Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 15 :


Bốn bạn trẻ đang lăng xăng bưng những thùng nước suối, thùng bia, thùng nước ngọt ... từ băng ghế sau của xe Jeep vào trong nhà.

Chuyến đi chợ rất vui. Đặc biệt bốn bạn trẻ được ông Đặng đãi ăn bún riêu, là món bún mà lúc ở nhà, Phan "chúa" ghét. Nhưng thấy Châu với Thùy ưa thích, Phan cũng đồng ý ăn theo.

Thoạt đầu, Phan không chịu bỏ nữa muỗng mắm tôm vào tô bún của cậu, với lý do nó hôi quá. Nhưng Thùy lanh miệng phân tích:

- Mỗi loại bún phải ăn kèm với một loại mắm khác nhau để làm dậy thêm hương vị đặc trưng của nó. Bún riêu của người Bắc có mắm tôm. Bún bò của người Huế có mắm ruốc. Bún mắm của người Nam có mắm linh. Nếu anh không bỏ mắm tôm vào tô bún riêu của anh, thì thà anh ăn cơm nguội chan nước tương còn sướng hơn!

Phan chống chế:

- Nhưng nó hôi miệng lắm!

Thùy xòe bàn tay ra trước mặt Phan. Trong lòng bàn tay cô có gói kẹo xinh-gưm Cool Air màu xanh biếc. Thùy cười toe toét:

- Nếu anh sợ hôi miệng, sẽ có cái này cho anh đây. Vừa thông mũi, vừa thơm miệng. Giá chỉ có năm trăm đồng. Hì hì...

Phan lắc đầu chịu thua. Thùy nhanh tay múc nửa muỗng mắm tôm cho vào tô bún riêu của Phan. Cậu cầm đũa trộn đều tô bún. Quả thật, theo làn khói nóng bốc lên, mùi nước lèo đã đổi khác, nó thơm hơn, hấp dẫn hơn và kích thích bao tử hơn. Đây là tô bún riêu trong đời Phan, cậu tự nhủ trong lòng, mai mốt về thành phố, mình sẽ yêu cầu mẹ nấu món ăn này cho mình....

Với cục xinh-gưm nhai trong miệng, Phan cảm thấy tự tin hơn. Việc khiêng mấy cái thùng không nặng nhọc lắm. Bốn bạn trẻ nói chuyện rôm rả và phấn khởi vì chuyến đi rất vui, đồng thời cái bụng cũng rất no.

Không thấy dì Ngọc đâu, bốn bạn trẻ kéo ghế ngồi nơi quầy tiếp tân để trực điện thoại thay cho bà Phương. Vừa lúc đó, dì Ngọc xuất hiện.

Dì Ngọc thất thểu từ trên cầu thang bước xuống trước ba bộ mặt sững sờ của Phan, Châu, Thùy và Vân. Cái áo dài trắng của dì lấm lem nước sình, nước dơ vẫn còn nhểu xuống hành lang. Hai ống quần xoe đen dính chặt vào cặp đùi đầy mỡ. Trên mặt dì có nhiều vết trầy và bàn chân đầy bùn của dì không có dép.

Thùy hét lên:

- Dì Ngọc! Dì đã biết nó là chiếc gương thời gian! Đúng không? Dì đã chui qua bên đó! Dì đã làm gì ở bên đó?

Châu căm phẫn:

- Ai cho dì rình mò tụi cháu? Dì là một con người xấu xa! Ở bên đó không có những con người xấu xa như dì đâu! Nhìn thì cũng biết chuyện gì đã xảy ra với dì!

Nghe ồn ào ở ngoài này, ông Đặng, bà Phương và cô Hằng từ trong bếp bước ra xem. Bà Phương lấy tay che miệng để ngăn tiếng kêu kinh hãi. Nhìn dì Ngọc giống hệt ... con quỷ dạ xoa trên bìa cuốn truyện tranh bán trước cổng trường.

Ông Đặng nhíu mày, hỏi:

- Cái gì kỳ cục vầy nè? Chị mới ở đâu ra vậy? Chị té mương té ao hồi nào vậy?

Bà Phương lên tiếng chất vấn sau khi đã trấn tĩnh lại:

- Cái áo dài này của ai? Có đời nào tui thấy chị mặc áo dài đâu? Nãy giờ chị làm giống gì mà mất biệt vậy?

Dì Ngọc cụp mắt, sụ mặt định bỏ về phòng riêng. Thùy dứt khoát không nhượng bộ. Cô giơ tay cản và nói to:

- Dì Ngọc! Dì đứng lại đây. Cháu muốn hỏi dì vài câu trước mặt ba mẹ cháu. Có phải dì đã biết nó là chiếc gương thời gian không?

Dì Ngọc gật đầu. Ông Đặng và bà Phương cùng nhao nhao lên:

- Chiếc gương thời gian? Chuyện khoa học giả tưởng hả? Chiếc gương thời gian để ở đâu? Ở trên gác xép phải không?

Thùy căng thẳng hỏi tiếp:

- Dì đã qua bên đó hai lần rồi phải không? Lần đầu, dì bị dân địa phương ở đó quăng đá vì tưởng dì là người ngoại quốc, đúng không? Dì trở về nhuộm tóc màu đen, đúng không?

Dì Ngọc gật đầu. Thùy tiếp tục tra vấn:

- Còn lần này thì sao?

Dì Ngọc đã lấy lại bình tĩnh. Điệu bộ dì ngúng ngẩy, hai tay dì vung vẩy, giọng nói dì xoen xoẻn:

- Xời, cái đám người "nguyên thủy" thiệt là khó ưa. Lúc mới thấy tao lần đầu, họ kêu tao là "ma quỷ", là "lê dương". Chỉ tại mái tóc mười mấy màu của tao nè. Mà tao đã lấy gì của họ đâu? Nếu có lấy, cũng chỉ vài ba món đồ quá rẻ tiền. Đem về bên này thì nó mới là đồ cổ. Chớ để bên đó thì nó chỉ là cái chén đất mẻ miệng chớ quý báu gì?

Bà Phương cắt lời:

- Tui cứ tưởng chị nói về người "nguyên thủy" là chị nói chơi. Thì ra chiếc gương thời gian là có thiệt. Thì ra chị quay về quá khứ chỉ để ăn cắp đồ!

Châu đính chính:

- Họ không phải người "nguyên thủy" đâu, họ chỉ cách chúng ta một trăm năm thôi. Họ đang sống năm 1903, trong thời vua Thành Thái.

Dì Ngọc vỗ tay "bép" một cái:

- Hèn gì, tao thấy họ ăn mặc mới quá. Chơi áo dài, đội nón lá không hè. Mới lúc nãy tao định vô cái nhà ngói cây mít kia để lấy đống đồ đồng đem về đây bán, bị hai thằng lính rượt quá xá! Hình như hai thằng lính đó là "phú-lít" hay "mã tà" gì đó! Tao nghe con nhỏ giét lên kêu cứu như dzậy. Trời ơi, hai thằng chả làm tao quăng dép vắt giò lên cổ mà chạy. Lọt luôn xuống mương nước sình!

Ông Đặng và bà Phương cùng cười lên ha hả. Ông Đặng nói:

- Đáng đời chị lắm. Muốn sống lương thiện không muốn, chỉ muốn sống theo nghề trộm cắp. Từ rày, xin chị để cho những người đó yên thân đi. Đừng qua bển nữa.

Thùy phụng phịu:

- Dì đừng để cho bạn bè cháu biết cháu có một người dì đi ăn cắp đồ của họ.

Rồi Thùy quay sang nhìn ông Đặng và bà Phương nói tiếp:

- Ba mẹ biết không? Họ là những con người cực kỳ lương thiện. Ban đêm đi ngủ không khóa cửa cũng không sao. Mình đi đường làm rớt tiền, họ kêu réo mình cho bằng được, để mình quay lại lượm tiền. Họ không biết khái niệm.trộm cắp là gì.

Bà Phương chỉ ngón tay trỏ về phía bốn bạn trẻ:

- Bây giờ thì mẹ biết lý do tại sao các con cứ thích chui lên gác xép. Là để trở về thời quá khứ phải không? Tại sao lúc dì Ngọc có ý định lấy chiếc gương đem bán, tụi con không để nó trong phòng riêng cho chắc ăn mà phải thức đêm thức hôm canh chừng cực khổ vậy?

Phan giải thích:

- Chiếc gương tự nó không đưa tụi con trở về thời quá khứ. Nó phải được kê ngay đúng vị trí đó, nơi có chiếc gương thứ hai của Sông Hương, bạn tụi con. Đế gỗ của hai chiếc gương phải khớp vào nhau, thì cánh cửa thời gian mới mở ra.

Dì Ngọc kêu lên:

- Vậy nếu tao hưng chiếc gương về thành phố thì cũng là vô ích?

Bốn bạn trẻ cùng khẳng định thật to:

- Hoàn toàn vô ích!

Dì Ngọc thở dài sườn sượt:

- Thỉnh thoảng... cho tao qua bển chơi được không? Ở đây tao thấy cô đơn quá.

Rồi dì Ngọc quay sang nhìn bà Phương, giọng hưng phấn hơn một chút:

- Nè, Phương ơi, những người đó quê mùa và lạc hậu thiệt, nhưng đám đàn ông có cái nét mặt chất phác rất hay. Mà nghe mấy đứa nhỏ nói tính tình họ lương thiện, tao càng khoái. Đàn ông thời nay chỉ là một bọn lừa đảo, xảo trá. Tao muốn qua bển để... kiếm chồng.

Ông Đặng nhướng mày, nhún vai rồi bỏ đi. Bốn bạn trẻ nhìn nhau cười tủm tỉm. Bà Phương tỏ vẻ ủng hộ người chị họ:

- Tốt thôi. Nhưng tui khuyên chị hãy giữ kín mồm kín miệng về chuyện chiếc gương thời gian này. Chị không được tiết lộ cho người khác biết - đặc biệt là bạn bè của chị. Hoặc họ ăn cắp nó - vì họ không biết chuyện hai cái đế gỗ phải khớp nhau. Hoặc họ sẽ lẻn lẻn chui qua bên kia ăn cắp đồ - giống chị - và hủy hoại cuộc sống yên lành của những người thời quá khứ. Hoặc mấy mụ xồn xồn cô đơn - như chị - muốn quơ hết đàn ông lương thiện ở bên đó...

Dì Ngọc nghe trúng ý, cười ha hả:

- Yên tâm đi. Tụi bây yên tâm đi. Bây giờ tao sẽ giữ gìn chiếc gương thiệt kỹ, cho tới khi nào tao tìm được một ý trung nhân! Lời thề danh dự của tao đó!

Khi dì Ngọc trở về phòng riêng rồi, ở trong bếp, bà Phương hỏi riêng Thùy:

- Hồi nãy con nói tụi con có một người bạn ở bên đó hả?

Thùy khoe ngay:

- Chị Sông Hương đó mẹ. Gia đình chỉ người Huế. Chỉ(*) dễ thương lắm. Chỉ mới mười lăm tuổi mà chững chạc hơn đám bạn gái trong lớp anh Châu nhiều. Hình như chỉ "kết" anh Phan hay sao đó. Con thấy chỉ đối xử ưu ái với anh Phan hơn với anh Châu.

(*) Chị ấy

Giọng bà Phương nhuốm chút tò mò lẫn quan tâm:

- Họ... ra sao hả con? Cuộc sống của họ có khác mình lắm không?

Thùy cười xòa:

- Họ y chang mình thôi, mẹ ơi. Cuộc sống của họ nghèo nàn hơn, lạc hậu hơn, không biết gì về khoa học kỹ thuật. Nhưng dì Ngọc nói đúng, họ dễ thương lắm.

Bà Phương mỉm cười:

- Vậy hôm nào nhà mình không có khách du lịch, con rủ bạn con qua đây chơi. Mẹ sẽ đãi bạn con vài món ngon của người Huế.

Thùy nhảy tưng tưng rồi ôm lấy bà Phương hôn "chụt" vào má bà:

- Hoan hô! Cám ơn mẹ nha. Con sẽ báo tin vui này cho anh Phan và anh Châu biết.

Thùy vọt nhanh ra khỏi bếp. Bà Phương và cô Hằng nhìn theo bóng nhí nhảnh của cô, cùng mỉm cười.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #đn