Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Part 2

CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VỀ VẤN ĐỀ TÔN GIÁO

I. KHÁI QUÁT MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

1. Do những đặc điểm riêng về địa lý, dân cư, lịch sử, văn hóa,... Việt Nam là quốc gia có nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo. Các tôn giáo ở Việt Nam có tôn giáo ổn định về tổ chức và nề nếp sinh hoạt tôn giáo, đã có đường hướng tiến bộ, có tôn giáo hoạt động chưa ổn định. Theo thống kê năm 2005 cho thấy, cả nước có gần hai mươi triệu tín đồ của 6 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, chiếm 25% dân số. Cụ thể từng tôn giáo như sau: 

1- Phật giáo            10.000.000 tín đồ,

2- Công giáo            5.950.000 tín đồ, 

3- Cao đài 2.270.418 tín đồ, 

4- Phật giáo Hòa Hảo 1.232.572 tín đồ,

5- Tin lành              721.290 tín đồ, 

6- Hồi giáo                 66.695 tín đồ. 

Thực tế trên đặt ra cho Đảng và Nhà nước ta phải có chủ trương, chính sách một cách thỏa đáng đối với tôn giáo nói chung và đối với từng tôn giáo nói riêng.

2. Ở Việt Nam còn có một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi phía Bắc (Tây Bắc), Tây Nguyên và Tây Nam Bộ theo tôn giáo. Ở khu vực Tây Nam bộ có trên một triệu người Khơ-me theo Phật giáo Nam tông. Ở Tây Nguyên và Tây Bắc có bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số theo Công giáo, Tin lành,...

Việc một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số theo các tôn giáo đặt ra cho chúng ta là cùng một lúc phải giải quyết cả hai vấn đề vốn rất phức tạp, nhạy cảm là dân tộc và tôn giáo.

3. Tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam đa số là nông dân lao động, trong đó chủ yếu là nông dân, có tinh thần yêu nước. Đồng thời họ cũng có niềm tin tôn giáo sâu sắc và có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo bình thường. Cho nên tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam vừa gắn bó với dân tộc, đất nước, đi theo sự lãnh đạo của Đảng và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của toàn dân, vừa duy trì các sinh hoạt tôn giáo, gắn bó với giáo hội theo phương châm "tốt đời, đẹp đạo". Tuy nhiên, đời sống dân sinh, trình độ dân trí ở một số vùng đồng bào tôn giáo còn thấp so với mặt bằng chung. 

Với đặc điểm này, công tác tôn giáo vừa phải phát huy mặt tích cực trong tín đồ các tôn giáo, vừa phải tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ; đồng thời nâng cao đời sống dân sinh, trình độ dân trí cho quần chúng và xoá đi những mặc cảm với cách mạng do lịch sử để lại.

4. Ở Việt Nam có một lực lượng chức sắc, nhà tu hành - những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp - khá đông đảo. Theo thống kê cho thấy, cả nước có hơn 60 ngàn chức sắc, nhà tu hành của sáu tôn giáo. Ngoài ra còn có khoảng trên dưới 200 ngàn chức việc là tín đồ hoạt động tôn giáo "không chuyên nghiệp" ở cơ sở của các tôn giáo như Ban Chấp hành giáo xứ của Công giáo, Ban Hộ tự của Phật giáo, Ban Cai quản của đạo Cao đài, Ban Chấp sự của đạo Tin lành,...

Chức sắc, nhà tu hành, chức việc đang hoạt động trong các tổ chức giáo hội là người hướng dẫn quản lý sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ và là đầu mối để Nhà nước thực hiện việc quản lý đối với hoạt động tôn giáo.

5. Ở Việt Nam, các tôn giáo có mối quan hệ quốc tế rộng rãi. Giáo hội Công giáo Việt Nam trong mối quan hệ về mặt tổ chức là bộ phận của Giáo hội Công giáo hoàn vũ do Giáo triều Vatican lãnh đạo điều hành. Các hệ phái Tin lành ở Việt Nam có mối quan hệ với các tổ chức Tin lành quốc tế và trong khu vực, vừa có quan hệ về mặt tổ chức theo hệ thống, vừa có mối quan hệ đồng đạo theo xu hướng "đại kết" Ki-tô giáo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam có mối quan hệ với Phật giáo các nước trong khu vực, như Phật giáo Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ,... và với các tổ chức Phật giáo quốc tế như tổ chức Phật giáo châu Á vì Hòa bình - ABCP, Tổ chức Thân hữu phật tử thế giới - WFB.  Hồi giáo ở Việt Nam tuy ít nhưng có mối quan hệ khá chặt chẽ với Hồi giáo thế giới và Hồi giáo các nước trong khu vực. Ngoài những mối quan hệ nói trên, các tôn giáo ở Việt Nam còn chịu sự tác động của các tổ chức, cá nhân tôn giáo của người Việt Nam ở nước ngoài (hiện nay có khoảng gần ba triệu người Việt Nam ở nước ngoài mà đa số là tín đồ, chức sắc của các tôn giáo).

Vấn đề quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo như nói trên, sẽ phải được xem xét giải, quyết tương xứng với đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước ta trong xu hướng toàn cầu hóa.

6.  Hiện nay, vấn đề tôn giáo luôn bị các thế lực thù địch lợi dụng để phục vụ lợi ích chính trị của chúng. Việc lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch được gắn với vấn đề dân tộc, nhân quyền và lợi dụng một số sai sót ở cơ sở trong việc thực hiện chính sách tôn giáo để xuyên tạc tình hình tôn giáo trong nước. Chúng còn lôi kéo những phần tử ly khai trong các tôn giáo gây mất ổn định nội bộ tôn giáo. Việc lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết. 

Do vậy, công tác tôn giáo hiện nay vừa đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng tín đồ, vừa phải cảnh giác đấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch hòng chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

II. QUAN ĐIỂM, CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI TÔN GIÁO

1. Về phương hướng

Hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo trong giai đoạn mới phải nhằm tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

2. Về quan điểm, chính sách

Một là, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. 

Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật.

Hai là, Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết dân tộc, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia.

Ba là, nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng.

Lấy mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền, nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công tác vận động quần chúng các tôn giáo nhằm động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất Tổ quốc thông qua việc thực hiện tốt các chính sách kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, trong đó có đồng bào các tôn giáo.

Bốn là, công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nước ta hiện nay có hàng chục triệu tín đồ, chức sắc, nhà tu hành của các tôn giáo, phân bổ ở mọi vùng, miền, địa phương trong cả nước. Vì vậy, công tác tôn giáo có liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và nhiều cấp, nhiều ngành.

Làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tôn giáo là lực lượng tham mưu nòng cốt. Tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo cần được củng cố, kiện toàn, nhất là ở những địa bàn trọng điểm có đông đồng bào tôn giáo. Công tác tôn giáo thực chất là công tác vận động quần chúng.

Năm là, vấn đề theo đạo và truyền đạo.

Mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận, hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ, được mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành, xuất bản kinh sách và giữ gìn, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo,.. của mình theo đúng quy định của pháp luật.

Việc truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không được ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và các cách thức truyền đạo trái phép, vi phạm các quy định của Hiến pháp và pháp luật.

III. NHỮNG CHÍNH SÁCH CỤ THỂ ĐỐI VỚI TÔN GIÁO

Ngày 18 tháng 6 năm 2004, Thường vụ Quốc hội khóa XI đã thông qua Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, bao gồm 6 chương và 41 điều. So với các văn bản pháp luật quy định về tín ngưỡng, tôn giáo trước đó, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo có một số nội dung mới, cụ thể như sau:

1. Về phạm vi điều chỉnh

Pháp lệnh này không chỉ điều chỉnh các hoạt động tôn giáo mà còn điều chỉnh hoạt động tín ngưỡng. Khác với hoạt động tôn giáo, hoạt động tín ngưỡng là loại hình hoạt động không có tổ chức song lại thu hút đại đa số quần chúng nhân dân tham gia. Loại hình hoạt động này rất phong phú, được thực hiện dưới nhiều hình thức như thờ cúng tổ tiên tại gia đình, thờ những người có công với cộng đồng, dân tộc và các hoạt động tín ngưỡng dân gian được tổ chức ở khắp các vùng miền trên cả nước,... Nhà nước tôn trọng những hoạt động tín ngưỡng lành mạnh, đề cao giá trị nhân văn và truyền thống văn hoá dân tộc, đáp ứng nhu cầu tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân. Đồng thời Nhà nước cũng nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng tín ngưỡng hoạt động mê tín dị đoan, thương mại hoá hoạt động tín ngưỡng. 

2. Về việc đăng ký, công nhận tổ chức tôn giáo

Pháp lệnh và Nghị định quy định tổ chức trước khi được xem xét công nhận là tổ chức tôn giáo phải đăng ký hoạt động tôn giáo và hoạt động tôn giáo ổn định trong một thời gian nhất định. 

- Việc hoạt động tôn giáo của tổ chức sau khi được cấp đăng ký. Pháp lệnh và Nghị định quy định sau khi được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, tổ chức tôn giáo được tổ chức các cuộc lễ tôn giáo, thực hiện lễ nghi, truyền đạo, giảng đạo tại cơ sở tôn giáo đã đăng ký; được bầu cử, suy cử những người lãnh đạo tổ chức; mở lớp bồi dưỡng giáo lý; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình tôn giáo; hoạt động từ thiện nhân đạo. Khi thực hiện các hoạt động tôn giáo nêu trên, tổ chức phải tuân thủ quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Việc công nhận tổ chức tôn giáo. Pháp lệnh và Nghị định quy định tổ chức đã đăng ký phải gửi hồ sơ đến Thủ tướng Chính phủ hoặc UBND cấp tỉnh. Hồ sơ gồm văn bản đề nghị, giáo lý, giáo luật, hiến chương (điều lệ) của tổ chức, văn bản xác nhận về hoạt động tôn giáo ổn định của cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính và bản đăng ký hoạt động tôn giáo do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

3. Về việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc

Pháp lệnh và Nghị định quy định tổ chức tôn giáo được thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc. Quy định này sẽ tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo tổ chức, sắp xếp lại các tổ chức tôn giáo trực thuộc đáp ứng yêu cầu của hoạt động tôn giáo và công tác quản lý hoạt động tôn giáo.

4. Về việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử trong tổ chức tôn giáo

Pháp lệnh và Nghị định coi đây là công việc nội bộ của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo có quyền thực hiện theo hiến chương, điều lệ hoặc giáo luật của tổ chức mình. Hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước phê duyệt nên Nhà nước không can thiệp. Nhà nước chỉ nêu ra các điều kiện về tư cách công dân của những người được xem xét phong chức, phong phẩm, bầu cử, suy cử để tổ chức tôn giáo có sự lựa chọn, quyết định. Sau khi phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những người này để Nhà nước biết, đảm bảo quyền hoạt động tôn giáo hợp pháp cho họ. Trường hợp phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc có yếu tố nước ngoài phải có sự đồng ý trước của Ban Tôn giáo Chính phủ.

Tổ chức tôn giáo khi cách chức, bãi nhiệm chức sắc thuộc thẩm quyền quản lý có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước đã đăng ký chức sắc, trong đó nêu rõ lý do cách chức kèm theo các văn bản có liên quan.

5. Về việc thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của nhà tu hành, chức sắc

Với quy định mới của Pháp lệnh và Nghị định, thì vấn đề thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành được thay đổi một cách căn bản. Những trường hợp thông thường tổ chức tôn giáo chỉ có trách nhiệm thông báo với Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đi và đăng ký hoạt động tôn giáo với Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đến. 

Trường hợp chức sắc, nhà tu hành vi phạm pháp luật về tôn giáo đã bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý vi phạm hành chính hoặc đã bị xử lý về hình sự thì việc thuyên chuyển phải có sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đến.

6. Về Hội đoàn tôn giáo 

Pháp lệnh và Nghị định quy định Hội đoàn tôn giáo chỉ được hoạt động sau khi được tổ chức tôn giáo đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuỳ theo phạm vi hoạt động của Hội đoàn tôn giáo, tổ chức tôn giáo phải đăng ký với Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban Tôn giáo Chính phủ.

Pháp lệnh và Nghị định quy định hội đoàn tôn giáo, dòng tu, tu viện hoặc các tổ chức tu hành tập thể, tùy theo phạm vi hoạt động phải có hồ sơ đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban Tôn giáo Chính phủ. Những hội đoàn do tổ chức tôn giáo lập ra chỉ nhằm phục vụ lễ nghi tôn giáo, khi hoạt động không phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Về hoạt động của Dòng tu, Tu viện và các tổ chức tu hành tập thể 

Pháp lệnh và Nghị định quy định, các tổ chức dòng tu, tu viện chỉ cần đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban Tôn giáo Chính phủ). Những dòng tu, tu viện đã đăng ký trước ngày Pháp lệnh này có hiệu lực thì không cần đăng ký lại.

Pháp lệnh và Nghị định quy định khi nhận người vào tu, người phụ trách cơ sở tôn giáo phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã về danh sách người vào tu, sơ yếu lý lịch của người vào tu. Trường hợp người chưa thành niên phải có ý kiến bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.

8. Về vấn đề tài sản thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo 

Pháp lệnh và Nghị định lần này khẳng định những tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm. Trong đó, đất đai thuộc những cơ sở này được Nhà nước bảo đảm quyền sử dụng ổn định, lâu dài. Cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo được quyền quyên góp, nhận tài sản, hiến, tặng, cho để phục vụ hoạt động tôn giáo. Tuy nhiên, việc quyên góp, hiến, tặng, cho phải bảo đảm sự tự nguyện của người đóng góp, tặng, cho; quyên góp phải công khai, rõ mục đích sử dụng và phải thông báo với Uỷ ban nhân dân nơi tổ chức quyên góp trước khi thực hiện. 

9. Về hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo của chức sắc, nhà tu hành và tổ chức tôn giáo

Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức tôn giáo tham gia nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khoẻ người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV - AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần; hỗ trợ phát triển các cơ sở giáo dục mầm non và tham gia các hoạt động khác vì mục đích từ thiện nhân đạo phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật. Nhà nước khuyến khích chức sắc, nhà tu hành với tư cách công dân tổ chức hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo theo quy định của pháp luật. 

Pháp lệnh và Nghị định quy định cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo trước khi tổ chức quyên góp, tùy theo phạm vi quyên góp phải thông báo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về mục đích, phạm vi, cách thức, thời gian thực hiện quyên góp, cơ chế quản lý, cách thức sử dụng tài sản được quyên góp. Không được lợi dụng danh nghĩa cơ sở, tổ chức tôn giáo để quyên góp phục vụ lợi ích cá nhân hoặc những mục đích trái pháp luật.

10. Về quan hệ quốc tế của tôn giáo 

Xuất phát từ chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá các mối quan hệ quốc tế của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do đó các mối quan hệ quốc tế của các tôn giáo cũng được đổi mới cởi mở. Pháp lệnh chỉ giới hạn các quan hệ quốc tế liên quan đến tổ chức tôn giáo mới cần có sự chấp thuận của chính quyền. Việc mời tổ chức, người nước ngoài vào Việt Nam để tiến hành các hoạt động trao đổi, hợp tác quốc tế có liên quan đến tôn giáo; tham gia hoạt động tôn giáo ở nước ngoài; tham gia khóa đào tạo tôn giáo ở nước ngoài, tổ chức tôn giáo phải có hồ sơ gửi đến Ban Tôn giáo Chính phủ. Đối với chức sắc, nhà tu hành xuất cảnh ra nước ngoài không thuộc các trường hợp trên thì thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh.

Pháp lệnh và Nghị định quy định tổ chức tôn giáo mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài giảng đạo tại cơ sở tôn giáo ở Việt Nam có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị đến Ban Tôn giáo Chính phủ, trong đó nêu rõ tên chức sắc, nhà tu hành, quốc tịch, tên tổ chức tôn giáo nước ngoài, chương trình, thời gian, địa điểm thực hiện, người tổ chức, thành phần tham dự.

11. Về hoạt động tôn giáo

+ Về đăng ký hoạt động tôn giáo hàng năm của tổ chức tôn giáo cơ sở.   Hàng năm trước ngày 15 tháng 10, người phụ trách tổ chức tôn giáo cơ sở có trách nhiệm gửi bản đăng ký hoạt động tôn giáo sẽ diễn ra vào năm sau đến Ủy ban nhân dân cấp xã, trong đó phải nêu rõ người tổ chức, chủ trì hoạt động, dự kiến thành phần, nội dung hoạt động, thời gian, địa điểm diễn ra hoạt động.

Đối với những hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký thì tùy theo quy mô hoạt động tôn giáo, sự tham gia của tín đồ, phải được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện.  

+ Hội nghị, đại hội của tổ chức tôn giáo. Hội nghị thường niên, đại hội của tổ chức tôn giáo, tùy theo cấp tổ chức phải được sự chấp thuận của Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Riêng hội nghị, đại hội cấp Trung ương hoặc toàn đạo phải có ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến tổ chức hội nghị, đại hội.  

+ Về các cuộc lễ của tổ chức tôn giáo diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo. Tổ chức tôn giáo khi tổ chức cuộc lễ ngoài cơ sở tôn giáo phải có văn bản đề nghị gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi diễn ra cuộc lễ.  

+ Về giảng đạo, truyền đạo của chức sắc, nhà tu hành ngoài cơ sở tôn giáo. Chức sắc, nhà tu hành giảng đạo, truyền đạo ngoài cơ sở tôn giáo phải có văn bản đề nghị gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi dự kiến chức sắc, nhà tu hành thực hiện. Kèm theo văn bản đề nghị có ý kiến của tổ chức tôn giáo trực tiếp quản lý.

+ Về việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tôn giáo. Việc sửa chữa, cải tạo công trình tôn giáo không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực   thì không phải xin cấp giấy phép xây dựng, nhưng người phụ trách cơ sở tôn giáo phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã sở tại. Trường hợp sửa chữa, cải tạo công trình tôn giáo làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực hoặc xây dựng mới công trình tôn giáo thì phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép. 

+ Về thành lập, giải thể trường đào tạo, mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo. Tổ chức tôn giáo thành lập trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức tôn giáo mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo phải được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi mở lớp.  

12. Về việc đình chỉ hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo 

Pháp lệnh và Nghị định quy định hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có thể bị đình chỉ nếu vi phạm một trong các trường hợp : xâm phạm an ninh quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng hoặc môi trường; xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác. Quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng cho phép cơ quan  nhà nước có thẩm quyền đình chỉ các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo khi nó diễn ra mà xâm phạm, ảnh hưởng, tác động xấu đến các quan hệ xã hội được Nhà nước bảo vệ. 

Về việc chế tài xử phạt các hoạt động vi phạm, ngoài nội dung xử lý đối với những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo vì mục đích chính trị xấu, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo vào mục đích mê tín dị đoan như trước đây, Pháp lệnh còn nói đến việc xử lý đối với những ai phân biệt đối xử với lý do tín ngưỡng, tôn giáo; vi phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân.

IV. THẨM QUYỀN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÔN GIÁO

Hiện nay, trong quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có 3 hình thức: Thông báo, đăng ký và xin phép (phải có sự chấp thuận của chính quyền). Nếu như trước đây hình thức xin phép là chính thì nay với Pháp lệnh, hình thức thông báo và đăng ký là chủ yếu. Những sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo bình thường của nhân dân, những hoạt động tôn giáo bình thường của chức sắc, nhà tu hành được tôn trọng và đảm bảo không phải xin phép. Việc xin phép chủ yếu được áp dụng đối với hoạt động về mặt tổ chức của tổ chức giáo hội như công nhận tư cách pháp nhân tổ chức tôn giáo, việc tổ chức hội nghị, đại hội, việc mở trường đào tạo chức sắc, việc xây dựng nơi thờ tự, cơ sở tôn giáo,.... Những việc này được áp dụng tương tự như với các tổ chức đoàn thể xã hội khác.

Theo Pháp lệnh Tín ngưỡng và Nghị định, công tác quản lý Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay có 44 nội dung công việc thuộc các lĩnh vực như: Tiếp nhận thông báo hoạt động, tiếp nhận đăng ký hoạt động để quản lý, cấp phép đăng ký hoạt động, cho phép tổ chức hoạt động, được thực hiện ở 4 cấp quản lý: Cấp Trung ương là Chính phủ, cấp tỉnh là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện là Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã là Ủy ban nhân dân cấp xã. Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 22/2005/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo ban hành là một bước tiến mới trong quá trình hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta. Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo tạo ra môi trường pháp lý mới, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân tốt hơn; đồng thời tạo điều kiện quản lý, đưa hoạt động của các tôn giáo tuân thủ chính sách, pháp luật. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã có 05 nội dung công việc liên quan đến quản lý về tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể gồm:

- Tiếp nhận thông báo tổ chức lễ hội tín ngưỡng không thuộc quy định tại Điều 4 khoản 1 (Điều 4 khoản 2).

- Tiếp nhận đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm của tổ chức tôn giáo cơ sở (Điều 20 khoản 3).

- Tiếp nhận việc đăng ký người vào tu (Điều 22).

- Tiếp nhận thông báo việc sửa chữa nhỏ cơ sở tôn giáo (Điều 28).

- Tiếp nhận thông báo tổ chức quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo (Điều 30 khoản 3 điểm a).

V. ĐẠO TIN LÀNH VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI ĐẠO TIN LÀNH 

1. Quá trình thâm nhập và phát triển của đạo Tin lành 

Trên thực tế đạo Công giáo và đạo Tin lành được truyền từ khá lâu. Đạo Công giáo được truyền vào người Mông từ năm 1921, tới nay số người Mông theo Công giáo không nhiều, chỉ tập trung ở một vài nơi như Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Thắng,… Đạo Tin lành được tổ chức CMA truyền vào Việt Nam năm 1911; đến năm 1930, Hội Truyền giáo CMA, Hội thánh Tin lành Việt Nam và một số tổ chức Tin lành khác đã tìm cách truyền đạo Tin lành lên vùng các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc nhưng kết quả rất hạn chế. Họ chỉ thiết lập được một vài nhóm nhỏ rải rác trong người Thái ở Sơn La, người Mông ở Lào Cai, người Mường ở Hòa Bình,… Nhưng đến giai đoạn 1954 - 1975 những nhóm này đều tự tan rã và đến nay không còn dấu vết, chỉ có một nhóm khoảng vài trăm người Dao theo đạo Tin lành tại huyện Bắc Sơn tỉnh Lạng Sơn. Đến năm 1962 nhóm Tin lành người Dao ở Bắc Sơn chính thức trở thành một chi hội thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc). Như vậy, việc truyền đạo Công giáo và Tin lành vào vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã được tiến hành từ khá lâu nhưng không đạt nhiều kết quả. Đạo Tin lành ở Tây Bắc thực sự trở thành vấn đề lớn khoảng 20 năm trở lại đây khi một bộ phận khá đông người Mông, Dao tin theo đạo Tin lành. Quá trình người Mông, Dao theo đạo Tin lành có thể chia thành ba giai đoạn như sau:

1.1. Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1990

Một bộ phận người Mông được nghe chương trình giảng đạo qua sóng phát thanh bằng tiếng Mông của đài FEBC, năm 1986 đạo Vàng Chứ xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Hà Giang, sau đó năm 1987 đạo Vàng Chứ phát triển tại một số điểm thuộc huyện Sông Mã tỉnh Sơn La và tiếp tục lan sang một số xã vùng cao thuộc các huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ… tỉnh Lai Châu (cũ). Đến năm 1990, đạo Vàng Chứ đã xâm nhập vào 164 xã thuộc 8 tỉnh miền núi phía Bắc có người Mông sinh sống là Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Thái (nay là Bắc Kạn và Thái Nguyên), Sơn La, Lai Châu (nay là Lai Châu và Điện Biên), Lào Cai, Yên Bái.

Trong lúc một bộ phận người Mông tự phát đi tìm một tôn giáo mới, đạo Tin lành đã khôn khéo lợi dụng những điểm tương đồng giữa các sự tích, nhân vật trong truyền thuyết của người Mông với những sự tích và nhân vật trong Kinh thánh để truyền đạo.

Tuy nhiên, việc truyền đạo trong giai đoạn này diễn ra lén lút, bí mật chủ yếu thông qua các chương trình phát thanh của đài FEBC và sự rủ rê, lôi kéo của một số người Mông tại chỗ. Trong giai đoạn này tính chất Tin lành chưa thể hiện thật rõ ràng nên thường được gọi là đạo Vàng Chứ.

1.2. Giai đoạn từ năm 1991 đến năm 1992

Năm 1991 một số người đứng đầu các điểm nhóm đã liên hệ với các nhà thờ Công giáo tại Yên Bái, Sơn Tây, Hà Nội. Tại đây họ được các linh mục hướng dẫn, giảng giải về giáo lý, lễ nghi và được cung cấp một số sách Kinh thánh. Do đó hầu hết số người Mông theo đạo Vàng Chứ chuyển sang theo đạo Công giáo.

Tuy nhiên, sau một thời gian theo đạo Công giáo, họ phát hiện ra tín lý đạo Công giáo có những điểm không giống với những điều họ được nghe trên các chương trình phát thanh của các đài FEBC, Veritas… Mặt khác lễ nghi của đạo Công giáo quá phức tạp, rườm rà không phù hợp với nhu cầu của những người Mông mới theo đạo.

Đồng thời đài FEBC hướng dẫn họ liên hệ với Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) ở Số 2 Ngõ Trạm, Hà Nội để được giúp đỡ. Tại đây họ được các mục sư, truyền đạo Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) hướng dẫn, giảng dạy cách thức hành đạo… Họ nhận thấy đạo Tin lành ngoài tính thiêng phù hợp với sự mong mỏi và tâm lý, còn đơn giản, tiết kiệm phù hợp với cuộc sống của người Mông, tương ứng với những gì họ nghe được trên các chương trình phát thanh. Do đó số người Mông theo đạo Vàng Chứ trước đây lại chuyển từ đạo Công giáo sang đạo Tin lành.

1.3. Giai đoạn từ năm 1993 đến nay

Từ năm 1993 số lượng người theo đạo Tin lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc có sự gia tăng đột biến. Những người đứng đầu các điểm nhóm liên hệ thường xuyên với Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc). Họ được cấp tài liệu, kinh sách, tài chính; được hướng dẫn, giảng giải về giáo lý, lễ nghi của đạo Tin lành một cách bài bản. Khi về địa phương, những người này tiến hành phân phát tài liệu, hướng dẫn sinh hoạt đạo cho đồng bào địa phương, lập danh sách những người theo đạo gửi kèm theo đơn xin gia nhập đạo Tin lành. Bên cạnh đó họ cũng được hướng dẫn nghe giảng đạo Tin lành bằng tiếng Mông qua đài, băng ghi âm. Đến năm 1994 đã có khoảng 40.000 người chịu ảnh hưởng đạo Tin lành tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Từ năm 1995 trở đi đạo Tin lành không chỉ dừng lại ở dân tộc Mông, dân tộc Dao mà vẫn tiếp tục lan sang các dân tộc khác như Thái, Tày, Nùng, Sán Chỉ, Pà Thẻn, Hà Nhì, Mảng, Cờ Lao, La Hủ,…  

Cùng với việc gia tăng về số lượng người theo đạo và mở rộng địa bàn ảnh hưởng, đạo Tin lành đã từng bước hình thành mô hình tổ chức. Ban đầu việc theo đạo chỉ mang tính tự phát, dần dần cùng với mối quan hệ với Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) tại các điểm nhóm đã hình thành các Ban Chấp sự, Ban Hiệp nguyện. Năm 2002 - 2003, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) đã đơn phương ra văn bản công nhận hơn 500 hội nhánh tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngoài Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), hiện nay một số hệ phái Tin lành có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phát triển lên khu vực này như Liên hữu Cơ đốc, Ngũ tuần,…

Bên cạnh đó niềm tin tôn giáo của bộ phận đồng bào theo đạo cũng ngày càng rõ nét, sự hiểu biết của đồng bào về Kinh thánh cũng đã có những thay đổi đáng kể. Việc sinh hoạt đạo Tin lành đã trở thành một nhu cầu không thể phủ nhận được của một bộ phận đồng bào theo đạo. Tại nhiều nơi sinh hoạt đạo Tin lành đã diễn ra định kỳ và công khai.

Hiện nay có khoảng 100 ngàn người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông theo đạo Tin lành. Ngoài ra còn khoảng 30 ngàn người Mông theo đạo tin lành di cư tự do vào Tây Nguyên và một số di cư sang Lào, Trung Quốc.

1.4. Một số đặc điểm cần chú ý trong việc truyền đạo và theo đạo Tin lành 

- Số người mới theo đạo Tin lành chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa (các thôn bản vùng cao xa xôi) trong nhiều đối tượng quần chúng, kể cả những người có quá trình gắn bó với cách mạng, cán bộ, đảng viên, thậm chí cả người là cấp uỷ, cán bộ chính quyền, đoàn thể.

- Đạo Tin lành phát triển với tốc độ nhanh trở thành một hiện tượng đặc biệt trong đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc. Đến nay đã chững lại nhưng vẫn tiềm ẩn sự bùng phát trở lại. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đạo Tin lành đã lan sang các dân tộc Sán Chỉ, Pà Thẻn, Cờ Lao,…

- Việc truyền đạo Tin lành trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc được thực hiện dưới nhiều hình thức. Trước hết là những hoạt động truyền giáo từ bên ngoài (Philippines, Hongkong, Lào, Trung Quốc) vào nước ta qua các phương tiện như đài phát thanh, băng ghi âm, Kinh thánh, Thánh ca và văn hóa phẩm Tin lành,...gọi là truyền giáo gián tiếp; qua một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài và một số cá nhân, sau này được hỗ trợ bởi Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) và một số tổ chức Tin lành trong nước,...gọi là truyền đạo trực tiếp.

- Thực tế cho thấy do trình độ dân trí thấp, việc truyền giáo chủ yếu là gián tiếp, không chuyên nghiệp nên đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo hiểu lẽ đạo còn đơn giản và những “cốt cán” của đạo cũng còn nhiều hạn chế về nhận thức tôn giáo cũng như những kiến thức về pháp luật, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước.  

- Việc truyền đạo và theo đạo Tin lành trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc thời kỳ đầu đã gây ra những tác động tiêu cực nhất là trong vùng người Mông về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, tư tưởng như: đình trệ sản xuất, di dịch cư tự do, gây mất đoàn kết trong gia đình, làng bản, trong nội bộ người dân tộc,… gây mất trật tự an toàn xã hội.

- Tuy nhiên các tiêu cực nói trên càng về sau càng giảm dần, trong khi những yếu tố tích cực xuất hiện và ngày càng thể hiện rõ nét, nhất là những yếu tố tích cực về đạo đức, lối sống, văn hóa như việc xoá bỏ những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin, thực hiện hôn nhân một vợ một chồng, không uống rượu, không hút thuốc, sống tuân thủ pháp luật.

Vấn đề đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc theo đạo Tin lành vừa là vấn đề tín ngưỡng - tôn giáo, vừa là vấn đề văn hóa tư tưởng, vừa là vấn đề tôn giáo, vừa là vấn đề dân tộc liên quan đến an ninh chính trị, kinh tế xã hội, chính sách đoàn kết dân tộc, chính sách đối ngoại,… đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải giải quyết trước mắt và lâu dài.

2. Nguyên nhân của việc một số bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Mông theo đạo Tin lành. Có nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, có tác động của đời sống kinh tế văn hóa xã hội, có tác động của việc truyền đạo, có sự lôi kéo khuyến khích bằng vật chất,... Ở đây chúng tôi xin nhấn mạnh một số nguyên nhân chủ quan của việc một bộ phận đồng bào Mông theo đạo Tin lành như sau:

- Đồng bào Mông sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, điều kiện canh tác gặp nhiều khó khăn. Những năm giữa thập niên 1980, Nhà nước ta chuyển dần từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường, một số chính sách ưu đãi đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trước đây không còn được thực hiện. Đầu những năm 1990 do sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế lúc đầu chưa ổn định làm cho đời sống đồng bào dân tộc Mông gặp khó khăn. Đời sống khó khăn đã tạo môi trường thuận lợi cho tôn giáo phát triển.

- Dân tộc Mông nói riêng và các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung có tín ngưỡng truyền thống đơn giản, tuy nhiên phong tục tập quán lại rườm rà, lạc hậu có nơi còn mang tính mê tín dị đoan vừa tốn kém vừa cản trở sự phát triển. Tình trạng nghèo khó, dân trí thấp, lại thêm phong tục tập quán còn nhiều điểm lạc hậu, nặng nề và tốn kém, cộng với tâm lý, tình cảm của người Mông về quá khứ, hiện tại,... là những điều kiện để đạo Tin lành thâm nhập.

- Hệ thống chính trị ở cơ sở khu vực miền núi phía Bắc nhìn chung còn mỏng, yếu và kém hiệu lực, trình độ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, chi bộ Đảng và đảng viên chưa nắm chắc được quần chúng. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở nhiều nơi chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới của công tác vận động quần chúng, chưa sát dân, vận động quần chúng thiếu hiệu quả. Thực tế cho thấy đạo Tin lành phát triển mạnh chủ yếu ở những nơi hệ thống chính trị của ta còn yếu.

Ngoài ra còn do việc đạo Tin lành xâm nhập và phát triển là vấn đề mới, các địa phương còn bị động, lúng túng trong việc xử lý. Các biện pháp để xử lý vấn đề còn chưa đồng bộ, chưa nhất quán, có lúc có nơi nặng về các biện pháp xử lý hành chính. Những biện pháp này đã gây phản cảm trong quần chúng, dẫn đến sự cố kết trong nội bộ những người theo đạo; đồng thời cũng tạo cớ cho những thế lực thù địch ở ngoài nước vu cáo Nhà nước ta vi phạm tự do tôn giáo.

Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, trong khi đời sống kinh tế gặp khó khăn, phong tục tập quán nặng nề và tốn kém, đạo Tin lành với phương thức truyền giáo năng động, lễ nghi đơn giản, ít tốn kém nên dễ dàng thâm nhập; đồng thời đạo Tin lành cũng có một số ưu điểm trong lối sống như xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, không uống rượu, hút thuốc lá, không cờ bạc, ngoại tình,… nên cũng dễ thu hút người theo. Đạo Tin lành còn là một tôn giáo có phương thức sinh hoạt đơn giản, gọn nhẹ thích hợp với những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó đạo Tin lành triệt để khai thác những điểm tương đồng về văn hóa giữa lịch sử của người Mông và Kinh thánh. Họ đã “Mông hóa” những nhân vật, sự tích trong Kinh thánh. Đối với người Mông việc theo đạo Tin lành vừa là tiếp thu cái mới vừa có sự gần gũi, quen thuộc nên rất dễ tiếp nhận. Đây cũng là lý do giải thích vì sao đạo Tin lành dễ hòa nhập vào người Mông hơn vào các dân tộc thiểu số khác trong khu vực. 

Từ việc nhận thức các nguyên nhân nêu trên cho thấy để giải quyết vấn đề một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành cần phải có giải pháp tổng thể, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hoá - an ninh - quốc phòng - tôn giáo - dân tộc và là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. 

3. Nhiệm vụ công tác đối với đạo Tin lành trong thời gian tới

Thực hiện Chỉ thị 01/2005/CT-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành, trong đó Điểm 5 của Chỉ thị ghi rõ "Đối với số đồng bào ở miền núi phía Bắc mới theo đạo Tin lành và có nhu cầu tín ngưỡng thực sự, trước mắt hướng dẫn cho đồng bào sinh hoạt tôn giáo tại gia đình, hoặc nơi nào có nhu cầu thì hướng dẫn cho đồng bào đăng ký sinh hoạt đạo ở địa điểm thích hợp tại bản, làng, Khi hội đủ các điều kiện thì tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào sinh hoạt tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật. Đối với bộ phận đồng bào đã theo đạo, nay có nhu cầu trở lại với tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình, cần tạo điều kiện giúp đỡ để đồng bào thực hiện ý nguyện đó". Ban Tôn giáo Chính phủ xây dựng kế hoạch công tác quản lý Nhà nước đối với đạo Tin lành ở khu vực miền núi phía Bắc cụ thể như sau:

3.1. Mục đích

- Thống nhất nhận thức, đánh giá đúng thực trạng và cách giải quyết vấn đề đạo Tin lành trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi phía Bắc một cách khách quan, toàn diện.

- Từng bước đưa sinh hoạt đạo Tin lành trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi phía Bắc vào quản lý theo pháp luật, nhằm giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng; đảm bảo quyền theo hoặc không theo tôn giáo của đồng bào các dân tộc thiểu số và kiên quyết khắc phục tình trạng phát triển không bình thường, tự phát của đạo Tin lành trong vùng, góp phần giữ vững sự ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề phát triển toàn diện khu vực miền núi phía Bắc.

3.2. Nhiệm vụ công tác

a. Nhiệm vụ thứ nhất: Tổ chức quán triệt các chủ trương chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước và triển khai kế hoạch công tác quản lý Nhà nước đối với đạo Tin lành ở khu vực miền núi phía Bắc trong cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể quần chúng ở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc để tạo sự thống nhất trong nội bộ. 

b. Nhiệm vụ thứ 2: Tổ chức tuyên truyền vận động đồng bào giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, loại bỏ phong tục tập quán lạc hậu, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống, dân trí cho đồng bào, nhằm giải quyết căn bản nguyên nhân sự phát triển không bình thường của đạo Tin lành. 

c. Nhiệm vụ thứ 3: Khảo sát thực trạng tình hình đạo Tin lành ở những địa bàn có đông đồng bào theo đạo. Xác định số thôn, bản, số người theo đạo Tin lành; mức độ ảnh hưởng, tính ổn định của điểm nhóm, số người đứng đầu điểm nhóm, những người truyền đạo,... 

d. Nhiệm vụ thứ 4: Hướng dẫn đồng bào theo đạo Tin lành tại các thôn, bản, nơi có sinh hoạt tôn giáo ổn định, đăng ký sinh hoạt tôn giáo tại điểm nhóm với chính quyền cơ sở. Nội dung đăng ký gồm: Tên điểm nhóm, địa điểm, phạm vi sinh hoạt tôn giáo, nội dung sinh hoạt tôn giáo, lịch sinh hoạt tôn giáo theo tuần, tháng, năm; người đứng đầu điểm nhóm; người hướng dẫn việc đạo; số lượng người tham gia sinh hoạt tôn giáo tại thời điểm đăng ký; dự kiến tổ chức Tin lành, hệ phái Tin lành xin gia nhập; cam kết sinh hoạt tôn giáo theo pháp luật và nội dung đăng ký (có mẫu đăng ký kèm theo). 

Việc đăng ký các điểm nhóm được tiến hành ở cấp xã. UBND cấp xã là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy đăng ký sinh hoạt tôn giáo theo điểm (nhóm). 

đ. Nhiệm vụ thứ 5: Đối với người đứng đầu các điểm nhóm theo đạo Tin lành, giải quyết như sau: số có thái độ tuân thủ chính quyền và pháp luật, đủ tư cách công dân, trước hết giúp đỡ để trở thành Trưởng nhóm. Về lâu dài, tạo điều kiện để được đào tạo thành chức sắc tại tổ chức Tin lành hợp pháp. Số có thái độ chống đối, cần đấu tranh và xử lý nghiêm theo pháp luật, thông báo công khai cho đồng bào biết rõ về những hoạt động vi phạm pháp luật của họ.

e. Nhiệm vụ thứ 6: Công tác quản lý sau đăng ký, UBND cấp xã nơi có điểm nhóm là cơ quan quản lý trực tiếp sinh hoạt tôn giáo của điểm nhóm. Sau khi được cấp giấy chứng nhận, các điểm nhóm Tin lành được đảm bảo sinh hoạt tôn giáo theo pháp luật và nội dung đăng ký. Hàng năm, vào ngày 15 tháng 10, người đứng đầu điểm nhóm có trách nhiệm đăng ký chương trình sinh hoạt tôn giáo của cả năm với Uỷ ban Nhân dân cấp xã nơi có điểm nhóm.

4. Tổ chức thực hiện và một số vấn đề lưu ý  

- Để thực hiện những nhiệm vụ công tác nói trên, các địa phương triển khai chỉ đạo điểm việc hướng dẫn đồng bào ở một số thôn bản đăng ký sinh hoạt đạo Tin lành theo điểm nhóm với chính quyền cơ sở và xem xét cấp giấy chứng nhận sinh hoạt tôn giáo cho các điểm nhóm đủ điều kiện. Sau khi tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm triển khai thí điểm ở từng địa phương và toàn khu vực, sẽ lập kế hoạch triển khai giai đoạn tiếp theo trên diện rộng để tiếp tục hướng dẫn các thôn, bản đủ điều kiện đăng ký sinh hoạt đạo Tin lành theo điểm nhóm với chính quyền cơ sở.  

- Đẩy mạnh công tác quán triệt chủ trương chính sách trong cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận, ban, ngành đoàn thể các cấp để tạo ra sự thống nhất; đồng thời làm tốt công tác tư tưởng đối với đại bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số theo tín ngưỡng truyền thống, nhất là số cán bộ cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ các dân tộc thiểu số có người theo đạo Tin lành,... tránh tạo tâm lý thất vọng và nhận thức sai lệch cho rằng Nhà nước công nhận sinh hoạt đạo Tin lành của một bộ phận đồng bào là phủ nhận truyền thống văn hoá của dân tộc đó; không để xảy ra xung đột tôn giáo trong dân tộc, xung đột giữa bộ phận theo đạo và bộ phận không theo đạo.

- Quá trình giải quyết vấn đề đạo Tin lành trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc cần chú ý phân biệt hoạt động truyền đạo và theo đạo, phân biệt rõ nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo thuần tuý của đồng bào với âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch. 

- Đối với những nơi chưa tiến hành đăng ký sinh hoạt đạo Tin lành theo điểm nhóm, hướng dẫn đồng bào giữ nguyên trạng sinh hoạt tôn giáo tại gia đình, chuẩn bị các điều kiện để xem xét giải quyết vào thời điểm thích hợp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: