Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc Part 2 (Chương 65-130) Hết
Chương 65 : CHUẨN BỊ ĐẠI QUYẾT CHIẾN
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.516 (Giáp Ngọ, 1414), mùa đông tháng 10.
Các vùng chiếm được từ Minh triều tạm thời đã ổn định, Quảng Tế Pháp sư phụng mệnh Giang Phong chia tỉnh, quận, huyện và điều phái quan viên đến đảm nhiệm việc trị dân.
Đất Vân Nam (rộng 394.100 kilômét vuông) Minh triều chia làm 60 châu phủ, 30 huyện (có châu, phủ không có huyện trực thuộc); Đế quốc chia thành 5 tỉnh, Vân Nam, Đại Lý, Lệ Giang, Bảo Sơn, Trấn Khang; 32 châu phủ lớn cải thành quận; còn lại lập huyện, đồng thời lập thêm nhiều huyện mới ở các vùng dân tộc (quan chức vẫn do người dân tộc nắm giữ, tự quản lý).
Đất Quý Châu (rộng 176.100 kilômét vuông) Minh triều chia làm 17 châu phủ, 14 huyện; Đế quốc chia thành 2 tỉnh Quý Dương, Vĩnh Ninh.
Đất Quảng Tây (rộng 236.700 kilômét vuông) Minh triều chia làm 58 châu phủ, 50 huyện; Đế quốc chia thành 3 tỉnh Quế Lâm, Tư Minh, Nam Ninh.
Đất Quảng Đông (rộng 177.900 kilômét vuông) Minh triều chia làm 19 châu phủ, 75 huyện; Đế quốc chia thành 3 tỉnh Quảng Châu, Quỳnh Châu, Triều Châu.
Đất nam Hồ Quảng (rộng khoảng 230.000 kilômét vuông) có 14 châu phủ, 42 huyện của Minh triều; Đế quốc chia thành 3 tỉnh Trường Sa, Hành Sơn, Nguyên Châu.
Đất Giang Tây (rộng 166.900 kilômét vuông) Minh triều chia làm 14 châu phủ, 77 huyện; Đế quốc chia thành 2 tỉnh Cống Chương, Cửu Giang.
Đất Phúc Kiến (rộng 121.400 kilômét vuông) Minh triều chia làm 9 châu phủ, 57 huyện; Đế quốc chia thành 2 tỉnh Phúc Châu, Tuyền Châu.
Còn các xứ Chiết Giang, Nam trực lệ, bắc và đông Hồ Quảng, nam Tứ Xuyên tuy Đế quốc cũng kiểm soát được hoàn toàn hoặc một bộ phận, nhưng không còn dân, nên không thiết tỉnh. Đó là vùng trắng, vùng ranh giới tự nhiên với Minh triều sau này.
…
Nam trực lệ (Nam Kinh). Kim Lăng Thành.
Cho đến lúc này, quân đội Đế quốc vẫn tiếp tục vây thành, và thường xuyên bắn pháo vào thành, bất kể đêm ngày. Quân ngoài thành không công thành, và quân trong thành cũng không thể phá vòng vây. Cho đến lúc này, trải qua gần nửa năm bị vây, quân dân trong thành cũng đã quá quen với tiếng đạn pháo rồi, thậm chí có người khi nghe pháo nổ cũng chẳng buồn tránh nữa, trúng đạn chết thì thôi, xem như là giải thoát.
Hiện tại trong thành đang lâm vào cảnh thiếu thốn lương thực nghiêm trọng. Các kho quân lương trong thành đủ cung cấp cho 10 vạn quân dùng trong mấy năm, nên quân đội không lo thiếu lương. Có điều dân chúng ít có ai dự trữ trong nhà cả nửa năm lương thực. Dân thành thị mà, mua vừa đủ ăn, ăn hết rồi lại đi mua tiếp. Các cửa hiệu bán gạo cũng vậy, kho gạo trong thành cũng chỉ đủ bán một thời gian mà thôi, và gần đây thì đều cạn sạch rồi (một phần là do bán hết, nhưng cũng có một phần đầu cơ làm giá, bị dân chúng phẫn nộ phá kho cướp sạch). Ngoài ra người trong thành cũng không có rau xanh để ăn hàng ngày. Trước đây thì mỗi ngày đều có nông dân chở rau từ ngoài thành vào bán, nhưng từ khi thành bị vây thì hết rau ăn rồi. Thử nghĩ xem suốt gần nửa năm không có rau ăn. Hậu quả … Ngay cả thịt cá cũng thiếu thốn. Nhà cửa bị đạn pháo bắn sập, bắn cháy cũng không có nguyên liệu để sửa chữa. Người dân trong thành đã sắp trở thành ‘tam không’ giống như lưu dân ở Giang Bắc.
Quân trong thành đã 3 lần tổ chức phá vây, nhưng cả 3 lần đều bị thiệt hại thảm trọng mà phải rút lui vào thành. Ban đầu thủ quân có 15 vạn thì lúc này chỉ còn lại chưa đến 10 vạn. Quân bên ngoài vẫn ổn định ở 4 đạo quân, 12 vạn người, và sau mỗi tháng quân số bị tổn thất sẽ được bổ sung ngay. Thật ra thì quân đội Đế quốc chỉ bị tổn thất một ít vào 3 lần phá vây của quân Minh. Chứ bình thường chỉ vây thành, không công thành, làm sao có thiệt hại.
Giữa tháng 10, các đạo quân tề tụ về Kim Lăng, chuẩn bị cho một cuộc chiến quy mô lớn sắp diễn ra.
Sùng Minh đảo. Trường Hưng Thành.
Trường Hưng Thành là một tòa tiểu thành mới được xây dựng trong thời gian bắc phạt, là căn cứ hậu cần của Đông lộ quân và cũng là đại bản doanh của Triệu Phong.
Lúc này, các tướng lĩnh của bắc phạt đại quân đang tụ họp bàn bạc chiến sự. Có Triệu Phong của Đông lộ quân, Lý Ngân của Tây lộ quân, Phạm Thế Căng của Nam lộ quân và Mã Tân của Bắc Dương Hạm đội. Ngoài ra còn có Hải quân bộ bộ trưởng Đinh An Bình mang chiếu lệnh của Giang Phong đến.
Đinh An Bình nói :
- Theo tin từ thám tử, Minh triều đang chuẩn bị huy sư nam hạ, giải vây Kim Lăng Thành.
Mã Tân hỏi :
- Đinh Đại nhân. Minh triều đang bị người Mông Cổ cướp phá vùng bắc biên và người Đông Doanh cướp phá vùng Sơn Đông, còn có thể điều động đại quân nam hạ được sao ?
Đinh An Bình nói :
- Hai phần ba quân lực Minh triều tập trung ở phòng tuyến phía bắc, tổng cộng 80 vạn. Lần này Vĩnh Lạc đế quyết tâm giải vây Kim Lăng, nên định bỏ mặc các xứ Cam Túc, Sơn Tây, chỉ tập trung phòng thủ vùng Hà Bắc, Sơn Đông mà thôi. Có thể đại quân nam hạ đông đến 60 vạn. Ngoài ra còn có thêm 40 vạn dân binh. Tổng quân số đạt đến 100 vạn.
Triệu Phong ngạc nhiên hỏi :
- 40 vạn dân binh ? Ở đâu ra thế ?
Đinh An Bình nói :
- Trước nay Minh triều thực hiện chính sách quân hộ, chỉ tuyển quân trong quân hộ, nhưng lần này tình hình nguy cấp, Vĩnh Lạc đế đã nghe lời quần thần, tuyển quân từ những người khỏe mạnh trong số lưu dân chạy loạn, vừa tăng thêm quân số, vừa giảm bớt số lưu dân thiếu đói, nhất cử lưỡng tiện. Có điều, 40 vạn dân binh đó thực chất cũng chỉ là nông dân bỏ cuốc cày cầm vũ khí mà thôi, chưa hề được huấn luyện, chiến lực chẳng đáng kể gì. Giống như Hoàng Cân quân thời Hán mạt vậy đó.
Phạm Thế Căng cau mày nói :
- Tổng binh lực của chúng ta chỉ có 42 vạn. Nếu vẫn tiếp tục bao vây Kim Lăng Thành thì chỉ có thể điều động tối đa 33 vạn quân ứng chiến. Nếu cùng quân Minh quyết chiến, dù chúng ta vẫn có thể chiến thắng, nhưng chắc chắn sẽ tổn thất thảm trọng. Quân Minh ở biên giới phía bắc thường xuyên đánh nhau với người Mông Cổ, nên đều thiện chiến.
Mã Tân cười nói :
- Ai bảo trực diện quyết chiến làm chi mà tổn thất thảm trọng.
Mã Tân tướng quân sau mười năm phục vụ trong quân đội Đế quốc, đã nghiên cứu rất sâu sắc chiến lược chiến tranh của Đế quốc. Triệu Phong gật đầu nói :
- Đúng thế. Chúng ta không cần quyết chiến, chỉ cần kéo dài thời gian. Quân Minh có một nhược điểm là không có nhiều lương thực. Quân đội càng đông thì càng nhanh chóng tan rã.
Đinh An Bình cười nói :
- Phải đó. Hồng Vũ đế kiến đô ở Kim Lăng vì nơi đây là vùng sản lương, do vậy mới có chủ trương ‘quảng tích lương, hoãn xưng vương’. Vĩnh Lạc đế dời đô lên Bắc Kinh. Mà phương bắc đất hẹp người đông, lương thực thiếu thốn, hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn lương thực từ Giang Nam chuyển lên. Mấy tháng nay, Hải quân của chúng ta phong tỏa Đại Vận Hà, vùng Hà Bắc đã lâm vào cảnh thiếu lương thực. Cộng thêm hơn nghìn vạn lưu dân đổ lên Giang Bắc, tình hình càng thêm trầm trọng. Giá lương thực đã tăng lên gấp mấy lần so với trước đây mà vẫn không có để bán. A a, 100 vạn quân, để xem bọn họ có thể cầm cự được bao lâu.
Mã Tân nói :
- Vậy thì chúng ta chỉ cần phong tỏa Trường Giang, không cho quân Minh vượt sông là được.
Đinh An Bình mỉm cười nói :
- Không không. Không nên phong tỏa tuyệt đối. Cũng nên tạo cơ hội cho quân Minh có thể vượt sông.
Triệu Phong khẽ cười hỏi :
- Ý Đại nhân là … ?
Đinh An Bình gật đầu, mỉm cười. Triệu Phong vỗ bàn cười nói :
- Hay lắm. Cứ làm như thế đi.
Mã Tân cũng đã hiểu ra, nói theo :
- Đúng thế. Nên tạo cơ hội cho quân Minh vượt sông. Chỉ là … không phải toàn bộ.
Mọi người đều cười. Đinh An Bình lại nói :
- Tháng trước Triều Tiên quốc có phái một đoàn thuyền chở lương thực sang hỗ trợ cho Minh triều. Thánh hoàng đã phái sứ giả đến trách hỏi, nhưng bọn họ không lý gì đến. Thánh hoàng đã phái một đội chiến hạm của Nam Dương Hạm đội tiến vào vùng biển Triều Tiên.
Triệu Phong bình luận :
- Bọn họ còn chưa nhìn rõ thời thế.
Đinh An Bình lại bảo Mã Tân :
- Tướng quân phái một tiểu phân hạm đội tiến vào Hoàng Hà, phong tỏa được phần nào hay phần đó. Làm sao khiến cho Hà Bắc thiếu đói thì càng hay.
Triệu Phong nói :
- Hay là để ta phái một đạo quân đi cướp phá các phủ huyện dọc hai bên bờ Hoàng Hà.
Đinh An Bình suy nghĩ một lúc, rồi nói :
- Hay đó. Chỉ cần phong tỏa triệt để Trường Giang, 33 vạn hay 30 vạn cũng không khác biệt gì nhiều.
Mã Tân hỏi :
- Có nên thông báo cho người Đông Doanh biết để cùng phối hợp không ?
Đinh An Bình gật đầu nói :
- Cũng được. Bảo bọn họ chuyển mục tiêu lên vùng duyên hải Hà Bắc.
Triệu Phong chợt nói :
- Nếu quân Minh huy sư nam hạ, biên giới phía bắc chắc chắn yếu đi. Nên liên hệ với người Mông Cổ tăng cường tiến công. Khi cần thiết, Hải quân có thể chở bọn họ theo đường biển đổ bộ lên Hà Bắc. Chỉ cần bọn họ chiếm được một đoạn Trường Thành, tình hình sẽ có biến chuyển ngay.
Mọi người khen phải. Phương hướng đã định. Việc còn lại là giao cho tham mưu đoàn tính toán.
Chương 66 : VĨNH LẠC ĐẾ QUYẾT ĐỊNH THÂN CHINH
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.516 (Giáp Ngọ, 1414). Cũng tức là Minh triều Vĩnh Lạc năm thứ 12.
Khổng Phu Tử có câu nói : “Hà chính mãnh vu hổ”, nghĩa là chính quyền hà khắc đáng sợ như cọp dữ. Câu nói này rất thích hợp vào giai đoạn đầu này của Minh triều. Từ thời Hồng Vũ đế Chu Nguyên Chương, ‘hà chính’ nào chỉ đáng sợ như cọp dữ. Chu Nguyên Chương là người tàn bạo hiếu sát, liên tục tàn sát công thần, bởi cho công thần là những ‘gai nhọn’ có hại cho sự thống trị của họ Chu, cần phải loại bỏ. Toàn bộ những văn thần võ tướng từng vào sinh ra tử giúp ông ta dựng nên đại nghiệp đều bị sát hại triệt để. Nhiều vụ án lớn như Hồ Duy Dung, 3 vạn người bị sát hại; Lam Ngọc, 2 vạn người bị xử trảm. Sử cũ chép rằng, mỗi sáng trước khi vào triều các quan đều từ biệt vợ con, bởi không biết có còn sống qua ngày hôm đó hay không. Ông ta còn cấm đoán thương nhân, bởi cho rằng thương nhân là hạng người chỉ chuyên bóc lột người khác, dẫn đến thương mại đình đốn, thương nhân không dám làm ăn, các cửa hiệu đều đóng cửa, người dân muốn mua gì cũng không được. Mãi đến lúc xã hội hỗn loạn, ông ta mới rút bỏ lệnh cấm. Ngoài ra, đối phó không nổi hải tặc, ông ta lại ban bố ‘Cấm hải lệnh’, cấm người dân đóng thuyền lớn, cấm ra biển (kể cả đi đánh cá), cấm sinh sống gần biển, những người dân sống gần bờ biển đều bị cưỡng chế di dời vào nội lục. ‘Cấm hải lệnh’ bắt đầu từ Chu Nguyên Chương, tồn tại suốt trong triều đại nhà Minh. Như thế, nào chỉ gọi là ‘hà chính’, thật sự là ‘bạo chính’.
Sự lạc hậu của Trung Hoa so với thế giới cũng bắt đầu từ thời Minh. Trước đó, nền văn minh Trung Hoa luôn dẫn đầu thế giới trong hàng nghìn năm. Các sử gia cho rằng sự lạc hậu này có nhiều nguyên nhân, trong đó có biện pháp thống trị chuyên chế bảo thủ của Chu Nguyên Chương, đặc biệt là thể chế chính trị tập quyền cao độ, quyền lực về kinh tế nằm dưới cực quyền chính trị, mà các chế độ về cửa ải bến sông, chế độ cấm buôn bán trên biển, chế độ hộ làm nghề thủ công, chế độ lưu thông hàng hóa … là nguyên nhân chủ yếu kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Ngoài ra, cách chọn nhân tài bằng lối văn bát cổ (một thể văn dùng trong các kỳ thi thời phong kiến, chỉ chuộng phô trương hình thức, ít chuộng giá trị đích thực của nội dung) và chủ trương văn hóa chuyên chế của Minh triều cũng là nguyên nhân chủ yếu để tạo nên sự đình trệ của xã hội Trung Hoa. Do đó, tuy Chu Nguyên Chương có công lớn đánh đuổi quân Nguyên, nhưng cũng có tội rất lớn đối với đất nước Trung Hoa.
Minh triều chỉ có được mấy năm dùng ‘nhân trị’ dưới thời Kiến Văn đế Chu Doãn Văn. Nhưng những năm này lại là những năm chiến tranh khốc liệt. Cuộc chiến Tĩnh nạn tuy chỉ kéo dài trong 3 năm, mà trước sau đã gây tổn thất gần trăm vạn quân. Lần đầu, triều đình phái lão tướng 65 tuổi Cảnh Bỉnh Văn suất lĩnh 30 vạn Bình Yên đại quân, đại bại ngay đêm Trung Thu. Tiếp đó lại đến phiên Lý Cảnh Long suất lĩnh 50 vạn quân tiếp viện, hợp với tàn quân của Cảnh Bỉnh Văn thành 60 vạn, và bại trận càng thê thảm hơn. Phía Yên quân, số tổn thất không rõ, nhưng cũng có mấy lần thảm bại, đại quân tận thất, chỉ còn Yên Vương Chu Lệ và một số tùy tướng chạy thoát về Bắc Bình. Ba năm chiến tranh, tổn thất gần trăm vạn quân, chưa kể đến bình dân bách tính chết trong chiến loạn hay trở thành lưu dân, chết đói trên đường chạy loạn.
Vĩnh Lạc đế Chu Lệ lên ngôi, tiếp nối sự tàn bạo hiếu sát của cha, sát hại rất nhiều quần thần. Và ông ta còn hơn cả cha mình ở chỗ hưởng thụ, hiếu danh và hiếu chiến. Chu Nguyên Chương còn tương đối tiết kiệm. Chu Lệ xây cung thất, đào Vận Hà, sửa Trường Thành, trưng tập hàng triệu phu dịch (làm không công). Chu Lệ tuyển mỹ nữ khắp thiên hạ (trong và ngoài nước), tận tình hưởng thụ, phung phí tiền tài để chiều ý mỹ nhân. Chu Lệ thường niên phát động chiến tranh, chinh nam phạt bắc, hao binh tốn của vô số. Quốc khố cạn kiệt, triều đình tăng thuế, dân chúng lầm than.
Chu Lệ là một vị hoàng đế cực kỳ hiếu danh, sử Tàu gọi là ‘hảo đại hỉ công’. Chu Lệ cũng là một vị hoàng đế ưa thể diện. Dẹp loạn, chinh chiến và bản thân phô trương lãng phí đã khiến cho quốc khố gần như cạn kiệt. Nhiều năm chiến tranh, các kho lương nhập không đủ xuất, lương thực cạn dần. Lương thiếu tiền thiếu, sự tình tự nhiên trở nên nghiêm trọng. Muốn giải quyết trong thời gian ngắn, chỉ có thể tăng thuế.
Cai trị trong hoàn cảnh đó, Vĩnh Lạc đế Chu Lệ lại không thể nghe được những lời trái tai. Những ai làm hoàng đế phật lòng, đều không có kết cục tốt. Kết quả, bên tai Vĩnh Lạc đế lúc nào cũng chỉ nghe những lời tán tụng anh minh thần vũ, thiên hạ thái bình, Vĩnh Lạc thịnh thế, … Mười mấy năm nhắm mắt bịt tai tự cao tự đại, thình lình đại chiến bộc phát, nam phương tận thất, chỉ trong vòng nửa năm mà một nửa giang sơn Đại Minh đã đổi chủ, Vĩnh Lạc đế không nộ khí xung thiên sao được.
Bắc trực lệ. Bắc Kinh. Dưỡng tâm điện.
Phía trên ngai rồng, Vĩnh Lạc đế Chu Lệ trợn mắt nhìn xuống mấy chục vị quần thần quỳ phục phía dưới.
Rầm.
Một âm thanh chấn động, vang vọng trên điện vốn yên ắng như tờ. Các tấu sớ trên long án bị Vĩnh Lạc đế xua tay, rơi đầy dưới nền điện. Vĩnh Lạc đế cầm lấy chung trà mà cung nữ dâng lên, nhấm nháp một ngụm để giáng hỏa, rồi mới nói :
- Đứng cả dậy đi. Việc đã thế rồi, chư khanh phải nhanh chóng tìm cách giải quyết.
Tuy nhiên không rõ ý tứ của Vĩnh Lạc đế thế nào, như quần thần phía dưới vẫn phải run rẩy đứng lên. Hoàng đế không nổi giận ? Lạ thật đấy ! Mấy chục vị đại thần không ai dám lên tiếng, toàn bộ đều cúi đầu chờ hoàng đế kim khẩu ngọc ngôn.
Hoàng thái tôn Chu Chiêm Cơ xuôi tay đứng hầu phía sau Vĩnh Lạc đế. Chu Chiêm Cơ là con trưởng của Thái tử Giám quốc Chu Cao Thức, rất được Vĩnh Lạc đế yêu quý, đi đâu cũng cho đi theo. Có lần, Vĩnh Lạc đế muốn phế Thái tử, hỏi đại thần về đức hạnh của Thái tử. Vị đại thần đó biết ý của Vĩnh Lạc đế, đã nói một câu : “Hảo hoàng tôn”. Thế là Vĩnh Lạc đế bỏ ý định phế Thái tử, vì muốn vị Hoàng thái tôn yêu quý của mình được kế ngôi.
Vĩnh Lạc đế đột nhiên quay lại hỏi :
- Cơ nhi. Ngươi nói thử xem. Trước tình thế này bản triều phải làm sao ?
Chu Chiêm Cơ giật mình, nhưng nhanh chóng trấn tĩnh, ngẫm nghĩ thật nhanh, rồi bình tĩnh nói :
- Đánh. Tập toàn quốc chi lực, nhất chiến diệt tặc quân, chương hiển Đại Minh thiên oai, an định thiên hạ nhân tâm, trọng chấn quân trung khí thế.
- Ừm.
Vĩnh Lạc đế mặt không đổi sắc, chỉ khẽ ậm ừ một tiếng, rồi quay sang hỏi chúng quần thần :
- Lời của Hoàng thái tôn, chư khanh thấy thế nào ?
Biết không thể chần chờ được nữa, nếu chần chờ có thể dẫn đến long nhan phẫn nộ, Cam Túc quân vụ chưởng sự Dương Vinh xuất ban tâu :
- Khải tấu thánh thượng. Thần nhận thấy lời Hoàng thái tôn rất có lý. Tặc quân phong tỏa Vận Hà, lương thực từ Giang Nam không thể vận chuyển lên phương bắc. Nếu triều đình không sớm khai thông Vận Hà, sớm muộn gì Hà Bắc cũng thiếu lương, tình hình sẽ nghiêm trọng.
Vua quan hay quân dân gì cũng đều không thể không ăn, thiếu lương đương nhiên tình hình sẽ nghiêm trọng, thậm chí sẽ xuất hiện phản loạn. Các cuộc khởi nghĩa nông dân lớn mạnh có khi nào không phải vì đói khổ. Vĩnh Lạc đế lại quay sang nhìn những người khác. Phò mã Quảng Bình hầu Viên Dung xuất ban tâu :
- Khải tấu thánh thượng. Nam Kinh là kinh đô của tiên đế, là bản triều căn cơ, nếu thất thủ, tất quân dân sĩ khí thụ tổn, thỉnh khẩn cấp tăng viện.
Vĩnh Lạc đế cau mày, nói :
- Tặc quân thế mạnh, bản triều còn phải phòng ngự Mông Cổ và Uy Khấu, không đủ binh lực nam hạ, khó a !
Cẩm Y Vệ đô chỉ huy thiêm sự Kỷ Cương xuất ban tâu :
- Khải tấu thánh thượng. Gần đây lưu dân từ Giang Nam chạy lên Giang Bắc ngày càng đông, vô sở xử sự, để lâu tất sinh biến. Triều đình có thể tuyển thanh tráng nhập ngũ, tất sẽ có trăm vạn đại quân.
Vĩnh Lạc đế khen phải, phán :
- Chư khanh hãy chỉnh bị binh mã, lương thực, khí giới, chuẩn bị huy sư nam hạ. Lần này trẫm sẽ thân chinh, suất trăm vạn đại quân bình tặc.
Chúng quần thần tuân chỉ. Bộ máy quân sự của Minh triều lập tức khẩn trương vận chuyển. Lương thực, vũ khí được tập trung về Thông Châu. Ngũ quân đô đốc phủ điều động 60 vạn binh mã tập hợp tổ chức nam chinh đại quân. Cẩm Y Vệ đô chỉ huy thiêm sự Kỷ Cương phụng chiếu đến vùng Giang Bắc trưng tập thanh tráng 40 vạn, sung vào quân đội. Quần thần văn võ cũng chuẩn bị sẵn sàng tùy giá nam chinh.
Chương 67 : MINH TRIỀU BÁCH VẠN ĐẠI QUÂN
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.517 (Ất Mùi, 1415). Cũng tức là Minh triều Vĩnh Lạc năm thứ 13. Mùa xuân, tháng giêng.
Sau mấy tháng chuẩn bị, Minh triều đã tụ tập được 60 vạn đại quân. Các đạo quân từ Cam Túc, Thiểm Tây, Sơn Đông, Hà Nam, Liêu Đông, cùng kéo về hội quân ở Tế Nam (thủ phủ của tỉnh Sơn Đông), chuẩn bị Nam chinh. Cẩm Y Vệ đô chỉ huy thiêm sự Kỷ Cương cũng đã chiêu tập nạn dân được 40 vạn, tập trung ở Tế Nam luyện quân, chờ hội họp với đạo Cấm quân từ Thông Châu xuống.
Ngày 15 tháng giêng, Vĩnh Lạc đế tế cáo thiên địa, xa giá rời thành Bắc Kinh, ngự giá thân chinh. Đạo Cấm quân hộ giá đến Thông Châu, hội họp cùng đạo quân từ Sơn Tây vừa vượt Thái Hành Sơn sang, sau đó cùng vượt Hoàng Hà tiến về Tế Nam.
Ngày 8 tháng 2, các đạo quân hội nhau ở Tế Nam. Vĩnh Lạc đế tổ chức duyệt binh, chính thức truyền hịch nam chinh. Trăm vạn đại quân đóng trại bên ngoài thành, doanh trại dài trên trăm dặm (dặm Tàu), khắp nơi đều thấy toàn người là người. Vĩnh Lạc đế thấy trong tay mình có đến trăm vạn đại quân, ý khí phong phát, cuồng ngạo tuyên bố :
- Phen này trẫm thân chinh, quyết tận diệt loài nghịch lỗ.
Sau đó, Cam Túc quân vụ chưởng sự Dương Vinh lĩnh ấn tiên phong, suất lĩnh 30 vạn đại quân đi trước mở đường. Đạo trung quân do Vĩnh Lạc đế thân tự suất lĩnh, rầm rộ kéo về phương nam. Quân đi trải dài hàng trăm dặm. Trăm vạn đại quân khí thế ngút trời, ‘thiên hạ’ (theo khái niệm của Minh triều) chấn động.
Tin truyền về phương nam. Bắc Dương Hạm đội Đại đô đốc Mã Tân triệu tập đại bộ phận hạm thuyền về phòng ngự suốt dọc tuyến hạ lưu Trường Giang. Ngoài ra, Trấn Bắc tướng quân Phạm Thế Căng thân suất lĩnh đạo quân Định Hải được một phân hạm đội của Bắc Dương Hạm đội chở lên phía bắc.
Cuối tháng 2, đạo tiên phong của quân Minh tiến đến phía bắc Hoài Thủy. Tại đây, đường lộ bị phá hủy nghiêm trọng, quân Minh buộc phải tạm dừng lại, lo việc mở đường.
Ở đấy lại có một trại thủy quân bên bờ sông, trước đây có một đội thủy quân của Minh triều trú đóng, sau đó bị các chiến hạm của Bắc Dương Hạm đội tiêu diệt, chiếm giữ. Giờ đây, thấy quân Minh người đông thế mạnh, các chiến hạm của Bắc Dương Hạm đội tạm rời khỏi đấy, rút về phương nam. Chiếm lại được trại thủy quân, có sẵn cơ sở ở đấy, Dương Vinh liền cho đóng đại bản doanh ngay trong trại thủy quân, còn đạo quân tiên phong thì đóng doanh trại quanh đó. Quân Minh ban ngày đi mở đường, ban đêm trở về nghỉ ngơi ở đó.
Bấy giờ, vào đêm cuối tháng, trời đêm u ám không trăng. Một đội hạm thuyền của Bắc Dương Hạm đội lại tiến về phía thủy trại. Thuyền đi trên mặt nước, lấp loáng dưới ánh sao trời, mấy rặng u uất bóng cây xanh, một dải mênh mông màu lụa trắng, bốn bề lặng ngắt, thuyền lướt băng băng.
Khi đến canh tư, gần đến doanh trại quân Minh, cách khoảng 5 dặm mặt sông, đội hạm thuyền gặp phải 10 chiếc thuyền tuần tra của giặc. Thuyền giặc rất nhỏ, mỗi chiếc thuyền chỉ chở được ước chừng 10 người. Đó là những thuyền nhỏ của dân trong vùng vừa bị quân Minh trưng dụng. Hoàng Nghĩa Hiền, viên tướng thống lĩnh đội chiến hạm của Bắc Dương Hạm đội lập tức truyền lệnh vây đánh, tiêu diệt được 8 chiếc, còn lại 2 chiếc đi sau cùng, nhanh tay chèo mà chạy thoát về thủy trại phi báo. Hoàng Nghĩa Hiền thúc đội chiến thuyền đuổi theo đến sát thủy trại.
Gần đến nơi, các chiến hạm dàn hàng, các khẩu thần công đều hướng về phía thủy trại. Một tiếng lệnh truyền, hơn trăm khẩu thần công đồng loạt khai hỏa, nã pháo về phía thủy trại. Liền đó, trong khi xạ thủ tiếp tục nạp đạn pháo thì chiến thuyền đã tiếp tục tiến sát đến mục tiêu hơn. Rồi sau đó các khẩu thần công lại tiếp tục nã đạn vào thủy trại, khiến cả khu vực thủy trại khói lửa mịt trời, tiếng rên la kêu gào dậy đất. Trước khi rút đi, quân đội Đế quốc đã chuẩn bị sẵn rất nhiều vật dễ cháy, để lại trong thủy trại và các khu vực quanh đó, lại còn rắc lên đó hỏa dược. Vì vậy mà khi bị dẫn hỏa, cả khu vực đột nhiên biến thành biển lửa. Quân Minh đang giấc ngủ mê, choàng thức giấc, kinh hồn thất vía, xô xát dẫm đạp nhau, kẻ thì chạy lên bờ, kẻ thì nhảy xuống sông, ai nấy đều chỉ cố tìm đường thoát thân, không ai có lòng dạ kháng cự.
Tiếp đó, các doanh trại của quân Minh đóng quanh đó cũng bị mấy đội đặc chủng binh của quân đội Thần Thánh Đế quốc xâm nhập phóng hỏa. Quân Minh ban ngày làm việc mệt nhọc, lúc này đang còn chìm đắm trong giấc mộng hương, đột nhiên cảm giác bốn bề nóng bức, rồi nghe tiếng báo động vang trời, bật ngồi dậy chạy ra khỏi trướng bồng thì đã thấy hỏa quang tràn ngập, liệt diệm xung thiên. Những kẻ ngủ mê, khi ngọn lửa ập đến, không chạy kịp, mang nhiên hốt hoảng giữa vùng lửa dữ. Những kẻ thật thà chậm chạp thì cố lo cứu hỏa. Những kẻ linh mẫn nhanh nhạy hơn thì đã đoán biết sự tình không hay.
Giữa cảnh hỗn loạn đó, thế lửa mỗi lúc một thêm dữ dội. Nguyên bản doanh trại, trướng bồng của quân Minh đều làm bằng gỗ, vải, lại thêm dưới đất ngập đầy lá cây, cỏ dại, và còn được rắc thêm hỏa dược từ trước, hiện tại lại bị đổ thêm dầu lên nữa. Ngọn lửa đã bốc lên ngùn ngụt, lan ra nhanh chóng, sức người làm sao cứu nổi. Chẳng bao lâu sau, ngọn lửa từ các điểm nhỏ ban đầu đã lan tràn ra khắp doanh trại. Số quân Minh lo cứu hỏa cũng đã bỏ dỡ hành động vô ích đó, bắt đầu tìm đường thoát thân. Thế nhưng, bốn phía đều là ngọn lửa, chạy đi đâu bây giờ.
Đêm hôm đó, ngay bờ sông, lửa cháy rực trời, pháo nổ vang dội. Dương Vinh ở trong thủy trại, nghe báo động, vội ra ngoài chỉ huy quân Minh ứng chiến. Có điều, đến lúc này bọn họ mới phát hiện nơi duy nhất không có lửa chính là cổng của thủy trại. Dương Vinh vốn là văn quan, tuy cũng có ít nhiều mưu lược, nhưng không có kinh nghiệm cầm quân tác chiến, lúc này liên hệ với quân Minh ở các doanh trại xung quanh lại bị cắt đứt, nên cũng không biết phải làm sao, chỉ đành cùng các tùy tướng và thân binh chạy vội ra hướng cổng thủy trại để tìm lối đào sinh.
Nào ngờ lúc này 2 đạo Thần Uy và Thần Vũ lại kéo đến, chia ra truy sát những kẻ may mắn thoát ra được từ các doanh trại của quân Minh quanh đó, đồng thời phân ra một sư án ngữ trước cổng thủy trại, chặn đứng hy vọng thoát thân của bọn Dương Vinh.
Tại khu vực chật hẹp nơi cổng thủy trại, số quân Minh muốn tìm lối thoát thân mạnh ai nấy chạy, bị dồn lại tại đó, khó thể qua được. Không chỉ có thế, trong bóng đêm ở phía xa xa lại còn có cung tên bắn tới không ngừng. Cứ 10 người thì chưa chắc đào thoát được 1, 2. Đó là chưa kể đến việc chạy thoát được ra bên ngoài sẽ còn bị đối phương truy sát.
Doanh trại quân Minh lúc này đây giống như một đống lửa khổng lồ đang bừng bừng cháy, làm cho bóng đêm tăm tối thêm phần sáng lạn. Quân đội của Thần Thánh Đế quốc ẩn náu trong bóng tối, liên tục bắn tên, trong lòng đều có cảm giác : “Sướng làm sao ! Ban đêm bắn tên mà còn có người chiếu sáng cho nữa, khiến chúng ta không đến nỗi vì không nhìn thấy đối phương mà bắn trật. Thật là sướng nha !”.
Quân đội của Thần Thánh Đế quốc thì sướng rồi, chỉ có quân Minh là chịu không nổi, kêu khóc inh ỏi, tiếng gào khóc rên la liên miên bất tuyệt, càng nghe càng cảm thấy thê lương.
Giữa cảnh hỗn loạn đó, đột nhiên trong đám quân Minh có kẻ hô lớn :
- Tránh ra. Tránh ra. Dương đại nhân đến rồi.
- Dương đại nhân đến. Tránh đường. Tránh đường.
Trong đám quân Minh đột nhiên phân ra một khoảng trống, để Dương Vinh cùng các tùy tướng và chúng thân binh xuất trại phá vây. Dương Vinh vốn nghỉ ngơi trong thủy trại, bị cảnh hỗn loạn làm cho tỉnh giấc, sau khi tổ chức thủ hạ cứu hỏa không thành, liền biết đại thế đã mất, lại nghe nói cổng thủy trại đã bị quân địch ngăn chặn, đành suất lĩnh tàn binh chạy ra, quyết tâm liều mạng phá vòng vây. Mấy vạn quân Minh trú đóng bên trong thủy trại đều muốn thông qua cổng thủy trại mà thoát thân, chen chúc nhau ở đó. Bọn Dương Vinh không thể qua được, vô kế khả thi, chỉ đành sai thân binh trảm sát những kẻ cản đường. Bọn thân binh vừa chém giết vừa lớn tiếng hô hoán, do đó mới mở ra được một khoảng trống.
Dương Vinh được bọn thân binh hộ tống đến cổng thủy trại, nhìn thấy số quân Minh chạy trốn ra bên ngoài đều lần lượt gục ngã dưới làn mưa tên dày đặc, bất đắc dĩ phải lớn tiếng quát :
- Đừng chạy loạn lên. Nghe lệnh của ta.
Dương Vinh tuy quát như thế, nhưng trong lòng thì vạn phần lo lắng. Lúc này đại thế đã mất, bốn bề đều là biển lửa, nếu không bỏ chạy thì chỉ có thể bị ngọn lửa thiêu chết mà thôi. Mặc dù Dương Vinh chẳng có chủ ý gì, nhưng tiếp theo tiếng quát vừa rồi, số tàn quân hoảng loạn chạy trốn cũng giảm dần, và dần dần tập hợp lại xung quanh bọn Dương Vinh, chờ chủ tướng tổ chức phá vây.
Chương 68 : QUÂN MINH THỌ HẠI
Lại nói, khi Dương Vinh chạy ra được đến cổng thủy trại, thu góp tàn quân tập họp quanh mình, lo tổ chức phá vây. Quân Minh không hoảng loạn đào thoát nữa, mà dần dần tụ tập lại xung quanh bọn Dương Vinh. Cũng cùng lúc này, ở phía đối diện, số lượng tên bắn ra cũng giảm dần.
Dương Vinh mặc dù nỗ lực tưởng nhìn xem đối phương thật ra có đến bao nhiêu nhân mã. Thế nhưng lúc này y đang ở chỗ sáng, còn đối phương ở chỗ tối cách đó cả trăm mét, dù cho y có cố gắng thế nào đi nữa thì cũng chỉ có thể nhìn thấy ở phía xa xa mờ mờ ảo ảo có vô số bóng dáng địch quân, nhưng thật ra có bao nhiêu thì y không thể nhìn rõ được.
Dưới sự oai hiếp của cung tên, trong lúc không biết rõ phía đối phương tình hình thế nào, Dương Vinh bắt đầu do dự, không dám mạo muội dẫn đầu binh sĩ xông ra. Đừng nói lúc này quân Minh đa số y phục không tề chỉnh, kể cả các tướng lĩnh nhiều người cũng không có đủ giáp trụ, hơn nữa sĩ binh đều mong muốn trốn chạy, chẳng hề có ý chí chiến đấu, dù có thế nào cũng khó thể chống đỡ nổi làn mưa tên dày đặc của đối phương. Nghĩ đến chỗ này, Dương Vinh không khỏi tức giận, lớn tiếng mắng chửi :
- Con rùa rút đầu ở đằng kia ! Các ngươi là sơn tinh thủy quái ở đâu ? Không dám cùng chúng ta chính diện chiến đấu, lại nhắm lúc chúng ta đang ngủ, mò đến đây phóng hỏa ! Như thế sao có thể gọi là anh hùng hảo hán ? Các ngươi có dám cùng chúng ta chiến đấu trăm hiệp ? Nếu như chúng ta thắng, các ngươi hãy mau nhường đường. Nếu như chúng ta bại, thì có chết cũng tâm phục khẩu phục. Xuống đến âm phủ, chúng ta cũng sẽ gọi các ngươi một tiếng hảo hán ! Còn nếu không, dù hôm nay chúng ta có chết ở đây, chắc chắn sẽ biến thành quỷ hồn, thống lĩnh chúng huynh đệ tìm các ngươi báo thù ! Bọn tiểu quỷ ở đối diện kia ! Các ngươi có dám cùng chúng ta quyết một trận tử chiến ? Các ngươi có ai dám không ?
Bọn quân Minh quanh đó cũng đồng thanh hô lớn :
- Các ngươi có ai dám không ?
Phía đối diện chợt có những tiếng cười rộ, rồi có người lớn tiếng đáp lại :
- Các ngươi hồ đồ mất rồi. Chúng ta là người của Thần Thánh Đế quốc, đương nhiên không phải người hán, làm sao có thể trở thành hảo hán được. Hắc hắc. Lão hồ đồ kia ! Mau chịu chết đi thôi.
Tiếp đó, có tiếng đại pháo gầm lên, rồi một loạt thần công rải xuống đầu quân Minh, khiến xương tan thịt nát tung tóe khắp nơi. Quân Minh hoảng loạn không dám tụ tập lại một chỗ nữa mà tứ tản bôn đào. Có điều khi bọn họ chạy ra ngoài thì lại có một làn mưa tên dày đặc ập đến, kết liễu vô số người. Quân Minh trong lúc hỗn loạn, chết hại rất nhiều.
Cuộc chém giết mãi đến khi mặt trời lên cao rồi mới kết thúc. Trận này, quân Minh tử thương vô số, mười phần không chạy thoát được một. Cả 30 vạn tiên phong quân, số chạy thoát được chỉ hơn vạn người. Thi thể nằm la liệt khắp nơi. Có thi thể bị ngọn lửa đốt cháy thành than, nhưng cũng có thi thể bị cung tên bắn chết. Quân đội Thần Thánh Đế quốc xử lý chiến trường bằng cách mang những thi thể nào chưa bị đốt cháy quẳng xuống ao hồ, giếng nước gần đó, hoặc ném vào rừng rậm, đồi núi cho phơi thây ngoài sương gió. Không chỉ có thế, khi đại quân đã rút lui rồi, một số người ở lại còn lấy ra mấy ống trúc có chứa các mẫu dịch bệnh (tác phẩm của Thạch Lang Pháp sư ở Thái Học Viện), mang rải xuống các chỗ ném thi thể khi nãy, để thúc đẩy dịch bệnh phát sinh. Bọn họ hy vọng mấy chục vạn thi thể ở đây sẽ tạo ra một trận dịch bệnh khủng khiếp.
Tin truyền về phương bắc. Nghe báo 30 vạn quân tiên phong mất cả, Vĩnh Lạc đế long nhan đại nộ, vỗ án mắng rằng :
- Họ Dương kia. Trẫm tưởng ngươi có tài cán, phong cho quan chức, sai thống lĩnh 30 vạn tiên phong quân. Nào ngờ ngươi bất tài như thế, 30 vạn đại quân chỉ một đêm là mất sạch. Thật nhục quốc thể mà !
Thế rồi Vĩnh Lạc đế sai truyền chỉ kết tội Dương Vinh, phạt toàn gia nam thì sung quân ở bắc biên, vĩnh viễn không được về phương nam, nữ thì sung làm nô tỳ, hầu hạ ở các nơi công quán. Tiếp đó, Vĩnh Lạc đế lại thúc đại quân tiến nhanh hơn, lại sai Cẩm Y Vệ đô chỉ huy thiêm sự Kỷ Cương đi chiêu mộ thêm 30 vạn quân nữa để bổ sung vào số vừa tử trận.
Quân Minh lại rầm rộ kéo đến vùng Hoài Bắc, đến chỗ chiến trường mấy hôm trước thì buộc phải dừng lại, vì đường chưa mở xong. Vĩnh Lạc đế cho tập hợp các văn võ đại thần đến bàn bạc. Phò mã Quảng Bình hầu Viên Dung tâu :
- Thánh thượng. Chúng ta nên sai quân dọn dẹp các chỗ doanh trại cũ, dựng lên tân doanh trại mà trú đóng ở đó. Tặc quân vừa mới phóng hỏa xong. Những gì có thể cháy được thì đều đã cháy hết rồi. Chúng ta đóng quân ở đó, sẽ không sợ hỏa công nữa. Còn nếu như tặc quân có gian kế gì khác, chỉ cần chúng ta canh phòng nghiêm ngặt thì dù tặc quân có gian kế cũng không có cơ hội thực hiện.
Vĩnh Lạc đế khen phải, sai y kế thi hành. Cả 70 vạn đại quân đồng loạt khai công, tiến độ rất nhanh, chẳng bao lâu là một tòa doanh trại lớn hơn trước gấp mấy lần đã được dựng lên. Sau đó, Vĩnh Lạc đế cắt ra 20 vạn quân luân lưu tuần phòng, đề phòng địch quân tập kích. Còn lại 50 vạn thì lo việc mở đường.
Hơn nửa tháng trôi qua, đường đi đã mở được mấy chục dặm. Kỷ Cương cũng đã chiêu mộ được 30 vạn tân binh, đưa đến đấy. Vĩnh Lạc đế lại cắt ra 30 vạn quân (với một nửa là tân binh) làm đạo tiên phong, sai Viên Dung làm thống soái, đi trước mở đường. Đại quân tạm nghỉ ngơi lại đấy, chờ sĩ khí khôi phục rồi mới tiến quân. Sau trận thảm bại của tiên phong quân vừa rồi, sĩ khí của quân Minh đã suy giảm rất nghiêm trọng. Hơn nữa, tiến quân vài chục dặm rồi lại phải lập lên doanh trại mới thì rất tốn công tốn sức. Thà rằng chờ đến khi đường lộ mở thông rồi thì tiến quân luôn thể. Trong thời gian đó, Vĩnh Lạc đế giao việc giám sát quan quân cho Kỷ Cương cùng chúng Cẩm Y Vệ, rồi cùng các ái phi và cung nhân ‘điên loan đảo phụng’ bên trong long trướng.
Lúc này đây, quân Minh lại khôi phục trăm vạn đại quân như lúc đầu, nhưng khí thế không còn như trước nữa. Vả lại, trăm vạn đại quân này chất lượng không đảm bảo, bởi vì trong đó có đến 70 vạn tân binh (với 40 vạn chỉ mới huấn luyện được 1 tháng, và 30 vạn hoàn toàn chưa được huấn luyện, chỉ có thể xem là phu dịch). Sau trận hỏa công khi trước, 30 vạn quân tinh nhuệ của đạo tiên phong đã hiến thân trong biển lửa.
Mấy ngày sau, Viên Dung sai người về báo đường đã sắp thông, tối đa 10 ngày nữa là xong. Vĩnh Lạc đế liền triệu văn võ đại thần nhóm họp nghị sự, bàn việc tiến quân. Thế nhưng, chờ cả nửa canh giờ mà chỉ thấy quần thần đến được có mấy người. Vĩnh Lạc đế long nhan đại nộ, vỗ án quát mắng :
- Trẫm tuyên triệu mà dám không đến, thật là không xem trẫm ra gì mà. Người đâu ! Lập tức tuyên triệu lần nữa, nếu như lại không đến, xử trảm !
Thánh chỉ ban ra, nhưng còn chưa kịp truyền đi thì lần lượt có người đến bẩm báo :
- Khải tấu thánh thượng. Vương tướng quân thọ trọng bệnh, hiện tại không thể ngồi dậy nổi.
- Khải tấu thánh thượng. Chu thị lang thọ trọng bệnh, hôn mê bất tỉnh.
- Khải tấu thánh thượng. Khâu tướng quân thọ trọng bệnh.
- Khải tấu thánh thương. Hoàng thượng thư trúng phải thương hàn, tay chân vô lực, thọ bệnh trên giường.
…
Hàng loạt tin báo khiến Vĩnh Lạc đế kinh nghi bất định. Hóa ra văn võ đại thần đa số đều thọ trọng bệnh. Có người bảo là thương hàn, có người cho là trúng phải tà khí. Hầu như những người thọ bệnh đều mắt mờ chóng mặt, tay chân vô lực, thân thể thì lúc nóng lúc lạnh, nhiều chỗ đau đớn nhức nhối. Nhưng làm sao mà cả bọn lại thọ bệnh cùng lúc như thế chứ. Xem ra có phần cổ quái. Vĩnh Lạc đế lập tức truyền chỉ cho Kỷ Cương thống suất Cẩm Y Vệ đi tra xét.
Chỉ hơn canh giờ sau, Kỷ Cương vào bẩm báo :
- Khải tấu thánh thượng. Không chỉ các vị đại nhân thọ trọng bệnh. Kể cả binh sĩ cũng đều thọ bệnh khoảng 8 phần. Hiện chỉ còn lại khoảng 15 vạn binh sĩ là còn khỏe mạnh.
Vĩnh Lạc đế và chúng quần thần (những người còn sót lại) đều thất kinh, biết ngay đại sự không hay. Mọi người bàn luận phân vân, đều biết là đã trúng phải âm mưu quỷ kế của tặc quân, nhưng không ai biết được nguyên nhân, nên cũng không thể đề ra được cách đối phó. Cuối cùng, Vĩnh Lạc đế chỉ còn cách truyền chỉ cho Kỷ Cương khẩn trương điều tra nguyên nhân khiến mấy chục vạn đại quân đồng loạt thọ bệnh.
Chương 69 : ÔN DỊCH
Lại nói, khi biết tin đại bộ phận quan quân đều thọ trọng bệnh, Vĩnh Lạc đế và quần thần đều biết là đã trúng phải âm mưu quỷ kế của đối phương. Nhưng vì không tìm được nguyên nhân nên không ai có thể đề ra được cách đối phó. Cuối cùng, Vĩnh Lạc đế chỉ còn cách truyền chỉ cho Kỷ Cương khẩn trương điều tra nguyên nhân khiến cho mấy chục vạn đại quân đồng loạt thọ bệnh.
Chưa điều tra thì không sao ! Đến khi điều tra thì mới thấy kinh sợ. Xung quanh khu vực doanh trại, trong các khu rừng, bụi rậm có vô số thi thể thối rữa. Dưới các ao hồ, giếng nước quanh đó cũng vậy. Tin tức vừa hồi báo, các thái y đã nhất trí khẳng định : ôn dịch. Thời cổ đại, các mùa xuân hạ trong dân gian thường xuất hiện ôn dịch. Quan điểm của người Trung Hoa xem ôn dịch là độc khí, mà theo họ, chỉ cần ‘chính khí tồn nội’ thì có thể ‘tị kì độc khí’. Do đó dân gian mỗi khi phát sinh đại quy mô ôn dịch, mọi người thường không nghĩ đến tìm đại phu chữa bệnh, mà là tìm đạo sĩ làm phép trừ tà. Thật ra thì có tìm đại phu cũng chẳng mấy hữu ích. Cách chữa bệnh của người Tàu là ‘vọng, văn, vấn, thuyết’, gọi là ‘tứ chẩn’. Sau khi bắt mạch xem bệnh xong rồi thì mới bốc thuốc, sắc thuốc cho bệnh nhân uống. Quy trình chữa bệnh tốn rất nhiều thời gian. Mà thuốc cũng không hề rẻ. Do đó người nghèo thường không có tiền chữa bệnh. Đặc biệt đối với ôn dịch, thường thì chỉ một người mắc bệnh, chẳng bao lâu sau cả làng chết sạch. Những chuyện như thế là rất phổ biến.
Vào giai đoạn này, hễ nơi nào phát sinh ôn dịch là nơi đó trở nên hoang tàn. Y học chưa đủ phát triển để chống lại ôn dịch. Đối với người hiện đại, có lẽ ít có ấn tượng về ôn dịch. Nhưng trong khoảng thế kỷ 14 đến thế kỷ 17, ôn dịch đồng nghĩa với thần chết, hậu quả rất khủng khiếp. Khoảng giữa thế kỷ 14, một trận đại dịch đã tràn qua châu Âu, châu Á, Bắc Phi, gây nên hậu quả rất kinh hoàng, con người gọi là ‘Cái chết đen’ (Black Death). Con số người thiệt mạng do đại dịch ‘Cái chết đen’ thay đổi liên tục theo kết quả các cuộc nghiên cứu. Theo chuyên gia về lịch sử Trung Cổ Philip Daileader thì kết quả các cuộc nghiên cứu cho thấy có chừng 45% tới 50% dân số châu Âu chết trong vòng chỉ bốn năm (từ 1346 đến 1350), các quốc gia ở khu vực Địa Trung Hải như miền Nam nước Pháp, Tây Ban Nha, tỷ lệ dân số tử vong có lẽ lên tới 75% đến 80%; trong khi ở các nước phía Bắc như Đức hay Anh, con số này dừng lại ở khoảng 20%. Tại khu vực Trung Đông gồm Iraq, Iran và Syria, số người chết trong giai đoạn trung kỳ Hồi giáo là vào khoảng một phần ba dân số. Ước khoảng 40% dân số Ai Cập đã chết trong lần đại dịch này. Người ta cho rằng cứ sau vài thế hệ dân số thì ôn dịch lại quay trở lại với mức độ hủy diệt khác nhau cho tới tận thế kỷ 17. Tổng cộng trong giai đoạn này đã có trên 100 đại dịch quét qua châu Âu. Ở Trung Hoa cũng không tránh khỏi. Ước tính nạn ôn dịch trong thế kỷ 14 đã cướp đi mạng sống của ít nhất một phần ba dân số Trung Hoa.
Tóm lại, thời bấy giờ, ôn dịch rất khủng khiếp. Người dân xem ôn dịch là thiên tai, nhân lực không thể kháng cự, chỉ có thể chịu đựng chờ chết, hoặc cầu trời đất thánh thần phù trợ tai qua nạn khỏi.
Mặc dù Vĩnh Lạc đế và quần thần đã cố gắng hết sức, thế nhưng số quân Minh ngã bệnh càng lúc càng đông, và số người chết càng lúc càng nhiều. Chúng thái y, đại phu dù rất cố gắng, nhưng nhân số có hạn, chỉ có thể cứu chữa cho các trọng thần, còn mấy chục vạn quan quân thì đành chịu. Đến khi số người chưa mắc bệnh chỉ còn lại hơn 10 vạn, Vĩnh Lạc đế đành suất lĩnh tàn quân tạm rút về Tế Nam tị nạn. Dù không cam lòng, nhưng Vĩnh Lạc đế cũng không dám ở lâu tại ổ ôn dịch kia.
Lúc xuất chinh hùng hùng hổ hổ, trăm vạn đại quân trải dài mấy trăm dặm, sĩ khí ngút trời; vậy mà chỉ mới chưa đầy 2 tháng, Vĩnh Lạc đế đã phải dẫn tàn quân hơn 10 vạn chạy về Tế Nam. Thật không cam lòng nha. Vĩnh Lạc đế long nhan đại nộ, chỉ tay về phương nam, lớn tiếng quát mắng :
- Nghịch lỗ vô sỉ ! Trẫm cùng các ngươi không đội chung trời !
Cùng lúc đó, tin tức không cánh mà bay, chẳng bao lâu đã lan truyền khắp chốn Trung Nguyên, sau đó cả vùng thảo nguyên, Đại Mạc, Tây Vực, Cao Ly, Đông Doanh, cho đến nam phương các xứ thảy đều thông hiểu. Minh triều cho đến lúc này đã hao tổn gần 90 vạn đại quân, và còn 30 vạn tân tiên phong quân ở mạn Dương Châu, mọi người cũng đều cho rằng ít có hy vọng bình yên đào thoát. Hoài Bắc chiến dịch, thiên hạ chấn động. Đại Minh quốc thống lung lay.
Nói về đạo tân tiên phong quân gồm 30 vạn người, do Phò mã Quảng Bình hầu Viên Dung thống lĩnh, đã mở đường đến tận khu vực Dương Châu. Khi tin tức về thảm họa ở Hoài Bắc truyền đến, lòng quân chấn động. Chúng tướng và binh sĩ đều có lòng rút về. Viên Dung cũng không phải là danh tướng, thấy tình thế như vậy, vô kế khả thi, cũng đành thuận theo ý kiến chúng tướng mà rút về phương bắc. Có điều cả bọn không dám về bằng đường cũ, bởi không ai dám đi qua vùng ôn dịch, nơi đã giết chết 60 vạn đại quân, nên đi vòng về phía đông, men theo vùng Quảng Lăng, đi song song theo bờ biển mà về hướng Từ Châu.
Hôm đó, đại quân đi qua một vùng rừng rậm. Hai bên đường đều mọc đầy cây cối rậm rạp. Quân Minh mải đi, trong lòng lo rầu, sợ địch quân đuổi theo, nên chỉ cắm cúi bước nhanh, không ai để ý dưới chân đất đá rất khác thường : đều có màu đen bóng.
Quân Minh mải hành quân, đột nhiên nghe thấy từ phía sau có tiếng quân reo dậy đất, biết là địch quân đã sắp đuổi đến nơi, đều hoảng loạn tháo chạy về phía trước. Quân Minh trở nên hỗn loạn, không còn đội ngũ gì nữa. Viên Dung và chúng tướng cố gắng lập lại trật tự, nhưng đều vô ích. Quân sĩ mạnh ai nấy chạy, hiệu lệnh truyền xuống chẳng ai nghe theo. Thậm chí có rất nhiều tướng lĩnh cấp thấp cũng đã chạy theo quân sĩ. Đối với mọi người lúc này, tính mạng quan trọng hơn cả. Trước tiên phải lo đào mạng, mọi chuyện tính sau.
Đột nhiên, bốn phía có những tiếng nổ vang. Tiếp đó, từ cả bốn phía hỏa quang xung thiên, liệt diễm hung hãn. Chỉ trong chốc lát, bốn phương tám hướng đều là lửa đỏ. Càng khủng khiếp hơn khi quân Minh phát hiện đất đá dưới chân cũng bốc lửa, bùng cháy dữ dội. Bọn họ không biết rằng khi phát hiện bọn họ rút lui theo đường này, Bắc Dương Hạm đội Đại đô đốc Mã Tân đã cho hạm thuyền vận chuyển rất nhiều than đá đến đây, rải đầy mặt đất. Mà than đá khi đã bốc cháy, hỏa thế rất dữ dội, nhiệt độ cũng rất cao. ‘Đất đá’ cháy, cây cỏ cháy. Cả khu vực nhanh chóng biến thành biển lửa. Ngọn lửa ở đây cháy đến 2 ngày 2 đêm mới tắt.
Trận này, 30 vạn tân tiên phong quân toàn diệt. Trước sau, chỉ trong hơn 2 tháng, đã có 120 vạn quân Minh tử trận, văn thần võ tướng tử vong vô số. Minh triều quốc lực đại tổn, quốc thế đại giảm, quốc thống ngửa nghiêng.
Giải quyết xong quân Minh từ phương bắc kéo xuống, chiến quả huy hoàng, các tướng lĩnh của đạo quân bắc phạt lại nhóm họp ở Sùng Minh đảo, Trường Hưng Thành để cùng bàn bạc chiến sự. Phạm Thế Căng đã suất quân tiến về phương bắc, giờ chỉ còn lại Triệu Phong, Lý Ngân, Mã Tân và Đinh An Bình. Sau khi tổng kết tình hình chiến sự, Đinh An Bình nói :
- Sau khi thiệt hại 120 vạn quân binh, Minh triều đã không còn năng lực phát động chiến tranh nữa rồi.
Triệu Phong nói :
- Đừng nói là phát động chiến tranh, bọn họ còn có thể tự bảo được nữa không cũng là vấn đề.
Lý Ngân nói :
- Có lẽ cũng đã đến lúc giải quyết Kim Lăng Thành rồi.
Đinh An Bình gật đầu nói :
- Đúng thế. Sau khi giải quyết xong Kim Lăng Thành, chúng ta có thể lấy Trường Giang làm biên giới, lấy vùng Giang Bắc – Hoài Nam làm vùng đệm, tiến hành ‘tam quang chính sách’.
Chiến lược đã định, các đạo quân bắc phạt của Thần Thánh Đế quốc bắt đầu tập trung về xung quanh Kim Lăng Thành. Bọn Đinh An Bình huy động đến 10 đạo quân, 30 vạn quân để tấn công Kim Lăng Thành lúc này còn lại chưa đến 10 vạn quân. Tỷ lệ công : thủ là 3 : 1, thật ra nếu bình thường thì cũng chưa đủ đảm bảo để có thể công chiếm thành công. Nhưng lúc này là lúc phi thường. Thành Kim Lăng đã bị bao vây gần được một năm, trong thành lương thực thiếu thốn, lại thêm ngày ngày đều bị thần công đại pháo nã đạn vào, khiến cho quân dân trong thành cả sức lực và tinh thần đều suy sụp nghiêm trọng. Lại thêm tin tức 120 vạn đại quân bị tiêu diệt, Vĩnh Lạc đế dẫn 10 vạn tàn quân tháo chạy về Tế Nam, khiến cho quân Minh trong thành sĩ khí mất hết, và dân chúng thì bắt đầu có ý nghĩ cải triều hoán đại. Tóm lại, tất cả quân dân đều nhìn thấy tương lai của Minh triều đang dần trở nên mờ mịt.
Chương 70 : KIM LĂNG THẤT THỦ
Kim Lăng Thành.
Thần Thánh Đế quốc tập trung 30 vạn quân chuẩn bị công chiếm Kim Lăng Thành. Sau khi bị bao vây gần 1 năm, quân dân trong thành cả tinh lực và sức lực đều suy sụp nghiêm trọng. Một bầu không khí bi quan bao trùm từ Hoàng cung cho đến các phố phường.
Ngày 25 tháng 3, Triệu Phong đích thân chỉ huy việc công thành, 30 vạn đại quân chia thành 3 đạo, dàn ra trước các cửa đông, nam và tây, chỉ để lại cửa bắc. Đó là chiến thuật ‘vây tam khuyết nhất’ rất quen thuộc. Ở mỗi cửa thành có 10 vạn quân, 2.000 khẩu thần công (mỗi sư 1 vạn người thì có 200 khẩu thần công cỡ nhỏ, có bánh xe để kéo đi) đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ còn chờ lệnh công thành.
Đầu giờ Mão, Triệu Phong truyền lệnh công thành. Cả 6.000 khẩu thần công đồng loạt khai hỏa. Ánh lửa đạn rực hồng cả nửa bầu trời. Tiếng pháo nổ vang trời uy hiếp tinh thần của quân dân trong thành. Một phần ba số thần công sử dụng đạn sắt đặc nhắm bắn vào cổng thành, trong khi đó hai phần ba còn lại sử dụng khai hoa đạn rải lên đầu quân dân bên trong. Khu vực từ tường thành kéo dài vào bên trong hơn trăm bước bị biến thành khu vực tử vong. Không có một sinh vật nào có thể sống sót ở đấy.
Chỉ sau 6 loạt đạn, cổng thành đã bị phá. Các khẩu thần công được đẩy lên phía trước, rải đạn mở đường tiến quân. Các đạo quân cũng lần lượt tiến vào trong thành. Quan quân vừa tiến vào thành vừa hô lớn :
- Đầu hàng khỏi chết, kháng cự diệt môn.
Đương nhiên là hô bằng tiếng Hán. Trong thời gian vây thành, bọn Triệu Phong cho quân sĩ học thuộc câu này, và nay đã có cơ hội mang ra sử dụng. Quan quân tiến vào thành tương đối thuận lợi. Phần lớn quân Minh không có lòng nào kháng cự mà đua nhau chạy ra cửa bắc tìm đường đào tẩu. Rất nhiều phú hộ trong thành cũng dắt nhau tháo chạy. Bọn họ đã sớm biết rằng quân đội Thần Thánh Đế quốc chỉ tha cho dân nghèo. Còn phú hộ với quan lại đều bị tịch thu toàn bộ tài sản. Có lý do hẳn hoi ! Quan lại làm việc cho Minh triều, là kẻ địch, cần nghiêm trị; phú hộ đều ít nhiều có quan hệ với quan lại, tức là cũng có quan hệ ‘thân mật’ với Minh triều, cũng là kẻ địch và cũng cần trừng phạt. Bọn họ không muốn sống cuộc sống nghèo khổ nên mới liều mạng gom góp tài sản bỏ trốn. Trong khi đó thì bình dân bách tính ai nấy ở yên trong nhà, chờ cơn binh lửa đi qua.
Cuối cùng, có khoảng 3 vạn quân Minh hạ vũ khí đầu hàng, hơn 6 vạn quân Minh, trong đó có 1 vạn Cấm quân bảo hộ Thái tử Giám quốc cùng các quan viên chạy ra cửa bắc tìm đường tẩu thoát. Ngoài ra còn có hơn 10 vạn phú hào và gia quyến dắt dìu nhau tháo chạy. Mười mấy vạn người cùng ùa ra khỏi thành, quang cảnh hỗn loạn vô cùng.
Triệu Phong để lại 6 vạn quân bình định Kim Lăng Thành, truy quét tàn dư Minh triều trong thành; phái 12 vạn quân truy sát quân Minh đào tẩu, do Lý Ngân thống lĩnh; và cử ra 12 vạn quân truy sát phú hào bỏ trốn, do Đinh An Bình thân tự chỉ huy. Quân chia ba lộ cùng hành động.
Nói về đạo quân trong thành, sau mấy canh giờ lùng sục, giải quyết toàn bộ các nơi đề kháng, chiếm lĩnh các nha môn, Hoàng cung, và phủ đệ của quan viên Minh triều, Triệu Phong cho niêm phong tất cả. Theo quan niệm của bọn Triệu Phong, phong thủy của thành Kim Lăng không tốt, do vậy bọn họ không có ý định đóng đại bản doanh trong thành. Đối với Triệu Phong, đóng đại bản doanh ở Trường Hưng Thành, Sùng Minh đảo tốt hơn nhiều. Nơi đó xây dựng theo kiểu Gia Định Thành, tiện nghi đầy đủ, vật chất phong phú, hưởng thụ cuộc sống tốt hơn, và đặc biệt là cũng an toàn hơn.
Đạo quân của Đinh An Bình đuổi theo đám phú hộ bỏ trốn, nhanh chóng đuổi kịp. Bọn phú hộ mang vác nặng nề, sức lực lại không thể nào bằng được quân đội, do đó chẳng bao lâu là bị bao vây. Bọn phú hộ mặc dù chia thành nhiều nhóm, chạy về nhiều hướng khác nhau. Nhưng quan quân đông hơn, cũng chia thành nhiều đội, tỏa ra bao vây tất cả. Chỉ mất hơn một ngày là toàn bộ đều bị bắt trở lại. Đinh An Bình cho tịch thu tất cả tài sản bọn họ mang theo, và áp giải bọn họ ra giam giữ Trường Hưng Thành, chờ đưa về phương nam. Trong văn án, Đinh An Bình xem bọn họ giống như quan lại Minh triều bị bắt, tức là tù phạm. Đã có thánh chỉ từ Gia Định Thành đưa đến, tất cả tù phạm loại này sẽ được chuyển giao cho Thương vụ bộ, đưa sang Âu châu bán làm nô lệ. Âu châu hơn 50 năm trước vừa trải qua trận đại dịch ‘Cái chết Đen’, dân số giảm gần một nửa, rất cần nhân lực bổ sung, đặc biệt là nô lệ làm các công việc nặng nhọc (các tài liệu ghi lại cho biết Âu châu mất đến 150 năm mới khôi phục lại quy mô dân số bằng với trước đại dịch).
Sau khi tấn công Minh triều, ban đầu Giang Phong chỉ cho bắt tù binh làm khổ công, nhưng rồi số khổ công có nguồn gốc Hán tộc này gây ra nhiều chuyện thị phi tại nơi trú đóng, đặc biệt là tầng lớp quan lại của Minh triều vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của nho học, xem Hán tộc là Thiên triều thượng quốc, các nước khác đều là phiên bang, hoặc man di mọi rợ. Giang Phong rất không hài lòng, hậu quả đương nhiên nghiêm trọng. Một đạo thánh chỉ đã quyết định số phận của số ‘điêu dân’ đó, tất cả đều bị biến thành nô lệ, bán sang Âu châu. Và từ lúc đó về sau, tất cả quan lại của Minh triều cùng với tầng lớp nho gia, sĩ tử đều bị biến thành nô lệ hết. Những kẻ này chính là những kẻ được hưởng đặc quyền đặc lợi trong xã hội Minh triều (quan lại thì khỏi phải nói, còn nho sĩ chỉ cần đỗ Tú Tài là được miễn toàn bộ lao dịch thuế khóa, đỗ đạt cao thì dù không làm quan cũng được hưởng bổng lộc, tạo nên gánh nặng cho xã hội).
Còn đạo quân của Lý Ngân truy sát tàn dư quân Minh, chỉ đuổi sát theo phía sau và tiêu diệt những kẻ chậm chân chứ không tràn lên giao chiến. Dụng 12 vạn tấn công 6 vạn địch quân, tuy cũng có thể thắng được, nhưng tất nhiên cũng phải chịu thiệt hại không nhỏ. Bọn họ chỉ đuổi theo, ngăn chặn các đường phía nam, bức quân Minh chạy men theo Trường Giang về phía tây (quân Minh không chạy về phía đông, bởi bọn họ không thể chạy ra biển).
Đinh An Bình sau khi giải quyết xong đám phú hộ đào tẩu thì cũng suất quân đuổi theo hỗ trợ đạo quân của Lý Ngân. Đinh An Bình là Hải quân bộ bộ trưởng, nên khi đuổi theo chọn ngay đường thủy, sử dụng các hạm thuyền của Bắc Dương Hạm đội vận chuyển quân đội đi về phía thượng lưu, đổ bộ xuống chặn đường tàn dư quân Minh. Khi quân Minh chạy đến được Vu Hồ thì bị chặn đứng. Đầu tiên là một trận pháo kích dội xuống đầu quân Minh, 1.200 khẩu thần công bắn ra Khai hoa đạn, biến thành hàng chục vạn mảnh sắt nhọn như tên, bén như dao, giống như nhà nông cắt lúa mà cắt lấy sinh mạng quân Minh, khiến quân Minh ngã xuống từng phiến từng phiến lớn. Sau đó, 24 vạn đại quân hợp vây, tiêu diệt tàn dư còn lại. Trận này, quân Minh thương tàn hơn 4 vạn, tử trận hơn 1 vạn, chỉ còn lại chưa đến 5 nghìn bị bắt. Thái tử Giám quốc Chu Cao Thức tự sát, rất nhiều đại thần cũng tự sát theo.
Đinh An Bình có thân phận địa vị cao nhất ở đây, nên sinh sát đại quyền, chiến hậu xử lý, an bài tù binh, Lý Ngân nhường hết cho y định đoạt. Đinh An Bình chỉ giữ lại số tù binh chưa bị thương tật, còn hơn 4 vạn thương tàn binh bị đuổi về phương bắc, để tạo thêm gánh nặng cho Minh triều. Bọn họ đã bị thương tật tàn phế, chắc chắn không thể tham quân ra trận được nữa. Ngoài ra, hơn vạn thi thể trận vong cũng bị đưa xuống hạm thuyền vận chuyển về vùng Hà Bắc, rồi ném xuống các ao hồ sông suối dọc theo Hoàng Hà. Hoài Thủy chiến dịch đã tạo cho bọn Đinh An Bình rất nhiều ý tưởng.
Ba ngày sau khi Kim Lăng Thành bị công chiếm, 30 vạn đại quân của Thần Thánh Đế quốc tề tụ về đây. Toàn bộ dân chúng trong thành đều bị tập hợp lại, rồi phân chia thành 2 nhóm : lương dân và nghịch dân. Hơn 100 vạn cư dân của Kim Lăng thì có hơn 60 vạn nguyện ý quy thuận tân triều (bởi bọn họ đã nhìn thấy tương lai mờ mịt của Đại Minh), còn lại gần 40 vạn vẫn hướng về phương bắc. Nhưng lần này Minh triều đã thảm bại, quốc lực suy kiệt, bọn Đinh An Bình không có ý định cung cấp miễn phí cho Minh triều mấy chục vạn ‘tân binh’ nữa. Do đó, Đinh An Bình vỗ án quyết định, và Thương vụ bộ có thêm gần 40 vạn tân nô lệ.
Kim Lăng Thành dù sao cũng là kinh đô của Minh triều trong suốt 50 năm nay, kim ngân tài bảo tụ tập ở đây vô số. Mặc dù kho tàng trong Hoàng cung sau mấy phen chiến loạn đã không còn nhiều nữa, nhưng Kim Lăng có rất nhiều phú hộ, tài sản tịch thu được nhiều vô số. Bọn Đinh An Binh chỉ mất 1 ngày để chiếm lĩnh Kim Lăng, nhưng phải mất cả tháng để xử lý chiến quả.
Chương 71 : MINH QUỐC TIÊU ĐIỀU
Năm Vĩnh Lạc thứ 13 quả là một năm đại hạn đối với Minh triều. Năm ngoái tuy Giang Nam toàn thất, nhưng Minh triều vẫn còn giữ được vùng Giang Bắc, kể từ Trường Giang cho đến Trường Thành, và quân đội cũng còn được 80 vạn tinh nhuệ. Thế nhưng sang năm nay, chỉ mới 3 tháng đầu năm, từ ban đầu có 80 vạn tinh nhuệ, 70 vạn tân binh, tổng cộng 150 vạn; mà giờ đây chỉ còn lại 30 vạn tàn binh (20 vạn ở Bắc Kinh, Hà Bắc và 10 vạn ở Tế Nam). Đại Minh quốc lực suy kiệt, quốc thế chông chênh, quốc thống có cơ đứt đoạn.
Tế Nam Thành.
Sau khi thất trận ở Hoài Thủy, dẫn tàn binh chạy về Tế Nam, Vĩnh Lạc đế ở tại hành cung, ngày ngày nổi giận, hết đập phá rồi lại sát nhân. Vô số bảo vật trong hành cung đã bị hủy hoại bởi cơn giận của Vĩnh Lạc đế. Không ít cung nhân và đại thần cũng bị liên lụy, gia phá thân vong. Giờ đây, các đại thần nhân tâm hoảng hốt, ai nấy đều sợ nhập cung diện thánh, vì sợ gặp phải cơn giận bất thường của đấng quân vương.
Nếu Vĩnh Lạc đế loạn phát oai mà quốc thế được cứu vãn thì cũng tốt. Đằng này tin xấu cứ liên tục truyền về. Đúng là phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí.
Vùng Sơn Đông hoàn toàn hỗn loạn, một phần vì tin bại trận khiến cho dân tâm hoảng hốt, một phần vì ‘Uy khấu’ ngông cuồng cướp phá khắp nơi. Trước đây ‘Uy khấu’ chỉ cướp phá dọc theo vùng duyên hải. Nhưng giờ đây bất kể sông hồ, hễ nơi nào thuyền đến được là có mặt ‘Uy khấu’, quan quân không thể nào đánh dẹp nổi. ‘Uy khấu’ rất xảo quyệt. Hễ thấy đại đội quan quân thì lên thuyền rút chạy, còn nếu như thấy một toán nhỏ quan quân thì bọn họ sẵn sàng tấn công. Thậm chí có nhiều toán ‘Uy khấu’ tập hợp lại thành một lực lượng hùng mạnh, công chiếm các huyện thành. Sơn Đông đại loạn, dân bất liêu sinh.
Không chỉ có thế, do vùng Sơn Đông trở nên điêu tàn, những nơi có thể cướp phá ít đi, nhiều toán ‘Uy khấu’ bắt đầu chuyển hướng sang vùng Hà Bắc. Trên các sông hồ ở Hà Bắc gần đây đã thấy xuất hiện bóng dáng ‘Uy khấu’.
Nếu như ‘Uy khấu’ chỉ có thể làm tổn thương Minh triều, không nghiêm trọng đến nỗi vong quốc diệt tộc, thì giờ đây Minh triều đã phải đối diện với một nguy cơ lớn hơn nhiều. Cuối tháng 3, thám mã khẩn cấp đưa tin cáo cấp từ Bắc Kinh : Sơn Hải Quan thất thủ, Mông Cổ nhập quan. Trước đây người Mông Cổ chỉ có những toán nhỏ tiến vào lãnh thổ Minh triều cướp phá. Nhưng vào khoảng tháng 2, người Mông Cổ đi vòng theo đường biển, vượt qua Bột Hải, xâm nhập Liêu Tây, Hữu Bắc Bình (phía nam Trường Thành), bao vây Sơn Hải Quan. Đến giữa tháng 3, Sơn Hải Quan thất thủ, và đại đội kỵ binh Mông Cổ nam tiến. Các bộ tộc Mông Cổ đều đã biết tin quân Minh thảm bại, tổn thất 120 vạn đại quân, quốc lực suy kiệt, nên nhân cơ hội này kéo nhau tấn công Minh triều báo thù việc Vĩnh Lạc đế đánh Mông Cổ 5 năm trước. Do ảnh hưởng của Thần Thánh Đế quốc, sự kiện quân Mông Cổ tấn công Bắc Kinh xảy ra sớm hơn 34 năm.
Tin cáo cấp của Bắc Kinh khiến Vĩnh Lạc đế hoảng hốt. Bắc Kinh là nơi căn bản của Vĩnh Lạc đế, phần lớn thân tộc hoàng thất còn lại hiện đang tập trung ở đấy (số ở Nam Kinh nếu không tự sát thì đã trở thành tù binh rồi). Lúc này không còn sức chống giữ phương nam, chỉ còn cách tập trung những lực lượng còn lại phòng thủ Bắc Kinh. Thế là, theo đề nghị của quần thần, Vĩnh Lạc đế dẫn quân về Bắc Kinh. Cẩm Y Vệ đô chỉ huy thiêm sự Kỷ Cương lại được phái đi làm công việc quen thuộc : chinh binh, mà lần này là cưỡng chinh (cưỡng chế chinh binh).
Sau khi Vĩnh Lạc đế về đến Bắc Kinh, tình hình Hà Bắc tạm ổn định. Quân Mông Cổ dựa vào ưu thế kỵ binh, liên tục di động cướp phá các nơi, nhưng không còn năng lực công chiếm các phủ thành nữa. Mà quân Minh cũng không đủ năng lực đánh đuổi quân Mông Cổ về thảo nguyên phương bắc. Minh triều chỉ còn cách giữ vững các nơi yếu địa, đồng thời chờ Kỷ Cương chinh binh.
Trong lúc bận lo đối phó với quân Mông Cổ, Minh triều đành bỏ mặc hai tin cáo cấp khác : Liêu Đông thất thủ và Triều Tiên cầu viện. Minh triều hiện tại đang phải cố gắng phòng thủ Bắc Kinh, tự lo thân còn chưa xong, làm sao đủ sức lo chuyện khác được.
Minh triều nguyên bản kiểm soát được một eo đất hẹp tại bán đảo Liêu Đông (đối diện với Sơn Đông qua Bột Hải). Điều này không có nghĩa là Minh triều kiểm soát được vùng phía bắc Sơn Hải Quan (bên ngoài Trường Thành), bằng chứng rõ nhất là Liêu Đông thuộc sự cai quản của Sơn Đông hành tỉnh. Giờ đây Sơn Hải Quan đã rơi vào tay quân Mông Cổ. Vùng biển đã bị các chiến hạm của Thần Thánh Đế quốc kiểm soát, Minh triều dù có muốn chiếm lại Liêu Đông cũng hữu tâm vô lực. Sau khi quân đội ở Liêu Đông bị Vĩnh Lạc đế rút về tham gia đội quân nam chinh, Phạm Thế Căng suất lĩnh đạo quân Định Hải đã dễ dàng chiếm lĩnh Liêu Đông mà không gặp phải sự phản kháng đáng kể nào. Cũng bắt đầu từ lúc này, các bộ lạc Mông Cổ đã có thể nhận viện trợ hoặc giao dịch trực tiếp với Thần Thánh Đế quốc từ Liêu Đông. Người Mông Cổ sử dụng chiến mã để đổi lấy lương thực, vũ khí trang bị cho lực lượng kỵ binh đi cướp phá Minh triều; sau đó lại sử dụng kim ngân tài bảo cướp được đổi thành lương thực, vũ khí, rồi tiếp tục cướp phá. Nhờ đó, lực lượng của bọn họ càng lúc càng mạnh hơn.
Còn xứ Triều Tiên, lúc này do nhà Triều Tiên cai trị, nên còn có quốc hiệu là ‘Đại Triều Tiên quốc’. Nhà Triều Tiên (1392 – 1910), tiếng Hàn là Joseon, hay còn gọi là nhà Lý, là một triều đại được thành lập bởi Triều Tiên Thái Tổ Lý Thành Quế (I Songgye) và tồn tại hơn 5 thế kỷ. Triều đại này được thành lập sau khi Lý Thành Quế lật đổ nhà Cao Ly (Koryo) tại Khai Thành (Kaesong), rồi dời kinh đô về Hán Thành (tức Seoul ngày nay). Lý Thành Quế là người thân Minh ngay từ khi còn là tướng lĩnh của nhà Cao Ly. Khi xin Minh triều sắc phong vào năm 1393, Lý Thành Quế e nhà Minh phản đối việc Lý Thành Quế quyết tâm chọn quốc hiệu là Triều Tiên, nên đề xuất thêm một tên gọi khác là Hòa Ninh (lấy từ tên trang ấp của cha mình là Lý Tử Xuân). Hồng Vũ đế Chu Nguyên Chương sau khi biết tên Triều Tiên có nguồn gốc từ chữ ‘Triều Nhật Tiên Minh’ (nghĩa là ‘buổi sáng trong lành’) liền quyết định chọn tên Triều Tiên, nhưng chỉ phong cho Lý Thành Quế làm Quyền Tri Triều Tiên Quốc Sự. Mãi đến năm 1401, Minh triều mới phong cho Triều Tiên Thái Tông Lý Phương Viễn (lên ngôi từ năm 1400) làm Triều Tiên Quốc Vương. Sau khi qua đời, Lý Phương Viễn được vị vua kế tiếp đặt cho thụy hiệu là ‘Cung định Thánh đức Thần công Kiến thiên Thể cực Đại chính Khải hữu Văn vũ Duệ triết Thành liệt Quang hiếu Đại vương’.
(chú : Vương triều này được người Hán gọi là ‘Lý thị Triều Tiên vương triều’, gọi tắt là ‘Lý Triều’; nhưng người Hàn Quốc không sử dụng cách gọi này, bởi cho rằng nó mang tính chất nhục nhã, gợi cho họ nhớ đến giai đoạn bị Nhật Bản xâm chiếm, Triều Tiên Hoàng đế bị giáng xuống thành Lý vương, phiên vương của Nhật Bản, khiến người Hàn Quốc nhớ đến giai đoạn khổ nhục đó, do vậy vẫn gọi là ‘Triều Tiên vương triều’).
Khi chiến tranh bùng nổ, Đại Vận Hà bị phong tỏa, Minh triều lâm vào cảnh thiếu lương thực, Triều Tiên quốc có phái một đoàn thuyền chở lương thực sang hỗ trợ cho Minh triều. Giang Phong đã phái sứ giả đến trách hỏi, nhưng vua quan Triều Tiên không lý gì đến. Trong mắt bọn họ, Minh triều vẫn là Thiên triều thượng quốc, còn Thần Thánh Đế quốc chỉ là phiên bang tiểu quốc. Vì vậy, Giang Phong đã phái một đội chiến hạm của Nam Dương Hạm đội tiến vào vùng biển Triều Tiên, phong tỏa toàn vùng. Giờ đây, vùng biển Triều Tiên hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Thần Thánh Đế quốc. Thuyền bè của Đông Doanh được tự do đi lại trên biển, trong khi thuyền bè của Triều Tiên hễ ra khơi là bị tiêu diệt ngay. Điều này đã tạo cơ hội cho cướp biển Đông Doanh cướp phá Triều Tiên, hành động còn ngông cuồng hơn cả ở vùng Sơn Đông, Hà Bắc (dù sao thì quốc lực của Triều Tiên cũng không thể sánh được với Đại Minh). Chỉ trong mấy tháng, Triều Tiên không còn giữ được các đạo phía nam, mất đi 3 trong số 8 đạo hành chính của cả nước, vì thế mới dâng biểu sang Minh triều cáo cấp. Có điều lúc này Minh triều muốn cứu viện Triều Tiên, chỉ có 2 đường : đường bộ, thì phải vượt qua Sơn Hải Quan do quân Mông Cổ trấn giữ và Liêu Đông do Định Hải quân của Phạm Thế Căng trú đóng; hoặc đường biển thì phải vượt qua sự phong tỏa của Bắc Dương Hạm đội ở Bột Hải và Nam Dương Hạm đội ở vùng biển Triều Tiên; mà trong lúc này, với Minh triều là điều không thể. Không có được viện binh, thế lực của Triều Tiên vương triều ngày càng suy yếu.
Chương 72 : BẮC PHƯƠNG ĐẠI LOẠN
Lại nói, Triều Tiên dâng biểu sang Minh triều cáo cấp, xin viện binh. Nhưng Minh triều tự thân còn chưa lo xong, sao có thể lo đến việc ở Triều Tiên. Không có được viện binh, thế lực của Triều Tiên vương triều ngày càng suy yếu. Trong nước bắt đầu xuất hiện loạn lạc.
Tháng 4, giới quý tộc Quyền môn (Gwonmun) lại nổi dậy, phục ngôi cho Cung Nhượng Vương. Trước đây, vào năm 1388, Lý Thành Quế lật đổ U Vương của Cao Ly vương triều, tôn Dương Vương lên ngôi. Nhưng sau đó y lại giết cả U Vương và Dương Vương, đưa một người thuộc vương tộc là Vương Dao lên kế vị, hiệu xưng Cung Nhượng Vương. Đến năm 1392, Lý Thành Quế lại lật đổ Cung Nhượng Vương, giam lỏng ở Nguyên Châu, và tự đăng cơ xưng vương, lập nên nhà Triều Tiên, dời đô đến Hán Thành. Trong thời gian trị vì của Lý Thành Quế, giới quý tộc Quyền môn nhiều lần nổi dậy định phục ngôi cho họ Vương, nhưng đều bị đàn áp. Lần này, nhân cơ hội Triều Tiên vương triều suy yếu, bọn họ lại nổi dậy, thành công phục ngôi cho Cung Nhượng Vương, khôi phục quốc hiệu Cao Ly, đóng đô ở Toàn Châu, lãnh thổ bao gồm 3 đạo phương nam là Toàn La (Toàn Châu phủ, La Châu mục), Khánh Thượng (Khánh Châu phủ, Thượng Châu mục, Tấn Châu mục), và Trung Thanh (Trung Châu mục, Thanh Châu mục, Công Châu mục).
Tháng sau, một viên biên tướng trấn thủ Bình An đạo của Triều Tiên là Kim Thế Nam đã cất quân đánh chiếm Hàm Kính đạo ở phía đông, sau đó tự xưng Kim Chiêu Vương, quốc hiệu Kim, đóng đô ở Bình Nhưỡng, lãnh thổ bao gồm 2 đạo phương bắc là Bình An (Bình Nhưỡng phủ, Trữ Biên đại đô hộ phủ, Nghĩa Châu mục) và Hàm Kính (Hàm Hưng phủ, Kính Thành đô hộ phủ, Bắc Thanh đô hộ phủ). Triều Tiên vương triều chỉ còn lại 3 đạo ở giữa là Kinh Kỳ (Hán Thành phủ, Khai Thành phủ), Hoàng Hải (Hoàng Châu mục, Hải Châu mục) và Giang Nguyên (Giang Lăng đại đô hộ phủ, Nguyên Châu mục).
Cả hai nước Cao Ly và Kim đều sai sứ đến Gia Định cầu phong, đồng thời liên minh với nhau uy hiếp Triều Tiên quốc.
Còn ở Minh triều, tình hình cũng hỗn loạn không kém.
Đầu tháng 5, do Kỷ Cương chinh binh chinh lương ở Hà Nam một cách quá tàn bạo, hễ gặp tráng đinh là bắt, hễ gặp lương thực là thu, khiến dân chúng căm phẫn, lần lượt nổi dậy khởi nghĩa. Khắp các phủ Trần Châu, Hứa Châu, Trịnh Châu, Vũ Châu, Đặng Châu, Nam Dương, Quy Đức, Chương Đức đều có quân khởi nghĩa. Do quan quân không còn, các quan viên Minh triều ở Hà Nam không thể nào đàn áp quân khởi nghĩa nổi. Nghĩa quân tràn ra khắp nơi, công thành lược địa. Kỷ Cương bị đuổi chạy về Sơn Đông.
Sau một thời gian công thành lược địa, một đạo nghĩa quân lớn chiếm được Nam Dương phủ làm đại bản doanh. Do có tiền lương, có địa bàn, nghĩa quân ở Nam Dương dần dần thu phục được các đạo nghĩa quân nhỏ hơn, lại nhận được viện trợ từ phương nam nên ngày càng phát triển hùng mạnh. Thủ lĩnh của bọn họ là Lưu Khánh tự nhận là hậu duệ của Hán Quang Vũ đế, tuyên bố kế nghiệp tổ tiên, khôi phục Hán triều. Ngày 3 tháng 6, Hán quân tụ họp được 20 vạn người, kéo về bao vây Lạc Dương. Sau 5 ngày vây hãm, Lạc Dương thất thủ. Ngày 15 tháng 6, Lưu Khánh đăng cơ xưng đế, xưng hiệu là Uy Vũ đế, quốc hiệu Đại Hán, đóng đô Lạc Dương. Đến đầu tháng 7, trong số 20 châu phủ, 96 huyện của Hà Nam hành tỉnh thì đã có 17 châu phủ, 72 huyện thuộc quyền kiểm soát của Hán quân. Chỉ còn lại 3 châu phủ nằm sát Sơn Đông thì vẫn còn thuộc quyền kiểm soát của Minh triều.
Hán quân hưng khởi thúc đẩy hào cường vọng tộc các xứ lần lượt học theo. Ai lại không muốn kiến quốc xưng đế, không những có thể quang tôn diệu tổ, mà còn có thể hưởng tận vinh hoa phú quý.
Ngày 15 tháng 7, Lý Thiếu Hoa xưng đế ở Trường An, xưng hiệu Thánh Đức, quốc hiệu Đại Đường, lãnh thổ gồm 18 châu phủ, 68 huyện ở trung bộ Thiểm Tây (trừ 12 châu phủ, 27 huyện vùng Hán Trung và Lan Châu). Ngày 20 tháng 7, Minh Ngọc Toàn xưng vương ở Thành Đô, xưng hiệu Đức Vương, quốc hiệu Hạ. Minh Ngọc Toàn là em của Hạ vương Minh Ngọc Trân của nước Hạ ở vùng Tứ Xuyên trước đây. Nhờ dư oai của Minh Ngọc Trân, Hạ Đức Vương Minh Ngọc Toàn chiếm lĩnh được 35 châu phủ, 111 huyện của Tứ Xuyên hành tỉnh và 4 châu phủ, 11 huyện vùng Hán Trung của Thiểm Tây hành tỉnh; lãnh thổ rộng hơn 2 nước Đại Hán và Đại Đường nhiều.
Tháng 8, một phú hào của tiền trang Sơn Tây là Tiền Khải dốc hết tài sản ra mộ quân, tụ họp được hơn 20 vạn người, chiếm lấy cả 23 châu phủ, 79 huyện đất Sơn Tây. Ngày 15 tháng 9, Tiền Khải đăng cơ xưng đế, xưng hiệu Long Khánh đế, quốc hiệu Tấn, đóng đô ở Thái Nguyên. Ngoài ra còn có 8 châu phủ và 16 huyện vùng Lan Châu bị quý tộc Mông Cổ chiếm giữ, xưng vương và tuyên bố kế tục nhà Nguyên (sau khi chạy khỏi Bắc Kinh, dòng dõi nhà Nguyên vẫn tiếp tục xưng đế trên thảo nguyên Mông Cổ, sử gọi là Bắc Nguyên, nhưng không có quyền lực gì đáng kể).
Tóm lại, đến mùa thu, Minh triều chỉ còn lại vùng Hà Bắc và Sơn Đông. Các tỉnh Hà Nam, Thiểm Tây, Sơn Tây, Tứ Xuyên lần lượt hình thành các nước Đại Hán, Đại Đường, Tấn, Hạ và phiên vương Mông Cổ ở Lan Châu. Còn vùng Hồ Bắc, Huy Châu, Dương Châu, trên danh nghĩa được Thần Thánh Đế quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình (biên giới phía bắc là Hoài Thủy), nhưng thực tế đã bị biến thành vùng đất trống, không một bóng người, trở thành vùng đệm giữa các nước Hán tộc ở phía bắc với Thần Thánh Đế quốc. Hơn nữa, vùng Hoài Thủy vừa xảy ra ôn dịch, dân chúng cũng không dám đến đấy sinh sống.
…
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.517 (Ất Mùi, 1415). Mùa thu, tháng 8. Sùng Minh đảo. Trường Hưng Thành.
Triệu Phong mấy tháng nay rảnh rỗi không có việc gì làm, hết tắm biển rồi lại câu cá, đánh cờ giải khuây. Minh triều quốc lực suy kiệt, không còn đủ khả năng phát động chiến tranh nữa, cuộc bắc phạt đã kết thúc, các đạo quân đã lần lượt rút về phương nam. Giờ chỉ còn lại Định Hải quân ở Liêu Đông, Thần Long quân ở Kim Lăng, Thần Vũ quân ở Trường Sa và Thần Uy quân ở Quảng Châu; cùng với Bắc Dương Hạm đội đóng đại bản doanh ở Đài Loan. Các tướng lĩnh cũng chỉ còn lại Triệu Phong, và Mã Tân là còn ở lại phương bắc cho đến khi cục diện ổn định. Trong khi đó thì Lý Ngân lại suất lĩnh các đạo quân Uy Vũ, Uy Nghĩa, Uy Đức, Trấn Biên theo đường cũ qua Vân Nam quay về xứ Thái.
Hôm nay, Triệu Phong đang ngồi câu cá giải khuây thì có thân binh đến bẩm báo :
- Đại nhân. Có Triệu Anh Triệu đại nhân từ Gia Định đến.
Triệu Phong nghe báo mà giật mình. Triệu Anh là thân đệ của Triệu Phong, trước đây được Giang Phong chọn vào giúp việc ở Tử Tiêu Điện, có thể xem là cận thần của Giang Phong. Nay gã được phái đến đây, hẳn phải có đại sự gì quan trọng.
Triệu Phong liền trở về Soái phủ, tiếp kiến thân đệ. Triệu Anh thần thái hưng phấn, vừa bước vào đã nói ngay :
- Đại ca. Chúc mừng đại ca nha !
Triệu Phong cau mày hỏi :
- Đệ. Có việc gì cũng nên nói cho rõ ràng ! Không nên nhanh nhảu như vậy ! Chúc mừng điều gì thế ?
Triệu Anh hớn hở nói :
- Có thánh chỉ cho đại ca đây.
Triệu Phong giật mình, vội sai sắp bàn hương án, tiếp chỉ. Lễ tiết đầy đủ, Triệu Anh giở chiếu chỉ ra tuyên đọc :
“Thụ mệnh vu thiên, Thánh hoàng chiếu viết :
Trẫm duy lập chính dụng nhân, nghi cử khảo công chi điển. Lường tài định vị, dụng tinh trị sự chi năng. Tư nhĩ Quân bộ Các thần, Lục quân bộ bộ trưởng Triệu Phong, thần uy vũ dũng, văn vũ kiêm thông, chinh nam phạt bắc, chiến tích huy hoàng. Tư đặc thăng thụ Ngự tiền hộ giá đại thần, Chiêu Vũ Vương, gia cửu tích.
Tứ chi sắc mệnh, miễn hàm cần ư xu sự. Thức khâm thành mệnh, vĩnh vô dịch ư thừa hưu. Khâm thử.”
Tạm dịch :
“Thể theo mệnh trời, Thánh hoàng chiếu rằng :
Trẫm nghĩ việc trị nước dùng người, nên xem xét theo phép công. Lường tài mà phong chức, dựa theo năng lực làm việc. Nay Quân bộ Các thần, Lục quân bộ bộ trưởng Triệu Phong, thần oai võ dũng, văn võ kiêm thông, chinh nam phạt bắc, chiến tích huy hoàng. Nay đặc biệt gia phong cho làm Ngự tiền hộ giá đại thần, Chiêu Vũ Vương, gia cửu tích.
Ban cho sắc mệnh, phải cố siêng năng làm việc. Sứ mệnh vua giao, luôn làm không chán không nghỉ. Khâm thử.”
Triệu Phong nghe nói mà kinh ngạc ngẩn người. Phong vương, gia cửu tích. Cửu tích là dấu hiệu của Thiên tử, được sử dụng xa mã, vận cổn miện theo nghi vệ cao nhất (của nho gia). Trước đây có Tào Tháo, Tư Mã Ý, Lý Thế Dân đều được gia cửu tích. Triệu Phong kinh hãi lắp bắp :
- Đệ. Chuyện này …
Gia cửu tích là chuyện không tầm thường, không khéo có thể mang lại họa sát thân. Vì thế mà Triệu Phong rất lo lắng. Quả thật là Triệu Phong công lao quá lớn. Triệu Anh cười nói :
- Đại ca nên nhớ rằng Thánh hoàng không phải là phàm nhân. Thánh hoàng cộng trị cả thiên địa.
Triệu Phong ngẫm nghĩ giây lát, rồi tung hô vạn tuế và tiếp chỉ.
Chương 72 : HÀ BẮC DÂN
Lại nói, sau khi nghe thân đệ phân giải, Triệu Phong tung hô vạn tuế và tiếp chỉ, chính thức thụ phong vương tước. Triệu Anh còn mang theo cổn miện may sẵn cho Triệu Phong. Thấy đại ca vẫn còn lo lắng, Triệu Anh nói thêm :
- Đại ca. Không chỉ có đại ca được phong vương và gia cửu tích thôi đâu ! Cả Phạm tướng quân, Lý tướng quân, Mã đại đô đốc, Đinh đại nhân đều được phong vương và gia cửu tích. Cả đệ nữa. Đệ nhờ được hưởng phúc của đại ca mà cũng được phong thưởng. Đối với Thánh hoàng, Thiên tử cũng chỉ là một danh hiệu của nhân gian mà thôi. Thánh hoàng là Thiên, nếu chúng ta được làm Thiên tử thì cũng như trở thành con cháu của Thánh hoàng mà thôi.
Triệu Phong gật đầu khen phải. Trải qua hơn chục năm tuyên truyền, quan niệm Giang Phong là ‘Thiên’ đã thâm nhập nhân tâm, nhất là những người thân cận với Giang Phong lại càng tin tưởng. Giang Phong là ‘Thiên’, địa vị đương nhiên cao hơn những vị Hoàng đế vốn tự xưng mình là ‘Thiên tử’. Và như vậy thì bọn Triệu Phong có được sử dụng nghi vệ Thiên tử cũng không có vấn đề gì cả. Sau đó, hai huynh đệ họ Triệu hàn huyên trò chuyện, hỏi thăm việc nhà việc nước. Triệu Phong vốn rất yêu quý vị thân đệ này của mình, nghe nói gã cũng được phong vương, lòng rất cao hứng. Nói chuyện hồi lâu, Triệu Anh như chợt nhớ ra, mới nói :
- Đại ca. Đệ đến đây là còn có chuyện muốn nhờ đại ca đó nha !
Triệu Phong hỏi :
- Chuyện gì thế ?
Triệu Anh nói :
- Thánh hoàng phong cho đệ làm Tống Mẫn Vương, phái đệ đến Khai Phong thành lập nước Tống. Thánh hoàng bảo đệ đến đây nhờ đại ca thu xếp cho.
Triệu Phong ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi nói :
- Không thành vấn đề. Hiện tại trong thành Kim Lăng có gần 4 vạn hàng binh, ta sẽ chiêu mộ thêm cho đủ 10 vạn, rồi đệ dẫn quân chiếm lĩnh vùng Sơn Đông, sau đó tiến chiếm Khai Phong. Ta sẽ lấy 2 vạn Thần Long quân và 2 vạn Định Hải quân hỗ trợ đệ. Đồng thời sẽ thông tri cho Bắc Dương Hạm đội phong tỏa Hoàng Hà.
Thế là Triệu Phong tập họp hàng binh, rồi lấy thêm dân binh người Hán từ các tỉnh (dân binh theo khái niệm của Thần Thánh Đế quốc, không phải dân binh mới chiêu mộ của Minh triều), sau đó chiêu mộ thêm cho đủ 10 vạn, toàn là người Hán, giao cho Triệu Anh thống lĩnh. Bọn Triệu Phong lúc này mới tuyên dương thân phận của mình cho dân chúng biết, rằng bọn họ là dòng dõi hoàng tộc Đại Tống, khi bị nhà Nguyên tiêu diệt thì tổ tiên là Triệu Trung đã chạy sang Đại Việt, có giúp người Đại Việt chống lại nhà Nguyên. Nay Triệu Anh trở về Khai Phong khôi phục Đại Tống triều đình.
Sau khi chuẩn bị hoàn tất, Triệu Anh suất lĩnh 10 vạn quân đổ bộ vào bán đảo Sơn Đông. Triệu Phong cũng đích thân suất lĩnh 4 vạn quân theo hỗ trợ thân đệ. Chỉ trong mấy ngày, bọn họ đã bao vây Tế Nam Thành. Đừng nói Tế Nam, cả Sơn Đông hành tỉnh cũng chẳng còn bao nhiêu binh mã, Kỷ Cương chống cự không nổi, phải bỏ Tế Nam mà chạy về Hà Bắc. Tiếp đó, Triệu Phong suất quân chiếm lĩnh các châu phủ, rồi giao lại cho quân của Triệu Anh tiếp quản. Chỉ sau 2 tháng đánh dẹp, toàn bộ 21 châu phủ, 89 huyện vùng Sơn Đông, cùng với 3 châu phủ, 24 huyện vùng Khai Phong đã tận thu trong tay. Ngày 20 tháng 10, Triệu Anh đăng cơ xưng đế, xưng hiệu Mẫn đế, quốc hiệu Đại Tống, đóng đô ở Khai Phong. Được sự cho phép của Giang Phong, Triệu Anh tuy chỉ là vương tước của Thần Thánh đế quốc, nhưng lại là hoàng đế đối với các nước khác. Cũng giống như các tiểu vương Hồi giáo ở các xứ A Lạp Bá, lại chỉ là hầu tước của Thần Thánh Đế quốc. Tước vị được Giang Phong ban cho phải tôn quý hơn.
Hệ thống tước vị ở Thần Thánh Đế quốc được chia thành 3 bậc. Cao nhất, tôn quý nhất là tước vị phong cho văn thần võ tướng của Đế quốc. Những người này chỉ được phong tước, không được phong đất, nhưng giữ các yếu chức ở triều đình Đế quốc, do vậy mà thân phận tôn quý. Chỉ vì triều đình thực hiện chế độ trung ương tập quyền, không có cắt đất phân phong, nên mới không được phong đất. Ở vị trí thứ hai là tước vị của các chư hầu, tuy cũng được Đế quốc phong tước cho, nhưng có địa vị thấp hơn. Ví dụ như cũng đồng là vương tước, nhưng Triệu Anh có thân phận địa vị thấp hơn Triệu Phong, dù rằng Triệu Anh có lãnh thổ, có triều đình riêng. Thấp nhất là tước vị của người ngoại quốc, không phải được Đế quốc phong cho. Thường thì Đế quốc cũng công nhận tước vị của bọn họ, nhưng bị giảm đi 2 cấp. Ví dụ như đế thì ngang công, vương thì ngang hầu, công tước thì ngang bá tước, … (hệ thống tước vị lần lượt là : đế, vương, công, hầu, bá, tử, nam; cả phương đông và phương tây đều giống nhau. Ở Âu châu chỉ có Đế quốc La Mã Thần Thánh là có hoàng đế; còn lại như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, … đều chỉ có quốc vương, gọi là vương quốc; các nước nhỏ hơn thì chỉ có công tước, gọi là công quốc).
Tóm lại, đến tháng 10, vùng Trung Nguyên đã xuất hiện 6 nước lớn tương đương nhau và 1 nước nhỏ ở khu vực Cam Túc. Tình trạng này gần giống với thời Ngũ Đại Thập quốc, một nửa đất nước bị người không phải Hán tộc chiếm giữ (thời kỳ đó là người Sa Đà). Phần còn lại hình thành hàng loạt các nước nhỏ khác. Điểm đặc biệt là thời kỳ đó, các nước lớn do người không phải Hán tộc thành lập lại được xem là chính thống, tôn chủ; còn các nước nhỏ của người Hán do lãnh thổ nhỏ bé, nên chỉ được xem là các tiểu quốc chư hầu. Giờ đây tình trạng cũng tương tự.
Đại Tống – Tống Mẫn đế Triệu Anh, chiếm lĩnh 24 châu phủ, 113 huyện ở vùng Sơn Đông và Khai Phong, đóng đô ở Khai Phong, quân đội có 10 vạn và đang được chiêu mộ thêm, được sự hỗ trợ trực tiếp của Triệu Phong nên tiền lương, vũ khí đều sung túc, thực lực hùng hậu.
Đại Hán – Hán Uy Vũ đế Lưu Khánh, chiếm lĩnh 17 châu phủ, 72 huyện ở vùng Hà Nam, đóng đô ở Lạc Dương, quân đội có 30 vạn, có nhận viện trợ từ phương nam, quốc lực hùng hậu. Trong nước tình hình tương đối ổn định, không chịu ảnh hưởng nhiều của chiến tranh loạn lạc.
Đại Đường – Đường Thánh Đức đế Lý Thiếu Hoa, chiếm lĩnh 18 châu phủ, 68 huyện ở trung bộ Thiểm Tây hành tỉnh, đóng đô ở Trường An, quân đội có 20 vạn, quốc lực trung bình. Trong nước tình hình ổn định, dân chúng an cư lạc nghiệp, không bị ảnh hưởng nhiều của chiến tranh loạn lạc.
Hạ - Hạ Đức Vương Minh Ngọc Toàn, chiếm lĩnh 39 châu phủ, 122 huyện ở vùng Tứ Xuyên và Hán Trung, đóng đô ở Thành Đô, quân đội 20 vạn, quốc lực yếu, nhưng địa hình hiểm trở, dễ thủ khó công, tách biệt hẳn với vùng Trung Nguyên, hoàn toàn không bị ảnh hưởng của chiến tranh loạn lạc.
Tấn – Tấn Long Khánh đế Tiền Khải, chiếm lĩnh 23 châu phủ, 79 huyện ở đất Sơn Tây, đóng đô ở Thái Nguyên, quân đội 30 vạn, quốc lực hùng hậu, nhưng phải chịu sự uy hiếp của Đại Minh ở phía đông và Mông Cổ ở phía bắc.
Lương – Lương Vương Oyiradai, chiếm lĩnh 8 châu phủ và 16 huyện ở vùng Cam Túc, đóng đô ở Lan Châu, quân đội có 5 vạn kỵ binh Mông Cổ, quốc lực yếu, nhưng cách xa Trung Nguyên, gần Mông Cổ, dễ nhận được viện trợ từ các bộ lạc Mông Cổ. Oyiradai vốn là một Hãn (Khan) của Bắc Nguyên, nhưng đang tìm cách hướng Thần Thánh Đế quốc cầu phong.
Đại Minh – Minh Vĩnh Lạc đế Chu Lệ, chiếm lĩnh 27 châu phủ, 116 huyện ở vùng Bắc trực lệ (tức vùng Hà Bắc), đóng đô ở Bắc Kinh, quân đội có 50 vạn (gồm 30 vạn quân tinh nhuệ và 20 vạn tân binh mới chiêu mộ), thực lực mạnh nhất, nhưng đang phải đánh nhau với các bộ lạc Mông Cổ. Lãnh thổ phía bắc của Đại Minh thường xuyên bị quân Mông Cổ cướp phá. Vùng Liêu Tây, Hữu Bắc Bình và lân cận Sơn Hải Quan vẫn đang do người Mông Cổ kiểm soát. Và vùng duyên hải cùng các nơi lân cận sông hồ vẫn tiếp tục bị ‘Uy khấu’ cướp bóc. Đại Minh quốc cũng là nơi hỗn loạn nhất, dân tình khốn khổ nhất. Người dân truyền tụng nhau bài thơ cổ ‘Hà Bắc dân’ để bày giải nỗi lòng mình :
“Hà Bắc dân,
Sinh cận nhị biên trường khổ tân,
Gia gia dưỡng tử học canh chức,
Thâu dữ quan gia sự di địch.
Kim niên đại hạn thiên lý xích,
Châu huyện nhưng thôi cấp hà dịch,
Lão tiểu tương y lai tựu nam,
Nam nhân phong niên tự vô thực.
Bi sầu thiên địa bạch nhật hôn,
Lộ bàng quá giả vô nhan sắc,
Nhữ sinh bất cập Trinh Quán trung,
Đẩu túc sổ tiền vô binh nhung.”
Tạm dịch :
“Dân Hà Bắc,
Giữa hai biên giới sống khổ cực,
Sinh con ai chẳng dạy nông tang,
Nộp hết cho quan để biếu giặc.
Năm nay đại hạn nghìn dặm khô,
Phu đi làm sông huyện vẫn bắt,
Trẻ già dắt díu xuống miền nam,
Nam tuy được mùa vẫn đói rạc.
Trời thảm đất sầu ngày tối sầm,
Bao khách qua đường mặt nhợt nhạt,
Tiếc sinh chẳng nhằm đời Trinh Quán,
Vài đồng đấu gạo không loạn lạc.”
Qua đó cũng đủ thấy tình cảnh của dân chúng Đại Minh quốc khốn khổ đến thế nào. Làm ra bao nhiêu lương thực, phải nộp cho triều đình phần lớn làm quân lương (để dùng cho việc chiến tranh), phần nhỏ giữ lại cũng chẳng yên, phía bắc thì có quân Mông Cổ cướp phá, phía nam thì có ‘Uy khấu’ cướp bóc. Người chết đói còn nhiều hơn người chết vì chiến tranh. Không ít người bỏ xứ tha hương, dắt dìu nhau vượt Thái Hành Sơn sang Sơn Tây, hoặc vượt Hoàng Hà xuống Sơn Đông, Hà Nam tỵ nạn. Sự xuất hiện của dân tỵ nạn đến từ Hà Bắc tuy có khiến triều đình các nước phải lo nhiều hơn về việc trị an và bố trí nạn dân, nhưng cũng làm cho lòng dân không còn hướng về Đại Minh nữa. Dân chúng suy nghĩ rất đơn giản, và chỉ hướng về sung túc an định chứ chẳng bao giờ hướng về khốn khó cơ hàn. Chẳng mấy ai muốn phải chịu cảnh giống như dân Hà Bắc cả.
Chương 74 : NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY
Trở lại Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.516 (Giáp Ngọ, 1414), mùa hạ, tháng 5.
Hai người bọn Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn được Phạm Thế Căng sắp xếp cho theo thương thuyền để vào Gia Định. Tuy Trung Hoa chiến loạn, nhưng vùng Đông Doanh đã trở nên phồn vinh hơn. Các tuyến thương mại cũng chuyển dần về hướng đó. Nhân cuộc bắc phạt của Thần Thánh Đế quốc, hải tặc Đông Doanh sang cướp phá Trung Hoa, mang về rất nhiều tài bảo, trở nên giàu có, thành ra nhu cầu hưởng thụ cũng trở nên cao hơn nhiều. Đó là cơ hội cho các thương nhân.
Cả hai được Phạm Thế Căng cấp cho ‘thông hành chứng thư’ rồi lên thuyền vào nam. Ở Thần Thánh Đế quốc, không có ‘thông hành chứng thư’ thì không thể tự do đi lại trong các thành thị, nếu bị phát hiện thì sẽ bị tống giam vào lao ngục. Người ngoại quốc muốn vào lãnh thổ Đế quốc bắt buộc phải đến Ngoại vụ ban, trực thuộc Chính vụ ty ở các tỉnh, xin cấp ‘thông hành chứng thư’ để chứng minh thân phận, đề phòng gian tế, gián điệp, tặc khấu, yếu phạm, …
Thương thuyền đi đến Hội An thì dừng lại, tiếp thêm vật tư, nước uống, cũng như để cho thương nhân lên Hội An Thành mua bán. Hội An là một tân thành thị, được thành lập vào năm Ất Dậu (1405) theo lệnh của Giang Phong. Thành Hội An không nằm tại vị trí Hội An ngày nay, mà nằm ở khu vực phía nam đèo Hải Vân, ngay khu vực Đà Nẵng. Tại đó có một vịnh nước sâu, thuận lợi cho các hạm thuyền cỡ lớn neo đậu.
Thuyền ghé vào Hội An. Bọn Nguyễn Trãi cũng lên bờ, vào dạo phố phường để cảm nhận phong cách phố thị phương nam. Đến trước cổng thành, bọn họ phải trình ‘thông hành chứng thư’ thì mới được thủ thành sĩ binh cho vào.
Bọn họ trước tiên đi dạo một vòng phố thị, để thỏa mãn tâm nguyện nghiên cứu cuộc sống của người phương nam. Ở đây, bọn họ dễ dàng nhận ra phong cách sống của người dân khác hẳn vùng Thăng Long. Không khí thương nghiệp bao trùm mọi nơi. Các cửa hiệu buôn bán sầm uất, khách ra vào nhộn nhịp. Hội An là một trong những trạm trung chuyển của tuyến thương mại từ phương bắc đến Gia Định, kinh đô của Đế quốc, nên dù chỉ mới thành lập chưa đến 10 năm, mà đã trở thành một tòa đại thành thị, dân số hơn 10 vạn người, là trung tâm kinh tế quan trọng nhất của cả tỉnh Phú Yên (tức đất Chiêm Thành cũ).
Đặc biệt, bọn Nguyễn Trãi phát hiện trong thành có đủ mọi thành phần dân tộc. Người Hán, người Việt, người Mường, người Chiêm, người Lào, người Thái, người Khmer, người Mã Lai, người Java, người Thiên Trúc, người Đông Doanh, người Mông Cổ, … thậm chí có cả người Âu da trắng và người Phi da đen. Nguyễn Trãi cố tìm cách nói chuyện với một người da trắng, và biết được rằng bọn họ đến từ một nơi rất xa, rất xa, ở tận bên kia bờ đại dương, ở một xứ gọi là A Lạp Bá, và bọn họ cũng là thần dân của Đế quốc.
Đi dạo khắp thành, cả hai đều kinh ngạc trước những đường phố thẳng tắp, đều đặn như bàn cờ, mặt đường bằng phẳng, nhà cửa hai bên đường đều được xây bằng gạch ngói, cao 2, 3 tầng, không hề nhìn thấy những ngôi nhà gỗ xập xệ như các thành thị ở vùng Thăng Long. Nhất là cảnh phồn vi nhộn nhịp ở đây. Trần Nguyên Hãn nói :
- Nguyễn Trãi. Ta không thể tin rằng đây chỉ là một tòa tân thành mới được xây dựng chưa đến 10 năm. Nếu ở phương bắc, kể cả bên Trung Nguyên, thì cũng có thể kể là một tòa đại thành.
Theo quan niệm của hai người bọn họ trước đây, trừ người Hán và người Việt là văn minh, còn lại đều là ngu muội, lạc hậu, dã man. Còn ở đây, người Hán và người Việt đều không chiếm ưu thế. Tỷ lệ người Chiêm, người Mường và người Java cao hơn nhiều (điều này cũng không có gì khó hiểu, bởi quan niệm sĩ, nông, công, thương; trọng nông khinh thương, thương nhân tối tiện của nho gia đã thâm căn cố đế trong tư tưởng của người Việt thời bấy giờ).
Nguyễn Trãi ngẫm nghĩ giây lát, rồi nói :
- Nguyên Hãn. Đừng quên thế lực của Đế quốc. Đã có thể kiến lập một Đế quốc rộng mênh mông như thế, thì ở Đế quốc không điều gì là không thể. Ở đây đã vậy, ta tin chắc rằng khi đến Gia Định chúng ta sẽ nhìn thấy những điều không thể tưởng tượng nổi.
Trần Nguyên Hãn nói :
- Nãy giờ ta chú ý một điều : tất cả người dân ở đây đều đối xử bình đẳng với nhau, không phân biệt đối xử dù thuộc bất kỳ dân tộc nào.
Nguyễn Trãi nói :
- Nghe nói ở Đế quốc mọi thần dân, dù thuộc bất kỳ dân tộc nào, cũng đều bình đẳng trước pháp luật. Đế quốc chỉ phân biệt thần dân thành 3 loại : thuận dân, là những người có thể nói viết được ngôn ngữ của Đế quốc; lương dân, là những người không chống đối Đế quốc, nhưng chưa nói viết được ngôn ngữ của Đế quốc; và nghịch dân, là những người chống đối lại Đế quốc.
Trần Nguyên Hãn ngẫm nghĩ giây lát, đột nhiên nói :
- Vậy thì chúng ta …
Đến đây, bọn Nguyễn Trãi mới phát hiện một vấn đề nghiêm trọng : giao tiếp nói chuyện thì không vấn đề gì, nhưng bọn họ lại trở thành những người mù chữ. Ở Đế quốc, người dân không sử dụng chữ Hán, mà sử dụng một thứ chữ trông giống như những phù hào của các pháp sư thường sử dụng (chữ Latinh do cong cong ngoằn ngèo trông giống phù hào). Bọn Nguyễn Trãi không đọc được thứ chữ này, nên biến thành người mù chữ. Các cửa hiệu, thương điếm, khách sạn, … đều có biển hiệu, nhưng bọn họ không thể đọc được. Cảm giác mù chữ đối với những người có học thức cao như bọn họ thật là khốn khổ. Đặc biệt là khi bọn họ phát hiện đại bộ phận người dân đều biết chữ, bất kể thuộc dân tộc nào. Thế là, bọn họ quyết tâm khi về thuyền phải nhờ chúng thương nhân dạy cho học chữ. Dù sao thì từ nay về sau bọn họ cũng đã trở thành thần dân của Đế quốc rồi. Nếu không đọc viết được văn tự của Đế quốc, bọn họ chỉ có thể kể là thần dân hạng hai - lương dân mà thôi.
Dạo phố một hồi cũng mỏi chân, cả hai quyết định ghé vào hàng quán nào đó bên đường để nghỉ ngơi ăn uống. Đi được mấy bước, cả hai chợt nghe từ một quán trà gần đó có tiếng ca ngâm vọng ra :
“Đất quê ta khi mưa chẳng thấm,
Người quê ta tuy lấm mà vui.
Đất nước ta gian lao mà anh dũng,
Quê hương ta ra ngõ gặp anh hùng.”
Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đưa mắt nhìn nhau, rồi rảo bước đi vào trà quán. Vào bên trong, bọn họ nhìn thấy một trung niên nhân vận thanh y trường bào, tóc cột dây tơ, tay cầm quạt lông, ung dung phe phẩy. Trên chiếc bàn trước mặt có một chiếc khay gỗ, một chiếc phách để gõ nhịp và một bình trà. Qua lời nói của những người trong quán, bọn Nguyễn Trãi biết được đó là thuyết thư nhân, và bọn họ không biết rằng thuyết thư nhân còn là quan viên của Đế quốc, dù chức vị nhỏ, nhưng được Giang Phong đặc biệt trọng thị.
Tìm bàn ngồi xuống, gọi một bình trà và vài món bánh trái, cả hai ngồi yên chờ nghe thuyết thư nhân nói chuyện, sẵn tiện tìm hiểu phong tục phương nam. Ở nơi đất lạ quê người, bọn họ trở nên cẩn thận hơn, không dám mạo muội xen vào những việc không liên quan đến mình.
Thuyết thư nhân nhấp nháp chung trà thấm giọng xong, cầm phách lên gõ nhịp, hắng giọng ngâm rằng :
“Đại Việt xưa,
Có lắm trang tuấn kiệt hùng anh.
Trải mấy ngàn năm lịch sử lừng danh
Biết bao gương oai hùng sáng lạn
Một lòng tranh đấu, gìn giữ cho giang san
Cho nước nhà thịnh trị bình an
Lòng không nề nguy hiểm gian nan
Chỉ mong Tổ quốc bền vững vinh quang.
Xưa kia dân ta lắm điều khổ cực
Dưới quyền thống trị của nước Tàu
Thuở ấy có vị nữ anh hùng họ Trưng
Cùng đứng lên để lo dẹp giặc
Trước là bảo vệ đất nước non sông
Sau quyết tâm rửa hận thù chồng
Hai bà phất cờ cưỡi voi ra trận
Đánh đuổi lũ quân Tàu
Mê Linh từ nay rạng ánh thanh bình
Nước non nhà dứt nạn chiến chinh.”
Mọi người vỗ tay cổ vũ. Nhiều người bỏ tiền vào chiếc khay gỗ trước mặt thuyết thư nhân. Có ai đó nói :
- Đào tiên sinh. Tấu một đoạn nào nói về quê ta đi.
Những người khác đua nhau khen phải. Thuyết thư nhân tươi cười gật đầu, gõ phách ca rằng :
“Chín năm qua,
Xây dựng quê nhà,
Hào hùng thay khúc tráng ca.
Hội An quê ta
Trải chín mùa xuân ngát hương hoa
Trên quê hương sâu nặng nghĩa tình
Thương sao miền đất quê mình
Đã từng bước trưởng thành
Từ sau cuộc chiến tranh
Biết bao mất mát đau thương
Của những năm tháng u buồn
Thuở nơi đây là bãi chiến trường
Một thời tang tóc bởi đao thương.
Chín năm qua ngày hòa bình lập lại
Quê ta chuyển mình cất cánh vươn vai
Hội An phố thị hôm nay
Ước hẹn sáng ngời tương lai.”
Ở trà quán cả buổi, nghe thuyết thư nhân ca ngâm cho đến xế chiều, thấy đã đến giờ phải về thuyền, bọn Nguyễn Trãi mới rời Hội An, ra bến xuống thuyến. Nguyễn Trãi có quan hệ khá tốt với một thương nhân trên thuyền, do đó cả hai liền theo người đó nhờ dạy cho văn tự của Đế quốc. Thứ chữ này đọc sao viết vậy, rất đơn giản, đối với bọn Nguyễn Trãi sẽ chẳng mất nhiều thời gian để có thể đọc viết thông thạo.
Chương 75 : ĐẾN GIA ĐỊNH THÀNH
Thương thuyền tốc độ không nhanh, lại chở nặng, nên mất khoảng 10 ngày mới đến được khu vực Long Sơn. Đi dọc theo bờ biển, từ Hội An Thành (Đà Nẵng ngày nay) đến Long Sơn huyện (Vũng Tàu ngày nay) ước khoảng 1.000 kilômét, do không có nhiều gió nên thuyền chỉ đi được khoảng 100 kilômét mỗi ngày (tính ra chỉ hơn 4 kilômét mỗi giờ, là tốc độ thông thường của các thuyền buồm thời bấy giờ).
Ở tận cùng mũi đất nhô ra ngoài biển của Long Sơn huyện có một pháo đài với nhiều khẩu thần công cỡ lớn, để kiểm soát vịnh Long Sơn, nơi cửa biển của sông Gia Định. Mọi hải thuyền lớn nhỏ muốn vào sông Gia Định đều phải ghé cảng Long Sơn, đến Hải quan ty xin giấy phép xuất nhập quan khẩu. Gia Định là kinh đô của Thần Thánh Đế quốc, nên được kiểm soát nghiêm ngặt hơn những nơi khác.
Thuyền tiến vào vịnh Long Sơn. Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đứng bên ngoài khoang thuyền xem phong cảnh. Thuyền bè ra vào tấp nập, quang cảnh nhộn nhịp khiến cả hai đều kinh ngạc. Nhất là khi nhìn rất nhiều thuyền lớn có đến 6, 7 cột buồm, dài hơn 10 trượng, cả hai đều phải thán phục sự giàu mạnh của Thần Thánh Đế quốc. Đại Việt xưa nay chưa bao giờ có được cảnh này.
Đột nhiên, Trần Nguyên Hãn chỉ về một hướng, bật kêu lên thảng thốt :
- Nhìn kìa !
Nguyễn Trãi vội quay nhìn về hướng đó, và cũng giật mình thất sắc. Trước mắt hai người họ là một chiếc thuyền khổng lồ, thật lớn, cực kỳ lớn, vô cùng lớn. Thuyền của bọn họ ở bên chiếc thuyền đó, chênh lệch quá lớn. Lão thương nhân đang đứng gần đó, thấy hai người như thế, vuốt râu cười nói với vẻ tự hào :
- Đó là Thất Tinh cấp vận hạm, phụ trách vận chuyển lương thực, khí giới cho quân viễn chinh ở Kim Lăng. Thuyền dài 50 trượng, rộng 18 trượng, cao 2 trượng, tải trọng khoảng 1 ức rưỡi cân. Hải quân của Đế quốc còn có Lục Tinh cấp chiến hạm lớn hơn nữa. Và ta còn nghe nói các vị Học sĩ ở Thái Học Viện đang nghiên cứu chế tạo Ngũ Tinh cấp chiến hạm.
Hầu như bất cứ thần dân nào của Đế quốc, khi nhìn thấy những chiến hạm khổng lồ như thế đều cảm thấy tự hào, nhất là khi giới thiệu nó với người lạ. Bọn Nguyễn Trãi liền nhân cơ hội đó, hỏi han về Thần Thánh Đế quốc, về Gia Định Thành.
Khi thuyền cập vào Long Sơn cảng, lão thương nhân bảo :
- Chúng ta ở lại thuyền, đừng lên bến. Thuyền chỉ ghé vào đây giây lát để xin giấy phép xuất nhập quan khẩu, rồi sẽ đi ngay. Đến chiều chúng ta sẽ có thể nghỉ ngơi ở Gia Định Thành rồi.
Nói đến đây, lão chợt vuốt râu tán thán :
- Gia Định Thành là tòa thành tuyệt vời nhất trên thế gian. Trường Thanh Cung cũng là cung điện vĩ đại nhất trên thế gian. Khi nghỉ hưu, ta nhất định sẽ đến Gia Định Thành sinh sống, an dưỡng tuổi già. Ta đã xin được giấy phép định cư ở Gia Định rồi.
Nguyễn Trãi ngạc nhiên hỏi :
- Muốn sinh sống ở Gia Định Thành cũng phải xin phép nữa sao ạ ?
Lão thương nhân vuốt râu cười nói :
- Đương nhiên. Bất kỳ ai muốn định cư ở Gia Định Thành đều phải xin phép. Người lạ sau khi xin phép nhập thành đều chỉ được ở lại không quá nửa tháng. Nếu quá hạn, có lý do chính đáng thì có thể xin gia hạn, bằng không, khi bị phát hiện sẽ bị tống giam đó.
Thuyền chỉ ghé lại Long Sơn cảng ước khoảng nửa canh giờ, sau khi nhân viên của Hải quan ty lên thuyền tra xét xong thì nhổ neo tiếp tục khởi trình, hướng vào sông Gia Định. Trên mặt sông, thuyền bè đi lại tấp nập, thuyền lớn thuyền nhỏ đủ cả. Thủy thủ trên các thuyền có rất nhiều dân tộc, cho thấy thuyền đến từ nhiều địa vực khác nhau.
Đến chiều, thuyền cập cảng Gia Định. Cảng nằm ngay cạnh một khu thương mại sầm uất, trên bến dưới thuyền, cảnh mua bán náo nhiệt vô cùng, hàng hóa xuất nhập liên tục, có gốm sứ, tơ lụa, trà diệp, hương liệu, thủ công mỹ nghệ, lâm sản, hải sản, … Hàng hóa chủng loại phong phú và nhiều vô kể.
Thuyền cập cảng. Trong lúc chúng thương nhân lo tìm đối tác tiến hành mua bán thì Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn tiến thành.
Gia Định Thành được xây dựng sau khi Trường Thanh Cung đã hoàn công, chu vi 100 dặm (tức 40 kilômét, rộng hơn thành Bắc Kinh vốn chỉ có chu vi 24 kilômét), cao 4 trượng, dày từ 4 đến 5 trượng (trên đỉnh và dưới chân tường), cứ cách 50 trượng có một pháo đài, bố trí thần công đại pháo. Thành được xây hoàn toàn bằng gạch và thạch nê, bên trong có cốt sắt (chứ không đắp bằng đất giống như thành Thăng Long; hoặc chỉ có lớp đá mỏng, dày khoảng 0,7 mét ở mặt ngoài như thành Tây Đô của nhà Hồ). Bên ngoài có hộ thành hà rộng 10 trượng, sâu ước 2 trượng. Thành môn quy hô hùng vĩ, thành lâu tráng lệ huy hoàng. Đứng trước thành môn, bọn Nguyễn Trãi không khỏi choáng ngợp, thầm nhủ rằng trên thế gian không có tòa thành nào vĩ đại hơn Gia Định Thành. Trần Nguyên Hãn cảm thán :
- Thật là một tòa thành vĩ đại !
Thăng Long Thành tuy là tòa thành lớn nhất Đại Việt, nhưng so với Gia Định Thành thì giống như huyện thành so với kinh thành - không thể so sánh.
Sau khi trình ‘thông hành chứng thư’ bọn Nguyễn Trãi được thủ thành sĩ binh chỉ đường đến Chính vụ ty đăng ký tạm trú, sau đó cả hai nhập thành. Đi qua thông đạo dưới thành môn, bọn Nguyễn Trãi kinh ngạc khi phát hiện phố thị không chật chội như ở Thăng Long. Đại lộ chính rộng 20 trượng. Những đại lộ nhỏ hơn rộng 10 trượng, 15 trượng ngang dọc như bàn cờ. Xen giữa là những đường phố nhỏ hơn, chỉ rộng 5 trượng, cắt ngang qua các đại lộ. Mặt đường bằng phẳng và sạch sẽ. Phố xa phồn hoa, náo nhiệt nhưng không hề hỗn loạn. Dân chúng sống trong những tòa nhà xây bằng gạch, cao 2, 3 tầng, chỉnh tề sang trọng. Trong thành không hề nhìn thấy những ngôi nhà gỗ xiêu vẹo, cũng không có những con hẻm nhỏ tối tăm của dân nghèo, mà vẫn thường được gọi là bần dân khu.
Trong lúc Nguyễn Trãi mãi ngắm nhìn phố xá, Trần Nguyên Hãn giục :
- Chúng ta đến Chính vụ ty trước đã.
Nguyễn Trãi gật đầu khen phải. Thế là cả hai theo hướng dẫn của sĩ binh ở thành môn mà tìm đến Chính vụ ty. Ở đó, cả hai được quan viên hướng dẫn điền vào một biểu mẫu xin tạm trú, in dấu tay đầy đủ, rồi được cấp giấy phép tạm trú nửa tháng. Sau đó, cả hai hỏi thăm đường, tìm khách sạn thuê phòng nghỉ lại. Ở Thần Thánh Đế quốc, chỉ có khách sạn chứ không có khách điếm.
Sau đó, cả hai bắt đầu đi dạo, tham quan Gia Định Thành, mà mục tiêu đầu tiên là Trường Thanh Cung. Dù không thể vào bên trong, nhưng đi dạo bên ngoài cũng đủ thấy sự vĩ đại của nó. Tường thành của cung điện có chu vi 40 dặm (tức 16 kilômét), quy mô hùng vĩ hơn cả Thăng Long Thành. Giờ đây, cả hai mới nhận thấy lời nói của lão thương nhân trên thuyền quả không sai. Trên thế gian khó tìm được một cung điện nào khác vĩ đại hơn Trường Thanh Cung.
…
Trong lúc Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đi dạo bên ngoài thì Giang Phong ngự trong Tử Tiêu Điện xem báo cáo về những hành động của hai người bọn họ thời gian qua. Do được Lý Tử Tấn tiến cử, Quảng Tế Pháp sư rất trọng thị hai người bọn Nguyễn Trãi, và đã chỉ thị Ám bộ theo dõi hành tông của bọn họ. Lão đã biết trước hai người bọn họ sẽ vào Gia Định, vì sau khi gặp bọn họ, Phạm Thế Căng đã sai người đưa tin về triều. Có điều, hiện tại triều đình không thiếu quan viên, mà Giang Phong cũng không có hứng thú với Bình Ngô Sách, cũng như tư tưởng nho gia của Nguyễn Trãi, nên tạm thời chưa cho triệu kiến, chờ thời gian rèn luyện bọn họ.
Đọc xong báo cáo, Giang Phong mỉm cười nói :
- Gã Nguyễn Trãi này cũng thú vị nhỉ.
Thấy Giang Phong mỉm cười, Quảng Tế Pháp sư biết rằng việc này xem như đã xong. Sau này sẽ có Lý Tử Tấn chiếu cố hai người bọn họ. Quảng Tế Pháp sư lại hỏi :
- Thánh hoàng. Thế vụ việc nô lệ Hán tộc xử lý thế nào ạ ?
Tù binh bắt được từ Minh triều ban đầu đều được sung làm khổ công giống như những tù binh khác. Nhưng giới sĩ phu, quan lại Hán tộc vốn bị tư tưởng nho gia hun đúc lâu năm, không chịu yên phận mà thường xuyên sinh sự thị phi, khiến các trại khổ công không thể nào yên tĩnh được. Giang Phong tức giận, đã truyền chỉ biến bọn họ thành nô lệ. Nghe nhắc đến việc đó, Giang Phong khẽ cau mày, ngẫm nghĩ giây lát, rồi nói :
- Nữ thì bán trong nước, còn nam thì bán sang Âu châu.
Âu châu hơn 50 năm trước đã trải qua một trận đại dịch ‘Cái chết đen’ làm dân số giảm gần một nửa, do đó đang rất cần lao động lực, và nam nô lệ là một lựa chọn khả thi. Còn nữ nô lệ là sinh sản lực, có thể giúp dân số của Đế quốc tăng thêm, nên sẽ không bán ra nước ngoài. Một nam ba nữ mỗi năm có thể sinh ba người con, nhưng một nữ ba nam mỗi năm chỉ có thể sinh được một người con mà thôi. Vì thế, tỉ lệ sinh nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào số phụ nữ (đương nhiên đối với trường hợp đàn ông vô sinh là ngoại lệ).
Chương 76 : SỨ GIẢ CỦA NAPOLI
Ngoài các vụ trên, kỳ này lại còn xảy ra nhiều việc khác. Quảng Tế Pháp sư tiếp tục bẩm tấu :
- Khải tấu Thánh hoàng. Các tướng quân Hồi giáo ở Syria, phía bắc Jerusalem, xứ A Lạp Bá, dâng biểu xin thần phục bản triều và xin thành lập các tiểu quốc Hồi giáo. Thỉnh Thánh hoàng định đoạt.
Trước đây các xứ Syria (thời trước thế kỷ 20 gồm cả Lebanon), Jerusalem (gồm cả Israel, Jordan, Palestine) đều thuộc về vương quốc Hồi giáo Mamluk ở Cairo. Nhưng sau khi Đế quốc chiếm giữ bán đảo Sinai và Jerusalem thì vương quốc Hồi giáo Mamluk bị chia thành 3 phần : phần Cairo và Thượng Ai Cập thuộc quyền kiểm soát của Al Muayyad Sayf Ad Din Tatar, quốc vương hiện tại của vương triều Mamluk; khu vực Alexandria và vùng tây bắc Ai Cập thuộc quyền kiểm soát của Al Adil Al Musta' in Billah, quốc vương bị lật đổ năm Nhâm Thìn (1412), chạy thoát đến Alexandria; và đất Syria (bị tách rời khỏi Ai Cập bởi bán đảo Sinai và Jerusalem) do các tướng lĩnh Mamluk tự cai quản, có khuynh hướng chuyển đổi thành các tiểu quốc Hồi giáo giống các xứ Somali và Yemen gần đó. Sau một thời gian chuẩn bị, đến lúc này, các tướng quân ở Syria đã dâng biểu cầu phong, mong muốn trở thành tiểu vương Hồi giáo.
Giang Phong ngẫm nghĩ giây lát, rồi phán :
- Cắt phần Tripoli khỏi Jerusalem, thành lập tỉnh Tripoli, gồm cả các xứ Syria.
Quảng Tế Pháp sư cung kính lĩnh chỉ. Điều đó có nghĩa là các khu vực thuộc Syria trở thành một tỉnh riêng, với vùng ven biển, gồm Tripoli (nay thuộc Lebanon, trước đó có thời gian là tiểu quốc Tripoli của các Hiệp sĩ Thập tự chinh cho đến khi bị người Ai Cập chiếm giữ) và các vùng lân cận do Đế quốc kiểm soát; khoảng 90% diện tích còn lại sẽ do các tướng lĩnh Mamluk tự cai quản với các tiểu quốc Hồi giáo của mình. Thể chế ở đây sẽ giống với 2 tỉnh Somali và Yemen ở gần đó.
Tiếp đó, Quảng Tế Pháp sư lại tâu :
- Khải tấu Thánh hoàng. Việc tuyển mỹ nữ nhập cung nên xử lý thế nào ạ ?
Trong cung quá trống vắng không có lợi cho quốc vận, các vị văn võ đại thần đều nghĩ vậy, nên cuối cùng Giang Phong cũng đã chấp thuận tuyển mỹ nữ nhập cung. Có điều tuyển thế nào, quy mô ra sao, phạm vi tuyển, … còn chờ định đoạt. Giang Phong hỏi :
- Ý quần thần thế nào ?
Quảng Tế Pháp sư tâu :
- Khải tấu Thánh hoàng. Để cho công bằng, chúng thần nghĩ nên tuyển trong phạm vi toàn quốc, chia đều cơ hội cho các tỉnh. Hơn nữa, để khỏi mang tiếng kỳ thị, mọi dân tộc đều tuyển. Nếu như có ai không hợp thánh ý thì vẫn có thể cho làm phổ thông cung nhân, hoặc ban cho những ai có công. Dù sao thì cũng đều là mỹ nữ cả.
Giang Phong trầm ngâm giây lát, đoạn phán :
- Tuyển mỗi tỉnh một người. Các nước chư hầu vẫn có thể tham gia. Không giới hạn dân tộc.
Quảng Tế Pháp sư tâu :
- Hiện tại bản triều có 95 tỉnh; cộng thêm các xứ Đông Doanh, Mông Cổ xin lấy thêm 5 người nữa cho đủ 100.
Giang Phong bằng lòng. Tuyển chẵn 100 cho may mắn. Số 100 xưa nay vẫn là số hên. Nhân sinh bách tuế, bách niên giai lão, bách quan, bách tính, Bách Việt, … Nghe nói cả nước có đến 95 tỉnh, Giang Phong cũng không ngờ, liền lấy sổ sách ra xem lại. Bọn Quảng Tế Pháp sư chia tỉnh tùy theo khu vực, lớn nhỏ khác nhau. Lớn nhất là Minh Châu (Úc), nhỏ nhất là Đài Loan (gồm cả Lưu Cầu). Tổng cộng 95 tỉnh, kể luôn Tripoli.
Xong việc tuyển mỹ, Quảng Tế Pháp sư lại tâu :
- Khải tấu Thánh hoàng. Hôm qua thần nhận được tin báo của Hồng Long Phân hạm đội Đô đốc Tôn Lương. Tôn Đô đốc bảo rằng sắp tới có Louis Đệ Tam của Napoli theo vận thuyền của phân hạm đội đến Gia Định, có việc muốn thương lượng với bản triều.
Giang Phong ngạc nhiên hỏi :
- Y đến có việc gì ?
Quảng Tế Pháp sư tâu :
- Khải tấu Thánh hoàng. Theo tin tức thu được, vị Louis Đệ Tam đó trên danh nghĩa là Quốc vương của Napoli, nhưng ngôi vua đã bị người khác chiếm mất. Bắt đầu từ khoảng 40 năm trước đến giờ, ngôi vua của xứ Napoli này rất hỗn loạn và phiền nhiễu. Khi đó, nữ vương John Đệ Nhất không có con, đầu tiên chọn em họ của mình là Charles của Durazzo làm người thừa kế. Nhưng sau đó, giữa hai người nảy sinh xích mích, xem nhau như kẻ thù, nên John Đệ Nhất đã chọn Louis Đệ Nhất làm người thừa kế. Có điều chẳng bao lâu sau, Charles đem quân tấn công, bắt giam John, tự lên ngôi vua của Napoli và sau đó giết chết John trong tù. Louis Đệ Nhất đã mấy lần dẫn quân về giành lại ngôi vua, nhưng đều không thành công. Khi Charles qua đời thì con là Ladislas lên kế vị, nhưng vì còn nhỏ nên mất ngôi, bị trục xuất. Con trai của Louis Đệ Nhất là Louis Đệ Nhị lên kế vị, cũng chỉ được 3 năm thì bị Ladislas lật đổ. Khoảng 5 năm trước, Louis Đệ Nhị lại đem quân về giành lại ngôi vua, nhưng thất bại. Ladislas vừa mới mất năm nay, ngôi vua truyền cho chị của y là John Đệ Nhị. Louis Đệ Nhị không cam tâm nên mới phái trưởng tử là Louis Đệ Tam đi sứ sang bản triều. Bọn họ muốn tìm ngoại viện. Louis Đệ Tam hiện tại mới 11 tuổi. Khi tin tức truyền về triều, có lẽ bọn họ đã đến Tích Lan.
Giang Phong hỏi :
- Tình thế xứ đó thế nào ?
Quảng Tế Pháp sư tra duyệt tư liệu một hồi lâu, rồi mới chỉ lên trên địa đồ, tâu :
- Khải tấu Thánh hoàng. Phía tây các xứ A Lạp Bá là Địa Trung Hải. Bán đảo La Mã nằm ngay giữa Địa Trung Hải, một đầu nối vào bờ phía bắc. Ở trung tâm bán đảo có thành La Mã, là lãnh địa của vị giáo chủ Cơ Đốc giáo La Mã. Phía nam bán đảo là vương quốc Napoli. Phía dưới vương quốc Napoli có một hòn đảo lớn, là Sicily, trước kia cũng là một vương quốc độc lập, nhưng giờ đây là thuộc địa của vương quốc Aragon ở bờ tây bắc Địa Trung Hải. Ngoài ra trên bán đảo còn có rất nhiều công quốc, lãnh địa lớn nhỏ khác như Florence, Genoa, Venice, … Chiến tranh xảy ra liên miên. Thậm chí hiện tại Cơ Đốc giáo La Mã còn có đến 3 vị giáo chủ ở Avignon, Bolonia và La Mã. Cả 3 đều tuyên bố là chính thống.
Giáo Hoàng là cách dịch sai của người Tàu, rồi người Việt lấy dùng. Người Tàu biết đến Thiên Chúa rộng rãi nhất có lẽ là thời kỳ Thái Bình Thiên Quốc. Hồng Tú Toàn tự xưng là người đại diện của Thiên Chúa ở nhân gian, rồi xưng Thiên Vương. Có lẽ người Tàu cho rằng Đức Cha ở La Mã phải có địa vị tôn quý hơn, nên phải gọi là Giáo Hoàng. Thật ra ở châu Âu chưa bao giờ sử dụng danh hiệu có nghĩa là Giáo Hoàng. Danh hiệu chính thức của Ngài là Giám mục La Mã, mục tử đoàn chiên chúa, và được gọi một cách tôn kính là Papal hay Pope, dịch đúng nghĩa phải là Đức Cha, người Việt còn gọi là Đức Thánh Cha (thời kỳ Trung Cổ, ở miền trung nước Ý có Papal States – nước của Đức Cha). Vào khoảng đầu thế kỷ 15 này, ngay cả ở Trung Hoa cũng chưa có cách gọi ‘Giáo Hoàng’. Người Hán, người Việt thường gọi người đứng đầu các giáo phái là ‘giáo chủ’ : giáo chủ Bạch Liên giáo (Minh giáo hay Hỏa giáo), giáo chủ Thiên Sư giáo (Đạo giáo), … Do đó trong truyện sẽ sử dụng từ ‘giáo chủ’ cho phù hợp với hoàn cảnh. Khi nói đến ‘giáo chủ của Cơ Đốc giáo La Mã’ tức là nói đến ‘Giáo Hoàng’, còn ‘giáo chủ của Cơ Đốc giáo Phương Đông’ tức là chỉ ‘Thượng phụ giáo chủ của Chính Thống giáo’.
Giang Phong ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi phán :
- Napoli cũng chỉ là một tiểu quốc, khi tiếp đãi chỉ cần sử dụng lễ tiết như với các phiên chủ của Đông Doanh, tộc trưởng của Mông Cổ hay tiểu vương Hồi giáo, tương đương hầu tước của bản triều.
Ý bản thân chưa phải là một nước lớn (chỉ tính phần bán đảo), đằng này Napoli chỉ là phần phía nam của Ý, dù xưng là vương quốc thì đối với Đế quốc cũng chỉ là tiểu vương. Hơn nữa, cha con Louis nhà Valois chỉ là vua của Napoli trên danh nghĩa, ngai vàng đã bị cướp mất hơn 20 năm nay.
…
Những người mà bọn Giang Phong nói đến lúc này đã đến được Tân Thành, một thành thị nằm trên một hòn đảo ở ngay mũi đất cực nam của Mã Lai bán đảo. Louis Đệ Tam do còn nhỏ nên có một vị lão thần là Ferdinand Caracciolo đi cùng, với một số cận vệ. Bọn họ chỉ đi nhờ vận thuyền của Hồng Long phân hạm đội đến Tích Lan, rồi theo thương thuyền để đến Gia Định. Hôm nay, thương thuyền ghé lại Tân Thành, và bọn họ quyết định tiến thành tham quan.
Bọn họ đầu tiên đi dạo một vòng thành thị, để Louis Đệ Tam và Ferdinand Caracciolo tìm hiểu phong tục của Thần Thánh Đế quốc. Tân Thành, có thể nhiều người không nhớ được tên này, nó chính là hòn đảo Singapore nằm trong eo biển Malacca, và cũng là đất nước Singapore (Tân Gia Ba). Tân Thành không có tài nguyên để phát triển, nhưng nằm ngay trên Hoàng kim hải đạo, là căn cứ hậu cần của những tàu thuyền đi trên tuyến hải vận Đông – Tây, nhờ vậy mà kinh tế rất phát triển, nhất là thương mại, đặc biệt phồn vinh. Nhiều thương thuyền đến từ A Lạp Bá, để tiết kiệm thời gian đi lại, chỉ đi đến đây, bán hàng hóa của phương tây, rồi mua đặc sản của phương đông chở về.
Chương 77 : THAM QUAN TÂN THÀNH
Lại nói, bọn Louis Đệ Tam và Ferdinand Caracciolo đi tham quan Tân Thành để tìm hiểu phong tục của Thần Thánh Đế quốc. Đây là lần đầu tiên bọn họ đi ra ngoài Âu châu, nên nhìn gì cũng thấy mới lạ. Louis Đệ Tam sau khi quan sát một hồi, bỗng nói :
- Caracciolo. Ta thấy ở đây không hề có người nghèo nha. Thần Thánh Đế quốc quả là giàu có !
Ferdinand Caracciolo nói :
- Thiếu chủ. Nghe nói ở Thần Thánh Đế quốc, người nghèo chỉ sống ở các vùng nông thôn mà thôi. Sống ở thành thị đều là người giàu có cả. Còn Thần Thánh Đế quốc giàu có là sự thật. Quốc thổ quá rộng lớn, tài nguyên quá sung túc, hàng hóa quá phong phú mà. Nghe nói ở Thần Thánh Đế quốc bấy lâu nay không hề xảy ra nạn đói.
Một lão nhân đi cùng bọn họ chợt góp lời :
- Ta còn nghe nói khoảng 2 năm trước, vương quốc Vijayanagara ở nam Thiên Trúc đã cống hiến cho triều đình Thần Thánh Đế quốc 1.600 vạn kim tệ. Ta không thể tưởng tượng nổi số vàng đó phải chở bao nhiêu thuyền mới hết. Như thế của đủ thấy Thần Thánh Đế quốc giàu đến mức nào !
Ferdinand Caracciolo giật mình hỏi :
- Nhiều đến thế ư ?
Lão nhân này xem ra có vẻ là đại nhân vật, bí mật đi theo sứ đoàn, bởi xem thái độ của Ferdinand Caracciolo đối với lão cũng không thua đối với thiếu chủ của mình. Lão nhân gật đầu bảo :
- Đúng thế. Ngoài ra hàng năm các tỉnh đều tiến cống vô số tài bảo về Gia Định. Nghe nói Gia Định Thành là tòa thành thị vĩ đại nhất thế giới. Ở đó lại có tòa cung điện vĩ đại nhất mọi thời đại.
Louis Đệ Tam vẫn chưa có khái niệm rõ ràng về kim tệ, nên hỏi :
- 1.600 vạn kim tệ là bao nhiêu ?
Ferdinand Caracciolo giải thích :
- Thiếu chủ. Kim tệ nặng hơn florin một chút. Tỷ lệ quy đổi phổ biến là 11 florin đổi được 10 kim tệ. Như vậy 1.600 vạn kim tệ tương đương 17.600.000 florin.
Florin là đơn vị tiền tệ của Ý, và được sử dụng phổ biến khắp châu Âu vào thời Trung Cổ, trở thành đồng tiền chung của toàn châu Âu thời bấy giờ (đơn vị tiền tệ trong game ‘Medieval : Total War’ cũng là florin). Florin ban đầu là đồng tiền vàng của nước cộng hòa Florence, nên được gọi là florin. Florence là trung tâm thương mại và tài chính của châu Âu vào lúc đó, các ngân hàng của Florence có chi nhánh ở khắp châu Âu, do đó florin trở nên thông dụng. Các nước khác ở châu Âu sau này đúc đồng tiền vàng cũng theo quy cách của florin và cũng gọi là florin, chỉ có hình và chữ trên đồng tiền là khác. Mỗi florin tiêu chuẩn nặng 54 grain vàng (tức khoảng 3,5 gam). Một lượng vàng nặng 37,5 gam. Như vậy, 10 kim tệ = 1 lượng vàng = 37,5 gam; còn 11 florin = 38,5 gam. Lấy florin đổi kim tệ phải chịu thiệt một ít, bởi vì sau đó Đế quốc còn phải mang florin đúc lại thành kim tệ, phải tốn thêm chi phí. Ở Thần Thánh Đế quốc chỉ được phép sử dụng kim tệ trong giao dịch, vì vậy mà các thương nhân phương tây cũng đã dần dần có thói quen sử dụng kim tệ, để mua bán với thương nhân của Thần Thánh Đế quốc được thuận tiện hơn. Hiện tại, do chiến tranh ở phương bắc, ‘Con đường Tơ lụa’ trên bộ đã trở nên rất nguy hiểm, thương mại đường biển trở thành lựa chọn hàng đầu của thương nhân phương tây. Ngoài ra, Trung Hoa chiến loạn, sản xuất đình đốn, thương nhân chỉ có thể mua hàng hóa của Thần Thánh Đế quốc mà thôi.
Louis Đệ Tam cả kinh nói :
- Nhiều đến thế ư ? Với số tiền đó, có thể mua được bao nhiêu là lãnh địa.
Lão nhân nói :
- Thần Thánh Đế quốc không có chuyện mua bán lãnh địa. Toàn bộ quốc thổ đều thuộc về Hoàng đế.
Louis Đệ Tam nói :
- Lúc đi qua Hồng Hải, chẳng phải chúng ta thấy có vô số tiểu quốc hay sao ? Kể cả vùng bắc Jerusalem cũng vậy. Các tiểu vương ở đó đều nhận mình là thần tử của Thần Thánh Đế quốc.
Lão nhân nói :
- Một số vùng xa xôi tuy có phong đất cho quý tộc, thành lập các vương quốc, công quốc, … Nhưng những lãnh địa đó vẫn thuộc về Hoàng đế. Một khi bọn họ làm cho Hoàng đế không hài lòng thì lãnh địa có thể bị thu hồi. Các lãnh địa không có người thừa kế cũng sẽ bị thu hồi. Ở Thần Thánh Đế quốc, Hoàng đế là Thần, có quyền tối thượng.
Louis Đệ Tam nói với vẻ âu lo :
- Như thế quý tộc của Thần Thánh Đế quốc không thể đảm bảo được tài sản của mình ư ? Lãnh địa của bọn họ có thể bị thu hồi bất kỳ lúc nào, chỉ cần Hoàng đế không hài lòng !
Lão nhân nói :
- Vấn đề là Thần Thánh Đế quốc quá hùng mạnh, kháng cự chỉ có thể bị diệt vong. Hơn nữa, so với các quý tộc ở La Mã, quý tộc ở Thần Thánh Đế quốc an định và phú túc hơn nhiều. Chỉ cần đừng làm điều gì khiến Hoàng đế bất mãn thì chẳng sao cả. Với lãnh thổ quá rộng lớn, nếu như đừng làm gì quá đáng thì triều đình cũng không rảnh mà hỏi đến.
Nói đến đây, lão quay sang một trung niên nhân bên cạnh, hỏi :
- Dayan. Có phải thế không ?
Trung niên nhân là người Âu, nhưng lại vận y phục theo kiểu của Thần Thánh Đế quốc. Y là người Do Thái, tên đầy đủ là David Ben Dayan, trước đây sống ở miền bắc Ý Đại Lợi bán đảo, gần công quốc Milan. Sau vì muốn tránh bị kỳ thị mà cùng những người Do Thái khác di cư đến Jerusalem, trở thành thần dân của Thần Thánh Đế quốc. Do gia cảnh giàu có, lại giỏi việc thương mại, y đã mua một chiếc thương thuyền, hoạt động trên tuyến hải vận Gia Định – Sinai. Lão nhân kia có quen biết y lúc còn ở Ý, nên đã theo thuyền của y đến Gia Định. Giờ đây, đã là thần dân của Thần Thánh Đế quốc, theo như dân gian thường gọi là ‘cao nhân nhất đẳng’, y không cần cung kính đối đãi bọn Louis Đệ Tam như trước kia nữa. Trước đây, khi đối diện lão nhân kia, y còn phải quỳ xuống lạy chào, bởi ở Ý, thậm chí ở cả Âu châu, lão có thân phận rất tôn quý. Lão chính là George Đệ Nhất, Vương tử - Giám mục của Trento, một lãnh địa ở bắc Ý, hiện tại là chư hầu của Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức (Đế quốc La - Đức, gồm miền bắc Ý, Đức, Áo và một số quốc gia đông Âu khác). Lão sang Gia Định có hai nhiệm vụ chính : một cho giáo hội, tìm kiếm sự ủng hộ cho Công đồng Constance trước sự uy hiếp của Ladislas (vua thực tế của Napoli, mấy năm trước đã đánh chiếm Roma, đánh đuổi giới lãnh đạo của giáo hội); một cho bản thân mình, do Trento đang bị đe dọa chiếm đóng bởi quân đội Áo – Tyrolese (của Frederick Đệ Tứ, Công tước Áo, Bá tước Tyrol).
Nghe hỏi, y điền đạm nói :
- Đúng thế. Cuộc sống ở Đế quốc an định và phú túc hơn nhiều. Cũng có rất nhiều tiện nghi để hưởng thụ cuộc sống. Ngay cả một thương nhân như ta cũng còn được hưởng thụ tốt hơn công tước, hầu tước ở Âu châu. Ở Đế quốc, không ai bị kỳ thị vì sắc tộc hay tôn giáo, chỉ phân biệt thái độ đối với Đế quốc, thần phục hay chống đối mà thôi.
Louis Đệ Tam than :
- Đúng thế. Ở chỗ ta chẳng có gì khác để giải trí ngoài yến tiệc và khiêu vũ. Ngày ngày cứ như thế, sinh hoạt chẳng còn có hứng thú gì nữa.
Ferdinand Caracciolo nói :
- Thiếu chủ. Còn có đua ngựa và đấu kiếm nữa nha.
Louis Đệ Tam lắc đầu nói :
- Hai trò đó ta đâu có tham gia được.
Louis Đệ Tam mới 11 tuổi, nên chưa thể tham gia hai trò nguy hiểm đó. David Ben Dayan nghe thế, cười nói :
- Nếu các vị có hứng thú thì ta xin mời các vị cùng đi thưởng thức một trò giải trí của Đế quốc.
Louis Đệ Tam nghe nói, hai mắt sáng rỡ, vội gật đầu nói :
- Phải đó. Chúng ta đi thôi.
Cả bọn theo David Ben Dayan đi về hướng đông bắc của thành thị. Trên đường đi, David Ben Dayan chỉ những tờ giấy lớn dán trên các bức tường, vẽ những hình ảnh nhiều màu sặc sỡ rất bắt mắt, nói :
- Đó là quảng cáo cho trận đấu sắp diễn ra ?
Louis Đệ Tam ngạc nhiên hỏi :
- Quảng cáo là gì ?
David Ben Dayan giải thích :
- Tức là giới thiệu về trận đấu, cổ động mọi người đi xem. Quảng cáo sẽ giúp nhiều người biết về thứ được quảng cáo hơn. Ví dụ như ta mang đặc sản từ Âu châu đến đây bán, nhưng người ở đây chẳng mấy ai biết đến, lúc đó ta có thể thuê quảng cáo để giới thiệu hàng hóa của mình cho mọi người biết. Quảng cáo có nhiều loại : có thể là dán tranh ảnh như thế này, cũng có thể thuê người đi khắp các đường phố mà rao hàng, giới thiệu, …
(chú : tên của giới quý tộc Âu châu thường có ‘Đệ Nhất’, ‘Đệ Nhị’, … đi kèm để phân biệt với tổ tiên họ khi trùng tên. Người Việt hiện giờ cũng có không ít người có tên trùng với tên của ông bà, còn nếu như xét đến mấy trăm năm hoặc nghìn năm trước, có lẽ ai cũng sẽ bị trùng tên với một vị tổ tiên nào đó. Quý tộc Âu châu truyền thừa mấy trăm năm, thậm chí cả nghìn năm, nên trùng tên là rất phổ biến. Ví dụ Hoàng đế đầu tiên của Đế quốc Byzantine (330 – 1453) là Constantine I, và Hoàng đế cuối cùng là Constantine XI, giữa họ còn có 9 vị Constantine khác. Cho đến thời hiện đại, nhiều người Âu Mỹ trong tên gọi vẫn có số thứ tự kèm theo, ví dụ như Bill Gates của Microsoft, có tên đầy đủ là William Henry Gates III).
Chương 78 : TÂN THÀNH VẬN ĐỘNG TRƯỜNG
Lại nói, sau khi nghe David Ben Dayan giải thích về quảng cáo, Louis Đệ Tam lại hỏi :
- Trận đấu gì thế ?
David Ben Dayan nói :
- Túc cầu, một môn thi đấu rất được người dân Đế quốc ưa thích. Môn này đối kháng khích liệt, rất phù hợp với tinh thần thượng võ của người dân. Và môn này cũng thích hợp cho cả quý tộc và bình dân. Quý tộc thường tự tổ chức một đội túc cầu, thi đấu với những đội khác, giành lấy vinh dự. Còn bình dân thì xem thi đấu hoặc tham gia thi đấu.
Nói đến đây, y chỉ về phía một kiến trúc quy mô lớn ở phía trước, bảo :
- Đến rồi. Kia chính là Tân Thành Vận động trường, nơi tổ chức các sự kiện thi đấu diễn ra tại Tân Thành quận.
Tiếp đó mỗi người bỏ ra 10 ngân tệ để mua vé vào bên trong. Ở Vận động trường có 3 loại vé : Quý tân phòng, 10 kim tệ (được ngăn thành từng phòng riêng, có bàn ghế, trà kỷ, …); Quý tân khu, 10 ngân tệ, khu vực dành riêng cho giới giàu có; và Phổ thông khu, 10 đồng tệ, dành cho bình dân bách tính. Không phải bọn Louis Đệ Tam không muốn mua vé loại 1, nhưng vì không còn, đành phải chấp nhận vé loại 2. Sau đó, cả bọn vào trong, đến khu vực ghi trên vé. Cũng may là khu vực này chuyên dành cho giới giàu có, và cũng có không ít quý tộc ở đấy (số lượng Quý tân phòng có hạn, không phải ai cũng mua được vé loại 1), nên bọn Louis Đệ Tam cũng không cảm thấy khó chịu.
Túc cầu là một môn thể thao rất phổ biến ở thế giới của Giang Phong trước khi xuyên việt đến đây. Mấy năm trước, Giang Phong nhận thấy dân chúng thiếu thốn giải trí, sinh hoạt rất buồn chán, mà ‘nhàn cư vi bất thiện’, do đó Giang Phong đã cho phổ biến những môn thể thao có thể phổ biến được, để thần dân có nơi giải trí, phát tiết phần tinh lực vượng thịnh trong những lúc rảnh rỗi, trong đó có môn túc cầu. Môn túc cầu không cần điều kiện gì đặc biệt, chỉ cần một khoảng đất trống làm sân thi đấu là được, đương nhiên những trận đấu chính thức sẽ được tổ chức trong các Vận động trường. Vấn đề lớn nhất đối với túc cầu là ‘cầu’ (trái bóng). Thời này không có cao su. Bên Tàu trước đây làm cầu bằng bố hoặc vải (ngay thời Tống đã rất được giới quyền quý ưa thích, Cao Cầu nhờ giỏi đá cầu mà được làm quan lớn). Cầu bằng bố thì đàn hồi tốt, nhưng vì đặc ruột nên nặng, phải có sức lực mạnh mẽ mới đá được, mà cũng không thể đá xa, chỉ thích hợp giới quân nhân, võ sĩ. Cầu bằng vải thì nhẹ hơn, nhưng chỉ thích hợp đá bổng, đá qua đá lại trên cao. Giang Phong nhớ rằng có một môn thể thao gọi là cầu mây, liền cho người dùng mây đan thành cầu, bên ngoài bọc vải, sau nhiều phen nghiên cứu đã tạo ra được trái cầu rỗng ruột, đàn hồi tốt. Môn này được dân chúng đặc biệt ưa thích, chỉ sau vài năm là đã phổ biến ra toàn Đế quốc, từ thành thị cho đến thôn quê đều xuất hiện vô số các đội túc cầu.
Túc cầu đã trở thành một môn thể thao có quy mô toàn Đế quốc, nên cũng có một hệ thống các giải thi đấu hoàn chỉnh. Các đội túc cầu tùy thực lực mà được phân thành 3 hạng : nhất đẳng, nhị đẳng, tam đẳng. Dưới nữa là nghiệp dư đội, không được xếp hạng. Mỗi hạng đều có các giải vô địch, được tổ chức hàng năm. Các đội lấy tỉnh làm đơn vị, cùng thi đấu với nhau, để thăng hạng hay xuống hạng. Mỗi tỉnh, nhất đẳng có 8 đội, mỗi năm có 2 đội xuống hạng; nhị đẳng có 12 đội, tam đẳng có 16 đội, mỗi năm đều có 2 đội thăng hạng và 2 đội xuống hạng. Mỗi 4 năm sẽ tổ chức giải vô địch toàn Đế quốc, vòng chung kết tổ chức ở Gia Định Thành, khiến cho các đội có thêm động lực phấn đấu.
Sự thật thì 3 năm trước, giải vô địch túc cầu toàn Đế quốc lần thứ nhất được tổ chức với quy mô cực kỳ hoành tráng, làm chấn động cả Đế quốc. Nhất là khi đội vô địch cùng một số nhân vật biểu hiện xuất sắc, được Giang Phong triệu kiến, cho tham gia yến tiệc ở Trường Thanh Cung. Sau đó còn phong tước quý tộc cho 1 số người (đương nhiên chỉ là tiểu quý tộc, chỉ có danh vị, chẳng có bổng lộc gì), làm cho những người giàu có nhưng chưa phải là quý tộc càng thêm phong cuồng. Quý tộc tuy chỉ là danh vị, nhưng giữa quý tộc và bình dân bách tính thân phận khác xa nhau rất nhiều. Ở đâu cũng vậy, quý tộc vẫn luôn tôn quý, vẫn là mục tiêu mà nhiều người hướng đến. Và ở Thần Thánh Đế quốc, còn có nhiều nơi, nhiều trò giải trí chỉ dành riêng cho giới quý tộc tham gia.
Đối với những việc đó, Giang Phong xem trọng nhất là lợi ích xã hội. Các giải vô địch toàn Đế quốc mỗi 4 năm tổ chức 1 lần không chỉ giúp các địa phương có thêm cơ hội tương hỗ giao lưu, mà còn tăng cường khái niệm quốc gia trong thần dân của Đế quốc.
Tân Thành Vận động trường, 1 vạn chỗ ngồi gần như kín chỗ. Bọn Louis Đệ Tam ngồi ở khán đài phía đông, nhìn cảnh náo nhiệt của Vận động trường, không khỏi giật mình. Tân Thành chỉ có chưa đến 10 vạn cư dân, tính ra đã có 1 phần 10 cư dân trong thành đến đây xem thi đấu. David Ben Dayan đã xem qua nội dung quảng cáo, liền giải thích :
- Hôm nay là trận đấu quan trọng giữa đội Vương thị của quận Tân Thành và đội Cơ Long liên minh của quận Cát Long Pha. Kết quả trận đấu này có ảnh hưởng lớn đến thứ hạng của các đội tại giải vô địch túc cầu tỉnh Cát Long Pha năm nay. Chỉ có 2 đội đứng đầu mỗi tỉnh mới có cơ hội tham gia vòng sơ tuyển của giải vô địch túc cầu toàn Đế quốc tổ chức vào năm tới.
Cơ Long, tức Klang, là tên sông và tên thung lũng ở Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia, nơi có nhiều mỏ khai thác thiếc. Sau khi cầu viên của hai đội xuất trường, cả Vận động trường trở nên náo nhiệt hẳn lên. Tất cả từ cầu viên, cho đến chủ cầu đội đều hy vọng có thể tiến kinh, danh dương thiên hạ. Cư dân bản địa cũng hy vọng cầu đội của địa phương mình có thể tiến kinh, để chứng tỏ địa phương mình hơn hẳn các địa phương khác. Thể diện, đối với cá nhân hay tập thể đều rất quan trọng. Đôi khi, con người cũng có thể vì thể diện mà bất kể tính mạng.
Sau tiếng còi khai cuộc, trận đấu bắt đầu. Thật tế thì luật lệ thi đấu của túc cầu được Giang Phong bê hoàn toàn luật lệ của hậu thế ra áp dụng (đương nhiên chỉ những gì Giang Phong nhớ được), sau đó tùy tình hình mà cải tiến cho phù hợp với thời đại bấy giờ. Sau gần 5 năm phổ biến, các luật lệ đã rất hoàn thiện.
Trên sân, trận đấu nhanh chóng kịch liệt hẳn lên. Vì là đội chủ nhà, Vương thị đội có lực lượng cổ động viên rất đông đảo. Tiếng hò reo cổ vũ trên khán đài không lúc nào dứt. Tuy vậy, Cơ Long liên đội cũng không hề kém. Do nhiều hào tộc ở Cát Long Pha liên hợp thành lập, thực lực của Cơ Long liên đội cũng vào hàng đầu cả tỉnh. Cả hai đội đều do hào tộc đầu tư, dụng nhiều tiền của chiêu mộ các hiệp khách giang hồ tham gia thi đấu, nên năng lực vượt hơn phổ thông cầu đội rất nhiều.
Hiệp khách giang hồ nguyên bản là những người ưa ẩu đả, thích đánh nhau, và đại đa số là loại du thủ du thực, không có sinh kế chính đáng, thường làm những việc phạm pháp (giết người, bảo kê, buôn lậu, …). Giới giang hồ được các tiểu thuyết kiếm hiệp tuyên dương, ca ngợi, nhưng thực ra so với giới xã hội đen thời hiện đại cũng chẳng hơn gì. Từ thời xa xưa đã có câu : “Hiệp dĩ võ phạm cấm”, cũng đủ thấy giới hiệp khách giang hồ thường bị các triều đại phong kiến đặt ra ngoài vòng pháp luật. Nhất là đặc điểm mỗi khi có xích mích liền chém giết lẫn nhau, rất bị quan phủ phản cảm.
Hiện tại khác hơn rồi. Phần lớn hiệp khách giang hồ đã bị triều đình ‘gián tiếp’ chiêu an, cấp cho bọn họ cơ hội hoàn lương. Mặt khác triều đình cũng tăng cường đả kích những kẻ ngoan cố. Nhất lưu, nhị lưu hiệp khách thì có thể tổ chức tiêu cục, lấy việc bảo hộ các thương đội làm sinh kế. Đế quốc có thương mại rất phát triển, bọn họ không sợ thiếu việc làm. Đại hiệp thì có thể gia nhập quân đội, trở thành tướng lĩnh, quân quan. Còn tam lưu, bất nhập lưu hiệp khách thì có thể tham gia các môn thể thao đòi hỏi nhiều thể lực, kiểu như túc cầu. Thành ra hiện tại ở Đế quốc hầu như chẳng còn ai dám xưng là dân giang hồ nữa. Nếu không, chẳng bao lâu sao là sẽ bị lực lượng tinh nhuệ của Đế quốc truy sát, không có chốn dung thân.
Tóm lại, cầu viên của các hào môn cầu đội đa phần có xuất thân hiệp khách giang hồ, bởi bọn họ nhiều năm tập võ, thân thể bền bỉ, lực lượng mạnh mẽ, tốc độ nhanh chóng, khi đá cầu có ưu thế hơn hẳn những người bình thường. Các hào tộc khi tổ chức cầu đội cũng ưa thích tuyển mộ những người như thế. Cầu viên nếu có năng lực xuất sắc còn có thu nhập cao. Vừa được danh, vừa được lợi, nên nghề cầu viên rất được nhiều hiệp khách hoàn lương ưa thích.
Chương 79 : KHÍCH LIỆT ĐỐI KHÁNG
Lại nói, sau tiếng còi khai cuộc, trận đấu trên sân nhanh chóng kịch liệt hẳn lên. Do ảnh hưởng của Giang Phong, hình thức thi đấu của túc cầu ở Đế quốc khác hẳn thời Đại Tống bên Tàu, chủ yếu là trực tiếp đối kháng, chứ không phải thưởng thức cầu viên biểu diễn những động tác hoa mỹ, có tám phần giống với hiện đại túc cầu.
Trên sân, trận đấu càng lúc càng khích liệt. Vương thị là hào cường của Tân Thành, quan hệ với giới hào cường ở Cát Long Pha không tốt lắm, dẫn đến quan hệ giữa hai cầu đội cũng không được tốt. Cầu viên của song phương đa số lại xuất thân từ giới giang hồ hiệp khách, thành ra trong trận đấu đã diễn ra không ít những hành động bạo lực.
Ở các địa phương của Đế quốc, các cầu đội kiểu như Vương thị đội, hay Cơ Long liên đội nhiều không kể siết. Giới quý tộc hào phú dần có phong trào nuôi dưỡng cầu đội để tranh danh. Đừng nói là vô địch toàn Đế quốc, dù chỉ vô địch toàn tỉnh, khi về đến quê nhà cũng phong quang vô hạn, có thể diện vô cùng. Còn giả như hai gia tộc có hiềm khích, thay vì suất lĩnh gia đinh đánh nhau thì phạm pháp, để cho cầu đội của hai nhà thi đấu tranh thắng bại, làm thế sẽ văn minh hơn nhiều.
Ngồi trên khán đài, xem cầu viên song phương cao tốc di chuyển, chuyền những đường cầu điệu nghệ và đầy uy hiếp, cổ động viên của hai đội hưng phấn vô cùng, không ngừng hò reo cổ vũ. Tuy Tân Thành Vận động trường là sân nhà của Vương thị đội, nhưng cũng có hơn nghìn cổ động viên của Cơ Long liên đội từ Cát Long Pha theo cầu đội đến đây cổ vũ cho trận đấu. Lúc này đây, không chỉ bình dân bách tính mà cả giới quý tộc hào phú cũng thỉnh thoảng bật dậy, lớn tiếng reo hò cổ vũ cho đội mà mình ủng hộ. Không khí náo nhiệt đầy thích khích đó khiến cho Louis Đệ Tam cũng bị cảm nhiễm, đôi lúc cũng hoan hô như những người khác (đương nhiên là hoan hô bằng tiếng Latinh, ở xung quanh chẳng mấy người hiểu được).
Cầu đang được một cầu viên của Vương thị đội dẫn tiến sát đến cầu môn của đối phương. Đột nhiên, một, hai, rồi ba cầu viên của Cơ Long liên đội từ ba hướng áp lại, ngăn cản mọi đường tiến của đối thủ. Cầu viên của Vương thị đội thấy không còn khả năng tự dẫn tiến, liền đá mạnh cầu vào khu vực trung tâm, cách cầu môn chưa đến 20 mét. Cầu bay bổng trên cao, hàng loạt cầu viên của cả hai đội đồng thời nhảy bật lên, hy vọng dùng đầu đẩy cầu công môn hoặc phá ra ngoài.
Một cầu viên của Vương thị đội tiếp cầu, đẩy cầu chuyển hướng vào góc trái cầu môn. Giữa lúc đó, thủ môn của Cơ Long liên đội hai chân bật lên, dịch chuyển về phía góc trái một bước, sau đó phóng người lên cao, tại không trung vươn thân người cao lớn của mình, tay phải giơ ra, chính diện chặn cầu, sau đó đẩy mạnh ra xa. Cầu vượt cột dọc ra ngoài.
Toàn trường bật lên những tiếng thở dài tiếc nuối. Một số người xung quanh chỗ bọn Louis Đệ Tam bàn luận xôn xao :
- Razak chuyền cầu hơi gấp, nếu không Chandra đã không thể đấy bóng ra ngoài.
- Không đúng. Chu Thái dùng đầu đẩy cầu vào góc chết. Tại Chandra phán đoán chính xác. Chandra thật là tài, không hổ danh là đệ nhất thủ môn viên.
- Đúng thế. Chandra là đệ nhất thủ môn viên, trạng thái luôn luôn ổn định. Cơ Long liên đội đã sang tận Java, dùng nhiều tiền để thỉnh y về đó.
- Không đúng. Razak mới là đệ nhất cầu viên. Mỗi cú chuyền bóng vào cấm khu hầu như đều tạo ra cơ hội công môn.
- Hứ, nói thừa. Chuyền bóng vào cấm khu mà không tạo ra cơ hội công môn thì còn chuyền làm gì.
- Phải đó. Tạo ra cơ hội mà không thành công ghi bàn thì cũng vô ích. Tài năng của Chandra chặn đứng mọi cơ hội của Razak.
…
Cả bọn tranh cãi dữ dội. Cũng may vì đều là giới quyền quý nên còn giữ thân phận, không đến nỗi sử dụng quyền cước. Tuy nhiên nhiều người lớn tiếng, đỏ mặt tía tai. Louis Đệ Tam quay sang nói với David Ben Dayan :
- Túc cầu xem hồi hộp ghê nha. Mà sao bọn họ tranh cãi dữ vậy ?
David Ben Dayan nói :
- Bọn họ ủng hộ hai đội khác nhau, hơn nữa trước trận đấu đã cá cược với nhau, nên giờ biện luận cho đội mà mình ủng hộ.
Louis Đệ Tam ngạc nhiên :
- Cá cược ?
David Ben Dayan nói :
- Đương nhiên. Cá cược trong túc cầu rất thịnh hành ở Đế quốc. Nhưng triều đình có hạn chế, mức cá cược không được quá cao.
Trong lúc bọn họ đang nói chuyện thì toàn trường đột nhiên yên tĩnh bất thường, sau đó là tiếng còi báo hiệu ghi bàn. Lúc bọn Louis nhìn xuống sân thì phát hiện cầu môn của đội Vương thị đã bị công phá. Cầu viên của Cơ Long liên đội đang ôm nhau hoan hô.
- Phạm quy. Phạm quy.
Trong một Quý tân phòng gần đó truyền ra tiếng thét phẫn nộ làm bọn Louis Đệ Tam giật mình. Bất quá thanh âm đó chỉ truyền ra đến Quý tân khu bên cạnh, chứ không ảnh hưởng gì đến các khán đài khác. Giữa cảnh náo nhiệt ồn ào của toàn trường, thanh âm của y thật không đáng kể. Một vị quý tộc ngồi gần bọn Louis Đệ Tam chép miệng nói :
- Lão Vương Quang lại nổi giận rồi.
Một người bên cạnh nói :
- Cũng phải thôi. Thua trận này, lão sẽ mất mặt trước những người ở Cát Long Pha.
Một người khác tiếp lời :
- Đến giữa trận đấu, lão ta thế nào cũng vào phòng nghỉ của cầu viên quát tháo một trận.
Quả nhiên, sang hiệp thứ hai, cầu viên của Vương thị đội phong cuồng tung hoành khắp sân, hừng hực khí thế như đang chuẩn bị đánh nhau, có một lúc dồn ép đối phương về phía phần sân của đội mình. Cầu viên của Cơ Long liên đội đa phần cũng xuất thân từ giới giang hồ hiệp khách, đâu thể để đối phương bức ép dễ dàng như vậy. Thế là, thay vì chặn cầu thì lại chặn chân, ‘lỡ bước’ ‘mất đà’ chạy đâm vào nhau liên tục diễn ra. Trận đấu trở nên hỗn loạn.
Đột nhiên, một cầu viên của Cơ Long liên đội khi chặn chân đối thủ, có động tác quá mạnh, làm đối phương ngã sấp xuống sân, rồi không gượng dậy nổi nữa. Một số cầu viên gần đó còn nhìn thấy có máu đổ. Thế là cầu viên hai đội tụ lại, khoa chân múa tay tranh chấp kịch liệt. Trọng tài phải nhờ đến lực lượng bảo vệ của Vận động trường mới phân tán được cầu viên của hai đội ra xa nhau. Người bị thương được đưa ra ngoài sân. Trọng tài quyết định phạt thẻ vàng cầu viên phạm quy, và cho Vương thị liên đội hưởng cú đá phạt ngay trước cầu môn. Lẽ ra thì phải phạt thẻ đỏ, nhưng trọng tài thấy cầu viên hai đội gần như hỗn chiến, có vẻ bực mình hành động của các cầu viên Vương thị đội, nên chỉ phạt thẻ vàng.
Sau một lúc chuẩn bị, cầu viên của Cơ Long liên đội đã xếp xong nhân tường phòng thủ. Razak đứng trước cầu, chuẩn bị đá phạt. Giữa lúc đó, có người vỗ vai y, nói :
- Razak, nhường cú đá phạt này cho ta được không ?
Razak nhìn thấy đội hữu là Vệ Thanh, ngạc nhiên hỏi :
- Cậu đá phạt ?
Razak ngạc nhiên vì Vệ Thanh không hề thiện trường đá phạt. Vệ Thanh nói :
- Hàn Thức là bà con xa với ta. Ta muốn trả thù cho hắn.
Razak gật đầu, nhường quyền đá phạt cho Vệ Thanh. Sau khi trọng tài ra hiệu đã có thể đá phạt, Vệ Thanh lui lại phía sau mấy bước, rồi chạy nhanh tới, đá vào cầu một cú thật mạnh. Cầu từ mặt sân bay lên, giống như mũi tên rời cung, nhanh như tên bắn lao về phía cầu môn, à không, không phải lao tới cầu môn. Mang theo sự phẫn nộ của Vệ Thanh, hàm chứa lực lượng hùng hậu, cầu bay với tốc độ cực nhanh. Mọi người chỉ nhìn thấy cầu biến mất, thoát cái đã thấy xuất hiện trước mặt Mã Tam, người vừa bị phạt thẻ vàng khi nãy.
Mã Tam chỉ còn biết trợn mắt nhìn cầu từ nhỏ biến lớn, tiếp đó liền cảm thấy nơi mặt gần như bị trọng trùy đập phải, ánh mắt tối sầm, nước mắt không khống chế được, chảy dài ra. Cùng với nước mắt còn có hai dòng máu từ mũi ứa ra.
Cầu sau khi tạo nên những hậu quả đó liền bật trở lại, kế tục lăn đến gần chỗ Vệ Thanh. Cổ động viên trên khán đài còn chưa kịp nhận ra chuyện gì thì Vệ Thanh đã đá thêm một cú nữa. Lần này cầu bay thấp, trong lúc Mã Tam đang ngã xuống thì bắn trúng bụng của gã, khiến gã triệt để hôn mê.
Cầu lại bật ngược trở về. Vệ Thanh còn định đá thêm một cú nữa. Thế nhưng những người xung quanh đã kịp phản ứng. Cầu viên của Cơ Long liên đội xông thẳng tới cùng Vệ Thanh ‘lý luận’ (đương nhiên không chỉ bằng miệng). Cầu viên của Vương thị đội cũng xông vào tiếp ứng đội hữu. Trọng tài thì khẩn cấp kêu gọi bảo vệ của Vận động trường.
Trận thi đấu túc cầu biến thành thi đấu võ đài. Dưới sân thì cầu viên hỗn chiến. Trên khán đài, do bị phân ra thành hai khu vực khác nhau nên cổ động viên của hai đội chỉ có thể mắng chửi hoặc ném giày dép vào nhau. Tình thế cực kỳ hỗn loạn.
Chương 80 : SỨ ĐOÀN ĐẾN LONG SƠN
Lại nói, sau khi Vệ Thanh hành động trả thù, trận thi đấu túc cầu biến thành thi đấu võ đài. Mọi người từ cầu viên cho đến cổ động viên đều tấn công lẫn nhau. Tình thế cực kỳ hỗn loạn. Phải gần một khắc sau thì bảo vệ mới giải tán được cầu viên của hai đội ra xa nhau. Đến lúc này, các trọng tài khẩn cấp hội ý, bàn cách xử lý vụ việc. Cổ động viên thấy thế đều lặng yên chờ đợi, tạm thời không tấn công nhau nữa.
Cuối cùng, 18 cầu viên của cả hai đội bị thẻ đỏ đuổi ra khỏi sân. Bọn họ là những người tham gia hỗn chiến hăng hái nhất, và ít nhiều đều thọ thương. Trên sân chỉ còn lại 4 người, 2 của Cơ Long liên đội và 2 của Vương thị đội. Dù chỉ còn lại bao nhiêu người đó thì trận đấu cũng vẫn phải tiếp tục tiến hành. Kết quả cuối cùng, trận này Cơ Long liên đội giành thắng lợi với tỷ số 1 : 0.
Sau khi trận đấu kết thúc, bọn Louis đứng dậy định ra về thì bị David Ben Dayan ngăn lại. Trong lúc cả bọn ngạc nhiên thì David Ben Dayan chỉ xung quanh nói :
- Mọi người chẳng thấy những người khác đều chưa về cả hay sao ?
Ferdinand Caracciolo hỏi :
- Tại sao thế ?
David Ben Dayan nói :
- Thế nào lát nữa ở bên ngoài cổ động viên của hai đội cũng hỗn chiến. Chúng ta chờ bọn họ bị giải tán xong rồi hãy ra cho an toàn.
Bọn Louis Đệ Tam hiểu ra, vì sự an toàn của bản thân nên cũng ngồi lại chờ đợi. Hồi lâu sau, khi thấy những người khác rời đi thì bọn họ cũng mới đi theo. Rời Vận động trường, Louis Đệ Tam hào hứng hỏi :
- Xem túc cầu cũng hấp dẫn ghê. Ở đây còn trò giải trí nào nữa không ?
David Ben Dayan nói :
- Ở tây bắc có một sân côn cầu, nhưng đó là trò giải trí dành riêng cho quý tộc. Ta là bình dân bách tính nên không vào được.
Đá cầu bằng chân nên gọi là túc cầu. Còn đánh cầu bằng gậy thì được gọi là côn cầu (môn này chính là golf), ở Thần Thánh Đế quốc chỉ dành riêng cho giới quý tộc. Louis Đệ Tam nói :
- Ngươi không phải là quý tộc, nhưng chúng ta là quý tộc nha.
David Ben Dayan cười nhạt hỏi :
- Vậy các vị có quý tộc bài không ?
Louis Đệ Tam ngạc nhiên hỏi :
- Quý tộc bài là gì ?
David Ben Dayan nói :
- Quý tộc bài là chứng nhận thân phận quý tộc ở Đế quốc. Quý tộc bài có 3 loại : ngân bài cấp cho quý tộc có lãnh địa ở địa phương, kim bài cấp cho quý tộc không có lãnh địa, và ngọc bài cấp cho vương tước. Các vị không có quý tộc bài, đương nhiên thân phận quý tộc không được Đế quốc công nhận.
Trong lòng y nói thêm một câu : “Ở Đế quốc, các ngươi và ta đều bình đẳng, chẳng ai tôn quý hơn ai”. Chỉ có điều, vì lễ mạo mà y không nói thẳng ra. Louis Đệ Tam nói :
- Chúng ta không phải người của Thần Thánh Đế quốc, làm sao có thể có được quý tộc bài chứ !
David Ben Dayan nói :
- Thì chính vì vậy mới không được Đế quốc công nhận thân phận quý tộc. Đế quốc đối xử với những người không phải là thần dân của Đế quốc chỉ có hai thái độ : thân thiện hoặc địch đối, không phân biệt quý tộc hay bình dân. Có nghĩa là người từ Âu châu sang, nếu không chống đối Đế quốc thì dù quý tộc hay bình dân đều được đối xử như nhau. Còn chống đối thì … hắc hắc, nhà giam của Đế quốc sẽ có thêm người.
Louis Đệ Tam nói :
- Sao lại thế được chứ ? Còn gì là quy tắc nữa chứ !
Ở Âu châu, quý tộc của nước này khi sang nước khác thì thân phận quý tộc vẫn được công nhận, dù hai nước thân thiện hay địch đối. Ví dụ như Anh – Pháp có chiến tranh, công tước ở Anh khi sang Pháp vẫn là công tước (trong một nước thường có nhiều phe phái, công tước ở Anh chưa chắc đã bị người Pháp xem là kẻ thù). David Ben Dayan nói :
- Nên nhớ ở đây là Đế quốc, có quy tắc của Đế quốc. Toàn bộ Âu châu hợp lại, trong mắt Đế quốc cũng chỉ là một tiểu địa phương mà thôi. Quy tắc của Âu châu đối với Đế quốc chẳng có giá trị gì cả. Nên biết rằng hiện tại Đế quốc có rất nhiều tỉnh, trong đó tỉnh lớn nhất rộng bằng cả Âu châu.
George Đệ Nhất, Vương tử - Giám mục của Trento thì lại quan tâm vấn đề khác (Vương tử - Prince, là tước hiệu ở Âu châu, cao hơn Công tước - Duke, thấp hơn Quốc vương – King, không nhất thiết là con của vua). Lão hỏi :
- Tại sao quý tộc có lãnh địa sử dụng ngân bài, còn quý tộc không có lãnh địa lại sử dụng kim bài. Chẳng lẽ ở Thần Thánh Đế quốc, quý tộc không có lãnh địa lại có địa vị cao hơn quý tộc có lãnh địa.
David Ben Dayan gật đầu nói :
- Đúng thế. Ngân bài quý tộc là ngoại thần, đa phần là ngoại tộc quy hóa, giống như ở Yemen, Somali hoặc Syria. Bọn họ có lãnh địa, nhưng không được giữ các quan chức ở Đế quốc, một số người còn gọi bọn họ là quý tộc nhà quê. Kim bài quý tộc là nội thần, đa phần là cận thần của Thánh hoàng, vì lập công nên được phong tước, bọn họ không có lãnh địa, nhưng quan chức tại thân, địa vị tôn quý hơn. Bọn họ sống ở thành thị, thường thì giàu có hơn, và sự hưởng thụ cũng phong phú hơn. Ngân bài quý tộc có địa vị thấp hơn kim bài quý tộc nửa bậc.
George Đệ Nhất gật đầu tỏ ý hiểu. Quan trọng là có quan chức với không có quan chức, được Hoàng đế tin tưởng hay không. Giống như ở Đế quốc La – Đức (Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức, hay còn gọi là Thánh chế La Mã), Bá tước nhưng có quyền bầu Hoàng đế (thường gọi là tuyển hầu) thì địa vị cao hơn Công tước nhưng không có quyền bầu Hoàng đế, dù cho trên danh nghĩa thì thân phận của Công tước cao hơn Bá tước. Bao giờ cũng vậy, quyền vị vẫn thường đi liền với nhau. Hơn nữa, khi sang đến Thần Thánh Đế quốc, bọn họ nhận thấy ngay cuộc sống giữa thành thị và nông thôn khác nhau rất rõ rệt.
Louis Đệ Tam thì quan tâm đến những chuyện khác hơn, hỏi :
- Thế còn nơi giải trí nào khác nữa không ?
David Ben Dayan nói :
- Trong thành còn có Kịch viện, nhưng các vị không nói được ngôn ngữ của Đế quốc, có vào xem cũng không hiểu được gì đâu. Những nơi khác thì lúc này không có mở cửa. Chỉ còn lại Đế quốc Lạc viên mà thôi. Ở đó có nhiều tiện nghi phục vụ quý khách, miễn là có tiền, ai cũng vào được.
Thế là trước sự hối thúc của Louis Đệ Tam, David Ben Dayan dẫn cả bọn đến tham quan Đế quốc Lạc viên, một trong những nơi du ngoạn và hưởng thụ của giới giàu có ở Đế quốc. Trong đó có thương nghiệp khu, bán đủ loại hàng hóa cung ứng cho cuộc sống của giới quý tộc hào môn; có các khu thể thao, giải trí; lại có cả thư viện. Đến đây, mọi người chia thành 3 nhóm : bọn Louis Đệ Tam đến khu giải trí; David Ben Dayan thì đến thương nghiệp khu; còn George Đệ Nhất thì sang khu thư viện. Cả Louis Đệ Tam và George Đệ Nhất đều có mang theo phiên dịch nên đi riêng không thành vấn đề.
Sáng hôm sau, cả bọn rời Tân Thành giương buồm thẳng tiến đến Long Sơn huyện. Khoảng cách từ Tân Thành đến Long Sơn ước 2.700 dặm (khoảng 1070 kilômét), thuyền đi mất hơn 10 ngày. Đến Long Sơn, thuyền ghé vào xin giấy phép xuất nhập quan khẩu. Vì sắp đến Gia Định (thật ra thì Long Sơn huyện đã thuộc địa giới tỉnh Gia Định), bọn Louis Đệ Tam đều ra bên ngoài khoang thuyền xem phong cảnh. Thuyền bè ra vào tấp nập, quang cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền khiến cả bọn đều kinh ngạc. Ý Đại Lợi bán đảo cũng có nền thương nghiệp phát triển (chẳng hạn như Florence, Venice, Genoa, …), nhưng không có bến cảng nào bằng được Long Sơn. Nhất là khi nhìn thấy rất nhiều thương thuyền cỡ lớn có đến 6, 7 cột buồm, dài hơn 10 trượng (40 mét), dài gấp mấy lần các thuyền lớn nhất của Âu châu thời bấy giờ. Cả bọn đều phải thán phục sự giàu mạnh của Thần Thánh Đế quốc.
(chú : thuyền của Âu châu thời Trung Cổ đa phần chỉ dài khoảng 20 mét trở lại. Đội thuyền thám hiểm của Columbus vào cuối thế kỷ 15 gồm các thuyền carrack và caravel, trong đó chiếc lớn nhất có tên là Santa Maria, dài 22,6 mét, rộng 3 mét, sau bị mắc cạn ở Haiti và bị phá hủy).
Lúc thuyền đang neo đậu trong cảng, bọn họ đều giật mình thảng thốt, không thể nói nên lời khi đột nhiên nhìn thấy một ‘vật khổng lồ’ đang tiến đến gần. Những thủy thủ ở gần đó đều bật cười. Cảnh tượng thế này, bọn họ không chỉ nhìn thấy một lần. Rất nhiều người lần đầu đến Long Sơn, đặc biệt là người ngoại quốc, đều có thái độ như thế. Một người cười bảo :
- Đó là Lục tinh cấp chiếm hạm của Hải quân Đế quốc, dài 60 trượng (240 mét), rộng 20 trượng (80 mét), cao 2 trượng (8 mét), tải trọng khoảng 2 ức cân (200 triệu cân, tức 12 vạn tấn).
George Đệ Nhất lẩm bẩm :
- Chiến thuyền lớn thế này, làm sao đánh lại.
Hải chiến thời bấy giờ, ở cả Âu – Á hầu như đều giống nhau, chủ yếu là tràng nhau cho chìm, hoặc xông lên boong thuyền hỗn chiến, dùng tên lửa bắn nhau chủ yếu là để gây hỗn loạn. Nhưng với chiến thuyền lớn thế này, đối diện thuyền ‘nhỏ’ ở Âu châu có thể xưng là vô địch. Bọn họ đã từng nhìn thấy những chiến thuyền của Hồng Long phân hạm đội tuần tra trên Hồng Hải, nhưng không có chiếc nào lớn đến thế này.
Chương 81 : ĐỆ TRÌNH THƯ HÀM NGOẠI GIAO
Lại nói, khi trông thấy Lục Tinh cấp chiến hạm của Hải quân Đế quốc, bọn Louis Đệ Tam đều giật mình thảng thốt. Hồi lâu, Ferdinand Caracciolo bật thốt :
- Chúa ơi ! Thần Thánh Đế quốc làm sao mà tạo được thuyền lớn thế này cơ chứ ? Chẳng lẽ là ân tứ của Chúa ?
Lúc này, David Ben Dayan đã trở về thuyền, nghe nói vậy liền cười nhạt nói :
- Nên nhớ đây là Đế quốc, là Thần Thánh Đế quốc. Thánh hoàng là thần thánh, chủ tể cả thiên địa. Còn Chúa thì … Ở Đế quốc, chẳng có mấy người tín Chúa. Số lượng người Do Thái chúng ta còn đông hơn số người tín Chúa Cơ Đốc.
George Đệ Nhất ôn tồn nói :
- Đây là đất nước của truyền thuyết, xuất hiện kỳ tích gì cũng không phải là lạ. Với lãnh thổ rộng mênh mông của Thần Thánh Đế quốc, e rằng Đế quốc của người Mông Cổ cũng không thể sánh kịp.
Người Mông Cổ xây dựng một Đế chế rộng mênh mông từ Âu sang Á, lúc mạnh nhất có lãnh thổ rộng đến 33 triệu kilômét vuông. Người Mông Cổ cũng là cơn ác mộng của Âu châu thời Trung Cổ. Đế quốc của người Mông Cổ ở Trung Hoa là nhà Nguyên đã bị nhà Minh tiêu diệt vào năm 1368, nhưng Bắc Nguyên vẫn tồn tại trên thảo nguyên bên ngoài Trường Thành cho đến năm 1635. Kim Trướng Hãn quốc ở Nga và Đông Âu tồn tại cho đến năm 1502. Sát Hợp Đài Hãn quốc (Chagatai) có lãnh thổ kéo dài từ sông Amu Darya ở phía nam của biển Aral cho đến dãy núi Altai ở biên giới Mông Cổ và Trung Hoa ngày nay, tồn tại cho đến tận năm 1687. Còn Đế quốc của Timur (Timurid Empire) - đế chế bao gồm toàn bộ Trung Á, cũng như phần lớn của Pakistan, Ấn Độ, Lưỡng Hà, Tiểu Á và Caucasus - bị tan rã năm 1526, thì một vị hoàng tử là Babur đã chiếm Ấn Độ, thành lập Đế chế Mughal tồn tại đến năm 1857 (khi bị Anh xâm chiếm). Nói chung, đối với Âu châu lúc này, thế lực của người Mông Cổ ở phía đông vẫn còn rất mạnh.
Nghe nhắc đến người Mông Cổ, David Ben Dayan nói thêm :
- Ta nghe nói người Mông Cổ ở phương bắc có nộp cống cho Đế quốc.
Trong lúc bọn Louis Đệ Tam kinh ngạc thì thuyền rời cảng Long Sơn, tiến vào Gia Định Giang, thẳng về Gia Định Thành. Sông này nơi rộng nhất lên đến hàng nghìn mét, nơi hẹp nhất cũng vài trăm mét, sâu từ 15 – 20 mét, đủ cho nhiều thuyền lớn qua lại.
Trên hành trình đến Gia Định, ấn tượng sâu sắc nhất đối với bọn Louis Đệ Tam là mỗi tòa thành của Thần Thánh Đế quốc đều được xây dựng cao lớn kiến cố, nhiều bức tường thành dày hơn chục mét, cao hơn chục mét, khiến bọn họ không thể tưởng tượng được phải có quân đội như thế nào mới có thể công chiếm được những thành thị kiên cố đến như thế. Các tường thành ở Âu châu tuy cũng có nhiều nơi cao đến hơn chục mét, nhưng độ dày chỉ khoảng 4 mét trở lại. Thậm chí nhiều bức tường thành chỉ dày hơn 1 mét, sau khi bị máy bắn đá bắn vài lần là sập xuống. Có thể chỉ có tường thành của Constantinople là có thể sánh được (khi bị người Ottoman bao vây thành phố năm 1371, người Byzantine giữ được đến 82 năm, mãi đến năm 1453 mới thất thủ).
Ngoài ra, Louis Đệ Tam thì rất hứng thú với sự hưởng thụ của giới quý tộc ở Đế quốc, còn George Đệ Nhất thì hứng thú nhất với các thư viện của Thần Thánh Đế quốc. Mỗi khi nghĩ đến kho sách đồ sộ trong các thư viện, George Đệ Nhất không khỏi say mê, thầm nhủ phải cố gắng mua thật nhiều sách của Thần Thánh Đế quốc, mang về Trento xây dựng một thư viện quy mô như vậy. Hiện tại Âu châu vẫn còn trong giai đoạn cuối của ‘Đêm dài Trung Cổ’, văn hóa không những không phát triển mà còn thụt lùi so với thời Đế quốc La Mã Cổ đại.
Thuyền cập cảng Gia Định. Đứng trên bến cảng rộng lớn, nhìn về tòa thành cao lớn ở phía xa, David Ben Dayan nói :
- Chúng ta đến Gia Định rồi đấy.
Là thần dân của Đế quốc, mỗi khi đứng trước Gia Định Thành giới thiệu với người mới đến lần đầu, David Ben Dayan cũng giống như những thần dân khác của Đế quốc, đều cảm thấy vô cùng hãnh diện. Người Do Thái mấy nghìn năm nay không có Tổ quốc, nên giờ đây David Ben Dayan đã xem Đế quốc như Tổ quốc của mình. Dù sao thì Jerusalem cũng là một phần của Đế quốc, và Đế quốc là nơi duy nhất người Do Thái được đối xử bình đẳng với những dân tộc khác, thậm chí bọn họ còn được tham gia quản lý Jerusalem, thánh địa của các dân tộc quanh Địa Trung Hải.
- Đây quả là một tòa thành thị vĩ đại.
Khi đi đến gần Gia Định Thành, George Đệ Nhất bất giác quay sang nói với David Ben Dayan. Ở Âu châu cũng có nhiều tòa đại thành thị, nhưng không có nơi nào sánh được với Gia Định Thành, không chỉ với quy mô kiến trúc mà còn cả sự phồn hoa thịnh vượng. Chỉ cần nhìn cảnh tàu thuyền nhộn nhịp nơi bến cảng cũng thấy được phẩn nào sự giàu mạnh của Gia Định Thành. Đặc biệt, lão còn phát hiện người Đế quốc rất chú trọng kỷ luật và trật tự. Nhà cửa ở Đế quốc đều được xây dựng ngay hàng thẳng lối, đường xá thẳng tắp, phố thị sạch sẽ, náo nhiệt nhưng không hỗn loạn.
Khi đi qua khỏi thành môn, bọn họ nhìn thấy hiện ra trước mắt những đường phố rộng lớn và thẳng tắp, phố xá phồn hoa vô cùng. Hai bên đường, các cửa hiệu trưng bày đầy hàng hóa, đủ mọi chủng loại, người mua kẻ bán nhộn nhịp. Người xe qua lại tấp nập, đông đúc nhưng trật tự. David Ben Dayan nhắc nhở bọn Louis Đệ Tam :
- Các vị phải đi về phía bên phải để khỏi cản trở giao thông.
Tiếp đó, y đưa bọn Louis Đệ Tam đến liên hệ với Ngoại vụ ty thuộc Chính vụ bộ, đệ trình thư hàm ngoại giao. Thư hàm nhân danh Louis Đệ Nhị, Công tước xứ Anjou, Bá tước xứ Provence, Bá tước xứ Maine, Vua của Napoli (danh nghĩa), Vua của Sicily (danh nghĩa), lãnh chủ xứ Guise. Đó là tất cả các danh hiệu mà Louis Đệ Nhị có được. Đúng ra Louis Đệ Nhị còn có danh hiệu Vua của Jerusalem (đương nhiên cũng trên danh nghĩa), nhưng đã bỏ đi để tránh xung đột với Thần Thánh Đế quốc. Ngoài ra còn có thư hàm ngoại giao của Vua Pháp, bởi Louis Đệ Nhị là em họ của Vua Pháp Charles Đệ Lục (cả hai cùng là cháu nội của vua John Đệ Nhị, cha họ là anh em ruột). Đồng thời, George Đệ Nhất cũng trình công hàm của giáo chủ Công giáo La Mã Gregorius XII. Các thư hàm đều bày tỏ ý nguyện muốn thông sứ với Thần Thánh Đế quốc, đó chỉ là phần công khai, còn những phần bí mật khác sẽ cần thảo luận sau.
Ngoại vụ ty cử Chính sứ tiếp đãi George Đệ Nhất, còn Phó sứ tiếp đãi Louis Đệ Tam. Chính phó sứ là quan viên đứng đầu Ngoại vụ ty, phẩm cấp còn cao hơn Chính phó sứ của các Chính vụ ty cấp tỉnh nửa cấp, nên tiếp đãi sứ đoàn là hợp lễ. George Đệ Nhất bản thân là Vương tử - Giám mục, thân phận cao quý hơn Louis Đệ Tam (và cả Louis Đệ Nhị nếu như bỏ đi các tước vị danh nghĩa), do đó được Chính sứ tiếp đãi. Trong lúc Ngoại vụ ty lo đón tiếp sứ đoàn, báo cáo về sự việc cũng đã được khẩn cấp đưa vào Trường Thanh Cung để trình lên Giang Phong.
Tử Tiêu Điện.
Quảng Tế Pháp sư cầm báo cáo của Ngoại vụ ty tấu trình với Giang Phong, rồi nói :
- Thánh hoàng. Sứ đoàn của Napoli đã đến Gia Định. Thật ra sứ đoàn không phải là của Napoli mà đến từ Anjou. Theo luật thừa kế ở Âu châu thì ngôi vua của Napoli đúng ra phải thuộc về Louis Đệ Nhất. Nữ vương Joanna Đệ Nhất của Napoli chọn Louis Đệ Nhất làm người thừa kế. Nhưng Charles Đệ Tam đã đem quân cướp ngôi, giết hại Joanna Đệ Nhất. Louis Đệ Nhất, rồi con trai là Louis Đệ Nhị đã nhiều lần mang quân về giành lại ngôi vua, nhưng đều thất bại. Charles Đệ Tam qua đời, truyền ngôi cho con trai là Ladislaus. Chính gã Ladislaus này càng hiếu chiến hơn, vào các năm Mậu Tý (1408), Canh Dần (1410) và Quý Tỵ (1413) đã đánh chiếm thành La Mã, trục xuất các giáo chủ Gregorius XII và John XXIII của Công giáo La Mã, riêng lần thứ hai có buộc John XXIII bồi thường 10 vạn florin, ước khoảng 9 vạn 909 kim tệ. Theo tin tức thu được, John XXIII đã chạy khỏi Roma đi cầu cứu với Hoàng đế La – Đức, và đang chuẩn bị triệu tập Công đồng ở Constance.
Giang Phong cau mày hỏi :
- Vậy sao công hàm lại là của Gregorius XII ?
Quảng Tế Pháp sư nói :
- Khải tấu Thánh hoàng. Hiện ở Công giáo La Mã có đến 3 vị giáo chủ : Gregorius XII lên ngôi ở La Mã; John XXIII tuy cũng lên ngôi ở La Mã, nhưng kế vị từ Alexander V của Pisa; và Benedicto XIII lên ngôi ở Avignon. Do đó chỉ có Gregorius XII được xem là chính thống.
Giang Phong nói :
- Vấn đề tôn giáo để bọn họ tự giải quyết lấy, bản triều không nên can thiệp vào, miễn sao đừng ảnh hưởng đến lợi ích của bản triều thì thôi.
Quảng Tế Pháp sư cung kính vâng dạ, rồi hỏi :
- Thánh hoàng có định tiếp kiến George Đệ Nhất và Louis Đệ Tam không ạ ?
Giang Phong ngẫm nghĩ giây lát rồi nói :
- Vụ này các khanh cứ chiếu phép xử lý. Khi nào xong hết rồi trẫm sẽ triệu kiến bọn họ.
Chương 82 : KHUYÊN ĐẤT PHI CHÂU - CẢI TỔ HẢI QUÂN
Khi Giang Phong quyết định tạm thời chưa triệu kiến George Đệ Nhất và Louis Đệ Tam, Quảng Tế Pháp sư để chuyện đó sang một bên, lại tâu :
- Khải tấu Thánh hoàng, Tây Dương Hạm đội tiến hành khuyên đất ở Phi châu đã gần thành công. Các chiến hạm tiền tiêu đã đến được cửa vào Địa Trung Hải. Các khu dân cư đã mở đến khoảng giữa bờ tây. Các thuyền vẽ bản đồ cũng đã vẽ đến khu vực phía nam.
Tên gọi Phi châu có nguồn gốc từ thời cổ đại, khi người La Mã gọi vùng Bắc Phi là Africa terra. Sau đó từ Africa được dùng để chỉ toàn bộ Phi châu cho đến tận ngày nay, khi phiên sang âm Hán Việt sẽ thành ‘A Phi Lợi Gia’, gọi tắt là Phi (cũng giống như America phiên sang âm Hán Việt thành ‘A Mỹ Lợi Gia’, gọi tắt là Mỹ). Phi châu lúc này vẫn còn là vùng đất hoang sơ với hàng vạn bộ lạc chiếm cứ lãnh thổ rộng mênh mông. Trừ vùng ven Địa Trung Hải có xuất hiện các quốc gia thống nhất, thì vùng còn lại vẫn theo chế độ bộ lạc hoặc liên minh bộ lạc một cách lỏng lẻo. Chính vì nguyên nhân đó mà người Âu châu đã chiếm Phi châu làm thuộc địa một cách tương đối đơn giản. Nhớ đến việc đó, Giang Phong cũng rất muốn học theo, nhưng với tình trạng của Đế quốc hiện tại, chiếm lĩnh hoàn toàn Phi châu là một việc không hề dễ dàng. Đế quốc không đủ quân đội để đóng giữ các nơi. Vì vậy chúng triều thần mới đề ra sách lược khuyên đất chiếm địa bàn. Tức là Hải quân của Đế quốc sẽ mở mang, xây dựng các khu dân cư dọc vùng duyên hải, củng cố địa bàn, dần dần mở rộng ra kiểm soát toàn bộ vùng duyên hải. Lực lượng Hải quân của Đế quốc hùng mạnh nhất thời bấy giờ, hoàn toàn đủ năng lực làm việc đó. Sau khi khuyên địa thành công thì có thể ngăn cản người Âu châu xâm chiếm Phi châu.
Thế là, các chiến hạm của Tây Dương Hạm đội bắt đầu từ Somali đi lần về phía nam, chở theo người và vật tư, cứ cách khoảng 500 dặm (200 kilômét) thì xây dựng một khu dân cư bên bờ biển, với chỉ khoảng hơn trăm hộ dân, vài công xưởng, làm đầu cầu giao thương với các bộ lạc trong vùng, mua đặc sản của bọn họ, và bán lại cho bọn họ những hàng hóa của Đế quốc. Giang Phong chỉ ra lệnh chiếm lĩnh phần đất cực nam của Phi châu, vì nơi đó có nhiều vàng. Bọn Quảng Tế Pháp sư đã chuẩn bị 3 vạn hộ đưa đến đó định cư.
Ngoài các Hạm đội của Hải quân, Đế quốc còn có hai Hạm đội bán quân sự : một gọi là các thuyền khảo sát, có nhiệm vụ đi tìm các tuyến hàng hải tốt nhất; và một gọi là các thuyền vẽ bản đồ, có nhiệm vụ đi dọc theo các bờ biển, hiệu chỉnh bản đồ cho hoàn thiện hơn. Bản đồ đầu tiên do Giang Phong vẽ ra chỉ có hình dạng đại khái, không hề chính xác về tỉ lệ. Các thuyền vẽ bản đồ sẽ đi dọc theo bờ biển, khảo sát địa hình phương vật, ước tính khoảng cách, rồi vẽ lại bản đồ cho chính xác hơn.
Giang Phong lại hỏi :
- Thế khu vực phía đông thế nào rồi ?
Quảng Tế Pháp sư tâu :
- Khải tấu Thánh hoàng. Các thuyền khảo sát đã tiếp cận bờ biển nam Mỹ châu, nhưng chưa tìm ra được tuyến hàng hải tốt nhất. Ngoài ra bọn họ cũng đã khảo sát xong Đông Minh Châu đảo, hòn đảo lớn ở phía đông Minh Châu. Một số khu dân cư đầu tiên cũng đã được xây dựng ở đấy. Dân bản địa ở đấy không đông lắm.
Giang Phong suy nghĩ giây lát, đoạn hỏi :
- Hải quân hiện tại có bao nhiêu chiến hạm ? Lĩnh hải của bản triều đã rất rộng lớn, có lẽ cần tổ chức lại các Hạm đội.
Quảng Tế Pháp sư tìm trong các sổ sách một hồi lâu, rồi tâu :
- Khải tấu Thánh hoàng. Hiện tại Hải quân có 18 chiếc Lục Tinh cấp chiến hạm, 42 chiếc Thất Tinh cấp chiến hạm, 120 chiếc Tuần dương hạm, 122 đại hình chiến thuyền, 80 trung hình chiến thuyền và 90 tiểu hình chiến thuyền. Trong số đó có khoảng một nửa đang phục vụ cho chiến trường phương bắc.
Giang Phong nói :
- Trung tiểu hình chiến thuyền hãy chuyển sang dân sự, cũng có thể bán lại cho thương nhân sử dụng làm thương thuyền. Số hạm thuyền còn lại tổ chức thành 6 Hạm đội : Lam Long Hạm đội, Thanh Long Hạm đội, Hồng Long Hạm đội, Hắc Long Hạm đội, Bạch Long Hạm đội và Hoàng Long Hạm đội. Lam Long và Thanh Long Hạm đội sẽ đóng đại bản doanh ở Sùng Minh đảo và Đài Loan đảo, phụ trách khu vực Bắc Hải. Hồng Long Hạm đội đóng đại bản doanh ở Tích Lan, phụ trách khu vực Nam Thiên Trúc Hải. Hắc Long Hạm đội sau khi tiến trú Địa Trung Hải sẽ đóng đại bản doanh ở mũi đất phía nam cửa vào của Địa Trung Hải, trên vùng đất của người Moors. Bạch Long Hạm đội đóng đại bản doanh ở Long Sơn, phụ trách khu vực Nam Hải. Còn Hoàng Long Hạm đội tạm thời đóng đại bản doanh ở Minh Châu, bảo vệ tuyến hàng hải sang Mỹ Châu. Việc cải tổ Hải quân, cố gắng trong 1 năm phải xong. Ngoài ra cần chú ý, Long của bản triều không giống Long của Hán tộc, đừng lấy Long của Hán tộc làm kỳ hiệu.
Quảng Tế Pháp sư cung kính vâng dạ, ghi vào sổ cho nhớ. Rồng Việt Nam luôn có những đặc trưng rõ ràng :
Thân rồng uốn hình sin 12 khúc, đại diện cho 12 tháng trong năm, biểu trưng cho sự thay đổi thời tiết năm tháng, sự trù phú và phồn vinh của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước.
Thân rồng mềm mại uốn lượn thể hiện sự biến hóa và khả năng thay đổi, dịch chuyển thiên nhiên của con rồng cai quản thời tiết, mùa màng; trên lưng có vây nhỏ liền mạch và đều đặn.
Đầu rồng là phần rất đặc biệt, hoàn toàn khác rồng Trung Hoa : nó có bờm dài, râu cằm, không sừng, mắt lồi to, hàm mở rộng có răng nanh ngắt lên, đây là điểm hoàn toàn khác với các con rồng khác của các nước, đặc biệt là cái mào ở mũi, sun sóng đều đặn (có người gọi là mào lửa) chứ không phải là cái mũi thú như rồng Trung Hoa, Lưỡi rồng mảnh và rất dài. Miệng rồng luôn ngậm viên châu (ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Hoa thì rồng hay cầm viên ngọc bằng chân trước). Viên châu tượng trưng cho tính nhân văn, tri thức và lòng cao thượng. Đầu rồng luôn hướng lên đớp lấy viên châu, thể hiện tinh thần tôn trọng các giá trị nhân văn cao quý, theo đuổi sự uyên bác và tinh thần cao thượng.
Những điều ấy được đặt lên trên tất cả các giá trị khác kể cả sức mạnh và sự thống trị thường thấy của một con rồng phương Đông. Toàn thân rồng toát lên nét uyển chuyển và một sức căng rất lớn từ cái vươn chân dài, đầu ngẩng cao, dáng đầu rực lửa thể hiện cho khí thế hừng hực muốn tiến lên chinh phục các giá trị văn minh nhất của phương Đông cổ đại. Rồng của Việt Nam tượng trưng cho trí tuệ nhiều hơn là sức mạnh. Tiếc rằng hình tượng rồng của Việt Nam đã bị vùi lấp bởi sự sùng bái văn hóa Hán của các triều đại phong kiến cuối cùng là triều Lê và triều Nguyễn. Con rồng của Việt Nam đã bị Hán hóa (Hanization) kể từ triều Lê.
Quảng Tế Pháp sư lại hỏi :
- Thánh hoàng. Bản triều cương thổ mở rộng rất nhiều, có cần tăng quân không ạ ?
Giang Phong hỏi :
- Các khanh thấy thế nào ?
Quảng Tế Pháp sư tâu :
- Dạ. Chúng thần thấy rằng nên tăng thêm lục quân. Bản triều cương thổ quá lớn mà lục quân chỉ có 57 vạn là quá ít đấy ạ. Nam Thiên Trúc còn có 110 vạn, Minh triều khi trước cũng có đến 120 vạn. Ngay cả bọn Hồ Quý Ly khi trước cũng có đến 50 vạn quân.
Giang Phong suy nghĩ một lúc, rồi phán :
- Tuyển thêm 5 đạo quân nữa, cứ gọi là Uy Viễn, Chiêu Đức, Chiêu Hòa, Chiêu Viễn, Chiêu Tín. Chiếu theo lệ cũ, đưa sang tây phương luyện quân.
Sau khi tấu trình xong mọi việc, Quảng Tế Pháp sư liền lui ra, chỉ đạo việc hội đàm với bọn Louis Đệ Tam và George Đệ Nhất. Chỉ đạo chứ không chủ trì, vì Quảng Tế Pháp sư là đệ nhất trọng thần của Thần Thánh Đế quốc, vì tự trọng thân phận cũng như quốc thể mà không thể bình đẳng tiếp xúc với sứ đoàn, còn nếu như lấy tư cách kẻ trên người dưới thì cũng không hay lắm, vì bọn Louis Đệ Tam không phải là thần dân của Đế quốc. Nếu như bọn họ không chịu cúi đầu thì sự việc sẽ càng phức tạp hơn.
Louis Đệ Tam tiếp xúc với Đế quốc, mang theo đề nghị liên minh cùng chống lại vương quốc Anh Cách Lan (England). Nhưng đề nghị này chỉ mang lại một sự mỉm cười nhã nhặn từ Ngoại vụ ty Phó sứ. Đế quốc muốn đánh nhau với Anh Cách Lan thì cần gì liên minh với ai. Hơn nữa, trong mắt mọi thần dân của Đế quốc, từ quan viên quý tộc cho đến bình dân bách tính, đều không xem vương quốc Pháp Lan Tây (France) ngang hàng với Đế quốc, tối đa chỉ ngang một tỉnh của Đế quốc mà thôi.
Đề nghị không được chấp nhận, bọn Louis Đệ Tam đưa ra đề nghị thứ hai, Đế quốc xuất quân tấn công quân Anh, nước Pháp sẽ trả tiền cho Đế quốc, quan hệ này ở Âu châu thường sử dụng, gọi là cố dụng quân. Nhà Louis mấy lần dẫn quân chiếm lại Napoli cũng đều có sử dụng cố dụng quân. Thế nhưng, đề nghị thứ hai này cũng không được chấp thuận. Đế quốc không thiếu tiền để mang tính mạng binh sĩ đi trao đổi. Hơn nữa, nếu cần thì Đế quốc tự tuyên chiến, rồi tự chiếm lấy chiến lợi phẩm vẫn hơn. Văn thần võ tướng của Đế quốc không ai cho rằng Đế quốc đánh không lại quân Anh.
__________________________________________________ __
Chương 83 : NHẬP CUNG DIỆN THÁNH
Lại nói, sau khi đề nghị liên minh, rồi cố dụng quân đều lần lượt bị từ chối, phía Louis Đệ Tam đành chấp nhận giải pháp cuối cùng : ký kết một hiệp định thương mại. Louis Đệ Tam thay mặt cho cha mình là Louis II de Anjou (Louis Đệ Nhị của xứ Anjou) cùng đại diện của Thương vụ bộ ký kết hiệp định, theo đó Đế quốc sẽ cung cấp vũ khí, nhu yếu phẩm cho Anjou, nếu cần cũng có thể cho vay.
Phía George Đệ Nhất, các thỏa thuận tiến hành dễ dàng hơn nhiều. Về mặt chính thức, Đế quốc đồng ý ủng hộ Công đồng Constance và phái sứ giả đến dự. Ngoài ra còn có 2 mật ước : Đế quốc thừa nhận Gregorius XII là giáo chủ hợp pháp của Công giáo La Mã, 2 giáo chủ còn lại là ngụy giáo chủ; Đế quốc ủng hộ sự độc lập của Trento, và sẽ gây sức ép đối với Frederick Đệ Tứ, Công tước Áo, Bá tước Tyrol, để quân đội Áo – Tyrolese không xâm chiếm Trento.
Các hiệp ước ký kết xong, cả Louis Đệ Tam và George Đệ Nhất mới có thời gian đi du ngoạn Gia Định Thành. Đầu tiên, bọn họ đi dạo một vòng thành thị, ngắm nhìn các cửa hiệu hai bên đường phố chất đầy hàng hóa. Hành trình này mất đến 3 ngày, và Louis Đệ Tam mua rất nhiều vật phẩm, đặc sản của phương đông, những thứ mà ở Âu châu vô cùng quý hiếm, như tơ lụa, gốm sứ, hương liệu, trà diệp, hàng thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là Louis Đệ Tam rất thích các loại đồ chơi đặc sắc của phương đông. George Đệ Nhất thì mãn nguyện vì mua được rất nhiều sách. Gia Định Thành là trung tâm học thuật của cả Đế quốc, nên văn hóa giáo dục rất phát triển, các thư quán, thư viện lớn nhỏ có ở khắp nơi trong thành. Thành ra tùy tùng của bọn họ phải tay sách tay mang rất nhiều thứ.
Đến ngày thứ ba, bọn họ đi xuống khu bến cảng, và gặp được David Ben Dayan đang bàn chuyện làm ăn ở đấy. Thế là mọi người hội họp cùng đến trà quán uống trà đàm đạo. Trà diệp là một đặc sản của phương đông, và rất quan trọng đối với người phương tây. Người phương tây ăn nhiều chất dầu mỡ, nên cần uống trà để giảm béo, đặc biệt là hồng trà. Văn hóa trà từ đó thâm nhập vào đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Âu Mỹ.
Sau một tuần trà, George Đệ Nhất nhìn cảnh nhộn nhịp của bến cảng, cảm thán nói :
- Dayan. Ta thật không dám tin đây là tòa thành thị chỉ mới được xây dựng hơn 10 năm trước. Dù ở Âu Châu cũng không có tòa thành thị nào sánh được với nơi đây, kể cả La Mã.
David Ben Dayan cười cười nói :
- Các hạ. Ngài nên biết rằng chủ nhân của thành thị này, và của cả Đế quốc rộng mênh mông này là một vị thần linh. Đối với nhân loại chúng ta xem là kỳ tích thì đối với thần linh cũng chỉ là chuyện bình thường.
Louis Đệ Tam nói :
- Cung điện của Hoàng đế thật vĩ đại. Chúng ta chỉ đi quanh một vòng thôi mà đã mất cả nửa ngày. Không biết bên trong còn lộng lẫy đến thế nào ?
David Ben Dayan nói :
- Không phải Hoàng đế. Đừng lầm lẫn giữa Thánh hoàng và Hoàng đế. Ở phương đông có nhiều tước vị, cao nhất là Hoàng, dưới Hoàng là Đế, rồi mới đến Vương. Hoàng đế là tước vị trung gian, nằm giữa Hoàng và Đế. Ở phương đông xưa nay chỉ có 4 vị Hoàng, trừ Thánh hoàng ra thì 3 vị còn lại đều sống ở thời viễn cổ, cách nay hàng vạn năm.
Dừng lời giây lát, David Ben Dayan mới nói tiếp :
- Trong Trường Thanh Cung tập trung toàn bộ bảo vật của Đế quốc, vàng bạc châu báu và các cống phẩm của các địa phương. Nghe đồn bên trong vàng bạc chất cao như núi, bảo vật không tính bằng rương mà bằng cung điện. Trường Thanh Cung đã mấy lần mở rộng vì không đủ chỗ chứa các cống phẩm.
George Đệ Nhất nói :
- Gia Định Thành dân cư thật đông đúc, chắc cũng phải trên chục vạn chứ không ít.
David Ben Dayan nói :
- Toàn tỉnh Gia Định có dân số gần 200 vạn, riêng Gia Định Thành ước khoảng 60 vạn.
Bọn George Đệ Nhất đều ngạc nhiên, trầm trồ về sự thịnh vượng của Gia Định Thành. Nên biết lúc này nước Anh dân số chỉ có 4 triệu, tức 400 vạn. Nước Pháp đang bị người Anh chiếm đóng gần một nửa lĩnh thổ, trăm năm chiến tranh vẫn đang diễn ra, cả nước hoang tàn. Còn Constantinople lúc này cũng chỉ có khoảng 5 vạn người. Trong khi thành La Mã (Roma) chỉ có 2 vạn (số liệu ước tính năm 1400).
George Đệ Nhất lại nói :
- Gia Định Thành có nền học thuật cực kỳ hưng thịnh. Mấy hôm nay ta thấy có rất nhiều thư viện ở khắp nơi.
David Ben Dayan nói :
- Đế quốc áp dụng chế độ khuyến khuyến giáo dục. Cơ sở giáo dục miễn phí trên toàn Đế quốc, những người không biết chữ phải đóng thuế cao hơn. Chính vì thế mà đại bộ phận thần dân của Đế quốc đều biết chữ. Học thuật không hưng thịnh sao được.
George Đệ Nhất giật mình hỏi :
- Ngươi nói Thần Thánh Đế quốc dạy chữ miễn phí cho mọi người dân ?
David Ben Dayan cười cười nói :
- Không phải !
George Đệ Nhất ngạc nhiên :
- Thế sao ngươi mới nói … ?
David Ben Dayan nói :
- Ta không nói dạy chữ miễn phí, mà là cơ sở giáo dục, tức là không chỉ dạy chữ, mà cả các môn cơ sở như Toán pháp, Ngữ pháp, Viết văn, … Giáo dục ở Đế quốc chia làm 3 cấp bậc chính là Sơ học, Trung học, Đại học. Mỗi thôn làng đều có lớp học, mỗi huyện đều có trường Sơ học, mỗi quận đều có trường Trung học, mỗi tỉnh đều có trường Đại học. Tối cao là Thái Học Viện ở Gia Định. Cấp Sơ học được dạy miễn phí.
George Đệ Nhất nói :
- Dù chỉ miễn phí cấp Sơ học thì tốn kém biết bao nhiêu mà kể !
David Ben Dayan nói :
- Bởi vậy, người Đế quốc hầu như ai cũng biết toán thuật, gian thương khó mà làm ăn được ở đây. Chỉ có người Do Thái chúng ta nhờ trung thực nên đi đến đâu cũng được hoan nghênh.
Bọn George Đệ Nhất cố nén cười. Người Do Thái ở Âu châu nổi tiếng là gian thương, thường cho vay nặng lãi nên tiếng tăm không được tốt (Cơ Đốc giáo không cho phép tín đồ cho vay, vì thế nghề cho vay gần như trở thành chuyên chức của người Do Thái).
Hôm nay bàn về Trường Thanh Cung, sáng hôm sau, bọn George Đệ Nhất, Louis Đệ Tam đã được Đệ nhất trọng thần của Đế quốc là Quảng Tế Pháp sư mời vào trong cung dự yến. Yến tiệc gồm toàn các món ngon vật lạ của Đế quốc, do những đầu bếp tài ba nhất chế biến, nên cả bọn ăn đến no căng cả bụng, không tiếc lời khen ngon. Bọn họ đều là những người thuộc giới quyền quý nhất Âu châu, nhưng cũng chưa bao giờ được ăn những món ngon đến vậy. Cho đến lúc bấy giờ, ẩm thực ở Âu châu cũng vẫn còn khá đơn điệu.
Sau đó cả bọn được hướng dẫn tham quan cung điện. Dù không được nhìn thấy các kho vàng bạc, nhưng các bảo vật trong cung nhiều đến nỗi cả bọn chấn động cả tâm thần. Nhìn các bảo vật chứa đầy trong các cung điện, hết cung điện này đến cung điện khác, cả bọn chấn kinh không sao kể siết. Đến lúc này, bọn họ mới có cảm giác chân thực về sự giàu mạnh của Thần Thánh Đế quốc.
Bọn họ mất 2 ngày mới tham quan được một phần Trường Thanh Cung. Mấy ngày hôm đó bọn họ được nghỉ lại trong cung chứ không cần trở về khách sạn. Đến sáng ngày thứ ba, Quảng Tế Pháp sư thông báo cho cả bọn biết Thánh hoàng triệu kiến. Chỉ có George Đệ Nhất, Louis Đệ Tam và lão quản gia Ferdinand Caracciolo mới được đến Văn Nghi Điện diện thánh. Bọn tùy tùng không được phép đi theo.
Bước chân vào Văn Nghi Điện, cả George Đệ Nhất, Louis Đệ Tam và lão quản gia Ferdinand Caracciolo đều cảm thấy chấn kinh. Đừng nói các cung điện của quốc vương, hoàng đế, dù là các tòa thần điện lớn nhất Âu châu cũng không thể sánh bằng với nơi thiết triều của triều đình Thần Thánh Đế quốc. Không chỉ rộng lớn, sự tráng lệ nguy nga, chạm vàng khảm ngọc rực rỡ huy hoàng làm cả bọn lóa cả mắt. Và điều làm cả bọn kinh hãi hơn cả là những viên minh châu giá trị liên thành lại được khảm trên tường và trần để chiếu sáng. Quả là lộng lẫy xa hoa đến cực điểm.
Hai bên đại điện, văn vũ đại thần nhìn bọn Louis Đệ Tam, không hề thấy lạ lùng. Chịu ảnh hưởng của Giang Phong, trọng thương, nên gia tộc bọn họ ít nhiều đều có thương thuyền buôn bán giữa đông - tây phương, do đó đối với người Âu châu cũng chẳng xa lạ gì. Các đại thần của triều đình Đế quốc đồng thời cũng là các đại thương nhân, và Giang Phong chính là đệ nhất đại thương nhân. Thần Thánh thương hội của Giang Phong là đệ nhất thương hội của Đế quốc.
Đến trước long giai, George Đệ Nhất, Louis Đệ Tam và lão quản gia Ferdinand Caracciolo hướng về Giang Phong, chiếu theo tây phương lễ nghi hành lễ bái kiến :
- Thánh hoàng vĩ đại. Chúng thần đại biểu toàn thể Âu châu nhân dâng Ngài sự tôn kính tối cao và chân thành.
Lưỡng ban văn vũ đại thần đều lộ vẻ không hài lòng về cách hành lễ của bọn họ, nhưng Giang Phong đã cho phép nên không ai dám nói gì.
Chương 84 : THU NHẬN NGHĨA TỬ
Trường Thanh Cung. Văn Nghi Điện.
Sau khi ba người bọn Louis Đệ Tam hành lễ bái kiến, Giang Phong truyền bình thân, rồi ngắm nhìn ba người bọn họ. Louis Đệ Tam mới 11 tuổi, tuấn tú thông minh, xuất thân quyền quý nên rất có phong thái quý tộc. Lão quản gia Ferdinand Caracciolo thì có bề ngoài của một thuộc hạ ít nói, trung thành, nhưng qua ánh mắt, Giang Phong cho rằng lão ta cũng là kẻ lắm mưu mô. George Đệ Nhất là một vị Giám mục, thường niên bố đạo, nên dung diện từ hòa, thần thái thân thiện, dễ được lòng người khác. Trong khi đó, bọn Louis Đệ Tam cũng len lén quan sát Giang Phong. Khi đối diện Giang Phong, bọn họ có cảm giác đối diện với một lực lượng thần bí siêu nhiên, giống như một vị thần linh từ trên cao dụng ánh mắt từ hòa phủ thị chúng sinh.
Nhìn thấy ba người bọn họ đột nhiên cúi đầu, Giang Phong không hề cảm thấy ngạc nhiên. Ngoài sự thần bí do Giang Phong tạo ra qua hình tượng thần linh, bản thân kiến trúc của Văn Nghi Điện cũng góp công đáng kể. Nơi long giai được xây dựng cao hơn phần còn lại của đại điện, chạm khắc nhiều hình ảnh, phù hào thần bí, cùng với sự kim bích huy hoàng đã gây nên ít nhiều áp lực đối với người bên dưới.
Giang Phong khẽ mỉm cười, hỏi George Đệ Nhất :
- Dường như Gregorius XII đã 90 tuổi rồi phải không ?
Tuy ba người bọn họ không dẫn theo phiên dịch, nhưng triều đình có phiên dịch, là quan viên của Thương vụ bộ. Nghe hỏi, George Đệ Nhất kính cẩn đáp :
- Hồi bẩm Thánh hoàng. Hết năm nay Đức Cha sẽ tròn 90 tuổi.
Tiếng Anh gọi là Pope, tiếng Latinh là Papal, nghĩa là Đức Cha (giáo dân người Việt gọi tôn kính là Đức Thánh Cha), có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp ‘papa’, nghĩa là ‘cha’. Đức Cha Gregorius XII tên thật là Angelo Corraro, sinh năm 1326, đến nay (năm 1414) là đã 89 tuổi, có thể nói là thượng thọ. Thời xưa hiếm có vị vua chúa nào có thể sống thọ đến thế, nhất là trong thời loạn lạc (Đức Gregorius XII từng phải rời giáo đô Roma vì bị Ladislaus chiếm đóng, sau đó không thể quay về).
Giang Phong lại nói :
- 90 tuổi, chẳng còn nhiều sức lực nữa, nên nghỉ ngơi an dưỡng là hơn.
George Đệ Nhất ngập ngừng hỏi :
- Ý Thánh hoàng là …
Giang Phong không trả lời, lại nói :
- Còn việc của Trento, trẫm sẽ viện trợ ngươi 3 nghìn vũ khí và 1 năm lương thực cho 3 nghìn người. Chỉ cần ngươi chiêu mộ dân chúng trong lĩnh địa, vũ trang và huấn luyện bọn họ, ít ra cũng có thể tự bảo được.
George Đệ Nhất cả mừng, vâng dạ tạ ơn. Đối với các cuộc chiến tranh ở Âu châu thời Trung Cổ, 3 nghìn quân cũng là một lực lượng đáng kể. Louis Đệ Nhị (cha của Louis Đệ Tam) đã từng suất lĩnh 1.500 kỵ binh tấn công Napoli vào năm 1409, chiếm lại được các vùng đất của Đức Cha (Papal States) bị Ladislaus chiếm trước đó, nhưng tấn công Napoli không thành công. Còn trong ‘Chiến tranh trăm năm’ (1337 – 1453) giữa Anh và Pháp, lực lượng đông đảo nhất của Pháp là dưới thời vua Charles VI (1415) thì cũng chỉ có 36.000 người (tương ứng quân Anh của Henry V có 12.000 người). Không giống với phương đông, mỗi cuộc chiến tranh là hàng chục vạn cho đến hàng trăm vạn quân. Cũng chính vì vậy mà chỉ với 2 vạn kỵ binh, người Mông Cổ đã có thể đánh đến tận Âu châu.
Sau đó, Giang Phong quay sang Louis Đệ Tam, hỏi :
- Hài tử. Con có em trai không ?
Louis Đệ Tam ngạc nhiên không hiểu sao Giang Phong lại hỏi thế, nhưng vẫn kính cẩn đáp :
- Hồi bẩm Thánh hoàng, con có em trai là René mới 5 tuổi.
Giang Phong mỉm cười nói :
- Trẫm không có nhi tử. Con có muốn làm nghĩa tử của trẫm không ?
Louis Đệ Tam ngơ ngác :
- Sao ạ ?
Giang Phong mỉm cười nói :
- Con có em trai, các tước vị ở Anjou hãy nhường lại cho em trai, còn các vùng đất bị người khác chiếm mất, như Napoli, Sicily, … trẫm sẽ giúp con giành lại. Con cũng sẽ là hoàng tử của Thần Thánh Đế quốc. Và trẫm sẽ viện trợ lương thực vũ khí cho Anjou. Nghe nói quân Pháp Lan Tây đang bị quân Anh Cách Lan tấn công gấp lắm, tình thế nguy ngập lắm phải không ?
Louis Đệ Tam ngơ ngác nhìn lão quản gia Ferdinand Caracciolo. Lão ta khẽ hỏi :
- Ý thiếu chủ thế nào ?
Louis Đệ Tam hỏi :
- Theo lão ta có nên đồng ý không ?
Lão quản gia ngẫm nghĩ giây lát, rồi nói :
- Nếu thiếu chủ đồng ý, thiếu chủ sẽ lập tức trở thành hoàng tử của Thần Thánh Đế quốc, thân phận tôn quý. Thánh hoàng còn hứa giúp thiếu chủ khôi phục Napoli, Sicily, và còn viện trợ lương thực vũ khí cho Anjou để chống quân Anh Cách Lan. Tình hình của Pháp Lan Tây hiện nay không hay lắm, nếu sắp tới mà còn thất trận nữa thì Anjou sẽ bị uy hiếp. Nghe nói Công tước đại nhân còn dự định nếu tình hình không hay thì sẽ đưa phu nhân và tiểu thiếu chủ sang Provence lánh nạn. Do đó, theo lão thần thấy, nếu thiếu chủ đồng ý, về công hay tư đều có lợi cả. Chỉ có điều nếu vậy thì thiếu chủ sẽ phải xa Anjou.
Louis Đệ Tam ngẫm nghĩ giây lát, rồi bật cười nói :
- Cũng có sao đâu. Trước đây ta cũng vẫn ở Provence đó thôi. Hơn nữa, việc ta làm hoàng tử của Thần Thánh Đế quốc cũng đâu có ngăn cấm ta về thăm mẹ và em trai ta.
Nói xong, Louis Đệ Tam quay sang nói với Giang Phong :
- Thánh hoàng. Con đồng ý ạ. Nhưng Thánh hoàng sẽ viện trợ cho Anjou thứ gì thế ạ ? Có nhiều không ?
Giang Phong mỉm cười :
- 1 vạn vũ khí, 1 năm lương thực cho 1 vạn quân, 1 tiểu hạm đội, có được không ?
Louis Đệ Tam nói :
- Sao lại là một tiểu hạm đội ạ ? Một đại hạm đội không được sao ?
Giang Phong cười nói :
- Tiểu hạm đội là theo tiêu chuẩn của Thần Thánh Đế quốc, tức là tổng tải trọng từ 1 ức (100 triệu) cân trở xuống. Thôi được rồi. Trẫm cho con được lựa chọn chiến thuyền, được không ? Nhưng đây không phải là trẫm viện trợ cho Anjou mà là tặng cho con. Còn con muốn tặng lại cho ai thì tùy ý con.
Louis Đệ Tam miễn cưỡng nói :
- Vâng ạ !
Giang Phong thấy vậy, chỉ mỉm cười. Sau đó Giang Phong cho Louis Đệ Tam khấu đầu lạy chín lạy, trước sự chứng kiến của văn vũ đại thần, chính thức trở thành nghĩa tử của Giang Phong, hoàng tử của Thần Thánh Đế quốc. Tên gọi tiếng Pháp Louis không thích hợp, Giang Phong cùng các đại thần bàn bạc, đổi lại là Long nhi, có âm gần giống, nhưng thích hợp hơn. Do vậy, từ đây Louis Đệ Tam có tên mới là Giang Long, gọi thân mật là Long nhi.
Giang Phong cho thu xếp một cung điện thật xinh đẹp trong Trường Thanh Cung cho Long nhi ở, đồng thời chọn thầy dạy học cho Long nhi. Lão quản gia Ferdinand Caracciolo cũng ở chung tại đó, hầu hạ thiếu chủ.
Hôm sau, Long nhi đến gặp Giang Phong, xin cho đi chọn chiến thuyền để thành lập hạm đội. Cậu bé muốn sớm xong việc để còn cho Ferdinand Caracciolo về Anjou báo tin. Giang Phong bảo Hải quân bộ bộ trưởng Đinh An Bình đưa cậu bé đi ra căn cứ hải quân ở bán đảo Long Sơn.
Khi đi, Long nhi thầm nghĩ phải nên lựa chọn thế nào, chợt nhớ rằng không có khái niệm 1 ức cân là bao nhiêu, liền hỏi lão quản gia :
- 1 ức cân là bao nhiêu vậy ?
Lão quản gia thầm tính toán một lúc, rồi nói :
- Thiếu chủ. Cứ 3 cân thì tương đương với 4 livre. Vậy 1 ức cân tương đương 133 triệu livre, hay 60 nghìn tấn Anh Cách Lan.
Thời Trung Cổ ở châu Âu, người Pháp sử dụng đơn vị đo khối lượng là livre (= 489,5 gam hệ SI), quintal (= 100 livre), once (= 1/16 livre), denier (= 1/24 once), grain (= 1/24 denier); người Anh thì sử dụng đơn vị pound (= 454 gam hệ SI), ton (hay tấn, = 2240 pound, tương đương 1016,96 kilôgam hệ SI), ounce (= 1/16 pound), dram (= 1/16 ounce), grain (= 1/7000 pound). Thần Thánh Đế quốc thì sử dụng đơn vị của phương đông, 1 cân = 16 lượng, 1 lượng = 10 chỉ = 100 phân = 1.000 ly, 1 tấn = 10 tạ = 100 yến = 1.000 cân (1 cân = 600 gam, 1 tấn = 600 kilôgam hệ SI).
Sau một lúc, lão quản gia lại nói thêm :
- Thiếu gia. Hiện nay, hải quân hoàng gia Anh Cách Lan có khoảng 180 chiến thuyền, tổng tải trọng cũng chỉ đạt hơn 20 nghìn tấn Anh Cách Lan. Các chiến thuyền Balinger lớn nhất cũng chưa đạt 100 tấn, thường có 40 người. Một chiến thuyền cỡ lớn thì tối đa cũng chỉ khoảng 200 tấn. Hải quân Pháp Lan Tây trước chiến tranh có hơn 200 chiến thuyền, nhưng giờ thì … mất hết cả rồi. Sau trận L’Ecluse hồi 74 năm trước (năm 1340), Pháp Lan Tây không còn hải quân nữa.
Long nhi cả mừng nói :
- Vậy thì tiểu hạm đội của ta sẽ lớn gấp 3 lần hạm đội của Anh Cách Lan ?
Lão quản gia nói :
- Vâng ạ. Nhưng nếu chiến thuyền của Đế quốc lớn thì số lượng chiến thuyền sẽ không nhiều.
Long nhi nói :
- Không sao. Thuyền lớn thì dễ đụng chìm thuyền nhỏ. Thà rằng có 1 chiến thuyền cỡ lớn còn hơn có 3 chiến thuyền cỡ nhỏ.
Đinh An Bình đứng gần đó, thông qua phiên dịch, biết bọn họ nói gì, không khỏi bật cười.
Chương 85 : TÌNH HÌNH PHÁP LAN TÂY
Lại nói, khi nghe Long nhi và lão quản gia Ferdinand Caracciolo bàn bạc về hạm đội, Đinh An Bình không khỏi bật cười, bảo :
- Hạm đội của Hải quân Đế quốc chiến đấu không phải bằng cách đụng chìm địch hạm, mà là bắn chìm.
Long nhi ngạc nhiên hỏi :
- Bắn chìm là sao ?
Đinh An Bình nói :
- Đương nhiên là sử dụng thần công đại pháo bắn chìm.
Long nhi ngơ ngác hỏi :
- Thần công đại pháo ?
Đinh An Bình chỉ vào dãy thần công đại pháo nằm dọc hai bên mạn thuyền, cười nói :
- Đó chính là thần công đại pháo.
Bọn họ đi trên chiến thuyền của Hải quân, nên đương nhiên có trang bị thần công đại pháo. Trừ Thần Thánh Đế quốc, đối với thời bấy giờ, ở cả phương đông và phương tây, hải chiến vẫn là sử dụng chiến thuyền đụng nhau, hoặc cung thủ và chiến sĩ quyết chiến. Long nhi nghe nói, liền chạy đến bên một khẩu thần công đại pháo, xem thử, sờ thử, rồi hỏi :
- Nó lợi hại lắm à ?
Đinh An Bình cười nói :
- Nó có thể bắn vỡ địch hạm cách chúng ta hơn 5 dặm, điện hạ nghĩ có lợi hại không ?
Long nhi mở tròn mắt, kinh ngạc nói :
- Lợi hại thế cơ à ?
Đinh An Bình lại nói :
- Trước đây, khi tấn công các thành trì duyên hải, thần công đại pháo của Hải quân còn được sử dụng để bắn sập thành tường của các thành trì nữa kia. Thành tường bị phá, quân ta chiếm thành sẽ dễ dàng hơn.
Khi ra đến căn cứ Hải quân ở Long Sơn, nhìn các chiến thuyền nằm đầy trong vịnh, Long nhi cứ ngần ngừ mãi không biết nên lựa chọn thế nào. Đây chỉ là tiểu hình, trung hình chiến thuyền mà trước đây Giang Phong đã định cho thoái dịch, bán lại cho thương nhân dùng làm vũ trang thương thuyền. Nhưng những chiến thuyền dài 60 mét, 80 mét thì đối với Long nhi cũng là rất lớn, so với các chiến thuyền của Âu châu thời bấy giờ thường chỉ dài hơn 10 mét, tối đa cũng chỉ 20 mét là đã rất lớn. Chỉ về những chiến thuyền trong vịnh, Đinh An Bình nói :
- Thuyền nhỏ có tải trọng khoảng 700 vạn cân, thuyền lớn khoảng 1.700 vạn cân. Ngoài ra chiếc thuyền chúng ta vừa đi đó có tải trọng hơn 3.000 vạn cân. Tùy ý điện hạ lựa chọn, miễn sao không quá 1 ức cân thì thôi.
Long nhi cùng lão quản gia bàn bạc một lúc rồi quyết định chọn 1 chiếc đại hình chiến thuyền (3.000 vạn cân), 2 chiếc trung hình chiến thuyền (1.700 vạn cân) và 5 chiếc tiểu hình chiến thuyền (700 vạn cân), tổng tải trọng là 9.900 vạn cân. Đây là những chiến thuyền thời kỳ đầu, mỗi chiếc chỉ có từ 10 đến 20 khẩu thần công đại pháo. Tiểu hạm đội có 8 chiến thuyền, được Long nhi đặt tên là “Hạm đội Angers”, theo tên lâu đài của nhà Louis tại Anjou, cũng còn được gọi là trái tim của Anjou. Kỳ hạm, tức chiến thuyền chỉ huy, được đặt tên là “René de Anjou”, theo tên em trai của Long nhi, người sẽ thừa kế lĩnh địa Anjou và danh hiệu Công tước sau này (do Long nhi nhường lại). Hai chiếc trung hình chiến thuyền được đặt tên là “Comte de Maine” (Bá tước của Maine) và “Comte de Provence” (Bá tước của Provence), đều là các tước vị mà René sau này sẽ được thừa kế.
Sau khi đã thành lập Hạm đội xong, Đinh An Bình điều thủy thủ đến phục vụ tạm thời trên Hạm đội Angers, chờ sau này đến Âu châu sẽ bàn giao cho nhà Anjou, và giúp bọn họ huấn luyện tân thủy thủ. Tiếp đó là lương thực và vũ khí được chuyển lên các chiến thuyền.
Sau 10 ngày chuẩn bị, George Đệ Nhất và Ferdinand Caracciolo cùng đoàn tùy tùng lên thuyền trở về Âu châu. Đoàn thuyền rời Gia Định Giang, đi về phía nam đến Tân Thành, sau đó đi theo tuyến hàng hải đông tây, qua Tích Lan, Somali, Yemen vào Hồng Hải rồi đến Sinai. Đến thành Suez nằm bên bờ vịnh Suez, lương thực vũ khí được đưa lên bờ, rồi chuyển xuống thuyền nhỏ, theo kênh đào Suez đưa ra bờ Địa Trung Hải. Còn Hạm đội không thể vào kênh đào Suez, đành phải đi dọc theo bờ biển Phi châu, mất nhiều thời gian hơn.
George Đệ Nhất và Ferdinand Caracciolo dẫn đoàn tùy tùng khẩn cấp đi sang thành Sinai ở bên bờ Địa Trung Hải, bên bờ vịnh Buhayrat al Manzilah. Bọn họ thuê thương thuyền để đưa lương thực vũ khí vượt Địa Trung Hải về Provence và Trento.
Khi Ferdinand Caracciolo về đến Provence thì đã vào cuối mùa đông năm Giáp Ngọ, theo Tây Lịch thì đã vào đầu năm mới 1415. Từ năm ngoái, quốc vương Anh Cách Lan Henry V (lên ngôi năm 1413) đã từ chối đề nghị giảng hòa của phe Armagnac đang nắm quyền nhiếp chính triều đình Pháp Lan Tây. Do đó, mọi người đều đang chờ đợi một cuộc chiến tranh quy mô lớn tái bùng phát.
Giai đoạn từ năm 1389 đến năm 1415 này được các sử gia phương tây gọi là “giai đoạn hòa bình thứ hai” của cuộc “chiến tranh trăm năm”. Gọi là hòa bình, nhưng thực chất Pháp Lan Tây lâm vào cảnh nội chiến giữa phe Armagnacs do Công tước Louis I de Orléans đứng đầu (khác Louis I de Anjou, ông nội của Louis III) và phe Burgundy do Công tước Jean I de Burgundy đứng đầu, với sự hậu thuẫn của Anh Cách Lan. Nguyên nhân của cuộc nội chiến là sự xung đột giữa Jean I de Burgundy với Louis I de Orléans trong cách điều hành quốc gia, rồi dẫn đến chiến tranh, kéo theo đồng minh của hai phe tham chiến.
Khi quốc vương Pháp Lan Tây Charles VI de Française bị bệnh tâm thần, đất nước được cai trị bởi một hội đồng nhiếp chính do vương hậu Isabeau de Bavière đứng đầu kể từ năm 1393. Vương hậu là người không có chủ trương và các thành viên có ảnh hưởng nhất trong hội đồng nhiếp chính là Công tước xứ Burgundy, Công tước xứ Orléans và Công tước xứ Anjou. Do Công tước xứ Anjou phải lo giành lại các đất đai của mình ở Napoli nên ít quan tâm triều chính, thành ra chỉ có Công tước xứ Burgundy và Công tước xứ Orléans tranh quyền với nhau (Công tước xứ Anjou có nhiều lĩnh địa nhất nên có địa vị siêu nhiên, Công tước phu nhân còn là người tài trợ cho những lực lượng chống quân Anh, trong đó có cả Joan de Arc sau này).
Trong thực tế, sự xung đột này là sự đối mặt giữa hai hệ thống kinh tế, xã hội và tôn giáo. Pháp Lan Tây là một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển với một hệ thống tôn giáo và chế độ phong kiến mạnh mẽ, các lĩnh chủ phong kiến có vai trò quan trọng và nhiều quyền lực. Trong khi đó, Anh Cách Lan có khí hậu ẩm, nhiều mưa, nhiều đồng cỏ và nghề nuôi cừu phát triển. Người Anh bán lông cừu cho xứ Flanders để dệt may thành quần áo. Do đó, ở Anh Cách Lan, giai cấp tư sản và các thành thị đang ngày càng trở nên quan trọng hơn. Công tước xứ Burgundy đồng thời cũng là Bá tước xứ Flanders, có quan hệ mật thiết với người Anh, ủng hộ mô hình kinh tế của người Anh với nền thương mại và giai cấp tư sản phát triển. Còn phe Armagnacs ủng hộ chế độ hiện thời, với sự thống trị quốc gia của các lĩnh chủ phong kiến. Ngoài ra, phe Armagnacs được sự ủng hộ của giáo chủ Clément VII ở Avignon, còn phe Burgundy được sự ủng hộ của giáo chủ Urbain VI ở Roma (người tiền nhiệm của Gregorius XII).
Sau khi Công tước Louis I de Orléans bị ám sát năm 1407, Paris bị kiểm soát bởi Jean I de Burgundy, và nội chiến quy mô lớn bùng phát. Sau nhiều cuộc chiến, song phương lúc thắng lúc thua, nên đã cùng ký kết hòa ước vào năm 1412. Đến mùa xuân năm 1413, Jean I de Burgundy tiến hành một cuộc cải cách ở Paris, gây ra cuộc nổi loạn Cabochiens, với xu hướng hạn chế quyền lực của chế độ quân chủ, tăng cường quyền lực cho giới tư sản. Nhưng sự lạm dụng của phe Burgundy và Capochiens, nhất là các cuộc thảm sát, đã khiến dân chúng bất mãn và nổi loạn. Khi bị đàn áp, họ đã kêu gọi phe Armagnacs về giải cứu Paris. Đến năm 1414, phe Armagnacs giành lại được quyền kiểm soát Paris và Công tước Burgundy bị đuổi chạy về vùng đông bắc. Đến lúc này, người Anh bắt đầu can thiệp giúp đồng minh của họ. Mọi người ai cũng biết chiến tranh giữa Anh Cách Lan và Pháp Lan Tây chắc chắn sẽ tái diễn.
Trong hoàn cảnh đó, lão quản gia Ferdinand Caracciolo vội khẩn cấp chinh binh, tuyển mộ nông dân từ các lĩnh địa của nhà Anjou, trước mắt là ở Provence, tổ chức thành quân đội, khẩn trương huấn luyện chuẩn bị cho cuộc chiến tranh sắp tới. Nhà Anjou tuy không tham gia vào cuộc nội chiến, nhưng vẫn phải chống lại sự xâm chiếm của Anh Cách Lan, bởi các lĩnh địa Anjou và Maine nằm không xa Paris. Ngoài ra, lão còn gửi 1.000 người sang Sinai nhờ Hồng Long phân hạm đội giúp huấn luyện thành thủy thủ, để tương lai có thể phục vụ ở hạm đội Angers.
Nhận được tin báo, Louis II de Anjou cũng cử Công tước phu nhân Yolande de Aragon và René đến Provence chủ trì đại cuộc. Một vạn quân đội là một lực lượng rất đáng kể, nhất là trong hoàn cảnh lúc này. Do các xứ Napoli sẽ do Louis III, lúc này là Long nhi, giải quyết nên nhà Anjou có thể rảnh tay lo việc trong nước. Người dân Pháp Lan Tây đã quá mệt mỏi với sự tranh giành quyền lực của hai phe Armagnacs và Burgundy.
Chương 86 : CÔNG ĐỒNG CONSTANCE
Trong lúc ở Pháp Lan Tây, nhà Anjou đang lo chỉnh bị binh mã, chuẩn bị cho chiến tranh, thì cũng cùng lúc này, Công đồng của Giáo hội Công giáo La Mã đã nhóm họp ở Constance, một thành thị miền nam nước Đức, từ ngày 16 tháng 11 năm 1414, với sự tham dự của 29 hồng y, 200 giám mục, 100 đan viện phụ, 300 nhà thần học và giáo luật, khoảng 8.000 giáo sĩ, Hoàng đế Sigismund của Đế quốc La Mã Thần Thánh dân tộc Đức (thường được gọi tắt là Đế quốc La – Đức) cùng 1.000 kỵ binh, nhiều quân vương, công tước, bá tước cũng có mặt. Thêm vào đó 7 vạn giáo dân các nơi cũng kéo về Constance tham dự. Mọi người đều hy vọng Công đồng có thể kết thúc được cuộc ly giáo đã kéo dài mấy chục năm qua.
Nguồn gốc của cuộc ly giáo có nguyên nhân sâu xa từ thời kỳ “cuộc lưu đày Avignon”. Đức Cha Bonifacio VIII (1294 – 1303) đã cố gắng củng cố một quyền tối thượng về cả thế tục và tôn giáo cho Giáo hội. Chính sách đó đã gây ra xung đội với các quân vương của Âu châu, chủ yếu là với Hoàng đế Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức và quốc vương Pháp Lan Tây. Phản ứng lại với hành động của Giáo hội, quốc vương Philippe IV de Française đã tấn công nước của Đức Cha (Papal of States), Bonifacio VIII vì tức giận mà qua đời. Trong khi Benedict XI được bầu lên kế vị thì Philippe IV de Française công khai tuyên bố Bonifacio VIII là “dị giáo, mua bán đồ thánh, ma thuật và nô lệ của quỷ dữ”. Cùng lúc đó thì giới quý tộc La Mã lại tấn công lẫn nhau làm cho giáo đô Roma hỗn loạn. Benedict XI không can thiệp được và qua đời chỉ sau 8 tháng lên ngôi. Sau đó thì Clemente V người Pháp được bầu lên ở Lyon, và từ chối trở về Roma. Đến năm 1309, Đức Cha Clemente V chọn Avignon làm giáo đô mới. Có 7 vị Đức Cha đã trị vì tại đây, tất cả đều là người Pháp, và đương nhiên chịu ảnh hưởng của triều đình Pháp Lan Tây. Một số vị sau đó cố gắng để có thể quay về Roma, nhưng mãi đến năm 1376, dưới thời Gregorius XI mới thành công. Khi Gregorius XI qua đời năm 1378, người dân Roma nổi loạn đòi phải bầu ra một vị Đức Cha người Roma. Các hồng y vì lo sợ đám đông, đã bầu một vị giám mục người Napoli lên ngôi, tức là Urbano VI. Nhưng vì Ngài đa nghi, độc đoán và dễ nổi nóng nên các hồng y bất mãn, quay trở về Avignon bầu Clemente VI lên ngôi. Thế là Giáo hội có đến 2 vị Đức Cha. Các xứ Pháp Lan Tây, Aragon, Castile và León, Cyprus, Burgundy, Savoy, Napoli, Sicily và Tô Cách Lan ủng hộ Clemente VI ở Avignon. Còn các xứ Đan Mạch, Anh Cách Lan, Flanders, Đế quốc La – Đức, Hungary, bắc Italy, Ái Nhĩ Lan, Bồ Đào Nha, Na Uy, Ba Lan và Thụy Điển thừa nhận Urbano VI ở Roma. Đến năm 1409, một số hồng y họp Công đồng ở Pisa, bầu lên vị Đức Cha thứ ba, Alexander V. Ba người đều tuyên bố mình là chính thống. Cho đến lúc này, có Gregorius XII (Urbano VI truyền cho Bonifacio IX, rồi đến Innocento VII và Gregocius XII) thường được gọi là Đức Cha La Mã, Benedict XIII (kế vị từ Clemente VII) được gọi là Đức Cha Avignon và John XXIII (kế vị từ Alexander V) được gọi là Đức Cha Pisa. Các vị quân vương, quý tộc và cả giáo dân đều mong muốn tình trạng ly giáo sớm chấm dứt. Giải pháp được ủng hộ nhiều nhất là cả 3 vị cùng thoái vị, để Công đồng bầu ra người mới.
Các phiên họp diễn ra trong thánh đường chính tòa Constance, do Đức Cha John XXIII ngồi ghế chủ tọa, với chương trình nghị sự gồm 3 điểm chính :
1. Tái lập sự thống nhất của Giáo hội Công giáo La Mã.
2. Chống dị giáo, kết án tử hình John Wiclif và Jean Huss (hỏa thiêu Jean Huss vào năm 1415). Trong bối cảnh ba vị Đức Cha (Papal), Jean Huss đã không coi Giáo hội cơ chế là Giáo hội thực. Bị kết án, nhưng ông vẫn được dân Boheme ủng hộ. Jean Huss mạnh dạn đến Công đồng Constancia, chứng minh ý kiến mình có căn bản Phúc Âm. Khi bị bắt giam, ông viết thư tự nhận mình tử đạo cho chân lý. Sự hỏa thiêu Jean Huss đã gây ra nội chiến nhiều thập niên, vì ngay khi đó, có 450 lĩnh chủ viết thư bênh vực ông là người chính thống về giáo lý. Nội chiến chỉ kết thúc khi tư tưởng của Jean Huss được Đế quốc La – Đức công nhận.
3. Cải cách Giáo hội : Công đồng tuyên bố “Quyền tối thượng thuộc về Công đồng” là hợp với đạo lý của Giáo hội (trước đây thì Quyền tối thượng thuộc về Đức Cha). Cuộc cải cách này gần giống với sự chuyển đổi từ chế độ quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến.
Trong lúc cuộc hỏa thiêu Jean Huss đang làm xôn xao cả Âu châu thì Giám mục Trento George I thay mặt Đức Cha Gregorius XII đến mật đàm với các hồng y lãnh đạo của Công đồng. Đến chiều ngày 20 tháng 3 năm 1415, biết tin về cuộc mật đàm, John XXIII cảm thấy mình bị bỏ rơi, liền rời bỏ Constance. Việc này làm mọi người xôn xao, nhưng nhờ sự khéo léo và uy tín của Hoàng đế La – Đức Sigismund và nhiều vị hồng y khác mà Công đồng vẫn tiếp tục.
Sau nhiều phiên mật đàm, song phương đạt được thỏa thuận : Đức Cha Gregorius XII đồng ý thoái vị, Công đồng Constance đồng ý giữ lại tất cả các hồng y do Gregorius XII bổ nhiệm, và cử Ngài làm Giám mục Frascati, hiệu trưởng của Sacred College of Cardinals và thừa kế vĩnh viễn ở Ancona.
Ngày 29 tháng 5, Công đồng chính thức phế truất John XXIII.
Ngày 1 tháng 6, Trị an ty Chính sứ tỉnh Jerusalem của Thần Thánh Đế quốc là Dương Nghĩa thống suất 5.000 kỵ binh đổ bộ lên Provence (một lĩnh địa của nhà Anjou ở đông nam Pháp Lan Tây, bên bờ Địa Trung Hải), sau đó vượt qua Milan, Thụy Sĩ, đến đầu tháng 7 thì tiến vào Constance. Ngày 4 tháng 7, Dương Nghĩa cùng với 2 đại diện của Gregorius XII là hồng y Giovanni Dominici và Công tước Caroli Malatesta tham dự phiên họp thứ 14 của Công đồng. Sự có mặt của Dương Nghĩa cùng 5.000 kỵ binh đã làm giảm phần nào ảnh hưởng của Hoàng đế La – Đức Sigismund đối với Công đồng. Trong phiên họp, Công tước Caroli Malatesta đã thay mặt Đức Gregorius XII đọc diễn văn thoái vị. Sau đó, Công đồng lại tuyên bố phế truất Benedict XIII và cuộc ly giáo kết thúc. Tuy vậy, Công đồng vẫn tôn trọng Đức Gregorius XIII bằng cách chưa bầu ngay Đức Cha mới. Theo kế hoạch, Công đồng sẽ vẫn còn họp cho đến năm 1418, và sẽ bầu trước khi bế mạc.
Dương Nghĩa chỉ ở lại dự đến giữa tháng 7, sau đó rời Constance quay về Jerusalem, chỉ để lại đại diện của 4 cộng đồng hiện đang quản lý thánh địa.
Cuộc họp của Công đồng Constance đang thu hút sự chú ý của toàn Âu châu thì cuộc đại chiến mà mọi người chờ đợi sau gần một năm uân nhưỡng cuối cùng cũng đã bùng nổ.
Ngày 13 tháng 8 năm 1415 (Tây Lịch), quốc vương Anh Cách Lan Henry V of England đã suất lĩnh 12.000 quân đổ bộ vào vùng duyên hải phía bắc Pháp Lan Tây, tấn công thành phố cảng Harfleur. Tuy vậy, quân Pháp ở đấy đã chống cự rất ngoan cường, nhiều lần đẩy lùi quân Anh, khiến cho quân Anh không thể đánh nhanh thắng nhanh như dự kiến. Điều đó cũng có nghĩa là kế hoạch chiến tranh của Henry V of England đã đổ vỡ, và quân Anh lỡ mất cơ hội tiến thẳng vào Paris. Đến ngày 22 tháng 9, thành phố mới đầu hàng, và quân Anh đóng lại đó cho đến tháng 10. Sau trận này, quân Anh tử trận rất nhiều, chỉ còn lại khoảng 9.000, và Henry V of England quyết định chuyển đến thành phố cảng Calais, nơi mà bọn họ có thể tìm thấy những trang bị cho mùa đông.
Khi quân Anh đang bao vây Harfleur, quân Pháp đã tập hợp quân cứu viện, nhưng chỉ có được chưa đến 9.000 quân nên không thể cứu viện kịp thời. Triều đình Pháp Lan Tây đành kêu gọi các lĩnh chủ quý tộc đưa tư quân gia nhập quân đội. Khi đã tập hợp được 36.000 người, quân Pháp mới tiến lên phía bắc. Ngày 24 tháng 10, song phương gặp nhau tại Agincourt.
Quân Anh lúc này chỉ còn lại 8.500 người, thức ăn còn lại rất ít, đã hành quân 260 dặm Anh trong vòng 2 tuần rưỡi, và nhiều người bị bệnh kiết lỵ. Trong khi quân Pháp đông đến 36.000 người, và có khoảng 10.000 hiệp sĩ, 12.000 cung thủ. Chiến trường là dải đất hẹp nằm giữa các khu rừng Tramecourt và Agincourt. Quân Pháp trấn giữ phía bắc, ngăn không cho quân Anh đi đến Calais.
Sáng sớm ngày 25, Henry V of England đã triển khai quân đội thành 3 đạo, với 1.500 trường thương binh, và 7.000 trường cung binh. Đạo tiên phong do Công tước xứ York chỉ huy, đạo trung quân do đích thân Henry V chỉ huy, còn hậu đội do lĩnh chủ Camoys thống lĩnh. Ngoài ra còn có Sir Thomas Erpingham, hiệp sĩ hoàng gia nhiều kinh nghiệm chỉ huy các cung thủ ở hai bên bìa rừng. Do tình hình bất lợi, người Anh đã cầu nguyện trước cuộc chiến, hy vọng sẽ tránh được hình phạt ở địa ngục nếu tử trận.
Ngược lại, với lực lượng đông hơn gấp 4 lần, trang bị tốt hơn và có nhiều kỵ binh, người Pháp tin tưởng rằng bọn họ sẽ chiến thắng dễ dàng. Quân Pháp cũng chia làm 3 đạo. Đạo đầu tiên được chỉ huy bởi Charles de Albret, Marshal Boucicault, Công tước xứ Orléans và Bourbon, cùng với đội kỵ binh của Bá tước xứ Vendome và Hiệp sĩ Clignet de Brebant. Đạo thứ hai được chỉ huy bởi Công tước xứ Bar và Alencon, cùng với Bá tước của Nevers. Đạo thứ ba do Bá tước của Dammartin và Fauconberg chỉ huy. Người Pháp còn có khoảng 8.000 chiến xa hạng nặng. Trong quân Pháp có rất nhiều quý tộc và bọn họ đều rất hăng hái tham chiến.
Chương 87 : TRẬN ANGINCOURT
Ngày 25 tháng 10 năm 1415 theo Tây lịch, tức Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.517 (Ất Mùi).
Quân Anh Cách Lan gồm 8.500 người (1.500 trường thương binh và 7.000 trường cung thủ) thiếu lương thực và bệnh tật đã đụng độ cùng 36.000 quân Pháp Lan Tây được trang bị tốt (trong đó có 10.000 hiệp sĩ và 12.000 cung thủ) ở Agincourt. Trong khi quân Anh lo cầu nguyện trước trận chiến thì quân Pháp rất thoải mái vì tin tưởng vào chiến thắng.
Trái với lệ thường, trong hàng ngũ quân Pháp, giới quý tộc đều tranh nhau dẫn đầu, trong khi binh sĩ bình dân thì chỉ ở phía sau và phần lớn không thể hoặc không muốn triển khai, bởi địa hình khá hẹp, và đối với dân chúng, chiến tranh không mang lại nhiều lợi ích. Trong khi đó thì giới quý tộc lại háo hức với cuộc chiến, vì bọn họ hy vọng tù binh sau trận chiến sẽ mang lại cho bọn họ một khoản tiền chuộc đáng kể. Ngân khố của giới quý tộc Pháp hiện giờ đã bị thâm hụt rất nghiêm trọng. Với số lượng áp đảo, người Pháp tin rằng sẽ dễ dàng đánh bại quân Anh. Thêm nữa, trong hàng ngũ quân Pháp có rất nhiều quý tộc mà cha ông của họ đã từng đại bại nhục nhã ở Crecy và Poitiers, nên bọn họ đang rất khao khát báo thù.
Trận chiến bùng nổ. Giới quý tộc và các hiệp sĩ Pháp tranh nhau dẫn đầu tấn công, đội hình hỗn loạn, không ai chỉ huy được. Hơn nữa, bọn họ không lo giết giặc mà chỉ mải lo bắt tù binh. Phía bên kia thì quân Anh bắn tên ra như mưa, chỉ giết chết chứ không bắt sống. Quân Pháp xung phong nhiều đợt, nhưng không có đội hình gì và thiếu sự thống nhất chỉ huy nên không sao phá vỡ được hàng phòng ngự của quân Anh. Lại do không lo giết giặc, nên quân Pháp tổn thất thảm trọng. Đến giữa trưa, quân Anh bắt được hàng nghìn tù binh, nhưng vì không đủ khả năng canh giữ, và sợ bọn họ tái vũ trang phản kháng với vũ khí rơi vãi đầy mặt đất, nên Henry V đã ra lệnh tàn sát tất cả tù binh (trừ những tù binh có giá trị).
Đến chiều, quân Pháp thiệt hại hơn một phần ba, đành phải rút lui. Trận này, quân Anh tử trận khoảng 450 người, trong đó có Công tước York và Edward of Norwich, bị thương khoảng 1.600 người. Quân Pháp tử trận khoảng 4.000 người, bị thương khoảng 11.000 người và bị bắt hơn 2.000 người. Người Pháp còn tổn thất 3 Công tước, 8 Bá tước, 1 Tử tước, 1 Giám mục và rất nhiều quý tộc, trong đó có Công tước Charles de Orléans, Công tước John I de Alençon, Thống chế Jean Le Maingre. Trận Agincourt đã khiến cho phe Armagnacs suy sụp, bởi quân đội của họ bị thiệt hại nặng nề và phần lớn giới lãnh đạo đã thương vong hay bị người Anh bắt làm tù binh.
Dù vậy, phía quân Anh cũng bị tổn thất đáng kể, không còn khả năng tiếp tục chiến tranh mà phải tạm nghỉ ngơi chỉnh đốn. Chỉ có phe Burgundy là được lợi, chỉ 10 ngày sau trận chiến, bọn họ đã thừa cơ dẫn quân tiến vào Paris.
Sau trận Agincourt, tình thế Pháp Lan Tây rất nguy ngập, các lĩnh địa phía bắc và phía tây đa số bị Anh Cách Lan và các đồng minh của họ kiểm soát. Tuy quân Anh đã rút về Calais chỉnh đốn lại lực lượng, nhưng Paris đã rơi vào tay phe Burgundy, lực lượng đồng minh thân cận nhất của quân Anh, và cũng là lực lượng chống đối chính với triều đình Pháp Lan Tây. Đặc biệt, vùng chiến sự đã áp sát Maine và Anjou, các lĩnh địa chính của nhà Anjou, khiến họ buộc phải lên kế hoạch phản công.
Ngày 10 tháng 11, Nam tước Jean de Rais suất lĩnh 1 vạn quân Anjou, gồm 4.000 cung thủ, 6.000 trường thương binh, rời Provence tây tiến. Đại quân vượt qua Languedoc tiến vào vùng Guyenne (còn gọi là vùng Gascony), tấn công Bordeux, thủ phủ của lĩnh địa quốc vương Anh Cách Lan tại đấy. Ngày 28, quân Anjou bao vây Bordeux. Quân Anh tại đây chỉ có 1.200 người, không chống cự nổi, sau 5 ngày bị vây đã dâng thành đầu hàng. Nam tước Jean de Rais chia quân thành 10 đạo, đánh dẹp các nơi. Đến ngày 13 tháng 12, toàn cảnh Guyenne đã rơi vào tay quân Anjou. Anh Cách Lan chính thức mất lĩnh địa cuối cùng ở phía nam của mình.
Cũng trong ngày 10 tháng 11, Hạm đội Angers đang thao luyện ở Sinai thì được lệnh rời Địa Trung Hải, di chuyển sang vùng biển phía tây của Pháp Lan Tây. Hạm đội gồm 8 chiến thuyền, 102 khẩu thần công, 1.000 thủy quân và 17 tướng lĩnh. Tiểu hình chiến thuyền 5 chiếc, mỗi chiếc trang bị 10 khẩu thần công, có 100 thủy quân, 2 tướng lĩnh. Trung hình chiến thuyền 2 chiếc, mang tên ‘Comte de Maine’ và ‘Comte de Provence’, mỗi chiếc trang bị 16 khẩu thần công, có 150 thủy quân, 2 tướng lĩnh. Đại hình chiến thuyền 1 chiếc, mang tên ‘Réne de Anjou’, đồng thời cũng là Soái thuyền, được trang bị 20 khẩu thần công, có 200 thủy quân, 3 tướng lĩnh, do Đô đốc Frederick du Guesclin chỉ huy. Frederick du Guesclin là con trai của Bertrand du Guesclin, được Louis II de Anjou phong tước Hiệp sĩ và trở thành cận thần của nhà Anjou. Khi lão quản gia Ferdinand Caracciolo về đến Provence thì đã cử Frederick du Guesclin cùng với 1.000 thủy quân sang Sinai huấn luyện. Hạm đội Angers được tổ chức theo biên chế của Thần Thánh Đế quốc, nên Frederick du Guesclin đã được phong làm Đô đốc.
Ngày 3 tháng 12, Hạm đội vượt qua eo biển Gibraltar, men theo bán đảo Iberia tiến lên phía bắc. Ngày 16, Hạm đội đến Bordeux, lấy thêm 8.000 quân trong số 1 vạn quân Anjou tại đấy, rồi tiếp tục tiến về phía bắc.
Ngày 28 tháng 12. Giữa trưa. Eo biển Manche. Chiến thuyền ‘Réne de Anjou’, phòng chỉ huy.
- Đô đốc. Gặp phải Hạm đội Anh Cách Lan.
Thuyền trưởng Deprez Eugene của chiến thuyền ‘Réne de Anjou’ báo cáo với thanh âm đầy hưng phấn. Đô đốc Frederick du Guesclin nhíu mày hỏi :
- Lực lượng địch quân thế nào ?
Thuyền trưởng Deprez Eugene đáp :
- Trình Đô đốc. Hạm đội Anh Cách Lan có 42 chiến thuyền Balinger và 3 đại hình chiến thuyền (great ship), trong đó phần lớn là thuyền vận tải.
Đô đốc Frederick du Guesclin gật đầu nói :
- Quân Anh Cách Lan đang trú đóng ở Calais. Chắc Hạm đội này chở vật tiếp tế cho Calais.
Calais là một hải cảng ở phía bắc Pháp Lan Tây, nằm ở eo hẹp nhất của biển Manche, đối diện với Dover bên phía Anh Cách Lan. Đây là căn cứ tiếp tế chủ yếu của quân Anh Cách Lan trong cuộc ‘chiến tranh trăm năm’. Sau trận Agingourt, quân Anh Cách Lan thiệt hại nặng, nên quốc vương Henry V of England đã dẫn quân về đấy nghỉ ngơi, và bản thân Henry V of England thì đã về nước chuẩn bị thêm viện quân.
Đô đốc Frederick du Guesclin cùng thuyền trưởng bước lên đài chỉ huy, nhìn ra phía xa chỉ thấy nhiều chấm đen nhỏ xíu ở phía chân trời. Vì khoảng cách quá xa, chỉ có thủy thủ trên đài quan sát mới có thể nhìn thấy rõ. Đô đốc Frederick du Guesclin truyền lệnh :
- Cho Hạm đội tiến gần hơn. Bày trận.
Kỳ hiệu phất phới, mệnh lệnh được truyền đi toàn Hạm đội. Khoảng cách song phương lúc này chỉ còn hơn 5 dặm Anh, nếu không bày trận thì sẽ không còn kịp nữa. Các khẩu thần công trên chiến thuyền tuy thuộc vào loại lạc hậu (đối với Thần Thánh Đế quốc), nhưng cũng có tầm bắn xa hơn 1 dặm Anh.
Soái thuyền ‘Réne de Anjou’ dẫn đầu Hạm đội Angers tiến thẳng về phía Hạm đội Anh Cách Lan. Khi chỉ còn cách khoảng 3 dặm, Đô đốc Frederick du Guesclin truyền lệnh :
- Dàn trận chiến đấu.
Mệnh lệnh truyền xuống, các chiến thuyền lập tức phân tán ra. Những chiến thuyền ở giữa hạ nửa buồm, giảm tốc độ. Hạm đội dàn thành trận hình chữ V, có ý bao vây Hạm đội quân địch. Các chiến thuyền đều dần dần chuyển hướng để hướng mạn thuyền về phía địch hạm. Phía bên kia, Hạm đội Anh Cách Lan cũng đã nhìn thấy đối phương, quay đầu chuẩn bị chiến đấu.
Sau một lúc, thủy thủ trên đài quan sát hô lớn :
- Cách địch hạm 2 dặm.
Đô đốc Frederick du Guesclin truyền lệnh :
- Xạ thủ chuẩn bị !
Các xạ thủ đều vào vị trí, thuốc pháo được cho vào nòng. Lát sau, thủy thủ trên đài quan sát lại hô :
- Cách địch hạm 1 dặm.
Đô đốc Frederick du Guesclin truyền lệnh :
- Bắn thử.
Bắn thử tức là mỗi đội có một khẩu thần công sẽ điều chỉnh biên độ, bắn thử xem cự ly có chính xác hay không. Thời kỳ này kỹ thuật còn lạc hậu, thủy thủ trên đài quan sát chỉ có thể ước tính cự ly bằng kinh nghiệm, cần phải bắn thử mới biết chính xác hay không.
Đùng. Đùng. Đùng …
Mỗi chiến thuyền đều có một khẩu thần công bắn thử, xác định cự ly. Sau đó các khẩu thần công còn lại đều theo đó mà điều chỉnh biên độ nòng pháo. Giây lát, thủy thủ trên đài quan sát lại hô :
- Cách địch hạm 3 phần 4 dặm.
Đô đốc Frederick du Guesclin truyền lệnh :
- Pháo kích.
Xạ thủ lần lượt khai hỏa. Các khẩu thần công lần lượt pháo kích về phía Hạm đội Anh Cách Lan, từng phát từng phát, liên miên không ngớt. Thời kỳ chưa có thiết giáp hạm, dù là tối cao cấp chiến hạm cũng chỉ có thể phát xạ từng phát từng phát, hiếm khi nào toàn bộ đại pháo đồng loạt phát xạ, trừ khi cận thân hỗn chiến. Sở dĩ phải làm thế là vì lực phản chấn của đại pháo. Thử tưởng tượng, mấy chục khẩu đại pháo nặng hàng tấn, hàng chục tấn đồng loạt phát xạ, phản chấn lực cực lớn, thân thuyền thì được đóng bằng gỗ, làm sao chịu đựng nổi.
Đùng. Đùng. Đùng …
Mặt biển đang yên tĩnh đột nhiên nổi lên những thanh âm vang dội. Từ các khẩu thần công phát ra những đạo hỏa quang, cùng với nó là rất nhiều thiết đạn lao vun vút về phía thuyền địch.
Chương 88 : TRẬN HẢI CHIẾN MANCHE
Ngày 28 tháng 12 năm 1415 theo Tây lịch, tức Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.517 (Ất Mùi). Hạm đội Angers của Anjou đã đụng độ Hạm đội Hải quân Hoàng gia Anh Cách Lan ở ngoài khơi eo biển Manche, các thành phố cảng Calais không xa.
Hạm đội Angers có 8 chiến thuyền, gồm : 1 đại hình chiến thuyền ‘Réne de Anjou’, dài 95 mét, rộng 40 mét, cao 6 mét, 7 cột buồm, tải trọng 1,8 vạn tấn, có 20 khẩu thần công, 200 thủy thủ; 2 trung hình chiến thuyền ‘Comte de Maine’ và ‘Comte de Provence’, dài 80 mét, rộng 32 mét, cao 5 mét, 6 cột buồm, tải trọng 1 vạn tấn, có 15 khẩu thần công, 150 thủy thủ; 5 tiểu hình chiến thuyền, dài 60 mét, rộng 22 mét, cao 4 mét, 5 cột buồm, tải trọng 4.200 tấn, có 10 khẩu thần công, 100 thủy thủ. Ngoài ra trên các chiến thuyền còn có chở theo 4.000 cung thủ (bowman) và 4.000 trường thương binh (spearman).
Hạm đội Hải quân Hoàng gia Anh Cách Lan có 45 chiến thuyền, gồm : 42 chiến thuyền Balinger, dài 12 - 14 mét, rộng 3 mét, cao 2 mét, 1 cột buồm với cánh buồm vuông, tải trọng 100 tấn, có 30 mái chèo và 40 thủy thủ; 3 đại chiến thuyền (Great ship), dài 18 mét, rộng 3 mét, cao 2,1 mét, 1 cột buồm, tải trọng 180 tấn, có 50 mái chèo và 100 thủy thủ.
(chú : trong đội thuyền của Columbus sau này đi thám hiểm châu Mỹ, chiếc lớn nhất có tên là ‘Santa Maria’, dài 22,6 mét, rộng 3 mét, cao 2,1 mét, 3 cột buồm, tải trọng 223 tấn. Qua đó sẽ thấy các chiến thuyền Balinger và Great ship của Anh Cách Lan lúc bấy giờ, giai đoạn cuối của ‘Đêm dài Trung Cổ’, là lớn).
Hạm đội song phương gặp nhau, khi còn cách nhau 3 phần 4 dặm Anh, Đô đốc Frederick du Guesclin của Hạm đội Angers đã truyền lệnh pháo kích vào Hạm đội đối phương.
Đùng. Đùng. Đùng …
Cả 51 khẩu thần công lần lượt khai hỏa. Mặt biển đang yên tĩnh đột nhiên nổi lên những thanh âm vang dội. Đồng thời, từ các khẩu thần công phát ra những đạo hỏa quang, cùng với nó là rất nhiều thiết đạn lao vun vút về phía thuyền địch.
Bên phía Hạm đội Hải quân Hoàng gia Anh Cách Lan, Bá tước John Grey I of Tankerville chỉ huy Hạm đội, theo lệ thường đang cùng thuộc hạ chơi bài thì được báo phát hiện Hạm đội của Pháp Lan Tây. Khi nghe báo cáo, Bá tước chỉ cười nhạt, chẳng thèm để tâm đến, chỉ truyền lệnh cho Hạm đội tiến đến tiêu diệt Hạm đội đối phương, sau đó cùng thuộc hạ tiếp tục chơi bài. Hành động của Bá tước vốn không có gì lạ, bởi trong mắt của một quý tộc Anh Cách Lan, Hải quân Pháp Lan Tây không thể gọi là Hải quân, hễ đánh là bại. Nhiệm vụ của Bá tước chỉ là vận chuyển vật tư sang Calais, trước giờ vẫn rất an nhàn, có lẽ lâu lâu cũng nên phấn khích một chút để thay đổi không khí. Cả bọn vừa chơi bài vừa nói cười vui vẻ. Đột nhiên …
Đùng. Đùng. Đùng …
Tiếng đại pháo truyền đến làm cả bọn giật mình. Trợ thủ đắc lực của Bá tước là Thomas Kyriell đề nghị :
- Bá tước Đại nhân. Tình hình có vẻ không ổn. Chúng ta ra ngoài xem thử thế nào !
Bá tước gật đầu nói :
- Cũng được. Chúng ta ra ngoài xem thử !
Khi cả bọn ra đến bên ngoài thì loạt bắn thử của Hạm đội Angers vừa kết thúc. Bọn họ không có cảm giác bị pháo kích, nhưng tất cả đều chấn kinh khi nhìn thấy Hạm đội Angers đang sừng sững tiến đến. Khoảng cách của song phương lúc này chưa đến 1 dặm, nên tầm quan sát rất rõ ràng, đặc biệt là khi chiến thuyền của đối phương quá lớn, cực kỳ lớn.
Bá tước đưa tay chỉ về phía Hạm đội đối phương, run giọng hỏi :
- Đó mà là Hạm đội của Pháp Lan Tây hay sao ?
Một gã thuộc hạ chỉ về phía đỉnh cột buồm trên chiến thuyền đối phương, nói :
- Đại nhân hãy xem. Đó chính là hiệu kỳ của Công tước xứ Anjou.
Bá tước nhíu mày nói :
- Công tước xứ Anjou chẳng phải đang bận lo giành lại đất đai ở Napoli hay sao ? Giờ còn đến đây làm gì nữa chứ ?
Bọn họ ngạc nhiên cũng phải, bởi Công tước xứ Anjou cũng đồng thời là Quốc vương Napoli, nhưng Vương quốc Napoli đã bị cha con Ladislaus chiếm mất, đánh nhau mấy chục năm nay mà vẫn chưa giành lại được. Do đó, việc triều chính của Pháp Lan Tây, Công tước xứ Anjou ít tham dự.
Bọn họ còn đang bàn tán thì tiếng đại pháo lại nổ vang. Nhưng lần này là toàn diện pháo kích. Cả 51 khẩu thần công đều lần lượt khai hỏa, liên tục pháo kích về phía Hạm đội Anh Cách Lan. Xạ thủ của Hạm đội Angers khai hỏa hết loạt này đến loạt khác. Bọn họ không giống như tiến hành hải chiến mà như là đang huấn luyện xạ kích. Tuy nói là chiến đấu, nhưng chỉ có phía Hạm đội Angers đơn phương tấn công. Vũ khí của các thủy thủ trên Hạm đội Anh Cách Lan có cự ly xa nhất là trường cung, nhưng dù trường cung thủ (longbowman) có lực lượng mạnh nhất thì cũng không thể nào bắn đến mục tiêu cách xa cả nghìn mét. Phạm vi tấn công hữu hiệu của trường cung thủ thường chỉ đạt đến 100 mét. Do đó, xạ thủ của Hạm đội Angers tha hồ lấy chiến thuyền của Hạm đội Anh Cách Lan làm bia tập bắn.
Trong hải chiến, do điều kiện trên biển, khi pháo kích đa số thường bắn không trúng mục tiêu, bắn trúng chỉ là thiểu số. Nhưng ít ra thì cũng sẽ có bắn trúng. 51 khẩu thần công bắn ra 51 phát đạn, ít ra cũng có vài phát trúng mục tiêu. Trong khoảng cách từ 3 phần 4 dặm cho đến nửa dặm, trước sau đã có 6 chiến thuyền của Hạm đội Anh Cách Lan bị bắn chìm, và 8 chiếc khác hư hỏng nặng, không thể di chuyển.
Khi khoảng cách giữa song phương chỉ còn nửa dặm, các chiến thuyền của Hạm đội Angers chuyển hướng, bảo trì cự ly. Đối với các xạ thủ, nửa dặm là cự ly lý tưởng nhất, vừa có thể thoải mái pháo kích vừa không sợ bị tấn công.
Trên chiến thuyền ‘Réne de Anjou’, Đô đốc Frederick du Guesclin vừa cười lớn vừa nói :
- Ha ha ha. Bắn. Bắn nữa. Bắn chìm thuyền của bọn Anh Cách Lan, nhấn chìm bọn chúng xuống biển.
Thuyền trưởng Deprez Eugene thì quá hưng phấn, chạy đến giành chỗ với xạ thủ, thử cảm giác pháo kích thuyền địch. Các xạ thủ cũng rất hưng phấn, nạp đạn khai hỏa không biết mệt. Chỉ sau 5 loạt pháo kích, phía Hạm đội Anh Cách Lan đã tổn thất gần 1 phần 3 lực lượng.
Bá tước John Grey I of Tankerville bên phía Hạm đội Anh Cách Lan thấy phía mình tổn thất thảm trọng. Trong lòng rối bời, vò đầu bứt tóc, không ngừng than thở :
- Làm sao đây ? Phải làm sao đây ? Cứ như thế này, các chiến thuyền của chúng ta sẽ bị bọn chúng bắn chìm hết !
Một gã thuộc hạ đề nghị :
- Bá tước Đại nhân. Chúng ta chỉ còn cách áp sát địch thuyền, rồi tiến hành hỗn chiến. Chỉ ở cự ly gần, trường cung thủ của chúng ta mới phát huy được uy lực.
Bá tước gật đầu khen phải, nhanh chóng truyền lệnh. Các chiến thuyền còn lại của Hạm đội Anh Cách Lan đẩy mạnh tay chèo, cố gắng áp sát địch thuyền. Chỉ có điều, các chiến thuyền của Hạm đội Angers tốc độ nhanh hơn, nên dễ dàng duy trì cự ly. Với sự cố gắng tột bậc của các thủy thủ Anh Cách Lan, khoảng cách giữa song phương tuy có rút ngắn lại, nhưng tốc độ rất là chậm chạp. Mất gần 1 giờ, khoảng cách giữa song phương từ 800 mét rút ngắn lại còn 400 mét, vẫn còn nằm ngoài phạm vi tấn công của quân Anh. Và điều đó chính là thảm họa cho bọn họ, bởi vì với khoảng cách 400 mét, khả năng bắn trúng mục tiêu của các xạ thủ Hạm đội Angers tăng lên thấy rõ. Đến lúc này, Hạm đội Anh Cách Lan thiệt hại nặng nề, cả 3 chiếc đại chiến thuyền (Great ship) đều bị trọng thương; các chiến thuyền Balinger thì có 11 chiếc bị bắn chìm và 18 chiếc trọng thương, mất khả năng di chuyển, 13 chiếc còn lại thì có đến 6 chiếc bị thương nhẹ, tốc độ giảm xuống chưa còn một nửa.
Đến lúc này, các chiến thuyền của Hạm đội Angers không di chuyển để giữ cự ly nữa mà đứng yên một chỗ. Các xạ thủ thì tập trung hỏa lực vào những chiến thuyền còn lại của đối phương. Sau 2 loạt pháo kích, 102 phát đạn, 6 chiếc bị thương nhẹ thì 2 chìm, 4 trọng thương; 7 chiếc còn lại đều ít nhiều hư hỏng. Khi chiến thuyền của Hạm đội Anh Cách Lan tiến đến cự ly dưới 100 mét, trường cung thủ chuẩn bị công kích, ngửa mặt nhìn lên, thì thấy mạn thuyền của đối phương quá cao, bọn họ không thể nhìn thấy mục tiêu để công kích. Đối diện với các chiến thuyền của Hạm đội Angers, bọn họ có cảm giác như đang đứng trước những tòa thành bảo vậy. Do đó, dưới sự uy hiếp của các khẩu thần công, bọn họ đành hạ khí giới đầu hàng.
Trận hải chiến bắt đầu từ giữa trưa, kéo dài gần 4 giờ, đến cuối buổi chiều thì kết thúc. Kết quả, Hạm đội Anh Cách Lan toàn diệt : 13 chiến thuyền Balinger bị bắn chìm, 3 chiếc đại chiến thuyền (Great ship) và 22 chiến thuyền Balinger trọng thương, 7 khinh thương, tất cả đều đầu hàng. Quân Anh có 1.980 người thì đầu hàng 1.238 người, còn lại tử trận hoặc mất tích. Quân Anjou thọ thương 26 người, do pháo kích quá hăng hái mà bị phỏng.
Chương 89 : TRẬN CALAIS
Lại nói, sau khi Hạm đội Anh Cách Lan đầu hàng, Hạm đội Angers bắt đầu tiến hành thu nhận hàng binh và thanh kiểm chiến lợi phẩm. Hơn nghìn tù binh là một vấn đề quan trọng cần phải giải quyết. Hạm đội Angers cần phải tấn công Calais, nếu như phái quân canh giữ tù binh thì lực lượng tấn công Calais sẽ bị suy giảm, ảnh hưởng đến chiến sự. Cuối cùng, Đô đốc Frederick du Guesclin đã tìm ra phương án tốt nhất : tạm giữ tù binh Anh Cách Lan trên mấy chiến thuyền bắt được, mà chiến thuyền được chọn toàn là những chiến thuyền trọng thương sau trận hải chiến, không còn khả năng di chuyển. Như thế Hạm đội Angers chỉ cần phái 1 chiến thuyền canh giữ là đủ. Nếu tù binh trên chiến thuyền nào nổi loạn thì sẽ lập tức bắn chìm chiến thuyền đó, nhấn chìm tất cả xuống dưới biển. Nhờ thế, 1.000 thủy thủ của Hạm đội Angers dư sức canh giữ hơn nghìn tù binh đã bị tước vũ khí, không ảnh hưởng đến tình hình chiến sự.
Còn những chiến thuyền chiến lợi phẩm mất khả năng di chuyển, đã được bọn họ dùng dây nối vào những chiến thuyền có thể di chuyển, rồi kéo vào bờ. Những chiến thuyền bị hư hỏng, chỉ cần tu sửa là lại có thể sử dụng. Sau khi thành lập Hạm đội Angers, những chiến thuyền Balinger đối với Hải quân Anjou không thể gọi là chiến thuyền, nhưng sử dụng làm thương thuyền cũng tốt chứ sao. Nó còn tốt hơn các thương thuyền mà người Âu châu đang sử dụng lúc bấy giờ. Hoặc là sử dụng làm thuyền vận tải cũng được.
Ngoài ra, số lượng vật tư thu được cũng rất lớn, đủ cho 1 vạn quân sử dụng trong ba tháng. Hạm đội Anh Cách Lan có nhiệm vụ vận chuyển hàng tiếp tế cho quân viễn chinh ở Calais mà.
Ngày 31 tháng 12 năm 1415, Hạm đội Angers tiến vào vùng biển Calais. Quân Anjou đổ bộ lên bờ, tiến đến chiếm giữ các yếu điểm ở vùng bờ biển phía bắc thành phố. Calais là một thành phố cảng, nằm ngay bên cạnh bờ biển, nên cũng nằm trong tầm uy hiếp của Hạm đội Angers. Sau trận hải chiến trên biển Manche, thủy thủ trên Hạm đội Angers, cho đến các tướng lĩnh, đều rất hứng thú với việc pháo kích địch quân. Trong trận hải chiến, mỗi khẩu thần công trung bình bắn 15 phát, chiếm đến hơn 1 phần 3 số đạn dược phối cấp cho Hạm đội. Do vậy, khi trận hải chiến vừa kết thúc, Đô đốc Frederick du Guesclin đã sai người khẩn cấp hồi báo với Công tước Anjou, để liên hệ với Thần Thánh Đế quốc mua thêm đạn dược.
Quân Anh Cách Lan trong thành Calais chỉ có hơn 3.000 người, trong đó có hơn 2.500 là trường cung thủ (longbowman). Sau trận Agincourt, quân Anh Cách Lan có gần 500 người tử trận, và khi về đến Calais thì đã có khoảng 1.600 người bị thương và hơn 3.800 người bị bệnh (kiết lỵ) mất khả năng chiến đấu. Do đó, quân Anh Cách Lan chỉ còn lại hơn 2.000 người, cộng với thủ quân trong thành gần 1.000 người nữa, tổng cộng có được khoảng 3.000 quân. Do đó dù chiến thắng vang dội ở trận Agincourt, quân Anh Cách Lan không còn khả năng tấn công Paris mà buộc phải rút về Calais nghỉ ngơi dưỡng sức, và quốc vương Henry V of England đã phải về nước chuẩn bị thêm viện quân.
Khi 8.000 quân Anjou đổ bộ lên bờ biển, Bá tước xứ Marshall John de Mowbray chỉ huy quân Anh Cách Lan trong thành, nhận thấy quân Anjou quá mạnh, không dám ra đánh, mà quyết định cố thủ. Calais là căn cứ địa của Anh Cách Lan trong các cuộc tấn công Pháp Lan Tây, do đó thành trì kiên cố, đã từng đứng vững trước nhiều cuộc tấn công của quân Pháp.
Calais có bức tường thành kiên cố bao quanh, có con hào đôi và nhiều công sự. Ngoài ra, Calais nằm ngay bên bờ biển, dễ dàng nhận được hỗ trợ từ Hải quân, do vậy mới được phía Anh Cách Lan lựa chọn làm tiền đồn, căn cứ địa đánh Pháp. Nhưng lần này, việc nằm ngay bên bờ biển lại có lợi cho quân Anjou.
Nam tước Jean de Rais chỉ huy quân Anjou củng cố các cứ điểm bên bờ biển trước, sau đó mới tổ chức công thành. Lần này, cả hải lục quân cùng liên hợp tấn công. Đô đốc Frederick du Guesclin chỉ huy Hạm đội tiến đến ngoài khơi đối diện cổng phía bắc của thành Calais, rồi ra lệnh cho các xạ thủ khai hỏa. Cả 51 khẩu thần công luân phiên nhả đạn vào cổng thành. Do hỏa lực tập trung, chỉ sau 10 lượt pháo kích, cổng thành đã không còn đứng vững, đổ sụp xuống. Đến lúc này, Nam tước Jean de Rais mới suất lĩnh 8.000 quân Anjou tràn vào trong thành. Calais vốn là thành phố của Pháp Lan Tây, dân trong thành đa số là người Pháp Lan Tây, do đó quân Anjou kiểm soát được thành phố mà không gặp nhiều trở ngại. Khi quân Anjou nhập thành, quân Anh Cách Lan chống trả một cách yếu ớt, đến khi thiệt hại gần 1.000 người thì rút lui vào thành bảo bên trong thành phố tiếp tục cố thủ.
Thành phố Calais cũng giống như nhiều thành phố khác của Âu châu lúc bấy giờ, có trung tâm là một thành bảo, hay còn gọi là lâu đài, là nơi ở của lĩnh chủ địa phương. Gia đình lĩnh chủ, quân đội và bộ máy cai trị đều tập trung bên trong thành bảo. Dân chúng sống ở bên ngoài, tạo ra các khu phố. Và một khi dân cư phát triển đông đúc thì thành phố được hình thành. Chỉ các thành phố lớn, quan trọng mới có tường thành bao quanh. Một khi thành phố thất thủ thì thành bảo là cứ điểm cuối cùng của thủ quân.
Với một tòa thành bảo, diện tích không lớn, 2.000 quân hoàn toàn đủ sức phòng ngự. Thành bảo nằm sâu phía trong, đại pháo trên chiến thuyền không bắn đến được, do đó muốn chiếm được thành bảo thì chỉ còn cách cường công. Nam tước Jean de Rais sợ thiệt hại nặng, nên không công thành mà chỉ bao vây xung quanh. Quân Anjou chia ra 6.000 người vây thành, số còn lại chia ra kiểm soát thành phố.
Đến tối, Nam tước Jean de Rais và Đô đốc Frederick du Guesclin gặp nhau tại phòng chỉ huy trên chiến thuyền ‘Réne de Anjou’ để bàn bạc tình hình chiến sự. Đô đốc Frederick du Guesclin nói :
- Chúng ta nên nghĩ cách giải quyết thành bảo cho sớm, không nên để dây dưa kéo dài. Công tước Đại nhân còn muốn chúng ta tấn công xứ Flanders.
Nam tước Jean de Rais cau mày nói :
- Ta cũng biết vậy, nhưng thành bảo rất kiên cố, không có sự hỗ trợ của pháo hạm, quân ta tấn công sẽ tổn thất rất nặng nề. Chúng ta chỉ có 8.000 quân, nếu thiệt hại nặng, làm sao có thể đánh chiếm Flanders được.
Đô đốc Frederick du Guesclin gật đầu nói :
- Cũng phải. Sau khi chiếm Calais, chúng ta phải để lại ít nhất 2.000 quân để phòng thủ. Đến lúc đó …
Nam tước Jean de Rais quay sang hỏi chúng thuộc hạ :
- Mọi người có ý kiến gì không ?
Cả bọn vò đầu bứt tóc, cố gắng suy nghĩ. Hồi lâu, thuyền trưởng của chiến thuyền ‘Réne de Anjou’ đề nghị :
- Hay là chúng ta hỏa thiêu thành bảo. Chúng ta đem hỏa dược rải xuống dưới chân tường, rồi phóng hỏa.
Nam tước Jean de Rais cau mày nói :
- Như thế thì không thể bắt được tù binh rồi. Hơn nữa, nếu phóng hỏa, những chiến lợi phẩm bên trong thành bảo sẽ bị thiêu hủy hết.
Đô đốc Frederick du Guesclin lại nói :
- Ta thấy đó là ý kiến hay. Thiêu hủy còn hơn thiệt quân. Nên nhớ xứ Flanders rất giàu có đó nha.
Phải nha ! Mọi người nghĩ đến sự giàu có của xứ Flanders ở ngay bên cạnh, ánh mắt đều sáng rỡ, lập tức tán thành đề nghị phóng hỏa. Flanders là một lĩnh địa quan trọng của Công tước xứ Burgundy, nằm ngay phía đông Calais, là trọng điểm cần tấn công của quân Anjou.
Sáng hôm sau, quân Anjou được lệnh tìm gỗ, củi, rơm rạ, và những thứ dễ cháy tập trung lại xung quanh thành bảo. Thủ quân trong thành bảo thấy thế, lo sợ vô cùng. Đến chiều, nhiều đống gỗ lớn được ném xuống chân tường, chất cao hơn cả đầu người. Quân Anjou lại còn dùng cung tên bắn lên mặt thành, áp chế không cho thủ quân ló đầu lên. Chỉ riêng đội cung thủ 4.000 người đã đông gấp đôi số lượng thủ quân trong thành, tên bắn ra như mưa, áp chế hoàn toàn đối phương.
Đến tối, ngọn lửa được đốt lên, thông qua hỏa dược làm cho ngọn lửa bùng lên rất dữ dội. Hơi nóng tỏa ra ngùn ngụt, không ai có thể đến gần. Cả một khu vực rộng lớn gần cửa bắc của thành bảo sáng bừng dưới ngọn lửa khổng lồ cao hàng mấy mét. Quân Anjou không có ý định thiêu hủy hoàn toàn thành bảo, chỉ muốn phá hủy tường thành để có thể tấn công vào trong mà thôi. Do đó toàn bộ những vật dễ cháy đều được tập trung về đây. Ngọn lửa cháy lớn đến nổi cả ở Hạm đội ngoài biển cũng nhìn thấy rõ.
Khi ngọn lửa được đốt lên thì thủ quân trong thành bảo cũng bắt đầu hỗn loạn. Ngọn lửa quá lớn, nếu không được dập tắt thì có thể cháy lan ra cả thành bảo, rồi toàn bộ thủ quân sẽ bị thiêu sống. Nhưng những người muốn cứu hỏa lại bị đội cung thủ của quân Anjou ngăn cản, tử thương không ít. Bá tước xứ Marshall John de Mowbray chỉ khống chế được hơn một giờ, rồi thủ quân tan vỡ. Rất nhiều quân Anh Cách Lan mở cửa thành bảo bỏ chạy ra ngoài. Tình hình hỗn loạn đến mức Bá tước John de Mowbray không sao kiểm soát được. Cuối cùng, cả bọn đành mở cửa thành bảo đầu hàng.
Đến lúc này, một phần của bước tường thành phía bắc đã bị ngọn lửa nung nóng, sụp xuống. Nam tước Jean de Rais vừa lo tiếp thu đối phương đầu hàng, vừa sai người lo cứu hỏa. Chiếm được thành bảo rồi, bọn họ cũng không muốn thành bảo bị thiêu hủy.
Đến sáng ngày 1 tháng 1 năm 1416, sau gần 70 năm dưới sự kiểm soát của người Anh (kể từ năm 1346), thành phố cảng Calais chính thức rơi vào tay quân Anjou.
__________________________________________________ ______
chú : trong truyện tui dùng từ Anh Cách Lan là để phân biệt với khải niệm nước Anh mà mọi người vẫn hiểu bây giờ. Hiện nay, người Việt thường sử dụng nước Anh để chỉ United Kingdom (UK). Đó là cách hiểu sai, nhưng mọi người đã dùng quen rồi nên được coi như đúng. "Đã từ lâu người ta thường dùng England một cách nhầm lẫn để chỉ Britain và cả the United Kingdom; và hiện nay Great Britain và the United Kingdom được dùng để chỉ cùng một thực thể - tuy nhiên, đây chỉ là cách gọi không chính thức." (http://vi.wikipedia.org/wiki/Li%C3%A...BA%AFc_Ireland). Ở Anh họ còn phân biệt rõ :
The English: người Anh;
The Welsh: người xứ Wales;
The Irish: người Ireland;
The Scottish hoặc Scots: người Scotland
"United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland" (Liên hiệp Vương quốc Đại Bất Liệt Điên và Bắc Ái Nhĩ Lan), tên gọi ngắn là United Kingdom (viết tắt là UK), gồm 4 phần chính là England (Anh Cách Lan), Scotland (Tô Cách Lan), Wales (Gan) và Northern Ireland (Bắc Ái Nhĩ Lan). Trước năm 1707 thì Scotland là vương quốc độc lập; trước năm 1800, Ireland cũng là vương quốc độc lập; Wales cũng chỉ bị sát nhập vào năm 1535. Do đó trong truyện nói Anh Cách Lan là chỉ phần England mà thôi. Còn vương quốc Scotland theo phe Pháp Lan Tây (cũng khác nước Pháp hiện đại). Bà con có thể xem trên bản đồ kèm theo ở chương 87.
Bà con ai coi bóng đá chắc cũng biết 4 xứ trên có 4 đội bóng đá quốc gia riêng khi tham gia World Cup hay Euro. Tóm lại, tui viết Anh Cách Lan là muốn chỉ xứ England.
Chương 90 : ĐẠI TÂY
Đại Tây, tức chỉ Âu châu, người xưa gọi các nước ở Âu châu là ‘Đại Tây chư quốc’, hay ngày nay vẫn gọi là ‘các nước phương tây’ (người xưa thích thêm chữ Đại vào để chỉ những thứ lớn, như Đại Việt, Đại Minh, Đại Hàn, đại quân, đại tướng, …). Do đó, đại dương ở bên cạnh Đại Tây chư quốc được gọi là Đại Tây Dương.
Âu châu, Đại Tây chư quốc, với trung tâm là Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức (Đế quốc La – Đức). Lân cận có các vương quốc lớn là Pháp Lan Tây (France), Anh Cách Lan (England), Hungary, Ba Lan (Poland). Và ở vòng ngoài nữa là các vương quốc yếu hơn : Tô Cách Lan (Scotland), Ái Nhĩ Lan (Ireland), Na Uy (Norway), Thụy Điển (Sweden), Đan Mạch (Denmark), Bồ Đào Nha (Portugal), Castile, Aragon, Sicily, Napoli, Papal of State. Giữa các vương quốc đó có xen lẫn nhiều công quốc hay nước cộng hòa nhỏ khác, như : Cộng hòa Genoa, Cộng hòa Venice, Thụy Sĩ (Swiss), Milan, Majorca, Navarre, … hay các lĩnh địa hiệp sĩ : Knight of Saint John, Teutonic Knights. Cuộc ‘chiến tranh trăm năm’ có sự tham gia của gần như toàn thể Đại Tây chư quốc, với hai phe là :
1. Pháp Lan Tây (France), Castile, Tô Cách Lan (Scotland), Genoa, Majorca, Bohemia, Aragon, Brittany (Blois).
2. Anh Cách Lan (England), Plantagenet, Burgundy, Aquitaine, Brittany (Montfort), Bồ Đào Nha, Navarre, Flanders, Hainaut, Luxembourg, Đế quốc La – Đức, Đan Mạch.
Ngoài ra còn có các cuộc chiến tranh nhỏ khác, như các cuộc chiến giữa Papal of State và Ladislaus of Napoli, Đế quốc La – Đức và vương quốc Hungary, Công tước xứ Anjou và Ladislaus of Napoli, Vương tử - Giám mục Trento và Công tước Áo, … Ở phía đông thì chiến tranh giữa Đế quốc Byzantine và Đế quốc Ottoman cũng đã kéo dài cả trăm năm. Nói chung, cả Âu châu gần như ngập chìm trong chiến tranh loạn lạc.
Khoảng nửa năm trở lại đây, thông qua các thương nhân ngang dọc khắp Đại Tây chư quốc, những lời ca về ‘Vương tử của bi thương’ được truyền tụng khắp nơi. Từ các vương quốc Ba Lan, Hungary ở phía đông; cho đến Bồ Đào Nha, Castile ở phía tây; Tô Cách Lan, Đan Mạch ở phía bắc; Sicily, Napoli ở phía nam, đâu đâu cũng nghe thấy những vần điệu đó. Trong cảnh tăm tối u buồn của ‘Đêm dài Trung Cổ’, những vần điệu đó mang đến cho những người dân nghèo ít nhiều hy vọng – hy vọng về Ánh sáng ở tương lai.
“Cậu vốn là vương tử của bóng tối, cậu vốn là một vị vương cô độc, cậu vốn là một chương buồn của vở kịch cuộc đời.
Bên dưới cuộc đời đầy sóng gió, che giấu một tâm hồn cô độc. Cậu vô lực tránh né, cậu vô pháp thoát ra, chỉ còn cách dụng tâm hồn cô độc an ủi trái tim bi thương.
Trong tuổi thơ ngắn ngủi của mình, cậu chứng kiến hết bi kịch này đến bi kịch khác. Cung đình phản loạn, vương quốc bị chiếm, quê hương loạn lạc, gia đình phân ly, đã khiến cho bóng dáng nhỏ bé của cậu dần dần nhiễm lấy sắc màu bi thương. Vương giả trước sau vẫn luôn cô độc.
Có lẽ cậu là một vị vương yếu đuối. Cho dù cậu phản kháng thế nào, kiên cường thế nào, cậu vẫn không thể cải biến được số phận của vương quốc và của bản thân mình. Một vị vương cô độc, phải tịch mịch suốt đời. Có lẽ đó là kết cục đã được định sẵn. Một vị vương cô độc, có lẽ sẽ vẫn mãi mãi cô độc, cùng với những dòng lệ tuôn rơi, hóa thành hư vô, chìm vào dĩ vãng.
Thế nhưng, may mắn cho cậu, tinh thần của cậu cảm động Thiên đế. Khi cậu lần đầu tiên được đối diện Thiên đế, cũng là lần đầu tiên cậu cảm thấy thế gian không chỉ toàn là hắc ám. Ánh sáng của hy vọng dẫn đường cho cậu tiến đến tương lai.”
“Cậu có đôi mắt màu tím, với con ngươi màu đen đầy ôn nhu. Màu sắc của ôn nhu thường chỉ là những màu nhẹ nhàng, tại sao sự ôn nhu của cậu lại có màu đen ? Bởi vì cuộc đời u buồn, khiến cho sự ôn nhu của cậu quá đỗi thâm trầm. Bởi vì cuộc đời hắc ám, khiến cho sự ôn nhu của cậu nhuốm màu bi thương.
Có ai biết chăng ? Sự ôn nhu đó, chỉ cần chạm nhẹ vào, sẽ có cảm giác đau đớn đến tận tâm hồn. Sự ôn nhu đó, thật ra cũng là sự tuyệt vọng gắn liền với tịch mịch, với cô độc. Sự ôn nhu đó, so với những sự ôn nhu khác, càng thêm trầm trọng.
Chân chính hạnh phúc, cậu đã từng có. Thế nhưng chiến tranh, phản bội và sự lừa dối, đã khiến cho hạnh phúc rời xa cậu, rất xa, rất xa. Sự hy vọng của cậu, bất quá cũng chỉ là có được một niềm vui nhỏ bé. Thậm chí, sự truy cầu hạnh phúc, đối với cậu, cũng đã là hạnh phúc.”
“Cậu là một vị vương cô độc. Thế gian thì vĩnh hằng, đời người thì hữu hạn. Giữa thế gian bao la, cậu phải làm gì, cậu phải đi đâu về đâu ? Sinh mệnh của cậu, lẽ nào chỉ gắn liền với bất hạnh, với bi thương ? Cho dù đóa hoa mỹ lệ, rồi cũng có lúc úa tàn. Cho dù cuộc đời bất hạnh, rồi cũng có lúc sang trang. Ánh sáng cuối cùng, chỉ đến với người có ý chí, có niềm tin – niềm tin về hy vọng, niềm tin về tương lai.”
Không ai biết vị vương tử đó là ai, là người ở đâu. Nhưng những người dân bình thường, từ nông dân cho đến thị dân, dù ở thôn quê hay nơi thành thị, mọi người đều nhận thấy bối cảnh của câu chuyện đó sao mà quen thuộc. Chiến tranh, loạn lạc, bất hạnh, bi thương, chẳng phải đang bao trùm toàn cõi Âu châu hay sao ? Từ đó, những vần điệu kia ngày càng đi sâu vào lòng dân chúng.
Và lúc này, nhân vật chính trong câu chuyện đó đang hướng về Âu châu, đang hướng về Đại Tây chư quốc.
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.518 (Bính Thân, 1416). Xuân vương chính nguyệt. Đại Tây hành cung.
Để dễ dàng tiến hành chiến tranh với Pháp Lan Tây, Anh Cách Lan có một tiền đồn, đồng thời cũng là căn cứ địa, là thành phố cảng Calais. Thần Thánh Đế quốc cũng có một căn cứ địa để chuẩn bị cho việc kinh lược Đại Tây chư quốc, đặt ở Sinai. Nơi đây không chỉ có một căn cứ Hải quân nằm bên trong vịnh Buhayrat al Mazilah, mà còn tập trung nhiều đạo quân trú đóng huấn luyện. Ngoài ra, ở bên bờ Địa Trung Hải, gần căn cứ Hải quân còn có một tòa hành cung được xây dựng theo kiểu Trường Thanh Cung, nhưng quy mô nhỏ hơn, dự phòng sử dụng đến nếu một lúc nào đó Thánh hoàng ngự giá kinh lược tây phương. Hành cung này được đặt tên là Đại Tây hành cung, ngụ ý hướng về Đại Tây chư quốc.
Kể từ tháng 10 năm ngoái, tình hình ở Hoa Bắc đã tạm ổn định, với sự tồn tại của 7 nước : Đại Tống ở Sơn Đông, Đại Hán ở Hà Nam, Đại Đường ở Thiểm Tây, Đại Minh ở Hà Bắc, Tấn ở Sơn Tây, Hạ ở Tứ Xuyên và Lương ở Cam Túc. Thần Thánh Đế quốc chỉ để lại Hoa lục 4 đạo quân : Thần Long quân ở Kim Lăng, Thần Uy quân ở Quảng Châu, Thần Vũ quân ở Trường Sa và Định Hải quân ở Liêu Đông. Các đạo quân Uy Vũ, Uy Nghĩa, Uy Đức, Trấn Biên tiến về xứ Thái, đánh đuổi quân Miến Điện đang xâm chiếm vùng bắc Thái, nhân tiện bình định các xứ Miến Điện. Còn các đạo quân Uy Tiệp, Long Tiệp, Linh Tiệp, Bảo Tiệp, Trấn Phong, Trấn Ninh đều được triệu hồi về phương nam.
Cuộc bắc phạt đã kết thúc, Giang Phong lúc này mới rảnh tay lo việc của Long nhi, cũng là việc kinh lược Âu châu. Trước đó, từ cuối năm Giáp Ngọ (1414), Giang Phong đã phái 2 đạo tân quân là Chiêu Viễn, Chiêu Đức đến Sinai huấn luyện. Giờ đây, 4 đạo Uy Tiệp, Long Tiệp, Linh Tiệp, Bảo Tiệp cũng được lệnh lên đường đến Sinai. Cùng đi còn có Long nhi và Hải quân bộ bộ trưởng Chiêu Đức Vương Đinh An Bình.
Trên danh nghĩa, Long nhi là quốc vương của Napoli và Sicily (thừa kế từ Louis II de Anjou và Louis I de Anjou), đồng thời còn tranh chấp ngôi quốc vương của Aragon (thừa kế từ mẹ là Yolande de Aragon). Cuộc tranh chấp ngôi quốc vương này gần giống cuộc tranh ngôi giữa quốc vương hai nước Anh Cách Lan và Pháp Lan Tây, dẫn đến cuộc ‘chiến tranh trăm năm’. Quốc vương John I de Aragon qua đời, Yolande de Aragon là người con duy nhất còn sống, nên được thừa kế ngai vàng. Nhưng giới quý tộc Aragon lại muốn ưu tiên cho thân nhân nam hơn nữ, vì thế ngai vàng đã thuộc về chú của Yolande de Aragon là Martin I de Aragon. Đến khi Martin I de Aragon qua đời, không có người thừa kế hợp pháp, Yolande de Aragon đã đòi lại ngai vàng. Trong khi đó thì một số họ hàng xa của Martin I de Aragon cũng đòi quyền thừa kế. Những người tranh chấp ngai vàng gồm :
1. Fadrique de Aragon y Luna, Bá tước xứ Luna, cháu nội của Martin I de Aragon, người con không được thừa nhận (bastard) của con trai Martin I de Aragon.
2. Jaume, Công tước xứ Urgel, cháu nội của Alfonso IV de Aragon, con trai của em họ của Martin I de Aragon.
3. Alfonso, Công tước xứ Gandia, đã 80 tuổi (qua đời năm 1412), chú họ của Martin I de Aragon.
4. Louis III de Anjou (tức là Long nhi), cháu ngoại của John I de Aragon, thừa kế qua mẹ là Yolande de Aragon.
5. Fernando de Trastamara el de Antequera (Ferdinand), nhiếp chính của Castile, cháu nội của Peter IV de Aragon, thừa kế qua mẹ là Eleanor de Aragon, nữ vương của Castile. Cháu họ xa của Martin I de Aragon.
Cuộc tranh chấp kéo dài, và trong thời gian đó, Aragon không có quốc vương.
Chương 91 : ĐẠI TÂY HÀNH CUNG
Lại nói, sau 2 năm không có quốc vương, đến năm 1412, các quý tộc của Aragon đã quyết định nhóm họp để tuyển chọn tân quốc vương. Thế nhưng, hội nghị đã gặp rất nhiều khó khăn “do sự phân kỳ lợi ích giữa các phe phái của giới quý tộc; sự thiếu kiên nhẫn của những người ủng hộ Công tước xứ Urgel; và sự can thiệp của quân đội Castile do Fernando de Trastamare cầm đầu”.
Cuối cùng, Fernando de Trastamare được chọn làm quốc vương, tức Fernando I de Aragon. Thế nhưng, do có sự can thiệp của quân đội Castile, nhiều người đã không thừa nhận kết quả đó, và nhà Anjou vẫn tuyên bố quyền thừa kế của mình là hợp pháp (sau đó có giành lại được ngai vàng trong một thời gian ngắn, nên một số sử gia phương tây vẫn gọi Yolande de Aragon là Queen of Four Kingdom, với 4 vương quốc là Sicily, Jerusalem, Cyprus và Aragon, trong đó Aragon lại kiểm soát cả Majorca, Valencia và Sardinia nên còn có thể xem là 7 vương quốc).
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.518 (Bính Thân, 1416). Mùa xuân tháng 2. Đại Tây hành cung.
Tôn Lương, nguyên là Đô Đốc của Hồng Long phân hạm đội thuộc Tây Dương Hạm đội, sau khi Hải quân cải tổ thì đã được thăng làm Đại đô đốc của Hắc Long Hạm đội, phụ trách khu vực Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, có các căn cứ ở Gibraltar, Cathage và Sinai. Khi Long nhi và Đinh An Bình đến Đại Tây hành cung thì Tôn Lương cũng đến bái kiến, hồi báo tình hình.
Long nhi lúc này đã 13 tuổi. Sau gần 2 năm sinh sống ở Thần Thánh Đế quốc, Long nhi đã nói được ngôn ngữ của Đế quốc, và tính cách của cậu bé khiến cho mọi người đều yêu mến. Trong chính điện, cậu bé ngồi trên bảo tọa, Đinh An Bình ngồi bên cạnh, còn văn thần võ tướng đứng hầu hai bên. Long nhi hỏi :
- Tôn Đại đô đốc. Tình hình Pháp Lan Tây thế nào rồi ?
Cậu bé vẫn quan tâm tình hình Pháp Lan Tây, đặc biệt là Anjou, nhất là khi quân Anjou đã triển khai phản công từ mấy tháng trước. Đại đô đốc Tôn Lương nói :
- Hồi bẩm Điện hạ. Sau trận Agincourt, Pháp Lan Tây quân lực đại giảm, phe Armagnacs suy yếu nhanh chóng, thành Paris rơi vào tay quân Burgundy, các đạo quân Pháp Lan Tây không còn khả năng tiến hành các chiến dịch chống quân Anh Cách Lan nữa. Mùa đông vừa rồi, quân Anjou phản công, chiếm Guyenne, đánh bại Hạm đội Anh Cách Lan, rồi chiếm Calais. Sau đó, quân Anjou huy động thêm 1 vạn dân binh từ Anjou và Maine, lấy vũ khí thu được từ Calais trang bị cho dân binh, rồi tiến chiếm Flanders. Mùa xuân, Hạm đội Angers tấn công thành phố cảng Dover trên đất Anh Cách Lan, tiêu diệt Hạm đội Anh Cách Lan trú đóng ở đó. Còn lục quân đã tăng lên đến 2 vạn rưỡi, liên tục tiến chiếm các lĩnh địa ở duyên hải phía bắc Pháp Lan Tây, nằm ở khoảng giữa Calais và Anjou, như : Artois, Picardie, Eli, Longuevlle, Normandy. Đến lúc này, toàn bộ khu vực bắc bộ Pháp Lan Tây đã do quân Anjou kiểm soát.
Long nhi hỏi :
- Quân Anjou xử lý các lĩnh địa chiếm được như thế nào ?
Tôn Lương nói :
- Đương nhiên là cử người đến cai quản hoặc phân phong cho thuộc hạ. Nam tước Jean de Rais được phong là Bá tước xứ Eli, còn Đô đốc Frederick du Guesclin của Hạm đội Angers được phong làm Tử tước xứ Boulogne. Cả lão Ferdinand Caracciolo cũng được phong làm Bá tước xứ Artois.
Đối với người của Thần Thánh Đế quốc thì việc chiếm đất rồi cử người đến cai trị là chuyện bình thường. Nhưng ở Âu châu, mỗi lĩnh địa đều có chủ nhân, sử dụng vũ lực để chiếm lấy đa phần bị xem là không hợp pháp. Các vương công, quý tộc ở Âu châu mở rộng lĩnh địa hầu như đều bằng cách thừa kế, hôn nhân hay mua lại. Do vậy, Long nhi lo lắng nói :
- Làm thế có vấn đề gì bất ổn không ?
Tôn Lương ngạc nhiên nói :
- Có gì bất ổn đâu ! Đất đai chiếm được, muốn phân phong cho ai hay muốn xử lý thế nào thì đều là chuyện thiên kinh địa nghĩa mà.
Đinh An Bình mỉm cười bảo Long nhi :
- Không sao đâu ! Chỉ cần có sức mạnh, thì làm gì cũng đều đúng cả, không ai dám phản đối. Hơn nữa, quân Anjou chiếm đất từ quân Anh Cách Lan hoặc đồng minh của chúng kia mà.
Đoạn, Đinh An Bình bảo Tôn Lương :
- Phía Anjou có liên hệ với các ngươi không ?
Tôn Lương nói :
- Hồi bẩm Đại vương. Quân Anjou đã mấy lần liên hệ với bọn thuộc hạ để mua thêm đạn dược cho thần công đại pháo. Ngoài ra, sau khi tăng quân số, bọn họ cũng đã 2 lần mua lương thự vũ khí.
Đinh An Bình gật đầu hỏi :
- Được rồi. Thế còn tình hình Napoli và Aragon thế nào ?
Tôn Lương nói :
- Hồi bẩm Đại vương. Ngụy vương Ladislaus de Napoli đã qua đời cách nay 2 năm, chị gã là Joan II de Napoli kế vị. Bà ta thay chồng như thay áo vậy. Năm Tân Tỵ (1401), bà ta kết hôn với Công tước William de Austria (Áo) thì đến năm Bính Tuất (1406) chồng qua đời, bà ta có tình nhân là Pandolfello Alopo. Đầu năm ngoái, Bà ta vừa đính hôn với John de Aragon, con trai của Fernando I de Aragon, thì sang tháng sau đã chia tay ngay để đến cuối năm kết hôn với James de Bourbon, Bá tước xứ La Marche, nhằm nhận được sự hỗ trợ của triều đình Pháp Lan Tây. Thỏa thuận hôn nhân quy định rằng sau khi kết hôn, Joan II de Napoli phải phong cho James de Bourbon danh hiệu Vương tử xứ Taranto. Tuy nhiên, Joan II de Napoli đã thất hứa. Không nhận được danh hiệu như thỏa thuận, James de Bourbon đã giết chết Alopo và buộc Joan II de Napoli phải nhường ngôi cho mình, sau đó giam giữ bà ta trong phòng riêng ở vương cung. Có điều, hành vi của James de Bourbon bị giới quý tộc và dân chúng Napoli căm ghét. Hiện tại, dân chúng Napoli đang chuẩn bị nổi dậy.
Nếu không có sự xuất hiện của Thần Thánh Đế quốc thì theo đúng lịch sử, cuộc nổi dậy sẽ bùng nổ trong năm nay (1416), James de Bourbon sẽ bị lật đổ và Joan II de Napoli được phục ngôi. Đến năm 1418, James de Bourbon rời Napoli trở về lĩnh địa của mình ở Pháp Lan Tây. Năm 1423, Alfonso V de Aragon tấn công Napoli, Joan II de Napoli phải chạy sang Aversa. Tại đó, bà ta gặp Louis III de Anjou, và nhận Louis III de Anjou làm người thừa kế. Năm 1424, Joan II de Napoli khôi phục được ngai vàng, và Louis III de Anjou đến sống tại một trong các lĩnh địa của mình là Calabria, chờ được nối ngôi. Có điều, Louis III de Anjou qua đời vào 10 năm sau đó, và không có con. Quyền thừa kế thuộc về Réne de Anjou, em trai của Louis III de Anjou. Joan II de Napoli qua đời vào 1 năm sau, và Réne de Anjou trở thành quốc vương Napoli.
Giờ đây, Louis III de Anjou đã trở thành Long nhi, Hoàng tử của Thần Thánh Đế quốc, và Đế quốc đang chuẩn bị kinh lược Đại Tây chư quốc, khôi phục các tước vị mà Long nhi đang có. Đinh An Bình quay sang hỏi Long nhi :
- Điện hạ hiện đang có những tước vị nào ?
Long nhi suy nghĩ giây lát, rồi đáp :
- Quốc vương Napoli, Quốc vương Sicily, Quốc vương Aragon, Quốc vương Cyprus.
Tôn Lương nói thêm :
- Nếu vậy thì Điện hạ còn là Quốc vương Majorca, Valencia, Sardinia và Corsica; Công tước xứ Atens và Neopatria; Bá tước xứ Barcelona , Roussillon và Cerdanya. Đó là những vương quốc và lĩnh địa thuộc quyền sở hữu của Quốc vương Aragon.
Đinh An Bình lại nói :
- Joan II de Napoli cũng là thành viên của vương tộc Hungary thì phải ?
Tôn Lương nói :
- Hồi bẩm Đại vương. Charles III de Napoli, cha của Ladislaus de Napoli, người đã cướp ngôi quốc vương Napoli của Louis I de Anjou, từng là quốc vương Hungary. Sau khi ông ta qua đời thì Mary de Hungary kế vị ngôi quốc vương Hungary, và Ladislaus de Napoli kế vị ngôi quốc vương Napoli, rồi sau đó Joan II de Napoli đã kế ngôi của Ladislaus de Napoli.
Nghe nhức đầu quá, Đinh An Bình khẽ lắc đầu, nói :
- Tóm lại là Điện hạ cũng có đủ lý do để phát động chiến tranh với Hungary.
Tôn Lương gật đầu nói :
- Vâng ạ. Không chỉ Hungary, kể cả Bourbon, Aragon, Castile và Navarre.
Đinh An Bình hỏi :
- Tình hình Aragon thế nào ?
Tôn Lương nói :
- Hồi bẩm Đại vương. Sau khi Fernando I de Aragon lên ngôi thì tình hình Aragon vẫn ổn định. Cả Aragon và Castile tuy hai mà một, bởi Fernando I de Aragon vừa là quốc vương Aragon, vừa là nhiếp chính của Castile. Nữ vương Castile là chị dâu của gã. Tháng trước, thuộc hạ sai người mang thư sang yêu cầu gã trả lại ngai vàng cho Điện hạ, nhưng đã bị từ chối.
Đinh An Bình gật đầu nói :
- Rất tốt. Thế thì ta có lý do động binh với cả Castile. Tôn Đại đô đốc.
Tôn Lương vội ứng tiếng vâng dạ, cung kính chờ lệnh. Đinh An Bình truyền lệnh :
- Tập trung chiến hạm, phong tỏa vùng duyên hải Napoli, Sicily và Aragon. Vận hạm chuẩn bị sẵn sàng.
Tôn Lương cung kính nhận lệnh. Đinh An Bình lại gọi :
- Vương Nguyên, Triệu Quý Thường, Ngô Trấn Quốc, Lý Xương Văn.
Cả bốn người này đều là Tướng quân, thống lĩnh các đạo quân Chiêu Viễn, Chiêu Đức, Bảo Tiệp, Linh Tiệp. Quân chế của Đế quốc : 10 người thành 1 đội, có Đội trưởng; 10 đội thành 1 đoàn, có Thống lĩnh; 10 đoàn thành 1 vệ, có Vệ úy; 10 vệ thành 1 sư, có Hiệu úy; 3 sư thành 1 quân, có Tướng quân. Tướng quân có thể là Thiên Tướng quân, Tả Tướng quân, Trấn Bắc Tướng quân, Chinh Bắc Tướng quân, Thảo Nghịch Tướng quân, Chiêu Đức Tướng quân, Kiêu Kỵ Tướng quân, Long Nhương Tướng quân, …
Nghe gọi, cả bọn bước ra cung kính chờ lệnh. Đinh An Bình truyền lệnh :
- Hai đạo Chiêu Viễn, Bảo Tiệp tiến chiếm Napoli, Ngô Trấn Quốc làm chính, Vương Nguyên làm phó; hai đạo Chiêu Đức, Linh Tiệp tiến chiếm Sicily, Lý Xương Văn làm chính, Triệu Quý Thường làm phó.
Cả bọn cung kính nhận lệnh. Đinh An Bình lại truyền lệnh cho quan lại các tỉnh chuẩn bị lương thực vật tư hỗ trợ đại quân.
Có thể bà con chưa biết :
Danh hiệu quý tộc ở Âu châu
Danh hiệu quý tộc ở Âu châu có cấu trúc giống nhau :
<Tước hiệu> <Tên> <liên từ> <tên lĩnh địa/tên nơi sinh>
Liên từ là ‘of’ trong tiếng Anh, ‘de’ trong tiếng Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, ‘di’ trong tiếng Ý, ‘von’ trong tiếng Đức, ‘van’ trong tiếng Hà Lan, …
Ví dụ : Công tước Louis II xứ Anjou, Duke Louis II of Anjou, Duché Louis II de Anjou, Duca Luigi II di Angiò, Herzog Ludwig II von Anjou, Hertog Lodewijk II van Anjou, …
Những lĩnh địa không phải là vương quốc, công quốc độc lập thường được gọi là ‘xứ’, ví dụ : xứ Wales.
Trước chiến tranh thế giới thứ nhất, tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức của giới quý tộc Âu châu. Trong các cung đình thường sử dụng tiếng Pháp. Từ chiến tranh thế giới thứ nhất đến chiến tranh thế giới thứ hai, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thông dụng (nói giọng Mỹ sẽ bị xem là nhà quê). Sau chiến tranh thế giới thứ hai, tiếng Mỹ thay thế vai trò của tiếng Anh (nói giọng Mỹ mới sang).
Kỳ sau : Các loại tước hiệu của quý tộc Âu châu.
Chương 92 : CHINH PHỤC SICILY
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.518 (Bính Thân, 1416). Mùa xuân tháng 2, ngày rằm. Quân cảng Sinai.
Đối với người phương đông, những ngày đầu tháng và giữa tháng đều là những ngày tốt, còn gọi là ngày sóc và ngày vọng, là những ngày mà triều đình thiết đại triều. Còn đối với người phương tây, đêm trăng tròn cũng là một đêm huyền diệu. Do đó, ngày rằm tháng 2 đã được chọn làm ngày đại quân xuất chinh.
Quân cảng Sinai, nằm trong căn cứ hải quân ở vịnh Buhayrat al Mazilah, cách không xa cửa biển của nhánh phía đông sông Nile, hôm nay đột nhiên náo nhiệt khác thường. Hơn hai phần ba số chiến hạm của Hắc Long Hạm đội, gồm 2 chiếc Lục tinh cấp chiến hạm, 5 chiếc Thất tinh cấp chiến hạm, 12 chiếc Tuần dương hạm và 12 chiếc đại hình chiến thuyền được tập trung ở quân cảng, phụ trách vận chuyển đại quân đến Napoli và Sicily. Trên bến cảng, các đạo quân Chiêu Viễn, Chiêu Đức, Bảo Tiệp, Linh Tiệp cũng đã chuẩn bị hoàn tất, sẵn sàng lên thuyền xuất chinh.
Ngoài ra, theo thông lệ của Thần Thánh Đế quốc, mỗi khi đại quân xuất chinh đều có dân binh đi theo hỗ trợ. Theo lệnh của Chiêu Đức Vương Đinh An Bình, các tỉnh ven bờ Địa Trung Hải đã tuyển mộ 1 vạn dân binh, toàn là người Âu châu, để đi theo hỗ trợ đại quân. Nhiệm vụ của dân binh là phụ trách phòng thủ những địa bàn mà đại quân chiếm được. Sau khi Thần Thánh Đế quốc kiểm soát Sinai, rồi tiếp đó là các khu vực duyên hải phía đông và phía nam của Địa Trung Hải, đặc biệt là thánh địa Jerusalem, không chỉ có vô số thương nhân đổ đến tìm cơ hội phát tài, mà số người Âu châu đến đấy tránh loạn cũng không ít. Do đó, việc tuyển mộ dân binh không gặp nhiều khó khăn. Tổng chỉ huy lực lượng dân binh là Long nhi, để sau này sẽ chuyển đổi dân binh thành quân đội vương quốc của Long nhi. Các tướng lĩnh chỉ huy dân binh được tuyển chọn trong số những người thuộc gia đình phú thương, hoặc bình dân có học thức – những người hy vọng có thể thông qua quân công để trở thành quý tộc. Đối với người Âu châu, thân phận địa vị giữa bình dân và quý tộc cách biệt vô cùng lớn.
Đến giờ hoàng đạo, Đinh An Bình và Long nhi bước lên kỳ đài giữa quân cảng, nói lời động viên quân đội trước lúc xuất chinh. Long nhi hướng về lực lượng dân binh, chỉ nói đơn giản 4 chữ : “Phú quý, yên bình”, nhưng đã làm cho cả bọn nhiệt huyết sôi trào, hừng hực khí thế, muốn lập tức ra ngay chiến trường giết giặc lập công. Hưng phấn hơn cả là giới tướng lĩnh dân binh, bọn họ đã được cho biết rằng, trong tân triều đình sẽ có chỗ của bọn họ, đương nhiên là bọn họ phải biểu hiện năng lực của mình trước đã, triều đình sẽ không thu nhận những người vô dụng.
Sau đó, đại quân lần lượt xuống thuyền, để Hải quân chở đến địa điểm tác chiến. Hai đạo Chiêu Viễn, Bảo Tiệp tiến đến Napoli; còn hai đạo Chiêu Đức, Linh Tiệp tiến đến Sicily. Mỗi lộ đại quân được phối thuộc 5.000 dân binh.
Quãng đường từ Sinai đến Sicily khoảng 1.800 kilômét, đến Napoli gần 2.000 kilômét. Hạm đội đến Sicily trước, đổ 2 đạo quân Chiêu Đức và Linh Tiệp lên bờ biển phía đông. Sau đó Hạm đội tiếp tục vượt qua eo biển giữa Sicily và Napoly, tiến lên phía bắc. Theo kế hoạch, 2 đạo quân Chiêu Viễn và Bảo Tiệp sẽ được đưa đến vùng biên giới phía bắc của vương quốc Napoli, rồi từ đó sẽ đánh dần về phía nam, mục đích là để ngăn chặn không cho giới quý tộc và quân đội Napoli chạy lên phía bắc vào khu vực lĩnh địa của Giáo hội Công giáo La Mã (Papal of States). Vương quốc Napoli nằm trên bán đảo, chỉ cần đại quân ngăn chặn phía bắc, vùng biển lại bị Hải quân Đế quốc kiểm soát, thì địch quân sẽ chẳng thể chạy đi đâu được. Quân đội Đế quốc có ưu thế tuyệt đối, không cần sử dụng chiến thuật ‘vi tam khuyết nhất’ (vây 3 mặt, để trống 1 mặt).
Sicily trước đây là một vương quốc độc lập, nhưng đến năm 1409 đã bị sát nhập vào Aragon. Tuy nhiên, do Sicily không được triều đình Aragon xem trọng lắm, nên ở đấy chỉ có 3.000 quân, chia nhau trấn giữ các thành phố quan trọng trên đảo, như Palermo, Messina, Catania, Syracuse và Ragusa, trong đó thủ phủ Palermo tập trung đến 1.000 quân.
Ngày 27, Linh Tiệp quân bao vây Syracuse, thành phố cảng ở phía đông nam đảo. Ba vạn đại quân tấn công thành phố chỉ có 500 quân phòng thủ, chỉ mất chưa đến một buổi là đã chiếm được. Sau đó, 1.000 dân binh được phái trú đóng tại đây, đồng thời phụ trách bình định các thôn làng, thị trấn trong vùng.
Ngày 28, Linh Tiệp quân chia làm hai đạo tiến đánh Ragusa ở phía tây và Catania ở phía bắc; đồng thời Chiêu Đức quân bao vây Messina, thành phố cảng quan trọng nằm bên bờ eo biển giữa Sicily và Napoli. Cuộc tấn công không gặp phải trở ngại nào đáng kể. Các Hiệp sĩ của Aragon khi thấy mấy vạn đại quân dàn trận bên ngoài thành phố, chẳng mấy ai dám dẫn vài trăm quân ra nghênh chiến, đa phần cố thủ trong thành phố một cách tuyệt vọng. Và cũng có không ít tùy nghi di tản, quyển khoản tiềm đào, hay nói nôm na là gom tài sản bỏ trốn.
Ngày 1 tháng 3, khu vực phía đông đảo Sicily tràn ngập quân đội Thần Thánh Đế quốc. Người dân Sicily lần đầu phải đối diện với hình thức chiến tranh khác hẳn Âu châu. Đối với quân đội Đế quốc, tinh thần Hiệp sĩ của người Âu châu không có nghĩa lý gì cả. Dù chỉ đối diện vài trăm kẻ địch, hàng vạn đại quân cũng đồng loạt tấn công. Đầu tiên là hàng nghìn cung thủ đồng loạt bắn tên, rải mưa tên xuống đầu đối phương. Sau đó, khi đối phương đã trúng tên gần hết, thì chỉ cần một lượt xung phong là kẻ địch sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.
Ngày 5 tháng 3, thủ phủ Palermo bị Chiêu Đức quân bao vây. Thành phố nằm bên bờ biển, nên cũng nằm trong tầm pháo kích của Hải quân Đế quốc. Sau một ngày pháo kích vào thành phố, cổng thành bị phá hủy, thủ quân không dám xuất hiện gần khu vực cổng thành và đại quân dễ dàng tràn vào bên trong. Thành phố thất thủ.
Sau đó, đại quân phân thành các nhóm nhỏ, chia nhau đi bình định toàn đảo. Đại quân đến nơi nào, dân chúng đều được tập họp lại để phân biệt nghịch dân và lương dân (địa bàn chưa bình định, thuận dân chưa thể xác định), hễ ai tỏ ý chống đối, thậm chí là bất hợp tác, đều bị xem là nghịch dân, là kẻ địch, sẽ bị tiêu diệt hoặc bắt giữ, trở thành tù binh chiến tranh. Theo thông lệ của Âu châu thời bấy giờ, tù binh chiến tranh nếu không có tiền chuộc thì đều bị biến thành nô lệ. Nhưng quân đội Đế quốc không cần tiền chuộc, hễ trở thành tù binh chiến tranh thì tương lai chắc chắn trở thành nô lệ. Ngoài ra, toàn bộ giới quý tộc của Sicily đều bị xem là người của Aragon, là kẻ địch, không ai được tha thứ. Giang Phong quyết định chế độ tương lai ở vương quốc của Long nhi sẽ là trung ương tập quyền, do dó mà lĩnh chủ phong kiến theo kiểu Âu châu không được phép tồn tại, nhân lúc chiến tranh giải quyết hết bọn họ là thích hợp hơn cả. Bọn họ thần phục Fernando I de Aragon, một trong những kẻ tranh chấp ngai vàng với Long nhi, nên bị xem là kẻ địch cũng không có gì là không đúng.
Đến giữa tháng 3, toàn cảnh Sicily cơ bản đã được bình định. Ở Sicily giờ đây không còn ai là quý tộc, chỉ còn lại toàn bình dân. Không còn quý tộc nghĩa là việc chống đối hầu như cũng không còn. Việc trị an trở nên tốt hơn, và được chuyển giao hoàn toàn cho lực lượng dân binh. Do mất đi quý tộc cùng với thuộc hạ và gia nhân của bọn họ, dân số Sicily giảm khoảng 1 phần 10, nhưng không vấn đề gì. Hệ thống chính quyền theo kiểu Đế quốc được thiết lập ở đây. Toàn đảo Sicily được thành lập 1 quận, có 5 huyện là 5 thành phố chính của nó. Quan viên được tuyển chọn trong lực lượng dân binh.
Chỉ trong vòng nửa tháng, 6 vạn đại quân đã tiêu diệt hoàn toàn 3.000 quân Sicily và bình định toàn cảnh (chiến quả chẳng có gì huy hoàng). Sau đó, Hải quân lại vận chuyển 5 vạn đại quân sang đảo Sardinia ở phía tây bắc Sicily. Còn lại 1 vạn tiến sang chiếm lĩnh Reggio trên đất Napoli nằm bên kia eo biển.
Trong khi đó thì cuộc chiến ở Napoli thì có nhiều kịch tính hơn. Khi khu vực phía bắc đã bị các đạo quân Chiêu Viễn và Bảo Tiệp khống chế, James de Bourbon ở Napoli vội vã triệu tập quân đội bảo vệ Napoli. Do dưới thời Ladislaus de Napoli, vương quốc đã tổ chức nhiều cuộc chiến tranh, quân lực giảm sút nghiêm trọng, do vậy lúc này toàn vương quốc chỉ có hơn 300 Hiệp sĩ và 5.000 quân. Trong diễn văn động viên quân đội, James de Bourbon tuyên bố :
- Ngày xưa, người Hy Lạp chiến tranh với Đế quốc Ba Tư, tuy thành Atens bị thiêu hủy, nhưng cuối cùng người Hy Lạp với chỉ 10.000 quân cũng đã đánh bại 5 triệu quân Ba Tư của Xerxes Đại đế (sử gia Hy Lạp cổ đại Herodotus ghi nhận có 5 triệu người, với một nửa là binh sĩ lấy từ 46 tiểu quốc thuộc địa, nhưng các sử gia hiện đại cho rằng chỉ có khoảng 200.000 – 250.000 người). Nếu chúng ta đồng tâm hợp lực, chắc chắn cũng sẽ đánh bại kẻ thù, bảo vệ Napoli.
Sau đó, quân đội của James de Bourbon tiến đến pháo đài Aversa ở phía bắc Napoli.
Có thể bà con chưa biết :
Các loại tước hiệu của quý tộc Âu châu (phần 1)
1. Các loại tước hiệu chính :
Ở phương đông, mà cụ thể là Trung Quốc có nhiều loại tước hiệu, tùy triều đại, nhưng có 5 loại tước hiệu chính là Công, Hầu, Bá, Tử, Nam.
Ở Âu châu cũng có 5 loại tước hiệu chính, nên được phiên dịch đối ứng với các tước hiệu của phương đông là Công tước, Hầu tước, Bá tước, Tử tước, Nam tước. Ngoài ra còn có Chuẩn nam tước và Hiệp sĩ, tuy có tước hiệu nhưng chưa chính thức là quý tộc.
2. Pháp Lan Tây (Française) :
Nhóm 1 :
Empereur - Hoàng đế
Royaume - Quốc vương
Dauphin - Thái tử
Prince - Vương tử
Nhóm 2 :
Duché - Công tước
Marquisat - Hầu tước
Comté - Bá tước
Vicomté - Tử tước
Baron - Nam tước
Nhóm 3 :
Seigneurie - Lĩnh chủ
Chevalier - Hiệp sĩ
Ngoài ra còn có lĩnh địa của giáo hội, gồm :
Évêché - Lĩnh địa Giám mục
Archévêché - Lĩnh địa Tổng Giám mục
Nhóm 1 là thành viên Hoàng gia, nhóm 2 là quý tộc, nhóm 3 phi quý tộc.
Đến năm 1870, chế độ Cộng hòa thành lập, tước hiệu quý tộc bị bãi bỏ.
(chú : lĩnh chủ, ngày xưa còn gọi là lãnh chúa, giống như : chúa nhật, bang chúa, hội chúa ... Nhưng ngày nay thường dùng 'chủ', như chủ nhật, bang chủ, hội chủ ....)
Kỳ sau : Anh Cách Lan và Tô Cách Lan
Chương 93 : CHINH PHỤC NAPOLI (1)
Lại nói, sau khi các đạo quân Chiêu Viễn và Bảo Tiệp khống chế khu vực phía bắc vương quốc Napoli, cả vương quốc bất ngờ phát hiện, bọn họ không hùng mạnh như vẫn tưởng. Chỉ trong 3 ngày, toàn bộ lĩnh thổ phía bắc đều rơi vào tay đối phương, và vương quốc bị phong tỏa triệt để, hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của thế giới. Triều đình Napoli vội vã triệu tập quân đội, nhưng lúc này toàn vương quốc chỉ có hơn 300 Hiệp sĩ và 5.000 quân. James de Bourbon động viên toàn quân, hứa sẽ thăng quan tấn tước, sau đó quân đội tiến đến pháo đài Aversa ở phía bắc vương đô Napoli.
Pháo đài Aversa là một trong những pháo đài kiên cố nhất vương quốc, nằm ở phía bắc vương đô Napoli, là một cứ điểm phòng thủ mặt bắc vương đô, và cũng như là nơi lánh nạn của vương tộc nếu như vương đô thất thủ. Mất vương đô, nhưng Aversa còn, thì vẫn còn cơ hội phục quốc. Nhưng nếu như Aversa thất thủ thì vương đô cũng khó mà giữ được. Do đó, đối với triều đình Napoli, pháo đài Aversa cũng có địa vị trọng yếu không kém gì vương đô.
Khi quân đội Napoli tiến vào Aversa thì đạo Bảo Tiệp quân cũng tiến đến bao vây pháo đài.
Aversa có một bức tường thành cao, kiên cố, cùng nhiều vị trí hiểm yếu để phòng thủ. Năm xưa, khi xây dựng pháo đài này, các Bá tước xứ Aversa đã cố ý xây dựng sao cho sử dụng ít quân phòng thủ để chống lại số quân tấn công lớn hơn nhiều, thật thích hợp với tình trạng hiện tại của quân đội Napoli. Với 5.000 quân phòng thủ, muốn công chiếm pháo đài này, không thể nào không hy sinh vài vạn chiến sĩ. Đó là điều mà quân đội Thần Thánh Đế quốc không thể nào chấp nhận được. Chiêu Anh Tướng quân Lý Xương Văn, thống soái đạo quân Bảo Tiệp, liền triệu tập chúng tham mưu hội họp bàn bạc kế sách. Lý Xương Văn nói :
- Thành bảo của đối phương quá kiên cố, bất lợi cho phía tấn công. Chúng ta lại không thể sử dụng sinh mạng binh sĩ đổi lấy chiến thắng. Mọi người có kế sách gì không ?
Chúng tham mưu khẩn trương suy nghĩ tìm kế sách. Thật ra ý nghĩ trên đã theo bọn họ suốt từ khi Bảo Tiệp quân bao vây Aversa đến giờ. Bọn họ đều biết rằng nếu sử dụng sinh mạng binh sĩ để đổi lấy chiến thắng, dù có công chiếm được Aversa, bọn họ cũng chẳng có công lao gì, thậm chí nếu quân số thiệt hại nặng nề thì còn có thể bị giáng chức, cách chức.
Hồi lâu, một viên tham mưu rụt rè nói :
- Tướng quân. Có lẽ chúng ta đã rơi vào ngộ khu. Nhiệm vụ của chúng ta là chiếm lĩnh Napoli chứ không nhất thiết phải chiếm lĩnh Aversa.
Lý Xương Văn hỏi :
- Ý ngươi là chúng ta bỏ qua Aversa, trực tiếp tiến công Napoli ?
Viên tham mưu kia đáp :
- Tướng quân. Chúng ta có thể để lại 1 vạn quân bao vây Aversa. Số còn lại tấn công Napoli. Hiện tại Napoli hầu như không còn quân phòng thủ.
Lý Xương Văn gật đầu khen phải, vừa định lên tiếng khen ngợi thì một viên tham mưu khác lại góp ý :
- Tướng quân. Chúng ta không nhất thiết bao vây Aversa, hủy diệt nó luôn cũng được. Dạng kiến trúc thành bảo như thế, bản triều xây dựng lại cũng chẳng mất bao nhiêu thời gian. Aversa không giống như Napoli, chúng ta không cần phải cố kỵ nhiều.
Người Âu châu xây dựng lâu đài, pháo đài (Castle) bằng đá, nên mất nhiều thời gian, còn Thần Thánh Đế quốc xây dựng bằng thạch nê (tức bê tông cốt thép), nên mất ít thời gian hơn. Lý Xương Văn ngạc nhiên hỏi :
- Ngươi có kế sách gì ?
Gã ta đáp :
- Tướng quân. Hỏa công.
Hỏa công – đối với các tướng lĩnh phương đông không hề lạ. Nhất là trong lịch sử chiến tranh Trung Hoa, hỏa công được sử dụng rất nhiều. Trận Xích Bích nổi tiếng sử dụng hỏa công. Vũ Hương Hầu Gia Cát Lượng cũng thiện trường sử dụng hỏa công. Nhiều tướng lĩnh và quân sư cũng nhờ sử dụng hỏa công mà nổi tiếng. Nhiều khai quốc công thần của Minh triều cũng nổi tiếng nhờ sử dụng hỏa công. Do đó, khi nghe nhắc đến hỏa công, Lý Xương Văn lập tức hội ý, cười hắc hắc nói :
- Tốt lắm. Hôm nay hủy diệt Aversa. Ngày mai tiến chiếm Napoli.
Sau đó, tướng lệnh truyền ra, toàn thể đại quân chỉ để lại 1 vạn bao vây pháo đài, số còn lại tỏa ra xung quanh đốn gỗ, thu nhặt các vật dễ cháy. Đến chiều, một lượng lớn gỗ củi chất thành nhiều đống xung quanh pháo đài, khiến thủ quân bên trong pháo đài ngạc nhiên vô cùng, không hiểu đối phương định làm gì, chẳng lẽ định đốt củi để sưởi ấm. Đã sang xuân rồi, thời tiết đâu còn lạnh nữa, vả lại có đốt củi sưởi ấm cũng đâu cần nhiều gỗ củi như thế. Bất giác, cả bọn đều có cảm giác không hay.
Mọi sự chuẩn bị hoàn tất, tướng lệnh lại truyền ra, đại quân mang gỗ củi và các vật dễ cháy ném vào chân thành, chất kín xung quanh không để lại một khoảng trống nào. Đến lúc này, thủ quân bên trong pháo đài mới hiểu rõ mưu đồ của đối phương là định thiêu sống bọn họ, ai nấy đều lạnh xương sống.
Tướng lệnh lại truyền ra, binh sĩ y lệnh phóng hỏa và ngọn lửa bốc lên dữ dội. Do lượng gỗ củi quá nhiều, lại có hỏa dược trợ thế, nên ngọn lửa bốc lên quá cao, hỏa thế vô cùng hung hãn, và nhiệt độ tỏa ra cũng rất cao. Chỉ sau một lúc, cả thành tường cũng bị nung đỏ hồng. Pháo đài bị biến thành một ngọn đuốc khổng lồ, nổi bật trong đêm.
Xong đâu đấy, chẳng cần chờ đợi kết quả, Lý Xương Văn chỉ để lại 1 vạn quân canh giữ và phụ trách duy trì ngọn lửa, số quân còn lại đều được lệnh tranh thủ nghỉ ngơi để sáng sớm ngày mai hành quân đến Napoli.
Do số lượng gỗ củi quá nhiều, ngọn lửa duy trì suốt hai ngày đêm, và toàn bộ thủ quân trong pháo đài đều bị thiêu sống. Thật ra thì chỉ sau nửa ngày, thủ quân bên trong pháo đài đã giương cờ trắng đầu hàng. Có điều binh sĩ của Bảo Tiệp quân đều cố tình tỏ ra không nhìn thấy. Ngọn lửa quá lớn, hỏa thế quá hung hãn, không ai muốn vì kẻ địch mà mạo hiểm tiếp cận ngọn lửa, để rồi uổng mạng vô ích. Trong khi muốn tiếp nhận đầu hàng thì bọn họ phải dập tắt ngọn lửa, mở đường cho hàng binh đi ra.
Không được chấp nhận đầu hàng, thủ quân bên trong pháo đài không thể tránh khỏi số phận bị thiêu sống. Và những nạn nhân đầu tiên chính là 300 Hiệp sĩ. Hiệp sĩ của Âu châu thời Trung Cổ sử dụng những bộ áo giáp quá nặng nề, toàn thân sắt thép từ đầu đến chân, tuy có thể bảo hộ tốt cơ thể, nhưng cũng khiến cho việc di chuyển rất khó khăn, đồng thời mỗi khi mặc vào hay cởi ra đều mất rất nhiều thời gian và công sức. Do vậy mà Hiệp sĩ thường phải có tùy tùng trợ giúp, giúp đỡ bọn họ mặc giáp và lên ngựa. Thế rồi lúc này đây cũng chính bộ giáp đó đã góp phần khiến cho bọn họ tử vong sớm hơn những người khác. Thử tưởng tượng toàn thân bao bọc trong sắt thép, đứng giữa ngọn lửa đáng cháy hừng hực, hậu quả …
Sau khi ngọn lửa được dập tắt, pháo đài Aversa đã trở thành một đống hoang tàn, đương nhiên những người bên trong đều đã hóa ra tro. Bảo Tiệp quân đệ tam sư cũng chẳng buồn dọn dẹp chiến trường (bị ngọn lửa thiêu đốt suốt hai ngày, làm gì còn có chiến lợi phẩm tồn tại), mà kéo xuống Napoli trợ chiến. Nhưng khi đệ tam sư đến được Napoli thì thành phố đã rơi vào tay Bảo Tiệp quân. Do Napoli hầu như không còn quân đội phòng thủ, Bảo Tiệp quân đã công chiếm rất dễ dàng. James de Bourbon cùng các quý tộc của Napoli đã bỏ chạy đến xứ Taranto ở phía đông nam vương quốc, lĩnh địa mà James de Bourbon nhắm đến khi kết hôn với Joan II de Napoli.
Sau khi chiếm lĩnh Napoli, vương đô của vương quốc Napoli, Lý Xương Văn cùng Triệu Quý Thường chia hai đạo quân Bảo Tiệp và Chiêu Viễn thành nhiều toán nhỏ, ít thì một vệ, nhiều thì năm ba vệ, tỏa ra bình định khu vực trung bộ vương quốc Napoli, với mục tiêu giải quyết hoàn toàn giới quý tộc ‘phản nghịch’ của Napoli. Bọn họ bị kết tội ‘phản nghịch’ vì đã thần phục cha con Ladislaus de Napoli mà chống lại nhà Anjou, thậm chí còn theo Ladislaus de Napoli ba lần tấn công giáo đô La Mã, đuổi Đức Thánh Cha (Papal) khỏi đấy, và có lần còn buộc Đức Thánh Cha nộp tiền chuộc 100.000 florin (mỗi florin nặng 3,85 gam vàng, 1 chỉ vàng chỉ có 3,75 gam, tức 100.000 florin tương đương 10.267 lượng vàng, hay 385 kilôgam vàng). Những tội trạng đó được công bố, người Âu châu, nhất là những tín đồ Công giáo La Mã, nếu không ủng hộ thì cũng không phản đối việc trừng trị những kẻ ‘phản nghịch’ đó. Nhất là những bài ca về “Vương tử của bi thương” được phổ biến trước đây đã giúp cho Long nhi có lợi hơn về mặt dư luận. Đa số bình dân không chống lại sự cai trị của Long nhi, không phải đối việc thay đổi triều đại ở Napoli. Dù gì thì bọn họ cũng không ưa James de Bourbon. Những kẻ chống đối chỉ có giới quý tộc, những kẻ mà dù có chống đối hay không đều thuộc đối tượng bị giải quyết (trục xuất hay bắt giữ). Bọn họ càng chống đối thì đối với Đế quốc, đối với sự cai trị sau này của Long nhi càng có lợi.
Có thể bà con chưa biết :
Các loại tước hiệu của quý tộc Âu châu (phần 2)
3. Anh Cách Lan (England) :
Chế độ tước sĩ của triều đình Anh Cách Lan có bối cảnh lịch sử rất lâu đời (có lẽ chỉ sau Pháp Lan Tây). Phong hiệu phân thành 7 cấp chính, chia thần dân thành 2 bộ phận lớn là quý tộc (peerage) và bình dân.
Nhóm 1 :
King and Emperor / Queen and Empress : Quốc vương kiêm Hoàng đế / Nữ vương kiêm Nữ hoàng.
King / Queen : Quốc vương / Nữ vương.
Prince of Wales : Vương tử xứ Wales (tước hiệu của Thái tử)
Prince - Vương tử
Princess Royal / Princess : Đại công chủ / Công chủ.
Nhóm 2 :
Royal Duke / Royal Duchess : Đại công tước / Nữ đại công tước
Duke / Duchess : Công tước / Nữ công tước
Marquess / Magrave : Hầu tước / Nữ hầu tước
Count / Countess : Bá tước / Nữ bá tước
Viscount / Viscountess : Tử tước / Nữ tử tước
Baron / Baroness : Nam tước / Nữ nam tước
Lord : Huân tước (tước hiệu phong cho con trai của công tước, hầu tước; không có phong địa)
Nhóm 3 :
Baronet - Tùng nam tước
Knight - Hiệp sĩ
Nhóm 1 là thành viên Hoàng gia, nhóm 2 là quý tộc, nhóm 3 phi quý tộc.
Ở Anh Cách Lan, quyền lực của giáo hội không lớn.
Người Việt thường sử dụng nhầm lẫn giữa 2 loại tước hiệu Nữ hoàng và Nữ vương. Trong chế độ tước sĩ của Anh Cách Lan, đây là 2 loại tước hiệu khác nhau. Nữ hoàng (Empress) Victoria, nhưng phải là Nữ vương (Queen) Elizabeth II. Trước đây Anh Cách Lan chỉ có Quốc vương, Nữ vương. Đến năm 1876, Nữ vương Victoria gia miện thành Nữ hoàng Ấn Độ, từ đó Quốc vương và Nữ vương Anh Cách Lan có thêm tước hiệu Hoàng đế, Nữ hoàng. Nhưng đến năm 1947, Ấn Độ độc lập, thì tước hiệu Hoàng đế và Nữ hoàng cũng không còn.
4. Tô Cách Lan (Scotland) :
Chế độ tước sĩ của Tô Cách Lan cơ bản giống với Anh Cách Lan, chỉ có một số khác biệt :
Lord of Parliament : Nghị hội huân tước (tương đương Nam tước của Anh Cách Lan)
Ở nhóm thứ 3 có thêm :
Laird : Nam tước (đứng dưới Lord of Parliament và không phải là quý tộc)
Kỳ sau : Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức
Chương 94 : CHINH PHỤC NAPOLI (2)
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.518 (Bính Thân, 1416). Mùa xuân tháng 3.
Một tháng sau khi xuất chinh, khu vực bắc bộ và trung bộ vương quốc Napoli đã bị 2 đạo quân Chiêu Viễn và Bảo Tiệp chiếm lĩnh. Đồng thời khu vực tây nam cũng bị Chiêu Đức quân Đệ tam sư kiểm soát. James de Bourbon chỉ còn kiểm soát khu vực đông nam, chủ yếu là Taranto và các vùng phụ cận.
Ngày 15 tháng 3, Lý Xương Văn, tổng chỉ huy chiến trường Napoli, giao khu vực đã bình định xong cho lực lượng dân binh quản lý, rồi thống suất đại quân tiến về miền nam Napoli, mục tiêu là Taranto, nơi tập trung tàn dư của James de Bourbon. Ở đó, James de Bourbon đã triệu tập gần như toàn bộ giới quý tộc của Napoli cùng với tư quân của bọn họ, tập họp được hơn 1 vạn quân, trong đó có đến hơn 500 Hiệp sĩ và 1.500 quý tộc, chiếm gần hết tổng số quý tộc của vương quốc. Thành ra, đội quân của James de Bourbon có thể xem là đội quân quý tộc, số lượng thì đông, nhưng sức chiến đấu thì … cần phải xem lại. Chỉ trừ những quý tộc bản thân là Hiệp sĩ, năng lực chiến đấu xuất sắc, đa phần quý tộc chỉ giỏi hưởng thụ, khả năng chiến đấu có khi còn thua cả bình dân. Quan trọng hơn cả, xuất hiện đại lượng quý tộc trong quân đội, kỷ luật khó giữ, và binh sĩ phải lo bảo vệ quý tộc hơn là lo giết giặc (đặc biệt là quân đội Napoli lúc này được hình thành từ tư quân của quý tộc, đương nhiên phải lo bảo vệ chủ nhân trước).
Ngày 20, quân đội song phương đụng độ ở Mateola, phía bắc Taranto. Phía Thần Thánh Đế quốc có 7 vạn quân, gồm 2 đạo Bảo Tiệp quân, Chiêu Viễn quân, hội họp cùng Chiêu Đức quân Đệ tam sư từ phía tây nam kéo lên. Phía James de Bourbon có 1 vạn quân đội quý tộc, gồm 500 Hiệp sĩ, 1.500 quý tộc và khoảng 8.000 binh sĩ. Tỷ lệ chênh lệch giữa quân số song phương không khác nhiều so với trận Agincourt, nhưng lần này quân đội của James de Bourbon không gặp may như quân đội của Henry V of England.
Trước trận, James de Bourbon lại động viên cổ vũ toàn quân :
- Trong trận Agincourt mấy tháng trước, quân Anh Cách Lan chỉ có hơn 8.000 người mà đã đánh bại gần 4 vạn quân Pháp Lan Tây, chiến quả huy hoàng. Trận này, nếu như chúng ta đồng tâm hiệp lực, gắng sức chiến đấu, chắc chắn cũng sẽ giống như quân Anh Cách Lan, đánh bại kẻ thù, chiến thắng huy hoàng.
James de Bourbon là quý tộc Pháp Lan Tây mà lại lấy trận Agincourt ra để động viên quân đội thì thật không phải chút nào. Y vừa nói xong, một loạt những tiếng nổ vang trời từ phía trận địa đối phương truyền lại, sau đó là hơn nghìn quả đạn pháo đổ xuống đầu quân đội Napoli, mà mục tiêu chủ yếu là đội hình của các Hiệp sĩ. Hiệp sĩ ở Âu châu cũng đồng nghĩa với kỵ sĩ, khi xung phong thì tập họp thành đội hình san sát nhau để gia tăng xung kích lực. Nhưng lần này, đội hình đó đã trở thành tấm bia rất nổi bật cho thần công đại pháo của quân đội Thần Thánh Đế quốc. Theo quân chế của quân đội Thần Thánh Đế quốc, mỗi sư được phối cấp 200 khẩu thần công (đương nhiên là nhỏ hơn pháo hạm của Hải quân để tiện di chuyển), thành ra 7 vạn đại quân có đến 1.400 khẩu thần công, chỉ cần một loạt pháo kích cũng đủ để nhấn chìm đội hình Hiệp sĩ của quân Napoli trong khói lửa. Sau loạt pháo kích đó, toàn bộ quan quân Napoli đều nhìn nhau sửng sốt, pha lẫn kinh hoàng. Chỉ trong nháy mắt, 500 Hiệp sĩ đã bị xóa sổ, kèm theo là gần nghìn người khác ở lân cận, trong đó cũng có không ít quý tộc. Tử trạng của bọn họ vô cùng thê thảm, thịt nát xương tan.
Sau loạt pháo kích là đến phiên cung thủ phát oai. Ở quân đội Thần Thánh Đế quốc, mỗi sư thường có 1 vệ kỵ binh, 1 vệ pháo binh, 4 vệ cung thủ (trang bị cung, nỏ) và 4 vệ cận chiến bộ binh (sử dụng đao, thương). Như vậy, 7 vạn đại quân có đến 2 vạn 8.000 cung thủ. Tất cả đồng loạt công kích, 2 vạn 8.000 mũi tên đồng loạt rải xuống đầu gần 9.000 quân Napoli. Phải nói là tên bắn như mưa. Quân Napoli không chỗ tránh né, kêu khóc vang trời, đặc biệt là số quý tộc, tiếng gào thét kinh thiên động địa, đất thảm trời sầu.
Sau mấy lượt công kích của lực lượng cung thủ, quân Napoli đại bộ phận thọ thương hay tử trận, máu nhuộm đầy đồng, thây phơi đầy nội. Chỉ có lực lượng thân binh của James de Bourbon và một số quý tộc, do vận áo giáp bảo hộ kín kẽ, nên chưa bị thương hoặc chỉ bị thương nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến khả năng chiến đấu. Thấy vậy, Lý Xương Văn lại truyền lệnh cho trận địa thần công khai hỏa một loạt nữa, giải quyết số tàn dư, rồi mới cho quân tiến lên giải quyết chiến trường.
Sau trận Mateola, lực lượng phản kháng cuối cùng ở vương quốc Napoli bị tiêu diệt hoàn toàn. Quân đội Đế quốc dễ dàng tiến chiếm Taranto. Đến ngày 24, toàn cảnh Napoli đã được bình định, và cũng giống như ở Sicily, ở Napoli lúc này chỉ còn lại toàn bình dân. Hàng loạt tướng lĩnh dân binh được bổ nhiệm làm quan viên cai trị các nơi. Còn việc phong tước, phải chờ đến khi vương quốc chính thức thành lập, Long nhi chính thức đăng quang.
Ngày 1 tháng 4, Long nhi và Đinh An Bình đến Napoli. Khi bước chân vào vương đô, Long nhi không khỏi cảm khái. Đây là kỳ vọng của Louis I de Anjou, rồi cả Louis II de Anjou, đến nay mới có thể hoàn thành. Còn nếu mở rộng ra cho cả Sicily và Napoli, thì có thể kể từ thời Charles I de Anjou (1226 – 1285). Charles I de Anjou được Đức Thánh Cha (Papal) phong cho làm quốc vương của vương quốc Sicily (bao gồm cả Napoli) từ năm 1262, đăng quang vào năm 1266, nhưng đến năm 1282 thì mất đảo Sicily (loạn quân được vương quốc Aragon hỗ trợ), chỉ còn lại Napoli.
Gia tộc Anjou là một đại gia tộc ở Pháp Lan Tây, có cùng dòng họ với quốc vương, nhưng là dòng thứ. Charles I de Anjou, người khai sinh gia tộc Anjou là em trai của quốc vương Pháp Lan Tây Louis IX de Française thuộc Vương triều Capetian, được phong làm Công tước xứ Anjou và Bá tước xứ Maine, trong đó Anjou là một công quốc chư hầu ở phía tây của vương quốc Pháp Lan Tây. Gia tộc Anjou sau phân thành 4 chi là :
1. Anjou – Maine, dòng chính, cai trị Anjou và Maine, Sicily (1266 – 1282), Napoli (1266 – 1382) và nhiều lĩnh địa lớn nhỏ khác như Provence, Forcalquier, Piedmont, …
2. Anjou – Hungary, cai trị Hungary (1308 – 1395), Ba Lan (1370 – 1399).
3. Anjou – Taranto, cai trị Đế chế Latin ở Constantinople (1313 – 1374).
4. Anjou – Darazzo, cai trị Napoli (1382 – đến giờ), dòng này bị xem là phản nghịch, vì Charles III de Napoli (cha của Ladislaus de Napoli) đã giết Joan I de Napoli (thuộc dòng Anjou – Maine) để cướp ngôi.
Ngoài ra còn có chi thứ 5 – Vương triều Valois. Sau khi Charles IV de Française qua đời, dòng Capetian không có người thừa kế, triều thần và quý tộc Pháp Lan Tây đã chọn Philippe VI de Valois, Công tước xứ Anjou, Bá tước xứ Maine và Valois lên làm quốc vương, trở thành Philippe VI de Française. Con trai của Philippe VI de Française là Jean II de Française trước khi lên ngôi cũng là Công tước Anjou. Đến đây, Jean II de Française cho con trưởng là Charles V de Française làm Dauphiné (tức Thái tử), còn con thứ là Louis I de Anjou làm Công tước xứ Anjou, Bá tước xứ Maine. Louis I de Anjou là cha của Louis II de Anjou, và là ông nội của Louis III de Anjou (tức Long nhi). Tóm lại gia tộc Anjou có quan hệ rất gần gũi với các quốc vương Pháp Lan Tây, và có địa vị hiển hách. Louis II de Anjou và Công tước phu nhân là người tài trợ cho nhiều lực lượng chống Anh Cách Lan trong cuộc “chiến tranh trăm năm”, trong đó có cả Jeanne de Arc (tiếng Anh : Joan of Arc - thánh nữ, anh hùng cứu quốc của Pháp).
Sau khi vào vương cung của Napoli, Đinh An Bình nhìn quy mô của nó, khẽ lắc đầu, nói với Long nhi :
- Nơi này không thể xem là vương cung, không phù hợp với thân phận của Điện hạ.
Long nhi ngạc nhiên hỏi :
- Ý vương gia thế nào ?
Đinh An Bình nói :
- Vương cung ít ra phải tương đương với Đại Tây Hành cung ở Sinai thì mới phù hợp với thân phận của Điện hạ. Hơn nữa, Napoli quá gần La Mã (tức Roma), không thích hợp để đóng đô.
Long nhi ngẫm nghĩ giây lát, thấy cũng có lý, liền hỏi :
- Vậy theo vương gia thì nên đóng đô ở đâu ?
Đinh An Bình nói :
- Ở Sicily là tốt nhất.
Long nhi lập tức tán thành. Trước khi Charles I de Anjou mất đảo Sicily thì vương đô đóng ở Sicily, và tên vương quốc cũng là Sicily. Do đó, đóng đô ở Sicily là rất thích hợp. Hơn nữa, Sicily nằm ở trung tâm Địa Trung Hải, cùng với bán đảo Italia chia Địa Trung Hải thành hai phần Đông và Tây. Vì vậy, Sicily giữ một vị trí trọng yếu trên các tuyến hàng hải ở Địa Trung Hải.
Cuối cùng, Đinh An Bình và Long nhi thống nhất chọn thành phố cảng Syracuse làm vương đô của tân vương quốc mà Giang Phong đặt tên cho là Latium, theo tên một quốc gia cổ trên đất Italia. Việc kiến thiết vương đô được khẩn trương tiến hành. Trong thời gian chờ đợi, Long nhi sẽ vẫn ở tại Đại Tây Hành cung.
Có thể bà con chưa biết :
Các loại tước hiệu của quý tộc Âu châu (phần 3)
5. Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức :
Tên tiếng Đức : Heiliges Römisches Reich Deutscher Nation
Tên tiếng Anh : Holy Roman Empire of the German Nation
Tên tiếng Pháp : Saint-Empire romain de la Nation Germanique
Tên tiếng Latinh : Imperium Romanum Sacrum Nationis Germanicæ
Tên gọi này có từ đầu thế kỷ 15 cho đến khi Đế quốc bị giải thể vào năm 1806. Trước đó, tên gọi không có cụm từ 'Dân tộc Đức'. Đế quốc được hình thành từ vương quốc Francie Orỉentable (Francie Đông), và kế thừa tên 'Đế quốc La Mã Thần Thánh' từ Charlemagne, vua của người Francs, Hoàng đế của cả phương tây.
Hoàng đế của Đế quốc không được cha truyền con nối mà được bầu lên từ các Tuyển hầu, do đó Đế quốc không có Thái tử.
Nhóm 1 :
Kaiser : Hoàng đế
König : Quốc vương
Kurfürst : Tuyển hầu
Prinz : Vương tử (các con của Hoàng đế
Fürst : Vương tử (vua của 1 công quốc chư hầu)
Nhóm 2 :
Erzherzog : Đại công tước
Herzog : Công tước
Markgraf : Hầu tước, Biên cảnh Tổng đốc (do ở biên cảnh nên có quyền hành lớn, quân đội mạnh, và tương đối độc lập đối với triều đình)
Landgraf : Cung đình Bá tước
Graf : Bá tước
Vizegraf : Tử tước
Baron : Nam tước
Freiherr : Nam tước (hoặc chuẩn Nam tước, thấp hơn Baron)
Nhóm 3 :
Ritter : Hiệp sĩ
Junker : lĩnh chủ, hương thân
Kỳ sau : Hà Lan và Bỉ
Chương 95 : VƯƠNG QUỐC LATIUM
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.518 (Bính Thân, 1416). Mùa hạ, tháng 4.
Đến lúc này, vương quốc Latium của Long nhi đã kiểm soát được lĩnh thổ của 4 vương quốc là Napoli, Sicily, Sardinia và Corsica. Đinh An Bình tạm thời cho chuyển đại bản doanh đến Napoli, rồi phái 2 đạo quân Chiêu Viễn, Bảo Tiệp tấn công Aragon, và 4 đạo quân Chiêu Đức, Linh Tiệp, Uy Tiệp, Long Tiệp tấn công Castile. Do Fernando I de Aragon vừa là quốc vương Aragon vừa là nhiếp chính của Castile (nữ vương là chị dâu), nên cả hai vương quốc này có thể xem như là một, khi tấn công Aragon thì phải tính cả Castile và ngược lại. Do đó, để đơn giản, Đinh An Bình đã điều thêm 2 đạo quân Uy Tiệp và Long Tiệp ở Sinai, cùng với 4 đạo quân hiện hữu hình thành lưỡng lộ đại quân, tấn công cả 2 vương quốc.
Sau trận Aljubarrota với thất bại của liên minh Castile – Aragon – Pháp Lan Tây, nền độc lập của Bồ Đào Nha được xác nhận với việc thành lập Vương triều Aviz, và Castile không còn hùng mạnh như trước nữa. Năm 1383, vua Ferdinand I de Portugal qua đời mà không có con trai kế vị, người con gái duy nhất lại là vợ của quốc vương Jean I de Castile, nên theo luật thừa kế ở Âu châu lúc bấy giờ, quốc vương Jean I de Castile sẽ đồng thời là quốc vương của Bồ Đào Nha. Đối mặt với nguy cơ mất độc lập, giới quý tộc Bồ Đào Nha với sự ủng hộ của người dân Lisbon đã đề nghị Jean I de Aviz (con trai của quốc vương trước đó) lên ngôi. Thế là giữa Jean I de Aviz và Jean I de Castile diễn ra cuộc tranh chấp quyền thừa kế ngai vàng giống hệt cuộc tranh chấp giữa quốc vương hai nước Anh Cách Lan và Pháp Lan Tây. Sau đó, Anh Cách Lan ủng hộ Portugal, còn Pháp Lan Tây và Aragon ủng hộ Castile. Đầu năm 1384, nghe tin Jean I de Aviz sắp lên ngôi, Jean I de Castile liền phối hợp cùng các đồng minh là Aragon và Pháp Lan Tây tổ chức một đạo quân 31.000 người (trong đó có 2.000 Hiệp sĩ đến từ Pháp Lan Tây) để xâm chiếm Bồ Đào Nha. Jean I de Aviz tổ chức được một đạo quân 6.500 người và được hỗ trợ bởi 600 trường cung thủ (longbowman) đến từ Anh Cách Lan. Thế rồi trận Aljubarrota diễn ra, liên quân Bồ Đào Nha - Anh Cách Lan đại thắng, chỉ thiệt hại 1.000 người, nhưng đã tiêu diệt 4.000 địch quân trong trận chiến và 5.000 địch quân trong ngày hôm sau. Trận Aljubarrota đã chính thức xác nhận sự thành lập vương triều Aviz ở Bồ Đào Nha, đồng thời dẫn đến sự suy yếu của vương quốc Castile.
Đến lúc này, để chống lại sự tấn công của quân đội Thần Thánh Đế quốc, liên quân Castile – Aragon cũng tập họp được khoảng 3 vạn quân. Dù chiếm ưu thế tuyệt đối về quân số và trang bị vũ khí, quân đội Thần Thánh Đế quốc tiến quân không được thuận lợi lắm, nguyên nhân chủ yếu là vì sợ tổn thất nặng nên các tướng lĩnh đều tránh xung đột trực diện, chỉ tiến hành những trận chiến khi có ưu thế tuyệt đối. Ngoài ra, quốc vương ở đây không bị mất lòng dân như James de Bourbon ở Napoli. Quân đội Thần Thánh Đế quốc không phải không thắng được, nhưng vì tiến độ tấn công chậm chạp, nên sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Ở vương quốc Castile, 12 vạn quân Thần Thánh Đế quốc đánh nhau với 2 vạn quân Castile chỉ giành được một số chiến thắng nhỏ. Phải sang tháng 5, khi có thêm 2 vạn dân binh Hồi giáo từ bờ nam eo biển Gibraltar kéo sang hỗ trợ, quân đội Thần Thánh Đế quốc mới đánh bại được quân Castile, đuổi tàn quân Castile chạy sang lĩnh thổ Aragon ở phía bắc. Lĩnh thổ vương quốc Castile trước kia thuộc về vương quốc Hồi giáo Almohades. Do đó, người Hồi giáo xem việc tham chiến như là tham gia Thánh chiến, khả năng chiến đấu cao đến mức không ngờ. Cũng chính vì vậy mà Đinh An Bình mới tuyển mộ dân binh từ người Hồi giáo.
Ở vương quốc Aragon, 6 vạn quân Thần Thánh Đế quốc đánh nhau với 1 vạn quân Aragon, tình hình chiến sự cũng tương tự như ở Castile. Sau 1 tháng giao chiến, quân đội Thần Thánh Đế quốc cũng chỉ kiểm soát được khoảng một nửa lĩnh thổ Aragon ở vùng duyên hải phía đông.
Đầu tháng 6, khi các đạo quân Linh Tiệp, Uy Tiệp, Long Tiệp cùng 1 vạn dân binh Hồi giáo từ Castile kéo sang trợ chiến, quân đội Thần Thánh Đế quốc tập trung 16 vạn quân tấn công chưa đến 1 vạn quân Aragon, thì mới kết thúc được cuộc chiến. Sau đó đại quân tràn sang các vùng chưa chiếm được ở phía tây và phía bắc thuộc bán đảo Iberia. Sang đến giữa tháng 7, toàn bán đảo Iberia đã được Thần Thánh Đế quốc kiểm soát hoàn toàn, biên giới mở rộng đến vương quốc Pháp Lan Tây ở phía bắc. Nhưng theo kế hoạch định sẵn từ trước ở Trường Thanh Cung, lĩnh thổ của Aragon và Navarre vốn không thuộc về vương quốc Hồi giáo Amohades, nên được chuyển giao cho vương quốc Latium của Long nhi; còn Castile, Bồ Đào Nha, Granada (ước khoảng 483.000 kilômét vuông) được sát nhập vào Thần Thánh Đế quốc, hình thành 7 tỉnh mới là Cordova, Granada, Gibraltar, Lisbon, Toledo, Santander và Léon.
Như vậy, sau khi sát nhập Aragon và Navarre, vương quốc Latium mở rộng thêm gần gấp đôi. Qua sự tham mưu của các văn quan đến từ Thần Thánh Đế quốc, Long nhi và Đinh An Bình bàn bạc việc thiết lập thể chế mới cho vương quốc. Từ nay, vương quốc Latium thực hiện chế độ quân chủ chuyên chế, lĩnh thổ vương quốc thống nhất tuyệt đối, bãi bỏ chế độ phân phong lĩnh địa, không để các vương quốc tồn tại độc lập mà tổ chức thành tỉnh, quận, huyện theo kiểu Thần Thánh Đế quốc. Ở Âu châu, nhiều vương quốc dù có vua chung, nhưng vẫn là những vương quốc độc lập, giống như Sigismund de Luxembourg, vừa là Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức, vừa là Quốc vương Hungary, Quốc vương Boheme và Công tước xứ Luxembourg, trong khi các quốc gia đó vẫn tồn tại độc lập với nhau.
Lĩnh thổ của vương quốc Latium được tổ chức lại thành 4 tỉnh :
1. Sicily (diện tích 63,470 kilômét vuông) : do 3 vương quốc Sicily, Sardinia, Corsica và quần đảo thuộc địa Majorca (của Aragon) hợp thành, được chia thành 7 quận, gồm 3 quận Syracuse, Palermo và Messina thuộc đảo Sicily; 2 quận Cagliari và Sassari thuộc đảo Sardinia; quận Corsica thuộc đảo Corsica; quận Majorca thuộc quần đảo Majorca. Trong đó Syracuse là kinh đô.
2. Napoli (diện tích 73,261 kilômét vuông) : nguyên là vương quốc Napoli, được chia thành 6 quận là Napoli, Taranto, Calabria, Potenza, L’Aquila và Foggia.
3. Aragon (diện tích 58,110 kilômét vuông) : nguyên là phần phía bắc của vương quốc Aragon cùng với công quốc Navarre, được chia thành 5 quận là Barcelona, Lérida, Navarre, Saragossa và Gerona.
4. Valencia (diện tích 55,419 kilômét vuông) : nguyên là phần phía nam của vương quốc Aragon, được chia thành 5 quận là Valencia, Sagunto, La Plana, Alicanté, Monreal del Campo.
Kể từ lúc này, vương quốc Latium đã trở thành một nước lớn ở Âu châu, có thể sánh ngang với Pháp Lan Tây, Hungary; chỉ thua Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức; mạnh hơn cả Anh Cách Lan (sau khi bị quân Anjou đánh bại vào đầu năm, mất hết các lĩnh địa trên đất Pháp).
Từ khi quân Anjou quật khởi và vương quốc Latium hình thành, cục diện Âu châu đã có những biến đổi rất đáng kể.
Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức vẫn là thế lực mạnh nhất, có điều Đế quốc La – Đức không thống nhất mà là một liên minh các vương quốc, công quốc độc lập, trong đó Hoàng đế chỉ là một vương công lớn, không thể chỉ huy các vương công quý tộc khác nếu như họ không muốn nghe lệnh.
Nhóm thế lực thứ hai gồm có vương quốc Pháp Lan Tây ở phía tây, vương quốc Hungary ở phía đông và vương quốc Latium ở phía nam. Ba vương quốc này bao vây ba mặt Đế quốc La – Đức. Và do Đế quốc La – Đức ở về phe Anh Cách Lan trong cuộc ‘chiến tranh trăm năm’ nên quan hệ với vương quốc Pháp Lan Tây rất xấu, từ đó dẫn đến quan hệ với vương quốc Latium cũng không được tốt. Cũng còn may là Hoàng đế Sigismund de Luxembourg của Đế quốc La – Đức đồng thời cũng là quốc vương Hungary, nên tình hình đối với Đế quốc La – Đức chưa đến nỗi tồi tệ.
Nhóm thế lực thứ ba gồm các vương quốc yếu hơn như Đan Mạch, Thụy Điển, Tô Cách Lan (Scotland) và Ba Lan.
Nhóm thế lực thứ tư, yếu nhất, gồm các vương quốc nhỏ, công quốc và cộng hòa quốc như Na Uy, Ái Nhĩ Lan (Ireland), Papal of States, Candia, Syprus, Iceland, Burgundy, Bungary, Bosnia, Albani, Servia, Wallachia, Moldavia, Genoa, Venice, Byzantine, Lithuania, Morea, Trebizonde, Teutonic Knights, Knights of Saint John, … Riêng cộng hòa Novgorod và công quốc Moscow là chư hầu của Hãn quốc Kim trướng (Mông Cổ), chưa được kể là thế lực thuộc Âu châu.
Vương quốc Latium quật khởi quá nhanh, trong lúc các nước Âu châu còn chưa kịp có phản ứng gì thì đã có 5 vương quốc (Sicily, Napoli, Sardinia, Aragon, Corsica) và 1 công quốc (Navarre) trở thành lịch sử. Tuy rằng vương quốc Latium hiện giờ chỉ có 1 vạn quân đội, nhưng các nước đều không dám xem thường, do vương quốc Latium được hậu thuẫn trực tiếp bởi Thần Thánh Đế quốc, và Long nhi còn là Hoàng tử của Thần Thánh Đế quốc. 18 vạn quân đội cùng Hắc Long Hạm đội đủ sức uy hiếp bất kỳ nước nào ở Âu châu.
Chương 96 : LẠI CHUẨN BỊ CHIẾN TRANH
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.518 (Bính Thân, 1416). Mùa thu, tháng 8. Đại Tây Hành cung.
Do chiến tranh ở Iberia bán đảo đã kết thúc, Long nhi và Đinh An Bình không ở lại bộ chỉ huy tiền phương tại Napoli nữa mà quay về Đại Tây Hành cung ở Sinai. Lúc này cung điện ở Syracuse vẫn còn đang trong quá trình xây dựng, nên Long nhi phải tạm trú ở Đại Tây Hành cung. Còn Đinh An Bình quen sống trong những cung điện kiểu phương đông, ở trong cung điện kiểu phương tây thấy không thoải mái tí nào, do đó mà khi chiến tranh vừa kết thúc thì đã cùng Long nhi quay về Đại Tây Hành cung.
Dù vậy, Đinh An Bình cũng giống như bọn Triệu Phong, đều là những phần tử hiếu chiến, nên chiến tranh vừa kết thúc là lại muốn phát động một cuộc chiến tranh mới. Do đó, ánh mắt của y lại hướng sang khu vực phía đông vương quốc Latium, những vương quốc nằm bên kia bờ biển Adriatic. Ở phía tây và phía nam của vương quốc Latium là các tỉnh trên bán đảo Iberia và các tỉnh Bắc Phi của Thần Thánh Đế quốc, ở phía tây bắc là vương quốc Pháp Lan Tây, chính bắc là Papal of States, đều là những nơi không tiện tiến hành chiến tranh, chỉ có khu vực phía đông là thích hợp, lại có lý do chính đáng. Nhà Anjou – Hungary của Ladislaus de Napoli từng chiếm đóng Napoli, sát hại nữ vương Joan I de Napoli của nhà Anjou - Maine, do vậy Long nhi hoàn toàn đủ lý do để phát động chiến tranh. Thật ra quan hệ giữa giới quý tộc Âu châu vô cùng phức tạp, trải qua mấy trăm năm truyền thừa, ân oán không ít, muốn tìm lý do để tuyên chiến dễ dàng vô cùng.
Khi bàn bạc cùng Long nhi chuyện quân quốc đại sự, Đinh An Bình còn chưa kịp đề xuất việc đông chinh, thì Long nhi đã nói :
- Vương gia. Các thuộc hạ của ta đều muốn ta sớm đăng quang và đại phong quần thần. Vương gia thấy thế nào ?
Đinh An Bình ngẫm nghĩ giây lát, rồi nói :
- Đại phong quần thần thì không thành vấn đề, chỉ cần không phân phong lĩnh địa là được. Mọi đất đai trong vương quốc đều phải thuộc về Điện hạ. Còn việc đăng quang thì chưa phải lúc.
Long nhi ngạc nhiên hỏi :
- Sao vậy ?
Đinh An Bình nói :
- Đệ đệ của Chiêu Vũ Vương Triệu Phong còn được Thánh hoàng cho đăng cơ xưng đế. Điện hạ không thể kém gã ta được.
Long nhi giật mình :
- Ý vương gia bảo ta xưng đế ?
Đinh An Bình nói :
- Không phải ý của ta mà là ý của Thánh hoàng. Chỉ cần quốc thổ của Điện hạ đạt đến một quy mô nhất định, Thánh hoàng sẽ đích thân gia miện cho Điện hạ làm Hoàng đế. Do đó, đại sự hiện giờ đối với điện hạ là mở mang quốc thổ.
Long nhi hỏi :
- Lại tiếp tục phát động chiến tranh nữa ư ? Chọn mục tiêu ở đâu bây giờ ?
Đinh An Bình mỉm cười hỏi :
- Điện hạ quên gã Ladislaus rồi sao ?
Long nhi giật mình :
- Ý vương gia muốn nói đến Hungary ?
Đinh An Bình gật đầu nói :
- Đúng thế. Mục tiêu sắp tới sẽ là Hungary.
Long nhi nói :
- Nhưng phu quân của nữ vương Mary de Hungary lại là Sigismund de Luxembourg, là Hoàng đế của Đế quốc La – Đức đó nha !
Đinh An Bình mỉm cười nói :
- Chính vì thế mà chúng ta càng phải tấn công Hungary. Điện hạ quên George I de Trento rồi sao ?
Long nhi lo lắng nói :
- Chúng ta mở rộng quy mô chiến tranh, có vấn đề gì không ?
Đinh An Bình cười nói :
- Không vấn đề gì cả. Chiến tranh ở Hoa Bắc đã kết thúc vào năm trước. Chiến tranh ở Miến Điện cũng đã kết thúc vào đầu năm nay. Hiện giờ còn có mười mấy đạo quân đang rảnh rỗi. Mà Điện hạ nên nhớ rằng các tướng lĩnh của Đế quốc đều hiếu chiến cả, không thể an nhàn quá lâu được.
Long nhi ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi nói :
- Nhưng quân đội của ta chỉ có 1 vạn người, chia ra phòng thủ 4 tỉnh là đã quá sức rồi, nếu mở rộng quốc thổ sẽ không có đủ quân đội để phòng thủ.
Việc công thành chiếm đất, quân đội Thần Thánh Đế quốc có thể làm thay, nhưng việc phòng thủ quốc thổ phải do lực lượng dân binh người Âu châu của Long nhi đảm nhiệm. Việc thiếu quân đội cũng là vấn đề, nhưng không phải không có cách giải quyết. Đinh An Bình nói :
- Vậy thì tăng quân. Quân đội Anjou mà còn có 2 vạn rưỡi người. Quân đội Pháp Lan Tây cũng có hơn 3 vạn. Vương quốc Latium không thể ít hơn được. Tăng quân lên 5 vạn, thành lập 5 sư đoàn.
Long nhi nói :
- Nhưng vương quốc mới thành lập, mức độ trung thành của thần dân chưa thể đảm bảo nha !
Đinh An Bình nói :
- Không hề gì. Ở các tỉnh quanh Địa Trung Hải của Thần Thánh Đế quốc có không ít người Âu châu, tạm thời cứ tuyển mộ trong số bọn họ, sau này sẽ di dân từ các vùng mới chiếm lĩnh bù lại. Sau khi Điện hạ đại phong quần thần, ta nghĩ sẽ có không ít bình dân hăng hái tham quân.
Long nhi đưa ra một bản danh sách, nói :
- Đây là danh sách ta định phong tước đợt này, vương gia xem thử rồi cho ý kiến.
Đinh An Bình cầm xem, rồi gật đầu nói :
- Quân đội phải do Điện hạ trực tiếp thống lĩnh, không thể để cho các đại gia tộc can thiệp vào. Các đại gia tộc thường xem lợi ích của gia tộc cao hơn lợi ích của quốc gia, vì thế Điện hạ không nên giao cho trọng nhậm, nhất là trong quân đội. Sử dụng tướng lĩnh từ bình dân hay tiểu gia tộc là tốt nhất. Còn tước hiệu thì chúng ta có thể phong, công tước hay hầu tước đều không thành vấn đề.
Long nhi mỉm cười nói :
- Hiện giờ trong vương quốc, đừng nói đại gia tộc, ngay cả tiểu gia tộc cũng không còn. Ở vương quốc chỉ còn lại một số tiểu quý tộc bất đắc chí, không lĩnh địa, không quyền lực mà thôi.
Đinh An Bình gật đầu nói :
- Như thế càng tốt. Trong vương quốc, quý tộc có thể cao quý hơn bình dân, nhưng không thể có nhiều đặc quyền. Người duy nhất có thể có đặc quyền chỉ có thể là Điện hạ.
Long nhi gật đầu :
- Ta hiểu rồi. Ta sẽ nắm chắc quân đội, và không để cho các gia tộc lũng đoạn triều chính.
Đinh An Bình trao lại danh sách cho Long nhi, nói :
- Vậy là ta yên tâm rồi. Quân đội Đế quốc không thể ở lại đây mãi được. Việc triều chính phải trông chờ cả ở Điện hạ đấy.
Long nhi gật đầu nói :
- Ta hiểu rồi. Vậy thì trong những trận chiến sắp tới phải cho quân đội của ta tham chiến mới được, không thể để bọn họ là dân binh mãi được.
Đinh An Binh nói :
- Điện hạ nói rất phải. Cần cho bọn họ làm quen với sự ác liệt của chiến trường. Quân đội mà chưa từng tham chiến thì không thể xem là quân đội được.
Giữa lúc đó, Chronique de Venette, cận thần của Long nhi, vào bẩm báo :
- Hồi bẩm bệ hạ, Đại vương. Có sứ thần của nước cộng hòa Genoa đến, xin được yết kiến bệ hạ.
Chronique de Venette là một tiểu quý tộc ở Pháp Lan Tây, gia tộc đã suy bại, để chạy loạn trong cuộc nội chiến giữa hai phe Armacnacs và Burgundy, đã mượn danh nghĩa hành hương đến thánh địa mà di cư sang Jerusalem. Sau cuộc tuyển mộ dân binh, gã nhờ tài năng, học thức và thông hiểu lễ nghi mà được Đinh An Bình và Long nhi chú ý, rồi được chọn làm thư ký quan của Long nhi. Chức thư ký quan của quốc vương cũng tương đương với chức vụ Chánh văn phòng Nội Các, ngang cấp Bộ trưởng, có thân phận địa vị rất cao. Hơn nữa, thư ký quan cũng có nghĩa là cận thần thân tín của quốc vương, vị cao quyền trọng hơn ngoại thần nhiều.
Nghe nói có sứ thần của Genoa đến, Long nhi ngạc nhiên hỏi :
- Bọn họ đến đây làm gì thế ?
Chronique de Venette tâu :
- Hồi bẩm bệ hạ. Bọn họ đến kháng nghị việc bản triều chiếm lĩnh Corsica. Đảo quốc Corsica tuy trên danh nghĩa thuộc về vương quốc Aragon, nhưng thực tế lại là thuộc địa của Genoa.
Đinh An Bình ánh mắt bừng sáng, hừ nhẹ một tiếng, nói :
- Kháng nghị ? Bọn chúng dựa vào đâu mà kháng nghị ? Rõ ràng Corsica danh nghĩa thuộc về Aragon, Điện hạ tiếp quản Aragon, thì tiếp quản luôn Corsica là việc thiên kinh địa nghĩa. Chúng ta chiếm lý, không cần để ý đến bọn chúng.
Chronique de Venette cũng biết Đinh An Bình có thân phận địa vị rất cao, không thua kém gì Long nhi, nhất là trong lĩnh vực quân sự thì có tiếng nói quyết định, bởi họ Đinh không chỉ thống lĩnh 18 vạn quân đội Thần Thánh Đế quốc ở đây, mà còn là Hải quân bộ bộ trưởng. Do đó, gã cung kính hỏi :
- Vậy bản triều nên đáp hạ sứ giả Genoa thế nào ạ ?
Đinh An Bình cười nhạt nói :
- Thống trách bọn chúng khinh thường vương quốc Latium, khinh thường Điện hạ. Sau đó hạ chiến thư.
Cả Long nhi và Chronique de Venette đều giật mình :
- Hạ chiến thư ?
Đinh An Bình nói :
- Đúng thế. Hạ chiến thư.
Long nhi nói :
- Vương gia. Như thế còn nên không ? Nước cộng hòa Genoa ở Âu châu có địa vị rất đặc biệt đó nha !
Đinh An Bình nói :
- Bọn chúng có địa vị đặc biệt là nhờ ở Hải quân. Các nước ở Âu châu khi có hải chiến thường thuê chiến thuyền của bọn họ tham chiến. Nhưng Hải quân của bọn họ, đối với Đế quốc, còn chưa sánh bằng các đội vũ trang thương thuyền nữa, không cần để ý đến.
Long nhi chợt nhớ đến Hạm đội Angers của nhà Anjou nguyên bản cũng chỉ là đội vũ trang thương thuyền của Đế quốc, nên gật đầu tán đồng. Đinh An Bình quay sang viên tùy tướng của mình, bảo :
- Truyền lệnh Tôn Đại đô đốc điều Hạm đội phong tỏa Genoa, vận chuyển Linh Tiệp quân đổ bộ vào Genoa. Truyền lệnh Lý Xương Văn chuẩn bị phương án công chiếm Genoa. Truyền lệnh các đạo quân còn lại chuẩn bị chiến tranh.
Có thể bà con chưa biết :
Các loại tước hiệu của quý tộc Âu châu (phần 4)
6. Hà Lan :
Hà Lan nằm ở phía tây bắc của châu Âu và có biên giới với Bỉ, Đức và nhìn ra biển Bắc.
Thời Trung Cổ, Hà Lan thuộc lĩnh thổ của Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân Tộc Đức. Hà Lan, tiếng Anh là Holland, thực ra chỉ là 1 trong 7 công quốc tuyên bố tách khỏi Đế quốc La - Đức hình thành Liên minh Utrecht vào ngày 23 tháng 1 năm 1579. Sau đó là cuộc chiến tranh 80 năm, đến ngày 15 tháng 5 năm 1648 mới được chính thức công nhận độc lập, thành lập "Republiek der Zeven Verenigde Nederlanden".
Danh xưng chính thức là "Het Koninkrijk der Nederlanden" (Hán Việt : Ni Đức Lan vương quốc), nhưng thông thường bị gọi lầm là Holland (Hà Lan), mà trên thực tế Hà Lan chỉ là hai vùng trong Ni Đức Lan vương quốc (North Holland và South Holland, ngày xưa chỉ là Holland), và được dùng lâu thành quen. Có lẽ thương thuyền của Công quốc Holland đến nước ta đầu tiên, nên mới bị gọi lầm như thế.
Ni Đức Lan có nghĩa là "vùng đất thấp".
(tham khảo : http://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%A0_Lan)
Nhóm 1 :
Koning/Koningin : Quốc vương / Nữ vương
Kroonprins : Thái tử
Prins : Vương tử
Nhóm 2 :
Aartshertog : đại công (đã bãi bỏ)
Hertog : công tước
Markies : hầu tước
Graaf : bá tước
Burggraf : tử tước
Baron : nam tước
Nhóm 3 :
Ridder : Hiệp sĩ
Hà lan hiện có 2 vương tử, 31 bá tước, 103 nam tước, 8 Hiệp sĩ.
7. Bỉ :
Cái tên 'Bỉ' (Belgium) xuất xứ từ Gallia Belgica, một Tỉnh La Mã ở phần cực bắc của Gaul nơi người Belgae, một sự pha trộn giữa người Celt và German sinh sống. Về mặt lịch sử, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg được gọi là Các nước "vùng đất thấp", thường để chỉ một vùng hơi rộng hơn nhóm quốc gia Benelux hiện tại. Thời Trung Cổ, Bỉ có nhiều công quốc, lĩnh địa; lúc thì là chư hầu của Đế quốc La - Đức, lúc thần phục Pháp Lan Tây, thậm chí phe Burgundy. Tóm lại, đây là vùng chiến loạn của Âu châu.
(tham khảo http://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BB%89)
Do lúc theo Pháp Lan Tây, lúc theo Đế quốc La - Đức, nên tước hiệu có cả tiếng Pháp/tiếng Đức.
Nhóm 1 :
Roi/Koning - quốc vương
Prince/Prins - vương tử
Nhóm 2 :
Duc/Hertog - công tước
Marquis/Markies - hầu tước
Count/Graaf - bá tước
Viscount/Burggraff - tử tước
Baron - nam tước
Nhóm 3 :
Chevalier/Ridder - Hiệp sĩ
Squire/jonkheer - lĩnh chủ, hương thân
Bỉ hiện có 9 vương tử, 5 công tước, 10 hầu tước, 85 bá tước, 35 tử tước, 317 nam tước, 113 Hiệp sĩ.
Kỳ sau : Đan Mạch và Thụy Điển
Chương 97 : PAVIA ĐẠI HỘI CHIẾN
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.518 (Bính Thân, 1416). Mùa thu, tháng 8.
Vương quốc Latium tuyên bố đối nước cộng hòa Genoa tuyên chiến nhanh chóng lan truyền khắp Âu châu chư quốc, nguyên nhân là vì cộng hòa Genoa khinh thị vương quốc Latium, khinh thị quốc vương Louis de Latium (tên gọi ở Âu châu của Long nhi, vì là quốc vương đầu tiên của vương quốc nên không thể dùng tên Louis III). Mọi người không kinh hãi với việc tuyên chiến, mà kinh hãi vì nguyên nhân tuyên chiến. Các nước đương nhiên biết việc cộng hòa Genoa phái sứ giả sang Sinai kháng nghị việc vương quốc Latium chiếm lĩnh Corsica. Mọi người không ngờ vương quốc Latium lại xem điều đó như là bị khinh thị, rồi phát động chiến tranh. Phải chăng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chỉ cần nước nào đó tỏ ý bất kính với quốc vương Latium là có thể trở thành nguyên nhân của chiến tranh. Đó chính là điều các nước lo lắng. Các nước không lo ngại quân đội của Latium, mà lo ngại thế lực đứng đằng sau Latium – Thần Thánh Đế quốc.
Tuy nhiên, các đại thế lực lại nghĩ đến nguyên nhân sâu xa hơn. Cuộc nổi loạn Sicilian Vespers năm 1283, buộc Charles I de Anjou phải rời Sicily, có sự hỗ trợ trực tiếp của Aragon và Genoa. Người Genoa còn cho giới quý tộc Sicily và Napoli vay để chống lại quân đội phục quốc của nhà Anjou. Nay vương quốc Aragon đã trở thành lịch sử, có lẽ Genoa cũng không tránh khỏi số phận tương tự. Nếu vậy thì những thế lực nào từng chống lại nhà Anjou cũng đều có thể trở thành mục tiêu của vương quốc Latium chăng. Và thế là bọn họ đều nhìn về phía Hungary và Burgundy. Đương nhiên, cả vương quốc Hungary và công quốc Burgundy cũng tích cực chuẩn bị chiến tranh.
Cuối tháng 8, chỉ sau nửa tháng kể từ ngày tuyên chiến, Hải quân của Thần Thánh Đế quốc đã phong tỏa vùng biển ngoài khơi Genoa, và 3 vạn quân của đạo Linh Tiệp quân đổ bộ lên bờ.
Genoa là một nước duyên hải, nằm men theo bờ biển, hẹp mà dài, rất thích hợp để các chiến hạm của Hải quân Thần Thánh Đế quốc công kích. Genoa trước đây từng có lực lượng hải quân hùng mạnh, nhưng sau chiến tranh với cộng hòa Venice năm 1380, đã bại trận và suy yếu. Hơn nữa, Hạm đội của Genoa cũng chỉ có thể xưng hùng với các tiểu quốc ở Địa Trung Hải mà thôi.
Toàn dân Genoa cũng chỉ chưa đến 10 vạn người, đại đa số là thương nhân, trừ hải quân ra thì quân đội thường trực chỉ có khoảng 1.000 người, khi có chiến tranh thì thuê cố dụng quân (để giảm chi phí duy trì quân đội). Chỉ có điều, sau khi tuyên chiến, vương quốc Latium còn tuyên bố bất kỳ ai giúp người Genoa đều là kẻ thù của vương quốc, nên nghị viện Genoa dù sử dụng nhiều tiền bạc cũng không thuê được cố dụng quân – không ai muốn trở thành mục tiêu tiếp theo của vương quốc Latium, hơn nữa xem ra Genoa chẳng có cơ hội nào để chiến thắng.
Ngày 22, đội chiến hạm tiên phong của Hắc Long Hạm đội tiến vào vùng biển Genoa.
Ngày 23, một trận hải chiến chớp nhoáng diễn ra ngoài khơi thành phố cảng Genoa. Hạm đội Genoa với 12 ‘tiểu’ chiến thuyền bị tiêu diệt hoàn toàn. Gần 50 vũ trang thương thuyền của Genoa đều ẩn náu bên trong cảng, không dám ra ngoài. Cùng ngày, quân Anjou ở Provence cũng áp sát biên cảnh Genoa và Milan, sẵn sàng hỗ trợ vương quốc Latium.
Ngày 24, sau mấy giờ pháo kích vào thành phố, các vận thuyền của Hắc Long Hạm đội đổ 3 vạn Linh Tiệp lên bờ. Sau đó, đại quân tiến vào thành phố, thế như phá trúc. Những nơi mà người Genoa ngoan cường đề kháng thì lục quân chỉ bao vây, rồi gọi chiến hạm đến pháo kích vào đó. Quân dân Genoa tổn thất thảm trọng.
Ngày 25, thành phố thất thủ. Cuộc cướp bóc bắt đầu. Đúng, cướp bóc ! Quân đội Đế quốc thực hiện chính sách giống hệt như đã từng làm ở vùng Giang Bắc khi chiến tranh với Minh triều. Toàn thể dân chúng của Genoa được tập trung ra bờ biển, sau đó được phân loại thành 2 nhóm : quý tộc và bình dân. Toàn bộ tài sản của bọn họ đều bị tịch thu, sung công. Còn tất cả bị cưỡng chế di cư, trở thành khổ công hay nô lệ (nếu là nghịch dân hoặc quý tộc). Theo lệ ở Âu châu thời bấy giờ, kẻ bại trận bị bắt làm tù binh có thể dùng tiền để chuộc, còn nếu không chuộc thì bị biến thành nô lệ. Có điều Thần Thánh Đế quốc không cho chuộc tù binh. Giang Phong không muốn mất công sức bắt được địch nhân, rồi vì tiền mà thả bọn họ ra để bọn họ tiếp tục chống đối.
Cuộc cướp bóc kéo dài suốt ba ngày. Sau đó, theo lệnh của Long nhi, toàn bộ quý tộc của Genoa được chuyển giao cho quân Anjou. Đó là quà Long nhi tặng cho em trai của mình Réne de Anjou. Còn toàn bộ bình dân bị cưỡng chế di cư đến Tripoli khai phát vùng đất mới mở mang ở đó.
Ngày 28, chờ mãi không thấy quân đội công quốc Milano sang cứu viện Genoa, Lý Xương Văn suất lĩnh đạo Linh Tiệp hợp cùng 1.000 quân Anjou tạo thành liên quân tiến sang Milano ở ngay phía bắc Genoa. Bởi vì cộng hòa Genova thật ra nằm dưới quyền thống trị của dòng họ Visconti xứ Milano, nên trước đó Đinh An Bình đã có kế hoạch chiến tranh với cả Genoa và Milano.
Ngày 3 tháng 9, Linh Tiệp quân Đệ nhị sư đụng độ quân đội Milano tại Pavia, cạnh bờ sông Po. Sau một trận giao chiến, 5.000 quân Milano bị bao vây ngay trên cánh đồng. Do bốn phía bằng phẳng, không có các vị trí hiểm yếu, Đệ nhị sư đành đào vô số hầm hố, cài đặt vô số cạm bẫy, đào hào đắp lũy bao vây địch quân. Quân Milano dù nhiều lần tổ chức phá vây, nhưng quân số ít hơn, trang bị kém hơn, nên đều bị đánh bật trở lại, và thiệt hại không nhỏ. Tướng chỉ huy quân Milano đành tổ chức cố thủ và phái người đi cầu viện.
Ngày 5, quân tiếp viện của Milano kéo đến, hội hợp với số quân bị vây được hơn 1 vạn, còn đang tổ chức phá vây thì Đệ nhất sư, Đệ tam sư của Linh Tiệp quân đã kéo đến. Lý Xương Văn sử dụng 3 vạn quân bao vây hơn 1 vạn quân Milano.
Ngày 6, Công tước Jean II de Fearless xứ Burgundy thống suất 30.000 quân, mượn đường của Liên minh các công quốc Thụy Sĩ (Duchies of Swiss Confederation), tiến sang tiếp viện Milano. Do nhà Burgundy liên minh với Anh Cách Lan trong cuộc ‘chiến tranh trăm năm’, nên đã bị quý tộc Pháp Lan Tây, trong đó có nhà Anjou, xem là kẻ địch. Cũng chính vì vậy mà Công tước xứ Burgundy mới phái quân đội sang tiếp viện cho Milano. Bọn họ định liên minh với nhau cùng chống lại vương quốc Latium, hay nói đúng hơn là quân đội Thần Thánh Đế quốc.
Ngày 9, quân Burgundy hội hợp cùng quân Milano, quân số tăng lên đến gần 40.000 người, định phản công tiêu diệt Linh Tiệp quân. Nào ngờ, Ngô Trấn Quốc thống suất Bảo Tiệp quân kéo đến, hợp cùng Linh Tiệp quân bao vây liên quân Milano – Burgundy.
Ngày 12, Hoàng đế Sigismund de Luxembourg của Đế quốc La – Đức đang ở Constance đã triệu tập 45.000 quân kéo sang tiếp viện cho quân Milano, nguyên nhân cũng tương tự như Công tước xứ Burgundy. Do biết thế nào vương quốc Latium cũng sẽ tấn công Hungary, mà Sigismund de Luxembourg lại là phu quân của nữ vương Mary de Hungary, vì vậy mà quân đội Đế quốc La – Đức nhân lúc này tham chiến luôn.
Quân đội Đế quốc La – Đức cũng theo đường Thụy Sĩ tiến sang Milano. Ngày 18, sau 6 ngày khẩn cấp hành quân, quân đội Đế quốc La – Đức đã đến được chiến trường. Thế nhưng, Đinh An Bình đã phái 4 đạo quân Uy Tiệp, Long Tiệp, Chiêu Viễn, Chiêu Đức mai phục chờ sẵn, khi thấy quân đội Đế quốc La – Đức vừa đến gần khu vực chiến trường thì kéo ra bao vây ngay. Trên đồng bằng sông Po lúc này có hai vòng vây cực lớn : 1 bao vây 40.000 liên quân Burgundy – Milano và 1 bao vây 45.000 quân Đế quốc La – Đức.
Ngày 19, Đinh An Bình đích thân đến chỉ huy cuộc hội chiến, lại đưa thêm 3 vạn dân binh của vương quốc Latium đến tiếp viện. Vòng vây được xiết chặt thêm. Quân đội Thần Thánh Đế quốc chỉ bao vây chứ không tấn công, thỉnh thoảng chỉ dùng thần công đại pháo nã đạn vào bên trong, thường là lúc nửa đêm, để khiến cho địch quân không ngủ được. Nhiều lúc, Đinh An Bình còn cho quân đốt gỗ ướt, hun khói vào trong vòng vây, hành hạ thể xác và tinh thần địch quân.
Ngày 25, sau hơn nửa tháng bị vây, sau hơn 10 ngày không được nghỉ ngơi, sau mấy ngày hết lương, cuối cùng liên quân Milano – Burgundy cũng hạ khí giới đầu hàng. Thật ra nếu như không đầu hàng thì bọn họ cũng không còn đủ sức chiến đấu. Đến lúc này, liên quân chỉ còn lại 3 vạn người. Hơn 1 vạn tử vong, khoảng một nửa là do chết đói, còn một nửa là tử trận khi phá vòng vây thất bại.
Ngày 6 tháng 10, sau nhiều lần phá vây thất bại, quân số tổn thất nặng nề, tinh thần và thể lực đều suy sụp nghiêm trọng, lương thực lại cạn, quân đội Đế quốc La – Đức cũng buộc phải hạ khí giới đầu hàng. Đến lúc này, trong vòng vây chỉ còn lại vài nghìn người là còn đủ sức cầm vũ khí.
Bắt được hơn 6 vạn tù binh, Đinh An Bình để 2 đạo quân Chiêu Đức, Chiêu Viễn ở lại xử lý chiến trường, số còn lại phân thành 5 đạo tỏa ra chiếm lĩnh các xứ trong công quốc Milano.
Có thể bà con chưa biết :
Các loại tước hiệu của quý tộc Âu châu (phần 5)
8. Đan Mạch :
Nhóm 1 :
Konge/Dronning - quốc vương / nữ vương
Kronprins - Thái tử
Fyrste - thân vương
Nhóm 2 :
Hertug - công tước
Marki - hầu tước
Greve - bá tước
Vicegreve - tử tước
Baron - nam tước
Nhóm 3 :
Ridder - Hiệp sĩ
9. Thụy Điển :
Nhóm 1 :
Kung/Drottning - quốc vương / nữ vương
Kronprins/Kronprinsessan - Thái tử/ nữ thái tử
Furste - thân vương
Prins - vương tử
Nhóm 2 :
Hertig - công tước
Markis - hầu tước
Greve - bá tước
Vicegreve - tử tước
Baron - nam tước
Nhóm 3 :
Friherre - tùng nam tước (chuẩn nam tước)
Thụy Điển vào năm 1975 đã bãi bỏ chế độ "công thần thế tước".
Kỳ sau : Na Uy và Phần Lan
Chương 98 : GIA ĐÌNH NHÀ ANJOU
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.518 (Bính Thân, 1416). Mùa đông, tháng 10. Thành phố cảng Genoa.
Sau cuộc chiến, không chỉ thành phố cảng Genoa, toàn lĩnh thổ của nước cộng hòa Genoa không còn lại một người dân nào. Tất cả dân chúng đều đã bị đưa sang Tripoli khai phá mở mang các vùng đất mới. Ở Genoa chỉ có 1.000 dân binh của vương quốc Latium tạm thời trú đóng, chờ điều tân di dân sang đây. Nơi đây có vị trí trọng yếu, lại nằm ngay bên cạnh Provence, nên Long nhi và Đinh An Bình đều nhất trí là phải bố trí những cư dân đáng tin cậy đến sinh sống. Có điều, giờ đây trong thành Genoa còn có 1 vạn quân của Chiêu Đức quân Đệ nhất sư trú thủ, bởi sự hiện diện của Long nhi và Đinh An Bình trong thành phố. Bộ chỉ huy chiến dịch Milano đặt tại đây. Đinh An Bình đến đây để đích thân chỉ huy Pavia đại hội chiến. Còn Long nhi đến để gặp Réne de Anjou. Genoa nằm ngay bên cạnh Provence, mà lúc này Réne de Anjou lại đang ở Provence.
Do cuộc chiến tranh tại Pháp Lan Tây diễn ra rất gần các công quốc Anjou và Maine, nên nhà Anjou đã tạm thời di chuyển đến Provence, đại hậu phương của họ, chỉ có Louis II de Anjou là ở lại Anjou để chủ trì đại cuộc. Louis II de Anjou sinh năm 1377, năm nay mới 40 tuổi, chính là đang tuổi tráng niên. Theo đúng lịch sử, nếu không có sự xuất hiện của Thần Thánh Đế quốc thì sang năm Louis II de Anjou sẽ vì ưu uất mà qua đời, trao lại quyền vị và sự kỳ vọng phục quốc cho Louis III de Anjou khi đó mới 14 tuổi. Nhưng lúc này, quân Anjou đang trên đà thắng thế, Louis II de Anjou đang hứng khởi chỉ huy đại quân đông chinh bắc phạt, nên chuyện đó chắc sẽ không diễn ra. Nói tóm lại, nhà Anjou lúc này đang rất huy hoàng.
Trong lúc Đinh An Bình đã sang Pavia chỉ huy cuộc chiến, Long nhi ở lại Genoa tiếp đón các em của mình sang thăm. Lần này sang Genoa không chỉ có Réne de Anjou - 7 tuổi, mà còn có cả các em trai, em gái khác : Marie de Anjou – 12 tuổi, Yolande de Anjou – 4 tuổi và Charles de Le Maine – 2 tuổi. Long nhi có tất cả 2 em trai và 2 em gái ở nhà Anjou. Đương nhiên, lúc này Long nhi không thể được tính là người của nhà Anjou, và tên ở Âu châu của Long nhi là Louis de Latium. Công tước phu nhân Yolande de Aragon vì tế nhị nên không sang. Chỉ có lão quản gia Ferdinand Caracciolo, giờ là Bá tước Ferdinand de Artois, phụ trách hộ tống các vị thiếu chủ.
Nhìn thấy các em, Long nhi hoan hỉ bế người em trai nhỏ nhất, Charles de Le Maine, lên nựng nịu một hồi, rồi xoa đầu hỏi han từng người em khác. Dù Long nhi chỉ mới 13 tuổi, nhưng đã có phong thái của một đại nhân vật. Long nhi đã chuẩn bị rất nhiều quà, là những đồ chơi không có ở Âu châu, để tặng cho các em. Nhà Anjou quyền quý bậc nhất Pháp Lan Tây, không thiếu gì vàng bạc châu báu, do đó Long nhi chỉ tặng các em đồ chơi. Những thứ mới lạ từ đông phương khiến ai nấy đều rất thích. Yolande de Anjou hồn nhiên hỏi :
- Sao anh có nhiều đồ chơi quá vậy ?
Long nhi mỉm cười xoa đầu Yolande de Anjou, bảo :
- Anh giờ là quốc vương của Latium kia mà.
Yolande de Anjou vỗ tay nói :
- Anh là quốc vương đó nha. Vậy là anh ngang hàng với quốc vương Pháp Lan Tây rồi. Hôm nào anh cho em đến vương cung của anh chơi với nha.
Long nhi mỉm cười nói :
- Đương nhiên rồi. Vương cung hiện đang xây dựng. Khi nào xong anh sẽ dẫn các em đến đó chơi.
Vương cung ở Syracuse thực ra được thiết kế với quy cách Hoàng cung, bởi Long nhi được chuẩn bị để làm Hoàng đế chứ không phải quốc vương. Dù toàn bộ quần thể kiến trúc phải mất mấy năm mới có thể hoàn thiện, nhưng các kiến trúc chính chỉ sang năm là xong, và đến lúc đó cung đình sẽ có thể chính thường hoạt động.
Long nhi gọi người hầu sắp bày yến tiệc khoản đãi các em. Long nhi không chỉ là quốc vương của Latium, mà còn là Hoàng tử của Thần Thánh Đế quốc, nên việc ăn uống được phục vụ theo tiêu chuẩn cao nhất. Cả Long nhi và Đinh An Bình đều là những đại nhân vật của Thần Thánh Đế quốc, nên đầu bếp đều là cung đình ngự trù, tay nghề khỏi phải nói. Ngay đến Charles de Le Maine mới có 2 tuổi cũng có phần thức ăn riêng phù hợp với mình. Nhìn mọi người ăn uống vui vẻ, Long nhi mỉm cười, tự tay đút thức ăn cho Charles.
Sau bữa ăn, trong lúc trò chuyện, Marie de Anjou chợt hỏi :
- Anh ơi. Nghe nói ở Jerusalem có học viện dành cho quý tộc phải không ạ ?
Long nhi gật đầu :
- Đúng thế. Em định đến đó học ư ?
Marie nói :
- Vâng ạ. Papa và mama đều bảo rằng em đã đến tuổi đi học rồi.
Long nhi suy nghĩ giây lát, rồi mỉm cười nói :
- Cũng tốt. Em đến đó học, anh vẫn có thể chiếu cố được cho em, không sao cả.
Ở Jerusalem, Thần Thánh Đế quốc có mở một học viện để dạy cho con em của quý tộc các xứ A Lạp Bá và vùng lân cận Địa Trung Hải về các kiến thức và nghi lễ của Đế quốc. Con em quý tộc thường được phụ huynh mời gia sư về dạy tại nhà, nhưng khi học viện khai giảng, đại đa số quý tộc đều gửi con em của mình đến đó nhập học, với hy vọng con em họ có thể nhanh chóng hòa nhập với Đế quốc. Hơn nữa, đến học tại đó còn có cơ hội kết bạn với những con em quý tộc khác, sẽ rất có lợi để sau này kế thừa gia nghiệp. Giao tế quan hệ, đối với giới quý tộc rất quan trọng, thân phận địa vị càng cao thì lại càng quan trọng
Réne de Anjou chợt nói :
- Anh ơi. Hạm đội Angers mà anh tặng cho em lợi hại quá hà. Em muốn có thêm một Hạm đội nữa. Em muốn đánh sang Anh Cách Lan.
Long nhi khẽ cau mày, quay nhìn lão quản gia nhà Anjou, Bá tước Ferdinand de Artois. Lão vội giải thích :
- Quân ta đã chiếm lại được toàn bộ Pháp Lan Tây. Hiện Hạm đội Angers đang đánh nhau với Hải quân Anh Cách Lan ở vùng biển Manche. Sau 80 năm chiến tranh, cả nước bị tàn phá nặng nề, nên lúc này toàn thể quân dân Pháp Lan Tây đều muốn chuyển chiến trường sang đất Anh Cách Lan. Có điều, dù Hạm đội Angers chiếm ưu thế tuyệt đối trên biển, nhưng cũng không thể khống chế hoàn toàn vùng biển Manche, và cũng chưa đủ điều kiện để đưa quân đội đổ bộ sang đất Anh Cách Lan.
Kể từ khi chiến tranh bùng nổ năm 1337, đến nay (năm 1416) vừa tròn 80 năm, chiến tranh rất ác liệt, nhưng đều diễn ra trên đất Pháp Lan Tây, khiến cho Pháp Lan Tây phải chịu thiệt hại rất nặng nề. Cũng từ cuộc chiến này mà thù hận giữa 2 nước mới kéo dài dai dẳng đến tận thời hiện đại. Do đó, khi giành được thắng lợi với ưu thế vượt trội, người Pháp muốn báo thù rửa hận cũng không có gì là lạ. Nhưng việc Hạm đội Long nhi không thể quyết định được. Suy nghĩ giây lát, Long nhi mới nói :
- Anh không quyết định được chuyện đó. Nhưng anh sẽ nói với Chiêu Đức Vương xem sao. Chiêu Đức Vương là bộ trưởng Hải quân bộ, đối với các loại vũ trang thương thuyền chắc có quyền quyết định.
Nghe nhắc đến thuyền, Charles đang được Long nhi bế trong lòng chợt lên tiếng :
- Anh ơi. Thuyền. Xem thuyền.
Long nhi mỉm cười, xoa đầu Charles, bảo :
- Được rồi. Chúng ta ra biển chơi một chút. Em sẽ được xem thuyền.
Yolande de Anjou hỏi :
- Anh ơi. Em nghe nói thuyền của Thần Thánh Đế quốc lớn lắm phải không ạ ?
Long nhi mỉm cười đáp :
- Thuyền không lớn. Chỉ có hạm mới lớn thôi.
Charles lại nói :
- Anh ơi. Hạm. Xem hạm.
Long nhi liền truyền lệnh chuẩn bị hạm thuyền để mọi người ra biển chơi. Dưới bến cảng có rất nhiều thuyền hạm của Hắc Long Hạm đội, và bọn Long nhi đi trên chiến hạm lớn nhất - một trong hai chiếc Lục Tinh cấp chiến hạm. Mỗi khi Long nhi và Đinh An Bình đi đâu đều sử dụng Lục Tinh cấp chiến hạm, danh nghĩa là vì để phù hợp thân phận địa vị, nhưng thực chất là vì an toàn.
Lên trên chiến hạm, Charles tròn xoe mắt, nói :
- Anh ơi. Lớn quá. Lớn quá.
Bọn Réne de Anjou đứng trên boong thuyền, nhìn xuống những chiến thuyền Genoa nhỏ bé đậu trong cảng, tấm tắc xuýt xoa không ngớt. Réne de Anjou còn nói :
- Phải chi chúng ta có một chiến hạm kiểu này nhỉ ?
Long nhi khẽ thở dài, nói :
- Không thể nào được đâu. Đóng được một chiến hạm kiểu này mất rất nhiều thời gian, ở Đế quốc còn không đủ sử dụng, mỗi Hạm đội chỉ được phối cấp có 2, 3 chiếc, làm gì còn truyền ra ngoài.
Lão quản gia Bá tước Ferdinand de Artois gật gù nói :
- Bệ hạ nói phải đó. Chiến hạm kiểu này, không nước nào chấp nhận truyền ra ngoài đâu, trừ khi họ có chiến hạm khác còn lợi hại hơn.
Long nhi đã là quốc vương của Latium, Hoàng tử của Thần Thánh Đế quốc, nên lão không thể gọi là thiếu chủ như lúc trước. Long nhi nghe lão nói thế, bảo :
- Đế quốc đã có Ngũ Tinh cấp chiến hạm, nhưng cũng không có nghĩa là những chiến hạm đẳng cấp thấp hơn có thể cung cấp cho nước khác. Các Hạm đội của Hải quân Đế quốc đều đang cần bổ sung chiến hạm.
Lão quản gia Ferdinand de Artois nghe thế, giật mình hỏi :
- Còn chiến hạm lớn hơn cả chiếc này ?
Long nhi lắc đầu bảo :
- Không. Chỉ tương đương chiếc này, nhưng tốc độ nhanh hơn, nhiều thần công đại pháo hơn, khả năng tấn công và phòng ngự cao hơn.
Biết nhà Anjou đang mong mỏi tăng cường lực lượng Hải quân, Long nhi chỉ khẽ lắc đầu. Đừng nói chiến hạm kiểu này, ngay cả loại chiến hạm nhỏ nhất, tuần dương hạm, cũng chưa chắc có được. Nhưng Long nhi cũng thông cảm, bởi trước giờ Hải quân Anh Cách Lan vẫn luôn vượt trội hơn, nay có cơ hội, bọn họ không muốn bỏ lỡ. Chỉ đành hy vọng ở sự thông cảm của Đinh An Bình.
Có thể bà con chưa biết :
Các loại tước hiệu của quý tộc Âu châu (phần 6)
10. Na Uy
Nhóm 1 :
Konge/Dronning - quốc vương / nữ vương
Kronprins - Thái tử
Furst - thân vương
Nhóm 2 :
Hertug - công tước
Marki - hầu tước
Greve - bá tước
Visegreve - tử tước
Baron - nam tước
Nhóm 3 :
Ridder - Hiệp sĩ
Na uy sau khi độc lập vào năm 1905 đã bãi bỏ chế độ "công thần thế tước". Trước đó Na Uy luân phiên là thuộc địa của Đan Mạch và Thụy Điển. Quốc vương Na Uy do quốc vương của tôn chủ quốc kiêm nhiệm, nên tước hiệu giống 2 nước đó.
11. Phần Lan
Nhóm 1 :
Keisari - hoàng đế
Prinssi - Hoàng thân
Arkkiherttua - đại công
Nhóm 2 :
Herttua - công tước
Markiisi - hầu tước
Jaarli - bá tước
Varakreivi - nam tước
Nhóm 3 :
Ritari - Hiệp sĩ
Phần Lan không có Tử tước.
Quý tộc chế độ của Phần Lan phụ thuộc vào quý tộc chế độ của Thụy Điển. Đến năm 1809, nước nga chiếm đóng Phần Lan, thì Phần Lan đại công quốc mới kiến lập tương đối độc lập quý tộc tước vị đẳng cấp chế độ, Phần Lan đại công do Nga quốc Sa hoàng kiêm nhiệm, chỉ sắc phong hai loại tước vị là Bá tước và Nam tước. Các tước vị cao hơn là từ nước Nga. Năm 1918, Phần Lan thành lập nền cộng hòa đã bãi bỏ quý tộc chế độ.
Ở Âu châu ngày trước, chỉ có Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức, Nga quốc và Ottoman là có Hoàng Đế. Sa Hoàng của Nga tự nhận thừa kế từ Đế quốc Byzantine, do cưới vị công chúa của Hoàng đế cuối cùng của Byzantine. Ottoman diệt Byzantine, nên cũng xem mình là Đế quốc. Còn Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức là nối tiếp từ Đế quốc Tây La Mã và Đế quốc La Mã Thần Thánh (của Charlesmagne, người Đức gọi là Karl der Große, vua Pháp, Đức, Ý, và cả Tây Âu).
Kỳ sau : Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha
Chương 99 : KẾT THÚC BẮC PHƯƠNG CHIẾN LƯỢC
Lại nói, Long nhi dẫn các em đi chơi trên biển một đêm, sáng hôm sau mới cho chiến hạm quay về. Trong các em, bé nhỏ nhất Charles luôn luôn bám theo Long nhi, đòi được bế. Long nhi cũng cưng chiều bé nhất. Bé mới 2 tuổi, được Long nhi yêu mến, cho nhiều đồ chơi, thức ăn ngon, nên quý mến Long nhi cũng là chuyện bình thường.
Hôm sau, khi về đến Genoa, Long nhi đã thấy Đinh An Bình về đến đó rồi. Long nhi ngạc nhiên hỏi :
- Vương gia. Cuộc chiến thế nào rồi ?
Đinh An Bình tủm tỉm cười nói :
- Đương nhiên là đã giải quyết xong cả rồi. Quân ta bắt được 6 vạn tù binh, giết được 2 vạn rưỡi , thương vong chỉ có vài trăm. Hiện tại các đạo quân đang công chiếm các xứ ở Milano.
Sở dĩ thương vong ít như thế là vì không có chiến đấu nhiều, chỉ bỏ đói địch quân rồi tự nhiên chiến thắng. Đối phương khi tổ chức phá vây thì sử dụng mưa tên và đạn pháo ngăn cản. Có thể nói, trận Pavia đại hội chiến là trận chiến tuyệt vời nhất của quân đội Thần Thánh Đế quốc từ trước đến nay.
Long nhi hỏi :
- Vương gia định xử trí Milano giống Genoa ?
Đinh An Bình cười bảo :
- Đương nhiên.
Long nhi khẽ cau mày, nhưng rồi cũng không nói gì, chỉ bọn Réne de Anjou giới thiệu với Đinh An Bình, sau đó nói :
- Vương gia. Quân Anjou muốn mở rộng Hải quân, không biết vương gia có thể giúp đỡ không ?
Đinh An Bình dễ dãi nói :
- Chiến hạm thì không được, nhưng vũ trang thương thuyền thì không thành vấn đề. Bán cho thương nhân hay bán cho quân Anjou thì cũng thế thôi. Đương nhiên không thể miễn phí. Ta chỉ có thể xem phía Anjou bình đẳng với thương nhân của Đế quốc.
Lão quản gia Bá tước Ferdinand de Artois sau khi tận mắt chứng kiến sự hùng mạnh của Thần Thánh Đế quốc, khi về đến Provence đã tranh thủ học ngôn ngữ của Đế quốc, đến nay cũng tạm nghe hiểu được, vội ứng tiếng nói :
- Vâng ạ. Chúng tôi sẽ mua. Đa tạ Đại vương đã chiếu cố.
Đinh An Bình gật đầu nói :
- Mọi người đi nghỉ ngơi trước đi. Bản vương có việc cần bàn với Điện hạ.
Lão quản gia vâng dạ, đưa các thiếu chủ đi theo sự hướng dẫn của người hầu về nơi nghỉ ngơi. Chỉ có bé Charles là không chịu rời Long nhi, nhõng nhẽo mếu máo :
- Không. Anh ơi. Anh bế.
Long nhi ngại ngùng nhìn Đinh An Bình. Họ Đinh mỉm cười nói :
- Không sao. Tiểu công tử còn nhỏ quá mà. Tiểu công tử thật đáng yêu đó nha.
Thế là Long nhi bế bé Charles cùng Đinh An Bình bàn bạc quân quốc đại sự. Đinh An Bình nói :
- Sau khi giải quyết xong chiến trường Milano, quân ta sẽ tiếp tục bắc phạt. Lúc đó sẽ có hai hướng, tây bắc sang Đế quốc La – Đức. Điện hạ muốn chọn hướng nào ?
Long nhi suy nghĩ giây lát, rồi nói :
- Vậy hãy tấn công Burgundy đi ! Nếu chiếm Burgundy thì dễ dàng sát nhập vào Latium. Còn Đế quốc La – Đức thì khó hơn, phản kháng sẽ rất nghiêm trọng, mà dù có chiếm được cũng khó sát nhập. Ở đó có đến hàng nghìn lĩnh địa lớn nhỏ, quý tộc quá nhiều.
Có thể nói Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức có thể chế gần giống các vương triều Hạ, Thương của Trung Hoa cổ đại. Trong nước có đến hàng nghìn lĩnh địa lớn nhỏ, mỗi lĩnh địa độc lập với nhau như một quốc gia vậy, cũng giống như hàng nghìn tiểu quốc chư hầu thời Hạ, Thương (vua Thành Thang, tổ của nhà Thương, đã hội họp hơn 2.000 nước chư hầu để chinh phạt vua Kiệt nhà Hạ). Hoàng đế thật ra cũng chỉ là một lĩnh chủ lớn, hùng mạnh, và được các vương công quý tộc bầu lên làm Hoàng đế. Mà chức Hoàng đế đó lại không thể cha truyền con nối. Với một đất nước như thế, thật khó cai trị. Nghe Long nhi bảo thế, Đinh An Bình gật đầu nói :
- Ta cũng nghĩ giống Điện hạ. Tuy quân ta vừa tiêu diệt 4 vạn rưỡi quân Đế quốc La – Đức, nhưng đó thật ra cũng chỉ là thân quân của Hoàng đế Sigismund de Luxembourg mà thôi. Các vương công quý tộc còn rất nhiều quân đội. Nếu như lúc này chúng ta tấn công, Sigismund de Luxembourg có thể thừa cơ thống nhất lực lượng các lĩnh địa chư hầu dưới danh nghĩa chống quân ta, để củng cố địa vị của mình. Còn nếu như chúng ta cứ để mặc đó thì thế lực của Sigismund de Luxembourg sẽ càng ngày càng suy yếu. Sau khi quân đội tổn thất nghiêm trọng, các vương công chư hầu sẽ không còn nể trọng hắn ta như trước nữa. Chúng ta cũng có thể sử dụng một số thủ đoạn khác nữa để làm giảm thế lực của hắn ta.
Long nhi hỏi :
- Vậy chúng ta sẽ tấn công Burgundy ?
Đinh An Bình cười nói :
- Thật ra tấn công Burgundy còn có một điều lợi khác nữa là có thể nhân tiện giải quyết luôn công quốc Bourbon ở cạnh đó. Điện hạ còn nhớ James de Bourbon chứ ?
Long nhi kinh ngạc nói :
- Vương gia định tấn công cả Bourbon ?
Đinh An Bình cười nói :
- Bourbon tuy ở khu vực trung tâm của Pháp Lan Tây, không thích hợp để sát nhập vào Latium, nhưng Điện hạ có thể tặng nó cho tiểu công tử đây. Điện hạ trước đã có quà cho Réne de Anjou thì cũng nên có quà cho tiểu công tử đây chứ. Tiểu công tử đáng yêu thế này cơ mà.
Long nhi nhìn bé Charles lúc này đang tròn xoe mắt lắng nghe hai người nói chuyện, suy nghĩ giây lát rồi cũng tán đồng đề nghị của Đinh An Bình. Để bé Charles trở thành Công tước xứ Bourbon cũng hay, dù sao thì James de Bourbon cũng đã tử trận ở Taranto rồi.
Mấy ngày sau, khi đã ổn định tình hình ở Milano, 5 đạo quân Uy Tiệp, Long Tiệp, Linh Tiệp, Bảo Tiệp, Chiêu Viễn cùng với 2 vạn dân binh Latium được lệnh tiến sang Liên minh các công quốc Thụy Sĩ ở phía bắc. Đó là con đường bắt buộc để từ Milano tiến sang Burgundy hoặc vùng nội lục của Đế quốc La – Đức. Trên danh nghĩa, bọn Đinh An Bình tuyên bố quân của Burgundy và Đế quốc La – Đức tiến sang Milano bằng đường Thụy Sĩ, nên bọn họ xem Thụy Sĩ cũng là kẻ địch. Chiến trường tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra ở Thụy Sĩ.
Chỉ đáng tiếc, người tính không bằng trời tính. Khi đạo tiên phong là Bảo Tiệp quân vừa tiến gần đến biên giới với Thụy Sĩ thì gặp phải sứ giả từ Thụy Sĩ sang, tỏ ý xin quy thuận. Khi gặp sứ giả Thụy Sĩ, Ngô Trấn Quốc càu nhàu nói :
- Các ngươi tại sao lại không chịu chống cự, quy thuận sớm thế làm gì ? Ít ra cũng phải chống cự vài trận đã chứ !
Sứ giả Thụy Sĩ cười khổ, thầm than : “Chống cự rồi sẽ phải gánh chịu hậu quả giống như Genoa và Milano à !”. Dù vậy, ngoài mặt gã ta vẫn phải nói :
- Mạo phạm Thần Thánh Đế quốc chính là bọn quý tộc. Quân dân Thụy Sĩ trước nay vẫn kính phục Thần Thánh Đế quốc và mến đức “Hoàng tử của bi thương”. Nay bọn quý tộc đã bỏ trốn hết rồi. Quân dân chúng tôi mới họp nhau sang xin thần phục.
Nghe nói quý tộc đã bỏ trốn hết, nghĩ rằng bọn chúng chắc chắn sẽ mang theo của cải tài sản, có tấn công cũng chẳng mang lại bao nhiêu lợi ích, vì vậy Ngô Trấn Quốc chỉ đành dẫn sứ giả Thụy Sĩ đến bái kiến Long nhi và Đinh An Bình.
Sau khi tiếp nhận sự quy thuận của các công quốc Thụy Sĩ (mà lúc này không thể xem là các công quốc nữa, bởi quý tộc đã bỏ trốn hết), Đinh An Bình để lại 1 vạn dân binh Latium trấn thủ Thụy Sĩ, triệu kiến một số nhân vật bình dân nổi tiếng của Thụy Sĩ, rồi truyền lệnh quân đội tiếp tục tiến sang công quốc Burgundy ở phía tây bắc. Thật ra công quốc Burgundy có 2 bộ phận : Đất công tước xứ Burgundy (Duchy of Burgundy) thuộc lĩnh thổ Pháp Lan Tây và Đất Bá tước xứ Burgundy (Count of Burgundy) thuộc lĩnh thổ Đế quốc La – Đức. Công tước xứ Burgundy cai quản cả 2 xứ này. Trước đây, nhà Burgundy cai quản nhiều lĩnh địa rộng lớn ở cả Pháp Lan Tây và Đế quốc La – Đức, gồm các xứ Burgundy, Nevers, Charolais, Flanders, Picardie, Clermont, Eu, Artois, Hainaut, Brabant, Gueldre, Luxembourg, Rethel. Nhưng giờ đây, nhà Burgundy chỉ còn lại Burgundy – Nevers - Charolais ở phía nam và Luxembourg - Rethel ở phía bắc. Mỗi vùng này đều có các lĩnh địa tiếp giáp nhau, một phần nằm bên Pháp Lan Tây và một phần nằm bên Đế quốc La – Đức.
Khi quân đội Thần Thánh Đế quốc tiến vào Burgundy thì giới quý tộc ở đó đã học theo giới quý tộc Thụy Sĩ, kéo nhau di tản lên Luxembour ở phía bắc. Sau trận Pavia, mất đi 30.000 quân, nhà Burgundy hầu như không còn quân đội để điều động nữa, nên chỉ còn cách di tản. Dân chúng ở đó cũng học theo dân chúng Thụy Sĩ, nhanh chóng xin quy thuận.
Thừa thế, các đạo quân Linh Tiệp, Bảo Tiệp tràn sang Bourbon, các đạo quân Uy Tiệp, Long Tiệp tràn sang Nevers ở ngay phía tây Burgundy, và đạo quân Chiêu Viễn tiến xuống Charolais, nhanh chóng chiếm lĩnh các xứ đang không hư này. Ở những xứ này, quý tộc di tản quá sớm, dân chúng quy thuận quá nhanh chóng, nên quân đội Đế quốc không có cơ hội thực hiện chính sách như ở Genoa và Milano. Dù sao thì không hao binh tổn tướng, không phí đạn dược cung tên mà chiếm được là cũng tốt lắm rồi. Thực ra nếu không phải đối diện 180.000 quân và “tam quang chính sách” ở Genoa, dân chúng ở đó cũng sẽ không quy thuận dễ dàng như thế. Dân chúng chỉ cần sống ổn định, không quan tâm nhiều ai là người thống trị, miễn sao người thống trị không tàn ác đến độ “nhân thần cộng phẫn” thì thôi.
Chiếm được Burgundy, các chiến dịch ở phương bắc xem như cũng đã kết thúc, trọng tâm của bọn Đinh An Bình sẽ chuyển sang phía đông.
Có thể bà con chưa biết :
Các loại tước hiệu của quý tộc Âu châu (phần 7)
12. Tây Ban Nha :
Nhóm 1 :
Rey/Reina - quốc vương / nữ vương
Príncipe de Asturias - Thái tử (Hán tự : a tư đồ lý á tư vương tử)
Príncipe - vương tử
Nhóm 2 :
Duque - công tước
Marqués - hầu tước
Conde - bá tước
Vizconde - tử tước
Barón - nam tước
Nhóm 3 :
Señor hương thân
13. Bồ Đào Nha :
Nhóm 1 :
Imperador - hoàng đế (chỉ sử dụng ở Brasil)
Rei - quốc vương
Príncipe - vương tử
Nhóm 2 :
Duque - công tước
Marquês - hầu tước
Conde - bá tước
Visconde - tử tước
Barão - nam tước
Bồ Đào Nha khi thành lập nền cộng hòa vào năm 1910 đã bãi bỏ chế độ quý tộc.
Kỳ sau : Ý và Ba Lan
Chương 100 : CHIẾN DỊCH TYROL (1)
Lại nói, sau khi chiếm được Burgundy, Nervers, Charolais và Bourbon, các chiến dịch ở phương bắc xem như cũng đã kết thúc. Đinh An Bình quyết định thừa thắng xông lên, chuyển hướng sang khu vực phía đông. Các chiến dịch ở phương bắc, quân đội không có chiến đấu nhiều, nên cũng không tiêu hao nhiều sức lực, sẵn sĩ khí đang lên, thừa cơ tấn công là có lợi hơn cả. Lúc này, sau khi thiệt hại 45.000 quân ở Milano, Đế quốc La – Đức đang trong thời gian hồi phục, không thể chủ động tham chiến. Nếu để đến sang năm, khi quân lực hồi phục, tình hình khó thể thuận lợi như lúc này.
Mục tiêu kế tiếp của bọn Đinh An Bình là Hungary, nhưng trước đó, bọn họ phải vượt qua công quốc Áo – Tyrol nằm giữa Hungary và Thụy Sĩ. Nếu không, phải đi đường biển vòng qua mũi cực nam bán đảo Italia, rồi vào biển Adriatic, thì sẽ mất rất nhiều thời gian.
Sẵn đà thắng lợi, đại quân vượt biên giới vào Tyrol, hội họp với 3.000 quân của George I de Trento tại đấy, hợp thành liên quân tấn công liên quân Áo – Tyrol. Mấy năm nay, Công tước Áo Frederic IV de Autriche đã chuẩn bị quân đội để xâm chiếm Trento, nào ngờ còn chưa kịp hành động thì đã bị tấn công trước. Tyrol là một căn cứ địa quan trọng của liên quân Áo – Tyrol, nơi chứa nhiều lương thực vật tư chuẩn bị cho công cuộc xâm chiếm Trento. Do đó, Frederic IV de Autriche không thể để mất Tyrol, đã tập trung quân đội lại đấy kháng cự, đồng thời cầu cứu các công quốc lân cận và cầu cứu Hoàng đế Sigismund de Luxembourg. Dưới sự kêu gọi của Sigismund de Luxembourg, hàng loạt các công quốc thành viên của Đế quốc La – Đức đã hội quân về đấy. Tyrol sắp sửa biến thành một đại chiến trường.
Trước khi chiến dịch Tyrol diễn ra, bọn Đinh An Bình còn có nhiệm vụ quan trọng là chỉnh hợp các vùng mới chiếm được, phái quan viên đến cai trị để sát nhập vào Latium. Cũng giống như ở 4 tỉnh cũ, toàn bộ đất đai của các lĩnh địa mới chiếm được đều trở thành tài sản của Long nhi. Ở Âu châu thời Trung Cổ, lĩnh địa là tài sản của lĩnh chủ, lĩnh chủ cũng tức là địa chủ, còn bình dân chỉ là tá điền, hoặc nông nô. Còn ở vương quốc Latium, chỉ có duy nhất 1 địa chủ là quốc vương. Toàn bộ đất đai trong vương quốc đều thuộc về quốc vương, đó là đặc quyền thần thánh bất khả xâm phạm. Nhưng Long nhi không thể tự mình quản lý toàn bộ số đất đai đó, nên chính sách đất đai mới đã được ban hành. Đất đai được giao cho nông dân, những người sẽ cày cấy trồng trọt trên đó, và sẽ nộp thuế cho quốc vương. Bọn họ cũng chỉ phải nộp duy nhất một sắc thuế cho quốc vương mà thôi, không phải nộp vô số các sắc thuế như nông dân ở các lĩnh địa khác. Vương quốc Latium không tồn tại nhờ nguồn thuế thu được từ nông dân. Thu nhập từ các hoạt động thương mại, từ các thành thị mới là nguồn thu chính.
Nói đúng ra, chính sách kinh tế của vương quốc Latium là học theo chính sách của Thần Thánh Đế quốc, chủ yếu là hạn chế đến mức tối đa địa chủ, và ưu đãi giới tư sản đang dần hình thành. Thương nhân, tức là tư sản phi quý tộc, rất được coi trọng và tạo điều kiện để phát triển. Thời Trung Cổ, tư sản dù giàu có cũng chỉ là bình dân, không có quyền hạn gì trong hệ thống nhà nước, đó là nguyên nhân tạo nên Cách mạng tư sản Pháp. Do đó, khi vương quốc Latium bãi bỏ chế độ phân phong lĩnh địa, chỉ có giới quý tộc – địa chủ bị ảnh hưởng, còn giới tư sản lại càng có cơ hội phát triển hơn nữa. Ở đâu cũng vậy, quý tộc có lĩnh địa chỉ là một bộ phận nhỏ, còn đại bộ phận quý tộc chỉ là tiểu quý tộc, không thân không thế, nếu không y phụ đại quý tộc thì cuộc sống cũng chỉ khá hơn bình dân một chút. Thậm chí nhiều tiểu quý tộc mà gia tộc suy bại, thì sinh hoạt có khi còn kém hơn phổ thông bình dân. Cũng vì vậy mà khi triều đình trục xuất hoặc tiêu diệt quý tộc - địa chủ, ở vương quốc không hề xuất hiện hỗn loạn. Cũng có không ít thương nhân – tư sản nhanh chóng hòa nhập thời cuộc, chuyển thân biến thành quan viên, tân quý tộc (quý tộc – tư sản).
Sau khi kết thúc bắc phương chiến lược, vương quốc Latium tăng thêm 3 tỉnh mới :
1. Milano (diện tích 54,681 kilômét vuông) : nguyên là các lĩnh địa Milano, Piedmond, và nước cộng hòa Genoa, được chia thành 6 quận là Milano, Bresia, Lecco, Turin, Piedmond và Genoa.
2. Thụy Sĩ (diện tích 54,964 kilômét vuông) : nguyên là các công quốc Thụy Sĩ và lĩnh địa Savoy, được chia thành 6 quận là Zurich, Bern, Lucerne, Valais, Uri và Savoy.
3. Burgundy (diện tích 47,784 kilômét vuông) : nguyên là công quốc Burgundy, các lĩnh địa Nevers và Charolais, được chia thành 5 quận là Nevers, Charolais, Beaune, Besançon và Pontarlier.
Còn công quốc Bourbon là quà của Long nhi tặng cho bé Charles, lúc này mới 2 tuổi. Bé là con út, sau này không thể thừa kế cơ nghiệp nhà Anjou, nên Long nhi mới tặng cho công quốc này để tương lai ít ra bé cũng sẽ là một công tước.
Sau khi chỉnh hợp xong các tỉnh mới, Đinh An Bình thân tự ra chiến trường chỉ huy chiến dịch. Còn Long nhi ở lại an phủ dân chúng trong các vùng mới chiếm được.
…
Merano, thủ phủ của Tyrol, nơi có Tyrol thành bảo (Castle of Tyrol) nằm tại thung lũng Val d’ Ultimo, gần sông Passirio.
Cờ xí nghênh phong phất phới. Hai bên vó ngựa dập dồn.
Một đạo quân đông đảo rầm rộ hành quân. Phía sau đoàn quân, những trận trận bụi mù cuốn bay theo gió, nhìn qua cứ giống như một trận bão cát nơi sa mạc. Đại quân ba đường thẳng tiến, nhanh chóng hướng về thành bảo trung tâm của Tyrol, mang theo sát khí ngút trời.
Hai vạn kỵ binh hành quân hai bên tả hữu, hộ vệ hai cánh của đại quân. Liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento đông đến 20 vạn 3.000 người được hai đạo kỵ binh bảo vệ hai bên, cả ba đường cẩn thận nhưng nhanh chóng tiến thẳng về Tyrol thành bảo. Bộ binh đội ngũ còn mang theo không ít công thành khí giới như xung xa, vân thê, và đặc biệt là hàng nghìn khẩu thần công, dư sức công phá những tòa thành bảo kiên cố nhất. Những khí giới nặng nề đó được đại quân bảo hộ ở chính trung tâm, được những binh sĩ tinh nhuệ nhất bảo vệ, được những chiến mã cường tráng nhất kéo đi, trên đường lưu lại những vết lún sâu, cho những người sau này đi qua nơi này biết rằng đã từng có một đạo quân hùng hậu đi qua đây.
Toàn đạo quân có 20 vạn 3.000 người, trong đó gồm có 18 vạn quân Thần Thánh Đế quốc, 2 vạn quân Latium và 3.000 quân Trento. Sau nhiều ngày hành quân, cuối cùng đại quân cũng đến được Tyrol thành bảo, cứ điểm của liên quân Áo – Tyrol ở thung lũng Val d’ Ultimo. Khi đại quân xuất hiện dưới chân thành, đã khiến cho đối phương rúng động không ít. Các xứ Tây Âu thường niên chiến loạn, nhưng bọn họ cũng chưa khi nào nhìn thấy đại quân đông đến hàng chục vạn như thế.
Có một điều lạ là ở các nước Đông Âu và vùng Tây Á, như Đế quốc Ottoman, Đế quốc Ba Tư, vương triều Mamluk, vương triều Timurid, Hãn quốc Kim trướng, … mỗi khi đánh nhau thường huy động đến hàng trăm nghìn quân, thậm chí có khi lên đến hàng triệu quân (Đế quốc Ba Tư xâm lược Hy Lạp, có trận Marathon nổi tiếng, khởi nguyên của môn Marathon ngày nay). Trong khi chiến tranh ở các nước Tây Âu thường mỗi bên chỉ có vài nghìn quân tham chiến, đôi khi lên đến vài vạn là nhiều. Giống như trong cuộc ‘chiến tranh trăm năm’ giữa Anh Cách Lan và Pháp Lan Tây, quốc vương Anh Cách Lan Henry V of England chỉ suất lĩnh 12.000 quân sang xâm lược Pháp Lan Tây, rồi sau nhiều cuộc giao tranh, tổn thất một phần quân lực, đến trận Agincourt, quân Anh Cách Lan chỉ còn lại 8.500 người vừa thương vừa bệnh, vậy mà còn đại thắng. Do đó cũng đủ thấy, với 3.000 quân chính quy trang bị tinh lương, Trento đã có thể kể là một công quốc mạnh. Còn với 5 vạn chính quy quân, Latium cũng có thể kể là một đại vương quốc, ít ra thì cũng hơn hẳn Anh Cách Lan và Pháp Lan Tây lúc này.
Đại quân thuận lợi tiến đến bên ngoài Tyrol thành bảo hạ trại. Trên đường đi, không hề có một đội địch quân nào dám chặn đường. Đối diện một đạo quân nhân số lên đến hơn 200.000 người, quân đội Tyrol chỉ còn có thể cố gắng phòng ngự chờ viện binh. Dù Công tước Áo Frederic IV de Autriche đã cầu cứu các công quốc lân cận lẫn Hoàng đế Sigismund de Luxembourg, nhưng viện quân cần có thời gian tập hợp, không thể nào đến ngay được. Phía Tyrol ít ra cần phải đan độc phòng thủ trong vòng một tháng. Một tháng a ! Nam tước Andreas de La Passiria khẽ thở dài. Đối phương không chỉ đông hơn gấp mười, mà đông hơn gấp trăm lần. Quân đội ở trong thành bảo hiện chỉ có hơn 2.000 người, làm sao ứng phó, làm sao kéo dài thời gian phòng thủ cho đến khi viện quân đến được. Có lẽ chỉ còn cách làm nhục sĩ khí của đối phương thì may ra … Có lẽ cũng chỉ còn cách đó. Suy nghĩ đến đây, Nam tước Andreas de La Passiria truyền gọi đệ nhất Hiệp sĩ dưới trướng của mình.
__________________________________________________
Chúc mừng đến chương 100, hôm nay tui sẽ post 2 chương "Đông Phương Thần Thánh Đế quốc" và 2 chương "Vương Mệnh".
Có thể bà con chưa biết :
Các loại tước hiệu của quý tộc Âu châu (phần 8)
14. Ý :
Nhóm 1 :
Imperatore - Hoàng đế
Re - quốc vương
Principe - vương tử
Năm 1936, Quốc vương Ý tự phong làm Hoàng đế Etiopia, cũng giống Nữ vương Anh tự phong làm Nữ hoàng đế Ấn Độ năm 1876.
Nhóm 2 :
Duca - công tước
Marchesse - hầu tước
Conte - bá tước
Visconte - tử tước
Barone - nam tước
Nhóm 3 :
Cavalieri - Hiệp sĩ
Ý vào năm 1947 thành lập nền cộng hòa đã bãi bỏ chế độ quý tộc.
15. Ba Lan :
Nhóm 1 :
Krol - quốc vương
Ksiaze - vương tử
Nhóm 2 :
Ksiaze - công tước
Margrabia - hầu tước
Hrabia - bá tước
Baron - nam tước
Tước hiệu Ksiaze nếu là vương tộc thì gọi là vương tử, ngoài vương tộc gọi là công tước.
Nhóm 3 :
Rycerz - Hiệp sĩ
Giermek - hương thân
Ba Lan vào năm 1918 thành lập nền cộng hòa đã bãi bỏ chế độ quý tộc.
Kỳ sau : Hungary và Nga
Chương 101 : CHIẾN DỊCH TYROL (2)
Merano, thủ phủ của Tyrol, nơi có Tyrol thành bảo, nằm tại thung lũng Val d’ Ultimo, gần sông Passirio.
Liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento thuận lợi tiến đến bên ngoài Tyrol thành bảo hạ trại. Trên đường đi, không hề có một đội quân nào thuộc phe Áo - Tyrol dám chặn đường. Đối diện một đạo quân nhân số lên đến hơn 200.000 người, đông hơn thủ quân gấp trăm lần, quân đội Tyrol chỉ còn có thể cố gắng phòng ngự chờ viện binh. Để kéo dài thời gian chờ cứu viện, Nam tước Andreas de La Passiria sau nhiều phen suy nghĩ, đã quyết định tìm cách hạ thấp sĩ khí đối phương, mong có thể vãn cứu phần nào tình hình. Nam tước Andreas de La Passiria cho rằng, nếu như đối phương sĩ khí đại giảm, tạm thời sẽ không tấn công thành bảo, hoặc có tấn công thì cũng sẽ không tích cực. Suy đi nghĩ lại, thấy cũng chỉ còn cách đó mà thôi, Nam tước liền bảo hầu cận :
- Truyền gọi Werner Kottenkamp đến đây ?
Werner Kottenkamp là đệ nhất Hiệp sĩ dưới trướng của Nam tước Andreas de La Passiria. Hiệp sĩ là một tước hiệu bán quý tộc có từ thời kỳ đầu Trung Cổ, thường để chỉ trọng kỵ binh, ban đầu để chỉ kỵ sĩ, nhưng dần về sau thì biến thành một loại tước hiệu. Gọi là bán quý tộc vì Hiệp sĩ có thân phận nằm ở trung gian giữa bình dân và quý tộc, địa vị cao hơn bình dân nhưng thấp hơn quý tộc (một số quý tộc cũng muốn làm Hiệp sĩ thì ngoại lệ), và tước hiệu Hiệp sĩ cũng không được thừa kế. Trong suốt thời kì trung Cổ, bất cứ ai cũng có thể cũng trở thành một Hiệp sĩ nhưng do trang bị rất đắt tiền, Hiệp sĩ thường xuất thân từ những gia đình giàu có hay quý tộc. Mỗi Hiệp sĩ thường chỉ huy khoảng 10 người, và có một tùy tùng hầu hạ. Áo giáo của Hiệp sĩ rất nặng, cần có tùy tùng giúp đỡ mới có thể mặc vào và lên ngựa được. Hiệp sĩ tùy tùng cũng phải phụ trách chăm lo cho chiến mã và vũ khí của chủ. Hiệp sĩ thường quy phục một vị lĩnh chủ hay quân vương, chiến đấu cho chủ của mình trong chiến tranh hay quyết đấu vì lợi ích của chủ. Khi hai quý tộc có hiềm khích, ngoài cách giải quyết bằng chiến tranh, còn có thể thông qua quyết đấu, phái Hiệp sĩ dưới quyền mình xuất chiến để bảo vệ danh dự và lợi ích của mình.
Quy trình để trở thành một Hiệp sĩ gồm 3 giai đoạn : từ người hầu cho các lãnh chúa, người hầu riêng cho các hiệp sĩ, rồi cuối cùng sau khi qua các đợt huấn luyện sẽ được phong làm Hiệp sĩ. Quá trình thường bắt đầu vào năm một cậu bé lên 7 tuổi, cậu bé sẽ được gửi đến dinh thự của một vị lĩnh chủ giúp việc như một người hầu. Ở đó, cậu bé sẽ học cách cư xử, phép lịch sự, vệ sinh và tôn giáo từ những người hầu nữ trong gia đình lĩnh chủ, đồng thời còn học cách săn bắn, cách nuôi chim ưng, và một số kỹ năng phụ khác như : chuẩn bị ngựa, cưỡi ngựa, cách sử dụng tất cả các loại áo giáp và vũ khí. Đến năm 14 tuổi, cậu bé sẽ được đi theo hầu một vị Hiệp sĩ. Điều này cho phép cậu bé học thêm nhiều điều khác từ những trận đấu của chủ nhân. Nhiệm vụ chính của cậu bé là chuẩn bị ngựa và vũ khí cho chủ nhân. Điều này rèn luyện cho cậu bé những tính cách của một Hiệp sĩ : kiên nhẫn, rộng rãi, và quan trọng nhất là trung thành. Vị Hiệp sĩ kia sẽ chỉ dạy cậu bé mọi điều cần thiết để trở thành một Hiệp sĩ. Khi cậu bé lớn hơn một ít, cậu bé sẽ theo chủ nhân vào chiến trường, và giúp đỡ các Hiệp sĩ đó nếu họ bị thương. Một số cậu bé đã được phong làm Hiệp sĩ ngay trên chiến trường nhờ sự chiến đấu dũng cảm, nhưng hầu hết chỉ được phong tước hiệu Hiệp sĩ bởi những lĩnh chủ sau khi đã huấn luyện hoàn chỉnh. Cậu bé sẽ trở thành một Hiệp sĩ vào khoảng 18 - 21 tuổi. Một khi đã hoàn tất việc đào tạo, cậu bé sẽ được phong tước. Khi đó, cậu bé sẽ phải cầu nguyện cả đêm, xưng tội trước ngày phong tước trong một nhà thờ. Sau đó, cậu bé phải tắm rửa sạch sẽ, mặc áo trắng, quần màu vàng, và áo khoác tím, rồi được phong tước bởi quân vương hay lĩnh chủ. Vào thời Trung Cổ, cậu sẽ phải thề tuân theo những quy tắc của một Hiệp sĩ, và không bao giờ chạy trốn khỏi chiến trường. Mọi phụ nữ sẽ gõ nhẹ lên áo giáp của cậu. Cậu cũng có thể được phong tước ngay trên chiến trường, lúc mà lĩnh chủ đơn giản chỉ cần đặt tay hay thanh kiếm của mình lên vai của cậu và nói : "Ngươi là Hiệp sĩ". Tuy nhiên, các lĩnh chủ cũng không thể tùy tiện phong tước, bởi theo quy định, tùy vào tước vị của mình mà lĩnh chủ chỉ có thể phong một số lượng Hiệp sĩ nhất định.
Hiệp sĩ gắn liền với những lĩnh chủ phong kiến. Một hiệp sĩ thường được trả công sau các trận đánh bằng đất đai, nhưng đôi khi cũng bằng tiền. Hiệp sĩ được hỗ trợ về mặt kinh tế bởi những nông dân làm việc trên đất của mình và từ nhà thờ. Trong thời kì chiến tranh, quân vương hay lĩnh chủ có thể ra lệnh động viên tất cả các Hiệp sĩ đang ở trong nước hoặc trong lĩnh địa của mình để tham gia vào cuộc chiến, có thể là phòng thủ hay xâm lược các nước, các lĩnh địa khác. Nhiều quý tộc thường thuê những người khác để đi thay cho mình, còn một số khác nói rằng mình không thể đánh nhau. Về sau, các quân vương thích quân đội thường trực, bởi vì họ có thể sử dụng quân đội lâu hơn, chuyên nghiệp hơn và trung thành hơn. Điều này dẫn đến việc các Hiệp sĩ được trả lương bằng tiền từ các lĩnh chủ và từ đó các Hiệp sĩ được phép thu thuế để lấy lương. Một Hiệp sĩ có quyền mang thắt lưng trắng và quần màu vàng để thể hiện đẳng cấp quý tộc của mình (dù rằng chỉ là bán quý tộc).
Nói tóm lại, Hiệp sĩ chính là lực lượng chiến đấu chủ lực của các nước Âu châu thời Trung Cổ. Họ có thể chỉ huy quân đội, đan độc chiến đấu, hoặc tổ hợp thành kỵ sĩ đoàn (Âu châu kỵ binh). Werner Kottenkamp chính là Hiệp sĩ giỏi nhất, mạnh nhất, và cũng là đoàn trưởng Hiệp sĩ đoàn dưới trướng Nam tước Andreas de La Passiria. Khi được truyền gọi, Werner Kottenkamp vội đến ra mắt Nam tước, hỏi :
- Đại nhân. Có chuyện gì không ạ ?
Nam tước Andreas de La Passiria nói :
- Ngươi hãy xuất trận thách đối phương quyết đấu, đánh bại đối phương, nhằm hạ thấp sĩ khí đối phương.
Werner Kottenkamp vâng dạ, khi chuẩn bị đi thì Nam tước lại nói thêm :
- Bằng mọi cách giành chiến thắng. Quân lực giữa ta và địch quá chênh lệch, chỉ có hạ thấp sĩ khí đối phương thì mới mong phòng thủ được cho đến khi viện quân đến nơi.
Sau đó, Werner Kottenkamp mặc giáp, lên ngựa, thống lĩnh Hiệp sĩ đoàn rời thành bảo đến trước doanh trại địch quân khiêu chiến. Gã án chiếu quy tắc của Hiệp sĩ, trước tiên giục ngựa ra trước hàng quân thách đấu :
- Các ngươi có ai dám cùng ta quyết đấu một trận ?
Giọng của gã ta rất lớn, vang vọng vào trong tận trung doanh. Và gã cũng nói tiếng Pháp rất chuẩn, nên bọn thủ hạ của Đinh An Bình hiểu ngay gã muốn nói gì, lập tức hồi báo.
Vào thời Trung Cổ, cho đến tận trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất, tiếng Pháp vẫn là ngôn ngữ chính của giới quý tộc Âu châu. Các vương triều Anh Cách Lan, Pháp Lan Tây, Tây Ban Nha và Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức đều có nguồn gốc từ vương quốc Franks. Charlemagne Đại đế lên ngôi Hoàng đế La Mã năm 800 tại Roma, là vua của cả Tây Âu (Đông Âu là địa bàn của Đế quốc Đông La Mã, hay còn gọi là Đế quốc Byzantine ở Constantinople). Sau khi Charlemagne Đại đế qua đời, Đế quốc bị chia làm 3 phần cho 3 vị Hoàng tử : Tây Franks (Western Frankish Realm), sau thành Pháp Lan Tây; Đông Franks (Eastern Frankish Realm), sau thành Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức; Trung Franks (Central Frankish Realm), sau bị mất phần phía bắc vào tay Tây Franks và Đông Franks, còn lại phần phía nam trở thành Italia. Hàng trăm công quốc và lĩnh địa lớn cũng là do Charlemagne Đại đế phân phong cho thủ hạ của mình. Sau này vùng Catalonia ở phía nam của Tây Franks trở thành tiền thân của vương quốc Tây Ban Nha Cơ Đốc giáo (phía nam là vương quốc Hồi giáo của người Moors như Almohads, Granada). Công tước Normandy ở phía bắc Pháp Lan Tây sau chinh phục và thống nhất các tiểu quốc ở đảo Anh, thành lập vương quốc Anh Cách Lan. Chính vì vậy mà tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ chính thức của giới quý tộc Âu châu. Khi giao tiếp, giới quý tộc sử dụng tiếng Pháp, và các cung đình cũng sử dụng tiếng Pháp.
Đinh An Bình đang ở trong Soái trướng, nghe thủ hạ hồi báo, lộ vẻ ngạc nhiên, nhìn chúng thủ hạ hỏi :
- Gã ta kêu như thế thật ư ?
Những thủ hạ biết tiếng Pháp gật đầu nói :
- Vâng ạ. Gã ta kêu như thế đấy !
Trước giờ chưa từng gặp phải cảnh này, Đinh An Bình ngần ngừ nói :
- Gã ta có phải tự tìm cái chết hay không ? Hay là còn có âm mưu quỷ kế gì ?
Chúng thủ hạ nhìn nhau, vô pháp hồi đáp. Bọn họ cũng chưa từng gặp phải cảnh này.
Có thể bà con chưa biết :
Các loại tước hiệu của quý tộc Âu châu (phần 9)
16. Hungary :
Nhóm 1 :
császár - Hoàng đế
király/királyné - Quốc vương / Nữ vương
fejedelem - thân vương
herczeg - đại công
Nhóm 2 :
gróf - bá tước
báró - nam tước
Nhóm 3 :
lovag - Hiệp sĩ
Hungary nguyên bản không có Hoàng đế, quân chủ xưng hiệu là Quốc vương. Thời kỳ Áo - Hung Đế quốc, do Hoàng đế Áo kiêm nhiệm Hungary Quốc vương. Hungary cũng không có công tước, hầu tước và tử tước. Đến năm 1918 thành lập nền cộng hòa quốc đã bãi bỏ chế độ quý tộc.
17. Nga quốc :
Nhóm 1 :
Император/Императора - Hoàng đế / Nữ hoàng
Цар/Царица - Sa hoàng / Nữ sa hoàng
Цесаревич - hoàng thái tử
Великий Князь/Инфант - đại công / nữ đại công
Nhóm 2 :
Князь/Герцог - công tước / vương tử
Маркиз/Бояре - hầu tước
Граф - bá tước
Виконт - tử tước
Барон - nam tước
Nhóm 3 :
Рыцарь - Hiệp sĩ
Nga quốc đến năm 1917 đã bãi bỏ chế độ quý tộc.
Hết.
Chương 102 : CHIẾN DỊCH TYROL (3)
Lại nói, khi Werner Kottenkamp đến trước doanh trại của liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento khiêu chiến, Đinh An Bình rất ngạc nhiên, nhìn chúng thủ hạ bảo :
- Gã ta có phải muốn chết hay không ? Hay là còn có âm mưu quỷ kế gì ?
Chúng thủ hạ nhìn nhau, vô pháp hồi đáp. Bọn họ chưa từng gặp phải cảnh này. Hành vi của gã Werner Kottenkamp, đối với các Hiệp sĩ của Âu châu là anh hùng, là dũng cảm, nhưng đối với chúng tướng của Thần Thánh Đế quốc là ngu ngốc, là tự tìm cái chết. Trung Hoa thời cổ đại, chẳng hạn như thời Tam Quốc, song phương giao chiến còn phái tướng lĩnh ra quyết đấu để tăng sĩ khí. Nhưng sau này đại quân tác chiến, hơn thua nhau chủ yếu qua chiến lược, chiến thuật (vậy mới có câu : binh bất yếm trá), chuyện quyết đấu như thế không còn nữa. Và quân đội Thần Thánh Đế quốc khi tác chiến hoàn toàn không có chuyện cho tướng lĩnh ra quyết đấu hay dẫn đầu đoàn quân xung phong. Tướng lĩnh là để chỉ huy quân đội, không phải để khoe tài dũng võ.
Đinh An Bình thấy vậy, xua tay nói :
- Thôi được rồi. Kệ đi. Xạ thủ đâu, pháo kích.
Mệnh lệnh truyền xuống, và thế là vận mệnh của gã Werner Kottenkamp đã được định đoạt như vậy. Đường đường là một Hiệp sĩ nổi danh, chỉ vì cô lậu quả văn, không biết rõ phương pháp tác chiến của đối phương, trong lúc xuất trận khiêu chiến, đã bị thần công đại pháo của đối phương cướp đi sinh mạng. Khôi giáp của Hiệp sĩ vừa nặng nề vừa kiên cố, cung tên bình thường ít có tác dụng, nhưng khi đại pháo oanh kích thì cả người lẫn ngựa đều trở nên tan xương nát thịt, bỏ mạng đương trường.
Đại pháo đã khai hỏa, không lý gì chỉ nhắm vào một mình gã Werner Kottenkamp. Cả Hiệp sĩ đoàn đi theo gã ta đến quán chiến cũng bị họa lây. Một trăm Hiệp sĩ trong Hiệp sĩ đoàn cuối cùng chỉ có hơn chục người chạy về được đến thành bảo, thật là tổn thất thảm trọng. Trận tiếp xúc đầu tiên, quân Tyrol không những không thể hạ thấp sĩ khí đối phương, mà ngược lại còn gặp phải thảm bại, tự hạ thấp sĩ khí của mình.
Hay tin gã Werner Kottenkamp và đại bộ phận Hiệp sĩ đoàn đều bỏ mạng trước doanh trại của đối phương, Nam tước Andreas de La Passiria vừa giận vừa lo. Giận vì đối phương không tuân thủ quy tắc Hiệp sĩ, giở trò vô sỉ như thế. Lo vì đối phương đã giở trò vô sỉ như thế, thì khi công thành chắc chắn sẽ sử dụng âm mưu quỷ kế, bất chấp danh dự quý tộc, từ đó sẽ khiến cho tình thế của quân Tyrol càng thêm khó khăn. Nam tước Andreas de La Passiria suy nghĩ một hồi, không còn cách nào khác, chỉ đành tăng cường công tác phòng thủ. Nam tước Andreas de La Passiria còn cho quân đổ đất đá lấp kín lối vào thành bảo, việc ra vào chỉ dùng dây thừng cột vào người thả từ tường thành xuống đất, đồng thời lại phái sứ giả sang doanh trại đối phương trách đối phương về việc không tuân thủ quy tắc Hiệp sĩ. Tuy biết làm thế cũng chẳng có tác dụng gì, nhưng Nam tước Andreas de La Passiria vẫn làm, vì chút hy vọng mong manh.
Sứ giả của Tyrol vâng mệnh Nam tước đại nhân sang doanh trại liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento, nhìn thấy doanh trại san sát, đao kiếm sáng ngời, cờ xí ngợp trời, quân đông chật đất, trong lòng kinh hãi không sao kể siết. Gã có bao giờ được nhìn thấy quân dung hùng tráng đến thế !
Khi gã đi ngang qua doanh trại của quân đội Trento, quân sĩ trong doanh trại thấy gã ta là sứ giả của Tyrol, đột nhiên đồng loạt giơ tay lên cao, đồng thanh quát lớn :
- Sát. Sát. Sát.
Phản ứng của quân đội Trento làm sứ giả vừa kinh vừa sợ. Tyrol và Trento vốn thù hằn với nhau từ lâu. Ngày xưa, Tyrol vốn thuộc lĩnh địa Vương tử - Giám mục xứ Trento (Prince – Bishopric of Trento), đến năm 1027 bị Hoàng đế Conrad II le Salique của Đế quốc La – Đức tách ra, sát nhập vào lĩnh địa Công tước xứ Bavaria (Duchy of Bavaria). Đến năm 1363, Tyrol bị sát nhập vào lĩnh địa của Công tước Áo Rodolphe IV le Fondateur de Autriche của nhà Habsburg. Nhà Habsburg của Áo sau khi chiếm được Tyrol, lại chuẩn bị bành trướng xuống Trento ở phía nam, do đó mà quan hệ giữa song phương không hề tốt. Ngày nay, vùng nam Tyrol, nơi có thủ phủ Merano, trở thành tỉnh Bolzano – Bozen, thuộc vùng Trentino - Alto Adige / Südtirol của Italia; còn vùng bắc Tyrol là bang Tyrol của Áo. Di tích lịch sử Tyrol thành bảo (Castle of Tyrol) đến nay vẫn còn ở Merano.
Sứ giả Tyrol sau nhiều phen hữu kinh vô hiểm, cuối cùng cũng đến được trước Soái trướng. Gã được phái đến đây với nhiệm vụ là trách hỏi liên quân sao không tuân thủ các quy tắc của Hiệp sĩ. Có điều, sau nhiều phen bị kinh sợ, gã lo cho sinh mạng của mình, nên đã cố gắng trình bày ý kiến của Nam tước Andreas de La Passiria một cách thật nhẹ nhàng uyển chuyển, cố ý tỏ cho đối phương biết gã chỉ phụng mệnh hành sự, đó không phải là chủ ý của gã.
Đinh An Bình ngồi trong Soái trướng, cách một bức rèm, quan sát thái độ của sứ giả Tyrol, khe khẽ gật đầu. Sau khi nghe sứ giả nói xong, Đinh An Bình khẽ nói mấy câu, rồi George I de Trento thay mặt nói :
- Ngươi nói thật là vô lý. Trong quân đội chúng ta không có ai là Hiệp sĩ, các quy tắc của Hiệp sĩ có liên quan gì đến chúng ta kia chứ !
Nên biết rằng, trong thời Trung Cổ, phong khí Hiệp sĩ rất thịnh hành ở Âu châu. Các vị quân vương, lĩnh chủ và giới quý tộc đều lấy các quy tắc của Hiệp sĩ làm nguyên tắc ứng xử của mình. Nổi tiếng nhất trong thời gian này là quốc vương Jean II de Française (hay còn gọi là John II of France), ông là cha của Louis I de Anjou. Sau trận Poitiers trong cuộc ‘chiến tranh trăm năm’, ông đã bị quân Anh Cách Lan bắt giữ, sau được thả ra với điều kiện phải giao cho Anh Cách Lan một lĩnh địa rộng lớn và phải cho con thứ của mình là Louis I de Anjou sang Anh Cách Lan làm con tin. Sau này, Louis I de Anjou trốn thoát được về Pháp Lan Tây thì đã bị cha mình trách phạt. Để giữ đúng tinh thần Hiệp sĩ, Jean II de Française đã tự mình sang Anh Cách Lan làm con tin thay thế, kết quả chết một cách nhục nhã ở Anh Cách Lan.
Sứ giả Tyrol nghe nói thế cũng không biết nói sao cho phải. Quân đội Latium và Trento đều là bộ binh, không có Hiệp sĩ; còn quân đội Thần Thánh Đế quốc thì có kỵ binh, nhưng lại không phải là người Âu châu, nên cũng chẳng phải là Hiệp sĩ. George I de Trento đã từng đến Gia Định, nên khi nhận được viện trợ quân sự từ Thần Thánh Đế quốc đã tổ chức quân đội theo kiểu chính quy quân của Thần Thánh Đế quốc, không sử dụng Hiệp sĩ chỉ huy quân đội, trực tiếp dùng tiền trả lương cho binh sĩ. Làm như thế, quân đội có thể đảm bảo trung thành hơn, tiết kiệm chi phí hơn, trong khi chiến đấu lực cũng không giảm. Ở Âu châu, trừ quân đội Latium ra, thì quân đội Trento có quy cách tổ chức giống Thần Thánh Đế quốc nhất. Trong quân đội chỉ có một tiếng nói duy nhất, mọi binh sĩ đều chỉ trung thành với lĩnh chủ, đó là điều mà George I de Trento hài lòng nhất. Không một vị lĩnh chủ nào muốn trong quân đội của mình lại có tiếng nói khác.
Hồi lâu, George I de Trento lại bảo sứ giả Tyrol :
- Ngươi có biết Đại vương giữ chức vụ gì không ? Đại vương chính là bộ trưởng Hải quân bộ của Thần Thánh Đế quốc. Đại vương là tướng lĩnh Hải quân. Do đó, nếu các ngươi muốn quyết đấu một cách công bằng, Đại vương có thể chấp nhận quyết đấu bằng hình thức hải chiến. Chỉ cần các ngươi phái Hạm đội tham chiến, Đại vương sẽ tiếp chiến ngay.
Sứ giả Tyrol nghe nói lập tức xám mặt. Giờ đây ở Âu châu chư quốc đều biết Hạm đội của Thần Thánh Đế quốc rất khủng bố. Mỗi chiến hạm cứ như là một pháo đài trên biển. Ngay cả các cường quốc Hải quân ở Âu châu như Anh Cách Lan, Pháp Lan Tây, Genoa, Venice, … còn không chống nổi, nói gì một quốc gia nội lục như Đế quốc La – Đức.
Đinh An Bình thấy thái độ của sứ giả như thế, chỉ khẽ mỉm cười, bảo thuộc hạ mang ra trao cho sứ giả một bản danh sách, nói :
- Chỉ cần giao nộp cho chúng ta những người trong danh sách này, chúng ta sẽ tha cho cái gã Nam tước chủ nhân của ngươi. Bằng không, khi chúng ta phá thành, gà chó không tha. Hạn chót là sáng sớm ngày mai.
Sau đó truyện lệnh đưa sứ giả đi ra. Sứ giả Tyrol rời khỏi đại doanh trong lo sợ, rồi run rẩy mở bản danh sách vừa được trao cho ra xem. Chỉ mới liếc qua một loạt danh tính trong đó, gã đã toát mồ hôi. Những tên được ghi trong danh sách toàn là những quý tộc có lĩnh địa, có chức quyền ở Tyrol, thậm chí còn có tư quân không ít. Nam tước Andreas de La Passiria không có thẩm quyền, và dù cho có thẩm quyền thì cũng không dám giao nộp. Xem ra số phận của thành bảo rất đáng lo nha. Và quan trọng hơn cả là số phận của gã càng đáng lo hơn.
Chương 103 : CHIẾN DỊCH TYROL (4)
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.519 (Đinh Dậu, 1417). Mùa xuân, tháng 3. Tyrol, thủ phủ Merano, Tyrol thành bảo.
Ngay từ sáng sớm, liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento đã lần lượt rời khỏi doanh trại, kéo đến tập họp phía trước Tyrol thành bảo, chuẩn bị công thành. Trên cánh đồng phía trước thành bảo, khắp nơi đều thấy toàn người là người. Quả là :
Cờ xí nghênh phong phất phới.
Tiếng reo vang dậy đất trời.
Đao kiếm tua tủa sáng ngời.
Quân uy hào hùng cường thịnh.
Là một bộ phận của đại quân, trước quân dung như thế, tất cả tướng lĩnh, binh sĩ, không kể là thuộc quân đội Thần Thánh Đế quốc, Latium hay Trento đều có tinh thần rất tốt, hăng hái chuẩn bị giết giặc lập công. Liên quân không phải là quân Ba Tư của Xerxes Đại Đế, không ai tin rằng lấy 203.000 quân tấn công hơn 2.000 quân Tyrol lại thất bại, cho dù đối phương có ở vào vị trí phòng thủ đi nữa. Không nói đến chiến lược hay chiến thuật, ngay cả ‘lấy thịt đè người’ cũng có thể thắng được. Chỉ có Xerxes Đại Đế của Ba Tư mới dùng 5 triệu người mà đánh thua hơn 1 vạn quân Hy Lạp (sử gia Hy Lạp cổ đại Herodotus ghi nhận có 5 triệu người, với một nửa là binh sĩ, một nửa là dân phu, được huy động từ 46 tiểu quốc thuộc địa; quân Ba Tư giết vua Sparta, đốt thành phố Athens, nhưng sau thua 1 trận hải chiến nên buộc phải rút quân về).
Trong khi đó, phía thủ quân trong thành bảo thì ngược lại. Sĩ binh mặt mày hoặc xanh hoặc tái, lo lắng bất an, tay cầm vũ khí nhưng sĩ khí mất hết, tín tâm không còn. Bọn họ không hề tin tưởng có thể phòng thủ được thành bảo. Nhiều người trong bọn họ đã nghe nói về tối hậu thư của đối phương đã bị Nam tước đại nhân từ chối, và chủ soái bên phía đối phương đã tuyên bố sau khi phá thành thì ‘gà chó không tha’. Do đó, bọn họ rất lo lắng cho số phận của mình. Nhiều người đã nghĩ đến chuyện bỏ trốn, nhưng dưới quyền oai của Nam tước đại nhân, và trước cảnh một số đào binh bị xử tử thị chúng, cả bọn tạm thời vẫn còn đứng trên tường thành chờ đợi đối phương đến đồ sát. Đúng thế, bọn họ chờ đợi đối phương đến đồ sát, chứ lấy 1 địch trăm, bọn họ làm sao chống nổi. Bọn họ chỉ là phổ thông sĩ binh, không phải là dũng tướng kiểu như Quan Vũ, Trương Phi hay Triệu Tử Long mà có thể lấy 1 địch trăm.
Đinh An Bình đứng trên đài chỉ huy, nhìn về hướng Tyrol thành bảo. Đài chỉ huy là một loại đài cao, dưới chân có gắn bánh xe, do ngựa kéo hoặc quân sĩ đẩy đi; tướng soái đứng trên đó có thể quan sát toàn diện chiến trường, để có thể ra mệnh lệnh phù hợp với cục diện trận chiến. Bên cạnh Đinh An Bình chỉ có các tùy tướng thuộc hạ. George I de Trento và các tướng lĩnh Latium không có ở đấy, mà đã đi chỉ huy quân đội của mình. Trận này, Đinh An Bình quyết định giao cho quân đội Latium và Trento giải quyết, vừa có tác dụng luyện quân vừa tạo cơ hội cho bọn họ giết giặc lập công. Quân đội mà chưa từng tham gia chiến đấu, chưa từng giết giặc thì chưa thể xem là quân đội chân chính. Dù sao thì lấy 23.000 quân tấn công hơn 2.000 quân, chắc cũng không có vấn đề gì. Mà lỡ như có vấn đề gì thì còn có 18 vạn quân Thần Thánh Đế quốc ở đó, không sao cả.
Khi thấy các công tác chuẩn bị đã hoàn tất, Đinh An Bình truyền lệnh :
- Khai hỏa.
Mệnh lệnh truyền xuống. Trận địa thần công đại pháo lập tức khai hỏa, oanh kích vào tường thành và các điểm cao bên trong thành bảo. Tất cả 3.600 khẩu thần công của 6 đạo quân đã được tập trung lại một chỗ, đồng loạt khai hỏa, uy lực kinh nhân. Không chỉ địch quân, ngay cả phía liên quân mỗi khi nghe thần công phát xạ cũng chấn kinh vô cùng. Mỗi loạt đạn pháo bắn ra, khói lửa nhiễm hồng cả nửa bầu trời. Sau đó thì bên trong thành bảo cũng có khói lửa bốc cao, cùng những tiếng kêu khóc vang trời dậy đất. Bị đạn pháo dội lên đầu, thủ quân trên tường thành tổn thất thảm trọng. Nhiều người không chết vì bị đạn pháo bắn trúng, mà bị gạch đá đổ xuống đè chết.
Sau ba loạt pháo kích, hơn 1 vạn phát đạn đã phá hủy hoàn toàn thành tường của Tyrol thành bảo. Các kiến trúc bên trong cũng bị phá hủy không ít. Đinh An Bình ra lệnh ngừng pháo kích, rồi truyền lệnh xung phong. Tiếng trống thúc dồn dập, tiếng tù và rúc lên vang vọng. Quân đội Latium và Trento nghe lệnh xung phong, lập tức nắm chặt đao thương tràn vào thành bảo. Hiện giờ, thành bảo không còn tường thành, không còn các tiễn tháp phòng ngự, chỉ còn lại những đống đổ nát. Không có gì uy hiếp, liên quân khí thế hừng hực ào ạt xông vào trong tìm diệt địch quân. Theo sự an bài từ trước, quân đội Latium và Trento xung phong theo từng tiểu đội, bảo đảm không có ai đi riêng lẻ để giảm thiểu thương vong vô ích.
Mệnh lệnh xung phong truyền xuống chưa được bao lâu thì đã nghe bên trong thành bảo vang lên những tiếng sát phạt chém giết vang trời. Từng đoàn từng đoàn liên quân Latium – Trento hợp nhau truy sát địch quân, có khi mấy đội vài chục người hợp nhau truy sát vài quân địch. Không sao được, số quân tấn công đông hơn đối phương gấp 10 lần, bình quân thì cũng phải 10 người đánh 1 người, ta nhiều địch ít nên đành hợp nhau chia công lao mà thôi.
Quân Tyrol đã ở vào thế kém, mà lại còn gặp phải một vấn đề chết người nữa là thiếu sự chỉ huy, chỉ có thể tự phát chiến đấu. Các tướng lĩnh, các Hiệp sĩ của Tyrol, kể cả Nam tước Andreas de La Passiria đều ở trên những tháp cao, khi bị thần công đại pháo oanh kích thì nơi đó lại là những mục tiêu lộ liễu nhất, bị oanh kích đầu tiên. Kết quả, sau khi thần công đại pháo ngừng phát hỏa thì đại bộ phận tướng lĩnh Tyrol đã vùi thân dưới các đống đổ nát.
Nam tước Andreas de La Passiria may mắn không tử nạn vì đạn pháo, được các thân binh cứu thoát khỏi đống đổ nát, nhưng tình thế cũng chẳng khả quan hơn chút nào, vì lúc này Nam tước đang bị vây chặt trong phủ đệ của mình. Xung quanh Nam tước chỉ có vài chục thân binh, trong khi đối phương đông đến hàng nghìn. Giết chết được Nam tước Andreas de La Passiria là đại công hàng đầu, nên các tướng lĩnh Latium và Trento đều dần dần tập trung về cả nơi đây. Bọn họ đều là tướng lĩnh cao cấp, giết chết phổ thông binh sĩ chẳng mang lại được bao nhiêu công lao, chỉ có trảm địch tướng thì mới có thể kể là chiến công.
Bá tước Enguerrand de Monstrelet, quý tộc – tư sản, một Hiệu úy của quân đội Latium (thống lĩnh 1 sư, 1 vạn quân), nhìn những tướng lĩnh khác, nói :
- Chúng ta bao nhiêu người đây, mà Andreas de La Passiria chỉ có một, xử lý thế nào ?
Tử tước Bernardo Madruzzo de Garda, cũng là quý tộc – tư sản, tướng lĩnh quân đội Trento, nói :
- Ai có mặt thì có phần !
Thấy đối phương giành nhau công lao, không xem mình ra gì, Nam tước Andreas de La Passiria nổi xung quát lớn :
- Các ngươi có ai dám cùng ta quyết một trận tử chiến ?
Bá tước Jean de Venette, một Hiệu úy khác của quân đội Latium, bắt chước thần thái của chủ soái, nhìn mọi người hỏi :
- Gã ta đang muốn chết phải không ? Hay là còn có âm mưu quỷ kế gì khác ?
Bá tước Enguerrand de Monstrelet cười ha hả nói :
- Mặc kệ có âm mưu quỷ kế hay không ! Giải quyết sớm cho xong, kẻo đêm dài lắm mộng. Cung thủ đâu ?
Lập tức, mấy chục đội cung thủ tiến ra, giương cung lắp tên nhắm vào Nam tước Andreas de La Passiria và chúng thân binh. Bá tước Enguerrand de Monstrelet vung tay nói :
- Bắn.
Thế là tên bắn như mưa, kết liễu cả bọn Nam tước Andreas de La Passiria. Tiếp đó, cả bọn lại phân tán ra chỉ huy truy sát tàn binh Tyrol. Sau mấy giờ chiến đấu, thật ra không thể gọi là chiến đầu mà phải gọi là đan phương diện đồ sát, cuối cùng liên quân Latium – Trento cũng giải quyết được toàn bộ tàn quân trong thành. Tiếp đó là công tác thu nhặt chiến lợi phẩm. Đinh An Bình trị quân rất nghiêm, nghiêm cấm tất cả sĩ binh thu nhặt chiến lợi phẩm trong lúc đang chiến đấu, ai vi phạm lập tức trảm thủ. Do vậy mà khi chiến đấu kết thúc, công tác thu nhặt chiến lợi phẩm mới bắt đầu. Sĩ binh sẽ được phân chia chiến lợi phẩm tùy vào công lao.
Đến tận chiều tối, công tác thu nhặt chiến lợi phẩm và kiểm kê các kho tàng của Tyrol thành bảo mới cơ bản hoàn thành. Không hổ là cứ điểm chuẩn bị cho cuộc xâm chiếm Trento của Công tước Áo, trong các kho tàng của thành bảo có rất nhiều quân lương vật tư. Đinh An Bình thu lấy 1 phần 3, còn lại để cho quân đội Latium và Trento chia nhau.
Sau khi tiêu diệt được Tyrol thành bảo, Đinh An Bình cắt ra 10 vạn quân, phối hợp cùng quân đội Latium và Trento chia thành 10 đạo, đi tấn công các lĩnh địa quanh đó, để hoàn toàn kiểm soát Tyrol trước khi tiếp tục đông chinh. Mỗi đạo quân gồm 1 vạn quân Thần Thánh Đế quốc, 1.000 quân Latium và 300 quân Trento (làm hướng đạo).
Cuối tháng 3, toàn bộ lĩnh thổ Tyrol đã được bình định, toàn bộ quý tộc – địa chủ hay những quý tộc có tư binh đều đã bị đánh dẹp. Chỉ có một số ít nhanh chân chạy sang công quốc Bavaria ở phía bắc hay cộng hòa Venice ở phía nam lánh nạn. Ngoài ra, rất nhiều tiểu quý tộc không thân không thế đã được Đinh An Bình triệu kiến, xem xét lưu dụng. Dù sao thì những vùng đất mới chiếm lĩnh cũng cần có người cai trị.
Chương 104 : CHIẾN DỊCH SALZBURG (1)
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.519 (Đinh Dậu, 1417). Mùa hạ, tháng 4.
Sau khi đã chiếm lĩnh và bình định hoàn toàn Tyrol, liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento tiếp tục đông chinh, hướng về Salzburg, nơi liên quân Áo – Bavaria – Bohemia đang tập họp. Đinh An Bình quyết định đánh nhanh thắng nhanh, không thể để kéo dài, nếu không viện quân từ các công quốc thuộc Đế quốc La – Đức kéo đến thì muốn tiêu diệt hoàn toàn địch quân sẽ phiền phức hơn rất nhiều. Salzburg nằm ngay giao giới giữa Áo, Bavaria và Tyrol, có một vị trí chiến lược quan trọng. Đinh An Bình quyết định chiếm nơi đó, làm bàn đạp uy hiếp cả Áo và Bavaria, thậm chí cả Bohemia ở phía bắc.
Salzburg là một Tổng giáo phận của Giáo hội Công giáo La Mã, là lĩnh địa của Vương tử - Giám mục Tổng giáo phận (Prince – Archbishopric). Thời Charlemagne Đại đế, Giám mục Tổng giáo phận Salzburg là Arno de Salzburg rất được Đại đế tôn trọng, giao cho quyền cai trị và truyền giáo ở Salzburg, tức là cai quản cả việc đạo lẫn việc đời ở đấy, trở thành một lĩnh chủ phong kiến. Sau này, trong các cuộc tranh chấp giữa Giáo hội Công giáo La Mã với Thánh Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần Thánh xem Đức Thánh Cha (Papal) và Thánh Hoàng đế (Saint Emperor) ai có địa vị cao hơn, khi ưu thế nghiêng về phía Thánh Hoàng đế, thì các Giám mục Tổng giáo phận Salzburg đã bị trục xuất, giam cầm hoặc lưu đày. Thậm chí thành phố còn bị Bá tước xứ Plain trung thành với Thánh Hoàng đế phá hủy vào năm 1167, và Salzburg đã bị sát nhập vào công quốc Bavaria vốn do con em hoàng tộc cai trị. Sau các cuộc hòa giải giữa song phương, Giám mục Tổng giáo phận Salzburg là Eberhard de Regensberg đã có thể trở lại truyền giáo vào năm 1200, nhưng quyền lực không còn được như trước nữa.
Người Việt có sự hiểu lầm trong các chức vụ của Giáo hội Công giáo La Mã. Người Việt thường cho rằng chức vụ cao nhất là Giáo hoàng, rồi đến Hồng y giáo chủ, các Tổng giám mục và Giám mục, dưới nữa mới đến Linh mục, Phó tế. Thật ra thì đó là cách dịch các chữ Pope (hay Papal, dịch là ‘Đức Cha’, ‘Đức Thánh Cha’ thì chính xác hơn, bởi gốc của nó là chữ ‘papa’ trong tiếng Latinh, có nghĩa là ‘cha’), Cardinal (có thể được dịch thành ‘yếu tố thuộc bản chất, nền tảng, hay trụ cột’, gốc từ chữ ‘cardo’ trong tiếng Latinh, có nghĩa là ‘bản lề’, ‘khớp nối’ hay ‘điểm mấu chốt’, người Việt dịch là ‘Hồng y’ dựa theo màu sắc y phục), Archbishop (Giám mục Tổng giáo phận), Bishop (Giám mục Giáo phận), Priest (Linh mục), và Deacon (Phó tế). Thật ra thì Giáo Hội Công giáo La Mã chỉ có 3 hàng giáo phẩm là Giám mục, Linh mục và Phó tế.
1. Giám mục : là những mục tử kế vị các thánh Tông đồ, các vị này có đầy đủ quyền năng và uy phong như nhau, kể cả Đức Thánh Cha. Nhưng vì Đức Thánh Cha là vị Tông đồ trưởng - là vị thủ lĩnh các Tông đồ (thủ lĩnh mục tử đoàn chiên chúa) nên có địa vị và quyền hạn cao hơn. Các vị Giám mục đứng đầu Linh mục đoàn, cai quản các giáo phận. Các giáo phận này có những giáo phận lớn quản lý các giáo phận nhỏ hơn ở xung quanh, được gọi là Tổng giáo phận. Các Giám mục Tổng giáo phận có địa vị cao hơn các Giám mục Giáo phận. Và trong Giáo hội Công giáo La Mã có 8 Tổng giáo phận quan trọng nhất (Roma và 7 Tổng giáo phận xung quanh), nên các vị Giám mục cai quản các Tổng giáo phận đó sẽ có địa vị cao nhất. Đứng đầu là Giám mục Tổng giáo phận Roma (tức Pope, Đức Thánh Cha); kế đó là Giám mục Tổng giáo phận Ostia (Hồng y niên trưởng, đứng đầu Hồng y đoàn); sau đó là các Giám mục Tổng giáo phận Palestrina, Albano, Frascati, Porto Santa Rufina, Sabina Poggio Mirteto và Velletri Segni. Các vị Giám mục Tổng giáo phận này (trừ Đức Thánh Cha) được gọi là Hồng y Giám mục. Các Giám mục Tổng giáo phận khác được mặc Hồng y thì được gọi là Hồng y Linh mục, còn các Hồng y cai quản các cơ quan ở Tòa thánh Vatican thì được gọi là Hồng y Phó tế.
2. Linh mục : là những người phụ tá theo đúng nghĩa của các Giám mục. Các vị linh mục phải tuân thủ hoàn toàn theo luật độc thân, tiết dục và khó nghèo. Linh mục công giáo luôn luôn là nam, và chưa hề có tiền lệ là phụ nữ. Các linh mục được làm Thánh lễ cũng như các bí tích khác khi có sự chuẩn y của Giám mục. Linh mục cai quản một ‘giáo xứ’. Khi hội đủ những điều kiện cần và đủ, mọi linh mục đều có thể được phong Giám mục.
3. Phó tế : là những người phụ tá cho Linh mục.
Sở dĩ chức vụ lớn nhất trong Giáo hội chỉ là Giám mục, là vì sau khi Đức Jesu qua đời, các môn đệ của Ngài, tức 12 vị Thánh Tông đồ, đã đi các nơi truyền giáo. Saint Peter (người Việt gọi là Thánh Phêrô) đã đứng đầu Công đồng Jerusalem, rồi đến làm Giám mục Antioh, sau lại đến Roma thành lập giáo đoàn tiên khởi, nguồn gốc của Giáo hội Công giáo La Mã ngày nay. Do Thánh Peter chỉ là Giám mục, các Đức Thánh Cha kế vị Thánh Peter không thể có chức vụ cao hơn Ngài. Vì vậy, chức vụ đầy đủ của Đức Thánh Cha là ‘Giám mục Tổng giáo phận Roma, thủ lĩnh mục tử đoàn chiên chúa’, là chức vụ do Thánh Peter truyền lại.
Lại nói về xứ Salzburg, Đức Giám mục Tổng giáo phận không còn nhiều quyền lực, phải chịu phụ thuộc vào Công tước xứ Bavaria, tình thế rất không hay. So ra thì George I de Trento may mắn hơn nhiều. Cả hai đều là Vương tử - Giám mục, nhưng vì lĩnh địa Trento chưa bị Công tước Áo xâm chiếm, nên George I de Trento có nhiều quyền tự chủ hơn. Nhưng dù sao thì Đức Giám mục Tổng giáo phận Salzburg cũng vẫn là người có nhiều uy tín nhất ở đấy. Do vậy, khi đại quân tiến vào Salzburg, George I de Trento đến gặp Đinh An Bình đề nghị :
- Đại vương. Ta với Eberhard III de Neuhaus, Giám mục xứ Salzburg, có ít nhiều quen biết. Ta có thể vận động Eberhard III de Neuhaus kêu gọi dân chúng Salzburg ủng hộ chúng ta, chống lại liên quân Áo – Bavaria – Bohemia.
Đinh An Bình nhớ đến mật chỉ của Thánh hoàng, mỉm cười hỏi :
- Ông ấy có yêu cầu gì không ?
Thấy Đinh An Bình đã biết mình có liên hệ với Eberhard III de Neuhaus, George I de Trento ngượng ngùng nói :
- Hồi bẩm Đại vương. Ông ấy chỉ hy vọng Đại vương cho phép ông ấy được ở lại Salzburg tiếp tục chăm lo cho giáo dân.
Đinh An Bình khẽ cười. Xem ra cả Ngài Giám mục cũng không nhìn thấy liên quân Áo – Bavaria – Bohemia có hy vọng chiến thắng. Cũng phải thôi. Cả ba công quốc khẩn cấp họp quân cũng chỉ huy động được hơn 5 vạn người, trong đó có đến quá nửa là nông dân mới bỏ cuốc cày cầm vũ khí.
Suy nghĩ giây lát, Đinh An Bình gật đầu nói :
- Được rồi. Bản vương chấp thuận. Nếu ông ấy lập được đại công, bản vương còn có thể cho kiêm quản cả quân chính đại quyền của Salzburg.
George I de Trento cả mừng nói :
- Đại vương yên tâm. Ta sẽ đích thân đi lo việc này, bảo đảm hoàn mỹ hoàn thành nhiệm vụ.
Đinh An Bình mỉm cười :
- Bản vương chờ tin mừng của ngươi.
Đại quân tiếp tục tiền tiến. George I de Trento rời khỏi đại quân, đi lo liên lạc với Eberhard III de Neuhaus, Giám mục Tổng giáo phận Salzburg.
…
Bên bờ sông Salzach, xứ Salzburg.
Dưới ánh thái dương chói chang, không khí bắt đầu nóng dần lên. Sĩ binh đi dưới ánh dương quang chỉ lưu lại những bóng dài và phát ra những hơi thở dồn dập. Những đoàn quân đang khẩn trương tiến về Salzburg. Hàng đoàn người đi trong mệt mỏi, tay vẫn chưa quen cầm vũ khí, dáng vẻ thiểu não, mồ hôi nhễ nhại, trông cứ như một đám bại binh. Đây đó lại nghe thấy nhiều tiếng quát tháo :
- Hừ. Đám dân đen kia, đi nhanh lên. Đi nhanh nữa lên.
- Sao lại dừng lại ? Muốn chết phải không ? Tiếp tục đi.
- Tên kia. Sao kéo lê vũ khí dưới đất. Cầm thẳng lên. Nhanh.
…
Xen lẫn vào đó là những tiếng roi đánh vào da thịt chan chát. Đoàn quân tuy đông đến 2 vạn người, nhưng xem chừng không có chút sĩ khí nào hết. Đó chính là đạo quân của Công tước xứ Bavaria tiếp viện cho Công tước Áo. Quân tinh nhuệ của Bavaria đã tiêu hao phần lớn trong chiến dịch Pavia cùng với quân đội của Hoàng đế Sigismund de Luxembourg, giờ chỉ còn lại một ít phải phụ trách bảo vệ lĩnh địa. Do đó, Công tước xứ Bavaria đã trưng tập nông dân, phát cho vũ khí rồi đẩy ra chiến trường.
‘Đại quân’ Bavaria đang khẩn cấp hành quân. Các tướng lĩnh Bavaria đang tụ tập lại than vãn càu nhàu vì phải hành quân giữa trời nắng chói chang thế này. Chủ soái thì đang vừa bực bội vì hiện tình quân đội, vừa lo lắng cho cuộc chiến sắp tới. Tóm lại, quân tướng Bavaria đều có tâm trạng không được tốt.
Quân đội cứ thế tiền tiến. Bá tước Friedrich Martin de Augsburg, thống soái quân Bavaria, ngồi trên chiến mã, đang nhíu mày nghĩ ngợi, thì chợt có viên cận tướng, Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch, chạy đến trước mặt, bẩm báo :
- Bá tước đại nhân. Phía trước phát hiện đại đội địch quân đang cướp phá các thôn trấn, quân số ước khoảng 2.000 người, thỉnh Bá tước đại nhân định đoạt.
Bá tước Friedrich Martin de Augsburg nhíu mày hỏi :
- Có nhìn thấy cờ hiệu của địch quân hay không ?
Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch bẩm báo :
- Hồi bẩm Bá tước đại nhân. Địch quân mang cờ hiệu của Trento.
Bá tước Friedrich Martin de Augsburg cả mừng nói :
- Tốt. Truyền lệnh quân đội thẳng tiến, tấn công địch quân, bảo vệ dân chúng.
‘Đại quân’ được lệnh khẩn cấp hành quân, quyết không được để lỡ chiến cơ.
_______________________________________________
Chương 105 : CHIẾN DỊCH SALZBURG (2)
Lại nói, khi được tin báo phát hiện tung tích quân đội Trento đang cướp phá ở phía trước, Bá tước Friedrich Martin de Augsburg truyền lện ‘đại quân’ thẳng tiến, kéo tới tấn công địch quân. Bá tước Friedrich Martin de Augsburg sợ quân đội Thần Thánh Đế quốc, e ngại quân đội Latium, chứ không sợ quân đội Trento. Trong ý nghĩ của Bá tước, quân đội Trento còn kém hơn cả liên quân Áo – Tyrol, không có gì phải sợ hết.
‘Đại quân’ Bavaria nhanh chóng kéo đến thôn trấn trước mặt, hội ngộ cùng quân đội Trento. Thấy đối phương đông hơn gấp 10 lần, quân Trento không dám ứng chiến, vội vã tháo chạy về phía nam. Bá tước Friedrich Martin de Augsburg thấy vậy, vội thúc quân đuổi theo, còn ngồi trên chiến mã quất roi cười lớn nói :
- Chuyến đi săn này, nhất định thắng lợi. Công tước đại nhân sẽ thấy ta vừa ra quân đã chiến thắng. Ha ha ha.
Đưa mắt nhìn quang cảnh bờ sông, Bá tước Friedrich Martin de Augsburg lại nói tiếp :
- Chuyến này truy sát địch quân, nhân tiện thưởng thức phong cảnh bên sông Salzach, thật là một công đôi việc. Ha ha ha.
Tuy hứng khởi trong lòng, nhưng Bá tước Friedrich Martin de Augsburg cũng không phải là hạng hữu dũng vô mưu, nhìn thấy sĩ khí quân đội không cao, liền quay sang bảo viên cận tướng, Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch :
- Truyền lệnh của ta. Đại quân tăng tốc truy sát địch quân. Địch quân vừa mới cướp phá xong, chắc chắn sẽ có rất nhiều tài vật. Thông báo cho binh sĩ, chiến lợi phẩm do người nào giành được sẽ thuộc về người đó.
Bá tước Friedrich Martin de Augsburg chỉ cần chiến công, không cần chiến lợi phẩm. Thật ra thì Bá tước cũng không đánh giá cao số tài vật mà địch quân cướp được. Chỉ là các thôn trấn nghèo khổ, có gì đáng giá đâu mà cướp. Nếu như địch quân cướp phá một thành thị hay một đại lĩnh địa, chiến lợi phẩm phong phú thì Bá tước đã không truyền lệnh như vậy.
Mệnh lệnh truyền xuống, ba quân hoan hô vang dội. Có động lực, ai nấy càng chạy nhanh hơn, khoảng cách với địch quân ở phía trước cũng rút ngắn lại dần. Binh sĩ thấy có hy vọng, nên lại càng hăng hái. Nông dân bị lĩnh chủ trưng tập gia nhập quân đội, không hề được trả lương, do đó bọn họ chỉ còn biết hy vọng vào chiến lợi phẩm.
Truy đuổi hơn nửa ngày, mọi người bắt đầu nhìn thấy có nhiều vật tư, vũ khí rơi vãi trên đường, xem ra địch quân vì hối hả tháo chạy nên làm rơi rớt. Quân Bavaria hăng hái tranh cướp, rồi lại hăng hái truy đuổi, không cần các tướng lĩnh thúc giục mà ai nấy đều rất tích cực. Nhiều người nhìn thấy địch quân ở phía trước tay bao tay bị, mang xách nhiều thứ, lòng tham làm đỏ hồng cả mắt, điên cuồng đuổi theo, quên cả mệt mỏi đói khát.
Nhìn thấy địch quân chạy thẳng về phía rừng núi trước mặt, Bá tước Friedrich Martin de Augsburg như nhìn thấy chiến công trước mắt, tiếng quát tiếng cười vang vọng nơi sơn dã :
- Ha ha ha. Địch quân sắp hết đường chạy rồi. Mọi người gắng sức lên.
Song phương truy đuổi cả ngày, cuối cùng đại đội quân Trento chạy vào trong một sơn cốc. Đó là một sơn cốc vô danh nằm ngoài rìa của khu vực núi non Trung Alps (Central Alps), ở về phía nam Salzburg. Khi đến trước cửa sơn cốc, Bá tước Friedrich Martin de Augsburg giật cương dừng lại, ngần ngừ không dám tiến vào. Viên cận tướng, Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch, thấy thế liền nói :
- Bá tước đại nhân. Khu vực này xem ra hung hiểm, nên đề phòng địch nhân có âm mưu quỷ kế.
Bá tước Friedrich Martin de Augsburg hừ lạnh một tiếng, nói :
- Ta lẽ nào không biết ?
Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch vội khom lưng nói :
- Bá tước đại nhân. Chúng ta có cần phái người vào bên trong thám thính hay không ?
Bá tước Friedrich Martin de Augsburg khen phải, nói :
- Ngươi hãy suất lĩnh 1.000 quân vào bên trong thám thính tình hình.
Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch nghe nói thế, nhất thời toàn thân run rẩy, chút nữa là đã rơi xuống ngựa. Gã ta thân thể hồng hào mập mạp, chưa từng tham gia chiến tranh, đừng nói là chém giết, sở trường duy nhất là nịnh nọt làm vui lòng chủ tướng, nói không dễ nghe thì là tham sống sợ chết. Lần này chủ tướng phái gã vào trong thám thính tình hình địch quân, có phải là muốn lấy mạng gã hay không. Gã ấp úng nói :
- Bá tước đại nhân. Thuộc hạ nhất thời cảm mạo, hay là phái người khác đi được không ?
Bá tước Friedrich Martin de Augsburg trừng mắt nhìn gã, lạnh lùng nói :
- Hừ. Bảo ngươi đi thì ngươi cứ đi. Việc gì cứ nhiều lời như thế !
Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch thấy Bá tước sắc diện âm trầm, nghĩ đến tính cách hung bạo, thường xuyên đánh đập gia nhân, thuộc hạ của Bá tước, không khỏi ớn lạnh, vội vàng nói :
- Vâng ạ. Thuộc hạ đi ngay. Thuộc hạ đi ngay.
Nói xong gã ta vội vã giục ngựa chạy đi, kiểm điểm binh mã tiến vào trong sơn cốc.
Ánh dương xế bóng, gió thổi hiu hiu.
Đội tiên phong của quân Bavaria chầm chậm tiến vào trong sơn cốc, vừa đi vừa cẩn thận quan sát tứ phía, sợ kinh động địch quân. Địch quân đông đến 2.000 người, đông gấp đôi bọn họ. Nếu làm kinh động, địch nhân kéo ra vây đánh, thì dù đại quân bên ngoài có kéo vào cứu viện, không ít người trong số bọn họ cũng sẽ phải vĩnh viễn vùi thân ở đây. Có lẽ Bá tước đại nhân phái bọn họ vào đây làm mồi dụ địch chăng ? Mọi người đều nghĩ vậy. Số phận của con mồi sẽ chẳng hay ho gì. Do đó mọi người đều chẳng mấy tích cực.
Trong đội quân, Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch cưỡi ngựa đi sau cùng, sắc diện tái nhợt, toàn thân run rẩy, xem chừng ngồi yên được trên lưng ngựa là đã cố sức lắm rồi. Với bộ dạng như thế, nếu gặp phải địch quân thì làm sao chiến đấu. Fränkische Schweiz, Hiệp sĩ lĩnh quân, khinh miệt nhìn Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch một lượt, khẽ hừ một tiếng. Bọn họ rất xem thường loại người như Nam tước, chỉ biết nịnh nọt, chiến đấu thì không ra gì. Nếu không phải có mệnh lệnh của Bá tước đại nhân, bọn họ sẽ chẳng thèm lý đến Nam tước. Hồi lâu, Hiệp sĩ Fränkische Schweiz không nhịn được nữa, giục ngựa lại gần nói :
- Nam tước đại nhân. Hay là đại nhân chờ ở đây, để chúng ta vào bên trong do thám, rồi sẽ ra đây hồi báo với đại nhân, được không ?
Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch trong lòng mừng thầm, nhưng ngoài mặt vẫn cố nói cứng :
- Như thế … như thế e rằng không tiện. Cùng đi. Chúng ta hãy cùng đi.
Hiệp sĩ Fränkische Schweiz càng cảm thấy gã ta đáng ghét, muốn đi cho khuất mắt, nhưng vì sự an toàn của bản thân và thủ hạ, tốt nhất không nên đưa Nam tước đi theo, liền vội nói :
- Không sao đâu ! Chúng ta chỉ vào bên trong xem xét một lúc. Nam tước đại nhân cứ ở đây chờ tin tức của chúng ta.
Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch khẽ thở phào, nói :
- Như vậy đành làm phiền mọi người rồi.
Thế là Hiệp sĩ Fränkische Schweiz dẫn thủ hạ tùy tùng và binh sĩ vào bên trong thám thính. Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch ở lại đó chờ đợi. Lát sau, gã nghe bên trong có nhiều tiếng hò hét quát tháo, giây lát lại thấy quân thám thính chạy ngược trở ra. Gã kinh hãi, vội giục ngựa chạy theo, đến bên Hiệp sĩ Fränkische Schweiz, hỏi :
- Tình hình bên trong thế nào ?
Hiệp sĩ Fränkische Schweiz đáp :
- Địch quân đang xây dựng các công trình phòng ngự bên trong, có lẽ định cố thủ chờ viện quân.
…
Bên ngoài sơn cốc, Bá tước Friedrich Martin de Augsburg chờ đợi hồi lâu, có vẻ ngồi đứng không yên. Trong khi đó thì chúng sĩ binh đều ngồi bệch cả dưới đất nghỉ ngơi. Sau cả ngày truy đuổi, giờ đây ai nấy cũng đều cảm thấy mệt mỏi. Binh sĩ phải chạy bộ bằng hai chân chứ không được cưỡi ngựa như Bá tước và các tướng lĩnh, Hiệp sĩ. Bá tước thấy vậy, tuy trong lòng bực bội, nhưng cũng đành chịu.
Một gã Hiệp sĩ thân tín của Bá tước đối Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch rất không tín nhiệm, đến bên Bá tước nói :
- Bá tước đại nhân. Bọn họ vào bên trong đã lâu, đúng ra phải quay ra rồi, trừ khi có biến cố gì đó ?
Bá tước Friedrich Martin de Augsburg cười nhạt nói :
- Không sao đâu ! Ít ra cũng sẽ chạy ra được đôi ba người chứ !
Gã Hiệp sĩ thân tín nghe giọng lạnh lùng của Bá tước, bất giác cảm thấy lạnh cả xương sống. Hơn nghìn người a. Vào bên trong sơn cốc thám thính đến hơn cả nghìn người, Bá tước hy vọng sẽ có đôi ba người chạy ra được để mang tin tức ra. Vậy hóa ra … Gã ta thoáng rùng mình, không dám nói gì thêm nữa. Giữa lúc đó, gã chợt nghe Bá tước nói :
- Xem kìa. Bọn họ ra rồi. Hừm … Còn nhiều hơn so với sự tưởng tượng của ta !
Gã Hiệp sĩ thân tín nghe nói, lại rùng mình, quay nhìn về phía cửa sơn cốc, quả thực nhìn thấy đội tiên phong đã quay trở ra, nhân số tuy có giảm bớt, nhưng không đến một thành. Đa số binh sĩ chạy ra đến ngoài này đều ngồi bệch xuống đất thở dốc. Hiệp sĩ Fränkische Schweiz cùng với Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch giục ngựa đến chỗ Bá tước Friedrich Martin de Augsburg bẩm báo địch tình.
Chương 106 : CHIẾN DỊCH SALZBURG (3)
Lại nói, khi ra đến bên ngoài sơn cốc, tuy nhân số có giảm bớt, nhưng không đến một thành, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. Trước tình cảnh hiểm nghèo như thế, chạy thoát được ra ngoài này đã là may mắn lắm rồi. Đa số binh sĩ chạy ra đến ngoài này đều ngồi bệch xuống đất thở dốc. Hiệp sĩ Fränkische Schweiz cùng với Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch giục ngựa đến chỗ Bá tước Friedrich Martin de Augsburg bẩm báo địch tình. Hiệp sĩ Fränkische Schweiz hướng về Bá tước hành lễ Hiệp sĩ, nói :
- Bá tước đại nhân. Bọn thuộc hạ đã thám thính rõ tình hình trong sơn cốc, nên quay ra bẩm báo với Bá tước đại nhân.
Bá tước Friedrich Martin de Augsburg gật đầu bảo :
- Từ từ mà nói !
Hiệp sĩ Fränkische Schweiz còn chưa kịp bẩm báo thì Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch đã giành nói :
- Bá tước đại nhân. Địch quân tập trung ở phía trong sơn cốc, đang cố thủ chờ chết. Đại quân của chúng ta có thể tập trung lực lượng tiêu diệt bọn chúng.
Bá tước Friedrich Martin de Augsburg đưa mắt nhìn Hiệp sĩ Fränkische Schweiz, gã liền vội gật đầu. Bọn họ vào trong sơn cốc thám thính, đụng độ với quân Trento, bị đánh bật trở ra. Do nhân số ít hơn nhiều nên bọn họ cũng không dám tiến vào sâu, chỉ quan sát sơ bộ tình hình rồi quay ra bẩm báo, chờ Bá tước đại nhân định đoạt. Bá tước Friedrich Martin de Augsburg nghe báo, trong lòng cao hứng, truyền lệnh :
- Tốt lắm. Đại quân tiến vào sơn cốc, tiêu diệt địch quân.
Bá tước Friedrich Martin de Augsburg lúc này ‘hùng tư anh phát, khí thế phi phàm’, xem chừng thắng lợi đã nắm chắc trong tay. ‘Đại quân’ Bavaria dưới sự thống lĩnh của Bá tước hùng hổ tiến vào trong sơn cốc. Sau một hồi nghỉ ngơi, binh sĩ phần nào đã lấy lại sức, và khi nghĩ đến chiến lợi phẩm, ai nấy đều trở nên tích cực hơn.
Đi sâu vào giữa sơn cốc mà vẫn chưa thấy tung tích địch quân đâu, Bá tước Friedrich Martin de Augsburg quay sang hỏi Hiệp sĩ Fränkische Schweiz :
- Địch quân ở chỗ nào ?
Hiệp sĩ Fränkische Schweiz nói :
- Bá tước đại nhân. Qua khỏi khúc quanh phía trước có một khu rừng, địch quân ẩn náu bên trong khu rừng đó.
Bá tước Friedrich Martin de Augsburg gật đầu nói :
- Truyền lệnh của ta, toàn quân xung phong, toàn lực tiêu diệt địch quân. Chiến lợi phẩm tự ý xử lý.
- Xung phong !
‘Đại quân’ Bavaria toàn lực xung phong, do nghĩ đến ‘tương lai tươi sáng’, toàn thể binh sĩ tướng lĩnh đều tranh nhau chạy trước, bởi ai đi trước thì có cơ hội chiếm lấy chiến lợi phẩm nhiều hơn. Bá tước đại nhân đã cho phép tự ý xử lý chiến lợi phẩm kia mà. Ai giành được thì đương nhiên sẽ thuộc về người đó.
Đột nhiên …
Một tiếng pháo hiệu chấn động cả sơn cốc, rồi tiếng reo hò vang dậy đất trời. Tiếp đó là vô số gỗ đá từ hai bên vách núi ném xuống, vô số cung tên từ các hướng bắn ra, cùng với những tiếng kêu la gào khóc thảm thiết, liên miên bất tuyệt. Quân Bavaria đã rơi vào vòng phục kích.
Hai vạn quân Bavaria chen chúc nhau bên trong một đoạn hẹp của sơn cốc, hai đầu đã bị gỗ đá lấp kín, hai bên vách núi lại có vô số cung tên liên tục bắn xuống, nhất thời tổn thương thảm trọng. Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch bị một hòn đá to bằng nắm tay ném trúng đầu, rơi xuống ngựa, hôn mê bất tỉnh. Bá tước Friedrich Martin de Augsburg thì may mắn hơn, bản thân không sao, nhưng chiến mã thì bị trúng tên, hất văng Bá tước xuống đất, rồi được chúng thân binh bảo hộ nên Bá tước tạm thời vẫn còn an toàn. Bá tước vừa kinh vừa sợ, không ngừng quát tháo :
- Tản ra. Mau tản ra.
Bá tước cố gắng chỉ huy quân đội tổ chức phòng ngự. Chỉ đáng tiếc hình thế cực kỳ hỗn loạn, tiếng kêu la gào khóc, tiếng hò hét quát tháo vang dậy khắp nơi, không ai nghe Bá tước chỉ huy nữa. Chẳng mấy chốc là thanh âm của Bá tước bị nhấn chìm bởi vô số những thanh âm hỗn loạn khác. Trước tình cảnh đó, Bá tước chỉ còn biết ôm đầu tuyệt vọng, than thở :
- Thôi rồi ! Thôi hết rồi !
Vô số gỗ đá, cung tên từ hai bên vách núi bắn xuống như mưa, nhanh chóng nhấn chìm binh tướng Bavaria dưới sự tuyệt vọng vô biên. Không ngừng có người trúng gỗ đá, bất tỉnh. Không ngừng có người trúng tên, thương vong. Lại càng có nhiều người tử thương do giẫm đạp lẫn nhau. Tiếng kêu khóc vang vọng khắp sơn cốc, rất lâu không tản. Máu tươi nhiễm hồng cả mặt đất. Sơn cốc bị biến thành một chốn nhân gian địa ngục. Thật là :
Cờ mở gió bay,
Trống động trời lay.
Gió bắc ào ào,
Phục binh tứ phía.
Chủ tướng khinh địch,
Rơi vòng phục kích.
Dạ phải hãi hùng,
Mạng thành đê tiện.
Sơn cốc hoang vu,
Bóng người chen chúc.
Đường lối quanh co,
Núi non cao ngất.
Ngọn gió lạnh lùng,
Nắng chiều hiu hắt.
Tên bắn như mưa,
Máu tuôn đầy đất.
Giữa cảnh hỗn loạn đầy tuyệt vọng đó, quân Bavaria chợt nghe bốn phía có nhiều tiếng hô vang :
- Đầu hàng tha chết. Đầu hàng tha chết.
Tiếp đó, đối phương tạm thời ngừng tấn công. Quân đội Bavaria là quân nông dân, hay nói rõ hơn chính là nông dân mới bỏ cuốc cày, tay vẫn chưa quen cầm vũ khí, nên chẳng có sĩ khí hay lòng trung thành gì đáng kể, giữa cảnh tuyệt vọng này, thấy có cơ hội sinh tồn liền đua nhau ném bỏ vũ khí, giơ tay xin hàng. Sau cùng, đến ngay cả các tướng lĩnh và Hiệp sĩ cũng hạ vũ khí đầu hàng. Bị rơi vào đường cùng thế này, bọn họ có muốn chống cự cũng chỉ uổng mạng vô ích. Đối phương chỉ ở trên hai bên vách núi ném gỗ đá hay bắn tên xuống chứ có chịu cùng bọn họ giao chiến đâu. Bọn họ có muốn dùng mạng đổi mạng cũng không được.
Phụ trách dụ địch là quân đội Trento, còn phụ trách phục kích là quân đội Latium. Khi thấy đối phương đã hạ vũ khí đầu hàng, liên quân Latium – Trento liền rời chỗ phục kích, xuống tiếp thu hàng binh, giải quyết chiến trường. Đáng thương cho quân đội nông dân Bavaria, mới trở thành binh sĩ chưa bao lâu, tay vẫn chưa cầm chắc vũ khí thì đã biến thành tù binh. Kiểm điểm chiến quả, quân Bavaria tử trận hơn 5.000 người, thọ thương hơn vạn, chỉ có chưa đến 3.000 người là còn lành lặn.
Người đông thế mạnh, liên quân Latium – Trento chỉ mất một ngày để xử lý chiến quả. Hôm sau, liên quân rời sơn cốc, áp giải tù binh và chiến lợi phẩm quay về cùng đại quân. Theo ý của Đinh An Bình, tù binh thì liên quân phải giao nộp lên, còn chiến lợi phẩm thì bọn họ có thể tự chia nhau. Tuy là quân nông dân, tài sản không có gì nhiều (nếu không muốn nói là không có gì), nhưng ai cũng có vũ khí, mà vũ khí có thể chuyển thành tiền; đặc biệt là chiến mã, khôi giáp của các Hiệp sĩ thì lại càng đáng giá.
Mấy ngày sau, đại quân hội họp, áp sát Salzburg, thủ phủ của lĩnh địa. Lúc này, 2 vạn quân Áo và 1 vạn quân Bohemia đã hội họp ở đấy. Khi hay tin đạo viện quân Bavaria đã toàn diệt, cả bọn chấn động, không dám xuất thành ứng chiến, chỉ cố thủ trong thành rồi gửi thư về Công tước Áo và Hoàng đế Sigismund de Luxembourg (kiêm quốc vương Bohemia) xin thêm viện binh. Dùng 3 vạn quân ô hợp (không ít là nông dân mới bị trưng tập) chống lại hơn 20 vạn quân tinh nhuệ của đối phương, ngay cả bọn họ cũng không dám tự tin có thể kháng cự nổi, đừng nói là phải đánh lui đối phương.
Liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento đến dựng doanh trại phía ngoài thành bảo thủ phủ của Salzburg. Đinh An Bình gọi George I de Trento đến, hỏi :
- Liên hệ với Eberhard III de Neuhaus thế nào rồi ?
George I de Trento nói :
- Đại vương yên tâm. Mọi sự đâu vào đấy cả rồi. Ông ấy đã sẵn sàng phối hợp đại quân.
Đinh An Bình mỉm cười nói :
- Tốt lắm. Lần này ngươi hãy cố lập nhiều quân công. Bản vương sẽ tâu với Thánh hoàng sát nhập Tyrol vào Trento để thành lập một tân vương quốc.
Lĩnh thổ của Tyrol và Trento hợp lại đã lớn hơn cả Sicily và Sardinia, gấp 3 lần Corsica. Ba xứ đó còn là vương quốc được thì tân Trento cũng có thể thành lập vương quốc. George I de Trento nghe nói cả mừng, vội nói :
- Đại vương yên tâm. Quân đội Trento sẽ hết lòng giúp Đế quốc chinh phạt nghịch tặc.
Ở Âu châu, có gì sung sướng hơn khi có thể trở thành quốc vương. Ngôi vị quốc vương không chỉ đại biểu cho quyền lực, mà còn là một loại vinh dự, tượng trưng cho thân phận. Ở Âu châu, công tước, hầu tước, thậm chí vương tử, thân vương vô số, nhưng có mấy ai có thể trở thành quốc vương. Thời Trung Cổ, nhiều vương tử, đại công tước ở Đế quốc La – Đức muốn trở thành quốc vương, nhưng phải chờ đến khi quyền lực của các Thánh Hoàng đế suy yếu, mới có thể dùng uy bức lợi dụ, ép buộc Thánh Hoàng đế phong cho mình làm quốc vương, mà cũng không có mấy người thành công. Quốc vương, vương quốc khi đối diện công tước, công quốc tự nhiên có được tiên thiên ưu thế, giống như người Trung Hoa có câu “Quan đại nhất cấp áp tử nhân”.
An phủ George I de Trento đang tâm tình kích động, Đinh An Bình trao cho lão một chiếc túi gấm, nói :
- Cứ theo đó thi hành.
Sau đó, Đinh An Bình lại truyền lệnh cho binh sĩ nghỉ ngơi dưỡng sức, chuẩn bị cho đại chiến.
Chương 107 : CHIẾN DỊCH SALZBURG (4)
Salzburg. Hohensalzburg thành bảo.
Hohensalzburg trong tiếng Đức có nghĩa là ‘Salzburg cao’ (High Salzburg). Hohensalzburg thành bảo (Hohensalzburg Castle) nằm trên đỉnh Festungsberg, với chiều dài 250 mét và chiều rộng 150 mét, là một trong những thành bảo lớn nhất Âu châu thời Trung Cổ (đến nay vẫn còn di tích ở Salzburg, Áo; năm 1977, nhân kỷ niệm 900 năm Hohensalzburg, Áo có phát hành đồng tiền xu in hình Hohensalzburg thành bảo). Ngay cả Tử Cấm Thành Bắc Kinh cũng chỉ dài 961 mét, rộng 753 mét, trong khi Salzburg chỉ là một lĩnh địa nhỏ phụ thuộc vào đại lĩnh địa Bavaria thuộc Đế quốc La – Đức (tính ra Salzburg chỉ tương đương châu phủ ở Trung Hoa, dưới cả cấp tỉnh), bởi vậy mà Hohensalzburg thành bảo có diện tích như thế đã là rất rộng lớn. Đây cũng chính là nơi đóng trụ sở của chính quyền lĩnh địa Salzburg, là nơi ở của các quan chức quý tộc Salzburg và quý tộc tướng lĩnh do Bavaria phái đến, đồng thời cũng là nơi cố thủ cuối cùng của bọn họ. Bên ngoài, đại quân đối phương tràn ngập khắp nơi. Vì vậy mà liên quân Áo – Bohemia đã rút về đây cố thủ chờ viện binh. Đạo quân Bavaria đã bị đánh bại, đầu hàng mất rồi, nên giờ đây liên quân Áo – Bavaria – Bohemia thiếu mất quân đội Bavaria.
Liên quân Áo - Bohemia có 3 vạn người, chỉ là đạo tiên phong, có nhiệm vụ làm chậm bước tiến của đối phương, để các vị Công tước có thời gian chinh binh. Tất cả mọi người, không ai dám tin rằng chỉ sử dụng vài vạn quân có thể chống nổi liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento. Ngay cả tạm thời ngăn chặn cũng không thể nào ! Các vị Công tước chỉ hy vọng đạo tiên phong có thể làm chậm bước tiến của đối phương mà thôi.
Trong Hohensalzburg thành bảo, những người lĩnh đạo liên quân gồm quý tộc, quan chức, tướng lĩnh, Hiệp sĩ thủ lĩnh, … đã hội họp bàn bạc kế sách. Nhiệm vụ của bọn họ là làm chậm bước tiến của đối phương. Nhưng trước tình hình hiện tại, bọn họ đã bị buộc phải cố thủ ở đây, đối phương chỉ cần để lại vài vạn quân bao vây thành bảo, rồi vẫn có thể tiếp tục tiến quân. Đó là chưa nói đến việc đối phương đại cử tấn công, bọn họ cũng không tin rằng có thể cố thủ thành công. Nếu thế thì nhiệm vụ của bọn họ xem như đã thất bại rồi. Nghĩ đến tính cách tàn bạo, nóng giận thất thường của Công tước Ernest de Autriche Intérieure, Hầu tước Kultur de Klagenfurt chỉ huy đạo quân Áo không khỏi rùng mình lo lắng nói :
- Chúng ta phải làm sao để buộc địch quân tạm hoãn công thành. Mọi người có chủ ý gì không ?
Công tước Ernest de Autriche Intérieure (tiếng Đức : Ernst der Eiserne, tức Ernest xứ Nội Áo) là nhiếp chính cho Công tước Albert IV de Habsbourg của công quốc Áo (lúc này đã 20 tuổi). Công quốc Áo bấy giờ bao gồm các lĩnh địa Autriche (tức Austria hay Áo), Styria, Carinthia, Carniola và Tyrol; trong đó các xứ Styria, Carinthia và Carniola gọi chung là Nội Áo. Các lĩnh địa của Công tước Ernest de Autriche Intérieure chiếm đến hơn một nửa lĩnh thổ của công quốc Áo, do đó mà Công tước Ernest de Autriche Intérieure quyền khuynh cả nước, vẫn giữ quyền nhiếp chính mặc dù Công tước Albert IV de Habsbourg đã lớn.
Lo lắng của Hầu tước Kultur de Klagenfurt cũng là lo lắng chung của mọi người, bởi một khi thành bảo thất thủ thì số phận những người ở đây đều như nhau cả, không tử trận cũng sẽ trở thành tù binh. Bá tước Bände de München của quân Bohemia nói :
- Ta nghĩ ... chúng ta nên phái những tiểu đội cảm tử đi quấy nhiễu địch quân, đốt phá doanh trại, chặn đường cướp lương chẳng hạn !
Bá tước Geschichte de Regensbg thuộc Bavaria tán thành :
- Phải đó. Địch quân quá đông, mỗi ngày tiêu hao rất nhiều lương thực. Chỉ cần chúng ta cắt đứt, à không, chỉ cần phá hoại đường vận lương của địch quân, khiến địch quân thiếu lương, sẽ không còn khả năng công thành nữa.
Hầu tước Kultur de Klagenfurt khen phải nói :
- Đúng. Chúng ta chỉ cần phái các tiểu đội cảm tử xuất thành, đối chúng ta không ảnh hưởng nhiều đến khả năng thủ thành, nhưng lại gây khó khăn cho địch quân, thật là phương pháp hay.
Bá tước Geschichte de Regensbg nói thêm :
- Chỉ cần nửa tháng, chỉ cần nửa tháng thôi thì viện quân sẽ đến.
Bá tước Bände de München lại nói :
- Ta còn có ý này ... không biết ...
Mọi người chụm đầu lại, nghe Bá tước Bände de München thì thầm một hồi, rồi Hầu tước Kultur de Klagenfurt vỗ bàn nói :
- Hay. Cứ làm như thế.
Những người khác cũng đồng thanh tán thành. Tiếp đó, mọi người lập tức trở về nơi đóng quân, khẩn trương tuyển mộ cảm tử quân để thi hành kế hoạch.
…
Doanh trại của liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento. Soái trướng.
Đinh An Bình nghe viên tùy tướng của mình là Lý Tuấn Thuần bẩm báo xong, ngạc nhiên nói :
- Bị cướp lương ? Có kẻ dám chặn đường cướp lương ?
Lý Tuấn Thuần cung kính đáp :
- Vâng ạ. Chỉ trong một ngày đã xảy ra liên tiếp ba vụ.
George I de Trento lo lắng hỏi :
- Có thiệt hại gì không ?
Lý Tuấn Thuần nói :
- Đại vương rất coi trọng lương thảo, phái đại quân hộ lương, làm sao xảy ra chuyện được. Hơn nữa, đối phương mỗi nhóm chỉ có vài trăm người, tiểu đả tiểu náo thì được, đối diện 1 vạn quân tinh nhuệ, trong đó có đến 3.000 kỵ binh, thì còn làm nên việc gì !
Đinh An Bình nói :
- Xem ra đối phương định quấy nhiễu quân ta, để quân ta không còn rảnh rang công thành đây mà. Thật ra thì bọn chúng không làm thế, bản vương cũng chưa có ý định công thành lúc này.
George I de Trento hỏi :
- Đại vương cho rằng do quân Áo làm ?
Đinh An Bình nói :
- Đương nhiên. Bọn chúng không tự tin có thể cố thủ thành công, nên bày ra trò này đây mà.
Lý Tuấn Thuần lại nói :
- Khải bẩm đại vương. Địch quân sau khi cướp lương thất bại, bị truy sát, không chạy về phía Salzburg mà chạy về phía nam. Kỵ binh của quân ta đuổi đến biên giới với Venice rồi thôi. Chưa có lệnh của đại vương, kỵ binh không dám tiến vào Venice.
Đinh An Bình hỏi :
- Bọn chúng chạy vào bên trong lĩnh thổ Venice ?
Lý Tuấn Thuần đáp :
- Vâng ạ. Địch quân có 3 đội thì 1 đội bị tiêu diệt hoàn toàn, còn lại tàn binh của 2 đội kia chạy thoát được vào lĩnh thổ Venice.
Đinh An Bình hai mắt sáng lên, đột nhiên vỗ bàn, ra vẻ tức giận nói :
- Bọn Venice này thật to gan mà. Bản vương đã định tha cho bọn chúng. Nào ngờ bọn chúng còn dám cấu kết với quân Áo, cướp lương của quân ta. Thật là đáng chết !
George I de Trento ngạc nhiên hỏi :
- Đại vương cho rằng Venice và Áo có cấu kết ?
Đinh An Bình nhìn lão, mỉm cười nói :
- Bọn chúng thật sự có cấu kết hay không thì không quan trọng, miễn là có chứng cứ chứng minh bọn chúng có cấu kết là được rồi.
Đinh An Bình còn không nói thêm câu nữa : “Chỉ cần bản vương bảo có cấu kết tức là có cấu kết, còn chứng cứ, muốn có bao nhiêu mà chẳng được”. Thời buổi này, phần đúng luôn luôn nằm trong tay kẻ mạnh hơn. Giống như các trận quyết đấu giữa các Hiệp sĩ ở thời này, bất kể ai đúng ai sai, sau khi quyết đấu xong, phần đúng luôn luôn thuộc về kẻ thắng. Đó cũng là một trong những ảnh hưởng của phong khí Hiệp sĩ thời Trung cổ.
George I de Trento nghe nói, gật gù tỏ ý hiểu. Lão dù sao cũng là một Giám mục, từng đi nhiều nơi truyền giáo, tiếp xúc với nhiều hạng người, kiến thức không hạn hẹp như những quý tộc bình thường. Đinh An Bình lại bảo :
- Ngươi thông tri cho phía Venice biết, hạn trong ba ngày phải giao nộp nghịch tặc và tuyên bố tuyệt giao với Đế quốc La – Đức. Nếu không, bản vương sẽ phái quân vào Venice bắt giặc. Lời lẽ phải thật cứng rắn.
George I de Trento vâng dạ, lập tức đi lo việc tiếp xúc với phía Venice. Lão biết Đinh An Bình cần có cớ để phái quân tiến vào Venice, nên cần phải tiến hành các động tác cần thiết để giành phần phải về phía mình, ít ra cũng trên danh nghĩa. Bản thân George I de Trento cũng không ưa gì Venice. Lĩnh địa Trento nằm ngay bên cạnh nước cộng hòa Venice, có ba mặt bị Venice bao bọc, chỉ có phía bắc giáp với Tyrol. Hai nơi lại thuộc về hai chính thể khác nhau : Trento – phong kiến giáo quyền và Venice – cộng hòa nghị viện. Venice lại luôn tìm cách thôn tính Trento giống như Áo vậy. Venice lại là cường quốc hải quân ở Âu châu (trước khi Thần Thánh Đế quốc đến đây), nên người Venice rất kiêu ngạo, bình thường chẳng xem người Trento vào đâu, còn khó ưa hơn cả Áo. Do đó, sớm giải quyết Venice thì cũng như giúp Trento giải quyết một mối tâm phúc đại họa. Còn việc Venice bị sát nhập vào Latium, Latium còn hùng mạnh hơn Venice nhiều, George I lại không sợ. Thứ nhất, Latium bản thân đã rất hùng mạnh, có hay không có thêm Venice cũng vậy. Thứ hai, George I de Trento và Long nhi rất thân thiết, từng cùng nhau đi đến Gia Định kia mà. Thứ ba, và quan trọng nhất, George I de Trento đã từng đi đến Gia Định, là vị quân chủ Âu châu đầu tiên đến Gia Định, và địa vị đã được Giang Phong công nhận. George I de Trento tin rằng chỉ cần thân cận Thần Thánh Đế quốc, thân cận bọn Đinh An Bình, địa vị của mình sẽ vững như bàn thạch. Lão còn cảm thấy cư xử với Đinh An Bình, với Thần Thánh Đế quốc còn dễ chịu hơn với Hoàng đế và các Công tước của Đế quốc La – Đức (vốn có hiềm khích với giáo hội).
Chương 108 : SỰ BIẾN VENICE
Tuy trước đây Trento là một bộ phận của Đế quốc La – Đức, George I de Trento về danh nghĩa là thần tử của Hoàng đế Đế quốc La – Đức, nhưng George I de Trento bản thân còn là một vị Giám mục, thuộc về Giáo hội Công giáo La Mã vốn có hiềm khích với Hoàng đế Đế quốc La – Đức (tranh chấp xem Pope và Saint Emperor ai có địa vị cao hơn). Trước đây, Trento và Salzburg là hai lĩnh địa lớn của Giáo hội ở khu vực phía đông. Nhưng Salzburg đã bị Bavaria thuộc phe Hoàng đế Đế quốc La – Đức thôn tính. Trento lại bị công quốc Áo của nhà Habsbourg uy hiếp, có nguy cơ bị xâm chiếm. George I de Trento phải tìm mọi cách bảo vệ lĩnh địa của mình cũng như của giáo hội, không thể để mất giống như Salzburg. Giáo hội mất đi các lĩnh địa, thế lực sẽ ngày càng yếu. Đó là điều mà George I de Trento không muốn xảy ra.
Tình cảnh của Trento và Salzburg lại khá giống nhau. Salzburg bị các công quốc Bavaria và Áo bao bọc, sau bị sát nhập vào Bavaria (đến sau chiến tranh thế giới thứ hai lại bị sát nhập vào Áo). Trento thì ba mặt bị cộng hòa Venice bao bọc, phía bắc giáp Tyrol thuộc Áo. George I de Trento vì muốn bảo toàn lĩnh địa, đã xoay sở rất nhiều cách, cuối cùng còn tự mình đi đến Gia Định tầm cầu hỗ trợ. Lúc bấy giờ, Giáo hội Công giáo La Mã đang trong cuộc Ly giáo, cùng một lúc có đến 3 Đức Thánh Cha (Papal hay Pope), mà vị nào cũng có ít nhiều quân vương ủng hộ, khiến giáo hội bị chia rẽ, là thời kỳ buồn thảm nhất của giáo hội, còn nghiêm trọng hơn cả thời kỳ Đại Ly Giáo. Cuộc Đại Ly Giáo có nguyên nhân chủ yếu là sự khác biệt giữa cách truyền giáo, giải thích kinh nghĩa (dù sao thì trên danh nghĩa cũng là như thế). Còn cuộc Ly giáo lần này hoàn toàn là do quyền lợi thế tục, không liên quan gì đến giáo nghĩa. Bản thân là một vị Giám mục, George I de Trento cảm thấy rất đau lòng. Lão còn nhìn thấy sở dĩ có cuộc Ly giáo là do có sự hậu thuẫn của các quân vương, để làm cia rẽ, suy yếu giáo hội. Hai vị ngụy giáo chủ (Antipope) : Benedictus XIII của Avignon được Pháp Lan Tây ủng hộ, và John XXIII của Pisa được Đế quốc La – Đức ủng hộ. Chỉ có Đức Thánh Cha Gregorius XII là được dân Roma ủng hộ (được công nhận là chính thống).
Do vậy, khi giao thiệp với Venice, George I de Trento có thái độ rất cứng rắn. Khi sứ giả của Venice biện bác :
- Những kẻ cướp lương đó không phải do chính phủ cộng hòa Venice sai khiến.
George I de Trento đã nói :
- Lấy gì để chứng minh. Chúng ta chỉ thấy bọn chúng chạy vào lĩnh thổ Venice, và Venice đã để mặc cho bọn chúng ẩn náu trên lĩnh thổ của mình.
Sứ giả của Venice cố biện bác :
- Cộng hòa Venice là một quốc gia tự do dân chủ, mỗi ngày có biết bao nhiêu người ra vào biên giới, chính phủ không thể kiểm soát hết được.
Bản thân là một quân chủ, George I de Trento rất không ưa sự tự do dân chủ theo kiểu Venice (dân chủ, nhưng ‘dân’ ở đây chỉ là một số ít quý tộc, gần giống kiểu quyền thần tiếm quyền của vua ở phương đông). Do vậy, George I de Trento lạnh lùng nói :
- Đó chỉ là một cách chối cãi không mấy thuyết phục. Mỗi quốc gia đều phải chịu trách nhiệm trên lĩnh thổ của mình. Chúng ta có đầy đủ lý do để tin rằng Venice và Áo đang câu kết chống lại liên quân chúng ta. Do đó, chúng ta sẽ có cách đối phó thích hợp.
Sứ giả của Venice tái mặt, cãi :
- Nhưng …
George I de Trento xua tay nói :
- Không nhưng nhị gì cả. Đại vương đã ra tối hậu thư, ta cũng đã thông báo cho các ngươi. Các ngươi chỉ cần trả lời có thực hiện hay không mà thôi. Đến kỳ hạn, nếu các ngươi không giao người, không tuyên bố tuyệt giao với Đế quốc La – Đức, chúng ta sẽ xem các ngươi là đồng bọn của bọn chúng, và liên quân sẽ tiến vào Venice.
Sứ giả của Venice cố nói :
- Nhưng … Giám mục đại nhân. Chúng ta thật sự không có câu kết với Áo, không có sai người cướp lương, cũng không biết bọn chúng lúc này ở đâu. Chúng ta làm sao giao người.
George I de Trento cười nhạt nói :
- Được rồi. Cứ xem như lời giải thích của các ngươi tạm chấp nhận được đi. Các ngươi đã không thể kiểm soát được lĩnh thổ của mình, để cho nghịch tặc hoành hành. Vài ngày nữa, liên quân sẽ tiến vào Venice, giúp các ngươi giải quyết nghịch tặc. Còn khi đó quân đội của chúng ta lỡ có giải quyết Venice giống như đã từng giải quyết Genoa. Sau đó chúng ta chỉ cần giải thích : “Chúng ta không có ra lệnh làm vậy, đó là do thủ hạ tự ý làm, nhưng bọn chúng trốn đâu mất rồi, chúng ta cũng không biết bọn chúng lúc này ở đâu, các ngươi đành chịu vậy”. Cách xử lý đó chắc hợp ý các ngươi chứ ?
Sứ giả của Venice cả kinh thất sắc, định cố nói thêm, nhưng George I de Trento đã xua tay bảo :
- Đủ rồi. Người đâu. Tiễn khách.
Sau đó lão phất tay áo, đi vào trong, để lại sứ giả của Venice vẫn còn sững sờ thất thần ở đó.
Chẳng bao lâu sau, cả Venice chấn động. Thái độ cứng rắn của George I de Trento khiến dân chúng Venice cả kinh thất sắc. Giới quý tộc Venice thì biết rằng đối phương dĩ công mưu tư, trả thù việc bị áp bức khinh thường ngày trước. Nhưng việc những kẻ cướp lương của liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento chạy trốn vào lĩnh thổ Venice có rất nhiều người trông thấy, là sự thật không thể chối cãi được. Bọn họ đoán rằng phía Áo định lôi Venice vào cuộc cùng chống lại liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento, nên mới vu oan giá họa. Do đó ai nấy đều mắng chửi chủ tớ Công tước Ernest de Autriche Intérieure không tiếc lời. Nhưng có mắng chửi cũng không ích gì, tình hình đã vậy, bọn họ chỉ đành một mặt truy lùng bọn cướp lương, một mặt điều quân phòng thủ biên giới, đồng thời còn ra lệnh phong tỏa biển Adriatic.
Trong lúc giới quý tộc cầm quyền ở Venice đang rối lên lo cách ứng phó thì dân chúng Venice trở nên hỗn loạn. Mọi người một mặt trách chính phủ gây hấn với liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento, một mặt lo di tản khỏi Venice. Không ai muốn phải chịu hậu quả giống như dân Genoa đã từng phải chịu mấy tháng trước. Một số chạy sang Trento ở phía bắc hay Milano ở phía tây, nhưng có rất nhiều người chạy sang Papal State ở phía nam. Còn chạy sang Carinthia và Carniola thuộc Áo ở phía bắc và phía đông … không ai nghĩ đến. Ở Áo hiện đang có chiến tranh, chạy sang đó chẳng khác nào tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.
Chỉ trong vài ngày, đại bộ phận dân chúng Venice đã di tản thành công sang các lĩnh địa lân cận an toàn hơn. Đa số thương nhân và những người giàu có phi quý tộc đều đi sang Milano, bởi chính sách ở Latium rất thích hợp với bọn họ, nhiều người còn hy vọng từ đó có thể đi sang Thần Thánh Đế quốc. Còn phổ thông dân chúng đại bộ phận đi xuống Papal State, chỉ có chưa đến 1 phần 5 là đi sang Trento. Tuy kỳ hạn của tối hậu thư đã qua từ lâu, nhưng liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento chỉ mới di chuyển về phía nam, chưa tiến vào Venice. Đinh An Bình cố ý dành thời gian cho dân chúng Venice di tản. Còn giới quý tộc Venice, thật đáng tiếc cho bọn họ, quân đội liên quân đã phong tỏa biên giới với Áo, Trento và Milano, đồng thời thông tri với Papal State không tiếp nhận bọn họ quá cảnh. Ngoài khơi Venice cũng đã xuất hiện chiến hạm của Hắc Long Hạm đội. Do vậy, bọn họ không thể chạy đi đâu được. Cho đến lúc này, ở Venice chỉ còn lại giới quý tộc, quân đội Venice và một số ít dân chúng ủng hộ bọn họ. Cũng giống như ở Genoa, quân đội Venice đa phần là lính đánh thuê, chỉ cần trả tiền là bọn họ sẵn sàng liều mạng.
Ở Salzburg, sau khi nghe báo về tình hình Venice, Đinh An Bình đã phái 3 đạo quân Uy Tiệp, Long Tiệp, Chiêu Viễn, cùng với 1 vạn quân Latium, tổng cộng 10 vạn quân cùng tiến vào Venice. Trong Salzburg thành bảo chỉ có 3 vạn quân ô hợp, để lại 10 vạn quân cũng đủ ứng phó rồi.
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.519 (Đinh Dậu, 1417). Mùa hạ, tháng 4.
Ngày 18, mệnh lệnh truyền xuống, 10 vạn liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium rầm rộ vượt qua biên giới, tiến vào lĩnh thổ Venice. Sau một trận giao chiến chớp nhoáng, 5.000 lính đánh thuê của Venice hạ vũ khí đầu hàng. Tàn quân Venice từ các nơi rút về thành phố cố thủ.
Ngày 24, liên quân bao vây thành phố. Hạm đội Venice đã bị tiêu diệt từ trước. Vùng biển Venice hoàn toàn do các chiến hạm của Hắc Long Hạm đội kiểm soát.
Ngày 26, thần công đại pháo từ các chiến hạm nã pháo vào thành phố, báo hiệu cuộc tấn công bắt đầu. 10 vạn đại quân của liên quân còn đông hơn toàn thể quân dân trong thành phố nhiều lần. Cuộc tấn công chỉ diễn ra đến chiều thì thành phố thất thủ. Cộng hòa Venice chính thức chung kết. Hắc Long Hạm đội được lệnh phái chiến hạm đi tiếp quản các thuộc địa của Venice trong Địa Trung Hải và Hắc Hải, cũng giống như đã từng làm với Genoa trước đây. Sau đó, do Venice không còn dân, không cần trú quân, nên đại quân lại hành quân về Salzburg chuẩn bị cho cuộc chiến với liên quân các công quốc của Đế quốc La – Đức.
Chương 109 : SALZBURG ĐẠI HỘI CHIẾN (1)
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.519 (Đinh Dậu, 1417). Mùa hạ, tháng 4.
Do sự biến Venice diễn ra, Hohensalzburg thành bảo đã cầm cự được hơn nửa tháng trong yên bình mà không bị tấn công. Chỉ tiêu mà bọn Hầu tước Kultur de Klagenfurt, Bá tước Geschichte de Regensbg và Bá tước Bände de München đã hoàn thành trên cả mong đợi. Bọn họ đã cầm cự được cho đến khi viện quân đến nơi.
Lần này, không chỉ có quân đội của các công quốc thuộc Đế quốc La – Đức, mà còn có quân đội vương quốc Hungary cùng tham chiến. Thật ra thì trong thời kỳ này, Đế quốc La - Đức và vương quốc Hungary tuy 2 mà 1. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg của Đế quốc La – Đức lại là phu quân của nữ vương Mary de Hungary của vương quốc Hungary, thuộc nhà Anjou – Hungary, một trong số các phân chi của nhà Anjou (House of Anjou), chủ nhân của các triều đại Angevin.
Nhà Anjou là gia tộc danh giá nhất Âu châu thời Trung Cổ, là chủ nhân của các triều đại Angevin lừng lẫy. Các phân chi của nhà Anjou làm quân vương, Hoàng đế khắp các Đế quốc, vương quốc, công quốc, và vô số lĩnh địa từ Tây Âu cho đến Đông Âu, từ Bắc Âu cho đến Nam Âu. Chỉ đáng tiếc nhà Anjou không thống nhất, và các phân chi còn thường thù địch lẫn nhau, tranh giành lĩnh địa của nhau bằng cả chiến tranh. Các triều đại Angevin của nhà Anjou được các sử gia hiện đại chia thành 3 giai đoạn :
1. Triều đại Angevin đầu tiên (the first Angevin dynasty) : bắt đầu từ Bá tước Geoffrey V de Anjou đến Quốc vương John of England. Sau đó dòng này được gọi là triều đại Plantagenet, kể từ Henry III of England cho đến Richard II of England. Rồi dòng này lại chia làm 2 trong cuộc chiến tranh Hoa Hồng :
• Nhà Lancaster : con cháu của John of Gaunt, Công tước xứ Lancaster.
• Nhà York : con cháu của Edmund of Langley, Công tước xứ York.
Triều đại này sở hữu các tước hiệu : Quốc vương Anh Cách Lan, lĩnh chủ xứ Ái Nhĩ Lan, Vương tử xứ Wales, Công tước xứ Aquitaine, Công tước xứ Normandy, Công tước xứ Brittany, Bá tước xứ Anjou, Bá tước xứ Maine, Bá tước xứ Poitou, lĩnh chủ xứ Cyprus, và trên danh nghĩa quốc vương Pháp Lan Tây, Jerusalem, Sicily, Castile, và Roma.
2. Triều đại Angevin thứ hai (the second Angevin dynasty) : bắt đầu từ Charles I de Napoli (sau khi nhà Plantagenet thành lập ở Anh Cách Lan), cai trị vùng đất chính của nhà Anjou – lĩnh địa tự trị Anjou (là chư hầu của quốc vương Pháp Lan Tây nhưng có quyền tự trị rất rộng rãi, có thể xem gần như là một công quốc độc lập, nhiều bản đồ còn vẽ lĩnh địa của nhà Anjou tách biệt với Pháp Lan Tây, với màu sắc khác hẳn để phân biệt), cùng với các vương quốc Hungary (thời Trung Cổ gồm cả Croatia, Slovakia, Rumani), Jerusalem, Sicily, Napoli, Ba Lan, và nhiều lĩnh địa ở Pháp Lan Tây, Đế quốc La – Đức. Dòng này trừ chi trưởng Anjou – Maine, còn có 4 phân chi :
• Nhà Anjou – Hungary : bắt đầu từ Charles Martel de Anjou, cai trị các vương quốc Hungary (1308 - 1385 và 1386 - 1395) và Ba Lan (1370 - 1399).
• Nhà Anjou - Napoli : bắt đầu từ Công tước Charles de Calabria.
• Nhà Anjou - Taranto : bắt đầu từ Philippe I de Taranto, cai trị Đế quốc Latin (1313 - 1374) ở Constantinople.
• Nhà Anjou – Durazzo : bắt đầu từ Công tước Jean de Durazzo, cai trị Napoli (1382 – 1435) và Hungary (1385 – 1386, chiếm ngôi của nhà Anjou - Hungary).
Triều đại này sở hữu các tước hiệu : Bá tước xứ Anjou, Bá tước xứ Provence, Quốc vương Sicily, Quốc vương Napoli, Quốc vương Hungary, Quốc vương Ba Lan, Hoàng đế của Constantinople, Quốc vương Albania, Vương tử xứ Achaea, nhà độc tài của Epirus.
3. Triều đại Angevin thứ ba (the third Angevin dynasty) : tức dòng Anjou – Maine (còn gọi là Anjou – Valois, do có họ hàng với Quốc vương Pháp Lan Tây thuộc nhà Valois), bắt đầu từ Louis I de Anjou, cai trị các lĩnh địa ở Pháp Lan Tây và Italy (Réne de Anjou làm quốc vương Napoli, gồm toàn bộ phần đất phía nam Roma).
Các tước hiệu của triều đại này gồm có : Công tước xứ Anjou, Bá tước xứ Maine, Bá tước xứ Provence và Forcalquier, Quốc vương Napoli, Công tước xứ Touraine, Công tước xứ Lorraine, Công tước xứ Bar, Công tước xứ Calabria, Bá tước xứ Piedmont, Bá tước xứ Roucy, Bá tước xứ Étampes, Bá tước xứ Gien, Bá tước xứ Giuse, Bá tước xứ Mortain, và trên danh nghĩa là quốc vương Sicily, Jerusalem, Cyprus, Aragon.
Rõ ràng là nhà Lancaster và nhà Anjou - Maine thuộc hai phe đối địch nhau trong cuộc ‘chiến tranh trăm năm’. Nhà Anjou – Maine và nhà Anjou – Durazzo đánh nhau giành ngôi Quốc vương Napoli; hoặc nhà Anjou – Durazzo và nhà Anjou – Hungary đánh nhau giành ngôi Quốc vương Hungary; thậm chí trong nhà Plantagenet vì tranh ngôi Quốc vương Anh Cách Lan mà chia thành 2 nhà Lancaster và York, … Tóm lại, nếu tính về tổng lĩnh thổ do nhà Anjou kiểm soát thì rất rộng lớn, nhưng lại phân tán thuộc nhiều phân chi độc lập, thậm chí thù địch nhau.
(tham khảo tại : http://en.wikipedia.org/wiki/Category:House_of_Anjou)
Trong số các phân chi, chỉ có nhà Anjou – Maine vì cai quản phần đất gốc của tổ tiên, nên có thân phận đặc thù, có quan hệ tương đối tốt với các phân chi khác. Theo đúng lịch sử, trong cuộc ‘chiến tranh trăm năm’, quân Anh tấn công khắp nơi trên đất Pháp, từ bắc đến nam, đến tận Aquitaine ở giáp giới với Aragon (nay là Tây Ban Nha), nhưng tránh Anjou. Hoặc Louis III de Anjou (tức Long nhi) là con nuôi của nữ vương John II de Napoli thuộc nhà Anjou – Durazzo (để được thừa kế ngôi quốc vương Napoli), lại có em gái Marie de Anjou là ‘queen consort’ của Pháp và cháu gái Margaret de Anjou (con của Réne de Anjou) là ‘queen consort’ của Anh. ‘Queen consort’ đại khái có thể dịch là vương hậu thừa kế, là người có quyền thừa kế ngai vàng khi quốc vương qua đời mà không có con nối dõi, hoặc sẽ có quyền nhiếp chính khi con còn nhỏ, thậm chí còn có thể giúp quốc vương xử lý chính sự. Không phải vị vương hậu nào cũng có tước hiệu ‘queen consort’. Tương tự là ‘king consort’ cho phu quân của nữ vương. Ngoài ra, trong cuộc ‘chiến tranh trăm năm’, Thái tử Charles VII de Française được nhà Anjou nuôi dưỡng để khỏi chết như hai người anh của mình (là những Thái tử trước đó). Yolande de Aragon, mẹ của Louis III de Anjou, người nuôi dạy Thái tử Charles VII de Française cùng với các con của mình, đã từng trả lời khi triều đình Pháp Lan Tây yêu cầu đón Thái tử về triều : “Chúng ta không nuôi dạy cậu ấy để làm cho cậu ấy chết như các anh em của mình, hoặc điên loạn như cha của mình, hoặc trở thành người Anh như các người. Ta giữ cậu ấy ở lại đây với ta. Cứ đến và đón cậu ấy đi, nếu như các người dám”.
Vì vậy, cuộc chiến ở Salzburg giữa liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento và liên quân Đế quốc La - Đức – vương quốc Hungary, cũng có thể xem là cuộc tranh chấp giữa các phân chi trong nhà Anjou, với một bên là Long nhi (nhà Anjou – Maine) và bên kia là vợ chồng Hoàng đế Sigismund de Luxembourg và nữ vương Mary de Hungary (nhà Anjou – Hungary). Trên danh nghĩa, liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento phát động chiến tranh vì cuộc tranh chấp ngai vàng ở Napoli. Công quốc Áo bị họa lây vì có quan hệ với vương quốc Napoli (Công tước Áo đời trước là phu quân của nữ vương John II de Napoli, em gái và là người kế vị của Ladislaus de Napoli, kẻ thù chính của nhà Anjou - Maine). Tuy vậy, giờ đây cuộc tranh chấp đã mở rộng thành cuộc tranh bá quyền ở Âu châu. Do đó, cuộc đại hội chiến ở Salzburg rất được các bên xem trọng.
Liên quân Đế quốc La – Đức – vương quốc Hungary huy động gần như toàn bộ lực lượng quân sự mà bọn họ có thể huy động được để đưa đến chiến trường Salzburg. Mọi người đều biết rằng nếu thất bại trong cuộc chiến này, bọn họ có thể mất nước. Do đó, Hoàng đế Sigismund de Luxembourg của Đế quốc La – Đức đã huy động quân đội từ các công quốc Luxembourg, Bavaria, Áo, Bohemia, Moravia, Silesia, Saxony, Württemberg, Francony, Palatinate, Lüneburg, Bradenburg, Hesse, Cologne, và hàng trăm lĩnh địa lớn nhỏ khác, tổng quân số 190.000 người (hơn 90% là quân nông dân mới trưng tập). Vương quốc Hungary phải để lại quân đội phòng ngự quân Thổ của Đế quốc Ottoman, và đề phòng người Croatia nổi dậy giành độc lập (kể từ thế kỷ 13 đã từng nổi dậy nhiều lần, đều bị đàn áp, lần gần nhất là vào 14 năm trước - năm 1403), nhưng cũng điều động 95.000 quân (đa số là quân nông dân) đến tham chiến.
Tổng quân số của liên quân Đế quốc La – Đức – vương quốc Hungary đông đến 285.000 người, chưa biết khả năng chiến đấu thế nào, nhưng thanh thế kinh nhân. Trên các cánh đồng của Salzburg toàn người là người, quang cảnh cực kỳ tráng quán. Nhưng lại có vấn đề là các nước Âu châu chưa từng tổ chức một đạo quân đông đến như thế bao giờ, nên không ai có kinh nghiệm và năng lực chỉ huy. Hơn nữa, quân đội đến từ hàng trăm lĩnh địa khác nhau, trừ lĩnh chủ của họ ra, không ai có thể chỉ huy được. Cuối cùng, mỗi vị lĩnh chủ hoặc tự thân, hoặc phái thân tín chỉ huy quân đội của mình, còn đích thân Hoàng đế Sigismund de Luxembourg phụ trách tổng chỉ huy thống suất đại quân tác chiến. Quân đội Hungary không có nữ vương thống suất, nhưng Hoàng đế Sigismund de Luxembourg lại là phu quân của nữ vương nên không thành vấn đề. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg là ‘king consort’ của vương quốc Hungary, có đầy đủ quyền hạn giống với nữ vương, cho nên còn có tước hiệu là Quốc vương Hungary.
Chương 110 : SALZBURG ĐẠI HỘI CHIẾN (2)
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.519 (Đinh Dậu, 1417). Mùa hạ, tháng 4. Salzburg.
Liên quân Đế quốc La – Đức – vương quốc Hungary huy động gần như toàn bộ lực lượng quân sự mà bọn họ có thể huy động được để đưa đến chiến trường Salzburg. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg của Đế quốc La – Đức đã huy động quân đội từ các công quốc Luxembourg, Bavaria, Áo, Bohemia, Moravia, Silesia, Saxony, Württemberg, Francony, Palatinate, Lüneburg, Bradenburg, Hesse, Cologne, và hàng trăm lĩnh địa lớn nhỏ khác, tổng quân số 190.000 người. Vương quốc Hungary cũng điều động 95.000 quân đến tham chiến. Tổng quân số của liên quân đông đến 285.000 người, thanh thế kinh nhân. Trên các cánh đồng của Salzburg toàn người là người, quang cảnh cực kỳ tráng quán.
Trong khi đó, bên phía liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento cũng có viện quân, nhưng chỉ có thêm 1 vạn tân binh Latium mới tuyển mộ, được đưa ra chiến trường để quen với việc chinh chiến. Tổng quân số liên quân đạt 213.000 người, tuy cũng đông, nhưng so với đối phương thì ít hơn khoảng 25%.
Ngày 26 tháng 4, sau khi đã ổn định quân tâm, an bài ổn thỏa nơi đóng quân, Hoàng đế Đế quốc La – Đức Sigismund de Luxembourg liền phái sứ giả sang doanh trại đối phương hạ chiến thư.
Sứ giả của Hoàng đế Sigismund de Luxembourg tay cầm một lá cờ trắng nhỏ (cờ hiệu của sứ giả, báo hiệu không phải lực lượng chiến đấu), sang trước doanh trại của liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento gọi lớn :
- Ta là sứ giả của Thánh Hoàng đế sang gặp Nguyên soái của các ngươi.
Trong doanh trại không ai lên tiếng, quân canh vẫn ở trên các vọng lâu, tiễn tháp nhìn ra ngoài, không ai thèm đáp lời sứ giả. Gã ta có cảm giác bị khinh thị, lại quát to :
- Ta là sứ giả của Thánh Hoàng đế sang gặp Nguyên soái của các ngươi. Trong các ngươi có ai có thể nói chuyện thì mau đáp lời.
Giây lát, từ trên vọng lâu có một giọng âm trầm truyền xuống :
- Đại vương của chúng ta thân phận tôn quý, đâu phải ai muốn gặp thì cũng có thể gặp được. Ngươi hãy chờ ở đó, chờ Đại vương định đoạt.
Sứ giả tự nhận rằng có đại quân hậu thuẫn, không hề lo sợ, nên quát trả :
- Ta là sứ giả của Thánh Hoàng đế, thay mặt Thánh Hoàng đế sang gặp Đại vương của các ngươi. Chẳng lẽ Thánh Hoàng đế của chúng ta lại không tôn quý hơn Đại vương của các ngươi hay sao ?
Trong thâm tâm của gã ta, Hoàng đế đương nhiên phải tôn quý hơn vương, nên dương dương đắc ý. Nào ngờ gã lại nhận được câu trả lời hoàn toàn nằm ngoài dự liệu của gã. Đối phương khi nghe gã nói thế, cất tiếng cười dài, hồi lâu mới nói :
- Đương nhiên. Đương nhiên Đại vương của chúng ta tôn quý hơn Hoàng đế của các ngươi. Hoàng đế của các ngươi, so với các Hoàng đế của Trung Hoa, Mông Cổ, e rằng vẫn còn kém hơn một bậc. Trong khi Đại vương của chúng ta có thân phận còn tôn quý hơn cả các Hoàng đế của Trung Hoa, Mông Cổ.
Câu trả lời của đối phương khiến cho gã sứ giả ngớ người, lặng yên hồi lâu. Đối với người Âu châu thời bấy giờ, Trung Hoa, nơi có thể sản xuất tơ lụa, gốm sứ, trà diệp, … là một đại quốc. Còn Mông Cổ thì khỏi phải nói, đương nhiên là một đại quốc. Vó ngựa Mông Cổ đã làm biết bao người Âu châu kinh sợ. Người Âu châu và người Thổ - Hồi Giáo (đế quốc Ottoman) luôn thù hằn với nhau, nhưng khi Timur (Thiếp Mộc Nhi) của Hãn quốc Chagatai (Sát Hợp Đài) thống suất 140.000 quân tiến vào Ankara, tấn công Đế quốc Ottoman vào năm 1402, người Âu châu sợ quân Ottoman thất bại, quân Mông Cổ sẽ tràn vào Âu châu nên đã quay sang ủng hộ Đế quốc Ottoman. Kết quả, quân Ottoman vẫn thảm bại ở Ankara, khiến Âu châu chấn động. Còn trước đó, khi Hãn Batu (cháu nội Thành Cát Tư Hãn) dẫn quân tấn công Âu châu, Đức Thánh Cha Innocent IV đã phái sứ giả đến tận thảo nguyên Mông Cổ cầu hòa.
Marco Polo của thành Venice và Giovanni da Pian del Carpini, Giám mục Tổng giáo phận Antivari đã đến Mông Cổ và mang về Âu châu những thông tin về sức mạnh của Đế quốc Mông Cổ. Mặc dù vào thời Trung Cổ, những câu chuyện của Marco Polo bị nghi ngờ và bị cho là những câu chuyện viễn tưởng (ngay cả các nhà nghiên cứu thời hiện đại vẫn nghi ngờ, bởi lịch sử Trung Hoa không nhắc gì đến Marco Polo, trong khi ông tự nhận rằng mình đã được làm quan ở Trung Hoa dưới triều Nguyên của Hốt Tất Liệt; theo lẽ thường, một người Âu châu được làm quan ở Trung Hoa tất nhiên phải được ghi chép lại). Trong khi đó, những câu chuyện của Giovanni da Pian del Carpini lại được tin tưởng, bởi Ngài là Giám mục Tổng giáo phận Antivari, phụng mệnh Đức Thánh Cha Innocent IV đi sứ Mông Cổ. Ngài khởi hành từ Lyon vào lễ Phục sinh năm 1245, mang theo một bức thư của Đức Thánh Cha gửi đến Đại Hãn (Great Khan) để cầu hòa và mời Đại Hãn theo Cơ Đốc giáo. Sứ đoàn đi qua Kiev, vượt qua Nepere và Volga, rồi gặp Hãn Batu tại Volga. Ngài là người Âu châu đầu tiên ghi lại những cái tên hiện đại của các con sông đó. Sau đó sứ đoàn được kỵ binh Mông Cổ hộ tống đi đến thảo nguyên Mông Cổ gặp Đại Hãn. Kết quả của chuyến đi, sứ đoàn mang về Âu châu lá thư của Đại Hãn Mông Cổ yêu cầu Đức Thánh Cha và các quân vương Âu châu phải tuyên thệ trung thành với Đại Hãn, cùng với thông tin quân Mông Cổ tiếp tục tây tiến. Cũng từ đó, người Mông Cổ bị xem là ‘Tai họa của Chúa’ (the scourge of God). Sau khi Đế quốc Mông Cổ bị phân hóa thành 4 Hãn quốc, thì 2 Hãn quốc ở phía tây có tiếp giáp với Âu châu là Hãn quốc Kim trướng (Golden Hordes Khanate) có biên giới đến Hắc Hải và Hãn quốc Sát Hợp Đài (Chagatai Khanate) có biên giới đến Syria, vẫn là sự uy hiếp lớn đối với các nước Âu châu.
Do vậy, khi nghe nói vị Đại vương của đối phương có địa vị tôn quý hơn cả các Hoàng đế của Trung Hoa và Mông Cổ, gã sứ giả của Hoàng đế Sigismund de Luxembourg bán tín bán nghi. Người trên vọng lâu cũng không giải thích, chỉ lạnh lùng bảo :
- Ngươi cứ chờ ở đó, chờ Đại vương định đoạt.
Gã sứ giả bực bội càu nhàu một hồi, rồi đành tìm chỗ ngồi chờ. Nhiệm vụ chưa hoàn thành, gã không dám bỏ về, chỉ đành nhẫn nhịn chờ đợi. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg tính tình nóng nảy bạo ngược, đối đãi thủ hạ chẳng nhẹ tay bao giờ.
Hồi lâu, cổng doanh trại mở ra. Một vị quý tộc Âu châu đến chỗ gã sứ giả của Hoàng đế Sigismund de Luxembourg, nhã nhặn nói :
- Chúng ta đi thôi. Đại nhân đang chờ.
Gã sứ giả thấy đối phương xử sự nhã nhặn, trong lòng cả mừng, cũng không ra vẻ kiêu kỳ, sợ làm đối phương phật ý, rồi sẽ đổi thành người khác tiếp đãi giống như người trên vọng lâu khi nãy, lúc đó chỉ có bản thân gã chịu thiệt thòi. Do vậy, gã cũng lịch sự đáp lễ, rồi đi theo vào trong doanh trại.
Qua nhiều khu đóng quân, đến khu trung tâm, gã sứ giả được đưa vào một doanh trướng. Ngồi giữa doanh trướng là một vị Giám mục Cơ Đốc giáo, sắc diện bất thiện. Gã sứ giả chưa từng gặp vị Giám mục kia bao giờ, nhưng cũng đoán biết đối phương hẳn là George I de Trento, là Vương tử - Giám mục của Trento. Trong quân đội đối phương, chỉ có duy nhất George I de Trento là Giám mục mà thôi. Dù song phương đang ở tình trạng đối địch nhau, nhưng gã sứ giả bản thân là một tín đồ Cơ Đốc giáo, khi gặp hàng giáo phẩm bắt buộc phải kính lễ, để biểu hiện lòng tôn kính Giáo hội, tôn kính Chúa. Do đó, gã ta vội hành lễ, làm dấu thánh, nói :
- Cầu Chúa phù hội Ngài. Giám mục Đại nhân.
George I de Trento cũng làm dấu thánh, nói :
- Chúa sẽ phù hộ ngươi !
Gã sứ giả biết không thể gặp được vị Đại vương của đối phương, cảm thấy đưa chiến thư cho George I de Trento cũng được, nên vội lấy chiến thư ra, trao cho George I de Trento, nói :
- Giám mục Đại nhân. Đây là chiến thư của Thánh Hoàng đế gửi cho các vị.
George I de Trento cầm bức chiến thư trên tay, cũng không mở ra xem mà quẳng sang một bên, rồi nghiêm giọng nói :
- Khi nào quyết chiến, chỉ có Đại vương mới có thể định đoạt. Cả Hoàng đế của các ngươi cũng không thể. Chúng ta việc gì phải nghe theo sự an bài của Sigismund de Luxembourg.
Gã sứ giả biện bác :
- Nếu vậy thì Thánh Hoàng đế cũng chưa chắc chịu nghe theo sự an bài của Đại vương các vị.
George I de Trento lạnh lùng nói :
- Vậy thì các ngươi còn hạ chiến thư làm gì ?
Gã sứ giả nói :
- Nếu không định ngày quyết chiến, chẳng lẽ quân đội song phương cứ đóng quân mãi như thế hay sao ?
George I de Trento hỏi lại :
- Vậy có sao đâu ? Khi nào thấy thích hợp, Đại vương sẽ ra lệnh tấn công. Còn lúc này, cứ chờ đấy.
Gã sứ giả nói :
- Quân đội song phương đông đến nửa triệu, cứ đóng quân mãi ở đây, không làm gì cả, hao phí biết bao nhiêu mà nói !
George I de Trento cười nhạt, biết rằng bên phía đối phương có lương thực không được dư dả cho lắm, nên mới nóng vội quyết chiến như thế. Đại quân đông đến 285.000 người, mỗi ngày tiêu hao lương thực rất nhiều, kéo dài cả tháng sẽ thành một con số thiên văn.
Chương 111 : CHUYỂN HƯỚNG TẤN CÔNG
Lại nói, khi nghe gã sứ giả của Hoàng đế La - Đức Sigismund de Luxembourg bảo rằng song phương cứ đóng quân mãi ở đây, không làm gì cả, sẽ hao phí lương thực rất nhiều, George I de Trento liền biết ngay bên phía đối phương có lương thực không được dư dả cho lắm, nên mới nóng vội quyết chiến như thế. Đại quân đông đến 285.000 người, mỗi ngày tiêu hao lương thực rất nhiều, kéo dài cả tháng sẽ thành một con số thiên văn. Đối với các nước phương đông, đặc biệt là ở Trung Hoa, con số 285.000 quân, tức 28 vạn 5.000 quân, là không nhiều (thua cả quân đội của Hồ Quý Ly ở Đại Việt). Nhưng ở Âu châu đó đã là con số rất lớn.
George I de Trento nghe gã sứ giả nói thế, chỉ cười nhạt bảo :
- Đóng quân ở đây hay đóng quân ở nơi khác đều tiêu hao lương thực cả, có gì khác biệt đâu !
Đối với quân đội của liên quân Thần Thánh Đế quốc - Latium – Trento thì không có gì khác biệt, bởi quân đội của liên quân là quân thường trực, đóng quân ở đâu cũng đều phải ăn, cũng đều phải tiêu hao lương thực. Trong khi đó, quân đội của liên quân Đế quốc La – Đức – vương quốc Hungary là quân nông dân, được chinh triệu trong lúc khẩn cấp, hậu cần bổ cấp chuẩn bị không đủ, lương thực thiếu thốn, thời gian càng kéo dài càng bất lợi. Ngoài ra, nông dân bị bắt ra chiến trường, nếu đến vụ mùa mà chiến tranh còn chưa kết thúc, sẽ lỡ mất vụ mùa, sang năm sẽ lại càng thiếu lương thực. Bọn Đinh An Bình, George I de Trento cũng biết vậy, nên không gấp phát động tấn công, tiếp tục chờ thời cơ. Gã sứ giả nghe đối phương đáp như thế, ngớ người một lúc, rồi lặng yên chẳng biết nói sao. Chẳng lẽ gã lại thú nhận quân đội bản phương là quân ô hợp, hay thú nhận bản phương không có đủ lương thực. Chỉ cần gã dám nói vậy, chuyện đến tai Hoàng đế Sigismund de Luxembourg, gã sẽ khó giữ được tính mạng. Tốt nhất là im lặng để khỏi phải ‘thần khẩu hại xác phàm’.
George I de Trento lại bảo :
- Ngươi về đi. Khi nào thấy thích hợp, Đại vương sẽ ra lệnh tấn công. Còn nếu như các ngươi không thể chờ được, cứ kéo đến đây nạp mạng.
Gã sứ giả đành quay về hồi báo với Hoàng đế Sigismund de Luxembourg. Cả bọn bàn tán phân vân, không ai có chủ ý gì. Công tước Ernest de Autriche Intérieure, nhiếp chính của Công quốc Áo, sai Hầu tước Kultur de Klagenfurt suất lĩnh 10.000 quân đến doanh trại đối phương khiêu chiến để khuếch trương thanh thế. Đại quân cũng được lệnh chuẩn bị sẵn sàng, chờ thời cơ mà phát động tấn công. Đối phương có thể chờ được, nhưng bọn họ thì không thể chờ được - hậu cần không đủ.
Hầu tước Kultur de Klagenfurt dẫn quân đến trước doanh trại đối phương, dàn thành trận thế chỉnh tề, rồi giục chiến mã ra trước hàng quân, hướng về phía đối phương quát to :
- Trong các ngươi, có ai dám ra đây cùng ta quyết một trận tử chiến.
Quan quân bên trong doanh trại thấy vậy, đều đưa mắt nhìn nhau, hỏi :
- Gã ta muốn chết hay là có âm mưu gì ?
Viên tướng phụ trách việc phòng ngự xua tay bảo :
- Mặc kệ gã ta có âm mưu hay không ! Truyền lệnh khai pháo !
Tiếp đó, mấy nghìn khẩu thần công đồng loạt khai hỏa. Đạn lửa đỏ rực cả nửa bầu trời. Một bộ phận phủ xuống đầu Hầu tước Kultur de Klagenfurt, còn đại đa số rải xuống đầu quân đội Áo đang dàn trận chỉnh tề ở phía sau. Hầu tước Kultur de Klagenfurt tử trận ngay giữa trận tiền, quân đội phía sau cũng tổn thất thảm trọng. Những người bị đạn pháo bắn trúng, lập tức tan xương nát thịt, tử trạng thê thảm. Những kẻ chưa bị đạn pháo bắn trúng, hốt hoảng tháo chạy, giẫm đạp lên nhau chết rất nhiều. Cuối cùng chỉ còn lại chưa đến 3.000 người chạy về đến doanh trại bản phương.
Tận mắt nhìn thấy thảm trạng đó, từ Hoàng đế cho đến vương công quý tộc đều kinh hãi thất sắc. Mọi người không ai nhắc đến chuyện khiêu chiến nữa, chỉ cùng nhau bàn bạc, tìm cách khắc phục sự uy hiếp bởi vũ khí của đối phương. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg còn rao truyền trong toàn quân, ai tìm được cách sẽ được trọng thưởng, thậm chí cắt đất phong tước.
Thế là, trong mấy ngày sau đó, quân đội song phương đều án binh bất động. Cuộc đại hội chiến không diễn ra như dự kiến.
…
Nghỉ ngơi vài ngày, Đinh An Bình đột nhiên ra lệnh cho đại quân rời doanh trại, di chuyển về phía đông nam. Đại quân thừa lúc đêm tối lặng lẽ rút đi, nhưng trong doanh trại vẫn cắm cờ xí dày đặc như vẫn có quân đội đóng trong đó. Còn đại quân rời Salzburg, di chuyển sang Styria, hướng về phía Hungary. Vương quốc Hungary đã huy động đại bộ phận quân đội đến Salzburg tham chiến, còn lại một bộ phận phải đóng giữ ở biên giới phía đông đề phòng quân Thổ, trong nước lúc này trống không, là thời cơ tốt nhất để tiến chiếm. Đây là kế sách ‘tị thực kích hư’ rất bình thường, nhưng hiệu quả.
Trong khi đó, phải vài ngày sau phía liên quân Đế quốc La – Đức – vương quốc Hungary mới phát hiện có sự khác lạ bên phía doanh trại đối phương. Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg là người đã phát hiện ra điều đó, nên vội đi gặp Hoàng đế Sigismund de Luxembourg bẩm báo :
- Bệ hạ. Bên doanh trại đối phương có điều khác lạ. Chúng ta nên phái thám tử sang bên đó điều tra xem sao.
Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg là một trong bảy vị Tuyển hầu của Đế quốc La – Đức (còn gọi là Đại cử tri), những người có quyền bầu Hoàng đế, nên có địa vị rất cao. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg không thể không tôn trọng ý kiến của các Tuyển hầu, nên vội hỏi :
- Khác lạ thế nào ?
Frederick I de Brandenburg nói :
- Mấy ngày nay, bên doanh trại đối phương không hề thấy có sự ồn ào như mọi khi, lại còn có nhiều đàn chim đáp xuống đậu ngay trên các doanh trướng. Dường như doanh trại không người.
Sigismund de Luxembourg cả kinh, vội truyền lệnh thám tử khẩn cấp sang doanh trại đối phương thám thính tình hình. Trong lúc chờ đợi, Sigismund de Luxembourg hỏi Frederick I de Brandenburg bằng giọng lo lắng :
- Đối phương quỷ kế đa đoan. Nếu như đối phương rút đi thật, chẳng biết lại có âm mưu quỷ kế gì nữa đây ?
Frederick I de Brandenburg thở dài nói :
- Quân ta tập trung ở đây, các nơi khác binh lực không hư. Ta chỉ lo đối phương chuyển hướng tấn công các nơi khác.
Sigismund de Luxembourg giật mình nói :
- Có thể lắm. Không. Không chỉ là có thể. Ta có cảm giác đối phương chắc chắn sẽ làm như vậy. Phải làm sao đây ?
Frederick I de Brandenburg lắc đầu nói :
- Đành chờ cho có kết quả chính xác đã, rồi mới định đoạt được.
Sigismund de Luxembourg gật đầu, lại sai thám tử mở rộng phạm vi thám thính sang các khu vực xung quanh. Ông ta cho rằng đối phương đã chuyển hướng tấn công các nơi khác, nên cần biết chính xác đối phương đã đi về hướng nào.
Hồi lâu, đội thám tử thứ nhất đã quay trở về, hồi báo :
- Bệ hạ. Doanh trại đối phương không có ai hết.
Do đã phán đoán từ trước, Sigismund de Luxembourg không giật mình nữa, chỉ xua tay nói :
- Được rồi. Lui ra đi.
Khi thám tử đã lui ra, ông ta quay sang nhìn Frederick I de Brandenburg, hỏi :
- Giờ chúng ta phải làm sao ?
Frederick I de Brandenburg nói :
- Mời các vương công đến bàn bạc vậy !
Sigismund de Luxembourg liền truyền lệnh :
- Người đâu. Mau mời chư vị vương công khẩn cấp đến nghị sự !
Lát sau, các vị Tuyển hầu (Elector), vương tử (Prince), công tước (Duke) kéo đến hội họp. Mọi người đều ngạc nhiên, không hiểu Hoàng đế triệu tập khẩn cấp như thế là có việc gì. Chẳng lẽ chiến sự phát sinh biến cố. Mọi người nhìn thấy Hoàng đế Sigismund de Luxembourg và Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg đều có sắc diện u ám, nên đoán chắc đã xảy ra chuyện không hay. Công tước Henry XVI de Bavaria hỏi :
- Bệ hạ. Chẳng lẽ đã xảy ra chuyện gì sao ?
Sigismund de Luxembourg nói :
- Đối phương đã rút quân. Bên doanh trại đối phương lúc này không người.
Tuyển hầu Eric V de Saxe - Lauenburg hoan hỉ nói :
- Thế thì hay quá. Cuối cùng đối phương cũng đã chịu rút lui rồi.
Một số người cũng lộ vẻ nhẹ nhõm. Cuộc chiến ở đây khiến bọn họ tốn kém quá nhiều, ai nấy đều cảm thấy mệt mỏi và tiếc của, nhưng lại không thể không tham chiến. Chỉ có Công tước Henry XVI de Bavaria tinh minh hơn, hỏi :
- Bệ hạ lo lắng chuyện gì thế ?
Sigismund de Luxembourg nói :
- Quân ta tập trung ở đây, các nơi khác không hư. Ta lo đối phương sẽ chuyển hướng tấn công các nơi khác. Những nơi có nhiều nguy cơ nhất chính là Bavaria, Württemberg, Styria và Carinthia.
Mọi người cả kinh thất sắc. Công tước Henry XVI de Bavaria tái mặt hỏi :
- Có biết đối phương chuyển đi đâu không ạ ?
Sigismund de Luxembourg lắc đầu nói :
- Chưa rõ. Thám tử đang đi điều tra. Ta cho mời mọi người đến đây, là muốn hỏi xem mọi người có cách gì ngăn trở đối phương thay đổi chiến trường hay không ?
Ai nấy đưa mắt nhìn nhau. Sigismund de Luxembourg thấy vậy chỉ biết lắc đầu, thầm than quân ta chẳng lẽ không có trí giả hay sao.
Chương 112 : CHIẾN DỊCH HẺM NÚI KALWANG (1)
Lại nói, Hoàng đế Sigismund de Luxembourg đang thất vọng trước thái độ của chúng vương công quý tộc, đột nhiên nghĩ đến Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg vốn thông minh tài trí, liền quay sang hỏi ý :
- Chúng ta nên đối phó thế nào đây ?
Frederick I de Brandenburg suy nghĩ hồi lâu, rồi mới nói :
- Chỉ còn cách đưa quân đội đuổi theo đối phương mà thôi.
Công tước Henry XVI de Bavaria lập tức tán thành :
- Phải đó. Đối phương đã rút đi. Chúng ta tiếp tục đóng quân ở đây cũng chẳng ích lợi gì. Nên đưa quân đuổi theo đối phương.
Mọi người đều khen phải, nhất là các vị Công tước của Bavaria, Württemberg và Autriche Intérieure (tức Nội Áo, cai quản các vùng Styria và Carinthia), bởi lĩnh địa của bọn họ gần đây nhất, có nguy cơ bị tấn công trước nhất. Không còn cách nào khác hay hơn, Hoàng đế Sigismund de Luxembourg đành truyền lệnh cho mọi người chuẩn bị sẵn sàng, để khi có tin tức về địch quân là lập tức đuổi theo.
Hôm sau, thám tử đưa tin về, phát hiện đối phương hành quân về hướng Styria. Công tước Ernest de Autriche Intérieure lập tức dẫn quân đi trước để bảo vệ lĩnh địa của mình. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg thống suất đại quân đuổi theo phía sau. Phía sau Styria chính là Hungary, là lĩnh địa của Sigismund de Luxembourg, nên ông ta thúc quân đuổi theo rất gấp, hy vọng sẽ đuổi kịp trước khi đối phương tiến vào Hungary. Lúc này Hungary hầu như không có quân phòng thủ, nếu để đối phương tiến vào cướp phá, hậu quả sẽ rất nặng nề. Khả năng cướp phá của liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium mọi người đều biết rõ, tấm gương các xứ Genoa và Milano vẫn còn rành rành ra đó. Những nơi nào mà nhắm không thể chiếm giữ được, liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium sẽ cướp phá triệt để, cướp sạch, phá sạch đến độ trở thành vùng trắng, không còn gì cả.
Sigismund de Luxembourg là phu quân của nữ vương Mary de Hungary, là ‘King consort’ của vương quốc Hungary. Như đã giới thiệu ở các chương trước, ‘King consort’ hay ‘Queen consort’ là phu quân hay vương hậu của nữ vương hay quốc vương, và có quyền thừa kế ngôi báu khi nữ vương hay quốc vương qua đời mà không có con trai kế vị. Do Sigismund de Luxembourg từng hại chết mẹ của nữ vương Mary de Hungary nên bị nữ vương thù hận, hai người chỉ là vợ chồng trên danh nghĩa, và sống riêng biệt với nhau. Dù vậy, Sigismund de Luxembourg vẫn là ‘King consort’ của vương quốc Hungary. Do đó, khi nữ vương Mary de Hungary đã qua đời vào năm 1395 trong một tai nạn đáng ngờ, không có con trai kế vị, Sigismund de Luxembourg đã kiêm nhiệm quốc vương Hungary, biến Hungary thành một trong các lĩnh địa của mình. Sigismund de Luxembourg thường xuyên gây chiến tranh bên ngoài, Hungary là một trong các hậu phương quan trọng phục vụ cho việc tham chiến, do vậy mà không thể để mất được. Sigismund de Luxembourg đã mấy lần tăng thuế để có tiền phát động chiến tranh, rồi bị dân chúng trong một số lĩnh địa nổi dậy đánh đuổi, phải dựa vào lực lượng của Hungary để khôi phục. Do đó, trong mắt Sigismund de Luxembourg, Hungary là một lĩnh địa rất quan trọng.
…
Hẻm núi Kalwang, tây bắc xứ Styria.
Do dãy núi Alps (An-pơ) trải dài từ đông sang tây, từ Áo sang đến tận Pháp, muốn đi từ Salzburg sang Styria, chỉ có thể đi men theo các hẻm núi, các thung lũng nằm giữa dãy núi. Có những hẻm núi rộng hơn chục kilômét, nhưng cũng có những hẻm núi co thắt lại, chỉ rộng vài trăm mét. Hẻm núi Kalwang gần thị trấn Kalwang là một hẻm núi nhỏ như thế. Hẻm núi tuy hẹp nhưng rất dài, là một trong những vị trí phòng ngự lý tưởng.
Hoàng đế Sigismund de Luxembourg thúc đại quân đuổi đến đầu phía tây của hẻm núi Kalwang thì gặp địch quân trở kích. Liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento để lại đấy 1 vạn quân, dựa vào địa hình thiết lập hào lũy ngăn cản. Quân đội của Sigismund de Luxembourg không thể tiến quân được, làm cho ông ta vô cùng nóng ruột, triệu tập chúng vương công bàn bạc. ‘Đệ nhất trí giả’ là Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg hiến kế :
- Bệ hạ. Mưu đồ của đối phương đã quá rõ ràng, định dùng một lượng nhỏ quân đội ngăn cản chúng ta ở đây, để tiện cho đại quân hành động. Chúng ta chỉ còn cách cường công, sử dụng ưu thế binh lực tấn công, dùng biển người nhấn chìm đối phương. Nếu không, chỉ có thể trơ mắt nhìn Styria, Hungary, thậm chí cả các xứ Áo và Bohemia thất thủ.
Các xứ Styria và Áo thuộc về Công quốc Áo không kể, nhưng Hungary và Bohemia là hai vương quốc, và cũng là hai lĩnh địa lớn nhất của Sigismund de Luxembourg, gần như chiếm đến hơn 90% tổng diện tích các lĩnh địa của ông ta. Phần còn lại chính là Công quốc Luxembourg sát biên giới Pháp Lan Tây, trong hoàn cảnh nước Pháp đang do nhà Anjou khống chế, Sigismund de Luxembourg lại theo phe Anh Cách Lan trong cuộc ‘chiến tranh trăm năm’, hoàn toàn không thể dùng làm hậu phương được.
Thế nên, suy nghĩ giây lát, Sigismund de Luxembourg vỗ bàn quyết định :
- Cường công. Huy động đại quân cường công. Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg sẽ đảm nhiệm thống soái chiến trường.
Chúng vương công đồng vâng lệnh. Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg thời gian qua đã chứng tỏ được tài trí của mình, mọi người đều kính phục nên không ai có ý kiến phản đối. Sigismund de Luxembourg lại nói thêm :
- Nếu các xứ Áo, Bohemia, Hungary đều thất thủ, đối phương phối hợp với quân Anjou ở Pháp Lan Tây, hai đầu cùng đánh, Đế quốc có khi không còn tồn tại. Mọi người phải cố gắng chiến đấu vì vận mệnh của Đế quốc.
Mọi người cả kinh, đều ứng tiếng hứa sẽ dốc sức chiến đấu. Frederick I de Brandenburg bắt đầu phân phái hoạt động cho các đạo quân. Toàn bộ quân đội của Công quốc Áo, Vương quốc Hungary và Vương quốc Bohemia gồm hơn 150.000 quân là lực lượng chủ công, số quân còn lại là lực lượng dự bị, sẵn sàng chi viện tiền tuyến. Lực lượng chủ công lại chia làm 5 bộ phận, luân phiên thượng trận, bảo đảm việc chiến đấu được liên tục, không để cho đối phương có cơ hội củng cố hào lũy.
Trời tối, trong hẻm núi bóng tối đến sớm hơn bên ngoài. Ở đó chỉ có một dãy doanh trại với 1 vạn quân. Còn phía ngoài hẻm núi, hàng trăm nghìn quân Áo – Hungary - Bohemia lũ lượt tiến tới, biển người hung dũng, quang cảnh náo động, có vẻ như cuồng phong bão tố sắp bùng phát, hay một đợt sóng thần sắp ập vào các hào lũy đang chắn giữ ngay đầu hẻm núi.
Ở nơi khác, Bá tước, Hầu tước đã là đại nhân vật, hùng cứ một phương. Nhưng ở đây, các vị Bá tước và Hầu tước đại nhân chỉ là những tiểu nhân vật, phụng mệnh hành sự, bởi phía trên nữa còn có rất nhiều Tuyển hầu, Vương tử, Công tước đại nhân. Do đó, các vị Bá tước, Hầu tước phải đích thân ra chiến trường suất lĩnh quân đội chiến đấu. Quân đội liên quân đại đa số là nông dân mới bỏ cuốc cày cầm vũ khí, nếu thiếu sự chỉ huy sẽ không thể nào hình thành nên chiến đấu lực.
Tu tu tu …
Một hồi tù và thật dài rúc lên, báo hiệu chiến đấu bắt đầu. Đội quân đầu tiên gồm 3 vạn quân Áo phát động tấn công. Công tước Ernest de Autriche Intérieure truyền lệnh :
- Cung thủ chuẩn bị. Tiến đến phía trước hai trăm bước.
Các đội cung thủ theo lệnh tiến tới phía trước. Khi đã đến cách hào lũy của đối phương khoảng một tầm tên, Công tước Ernest de Autriche Intérieure lại truyền lệnh :
- Dừng lại.
- Chuẩn bị.
Công tước đại nhân của chúng ta còn chưa kịp ra lệnh ‘bắn’ thì đã thấy từ phía hào lũy của đối phương có rất nhiều mũi tên bắn ra, rải xuống đầu quân đội Áo. Cung thủ trên lũy có ưu thế độ cao nên có tầm bắn xa hơn. Khi quân Áo vừa chuẩn bị bắn thì đối phương đã bắn trước rồi. Một lượt tên rải xuống đầu khiến đội ngũ quân Áo hỗn loạn, nhiều tân binh chẳng kể gì đến mệnh lệnh của tướng lĩnh chỉ huy, chạy loạn khắp nơi tránh né. Đội hình quân Áo ngày càng trở nên hỗn loạn, không thể nào tổ chức phản kích. Đương nhiên, phía đối phương không thể nào bỏ lỡ thời cơ. Từng loạt, từng loạt tên cứ liên tiếp bắn ra, gây cho quân Áo thương vong thảm trọng. Công tước Ernest de Autriche Intérieure không còn cách nào khác, đành ra lệnh cho quân đội tạm thời rút lui ra ngoài.
Quân Áo rút chạy ra ngoài hơn dặm mới dám dừng lại chỉnh đốn đội ngũ. Đến lúc này, sau khi kiểm điểm lại mới hay chỉ sau hơn khắc tiếp chiến, quân Áo đã thiệt hại hơn vạn, trong đó có gần 4.000 người tử vong, số còn lại tạm thời mất sức chiến đấu. Chưa chính thức tiếp chiến mà đã thiệt hại khoảng 40% quân số, Công tước Ernest de Autriche Intérieure nộ khí trùng trùng, vỗ bàn quát tháo liên hồi. Sở dĩ có thiệt hại lớn như thế, bởi sau các trận chiến ở Tyrol, Salzburg, quân chủ lực của Áo đã thiệt hại gần hết, xuất hiện trên chiến trường chỉ là quân nông dân ô hợp (số tinh nhuệ ít ỏi còn lại được Công tước đại nhân giữ lại bên cạnh hộ vệ mình, nơi chiến trường tên bay đạn lạc, tính mạng quan trọng hơn hết).
Lần đầu chiến đấu lại thảm bại như thế, sĩ khí liên quân giảm sút nghiêm trọng. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg và chúng vương công đều hết sức lo âu. Còn Công tước Ernest de Autriche Intérieure vì hổ thẹn mà giả vờ bị thương, ở yên trong doanh trướng, không dám ra ngoài gặp ai.
Chương 113 : CHIẾN DỊCH HẺM NÚI KALWANG (2)
Lại nói, sau khi quân Áo thảm bại, khiến cho sĩ khí liên quân giảm sút nghiêm trọng, cả Hoàng đế Sigismund de Luxembourg và chúng vương công đều hết sức lo âu. Thấy tình hình có biến, Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg đành thay đổi sách lược, truyền lệnh cho cả 4 đội quân chủ công còn lại gồm 12 vạn quân đồng loạt tấn công. Hơn 13 vạn dự binh quân cũng được lệnh chuẩn bị sẵn sàng tham chiến. Frederick I de Brandenburg quyết định một khi đã phát động tấn công, phải lợi dụng một cổ khí thế tiền tiến, tiền tiến, tiếp tục tiền tiến, mãi cho đến khi kiểm soát được hẻm núi này mới thôi. Chỉ cần vượt qua được nơi này, địa hình phía trước không còn nhiều trở ngại nữa. Phía bên kia đã là đầu phía đông của dãy Alps rồi. Tuy vẫn chưa ra khỏi vùng núi, nhưng địa hình không còn hiểm trở nữa, thuận lợi cho đại quân tác chiến hơn.
Tu tu tu …
Lại một hồi tù và dài thúc giục quân đội tiền tiến. Đại đội liên quân Hungary – Bohemia (quân Áo vừa nãy đã bị đả tàn rồi) tràn lên công kích hào lũy đối phương. Dưới sự uy hiếp của chấp pháp đội, quân binh bị xua lên phía trước, phải không ngừng tiền tiến, bất kể cung tên của đối phương rải xuống đầu. Sau khi có gần nghìn người bị xử tử giữa trận, không ai còn dám tháo lui nữa. Người phía trước ngã xuống, đã có người phía sau xông lên thay thế. Chiến huống cực kỳ thảm liệt.
Trước sự tấn công cực kỳ hung hãn của liên quân Hungary – Bohemia, phía quân đội Thần Thánh Đế quốc phải liên tục lùi vào bên trong hẻm núi, hết lùi lại lùi, liên tục lùi. Phía liên quân Hungary – Bohemia có thể tử chiến, nhưng phía Thần Thánh Đế quốc thì không. Do vậy mà hàng loạt trận địa, hào lũy lần lượt rơi vào tay liên quân Hungary – Bohemia.
Chỉ sau 2 ngày, Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg đã chỉ huy quân đội tiến được gần chục dặm, công chiếm được đại bộ phận hẻm núi, chỉ còn lại một đoạn ngắn ở đầu phía đông còn nằm trong tay đối phương. Để giành được chiến quả như thế, bọn họ đã phải đổi bằng hơn 1 vạn quân tử trận và gần gấp ba lần số ấy thọ thương, mất sức chiến đấu. Tuy vậy, chiến quả cũng làm chúng vương công rất phấn khởi. Bởi đây cũng là lần đầu tiên bọn họ giành được chiến thắng trước quân đội Thần Thánh Đế quốc. Trận chiến này đã mang lại cho bọn họ niềm tin rằng quân đội Thần Thánh Đế quốc không phải là ‘bất khả chiến thắng’, chỉ cần có ưu thế binh lực, hoàn toàn có thể đánh thắng được đối phương.
Đến ngày thứ ba, nhìn thấy chỉ còn một đoạn ngắn nữa là đã có thể vượt qua được hẻm núi, trên từ Hoàng đế Sigismund de Luxembourg, dưới đến Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg và chúng vương công đều quyết định tập trung toàn bộ binh lực quyết tâm kiểm soát cho được toàn bộ hẻm núi ngay trong hôm nay. Quân đội sĩ khí đang dâng cao, tốt nhất nên thừa cơ tấn công, không nên dừng lại.
Tu tu tu …
Lại hiệu tù và ra lệnh phát động tấn công. Quân đội liên quân Đế quốc La – Đức – Vương quốc Hungary tràn ngập toàn bộ hẻm núi. Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg bố trí như thế là để có đủ uy thế, bảo đảm sĩ khí quân đội không giảm, đồng thời cũng khiến cho quân tiên phong không có đường lùi, chỉ có thể tiền tiến, liên tục tiền tiến. Mấy ngày qua, nhờ dùng sách lược đó mà bọn họ đã đánh lui địch quân, kiểm soát gần hết hẻm núi.
Trong lúc đại quân phát động tổng tấn công, Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg an ổn ở trung quân cùng với Hoàng đế Sigismund de Luxembourg chỉ huy đội quân dự bị và chờ đợi chiến báo từ tiền tuyến. Chờ mãi … chờ mãi … chờ đến quá trưa mà vẫn chưa có tin tức gì, cả hai sốt ruột phái gã Hiệp sĩ thân tín đi ra tiền tuyến xem thử. Hồi lâu, gã ta mới trở về bẩm báo :
- Bệ hạ, Đại nhân. Phía trước địch quân xây dựng hào lũy rất kiên cố. Quân ta nhất thời không công phá được, tổn thất rất nặng.
Hoàng đế Sigismund de Luxembourg sa sầm nét mặt, quát :
- Truyền lệnh tiếp tục tấn công.
Cuộc chiến lại tiếp diễn ngày càng khốc liệt hơn. Bên ngoài quân reo dậy đất, trong trung doanh yên ắng như tờ. Cả Hoàng đế Sigismund de Luxembourg và Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg đều không có chút tinh thần nào để chuyện trò. Bọn họ đều khẩn trương chờ đợi chiến báo, hy vọng tình hình chiến cục khả quan hơn. Đến lúc này đây, quân đội Đế quốc La – Đức không thể chịu đựng thêm một thất bại nào nữa.
Sở dĩ có chuyện đó là do quốc tình của Đế quốc La – Đức. Đế quốc La - Đức (tên gọi đầy đủ là Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức) thật ra không phải là một quốc gia thống nhất. Đế quốc này có chế độ gần giống như Đế quốc Mông Cổ vậy. Đế quốc Mông Cổ là một liên minh lỏng lẻo giữa các bộ tộc Mông Cổ, với Đại Hãn do các Hãn (đứng đầu các bộ tộc, Hãn quốc) bầu lên. Đế quốc La – Đức cũng là một liên minh lỏng lẻo của hơn 2.000 công quốc lớn nhỏ thuộc Vương quốc Đông Pháp Lan Khắc (Đông Frank), với Hoàng đế do các vương công quý tộc bầu lên. Từ thời Hoàng đế Thần Thánh Charlemagne (tiếng Latin : Carolus Magnus hay Karolus Magnus, nghĩa là Đại đế Carolus) thống nhất Âu châu vào thế kỷ VIII (chính thức lên ngôi năm 800 tại Roma, sau khi đã chiếm được hầu hết vùng Tây Âu), hàng loạt vương công quý tộc người Frank đã được phong thưởng, chia nhau cai trị các lĩnh địa ở khắp nơi. Các vị vương công quý tộc này chính là nền tảng của tầng lớp quý tộc Âu châu thời Trung Cổ. Hoàng đế Thần Thánh Charlemagne có 3 người con trai, tạo thành ba phân chi đối nghịch nhau. Sau khi ông qua đời, các người con đánh nhau tranh ngôi, và Đế quốc tan rã, chia thành 3 vương quốc Đông Frank, Trung Frank, Tây Frank, là tiền thân của các nước Đức, Ý, Pháp sau này (trong đó chỉ có Pháp là tương đối thống nhất). Do được kết hợp từ hơn 2.000 công quốc lớn nhỏ, ngôi vị Hoàng đế của Đế quốc La – Đức không hề ổn định, nếu như Hoàng đế không cường thế, các vị vương công quý tộc hoàn toàn có thể không tuân lệnh Hoàng đế nữa. Sau thất bại trong trận Pavia, uy tín của Hoàng đế Sigismund de Luxembourg đã giảm sút nghiêm trọng, mệnh lệnh truyền ra, trừ quân bản bộ thì chẳng còn mấy ai nghe theo. Lúc này liên quân hình thành được chẳng qua là vì tự thân lợi ích của các vương công quý tộc chứ không phải vì phục tùng mệnh lệnh của Hoàng đế. Trong Đế quốc có đến quá nửa số công quốc vì nhiều lý do khác nhau mà không đến tham gia liên quân (đa số là lĩnh chủ ‘bị bệnh’, khiến người ta có cảm giác dịch bệnh đặc biệt chiếu cố các vị lĩnh chủ, nếu không thì sao lại có hơn nghìn vị lĩnh chủ đồng loạt ‘bị bệnh’ như thế).
Chờ đợi khiến cho người ta có cảm giác thời gian trôi qua lâu hơn. Lúc này đây, cả Hoàng đế Sigismund de Luxembourg và Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg đều có cảm giác như thế. Quân đội đang chiến đấu là liên quân Hungary – Bohemia, là quân bản bộ của Hoàng đế. Số quân đội thương vong toàn là lực lượng của Hoàng đế cả. Vì thế mà Hoàng đế lo lắng bất an.
Đến chiều, gã Hiệp sĩ cung đình thân tín mới lại trở vào, thần sắc căng thẳng, bẩm báo :
- Bệ hạ, Đại nhân. Quân ta không công phá được hào lũy của đối phương, tổn thất cực kỳ nặng nề. Lúc này binh sĩ cũng đã rất mệt mỏi, sức chiến đấu suy giảm nghiêm trọng.
Hoàng đế Sigismund de Luxembourg giận dữ nói :
- Cả lũ ăn hại. Chỉ một đoạn hào lũy mà cũng không công chiếm được. Đúng là một lũ ăn hại mà.
Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg lựa lời khuyên giải :
- Bệ hạ. Binh sĩ chiến đấu từ sáng đến giờ, có lẽ cũng đói rồi nên mới giảm sức chiến đấu.
Hoàng đế Sigismund de Luxembourg cảm thấy cũng phải, liền truyền lệnh :
- Truyền quân đội tạm rút lui. Nghỉ ngơi ăn uống.
Mệnh lệnh truyền ra, liên quân Hungary – Bohemia ai nấy thở phào nhẹ nhõm, rùng rùng rút lui khỏi chiến trường, về bản doanh nghỉ ngơi ăn uống. Chiến đấu kịch liệt suốt cả ngày, dù là binh sĩ hay tướng lĩnh đều đói bụng cả rồi. Mà khi bụng đói thì sức chiến đấu bị giảm sút là chuyện đương nhiên. Chẳng mấy ai tình nguyện mang bụng đói mà tham gia chiến đấu cả. Quân đội Latium – Thần Thánh Đế quốc cũng chỉ giữ vững hào lũy chứ không truy đuổi.
Trong lúc binh sĩ nghỉ ngơi, Hoàng đế Sigismund de Luxembourg, Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg và vài vị vương công quý tộc thân tín cùng nhau bàn bạc tình hình chiến sự. Cuối cùng, dưới sự kiên quyết của Hoàng đế Sigismund de Luxembourg, mọi người quyết định sẽ tiếp tục phát động tấn công ngay trong đêm, dùng số lượng đánh bại đối phương. Chiến đấu vào ban đêm, uy lực hỏa khí của đối phương sẽ giảm sút nghiêm trọng. Tuy phía tấn công có thể gặp ít nhiều khó khăn, nhưng có thể sẽ có hiệu quả hơn. Những cái chết vì thần công đại pháo làm giảm sĩ khí của binh sĩ, còn chiến hữu tử trận vì đao thương chém giết còn có thể làm tăng nhiệt huyết, tăng sĩ khí. Liên quân còn đến vài trăm nghìn quân, không sợ thiệt hại.
Chương 114 : CHIẾN DỊCH HẺM NÚI KALWANG (3)
Trong một vùng đồi núi kín đáo ở phía tây nam hẻm núi Kalwang có một dãy doanh trại nằm xen giữa những khu rừng. Ở trung doanh, ba vị thủ lĩnh hội họp bàn bạc việc quân cơ. Hai người vận cẩm bào, mão vàng giáp bạc theo thể thức đại tướng của Thần Thánh Đế quốc. Người còn lại vận Hồng y theo thể thức Giám mục, đầu đội mão triều thiên hai tầng bằng vàng. Bọn họ chính là Ngô Trấn Quốc và Vương Nguyên là hai tướng thống lĩnh hai đạo quân Bảo Tiệp và Chiêu Viễn, cùng với Vương tử - Giám mục George I de Trento của Đại lĩnh địa Trento – Tyrol. George I de Trento đã được phong Hồng y Giám mục khi thay mặt Đức Thánh Cha Gregorius XII đi sứ sang Gia Định, nhưng mão triều thiên hai tầng là do lão tự chế ra với sự đồng ý của Long nhi sau khi lĩnh địa Tyrol được sát nhập vào Trento. Trong hàng giáo phẩm Cơ Đốc Giáo không có sử dụng loại mão triều thiên hai tầng, chỉ có mão triều thiên ba tầng là mão chuyên dụng của Đức Thánh Cha. Hồng y Giám mục thấp hơn Đức Thánh cha một bậc, nên mão triều thiên của lão chỉ có hai tầng.
Ba người cùng ngồi quanh một chiếc bàn tròn, vừa uống trà vừa bàn bạc. Ngô Trấn Quốc hỏi :
- Trận địa xử lý thế nào rồi ?
Vương Nguyên nói :
- Chúng ta đã chiếm lĩnh ba đạo hào lũy ở cửa phía tây hẻm núi. Binh sĩ đã đào thêm hào ở mặt đông. Địch quân đã hoàn toàn bị vây trong hẻm núi. Khi nào thì phóng hỏa ?
Ngô Trấn Quốc nói :
- Đại vương truyền lệnh đầu giờ Tuất tối nay sẽ phóng hỏa.
Theo lịch cổ, mỗi ngày được chia làm 12 canh giờ. Giờ Tý bắt đầu từ 11 giờ tối đến 1 giờ khuya. Do đó, đầu giờ Tuất chính là lúc 7 giờ tối. Vương Nguyên nói :
- Binh sĩ đã chuẩn bị đâu vào đó cả rồi, chỉ còn chờ lệnh hành sự.
George I de Trento nói :
- Bên trong hẻm núi có đến gần 300.000 người, phóng hỏa có tàn nhẫn quá không ?
Ngô Trấn Quốc nói :
- Quân giặc đông hơn quân ta. Nếu không phóng hỏa thì để chiến thắng quân ta sẽ thiệt hại rất nặng nề. Thà rằng quân giặc chết nhiều còn hơn để quân ta chết nhiều. Chúng ta không có trách nhiệm thương hại quân giặc.
Vương Nguyên cũng nói :
- Từ bất chưởng binh. Nếu song phương hỗn chiến, 3.000 quân của lão có khi còn lại không được mấy người.
George I de Trento khẽ thở dài, gật đầu nói :
- Nhị vị nói rất phải. Ai ! Hy vọng bọn chúng sớm đầu hàng.
Quân Trento 3.000 người tham gia liên quân là lực lượng tinh nhuệ nhất của George I de Trento. Lực lượng này đã tham gia các chiến dịch Tyrol, Salzburg và hẻm núi Kalwang, thực sự là lực lượng năng chinh thiện chiến, lão không thể để cho thiệt hại nặng nề được. Thế là bọn họ tiếp tục uống trà chuyện vãn, chờ trời tối.
…
Tối đến, cả Ngô Trấn Quốc, Vương Nguyên và George I de Trento cùng ra chiến tuyến đích thân chỉ huy hành động. Lúc này mặt trận đang do Chiêu Viễn quân Đệ nhị sư phụ trách phòng thủ. Vương Nguyên hỏi viên Hiệu úy Đào Anh Dũng :
- Chuẩn bị đến đâu rồi ?
Đào Anh Dũng hành quân lễ, nói :
- Báo cáo Đại nhân. Tất cả đã sẵn sàng.
Vương Nguyên đưa mắt nhìn Ngô Trấn Quốc, thấy y gật đầu, liền truyền lệnh :
- Chiếu kế hoạch hành sự.
Đào Anh Dũng lập tức chạy đi chỉ huy bản bộ binh mã phát động kế hoạch. Mấy nghìn cung thủ chiếm giữ nhiều vị trí dưới đất lẫn trên sườn núi, đồng loạt chuẩn bị cung tên, mồi lửa, trên đầu mũi tên đều có cột một mảnh vải nhúng dầu, bọc hỏa dược. Đào Anh Dũng truyền lệnh :
- Châm lửa.
Tất cả cung thủ đồng loạt châm lửa vào đầu mũi tên, sau đó giương cung lắp tên, sẵn sàng chờ lệnh. Đào Anh Dũng lại quát :
- Bắn.
Mấy nghìn mũi tên lửa đồng loạt được bắn ra. Mặt đất trước đó đã được rải hỏa dược và cỏ khô, nhiều nơi còn rải than đá, nên lập tức bốc lửa, bừng cháy dữ dội. Ngọn lửa dần dần lan về phía đông. Do có hào lũy cách lửa nên ngọn lửa không hề uy hiếp quân đội Thần Thánh Đế quốc.
Ngọn lửa lan dần, lan dần, rồi cũng lan đến khu doanh trại của liên quân Đế quốc La – Đức – Vương quốc Hungary. Do đang mùa hạ, không khí khô và nóng, nên thế lửa rất hung hãn. Khi ngọn lửa ập đến, mãn sơn biến dã đều là lửa đỏ, cả binh sĩ lẫn tướng lĩnh đều hốt hoảng tháo chạy về phía đông, bỏ của chạy lấy người. Đóng doanh trại ở khu vực phía tây này là lực lượng dự bị của liên quân, là quân đội của các tiểu công quốc thuộc Đế quốc La – Đức, toàn là nông dân ô hợp, nên khi tháo chạy cũng mãn sơn biến dã, không có hàng ngũ gì cả. Nhiều người vì tranh đường đoạt lối mà xô đẩy giẫm đạp nhau. Tiếng gào khóc vang trời dậy đất, vô cùng thê thảm.
Ở mặt trận phía đông, Hoàng đế Sigismund de Luxembourg và Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg đang chỉ huy quân đội tấn công phòng tuyến của quân đội Thần Thánh Đế quốc, đột nhiên nghe thấy từ phía sau có nhiều tiếng ồn ào hỗn loạn truyền đến. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg cau mày nói :
- Chuyện gì thế ? Quân đội của ai mà không có quy củ gì cả ? Giữa chiến trường mà gây náo loạn như thế thì còn ra thể thống gì nữa. Người đâu. Mau đi xem thử là chuyện gì ?
Gã Hiệp sĩ cung đình thân tín vội giục ngựa đi xem xét tình hình. Nhưng gã mới đi chưa được chục mét thì chợt thấy có vô số binh sĩ phe mình đang ùn ùn chạy đến, vừa chạy vừa la hét kêu khóc. Gã cả kinh, vội vã xông tới chặn một người đang bỏ chạy lại, hỏi thăm tình hình, rồi sắc mặt tái ngắt, chạy vội về chỗ Hoàng đế Sigismund de Luxembourg bẩm báo :
- Bệ hạ. Nguy rồi. Địch quân phóng hỏa thiêu hẻm núi.
Cả Hoàng đế Sigismund de Luxembourg, Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg và những vương công quý tộc xung quanh cũng đều kinh hãi thất sắc. Nghe nói đối phương phóng hỏa thiêu hẻm núi, mọi người lập tức liên tưởng đến hậu quả khủng khiếp của nó. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg đưa mắt nhìn về phía tây, đã bắt đầu thấy có ánh hồng ở phía xa, lo lắng nói :
- Phải làm sao đây ? Trước mặt là quân giặc, phía sau là ngọn lửa, hai bên là vách núi cao ngất. Chúng ta phải làm sao ? Mọi người ai có ý kiến gì không ?
Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, thất hồn lạc phách. Không ai có phương cách gì để lánh nạn cả. Phía trước là phòng tuyến của đối phương, hào lũy kiên cố, công phá mãi không được. Hai bên là vách núi dốc đứng, không leo lên được (thật ra có thể leo lên được nhưng phải mất nhiều thời gian, mà lúc này ngọn lửa đã sắp lan đến nơi, không còn thời gian nữa). Còn phía sau là ngọn lửa … Ai ! Không cam tâm a ! Hoàng đế Sigismund de Luxembourg thở ngắn than dài, rồi đột nhìn quay nhìn Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg. Chúng vương công cũng lần lượt nhìn Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg. Mọi người đều đặt cả hy vọng vào ông ta, vị trí giả của liên quân. Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg vò đầu bức tóc suy nghĩ một lúc, rồi đột ngột vỗ đùi nói lớn :
- Có rồi ! Có cách rồi !
Ai nấy đều mừng rỡ nhìn ông ta đầy hy vọng. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg vội hỏi :
- Cách gì ? Mau nói đi !
Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg nói :
- Chỉ cần chúng ta tạo một vành đai cách lửa ở xung quanh, rồi đốt lửa ở phía ngoài là có thể thoát được ngọn lửa.
Mọi người ồ lên khen phải. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg quát lớn :
- Nhanh lên. Lập tức hành động.
Chúng vương công quý tộc lập tức chia nhau chỉ huy tướng sĩ cắt cỏ đào đất tạo vành đai cách lửa xung quanh chỗ quân đội đang tụ tập. Vì sự an nguy của mình, mọi người đều hành động rất tích cực. Chỉ sau một lúc, vành đai cách lửa đã được tạo xong, mọi người liền phóng hỏa ở phía ngoài. Thế là ngọn lửa bùng lên, và cháy lan dần về phía tây. Khắp hẻm núi tràn ngập lửa đỏ, sáng rực như ban ngày. Nhưng nhờ có vành đai cách lửa, cả bọn tạm thời thoát nạn.
Sau hơn hai canh giờ, ngọn mới bắt đầu tắt dần. Phía liên quân Đế quốc La – Đức – Vương quốc Hungary ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. Nhưng bọn họ cũng chưa dám rời khỏi khu vực an toàn, mà chờ đợi thêm hơn canh giờ nữa, đến khi ngọn lửa hoàn toàn tắt hẳn thì mới dám chỉnh đốn lớn đội ngũ, kiểm điểm thiệt hại. Ai nấy mặt mũi phờ phạc, chẳng còn chút sĩ khí nào nữa.
Đến khi kiểm điểm toàn quân, từ Hoàng đế, vương công quý tộc cho đến phổ thông binh sĩ đều mãn diện u sầu. Trận hỏa hoạn đã cướp đi sinh mạng của hơn 4 vạn người, trong đó có không ít vương công quý tộc (thuộc đạo quân dự bị ở hậu doanh). Nhưng điều đó chưa có gì là nghiêm trọng, bởi liên quân vẫn còn lại khoảng 24 vạn quân. Điều đáng sợ là ngọn lửa đã thiêu rụi toàn bộ vật tư lương thực. Trong lúc tháo chạy khỏi ngọn lửa, mọi người chỉ nghĩ đến tính mạng của mình, làm sao chạy cho thật nhanh, chạy cho thật xa khỏi ngọn lửa. Không ai nghĩ đến việc cứu vật tư lương thực cả. Mà trước ngọn lửa hung hãn, mãn sơn biến dã như thế thì dù cho có muốn cứu cũng không kịp. Còn Hoàng đế Sigismund de Luxembourg thì đang ở chiến trường chỉ huy quân đội chiến đấu, đương nhiên không có mang theo vật tư lương thực đến đây.
Sau khi thoát chết vì lửa thiêu, mọi người lại sắp đối diện với cái đói. Tình cảnh liên quân trở nên vô cùng bi đát.
Chương 115 : ĐẦU HÀNG
Lại nói, ngọn lửa bất ngờ đã khiến cho hơn 4 vạn quân Đế quốc La – Đức – Vương quốc Hungary tử vong, đồng thời còn thiêu hủy toàn bộ doanh trại, vật tư, lương thực của liên quân. Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg bày kế giúp mọi người thoát chết vì lửa thiêu, nhưng mọi người lại sắp đối diện với cái đói. Tình cảnh liên quân trở nên vô cùng bi đát. Ai nấy mãn diện u sầu.
Hoàng đế Sigismund de Luxembourg nhìn đám tàn binh bại tướng quanh mình, thở dài hỏi :
- Chúng ta phải làm sao đây ? Ai có ý kiến gì không ?
Tuy hỏi mọi người, nhưng ánh mắt của Hoàng đế vẫn nhìn về phía Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg. Và những người khác cũng vậy. Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg cười khổ, lại vò đầu bức tóc ngẫm nghĩ tìm kế sách. Hồi lâu, ông ta mới nói :
- Chúng ta không còn vật tư lương thực, không thể cầm cự lâu. Giờ chỉ còn cách toàn lực tổ chức phá vây. Nếu như không xong thì chỉ còn cách đầu hàng.
Mọi người đưa mắt nhìn nhau, nhận thấy đúng là như vậy. Vật tư lương thực mất sạch. Ngọn lửa quái ác lại thiêu rụi toàn bộ cây cỏ trong hẻm núi, muốn kiếm gì ăn cũng không có. Lúc này cả bọn lại vừa đói khát vừa mệt mỏi. Nếu không thể phá vây thành công, bọn họ không thể nào cầm cự quá ba ngày. Thế nhưng, lại một vị vương công buột miệng nói :
- Khi còn sức lực mà không thể công phá được phòng tuyến của giặc, nói gì đến lúc này !
Mọi người nghe nói đều giật nảy mình. Phải a ! Hôm qua liên quân còn sức lực, còn sĩ khí mà vẫn không thể công phá được phòng tuyến của đối phương, lại còn thương vong thảm trọng, nói gì đến lúc này, khi mà cả tướng sĩ quân binh ai nấy đều mệt mỏi bơ phờ, vừa đói vừa khát. Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg cười khổ, nói :
- Quay về mặt tây vậy ! Hy vọng ở đó quân giặc không mạnh lắm.
Mọi người khen phải, lập tức suất lĩnh bản bộ binh mã lui về phía tây. Thế rồi cả bọn tràn trề thất vọng khi gặp phải hào lũy của liên quân Thần Thánh Đế quốc – Trento. Dựa vào vị trí, mọi người nhận ra rằng từ nơi đây ra đến cửa hẻm núi còn có đến 3, 4 đạo hào lũy như thế nữa. Trước đây bọn họ mất đến mấy ngày mới có thể công phá được mấy đạo phòng tuyến này. Còn giờ đây … E rằng chưa ra khỏi được hẻm núi thì cả bọn đã chết đói hết rồi. Công tước Ernest de Autriche Intérieure (Công tước xứ Nội Áo) tuy nóng nảy hung bạo, nhưng cũng là người sợ chết, nên nhìn Hoàng đế Sigismund de Luxembourg ngập ngừng nói :
- Bệ hạ …
Còn nước còn tát, hay chưa đến bước đường cùng thì chưa bỏ cuộc. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg nghiêm giọng nói :
- Quyết chiến trận cuối cùng. Ta không tin rằng tướng sĩ liều chết mà vẫn không phá được vòng vây.
Nói rồi liền đi chỉnh đốn binh mã tổ chức phá vây. Công tước Ernest de Autriche Intérieure đưa mắt nhìn những người khác. Công tước Henry XVI de Bavaria hạ giọng nói :
- Chúng ta ra ngoài kia nghỉ ngơi một chút !
Thế là mọi người giải tán. Công tước Henry XVI de Bavaria, Công tước Ernest de Autriche Intérieure, Tuyển hầu Eric V de Saxe - Lauenburg và vài vị Công tước thân cận khác tụ họp một chỗ bàn bạc. Công tước Ernest de Autriche Intérieure nói :
- Chúng ta nên làm sao đây ?
Tuyển hầu Eric V de Saxe – Lauenburg thở dài nói :
- Sigismund quyết tử chiến, ta thấy hoàn toàn không có chút hy vọng nào !
Đến nước này, ông ta cảm thấy không cần tôn trọng Hoàng đế Sigismund de Luxembourg. Tình thế bi đát hiện tại khiến cho uy tín của Hoàng đế Sigismund de Luxembourg mất sạch, thậm chí không còn cả tôn nghiêm. Quốc vận Đế quốc nguy ngập, chúng vương công quý tộc đổ hết trách nhiệm cho Hoàng đế Sigismund de Luxembourg. Nếu như không có ông ta, hẳn đã không có chiến tranh giữa Vương quốc Latium và Đế quốc La – Đức.
Nghe Tuyển hầu Eric V de Saxe – Lauenburg nói vậy, chúng vương công quý tộc đều đồng cảm, phân phân gật đầu. Một người đề nghị :
- Hay là chúng ta đầu hàng vậy !
Mọi người cảm thấy cũng chỉ còn cách đó. Công tước Henry XVI de Bavaria là người tinh minh hơn cả, liền nói :
- Chúng ta phái người liên hệ đối phương thử xem. Nếu như đối phương đồng ý cho dùng tiền chuộc thì chúng ta đầu hàng.
Ở Âu châu thời Trung Cổ, nếu như thất trận bị bắt thì có thể dùng tiền chuộc thân. Cũng chính vì hy vọng có khoản tiền chuộc này mà quân đội triều đình Pháp Lan Tây mới thất bại ở trận Agincourt. Khi song phương giao chiến, sát tử đối phương dù sao vẫn dễ dàng hơn tìm cách bắt sống đối phương. Chỉ có điều, ở đây liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento không có chủ động giao chiến, mà chỉ phòng thủ trận địa và bỏ đói địch quân. Liên quân Đế quốc La – Đức – Vương quốc Hungary không công phá được các phòng tuyến của đối phương thì chỉ còn nước chết đói hoặc đầu hàng. Mà chúng vương công quý tộc thì chẳng muốn chịu chết chút nào. Vì thế mà ai nấy đều tán đồng đề nghị của Công tước Henry XVI de Bavaria. Mọi người bàn bạc hồi lâu, rồi cử Bá tước Henry V de Görz làm sứ giả đi liên hệ với đối phương.
Bá tước Henry V de Görz bí mật đi tiếp xúc với Vương tử - Giám mục George I de Trento, người trước giờ vẫn giữ vai trò phát ngôn của liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento. Được sự ủy quyền của Đinh An Bình, George I de Trento nhận lời đề nghị của chúng vương công quý tộc Đế quốc La – Đức, nhưng phải kèm theo một điều kiện :
- Các công quốc Bavaria và Württemberg phải cắt 5% lĩnh địa của mình sát nhập vào Trento. Còn các lĩnh địa thuộc Áo nằm bên trong Württemberg cũng phải chuyển giao cho Trento.
Bá tước Henry V de Görz ngần ngừ nói :
- Như thế …
George I de Trento cười nhạt nói :
- Đó là điều kiện tiên quyết. Nếu như Bavaria và Württemberg cảm thấy thiệt thòi thì có thể yêu cầu những người còn lại hỗ trợ để bù lại.
Bá tước Henry V de Görz thấy đối phương quyết ý như thế, không biết nói sao, đành quay về báo lại cho chúng vương công quý tộc biết. Cả bọn bàn bạc hồi lâu, cảm thấy điều kiện đó có thể chấp nhận được, nên đều thuyết phục Công tước xứ Bavaria và Công tước xứ Württemberg đồng ý. Mọi người hợp nhau đóng góp kim ngân tài bảo để đền bù cho hai người họ. Nên biết rằng việc bại trận phải cắt đất cầu hòa là chuyện thường tình. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Đế chế Đức sụp đổ, phải cắt khoảng 10% lĩnh thổ cho các nước thắng trận để cầu hòa (chưa kể khoản tiền bồi thường chiến phí và nhiều điều kiện khắc nghiệt khác). Ở đây George I de Trento đòi hỏi phần lĩnh thổ chỉ hơn 1 vạn kilômét vuông, so với toàn Đế quốc La – Đức thì không nhiều. Còn chuyện của Công tước Ernest de Autriche Intérieure không còn quan trọng nữa, bởi các xứ Nội Áo đều đã bị liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento chiếm lĩnh, và sau này cũng không có hy vọng phục hồi.
Thế là đại bộ phận quân đội Đế quốc La – Đức hạ khí giới đầu hàng. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg chỉ còn lại một số cận thần thân tín, cùng hơn 100.000 tàn binh bại tướng, lại thêm lương thực vật tư không còn, lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Hôm sau nữa, tin tức toàn cảnh Hungary thất thủ bắt đầu lan truyền với tốc độ thật nhanh, khiến toàn quân hoàn toàn mất tinh thần. Hơn 80.000 quân còn lại của Vương quốc Hungary quyết định đan độc hướng Thần Thánh Đế quốc đầu hàng. Bọn họ biết rằng từ nay Hungary đã trở thành một phần lĩnh thổ của Vương quốc Latium, người thân của bọn họ đã trở thành thần dân của Latium, nên chẳng ai muốn kháng cự nữa.
Thật ra khi tổ chức chiến dịch hẻm núi Kalwang, Đinh An Bình đã phái 2 đạo quân Thần Thánh Đế quốc gồm 6 vạn người phối hợp cùng 3.000 quân Trento trấn giữ mặt tây hẻm núi, lại phái 2 đạo quân khác trấn giữ mặt đông hẻm núi. Còn lại 2 đạo quân cùng với 3 vạn quân Latium, tổng cộng gồm 9 vạn người chia nhau đi chiếm giữ toàn cảnh Áo và Hungary. Cả hai nơi chẳng còn bao nhiêu thủ quân, thậm chí rất nhiều nông dân cũng bị chinh triệu tham quân, nên đã bị chiếm lĩnh rất dễ dàng. Lĩnh thổ Vương quốc Latium giờ đây đã chính thức tiếp giáp Đế quốc Ottoman ở phía đông và Vương quốc Ba Lan ở phía đông bắc, chiếm đến khoảng một nửa diện tích Âu châu thời bấy giờ (lúc này chưa có nước Nga; Công quốc Moscow và Cộng hòa Novgorod là chư hầu của Hãn quốc Kim trướng của người Mông Cổ, do người con trai trưởng của Thành Cát Tư Hãn lập ra).
Đứng trước tình cảnh đó, nhìn lại bên mình chỉ còn lại hơn 2 vạn tàn quân bại tướng, Hoàng đế Sigismund de Luxembourg cuối cùng cũng chấp nhận lời khuyên của các cận thần, hướng Thần Thánh Đế quốc đầu hàng. Đặc biệt, Hoàng đế Sigismund de Luxembourg nhất quyết chỉ hướng Thần Thánh Đế quốc đầu hàng chứ không chịu hướng Vương quốc Latium đầu hàng. Đinh An Bình chẳng chấp nhất chút sĩ diện nhỏ đó của ông ta, nên cũng đồng ý.
Thế là, chiến dịch quy mô lớn nhất trong lịch sử Âu châu thời Trung Cổ chính thức chấm dứt.
Chương 116 : TÌNH THẾ ÂU CHÂU NĂM ĐINH DẬU (1)
Năm Đinh Dậu (1417), sau khi chiến dịch hẻm núi Kalwang - chiến dịch quy mô lớn nhất trong lịch sử Âu châu thời Trung Cổ - chính thức chấm dứt, tình thế Âu châu đã trở nên rất rõ ràng. Âu châu lúc này chủ yếu chia thành hai phần : phần phía nam thuộc về Vương quốc Latium, và phần phía bắc thuộc về các nước còn lại.
Sau khi chiếm lĩnh toàn cảnh Hungary, quân đội Thần Thánh Đế quốc không tấn công quân Thổ của Đế quốc Ottoman ở phía đông, mà tiến quân về hướng Hy Lạp ở phía nam, thừa dư âm của chiến dịch hẻm núi Kalwang mà bình định các lĩnh địa vùng Balkan, chính thức định hình cương thổ của Vương triều Latium. Do sử dụng danh nghĩa giúp người Cơ Đốc giáo phương Đông chống quân Thổ, mà các vùng này thường bị kỵ binh Thổ xâm nhiễu, nên chỉ có một số đại quý tộc tổ chức phản kháng, còn dân chúng thì rất ít chống đối việc sát nhập vùng này vào Vương triều Latium. Trước đây họ chọn thần phục Đế quốc Byzantine ở Constantinople. Nhưng nay Đế quốc Byzantine đã rất suy yếu, thành Constantinople đã bị quân Thổ bao vây kể từ năm 1371 cho đến tận lúc này, các tiểu quốc địa phương lại chống quân Thổ không hữu hiệu, nên dân chúng chọn chỗ dựa mới vững chắc hơn là điều bình thường.
Khi tiến xuống đến bán đảo Morea ở phía cực nam, Đinh An Bình mới cho quân đội xuống thuyền, vượt Địa Trung Hải trở về Sinai, giao lại các vùng đất mới chiếm được cho quân đội Latium quản lý. Quân đội Latium lúc này có 6 vạn quân chính quy, khoảng 5 vạn quân địa phương, chia nhau trú đóng khắp các quận huyện trong vương quốc. Quân Thổ của Đế quốc Ottoman hiện đang bận vây đánh thành Constantinople, nên cũng không muốn có xung đột ở biên cảnh phía tây. Vì thế mà song phương tự giác phòng thủ biên cảnh của mình, tương an vô sự.
Vương quốc Latium kiểm soát các lĩnh địa Aragon và Navarre trên bán đảo Iberia; các đảo Iviza, Majorca, Minoroa, Sardinia, Corsica, Sicily, Malta, Candia và nhiều đảo nhỏ khác trong vùng Địa Trung Hải, biển Adriatic và biển Aegaeum; toàn bộ bán đảo Ý, trừ phần Papal States ở Roma và vùng phụ cận; các lĩnh địa phía nam lục địa Âu châu, với phía bắc là Burgundy, Các công quốc xứ Thụy Sĩ, Tyrol – Trento, Áo, Hungary; vùng bán đảo Balkan, cho đến biên giới Đế quốc Ottoman ở phía đông. Lĩnh thổ vương triều được chia thành 22 tỉnh :
1. Sicily : gồm các đảo Sicily, Sardinia, Corsica và quần đảo thuộc địa Majorca hợp thành, được chia thành 7 quận, gồm 3 quận Syracuse, Palermo và Messina thuộc đảo Sicily; 2 quận Cagliari và Sassari thuộc đảo Sardinia; quận Corsica thuộc đảo Corsica; quận Majorca thuộc quần đảo Majorca. Trong đó Syracuse là kinh đô.
2. Napoli : nguyên là vương quốc Napoli, được chia thành 6 quận là Napoli, Taranto, Calabria, Potenza, L’Aquila và Foggia.
3. Aragon : nguyên là phần phía bắc của vương quốc Aragon cùng với công quốc Navarre; được chia thành 5 quận là Barcelona, Lérida, Navarre, Saragossa và Gerona.
4. Valencia : nguyên là phần phía nam của vương quốc Aragon; được chia thành 5 quận là Valencia, Sagunto, La Plana, Alicanté, Monreal del Campo.
5. Milano : nguyên là các lĩnh địa Milano, Piedmond, và nước cộng hòa Genoa; được chia thành 6 quận là Milano, Bresia, Lecco, Turin, Piedmond và Genoa.
6. Thụy Sĩ : nguyên là các công quốc Thụy Sĩ và lĩnh địa Savoy; được chia thành 6 quận là Zurich, Bern, Lucerne, Valais, Uri và Savoy.
7. Burgundy : nguyên là công quốc Burgundy, các lĩnh địa Nevers và Charolais; được chia thành 5 quận là Nevers, Charolais, Beaune, Besançon và Pontarlier.
8. Lombard : nguyên là nước cộng hòa Venice, và các lĩnh địa ở Lombard, Romagna phía bắc bán đảo Ý; được chia thành 6 quận là Venice, Mantova, Modena, Florence, Siena và Ferrara.
9. Bắc Adriatic : nguyên là vùng phía nam công quốc Áo; được chia thành 6 quận là Gorizia, Trieste, Styria, Carniola, Carinthia và Burgenland.
10. Moravia : nguyên là vùng phía bắc công quốc Áo và công quốc Moravia; được chia thành 5 quận là Niederösterreich, Oberösterreich, Vienna, Moravia và Zlin.
11. Bratislava : nguyên là 20 lĩnh địa của người Slovak thuộc Hungary; được hợp lại thành 5 quận là Brastislava, Kremnikx, Zips, Saris và Hont.
12. Transdanubia : là các lĩnh địa phía tây của vương quốc Hungary, khu vực sông Danub; được chia thành 6 quận là Budapest, Györ, Pécs, Székesfehérvár và Raab.
13. Hungary : là các lĩnh địa phía nam của vương quốc Hungary được chia thành 6 quận là Miskolc, Debrecen, Szeged, Békés, Bihar và Plain.
14. Transylvania : là các lĩnh địa phía đông của vương quốc Hungary được chia thành 6 quận là Bacău, Suceava, Iaşi, Bihor, Cluj và Maramureş.
15. Krajova : phần phía tây của tiểu vương quốc Wallachia, được chia thành 6 quận là Krajova, Mureş, Dolj, Gorj, Timiş và Arad.
16. Crostia : nguyên là lĩnh địa Crostia thuộc Hungary; được chia thành 5 quận là Sibenik, Dubrovnik, Split, Poreč và Trogir.
17. Bosnia : nguyên là vương quốc Bosnia; được chia thành 5 quận là Sarajevo, Zvornik, Lika, Pakrac và Mostar.
18. Belgrade : nguyên là lĩnh địa của người Serbia thuộc Hungary; được chia thành 5 quận là Belgrade, Pančevo, Novi Sad, Zrenjanin và Smederevo.
19. Servia : nguyên là vương quốc độc lập của người Serbia; được chia thành 5 quận là Tivar, Bor, Kragujevac, Nis và Novi Pazar.
20. Albania : gồm 5 quận là Tirana, Podgorica, Pristina,Skopje và Vloré.
21. Thessalia : nguyên là các lĩnh địa miền bắc bán đảo Hy Lạp; được chia thành 6 quận là Thessalia, Chalcidice, Pieria, Ipiros, Athos và Evros.
22. Athens : nguyên là các lĩnh địa miền nam bán đảo Hy Lạp; được chia thành 7 quận là Athens, Euboea, Phocis, Kriti, Corinthia, Messinia và Olympia.
Ngoài ra còn có 2 lĩnh địa giáo quyền là :
1. Đại lĩnh địa Trento – Tyrol : do Vương tử - Giám mục George I de Trento cai trị, đang xin thăng cấp lên thành vương quốc.
2. Lĩnh địa Salzburg : được giao cho Vương tử - Giám mục Eberhard III de Neuhaus cai trị, vì đã có công lĩnh đạo giáo dân nổi dậy đánh đuổi quân chiếm đóng Bavaria, thần phục vương quốc Latium.
Với một lĩnh thổ rộng đến 1,329,847 kilômét vuông, Vương triều Latium trở thành một thế lực hùng mạnh nhất ở Âu châu, uy hiếp tất cả các quốc gia còn lại. Hơn nữa, lĩnh thổ phần lớn nằm trong cương giới của Đế quốc La Mã cổ đại, nên vương triều Latium có thể tự nhận là sự kế thừa từ Đế quốc La Mã cổ xưa. Long nhi hoàn toàn có thể lên ngôi Imperator, tức Hoàng đế của người La Mã. Thật ra thì Long nhi đang chuẩn bị quay về Gia Định Thành thụ phong đế vị.
Phía tây bắc vương quốc Latium là vương quốc Pháp Lan Tây (Française). Trước đây, khoảng một nửa cương thổ của vương quốc Pháp Lan Tây bị quân Anh Cách Lan chiếm đóng, chủ yếu là vùng Aquitaine ở phía nam và vùng Paris ở phía bắc. Ngoài ra còn có các vùng Burgundy và Planders bị Công tước xứ Burgundy tách ra khỏi vương quốc, thành lập công quốc độc lập. Phần đất còn lại của vương quốc thì lĩnh địa Provence ở phía nam và các lĩnh địa Anjou, Maine ở lưu vực sông Loire đều thuộc về nhà Anjou. Sau khi quân đội nhà Anjou đã đánh đuổi quân Anh Cách Lan ra khỏi vương quốc thì toàn bộ các lĩnh địa do Anh Cách Lan chiếm đóng cùng với các lĩnh địa vùng Planders của Công tước xứ Burgundy cũng đều trở thành lĩnh địa của nhà Anjou. Quân Anjou chẳng khi nào đã chiếm giữ rồi lại tự nhiên nhường lại cho người khác. Vương quốc Pháp Lan Tây gần như mất nước, nhờ có nhà Anjou nổi lên phục quốc, những người khác không có công lao gì, ai lại dám đi tranh giành chiến lợi phẩm với nhà Anjou mà lúc này uy thế đang chấn nhiếp cả Âu châu (người Âu châu xem Long nhi cũng thuộc nhà Anjou). Thế cho nên, các lĩnh địa của nhà Anjou chiếm hết đại bộ phận cương thổ vương quốc Pháp Lan Tây, triều đình chỉ kiểm soát được khu vực Orléans ở vùng trung bộ, mà vùng này lại gồm vô số quý tộc lớn nhỏ. Thật ra thì vương quốc Pháp Lan Tây do các lĩnh chủ phong kiến chia nhau cai trị, quốc vương cũng chỉ là một lĩnh chủ nhỏ, lớn nhất là Anjou, tiếp đó là hai xứ Orléans và Burgundy. Sau cuộc nội chiến Armagnacs - Burgundy (1407 – 1412), các lĩnh địa của Công tước xứ Burgundy tách ra độc lập, còn Công tước xứ Orléans đại diện cho phe Armagnacs giữ vai trò nhiếp chính. Quốc vương Charles VI de Française bị bệnh tâm thần, nên chỉ là quốc vương trên danh nghĩa. Hiện tại, trong vương quốc đang có cuộc vận động tôn Công tước xứ Anjou lên làm quốc vương, bởi quốc vương hiện tại bị bệnh tâm thần, thái tử thì còn quá nhỏ và đang sống (tị nạn) ở nhà Anjou, trong khi Công tước xứ Anjou với quốc vương lại là anh em họ (cha họ là anh em ruột), và đang trực tiếp kiểm soát đến 80% vương quốc. Cuộc vận động đó còn có mục đích khác nữa là hy vọng ở sự an định của vương quốc khi nhà Anjou lên cai trị, bởi Vương triều Latium ở phía nam quá cường thế. Quốc vương hiện tại đang bị Quốc vương Anh Cách Lan tranh chấp ngai vàng (nguyên nhân của cuộc ‘chiến tranh trăm năm’). Nếu như Công tước xứ Anjou lên ngôi, mọi người tin rằng Quốc vương Anh Cách Lan sẽ chẳng dám tranh ngôi nữa. Sau hơn 80 năm chiến hỏa liên miên, hơn ai hết, người dân Pháp Lan Tây rất trông chờ vào hòa bình.
Phía bắc Vương quốc Pháp Lan Tây đương nhiên là Vương quốc Anh Cách Lan (England). Sau khi bị quân Anjou đánh đuổi ra khỏi đất Pháp Lan Tây, tình thế vương quốc Anh Cách Lan đang xấu đi rất nhanh. Vương quốc Tô Cách Lan (Scotland) ở phía bắc vốn liên minh với Vương quốc Pháp Lan Tây trong cuộc ‘chiến tranh trăm năm’, giờ đây đã chuyển sang liên minh trực tiếp với Công tước xứ Anjou, uy hiếp biên cảnh phía bắc của Anh Cách Lan. Người xứ Wales nổi lên giành độc lập năm 1400, bị quân Anh Cách Lan dập tắt cách nay hai năm (1415), giờ lại tiếp tục nổi dậy. Vương quốc Ái Nhĩ Lan (Ireland) cũng lại phản công giành lại vùng lĩnh thổ phía đông bị Anh Cách Lan chiếm đóng sau thất bại hồi 20 năm trước. Nói tóm lại, Vương quốc Anh Cách Lan lúc này ba bề thọ địch, tình thế hiểm nghèo.
Chương 117 : TÌNH THẾ ÂU CHÂU NĂM ĐINH DẬU (2)
Trong khi ở vùng tây bắc Âu châu, Vương quốc Anh Cách Lan lúc này ba bề thọ địch, tình thế hiểm nghèo, thì vùng trung bộ Âu châu cũng chẳng được yên bình. Trên cương thổ của Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức vốn có hàng nghìn công quốc lớn nhỏ, sau chiến dịch hẻm núi Kalwang, đã biến thành một lò lửa chiến tranh. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg không còn uy tín gì nữa, ngôi vị Hoàng đế chỉ còn trên danh nghĩa, chúng vương công quý tộc không ai tuân phục. Những vương công quý tộc không tham gia chiến dịch hẻm núi Kalwang, nhân cơ hội những người tham chiến đang bị bắt, quân đội tổn thất hoàn toàn, liền đua nhau xua quân xâm chiếm lĩnh địa của bọn họ. Các cuộc chinh phục, thôn tính, cướp phá không ngừng bùng phát, chiến tranh diễn ra liên tục hàng ngày, dân chúng rên siết trong cảnh nước sôi lửa bỏng. Cũng chính những cuộc chiến tranh đó đã khiến cho việc chuộc thân của những vương công quý tộc bị bắt diễn ra rất thuận lợi, và Thần Thánh Đế quốc hoạch lợi nhiều hơn cả mong đợi. Chúng vương công quý tộc đều mong muốn nhanh chóng quay về bảo vệ lĩnh địa của mình, nên chẳng tiếc gì kim ngân tài bảo, bởi một khi lĩnh địa mất đi thì bọn họ cũng chẳng còn gì cả, đương nhiên lúc đó cũng sẽ chẳng còn cơ hội chuộc thân.
Xấu số nhất vẫn là Hoàng đế Sigismund de Luxembourg. Do tính cách hung bạo hiếu chiến, trước đây còn cường thế mà vẫn nhiều phen bị dân chúng đánh đuổi, nói gì lúc này. Nghiêm trọng nhất là vấn đề của phong trào Kháng Cách. Trong khi Công đồng Constantine đang nhóm họp, Jan Huss (tiếng Anh là John Huss, một nhà thần học, nhà cải cách tôn giáo Séc) đã đến Constantine để bày tỏ quan điểm của mình, nhưng đã bị Giáo hội Công giáo La Mã kết tội dị giáo, và bị thiêu sống (năm 1415). Khi đó, đã có 450 lĩnh chủ viết thư bênh vực ông là người chính thống về giáo lý, và đã dẫn đến cuộc nổi dậy của người Bohemia ủng hộ Jan Huss (lịch sử gọi là cuộc chiến tranh Hussites, kéo dài 15 năm với thắng lợi thuộc về phe Hussites, Giáo hội Công giáo La Mã tổ chức ba cuộc Thập tự chinh vào các năm 1420, 1423, 1431 để đàn áp nhưng vẫn thất bại), cũng như cuộc vận động thành lập Giáo hội Hussites sau này.
Do Jan Huss bị thiêu sống, những người ủng hộ Jan Huss (được gọi là Hussites) đã nổi dậy ở Bohemia. Và do Hoàng đế Sigismund de Luxembourg thất trận ở hẻm núi Kalwang, người Bohemia đã truất phế ông ta, tự thành lập Hội đồng quý tộc để cai trị vương quốc như một thể chế Nghị viện kiểu Anh Cách Lan. Để củng cố chính quyền, bọn họ đã học theo George I de Trento, gửi một sứ đoàn đến Gia Định. Trong khi đó, Hoàng đế Sigismund de Luxembourg mất đi hai vương quốc Hungary và Bohemia, cũng tức là đã mất đi hơn 90% lĩnh địa của mình, trở thành một tiểu lĩnh chủ, chẳng còn được ai tôn trọng nữa.
Ngoài ra, hiện tại mọi người đang tránh sử dụng tên gọi Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức, chỉ gọi đơn giản bằng tên Đế quốc Đức, bởi tên gọi La Mã Thần Thánh không còn thích hợp nữa do sự xuất hiện của Vương quốc Latium.
Ở phía đông bắc Vương triều Latium, tức là khu vực phía bắc Hungary, có hai vương quốc Ba Lan (Poland), Lithuania và lĩnh địa Các Hiệp sĩ Teutonic (do Hội đồng Hiệp sĩ cai trị). Giữa Vương quốc Ba Lan và lĩnh địa Các Hiệp sĩ Teutonic đang có xung đột, tuy chưa diễn biến thành chiến tranh, nhưng tình hình cũng không được yên ổn. Ở phía đông và đông nam là các tiểu vương quốc Moldavia, Wallachia, vương quốc Bulgaria và Đế quốc Ottoman, có cuộc bao vây thành Constantinople đã kéo dài gần 50 năm nay.
Chỉ có duy nhất vùng Bắc Âu là ổn định nhất, với các vương quốc Đan Mạch (Denmark), Na Uy (Norway) và Thụy Điển (Sweden). Ngoài ra, phần phía tây bán đảo Iberia, gồm các vương quốc Leon, Castile, Bồ Đào Nha (Portugal) và Granada (Hồi giáo) được sát nhập vào Thần Thánh Đế quốc, thành lập 7 tỉnh vùng Iberia (Cordova, Granada, Lisbon, Toledo, Santander, Léon và Gibraltar).
Do Thần Thánh Đế quốc thực hiện tự do tôn giáo ở tỉnh Jerusalem, chấm dứt tình trạng người Hồi giáo độc quyền kiểm soát thánh địa, nên đã có rất nhiều người Cơ Đốc giáo từ Âu châu hành hương đến đó, và cũng có không ít người ở lại, bổ sung cho thế lực Cơ Đốc giáo ở đây. Đồng thời, bởi vì nơi đây thuộc cương thổ của Thần Thánh Đế quốc, có phong khí tự do hơn ở Âu châu (lịch sử gọi Âu châu thời kỳ này là ‘Đêm dài Trung Cổ’ thì cũng đủ biết), nên phong cách truyền giáo cũng có khác hơn. Cuộc Đại Ly giáo của Giáo hội Công giáo La Mã mới kết thúc với Công đồng Constantine (vẫn còn đang nhóm họp). Giáo hội Chính Thống giáo Đông Phương đã rất suy yếu bởi cuộc tấn công của người Thổ, và thành Constantinople đang bị bao vây. Ở Bohemia, Ba Lan và Đan Mạch đang có phong trào Kháng Cách. Do đó mà người Cơ Đốc giáo ở Jerusalem tự nhận mình tiếp nối từ Giáo hội tiên khởi thời các thánh Tông đồ (nơi này là quê hương của chúa Kitô cũng như các thánh Tông đồ, cũng là nơi hình thành tổ chức giáo hội đầu tiên), và xưng là Giáo hội Nguyên thủy, để phân biệt với Giáo hội Công giáo La Mã và Giáo Hội Chính Thống giáo Đông Phương.
…
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.519 (Đinh Dậu, 1417). Mùa thu tháng 8. Sinai. Đại Tây hành cung.
Sau khi chỉnh đốn xong tình hình quân chính của Vương quốc Latium, Long nhi và Đinh An Bình quay trở về Đại Tây Hành cung. Vương cung ở Syracuse vẫn còn đang trong quá trình xây dựng, nên Long nhi vẫn thích ở Đại Tây Hành cung hơn. Vương quốc Latium được tổ chức theo hình thức của Thần Thánh Đế quốc, cũng chia thành tỉnh - quận - huyện, nên dù Long nhi ở tại Sinai cũng vẫn không ảnh hưởng đến việc thống trị. Thần Thánh Đế quốc rộng lớn đến thế, Giang Phong ở tại Gia Định Thành mà vẫn thống trị được đấy thôi. Vào thời Trung Cổ, chỉ cần nắm chắc quân quyền thì ngôi vị không có vấn đề gì.
Trải qua hơn một năm đông chinh bắc phạt, Vương quốc Latium đã trở thành một đại cường quốc chiếm vị trí chủ đạo ở Âu châu. Với diện tích quốc thổ 1,329,847 kilômét vuông, Vương quốc Latium có diện tích lớn hơn cả tổng diện tích các nước Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Thụy Sĩ và Bỉ thời hiện đại. Cả nước có 22 tỉnh, 124 quận, hơn nghìn huyện và 2 lĩnh địa giáo quyền. Quân đội chính quy 6 vạn người trú đóng ở các vị trí hiểm yếu, đặc biệt là khu vực biên cảnh phía bắc và phía đông. Quân địa phương gồm 5 vạn, phụ trách phòng thủ các tỉnh thành, quận thành, huyện thành. Ngoài ra, đại lĩnh địa Trento – Tyrol cũng tăng quân số lên 1 vạn. Sau chiến tranh, George I de Trento có người có của, nên đã quyết định mở rộng quy mô quân đội. Do lĩnh địa nằm ở vùng biên cảnh nên lão phải đề phòng tình trạng xấu nhất (thật ra thì lão đang chờ cơ hội mở mang lĩnh địa, bởi giờ đây các vương công quý tộc ở Đế quốc La – Đức đâu dám dẫn quân vượt qua biên giới của Vương quốc Latium). Mới hơn một năm trước lão còn lo lĩnh địa bị xâm chiếm, mà giờ đây lão lại tìm cơ hội xâm chiếm lĩnh địa kẻ khác, quả là tình cảnh khác nhau một trời một vực. Mỗi khi nói chuyện với bằng hữu, lão vẫn tự hào nói rằng việc đi đến Gia Định đã đổi thay số phận của lão.
Long nhi giờ đây đã 14 tuổi. Sau gần 2 năm gần gũi Giang Phong, sau hơn 1 năm cai trị Vương quốc Latium, Long nhi đã trưởng thành rất nhiều, đã có được ít nhiều uy thế của đế vương, nói một cách văn hoa là ‘vương giả phong phạm’. Trong chính điện, cậu bé cùng Đinh An Bình bàn bạc đại sự. Cậu bé hỏi :
- Phụ hoàng triệu chúng ta về Gia Định. Vương gia định khi nào sẽ khởi trình ?
Đinh An Bình nói :
- Tình hình Âu châu cũng tương đối ổn định rồi. Tin rằng hiện tại chẳng có nước nào dám gây hấn với Đế quốc cũng như Vương quốc Latium đâu. Việc ở đây để lại cho chư tướng giải quyết cũng không vấn đề gì. Mười ngày nữa chúng ta sẽ khởi trình. Điện hạ thấy thế nào ?
Long nhi gật đầu nói :
- Cũng được. Vương gia có biết phụ hoàng triệu chúng ta về cung vì việc gì không ?
Đinh An Bình mỉm cười nói :
- Còn việc gì nữa đâu ! Đương nhiên là việc điện hạ gia miện xưng đế rồi. Nên biết, Vương quốc Latium hiện tại rộng gấp rưỡi tổng diện tích 5 Đế quốc ở Trung Hoa đó nha !
Hiện tại ở Trung Hoa có 5 Đế quốc là Đại Minh (ở Hà Bắc), Đại Tống (ở Sơn Đông và vùng Khai Phong), Đại Hán (ở Hà Nam trừ vùng Khai Phong), Đại Đường (ở Thiểm Tây), Tấn (ở Sơn Tây) và 2 vương quốc Hạ (ở Tứ Xuyên), Lương (ở Cam Túc). Tổng diện tích 5 Đế quốc chỉ có khoảng 875,000 kilômét vuông, nhỏ hơn diện tích Vương quốc Latium nhiều. Đương nhiên dân số thì đông hơn. Người Trung Hoa nổi tiếng về việc đông dân kia mà. Tổng quân số của 5 Đế quốc lên đến 150 vạn, trong khi Vương quốc Latium chỉ có 11 vạn, kể luôn địa phương quân.
Long nhi nghe Đinh An Bình nói vậy, lắc đầu nói :
- Không phải. Ta nghe nói có việc xung đột ở nam Thiên Trúc. Không rõ sự tình thế nào ? Phụ hoàng có quyết định chinh phạt nam Thiên Trúc hay không ?
Đinh An Bình cười nói :
- Cũng chẳng có chuyện gì đáng kể đâu ! Trước đây Vương triều Vijayanagara thống trị toàn bộ nam Thiên Trúc, có hàng trăm tiểu quốc chư hầu. Sau này Đế quốc chiếm Tích Lan, công kích nam Thiên Trúc, buộc Vương triều Vijayanagara phải nạp cống cầu hòa. Từ đó thế lực của Vương triều Vijayanagara ngày càng yếu hơn. Gần đây, người Mông Cổ ở bắc Thiên Trúc lấn xuống phía nam, xung đột với Vương triều Vijayanagara. Các tiểu quốc phương nam thấy thế, muốn tìm nơi bảo hộ vững chắc hơn, nên đã xin thần phục Đế quốc. Vương triều Vijayanagara phản đối việc ấy, thành ra có xung đột với Đế quốc. Nhưng đối với Đế quốc, Vương triều Vijayanagara chẳng đáng kể gì !
Long nhi hỏi :
- Theo Vương gia thì phụ hoàng có quyết định chinh phạt nam Thiên Trúc không ?
Đinh An Bình nói :
- Chúng ta không nên phỏng đoán thánh ý, chỉ nên phụng chỉ hành sự. Hơn nữa, dù có tiến hành chinh phạt nam Thiên Trúc thì cũng không phải là nhiệm vụ của chúng ta. Đã đến lúc Triệu vương gia cầm quân rồi.
Đinh An Bình và Triệu Phong vẫn luân phiên nhau cầm quân chinh phạt. Đinh An Bình vừa mới phụ trách chinh phạt Âu châu, nên lần chinh phạt sau sẽ được giao cho Triệu Phong đảm nhiệm.
Chương 118 : ĐỨC THƯỢNG PHỤ VÀ NGÀI HỒNG Y PHÓ TẾ
Gia Định Thành.
Long nhi đứng trên đầu thuyền, nhìn về phía thành Gia Định ở phía xa. Lục Tinh cấp chiến hạm khi tiến vào Gia Định Giang, mọi thuyền bè khác đều phải nhường đường. Đã hơn một năm rồi Long nhi mới trở lại Gia Định. Ba năm trước, Long nhi lần đầu đến Gia Định cùng Hồng y Giám mục George I de Trento và quản gia Ferdinand Caracciolo (giờ đây là Bá tước Ferdinand de Artois) với thái độ lo lắng hoang mang. Giờ đây, thân phận của Long nhi đã khác đi, và thế lực của Long nhi ở Âu châu chỉ có đi uy hiếp nước khác chứ không sợ bị nước khác uy hiếp nữa.
Hiện tại, trên thuyền ngoài những người cũ năm xưa như Hồng y Giám mục George I de Trento và Bá tước Ferdinand de Artois, còn có thêm hai em trai của Long nhi là Réne de Anjou – 8 tuổi và Charles de Le Maine – 3 tuổi; Hồng y Phó tế Otto de Colonna của San Giorgio in Velabro, người đại diện cho Công đồng Constantine của Giáo hội Công giáo La Mã; Linh mục Jan Želivský, đại diện của Hội đồng quý tộc vương quốc Bohemia, và cũng là lĩnh tụ của những người ủng hộ Huss (Hussites); Thượng phụ giáo chủ Theophilus II của Jerusalem, tức là lĩnh tụ của Giáo hội Nguyên thủy, còn gọi là Giáo hội Cơ Đốc giáo Nam phương (để phân biệt với Giáo hội Công giáo La Mã ở phía tây và Giáo hội Chính Thống giáo Đông Phương ở phía đông). Vậy là chỉ còn thiếu đại diện của Tòa Thượng phụ Constantinople nữa là đủ mặt đại diện các hệ phái của Cơ Đốc giáo.
Tòa Thượng phụ của Jerusalem có thể tự xưng là Giáo hội Nguyên thủy, bởi vì nó có nguồn gốc từ tổ chức Giáo hội đầu tiên của Cơ Đốc giáo, với vị Giám mục đầu tiên là James the Just, người được xem là James Adelphotheos, nghĩa là James người anh em của Chúa (có những cách gọi như “the brother of God”, “Jesus’ cousin”, “the brother of our Lord”), người đã Tử vì đạo vào năm 62. Bách Khoa Toàn Thư Công Giáo (Catholic Encyclopedia, phát hành lần đầu tiên ở Mỹ năm 1907) viết : “Trong suốt nhiều thế kỷ đầu tiên của Cơ Đốc giáo, các nhà thờ nơi đây đã là trung tâm của Cơ Đốc giáo ở Jerusalem, ‘Thần thánh và vinh quang Sion, mẹ của tất cả các nhà thờ’ (Holy and glorious Sion, mother of all churches). Chắc chắn không có nơi nào trong Cơ Đốc giáo đáng kính hơn so với vị trí của Last Supper, nơi đã trở thành nhà thờ Cơ Đốc giáo đầu tiên”. Do vậy, Jerusalem mới trở thành thánh địa của toàn thể những người thờ phụng Cơ Đốc, dù theo hệ phái nào, và Tòa Thượng phụ của Jerusalem có thể tự hào về nguồn gốc của mình.
Cũng vì những nguyên nhân đó, tuy rằng quan hệ giữa Hồng y Phó tế Otto de Colonna và Linh mục Jan Želivský khá là căng thẳng, thì quan hệ giữa Thượng phụ giáo chủ Theophilus II với hai người họ vẫn tốt đẹp. Cũng giống như địa vị của nhà Anjou đối với các chi tộc thuộc các triều đại Angevin ở Âu châu vậy.
Từ sau cuộc Đại Ly giáo Đông - Tây, thế lực của Giáo hội Chính thống giáo Đông Phương (còn gọi là Đông Chính giáo) và Giáo hội Công giáo La Mã (còn gọi là Công giáo, nhưng bị các hệ phái Cơ Đốc giáo khác phản đối, khi có quan hệ với các hệ phái Cơ Đốc giáo khác, Tòa thánh Vatican phải dùng danh hiệu Giáo hội Công giáo La Mã) gần như tương đương nhau. Nhưng khi Đế quốc Byzantine ngày càng suy yếu, thì cán cân thế lực giữa song phương càng ngày càng nghiêng về phía Tây phương. Đến khi quân đội Thần Thánh Đế quốc tiến vào Jerusalem thuộc Vương triều Mamluk ở Ai Cập, thế lực Cơ Đốc giáo ở đây quật khởi, và Giáo hội Chính thống giáo Đông phương bị chia làm hai : phía bắc thuộc về Giáo hội Chính thống giáo Đông phương ở Constantinople và phía nam tách ra thành lập Giáo hội Nguyên thủy ở Jerusalem. Theo lẽ thì thế lực của hai hệ phái này càng yếu hơn nữa. Nhưng chỉ có Đông Chính giáo là yếu đi, còn Giáo hội Nguyên thủy dựa vào Thần Thánh Đế quốc mà phát triển mạnh mẽ, nhất là khi chế độ Cộng quản ở thành Jerusalem được thiết lập, rất nhiều tín đồ Cơ Đốc từ Âu châu đã kéo đến đất thánh hành hương và chạy loạn, lánh nạn chiến tranh ở quê nhà, đặc biệt là những người giàu có, mang theo cả gia tài đến đây lập nghiệp, càng khiến cho thế lực của Giáo hội Nguyên thủy tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt là sự thành lập Vương triều Latium, đã trở thành bàn đạp cho thế lực của Giáo hội Nguyên thủy tiến vào Âu châu lục địa. Nên nhớ rằng toàn bộ quân đội cũng như đại bộ phận quan viên của Vương triều Latium đều được tuyển mộ từ các tín đồ Cơ Đốc ở Jerusalem và Syria.
Lúc này đây, cũng ở đầu thuyền, cách chỗ Long nhi không xa, Hồng y Phó tế Otto de Colonna và Thượng phụ giáo chủ Theophilus II đang đứng nói chuyện, không khí xem có vẻ rất hòa hảo. Thượng phụ giáo chủ Theophilus II thực tế là lĩnh tụ của Giáo hội Cơ Đốc giáo Nam phương, lại có chỗ dựa là Thần Thánh Đế quốc, nên có thế lực vững chắc, địa vị đặc thù. Còn Hồng y Phó tế Otto de Colonna mặc dù tương lai có thể trở thành lĩnh tụ của Giáo hội Công giáo La Mã, một trong ba hệ phái lớn của Cơ Đốc giáo, nhưng lúc này vẫn chưa trở thành Đức Thánh Cha, vẫn còn là Hồng y Phó tế. Hơn nữa, chỗ dựa của Giáo hội Công giáo La Mã là các quân vương Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức, mà đứng đầu là Hoàng đế Sigismund de Luxembourg, thì lúc này Hoàng đế Sigismund de Luxembourg đã thất thế, và Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức danh tồn thật vong, dần dần bị thay thế bằng Đế quốc Đức tứ phân ngũ liệt. Đó là nguyên nhân chuyến đi đến Gia Định của Hồng y Phó tế Otto de Colonna. Do vậy mà khi đối diện Thượng phụ giáo chủ Theophilus II, Hồng y Phó tế của chúng ta cảm thấy ít nhiều tự ti. Cũng vì thế, câu chuyện giữa hai người họ ít nhắc đến chuyện giáo hội, mà chỉ đàm luận thời cuộc, cũng như Đức Thượng phụ giới thiệu với Ngài Hồng y Phó tế về Thần Thánh Đế quốc. Kể từ khi thuyền rời Sinai, Ngài Hồng y Phó tế đã có khái niệm rõ ràng hơn về sự rộng lớn và hùng mạnh của Thần Thánh Đế quốc.
Cả hai nói chuyện một hồi thì Long nhi đi đến chỗ bọn họ. Hai người họ vội chào hỏi :
- Điện hạ.
- Bệ hạ.
Thượng phụ giáo chủ Theophilus II gọi Long nhi là Điện hạ bởi Long nhi là Hoàng tử của Thần Thánh Đế quốc. Còn Hồng y Phó tế Otto de Colonna gọi Long nhi là Bệ hạ do chức vụ Quốc vương Latium. Đế chuẩn bị cho chuyến đi này, Hồng y Phó tế đã học tập ngôn ngữ của Thần Thánh Đế quốc, tuy chưa thể nói viết thông thạo, nhưng cũng có thể giao tiếp thông thường được. Ở Âu châu lúc này tràn ngập thương nhân của Thần Thánh Đế quốc hoặc có quan hệ với Thần Thánh Đế quốc (đa phần là người Âu châu và người Do Thái ở Jerusalem), nên việc học tập ngôn ngữ của Thần Thánh Đế quốc cũng không khó khăn gì. Long nhi mỉm cười hỏi :
- Sắp đến Gia Định rồi. Nhị vị không gặp vấn đề gì chứ ?
Thượng phụ giáo chủ Theophilus II nói :
- Điện hạ. Thuyền rất vững vàng, chúng ta không bị gì cả.
Hồng y Phó tế Otto de Colonna cũng nói :
- Đúng thế. Thuyền quá lớn, đi trên biển mà vẫn yên ổn như trên đất liền vậy.
Long nhi mỉm cười nói :
- Lát nữa đến Gia Định, nhị vị cứ đến ở tại Cung điện của ta.
Thượng phụ giáo chủ Theophilus II biết Cung điện của Long nhi nằm bên trong Trường Thanh Cung, nên cả mừng nói :
- Đa tạ Điện hạ.
Hồng y Phó tế Otto de Colonna tuy chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc đó, nhưng thấy Đức Thượng phụ nói vậy thì cũng nói theo :
- Đa tạ Bệ hạ.
Ba người hàn huyên một lúc nữa thì chiến hạm tiến vào khu vực Quân cảng. Ở Gia Định Thành có hai bến cảng : Thương cảng và Quân cảng. Để bảo đảm an ninh cho bọn Long nhi cũng như các sứ đoàn, chiến hạm của bọn họ sẽ ghé vào Quân cảng. Thương cảng long xà hỗn tạp, không chỉ khó tiến hành việc bảo vệ mà còn gây cản trở cho việc buôn bán của dân chúng. Chỉ có điều, lúc này chiến hạm đã đến trước Quân cảng, nhưng lại không thể cập cảng được. Trong bến cảng đang có hàng trăm hạm thuyền neo đậu, trong đó có cả Thất Tinh cấp chiến hạm và Lục Tinh cấp chiến hạm, chiếm hết diện tích của cầu cảng. Long nhi ngạc nhiên nói :
- Hôm nay làm gì mà Quân cảng có nhiều hạm thuyền thế nhỉ ?
Hồng y Phó tế Otto de Colonna hỏi :
- Bình thường nơi đây không có nhiều hạm thuyền ư ?
Thượng phụ giáo chủ Theophilus II giải thích :
- Bình thường các hạm thuyền của Hải quân đều neo đậu ở căn cứ Hải quân Long Sơn. Còn dân thuyền thì neo đậu ở Thương cảng.
Giữa lúc đó thì Đinh An Bình đi đến. Long nhỉ hỏi :
- Vương gia có biết ở Quân cảng đang có chuyện gì không ?
Đinh An Bình gần đây uy danh hiển hách, chấn động Âu châu các xứ. Đức Thượng phụ và Ngài Hồng y Phó tế vội chắp tay chào hỏi. Đinh An Bình gật đầu đáp lễ, rồi nói :
- Hạm thuyền chở cống vật từ các tỉnh. Chúng ta phải chờ thêm một lúc nữa. Quan viên của Quân cảng đang thu xếp để hạm của chúng ta có chỗ neo đậu.
Long nhi gật đầu nói :
- Không sao. Chờ một lúc cũng không hề gì !
Chương 119 : VẠN QUỐC LAI TRIỀU
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.519 (Đinh Dậu, 1417). Mùa thu, tháng 9. Gia Định Thành. Trường Thanh Cung. Tử Tiêu Điện.
Giờ đã cuối thu, sắp chuyển sang mùa đông, nhưng Gia Định Thành nằm ở vùng nhiệt đới, lại chịu ảnh hưởng của miền khí hậu hải dương, nên quanh năm ấm áp, mùa đông cũng không lạnh lắm, cùng với sự phồn hoa của nó, có thể xem là ‘tứ quý như xuân’, một sự xưng tụng mà người xưa chỉ dành cho các chốn thế ngoại đào nguyên.
Như thường lệ, Giang Phong duyệt đọc báo cáo về tình hình chính sự trong triều. Việc triều chính ở Đế quốc, Giang Phong giao cho chúng triều thần chia nhau xử lý, chỉ cần định kỳ hồi báo cho Giang Phong biết. Giang Phong tự biết mình không giỏi xử lý chính sự, lại muốn an nhàn, nên đã giao quyền cho triều thần. Giang Phong chỉ quyết định quốc sách, chiến lược, hay định đoạt các đại sự kiện. Thân tự thân vi chỉ khiến cho mình lao tâm lao lực, rồi đoản thọ giống như Gia Cát Vũ hầu. Quyền lực, Giang Phong đã đạt đến tột đỉnh quyền uy, nên đối với quyền lực chẳng có tham vọng gì nữa.
Khi Giang Phong duyệt đọc biểu tấu, Quảng Tế Pháp sư đứng bên cạnh giải thích những vấn đề trong đó. Lão theo Giang Phong ngay từ khi Giang Phong mới giáng lâm thế giới này, sang năm nữa là tròn 20 năm, lão cũng đã quá tuổi cổ lai hy, nhưng giờ vẫn còn khỏe mạnh, tinh thần bão mãn, xem ra sống đến trăm tuổi cũng không vấn đề gì. Khi Giang Phong xem đến những biểu tấu về các lĩnh thổ ở Mỹ châu, Quảng Tế Pháp sư nói :
- Khải tấu Thánh hoàng. Từ bán đảo Iberia đi về phía tây, vượt qua Đại Tây Dương sẽ đến một vùng bình nguyên trù phú, nhưng dân cư thưa thớt và lạc hậu. Dân bản địa còn lạc hậu hơn cả các xứ Phi châu. Bản triều đã men theo bờ biển từ bắc xuống nam thiết lập hàng trăm khu định cư, tương tự như các khu định cư ở Phi châu, cứ cách 100 dặm lại có một khu định cư như vậy. Những khu định cư nhỏ chỉ vài trăm cư dân, còn những khu định cư lớn có đến hàng nghìn, có quân đội trú đóng. Mỗi khu định cư đều được xây dựng một bức tường thành kiên cố bao quanh, cao 10 mét, dày 2, 3 mét, bên trong chứa đầy lương thực, và dân chúng đều được vũ trang, có thể giữ vững ít nhất nửa năm một khi có biến cố. Và chỉ cần tin cáo cấp được phát đi, chậm nhất là sau hai tháng sẽ có đại quân cứu ứng.
Giang Phong hỏi :
- Chỉ mới thiết lập được các khu định cư ở bờ biển phía đông ?
Quảng Tế Pháp sư tâu :
- Khải tấu Thánh hoàng. Ở bờ biển phía tây Mỹ châu, bản triều mới khai thác được vùng phía bắc. Vì Đại Đông Dương quá rộng lớn, các chiến hạm của chúng ta xuất phát từ Đông Doanh và Trung Hải đảo chỉ có thể tiếp ứng cho vùng bắc Mỹ châu. Theo kế hoạch, vùng nam Mỹ châu sẽ được khai phá trong vài năm tới.
Đại Đông Dương tức là Thái Bình Dương, vì là phần mở rộng của Đông Hải, nên được gọi là Đại Đông Dương, đối ứng với Đại Tây Dương ở phía bên kia. Hòn đảo Hawai’i ở giữa Đại Đông Dương được gọi là Trung Hải đảo. Do bờ biển phía đông Mỹ châu và bờ biển phía tây Âu châu, Phi châu gần như song song với nhau qua Đại Tây Dương, nên việc tiếp tế được tiến hành tương đối dễ dàng. Còn ở bờ biển phía tây Mỹ châu, Đế quốc chỉ mới tiếp tế được cho vùng bắc Mỹ châu, thông qua các căn cứ Hải quân ở Đông Doanh và Trung Hải đảo, nên vùng nam Mỹ châu phải chờ đến khi các khu định cư ở bắc Mỹ châu đã phát triển ổn định, rồi mới có thể khai thác.
Giang Phong lại xem đến biểu tấu về các sứ đoàn. Quảng Tế Pháp sư tâu :
- Khải tấu Thánh hoàng. Dịp này có đến 1 vạn 8.316 sứ đoàn của các Đế vương Trung Hoa, các phiên quốc Đông Doanh, các Hãn quốc Mông Cổ, các tiểu quốc nam Thiên Trúc, các tiểu vương Hồi giáo, các tiểu vương Phi châu, các tiểu vương và tù trưởng Mỹ châu. Sứ đoàn đông nhất có đến hơn trăm người, sứ đoàn ít nhất chỉ có 3 người. Hiện ở Gia Định Thành đã có đến hơn chục vạn sứ tiết các phương.
Thời Trung Cổ tiểu quốc như rừng (tiểu quốc lâm lập). Chỉ riêng các xứ nam Thiên Trúc (tức vùng nam Ấn Độ, hay Cộng hòa Ấn Độ ngày nay; trước đây các xứ Pakistan, Butan, Nepan, Bangladesh cũng được gọi là Ấn Độ) đã có cả nghìn tiểu quốc. Các xứ A Lạp Bá cũng tương tự. Còn Phi châu và Mỹ châu thì càng nhiều hơn. Các bộ lạc cũng được xem là các thực thể tương đương tiểu quốc, bởi có nhiều bộ lạc (ví dụ bộ lạc Mông Cổ) có dân số đông gấp mấy lần các tiểu quốc ở nam Thiên Trúc hay các xứ A Lạp Bá. Do đó, hơn vạn sứ đoàn đủ để đại biểu ‘vạn quốc lai triều’, một trong những vinh dự quan trọng của các triều đại xưa.
Giang Phong hỏi :
- Không có sứ đoàn nào đến từ Âu châu hay sao ?
Quảng Tế Pháp sư tâu :
- Khải tấu Thánh hoàng. Có ạ ! Nhưng bọn họ đi cùng với Điện hạ và Chiêu Đức Vương. Có sứ tiết của Giáo hội Công giáo La Mã, Vương quốc Bohemia, Đại lĩnh địa Trento – Tyrol, Lĩnh địa Salburg. Còn có hai em của Điện hạ, là Công tước Réne de Anjou và Công tước Charles de Le Maine xứ Bourbon. Ngoài ra, theo tin hồi báo từ Sinai, đã có thêm các sứ đoàn khác đang trên đường đến Gia Định, như : Vương quốc Anh Cách Lan, Vương quốc Tô Cách Lan, Vương quốc Ái Nhĩ Lan, Lĩnh địa Wales, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Na Uy, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Ba Lan, Vương quốc Lithuania, Lĩnh địa Các Hiệp sĩ Teutonic, Vương quốc Moldavia, Vương quốc Wallachia, Vương quốc Bulgaria, Công quốc Silesia, Công quốc Saxony, Công quốc Palatine, Công quốc Lorraine, Công quốc Cologne, Lĩnh địa Pomerania, Công quốc Liechtenstein, Liên minh các Công quốc xứ Nederland, Lĩnh địa giáo quyền Liège.
Nederland, âm Hán Việt là Ni Đức Lan, có nghĩa là Vùng đất thấp, thường bị gọi lầm là Hà Lan (Holland) mà thực tế Hà Lan chỉ là một tỉnh (provincy) của nước này (đến năm 1840 mới được chia thành 2 tỉnh là Nam Hà Lan và Bắc Hà Lan). Khi Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức suy yếu, 7 Công quốc xứ này đã ly khai thành lập Liên minh Utrecht vào năm 1568 và tuyên bố độc lập vào năm 1579. Thế nhưng, lúc này Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức đã tan rã và lâm vào cảnh nội chiến. Có lẽ đây cũng là cơ hội cho các xứ Nederland độc lập chăng ?
Giữa lúc này, có thị vệ vào báo :
- Khải tấu Thánh hoàng. Chiến hạm của Điện hạ và Chiêu Đức Vương đã đến Gia Định, vì gặp phải các hạm thuyền chở cống phẩm đang bốc dỡ hàng nên chưa thể vào Quân cảng.
Giang Phong cho thị vệ lui ra, rồi hỏi Quảng Tế Pháp sư :
- Hôm nay các hạm thuyền chở cống phẩm đến Gia Định ?
Quảng Tế Pháp sư tâu :
- Khải tấu Thánh hoàng. Các hạm thuyền chở cống phẩm bắt đầu từ nửa tháng trước đã lần lượt đến Long Sơn. Nhưng vì khi vào Gia Định là phải phong tỏa Gia Định Giang, ảnh hưởng đến sinh kế của dân chúng, nên thần đã cho tập trung ở Long Sơn, rồi khi đến đông đủ thì cùng vào Gia Định một lúc. Chiều qua, đoàn hạm thuyền cuối cùng đến từ Mỹ châu đã đến Long Sơn, rồi hôm nay mới cùng vào Gia Định. Do hạm thuyền chở cống phẩm nặng nề chậm chạp, nên các sứ đoàn đã đi theo thuyền nhẹ đến trước.
Giang Phong bảo :
- Được rồi. Khanh hãy ra Quân cảng tiếp đón Long nhi và Đinh khanh gia.
Quảng Tế Pháp sư vâng dạ, cáo thoái rời cung, đi ra Quân cảng tiếp đón Long nhi và Đinh An Bình.
Khi lão ra đến Quân cảng thì chiến hạm của bọn Long nhi vẫn còn ở ngoài sông, chưa thể cập cảng. Lão đành thân tự chỉ huy quan quân tập trung vận chuyển hết cống phẩm trên một hạm thuyền xuống cảng, để rồi cho hạm thuyền đó rời cảng, dành chỗ lại cho chiến hạm của bọn Long nhi.
Cuối cùng thì chiến hạm cũng có thể cập cảng. Long nhi lên bờ, thấy Quảng Tế Pháp sư chờ sẵn ở đó, kinh ngạc nói :
- Sao dám phiền lão Pháp sư chờ chúng ta ở đây ?
Quảng Tế Pháp sư cười nói :
- Ta đang ở Tử Tiêu Điện tấu trình chính sự, thì Thánh hoàng được tin Điện hạ và Đinh vương gia hồi triều, nên phái ta ra đây đón tiếp.
Long nhi vội nói :
- Không dám. Không dám. Thật phiền lão Pháp sư.
Nói đoạn, Long nhi gọi hai người em của mình đến, giới thiệu :
- Lão Pháp sư. Đây là Réne de Anjou, Công tước xứ Anjou và Charles de Le Maine, Công tước xứ Bourbon. Hai em. Đây chính là Quảng Tế Pháp sư, chưởng quản toàn bộ chính vụ của Đế quốc. Hai em hãy mau chào lão Pháp sư.
Réne de Anjou vội chắp tay chào hỏi :
- Xin bái kiến lão Pháp sư.
Charles de Le Maine đứng nép phía sau Long nhi, ló đầu ra giơ tay chào :
- Xin chào lão Pháp sư. Lão Pháp sư khỏe ạ ?
Quảng Tế Pháp sư phì cười, nói :
- Tiểu công tử đáng yêu quá !
Bé Charles quả thật là rất đáng yêu, ai thấy cũng đều quý mến.
Chương 120 : BÁCH PHƯƠNG TIẾN CỐNG
Lại nói, sau khi Long nhi giới thiệu hai em của mình với Quảng Tế Pháp sư xong, sự ngây thơ của bé Charles khiến cho lão Pháp sư rất yêu quý. Sau đó Đinh An Bình, Thượng phụ giáo chủ Theophilus II và Hồng y Giám mục George I de Trento cùng bước đến chào hỏi. Quảng Tế Pháp sư không chỉ chưởng quản chính vụ của Đế quốc, mà còn là Nguyên lão trọng thần, theo Giang Phong sớm nhất, được Giang Phong tin tưởng giao cho quản lý cả tài sản Hoàng gia và Ám bộ - tổ chức tình báo của Đế quốc. Do vậy, trong toàn Đế quốc, trừ Giang Phong ra thì lão Pháp sư có địa vị tôn quý nhất, cả bọn Đinh An Bình và Triệu Phong, hai vị quân vụ đại thần, cũng phải tôn kính.
Trong khi đó, Hồng y Phó tế Otto de Colonna và Linh mục Jan Želivský nghe nói lão Pháp sư chưởng quản toàn bộ chính vụ của Thần Thánh Đế quốc, đều cả kinh, vội vã bước đến vái chào. Quảng Tế Pháp sư cũng chào đáp lễ, rồi nói với Long nhi :
- Dịp này có 1 vạn 8.316 sứ đoàn các tiểu quốc đến Gia Định triều cống, cống phẩm hơi nhiều, nên Điện hạ phải chờ lâu.
Long nhi ngạc nhiên hỏi :
- Có đến 1 vạn 8.316 sứ đoàn các tiểu quốc ?
Quảng Tế Pháp sư cười nói :
- Đó là chưa kể Vương quốc Latium của Điện hạ, cùng với sứ đoàn Pháp Lan Tây, Bohemia và cả 22 tiểu quốc Âu châu đang trên đường đến đây.
Bọn Hồng y Phó tế Otto de Colonna, Linh mục Jan Želivský và cả Réne de Anjou nghe nói có đến hàng vạn sứ đoàn các tiểu quốc, đều chấn kinh vô cùng. Bọn họ chưa có khái niệm đầy đủ về thế giới, chỉ khi tiếp xúc với Thần Thánh Đế quốc thì được biết thêm về Mỹ châu, Phi châu, và biết rằng những nơi đó lớn hơn Âu châu rất nhiều lần. Đến khi nhìn thấy Thế Giới Đồ Bản trên chiến hạm của Đế quốc Hải quân thì mới biết được diện mạo thế giới và sự rộng lớn của Thần Thánh Đế quốc. Đối với những địa phương phức tạp, khó chinh phục, Giang Phong cho phép bọn họ thần phục trên danh nghĩa với một khoản cống nạp nhẹ nhàng. Do đó mà các xứ đông Mông Cổ (các lĩnh địa của người Mông Cổ, trừ Hãn quốc Kim trướng và Hãn quốc Chagotai ở phía tây), bắc Trung Hoa (trừ vùng Hà Bắc của Đại Minh) Đông Doanh, Triều Tiên (trừ vùng 3 đạo trung bộ của Lý thị vương triều), nội địa A Lạp Bá (vùng sa mạc Arab), nội lục Phi châu, Mỹ châu đều được xem là lĩnh thổ của Đế quốc. Trên danh nghĩa, lĩnh thổ của Thần Thánh Đế quốc đã chiếm trên 90% diện tích địa cầu (đương nhiên là có rất nhiều vùng đất chỉ trên danh nghĩa).
Trong khi đó, bé Charles nghe nói đến cống phẩm, ngơ ngác nhìn quanh với vẻ hiếu kỳ, hỏi :
- Cống phẩm ở đâu ạ ?
Quảng Tế Pháp sư nhìn bé, rồi nhìn Long nhi, mỉm cười nói :
- Nếu như Điện hạ muốn xem cống phẩm thì xin mời.
Long nhi ngần ngại nói :
- Cống phẩm chư quốc tiến cống lên phụ hoàng, chúng ta xem trước có tiện không ạ ?
Quảng Tế Pháp sư mỉm cười nói :
- Không hề gì ! Cống phẩm sau khi kiểm kê sẽ được chuyển hết vào kho, chưa chắc Thánh hoàng có thời gian nhìn đến nó. Đối với Thánh hoàng, của cải chẳng qua cũng chỉ là những con số mà thôi. Hiện tại trong cung đã tràn ngập kim ngân tài vật, kỳ trân dị bảo. Có lẽ sang năm lại phải mở rộng Trường Thanh Cung một lần nữa.
Nói đoạn lão nắm tay bé Charles, dẫn đi xem cống phẩm, vừa đi vừa vui vẻ nói :
- Tiểu công tử cứ tự nhiên thoải mái như ở nhà vậy. Không cần phải ngại. Thật ra thì ta cũng chưa nhìn thấy cống phẩm, cũng muốn xem cho biết.
Mọi người liền đi về phía trung tâm Quân cảng. Ở đó có một khu vực được dựng mái che, bên dưới bày la liệt hàng chục vạn chiếc rương lớn nhỏ đủ loại. Đó là những rương cống phẩm được tạm chuyển lên đây, chờ đưa vào cung cất giữ. Quảng Tế Pháp sư ra lệnh cho quan quân mở nắp rương ra xem. Ngay lập tức, ánh châu quang bảo khí làm mọi người lóe mắt. Trong các rương toàn là kim ngân tài vật hay kỳ trân dị bảo. Một lượng lớn tài bảo tập trung vào một chỗ, làm đa số mọi người chấn kinh đến mức mất cả tư duy, mất cả cảm giác, chỉ biết đứng lặng người mà nhìn về phía châu quang bảo khí. Hàng trăm chiến hạm cỡ lớn chở đầy cống phẩm cũng đủ thấy số lượng lớn đến mức nào. Đương nhiên bọn Quảng Tế Pháp sư, Đinh An Bình thường xuyên diện đối số lượng lớn cống phẩm, nên vẫn xem như thường. Đế quốc đâu phải lần đầu tiên thu nhận cống phẩm, chỉ có không nhiều, không tập trung như lần này mà thôi. Dù vậy, số lượng tài bảo trong Trường Thanh Cung cũng vô cùng lớn, nhiều hơn số trên bến cảng nhiều. Đế quốc tụ tập hơn chục năm nay kia mà. Thành ra bọn họ đối diện số lượng lớn cống phẩm, chỉ cảm thấy tự hào mà thôi.
Quảng Tế Pháp sư gọi Long nhi :
- Điện hạ. Chúng ta xem qua một lượt thôi rồi còn nhập cung diện thánh.
Long nhi giật mình, quay mặt đi, gật đầu nói :
- Phải rồi. Chúng ta đi thôi.
Nói rồi đến bế bé Charles lên. Bé Charles còn quá nhỏ, không có khái niệm về kim ngân tài bảo, chỉ xem đó là những thứ đồ chơi rất đẹp mà thôi. Bé chỉ vào một viên hồng ngọc to bằng nắm tay, tỏa ánh hồng quang lấp lánh, nói :
- Đẹp quá anh ơi !
Long nhi âu yếm xoa đầu bé, mỉm cười bảo :
- Được rồi. Chúng ta hãy về cung nghỉ ngơi. Em đói chưa nào !
Bé vội gật đầu nói :
- Vâng. Em đói rồi ạ. Chúng ta đi ăn đi !
Réne de Anjou chợt hỏi :
- Anh ơi. Toàn bộ số cống phẩm đó đều là lễ vật các nước dâng lên Thánh hoàng phải không ạ ?
Long nhi gật đầu nói :
- Phải rồi.
Quảng Tế Pháp sư lại nói thêm :
- Bao nhiêu đây cũng chỉ là một bộ phận. Còn rất nhiều trên chiến hạm chưa được chuyển xuống. Ngoài ra còn có 10 vạn chiến mã cống phẩm từ các xứ Mông Cổ đang được nuôi dưỡng ở Mã trường tại Long Sơn.
Hồng y Phó tế Otto de Colonna và Linh mục Jan Želivský ở gần đó đều giật thót mình khi nghe nhắc đến 10 vạn chiến mã. Khác với kim ngân tài bảo, chiến mã đồng nghĩa với chiến lực. Có được 10 vạn chiến mã thì cũng có thể huấn luyện được 10 vạn kỵ binh. Nghĩ đến 10 vạn kỵ binh xung trận, ai nấy đều rùng mình. Chiến mã khác với phổ thông mã. Phổ thông mã chỉ có thể dùng làm sức kéo, còn chiến mã dùng cho chiến trận, quý hơn nhiều. Ít thì không sao, nhưng với một số lượng lớn thì không hẳn có tiền là mua được. Vương quốc Pháp Lan Tây tập trung toàn quốc cũng chỉ được hơn vạn kỵ sĩ. Vương quốc Anh Cách Lan chỉ có hơn nghìn. Đế quốc Mông Cổ chỉ dùng 2 vạn kỵ binh để tấn công Âu châu, cũng đủ thấy ở Âu châu chiến mã quý hiếm đến mức nào.
Réne de Anjou nghe vậy, lại rụt rè nói :
- Anh ơi. Em không có lễ vật gì hết nha !
Quảng Tế Pháp sư phì cười bảo :
- Không sao. Người nhà cả mà. Không cần đâu.
Nói rồi lão dắt Réne de Anjou đi trước, Long nhi bế bé Charles đi theo, cùng rời Quân cảng. Những người khác cũng vội vã theo sau. Khi vào thành, Đinh An Bình cáo từ đi về vương phủ của mình. Đức Thượng phụ giáo chủ Theophilus II có dinh thự riêng trong thành, nên cũng từ biệt mọi người đi về đó nghỉ ngơi. Quảng Tế Pháp sư bảo Long nhi lo an bày cho các em của mình nghỉ ngơi ăn uống trước. Còn lão thì quay về hồi báo với Giang Phong.
Chính Đức Điện là cung điện của Long nhi, cách Tử Tiêu Điện không xa. Long nhi đưa hai em của mình cùng với Hồng y Phó tế Otto de Colonna và Linh mục Jan Želivský về đấy nghỉ ngơi. Thị nữ được lệnh chuẩn bị yến tiệc. Long nhi nghe lời Quảng Tế Pháp sư, lo cho các em của mình ăn uống trước. Bé Charles còn quá nhỏ, ở đây lạ chỗ lạ người, nên Long nhi phải đích thân chăm lo cho bé.
Khi cả bọn đã ăn uống xong, Long nhi định đi bái kiến phụ hoàng, thì Quảng Tế Pháp sư lại đến. Trên tay lão cầm một chiếc rương nhỏ, nhìn thấy bé Charles liền cười hỏi :
- Tiểu công tử ăn uống có ngon miệng không nào ?
Bé Charles gật đầu nói :
- Ngon lắm ! Ngon lắm ạ !
Quảng Tế Pháp sư đưa chiếc rương nhỏ trên tay ra, cười nói :
- Quà cho tiểu công tử đây này ?
Bé Charles nhận lấy, ngạc nhiên hỏi :
- Gì thế ạ ?
Quảng Tế Pháp sư cười bảo :
- Tiểu công tử cứ mở ra xem thì biết.
Bé Charles vâng lời mở ra xem. Bên trong chính là viên hồng ngọc mà bé nhìn thấy ở ngoài Quân cảng, nên hớn hở nói :
- Cám ơn lão Pháp sư.
Long nhi nghi ngại nói :
- Lão Pháp sư. Đây là cống phẩm. Có được không ạ ?
Quảng Tế Pháp sư cười nói :
- Sao lại không được. Đây là quà của Thánh hoàng ban cho tiểu công từ đấy nhé. Chứ ta làm sao dám nhiễm chỉ cống phẩm.
Long nhi thở phào nói :
- Thế thì hay quá.
Thấy Réne de Anjou nhìn viên hồng ngọc trên tay bé Charles đầy vẻ tiện mộ, Quảng Tế Pháp sư lại bảo :
- Thánh hoàng còn có quà ban cho Réne, đang ở bên ngoài đó.
Réne de Anjou cả mừng chạy vội ra ngoài cung điện, nhìn thấy một con bạch long câu nhỏ, cương vàng yên ngọc rất xinh đẹp, liền rối rít cảm tạ. Sau đó, Long nhi đi theo Quảng Tế Pháp sư đi bái kiến phụ hoàng.
Chương 121 : TRIỀU THÁNH, GIA MIỆN
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.519 (Đinh Dậu, 1417). Mùa đông, tháng 10. Gia Định Thành. Trường Thanh Cung. Văn Nghi Điện.
Theo đúng kế hoạch, buổi triều hội đầu tiên của tháng 10 (đúng ngày sóc, tức ngày mùng 1) cũng là lúc tiếp kiến các phương sứ tiết. Lúc này, sứ tiết của Âu châu chư quốc chỉ mới có sứ tiết của Vương quốc Anh Cách Lan, Vương quốc Tô Cách Lan, Vương quốc Ái Nhĩ Lan, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Ba Lan, Vương quốc Moldavia, Vương quốc Wallachia, Công quốc Palatine, Công quốc Liechtenstein, Liên minh các Công quốc xứ Nederland và Lĩnh địa giáo quyền Liège là đến nơi. Những sứ đoàn còn lại chưa đến kịp, và Giang Phong cũng không có ý định chờ đợi.
Tùng tùng tùng tùng tùng tùng …
Boong boong boong boong boong boong …
Long Phụng Cổ nổi dồn dập, Cảnh Dương Chung gõ liên hồi, báo hiệu điển lễ bắt đầu. Lúc này thời gian là chính Thìn, tức 8 giờ sáng, tất cả quan viên từ cấp tỉnh trở lên, hoặc tướng lĩnh quân đội từ Lục quân Hiệu úy, Hải quân Đô đốc trở lên đều tề tụ Trường Thanh Cung, tham gia đại điển. Các phương sứ tiết cũng đã tụ tập đông đủ. Bọn họ thuộc vô số dân tộc, tôn giáo, địa vực, y phục hoa lệ rực rỡ, đủ màu đủ kiểu. Ngự Lâm quân, Cấm vệ quân, Túc vệ quân dàn bày nghiêm chỉnh, kiếm kích sáng ngời. Mấy chục vạn người tụ tập trước Văn Nghi Điện mà vô cùng trật tự. Trận dung hùng hậu, khí thế uy nghiêm khiến mọi người ngây ngất, có cảm giác như đang trong mộng. Đặc biệt là các vị Đế vương Trung Hoa. Lần này đất Trung Hoa ngoài Hoàng Đế Đại Tống, còn có thêm Hoàng Đế Đại Hán, Hoàng Đế Đại Đường và Lương vương thân đến tham dự. Trận dung của đại điển vượt hẳn quan niệm ‘vạn quốc lai triều’ của bọn họ. Phải như thế này mới có thể hào xưng là ‘vạn quốc lai triều’. Chứ ở Trung Hoa trước đây, chỉ có vài quốc gia lân cận đến triều cống mà cũng dám xưng ‘vạn quốc lai triều’, thật đáng hổ thẹn.
Đã 19 năm kể từ khi Giang Phong xuyên việt đến đây, đã 10 năm kể từ khi Thần Thánh Đế quốc thành lập, Đế quốc đã phát triển vượt bậc, cường thịnh vô song. Hải quân Đế quốc xuất hiện khắp các đại dương, cờ xí của Đế quốc xuất hiện khắp các lĩnh thổ. Kim tệ của Đế quốc hầu như trở thành tiền tệ chính thức của thế giới (các đồng florin của Âu châu, các kim nguyên bảo của Trung Hoa chẳng còn mấy ai sử dụng nữa, bởi Thần Thánh Đế quốc không chấp nhận nó). Văn minh của Đế quốc lan truyền khắp năm châu bốn biển. Và Giang Phong trở thành ‘thần’ của ức vạn thần dân.
(chú : ngày xưa người phương đông sử dụng hệ tính ‘vạn’ chứ không phải ‘nghìn’ như người phương tây; tức ‘vạn’, rồi vạn vạn là ‘ức’, vạn ức là ‘tỷ’, ‘tỷ’ này tương đương ‘tỷ Anh’, tức ‘triệu triệu’ chứ không phải ‘nghìn triệu’, bằng ‘1000 tỷ Mỹ’; hiện tại ở Trung Hoa, Nhật Bản cũng còn sử dụng; ví dụ ‘100 万’, ‘100 wan’, ‘100 man’ tức là 100 vạn, cũng là 1 triệu).
Sau khi trống đánh chuông rung, đại điển chính thức bắt đầu. Giang Phong vận bạch y bạch bào, ngọc đái ngọc quan, ngự trên kim long ỷ. Quảng Tế Pháp sư dẫn đầu bách quan quỵ phục trước kim giai triều bái, tung hô :
- Thánh hoàng nhân nghĩa anh minh. Vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế.
Giang Phong phán :
- Bình thân.
Chúng triều thần đứng dậy, chia hai hàng đứng hầu hai bên kim giai. Dàn nhạc diễn tấu khúc Gia lạc, ca tụng công đức Thánh hoàng.
“Gia lạc quân tử,
Hiển hiện lệnh đức,
Nghi dân nghi nhân,
Thụ lộc vu thiên,
Bảo hựu mệnh chi,
Tự thiên thân chi.
Can lộc bách phúc,
Tử tôn thiên ức,
Mục mục hoàng hoàng,
Nghi quân nghi vương,
Bất khiên bất vong,
Suất do cựu chương.
Uy nghi ức ức,
Đức âm trật trật,
Vô oán vô ố,
Suất do quần thất,
Thụ phúc vô cương,
Tứ phương chi cương.
Chi cương chi kỷ
Yến cập thần tử,
Vạn bích khanh sĩ,
Mỵ vu thánh hoàng,
Bất giải vu vị,
Dân chi du hý.”
Tạm dịch :
Nhà vua anh tuấn vui tươi
Lại còn đức tốt rạng ngời đẹp thay !
Thích hợp với dân hay quan tước,
Lộc trời vua được hưởng dồi dào
Trời phù hộ, dạy giúp vào
Tự trời hành động biết bao nhiêu lần !
Lộc cầu trăm phúc được liền,
Cháu con thì số ức thiên vô cùng.
Lại tuấn tú khiêm cung tất cả,
Ở ngôi vương hoặc giả chư hầu,
Đều không tội lỗi tí nào,
Noi theo phép tắc dựa vào phép xưa.
Uy nghi thận trọng kín thầm
Đều đều hằng có tiếng tăm tốt lành.
Con cháu không riêng tình ghét oán,
Nhiệm dụng người tài cán cao sâu.
Phúc thì vô hạn dồi dào,
Làm nên giềng mối, trông vào bốn phương.
Thánh hoàng ổn định kỷ cương
Bề tôi nhờ đó mà hòng được an.
Vạn chư hầu và hàng khanh sĩ,
Đều mến thương, tôn kính thánh hoàng,
Chẳng lười chức vị đã dành,
Thì dân chúng được yên lành vui chơi.”
Bài này thuộc thiên Đại nhã của Kinh Thi, nói về đức độ của vua, thích hợp với triều thần bách tính, nên được hưởng lộc trời dồi dào. Trời cũng bảo hộ, giúp đỡ vua trong mọi việc, con cháu đông, tuấn tú và tài giỏi. Vua chăm lo triều chính, ổn định kỷ cương, thì triều thần chư hầu, đều kính mến vua, và bách tính được an cư lạc nghiệp. Đương nhiên nội dung của bài đã được chỉnh sửa lại cho thích hợp với Đế quốc, bởi quy mô của Đế quốc lớn hơn nhà Chu cả nghìn lần.
Tiếp đó, lễ quan cao giọng xướng :
- Truyền bách phương sứ tiết thượng triều kiến giá.
Tiếp đó, các phương sứ tiết theo thứ tự lần lượt nhập điện. Lượt đầu tiên gồm có sứ tiết các Đế quốc như Đại Tống, Đại Hán, Đại Đường, Tấn, Đông Doanh, Mông Cổ. Đó là những chư hầu bậc thứ nhất của Thần Thánh Đế quốc, hiệu xưng Đế. Đông Doanh và Mông Cổ tuy không thống nhất, phiên quốc hoặc hãn quốc rất nhiều, nhưng vẫn có một chính quyền trung ương trên danh nghĩa, nên vẫn được xem là đại quốc. Các vị Hoàng Đế Đại Hán, Đại Đường dù thân cư đế vị, nhưng khi nhập điện thì cũng cảm thấy chấn kinh không sao kể siết. Chính là ‘cư di khí, dưỡng tu thể’. Giang Phong gần 20 năm thân cư cao vị, làm Thánh hoàng, làm thần linh, lẽ nào không thể bồi dưỡng được một điểm khí chất. Hơn nữa, lúc này Giang Phong ngự trên long ỷ ở giữa kim giai. Mà long ỷ với kim giai là trung tâm của toàn đại điện, được thiết kế tam phẩm cửu giai, cùng với bối cảnh kim long cực lớn, tứ bề kim bích huy hoàng, khiến cho sự uy nghiêm của hoàng gia phát huy đến cực độ. Thêm vào đó, Giang Phong từ trên cao nhìn xuống, thần sắc uy nghiêm, dù cho chúng thần linh có lẽ cũng chỉ được thế mà thôi. Người Trung Hoa vốn tin vào ‘hoàng giả chi khí’. Đó có lẽ là ‘hoàng giả chi khí’ chăng ?
Lượt thứ hai gồm các vương quốc nhỏ hơn, dẫn đầu là Hạ, Lương, rồi đến các vương quốc Kim (bắc Triều Tiên bán đảo), Cao Ly (nam Triều Tiên bán đảo), Anh Cách Lan, Tô Cách Lan, Đan Mạch, Ba Lan, Moldavia, Đại lĩnh địa Trento – Tyrol, và những tiểu vương quốc lớn các xứ nam Thiên Trúc, A Lạp Bá, Somali. Đó là những chư hầu bậc thứ hai, hiệu xưng Vương.
Lượt thứ ba gồm những tiểu vương quốc trung bình các xứ nam Thiên Trúc, A Lạp Bá, Somali, Phi châu, Mỹ châu, thêm vào đó là một số vương quốc, công quốc ở Âu châu như : Vương quốc Ái Nhĩ Lan, Vương quốc Wallachia, Công quốc Palatine, Công quốc Liechtenstein, Liên minh các Công quốc xứ Nederland và Lĩnh địa giáo quyền Liège. Đó là những chư hầu bậc thứ ba, hiệu xưng Công.
Lượt thứ tư gồm những tiểu quốc và bộ lạc còn lại, được xem là chư hầu bậc bốn, hiệu xưng Hầu, Bá, Tử, Nam. Đấy là những tước vị được Thần Thánh Đế quốc công nhận, đương nhiên vẫn phải thấp hơn trực thần một bậc. Tức là Hoàng Đế Đại Tống, Đại Đường, Mông Cổ, … sẽ có địa vị tương đương tước hiệu Chiêu Đức Vương của Đinh An Bình.
Văn Nghi Điện đã được mở rộng, có thể tổ chức buổi đại triều với 1 vạn người tham gia, nhưng lúc này trở nên chật chội với gần 2 vạn người chen chúc với nhau. Tuy vậy, những người có mặt trong điện cũng vẫn lấy làm hãnh diện, bởi còn có hơn chục vạn người đang phải ở bên ngoài. Các phương sứ tiết cứ theo lượt triều bái, không tiến hành từng người một, bởi có đến cả vạn sứ thần, nếu từng người một hành lễ thì biết bao giờ mới xong.
Sau đó là đến phiên gia miện, thụ phong cho một số vương công. Đầu tiên là Long nhi, gia miện Hoàng đế. Vương quốc Latium được chính thức thăng cấp lên thành Đế quốc Latium. Long nhi quỳ trước kim giai, Giang Phong thân tự đội hoàng quan cho Long nhi. Dàn nhã nhạc trỗi khúc Thăng bình. Lễ quan xướng :
“Tung cao duy nhạc,
Tuấn cực vu thiên,
Tứ quốc vu phiền,
Tứ phương vu tuyên.”
Tạm dịch :
Sừng sững cao chính là ngọn núi
Nhô vút lên thấu đến trời mây.
Cõi bờ các nước bốn phương,
Phô truyền bốn hướng nên vương hóa này.
Tiếp theo là đến lượt Hồng y Giám mục George I de Trento, được gia miện thành Quốc vương. Đại lĩnh địa Trento – Tyrol được thăng cấp lên thành Vương quốc Trento. Giang Phong cũng đích thân gia miện. Lễ quan xướng :
“Điểu tùy loan phượng phi đằng viễn,
Nhân bạn hiền lương phẩm tự cao.”
Tạm dịch :
Chim theo loan phượng bay xa,
Người gần hiền sĩ thanh cao hơn người.
Rồi đến Réne de Anjou được phong là Quốc vương Anjou. Cuộc vận động để nhà Anjou lên nắm quyền ở Pháp Lan Tây vẫn chưa ngã ngũ. Giang Phong trực tiếp tách các lĩnh địa của nhà Anjou ra khỏi Vương quốc Pháp Lan Tây, thành lập Vương quốc Anjou, phong cho Réne làm Quốc vương. Riêng lĩnh địa Bourbon của bé Charles được tách ra thành lập Công quốc Bourbon độc lập. Dù là nước nhỏ, nhưng được Đế quốc Latium hậu thuẫn nên rất vững vàng ổn định.
Chương 122 : HUY NHI HẠ SINH
Dục Thánh Điện. Đó là một tòa cung điện có địa vị đặc thù trong Trường Thanh Cung. Bình thường nơi đó để trống, nhưng hôm nay lại đông đúc khác thường. Trên từ Thánh hoàng, dưới đến văn vũ bách quan đều tụ tập trong điện ngoài điện. Hôm nay là một ngày đặc biệt của Đế quốc. Bên cạnh Giang Phong tụ tập đông đủ văn vũ trọng thần, gồm Quảng Tế Pháp sư, Long nhi, Chiêu Đức Vương Đinh An Bình, Chiêu Vũ Vương Triệu Phong, Chiêu Liệt Vương Phạm Thế Căng, Chiêu Minh Vương Cát Ti, Diễn Công Đào Anh, Định Công Lý Ngân, Hải Công Mã Tân. Đây là những vương công đại nhân có địa vị cao nhất trong triều đình Đế quốc. Quảng Tế Pháp sư không phải là vương công, mà có tước hiệu Đại Pháp sư, là Thánh hoàng Đại ngôn nhân, là người được xem gần gũi với thần linh nhất. Vì Giang Phong là ‘thần’, nên tước hiệu của Quảng Tế Pháp sư giống như Đức Thượng phụ của Giáo hội Nguyên thủy hay lĩnh tụ của những tôn giáo khác vậy. Chỉ có điều lúc này Thần Thánh Đế quốc quá hùng mạnh, chiếm ưu thế tuyệt đối trên thế giới, nên Đông Phương Thiên Đế được xem là hùng mạnh hơn Tây Phương Thiên Chủ, do vậy mà địa vị của lão Pháp sư cũng hiển hách hơn.
Hôm nay, đứa con đầu tiên của Giang Phong sắp xuất sinh, quần thần văn vũ đều hy vọng vị Hoàng tử đầu tiên của Đế quốc chào đời, nên đều tụ tập lại đây chờ đợi tin tức. Giang Phong lên ngôi mười mấy năm nay mà vẫn không có con cái, nên quần thần bách tính đều rất lo lắng. Hoàng gia không người thừa kế, Đế quốc sẽ gặp nguy cơ. Mọi người đã quen sống dưới sự hùng mạnh của Đế quốc. Thuế phú nhẹ nhàng, giáo dục bắt buộc, triều chính thanh minh, là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thịnh vượng của Đế quốc. Hiện tại, những khu vực do Đế quốc trực tiếp kiểm soát cũng là những khu vực văn minh, sung túc nhất thế giới. Do vậy, không ai hy vọng Đế quốc sẽ tan rã. Nhược quốc bị hiếp đáp, còn cường quốc thì đi hiếp đáp nước khác. Chẳng ai muốn mình bị hiếp đáp cả. Mặc dù Long nhi cũng là Hoàng tử của Đế quốc. Thế nhưng, Long nhi chỉ là con nuôi, theo phong tục Á Đông không thích hợp để kế thừa ngôi đại thống. Theo phong tục, chỉ có con ruột, hoặc những người trong thân tộc Hoàng gia mới được kế ngôi (vua không có con thì truyền ngôi cho anh em, hoặc cháu họ). Cuối thời Trần có một vụ nhường ngôi cho con nuôi, đã gây ra nguy cơ rất lớn cho Đại Việt.
Gần 50 năm trước, tức năm Kỷ Dậu (1369), Trần Dụ Tông mất, không có con. Triều đình tôn thất định tôn Cung Định Vương là anh của Trần Dụ Tông lên ngôi, nhưng bà Hoàng Thái Hậu nhất định lập người con nuôi của Cung Túc Vương là Dương Nhật Lễ. Nguyên mẹ của Lễ là người hát xướng, lấy người hát bội tên là Dương Khương, có thai rồi mới bỏ Dương Khương mà lấy Cung Túc Vương, sinh ra Lễ. Khi Lễ lên làm vua, cải họ là Dương để dứt ngôi nhà Trần, rồi giết bà Hoàng Thái Hậu và Cung Định Vương. Lúc bấy giờ, Cung Tĩnh Vương đang ở kinh sư cũng sợ bị hại, vả lại tính khí cũng nhu nhược, không có ý tranh cạnh, mới bỏ trốn lên mạn Đà Giang. Các tôn thất nhà Trần hội nhau đem quân về bắt Lễ giết đi, rồi rước Cung Tĩnh Vương về làm vua, tức là Trần Nghệ Tông. Khi Lễ bị giết, mẹ Lễ chạy sang Chiêm Thành, xin với vua Chiêm là Chế Bồng Nga đem quân sang đánh Đại Việt. Quân Chiêm vượt biển vào cửa Đại An, kéo lên đánh Thăng Long. Quân Trần đánh không nổi, Nghệ Tông phải chạy lên Đông Ngạn (thôn Cổ Pháp, làng Đình Bảng). Quân Chiêm vào thành, đốt sạch cung điện, bắt đàn bà con gái, lấy hết các đồ châu ngọc, rồi mới rút quân về. Và cũng từ đó, quân Chiêm quen đường, cứ vài năm là lại sang đánh cướp một trận, mãi đến khi Phạm Thế Căng trấn thủ Nam Trấn mới chấm dứt.
Nói tóm lại, mọi người mong chờ một vị Hoàng tử để có thể kế thừa đại thống. Long nhi cũng hiểu vị thế của mình, nên hài lòng với ngôi vị Hoàng đế của Đế quốc Latium. Long nhi không có căn cơ gì ở Thần Thánh Đế quốc, hơn nữa tình cảnh của nhà Anjou lúc này so với 3 năm trước khác nhau một trời một vực, nên không có gì để không hài lòng cả. Ngay cả Vương quốc Pháp Lan Tây cũng không chấp nhận Quốc vương Anh Cách Lan làm Quốc vương của mình kia mà. Dù rằng Quốc vương Anh Cách Lan là cháu ngoại của Quốc vương Pháp Lan Tây đời trước, và dòng chính của ngôi Quốc vương Pháp Lan Tây hết người thừa kế.
Ở bên ngoài phòng tiếp sinh, trong lúc quần thần bồn chồn hồi hộp thì Giang Phong vẫn bình tĩnh ngự trên long ỷ chờ đợi. Giang Phong biết rõ tình trạng cơ thể của mình, có sống đến trăm tuổi có lẽ cũng không thành vấn đề, nên không quá quan tâm con trai hay con gái. Sau khi xuyên việt, không biết bị ảnh hưởng gì của thì không loạn lưu hay không mà sức khỏe của Giang Phong càng ngày càng tốt, gần 20 năm nay mà chẳng có bệnh tật gì cả, thậm chí cũng chẳng bị suy lão. Đúng là thần tích !
Quần thần bồn chồn một lúc, rồi thấy Giang Phong vẫn lặng yên ngồi đó, cũng đành phải nén lòng mà ngồi một chỗ. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Hồi lâu sau, từ trong phòng tiếp sinh truyền ra tiếng khóc oe oe của trẻ con. Một tân sinh mệnh đã chào đời. Quần thần ai nấy đều hồi hộp, đứng bật cả dậy. Rồi cửa phòng bật mở, chúng thái y ùa ra, hướng vào Giang Phong vái lạy, chúc tụng :
- Cung hỷ Thánh hoàng. Hoàng tử đản sinh.
Giang Phong nhìn tiểu hài tử nằm yên trong lòng một vị lão thái y, mỉm cười hạnh phúc, bước đến gần định bế. Bé trắng trẻo mủm mỉm, hai mắt mở to, nhìn Giang Phong giây lát, rồi thật bất ngờ, bé giơ hai cánh tay nhỏ xíu ra, thỏ thẻ gọi :
- Ba ba.
Thấy bé biết gọi ‘ba ba’ và đòi bế, Giang Phong hoan hỉ ôm bé vào lòng, âu yếm xoa đầu bé, khen :
- Con ngoan lắm. Hy vọng sau này con có thể kế thừa cơ nghiệp của phụ hoàng.
Chúng triều thần thấy Hoàng tử mới vừa hạ sinh đã biết gọi ‘ba ba’, sau giây phút kinh ngạc sững sờ, thì đều hết lời chúc tụng Giang Phong có được ‘thánh tử’. Mọi người nghĩ đến thân phận của Giang Phong, nên cảm thấy thần tích xuất hiện cũng chẳng có gì là lạ. Quảng Tế Pháp sư hớn hở nói :
- Hoàng tử mới sinh mà đã thông minh như thế, sau này chắc chắn sẽ có thế kế thừa ngôi đại thống.
Giang Phong mỉm cười, xoa đầu bé, âu yếm nói :
- Hy vọng được như thế. Cố lên con nhé.
Thấy Quảng Tế Pháp sư và chúng triều thần ngơ ngác nhìn nhau, Giang Phong mỉm cười bảo :
- Tất cả hài tử của trẫm đều mang huyết thống thần thánh, đến khi nào huyết thống đó thức tỉnh thì mới có thể kế thừa cơ nghiệp của trẫm. Phàm nhân chỉ có thể làm thái bình vương, không thể kế vị.
Quảng Tế Pháp sư nói :
- Hoàng tử thông minh thế này, sau này chắc chắn sẽ đủ tư cách kế vị.
Giang Phong mỉm cười :
- Trẫm cũng mong như thế. Phải không con ?
Bé nãy giờ nằm yên trong lòng Giang Phong, nghe mọi người nói chuyện, có lẽ cũng hiểu mọi người đang nói gì, nên khi nghe Giang Phong nói thế liền gật đầu. Giang Phong cao hứng quá, suy nghĩ giây lát, rồi nói :
- Huy nhi. Con sẽ là Giang Thiếu Huy.
Bé nghe nói thế, lại gật đầu. Long nhi đứng bên cạnh, thấy bé đáng yêu quá, liền bước đến nói :
- Phụ hoàng ơi ! Cho Long nhi bế em bé với.
Huy nhi đưa mắt nhìn Long nhi, rồi chợt giơ hai cánh tay nhỏ xíu ra, gọi khẽ :
- Ca.
Long nhi hớn hở bế Huy nhi vào lòng, hôn vào đôi má phúng phính của bé. Giang Phong quay sang chúng triều thần bảo :
- Phong cho Cầm nhi làm Vân Phi. Truyền toàn quốc đại khánh.
Nói xong liền đi vào trong phòng tiếp sinh thăm Cầm nhi, mẹ của Huy nhi. Long nhi cũng vội bế Huy nhi đi theo. Ở Trường Thanh Cung chỉ có cung nhân, Giang Phong chưa lập hậu phi. Cầm nhi sau khi sinh hạ Huy nhi mới trở thành vị phi tử đầu tiên. Tiêu chuẩn để trở thành phi tử là phải hạ sinh hài tử, bất kể con trai hay con gái. Còn hoàng hậu thì … theo ý Giang Phong, phàm nhân không đủ tư cách trở thành hoàng hậu. Giang Phong không biết có thể sống được đến bao nhiêu tuổi, nhưng trường sinh bất lão, nếu mấy chục năm sau hoàng hậu là bà lão 80 tuổi, trong khi Giang Phong dáng vẻ vẫn đôi mươi thì thật không ổn.
Tin tức từ trong cung nhanh trong truyền ra bên ngoài, dân chúng đều biết hoàng gia có thêm hoàng tử, và đặc biệt là hoàng tử vừa mới xuất sinh đã biết nói, đã biết gọi ‘ba ba’, ‘ca ca’ và còn biết đòi bế nữa. Thật không hổ danh là con của Thánh hoàng. ‘Thánh tử’ có khác. Khắp kinh thành tưng bừng lễ hội, đèn hoa cờ xí rực rỡ, pháo nổ vang dội khắp nơi. Mọi người lũ lượt đổ ra đường phố. Hoàng gia cũng cho bày đồ ăn thức uống khắp nơi để cùng dân chúng chung vui.
Chương 123 : TÂN CHIẾN LƯỢC
Sau khi Huy nhi hạ sinh, Giang Phong rất cao hứng. Hàng loạt biểu tấu của triều thần nhân đó cũng được phê chuẩn dễ dàng. Triệu Phong cả năm nay ở Trường Hưng Thành rảnh rỗi an nhàn đến phát chán, nên đã dâng biểu xin được xuất chinh nam Thiên Trúc, thảo phạt Vương triều Vijayanagara. Lý do được đưa ra là Vương triều Vijayanagara tấn công các nước chư hầu của Đế quốc ở vùng nam Thiên Trúc.
Số là ở nam Thiên Trúc có đến hàng trăm tiểu quốc lớn nhỏ, nếu kể luôn những tiểu quốc chỉ gồm một tòa thành thị thì phải lên đến cả nghìn. Lúc bấy giờ, bán đảo Ấn Độ còn được gọi là các xứ Thiên Trúc. Vùng bắc Thiên Trúc thuộc quyền kiểm soát của người Mông Cổ, vùng nam Thiên Trúc thuộc quyền thống trị của Vương triều Vijayanagara. Thế nhưng, triều đình Vijayanagara đóng đô ở thành Vijayanagara trên cao nguyên Decan, và chỉ kiểm soát được những khu vực lân cận. Những khu vực khác thuộc vùng nam Thiên Trúc bị chia ra thành cả nghìn tiểu quốc, do các vị tiểu vương tự cai trị lấy, chỉ thần phục và nộp cống cho Vương triều Vijayanagara. Càng về phía nam, càng xa khu vực cao nguyên Decan, sự thống trị của Vương triều Vijayanagara càng yếu ớt.
Từ khi quân đội của Thần Thánh Đế quốc tiến vào khu vực nam Thiên Trúc, buộc Vương triều Vijayanagara phải dùng trọng lễ cầu hòa, thì uy tín của triều đình Vijayanagara giảm đi nhanh chóng. Các tiểu quốc chư hầu nhận thấy triều đình Vijayanagara đã suy yếu, nên bắt đầu dương phụng âm vi, dần dần chỉ còn thần phục trên danh nghĩa. Thậm chí, nhiều tiểu quốc tương đối hùng mạnh còn phớt lờ những mệnh lệnh của Vijayanagara. Ngoài ra, một số tiểu quốc khác thần phục Vương triều Vijayanagara chủ yếu là tìm chỗ dựa để được bảo hộ, thì nay lại thấy tôn chủ quốc không còn đủ mạnh nữa, không đủ sức bảo hộ bọn họ nữa. Thế là bọn họ quyết định tìm chỗ dựa mới đáng tin cậy hơn. Và tất cả đều hướng về Thần Thánh Đế quốc, bởi lúc bấy giờ, có nước nào hùng mạnh hơn Thần Thánh Đế quốc kia chứ. Vậy là Thần Thánh Đế quốc đã có thêm rất nhiều chư hầu mới ở vùng nam Thiên Trúc, đặc biệt là những tiểu quốc lân cận vùng duyên hải, có quan hệ kinh tế và chịu ảnh hưởng trực tiếp của Thần Thánh Đế quốc.
Vương triều Vijayanagara thấy nhiều tiểu quốc chư hầu theo gió trở cờ, đương nhiên không hài lòng, một mặt phái sứ giả sang Gia Định kháng nghị, mặt khác cử binh thảo phạt những tiểu quốc từ chối thần phục bọn họ. Dù sao thì những tiểu quốc đó cũng là chư hầu của Đế quốc, nên quân đội trú đóng ở Tích Lan đã tiến vào nam Thiên Trúc viện trợ. Chỉ có điều trú quân ở Tích Lan quá ít, đối phó không xuể, nên trước sau đã có gần chục tiểu quốc bị chiếm giữ, tiểu vương phải lưu vong sang Tích Lan. Những vị này đã liên hợp lại dâng biểu về Gia Định xin Đế quốc xuất quân giúp bọn họ phục quốc. Chính vì vậy mà Triệu Phong đã dâng biểu xin suất quân thảo phạt Vương triều Vijayanagara, giúp các chư hầu phục quốc. Giang Phong đã chuẩn tấu, phái Triệu Phong suất lĩnh 8 đạo quân tinh nhuệ Thần Vũ, Thần Sách, Thần Uy, Thần Long, Uy Vũ, Uy Đức, Uy Nghĩa, Uy Viễn, cùng với 4 đạo tân binh Long Giang, Đông Giang, Tương Giang, Ngân Giang; tổng cộng 36 vạn quân xuất chinh nam Thiên Trúc thảo phạt Vương triều Vijayanagara, mục tiêu là hoàn toàn tiêu diệt Vương triều Vijayanagara, khiến cho nam Thiên Trúc chỉ còn lại các tiểu quốc, để dễ cai trị hơn. Theo kế hoạch của Giang Phong, các tiểu quốc chư hầu ở nam Thiên Trúc được giữ nguyên tình trạng hiện tại. Đế quốc chỉ chiếm lĩnh địa bàn kiểm soát của Vương triều Vijayanagara, sát nhập vào lĩnh thổ Đế quốc. Đối với việc này, các tiểu quốc ở nam Thiên Trúc cũng chẳng hề phản đối, một phần vì sợ oai Đế quốc, phần khác là vì địa bàn kiểm soát của Vương triều Vijayanagara tiếp giáp với lĩnh địa của người Mông Cổ ở miền bắc, bọn họ chẳng ai muốn nhiễm chỉ cả. Đối với người Thiên Trúc, đặc biệt là các quân vương quý tộc, người Mông Cổ cũng đồng nghĩa với ác mộng.
Trong khi đó, Đinh An Bình lại dâng biểu xin thảo phạt Đế quốc Ottoman, để giải quyết hoàn toàn mối ẩn hoạn của vùng bán đảo A Lạp Bá và Đế quốc Latium. Quân Thổ của Đế quốc Ottoman hiếu chiến và ngông cuồng. Nếu không hoàn toàn đánh bại bọn họ thì khó lòng tiêu trừ hậu hoạn. Giang Phong cũng chuẩn tấu, nhưng phải chờ sau khi dẹp xong Vương triều Vijayanagara, rồi điều cả 12 đạo quân viễn chinh tiếp tục tây chinh. Trong lúc chờ đợi, Đinh An Bình phải về Sinai chỉnh bị 6 đạo quân đang trú đóng tại đấy.
Còn Cát Ti thì dâng biểu xin cho thần dân của Đế quốc được tham gia khai cương thác thổ. Dù sao thì ở Phi châu và Mỹ châu chỉ mới có khu vực duyên hải bị Đế quốc kiểm soát, những bộ lạc nằm trong phạm vi vài trăm dặm thật sự thần phục. Còn những bộ lạc thổ dân nằm trong nội lục đa phần dương phụng âm vi, hoặc thậm chí kháng cự sự hiện diện của Đế quốc. Cát Ti xin cho thần dân được tổ chức Khai thác đoàn, tiến hành khai thác những khu vực mà ảnh hưởng của Đế quốc chưa đến được. Giang Phong đã phê chuẩn đề nghị này, nhưng phạm vi khai thác chỉ giới hạn trong nội lục Phi châu, ngoài ra không được vô cớ xúc phạm đến lợi ích của các bộ lạc, tiểu quốc đã ‘thật sự’ thần phục Đế quốc, cụ thể là những bộ lạc, tiểu quốc có cử sứ đoàn đến Gia Định tiến cống. Giang Phong cố ý khiến cho những kẻ một dạ hai lòng, chỉ thần phục trên danh nghĩa phải hối hận. Còn việc không cho khai thác ở Mỹ châu là bởi lúc này ở Phi châu còn rất nhiều vùng rộng lớn chưa được ‘khai hóa’, Mỹ châu lại quá xa, hơn nữa Giang Phong biết rằng Mỹ châu có rất nhiều vàng bạc, phải để cho Đế quốc quân đội đến chiếm lĩnh.
Chiếu thư quy định : Bách tính thuận dân ai có năng lực đều có thể đăng ký với quan phủ xin thành lập Khai thác đoàn, đến Phi châu nội lục khai cương thác thổ. Chỉ cần bọn họ có thể giành được đất đai từ thổ dân chưa ‘khai hóa’, kiến thiết thành trấn, thì thành trấn đó sẽ trở thành lĩnh địa của bọn họ, bọn họ chỉ cần hướng Đế quốc cống nạp thuế phú là được, địa vị được xem tương đương với các tiểu vương Phi châu. Đây là một cách để bình dân trở thành quý tộc, nên chắc chắn sẽ có rất nhiều bình dân phú hào tham gia. Còn giới quý tộc ai có hứng thú mạo hiểm, cũng có thể tham gia khai thác, không hạn chế. Nhưng chiếu thư này không có hiệu lực đối với những người không phải là thuận dân của Đế quốc, tức chỉ lương dân và nghịch dân. Lương dân là chỉ những thần dân của Đế quốc nhưng không nói được ngôn ngữ của Đế quốc, đa số là thần dân của những vùng mới ‘khai hóa’, hoặc những lĩnh địa xa xôi mà lĩnh chủ không nhiệt tâm với việc giáo dục. Còn nghịch dân là chỉ những cư dân chống đối Đế quốc, hoặc thuộc những thế lực chưa thần phục Đế quốc.
Đế quốc có thể thống trị một lĩnh thổ rộng mênh mông thế này cũng nhờ tình hình thế giới lúc bấy giờ, trừ đất Trung Hoa thì đều không tồn tại một vương triều thật sự thống nhất. Chẳng hạn như, ở nam Thiên Trúc danh nghĩa do Vương triều Vijayanagara thống trị, nhưng Vương triều Vijayanagara chỉ có thể kiểm soát được khu vực cao nguyên Decan, những nơi khác là địa bàn của các tiểu quốc bán độc lập, chỉ thần phục và nạp cống cho Vương triều Vijayanagara, đồng thời tự cai trị địa bàn của mình. Do vậy, chỉ cần Vương triều Vijayanagara sụp đổ, các tiểu vương nam Thiên Trúc sẵn sàng thay đổi tôn chủ quốc, đối với bọn họ cũng không có khác biệt gì đáng kể. Còn ở Âu châu cũng tương tự. Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức bao gồm hàng nghìn công quốc, lĩnh địa độc lập hợp thành. Sự lỏng lẻo còn hơn cả các xứ nam Thiên Trúc. Khi liên quân của Hoàng đế Sigismund de Luxembourg bị đánh bại thì Đế quốc cũng sụp đổ. Các vương quốc khác ở Âu châu cũng do vô số lĩnh địa bán độc lập hợp thành, Quốc vương chỉ là một đại lĩnh chủ mà thôi. Bởi thế, mỗi khi chinh phục một khu vực, quân đội Thần Thánh Đế quốc chỉ cần đánh bại tôn chủ quốc, an phủ các chư hầu là có thể thống trị được khu vực. Đương nhiên, đó chỉ là đối những nước lớn, còn khi gặp những nước nhỏ thì trực tiếp tiêu diệt và sát nhập vào lĩnh thổ Đế quốc. Riêng ở đất Trung Hoa, do bởi mấy mươi năm bạo chính của cha con Vĩnh Lạc đế, đặc biệt là Vĩnh Lạc đế thường xuyên phát động chiến tranh, lại sinh hoạt xa hoa hoang phí, dẫn đến quốc lực suy kiệt, khiến Minh triều sụp đổ.
Long nhi chỉ ở lại Gia Định hơn tháng, rồi lại theo Đinh An Bình đi về Âu châu. Đối với việc thảo phạt quân Thổ, Long nhi cũng giống như những người Âu châu khác, rất có hứng thú. Mặc dù lần này việc chinh phạt không có quân đội Latium tham gia, nhưng Long nhi là Hoàng tử của Đế quốc, đương nhiên có tư cách tham dự. Chỉ còn chờ Triệu Phong hoàn thành việc bình định nam Thiên Trúc là có thể khởi binh.
Chương 124 : VƯƠNG TRIỀU VIJAYANAGARA DIỆT VONG (1)
Nam Thiên Trúc.
Đất Thiên Trúc lúc bấy giờ bao gồm cả đất Ấn Độ, Pakistan, Nepan, Butan, Bangladesh, Sri Lanka (Tích Lan). Vương triều Vijayanagara chỉ thống trị khu vực nam Thiên Trúc, kể từ cao nguyên Decan trở về nam, bao gồm phần đất các bang Andhra Pradesh, Goa, Karnataka, Kerala và Tamil Nadu, trong đó phần lĩnh thổ do Vương triều Vijayanagara trực tiếp kiểm soát chỉ gồm phần cao nguyên Decan ở phía bắc Vương triều. Các tiểu quốc ở nam Thiên Trúc thần phục và cống nạp cho Vijayanagara chẳng qua là vì Vijayanagara giúp bọn họ kháng cự sự xâm lấn của các thế lực người Mông Cổ ở miền bắc. Quân đội của toàn vương triều gồm khoảng 1,1 triệu người (tức 110 vạn, ít hơn quân đội Minh triều một chút), nhưng gồm có hai bộ phận rõ rệt : Quân đội triều đình bao gồm 100.000 bộ binh (shieldmen), 20.000 kỵ binh (cavalrymen) và hơn 900 con voi; phần còn lại là quân đội địa phương, tức quân đội của các tiểu quốc chư hầu.
Triệu Phong đặt đại bản doanh tại Jaffna, một đại thành thị ở phía bắc Tích Lan. Các đạo quân đã lần lượt đến Tích Lan hội họp. Riêng 4 đạo quân Thần Vũ, Thần Sách, Thần Uy, Thần Long đã đổ bộ lên đất nam Thiên Trúc, tiến về phía cao nguyên Decan, giúp các tiểu quốc bị Vương triều Vijayanagara chiếm giữ phục quốc. Triệu Phong không phải không muốn trực tiếp suất quân tác chiến, nhưng vì bản thân là Thống soái, đành phải ở lại hậu phương chủ trì đại cục. Xung phong hãm trận là việc của các vị tướng quân. Cũng giống như cuộc bao vây Kim Lăng và đánh nhau với trăm vạn đại quân của Minh triều trước đây, bọn Triệu Phong chỉ ở Trường Hưng Thành chủ trì đại cục.
Nghe tin Thần Thánh Đế quốc cử binh chinh phạt, Vương triều Vijayanagara vội vã dốc toàn bộ quốc lực nghênh chiến, đồng thời chinh triệu quân đội các tiểu quốc chư hầu tham chiến. Bọn họ biết trận chiến này quan hệ đến sự sinh tử tồn vong của Vương triều, nên buộc phải dốc toàn tâm toàn lực nghênh chiến.
Do quân đội Đế quốc viện cớ giúp các tiểu vương phục quốc, trong quân còn có các vị tiểu vương tùy hành, nên sư xuất hữu danh, không bị dân chúng trong vùng xem là hành vi xâm lược. Bốn đạo quân chia làm hai đường, mỗi đường 6 vạn quân, lần lượt tiến vào các tiểu quốc bị quân Vijayanagara chiếm giữ, đánh bại số thủ quân tại đấy, rồi giao lại cho các tiểu vương bản địa khôi phục chính quyền. Quân đội Đế quốc tạm trú đóng lại đấy giữ gìn trật tự, chờ các vị tiểu vương chinh triệu tân quân bảo vệ quốc thổ. Do quân đội Đế quốc không can thiệp vào việc chính sự ở đây, nên không gây bất mãn trong giới quý tộc bản địa.
Tiếp theo đó, lần lượt 8 đạo quân còn lại cũng tiến vào khu vực giáp giới với vùng kiểm soát của Vương triều Vijayanagara. Tất cả 12 đạo quân, 36 vạn đại quân vân tập biên giới khiến kinh đô Vijayanagara nhân tâm hoàng hoàng. Đại quân áp cảnh. Trong lúc quân đội của Vương triều Vijayanagara chỉ có 10 vạn bộ binh, 2 vạn kỵ binh, cùng với 900 con voi chiến. Các tiểu quốc chư hầu nhìn rõ hình thế, không nước nào mang quân đến trợ chiến cả. Tình thế hiện tại, chỉ cần người có chút trí thương đều có thể thấy rõ, nếu như Thần Thánh Đế quốc thất bại thì còn có thể tái lập viễn chinh quân, tiếp tục chinh phạt, còn nếu như Vương triều Vijayanagara thất bại, thì hậu quả trực tiếp là diệt vong. Mà xem ra Vương triều Vijayanagara chẳng có mấy cơ hội giành được chiến thắng. Cả về số lượng, trang bị, chiến lực, … quân đội Vương triều Vijayanagara chẳng thể nào so sánh được với quân đội Thần Thánh Đế quốc.
Đối diện đại quân áp cảnh, Vương triều Vijayanagara chỉ có thể huy động được 10 vạn bộ binh, 2 vạn kỵ binh, 900 con voi. Quân lực chênh lệch quá lớn. Quốc vương Deva Raya I của Vijayanagara vội chinh tập dân binh được thêm 30 vạn nữa, quân số tạm thời tăng lên 42 vạn, đông hơn đối phương, khiến cho sĩ khí quân đội dâng cao một chút, còn về chiến lực thì … không đáng tin tưởng lắm. Hỗn hợp 10 vạn chính quy quân với 30 vạn quân nông dân, khiến cho toàn thể chiến lực của quân đội suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt đây lại là quân đội Thiên Trúc, chiến lực không thể nào sánh bằng quân đội Trung Hoa. Do vậy mà Quốc vương Deva Raya I lo lắng không thôi.
Quốc vương Deva Raya I là cháu nội của Quốc vương Harihara Raya II (trị vì 1377 - 1404). Sau khi Harihara Raya II qua đời, đã có cuộc tranh ngôi giữa các vị vương tử. Virupaksha Raya trị vì trong vài tháng thì bị con trai là Bukka Raya II ám sát. Ông này trị vì được một thời gian trong giai đoạn 1405 – 1406, rồi cũng bị em trai là Deva Raya I lật đổ. Deva Raya I bắt đầu trị vì từ năm 1406. Trong suốt triều đại của mình, Deva Raya I đã liên tục chiến đấu chống lại Velamas xứ Telangana, Sultan Bahmani xứ Gulbarga, Reddis xứ Kondavidu và Gajaptis xứ Kalinga. Gần đây nhất là chiến tranh với Thần Thánh Đế quốc. Nội loạn, chiến tranh đã khiến cho quốc lực của Vương triều Vijayanagara ngày càng suy kiệt, dẫn đến quốc thế suy vi, chư hầu ly tán. Deva Raya I rất hối hận, không ngờ Thần Thánh Đế quốc lại có phản ứng cường ngạnh như thế. Nhưng giờ đây có hối hận cũng đã muộn, chỉ còn cách chuẩn bị chiến tranh mà thôi.
Thông qua thám tử báo cáo, Triệu Phong được biết đại quân Vijayanagara cơ bản so với một đám nông dân không có gì khác biệt, so ra còn kém hơn cả dân binh của Đế quốc. Tuy 12 vạn chính quy quân còn có chút chiến lực, nhưng khi bị hỗn hợp chung với 30 vạn nông dân, thì chiến lực suy giảm rất nhiều. Suy tính hồi lâu, Triệu Phong quyết định xuất chiến.
12 đạo quân được lệnh tiến sát đô thành Vijayanagara của Vương triều Vijayanagara. Do phải mang theo thần công đại pháo cùng rất nhiều đạn dược, đại quân phải mất hơn 1 tháng mới tiến được đến ngoại vi thành Vijayanagara. Song phương đại quân an doanh lập trại đối diện bên ngoài thành. Triều đình Vijayanagara đã biết đại pháo của Thần Thánh Đế quốc lợi hại, nên đã từ bỏ việc cố thủ thành trì, quyết định chính diện quyết chiến. Trong quân đội Vijayanagara có quá nhiều dân binh (thực chất là nông dân), nếu thành môn bị đại pháo phá hủy tất sĩ khí đại giảm, nhiều khả năng sẽ phát sinh đại quy mô đào binh. Thà rằng dựa vào ưu thế quân số mà quyết chiến một trận, nhất chiến định càn khôn.
Bình minh, ở bầu trời phương đông, ánh thái dương đã bắt đầu le lói. Aliva Rama và Sriranga, hai vị tướng quân của Vương triều Vijayanagara, đích thân thống suất bản bộ kỵ binh công kích doanh trại đối phương. Theo mệnh lệnh của Quốc vương Deva Raya I, bọn họ sẽ lợi dụng địch nhân đang lúc mê ngủ mà tấn công cướp trại. Cưỡi trên lưng chiến mã, cả 2 vạn kỵ binh đều giương cung lắp tên, chuẩn bị bắn ra những mũi tên lửa.
Khi kỵ binh áp sát doanh trại đối phương, gần đến tầm bắn, thần kinh chúng kỵ binh đều căng thẳng tột độ, chuẩn bị buông cung. Đột nhiên …
A a a …
Phịch phịch phịch …
Hàng loạt kỵ binh, chiến mã ở hàng đầu bị vướng cạm bẫy, ngã ngựa. Bên ngoài doanh trại bố trí rất nhiều cạm bẫy, chưa gì mà đã có vài trăm kỵ binh thương vong. Tiếp đó là một hồi tù và rúc lên lanh lảnh, báo động có địch quân đến cướp doanh.
Aliva Rama và Sriranga thấy bản bộ kỵ binh rơi vào hỗn loạn, cả kinh thất sắc, giục ngựa chạy ngược chạy xuôi, luôn miệng quát tháo cố ổn định trận hình. Sau hơn 1 khắc, đội ngũ mới ổn định. Hai người bọn họ vừa định tiếp tục xung phong thì đột nhiên …
Đoàng đoàng đoàng …
Một trận đại pháo gầm vang báo hiệu đối phương đã phản kích. Tiếp đó, hàng nghìn viên đạn pháo bắn tới, rực hồng cả nửa bầu trời. Theo đúng biên chế của quân đội Thần Thánh Đế quốc, 36 vạn quân có đến 7.200 khẩu thần công, mỗi phương hướng được bố trí trận địa pháo gồm 1.800 khẩu. Bởi đã xác định từ trước cự ly pháo kích đối ứng với cạm bẫy bên ngoài, nên đa số đạn pháo đều tìm thấy mục tiêu. Tuy đều là thật tâm đạn, mỗi viên đạn khi bắn trúng mới sát tử được đối phương, nhưng chỉ loạt pháo kích kia cũng đã khiến đối phương thương vong thảm trọng. Do đang trong trận hình xung phong, đội ngũ rất mật tập, thành ra chỉ 1.800 viên đạn pháo đã khiến cho hơn 5.000 kỵ binh thương vong hoặc mất sức chiến đấu.
Thấy chưa gặp địch nhân mà đã tổn thất 1 phần tư quân số, Aliva Rama quả đoạn quyết định rút lui. Gã cao giọng quát :
- Lui. Lui mau.
Tiếng chiêng thu quân khua vang. Aliva Rama và Sriranga đích thân dẫn quân đoạn hậu. Nào ngờ, chúng kỵ binh vừa mới quay đầu ngựa định tháo lui thì đột ngột phát hiện địch quân từ bốn phương tám hướng ùn ùn áp tới. Trông tình hình đối phương ít ra cũng có đến hơn chục vạn quân tinh nhuệ, đao thương kiếm kích sáng ngời. Quân đội của Thần Thánh Đế quốc đều là những kẻ năng chinh thiện chiến, lẽ nào lại không đề phòng địch quân đến cướp doanh. Bọn Aliva Rama chính là tự đưa cổ vào tròng.
Aliva Rama trông thấy địch quân đông đảo, và có vẻ rằng càng lúc càng đông hơn, liền vội quát lớn :
- Phá vây. Sống hay chết chỉ ở lúc này !
Quân Vijayanagara giơ cao vũ khí, chuẩn bị liều chết phá vây. Cùng lúc đó, hàng vạn mũi tên từ phía đối phương liên tục bắn ra như mưa, liên miên bất tuyệt. Chỉ trong chốc lát, đã có gần vạn kỵ binh Vijayanagara trúng tên ngã ngựa. Aliva Rama cả kinh thất sắc, vội dẫn đầu chúng thân binh toàn lực phá vây, cuối cùng bởi bị ‘đặc thù chiếu cố’ mà chết trong đám loạn binh. Chỉ có Sriranga nhanh trí cởi bỏ khôi giáp, giả trang làm phổ thông kỵ binh, nên chạy thoát cùng với hơn nghìn tàn binh bại tướng.
Chương 125 : VƯƠNG TRIỀU VIJAYANAGARA DIỆT VONG (2)
Lại nói, sau khi 2 vạn kỵ binh tinh nhuệ bị tiêu diệt, chỉ còn hơn nghìn tàn binh bại tướng chạy thoát về Vijayanagara, khiến toàn thể triều đình trên dưới chấn động không ít. Thậm chí đã bắt đầu xuất hiện dư luận yêu cầu đầu hàng. Từ quan viên tướng sĩ cho đến bình dân bách tính, không ai tin rằng triều đình Vijayanagara có thể kháng cự lại Thần Thánh Đế quốc. Thực lực song phương chênh lệch quá lớn kia mà. Chỉ có điều Quốc vương Deva Rama I và các đại quý tộc trong triều đều biết rằng ai cũng có thể đầu hàng, chỉ có bọn họ là không thể. Thần Thánh Đế quốc không thể nào tha thứ cho bọn họ, nếu không làm sao có thể an phủ các tiểu vương chư hầu đã bị bọn họ đánh đuổi trước đây (thật ra thì Đế quốc không muốn lưu hậu hoạn). Cảm thấy sĩ khí và lòng tin của quân dân ngày càng suy giảm, thời gian càng kéo dài sẽ càng bất lợi, Quốc vương Deva Rama I quyết định phát động tấn công, nhất chiến định càn khôn.
Cưỡi trên lưng voi trắng, Deva Rama I đưa mắt nhìn đại quân 40 vạn người ùn ùn kéo đi, lòng dạ không sao bình tĩnh được. Dù vậy, ông ta vẫn phải cố tỏ ra tự tin. Thân là quốc vương, nếu chưa giao chiến mà đã tỏ ra lo sợ thì cách thất bại không xa rồi. Nhìn quân đội đối phương đang dàn trận ở phía xa, Deva Rama I khẽ lắc đầu, ra lệnh cho tùy tướng thúc giục đại quân tiến nhanh hơn. Dưới sự đốc thúc của 10 vạn chính quy quân, 30 vạn dân binh bày thành trận thế ở hai bên, để lại khu vực chính giữa cho chính quy quân cùng đội tượng binh. Hơn nghìn kỵ binh còn lại được bố trí xung quanh con voi trắng của quốc vương, phụ trách bảo giá hộ hàng. Nhìn trận hình, nhìn khí thế, xem ra cũng kinh nhân.
Quân đội Thần Thánh Đế quốc cũng bày thành trận thế. Trận này do Định Công Lý Ngân chỉ huy. Lý Ngân từng là tướng thống lĩnh Tây lộ quân hồi Bắc phạt, sau lại đánh sang tận xứ Miến Điện giáp giới Thiên Trúc, nên lần này được Triệu Phong phái suất quân tấn công Vijayanagara.
Xem thấy đối phương không chủ động tấn công, Deva Rama I quyết định tiên hạ thủ vi cường. Ông ta muốn xem thử đối phương có thật sự lợi hại như lời đồn hay không.
Trống trận nổi ầm ầm. Vijayanagara đại quân bị đốc chiến đội xua tới trước. Deva Rama I đã sai hơn nghìn kỵ binh sung lâm thời đốc chiến đội. Đại quân hơn 40 vạn người bị bức bách hướng đối phương tấn công. Bọn họ đa phần chỉ vận áo giáp da, sử dụng một thanh đao, nhiều người còn đi chân không, đầu quấn khăn, ngoài ra chẳng có một trang bị nào khác.
Lý Ngân nhìn một lúc, rồi bảo viên tùy tướng :
- Truyền lệnh cung thủ chuẩn bị. Khi đối phương vượt qua tầm bắn thì công kích. Thương trận dàn ra bảo hộ cung thủ.
Mệnh lệnh truyền xuống, thương trận bắt đầu vận động. Trường thương thủ xếp thành 3 hàng ở phía trước đội hình cung thủ, trường thương dài 8 thước (3,2 mét) chĩa thẳng về phía trước. Bên cạnh mỗi trường thương thủ còn có một Đại đao binh tay cầm đao tay cầm khiên bảo hộ.
Quân Vijayanagara tiến đến trước thương trận ước 100 bước, các đội cung thủ bắt đầu phóng tiễn. Hơn chục vạn mũi tên bắn ra ào ạt, tên bay như mưa, liên miên bất tuyệt. Quân Vijayanagara lớp này ngã xuống lớp khác xông lên, rồi lại trúng tên ngã xuống, thương vong thảm trọng.
Deva Rama I vội truyền lệnh :
- Tượng binh tấn công.
Nhìn thấy phía trước quân Vijayanagara tổn thất nặng nề, Deva Rama I cuối cùng cũng hạ quyết tâm phát động toàn lực tấn công. Quân Vijayanagara phần lớn là dân binh, hay nói rõ hơn là quân nông dân, nếu gặp bất lợi, sĩ khí suy giảm thì rất dễ bỏ chạy. Đến lúc đó, dù sử dụng vũ lực cũng khó ép bọn họ trở lại chiến trường.
Mệnh lệnh của Deva Rama I được chấp hành rất nhanh. Đội tượng binh được xua lên phía trước. Tiếp theo những tiếng rống của đại tượng, 900 con voi chiến dàn hàng thành đạo tiên phong xông tới trước, theo sát phía sau là quân đội Vijayanagara. Gặp phải binh sĩ Vijayanagara ở phía trước không kịp tránh đường, đại tượng trực tiếp dẫm đạp thành một đoàn máu thịt, tử trạng thê thảm.
900 con voi chiến đồng loạt xung phong, khí thế vô cùng khủng bố. Những con vật khổng lồ này tuy tốc độ không nhanh, nhưng mỗi bước chân khiến cho mặt đất rung rinh chấn động, thanh thế kinh nhân, dẫn đến đối phương tâm thần chấn động. Quân đội Thần Thánh Đế quốc cũng không ngoại lệ.
Lý Ngân vội truyền lệnh :
- Thần công nhắm đội tượng binh khai hỏa. Sử dụng loại thần công cỡ nhỏ.
Liền đó, gần 3.000 khẩu thần công cỡ nhỏ đồng loạt khai hỏa, pháo nổ vang trời, khói bốc mù mịt, đạn bay đỏ rực nửa bầu trời. Đại tượng dù da dày đến mức nào cũng không thể chịu nổi đạn pháo tấn công. Khắp chiến trường vang dậy những tiếng voi rống. Mấy chục con voi ở hàng đầu bị đạn pháo bắn trúng, đau đớn đến phát cuồng, vừa gào rống vừa hất văng quản tượng trên lưng, sau đó quay đầu bỏ chạy. Tiếp đó là đến những con voi ở phía sau cũng lần lượt chịu chung số phận. Voi chiến một khi phát cuồng, nháo nhào tháo chạy, hậu quả vô cùng khủng bố. Vô số binh sĩ Vijayanagara bị voi dẫm đạp, thịt nát xương tan. Trận hình quân Vijayanagara đại loạn.
Lý Ngân thấy tình thế có lợi, lập tức truyền lệnh ba quân toàn lực tấn công. Đầu tiên, tất cả 7.200 khẩu thần công đồng loạt khai hỏa, rải đạn xuống đầu địch quân. Sau đó, 36 vạn quân phát động xung phong, thương trận đi trước, cung thủ đi sau, vừa đi vừa bắn tên tới tấp. Chỉ chưa đến nửa giờ giao chiến, đã có hàng vạn quân Vijayanagara tử thương bởi đạn pháo, cung tên, hay bị voi giẫm đạp. Quân Vijayanagara bắt đầu bỏ chạy, đương nhiên là quân nông dân bỏ chạy trước, đốc chiến đội ngăn cản thế nào cũng không xuể. Hơn nữa, không ít binh sĩ thuộc đốc chiến đội bị đàn voi giẫm đạp hoặc trúng đạn pháo tử vong. Thậm chí, nhiều toán đốc chiến bị đàn voi xua đuổi, đành phải gia nhập đội hình bại binh. Chẳng ai dám dùng tấm thân máu thịt để cản bước chân đàn voi cả. Mà đàn voi đều đã phát cuồng, có cản cũng vô ích. Lần lần, toàn thể quân Vijayanagara đều ùn ùn bỏ chạy. Tình thế thật đúng với cảnh tượng ‘Binh bại như sơn đảo’, dù cho Tiêu Hà tái thế, Gia Cát phục sinh cũng đành phải bó tay.
Khi địch quân đã bỏ chạy, Lý Ngân lập tức huy sư đuổi theo. Quân đội Thần Thánh Đế quốc chia thành 4 lộ, mỗi lộ 9 vạn quân, rầm rộ đuổi theo, đại pháo nổ vang như sấm, tên bắn như mưa. Quân Vijayanagara lớp chết, lớp bị thương, thi thể và thương viên nằm ngổn ngang đầy chiến trường. Lý Ngân lại truyền cho những người biết tiếng Thiên Trúc bắt loa gọi hàng. Vô số quân Vijayanagara cảm thấy tuyệt vọng, vội bỏ khí giới, quỳ dưới đất xin đầu hàng. Đúng là nhất chiến định càn khôn. Quân Vijayanagara thảm bại ngay trước kinh đô, đánh dấu cho sự diệt vong của Vương triều Vijayanagara.
Cuối cùng, quốc vương Deva Rama I cũng không chạy thoát khỏi sự truy sát của kỵ binh Thần Thánh Đế quốc, đành phải tự sát ngay trên lưng voi. Lý Ngân điều động binh mã xử lý kẻ đầu hàng, truy sát kẻ bỏ chạy, đồng thời tiến chiếm thành Vijayanagara.
Khi Lý Ngân đặt chân vào cung điện của quốc vương Deva Rama I, cũng là lúc Vương triều Vijayanagara chính thức diệt vong. Toàn bộ vương tộc cùng văn võ đại thần Vijayanagara đều bị xử lý giống như cách xử lý đối với quần thần Minh triều trước đây, tức bị sung làm nô lệ, nam bán sang Âu châu, nữ làm nô tỳ hoặc gả cho những thần dân chưa có vợ của Đế quốc. Do thiếu dân đi khai thác các vùng đất chiếm được, Giang Phong chủ trương khuyến khích mọi thần dân tăng cường sinh con, sinh càng nhiều con càng tốt. Những đứa con nào mà gia đình không nuôi nổi thì triều đình sẽ nhận nuôi. Giang Phong cần thật nhiều di dân đi khai khẩn Phi châu, Mỹ châu nên triều đình mới có chính sách đó.
Sau khi chiếm được Vijayanagara, Lý Ngân một mặt dâng biểu về triều, một mặt phái quân đội đi bình định các nơi. Toàn bộ khu vực kiểm soát của Vương triều Vijayanagara trước đây đều bị sát nhập vào Đế quốc. Chính vụ bộ sẽ phái quan viên đến đây tiến hành phân chia thành quận huyện và tiếp quản việc cai trị. Dân Thiên Trúc chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Bà La Môn giáo, nên đa số là thuận dân, sau khi Vương triều Vijayanagara sụp đổ thì dễ dàng cải hoán môn đình, trở thành thần dân của Thần Thánh Đế quốc. Cũng như trước đây khi Timur xâm chiếm vùng bắc Thiên Trúc thì bọn họ dễ dàng trở thành thần dân của Đế quốc Timur vậy. Việc bình định xứ này dễ dàng hơn ở Trung Hoa hoặc Âu châu nhiều.
Sau ba tháng ổn định tình hình, Đế quốc chỉ để lại 2 đạo quân Thần Vũ và Thần Sách ở lại trấn thủ xứ này, còn lại 10 đạo quân kia đều được Hải quân vận chuyển đến căn cứ Sinai, chuẩn bị cho việc chinh phạt Đế quốc Ottoman. Khi đại quân đến nơi, Đinh An Bình rất phấn khởi, lập tức chuẩn bị xuất chinh.
Chương 126 : CHINH PHẠT ĐẾ QUỐC OTTOMAN
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.510 (Mậu Tuất, 1418). Mùa xuân, tháng 3. Bán đảo Tiểu Á.
Tiểu Á hay Anatolia (tiếng Hy Lạp : Ανατολία, có nghĩa là ‘Mặt trời mọc’) là một bán đảo thuộc Á châu, nằm giáp với Âu châu ở phía tây bắc, với Hắc Hải ở phía bắc, Địa Trung Hải ở phía nam, biển Aegean ở phía tây, và vùng đất châu Á rộng lớn ở phía đông.
Lúc này, chủ nhân của bán đảo Tiểu Á là Đế quốc Ottoman của người Thổ. Sultan của Đế quốc Ottoman là Mehmed I Çelebi được tôn xưng là ‘Vị lập quốc thứ hai của Đế quốc Ottoman’, mặc dù lúc này Đế quốc Ottoman yếu hơn thời vua cha là Bayezid I nhiều. Thời trước, khi Bayezid I còn trị vì, Đế quốc Ottoman chiếm lĩnh hầu hết bán đảo Tiểu Á và cả một phần vùng đất Balkan thuộc Âu châu, bao vây Đế quốc Byzantine bên trong thành Constantinople (Đế quốc Byzantine chỉ còn lại khu vực thành Constantinople, dân số chỉ khoảng 50.000 người). Nhưng đến năm 1402, khi Timur của Hãn quốc Chagatai xua quân Mông Cổ tây chinh, tấn công Đế quốc Ottoman thì quân Thổ đại bại ở Angora (nay là Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ), đại quân Thổ tan vỡ, Sultan Bayezid I bị Timur bắt sống. Năm sau, Bayezid I chết trong nhà ngục, bắt đầu thời kỳ nội chiến của Đế quốc Ottoman. Bốn vị hoàng tử con của Bayezid I đã mỗi người chiếm giữ một vùng lĩnh địa, làm Đế quốc phân liệt, rồi đưa quân đánh nhau để tranh ngôi, gây ra thời kỳ nội chiến tàn khốc kéo dài suốt 10 năm. Bọn họ là Musa và Mehmed Çelebi chia nhau kiểm soát Amasya, Isa chiếm giữ Bursa, và Suleyman chiếm giữ Rumelia (phần đất Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Âu châu).
Đến năm 1405, Isa bị đánh bại và Mehmed Çelebi kiểm soát được Bursa, một thành phố quan trọng và cũng là kinh đô của Đế quốc Ottoman, nằm bên cạnh eo biển Dardanelles ngăn cách Âu châu với Á châu. Năm 1410, Musa đánh thắng Suleyman, xưng bá cả vùng Rumelia và bắt đầu chiếm dần các lĩnh địa khác ở bán đảo Balkan. Đế quốc Ottoman còn lại hai vị hoàng tử cùng tranh giành ngôi vị Sultan. Năm 1413, Mehmed Çelebi liên kết với quân Byzantine, đã giành thắng lợi vang dội trước quân Musa ở Camurli. Mehmed Çelebi chính thức lên ngôi, trở thành Sultan của người Thổ, xưng hiệu là Mehmed I Çelebi cai trị cả vùng Tiểu Á và Rumelia.
Năm 1416, Belreddin nổi dậy ở bán đảo Karaburun. Cuộc nổi dậy này thu hút được sự ủng hộ đông đảo của dân chúng trong vùng. Quân khởi nghĩa phát triển đến hơn 1 vạn người, và đã giành được một số thắng lợi nhỏ trước quân triều đình Ottoman. Cuộc nổi dậy này đã phần nào làm suy yếu Đế quốc. Belreddin tên đầy đủ là Sheikh Mahmoud Bin Bin Abdulaziz Badraldin Israel, một giáo sĩ tiến bộ, nổi dậy đấu tranh để dân chúng không phải đóng thuế quá cao. Ông không chỉ là một giáo sĩ có uy tín, mà còn là phò mã của vương triều Mamluk ở Ai Cập (vợ ông là Cazibe Hatun, một công chúa Mamluk). Theo lịch sử, cuộc nổi dậy thất bại, những chiến hữu của Belreddin đều bị xử tử, còn ông bị giải về treo cổ ở Serez vào năm 1420. Nhưng lúc này (năm 1418), cuộc chiến vẫn còn đang diễn ra ở bán đảo Karaburun. Chính vì chiến tranh liên miên hơn chục năm nay, nên quốc lực của Đế quốc Ottoman không còn thật sự hùng mạnh nữa. Cũng do vậy mà khi Vương triều Latium quật khởi ở phía tây thì quân Ottoman vẫn án binh bất động, phòng giữ bờ cõi của mình và đàn áp các cuộc nổi dậy trong nước.
Ngày 15 tháng 3 năm Mậu Tuất (1418), đại quân Thần Thánh Đế quốc tế cờ xuất chinh. Các đạo lục quân vượt biên giới Syria (đất Syria thời Trung Cổ, rộng hơn lĩnh thổ nước Syria ngày nay) tiến vào lĩnh thổ Đế quốc Ottoman ở phía bắc. Trong khi đó thì các chiến hạm của Hắc Long Hạm đội kéo đến phong tỏa eo biển Dardanelles, pháo kích vào các thành thị, pháo đài ở hai bên bờ eo biển, ngăn hẳn phần Rumelia với bán đảo Tiểu Á. Kinh đô Bursa bị pháo kích rất dữ dội. Các chiến hạm của Hắc Long Hạm đội tràn ngập cả eo biển, nhiều lần dàn trận như muốn chiếm lấy một vùng bờ biển để tổ chức đổ bộ. Sultan Mehmed I Çelebi phải vội tập trung binh lực từ các nơi về bảo vệ Bursa, trong đó có một bộ phận không nhỏ chia ra phòng ngự khu vực bờ biển, ngăn không cho địch quân đổ bộ. Đồng thời, Mehmed I Çelebi còn phái một sứ đoàn đến Sinai xin thần phục Thần Thánh Đế quốc, nhưng bị bọn Đinh An Bình từ chối. Sau cuộc đại điển ‘vạn quốc lai triều’, những ai không đến Gia Định triều cống thì sẽ không được Đế quốc công nhận. Trước đó, Giang Phong đã quyết định thống trị khu vực Tiểu Á và Rumelia theo mô hình Jerusalem và Syria, nên Đế quốc Ottoman phải kết thúc. Hơn nữa, nếu như Đế quốc Ottoman thần phục thì công huân ở đâu ra. Bọn Đinh An Bình đều là những kẻ hiếu chiến kia mà.
Lộ lục quân của Thần Thánh Đế quốc do Đinh An Bình đích thân thống suất, gồm 16 đạo quân Đế quốc (6 đạo trú đóng ở Sinai trước đây và 10 đạo từ nam Thiên Trúc mới chuyển đến) với 48 vạn người, thêm vào đó có 2 vạn kỵ binh Mamluk, 10 vạn bộ binh Ai Cập và 1 vạn kỵ binh A Lạp Bá trợ chiến. Quân đội Mamluk, Ai Cập và A Lạp Bá sẽ đóng vai trò dân binh, hỗ trợ quân đội Đế quốc chiến đấu cũng như phòng thủ các vùng đất chiếm được.
Các vùng đất phía đông bán đảo Tiểu Á tuy trên danh nghĩa thuộc về Đế quốc Ottoman, nhưng thực tế có vô số tiểu bộ lạc sinh sống trên đấy, vì nộp cống cho Đế quốc Ottoman nên được xem là thuộc lĩnh thổ Ottoman. Cũng vì thế mà 16 năm trước, Timur đã xâm chiếm vùng này rất dễ dàng, đại quân Mông Cổ tiến thẳng một mạch đến tận Angora (tức Ankara) mới gặp phải quân đội Ottoman chặn đánh.
Giờ đây, Sultan Mehmed I Çelebi đang phải lo phòng thủ kinh đô Bursa, vùng này gần như bỏ ngõ. Đinh An Bình tiến quân theo đường tiến quân của người Mông Cổ trước đây, tiến đến đâu là công thành bạt trại đến đó. Các đội kỵ binh Mamluk và A Lạp Bá được thả đi cướp phá các tiểu bộ lạc trong vùng quân đội đi qua. Đinh An Bình cho bọn họ tự do tác chiến, tùy ý xử lý chiến lợi phẩm, nên cả bọn đều rất hăng hái, tiến đến đâu là cứ như ‘hoàng trùng quá cảnh’, cướp sạch, phá sạch, giết sạch đến đó, thực hiện ‘tam quang chính sách’ đến mức triệt để. Thời Trung Cổ, quân đội cướp phá là chuyện bình thường. Chẳng hạn như có một cuộc Thập tự chinh đi ngang qua Constantinople, đã nhân tiện phá thành, sau khi cướp phá xong còn phóng hỏa đốt thành, khiến cho văn vật bị hủy, sự phồn vinh thịnh vượng của Constantinople từ đó cũng chấm dứt, sau này Đế quốc Byzantine chỉ còn lại chút hơi tàn.
Đại quân tiến công thuận lợi ngoài cả sự tưởng tượng của Đinh An Bình. Vạn lý hành quân mà chẳng có một cuộc giao tranh đáng kể nào. Những cuộc giao chiến thảm liệt chủ yếu là các cuộc cướp phá của kỵ binh Mamluk và A Lạp Bá. Đại quân đông đến 610.000 người, thần công đại pháo gần vạn, mỗi khi nã pháo công thành thì cả nửa bầu trời rực hồng lửa đạn, thành trì kiên cố đến đâu cũng bị phá hủy dễ dàng, những tiểu đội quân Thổ làm sao dám ngăn cản. Đại quân tiến về phía tây, các bộ lạc Thổ cũng vội chạy về phía tây, bị dồn đuổi dần về phía Bursa. Những bộ lạc nào chậm chân thì trở thành mục tiêu của kỵ binh Mamluk và A Lạp Bá. Bọn họ ai nấy đều rủng rỉnh kim tệ trong túi. Chiến lợi phẩm thu được, bọn họ đều bán lại cho những đội thương nhân đi phía sau đại quân, đổi lấy kim tệ cho nhẹ nhàng. Hành trang phải càng nhẹ nhàng thì mới càng dễ dàng cướp phá, càng có nhiều chiến lợi phẩm hơn.
Dù vậy, cũng có không ít tù trưởng các tiểu bộ lạc mang cả quân dân ra đầu hàng Đế quốc. Đinh An Bình không chấp nhận cho Đế quốc Ottoman đầu hàng, nhưng đối với các tiểu bộ lạc thì sẵn sàng mở rộng cửa đón chào. Đinh An Bình cứ khuyên trên địa đồ những vùng đất nhất định, rồi giao cho các bộ lạc này cai quản, tự trị, giống như các tiểu vương quốc A Lạp Bá vậy. Những bộ lạc bỏ chạy về phía tây đa phần là các bộ lạc lớn, có quan hệ thân mật với triều đình Ottoman. Những bộ lạc đầu hàng, không chỉ lo di cư đến vùng đất được giao, mà còn đua nhau đóng góp kỵ binh tham chiến. Bọn họ xin với Đinh An Bình cho kỵ binh Thổ được gia nhập đội ngũ của kỵ binh Mamluk và A Lạp Bá. Đến khi đại quân đến được Angora thì kỵ binh Thổ theo quân đã đông đến hơn 2 vạn người.
Đến Angora, Đinh An Bình cho đại quân cắm trại lại đấy, tạm thời nghỉ ngơi chỉnh quân. Nơi đây là chiến trường xưa kia giữa quân Thổ của Bayezid I và quân Mông Cổ của Timur. Đinh An Bình rất hy vọng quân Thổ lại chọn nơi đây là địa điểm quyết chiến, bởi sau một lần thảm bại, dẫn đến Đế quốc tan rã, tất sẽ tạo nên ám ảnh trong lòng quân dân Ottoman. Chỉ đáng tiếc là sau mấy ngày mà vẫn không thấy có động tĩnh gì từ phía triều đình Ottoman. Bọn họ chỉ lo cố thủ Bursa mà thôi.
Chương 127 : BURSA ĐẠI HỘI CHIẾN (1)
Lại nói, đại quân Thần Thánh Đế quốc đóng quân tại Angora nghỉ ngơi chỉnh quân. Đinh An Bình hy vọng sẽ có đại chiến tại đây, nhưng phía quân Ottoman lại không có động tĩnh gì, nên đại quân lại tiếp tục tiến quân.
Trong thời gian đại quân nghỉ ngơi, Đinh An Bình đã cho hậu cần quân tổ chức xây dựng ở đây một tòa tiểu thành, để lại 1 vạn dân binh Ai Cập trú đóng. Các thương nhân theo quân cũng tạm thời tập kết tại đây, bởi xa mã của bọn họ đã chở nặng quá rồi. Bọn họ chờ đại quân đánh thông đường đến khu vực eo biển Dardanelles rồi sẽ theo thuyền trở về Sinai. Mỗi thương đoàn chỉ phái một nửa nhân thủ đi theo đại quân, một nửa ở lại giữ gìn hàng hóa. Bọn họ còn mua lại rất nhiều xa mã từ các tiểu bộ lạc trong vùng hoặc từ chiến lợi phẩm của kỵ binh Thổ, Mamluk và A Lạp Bá. Đến lúc này, số kỵ binh Thổ theo quân đã đông hơn cả số kỵ binh Mamluk, đứng đầu trong số ba đạo kỵ binh trợ chiến.
Nghỉ ngơi nửa tháng, đại quân lại tiếp tục bước chinh trình, tiến thẳng đến Bursa, kinh đô của Đế quốc Ottoman. Lúc này, đại quân chỉ còn lại 48 vạn quân Đế quốc, hơn 5 vạn kỵ binh Thổ, Mamluk và A Lạp Bá, cùng với 2 vạn dân binh Ai Cập. Số dân binh Ai Cập còn lại đã được chia ra phòng thủ các thành thị trọng yếu mới chiếm được. Đinh An Bình còn chuẩn bị sử dụng đến 10 vạn dân binh Nubia hiện đang tập trung huấn luyện ở Sinai, và nếu cần thì còn có thể triệu tập dân binh Yemen và Somali.
Bursa, kinh đô của Đế quốc Ottoman, giờ đây vô cùng náo nhiệt và hỗn loạn. Hàng trăm bộ lạc, hàng chục vạn quân dân bị đại quân Thần Thánh Đế quốc dồn đuổi về phía này, dần dần đều tập trung lại quanh thành Bursa. Sultan Mehmed I Çelebi vừa mừng vừa lo. Mừng vì có thêm người để chinh binh, nhưng lo vì vấn đề trị an và lương thực. Hàng chục vạn người tập trung về đây, trong ngoài thành Bursa xuất hiện hàng vạn ngôi lều lớn nhỏ đủ loại, hàng chục vạn nạn dân không có việc gì làm, sẽ khiến cho trị an trong vùng càng thêm rối loạn. Thêm vào đó, đa phần các bộ lạc này trên đường chạy nạn đã để lạc mất phần lớn dê ngựa, hành trang (bị kỵ binh Thổ, Mamluk và A Lạp Bá truy sát, dê ngựa đi chậm quá, hành lý nặng quá nên phải bỏ lại, bỏ của chạy lấy người), thành ra hiện tại lâm vào tình trạng thiếu lương thực. Mấy ngày gần đây, nhiều hộ dân cư ngoài thành bị cướp phá, ngay cả trong thành về đêm cũng không được an toàn, càng làm cho Mehmed I Çelebi và triều đình quan viên thêm đau đầu.
Giữa cảnh rối loạn đó, tin báo về việc đại quân Thần Thánh Đế quốc áp sát Bursa càng khiến tình hình thêm hỗn loạn. Một số gia đình giàu có nhưng không phải quý tộc trong thành đã len lén thu góp tài sản chạy khỏi Bursa. Cảnh thành trì thất thủ, rồi bị cướp phá thiêu hủy ở xứ này vốn không lạ gì. Bọn họ không muốn gặp phải cảnh đó nên sớm chạy khỏi nơi này.
Trong cung điện, Sultan Mehmed I Çelebi trầm tư khổ tưởng tìm cách vượt qua quốc nạn. Xung quanh là đông đảo triều thần, nhưng ai nấy đều cúi đầu lặng im. Mehmed I Çelebi nghĩ mãi mà không tìm ra diệu sách gì, lại nhìn quần thần ai nấy co đầu rút cổ, tức giận quát :
- Các ngươi … các ngươi … bình thường ta ban cho các ngươi cao quan lộc hậu mà giờ đây không ai giúp ta đưa ra được chủ ý gì là sao, là sao hả ?
Một vị triều thần rụt rè nói :
- Bệ hạ. Nếu không muốn lánh đi nơi khác thì chỉ còn cách quyết chiến mà thôi, không còn đường nào khác đâu ạ !
Một vị triều thần khác nói thêm :
- Xin bệ hạ cho chinh thêm binh ạ ? Chúng thần thề cùng địch quân tử chiến đến cùng !
Nhiều người khác đưa mắt nhìn nhau, rồi cùng nói :
- Xin thề cùng địch quân tử chiến đến cùng !
Không ai biết bản ý bọn họ như thế nào, nhưng trước tình hình thế này, bọn họ không thể không lên tiếng thề quyết tử chiến, nếu không khó thể bình an bước ra khỏi nơi này. Mehmed I Çelebi đưa mắt nhìn khắp chúng quần thần hồi lâu rồi mới nghiêm giọng nói :
- Truyền lệnh phong tỏa toàn thành, ai dám bỏ trốn lập tức xử tử.
Nói xong lại đưa mắt nhìn một lượt chúng triều thần, ánh mắt tràn ngập sát khí khiến ai nấy cũng đều rùng mình. Sau đó, Mehmed I Çelebi lại truyền lệnh :
- Chinh triệu tất cả những người đàn ông khỏe mạnh trong thành gia nhập quân đội chống giặc.
Một vị triều thần vội nói :
- Bệ hạ. Nếu như thế e rằng chúng ta không có đủ lương thực cung cấp cho quân đội.
Mehmed I Çelebi cau mày hỏi :
- Lương thực còn được bao nhiêu ?
Vị triều thần kia cung kính nói :
- Bẩm bệ hạ. Lương thực trong thành chỉ đủ cung cấp cho 1 triệu người sử dụng trong 1 tháng nữa.
Mehmed I Çelebi cả kinh hỏi :
- Sao ít thế ?
Vị triều thần kia nói :
- Bẩm bệ hạ. Kinh đô bị công kích mấy tháng nay, nạn dân kéo đến càng lúc càng nhiều, việc canh tác sinh sản lại đình trệ, nên lương thực càng lúc càng thiếu thốn ạ ! Đặc biệt là nạn dân của các bộ lạc từ phía đông mới kéo đến gần đây, lương thực vật tư đa số bị lạc mất trên đường chạy loạn, lâm vào cảnh thiếu ăn, nếu không được triều đình tiếp tế sẽ lâm vào cảnh thiếu đói, rất dễ phát sinh họa loạn.
Mehmed I Çelebi cau mày ngẫm nghĩ hồi lâu, cười khổ nói :
- Nếu không có bọn họ thì đỡ biết chừng nào nhỉ ?
Vị đại thần kia vội nói :
- Nhưng triều đình cũng không thể đuổi bọn họ đi nơi khác ạ ! Nếu không, địch quân còn chưa đánh đến nơi mà kinh thành đã đại loạn trước rồi.
Một vị đại thần khác đột nhiên hiến kế :
- Bệ hạ. Hay là chúng ta chinh triệu bọn họ vào quân đội, sau đó lập tức đưa ra chiến trường. Triều đình chỉ mất ít ngày lương thực. Bọn họ mà giết được kẻ địch nào thì đối triều đình càng có lợi.
Mehmed I Çelebi sáng mắt lên, khen :
- Chủ ý của ngươi rất hay. Cứ thế mà làm. Việc này ta giao cho ngươi xử lý.
Vị đại thần kia cung kính vâng dạ, Mehmed I Çelebi lại nói :
- Mau thi hành đi !
Vị đại thần kia vội cáo lui, đi thực hiện ngay việc đó. Với sự nỗ lực của ông ta, chỉ hai ngày sau, quân Ottoman đã chinh triệu được thêm 750.000 dân binh, cộng với quân triều đình đạt đến hơn 1 triệu. Điều đó có nghĩa là toàn bộ trai tráng trong ngoài thành Bursa, kể cả những nơi lân cận cũng bị chinh triệu hết. Mehmed I Çelebi biết trận chiến này quan hệ đến sự sinh tử tồn vong của Đế quốc Ottoman, cũng như của bản thân ông ta, nên hoàn toàn đồng ý việc đó. Nếu như thất trận, cũng giống như phụ vương, mạng sống có thể không còn, thì còn lo gì đến chuyện tương lai. Muốn gì thì cũng phải vượt qua cơn quốc nạn này mới được.
Sau ba ngày khẩn cấp huấn luyện, Mehmed I Çelebi cho chỉnh đốn đội ngũ, rồi dẫn quân xuất thành chặn đánh địch quân. Với đạo quân đông đến hơn 1 triệu người, nếu thời gian kéo dài, thành Bursa không thể cung cấp đủ lương thực để nuôi quân, vì thế mà Mehmed I Çelebi bất đắc dĩ phải sớm tìm cơ hội quyết chiến.
Trên một khu bình nguyên cách thành Bursa hơn trăm dặm, quân đội song phương đụng độ với nhau. Do trời đã xế bóng, song phương quyết định cắm trại lại nơi này, nghỉ ngơi một đêm, đến sáng mai sẽ quyết chiến. Lúc này, trên bình nguyên này tập trung đến gần 1 triệu 700.000 quân đội song phương, doanh trướng chật đồng, người đi chật đất, đến khi nấu cơm chiều thì khói bốc mù trời giống như đang có một trận đại hỏa hoạn vậy.
Đại doanh quân đội Ottoman. Vương trướng.
Mehmed I Çelebi triệu tập các đại thần vào vương trướng cùng ăn tối và nghị bàn việc giao chiến vào ngày mai. Mehmed I Çelebi nói với vẻ lo lắng :
- Tuy quân ta đông hơn, nhưng địch quân đều là tinh nhuệ, vũ khí tinh lương, đại pháo lợi hại. Xem ra trận chiến ngày mai chúng ta không có mấy ưu thế rồi. Nghe nói trước đây bọn họ chỉ có 200.000 quân mà đã tiêu diệt cả Đế quốc La Mã Thần Thánh, càn quét cả tây phương, diệt quốc vô số, thành lập nên Đế quốc Latium rộng lớn như bây giờ.
Một viên cận thần là Miran Lazarevic nói :
- Bệ hạ. Nếu như giao chiến không có ưu thế thì chúng ta có thể dùng mưu.
Mehmed I Çelebi hỏi :
- Ngươi có mưu kế gì ? Hãy mau nói ra !
Miran Lazarevic nói :
- Bệ hạ. Chúng ta hãy cho cung thủ mai phục trên các ngọn đồi phía sau nơi đây, trên đó chuẩn bị thật nhiều đá tảng nữa. Khi giao chiến, bệ hạ có thể cho quân tạm lui về phía đó. Nếu địch quân đuổi theo, quân mai phục đổ ra đánh, quân ta cũng từ phía sau đánh tràn đến, có thể đánh bại được địch nhân.
Mehmed I Çelebi ngẫm nghĩ giây lát, rồi gật đầu nói :
- Kế ấy hay lắm ! Có thể thi hành.
Mọi người đều thấy mưu kế đó rất hay. Thế là quần thần cũng đồng thanh tán dương Sultan anh minh thần vũ, Lazarevic đại nhân trí kế phi phàm, địch nhân tất sẽ bị đánh bại, quân ta tất sẽ đại thắng, …
Chương 128 : BURSA ĐẠI HỘI CHIẾN (2)
Lại nói, khi Miran Lazarevic hiến kế được Sultan Mehmed I Çelebi chấp thuận, mọi người đều tán dương Sultan anh minh thần vũ, Lazarevic đại nhân trí kế phi phàm, địch quân tất bại, quân ta tất thắng, … Mehmed I Çelebi nghe chúng quần thần tán tụng như thế, rất lấy làm hài lòng, vẻ lo lắng về quốc nạn không còn nữa, giống như địch quân đã bị đánh bại rồi vậy. Không chỉ riêng Mehmed I Çelebi mà cả quần thần đều lấy lại được lòng tin khi đối diện với địch quân. Đó là một điều may mắn lớn cho phía quân đội Ottoman. Chứ nếu chưa giao chiến mà tướng lĩnh đã sợ thua thì còn giao chiến gì nữa. Không chỉ có thế, Miran Lazarevic lại còn nói thêm :
- Nếu như quân ta may mắn đại thắng, đuổi chạy được địch quân thì chúng ta có thể nhân cơ hội đó chiếm lĩnh trận địa đại pháo của địch quân. Nghe nói địch quân có đến cả vạn khẩu thần công đại pháo. Nếu như quân ta mà chiếm được số đại pháo đó thì không còn sợ gì địch quân nữa.
Bọn họ đều biết thần công đại pháo rất nặng nề, nếu phải bỏ chạy thì khó mà kéo theo kịp. Mehmed I Çelebi cả mừng nói :
- Đúng thế ! Đúng thế ! Chỉ cần chiếm được số thần công đại pháo đó, dù cho có thiệt hại vài trăm nghìn quân cũng không tiếc. Địch quân mà thiếu đi đại pháo thì cũng giống như sư tử mà mất đi nanh vuốt, không còn gì đáng sợ nữa.
Thật sự thì Mehmed I Çelebi cũng không sợ gì việc tổn thất vài trăm nghìn binh sĩ. Trong hơn 1 triệu quân Ottoman ở đây thì có đến gần 75% là dân binh được chọn ra chiến trường làm bác hôi kia mà. Nếu không, duy trì một đạo quân đông đảo như thế, nhất thời triều đình Ottoman cũng không có đủ lương thực để cung cấp cho quân đội. Mehmed I Çelebi lại bảo Miran Lazarevic :
- Việc này ta giao cho ngươi toàn quyền an bài.
Miran Lazarevic cung kính nói :
- Vâng ạ. Thần sẽ an bài đâu vào đó cả. Bệ hạ cứ an tâm.
Mehmed I Çelebi lại quay sang quần thần nghiêm giọng nói :
- Ngày mai các ngươi phải đốc thúc quân binh hết sức chiến đấu. Khi có hiệu lệnh tiến quân, ai mà dám không tiến, lập tức xử trảm.
Chúng quần thần đều cung kính vâng dạ. Mọi người chia nhau đi chuẩn bị cho cuộc chiến ngày mai. Trong lòng cả bọn lúc này tràn trề hy vọng vào một trận đại thắng, mà không biết rằng ‘hành sự tại nhân, thành sự tại thiên’.
Cũng cùng lúc đó, trong soái doanh của quân đội Thần Thánh Đế quốc, Đinh An Bình triệu tập chúng tướng bàn bạc việc quân. Đinh An Bình nói :
- Quân giặc đông hơn trăm vạn, chiến đấu chắc chắn sẽ rất khích liệt. Để tránh tổn thất nặng nề, mọi người ai có chủ ý gì hay không ?
Tham mưu trưởng Trương Kỳ nói :
- Đại vương. Tối nay chúng ta có thể cướp doanh địch quân !
Đinh An Bình thoáng cau mày :
- Cướp doanh ? Có ổn không ?
Quân đội Thần Thánh Đế quốc luôn đề phòng bị cướp doanh, nên khi dựng doanh trại ở đâu đều có nhiều bố trí để phòng chống. Khó biết địch quân cũng có làm thế hay không. Trương Kỳ nói :
- Chúng ta có thể phân làm hai giai đoạn. Phái một đạo quân đi trước cướp doanh. Nếu như địch quân không có đề phòng thì thiêu hủy địch doanh luôn. Ngoài ra bố trí thêm một đạo quân mai phục ở phía sau, nếu như địch quân có đề phòng thì sẽ tấn công vào mặt sau địch quân. Bằng không thì sẽ làm đạo dự bị.
Một viên tham mưu lại hiến kế :
- Chúng ta có thể kết hợp với cả thần công đại pháo. Quân ta chỉ bao vây ở vòng ngoài, rồi pháo kích vào đại đội nhân mã của địch quân ở phía trong.
Đinh An Bình gật đầu bảo :
- Ban tham mưu lên kế hoạch đi. Rồi chư tướng sẽ theo đó thi hành.
…
Mây rất dày. Đêm nay trời âm u. Trên bầu trời chỉ có vài ngôi sao. Tinh quang chiếu xuống mặt đất mờ mờ ảo ảo. Nhiều chỗ giơ bàn tay ra không nhìn rõ năm ngón.
Đinh An Bình phái 9 vạn quân đi cướp doanh. Ngoài ra còn có 42 vạn quân mai phục ở hai bên trái phải địch doanh, chờ lệnh hành sự. Chỉ còn lại hơn 10 vạn quân ở lại bảo hộ bản doanh.
Thần Uy Tướng quân Hoàng Thắng dẫn đầu đội tiền quân lặng lẽ tiến sát đến bên ngoài địch doanh, chiến mã đều bị cột miệng lại, sĩ binh thì ngậm một thanh gỗ nhỏ trong miệng để khỏi gây ra tiếng động. Cũng may là địch quân không có bố trí cạm bẫy bên ngoài doanh trại, nên đội quân của Hoàng Thắng dễ dàng tiến sát đến bờ rào ngoài cùng. Nghĩ đến sự an bài của Đại vương, Hoàng Thắng trong lòng đại định, ngoài đạo quân của mình, vẫn còn có 6 vạn quân ở phía sau, bên ngoài lại còn có thêm 42 vạn quân và gần 1 vạn khẩu thần công tiếp ứng. Có mấy tầng bố trí như thế, lần này cướp doanh dù cho thất bại, chỉ cần xung thoát ra ngoài là vẫn an toàn.
Hoàng Thắng nhìn vào bờ rào phía trước mặt một lúc, rồi hỏi viên tùy tướng :
- Thám tử quay lại chưa ?
Viên tùy tướng lắc đầu đáp :
- Chưa ạ !
Nói đến đây, gã chợt chỉ về phía trước, hô khẽ :
- Tướng quân. Về rồi kìa !
Hoàng Thắng nhìn thấy hai gã thám tử đang rón rén quay lại, liền vội hỏi :
- Tình hình bên trong thế nào ?
Một gã thám tử nhanh nhảu nói :
- Hồi Tướng quân. Trừ một số ít canh phòng bên ngoài các địa điểm quan trọng, toàn bộ địch quân đều lăn ra ngủ trong các doanh trướng, căn bản chẳng có tuần canh gì hết. Thậm chí thuộc hạ thay đổi y phục, lẻn vào bên trong đi khắp một vòng mà chẳng ai chú ý đến thuộc hạ. Kẻ nào kẻ nấy đều ngủ như trâu, tiếng ngáy truyền ra đến tận ngoài này cũng còn nghe thấy thấp thoáng.
Hoàng Thắng ngạc nhiên nói :
- A ! Địch quân lại như thế ư ?
Gã thám tử nói chắc như đinh đóng cột :
- Thuộc hạ xin dùng tính mệnh đảm bảo. Những điều đó là do thuộc hạ tận mắt nhìn thấy. Hơn nữa, bọn thuộc hạ dạo quanh trong đó hết một vòng, toàn bộ địch doanh đều như thế cả, tuyệt đối không hề giả dối.
Hoàng Thắng ngạc nhiên không thôi. Bọn họ không biết rằng người phương tây, trong đó có cả người Thổ vốn quen dàn trận giao chiến, thổi kèn xung phong, mặt đối mặt chiến đấu, không có sử dụng nhiều âm mưu quỷ kế như người phương đông. Các trận chiến ở Âu châu đều như thế cả. Việc Miran Lazarevic nghĩ ra mưu kế mai phục trên ngọn đồi phía sau đã là thần mưu diệu kế trên đời hiếm có rồi. Nếu không phải gặp nguy cơ, có khi Mehmed I Çelebi cũng không chấp nhận sử dụng âm mưu, bởi theo văn hóa của bọn họ thì hành động như thế là không anh hùng, cũng giống như người phương tây tuân thủ tinh thần Hiệp sĩ vậy.
Thấy Hoàng Thắng mãi suy nghĩ, viên tùy tướng khẽ nhắc nhở :
- Tướng quân. Chúng ta tấn công thôi.
Hoàng Thắng giật mình, gật đầu bảo :
- Truyền lệnh tấn công.
Thế là đạo tiền quân 3 vạn người phá rào tràn vào bên trong, gặp người thì sát, gặp doanh trướng thì thiêu. Quân Ottoman vốn không đề phòng, nên khắp đại doanh hỗn loạn vô cùng. Hỏa quang xung thiên, liệt diệm bừng bừng. Quân Ottoman đang ngủ say sưa, tỉnh dậy trong lúc đại hỏa thiêu đến nơi, hoang mang hoảng loạn chạy ngược chạy xuôi. Thật thà một chút thì lo cứu hỏa. Lanh lợi một chút thì cảm giác thấy tình hình không hay, vội lo tìm đường thoát thân.
Thấy tình hình thuận lợi như thế, Hoàng Thắng liền vội đốt pháo hiệu tung lên trời. Các đạo quân bên ngoài lập tức reo hò xông đến, phá rào tràn vào địch doanh vừa thiêu vừa sát.
Giữa cảnh hỗn loạn đó, hỏa thế càng lúc càng lớn. Nguyên bản quân Ottoman xây dựng doanh trướng toàn bằng vải và gỗ, cũng không chuẩn bị đề phòng hỏa hoạn, bên trong cỏ dại khắp nơi, lúc này lại đang mùa hạ, khí trời oi bức, thành ra có muốn cứu hỏa cũng không xuể, mới dập tắt chỗ này thì càng có nhiều chỗ khác bùng lên. Thêm vào đó, quân Thần Thánh Đế quốc mang hỏa dược rải vào rồi mới phóng hỏa, nên hỏa thế càng dữ dội. Chẳng mấy chốc là toàn doanh trại đã chìm trong biển lửa. Phong trợ hỏa thế, hỏa tá phong oai. Hỏa thế hung hãn vô cùng, thiêu sạch mọi thứ mà nó tràn qua. Số quân Ottoman đang lo cứu hỏa cũng đành từ bỏ hành động vô ích của mình, bắt đầu tìm đường thoát thân.
Mehmed I Çelebi đang ngủ say trong vương trướng thì đột ngột bị thị vệ đánh thức, bẩm báo hung tin. Ban đầu ông ta còn cố gắng chỉ huy quân binh xung quanh cứu hỏa, đồng thời truyền lệnh quần thần chỉ huy quân binh chống cự, nhưng rồi xem ra hành động đó chẳng có mấy hiệu quả. Dù cho đốc chiến đội tuân lệnh giết chết một số kẻ bỏ chạy thì số quân Ottoman bỏ chạy lại càng nhiều hơn, xung tản cả đốc chiến đội. Hầu như cả doanh trại đều tháo chạy ra ngoài. Thật ra thì đầu tiên chỉ có dân binh bỏ chạy, số quân đội Hoàng gia vẫn tìm cách kháng địch, nhưng dân binh chiếm đến 75% toàn quân, nên khắp nơi đều thấy người bỏ chạy. Trước tình thế đó, cả doanh trại đều dần dần bỏ chạy theo cả. Chẳng ai muốn ở lại trong doanh trại để bị thiêu chết trong ngọn lửa hung hãn kia. Đến khi ngọn lửa tràn ngập cả doanh trại thì Mehmed I Çelebi cũng bị đám thị vệ trung thành đưa lên ngựa tìm đường thoát thân.
Chương 129 : HAI ĐẾ QUỐC CÙNG DIỆT VONG
Doanh trại bị thiêu hủy là một thảm họa đối với quân đội Ottoman. Quân binh nếu như không bị thiêu chết hay bị giết chết giữa trận thì cũng đều cuống cuồng tháo chạy về phía Bursa, không ai còn tập hợp hay chỉ huy được nữa.
Ngay cả Mehmed I Çelebi cũng được đám thị vệ trung thành đưa lên ngựa tìm đường thoát thân. Cả bọn chạy một mạch đến sáng, vừa mệt vừa khát. Vừa chạy từ trong ngọn lửa ra, lại cuống cuồng chạy thoát thân, ai nấy đều mất nước, cảm thấy vô cùng khát. Mehmed I Çelebi nhìn quanh, thấy chỉ còn lại hơn trăm thị vệ, áo mũ xốc xếch, mặt mũi hốc hác, thần thái hoang mang lo lắng, nhìn ra xa chưa thấy truy binh, khẽ thở dài một tiếng, nói :
- Tạm dừng lại giây lát, kiếm nguồn nước lấy chút nước uống rồi sẽ cùng ta về Rumelia.
Trong lúc khẩn trương chạy loạn, bọn họ không kịp lấy theo túi nước, hoặc có thì cũng không còn nước để uống. Một gã thị vệ nói :
- Bệ hạ. Gần đây có một dòng suối nhỏ.
Mehmed I Çelebi gật đầu nói :
- Được rồi. Chúng ta mau đi đến đó. Ngươi hãy dẫn đường.
Gã thị vệ vâng dạ, giục ngựa chạy trước dẫn đường. Cả bọn cũng vội giục ngựa chạy nhanh theo phía sau, cùng đi về phía dòng suối. Khi đến nơi, ai nấy vội vã chạy đi lấy đầy túi nước, đồng thời cho ngựa uống nước, tranh thủ thời gian để rồi tiếp tục chạy trốn. Thừa lúc này, gã thị vệ trưởng hỏi :
- Bệ hạ. Sao chúng ta không về Bursa mà lại sang Rumelia ạ ?
Mehmed I Çelebi thở dài hỏi :
- Nếu chúng ta về Bursa, ngươi nghĩ chúng ta có thể ngăn được bước tiến của địch quân chăng ?
Nghĩ đến thực lực hung hãn của địch quân, gã thị vệ trưởng buồn bã lắc đầu, nói :
- Khó a !
Mehmed I Çelebi cũng thở dài. Với thực lực của quân đội Ottoman lúc này, không chỉ khó, mà có thể nói là vô vọng. Xong đâu đấy, cả bọn lại lên yên, phóng ngựa tiếp tục bước bôn trình.
Chạy được một lúc nữa, cả bọn chợt nghe phía sau có tiếng vó ngựa đuổi theo. Ai nấy lo sợ truy binh, nhưng khi nghe kỹ thì chỉ nghe thấy có tiếng vó ngựa của một con ngựa. Mehmed I Çelebi nói :
- Có lẽ là quân ta !
Những người khác cũng nghĩ vậy, đều thở phào nhẹ nhõm. Thế nhưng, trái với suy nghĩ của bọn họ, kẻ đuổi theo không phải là quân Ottoman mà là quân Thần Thánh Đế quốc. Bọn Mehmed I Çelebi đều cảm thấy ngạc nhiên, không hiểu sao đối phương chạy một mình đến đây làm gì. Gã thị vệ trưởng nói :
- Bệ hạ. Hay là phái 3 người quay lại sát gã để tuyệt hậu hoạn.
Mehmed I Çelebi gật đầu đồng ý. Gã thị vệ trưởng vừa định phái ba gã thị vệ cạnh đó đi hành sự thì đột nhiên biến cố phát sinh. Đối phương khi chạy gần đến nơi, vừa nhìn thấy đoàn nhân mã của Mehmed I Çelebi chạy phía trước, trông y phục, trông đám thị vệ thì dễ dàng xác định người cầm đầu là Sultan của Đế quốc Ottoman. Gã ta vốn là trinh sát binh, không cần phải chiến đấu, chỉ cần tìm ra Mehmed I Çelebi là đã lập được đại công. Do vậy, gã không giục ngựa phóng nhanh hơn mà lại ghìm cương cho ngựa chạy chậm lại, rồi lấy từ trong túi ra một viên hỏa pháo, ném mạnh lên trời. Viên hỏa pháo nổ bùng trên không trung, tỏa ra vạn ánh hỏa quang. Mehmed I Çelebi thấy thế cả kinh, vội nói :
- Nguy rồi ! Chạy mau !
Cả bọn vội vàng ra roi giục ngựa chạy nhanh hơn nữa. Nhưng chỉ được một lúc, bọn họ đã nghe thấy có nhiều tiếng vó ngựa từ trước mặt chạy lại, từ hai bên chạy đến, và cả từ phía sau đuổi đến. Ánh hỏa pháo đã báo động cho kỵ binh của Thần Thánh Đế quốc đang truy lùng quanh đó tụ tập lại, bao vây bọn Mehmed I Çelebi. Trước khi cuộc tập kích diễn ra, Đinh An Bình đã phái một nửa số kỵ binh trong quân gồm hơn 2 vạn người chia nhau đi chặn các đường tháo chạy của địch quân. Do vậy mà bọn họ mới có thể xuất hiện phía trước bọn Mehmed I Çelebi. Bị vây kín bốn mặt, Mehmed I Çelebi chỉ còn cách kháng cự trong tuyệt vọng, và rồi cuối cùng chết vì loạn tiễn. Ông ta thà chết kháng cự đến cùng, chứ quyết không chịu để bị bắt rồi chết trong nhà ngục như vua cha. Chiến đấu với quân đội các nước Âu châu, lỡ bị bắt còn có cơ hội chuộc thân, chứ với quân đội phương đông thì không có chuyện đó. Kỵ binh Thần Thánh Đế quốc thấy không thể bắt sống, nên trút làn mưa tên lên đầu đối phương, tiêu diệt tất cả.
Thành Bursa cũng nhanh chóng thất thủ đúng như dự đoán của Mehmed I Çelebi. Sau khi thất trận, tàn quân Ottoman chạy về đó, và Đinh An Bình nhanh chóng phái quân đuổi theo, dẫn đầu là hơn 5 vạn kỵ binh Thổ, Mamluk và A Lạp Bá. Số kỵ binh này tuy không thiện chiến, nhưng truy đuổi tàn binh thì rất giỏi, bởi có cơ hội tranh đoạt chiến lợi phẩm kia mà. Các đội kỵ binh này chia thành nhiều nhóm nhỏ (theo đơn vị bộ lạc, tiểu quốc) đuổi sát phía sau tàn quân Ottoman, tiến thẳng vào thành Bursa. Và thành Bursa phải hứng chịu một kiếp nạn lớn, bị tàn binh Ottoman và kỵ binh Thổ, Mamluk, A Lạp Bá luân phiên đốt phá, cướp đoạt.
Mãi gần nửa ngày, khi đại quân Thần Thánh Đế quốc tiến vào Bursa thì cuộc cướp phá mới chấm dứt. Đinh An Bình nhanh chóng phái quan viên tổ chức an dân, bình định hỗn loạn và thiết lập hệ thống cai trị. Các đạo quân cũng được phân ra đi chinh thảo những vùng chưa thần phục. Đế quốc Ottoman kể như chấm dứt.
Nghỉ ngơi nửa tháng, Đinh An Bình lại tập trung 10 đạo quân, 30 vạn người, cùng 2 vạn dân binh Ai Cập xuống chiếm hạm vượt qua eo biển Dardanelles, tiến sang đất Rumelia (tức phần đất Thổ Nhĩ Kỳ thuộc châu Âu ngày nay). Long nhi đang ở cùng Hạm đội cũng theo quân xuất chinh. Do Đế quốc Ottoman đã sụp đổ, vùng Rumelia lại chịu ảnh hưởng nhiều của người La Mã, nên khi có Long nhi xuất diện thì việc thu phục đất này dễ dàng hơn bên phía bán đảo Tiểu Á rất nhiều. Giờ ở đây chỉ còn lại thành Constantinople nằm trơ trọi một mình giữa vòng vây. Dưới sự cổ động của Đức Thượng phụ giáo chủ Theophilus II của Jerusalem, Đinh An Bình bàn bạc với Long nhi, quyết định chinh phục thành Constantinople.
Đinh An Bình để lại dân binh Ai Cập phòng thủ các xứ đất Rumelia, rồi dẫn đại quân kéo đến vây thành Constantinole. Trên bờ có 30 vạn đại quân, 6.000 khẩu thần công đại pháo. Dưới biển có các chiến hạm của Hắc Long Hạm đội, thần công đại pháo uy lực càng lớn hơn đại pháo của lục quân. Lần đầu tiên quân dân Constantinople nhìn thấy quân đội hùng mạnh đến thế, quân tâm hoán tản rất nhiều. Đáng chú ý là thành Constantinople đã bị quân Thổ bao vây kể từ năm 1371 cho đến tận lúc này, trải qua gần 50 năm chiến loạn và bị cô lập, toàn bộ quân dân trong thành chỉ có khoảng 5 vạn người, ít hơn quân vây thành rất nhiều. Đặc biệt là khi tuyến thương mại đường biển Gia Định – Sinai được mở ra, thay thế cho tuyến Con đường tơ lụa đi qua sa mạc, thì địa vị của thành Constantinole (vốn nằm ở đầu phía tây của Con đường tơ lụa) không còn quan trọng như xưa nữa, do đó mà triều đình Constantinople cũng không giàu có dư dả gì. Quân đội trong thành lúc này chỉ có khoảng 7.000 người, trong đó có 2.000 người là lính đánh thuê nước ngoài. Thật ra so với dân số trong thành thì tỷ lệ này đã rất cao, khoảng 1 : 7. Nhưng khi so với quân đội Thần Thánh Đế quốc bên ngoài thành thì quá nhỏ đến mức không đáng kể (chỉ tương đương 2%).
Hoàng đế Manuel II Palaiologos của Constantinople (lên ngôi từ năm 1391, xưng hiệu là Hoàng đế La Mã, lịch sử gọi là Hoàng đế Byzantine, nhưng thật ra Đế quốc Byzantine lúc này chỉ còn lại thành Constantinople) thấy đối phương quân dung hùng hậu, quân số đông đảo, nhắm bề chống cự không nổi, nên sai sứ sang xin cầu hòa. Nhưng Đinh An Bình đã lấy cớ Constantinople không có trong danh sách tiến cống của Thần Thánh Đế quốc, nên triều đình này không được công nhận, rồi từ chối nghị hòa. Đại quân đã chuẩn bị sẵn sàng, lẽ nào bỏ lỡ nửa chừng, phí công phí sức một cách vô ích hay sao.
Thành Constantinople tuy thành cao hào sâu, từng đứng vững trước sự bao vây của quân đội Ottoman trong suốt gần 50 năm, nhưng đó chỉ là đối với quân đội Ottoman trang bị lạc hậu, còn đối diện thần công đại pháo của quân đội Thần Thánh Đế quốc thì thành cao hào sâu cũng chỉ làm mất thêm chút công sức mà thôi. Đinh An Bình tập trung 6.000 khẩu thần công đại pháo của 10 đạo quân trước cổng thành phía tây, rồi cho đại pháo cùng hướng về cổng thành, tập trung khai hỏa. Cùng lúc đó, các chiến hạm cũng nã pháo vào trong thành từ ngoài biển (thành Constantinople nằm trên bán đảo, trừ mặt tây thì ba mặt còn lại đều giáp biển). Nhất thời, khắp bốn phía thành Constantinople khói bốc mịt trời, pháo thanh chấn động, hỏa quang xung thiên.
Đinh An Bình cho pháo kích suốt từ sáng đến trưa, bắn gần 10 vạn viên đạn pháo vào cổng thành và phía trong thành. Dưới sự pháo kích khủng khiếp như vậy, thành trì chỉ được xây bằng gạch đá, làm sao chịu đựng cho nỗi. Cổng thành đã sớm bị phá hủy rồi.
Đến trưa, Đinh An Bình cho dừng pháo kích, rồi nổi trống trận, truyền đại quân nhập thành. Đại quân 30 vạn người, đông gấp 6 lần toàn thể quân dân trong thành, nhanh chóng tràn ngập toàn thành. Thành Constantinople thất thủ. Hoàng đế Manuel II Palaiologos cho thiêu Cung điện tự sát. Đế quốc Byzantine diệt vong. Sự kiện này diễn ra sớm hơn lịch sử 32 năm (cũng giống như sự kiện quân Mông Cổ vây thành Bắc Kinh sớm hơn 34 năm vậy).
Chương 130 : ĐẠI KẾT CỤC
Tin tức về hai Đế quốc Ottoman và Đông La Mã (cách gọi của các nước Tây Âu đối với Đế quốc Byzantine) lần lượt diệt vong chỉ cách nhau vài tháng nhanh chóng truyền sang Âu châu, khiến chúng vương công quý tộc chấn kinh, còn dân chúng thì xôn xao bàn tán. Đối với bình dân bách tính thì đó cũng chỉ là chuyện trà dư tửu hậu, còn đối với nhiều vị vương công quý tộc thì điều đó đồng nghĩa với một nguy cơ to lớn. Tiếp sau đó, những nước từng phái sứ tiết đến Gia Định triều cống thì hoan hỉ vui mừng, còn những nước không triều cống lại lo lắng bất an, cố gắng tìm cách bổ khuyết, vừa khẩn trương thành lập sứ đoàn gửi đến Gia Định, vừa sai sứ giả liên hệ với những người quen biết thuộc nhóm được Thần Thánh Đế quốc công nhận nhờ cầu xin giúp. Đến lúc này, bọn họ đều đã nhận ra rằng không một vị quân vương nào, không một dân tộc nào có thể hứng chịu được cơn thịnh nộ của Đức Thánh hoàng ở Trường Thanh Cung.
Ở Tiểu Á, Đinh An Bình được lệnh tạm trú quân ở đó, ổn định khu vực. Ngoài ra, để có thể triệt để thống trị cương thổ rộng mênh mông, Giang Phong lại ban chiếu tăng quân. Lần này là tăng quân đến hơn trăm vạn. Đế quốc hùng mạnh, lương thực tài nguyên sung túc, có thể cung ứng cho một đội quân đông đảo. Dùng 200 vạn quân để khống chế 90% diện tích địa cầu, quả thật không nhiều. Chỉ có điều, khác với những lần trước, mục tiêu chinh binh lần này đại bộ phận là các chiến binh dũng mãnh của những bộ lạc ở Phi châu và Mỹ châu. Những chiến binh bộ lạc này cực kỳ dũng mãnh thiện chiến, chỉ có vấn đề là quá lạc hậu. Nhưng ở thời buổi lãnh binh khí này, bọn họ chỉ cần gia nhập quân đội Thần Thánh Đế quốc, được trang bị vũ khí tinh lương, được huấn luyện quân sự, được cung cấp lương hướng đầy đủ thì sẽ nhanh chóng trở thành những chiến binh tinh nhuệ ngay.
Trong số hơn trăm vạn tân binh đó, có 3 vạn kỵ binh Arab, 5 vạn kỵ binh Thổ, 2 vạn kỵ binh Somali, 5 vạn kỵ binh Mông Cổ, 10 vạn quân Nubia (dân tộc sống ở khu vực bắc Sudan, nam Ai Cập ngày nay), 10 vạn quân Berber (dân tộc sống ở khu vực nam Địa Trung Hải, từ Marocco đến Lybia), 30 vạn quân Kaffir (Kaffir trong tiếng Arab nghĩa là ‘không tin tôn giáo’, chỉ các dân tộc nam Phi châu theo tín ngưỡng địa phương, không theo các tôn giáo lớn như Hồi giáo, Cơ Đốc giáo, Bà La Môn giáo hay Phật giáo), 25 vạn quân da đỏ Mỹ châu, 10 vạn sơn địa quân Miến Điện, 2 vạn sơn địa quân Tamil (ở nam Thiên Trúc), 30 vạn quân Hán. Tổng quân số tăng thêm đến 132 vạn. Cộng với quân số của 28 đạo quân hiện hữu thì tổng số quân chính quy của triều đình đạt đến 216 vạn quân, được chia thành 72 đạo quân. Đương nhiên, khi thành quân thì các thành phần dân tộc được trộn lẫn vào nhau, không để bất kỳ một dân tộc nào chiếm ưu thế trong một đơn vị quân đội (kiểm soát đến cả cấp đội). Đồng thời, mỗi đơn vị quân đội đều có tân binh và lão binh phối hợp với nhau, để khỏi làm giảm sức chiến đấu của quân đội.
Đại quân sau khi chinh triệu xong, chia làm hai lộ, tập hợp ở nam Thiên Trúc và bán đảo Tiểu Á, giao cho Triệu Phong và Đinh An Bình huấn luyện. Nhiệm vụ sắp tới của hai người bọn họ là chinh phạt Hãn quốc Chagotai ở khu vực Ba Tư, bắc Thiên Trúc và Hãn quốc Kim Trướng ở phía bắc Hắc Hải và biển Caspian. Đây là hai trong số bốn Hãn quốc lớn của người Mông Cổ, nhưng đã tự lập ngay từ sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, đương nhiên cũng chẳng thần phục nhà Nguyên, hay nay là Bắc Nguyên.
Hãn quốc Chagotai, âm Hán Việt là Sát Hợp Đài, cũng chính là Đế quốc của Timur, đã từng đánh bại quân Ottoman ở Angora năm 1402, nhưng sau khi Timur qua đời năm 1405, Hãn quốc lâm vào nội chiến, các vị vương công tranh ngôi, các vị Tổng đốc địa phương tự lập, dẫn đến Hãn quốc bị phân chia thành nhiều tiểu quốc nhỏ, thế yếu lực suy. Chỉ có Hãn quốc Kim trướng lúc này còn tương đối cường thịnh (so với các vương quốc, Hãn quốc lân bang). Hiện giờ chỉ còn lại hai khu vực này vẫn chưa nằm trong sự chi phối của Thần Thánh Đế quốc, do đó mới cần xuất quân chinh thảo.
Thật ra thì Thần Thánh Đế quốc hoàn toàn đủ năng lực để thống trị toàn bộ các vùng lĩnh thổ, nhưng Giang Phong vẫn để lại mỗi khu vực một số thế lực ‘phản nghịch’, như Đại Minh ở Trung Nguyên, Lý thị vương triều ở trung bộ bán đảo Cao Ly, các công quốc lớn nhỏ trong Đế quốc Đức, … cũng như rất nhiều tiểu quốc chư hầu khác, chính là muốn để lại chỗ cho thần dân so sánh, cho chúng vương công đại thần có chỗ lập uy, và những người hiếu chiến có chỗ mà phát tiết. Những thế lực ‘phản nghịch’ thường xuyên gặp cảnh chiến loạn, khó phát triển được. Những tiểu quốc chư hầu thực ra chính là những đại địa chủ, lĩnh dân ở đó không thể nào sinh sống tự do như ở các quận huyện của Đế quốc được. Mọi thần dân sau khi so sánh, vô hình chung sẽ có cảm giác ưu việt.
Đến Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.511 (Kỷ Hợi, 1419), mùa xuân, tháng 2, lưỡng lộ đại quân dưới sự thống suất của Chiêu Vũ Vương Triệu Phong và Chiêu Đức Vương Đinh An Bình đồng thời xuất quân chinh phạt Hãn quốc Chagotai và Hãn quốc Kim Trướng. Đại quân tiến đến đâu, địch quân tan vỡ đến đó. Bọn Đinh An Bình không cho quân thừa thắng truy kích, mà tuần tự tiệm tiến, chiếm được vùng nào thì dốc sức bình định, thiết lập quận huyện, phái quan viên cai trị và tổ chức dân binh canh giữ. Đại quân thế như phá trúc, sau gần một năm chinh chiến thì chinh phục được toàn vùng. Hai Hãn quốc hoàn toàn diệt vong.
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.511 (Kỷ Hợi, 1419). Mùa thu, tháng 9. Thành Syracuse, kinh đô của Đế quốc Latium, trở nên vô cùng nhộn nhịp bởi sự xuất hiện của rất nhiều sứ đoàn lân bang đến chúc hạ Long nhi nhân dịp sinh nhật 16 tuổi. Long nhi sinh ngày 25 tháng 9 năm 1403 theo Tây lịch, tức ngày 9 tháng 9 năm Quý Mùi, ngay tiết Trùng Cửu. Vì vậy mà tiết Trùng Cửu hàng năm cũng trở thành ngày lễ kỷ niệm sinh nhật của Long nhi (Thần Thánh Đế quốc sử dụng Âm lịch, nên Đế quốc Latium cũng sử dụng Âm lịch). Và sinh nhật năm nay là một ngày quan trọng đối với Long nhi, bởi theo truyền thống Đông phương thì ‘nữ thập tam, nam thập lục’, sau ngày sinh nhật này thì Long nhi chính thức trưởng thành rồi. Long nhi có địa vị quan trọng ở Âu châu cũng như ở Thần Thánh Đế quốc, nên lễ sinh nhật của Long nhi, các vương công quý tộc lân bang đều thân tự đến dự đông đủ. Lẽ ra thì lễ sinh nhật này phải được tổ chức ở Gia Định, nhưng vì Hoàng cung của Long nhi ở thành Syracuse mới hoàn công, nên Giang Phong đã cho tổ chức ở đấy, để Long nhi ăn mừng khánh thành tân Hoàng cung và nhận lễ triều kiến của các nước chư hầu, củng cố địa vị của Đế quốc Latium.
Hoàng cung Latium tuy không có quy mô vĩ đại như Trường Thanh Cung, nhưng ở khu vực Âu châu thì không có nơi nào có thể sánh bằng. Rất nhiều quân vương trầm trồ thán phục, rồi thầm ghen tỵ cho sự may mắn của Long nhi. Hoàng cung quy mô rộng lớn, hoa lệ huy hoàng. Các vị quân vương, quý tộc đến dự lễ đều được bố trí ở trong cung, hưởng thụ sinh hoạt như giới quyền quý đông phương. Các sứ đoàn có hai loại : những lĩnh chủ, quý tộc trực thuộc Thần Thánh Đế quốc chỉ cử sứ giả đế chúc hạ; còn các quân vương quý tộc Âu châu đều thân tự đến dự (có lẽ vì sợ mất lòng Long nhi chăng). Lúc này cũng là dịp để giới quý tộc có cơ hội gặp gỡ giao lưu, bởi đây cũng là kỳ hội họp của giới quý tộc Âu châu có quy cách cao nhất, đông đủ nhất từ trước đến giờ.
Cũng trong dịp này, qua sự đề xuất của Quốc vương Anh Cách Lan Henry V of England, Long nhi đã cho thống kê lại thành viên các chi tộc Nhà Anjou, và chỉnh đốn gia tộc. Mọi thành viên của gia tộc đều xem Long nhi là gia chủ đương nhiên, và đều hãnh diện khi là thành viên của gia tộc cao quý nhất Âu châu này. Dưới sự chủ trì của Long nhi, các thành viên chủ chốt của gia tộc đã hội họp, xác định các phân chi và phân chia địa bàn ảnh hưởng (Henry V cường liệt yêu cầu) :
1. Chi trưởng : Long nhi; Đế quốc Latium.
2. Chi Anjou : Réne de Anjou; vương quốc Anjou và các lĩnh địa xứ Pháp Lan Tây.
3. Chi Plantagenet : Henry V of England; bắc Âu châu.
4. Chi Bourbon : Charles de Le Maine; công quốc Bourbon.
5. Chi Poland : Władysław II Jagiello; đông Âu châu.
Władysław II Jagiello là Đại công tước Lithuania, là phu quân của Nữ vương Jadwiga de Poland quá cố. Nữ vương Jadwiga de Poland là hậu duệ cuối cùng của chi Anjou – Hungary, từng cai trị Hungary (1308 – 1395), Ba Lan (1370 – 1399). Sau này Hungary bị Sigismund kiêm tính, chi Anjou – Hungary chỉ còn lại đất Ba Lan. Đến khi Nữ vương Jadwiga de Poland qua đời năm 1399 thì phu quân Władysław II Jagiello kế vị làm Quốc vương Ba Lan. Nguyên bản ông ta xưng hiệu là gia tộc Jagiellon, nhưng khi thấy Đế quốc Latium đột nhiên xuất hiện, chiếm trọn nửa phần Âu châu, và cả các xứ Anh Cách Lan, Pháp Lan Tây đều do các phân chi của gia tộc Anjou khống chế, thì ông ta theo gió trở cờ, xóa sổ gia tộc Jagiellon, tự xưng mình là người kế thừa của chi Anjou – Hungary (từ vợ), và cố làm thân với các phân chi khác. Long nhi nghĩ rằng chi Anjou – Hungary cũng giống như chi Anjou – Maine, đều là nạn nhân của chi Anjou – Darazzo (của Ladislaus de Napoli), nên đã tiếp nhận, để chi Anjou – Hungary (giờ đổi thành chi Poland) được duy trì. Tính ra, trong các phân chi của gia tộc Anjou trước đây, chỉ có 2 chi Anjou - Darazzo và Anjou – Taranto đã tuyệt hậu (thật ra tình trạng của Sigismund cũng tương tự Władysław II Jagiello, nhưng không được Long nhi công nhận, để chi Anjou – Darazzo chấm dứt luôn).
Ngoài ra, mọi người còn thỏa thuận vùng Trung Âu (tức Đế quốc Đức) không phân chia, nghĩa là ai chiếm được thì thuộc về người đó. Điều đó cũng có nghĩa là sắp tới đây, Đế quốc Đức vốn đang là bãi chiến trường, thì chiến tranh sẽ càng khốc liệt hơn.
…
Trường Thanh Cung.
Giang Phong xem biểu tấu từ các nơi đưa về, rất hài lòng. Hiện tại trên thế giới trừ ba bãi chiến trường đang hồi náo nhiệt thì phần còn lại đã thật sự thiên hạ thái bình. Ba bãi chiến trường kia là do Giang Phong cố ý để lại, cho những kẻ hiếu chiến có chỗ phát tiết tinh lực và dã tâm của mình. Ba nơi đó là Đế quốc Đức ở trung bộ Âu châu, Đại Minh ở bắc Trung Nguyên và Lý thị vương triều ở trung bộ Cao Ly.
Thần Thánh Đế quốc giờ đây với các Hạm đội xưng hùng tứ hải, với hơn 200 vạn đại quân tinh nhuệ trấn giữ các vùng hiểm yếu, có thể nói là vững như bàn thạch. Giang Phong cho tụ tập những học giả khắp nơi về Gia Định, thân tự chỉ đạo, đề ra hạng mục cho bọn họ nghiên cứu, khiến cho khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão. Giang Phong biết nguyên lý, các học giả kia chịu trách nhiệm biến nguyên lý trở thành thành quả, tạo ra vô số phát minh sáng chế, khiến cho Đế quốc ngày càng cường thịnh, kinh tế phát triển, cuộc sống của thần dân ngày càng được cải thiện.
“Khi Thánh hoàng đặt bút vẽ bản đồ thế giới, thiên hạ bách tính đều được thấm nhuần ơn vũ lộ, thoát khỏi cảnh tối tăm của đêm dài lạc hậu. Thần dân của Đế quốc hay thuận dân của các chư hầu đều được hưởng thụ cuộc sống văn minh, vật chất phong phú, khoa kỹ phát triển, xã hội ổn định, kinh tế phồn vinh. Thật may mắn là ông cha chúng ta đã được cứu rỗi, không giống như ‘khí dân’ của ba xứ phản nghịch, bị Thiên thóa khí, mấy trăm năm rồi mà vẫn mãi sống trong cảnh lạc hậu bần cùng. Nhờ phúc tổ tiên mà hiện tại chúng ta mới có thể dùng tư thế nhàn nhã để xem lại đoạn lịch sử này”. Đó là lời của một vị Âu duệ học giả mấy trăm năm sau, bình luận về phúc ấm của tổ tiên mình.
Hết
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro