chương hai: một thế giới khác?
Đông hải tiên chiến.
Nhất niệm sinh.
Chương hai.
"Nghĩa phụ..."
"Nghĩa phụ, Hiểu Lan... xin lỗi."
"Xin lỗii."
...
"Này huynh."
...
"Này huynh mau tỉnh lại."
"Mau tỉnh lại."
Có tiếng ai đó thúc dục bên tai Nguyễn Chí mấy lượt.
Lại có ai đó vừa lay người vừa mất kiên nhẫn nói như hét vào tai hắn.
Sau đó không khí có vẻ yên tĩnh lại một chút khi người vừa hét dường như bị ai đó khiển trách nên im bặt. Cũng không còn ai lay thúc Nguyễn Chí nữa.
...
Nguyễn Chí khó nhọc mở mắt ra. Thứ đầu tiên đập vào mắt hắn là cảnh bầu trời xanh thẳm và cột buồm cao lớn. Lớn và đẹp đẽ hơn hết thảy những cột buồm hắn từng thấy. Hắn không dám chắc có phải mình đang mơ không khi sờ thấy sàn gỗ cứng dưới lưng và nghe tiếng sóng vỗ bên tai. Cảm giác rất chân thực.
Nguyễn Chí nhắm mắt hít thở sâu một lát mới ngồi dậy. Thấy thân thể vẫn nguyên vẹn thì tạm gác lại suy nghĩ sao bản thân thoát chết, thay vào đó phải xác định hoàn cảnh lúc này, bèn vịn mạn thuyền đi chầm chậm lên phía trước thân tàu.
"Ô lão cẩu, ngươi lại thua rồi." Tiếng một người đàn ông cười đắc ý.
"Mẹ nhà hắn chứ, hôm nay ông mày thật đen đủi, biết ngay mà, vác tên thư sinh dài lưng kia trên vai thật chẳng có quả ngon." Một người giọng thô lỗ đáp.
Lại có người trêu y: "Thế sao ngươi không giả say, giả bệnh như mọi lần a."
Có tiếng vỗ bàn nghe 'rầm'. Người thô lỗ kia cao giọng: "Ngươi tưởng ta không nghĩ tới chắc, đáng tiếc lúc đó bầu rượu của ta vừa hết, lại bị đại tiểu thư dọa bỏ ta lại bãi đá ngầm nếu không vác tên kia lên thuyền, mẹ hắn chứ, phát hiện ra hắn là Ô mỗ, vác hắn lên thuyền cũng là Ô mỗ, vậy mà giờ hắn còn nằm bất tỉnh, một câu cảm tạ cũng không nói được, thật không có quả ngon ăn."
Cả bọn quay ra cười khoái trí như chọc khoáy vào "nỗi đau" của người họ Ô.
"xin lỗi." Một tiếng nói phát ra từ đằng sau có vẻ lạc lõng giữa những tiếng cười bỗ bã.
Cả bọn im bặt ngoảnh nhìn lại. Thấy một thanh niên sắc mặc bệch bạc nhưng ánh mắt rất bình tĩnh nhìn bọn họ, chính là tên 'thư sinh dài lưng' trong lời của lão Ô.
Nguyễn Chí nhìn một vòng người ngồi quanh tấm vải bố, bên trên nằm la liệt những thẻ gỗ khắc vẽ hình tự kỳ lạ.
"Xin hỏi các vị nơi này là nơi nào?"
Đám lão Ô không ai đáp lời hắn, trợn mắt lên như thể nhìn thấy thằng ngốc. Cuối cùng một người râu tóc lốm đốm bạc có vẻ lớn tuổi nhất trong bọn mở miệng: "Cậu tỉnh rồi à, đây là thương thuyền của Trần gia, đang trên đường quay về Mân quốc, thấy cậu bất tỉnh bên bãi đá ngầm nên cứu lên, không biết cậu thuộc tàu nào, còn có những ai ngộ nạn giống cậu không?"
"Mân quốc?" Nguyễn Chí nghi hoặc, lục lại hết những ghi chép trong các thư tịch hắn đã đọc qua mà không biết là nước nào, lắc đầu nói: "Tại hạ chẳng nhớ gì cả."
"Lão thấy phục trang và khẩu âm của cậu không giống người những nước lân bang, không lẽ cậu tới từ nam đảo?" Người râu bạc vẫn kiên nhẫn hỏi.
Lúc lão nói hai chữ 'nam đảo' sắc mặt đám người có chút nghiêm nghị.
Thấy ánh mắt bọn họ có chút là lạ, Nguyễn Chí vội nói: "Tại hạ hiện tại không thể nhớ được gì cả, cũng không có chút ấn tượng nào về chuyện trước đây."
Lời này thật khó khiến đám lão Ô tin được. Nguyễn Chí cũng biết vậy nhưng không còn cách nào khác, khi chưa biết rõ hoàn cảnh nơi này thì chỉ có thể viện lý do mất trí nhớ để tạm thoái thác.
"Ngươi nói ngươi mất trí nhớ?" Người lúc nãy bị gọi Ô lão cẩu chen miệng hỏi, ngữ khí mười phần nghi ngờ.
"Vâng, có thể tạm thời chưa nhớ ra." Nguyễn Chí cố gắng nói cho thật đơn giản và khả tín nhất.
"..." bọn lão Ô im lặng ngó hắn.
"Hắn không phải người 'nam đảo' đâu, bọn người kia vừa đen đúa vừa hung hãn, không giống hắn...". Một giọng nói trong trẻo vọng xuống, kéo Nguyễn Chí ra khỏi cảnh lúng túng. Hắn vội ngẩng nhìn lên, chỉ thấy bóng dáng một nữ tử đứng sau bức màn thưa cửa sổ một tòa thượng lâu. Thầm đoán đây hẳn là một thiếu nữ trẻ rất có địa vị trên thuyền.
Quả nhiên thấy đám lão Ô vội đứng dậy khom mình thi lễ.
"Lão Bàn, lên thượng lâu." Thiếu nữ kia lại nói.
"Vâng, Đại tiểu thư." Người lúc nãy hỏi Nguyễn Chí đáp, sau đó nhanh chóng đi tới thang gỗ, trèo lên trên.
Ước chừng một khắc sau, lão Bàn đi xuống, nói với Nguyễn Chí: "Đi theo ta" xong hướng phía trước dẩn đường. Đám lão Ô vội dạt ra một lối nhỏ cho hai người.
"Tạm thời cậu ở phòng này." Đến một gian phòng nhỏ lão Bàn chỉ tay góc phòng: "Ở đó có y phục mới, cậu tranh thủ thay vào, còn y phục của cậu nếu không thực sự cần thiết thì vứt xuống biển đi." Lão lại dặn dò thêm mấy việc cần chú ý nữa mới bỏ đi.
Nguyễn Chí cầm y phục lên đánh giá một chút. Chất vải không quá thô, trên in một vài hoa văn đơn giản hình sóng lượn rất đẹp đẽ. Sau gáy áo có in một tiêu ký giống như một loại chữ viết, hắn đoán có thể là tiêu ký của Trần gia.
Thay xong y phục Nguyễn Chí nằm ngẫm nghĩ những việc phải làm tiếp theo mà trong đầu vẫn chưa hiểu được tại sao mình lại ở đây. Nhưng hắn cũng biết hiện thời không thể gấp gáp vì bọn lão Ô còn đề phòng người lai lịch không rõ ràng như hắn.
...
Trong một gian thượng lâu.
"Đại tiểu thư, người không sợ tên kia là gian tế địch quốc trà trộn vào chúng ta à?" Giọng lão Bàn khẽ nói.
"Y không giống." Giọng thiếu nữ Nguyễn Chí trông thấy lúc trước đáp lại. Nàng ngồi sau một bức rèm lụa, hai tay từ tốn nâng trà cụ, hãm nước trà. Đoạn nàng rót ra hai ly nhỏ, một ly giữ lại, ly kia đặt lên khay trà bên ngoài. Bàn tay thò ra khỏi rèm thuôn thuôn như búp măng, trắng như bạch ngọc không tỳ vết, quả thực là tuyệt tác của tạo hóa.
"Tạ đại tiểu thư ban trà." Lão Bàn cung kính nâng chung trà lên uống một hơi cạn ly, đoạn nói: "Nhưng người của chúng ta tìm quanh bãi đá ngầm chỗ hắn mắc cạn mà không thấy bất cứ dấu vết thuyền bè gặp nạn, không lẽ hắn từ trên trời rơi xuống, hoặc giả có người thả hắn lại đó, nếu..."
"Được rồi." Thiếu nữ cắt lời lão, nâng ly trà lên nhấp một ngụm. "Hồng bao của Tào đội trưởng ngài đã chuẩn bị chưa?"
"Lão đã chuẩn bị, nhưng thêm một tên ngoài danh ngạch nữa có thể sẽ bị tên họ Tào viện cớ vòi tiền."
"Hắn không ngu ngốc đến mức tự chặt tài lộ của mình đâu, mấy năm qua chúng ta cấp tiền cho hắn chẳng qua là giữ mặt mũi cho đội Tuần duyên, chứ không phải vì cái chức đội trưởng cỏn con ấy." Thiếu nữ đặt ly trà xuống, xếp lại trà cụ, nói: "Ngài cứ theo lệ thường mà làm việc."
Nói đoạn nàng ngồi yên lặng như vậy một lúc, tựa như suy nghĩ việc gì.
"Vậy lão xin đi làm việc." Thấy nàng không còn chuyện giao phó, lão Bàn vội nói rồi đứng dậy thi lễ, xong quay người đi ra cửa.
Đi chưa mấy bước chợt nghe tiếng thiếu nữ hỏi với theo: "Trà này thế nào?"
Lão Bàn hơi ngẩn ra, cười khà đáp: "Trà ngon."
"Ngài lúc nào cũng chỉ nói mỗi câu đó, thực chẳng biết phẩm trà." Thiếu nữ nhàn nhạt nói.
Lão Bàn mặt già đỏ lên, vội rảo bước nhanh ra ngoài.
Còn lại một mình thiếu nữ trầm tư một lát đoạn lật tay, từ trong tay áo trượt ra một miếng sắt đen , trên khắc đầy hình nhật nguyệt tinh tú, tám góc có tám ký tự giống như ghi lấy phương hướng. Trông thì giống la bàn của người đi biển nhưng chính giữa không có kim chỉ nam mà chỉ được mài bóng loáng như gương.
"Chẳng lẽ ta nhầm." Nàng lẩm bẩm tự nhủ, tay ngọc khẽ vuốt ve mặt giữa miếng sắt vẫn đương ảm đạm vô quang.
...
Trong mấy hôm kế, Nguyễn Chí y theo căn dặn của lão Bàn, ngoài những lúc thật cần thiết ra, thời gian còn lại đều ở trong phòng. Tranh thủ lúc ăn cơm hay rửa mặt buổi sáng Nguyễn Chí lân la bắt chuyện với đám lão Ô. Nhờ vậy hắn cũng biết được đại khái tình hình lúc bọn họ phát hiện ra mình.
Thì ra thuyền của người Trần gia nhân có mối buôn bán với một nước lân bang là Đông Âu quốc mà phải đi thuyền qua eo biển Lão Nha, nơi có một bãi đá ngầm rất lớn, khi thủy triều rút xuống là thuyền bè không qua lại được. Vì một vài nguyên do mà hải trình của họ bị chậm trễ, thuyền đến vừa lúc nước triều rút xuống, đành phải neo lại. Đúng lúc lão Ô phát hiện một người nằm bát tỉnh giữa bãi đá ngầm, vị chủ quản thương thuyền này, Trần gia đại tiểu thư lệnh cho lão Ô mang lên thuyền. Người được cứu đó chính la Nguyễn Chí, cũng do vạy mới có chuyện lão Ô oán hắn như vậy. Việc sau đó thì Nguyễn Chí đã biết, nhưng càng tìm hiểu về nơi này hắn càng bối rối như người đi trong sương mù.
Có vẻ như Nguyễn Chí đã ở một nơi cách rất xa bổn quốc vì dựa vào những ghi chép trong thư tịch hắn đã đọc thì nước Việt bắc giáp Thanh quốc, tây giáp các nước Lan Xan, Miên, Xiêm, nam giáp các quốc đảo thổ dân. Nếu đúng là vô tình trôi vào một nước nào trong mấy nước nói trên thì hắn đã có thể đễ dàng biết được vì nghĩa phụ từng kể ra rất nhiều đặc điểm phân biệt cho hắn.
Những cái tên Mân quốc, Đông Âu quốc, Tây Âu quốc... chắc chắn Nguyễn Chí chưa từng nghe đến trước kia. Nhưng có một điều kỳ lạ là ngôn ngữ của hắn và bọn họ lại cực kỳ giống nhau, hầu như chỉ có chút khác biệt về phương ngữ cho nên bọn họ mới lầm tưởng hắn ở một nơi nào đó tên là 'nam đảo'.
...
Thuyền đi được năm hôm nữa thì cập vào một hải cảng sầm uất, mặc dù giữa chừng gặp một đội thuyền tuần duyên làm ra vẻ kiểm tra nhân khẩu trên thuyền rất gay gắt nhưng sau một lát liền rời đi. Ngay cả cửa phòng của Nguyễn Chí cũng chưa từng gõ qua.
Cập bến, đám lão Ô bận rộn xếp dỡ hàng hóa xuống bãi. Còn lại một mình Nguyễn Chí thong dong đi lại ngắm nhìn phong thổ nơi này. Cảng này có quy mô lớn hơn rất nhiều những cảng mà hắn từng biết. Người đi kẻ lại tấp nập, sắc phục, dáng người cũng rất pha tạp, dường như đến từ nhiều nơi.
"Cảng này tên Kim Bát, rất gần đế đô Mân quốc, không những cực kỳ nổi tiếng trong các nước xung quanh mà các nơi xa xôi như Nam Đảo, Lâm Na cũng biết đến đấy." Lão Bàn không biết đến bên Nguyễn Chí từ lúc nào, đột nhiên nói.
"Vậy sao." Nguyễn Chí tặc lưỡi nói, bụng nghĩ không lẽ ông lão này vẫn còn muốn dò xét lai lịch mình hay sao mà nói mấy lời ấy.
Lão Bàn liếc nhìn Nguyễn Chí, thấy sắc mặt hắn rất bình thường thì hơi thất vọng.
Đương lúc lão còn muốn nói thì một người mặc trang phục Trần gia chạy lại thi lễ nói: "Bàn quản sự, đại tiểu thư gọi ngài mang theo vị công tử này đến gặp."
Lão Bàn ừ đáp, xong ra dấu cho Nguyễn Chí theo lão.
Đến trước một gian mộc xá có hai viên hộ vệ đứng gác, lão Bàn gõ cửa, một lát có thị nữ mở cửa dẩn hai người vào.
Trong phòng bày trí đơn giản. Ngoài một trà kỷ và hai cái bồ đoàn ra không còn gì khác. Chính giữa có bức màn lụa ngăn đôi gian phòng thành hai không gian riêng biệt.
Nguyễn Chí quan sát một vòng xong nhìn kỹ phía sau màn, thấy bóng dáng một người nữ ngồi trên trường kỷ, hai bên có thị nữ đứng hầu.
Hai người Nguyễn Chí vừa ngồi xuống bồ đoàn, người nữ ngồi giữa liền hỏi: "Vị công tử này không biết xưng hô thế nào?"
Nghe giọng, Nguyễn Chí biết là thiếu nữ lần trước.
"Tại hạ không nhớ tên họ trước đây, tạm lấy tên là Chí, tiểu thư cũng có thể gọi bằng A Chí cũng được." Nguyễn Chí cười đáp, lại bồi thêm một câu: "Lần trước được tiểu thư cứu trợ, rồi trong khoảng thời gian này lại nương nhờ trên thuyền của tiểu thư, thật không biết phải cảm tạ thế nào cho đủ."
"Công tử khách khí rồi, chỉ là việc nhỏ thôi." Thiếu nữ thản nhiên nói. Lại hỏi: "Sau này công tử định thế nào?"
"Còn chưa có dự tính, chẳng lẽ đại tiểu thư có gợi ý gì cho tại hạ?"
"Quả thực có ý này." Thiếu nữ gật đầu nói. "Không dấu gì công tử tiểu nữ vốn là đệ tử một môn phái tên là Hoa Linh cốc, mấy hôm nữa bổn phái sẽ tổ chức tuyển nhân ở ngoại ô đế đô, công tử có muốn đến xem chăng?"
Nguyễn Chí ngẩn ra, không biết cái gì mà môn phái, đệ tử, tuyển nhân... nhưng nghe chừng có vẻ mình có chỗ nào hữu dụng với nàng nên mới chủ động ngỏ ý. Nguyễn Chí không tiện chối từ, cũng muốn biết xem môn phái ở nơi này là dạng gì nên đáp ứng luôn.
Lão Bàn ngồi bên cạnh, từ đầu đến cuối hết kinh ngạc nhìn thiếu nữ lại trợn mắt nhìn Nguyễn Chí, giống như nghe một chuyện cực kỳ hoang đường. Đáng tiếc Nguyễn Chí không có chú ý đến lão.
...
Mất nửa ngày mới xếp hết hàng hóa trên thuyền xuống, đoàn người Trần gia lúc này lại chia hai đường mà đi. Một nhóm gồm phần đông người làm và đám Ô lão, do lão Bàn dẫn đầu dùng xe ngựa chở hàng hóa xuôi xuống nam. Nhóm kia chỉ có vài tên hộ vệ, thị nữ đi theo xe của thiếu nữ đại tiểu thư ngược bắc, lên đế đô.
A ở trong nhóm thứ hai, cũng được cấp cho một con ngựa đi giữa đám hộ vệ. Ban đầu hắn còn có hứng thú ngó đông nhìn tây mỗi khi đi qua một thôn trấn, càng về sau càng nhàm chán chẳng buồn xem nữa, chỉ tập trung cưỡi ngựa cho kịp đoàn người. Kỹ thuật cưỡi ngựa của hắn rất kém lại không tập trung nên thường tụt lại phía sau, nhưng đám hộ vệ lại rất biết điều, hắn đi nhanh họ cũng đi nhanh, đi chậm thì họ chờ, đôi lúc còn kín đáo chỉ cho hắn kinh nghiệm cưỡi ngựa, nhờ vậy chỉ sau mấy ngày thuật cỡi ngựa của Nguyễn Chí đã tốt lên thấy rõ.
Một hôm đi đến trước một sơn đạo nhỏ vắng vẻ, người đánh xe của đại tiểu thư Trần gia cho xe rẽ vào, đám Nguyễn Chí cũng vội theo sau. Lại đi thêm chừng nữa canh giờ thì dừng trước một sơn cốc mây mù lượn lờ. Đoàn người xuống ngựa nghỉ ngơi.
Đại tiểu thư Trần gia trước giờ luôn ở trong xe lúc này đột nhiên bước xuống. Nguyễn Chí trộm liếc chỉ thấy dáng người thực là thanh tú thoát tục, mỗi bước chân, cử chỉ đều tán phát hương thơm thoang thoảng vào không khí. Đáng tiếc nàng lại mang khăn che mặt nên chẳng ai chiêm ngưỡng được ngọc diện.
Nàng lấy từ tay áo ra một bông hoa trắng, khẽ vẫy trên không ba lượt. Lập tức có phấn hoa rơi ra, không gió vẫn tự bay lên cao, lấp lánh như kim sa. Một thứ hương thơm lạ lùng lan nhanh trong không khí, thoáng chốc người ở ngoài một dặm cũng ngửi thấy được. Sau vài khắc một thanh niên thân cưỡi dị thú như sư tử trắng từ trong sương mù chạy ra. Thấy thiếu nữ, hắn tươi cười thúc thú cưỡi dưới thân nhanh hơn.
"Tĩnh Thủy sư muội, sao muội về trễ vậy, chẳng lẽ trên đường gặp phải phiền phức gì sao?" Người thanh niên dừng trước mặt thiếu nữ, quan tâm hỏi.
Thiếu nữ Trần gia cau mày nhìn thanh niên: "Sao sư huynh lại ra đây, tuần môn đệ tử đâu."
"Tuần môn đệ tử bị ta đuổi sang khu khác, ta đặc biệt chờ muội ở đây đã mấy hôm rồi." Thanh niên cười hòa ái nói, đoạn đưa tay xuống: "Mau lên đây ta mang muội vào."
"Không dám phiền sư huynh, ta tự đi vậy." Thiếu nữ lạnh nhạt nói xong quay người lên xe, ra lệnh: "Thất Thất đánh xe, những người khác thì về Trần gia, à mời cả công tử kia cùng đi."
Có tiếng tỳ nữ đáp lại xong từ trong thùng xe đi ra, ngồi xuống vị trí người xà ích. Nàng này tuổi chừng mười bốn mười lăm, cười nhìn Nguyễn Chí nói: "Công tử mời lên xe."
Nguyễn Chí thoáng ngẩn ra: "Nhưng đại tiểu thư của cô còn ngồi trong."
Thấy Nguyễn Chí hiểu nhầm ý mình, nàng cười khúc khích, lấy roi ngựa trỏ sang bên cạnh nói: "Công tử ngồi bên phải, ta ngồi bên này."
Nguyễn Chí xấu hổ, vội quay lại cáo biệt mấy tên hộ vệ xong mới ngồi lên bậu xe.
Đợi hăn ngồi vững, Thất Thất cúi đầu chào thanh niên cưỡi dị thú rồi đánh xe đi vào trong sương mù.
Người thanh niên từ lúc bị từ chối nét mặt liền cứng lại, đến lúc đám người Trần gia bỏ đi hết y vẫn còn ngồi sững trên lưng thú cưỡi. Đột nhiên như nghĩ tới chuyện gì y bỗng nhếch mép cười quỷ dị.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro