thấy điều gì tốt đẹp từ cuộc chiến tranh đó. Tổng thống Pháp nói ông đã ra lệnh cho các lực lượng của ông án binh bất động trong thời gian hiện nay: ông không có ý định dính vào một cuộc chiến tranh hạt nhân với Trung Quốc. Bộ trưởng quốc phòng Matt Collins nói những tin tức đã được xác nhận có thêm những hoạt động di chuyển quân ồ ạt ở biên giới Việt Nam. Các quân khu Quảng Châu và Côn Minh vẫn được tuyên bố là khu vực có chiến tranh. Những hình ảnh thu được từ vệ tinh cho thấy pháo đang được rút về các vị trí phía trước dọc biên giới. Nhưng không rõ là Việt Nam có được an toàn trước cuộc tấn công của Trung Quốc hay không. Một số vũ khí có sức công phá nhất được triển khai ở Bằng Tường chỉ cách Hà Nội có 150 km. Các nhà phân tích vẫn xem xét những bức ảnh cho thấy những công việc chuẩn bị phóng tên lửa M11 có thể bắn tới các vùng ngoại ô Hà Nội. Trên đảo Hải Nam có những dấu hiệu cho thấy tên lửa M9 đã ở trong tình trạng sẵn sàng. Với tầm bắn 600 km, loại tên lửa này có thể bắn tới Đà Nẵng và Huế. Thủ tướng Ấn Độ gọi điện nói rằng ông nhận được các tin tức về những cuộc nổi loạn ở khắp Tây Tạng. Quân đội đã nổ súng ở Lhasa, Xigaze và Gyangze. Hàng trăm người đã thiệt mạng. Ấn Độ đã cho lập các trại tị nạn đón những người Tây Tạng đang tìm cách chạy trốn. Quân đội đã được điều đến tăng cường bảo vệ biên giới. Văn phòng báo chí của Nhà Trắng đề nghị Tổng thống xác nhận ông sẽ không rời khỏi Nhà Trắng. Cả lực lượng vệ binh quốc gia lẫn lực lượng lính thủy đánh bộ đều tiên đoán sẽ có thêm những cuộc bạo loạn thậm chí nguy hiểm hơn nếu như diễn ra một cuộc sơ tán. Cảnh sát biên giới Mêhicô đã nổ súng vào những người Mỹ tìm cách chạy sang Tijuana và Nogales phía Nam Tuscon. Cũng đã có những chuyện rắc rối ở những địa điểm khác dọc biên giới. Canada đơn giản đã mở cửa biên giới và cho dân chúng vào, yêu cầu họ tiếp tục về phía Bắc để giảm bớt tắc nghẽn giao thông.
Trong khi Reece Overhalt nói chuyện với Tổng thống, những tin tức đầu tiên truyền về cho biết Trung Quốc chiếm đảo Bắc Cán của Đài Loan ngoài khơi bờ biển Phúc Kiến. Hai mươi phút sau, khu định cư Matsu được bảo vệ tốt hơn đã rơi vào tay Trung Quốc. Trong vòng 5 phút sau khi tin này được xác nhận, Tổng thống Bradlay đã lệnh cho tàu USS Asheville tiêu diệt tàu ngầm lớp Kilo nằm ở ngoài khơi bờ biển California. Reece Overhalt vẫn đợi trên đường dây điện thoại an toàn. Bộ trưởng quốc phòng, cố vấn an ninh quốc gia, Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân và bộ trưởng ngoại giao đều được nối dây tham gia cuộc nói chuyện chung qua điện thoại. Reece Overhalt giải thích chính sách của Trung Quốc gạt nước Mỹ ra khỏi các vấn đề của châu Á.
"Thế nào, các vị có ý kiến gì không?" Tổng thống lên tiếng.
"Thưa Tổng thống", Bộ trưởng bộ quốc phòng nói, "tại sao chúng ta lại nghĩ đến việc kết án tử hình hàng triệu người dân của chúng ta bằng vũ khí hạt nhân? Tôi nghĩ người Trung Quốc đã đề nghị những điều kiện hòa giải với chúng ta, và theo tôi chúng ta nên chộp lấy cơ hội đó bằng cả hai tay. Quyết định leo thang xung đột trên biển của chúng ta được đưa ra không phải là để phản ứng với việc Trung Quốc chiếm Biển Nam Trung Hoa, mà là với việc họ đã đánh chìm tàu Peleliu. Nhiệm vụ của tàu Peleliu là cứu các chuyên gia dầu khí Mỹ bị bắt làm con tin. Tôi được thông báo cách đây một giờ qua là những người đó hiện đã được các lực lượng hải quân Nhật Bản giải thoát và hiện an toàn trên một tàu hải quân của Nhật Bản. Nhật Bản, đồng minh của chúng ta, đã nổi lên là một cường quốc toàn cầu mà chúng ta có thể tin tưởng trao cho họ vai trò lãnh đạo ở châu Á. Nếu các tuyến đường buôn bán được đảm bảo, thì việc liều lĩnh chấp nhận nguy cơ chiến tranh hạt nhân sẽ có ý nghĩa gì? Ngoài thiệt hại về sinh mạng, nền kinh tế toàn cầu có thể bị đẩy lùi vài thập kỷ. Sẽ có một sự thay đổi các liên minh và quyền lực mà phải mất nhiều năm mới ổn định được. Bản thân nước Mỹ sẽ trải qua một sự biến động nội bộ về mặt tâm lý sẽ không thể hồi phục được trong nhiều thế hệ. Hãy lắng nghe những gì đang nói trên vô tuyến truyền hình. Là một dân tộc, chúng ta vẫn đang lấy lại sức sau thất bại ở Việt Nam cách đây gần 30 năm. Tuy nhiên, không một viên đạn nào trong cuộc chiến tranh đó rơi xuống lãnh thổ chúng ta. Phải mất bao nhiêu lâu chúng ta mới chữa khỏi chấn thương do cuộc tấn công hạt nhân gây ra. Chưa cần bắn một quả tên lửa, người Trung Quốc đã đẩy đất nước này vào tình trạng hỗn độn vì bạo loạn và cướp bóc. Tôi đề nghị chúng ta ký Bản ghi nhớ, giữ cho các tên lửa ở nguyên vị trí và mở cửa lại phố Uôn và để cho nước Mỹ quay trở lại cuộc sống bình thường. Nói đúng ra, điều này sẽ không giống như là chúng ta bị đẩy ra khỏi châu Á, chúng ta không bị như vậy. Chúng ta sẽ nổi lên như là những cứu tinh của châu Á và châu Âu".
Một cú điện thoại từ Văn phòng báo chí cắt ngang cuộc thảo luận. Tổng thống chỉ thị phát đi một tuyên bố nói rằng ông và các cố vấn của ông sẽ không sơ tán khỏi Nhà Trắng. Tuy nhiên, không có chi tiết nào được đưa ra về việc các cơ sở trú ẩn hạt nhân đã được chuẩn bị sẵn sàng. Trên đồi Capitol, các nghị sĩ chỉ rời khỏi văn phòng để trở về nhà họ. Không tiết lộ các chi tiết về an ninh, một nghị sĩ nói với những người phỏng vấn rằng không có chuyện họ đi mà không có gia đình họ đi kèm. Và không có cơ sở trú ẩn nào để đến cả. Thực tế, cả Nhà Trắng và các tòa nhà của Quốc hội đã bị những người biểu tình bao vây. Nhân viên an ninh đã cảnh báo nguy cơ của việc sơ tán bằng máy bay lên thẳng. Các mật vụ trong đám đông báo cáo có người mang theo vũ khí, kể cả những vũ khí tự động rất mạnh có thể bắn rơi máy bay.
Ngoại trưởng Larry Gillchrest đưa ra lập luận theo hướng khác. Ông nói: "Tôi không nghĩ đây là thời điểm để có một sự lựa chọn dễ dàng và nhượng bộ Trung Quốc trước mũi súng. Các chính phủ không phải dân chủ khác trên khắp thế giới sẽ coi Mỹ là một con hổ giấy. Nếu Trung Quốc thành công trong việc làm chúng ta bẽ mặt, sẽ không có chính phủ dân chủ nào có được cả ý chí lẫn khả năng để kiểm soát các vấn đề toàn cầu nữa. Một nước Trung Quốc không được kiểm soát sẽ xâm lược Đài Loan - họ đã bắt đầu làm việc đó. Họ sẽ tìm cách kiểm soát Triều Tiên và Đông Dương. Các cộng đồng kinh doanh người Hoa ở châu Á sẽ ủng hộ Trung Quốc và làm xói mòn ảnh hưởng của chúng ta. Thưa Tổng thống, kết quả cuối cùng sẽ là những tình trạng hỗn loạn quốc tế, không chỉ trong cán cân quyền lực mà cả trong các nền kinh tế và hàng chục, nếu không nói là hàng trăm cuộc chiến tranh nhỏ hơn sẽ bùng nổ. Không thể tránh khỏi là các cuộc xung đột sẽ lan rộng, có thể bắt từ từ Trung Đông hoặc ở châu Âu mà chúng ta sẽ bị lôi kéo giống như chúng ta đã bị lôi kéo trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất và thứ Hai, trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam, vùng Vịnh và Bôxnia. Nếu cuộc thảo luận này là tìm kiếm một sự lựa chọn để thoát ra khỏi cuộc xung đột này thì, thưa các vị, chúng ta đang mơ mộng. Mọi người sẽ chết. Các thành phố sẽ bị hủy diệt. Sự lựa chọn tốt nhất đối với chúng ta tiếp tục kiểm soát cuộc xung đột này từ đầu đến cuối và trở thành những người chiến thắng. Nếu chúng ta làm được việc đó, chúng ta sẽ có thể đảm bảo hòa bình và an ninh của nước Mỹ cho nhiều thế hệ. Nếu chúng ta không làm, thì những người khác, hoặc thậm chí ngay cả chúng ta trong căn phòng này trong 5 năm nữa có thể sẽ bị đe dọa bởi một liên minh hạt nhân giữa Trung Quốc và Iran, hoặc Ấn Độ và Nga, với những tên lửa tốt hơn và tàu chiến lớn hơn mà chúng ta khó có thể đánh bại được một cuộc xung đột thông thường. Phải chăng chúng ta không thể chiến thắng thưa Tổng thống? Hay phải chăng tâm hồn người Mỹ quá dễ bị tổn thương vì chiến tranh?
"Marty", Tổng thống nói trực tiếp với cố vấn an ninh quốc gia. "Liệu chúng ta có chút bằng chứng nào chứng tỏ rằng Trung Quốc sẽ hòa giải nếu chúng ta nhượng bộ và sau khoảng thời gian, chính sách dính líu có tính chất xây dựng sẽ được chứng kiến một nhóm các nhà lãnh đạo có đầu óc cải cách hơn mà chúng a có thể quan hệ với họ được?"
"Tôi tin rằng điều này có thể xảy ra. Nhưng chúng ta không biết chúng ta sẽ phải trải qua bao nhiêu rối loạn mới đi đến thời điểm đó. Dính líu mang tính chất xây dựng, một chính sách của những năm 90 đã dẫn đến tình thế của chúng ta hiện nay. Nếu chúng ta đạt được một thỏa thuận với họ và tiếp tục chính sách đó, thì tình hình có thể sẽ vẫn như vậy. Trung Quốc phát động Cuộc Tấn Công Của Con Rồng vì ba lý do. Một là để tuyên bố chủ quyền đối với nguồn dầu lửa và hơi đốt ở Biển Nam Trung Hoa và tránh không phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường quốc tế. Thứ hai là để củng cố quyền lực của Đảng Cộng sản ở Trung Quốc. Thứ ba là để tiếp tục cái người Trung Quốc coi là một chiều hướng lịch sử không thể tránh khỏi, quay trở lại vai trò của họ là nền văn minh vĩ đại và lâu đời nhất thế giới".
"Họ muốn như vậy hả, Marty? Hay họ muốn được công nhận như vậy hả?"
"Tôi nghĩ họ sẽ hài lòng với lý do thứ ba, thưa Tổng thống. Nếu hôm nay chúng ta muốn ngăn chặn một cuộc xung đột hạt nhân, chúng ta lùi bước. Nếu chúng ta muốn định hình tương lai cho hàng trăm năm tới, chúng ta có thể làm theo hai cách. Nếu chúng ta muốn Trung Quốc phải vào khuôn vào phép chẳng hạn trong 20 hoặc 30 năm tới, chúng ta hãy mở một cuộc tấn công hạt nhân. Cảm giác bản năng của tôi, thưa Tổng thống, là tiếp tục duy trì sức mạnh buôn bán văn minh và ủng hộ các nhà lãnh đạo trẻ hơn có đầu óc quốc tế hơn, những người sẽ trở thành các nhà lãnh đạo của Trung Quốc".
Đúng vào lúc này, một tin tức tình báo khác đã được chuyển về thông qua trạm Tình báo tín hiệu ở Maui lẫn hệ thống vệ tinh giám sát đại dương. Người ta đã nhận diện chính xác chiếc tàu ngầm lớp Hạ và chiếc tàu này nằm dưới sự theo dõi của tàu ngầm tấn công USS Chicago lớp Los Angeles đang trên đường tuần tra ở ngoài khơi San Diego. Các nhân viên điều khiển rađa định vị bằng sóng âm đã phát hiện ra những di chuyển trong thiết bị phóng của tàu với bằng bằng gần như chắc chắn cho thấy những công việc chuẩn bị cho việc phóng một tên lửa đạn đạo đang được tiến hành. Các nhà phân tích của Lầu Năm Góc cũng đã phát hiện ra một tên lửa di động đang ở tư thế sẵn sàng tại một bãi phóng gần Cáp Nhĩ Tân Đông Bắc Trung Quốc. Một phương tiện vận chuyển cỡ lớn, được cho là để chở một quả tên lửa này đang được chuẩn bị phóng đi. Văn phòng báo chí Nhà Trắng lại gọi điện thúc giục Tổng thống làm một cái gì đó để giải tán những đám đông hiện đang chen chúc nhau quanh các khu nhà của chính quyền liên bang trong khắp đất nước. Chỉ là vấn đề thời gian trước khi chính phủ mất quyền kiểm soát với thiệt hại có tính chất tàn phá về người và tài sản.
Chương 8:
NHÀ TRẮNG, OASINHTƠN, DC
Giờ địa phương: 16h00' thứ Năm 22/02/2001
Giờ GMT: 21h00' thứ Năm 22/02/2001
Bradlay bước từng bước thong thả trong Phòng Bầu dục. Ông dừng lại và quay sang các cố vấn đang tụ tập ở đó, nói với họ rằng ông sẽ thông báo quyết định của ông với cả nước trong bài diễn văn dự định sẽ phát vào lúc 17 giờ 30 phút. Overhalt được chỉ thị nói cho ngoại trưởng Trung Quốc chờ nghe tuyên bố của ông. Sau đó ông cám ơn các cố vấn của ông vì sự ủng hộ và giúp đỡ của họ trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng. Ông nói: "Đất nước mắc nợ các vị". Một sự im lặng khác thường bao trùm căn phòng. Tổng thống giữ một thái độ lãnh đạm gần như huyền bí như thể ông là người thuộc thế giới bên kia. Đúng lúc đó ông đi đến một quyết định và đề nghị mọi người rời khỏi căn phòng để ông có thể tập trung suy nghĩ. Weinstein là người cuối cùng đi ra, Tổng thống kéo ông sang một bên và nói với ông rằng 5 phút trước giờ phát biểu, ông muốn có tin tình báo mới nhất về những chiếc tàu ngầm của Trung Quốc. Các nhân viên kỹ thuật đặt camera trong Phòng Bầu dục.
"Thưa đồng bào Mỹ. Tôi mong muốn được xuất hiện trước quý vị trong những hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Những những sự kiện ở xa các đường biên giới của chúng ta đã không cho phép điều đó. Như tất cả quý vị đều biết, chính phủ Trung Quốc đã mở một cuộc tấn công không bị khiêu khích vào Việt Nam hôm thứ bảy tuần trước, đờng thời chiếm Biển Nam Trung Hoa. Ba ngày tiếp sau hành động bất hợp pháp này là vụ đánh chìm tàu USS Peleliu, chiếc tàu hải quân của Mỹ đang thực hiện một sứ mệnh nhân đạo là cứu các chuyên gia dầu khí đang làm việc ở các giàn khoan ở Biển Nam Trung Hoa. Kể từ đó chúng ta đã đến bên bờ của cuộc chiến tranh hạt nhân. Quả thực, trong vài ngày qua, các tàu ngầm của Trung Quốc đã chuẩn bị tấn công nước Mỹ. Một chiếc đã đến bờ biển California. Tôi không muốn tỏ ra quá cường điệu nhưng tôi được thông báo là những chiếc tàu ngầm này hiện đang ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Nếu Chủ tịch Trung Quốc ra lệnh, thủ đô của đất nước chúng ta có thể chỉ còn là một đống gạch vụn trong vài phút. Tôi nói với Chủ tịch Vương rằng nếu ông ta ra lệnh như vậy, chúng ta, để trả đũa, sẽ không còn sự lựa chọn nào khác là tiêu hủy mọi thành phố quan trọng của Trung Quốc."
"Vậy thì, giờ phút này đòi hỏi chúng phải làm gì? Tôi phải nói với các vị, những người bạn, rằng các cố vấn của tôi có ý kiến chia rẽ nhau".
"Một số nói chúng ta nên chiến đấu bằng mọi giá. Nhượng bộ với Trung Quốc lúc này là một sai lầm. Điều này sẽ phát một tín hiệu cho mọi kẻ độc tài hạng bét rằng tất cả những gì họ phải làm là giết một vài người Mỹ và nước Mỹ sẽ bó tay. Đây là một lập luận thật hùng hồn. Nó đi vào tận cốt lõi cái thế giới mà chúng ta, và các đồng minh của chúng ta, đã tìm cách hình thành lên kể từ sau chiến thắng có ý nghĩa lịch sử của chúng ta đối với chủ nghĩa Phát xít năm 1945 và chủ nghĩa Cộng sản năm 1989. Những bài học của hai cuộc chiến tranh lớn đó là chỉ những kẻ hay đi bắt nạt những người yếu hơn mới chịu bó tay nếu người ta có dũng khí đứng lên chống lại. Dân chủ, tự do, thị trường tự do đã thắng. Các đế quốc xấu xa đã sụp đổ".
"Tuy nhiên, có một quan điểm khác. Quan điểm này cho rằng cuộc xung đột mà chúng ta bị lôi kéo vào chỉ có ý nghĩa khu vực. Những lợi ích của chúng ta ở Trung Quốc lớn hơn những mối lo ngại đối với một ban lãnh đạo đáng sợ và mắc chứng hoang tưởng đang bám chặt lấy quyền lực ngay sau khi ban lãnh đạo này đã hết vai trò của nó. Các công ty lớn của chúng ta đã cắm rễ ở Trung Quốc và là những tác nhân dẫn đến sự thay đổi chính trị có ý nghĩa. Vai trò của chúng ta trong khu vực này phù hợp nhất khi chúng ta chấp nhận vị thể là người môi giới trung thực, hơn là viên cảnh sát quốc tế áp đặt ý chí của chúng ta ở bất kỳ nơi nào chúng ta thấy có vấn đề. Khi những sự kiện trong vài ngày qua thể hiện một cách sinh động, chúng ta có nhiều việc phải làm."
"Nhưng công việc của tôi không phải là đứng ra phân xử hai trường phái suy nghĩ trái ngược nhau này. Dưới sự dẫn dắt của Thượng đế, công việc của tôi là cai trị một cách sáng suốt. Đó là lý do mà các vị bầu tôi làm Tổng thống tháng 11 năm ngoái. Đó chính là điều tôi cam kết với quốc gia trong bài diễn văn nhậm chức trong tháng trước. Khi đó, tôi đã cảnh báo về những điều bất trắc đang đứng trước đất nước chúng ta và về sự cần thiết phải làm sáng tỏ nhãn quan và việc theo đuổi một mục đích duy nhất. Cai trị là lựa chọn. Sự lựa chọn mà tôi đưa ra là vì hòa bình. Đêm nay, tôi ra lệnh rút ngay lập tức tất cả các lực lượng của Mỹ ở phía Tây Nhật Bản. Tuy nhiên, chúng ta không rút ra khỏi chiến trường. Đó không phải là cách của người Mỹ làm. Chúng ta đã không đi đến bên miệng hố chiến tranh đơn thuần chỉ là để đầu hàng".
"Tôi nói với Chủ tịch Vương rằng việc rút các lực lượng của Mỹ là điều kiện bắt buộc Trung Quốc phải ngừng các hoạt động thù địch, tôi muốn nói mọi hành động thù địch. Trong những ngày vừa qua này, Trung Quốc không chỉ mở các cuộc tấn công vào Việt Nam mà còn chiếm các đảo ở eo biển Đài Loan trước đây do chính phủ Đài Loan kiểm soát. Tôi kêu gọi Trung Quốc trả lại những hòn đảo này cho chính phủ là chủ hợp pháp và chính đáng của các hòn đảo đó. Và tôi cũng nói với Chủ tịch Vương đệ trình yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực đó cho quốc tế phân xử. Tôi nhận thấy hầu như không có lý do nào để Mỹ đưa ra sự phản đối miễn là có sự đảm bảo liên quan đến việc đi lại tự do của tàu bè quốc tế qua Biển Nam Trung Hoa. Chúng ta tin rằng sẽ nhanh chóng có sự đảm bảo như vậy. Chính phủ Trung Quốc đã đồng ý cho phép các tàu hải quân của Nhật Bản hộ tống các đoàn tàu buôn".
"Nếu Trung Quốc đồng ý với những điều kiện của chúng ta, mới đe dọa thực sự của cuộc chiến tranh hạt nhân chắc chắn sẽ được ngăn chặn. Nếu được như vậy, chúng ta xin cảm ơn Chúa. Vì giờ đây không phải là lúc bày tỏ sự đắc thắng giả tạo. Như Nikita Khrushchev nhận xét vào lúc kết thúc cuộc khủng hoảng quốc tế trước đây: Họ nói về việc ai thắng và ai thua. Lý trí của con người đã chiến thắng. Nhân loại đã chiến thắng".
TRUNG NAM HẢI, BẮC KINH
Giờ địa phương: 05h30' thứ Bảy 24/02/2001
Giờ GMT: 21h30' thứ Sáu 23/02/2001
Vương Phong triệu tập cuộc họp hết sức gấp gáp. Tham dự cuộc họp này có Jamie Tống, tướng Triệu - thương gia mặc áo lính, người kiểm soát những tài sản chính và công nghiệp khổng lồ của Quân giải phóng nhân dân được biết đến đơn giản dưới cái tên Multitechnologies, và Trương Chí, ủy viên bộ chính trị phụ trách an ninh. Vương tỏ ra sốt ruột. Ông luôn mồm nhắc đến "một số người" nghi ngờ đường hướng mà ông đặt ra cho đất nước chỉ một tuần trước đây. Ông không phải loại người hay bày tỏ xúc động và cơn giận dữ vốn không phải là bản tính này của ông đã cho những người có mặt thấy sức ép mà ông phải chịu đựng và mức độ những người khác trong ban lãnh đạo - "một số người" mà ông quanh co ám chỉ - sẵn sàng cầm lấy chiếc gậy chỉ huy nếu ông buông nó ra. Ông vừa kết thúc cuộc nói chuyện qua điện thoại với Bradlay trước đó vài giờ. Đó là một cuộc nói chuyện - thông qua các phiên dịch ở cả hai đầu dây - đã ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân và trên thực tế đã kết thúc Cuộc Tấn Công Của Con Rồng. Thay vì cảm thấy phấn khởi, ông tỏ ra cáu kỉnh và thất vọng.
"Vậy chúng ta đã đạt được những gì?" ông lớn tiếng đặt câu hỏi.
"Một thắng lợi về tài chính vượt quá những mong đợi của chúng ta", tướng Triệu trả lời.
"Chúng ta có khả năng xây dựng lại các lực lượng hải quân của chúng ta bằng tiền lãi thu được từ hoạt động buôn bán trên thị trường dầu lửa và tiền tệ".
"Thật thế ư?", ông vặn lại.
"Vâng, thưa đồng chí", tướng Triệu nói. "Tôi có được phép giải thích không?" Không gặp phải sự phản đối nào ông này nói tiếp. "Tôi đề nghị những gì tôi sắp nói ra đây không được để lọt ra khỏi phòng này. Hoạt động này chỉ có ba người được biết. Nói một cách ngắn gọn, Multitechnologies đã lợi dụng việc biết trước Cuộc Tấn Công Của Con Rồng để kiếm tiền cho PLA. Chúng ta luôn biết rằng cuộc tấn công của chúng ta chống Việt Nam và việc chiếm hữu Biển Nam Trung Hoa sẽ phải trả giá - mất các tài sản là các nguồn vốn quan trọng - và Chủ tịch nghĩ rằng cần thận trọng chuẩn bị cho tình trạng bất ngờ đó bằng một số dự án đầu tư sáng suốt. Trừ các phí tổn ra, Multitechnologies đã làm ăn rất khá từ mặt hàng dầu lửa. Lợi nhuận thu được cho đến nay lên tới khoảng 1,6 tỷ đôla; khoản tiền này tạm thời nằm trong thị trường Trái phiếu kho bạc Mỹ bằng các hối phiếu định kỳ ngắn hạn. Thương vụ lớn nhất duy nhất chúng ta đã thực hiện là vào ngày thứ tư ở Xingapo tới 600 triệu đôla. Đây là một thương vụ đặc biệt được giao dịch qua Sở giao dịch chứng khoán SIMEX: đại lý của chúng ta đã bán tống 30.000 hợp đồng mua bán giao hàng sau ở Luân Đôn hôm thứ ba thu được một khoản lợi nhuận trên 600 triệu đôla, và vẫn giữ lại 50.000 hợp đồng. Vì giá nhập vào thị trường là 25 đôla một thùng, nên 50.000 hợp đồng này có nghĩa là chúng ta thu được một tỷ đôla lợi nhuận trên giấy tờ. Chúng tôi dự định làm điều đó khi có cơ hội đầu tiên. Chúng tôi cũng làm được những công việc khả quan từ đồng yên. Những giao dịch ở Luân Đôn và Tokyo thu về khoản lại thực tới 466 triệu đôla. Nói tóm lại, Multitechnologies đã thu được 2 tỷ đôla tiền mặt và còn một tỷ nữa hiện bị kẹt lại ở thị trường mua bán giao hàng sau về dầu lửa của Luân Đôn. Điểm chủ yếu là Multitechnologies đã tăng gấp đôi số tiền của mình. Chúng ta có thể mua một chiếc tàu sân bay được trang bị đầy đủ và vẫn còn tiền để mua vài chiếc tàu ngầm".
Cả Tống và Trương đều há hốc mồm. Vương rạng rỡ hẳn lên. Mặc dù ông duy trì liên lạc liên tục suốt cả tuần hoạt động của Triệu. Ông không nghĩ là Triệu lại thành công đến như vậy. Tống, vốn là một thương gia, hướng về Triệu hơi cúi đầu tỏ ý công nhận tài buôn của ông này. Trương, sửng sốt vì những gì ông nghe được, nhanh chóng lấy lại sự điềm tĩnh của mình và cho thấy rằng ông cũng có một số tin tốt lành.
"Thưa đồng chí", Trương bắt đầu, "chúng tôi đã dẹp tan cái gọi là các nhà Cộng sản Mới phản Cách mạng. Những phần tử này giống như những cái gai chọc vào sườn chúng ta. Tuy nhiên, trong chiến dịch hành động phối hợp của chúng tôi với các lực lượng cảnh sát, chúng tôi có thể bắt trên 500 người. Chúng tôi đã thả một số trong bọn chúng, nhưng số này tiếp tục bị theo dõi chặt chẽ, và 203 kẻ đã bị buộc tội chính thức và chúng sẽ phải chịu các mức án tù từ 7 đến 20 năm. Việc xét hỏi cho đến nay cho phép chúng tôi ước tính có 8 trong số các tên đầu sỏ đã tìm cách trốn được chúng ta. Chúng tôi nghĩ bọn này chạy về phía biên giới Việt Nam, nhưng tôi tin chúng sẽ bị tóm. Thưa đồng chí, về chiến thắng của chúng ta, một nhóm chống đối mất nhiều năm để hình thành đã bị dẹp tan trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ. Đây là một thành tích gây ấn tượng mà không ai có thể phủ nhận".
Quay sang Tống, ông nói "Vâng, đúng là một tin đặc biệt tuyệt vời. Còn đồng chí thì sao, Jamie Tống?"
"Tôi e rằng tôi không có gì ngoài những tin tốt đẹp cho đồng chí", Tống nói, bất ngờ nở một nụ cười mỉa mai trước tâm trạng ngày càng phấn khích của Chủ tịch. "Chúng ta thay đổi từ một cường quốc khu vực thành một sức mạnh toàn cầu có khả năng thách thức Mỹ. Thế giới chưa bao giờ được chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng như vậy trong cán cân lực lượng kể từ khi sự sụp đổ của Liên Xô dưới thời Gorbachev làm Mỹ trở thành nước duy nhất thống trị sân khấu thế giới. Trung Quốc đã có mặt trên sân khấu này. Việc chúng ta sẵn sàng chấp nhận nguy cơ chiến tranh hạt nhân đã đem lại cho chúng ta một cái ghế ở đầu bàn. Chúng ta thay đổi cả thế giới."
"Chúng ta đã giành được một thắng lợi quan trọng ở chỗ chúng ta đã có được sự chấp thuận tích cực của hầu hết các nước Đông Nam Á đối với yêu sách của chúng ta về Biển Nam Trung Hoa. Phương Tây sẽ phải đồng ý sau một thời gian thích hợp để gỡ thể diện. Con đường đã mở ra cho chúng ta tiến vào Đài Loan. Nhật Bản là một vấn đề, nhưng không phải là một vấn đề không vượt qua được. Rốt cục, giống như Mỹ, Nhật Bản có lợi ích về thương mại ở Trung Quốc mà họ phải bảo vệ. Chúng ta sẽ ngủ ngon hơn chứ không phải ngược lại."
Vương ngả người về phía sau, xoay xoay cây bút trong tay, gật gù nghe Tống nói. Tiếp đó, nắm tay đấm xuống bàn, ông nói: "Thế còn Việt Nam thì sao? Thái độ của họ thế nào?"
QUẢNG TRƯỜNG THIÊN AN MÔN, BẮC KINH
Giờ địa phương: 07h30' Chủ Nhật 04/03/2001
Giờ GMT: 23h30' thứ Bảy 03/03/2001
Tại quảng trường Thiên An Môn phủ đầy tuyết mới rơi, một người lính giương cao lá cờ Tổ quốc. Ngay sau đó, những đứa trẻ xuất hiện trong những bộ đồng phục đỏ tươi, mỗi em mang theo một lá cờ có hình Chủ tịch Vương. Hai đầu của quảng trường phấp phới hai hàng diều mang biểu tượng về cuộc ct phấp phới hai hàng diều mang biểu tượng về cuộc chiến tranh Cuộc Tấn Công Của Con Rồng in trên nền vải. Bên ngoài Bảo tàng Lịch sử và Phát triển, bộ phim về các trận đánh và cảnh tàn phá được chiếu lên màn ảnh rộng. Lính bộ binh, phi công và lính thủy, những người đã tham gia chiến đấu, xếp thành từng hàng theo đội hình từng liên đội, tiểu đoàn và hạm tàu diễu hành qua lăng Mao Trạch Đông bày tỏ sự tôn kính của họ đối với người sáng lập nước Trung Hoa hiện đại. Tiếp đó, họ đứng vào vị trí của mình, xếp thành hàng dài bắt đầu từ đầu phía Nam của quảng trường. Các xe chở tên lửa đạn đạo xuyên lục địa JL2 và DF32 chạy xuôi Đại lộ Trường An và từ từ dừng lại như cuộc diễu hành chưa đầy một tháng trước đó, phía trước Thiên An Môn. Toàn bộ quảng trường này phủ đầy tuyết trộn lẫn với đất cát. Từ phía này quảng trường không thể nhìn thấy những bóng người và các khối nhà ở phía bên kia, nhưng không gian mù mịt, mờ ảo càng làm cho tiếng nhạc và các bài diễn văn của các nhà lãnh đạo Cộng sản thêm phần đặc biệt. Những tiếng reo hò rộ lên từ đám sương mù xoáy tròn. Đất nước đang được báo cho biết phần lãnh thổ bị mất ở Bắc Việt Nam sẽ được thu hồi nhờ lòng dũng cảm của các chiến sĩ từ các chiến khu Côn Minh và Quảng Châu; rằng các chiến sĩ thuộc Hạm đội Biển Đông, Lực lượng Không quân PLA, lính thủy đánh bộ và các chiến sĩ từ chiến khu Nam Kinh sẽ anh dũng dẹp tan các lực lượng chiếm đóng Đài Loan theo đường lối dân tộc chủ nghĩa và tái thống nhất nó với đất mẹ; rằng các chính phủ Nhật Bản, Anh, Pháp và Mỹ đã xin lỗi Chủ tịch Vương vì những hành động tàn ác mà họ gây ra trong thời kỳ thực dân, khi Trung Quốc là một dân tộc yếu kém và đồi bại; chủ quyền của đất mẹ đối với Biển Nam Trung Hoa đã được tất cả các nước công nhận. Chủ tịch Vương Phong là một lãnh tụ vĩ đại và quang vinh đối với cả đất nước Trung Hoa.
Trong một bài xã luận đăng trên trang nhất, tờ Nhân dân Nhật báo viết: "Trung Quốc sẽ không bao giờ bị hạ nhục, bị bẽ mặt bởi các cường quốc nước ngoài. Nước mẹ giờ đây là dân tộc mạnh nhất trên trái đất".
Chủ tịch Trung Quốc xuất hiện ở phía trên cổng Cấm thành. Đứng cạnh ông là các tướng lĩnh đã chỉ huy cuộc chiến tranh Cuộc Tấn Công Của Con Rồng. Tướng Triệu và Jamie Tống cũng có mặt ở đó cùng với các ủy viên Ủy ban thường trực Bộ chính trị; trong số các vị khách quốc tế có Tổng thống Iran, Thủ tướng Nga và các nhà lãnh đạo các nước cộng hòa Trung Á như Tatgikixtan, Cưrơgưxtan và Cadắcxtan. Đại sứ Nhật Bản cảm thấy thuận tiện hơn là ở lại Tokyo để tiến hành tham khảo ý kiến. Bằng những hành động phản đối làm người ta nhớ lại cuộc Chiến tranh Lạnh, các nhà ngoại giao phương Tây đã tẩy chay các lễ kỷ niệm.
EO BIỂN ĐÀI LOAN
Giờ địa phương: 07h15' thứ Năm 15/03/2001
Giờ GMT: 23h15' thứ Tư 14/03/2001
Cuộc tấn công diễn ra vào buổi sáng. Mười hai chiếc Su-27 bay là là dọc bờ biển Đông Bắc Đài Loan; theo sau chúng là 6 chiếc máy bay ném bom hạng nhẹ A-7. Chúng không gặp phải sự kháng cự nào khi lần đầu tiên bay qua Đàm Thủy, một thị trấn ven biển nằm ở cửa sông Đàm Thủy. Những chiếc A-7 được trang bị tên lửa chống tàu chiến C-802. Khi những máy bay này bắt đầu đợt không kích đầu tiên, các thủy thủ trên khinh hạm Pan Chao lớp Chengkung, và khinh hạm Wu Chang lớp La Fayette của Đài Loan đã bỏ chạy tán loạn tìm chỗ ẩn nấp. Nhưng đã quá muộn. Trong vòng vài giây, các tên lửa đã bắn trúng tàu này, làm văng những mảnh đạn cực nóng và làm nổ tung các ụ súng trên tàu ra các phía. Những mảnh vỡ cháy khắp mặt nước cửa sông Đàm Thủy. Một lớp khói đen và dày cuồn cuộn bốc lên không trung; tiếng gào thét của những người bị thương hoặc sắp chết đuối cùng bị át đi bởi tiếng còi báo động phòng không. Có vẻ như là những chiếc A-7 quay trở lại tấn công tiếp. Mục tiêu của chúng là khinh hạm Côn Minh thứ hai lớp La Fayette. Nhưng Đàm Thủy vẫn còn những giây phút quý giá để giáng trả và tự bảo vệ mình. Từ một dàn tên lửa tám nòng, họ đã bắn một loạt tên lửa đất đối không, tiêu diệt ba máy bay. Đồng thời, các phi công Trung Quốc thấy họ đang bay trong một làn đạn được phóng lên từ hệ thống vũ khí Phalanx đa hướng do Mỹ sản xuất gắn ở mũi tàu. Được bắn tới 4.000 quả mỗi phút, hệ thống này bắn trúng hai chiếc A-7 và làm nổ tung những quả tên lửa không đối đất trước khi chúng có thể bay tới khinh hạm này.
DINH THỰ THỦ TƯỚNG, TOKYO
Giờ địa phương: 08h30' thứ Năm 15/03/2001
Giờ GMT: 23h30' thứ Tư 14/02/2001
Có tiếng gõ cửa và thư ký riêng của Thủ tướng Hyashi bước vào phòng. Hyashi đang vừa ăn sáng - đỗ tương lên men cùng với mực sống và cơm - vừa đọc báo buổi sáng. Ngẩng đầu lên, ông nói "Có gì không?"
"Xin lỗi vì đã quấy rầy ngài, nhưng bộ trưởng quốc phòng Ishihara nói ngài muốn xem cái này".
Hyashi đọc tài liệu dày hai trang nét mặt không biểu lộ chút tình cảm. Tài liệu này mô tả cách thức một trạm thu tin tức trên đảo Senkaku của Nhật Bản đã nghe trộm được những thông tin quân sự của Trung Quốc vào lúc 7 giờ sáng hôm đó. Quần đảo Senkaku - mà Bắc Kinh đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư Đài - đã được Nhật Bản nâng cấp thành một căn cứ quân sự được trang bị đầy đủ thiết bị và nhân viên trong hai tuần sau khi nổ ra Cuộc Tấn Công Của Con Rồng. Việc cung cấp thực phẩm cho quần đảo này vẫn chưa được hoàn tất.
Những tín hiệu thu được là những mệnh lệnh được truyền cho các đơn vị không quân và hải quân PLA đang tham gia cuộc xâm lược Đài Loan. Hyashi đọc xong và ngồi yên lặng suy nghĩ. Ông quay sang viên thư ký và nói với ông này cho triệu tập một cuộc họp của Tiểu ban Quốc phòng của Nội các vào lúc 9 giờ. "Mời cả Đại sứ Monroe và nói với ông ta rằng tôi muốn nói chuyện với Tổng thống sau cuộc họp Nội các. Tất cả chỉ có vậy".
BẮC KINH
Giờ địa phương: 07h30' thứ Năm 15/03/2001
Giờ GMT: 23h30' thứ Tư 14/03/2001
Tân Hoa Xã đưa tin về cuộc xâm lược mà nó gắn cho cái tên "công cuộc giải phóng" Đài Loan. Hãng tin này nói nhân dân Trung Quốc có mong ước lịch sử là tái thống nhất và kêu gọi quân đội Đài Loan đứng về phía những người Cộng sản. Hãng này cho biết những người quay sang với lực lượng PLA sẽ tiếp tục giữ cấp bậc mà họ giữ trong quân đội Đài Loan. Hãng tin này nói "Chính phủ Trung Quốc không tìm cách báo thù, chỉ tìm cách tái thống nhất. Tất cả những vấn đề còn tồn tại có thể được giải quyết. Dân chúng Đài Loan có thể tiếp tục cai trị Đài Loan. Quy chế của Đài Loan là một thành viên của tổ chức quốc tế sẽ duy trì. Chính phủ nhân dân trung ương chỉ tìm kiếm hòa bình và một nước Trung Quốc".
Tân Hoa còn phát đi một tuyên bố của Chủ tịch Vương Phong. Đây là một lời cảnh báo được che giấu yêu cầu Mỹ chớ có can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Ông nói: "Nếu ai đó định phô trương sức mạnh ở eo biển Đài Loan, điều đó sẽ không ích gì mà chỉ làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn". Tân Hoa Xã sau đó cảnh cáo nước Mỹ về việc Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào nếu các tàu chiến của Mỹ đi vào vùng biển giữa Đài Loan và lục địa Trung Quốc rộng 200 km. "Nếu có ai đó đe dọa sử dụng sức mạnh chống Trung Quốc thì điều này như đã được thể hiện qua kinh nghiệm trong quá khứ - sẽ không báo hiệu bất kỳ kết quả tốt đẹp nào".
DINH THỰ THỦ TƯỚNG, TOKYO
Giờ địa phương: 09h00' thứ Năm 15/03/2001
Giờ GMT: 24h00' thứ Tư 14/03/2001
Phòng họp mà Hyashi thích tổ chức một số cuộc họp của nội các đầy những khuôn mặt quen thuộc. Ishihara từ Bộ Quốc phòng ngồi ở bên phải Thủ tướng; bên trái là Kimura từ Bộ Ngoại giao. Wada từ Bộ Tài chính và Naito từ Bộ Thương mại ngồi kế bên, tiếp theo là tướng Ogawa, Giám đốc Sở chỉ huy tình báo quốc phòng.
"Tướng Ogawa, đánh giá của ngài là thế nào?", Thủ tướng khai mạc.
"Theo những gì chúng ta cho đến nay", viên tướng bắt đầu, "biết được dựa theo những tin tức thu được và thông tin từ một máy bay AWACS mà chúng ta cho cất cánh ngay sau hoạt động thu trộm thông tin đầu tiên vào lúc 07 giờ, phía Trung Quốc đã mở một cuộc tấn công hai gọng kìm đánh vào phía Bắc Đài Loan. Họ đã đổ bộ lên Đàm Thủy ở mỏm phía Tây Bắc hòn đảo này và Tân Châu, xa hơn về phía Nam dọc bờ biển. Đài Loan được phòng thủ tốt và quân đội của họ có những thiết bị mới nhất hoặc gần như mới nhất của Mỹ và châu Âu.
Đài Loan có 425.000 quân tại ngũ được phân bố giữa lục quân (289.000), hải quân (68.000) và không quân (68.000). Tuy nhiên, nền tảng của hệ thống phòng thủ của Đài Loan là mối quan hệ của nước này với Mỹ. Quan hệ quân sự giữa Mỹ và Đài Loan vẫn mạnh mẽ, bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chia rẽ hai nước này. Oasinhtơn đã bán hoặc cho thuê các vũ khí hiện đại bao gồm các khinh hạm, máy bay phản lực F-16, máy bay lên thẳng tiến công, máy bay báo động sớm, tàu đổ bộ chở tăng, tên lửa chống tàu, thiết bị chống tàu ngầm, và hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo. Theo một nguồn tin, "hầu hết những vũ khí này thích hợp cho việc đẩy lui một cuộc tấn công trên biển hay phá vỡ một cuộc phong tỏa của hải quân". Nếu Trung Quốc thành công trong việc tiến hành một cuộc đổ bộ, họ sẽ gặp phải một sự kháng cự quyết liệt. Đài Loan có trên 300 xe tăng trong đó ít nhất một nửa được triển khai ở Đông Bắc đảo. Ở ngoài khơi, với 22 tàu khu trục, 11 khinh hạm và 4 tàu ngầm, Đài Loan sẽ có khả năng dựng lên một tuyến phòng thủ vững chắc trước người Trung Quốc.
Thủ tướng lặng lẽ hít không khí qua kẽ răng. Ogawa hiểu đã đến lúc phải dừng lại. Hyashi cảm ơn ông vì bản báo cáo này. Ogawa đứng lên rời khỏi phòng họp. Hyashi tiếp đó quay sang ngoại trưởng Kimura.
"Ngài Kimura, tại sao họ làm việc này?", ông hỏi. "Hải quân của chúng ta đã hoàn thành lần hộ tống đầu tiên các tàu buôn qua Biển Nam Trung Hoa. Giờ đây eo biển Đài Loan đã bị đóng cửa trên thực tế. Tôi đồng ý với ngài đó không phải là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng bằng hành động này Trung Quốc có ý gì đối với những hòn đảo trong quần đảo Senkaku của chúng ta?"
"Có hai câu hỏi ở đây, thưa Thủ tướng. Đối với câu hỏi thứ nhất, câu trả lời trung thực là chúng tôi không biết. Tuy nhiên, tôi nghĩ cuộc tấn công này dựa trên một sự nhận thức sai lệch về tình hình chính trị - quân sự ở Đài Loan. Nguyên nhân gần đúng nhất dường như là do có một số tuyên bố của các nhà lãnh đạo Tân Đảng của Đài Loan. Tân Đảng được thành lập năm 1994, và nhóm tách khỏi Quốc dân đảng, hay KMT. Tân Đảng luôn ủng hộ việc tái thống nhất và đã tỏ ra thất vọng khi KMT đi theo một đường lối, về mặt đối nội lẫn đối ngoại, tìm kiếm một bản chất độc lập cho Đài Loan. Những người phát ngôn của Tân Đảng tỏ ra đặc biệt hiếu chiến nhân danh Trung Quốc trong cuộc xung đột Cuộc Tấn Công Của Con Rồng. Một số thậm chí còn gợi ý rằng Đài Loan nên thống nhất với lục địa để thể hiện bộ mặt của nước Trung Quốc thống nhất với thế giới. Điều đó có ý nghĩa là tại một cuộc họp ở Đài Bắc diễn ra vào lúc đỉnh cao của cuộc xung đột ngày 22/02 - một số tướng lĩnh quan trọng, trong đó có tướng Yen Chi-Tsai, tư lệnh lực lượng triển khai xung quanh Tân Châu, đã có mặt trong cuộc gặp gỡ với các quan chức cao cấp của Tân Đảng. Một đại tá dưới quyền chỉ huy của tướng Yen tên là Hung Tzu-Lin, đã đi Bắc Kinh vào ngày hôm sau, ngày 23/02. Chúng tôi không biết ông ta đã làm gì ở Bắc Kinh nhưng tin tức mà chúng tôi thu được là ông ta đã đến thăm Trung Nam Hải và Văn phòng các vấn đề Đài Loan, đã hành động với sự tin tưởng rằng tướng Yen là một đồng minh và rằng quân đội Đài Loan bị chia rẽ sâu sắc. Chúng tôi còn tin rằng số quân đổ bộ lên Tân Châu chỉ là một lực lượng có tính chất tượng trưng và không phải là một lực lượng mũi nhọn cho một cuộc xâm lược lớn. Bằng chứng bổ sung cho điều này là bản tin đầu tiên được tân Hoa Xã Phát đi. Điều đáng lưu ý là bản tin này không có những lời lẽ hùng hồn cứng rắn nhằm vào các nhà cai trị ở Đài Loan.
Đối với lập trường của chúng ta về quần đảo Senkaku, không có ai - trên trường quốc tế - nhìn nhận yêu sách của Trung Quốc một cách nghiêm túc. Người Trung Quốc gọi quần đảo này là Điếu Ngư Đài và đưa chúng vào các bản đồ chính thức của họ. Đã có những vụ va chạm trong quá khứ. Không loại trừ một chiến dịch của Trung Quốc giành lại những hòn đảo này, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng mới nhất này, dựa trên sự kiện gọi là thống nhất đất nước này. Chúng ta cần cảnh giác. Hải quân của chúng ta nên hộ tống các tàu buôn không chỉ ở vùng Biển Nam Trung Hoa mà ở cả các vùng biển Đông Trung Quốc, nơi có quần đảo Senkaku.
Hyashi ngồi yên. "Trong suốt tuần qua, tôi luôn nghĩ về các mối quan hệ của chúng ta với Mỹ. Chúng ta đã nói về vấn đề này, ngài Kimura, chỉ cách đây hai ngày. Mỗi lần tôi gặp ngài Đại sứ Mỹ Monroe, ông ta đều nài nỉ tôi sang thăm Oasinhtơn. Có lẽ sự quấy rầy này có thể tỏ ra có ích. Vào những lúc như thế này, một đất nước như Nhật Bản cần có bạn bè. Tôi sẽ gọi điện cho Tổng thống Bradlay sau cuộc họp này".
NHÀ TRẮNG, OASINHTƠN, DC
Giờ địa phương: 21h00' thứ Tư 14/03/2001
Giờ GMT: 02h00' thứ Năm 15/03/2001
Tổng thống Bradlay vừa trở về từ Oasinhtơn sau một chuyến thăm Chicago. Tại đó, ông gặp lại thành phố nơi ông đã giúp ngăn chặn các cuộc bạo loạn khủng khiếp mùa hè năm ngoái và trong quá trình đó, đã đem lại cho ông danh tiếng rất cần thiết trong các cuộc thăm dò dư luận. Ông đã đi khắp các khu nhà ổ chuột phần phía Nam và phát biểu với các nhà lãnh đạo thành phố và đại diện các cộng đồng. Người phụ trách liên lạc của ông coi bài diễn văn này là tuyên bố quan trọng nhất của Tổng thống về vấn đề cải cách thành phố kể từ khi George Bush đến Los Angeles tiếp sau các cuộc bạo loạn trong vụ Rodney Kinh năm 1992 và cam kết liên bang sẽ viện trợ cho các thành phố nằm sâu trong nội địa. Bradlay đang nói chuyện với các cố vấn thì Martin Weinstein, cố vấn an ninh quốc gia của ông, bước vào mang theo những tin tức về cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan.
"Lần này tôi nghĩ họ đã gặp phải đối thủ của họ", ông nói khi báo cáo tóm tắt với Bradlay về tình hình. Ông còn nói với Tổng thống chờ cú điện thoại từ Thủ tướng Hyashi. "Ông ta sẵn sàng quay trở lại hàng ngũ", Weinstein nói.
"Chúng ta nên chơi ván bài này như thế nào, Martin? Ý tôi muốn nói thằng cha Vương định làm cái gì vậy? Ba tuần trước, ông ta nói với tôi qua điện thoại rằng ông sẽ trao trả Đài Loan những hòn đảo mà Trung Quốc chiếm giữ, và giờ đây ông ta lại lao vào một cuộc phiêu lưu ngông cuồng chống lại Đài Loan. Chẳng lẽ ông ta không biết Đài Loan có một trong những kho vũ khí tinh vi nhất ở châu Á ư? Ông ta sẽ rút khỏi chiến trường trong danh dự. Ông ta đã biến tôi thành một thằng ngốc!".
"Thưa Tổng thống, cách phân tích của ngài, như lệ thường là sâu sắc", Weinstein nói.
"Nhưng hãy cân nhấc điều này. Chúng ta nghĩ, và những người bạn Nhật Bản của chúng ta nhất trí như vậy, rằng Vương mở cuộc tấn công này với sự tin tưởng rằng quân đội Đài Loan sẽ không đánh lại. Ông ta đã sai lầm. Hoàn toàn không chắc là Trung Hoa lục địa sẽ thắng. Người Đài Loan được vũ trang tốt, và họ căm thù những người Cộng sản. Đúng, Vương đã không giữ lời hứa với ngài, nhưng lời khuyên của tôi là chúng ta đứng tránh ra - chúng ta không muốn dính líu trực tiếp - nhưng chúng ta sẽ ủng hộ người Đài Loan với tất cả những vũ khí và lời khuyên mà họ cần".
Đúng lúc Weinstein báo cáo xong, thư ký của Tổng thống bước vào phòng báo cho ông biết rằng Thủ tướng Nhật Bản đang chờ trên điện thoại.
"Nobby, ngài có khỏe không?" Bradlay lên tiếng với thái độ thân mật thường lệ của ông.
"Tôi luôn vui mừng được nghe điện thoại từ những người bạn của chúng tôi ở Nhật Bản, bất kể là vào giờ nào".
"Ngài thật tốt, thưa Tổng thống", Hyashi đáp lại. "Như ngài biết đấy, tôi gọi điện nói về tình hình ở Đài Loan..."
"Vâng, vâng... Tôi biết rồi. Ngài lý giải điều đó như thế nào? Trung Quốc có thắng được không?"
"Không chắc. Đánh giá lạc quan nhất của chúng tôi, Jim, là người Trung Quốc không thể kéo dài thêm 24 giờ. Chúng tôi cho rằng dựa trên tin tức tình báo sai lầm, họ đã quá bạo tay".
"Đó cũng là đánh giá của chúng tôi, Nobby. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta có thể lợi dụng lúc Bắc Kinh đang bị rối lên này. Tôi biết rằng Monroe ở Tokyo đã năn nỉ mời ngài sang thăm Oasinhtơn. Chúng tôi rất muốn ngài có mặt ở đây".
"Tôi cũng có vài suy nghĩ về các quan hệ của chúng ta. Tất nhiên không thể có chuyện Nhật Bản lại giữ một vai trò phụ thuộc; tuy nhiên, tôi cho rằng sự ổn định ở Đông Á chỉ có thể được đảm bảo nếu Mỹ và Nhật Bản cùng làm việc với nhau. Ngài hoàn toàn đúng khi ngài nói các mối quan hệ được phép tự nó vận động. Tôi sẽ hài lòng được tới thăm Oasinhtơn. Việc này sẽ phát một tín hiệu mạnh mẽ ở khu vực này của thế giới, và một tín hiệu mà tôi biết sẽ được hoan nghênh rộng rãi ở Đông Nam Á... mặc dù, tất nhiên, là trừ Bắc Kinh".
Bradlay cười. "Đúng thế, Nobby, đúng thế. Tại sao chúng ta không bắt đầu mối quan hệ mới này giữa chúng ta bằng một tuyên bố chung lên án hành động xâm lược Đài Loan của Trung Quốc và đưa nó vào chuyến viếng thăm Oasinhtơn sắp tới của ngài?"
"Một ý kiến tuyệt vời, Jim".
EO BIỂN ĐÀI LOAN
Giờ địa phương: 13h00' thứ Sáu 16/03/2001
Giờ GMT: 05h00' thứ Sáu 16/03/2001
Những tiếng còi báo động rền rĩ trên khắp các đường phố vắng của Đài Bắc, thủ đô Đài Loan. Phía trên cao, bầu trời dường như đông nghịt những chiếc máy bay chiến đấu tham gia một trò chơi nhào lộn chết người. Trung Hoa lục địa sử dụng máy bay Su-27 gắn tên lửa không đối không tìm mục tiêu bằng tia hồng ngoại và rađa; người Đài Loan sử dụng những chiếc F-16 trang bị không chỉ loại tên lửa không đối không AIM-9 Siedewnder mà, ngoài việc lắp một loại rađa mới, còn cả tên lửa điều khiển bằng rađa AIM-7 Sparrow. Phi công Đài Loan được huấn luyện nhiều giờ hơn phi công lục địa, nhưng nhờ Cuộc Tấn Công Của Con Rồng, phi công lục địa dày dạn trận mạc hơn. Những thắng lợi ban đầu thuộc những chiếc Su-27. Trong một nỗ lực thoát khỏi đối phương, viên phi công lái chiếc F-16 đã cho máy bay bay vọt thẳng đứng và, đồng thời với việc thả hai dải kim loại với hy vọng gây nhiễu cho quả tên lửa điều khiển bằng rađa đang lao theo, đã cho máy bay nghiêng hẳn về bên phải. Thật không may, máy bay của anh ta mất động năng và thực hiện việc gây nhiễu quá sớm. Quả tên lửa không bị hút theo nhiễu mà lao thẳng vào chiếc F-16. những mảnh máy bay vỡ văng khắp ngọn núi có tác dụng như một pháo đài che chở cho Viện bảo tàng Cung điện Quốc gia ở ngoại ô phía Đông Bắc Đài Bắc.
Nhưng hôm nay là ngày của những chiếc F16. Trong một cuộc không chiến được truyền trên vô tuyến truyền hình khắp thế giới, viên phi công lái một chiếc F-16 đã bắn rơi một chiếc Su-27. Đó là một cuộc đọ sức một chọi một cổ điển và chiếc Su-27, với số lượng tên lửa nhiều hơn, lẽ ra phải nắm phần thắng. Nhưng viên phi công Đài Loan hiểu rõ tính năng của chiếc máy bay của mình. Cuộc không chiến bắt đầu phía trên dinh Tổng thống ở phần Đông Nam thành phố Đài Bắc. Cả hai tên lửa điều khiển bằng rađa của chiếc máy bay đã được bắn đi và những thiết bị tìm mục tiêu bằng tia hồng ngoại trở nên vô ích. Vấn đề của chiếc F-16 là làm cách nào tránh được chiếc Su-27 và kho vũ khí chết người của nó. Trong cơn rượt đuổi quay tròn, cả hai chiếc đều tăng hết tốc lực và tìm cách đưa máy bay của đối phương vào điểm bắn. Yếu tố con người tỏ ra có tính chất quyết định. Viên phi công Đài Loan được trang bị không chỉ bộ quần áo chống trọng lực do gia tốc mà còn được trang bị thiết bị giúp thở một phần trong tình trạng chịu sức ép của lực gia tốc. Thiết bị này đảo ngược quá trình thở của anh ta, giúp anh ta sử dụng nỗ lực có ý thức của mình đẩy ôxy từ phổi, hít vào đơn giản bằng cách há to mồm, sức ép sẽ tràn vào hai lá phối của anh ta một cách tự động. Viên phi công luyện tập động tác này thường xuyên vì việc này làm anh ta có thể duy trì được thời gian thực hiện động tác chịu gia tốc cao lâu hơn kẻ thù của mình, và nhờ vậy đến lượt anh ta bám đuôi đối phương. Viên phi công phóng một quả tên lửa hồng ngoại khi máy bay đối phương nằm gọn trong tầm bắn, tín hiệu bắt được mục tiêu vang lên trong ống nghe. Quả tên lửa này bị đánh lừa bởi những pháo sáng giả làm mục tiêu do chiếc Su-27 bắn ra, nhưng ngay lúc đó viên phi công lái chiếc Su-27 đã phạm một sai lầm là đã giảm tốc độ khi đổi hướng trong một cố gắng thoát thân. Điều này tạo cơ hội cho chiếc F-16 bắn thêm một loạt hai quả tên lửa nữa đúng vào lúc nó ở vị trí bắn thuận lợi nhất. Quả thứ nhất lao trúng một động cơ, làm nổ tung cả động cơ thứ hai. Quả thứ hai lao ngay theo đằng sau và nổ tung thành một quả cầu lửa.
Giới quân sự Đài Loan có thể đã bị bất ngờ vào lúc bắt đầu cuộc tấn công của Trung Hoa lục địa, nhưng đến trưa ngày đầu tiên, điều rõ ràng là các biển đồ đã quay hẳn sang phía có lợi cho Đài Bắc. Cách đó 50 km về phía Tây Nam, lực lượng viễn chinh Trung Quốc gồm 5.000 quân đã đổ bộ lên bờ biển gần Tân Châu, khu vực sản xuất bán dẫn và máy tính hàng đầu của đất nước này, đã hy vọng được đón tiếp như một lực lượng giải phóng bởi đơn vị đồn trú ở đây, viên tướng chỉ huy ở đây được cho là người ủng hộ Bắc Kinh. Nhưng ngay lập tức, họ đã nhận ra tình báo Trung Quốc sai lầm đến mức nào. Họ đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt từ phía đơn vị đồn trú của Đài Loan. Hai bên đánh giáp lá cà và quân Đài Loan đã áp đảo, ghìm chân những binh lính lục địa ở ngoại ô thành phố. Người Trung Quốc đã tính toán sai một cách tồi tệ. Không thể điều động bất kỳ xe tăng hoặc loại xe cộ nào khác để yểm trợ, quân lục địa phải tự bảo vệ mình bằng những gì họ có trong tay. Vào cuối buổi sáng, con số 5.000 quân đó giảm xuống còn hơn một nữa. Nói một cách khác thì đây là một cuộc tàn sát. Phần lớn bị lạc đường, nhiều người lạc là do họ không thể đọc được những tín hiệu trên đường được viết bằng kiểu chữ Trung Quốc cổ điển chứ không phải kiểu chữ đã được đơn giản hóa mà họ được dạy ở lục địa. Khoảng 2.000 quân còn lại không còn người tổ chức và chạy tán loạn tìm chỗ ẩn náu ở bất kỳ chỗ nào có thể được - trường học, bệnh viện và trong một ngôi chùa. Có tin một số nhóm nhỏ binh lính đã đầu hàng, nhưng những tin này đã bị Tân Hoa Xã lớn tiếng bác bỏ trong một tin được phát vào buổi trưa. Những tin tức đầu hàng là "những lừa dối hèn hạ" do Mỹ và những kẻ ủng hộ "theo đuôi" Mỹ ở Đài Loan tuyên truyền. Bất chấp tất cả những lời lẽ ầm ĩ của Tân Hoa Xã không thể che đậy được thực tế là chiến dịch này đã diễn ra không đúng kế hoạch. Trong cái được coi là một sự mở đầu cho cuộc rút lui toàn diện, Tân Hoa Xã nói Trung Quốc đã "dạy cho những kẻ ly khai Đài Loan một bài học". Tân Hoa Xã cảnh cáo sẽ có "những biện pháp nghiêm khắc hơn", nếu các nhà lãnh đạo quốc đảo này không đáp lại một cách tích cực với mong muốn tái thống nhất của nhân dân Trung Quốc.
BÃI CỎ TẠI NHÀ TRẮNG, OASINHTƠN, DC
Giờ địa phương: 11h30' thứ Hai 30/04/2001
Giờ GMT: 16h30' thứ Hai 30/04/2001
Đó là một buổi sáng mùa xuân sáng sủa, nắng ấm của Oasinhtơn. Những cây anh đào dọc bờ sông Potomac nở rộ. Thủ tướng Nhật Bản Noburo Hyashi tham gia một cuộc hanami - hay ngắm hoa ngoài trời - ngẫu hứng cùng với Đại sứ Katayama trước khi hai ông gặp Tổng thống Bradlay. Mọi việc có vẻ ổn thỏa trên vô tuyến truyền hình và Hyashi, người đã có được một số hiểu biết về phương tiện thông tin đại chúng trong những tuần lễ trước khi diễn ra cuộc gặp gỡ cấp cao ở Oasinhtơn giưa ông và Bradlay, đã sử dụng nó để nhấn mạnh sự nồng ấm trong các quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ. Khi phóng viên kêu to: "Còn quả bom thì sao?" Hyashi không hề chớp mắt, quay về phía anh này và đáp: "Tình hình khẩn trương đòi hỏi phải có những biện pháp khẩn trương; đất nước tôi tìm cách thể hiện khả năng chứ không phải ý định triển khai các vũ khí hạt nhân. Chúng tôi vẫn phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân".
Những chiếc bục phát biểu được xếp sát nhau trên một sân khấu nhỏ nhưng đủ chỗ. Tổng thống Bradlay đang trong tâm trạng cởi mở, đùa tếu với các phóng viên khi ông ta và Thủ tướng Hyashi bước về phía diễn đàn.
"Bảo vệ thế giới tự do là trách nhiệm mà Mỹ đã gánh vác kể từ khi chấm dứt cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Và đây là trách nhiệm mà đất nước này, phối hợp với các đồng minh của mình, chưa bao giờ coi nhẹ. Những sự kiện mới đây ở Đông Á đã tập trung trí tuệ của chúng ta vào những nhiệm vụ đặt ra trước chúng ta và duy trì tự do ở khu vực vĩ đại và buôn bán sôi nổi đó của thế giới chúng ta. Thủ tướng Hyashi là khách của chúng ta trong ba ngày qua. Chúng tôi đã gặp nhau nhiều lần và đã đi đến một quan điểm chung về con đường đi phía trước. Tôi rất hài lòng thông báo rằng sáng nay, ngài Hyashi và tôi đã ký một hiệp ước mới cùng bảo vệ các lãnh thổ của chúng ta. Hiệp ước này, tôi hy vọng sẽ được Thượng viện thông qua một cách nhanh chóng, phản ánh những mối lo ngại của cả hai chính phủ về thái độ ngày càng tỏ ra hiếu chiến của Trung Quốc. Hiệp ước này là một lời cảnh báo rõ ràng đối với bất cứ ai ở Đông Á rằng Mỹ và Nhật Bản sẽ hành động một cách nhanh chóng và kiên quyết để bảo vệ những lợi ích chung của chúng ta khi những lợi ích đó bị đe dọa. Không chỉ riêng chúng ta có những điều lo ngại này. Gần đây, tôi đã nhận được những cú điện thoại từ các nhà lãnh đạo của nhiều Đông Nam Á bày tỏ mối lo ngại của họ về hành động xâm lược của Trung Quốc. Cuộc chiến đấu của chúng ta không phải với nhân dân Trung Quốc mà với những người tìm cách đàn áp họ. Hôm nay, tôi nói với các vị rằng chúng ta sẽ không tiếc bất cứ cái gì trong quyết tâm giành chiến thắng của chúng ta. Xin cảm ơn".
BIỂN ĐÔNG TRUNG QUỐC
Giờ địa phương: 08h00' thứ Ba 01/05/2001
Giờ GMT: 24h00' thứ Hai 30/04/2001
Tàu khu trục Kirishima của Nhật Bản đang trong chuyến tuần tra thường lệ, hộ tống một tàu chở dầu cỡ lớn và các tàu côngtecnơ trên đường đi đến Yokohama qua quần đảo Senkaku. Sự yên tĩnh của buổi sáng sớm đã bị phá vỡ tiếng còi vang lên từ các cụm chiến đấu. Trong phòng tác chiến, thủy thủ điều khiển rađa định vị bằng sóng âm của con tàu này đã phát hiện ra âm thanh nhận diện không thể nhầm lẫn được của một chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Trung Quốc. Thuyền trưởng ra lệnh cho con tàu chuyển hướng và chuẩn bị phóng ngư lôi chống tàu ngầm. Chiếc tàu ngầm lớp Kilo đã mở các khoang cửa ở mũi tàu và có vẻ đang chuẩn bị phóng ngư lôi của nó.
PHẦN KẾT
Trung Quốc và Nhật Bản tránh được việc tiếp tục đổ máu ở Đông Á bằng một cuộc nói chuyện trực tiếp qua điện thoại giữa Jamie Tống và ngoại trưởng Nhật Bản. Một lực lượng hỗn hợp Trung - Nhật đã chiếm các khu vực khác nhau ở quần đảo Điếu Ngư - nhưng tình hình vẫn dễ thay đổi. Những đề nghị của quan sát viên Liên Hiệp Quốc đóng ở đó bị cả hai bên chính phủ từ chối. Mỹ và Trung Quốc đã có những bước đi đầu tiên để hàn gắn các quan hệ bằng một đơn đặt hàng lớn của Trung Quốc mua máy bay Boeing Mỹ. Một tàu chiến của Mỹ đã ghé thăm Thượng Hải. Nhưng hai chính phủ đã ký kết một hiệp định Đảm bảo Tàn phá Lẫn nhau Vũ khí Hạt nhân Chiến lược làm người ta nhớ lại chính sách Chiến tranh Lạnh với Liên Xô. Chủ tịch Vương được ca ngợi là Người cầm lái Mới và được tán dương là người xứng đáng kế tục Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Ông này đã dành những lợi nhuận thu được từ việc thao túng các thị trường quốc tế cho việc xây dựng lại và hợp lý hóa các lực lượng vũ trang của Trung Quốc thành một lực lượng chiến đấu hiện đại công nghệ cao tập trung vào sự phát triển tên lửa và triển khai sức mạnh hải quân. Jamie Tống đã rút khỏi các hoạt động chính trị và quay trở lại công việc kinh doanh. Ông khai trương công ty New China Computer Inc. của ông trên thị trường chứng khoán Thượng Hải. Tống là vị kkhách thường xuyên sang Mỹ, thường là để thăm ông bạn Overhalt tại hãng Boeing, và đôi khi thăm Tổng thống Bradlay. Tổng thống Bradlay được bầu thêm nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2004. Ông được ca ngợi trong nhiều cuộc thăm dò dư luận là một trong những Tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ. Ông đã đảo ngược chiều hướng giảm quy mô các lực lượng vũ trang của Mỹ và đã giành được ngân quĩ để đảm bảo vị trí Mỹ là nước hùng mạnh nhất thế giới. Đảng Cộng sản Mới bị các lực lượng an ninh Trung Quốc truy lùng. Mười một nhân vật cầm đầu đã bị tống giam từ 13 đến 20 năm. Hai người, bị buộc tội mang vũ khí, đã bị hành quyết bằng một viên đạn duy nhất bắn vào gáy. Năm thành viên khác, bị bắt ở Hồng Kông, đã được đưa thẳng qua biên giới sang Trung Quốc, và họ có thể nhận được những bản án và những điều kiện trong tù khắc nghiệt hơn. Không có sự phản đối nào từ phía Hội đồng lập pháp của Hồng Kông hay phương tiện thông tin đại chúng cho đến nay vẫn do các nhóm người Hoa kiểm soát. Tương tự như vậy, chính phủ ở Đài Loan đã loại trừ một cách tàn bạo mọi phần tử thân cộng trong các lực lượng vũ trang và đời sống chính trị. Đảng Mới đã bị xóa sổ. Việt Nam tuyên bố trong cuộc chiến tranh với Trung Quốc là một thắng lợi. Trong các tuyên bố chính thức không thấy đề cập đến sự giúp đỡ của Pháp. Các công ty của Pháp đã được dành cho những hợp đồng hiện đại hóa đường sá, đường sắt, và bến cảng. Lễ kỷ niệm trận đánh thứ hai ở Lạng Sơn được tổ chức như một ngày hội dân tộc. Nam Triều Tiên cai trị Bắc Triều Tiên như một thuộc địa cho đến năm 2003, khi việc thống nhất chính thức được tuyên bố. Trong thời gian đó, các công ty Nam Triều Tiên đã đầu tư mạnh mẽ vào Bắc Triều Tiên và xây dựng các cơ sở hạ tầng. Lực lượng lao động là có kỷ luật và rẻ mạt. Tháng 11/2001, toàn bộ quân đội Mỹ rút khỏi bán đảo này.
Viễn đông vẫn là một điểm dễ bùng nổ cho cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Từng nước trong khu vực này đều tin chắc rằng lần tới họ sẽ được chuẩn bị tốt hơn.
HẾT
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro