04.
04
Sáng sớm đã có con chim chích choè từ đâu đậu đến trước nhà hót vang một ca khúc nhộn nhịp rồi bay đi. Đức Duy hớn hở xách theo bánh chưng chạy tới nhà của anh Hoàng Hùng, tuy nhiên điều cậu thấy lại là Hải Đăng đang phơi tấm chăn vừa mới giặt.
"Sao lại giặt chăn rồi ạ? Em vừa mới giặt mà." Đức Duy ngơ ngác.
"Trẻ con hỏi làm gì. . ." Hải Đăng vắt khô những thứ còn lại phơi lên, đẩy cây phơi đồ ra đón nắng ban sớm, sau đó cướp lấy bánh chưng của Đức Duy đi vào phía sau bếp.
"Ơ bánh là của em đem đến khoe anh Hùng mà!" Đức Duy bất mãn đi theo, "Đêm qua em đã phải canh nồi đến gần sáng đấy, anh không được cướp công của em đâu."
"Chưa tết đã gói bánh chưng làm gì?" Hải Đăng đặt bánh lên bếp, lụi cụi tìm trong tủ buffet một con dao.
"Vậy không đi đánh trận thì anh mặc áo lính để làm gì?" Đức Duy bĩu môi rồi lại hỏi, "Anh tìm gì thế?"
"Dao cắt bánh."
"Cậu ấm ơi, bánh chưng không cần dùng dao để cắt đâu, cậu đi lên nhà đi!"
"Cắt bằng dao thì không đứt à?"
"Bánh nhà em nấu vừa mềm vừa thêm như thế rồi phải dùng lá lạt mà cắt chứ, cắt bằng dao thì báng bổ quá thể đấy cậu ấm à!"
Hoàng Hùng phì cười nghe hai người hệt như hai đứa trẻ con cãi nhau, thấy tiếng cười của anh hai người đều xoay lại nhìn, Hải Đăng là người đầu tiên vội vàng chạy tới.
"Anh không ngủ thêm sao? Sao lại tự mình đi ra đây làm gì?"
"Anh đi được đấy nhé." Hoàng Hùng cười, "Anh cũng đâu vô dụng đến mức đó."
"Nhưng mà có em ở đây rồi thì cũng nên gọi em. . ." Hải Đăng vẫn chau mày, đỡ anh ngồi xuống ghế, không quên lót trước một tấm vải được gấp lại thật dày.
"Đây đây, nếu đã dậy rồi thì ăn bánh chưng đi, để em cắt cho anh." Đức Duy phấn khởi lấy dây lạt cắt bánh chưng mình đã thức cả đêm để nấu.
"Bánh chưng à? Ở đâu thế?" Hoàng Hùng nghe thấy lập tức có hứng thú.
"Nó mua ở chợ đấy." Hải Đăng chen vào.
Đức Duy lập tức nổi giận hét lên, "Em nấu đấy nhé!"
Trận cãi nhau tiếp theo lại bị dập tắt bởi tiếng cười của Hoàng Hùng, cũng vì vậy mà cả ba mới có thể ăn sáng một cách yên bình được.
Nhưng cũng chẳng bao lâu Đức Duy lại vừa nhai bánh vừa bảo, "Sáng nay em đến tiệm ảnh lấy đồ cho u thì có nghe người ta nói chuyện. Ở rạp chiếu bóng Công Nhân có mua được phim mới của Liên Xô. Không phải rạp ngoài trời của đội lưu động nên giá vé khá cao, gần bằng một ký gạo sổ cơ đấy. Đầu phố nhà anh Hùng có ông chủ tiệm may giày vừa đi xem về đã đi khoe với cả phố, bảo là về cách mạng tháng mười, có vẻ rất hay. Nhưng mà để xem phải mất một ký gạo, u mà biết thì chỉ có mắng em."
Đức Duy chỉ nói vu vơ còn Hoàng Hùng mỉm cười rồi lại quên nhưng Hải Đăng thì nhớ rất rõ. Ngày mai cậu phải về lại doanh trại rồi, từ lúc về tới bây giờ chỉ cùng anh Hùng quanh quẩn trong nhà mãi, như vậy thì quá phí hoài thời gian.
Hải Đăng vào phòng kiểm tra lại số tiền còn dư trong túi mình, lẩm nhẩm thấy vẫn đủ mới đi ra khỏi phòng, ngồi xuống bên cạnh bàn nơi Hoàng Hùng và Đức Duy đang đọc sách cùng nhau.
"Anh Hùng, chúng ta ra ngoài đi dạo mát đi." Hải Đăng ngỏ lời.
"Được." Hoàng Hùng đồng ý không cần suy nghĩ.
Đức Duy nhìn ra bên ngoài trời bắt đầu vào trưa nên dần trở nên nắng gắt, cậu hơi khó hiểu, "Đi dạo mát vào giờ này ạ?"
"Phải, giúp anh lấy áo và mũ cho anh Hùng nhé."
Hải Đăng sai bảo rồi khoác áo vào, đội mũ cối lên đi ra sân kiểm tra xe đạp xem có vấn đề gì hay không. Sau đó lại đi vào, thấy Đức Duy vừa lẩm nhẩm mắng Hải Đăng có vấn đề vừa giúp anh Hùng mặc áo. Hải Đăng không chấp vặt, lấy ra chiếc mũ tai bèo đã được giặt sạch của mình, chăm chú đội lên giúp anh Hùng tránh nắng rồi dắt anh ra bên ngoài sân.
"Cẩn thận, bám vào em mà đi nhé."
"Vậy hai anh có về ăn cơm không ạ?" Đức Duy hỏi với theo.
"Không về, em cũng về đi."
Hải Đăng trèo lên xe, Đức Duy giúp anh Hùng ngồi lên yên sau. Hoàng Hùng theo thói quen ôm lấy vòng eo rắn chắc của Hải Đăng, yên tâm ngồi trên xe đạp.
"Ngồi mà có khó chịu thì bảo với em nhé." Hải Đăng dặn dò.
Vì câu nói này lại khiến anh nhớ tới chuyện tối hôm qua, chẳng rõ gương mặt đang ửng hồng lên vì thẹn hay vì cái nắng hè hun đốt, "Anh bình thường. . ."
"Thật sự không hiểu hai cái người này bị gì." Đức Duy lắc đầu ngán ngẩm.
Chiếc xe đạp cọc cạch chạy ra khỏi sân nhà tiến ra ngoài phố, tuy nắng nhưng làn gió nhẹ nhàng lướt qua gương mặt khiến cho Hoàng Hùng thoải mái dễ chịu hơn hẳn, không còn cảm giác bí bách uể oải như khi ở trong nhà nữa. Vừa ra tới đầu phố đã ngửi thấy ngay mùi hương bát phở quanh quẩn, đi thêm một lát là mùi bánh đúc thơm lừng.
"Chúng ta vừa đi qua hiệu ảnh phải không? Ở đó có một cây đèn sáng lắm, bên cạnh là ông chú bán tào phớ, nhưng anh không ngửi thấy, hôm nay ông ấy không bán à?"
"Vâng, ông ấy không bán ạ." Hải Đăng ngập ngừng, cậu không dám kể cho anh rằng ông ấy vốn đã bị địch vô cớ bắn chết trong một lần đi giao tào phớ.
"Đi thêm một lát sẽ qua nhà văn hoá, hàng hoa sữa và rồi tới một ngôi trường nhỏ. Hôm nay vẫn là giữa tuần, chắc đám trẻ đang học vui lắm."
Tiếng hát cách mạng vang lên giữa nơi đường phố nhộn nhịp hòa vào hương hoa sữa đưa hai người đi qua ngồi trường tiểu học có tiếng trống trường giòn giã.
"Và qua dãy phố hàng phở sẽ là trường của anh." Hải Đăng đáp.
Cậu vẫn còn nhớ cách đây vài năm, cậu cũng đạp xe đưa anh qua từng con đường ngõ phố như thế này, cả hai đi qua chợ hoa người ta nô nức bán vào ngày tết, hay những dịp trung thu đã lâu rồi mới nhộn nhịp nhiều đèn lồng đến vậy.
Hôm đó là một ngày bình thường, Hải Đăng bị gãy tay nên chỉ có thể lái xe bằng một tay đi từ trường của mình tới đón anh. Hoàng Hùng thấy vậy thì quyết định lái xe thay cậu, nhân ngày thu về hai người sẽ đi dạo thủ đô một lát mới về nhà.
Sẽ ăn cốm làng vòng, sẽ đi dạo hồ gươm, sẽ nếm thử món cà phê trứng mà mọi người tấm tắc khen nức nở.
Bỗng dưng loa thông báo khẩn vang lên tiếng hú khó chịu, giọng phát thanh viên thông báo lặp đi lặp lại máy bay địch đang tiến về thủ đô từ phía tây, yêu cầu mọi người bình tĩnh vào hầm trú ẩn.
Chuyện sau đó Hải Đăng không nghĩ tới nữa, tay cậu dần đưa xuống nắm chặt bàn tay đang ôm lấy eo của mình.
Không sao cả, không sao cả rồi.
"Chúng ta đi đâu thế em?" Hoàng Hùng nhận ra sự bất thường của Hải Đăng, anh vội vàng chuyển sang chủ đề khác.
"Bí mật."
Hải Đăng cứ giấu diếm mãi có hỏi thế nào cũng không chịu trả lời, Hoàng Hùng cũng chỉ biết chờ đợi.
Anh nghe thấy chiếc xe dừng lại ở một nơi khá đông vui, Hải Đăng đi cất xe rồi dắt anh tới một nơi mang đậm mùi hươmg ấm áp ngọt ngào, cậu nói với chủ quán bằng một giọng điệu hồ hởi, "Một hào phá xa*."
(*): Đậu phộng xào húng líu
"Nóng lắm đấy, cẩn thận." Ông chủ hàng nhanh nhẹn gói lại đưa cho hai người.
Vì nóng nên Hải Đăng đưa tiền rồi tự mình cầm lấy, vui vẻ nâng lên cho Hoàng Hùng ngửi xem, "Anh thích không?"
"Anh thích, nhưng mà, sao tự dưng lại mua cái này?" Hoàng Hùng đưa tay chạm lấy nó, sờ sờ để cảm nhận.
"Hôm nay chúng ta sẽ đi xem chiếu bóng." Hải Đăng nói rồi cẩn thận quan sát vẻ mặt ngạc nhiên của Hoàng Hùng, "Em biết anh không xem được, em không có ý xấu gì cả, chỉ là, anh có thể lắng nghe tiếng, em sẽ là đôi mắt của anh, được không?"
"Chuyện này. . ."
"Em không muốn thấy anh vì tự ti mà cứ ở nhà mãi, anh cũng xứng đáng được đi trải nghiệm những gì mà người khác có thể."
"Anh không có ý đó, chỉ cần em muốn là anh sẽ đi với em. Có điều, giá vé. . ."
"Anh quên em là cậu ấm nhà Đỗ vải sao? Hai ký gạo đối với em là gì chứ?" Hải Đăng phì cười dắt anh đi mua vé, hiện tại đang chiếu một phim duy nhất về cách mạng tháng 10.
Phòng chiếu bóng của bọn họ xem chỉ có 600 chỗ, ít hơn những phòng khác một nửa số ghế nhưng bên trong vẫn nóng như lò lửa. Tuy vậy mọi người không hề mất đi vẻ háo hứng, tiếng cười giòn giã, tiếng trò chuyện nhỏ to và mùi hương của phá xa cứ quanh quẩn trong không khí.
Hoàng Hùng cũng rất vui, anh nắm chặt tay Hải Đăng liên tục hỏi đã chiếu chưa. Mỗi lần Hải Đăng đều kiên nhẫn trả lời anh nhân tiện đút cho anh một hạt đậu phộng.
Trước đây Hoàng Hùng có học tiếng Liên Xô, từ sau khi gặp chuyện thì khi rảnh rỗi vẫn tự ôn lại cách nói và cách nghe, cho nên dù lâu rồi vẫn không bị "lụt nghề".
Tiếng phim dần vang lên, Hoàng Hùng lắng nghe lời thoại nhân vật, Hải Đăng ở bên cạnh mô tả khung cảnh cho anh.
Cách mạng Tháng Mười Nga* không chỉ là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên thành công mà còn là nguồn cảm hứng lớn lao cho các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó có Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam, khi nhân dân ta cũng đã vùng dậy lật đổ chế độ thực dân - phong kiến để xây dựng một đất nước tự do độc lập.
*Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917
"Đến bao giờ. . . đến bao giờ thì chúng ta mới có thể thống nhất?"
Tiếng bom đạn bên trong phim vang lên khiến Hoàng Hùng nhắm chặt đôi mắt đã chẳng còn ánh sáng, anh cúi đầu, bình ổn lại được hơi thở mới buông ra một câu như thế.
Hải Đăng nắm lấy tay anh, nhìn lên màn hình trắng đen lập lòe đang có 3 người chiến sĩ cắm cờ của Hồng quân Liên Xô lên nóc nhà Reichstag ở Berlin, sau khi tên độc tài Hitler tự sát*. Ngón tay cái nhẹ nhàng xoa xoa cổ tay đang run rẩy của anh, "Sớm thôi, chúng ta sẽ làm được."
*Chiến dịch Berlin năm 1945.
Đầu cậu miên man mường tượng ra khung cảnh của một trưa mùa hè nào đó, khi chiếc xe tăng của quân ta tiến thẳng vào dinh độc lập, tháo bỏ lá cờ nô lệ và để cho lá cờ của mặt trận giải phóng được tung bay. Miền Nam hoàn toàn được giải phóng, nước Việt Nam được thống nhất toàn vẹn non sông, màu xanh bên dưới lá cờ mặt trận sẽ trở về là màu đỏ.
"Để em xem nào, Hồng quân Liên Xô chiến thắng vào ngày 30/4 năm 1945 đúng chứ? Vậy thì chúng ta lấy cột mốc là ngày 30/4 đi, 30/4 của những năm sau, có thể là năm 75 hoặc 76 chẳng hạn, anh và em sẽ được nghe tin tổ quốc mình thống nhất. Khi đó em sẽ trở về, đưa anh lên con tàu Bắc - Nam cùng đi vào Đồng Nai thăm nơi anh đã từng sinh ra và lớn lên, đồng ý nhé?"
"Đồng ý."
Vì khan hiếm sữa nên nhiều nơi đã bắt đầu dùng lòng đỏ trứng thay thế khi pha cà phê, từ đó nó trở thành một loại thức uống đặc biệt của thủ đô. Hải Đăng gọi cho cả hai người một ly, gọi thêm hai bát phở thơm lừng, lắng nghe Hoàng Hùng phấn kích kể cho cậu nghe anh đã vui như thế nào khi đến rạp chiếu bóng.
Phở nhanh chóng được bê ra, Hoàng Hùng cúi người ngửi mùi hương của nó bỗng dưng nghe được tiếng bước chân đi đến bên cạnh bàn của họ.
Người đó đứng khá lâu tuy nhiên Hải Đăng lại không nói gì cả, Hoàng Hùng có hơi hoang mang khẽ hỏi.
"Ai đến vậy Đăng?"
"Em chào anh Hùng, anh là người trước kia ở trong Đồng Nai chuyển ra đây phải không ạ? Anh còn nhớ em không?"
Một giọng nữ nhẹ nhàng cất lên.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro