Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương II - Ta và Chúng tôi


Thứ lặng thinh đưa mắt ra xa. Làng Vũ Đại giờ đang xôn xao sau cái chết bất thình lình của lão Hạc. Người xót thương lão ra đi sao mà đau thế, mắt sòng sọc, người giật giật lên như phải gió đến mấy tiếng, đứng nhìn thôi mà cũng đã thấy phát hãi ra. Người bần thần nghĩ thấy thương cho thằng con lão đi đồn điền biệt tích, đến khi về thì cha đã khuất núi. Kẻ lại mừng. Gớm, mãi mấy ông bà già mới thăng hết cho, sống lâu quá lại khổ con cháu, khổ xóm giềng. Lão đã ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hi rồi, cũng phải đến lúc kết thúc vòng sinh lão bệnh tử. Thôi thế cũng là vừa vặn hết một đời người, còn cái gì mà nuối tiếc nữa đâu. Phải, đúng phải thế, lão Hạc còn gì mà nuối tiếc nữa đâu..

Thứ mở tráp, nhìn chăm chăm vào văn tự bán đất mà lão Hạc đã nài nỉ anh làm cho. Lão đi thật rồi đấy. Dăm hôm trước ông già khắc khổ ấy còn tìm anh, còn nhờ anh viết giấy giữ hộ mảnh vườn cho thằng con trai, còn nhờ anh cầm hộ dăm đồng bạc làm đám. Món tiền lão để lại ấy thực cũng chẳng nhiều nhặn gì, sưu thuế lại tăng, nộp hết cho làng xong còn lại chỉ đủ mua con gà với chút đồ làm lễ. Làm thế nào để chia con gà thành mấy mâm mà thiết làng, Thứ đã tự hỏi, nhưng rồi cũng vội quên bẵng đi

Là người thân quen lại biết chữ nghĩa, đáng lí mà nói Thứ phải qua giúp đỡ ma chay, ấy nhưng không. Thứ trầm ngâm, vò đầu, rồi lại trầm ngâm. Trong anh giờ đây trống hoác một vùng khó tả. Anh chỉ muốn đi thật xa, xa khỏi ngôi làng này. Bởi cuộc đời ngày càng thêm đáng buồn, bởi con người đã đến nước đói khát cùng đường mà chết, Thứ chỉ muốn đi tìm một điều gì đó có thể khỏa lấp tâm trạng hiện tại. Một vùng trời, một niềm vui, một câu trả lời.. Nhưng đi đâu, nhà văn trẻ này phải đi đâu khi vốn dĩ anh tới làng Vũ Đại cũng là đang trốn chạy khỏi bản thân mình. Anh cũng chỉ là con kiến bò luẩn quẩn, cũng chỉ là thằng văn sĩ bất lực sống mòn mỏi ngày này qua tháng khác, đang thối rữa ra, đang mục nát đi, có chăng khác quái gì lão Hạc hay chính những con người cũng đang mòn mỏi trong cái làng này đâu.

Đi đâu, về đâu, làm gì, làm thế nào để thoát khỏi cái vòng tròn bức bối ám đời này, càng nghĩ càng thêm bứt rứt khó chịu, Thứ chút nữa thiếu điều vò luôn tập giấy vẫn đang cầm nãy giờ trong tay. À, bản thảo, bản thảo mà ông bạn văn cũ đã gửi nhờ xem hộ, một câu chuyện lão ấy mới viết ra..

Bất chợt, rộn ràng lên bên trong Thứ là mong mỏi đươc tìm gặp ông bạn kia. Còn gì vui thú hơn khi được cùng người trong giới đàm đạo. Họ sẽ lại cùng nói với nhau chuyện đời, chuyện người, chuyện ước mơ về một tác phẩm sẽ đạt giải Nobel Văn học, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Thứ sẽ khỏa khuây bớt gánh nặng trong lòng, và nỗi buồn sẽ vơi đi chút nửa. Chà cái ông bạn ấy mà, cũng chẳng lạc quan hơn gì anh, nhưng được cái tâm huyết văn chương vô cùng.

Nghĩ vậy, Thứ đặng cắp cái nón cùng tập giấy, hối hả bắt xe lên huyện, hối hả đi như chạy trốn khỏi ngôi làng ảm đạm đương nồng mùi nhang khói này.

Chuyến xe bò xốc xểnh rong ruổi trên con đường lởm nhởm đá đi hết một ngày mới lên tới phố huyện. Trời đã nhá nhem, Thứ đi lững thững qua những dãy nhà leo lét đèn, chốc chốc đứng lại hóng nghe tiếng trống hay chuông chùa gì đang từ xa văng vẳng. Một thứ hương nồng hỗn tạp xốc lên làm anh hơi váng. Là mùi của đất mùn lẫn trong những tanh tưởi còn vương của phiên chợ muộn, loáng thoáng qua cả mùi dầu thắp của những nhà mới lên đèn. Chợ vãn rồi, đường phố thưa hẳn, chỉ còn những đứa trẻ líu ríu trên đường nhặt nhạnh mớ đồ dư thừa vung vãi, vội vàng luống cuống, lại thoáng chạy vụt đi như những bóng ma nhỏ.

Ghé vào một hàng nước bên đường, Thứ rít một điếu thuốc lào, đặng hỏi đứa trẻ con chủ nhà đang ngồi mân mê những nhúm hoa bàng li ti vương vãi trên sạp

- Chẳng hay.. chú bẻ có biết người nào tên Hộ sống trong khu này không?

- Không biết. – Đứa trẻ ngước gương mặt lấm lem lên nhìn anh rồi quay đầu gọi với vào trong nhà – Chị Liên ơi, chỗ mình chị biết có ai tên Hộ không?

Từ trong quán bước ra một cô gái nom còn trẻ đang ôm mớ dây trầu với vài món đồ hàng. Cô ngước nhìn em rồi lại nhìn qua Thứ, đôi mắt trong veo như đang háy lên với anh

- Có phải Hộ viết văn sống ở bên kia phải không ạ? Người đó đã chuyển đi rồi thưa ông.

--

Trời đã tối hẳn, những ánh đèn leo lét từ mấy dãy nhà hắt ra đường lờ mờ soi bóng mấy viên sỏi dăm dưới từng bước chân Thứ đi. Ông bạn Hộ không có ở đây thì chỉ còn nước đi về, mà giờ này đâu còn xe nào mà bắt nữa. Anh định bụng sẽ ghé đâu ăn một bữa rồi ra đình nằm nghỉ, chờ sáng hửng sẽ đi nhờ xe mấy người chở rau về làng. Đêm nay chắc sẽ dài. Trăng đã lên rồi và thể nào anh cũng trằn trọc trong những suy nghĩ mông lung dai dẳng từ đầu ngày.

Hàng cơm đêm hôm nay đông nghit những người, toàn là những người làm công về, mặt mày vẫn lấm láp bóng nhẫy những dầu mỡ. Giữa không gian nức mùi hành phi và những thứ mùi mời gọi vị giác khác, tiếng xèo xèo của thức ăn trên chảo lẫn vào trong tiếng nói cười. Mọi người ở đây nặng trĩu mệt mỏi cuối ngày nhưng vẫn đủ tươi tỉnh để nói vài ba chuyện tầm phào cho nhau nghe. Thứ nhoẻn miệng cười, rồi bất giác méo xệch đi. Mùi tanh tưởi từ khu chợ mới vãn kia bỗng chốc lại dội vào trong anh, thấp thoáng như thấy ảo mờ cả bóng những đứa trẻ đói đờ đẫn. Anh khuỵu xuống ghế, bàn tay vít chặt mấy đồng bạc nãy lâu thoáng lơi ra. Ngay tức khắc, một bóng dáng nhỏ thó vụt tới xô vào Thứ, giật lấy mớ bạc rồi nhào ra khỏi quán, lỉnh nhanh vào màn đêm.

Phải đến mấy giây sau Thứ mới kịp định thần.

Lồng ngực Thứ căng lên nén một hơi thở dài. Chuyến này lên huyện anh không cầm nhiều bạc mà giờ cũng bị cướp cả. Anh không bực, cũng không tự trách mình, chỉ thấy thêm nặng lòng. Có những người dư dả ngồi trong quán cơm ấm cúng, lại cũng có những kẻ đói ăn cùng đường đến bỏ mạng như lão Hạc, hoặc không thì đi cướp giật chứ không chịu làm ma.

- Lại con đàn bà đó phải không? – Một ông mặt vuông mặc áo linh đang xì xụp bát canh nóng gần đó vống tiếng lên – Mẹ kiếp, không biết bao nhiêu lần rồi, ông đây mà bắt được thì chặt mấy tay cũng chưa đủ tội.

Vài người khác cũng nhao nhao lên. Thứ vội cười xòa một tiếng trấn an, rằng hôm nay ra ngõ quên coi ngày, xem như mình vừa làm phúc bố thí cho người ta vậy. Rồi anh vội đứng dậy. Không còn cắc nào trong người thì ôm bụng đói đi ngủ thôi, dù sao anh cũng chưa kịp gọi cơm. Đặng bước ra ngoài, cô chủ quán nhỏ bỗng gọi với lại

- Ấy bác đi đâu thế, không định ăn một bữa cho ấm bụng sao?

- Cô Vịnh lại định cho người ta ăn chịu đấy à – Một người phì cười. Đã quá quen ở đây rồi, rằng cô chủ quán này thỉnh thoảng lại cho mấy người làm công ăn chịu vài bữa cơm. Biết là lòng tốt của người ta, nhưng nỗi buồn thắt chặt trong lòng khiến Thứ không còn tâm trạng mà đón nhận hảo tâm ấy, bèn khoát tay đi vội. Len qua những dáng người đang đổ vào quán, Thứ chợt bị giữ lại bởi một bàn tay thô ráp

- Không ăn chịu thì về nhà tôi ăn một bữa được không?

Ngước mắt qua nhìn, gương mặt xám xịt của Thứ chợt sáng lên một tia cười vui vẻ

"Anh Tràng đấy à."

-------

Lần bước theo Tràng luồn qua những con ngõ nhỏ xiêu vẹo về nhà, Thứ vẫn chưa kịp định thần lại sau những gì vừa diễn ra. Anh không gặp được người bạn văn, nhưng lại hội ngộ với người quen cũ. Tên Tràng kéo xe này, chắc cũng nửa năm rồi anh không lại nhà hắn chơi.

Lối về nhà Tràng nom vẫn như xưa, hoặc giả vì đêm tối nhập nhòe mà Thứ cũng không rõ. Vẫn tiếng rơm khô đá loẹt xoẹt dưới chân, vẫn tiếng vài ba con chó sủa càn khuất sau bụi tre cao vống và mùi thôn quê rất riêng làm Thứ phút chốc quên rằng mình đang giữa phố huyện. Dạo trước tới thăm nhà Tràng, những xác người đói còng queo bên vệ đường với mùi thịt ôi và tiếng khóc nỉ non nửa đêm đã ám ảnh biết bao nhiêu thì bây giờ không gian tù mù ẩm mốc với ánh đèn leo lét soi đường trùm lên tấm lưng khắc khổ của ông bạn làm anh thấy nhẹ nhõm bấy nhiêu.

Tràng thỉnh thoảnh quay lại nhìn ông bạn cũ. Dạo này biết hắn có viết được bao nhiêu không mà trông phờ phạc quá, lại vừa rồi mất tiền, chắc cũng đang khó ở trong người. Mời hắn về nhà chơi mà im lìm không ai nói ai câu nào thế này cũng sượng. Phải, cũng sượng thật.

- Quán ấy làm đồ hơi bị ngon đấy nhé!- Tràng vỗ vào túi thức ăn mới mua, cất tiếng mở chuyện cho đỡ gượng gập.

- Cũng sang nhỉ, mới trúng mối nào tốt phất lên à? – Thứ vui vẻ đáp lời – Mà sao lại mua mỗi thức ăn không có cơm thế hả anh Tràng?

- Chả dư dả đến thế đâu ông bạn ạ. Cũng chạy ăn từng bữa như trước giờ thôi. Chỉ là.. – Tràng thấp giọng, thì thào nhưng cũng không giấu được vẻ phần khích – ..được bữa có gạo ngon mà không có thức ăn kèm cho sướng miệng thì phí quá.

Nói rồi vung chai rượu mới mua trong tay kia, rảo bước nhanh hơn. Thứ vẫn không hiểu gì, nhưng anh biết với Tràng, người đã đi qua bao mùa đói, thì một bữa ăn ngon hẳn là thứ quí giá vô cùng.

Lò dò mãi rồi cũng tới cuối xóm, Tràng đẩy tấm phên che cổng, khoát tay mời bạn vào. Ánh đèn dầu trong nhà hắt leo lét ra sân, Thứ vừa bước đi vừa thầm nghĩ sao mảnh vườn trông tươm tất hẳn từ lần cuối anh đến. Cỏ dại quang hẳn đi, bên mấy thân cây queo quắt chăng dây phơi đôi ba bộ đồ cũ nát. Có gì đó mới mẻ hơn, sáng sủa hơn, một hơi ấm không rõ danh mà Thứ không thể nào định nghĩa cho tới khi Tràng phơi phới bước vào trong

- Này mấy u với cả nhà tôi ơi, tôi về rồi đây này!

Thì ra ông bạn cũ này đã có vợ từ bao giờ.

Bữa cơm đêm đó ấm cúng biết bao nhiêu. Bốn bóng người chụm đầu dưới ánh đèn tù mù, vui vẻ gắp nhanh những món thức ngon lành bên nồi cơm nóng hổi. Chốc chốc Thứ lại liếc nhìn người phụ nữ cạnh Tràng. Thị gặp ánh mắt người đàn ông lạ thì ngượng ngùng ngó lơ hoặc cúi gằm mặt đi. Nom gầy gò hốc hác nhưng cũng có đôi nét đôn hậu, thị chắc cũng là kiểu phụ nữ hay lam hay làm. Thứ lại nhìn qua Tràng như muốn hỏi ông bạn được vợ từ bao giờ, và như hiểu ý anh, hắn chỉ cười tủm tỉm.

- Bữa nay sướng nhà mình thế thôi, mai nhớ đem gạo chia cả cho mấy người trong xóm mày ạ - Người mẹ nhặt nhạnh nốt cọng rau rồi buông đũa

- Tôi biết mà, u không cần nhắc- Tràng gật gật, rồi quay sang bạn, chỉ vào góc nhà – Này, thấy kia không, kinh ấy nhỉ.

Theo tay Tràng chỉ, Thứ thấy thấp thoáng trong bóng tối một bao cói đổ đầy những thóc gạo chắc mẩy từng hạt, tràn cả ra sàn, lại vụt có bóng con chuột chít vừa lủi đi.

- Của giời à?

- Chẳng có của giời đâu ông ạ - Tràng lại hạ giọng thì thầm như lúc ngoài ngõ – Hôm rồi tôi đi kéo xe thóc, chỉ chỗ kho chứa cho quân nổi dậy. Họ cướp được bao nhiêu, chia một phần cho tôi đấy.

- Mấy kho thóc Nhật khu này dạo rồi bị phá tung mấy lần, tôi đi làm nghe bọn lính Tây cay cú lắm – Vợ Tràng nói, tỏ vẻ bình thản nhưng không giấu nổi tiếng cười

Vốc một nắm trong tay, Thứ thẫn người ra trong bóng tối rồi cất tiếng hỏi vọng

- Việt Minh phải không?

- Không. Việt Minh chưa về tới. Nghe đâu chỉ là tự phát thôi mà cũng hăng hái dữ dội lắm. Nếu ông muốn, bạn tôi, hôm tới tôi lại đi chi điểm, thích thì tôi cho đi cùng cho biết phường dân mình độ này. .

*

* *


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro