Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 16 :

Chiều hôm đó, bốn bạn trẻ cố gắng hoàn thành thật nhanh mọi công việc của mình, rồi ung dung rủ nhau leo lên gác xép.

Sông Hương không có mặt trong phòng, nhưng bốn cái áo dài của Phan, Châu Thùy và Vân đã được giặt sạch sẽ và đang phơi trên sợi dây thép cột căng nơi đầu giường. Đặc biệt, cái áo dài của Phan đã được vá cẩn thận. Từng mũi kim đường chỉ nhỏ rức, chắc là Sông Hương bỏ ra nhiều công sức ngồi bên cây đèn dầu.

Bốn bạn trẻ tròng áo dài bên ngoài áo thun rồi bước xuống cầu thang. Tiếng mẹ Sông Hương và Sông Hương đang nói chuyện với khách. Hình như hôm nay là ngày phu đồn điền cao su được phát lương, họ kéo tới mua thực phẩm và trả tiền nợ khá đông, thành ra Sông Hương được mẹ cô điều động tới phụ giúp.

Bốn bạn trẻ kéo nhau đi ra cửa sau để vòng qua cửa trước. Vừa thấy mặt họ ló vào, Sông Hương reo lên thật vui:

- A! Các bạn tới rồi tề! Tui đang mong các bạn ghê gớm!

Bốn bạn trẻ chào mẹ Sông Hương:

- Chúng cháu chào bác.

Mẹ Sông Hương vui vẻ chào lại:

- Chào các cháu. Sông Hương nì, rót nước cho các bạn của con đi.

Bốn bạn trẻ cùng khách sáo:

- Dạ, không cần đâu. Cảm ơn bác.

Thùy nhìn quanh gian quán khá đông người hỏi:

- Chị đang bận lắm phải không?

Sông Hương gật đầu. Cô nhẹ nhàng đặt một vật gì đó vào trong tấm lá chuối khô, quấn nó lại rồi dùng sợi dây chuối khô cột chặt, đưa cho một phụ nữ:

- Thịt của o ni. Hết thảy là mười sáu xu.

Người phụ nữ đưa hai đồng cắc vuông vuông. Sông Hương nhận lấy và nói:

- O đưa tui 20 xu. Thối lại o bốn xu. Cám ơn o.

Sông Hương chưa kịp đưa tiền cho mẹ thì Châu đã xòa tay ra:

- Sông Hương, cho mình mượn một cắt vuông vuông đó.

Châu giơ cao đồng cắc lên trước mặt Phan, Thùy và Vân, nói to:

- Đây là một đồng cắc Thành Thái. Các bạn hãy nhớ, một trăm năm sau, nó sẽ hoàn toàn biến mất!

Rồi Châu trả lại cho Sông Hương và cúi đầu:

- Cảm ơn.

Ai nấy trố mắt nhìn Châu. Phan, Sông Hương, Thùy và Vân cười rúc rích. Còn Châu vẫn đứng tỉnh bơ. Thùy chỉ vào mớ thực phẩm màu nâu đen xếp chồng lên nhau trên kệ gỗ, hỏi:

- Cái thứ đó mà chị kêu là thịt hả? Thịt gì vậy?

Sông Hương ngần ngừ một lát rồi trả lời:

- Khô rái cá đó.

Bốn bạn trẻ nhìn nhau. Sông Hương giải thích nho nhỏ:

- Một tấm khô rái cá như rứa chỉ có mười sáu xu. Nếu mua thịt bò hay thịt heo, o tê phải trả số tiền gấp ba lần. Thôi kệ, thịt chi cũng là thịt. Con nít cần có thịt ăn mỗi tuần.

Thùy kêu lên:

- Mỗi tuần? Chớ không phải mỗi ngày?

Sông Hương nhìn Thùy:

- Tiền mô mà ăn mỗi ngày? Chiều thứ bảy, phu đồn điền cao su được lãnh lương tuần. Chiều chủ nhựt, nhà họ mới có thịt ăn. Nhà ít con còn dè sẻn qua trưa mai. Nhà đông con là hết cái vèo. Họ ăn dưa, ăn mắm, chờ chiều chủ nhựt sau mới được ăn thịt lại.

Mẹ Sông Hương thắc mắc hỏi:

- Các cháu ni ở mô tới mà răng chẳng hiểu cái chi hết?

Bốn bạn trẻ ấp úng chưa biết trả lời sao thì Sông Hương đỡ lời:

- Các bạn còn là người ở làng bên. Các bạn học hành riết ở trong trường huyện, mấy tháng trời mới được về thăm nhà một lần. Các bạn chưa nắm rõ cuộc sống hằng ngày.

Phan lái câu chuyện sang hướng khác:

- Sông Hương, chút nữa bớt khách mua đồ, Sông Hương qua bên làng tui chơi được không?

Sông Hương ngước nhìn lên bà mẹ của cô:

- Thôi, tui không dám đi mô. Tui sợ lắm.

Mẹ Sông Hương bật cười:

- A, cái con ni là chưa tề. Từ nhà mình qua làng bên mà cũng sợ nữa tề. Chừ khách tới lui cũng không nhiều, me cho phép con đi chơi với các bạn, nhưng con phải về sớm hỉ.

Sông Hương "dạ". Bốn bạn trẻ đồng thanh chào to:

- Thưa bác, chúng cháu về.

Lên tới trên gác xép, trong lúc bốn bạn trẻ cởi hết áo dài ra, Sông Hương ngồi phịch xuống giường, níu lấy nẹp giường không chịu đi:

- Tui sợ lắm. Thời của các bạn ghê lắm.

Phan dỗ dành:

- Có gì đâu mà ghê? Thời của mình có nhiều thứ lạ thiệt, nhưng bạn chỉ lẩn quẩn trong nhà tụi mình thôi, đâu có đi ra đường mà sợ? Bạn sẽ thấy sân trước nhà mình rất giống với sân trước nhà bạn. Cái khối bê tông vuông vức còn nằm một đống ở đó. Ba mẹ tụi mình sẽ đối xử rất tốt với bạn.

Thùy xen vào:

- Mẹ em còn nói bữa nào mẹ em đãi chị ăn những món ăn Huế chính cống.

Sông Hương ngước lên:

- Mẹ các bạn biết tui rồi? Biết tui là người của một trăm năm trước?

Phan, Châu và Thùy gật đầu riêng Vân thì lắc đầu. Sông Hương hỏi tiếp :

- Cha, mẹ em không biết chị là người của một trăm năm trước sao chị dám qua.

Vân hơi ủ rủ :

- Em không sống cùng cha mẹ.

Bấy giờ ai nấy đều vỡ lẽ, Sông Hương còn đang bối rối thì giọng Thùy vang lên xoa diệu bầu không khí ngượng ngùng :

- Thôi mình đi mau đi không thôi là trễ bây giờ.

Sông Hương đứng dậy:

- Vậy thì tui đi qua nớ coi nó ra răng. Nhưng tui ăn mặc đồ chi?

Thùy bàn nhanh với ba người còn lại:

- Vậy thì chúng em về bển trước, em sẽ soạn cho chị Sông Hương bộ đồ áo thun và quần tây. Sau đó em đem đồ qua đây, đưa cho chị Sông Hương. Rồi em dẫn chị Sông Hương về nhà tụi mình.

Bốn bạn trẻ chuẩn bị chúi đầu qua tấm gương thời gian. Phan đi cuối, quay lại dặn dò Sông Hương:

- Bạn ở đây chờ nghe. Lát nữa Thùy trở qua liền.

Khi Phan, Châu, Thùy và xuống dưới nhà, Thùy chạy nhanh vô phòng riêng soạn bộ đồ, còn Châu hớn hở khoe với bà

Phương:

- Mẹ ơi, lát nữa Sông Hương qua bên đây chơi với tụi con!

Cô Hằng hỏi bà Phương:

- Chị có cần em nấu thêm món gì đặc biệt không?

Bà Phương lắc đầu, nói một cách ý nhị:

- Khỏi cần. Mai hoặc mốt, tụi nó có thể mời Sông Hương ăn chung với đoàn khách của mình. Tối nay, chỉ cần ăn tôm rang, thịt kho tàu, canh khổ qua dồn thịt của cô Hằng là cô bé một trăm tuổi đủ nhớ đời!

Cô Hằng được khen, cười tươi rói:

- Đúng dzậy.

Mười lăm phút sau, Thùy nắm tay Sông Hương bước xuống cầu thang trước sự đón tiếp rất thân mật pha lẫn chút tò mò của mọi người. Sông Hương mặc áo thun ngắn tay màu xanh biển nhạt, quần tây màu xanh đậm, mang đôi giày Bitiss màu đất. Trông cô trẻ trung và xinh đẹp với mái tóc được Thùy cột lên. Cao gần đỉnh đầu.

Sông Hương e thẹn gật đầu chào ông Đặng, bà Phương, cô Hằng và dì Ngọc. Ông Đặng thốt lên:

- Ai có ngờ đây là một thiếu nữ trẻ sống cách đây một trăm năm! Ba không biết mình đang mơ hay tỉnh? Chào cháu.

Dì Ngọc làm ra vẻ ta đây có nhiều kinh nghiệm:

- Họ đâu có khác gì mình? Tao đã từng gặp gỡ hết mọi người trong làng rồi! Đàn ông thời đó rất khỏe mạnh!

Bà Phương nổi máu nghề nghiệp,hỏi:

- Cháu là người Huế phải không? Gia đình cháu thường ăn những món gì trong các bữa ăn?

Sông Hương lễ phép trả lời:

- Dạ thưa, thời còn ở kinh thành, thời ôn ngoại cháu còn sống thì gia đình cháu thường ăn những món ăn hoàng gia. Vì ôn ngoại cháu là viên quan nhỏ đời vua Đồng Khánh. Khi ôn ngoại cháu mất, gia đình cháu rời kinh, chuyển vô trong ni sống với các phu đồn điền cao su. Bữa ăn hằng ngày rất đơn giản. Gồm cơm, thịt phơi khô, canh rau và chén nước mắm dầm ớt.

Bà Phương ân cần:

- Vậy một lát nữa, cháu ở lại dùng cơm với gia đình bác nghe?

Sông Hương nhìn ba bạn trẻ cầu cứu, rồi nhỏ nhẹ trả lời:

- Cảm ơn bác.

Thùy nắm tay Sông Hương, nói to:

- Thôi đủ rồi, con không cho mọi người phỏng vấn chị Sông Hương nữa. Tụi con dẫn chị ấy đi tham quan khắp sân trước đây.

Ông Đặng giơ hai tay lên trời:

- Đồng ý. Nếu một ngày nào đó, tụi con có dẫn về một người ngoài hành tinh - như E.T chẳng hạn - ba mẹ sẽ không tò mò, sẽ không phỏng vấn lôi thôi đâu!

Vừa nhìn thấy khối bê tông vuông to chần dần ngay trước sân, Sông Hương khẽ kêu lên:

- Úy, lạ rứa, tháp đài vẫn còn sau một trăm năm! Không hiểu các ngài có biết dòng dõi họ Phạm vẫn còn trung thành các ngài không?

Thùy lên tiếng đính chính:

- Ba em họ Trần mờ. Ba em không biết họ của người chủ trước đã bán ngôi nhà này. Có thể ông ta họ Phạm đó.

Châu cầm cái vòng bằng sắt, hỏi Sông Hương:

- Cái vòng sắt này dùng để làm gì ?

Sông Hương lắc đầu:

- Tui không biết. Tui "chộ" nó mỗi ngày mà tui chẳng thắc mắc chi hết. Ni, hầu như những hàng cây trồng chung quanh nhà vẫn còn y nguyên. Nhưng chúng lớn quá. Ở đằng tê có cái gì vậy?

Sông Hương giơ tay chỉ về phía mấy cái xích đu tiên treo lơ lửng gần mặt đát. Châu trả lời:

- Xích đu đó. Bạn ngồi lên thử nghe. Cái xích đu, đưa qua đưa lại. Thích lắm.

Sông Hương đồng ý ngồi thử. Thùy đẩy vòng bánh xe nhè nhẹ. Mới đầu Sông Hương Sơ lắm, tay cứ níu chặt hai sợi dây, mặt xanh mét. Nhưng rồi cô dịu đi và mỉm cười. Cô ngước mặt nhìn lên ngọn cây, nói:

- Tui biết tên cây ni. Nó tên là cây thiên bách. Đằng sau nhà tui có một cây thiên bách nhỏ hơn cây ni nhiều. Thầy tui nói cây thiên bách sau nhà khoảng ba mươi tuổi. Rứa là bây chừ cây thiên bách sau nhà được một trăm ba mươi tuổi rồi hỉ! Cổ thụ ghê hè.

Thùy ngừng tay đẩy xích đu:

- Bây giờ chị Sông Hương vô phòng khách chung với tụi em. Ở đó có một cái máy. Em bật máy lên, trong máy sẽ có người múa hát cho tụi mình nghe.

Sông Hương tươi cười:

- Phải đó. Tui rất thích nghe hát, nghe hò. Ở trong kinh thành thì ngày mô cũng nghe. Từ khi chuyển về sống ở đây, tui chẳng còn được nghe hát nữa.

Đợi Phan, Châu, Sông Hương và Vân ngồi đàng hoàng rồi, Thùy bật mở tivi. Chiều chủ nhật, trên đài Bình Dương phát chương trình ca nhạc thiếu nhi gì đó mà Thùy không rõ. Vừa nhìn thấy một ca sĩ nhí cùng tốp múa phụ họa trên sân khấu, Sông Hương hoảng hốt chỉ tay vào màn hình:

- Răng tụi nó bị nhốt trong nớ? Tụi nó có bị ngộp thở không? Tụi nó có bị chết không?

Châu mỉm cười:

- Chết sao được? Đi hát mà chết thì ai thèm đi hát? Đây là kỹ thuật thu hình - phát hình trong thời tụi mình thôi. Hát múa om sòm đó, thấy không?


Sông Hương gật đầu, ngồi im coi. Thùy bấm rờ mốt chuyển sang chương trình thế giới đó đây của đài Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình đang phát một bộ phim về chuyến đi đánh bắt cá bơn trên vùng biển của Châu Mỹ. Những con cá bơn dài gần một mét rưỡi, nặng trên một trăm ký, cá biệt có những con nặng tới một trăm ba mươi ký. Sông Hương suýt xoa liên tục:

- Trời ơi, loại cá chi mà khổng lồ rứa! Con cá tê hắn bự hơn cái ông đang lái con tàu. Tui chưa từng "chộ" loại cá mô bự như rứa!

Cảnh phim đánh bắt cá bơn bắt đầu. Người ta thả xuống biển mười sợi dây thừng. Mỗi sợi có khoảng gần ba trăm lưỡi câu, mỗi lưỡi câu cách nhau ba thước. Vị chi người ta thả xuống biển ba ngàn lưỡi câu!

Vài tiếng đồng hồ sau,người ta bắt đầu kéo sợi dây thừng lên. Ngay cả Phan, Châu, Thùy và Vân cũng bị sốc chớ đừng nói tới Sông Hương. Ở mỗi lưỡi câu dính một con cá bơn. Nghĩa là cứ mỗi một sợi dây thừng kéo lên ba trăm con cá bơn!

Cảnh cá bơn bị đập chết, thậm chí con cá bơn nào dữ quá, bị thủy thủ kê súng bắn - làm Sông Hương rú lên, che mặt không dám coi. Thùy nhanh tay bấm rờ mốt chuyển sang đài khác, nhưng Sông Hương không chịu:

- Đừng. Cho tui coi tiếp đi. Tui không rú lên nữa mô.

Cảnh phim chiếu tới giai đoạn người ta xả thịt cá bơn, ướp đá lạnh rồi chuyển vào bờ. Sau đó, toàn bộ số cá bơn này sẽ được mang tới một tiểu bang xa xôi nhất của Hoa Kỳ: tiểu bang Alaska. Người Alaska xem cá bơn là thực phẩm chính, cung cấp chất đạm cho họ...

Hết chương trình thế giới đó đây, Sông Hương tư lự nhận xét:

- Thời các bạn, người ta giết thịt các con thú thật dã man. Tui không thể tưởng tượng nổi người ta có thể giết một lúc cả ba ngàn con cá bơn khổng lồ.

Phan giải thích:

- Cần phải có một số lượng cá nhiều như vậy mới đủ cung cấp thực phẩm cho cả một tiểu bang quanh năm chỉ có băng tuyết và giá lạnh.

Châu nói thêm cho Sông Hương an lòng:

- Loại cá bơn này có nhiều ở vùng biển thuộc Châu Mỹ. Nhiều lắm.

Thùy định bấm rờ mốt chuyển sang đài khác thì bà Phương đi vào, ngăn lại:

- Thôi, coi nhiêu đó đủ rồi. Bây giờ chúng ta chuẩn bị ăn bữa xế nghen.

Sông Hương quay sang Thùy, hỏi nhỏ:

- Bữa xế là bữa làm răng?

Thùy giải thích:

- Thời tụi em, thường người ta ăn tối trễ lắm, khoảng sáu giờ rưỡi hoặc bảy giờ tối lận. Thành ra khoảng xê xế chiều như hiện giờ, để đỡ đói bụng họ ăn một bữa lót dạ. Bữa xế là món ngọt cũng có thể là món mặn . Hôm nay không
có khách du lịch, để coi mẹ em cho tụi mình ăn món gì. . .

Năm bạn trẻ kéo nhau vào phòng ăn chung. Trên một cái bàn nhỏ trong góc - bàn ăn gia đình - cô Hằng đã dọn sẵn một dĩa bánh xăng - uých Đức Phát và một đĩa thịt nguội Vissan được xắt rất mỏng. Đúng rồi, thịt nguội xắt dày quá ăn mau ngán lắm. Quanh bàn có hai, ba dĩa muối tiêu nhỏ xíu. Nhiều đoàn khách du lịch rất thích được ăn bữa xế giống như vậy.

Thấy Sông Hương lúng túng thật tội nghiệp, Phan nhướng mày ra hiệu cho Thùy. Cô gật đầu, cầm một lát bánh xăng - uých lên, vừa ăn vừa thao tác vừa nói:

- Đây là một loại thức ăn nhanh. Ăn rất ngon. Càng ăn, càng ghiền . Nè há, đây là một lát bánh mì há. Chị lấy đữa gắp một lát thịt heo có bọc da này, một lát mem có màu đỏ này và một lát chả có màu trắng này. Rồi chị rắc muối tiêu lên. Chị lấy một bánh mì khác đậy lên. Và cắn ăn thoải mái.

Thùy đưa hai lát bánh xăng - uých kẹp chặt lại cho Sông Hương. Cô cầm lấy, nhìn Phan, Châu và Vân. Ba người gật đầu, nâng miếng bánh của mình lên tỏ ý mời. Sông Hương e thẹn, nhưng cũng cắn một miếng to. Nhai chậm rãi và nuốt xuống miếng bánh đầu tiên, Sông Hương nhận xét:

- Ui trời ơi, ngon quá. Ngon không cách chi tả nổi. Lát thịt có màu đỏ bọc da là thịt heo. Tui biết rồi. Còn nem? Nem là thứ chi? Răng không giống thứ nem mà tui vẫn được ăn hồi còn ở kinh thành? Có phải đây là nem công chả phượng?

Thùy cười hinh hích:

- Thời này làm gì còn nem công với chả phượng? Vì hai loài thú đó chẳng còn mấy con. Chỉ có vài con đứng làm kiểng ở trong sở thú mà thôi. Đây là thịt heo. Nem và chả được chế biến theo cách thức của người Nam Bộ.

Sông Hương gật gật đầu, có vẻ hiểu. Sang lát bánh thứ hai, Sông Hương tự gấp đồ nguội lấy cho mình. Cô nói:

- Muối tiêu của thời các bạn cũng ngon nữa. Muối ở nhà mình, hột mô hột nớ bự như hột đậu trắng. Mỗi lần ăn muối, chị Mừng phải đổ vô cối, lấy chày giã bộp bộp.

Chẳng mấy chốc, đĩa bánh mì xăng - uých và đĩa thịt nguội chỉ còn trơ lớp men sứ màu trắng. Thùy mang chai nước lọc cùng năm cái ly ra bàn. Phan cầm chai, rót nước vào đầy năm cái ly.

Sông Hương hỏi:

- Ngày hôm ni các bạn không có khách du lịch à?

Châu trả lời:

- Sáng mai sẽ có một đoàn khách mới, đoàn này gồm mười bốn người. Khá đông đó. Có thể tụi mình sẽ phải ở nhà giúp ba mẹ, không qua bên đó chơi được.

Phan thêm vào:

- Nhưng hễ rãnh được lúc nào, tụi mình sẽ qua chơi lúc đó.

Thùy căn dặn:

- Chị cứ giữ lấy bộ đồ áo thun quần tây này. Nếu muốn qua bên tụi em chơi, chị cứ mặc vào và bước xuống cầu thang. Đừng ngại gì hết. Dù có gặp khách du lịch, chị cũng mặc kệ họ. Nhớ không?

Sông Hương gật đầu:

- Nhớ.

Vừa lúc đó, dì Ngọc bước vào phòng ăn chung. Dì kéo ghế ngồi chơi với năm bạn trẻ. Dì vuốt vuốt mái tóc dài của Sông Hương, hỏi:

- Làng của cháu có nhiều người đàn ông không?

Sông Hương vô tư trả lời:

- Nhiều lắm. Phu đồn điện phải làm những công việc nặng nhọc, nên chỉ có đàn ông mới bỏ làng bỏ quê của họ vô đây. Phụ nữ thì ít thôi.

Thùy nhanh miệng hỏi:

- Quê của những người phu đồn điền thường là ở đâu?

Sông Hương kể ra:

- Chỉ có ông Lý và vài gia đình khá giả khác là gốc gác ở đây. Họ không phải là phu đồn điền. Họ làm việc cho Tây. Còn thì, đa số là người đàng ngoài. Có những người nói thứ tiếng chi chi mô, tui nghe còn không hiểu nổi.

Dì Ngọc chép miệng, cố lựa lời:

- Đàn ông ở làng cháu đã có vợ hay chưa có vợ?

Sông Hương đỏ mặt:

- Cháu không biết. Hình như là họ có vợ rồi, nhưng vợ họ còn ở lại quê nhà. Hay là họ chỉ sống một mình, tự nấu cơm ăn? Cháu không biết mô.

Dì Ngọc đứng dậy, đẩy ghế ra phía sau, khuôn mặt tư lự:

- Hôm nào rảnh, dì sẽ qua bên làng cháu chơi.

Sông Hương lúng túng:

- Dạ được...

Trước khi chia tay Sông Hương, bốn bạn trẻ còn hứa hẹn rằng họ sẽ đưa Sông Hương đi chợ Phước Hòa, chợ Bình Dương chơi. Và họ sẽ còn nhiều trò vui hơn nữa để chia sẻ với Sông Hương.

Một lúc sao bà Phương gọi Phan, Châu và Thùy đến phụ làm gì đó nên bây giờ chỉ còn Sông Hương và Vân ngồi trên xích đu. Sông Hương nhỏ giọng :

- Chị xin lỗi hỉ. Chị không biết . . .

Vân vội giải thích :

- Chị không cầ phải xin lỗi, em không giận chị đâu.

Sông Hương lắc đầu :

- Vậy sao mà được mô, mình làm sai thì mình phải xin lỗi.

Sông Hương hỏi :

- Em không sống với cha, mẹ thì em sống với ai.

Vân bình thản trả lời :

- Lúc trước cha mẹ em có thuê một dì vú để chăm sóc em, còn tiền sinh hoạt cha, mẹ em sẽ gửi từ bên Tây về.

Ngừng một chút Vân nói tiếp :

- Khi em lên 12 tuổi thì dì vú cũng xin nghỉ việc để về quê ở với con cháu. Nên bây giờ em đang ở một mình.

Hai cô gái cùng nhau trò chuyện rất lâu, nên có lẽ họ đã thân nhau hơn trước.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #đn