Chương 1
Phú Yên, mưa phùn tí tách, giọt mưa như có linh hồn tinh nghịch trượt dài qua cửa kính xe. Nó làm lòng người rộn ràng hơn.
Bình An bước xuống xe khách, sau chuyến đi dài đằng đẵng từ Sài Gòn đến Phú Yên. Thay vì đi máy bay, em lại chọn đi xe khách, bởi em muốn nhìn thấy những điều đẹp đẽ được nằm lại của cuộc đời. Em là cô giáo tiểu học vừa mới ra trường, cũng vừa hay được cử ra nơi có cuối điểm " Cực Đông ". Bước chân nhỏ xíu trượt dài cùng theo hai chiếc vali trong hơi quá khổ so với thân hình, em nhìn ngó xung quanh, em đang tìm đồng nghiệp ở điểm trường mà mình sẽ gắn bó một thời gian hoặc nếu có duyên thì sẽ là cả một đời.
Cái dáng người bé xinh em tả cho các thầy cô qua điện thoại, vừa nhìn thì đồng nghiệp cũng nhận ra em. Em có dáng nho nhỏ chắc cũng độ chừng mét năm cùng với mái tóc màu nâu hạt dẻ đang rũ xuống để tìm gì đó. Thu Hà tiến lại nhìn xuống hỏi khẽ :
" Em có phải là Bình An, giáo viên từ miền Nam yêu dấu được chuyển lên điểm trường N theo biên chế không ? "
Cô bé ngước đầu lên khi nghe tên mình mà gật đầu rồi cười te toét, cơn mưa lạnh buốt vừa rồi cũng ấm áp hơn.
" Chào chị, chị là Thu Hà đúng không ? "
" Leo lên xe thôi cô giáo trẻ, em định đứng đây tới khi nào đấy ! "
Em cũng là lần đầu đi xa nhà như thế, cũng là một người bình thường yêu con chữ, hành trang mang theo cũng chỉ có hai cái vali đựng cả trái tim cũng như là ước mơ của mình vào đó.
Nhưng sau khi chất vali lên cái xe gắn máy và leo lên ngồi thì trông Thu Hà giống mẹ Bình An. Trên đường từ bến xe về tới điểm trường còn xa nên hai chị em cũng trò chuyện cho thời gian trôi mau.
" Em giới thiệu về mình đi cô gái "
" Em là Bình An, Phạm Nguyễn Bình An. Em thích ăn kẹo, em thích trẻ con và em thích biển. Em tốt nghiệp sư phạm loại giỏi ! "
" Ồ vậy là mới từ Sài Gòn ra miền biển Phú Yên này đó hả, lại còn vào điểm trường giành cho các bạn nhà điều kiện khó khăn nữa. Đúng là tuổi trẻ đầy nhiệt huyết đó nha. "
" Dạ "
Cả hai trò chuyện rôm rả, băng qua mấy con phố xinh đẹp thì cuối cùng cũng đã đến điểm trường. Bình An đã thấy mấy thầy cô nội trú đã đứng đó đợi em.
" Chào cô giáo mới. "
" Chào em. "
" Chào nhóc nhé ! "
...
Bình An được nhìn thấy những lời chào vui vẻ như thế, em cũng nhiệt tình đáp lại, là một người hướng ngoại và thân thiện nên ai vừa nhìn cũng thương. Em lấy từ đâu ra bịch kẹo " Bốn Mùa " vậy là em khi còn ở bến xe tìm thứ gì đó hoá ra là tìm kẹo. Cái bàn tay nhỏ xinh cầm từng cục kẹo chia cho mỗi người, ai cũng càng có thiện cảm. Mọi người phụ em xếp đồ ở căn phòng giành riêng cho em, xong xuôi rồi thì họ cũng ra ngoài. Em ngã lưng xuống chiếc giường rồi ngủ thiếp đi, chắc có lẽ vì mệt.
Ngủ một mạch tới xế chiều thì Bình An cũng dậy, em tắm rửa rồi ra dọn cơm ăn chung với thầy cô ở phòng sinh hoạt tập thể. Em tranh bê những nồi cơm, nồi cá, chén dĩa ra chiếu với mọi người. Ở miền biển này, so với thịt và cơm thì cá rẻ hơn rất nhiều.
Chị Thảo nói với Đại Dương :" Tí, thầy dắt bạn Bình An ra bờ biển xem người ta làm cá nhé, con bé từ Sài Gòn lên chắc nó chưa thấy cảnh này bao giờ. "
Thầy Nam cũng góp vui :" Ra cho chị bé kéo cá thử xem, được thì tôi xin khỏi cho làm giáo viên nữa. Làm nghề cá giàu hơn đấy. "
Cả phòng được phen cười ngả nghiêng, cũng lâu lắm rồi nơi đây mới đầy ắp tiếng cười như thế.
Độ 6 giờ 30 phút chiều, Bình An lại được ngồi trên chiếc xe của cô giáo Hà chạy ra bãi biển xem phiên chợ cá buổi chiều. Hoàng hôn cũng vừa buông xuống, ánh nắng mặt trời màu đỏ hoặc màu cam hay vàng nghệ tùy theo cách nhìn của mỗi người hắt lên khuôn mặt của hai chị em. Khi đã ra đến biển, đây là lần đầu của cô gái 21 tuổi nhìn thấy phiên chợ cá tại biển, mặc dù biển đối với em trong những chuyến du lịch cũng không còn lạ lẫm. Phía xa trên biển, còn có mấy chiếc đèn lập loè như đom đóm của tàu cá khi màn đêm dần buông xuống. Nó cũng giống như ánh sáng bé nhỏ soi sáng linh hồn lạc lối trong màn đêm mịch mù !
Mặt trời đang dần lặn xuống, hoàng hôn chính là lời giã từ của ánh sáng đối với thế gian. Nhưng nó vẫn sẽ gặp lại, còn con người ra đi thì không ! Em nhìn về biển mà nghĩ ngợi.
Cả toán thầy cô giáo cũng xuống đi bộ theo đường bờ biển xem người dân gỡ cá ra khỏi lưới hoặc nhìn những cô, chú đang bê những thùng phi đầy ụ cá, những mẻ cá ngon được đánh bắt lúc sáng còn tươi mơn mởn. Có người nhận ra bọn em, họ cười những nụ cười rạng rỡ.
" Ồ thầy cô ra đây để mua cá đó à, hay là đi dạo đổi gió đây ? " Người phụ nữ trung niên tầm bốn mươi hay năm mươi tươi cười hỏi.
" Dạ tụi cháu ra đây hóng mát ấy ạ, trời mưa quá kéo cá có được không cô Hằng ? "
" Biển nó động cũng khó đấy thầy cô, tụi tui cũng lo lắm ! "
" Hôm nay có thầy Nam, thầy Dương, cô Thảo, cô Linh, cô Hà à và còn cô này là ? " Bác gái tên Hằng nhìn em với cái nhìn lạ lẫm, bác chưa thấy em bao giờ.
" À em này là giáo viên mới của trường đó ạ, con bé từ Sài Gòn được chuyển lên đây. "
" Úi chà chà, sao nó chuyển cháu lên tận miền biển nghèo xa xôi này vậy. Ở Sài Gòn sướng gì đâu đó hè, thôi ráng lên cháu, mai mốt bác mai mối cho cháu nhé. Ở đây thằng nào đẹp trai, bác cũng biết. " Bác trai ở đó với chất giọng Quảng Ngãi hay Hà Tĩnh cười cười, nụ cười in hẳn dấu chân chim và nếp nhăn trên đôi mắt của mình, bác đùa.
" Dạ con ở Sài Gòn mới lên hồi sáng, con lên đây để dạy con chữ cho các em với con cũng thích biển lắm. Chiều vừa hay được anh chị cho đi chơi biển và xem cô chú làm việc. Nhưng việc mai mối chắc đợi khi khác nha chú ! " Bình An vừa xoa mái tóc màu hạt dẻ của mình mà nói, em cố nghe từng chữ vì hơi khó nghe.
Cả toán người được phen cười cả lên, cười vì dễ thương và cười vì thật thà. Ở phía xa xa kia, cũng đã có một người để ý đến em, Đoan Trang hỏi một bác gỡ cá chung với mình :
" Bác có biết cô bé kia là ai không ? Cháu thấy đi cùng với mấy giáo viên ở trường của Thương theo học. "
" Chắc là giáo viên mới đấy cháu, giáo viên giờ toàn trẻ trẻ năng nổ lắm. Nhưng con bé đấy chịu đi vào làng chài này dạy cho mấy đứa nhỏ cho nó có con chữ thì cũng là kì tích rồi. "
Nói tới đây, Đoan Trang thầm lặng chua xót cho mình. Cô cũng chỉ mới có 26 tuổi mà đã làm mẹ của đứa bé 9 tuổi. Nếu ngày ấy không nghe theo lời dụ dỗ của người ta, thì có lẽ cô cũng đã là một bác sĩ nội trú, cô học đến giữa năm lớp mười một thì đã nghỉ học. Nghĩ đến đây, cô cũng chỉ biết mỉm cười cho cuộc đời của mình. Đáng tiếc cho những người phụ nữ tại những vùng không có điều kiện, cũng không có tiếng nói về cuộc đời của mình. Nhớ đến Hoài Thương ở nhà, cô càng phải làm việc nhiều hơn để nuôi con bé, cha của nó cô đã không liên lạc và cắt đứt từ tám năm trước. Vì cô đã nhận ra người cha đó không tốt. Cô đã chết tâm ngay từ ngày ấy, nhưng cô vẫn phải nỗ lực để nuôi con mình vì Hoài Thương là ước mơ của cuộc đời cô khi cô không còn nữa.
Đoan Trang suy nghĩ nhiều !
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro