Untitled Part 3
CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VỀ VẤN ĐỀ DÂN TỘC
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH DÂN TỘC Ở NƯỚC TA
1. Các dân tộc có quy mô dân số khác nhau, sống xen kẽ nhau
- Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh là dân tộc đa số, 53 dân tộc thiểu số. Dân số 53 dân tộc thiểu số là 10.527.455 người chiếm tỷ lệ 13,8% dân số của cả nước (theo số liệu điều tra dân số năm 1999).
- Các dân tộc thiểu số có quy mô dân số không đồng đều. Có những dân tộc với dân số trên một triệu người, như dân tộc: Tày, Thái, Mường, Khmer. Nhưng lại có những dân tộc dân số rất ít, đặc biệt là 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người: Sila (840). PuPéo (705), Rơ Măm (352), Brâu (313) và Ơ đu (301).
- Các dân tộc ở nước ta cư trú xen kẽ nhau, không có dân tộc nào ở vùng lãnh thổ riêng. Tính chất cư trú đó đã tạo điều kiện thuận lợi để các dân tộc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.
2. Các dân tộc ở nước ta có truyền thống đoàn kết gắn bó lâu đời trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước, tạo nên một cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất
- Các dân tộc sinh sống trên đất nước ta từ lâu đời, đã sớm có ý thức đoàn kết, gắn bó với nhau trong chinh phục thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước. Sự đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc đã tạo lên một quốc gia dân tộc bền vững, thống nhất.
- Dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố và phát triển. Đoàn kết các dân tộc ở nước ta đã trở thành nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
3. Hầu hết các dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn rộng lớn, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng và môi trường sinh thái
- Các dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở miền núi, với địa bàn rộng lớn chiếm 3/4 diện tích cả nước, bao gồm 19 tỉnh miền núi, vùng cao, 23 tỉnh có miền núi. Đây là khu vực biên giới, cửa ngõ thông thương với các nước láng giềng, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của đất nước.
- Miền núi nước ta có nguồn tài nguyên đa dạng phong phú, như: đất, rừng, khoáng sản… với tiềm năng to lớn phát triển kinh tế; là đầu nguồn các dòng sông lớn, giữ vai trò đặc biệt quan trọng về cân bằng sinh thái.
4. Các dân tộc phát triển không đồng đều về kinh tế - xã hội
- Do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là những nguyên nhân lịch sử để lại và do điều kiện địa lý, tự nhiên khắc nghiệt ở địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc, nên trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc không đồng đều. Một số dân tộc đã phát triển kinh tế - xã hội tương đối cao, nhưng còn nhiều dân tộc vẫn còn trong tình trạng lạc hậu, chậm phát triển.
- Phần lớn các dân tộc thiểu số có mức sống thấp, tỷ lệ đói nghèo cao, chậm phát triển hơn so với dân tộc đa số. Một số dân tộc vẫn còn trong tình trạng tự cung tự cấp, du canh du cư. Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển.
5. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hoá riêng, tạo nên sự đa dạng phong phú của nền văn hoá Việt Nam
- Mỗi dân tộc, mặc dù có sự khác nhau về quy mô dân số, về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đều có văn hoá truyền thống riêng (ngôn ngữ, phong tục, tập quán, trang phục …), tạo nên bản sắc văn hoá của từng dân tộc, góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hoá Việt Nam thống nhất.
- Bản sắc văn hoá của các dân tộc đều được chú trọng bảo tồn và phát triển trong quá trình giao lưu, hội nhập chung của cả nước.
II. QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VỀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC
Trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chính sách dân tộc là nhất quán theo nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển”.
1. Bình đẳng giữa các dân tộc trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội
- Bình đẳng giữa các dân tộc là nguyên tắc cơ bản của chính sách dân tộc. Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều ngang nhau về quyền lợi và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc được bảo đảm bằng pháp luật.
- Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, trước hết là quyền bình đẳng về chính trị, chống mọi biểu hiện chia rẽ kỳ thị dân tộc, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, tự ty dân tộc,… Quyền bình đẳng về kinh tế đảm bảo sự bình đẳng trong quan hệ lợi ích giữa các dân tộc. Nhà nước có trách nhiệm giúp các dân tộc có kinh tế chậm phát triển để cùng đạt trình độ phát triển chung với các dân tộc khác trong cả nước. Bình đẳng về văn hoá, xã hội đảm bảo cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc, làm phong phú, đa dạng nền văn hoá Việt Nam.
- Do phần lớn các dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay có trình độ phát triển thấp, nên bên cạnh việc bảo đảm quyền bình đẳng toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội cần phải tạo điều kiện thuận lợi để cho đồng bào các dân tộc thiểu số có cơ hội phát triển bình đẳng với các dân tộc khác. Sự quan tâm tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển, đó chính là thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc.
2. Đoàn kết các dân tộc
- Các dân tộc Việt Nam đã cùng chung sống lâu đời, gắn bó máu thịt với nhau, no đói có nhau, vinh nhục bên nhau, đồng cam cộng khổ, sống chết một lòng cùng nhau dựng nước và giữ nước. Truyền thống đoàn kết đó được gìn giữ và phát triển trong suốt tiến trình hàng ngàn năm lịch sử, gắn kết các dân tộc chung sức xây dựng Tổ quốc Việt Nam thống nhất.
- Đoàn kết dân tộc được xác định là một nguyên tắc cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Đoàn kết dân tộc được quán triệt xuyên suốt trong các giai đoạn cách mạng Việt Nam. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các dân tộc đang phát huy truyền thống đoàn kết tốt đẹp, cùng nhau xây dựng đất nước với mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và tiến bộ.
- Tất cả các dân tộc trên đất nước Việt Nam đều phải có trách nhiệm chăm lo vun đắp, củng cố, tăng cường khối đoàn kết dân tộc theo lời dậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“ Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công”
3. Tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển
- Do lịch sử để lại, hiện nay giữa các dân tộc ở nước ta vẫn còn tình trạng phát triển không đều.Tương trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển là một tất yếu khách quan trong một quốc gia đa dân tộc. Đảng và Nhà nước ta đã coi trọng tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc là một nguyên tắc cơ bản trong chính sách dân tộc trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Các dân tộc có trình độ phát triển kinh tế- xã hội cao hơn có trách nhiệm giúp đỡ các dân tộc có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội khó khăn hơn. Tương trợ giúp đỡ lẫn nhau không phải chỉ giúp đỡ một chiều, ngược lại chính sự phát triển của dân tộc này là điều kiện để cho dân tộc khác càng phát triển.
- Tương trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển thể hiện trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Tương trợ giúp đỡ lẫn nhau để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, nhằm thực hiện đầy đủ quyền bình đẳng và củng cố khối đoàn kết dân tộc.
III. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC TRONG NHỮNG NĂM QUA
1. Tóm tắt những thành tựu đạt được
- Những năm vừa qua, nhất là những năm trong thời kỳ đổi mới, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trong tất cả lĩnh vực đời sống xã hội.
- Quyền bình đẳng giữa các dân tộc đã được thực hiện đầy đủ trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội. Đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố.
- Kinh tế vùng dân tộc và miền núi có bước phát triển đáng kể, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm cao (trung bình 8% năm). Nền kinh tế nhiều thành phần bước đầu hình thành và phát triển, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá. Đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây trồng, sản xuất với số lượng hàng hoá lớn như cà phê, chè, tiêu, điều…
- Kết cấu hạ tầng vùng dân tộc và miền núi đã được cải thiện rõ rệt, góp phần đắc lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc vùng dân tộc và miền núi.
- Công tác xoá đói giảm nghèo đạt được kết quả to lớn. Hàng năm tỷ lệ đói nghèo ở vùng dân tộc và miền núi giảm từ 3-4%. Đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện đáng kể.
- Mặt bằng dân trí được nâng cao. Vùng dân tộc và miền núi đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được hình thành và phát triển từ Trung ương đến các huyện vùng dân tộc và miền núi, tạo nguồn đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số.
- Đời sống văn hoá của các đồng bào các dân tộc được nâng cao một bước, văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số được tôn trọng, bảo tồn và phát huy. Hệ thống phát thanh truyền hình ở vùng dân tộc và miền núi không ngừng phát triển.
- Các loại dịch bệnh cơ bản được ngăn chặn. Việc khám chữa bệnh cho người nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng được quan tâm. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên chăm lo sức khoẻ đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa biên giới.
- Hệ thống chính trị vùng dân tộc và miền núi được tăng cường và củng cố, nhất là ở cấp cơ sở. Công tác phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc được chú trọng.
Tình hình chính trị, trật tự xã hội ở vùng dân tộc và miền núi cơ bản ổn định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững.
2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
2.1. Những tồn tại, hạn chế
- Nhìn chung kinh tế ở miền núi và các vùng đồng bào dân tộc còn chậm phát triển, nhiều địa phương còn khó khăn, lúng túng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tập quán canh tác ở nhiều nơi còn lạc hậu.
- Chất lượng sản phẩm hàng hoá sản xuất ở vùng dân tộc và miền núi thấp, tiêu thụ khó khăn, thị trường không ổn định.
- Tình trạng du canh du cư vẫn còn tồn tại, di cư tự do diễn biến phức tạp. Một số nơi, đồng bào thiếu đất sản xuất, thiếu nước, sinh hoạt, thiếu tư liệu sản xuất.
- Kết cấu hạ tầng vùng dân tộc và miền núi, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa nhìn chung còn lạc hậu và thấp kém.
- Nhiều nơi môi trường sinh thái đang tiếp tục bị suy thoái. Tình trạng tàn phá rừng, khai thác tài nguyên bừa bãi vẫn đang tiếp diễn.
- Tỷ lệ đói nghèo ở vùng dân tộc và miền núi còn cao hơn với mức bình quân chung của cả nước. Khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, giữa các dân tộc ngày càng gia tăng.
- Chất lượng, hiệu quả về giáo dục và đào tạo còn thấp. Đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số chưa được quan tâm, chú trọng.
- Công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
- Bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ bị mai một. Mức hưởng thụ văn hoá của đồng bào vùng caom, vùng sâu, vùng xa còn rất thấp. Một số tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan có xu hướng phát triển.
- Hệ thống chính trị cơ sở ở nhiều nơi dân tộc và miền núi còn yếu, kém hiệu lực, không sát dân, không tập hợp được đồng bào. Trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế, công tác phát triển Đảng chậm.
- Ở một số nơi vùng dân tộc và miền núi, tôn giáo phát triển không bình thường, trái pháp luật. Có nơi đồng bào bị kẻ xấu lợi dụng, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
2.2. Nguyên nhân gây ra khuyết điểm, hạn chế trong công tác dân tộc
Nguyên nhân khách quan:
- Địa bàn vùng dân tộc và miền núi rộng lớn, địa hình hiểm trở, chia cắt, thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt.
- Do tồn tại lịch sử để lại, kinh tế, xã hội ở vùng dân tộc và miền núi có điểm xuất phát thấp, mang nặng tính tự cấp, tự túc. Phương thức sản xuất, tập quán canh tác còn lạc hậu.
- Các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng, kích động đồng bào dân tộc, gây chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc.
Nguyên nhân chủ quan
- Nhận thức, quán triệt về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc và công tác dân vận sâu sắc, chưa toàn diện.
- Tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách dân tộc ở vùng dân tộc và miền núi còn hạn chế, yếu kém. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý vùng dân tộc và miền núi thiếu về số lượng, yếu về năng lực.
- Hệ thống tổ chức công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, hoạt động chưa đạt hiệu quả cao.
IV. CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA ĐỐI VỚI VÙNG DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
1. Những quan điểm chỉ đạo thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi
1.1. Sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi là sự nghiệp chung của cả nước
Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi là một bộ phận hữu cơ của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc và miền núi là sự nghiệp chung của cả nước. Xây dựng và phát triển miền núi nhằm phục vụ trực tiếp đồng bào các dân tộc ở miền núi, đồng thời còn vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích chung của nhân dân cả nước, giữ gìn bảo vệ biên cương Tổ quốc. Vì vậy, phải ưu tiên đầu tư phát triển vùng dân tộc và miền núi vì sự nghiệp phát triển lâu dài của đất nước.
1.2. Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và nội lực vươn lên của các địa phương vùng dân tộc và miền núi; khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước
Khắc phục tư tưởng xem nhẹ nỗ lực vươn lên của các địa phương, của cộng đồng và của mỗi người dân, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, vào ngân sách Trung ương. Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và nội lực vươn lên của các địa phương, của đồng bào các dân tộc.
Cần phân cấp, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương vùng dân tộc và miền núi khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình, tự lực tự cường vươn lên, nhanh chóng hoà nhập vào phát triển chung của cả nước.
1.3. Phát triển vùng dân tộc và miền núi toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng. Tập trung phát triển thế mạnh kinh tế, quan tâm giải quyết đúng mức các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc.
1.4. Thực hiện chính sách ở vùng dân tộc và miền núi phải chú ý những đặc điểm tự nhiên, lịch sử, xã hội, phong tục tập quán của từng vùng, từng dân tộc. Chính sách phải tôn trọng lợi ích, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, phải phù hợp với đối tượng.
1.5. Đồng bào dân tộc là chủ thể quyết định trong tổ chức thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ở địa phương mình. Khắc phục tình trạng bao biện, làm thay, áp đặt mà không tôn trọng tính tự chủ, phong tục tập quán truyền thống của đồng bào các dân tộc. Cần phát huy, nâng cao tinh thần tự lực tự cường, ý chí vươn lên của đồng bào các dân tộc.
2. Những nội dung cơ bản của chính sách
2.1. Về chính trị
- Nội dung cơ bản của chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong lĩnh vực chính trị là đảm bảo cho các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ cùng phát triển.
- Trước hết đảm bảo quyền làm chủ của đồng bào các dân tộc bao gồm quyền làm chủ qua đại diện và quyền làm chủ trực tiếp, kết hợp với tự quản ở cơ sở. Tăng cường đại diện của các dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị từ cơ sở đến Trung ương. Bảo đảm ngày càng có nhiều người dân tộc thiểu số được tham gia vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân, chính quyền và tổ chức đoàn thể ở các cấp.
- Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở các vùng dân tộc thiểu số. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân của một số cán bộ. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người dân tộc thiểu số.
- Tăng cường dân chủ ở cơ sở, nâng cao ý thức cộng đồng nhằm củng cố khối đoàn kết giữa các dân tộc. Phát huy vai trò của cán bộ người dân tộc thiểu số, của già làng, trưởng bản trong tuyên truyền, vận động trong tổ chức thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước.
- Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
2.2. Về kinh tế
- Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng dân tộc, miền núi. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế miền núi theo hướng phát triển nhanh kinh tế hàng hoá, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp cơ cấu kinh tế miền núi.
- Tập trung bảo vệ và phát triển vốn rừng, tăng độ che phủ rừng, vừa thực hiện trồng mới 5 triệu hecta rừng, vừa phải bảo vệ rừng hiện có, đồng thời có các chính sách cụ thể đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng trồng mới.
- Về nông nghiệp, lựa chọn cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp nhằm phát triển nông nghiệp hàng hoá có hiệu quả, ổn định lâu dài phù hợp với cơ chế thị trường. Phát triển vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả phù hợp với lợi thế đất đai, khí hậu ở các tiểu vùng. Phát triển chăn nuôi đại gia súc, đưa chăn nuôi trở thành kinh tế chính ở miền núi.
- Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, chú trọng phát triển công nghiệp nhỏ và thủ công nghiệp. Khôi phục và mở rộng nghề truyền thống như sản xuất công cụ, dệt thổ cẩm, đan lát.
- Phát triển thương mại dịch vụ nhằm đẩy mạnh kinh tế hàng hoá ở miền núi, vùng dân tộc. Thực hiện chính sách trợ giá trợ cước các mặt hàng thiết yếu và tiêu thụ sản phẩm đối với miền núi.
- Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội miền núi vùng đồng bào dân tộc. Tập trung đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường giao thông, các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, lưới điện quốc gia, bưu chính viễn thông…
- Trong những năm trước mắt, tập trung vào những nhiệm vụ cấp bách sau:
+ Đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trọng tâm là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
+ Giải quyết ngay những vấn đề bức xúc như tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, thiếu nước sinh hoạt, thiếu tư liệu sản xuất, di dân tự do, du canh du cư….
+ Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu ở các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
+ Chú trọng công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học công nghệ vào vùng dân tộc, miền núi.
2.3. Lĩnh vực xã hội
- Về giáo dục:
+ Cần củng cố vững chắc phổ cập giáo dục tiểu học và hoàn thành phổ cập trung học cơ sở vào năm 2010.
+ Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp trường lớp và cơ sở vật chất giáo dục ở vùng dân tộc và miền núi.
+ Khuyến khích mở các lớp nội trú, bán trú đối với những nơi dân sống phân tán theo phương thức “ Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Củng cố và hoàn thiện hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, huyện để tạo nguồn đào tạo con em đồng bào dân tộc đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
+ Phát triển hệ thống giáo dục, ở các tỉnh miền núi. Tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên tuyển sinh và cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Chú trọng đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.
- Về y tế:
+ Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và nâng cao chất lượng phòng bệnh, khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc, nhất là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
+ Củng cố hệ thống y tế miền núi ở các cấp, đặc biệt là mạng lưới y tế xã, thôn bản.
+ Khuyến khích phát triển y học cổ truyền, kinh nghiệm chữa bệnh dân gian, sử dụng nguồn dược liệu tại chỗ của đồng bào dân tộc.
+ Thực hiện chính sách ưu đãi khám chữa bệnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở miền núi.
- Về văn hoá thông tin:
+ Khuyến khích các hoạt động văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số nhằm bảo tồn và chấn hưng văn hoá dân tộc.
+ Chống các hủ tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội, xây dựng bản làng văn hoá giầu bản sắc dân tộc.
+ Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các đội thông tin tuyên truyền, thông tin lưu động, đưa sách báo đến với đồng bào ở vung cao, vùng sâu, vùng xa.
+ Tiếp tục thực hiện chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình, chương trình phát thanh truyền hình tiếng dân tộc.
2.4. Bảo vệ môi trường sinh thái miền núi
- Tập trung vào khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng mới. Cải tạo lại, trồng lại các rừng bị tàn phá trong thời gian qua, tăng độ che phủ rừng lên 40% vào năm 2010.
- Bảo vệ các khu rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, các loại động vật quý hiếm. Bảo vệ các nguồn nước, lưu vực sông suối.
- Quản lý chặt chẽ và sắp xếp hợp lý công nghiệp khai khoáng, năng lượng để vừa đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế, vừa đảm bảo được sự bền vững của môi trường sinh thái.
- Ổn định cuộc sống, quy hoạch bố trí dân cư các hộ di cư tự do hợp lý, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái vùng dân tộc miền núi.
- Tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường quản lý Nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường ở miền núi.
2.5. Về quốc phòng, an ninh
- Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại của các lực thù địch.
- Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là cấp cơ sở.
- Tiếp tục xây dựng, phát triển các khu kinh tế kết hợp với quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa biên giới.
- Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc, phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang trên địa bàn. Tăng cường quan hệ quân dân , tạo thế trận lòng dân trong vùng đồng bào dân tộc để bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN.
2.6. Về công tác cán bộ
- Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số cho từng vùng, từng dân tộc.
- Trong những năm trước mắt, cần tăng cường cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt đến công tác ở vùng dân tộc, nhất là những địa bàn xung yếu về chính trị, an ninh quốc phòng.
- Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo thanh niên là người dân tộc thiểu số sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự làm nguồn bổ sung cho cơ sở.
- Sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đãi ngộ cán bộ công tác ở vùng dân tộc và miền núi, cán bộ là người dân tộc thiểu số.
- Tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ là người dân tộc thiểu số trong tổ chức hệ thống chính trị ở vùng dân tộc và miền núi, nhất là đối với các dân tộc hiện nay có tỷ lệ cán bộ thấp.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro