Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

dong chu liet quoc 00000000

Đông Châu Liệt Quốc

hồi 20

Tấn hiến-công mê sắc lập Ly-cơ

Sở thành-vương chuộng tài phong Đấu Cấu

Trịnh văn-công thấy uy thế nước Tề mỗi ngày một mạnh, sợ đem binh đến đánh nước mình, bèn sai sứ cầu hòa.

Vào năm Châu huệ-vương thứ mười, Tề hoàn-công họp các nước Tống, Lỗ, Trần, Trịnh nơi đất U làm lễ huyết-thệ.

Từ ấy, các nước đều tùng phục nước Tề.

Sau lễ huyết-thệ, Tề hoàn-công trở về nước bày tiệc khao thưởng các quan. Tiệc nữa chừng, Bảo thúc-nha rót một chén rượu đầy dâng cho Tề hoàn-công và chúc thọ.

Tề hoàn-công rất đẹp lòng nói :

- Tiệc rượu ngày hôm nay vui vẻ biết bao !

Bao thúc-nha tâu :

- Bậc minh-quân, hiền-sĩ tuy vui mà chẳng quên lo . Chúa-công chớ nên quên những ngày chạy trốn sang nước Cử, Quản-Trọng chớ quên những ngày ở trong tù xa, Ninh-thích đừng quên lúc cỡi trâu dưới núi.

Tề hoàn-công cười lớn, đứng dậy xá hai cái, và nói :

- Nếu chúng ta không bao giờ quên những lúc gian nan, đó là phúc lớn cho nước ta đó.

Ngày ấy Chúa tôi vui vầy, rượu càng say, lòng người càng hoan-hỉ .

Một hôm, có sứ nhà Châu sai đến.

Tề hoàn-Công vội vã ra nghinh-tiếp.

Sứ triều truyền chỉ phong cho Tề-hầu làm Phương-bá, có quyền đem quân vấn tội các chư-hầu.

Lại giao cho Tề hoàn-công một tờ mật chiếu như sau :

Vệ hầu Sóc, đem quân giúp Vương-tử Đồi, gây loạn Thiên-triều , lòng trẫm tích oán đã mười năm, song chưa chinh phạt đặng. Nay trẫm cậy khanh toan liệu việc ấy mà rửa hờn cho trẫm.

Tề hoàn-công bái mạng, rồi đưa Thiên-sứ về nước .

Cách đó không lâu, Tê hoàn-Công hưng binh phạt Vệ.

Lúc ấy Vệ huệ-công (tức Vệ-sóc) đã qua đời , con là Thế-tử Xích lên nối ngôi xưng hiệu Vệ ý-công.

Vệ ý-công nghe binh Tề kéo đến, không cần hỏi nguyên do, cứ việc đem quân ra thành chống cự. Nhưng đánh không lại, bị thua một trận khá lớn, phải kéo binh trở về cố thủ.

Tề hoàn-Công đem binh vây thành hạch tội Vệ huệ-Công thuở trước.

Vệ ý-công nói :

- Đó là lỗi của Tiên-quân ta, đâu có can hệ gì đến ta mà sợ !

Nói rồi sai con trưởng là Khai-phương đem lễ vật xin giảng hòa .

Tề hoàn-công nói :

- Theo phép nhà Châu ta thì không bắt tội đến con cháu. Nay Vệ huệ-công đã chết, ta cũng nên khoan thứ.

Nói rồi, thâu lễ vật , thừa nhận việc cầu hòa, rồi rút quân về nước.

Công-tử Khai-phương thấy nước Tề cường-thịnh, xin được làm quan nơi nước Tề .

Tề hoàn-công nói :

- Ngươi là con trưởng của Vệ-hầu, tất ngày sau lên nối ngôi , tại sao lại bỏ ngôi của mình mà sang làm tôi ở nước ta ?

Công-tở Khai-phương tâu :

- Chúa-công là bậc hiền đức trong thiên-hạ, nếu được hầu hạ chúa-công tôi tưởng còn sung sướng hơn là làm vua.

Tề hoàn-công suy nghĩ, rồi phong cho Khai-phương làm quan Đại phu, và cũng thân yêu như bọn Thụ-Điêu và Dịch-Nha vậy.

Người nước Tề gọi ba người nầy là "Tam quí" . Nghĩa là ba người

được vua tin nhứt.

Công-tử Khai-phương lại nói với Tề hoàn-công rằng :

- Vệ huệ-công trước kia còn lại một người con gái rất đẹp , chưa định vu-quy.

Tề hoàn-công hỏi :

- Con gái Vệ huệ-công là Vệ-Cơ ta đã cưới về làm phu-nhân rồi , nay còn một người em nữa sao ?

Công-tử Khai-phương nói :

- Tâu Chúa-công, thật đúng vậy. Nàng này là em nhưng nhan sắc còn mặn mà hơn.

Tề hoàn-công mừng rỡ sai người đến thương lượng với Vệ ý-Công , xin rước về làm tiểu thiếp.

Vệ ý Công không dám trái lời, phải đưa Vệ-Cơ sang Tề.

Tề hoàn-Công gọi người chị là Trưởng Vệ-Cơ, người em là Thiếu Vệ-Cơ để

phân biệt. Hai chị em đều được Tề hoàn-công yêu chuộng cả.

Đây nói qua việc Tấn. Chúa nước Tấn lúc bấy giờ là Tấn hiền-Công , con của Xưng-đại tức là Tấn Võ-công.

Hiến-công lúc còn làm Thế-tử, cưới nàng Giả-thị làm chánh thất nhưng không con, bèn cưới cháu gái của Khuyển-Nhung là Hồ-Cơ làm thứ thất, sinh đặng một trai là Trùng-nhĩ . Sau đó lại cưới thêm con gái họ Doãn, sinh đặng một trai là Di-ngô.

Lại nữa, trong lúc Tấn võ-Công còn sang có cưới nàng Tề-Khương, con nhà tôn-thất nước Tề làm tiểu thiếp. Nhưng Tấn võ-công đã già, còn nàng Tề-khương còn trẻ, nên Hiến-Công tư thông với Tề-khương (tiểu thiếp của cha) ăn ở với nhau sinh đặng một trai là Thân-sanh.

Đến lúc Hiến-công lên ngôi, thì chánh thất Giả-thị đã qua đời .

Tấn hiến-công bèn lập nàng Tề-Khương lên làm chánh-thất, và con nàng Tề-khương là Thân-sanh lên làm Thế-tử, mặc dầu lúc đó Trùng-Nhĩ, Di-ngô, cũng là con của Tấn hiền-công, đã lớn tuổi hơn .

Sau đó Tề-khương sinh thêm được một gái nữa, mới mãn phần .

Nàng Tề-khương chết , Tấn hiến-công cưới em gái nàng Giả-thị là Giả-quân làm tiểu thiếp, nhưng Giả-quân cũng không con, Tấn hiến-Công bảo phải nuôi con gái mới sinh của Tề-khương làm con nuôi.

Chưa hết, Tấn hiến-công lên ngôi được mười lăm năm , cử binh sang đánh nước Ly-nhung. Chúa Ly-nhung bị thua, dâng hai người con gái cho Tấn hiến-công mà cầu hòa. Hai người con gái ấy , người lớn là Ly-cơ, người nhỏ là Thiếu-Cơ. Nàng Ly-cơ xinh đẹp phi thường, nhan sắc không thua Tức-Vĩ , tướng mạo không nhường Đắc-Kỷ, lại thêm lòng dạ nham hiểm, đũ mánh khoé làm say lòng người , do đó Tấn hiến-công rất yêu chuộng.

Chẳng bao lâu, Ly-cơ sanh đặng một trai là Hề-Tề, còn Thiếu-Cơ cũng sanh đặng một trai là Trác-tử .

Vì quá yêu nàng Ly-cơ, Tấn hiến-công không còn thiết gì đến mối tình nàng Tề-Khương thuở trước, muốn lập Ly-Cơ lên làm chánh-thất, bèn đòi quan Thái-bốc là Quách-yến vào triều bảo :

- Khanh thử bói một quẻ xem ta lập Ly-cơ lên chánh-thất có đặng chăng ?

Quách-yến tuân lời gieo quẻ, rồi nói :

- Quẻ không tốt. Điềm ứng việc thay đổi lộn xộn không hay.

Tấn hiến-công không tin, truyền quan Sử-tô bói lại.

Quan Sử-tô cũng cho là xấu, và nói :

- Tâu Chúa-công, chư-hầu không đặng cưới vợ hai lần , nay Chúa-công đã lập chánh thất rồi, mặc đầu chánh thất sớm lìa trần nhưng vẫn có con trai. Nếu Chúa-công lập chánh-thất nữa thật trái lẽ .

Tấn hiến-công không nghe, chọn ngày cáo với Thái-miếu , rồi lập Ly-cơ làm Chánh-cung, Thiếu-cơ làm Thứ-phi.

Sử-tô thấy vậy thở dài , nói riêng với quan Đại-phu Lý-khắc :

- Nước Tấn ta sắp mắt rồi ! Biết làm sao !

Lý-khắc nghe nói giật mình hỏi :

- Sao thế ! Ai làm mất nước Tấn ?

Sử-tô đáp :

- Nước Tấn ắt phải bị mất về tay nước Ly-nhung. Ngày xưa vua Kiệt nhà Hạ, đánh nước Thi , người nước Thi dâng nàng Muội-Hỉ, vua Kiệt yêu Muội-Hỉ mà nhà Hạ mất. Vua Trụ nhà Ân đánh nước Tô, người nước Tô dâng Đắc-kỷ, vua Trụ yêu Đắc-Kỷ mà nhà Ân mất. Vua U-vương nhà Châu đánh nước Bao, người nước Bao dâng Bao-tự, vua U-vương yêu Bao-tự nên nhà Tây Châu suy mất. Nay Chúa-công đi đánh nước Ly-Nhung người Ly-Nhung, dâng gái đẹp mà Chúa-Công say mê như thế , lẽ nào nước Tấn còn được.

Lúc đó có quan Thái-bốc là Quách-yến bước vào, Lý-khắc đem những lời của Sử-tô thuật lại.

Quách-yến nói :

- Cứ theo quẻ, thì nước Tấn ta bị loạn chứ chưa mất , vì tiên-quân ta mới được thọ-phong ở nước Tấn này, nên vận nước còn dài.

Lý Khắc hỏi :

- Đến bao giờ thì loạn ?

Quách-yến nói :

- Chi trong mười năm nữa mà thôi.

Ba vị đại thần nhìn nhau buồn bã rồi lui về.

Kế đó, Tấn hiến-công tỏ ý muốn lập con trai nàng Ly-cơ lên làm Thế-tử. Một hôm nói với Ly-cơ :

- Nay phu nhân ở chức chánh cung, chẳng lẽ không lập Hề-Tề , con trai của phu-nhân, lên làm Thế-tử sao phải lẽ ?

Ly-cơ nghe nói lòng mừng khấp-khởi, nhưng nàng vốn là một kẻ mưu mô, thâm hiểm, bèn nghĩ thầm :

- Thân-sanh được phong Thế-tử đã lâu , nay vô cớ mà phế đi ắt quần thần chẳng phục. Hơn nữa Trùng-nhĩ và Di-ngô lại thân mật với Thân-sanh lắm. Nếu bây giờ nói ra chưa làm chi được, mà họ lại biết trước đề phòng, thì sau nầy rất khó.

Nghĩ như vậy, bèn tâu với Tấn hiến-công :

- Khi Chúa-công lập Thế-tử Thân-sanh, cả chư-hầu đều biết. Nay Thế-tử không có tội gì mà Chúa-công tính việc phế-lập, thiếp thà chết chứ không dám vâng mệnh.

Tấn hiến-công ngỡ Ly-cơ có lòng tốt , khen ngợi vô cùng, rồi bỏ qua việc ấy không nói đến nữa.

Trong triều có hai người tôi được Tấn hiến-công rất yêu mến.

Một người là Lương-ngũ và một người là Đông quang-ngũ. Cả hai họp sức với Tấn hiến-công lo việc quốc-chính. Vì được yêu dùng nên hai người nầy làm lắm chuyện lộng quyền, đến nỗi người nước Tần gọi là "nhị-ngũ" . Nghe tiếng "nhị-ngũ" ai cũng phải sợ.

Cũng trong lúc ấy, có một phường hát tên Ưu-thi, trẻ tuổi, đẹp trai, có tài khôi hài rất duyên dáng, vì vậy Tấn hiến-công rất thích , cho phép được tự-do ra vào cung điện, không ai ngăn cấm cả.

Ly-cơ được thế, tư tình với Ưu-thi, hai bên tỏ ra tương đắc .

Một hôm, Ly-cơ đem ý muốn lập Thế-tử Hề-Tể nói với Ưu-Thi .

Ưu Thi đáp :

- Ba vị Công-tử kia còn ở tại Kinh-đô, việc đó khó thực hiện được . Nay phải tìm cách đưa ba người ra trấn cõi ngoài rồi tùy cơ ứng biến.

Ly-cơ hỏi :

- Thế thì ta đem ý ấy bàn với Chúa-công có đặng chăng ?

Ưu-thi nói :

- Không nên, nay trong triều có "nhị ngũ" nói gì mà Chúa-công chẳng nghe . Phu-nhân nên đem vàng bạc mua lòng mà giao kết với họ. Hễ "nhị ngũ" thưa thuận thì việc chẳng khó gì .

Ly-cơ liền đưa vàng bạc cho Ưu-thi đem lo lót cho Lương-Ngũ và Đông quang-ngũ.

Ưu Thi lãnh mạng, đến nhà Lương-ngũ trước và nói :

- Thưa ngài, phu-nhân muốn làm đẹp lòng ngài nên sai tôi đem lễ vật đến đây, mong ngài không từ chối .

Lương-ngũ nghe nói, ngạc nhiên hỏi :

- Phu-nhân có dặn điều chi chăng ? Nếu không nói rõ tôi đâu dám nhận ?

Ưu Thi đem mưu kế của Ly-cơ , thuật lại.

Lương-ngũ nói :

- Việc nầy phải có Đông quang-ngũ giúp sức mới xong.

Ưu Thi nói :

- Phu-nhân củng có lễ vật biếu Đông-quang-ngũ như ngài.

Hai người liền dắt nhau đến nhà Đông quang-ngũ để cùng nhau đàm luận.

Sáng hôm sau, Lương-Ngũ vào triều thưa với Tấn hiến-công :

- Đất Khúc-ốc là chỗ Tiên-quân thuở xưa lập nghiệp, hiện nay tôn miếu hãy còn. Còn đất Bồ và đất Khuất, tiếp giáp với Nhung-Định là một nơi trọng địa. Ba chỗ ấy cần phải có người ra trấn thủ, xin Chúa-công sai Thế-tử Thân-sanh ra trấn nơi Khúc-ốc, Công-tử Trùng-Nhĩ ra trấn nơi đất Bồ và Công-tử Di-ngô ra trấn nơi đất Khuất . Được như vậy giang-san nước Tấn mới vững vàng.

Tấn hiến-công nói :

- Đất Khúc-ốc thì phải rồi, còn đất Bồ và đất Khuất là hai nơi hoang-địa, tại sao lại phải cho hai vị Công-tử ra trấn giữ ?

Đông quang-Ngữ quỳ tâu :

- Tuy hoang-địa nhưng lại là nơi trọng địa. Nếu xây thành sửa sang cho kiên cố thì đất ấy trở nên trù mật. Và nước Tấn sẽ giàu mạnh hơn các chư hầu.

Tấn hiến-Công nghe lời sai Thế-tử Thân-sanh ra trấn thủ nơi Khúc-ốc, có quan Thái-Phó Đỗ nguyên-Khoản theo hầu . Công-tử Trùng-Nhỉ ra trấn nơi đất Bồ, có Hồ-Mao theo hầu . Công-tử Di-Ngô ra trấn nơi đất Khuất, có Lã di-Sảnh theo hầu .

Ba vị Công-tử đi rồi trong triều chỉ còn có Hề-Tề và Trác-tử gần gũi Tấn hiến-công .

Nàng Ly-cơ lại tìm hết mánh khóe để làm say lòng vua Tấn.

Lức bấy giờ Tấn hiền-công chia quân ra làm hai đạo : Thượng quân và hạ quân. Đạo thượng quân thì do Tấn hiến-công điều khiển, còn đạo hạ quân thì giao cho Thế-tử Thân-sanh xử dụng.

Thân-sanh cùng với quan Đại-phu Triệu-Túc và Tất-Vạn kéo quân sang chinh phục nước Cảnh, nước Quắc và nước Ngụy.

Ba nước nầy đánh không lại phải đầu hàng.

Vì vậy công lao của Thế-tử Thân-sanh rất lớn.

Mà cũng vì vậy, nàng Ly-cơ ngày đêm buồn bã, tính chưa ra kế để làm hại Thế-tử Thân-sanh được.

Đây nói đến việc nước Sở. Từ khi Sở văn-vương tạ thế, Hùng-hi lên nối ngôi. Hùng-Hi và Hùng-Vận cùng là con nàng Tức-Vĩ sinh ra, nhưng Hùng-vận tài trí hơn anh , do đó Tức-Vĩ có lòng yêu dấu . Cả đến người trong nước cũng mến phục.

Hùng-hi thấy vậy muốn tìm kế giết Hùng-vận đi để khỏi di-họa về , sau ngặt vì Hùng-vận được các quan trong triều hết lòng che chở , nên Hùng-hi không tìm ra kế.

Lần hồi, Hùng-hi chán nản, bỏ bê việc triều chính, thích săn bắn nơi chốn hoang vu . Vì vậy, Hùng-hi lên ngôi đã hơn ba năm mà chưa chỉnh đốn được việc gì cả.

Một hôm, Hùng-vận mật sai người đón đường giết Hùng-hi đi , rồi nói dối với Tức-vĩ là Hùng-hi đi săn gặp tai nạn mà thác.

Tức-Vĩ lòng nghi ngờ nhưng không tiện nói ra, bèn truyền cho các quan lập Hùng-vận lên nối ngôi, hiệu là Sở thành-vương.

Sở thành-vương phong cho người chú là Vương-tử Nguyên làm Tể-tướng.

Vương-tử Nguyên từ khi Sở văn-vương chết đi, đã có ý muốn cướp ngôi, lại thấy chị dâu là Tức-Vĩ, nhan sắc tuyệt vời, đem lòng ham muốn. Trước kia, vì sợ Đấu bá-tỷ là một Đại-thần cương-trực , lại có nhiều tài trí nên chẳng dám làm càn . Nay Đấu bá-tỷ đã chết, Vương-tử Nguyên không còn kính trọng ai nữa, mới lập lên một ngôi nhà bên cạnh cung Tức-Vĩ, ngày đêm bắt vũ-nhạc múa hát, cốt làm cho Tức-Vĩ say lòng.

Tức-Vĩ nghe tiếng, hỏi bọn thế nữ :

- Tiếng đờn ca ở đâu mà gần thế ?

Bọn thế-nữ tâu :

- Đó là tiếng nữ-nhạc bên nhà mới của quan Tể-tướng đó.

Tức-Vĩ thở dài nói :

- Tiên-quân ngày xưa chăm lo luyện tập binh-sĩ đánh dẹp các chư hầu, vì vậy các nước đều thần phục. Bây giờ quân nước Sở ta đã mười năm nay, không tiến được nữa bước trên đất Trung-quốc , thế mà quan Tể-tướng không nghĩ những điều xấu hổ ấy lại bày việc đờn ca, hát xướng bên cung gái góa nầy, thật lạ lùng làm sao !

Nội-thị đem mấy lời ấy thuật lại với Vương-tử Nguyên.

Vương-tử Nguyên lấy làm xấu hổ , nghĩ thầm :

- Một người đàn bà còn có chí như vậy, lẻ nào ta đây là một đấng trượng-phu lại chẳng nghĩ đến sao ! Nếu không đánh được nước Trịnh quyết chẳng

làm người.

Nói rồi, điểm sáu trăm cỗ binh xa, khiến Đấu ngự-cương và Đấu Ngô làm tiên-phuông, Vương-tôn Du và Vương-tôn Gia đi hậu tập rầm rộ kéo đến nước Trịnh.

Trịnh văn-công nghe tin binh Sở kéo đến đánh liền hội quần-thần thương nghị.

Đỗ-thúc nói :

- Quân-sở rất hùng mạnh, ta làm sao địch lại , chi bằng xin giảng hòa rồi sẽ tính.

Sư Thúc nói :

- Nước ta đã có minh thệ với Tề, nếu cầu cứu ắt Tề đem binh đến giúp. Xin cứ cố-thủ chờ viện binh.

Thế-tử Hoa bấy giờ còn trẻ tuổi, lòng bồng-bột nghe nói vội xin đem quân ra đối địch.

Trịnh văn-công chưa quyết lẽ nào, Thúc-thiêm quỳ tâu :

- Trong ba lời nói vừa rồi, chỉ có lời của Sư-thúc là hợp ý tôi . Tôi đoán binh Sở chẳng bao lâu phải kéo về.

Trịnh văn-công hỏi :

- Vương-tử Nguyên đã đem binh đến đây, nếu không bị thua lẽ nào chịu lui về.

Thúc-thiêm nói :

- Xưa nay nước Sở đi đánh nước ngoài chưa bao giờ dùng binh lực nhiều như thế. Lần nầy Vương-tử Nguyên cốt ý làm cho vừa lòng Tức-Vĩ. Nhưng đã cố thắng tất sẽ thua. Vì vậy không đáng sợ .

Các quan còn đang thương nghị bỗng có tin báo :

- Binh Sở đã phá đặng Kiết-thất quan, nay đã vào đến Thuần-môn rồi.

Đỗ-thức nói :

- Ấy vậy, nếu không muốn giảng hòa thì phải qua nơi đất Đồng-khâu để tránh nhuệ khí của giặc .

Thúc-thiêm nói :

- Đừng sợ gì cả ! Tôi đã có kế làm cho quân giặc phải lui .

Nói xong, sai quân giáp sĩ mai phục trong thành, rồi khiến mở bét cả bốn cửa thành ra. Dân sự, chợ búa vẫn đi lại như thường.

Tướng nước Sở là Đấu ngự-cương vừa kéo quân đến thầy vậy lòng nghi ngờ, nói với Đấu-ngô :

- Ta đến đây mà quân Trịnh không chút gì xao dộng, tất có mưu kế chi đây. Ta không nên tiến quân vội, phải án binh đợi quan Tể-tướng đã.

Nói xong, truyền đóng quân ngoài thành, cách xa năm dặm .

Được một lúc, đại binh của Vương-tử Nguyên kéo đến, Đấu ngự-Cương cáo-báo lại quân tình.

Vương-tử Nguyên lấy làm lạ, trèo lên chỗ cao xem, thấy trong thành Trịnh quân-sĩ có thứ lớp, cờ xí rộn-ràng, liền thở dài, nói :

- Nước Trịnh có ba người tài (ý nói Thúc-thiêm, Đỗ-Thúc và Sư-thúc) ắt có mưu kế chi đây. Nếu ta sơ-xuất còn mặt mũi nào trông thấy nàng Tức-Vĩ. Chi bằng cho quân thám thính kỹ, nắm được địch mình rồi sẽ liệu.

Ngày hôm sau, có quân thám thính về báo :

- Quân nước Tề , Lỗ, Tống đồng hưng binh qua cứu Trịnh.

Vương-tử Nguyên giật mình, bảo các tướng :

- Nay các nước chư hầu đem binh đến đây, trong đánh ra, ngoài đánh vào, quân ta cự sao lại. Thôi thì ta tiến quân được đến đây cũng gọi là thắng trận rồi. Bây giờ rút lui về nước thì tiện hơn .

Nói xong, truyền quân-sĩ cuốn cờ im trống, ngay đêm hôm ấy lẻn ra khỏi địa-giới nước Trịnh.

Nhưng khi về đến biên giới nước Sở lại truyền mở cờ đánh trống lên ầm-ĩ.

Về chưa đến Kinh-thành Vương-tử Nguyên đã sai người đến báo cho Tức-Vĩ hay tin quân Sở đắc thắng khải-hoàn.

Tức-Vĩ nói :

- Nếu quan Tề-tướng đắc thắng thì cáo-tế với nhà Thái-miếu, rồi truyền bá cho dân chúng biết chứ nói với gái góa nầy làm chi ?

Quân về báo lại. Vương-tử Nguyên thẹn thùng, lểnh mểnh đem quân vào thành mặt buồn khôn xiết.

Cũng trong đêm ấy, tại nước Trịnh, Thúc-thiêm thấy bốn bề yên lặng, mới cho người ra dò xét.

Quân vào báo :

- Trại quân Sở không còn một bóng người.

Thúc-thiêm dẫn các quan lên mặt thành xem, rồi chỉ vào trại địch nói :

- Quân Sở đã bỏ trốn rồi.

Các tướng không tin hỏi :

- Tại sao ngài biết được ?

Thúc-thiêm nói :

- Dinh quan Đại tướng bao giờ cũng phải có quân canh gác cẩn mật, nay thấy có đàn quạ đậu trên cây mà kêu thì biết đó là trại không người. Tôi chắc rằng quân Sở hay tin các nước chư hầu kéo đến nên đã âm thầm rút lui.

Đang lúc bàn bạc, bỗng có quân vào báo :

- Quân các nước chư hầu vừa kéo đến biên giới, hay tin quân Sở đã bỏ về nên các chư hầu đem binh trở lại.

Ai nấy vỗ tay reo hò, khen ngợi Thúc-thiêm là người cao kiến.

Trịnh văn-công mừng rỡ, mở tiệc vui vầy, Chúa tôi hỉ-hạ.

Còn Vương-tử Nguyên, từ khi đi đánh nước Trịnh không được công-trạng gì lại bị Tức-Vĩ thờ ơ, lãnh-đạm, lòng áy-náy muốn cướp ngôi nước Sở. Tuy nhiên, Vương-tử Nguyên lại định ý tư thông với Tức-Vĩ trước đã.

Gặp lúc Tức-Vĩ bị bệnh, Vương-tử Nguyên giả cách vào thăm , rồi ở mãi trong cung, không chịu về.

Quan Đại-phu là Đấu-liêm hay được, liền vào cung thấy Vương-tử Nguyên đang soi gương, chải đầu.

Đấu-liêm nói :

- Quan Tể-tướng dẫu là chú vua, nhưng vẫn là kẻ bề tôi. Vã lại, quốc-mẫu góa chồng, nam nữ nên tị-hiềm, sao Tể-tướng không nghĩ đền điều ấy

Vương-tử Nguyên nỗi giận nói :

- Quyền bỉnh nước Sở hiện ở trong tay ta. Sao ngươi dám nói càn .

Liền sai bọn thủ-hạ bắt Đấu-liêm trói lại, giam vào ngục.

Tức-Vĩ thấy hành-động lăng-loàn của Vương-tử Nguyên liền sai nội thị đến báo với Đấu-cấu ô-đồ (con của Đấu bá-tỷ) tìm mưu diệt loạn.

Đầu-cấu ô-đồ tâu với Sở thành-vương, rồi cùng với Đấu ngự-cương, Đấu-ngô và Đấu-bàn (con của Đấu-cấu) đem quân vào cung.

Vương-tử Nguyên đang vui say với bọn cung-nữ, nằm ngủ mơ màng, nghe tiếng quân reo, giật mình thức dậy, cầm gươm chạy ra.

Vừa đền cửa, gặp Đấu-ban bên ngoài cầm kiếm xốc tới .

Vương-tử Nguyên hét to :

- Thằng ranh con này, mày dám đến đây tác-loạn sao ?

Đấu Ban nói :

- Ta đâu có làm loạn, ta đến để trừ loạn đấy chứ !

Nói xong vung kiếm chém Vương-tử Nguyên.

Hai bên đánh một lúc thì Đấu-ngô và Đấu ngự-cương đến tiếp ứng .

Vương-tử Nguyên nhắm thế cự không lại bõ chạy .

Đấu-ban rượt theo chém một nhát, rơi đầu.

Giết được Vương-tử Nguyên rồi, Đấu-cấu ô-đồ mở trói cho Đấu Liêm rồi cùng nhau đến thăm Tức-Vĩ.

Xảy có lệnh Sở thành-vương triệu tập quần thần để chọn người thay thế Vương-tử Nguyên làm chức Tể-tướng.

Các quan tề tựu đũ mặt.

Sở thành-Vương muốn chọn Đấu-Liêm, nhưng Đấu-liêm một mặt chối từ, nói :

- Hiện nay nước ta có một đối thủ đáng sợ là nước Tề .

Nước Tề dùng Quản-Trọng và Ninh-Thích mà nước giàu, quân mạnh, nay Đại-vương muốn chỉnh đốn lại nước Sở tất phải dùng Đấu Cấu Ô-Đồ mới được.

Hồi 21

Quản-trọng đoán thần Du-nhi

Tề-hầu đánh nước Cô-trúc

Quân Sơn-nhung tức là nước Linh-Chi , phía Tây giáp nước Yên , phía Đông Bắc giáp với Tề và Lỗ. Chúa nước Linh-chi ỷ mình là nơi hiểm-địa, không ai dám xâm lấn nên chẳng chịu tùng phục ai, lại còn phá phách nhiều nơi, cướp bóc của cãi .

Trước đây, đã một lần xâm lấn nước Tề, bị Thế-tử Hốt nước Trịnh, đem binh giúp Tề đánh một trận phải lui về . Nay nghe nước Tề làm bá chủ, nên cử đại binh sang đánh nước Yên, mục đích làm cho nước Yên sợ oai mình, không dám tùng phục Tề nữa .

Nước Yên cự không lại, phải sai sứ sang Tề cầu cứu .

Tề hoàn-công hay tin hỏi Quản-trọng :

- Nước Yên bị giặc Sơn-nhung xâm lấn, ta phải làm cách nào để cứu nước Yên .

Quản-trọng nói :

- Yên là một nước trong hội minh chủ, nay đã cầu cứu thì không bỏ qua được. Vả lại, quân Sơn-Nhung lâu nay không tùng-phục nhà Châu, ta cũng nên mượn cớ mà đem quân chinh phạt.

Tề hoàn-công nhậm lời, kiểm điểm binh mã kéo đi .

Khi qua đến sông Tề-thức thuộc địa giới nước Lỗ, Lỗ trang-công thân hành đến nơi tiếp đón, làm tiệc đãi đằng.

Lỗ trang-công nói :

- Minh công đánh được quân Sơn-nhung chẳng những nước Yên đội ơn, mà nước Lỗ tôi cũng lấy làm toại nguyện . Vậy xin Minh-công cho tôi được đem quân giúp sức.

Tề hoàn-công nói :

- Tôi không dám làm phiền Hiền hầu đến những nơi hiểm-địa ấy . Nếu tôi không thắng được sẽ cần đến sự giúp đỡ của Hiền-hầu cũng chẳng muộn.

Nói xong từ biệt Lỗ trang-công kéo quân đi .

Lúc ấy Chúa nước Linh-chi tên Mật-lư , đem quân quấy nhiễu nước Yên đã hai tháng rồi, cướp bóc của cải, bắt đàn bà, con gái không biết bao nhiêu mà kể . Nay nghe tin binh Tề đến cứu, bèn lật đật rút lui về nước.

Tề hoàn-Công đem binh đến nơi .

Yên trang-Công khai thành nghinh tiếp, và tạ ơn khó nhọc đã đem binh đến cứu .

Quản-trọng nói :

- Quân Sơn-nhung chưa thua mà kéo về, nếu quân ta trở về ắt chúng lại đến phá rối nữa . Bây giờ phải thừa thế thẳng đến nội địa mà đánh mới dứt hậu hoạn được.

Tề hoàn-công khen phải, truyền tiến binh .

Yên trang-công thưa :

- Tôi xin đem binh đi tiên phong mà giúp Minh công .

Tề hoàn-công nói :

- Nước Yên vừa bị quân giặc tàn phá, ta nở nào để hiền-hầu đi tiên phong . Xin Hiền-hầu cứ đem binh đi sau làm tiếp ứng mà trợ oai cũng đủ.

Yên trang-công nói :

- Cách đây tám mươi dặm có một nước gọi là Vô-chung cũng là giống người Sơn-nhung nhưng không thuộc nước Linh-chi, Minh công nên sai người đi dụ để mượn chúng đưa đường thì mới tinh .

Tề hoàn-công đắc ý, liền sai Thấp-bằng đem vàng bạc đến dụ vua nước Vô-chung .

Vua nước Vô-chung sai tướng Hồ nhi-bang đem hai ngàn quân đến giúp.

Hồ nhi-bang theo Thấp-bằng đến ra mắt Tề hoàn-công .

Tề hoàn-công hậu thưởng, và khiến đi tiền đội .

Đi độ ba ngày , đến một nơi rừng núi hiểm trở, hai bên đá dựng chập chồng, Tề hoàn-công hỏi Yên trang-công :

- Chỗ nầy kêu là chỗ gì ?

Yên trang-công thưa :

- Đây là Quy-từ, yết lộ của Sơn-nhung ra vào.

Tề hoàn-công thương nghị với Quản-trọng rồi cho đốn cây lập đồn, khiến Bảo Thúc-nha ở lại đó trấn thủ, coi việc vận lương .

Cách hai ngày sau, đại binh tiến bước.

Chúa nước Linh-chi, hay được tin binh Tề đến đánh, liền sai mời Đại-tướng Tốc-mãi đến thương nghị.

Tốc-mãi nói :

- Quân Tề từ xa đến đây, binh lao mã liệt ta phải đánh gấp chớ nên trì hoãn.

Mật-lư y lời, đem quân mai phục trong rừng, rồi sai Tốc-mãi dẫn một ngàn binh, đợi nghênh-chiến.

Hồ nhi-bang vừa kéo binh thì gặp Tốc-mãi đã dàn quân sẵn.

Hai bên đánh nhầu một trận.

Tốc-mãi giả thua, kéo binh chạy.

Hồ nhi-bang đuổi theo, vừa đến giữa rừng , binh phục của Mật-Lư nổi dậy, ó lên một tiếng, áp đến chém giết, quân của Hồ nhi-Bang bị chết rất nhiều, bỏ chạy trở lại.

Còn Hồ nhi-bang bị quân của Mật-Lư bắt trói.

May thay , đại binh của Tề hoàn-Công đền kịp đánh đuổi Mật-Lư, giải cứu cho Hồ nhi-bang khỏi tay giặc đem về trại.

Hồ nhi-bang có ý thẹn thuồng.

Tề hoàn-công vỗ về, an ủi .

- Ra trận thắng-bại lẽ thường, tướng quân chớ lấy thế làm áy náy .

Nói xong chọn một con ngựa tốt tặng cho Hồ nhi-bang .

Hồ nhi-bang cảm tạ lui ra .

Tề hoàn-công tiến quân đến núi Phục-long truyền quân đóng trại nơi đỉnh núi . Lại khiến Vương-tử Thành-phủ và Tân tu-vô đóng trại dưới núi, đem những binh xa kết liền với nhau làm một bức thành giả, canh giữ rất nghiêm nhặt.

Sáng hôm sau, Mật-lư cũng với Tốc-mãi đem hơn một vạn quân đến khiêu chiến. Nhưng vì bị bức thành binh xa ngăn đón không làm sao tiến quân được, phải đánh cầm chừng.

Quản-trọng trèo lên ngọn núi cao xem thấy quân sĩ Sơn-nhung lớp nằm lăn xuống đất lớp ôm nhau nô đùa, bỏ cả ngựa xe, vũ khí . Bèn vỗ vai Hồ nhi-bang, nói :

- Lúc nầy là lúc tướng quân có thể đem quân ra đánh trả thù đó .

Hồ nhi-bang trợn mắt, nhìn số quân Sơn-nhung đang nằm dưới bãi rồi hậm hữuc kéo quân ra đi .

Thấp-bằng nói :

- Tôi e giặc Sơn-nhung dùng kế để dụ ta chăng ?

Thữuc vậy quân Sơn-nhung thấy quân Tề không ra đánh nên cho hai đội quân phục nơi mé rừng, rồi khiến một số quân sĩ giả cách trễ biếng mà dụ địch.

Tuy nhiên, Quản-Trọng đâu phải không biết binh-pháp, nhìn Thấp-bằng mỉm cười nói :

- Ta đã liệu trước cả rồi.

Nói xong khiến Thành-phủ đem một toán quân đi về phía tả, Tân tu-vô dẫn một toán quân đi về phía hữu, để chận quân mai phục.

Hồ nhi-bang vừa kéo quân xuống khỏi núi quân giặc ào ào bỏ chạy .

Hồ nhi-bang giục ngựa đuổi theo . Nhưng nghe trên núi có tiếng kẻng thu quân, nên Hồ nhi-bang quay ngựa trở lại .

Mật-lư thấy Hồ nhi-bang không đuổi theo lòng tức tối, ra hiệu cho hai toán quân trong rừng ùa ra truy kích.

Vừa lúc ấy hai đạo quân của Thành-phủ và Tân tu-vô cũng vừa kéo đến đổ ra đánh.

Hai bên xáp chiến một hồi, hai đạo binh Sơn-nhung vỡ loạn bỏ chạy, bị chết không biết bao nhiêu mà kể.

Mật-lư thu góp tàn quân, thấy hao hơn nữa, lòng buồn bã nói với tướng Tốc-mãi.

- Xưa nay chưa hề có nước nào đem binh đánh nước ta mà thắng trận như vầy . Nay ngươi có kế chi chăng ?

Tốc-mãi nói :

- Quân Tề đóng trên đỉnh Phúc-long sơn xung quanh không có suối nước , chỉ có con sông Nhụ-thuỷ mà thôi . Nay ta đắp ngang nguồn sông, làm cho nước sông không chảy tới, ắt binh Tề phải chết khát .

Mật-lư nói :

- Kế ấy tuy hay, song phải kéo dài thời gian . Hiện nay, quân ta hao hụt quá nhiều, nếu quân Tề thiếu nước uống liều chết mà tiến binh thì ta lấy gì cự địch.

Tốc-mãi, nói :

- Một mặt phải sai sứ qua nước Cô-Trúc viện binh thêm .

Mật-lư đẹp ý, truyền quân chặt cây, đào đất lấp dòng sông Nhụ-thuỷ, rồi sai người qua cầu cứu nước Cô-trúc .

Tề hoàn-công đang ở trên núi Phúc-long bàn bạc với các tướng sĩ mưu việc tiến quân, xảy nghe quân vào báo :

- Giặc Sơn-nhung lấp lòng sông Nhụ-thuỷ quân sĩ không còn nước uống .

Mọi người kinh hãi ngơ ngác nhìn nhau .

Tề hoàn-công hỏi :

- Xung quanh núi nầy không có một khe nước nào sao ?

Quân sĩ tâu :

- Chúng tôi đã tìm kiếm khắp nơi, nhưng không thấy một vũng nước nào cả .

Quản-trọng nói :

- Xin cho quân sĩ đào giếng, lấy nước mà uống.

Tề hoàn-công truyền đào giếng lấy nước, hễ ai đào được giếng có nước trước thì sẽ trọng thưởng.

Quân sĩ thi nhau đào khắp nơi nhưng tuyệt nhiên, không chỗ nào có mạch nước cả.

Phần thì mệt phần lại khát ai nấy chán nản.

Tề hoàn-công muốn rút quân về.

Thấp-bằng nói :

- Xin Chúa-công hãy chậm rãi, tôi còn có cách nầy.

Nói xong dẫn quân đi tìm ổ kiến.

Tề hoàn-công trông thấy hỏi :

- Trong lúc quân sĩ thiếu nước, khanh lại đi tìm ổ kiến làm chi ?

Thấp-bằng thưa :

- Giống kiến là một linh vật, nơi nào có nước ắt nó làm tổ mà ở.

Quân sĩ đi tìm một lúc lâu, bắt gặp một tổ kiến nơi hướng mặt trời mọc.

Thấp-bằng cho đào nơi đó.

Quả nhiên, tìm được một mạch nước rất trong trẻo.

Quân sĩ reo hò, không còn sợ chết khát nữa.

Tề hoàn Công khen Thấp-bằng là bậc kỳ tài và đặt tên giếng nước ấy là Thánh-tuyền.

Chúa nước Linh-chi, sau khi đắp xong dòng sông Nhụ-thuỷ cho người dò xét, thấy binh Tề lâu ngày mà không thiếu nước, lấy làm lạ hỏi tướng Tốc-mãi :

- Đã lâu sao binh Tề vẫn chưa thiếu nước ?

Tốc-mãi nói :

- Tôi có nghe quân Tề vừa đào được suối nước, đặt tên là Thánh-tuyền. Nhưng đó chỉ là sống tạm với thời gian, thế nào cũng phải kéo binh về . Ta chờ họ rút binh, đem quân truy kích, đoạt một số vũ khí mà dùng.

Chúa tôi đắc ý, cả ngày say sưa không còn lo nghĩ gì nữa .

Bỗng một hôm, có tin báo :

- Quân Tề đem đại binh đến vây thành .

Mật-Lư và Tốc-mãi kinh hãi bỏ trốn.

Quân Sơn-nhung mất Chúa, chạy tán loạn, lớp thì đầu hàng, lớp ôm nhau kêu khóc.

Tề hoàn Công không cho quân sĩ giết hại một người nào, kéo quân vào thành mở ngục thả một số đàn bà con gái rất đông , mà trước đây bọn Sơn-nhung đã bắt bên nước Yên .

Đoạn chiêu an bá tánh.

Quân Sơn-Nhung thấy vua Tề nhơn đức, rủ nhau ra đầu hàng hết.

Tề hoàn-công hỏi quân Sơn-nhung :

- Chúa bây hiện giờ trốn nơi nào ?

Quân Sơn-nhung thưa :

- Nước tôi giáp với nước Cô-Trúc, hai nước vốn giao hảo với nhau . Trước đây Chúa-công tôi có cho người sang mượn quân, nhưng chưa kịp đi . Nay Chúa-công tôi tất trốn qua nước đó .

Tề hoàn-công hỏi :

- Nước Cô-trúc mạnh hay yếu đường sá thế nào ?

Quân Sơn-nhung thưa :

- Cô-Trúc là một nước lớn, địa thế hiểm-trở, cách đây chừng trăm dặm, có suối Tỵ-Nhỉ làm giới hạn.

Quản-trọng nói :

- Người Sơn-nhung chiếm miền rừng núi, tuyệt địa khó lòng, sớm đánh tối đầu, rất nên nguy hiểm. Nay nước Linh-Chi và Cô-trúc đã kết giao, nếu lấy được Linh-Chi mà không phá được Cô-Trúc thì Linh-chi không thể giữ nỗi . Xin Chúa-công kéo quân đánh Cô-trúc một thể .

Tề hoàn-công nhậm lời , truyền nghĩ binh lại đó ba ngày, rồi kéo sang đánh Cô-trúc.

Nói về Chúa nước Linh-chi là Mật-Lư sau khi bỏ thành chạy trốn sang nước Cô-trúc , đem việc bại binh thuật lại.

Chúa nước Cô Trúc là Đáp lý-kha nghe nói than rằng :

- Ta vừa toan cất binh đến giúp chẳng ngờ Hiền-hầu lại bị thảm bại như vầy. Thôi thì cứ ở lại đây, chờ ta chỉnh tu binh mã dõng sẽ mưu việc phục quốc cho .

Mật-lư cúi đầu cảm tạ, lòng buồn không vơi .

Xảy có quân vào báo :

- Quân nước Tề chiếm nước Linh-chi nay lại cử binh sang đánh Cô-trúc nữa.

Đáp lý-kha cười lớn nói :

- Đã lấy được nước Linh-chi, còn mạo hiểm đến đây mà chịu chết !

Nói rồi truyền quân thu hết các thuyền bè nơi suối Tỵ-Nhỉ để ngăn giặc.

Đại tướng Hoàng-hoa thưa :

- Tôi sợ quân Tề có thể đóng bè qua suối, xin Chúa-công cho quân sĩ phục nơi mé rừng mà phòng bị trước là hơn .

Đáp lý Kha nói :

- Việc đóng bè để đổ binh qua sông không phải chốc lát mà làm xong . Ta không cần phải lo sớm.

Nói rồi cùng Mật-lư uống rượu say sưa cả ngày không lo gì cả.

Trong lúc đó, binh Tề đã kéo đến bên Tỵ-nhĩ .

Nơi đây núi đá lởm chởm cỏ cây rậm rạp chận kín đường đi .

Quản-trọng liền khiến lấy diêm tiêu, lưu hoàng rải khắp nơi rồi đốt lửa.

Lửa cháy rần rần cây cối hai bên đường thành tro, mở đường cho xe ngựa đi được .

Tuy nhiên, núi đá lởm chởm, những xe lương thữuc đi rất chậm chạp khó khăn . Quân-sĩ đem lòng chán nản.

Quản-trọng thấy thế đặt vài bài hát, để quân sĩ hát cho vui mà quên cực nhọc.

Bài hát như vầy :

Non cao vòi vọi, đèo đá chơ vơi

Mây trôi man mác bên trời

Khó khăn đâu dễ làm vơi được lòng

Bánh xe dù long , bàn tay người đở

Thân trai là nợ , há sọ gian truân

Quyết lòng xẻ núi lấp sông

Núi dầu cao mấy, chẳng bằng quân ta .

Quân sĩ vừa hát, vừa đẩy xe đi, quên cả mệt nhọc.

Chẳng mấy chốc, xe đã qua khỏi đồi núi hiểm nghèo.

Tề hoàn-công ngoảnh đầu nhìn lại, tấm tắc khen thầm :

- Sức mạnh của câu ca, lời hát quả thữuc nhiệm mầu !

Quản-trọng nói :

- Thể xác và tinh thần của con người là hai mối tương-quan , thể xác mệt mỏi, tinh thần tất yếu đuối. Ngược lại như tinh thần hưng khởi , thể chất ắt sung mãn. Do đó, kích thích tinh thần là điều cần thiết.

Tề hoàn-công nói :

- Trọng-phụ qua là một kẻ thấu đáo nhân tình.

Qua khỏi vài hòn núi nữa, lại đến một cụm núi cao, xe cộ phải dừng lại, không có lối đi . Trước mặt hai bên đá dựng như vách, chỉ có một con đường nhỏ ở giữa vừa một người một ngựa.

Tề hoàn-công biến sắc, nói :

- Chỗ nầy nếu bị phục binh, chúng ta sẽ không còn một mạng .

Nói vừa dứt lời mặt vua xây xẩm, thoáng thấy trong kẹt đá nhảy ra một quái thú, nữa người nửa vật, mình mặc áo đỏ, đầu đội mũ đen, bước đến trước mặt Tề hoàn-công cúi đầu thi lễ, rồi giơ tay một vén vạt áo lên đoạn chạy biến vào núi.

Tề hoàn-công kinh hãi, quay qua hỏi Quản-trọng :

- Khanh có thấy gì chăng ?

Quản-trọng đáp :

- Tôi không thấy gì cả .

Tề hoàn-công thuật lại quái-trạng vừa rồi cho Quản-trọng nghe .

Quản-trọng đáp :

- Theo tôi đoán, đó là thần Du-nhi . Một vị thần núi đến mách bảo với Chúa-công đó.

Tề hoàn-công hỏi :

- Tại sao lại vén áo lên để làm gì ?

Quản- trọng đáp :

- Vén áo là ý nói, phía trước mặt có nước, mà vén phía tay mặt là ý nói phía tay mặt nước sâu, bảo phải đi phía trái. Nay xin đóng quân nơi đây do thám thì biết.

Tề hoàn-công khiến quân thám-tử đi dò xét.

Quân về báo :

- Phía trước có suối Tỵ-nhỉ, sâu lắm. Chúa nước Cô-trúc đã thâu đoạt hết thuyền bè, không thể qua đặng.

Tề hoàn-công còn đang suy nghĩ , bỗng có toán quân khác về báo :

- Suối Tỵ-nhỉ phía mặt sâu thăm thẳm, nhưng về phía trái thì cạn, lội không quá gối.

Tề hoàn-công vỗ tay, cười lớn :

- Thế thì đúng theo lời thần Du-nhi đã mách bảo rồi.

Yên trang-công nói :

- Thuở nay tôi không nghe nói suối Tỵ-Nhỉ có chỗ nào cạn như vậy . Đây chắc là thần Du-nhi muốn độ Minh-công qua sông đó .

Tề hoàn-công hỏi :

- Từ đây đến Cô-trúc còn bao xa ?

Yên trang-công đáp :

- Thành quách nước Cô-trúc mới dựng lên từ đời nhà Thương . Qua khỏi suối Tỵ-nhỉ có ba hòn núi cách nhau ba mươi dặm gọi là Tiên-đoàn sơn , Mã-tiên sơn và Song-tử sơn . Ba hòn núi ấy chính là ba ngôi mộ của Tiên-quân xứ Cô-trúc. Khỏi ba hòn núi ấy đến Vô-đệ thành tức là Kinh-đô rồi .

Tề hoàn-công cả mừng, truyền quân theo triền núi tiến về hướng trái mà lội qua suối.

Lúc ấy Chúa nước Cô-trúc đang ăn uống, nghe quân báo rằng quân Tề đã qua suối rồi lòng hoảng sợ, sai tướng Hoàng-hoa đem năm ngàn quân ra cự địch.

Mật-lư nói :

- Tôi tới đây đã lâu chưa lập được công trạng gì, xin đi với Tốc-mãi làm tiên-phuộng

Tướng Hoàng-hoa cười lớn :

- Thôi thôi, một vị vua mất nước, một bại tướng không còn một tên quân, lại muốn theo tôi mà làm gì ?

Nói xong, tướng Hoàng-hoa kéo quân ra đi .

Mật-lư có ý trẽn tràng.

Đáp lý-kha thấy vậy nói :

- Hiền-hầu kéo binh đi trước mà tiếp ứng cho Hoàng-Hoa, rồi tôi sẽ đem quân đến sau .

Mật-lư tuân lệnh, kéo quân đến Mã-tiên sơn, nghĩ đến lời nói của Hoàng-hoa lòng không nguôi giận .

Hoàng-Hoa kéo quân vừa đến mé suối Tỵ-nhỉ, gặp đại binh của Tề hoàn-công, cầm đầu là tướng Cao-hắc.

Hai bên khai chiến đánh với nhau một lúc .

Cao-hắc yếu thế gần bỏ chạy, xảy có Vương-tử Thành-phủ đem binh tiếp ứng.

Hai bên đánh với nhau dư trăm hiệp, bất-phân thắng bại.

Vương-tử Thành-phủ cả giận hét :

- Sơn cẩu ! Mi tài cán chi mà dám đương sức với ta .

Nói xong, giục trống cho ba quân áp trận.

Hoàng-Hoa vẫn là tay thao lược, có sức mạnh hơn người, nên không lấy thế làm nao núng, trợn mắt, chỉ vào mặt Vương-tử Thành-phủ nói :

- Ta quyết xây nấm mồ để vùi xác chúng bây !

Hai bên đánh năm mươi hiệp nữa thì đạo trung-quân của Tề hoàn-công tiếp đến , bên hữu có Công-tử Khai-phương, bên tả có Thụ-điêu, áp tới đánh nhầu.

Tướng Hoàng-Hoa tuy có sức mạnh, song binh Tề quá đông . Nhắm cự không lại quảy ngựa bỏ chạy.

Binh Tề rượt theo, chém giết binh Cô-trúc không biết bao nhiêu mà kể.

Tướng Hoàng-hoa một mình một ngựa chạy riệt đến Đoàn-tử sơn , thấy trên núi quân Tề đã chiếm mất rồi, bèn quày ngựa chạy vòng ra sau núi tẩu thoát. Chạy một đổi nửa đến chân núi Mã-tiên sơn, thấy quân của Mật-Lư vừa kéo đến, lòng mừng rỡ cho ngựa lần tới.

Thấy tướng Hoàng-hoa mặt mày hơ-hải, Mật-lư mỉm cười hỏi :

- Tướng-quân chưa bao giờ biết thất trận, sao nay lại bỏ cả binh sĩ chạy về đây một mình ?

Tướng Hoàng-hoa thẹn thùng cúi mặt xuống đất không đáp, biết Mật-lư muốn trả thù cử chỉ khinh dễ của mình vừa rồi, song cũng bỏ qua , xin một ít lương khô ăn cho đỡ đói rồi sẽ hay .

Mật-lư sai lấy gói cơm , móc đưa cho Hoàng-hoa ăn .

Ăn xong, Hoàng-hoa xin một con ngựa cởi.

Mật-lư lựa một con ngựa ốm trao cho .

Tướng Hoàng-hoa lòng đầy căm tức, nhưng chẳng biết nói sao, đành lủi thủi trở về Vô-đệ thành ra mắt Đáp lý-kha .

Đáp lý-kha nói :

- Bởi ta không nghe lời khanh nên mới thất trận.

Hoàng-hoa nói :

- Bởi Mật-lư trốn sang nước ta , nên binh Tề mới đem quân đến đánh. Chi bằng chém Mật-lư nạp đầu cho Tề hầu , thà giảng hoà thì hơn .

Đáp lý-kha nói :

- Mật-lư cùng khốn về đây với ta, ta nở nào lại xử bạc như vậy.

Quan Tể-tướng Ngột luật-cổ nói :

- Tôi xin dâng một kế có thể phá binh Tề dễ như chơi .

Đáp lý Kha hỏi :

- Kế gì vậy ?

Ngột luật-cổ nói :

- Phía Bắc nước ta có một cái bể cát, không có nước non, cây cối gì cả .Xưa nay người trong nước chết, thường đem thây ra bỏ nơi đây, xương chất thành đống , ban ngày cũng như ban đêm, bóng ma hiện hình kêu khóc rất ghê rợn. Đặc biệt là thỉnh thoảng có lồng luồng gió độc thổi đến, ai ngộ phải đều xây xẩm mặt mày rồi chết ngay . Nếu gạt quân Tề đến đó, tự nhiên phải bỏ mạng.

Đáp lý Kha nói :

- Quân Tề dại gì mà đến nơi đó ?

Ngột luật-cổ nói :

- Chúa-công hãy tạm đem cung-quyến ẩn-trú nơi Dương-sơn, rồi sai người nói dối với Tề hầu rằng Chúa-công trốn đi cầu cứu nước khác,thế nào Tề hầu cũng đem quân đuổi theo .

Hoàng-hoa nói :

- Tôi xin đem quân đến giả cách đầu hàng , rồi dụ binh Tề đến đó cho .

Đáp lý Kha nhậm lời.

Hoàng-hoa kéo quân ra đi, nghĩ bụng :

- Nếu ta không chém đầu Mật-Lư đem nạp thì Tề-hầu đâu có tin ta . Vả lại đó cũng là dịp để ta trả thù quân bội nghĩa.

Nghĩ rồi kéo binh đến Mã-tiên sơn, vào ra mắt Mật-lư .

Lúc ấy Mật-lư đang đốc quân chống lại cuộc tấn công của binh Tề, nghe Hoàng-Hoa kéo binh đến tiếp ứng thì mừng lắm, vội ra tiếp đón.

Hoàng-hoa thừa lúc Mật-Lư bất ý, rút gươm chém một nhát bay đầu .

Tốc-mãi xem thấy nổi giận, giục ngựa đến quyết giết cho được Hoàng-hoa trả thù cho chúa mình.

Hai đàng dành nhau được một lúc, Tốc-mãi mồ hôi ướt giáp, biết mình cự không lại , bỏ cả quân sĩ chạy sang trại Hồ nhi-bang xin đầu hàng.

Hồ nhi-bang cho là giả dối, khiến quân bắt Tốc-mãi đem chém.

Còn Hoàng-hoa xách đầu Mật-lư thẳng đến trại Tề hoàn-công xin-vào ra mắt .

Tề hoàn-công cho vào.

Hoàng-hoa quỳ móp dưới trướng tâu :

- Chúa-công tôi đã đem cả gia quyến đến nước Sa-tích mà viện binh . Tôi can mãi không được nên đến đây đầu đàng. Nếu Minh-công không chê tôi hèn yếu , tôi xin đi trước dẫn đường để đưa Minh-công vào thành.

Tề hoàn-công thấy đầu Mật-lư, nên tin thật bèn cho Hoàng-Hoa làm tiên phong . Rồi kéo rốc binh mã vào thành nước Cô-trúc.

Khi đến nơi, thấy thành quách đều bỏ trống, Tề hoàn-công lại càng tin lời Hoàng-hoa là thật.

Hoàng-hoa nói :

- Nay Đáp lý-ba dẫn gia quyền đi cầu vinh , sớm tối ắt đem quân về báo thù . Xin Minh-công cho người theo truy cản, bắt Đáp lý-ba mà giết đi thì mới giữ thành nầy được.

Tề hoàn-công khen phải, liền sai Cao-hắc dẫn một ngàn quân theo Hoàng-hoa đi tiền bộ, lại giao thành cho Yên trang-công trấn giữ rồi kéo đại binh theo sau, để phòng binh viện kéo về.

Đi được một lúc thì trời gần tối, không còn thấy đạo binh của Cao-hắc và Hoàng-hoa đâu nữa, trước mặt chỉ thấy một bãi sa-mạc rộng thênh thênh, bốn bề hoang vắng, gió thổi lạnh lùng, xa xa văng vẳng những tiếng ma kêu, quỷ khóc lẫn với tiếng huýt, tiếng gầm của loài hổ-mang và thú dại.

Quân sĩ người người rởn ốc, và cứ thỉnh thoảng một luồng gió thổi đến một số quân binh ngã gục, ngất thở.

Quản-trọng thất kinh nói với Tề hoàn-công :

- Tôi được nghe xứ nầy có cái bể cát rất độc, chắc bể cát ấy là đây . Xin chớ đến nữa.

Tề hoàn-công truyền thâu quân .

Nhưng quân sĩ lạc đường không biết hướng nào trở lại.

Trong lúc trời tối mịt mùng, rải rác những đống xương khô ngổn-ngang trên bãi, cứ mỗi tên quân lạc ra khỏi đoàn là bị một con ác-điểu từ đâu bay đến mổ vào sọ, như một nhát búa , hốt hút lấy tuỷ óc mà ăn .

Quản-trọng truyền đánh kiễng lên thu quân vào một chỗ, rồi bảo vệ Tề hoàn-công tìm đường cũ trở lại.

Nhưng, đường cũ đã mịt mù, không còn dấu vết.

Quản-trọng nói :

- Nước Chung-vô tiếp giáp với nước nầy, những con ngựa già xứ Chung-vô ắt thuộc đường, vậy thì bảo Hồ nhi-bang chọn lấy vài con ngựa già thả cho đi trước, quân ta theo sau, ắt thoát đặng.

Tề hoàn-Công làm theo kế ấy, quả nhiên ra khỏi sa mạc.

Nhắc lại tướng Hoàng-hoa, có ý đi trước để đánh lừa binh Tề, và lập kế đưa Cao-hắc đến núi Dương-sơn .

Nhưng đi được một lúc, Cao-hắc thấy Hoàng-hoa cứ một mạch đi thẳng, không chờ đại binh theo sau, lòng nghi ngại, không dám đi nữa.

Hoàng Hoa biết ý, lập tức bắt sống Cao-hắc, rồi thẳng đường đến núi Dương-sơn, vào yết kiến Đáp lý-kha, và nói :

- Mật-lư thua trận ở Mã-tiên sơn , bị quân Tề giết, nay tôi đã trá hàng, gạt được quân Tề vào nơi bể cát, lại bắt sống được tướng Cao-Hắc đem về đây, xin Chúa-công định liệu.

Đáp lý Kha bảo Cao Hắc :

- Nếu nhà ngươi chịu đầu hàng, ta tha chết.

Cao-hắc trừng mắt nhìn lên, hét lớn :

- Ta là quan nước Tề, có bao giờ lại thần phục loài khuyển-dương . Chúng bây đừng có nói những lời vô lễ đó !

Hoàng-hoa cả giận, rút gươm chém Cao-hắc một nhát bay đầu .

Đoạn họp binh lại, cùng với Đáp lý-kha kéo quân về thu phục Kinh-thành.

Yên trang-công chống giữ, nhưng không lại, phải bỏ thành, đem binh chạy về Đoàn-tử sơn .

Trong khi ấy, đại binh của Tề hoài-Công đã ra khỏi biển cát, kiểm điểm binh mã thấy hao hơn hai phần mười.

Tề hoàn-công nói :

- Không giao tranh mà binh mã bị tổn thương thật là đau đớn .

Quản-trọng nói :

- Bây giờ trở lại nơi Kinh-thành Cô-trúc để quân sĩ nghỉ ngơi rồi sẽ tính.

Tề hoàn-công y lời, truyền quân kéo về thành Cô-trúc.

Về gần đến nơi bỗng thấy nhân dân già trẻ, dắt nhau đi lũ lượt .

Quản Trọng sai người đến dò hỏi, mới biết Đáp lý-Kha đã đánh đuổi Yên trang-công mà chiếm thành rồi.

Nhân dân nước kia tránh vào rừng nay nghe thành đã lấy lại nên trở về yên trú.

Tề hoàn-công thất kinh đưa mắt nhìn Quản-trọng.

Quản-trọng nói :

- Tôi đã có cách lấy lại kinh thành Cô-trúc rồi !

Nói xong , khiến Hồ nhi-bang cho quân thay hình đổi dạng lẫn với đám đông người , lẻn vào thành để làm nội ứng. Đoạn truyền quân vây kín ba mặt thành chỉ chừa cửa phía Bắc để phục binh mà bắt Đáp lý-kha .

Đêm ấy Đáp lý-kha hay tin quân Tề kéo đến, liền đốc quân lên mặt thành chống giữ .

Bỗng trong thành lửa cháy sáng ngời , đoàn quân nội ứng của Hồ nhi-bang nổi dậy, ó lên một tràng , tràn ra mở bét bốn cửa thành.

Bên ngoài quân Tề kéo vào ba mặt.

Đáp lý-kha thất kinh vội lên ngựa chạy thoát ra cửa phía Bắc.

Đi được vài ba dặm xảy nghe một tiếng pháo lệnh, binh Tề phục hai bên rừng kéo ra đông như kiến.

Đáp lý-Kha bị bắt, còn tướng Hoàng-hoa và Ngột luận-cổ bị chết trong đám loạn quân .

Tề hoàn-công kéo binh vào thành truyền chém đầu Đáp lý-kha bêu nơi Bắc-môn, rồi treo bản phủ-dụ nhân dân .

Dân Cô-trúc thuật lại chuyện Cao-hắc bị giết.

Tề hoàn-Công thương tiếc vô cùng, khiến ghi công vào sổ để khi về nước gia-ân .

Yên trang-công đang đóng binh ở Đoàn-tử sơn nghe Tề hoàn-Công đã chiếm được Kinh-thành Cô-trúc liền kéo binh đến chúc mừng.

Tề hoàn-Công nói với Yên trang-công :

- Tôi đem binh sang giúp quí-quốc, may thu phục được hai nước Linh-chi và Cô-trúc nầy rộng hơn năm trăm dặm vậy xin biếu .

Yên trang-công nói :

- Tôi đã làm phiền Minh-công quá nhiều, và mang ơn quá trọng, lẽ đâu còn dám hưởng ơn huệ ấy.

Tề hoàn-công nói :

- Linh-chi và Cô-trúc, hai nước giáp liền với nước Yên, nếu giao cho người khác ắt bị quấy nhiễu. Hiền-hầu chớ nên chối từ hãy nhận lấy mà mở mang bờ cõi rồi sai sứ vào triều cống nhà Châu như thế tôi cũng đã được một phần vinh dự rất lớn.

Yên trang-công từ chối không được, phải nhận lời.

Tề hoàn-công truyền mở tiệc khao thưởng ba quân, lại cắt một thuở ruộng nơi chân núi Tiên-đoàn sơn thưởng công cho Hồ nhi-bang , rồi kéo binh về nước.

Yên trang-Công đưa tiễn Tề hoàn-Công ra khỏi nước Yên , rồi mới trở về .

Từ đấy, nước Yên trở nên một nước hùng mạnh ở phía Bắc.

Khi Tề hoàn-công về đến sông Tể-thủy, địa giới nước Lỗ .

Lỗ trang-công ra đón tiếp, mở tiệc nơi mé sông khoản đãi để chúc mừng .

Tề hoàn-công đem những bảo vật lấy được ở hai nước Linh-chi và Cô-trúc đem chia cho Lỗ trang-công .

Lỗ trang-công vì mến tài Quản-Trọng, lại biết được Quản-trọng có một cái ấp riêng gọi là Tiểu-cốc ở địa phận nước Lỗ, bèn cho người đến đó sửa sang, xây thành quách rất tử tế.

Trong thời gian Lỗ trang-công còn ở ngôi, nước Lỗ được thái bình cường thịnh. Nhưng vào tháng tám năm đó Lỗ trang-công tạ thế khiến cho nước Lỗ sinh ra rối loạn. hồi 22

Quí-hữu đảm đương nước Lỗ

Tề-hầu trông thấy yêu ma

Nguyên Lỗ trang-công có một người em cùng mẹ là Công-tử Quí, trong bàn tay của Công-tử Quí có chữ hữu nên gọi là Quí-hữu .

Quí-hữu vốn tánh cương trực, lại cùng một mẹ, nên Lỗ trang-Công rất yêu quí.

Lỗ trang-công lại còn có một thứ huynh là Khánh Phủ, và một thứ đệ là Thúc-nha, hai người nầy gian xảo, nên Lỗ trang-Công chẳng phục.

Quý-hữu , Khánh-phủ, Thúc-nha cả ba đều làm chức Đại-phu trong triều.

Trong thời gian Lỗ trang-Công mới lên ngôi, ra chơi nơi đất Lang-đài, gặp người con gái họ Đảng tên là Mạnh-Nhâm, nhan sắc tuyệt trần, Lỗ trang-Công đem lòng yêu dấu, sai người đi thỉnh.

Mạnh-nhâm không đến.

Lỗ trang-công sai người đến hứa với Mạnh Nhâm nếu kết duyên tơ tóc sẽ được phong làm chánh thất.

Mạnh-nhâm bắt Lỗ trang-Công phải chích huyết ăn thề mới nhận lời.

Sau khi thề nguyền xong, Lỗ trang-công đem Mạnh-nhâm về cung chung sống.

Qua một thời gian Mạnh-nhâm sanh đặng một trai là Công-tử Ban .

Lỗ trang-công muốn giữ lời thề, lập Mạnh-nhâm lên làm chánh thất, người mẹ Lỗ trang-Công là Văn-khương nhất thiết không thuận , bảo phải lấy nàng Ai-khương, con gái Tề tương-công về làm chánh-thất.

Lỗ trang-công không dám cãi lời mẹ. Tuy-nhiên lúc bây giờ nàng Ai-khương còn bé lắm, phải chờ đợi hai mươi năm trời nữa mới cưới được.

Bởi vậy, Mạnh-Nhâm dù chưa lập chánh-thất nhưng trong hai mươi năm ấy vẫn làm chủ trong cung .

Đến lúc Ai-khương về làm phu-nhân thì Mạnh-nhâm đã qua đời rồi.

Nàng Ai-Khương không con . Em gái Ai khương là Thúc-khương theo Ai-khương sang , lấy Lỗ trang-công sinh được Công-tử Khải .

Trước kia, Lỗ trang-công lại còn lấy nàng Phong-thị làm tiểu-thiếp, có sanh đặng một trai là Công-tử Thân nữa.

Như vậy, Lỗ trang-công có ba trai : Công-tử Ban , Công-tử Khải và Công-tử Thân .

Về phần nàng Ai-khương, tuy được lập làm chánh-thất, song đã chẳng con, lại hận vì trước kia Tề tương-Công giết cha mình, nên bề ngoài kính trọng Lỗ trang-công , mà bên trong ghét thầm.

Ai-khương thấy Khánh-phủ mặt mũi khôi ngô, đem tình dan díu tư thông với nhau; lại kết đảng với Thúc Nha em cùng mẹ của Khánh phủ để mưu lập Khánh-phủ lên ngôi .

Thúc-nha làm Tể tướng.

Một hôm nhân tiết trời không mưa .

Lỗ trang-công đi tế đảo-vũ, truyền bọn nữ-nhạc tập dượt nơi sân nhà quan Đại-phu Lương-thị.

Quan Đại-phu Lương-thị có một đứa con gái khá đẹp, thường đi lại với Công-tử Ban . Hai bên trao tình cá nước, và Công-tử Ban hứa sau nầy nối ngôi sẽ phong cho nàng làm phu-nhân .

Hôm ấy con gái Lương-thị , bắc thang lên tường xem diễn nhạc, chẳng may gặp Ngữ nhân-Lạc là tên giữ ngựa, đứng ngoài tường trông thấy .

Dẫu là phận tôi đòi, nhưng khát vọng của con người đâu cách biệt, Ngữ nhân-lạc cất lên vài giọng hát đưa tình để ghẹo hoa .

Hát rằng :

Hoa xuân hơ hớ nhuỵ đào

Tiếc thay ! Ong bướm chưa vào vườn xuân

Tường cao vòi vọi

Bóng nguyệt mông lung

Ước ao cá nước tương phùng

Ấp yêu mộng đẹp cho lòng phôi pha !

Công-tử Ban nghe tiếng hát chạy đến, trông thấy Ngữ nhân-lạc , lòng căm tức truyền bắt vào, đánh ba trăm roi, máu tuông lai láng .

Ngữ nhân-lạc khóc lóc van xin .

Công-tử Ban mới tha cho và đem việc ấy thuật lại với Lỗ trang-công .

Lỗ trang Công nói :

- Đối với đứa tiểu-nhân vô lễ, một là bỏ qua , hai là giết đi . Con đánh nó như vậy không khỏi gây thù oán. Vả lại Ngữ nhân-lạc là đứa có sức mạnh phi-thường, mọi người ai cũng biết, con khá cẩn thận.

Quả vậy, Ngữ nhân-lạc tuy là một kẻ tôi đòi , song sức mạnh ít ai sánh kịp. Đã có lần Ngữ nhân-lạc từ trên chòi canh cao hai mươi trượng nhảy xuống đất mà vẫn đứng dậy như chơi . Lại cầm cột chòi canh rung rinh làm cho mọi người phải khiếp sợ.

Bị Công-tử Ban đánh đập ; Ngữ nhân-lạc đem lòng thù oán, đến xin làm tôi cho Khánh-phủ.

Khánh-phủ liền thu dùng.

Năm sau Lỗ trang-Công bệnh biết mình không sống được lâu , lại nghi Khánh Phủ muốn cướp ngôi, nên gọi Thúc Nha và hỏi dò ý kiến.

Quả nhiên Thúc-nha khen Khánh-phủ, và khuyên Lỗ trang-Công nên truyền ngôi lại cho Khánh-phủ.

Lỗ trang-công buồn bã, nhưng không tỏ ý cho Thúc-Nha biết.

Thúc-nha bái tạ lui ra .

Lỗ trang-công lại cho đòi Quí-hữu vào hỏi.

Quí-hữu nói :

- Chúa-công ngày trước đã có lời ước với Mạnh-Nhâm . Tuy không lập Mạnh-nhâm lên chánh-thất nhưng vẫn phải coi con của Mạnh-Nhâm là chính.

Lỗ trang-công nói :

-Thúc-nha khuyên ta nên truyền ngôi cho Khánh-phủ, việc ấy nên chăng ?

Quí-hữu nói :

- Khánh-phủ là một kẻ thiếu đạo-đức, không đủ tư-cách làm vua . Thúc-nha muốn mưu cầu quyền lợi, xin Chúa-công chớ nghe theo . Tôi xin hết sức phò Công-tử Ban để cứu lấy nước Lỗ.

Lỗ trang-công gật đầu nở một nụ cười tươi nhìn Quí-hữu tỏ vẻ trìu mến.

Quí-hữu lui ra, nghĩ thầm :

- Nếu không chặt bớt vây cánh của Khánh-phủ, sau nầy ắt khó trừ đặng. Nghĩ rồi, giả chiếu của Lỗ trang-công triệu Thúc Nha đến tư dinh quan Đại-phu Hàm-quí để nghe lệnh .

Thúc-nha ngỡ thật bôn ba đến.

Quí-hữu bỏ thuốc độc vào một ly rượu, đưa cho Hàm-quí bắt Thúc-nha uống. Lại viết cho Thúc-nha một bức thư, đại ý nói Chúa-công có lệnh bắt Công-tử phải phục độc-dược mà chết đi thì con cháu mới được phong chức bằng không toàn gia phải bị tru lục .

Thúc-nha không chịu uống.

Hàm-quí phải đè Thúc-nha xuống đất đổ thuốc độc vào miệng.

Thúc-nha hộc máu chết ngay .

Chiều hôm ấy, Lỗ trang-công từ trần .

Quí-hữu lập Công-tử Ban lên nối ngôi .

Chưa bao lâu, ông ngoại của Công-tử Ban qua đời, Công-tử Ban nghĩ đến tình mẹ mình là Mạnh-Nhâm, nên đến tận nhà thăm viếng.

Khánh-phủ hay được, kêu Ngữ nhân-lạc đến nói nhỏ :

- Ngươi không nhớ cái thù thuở xưa ? Ngày nay con giao-long đã ra khỏi mặt nước thì sức một người có thể bắt được, sao nhà ngươi không đến nhà họ Đảng mà báo thù .

Ngữ nhân-lạc nói :

- Nếu có điều gì xin nhờ Công-tử bênh vực thì tôi mới dám.

Khánh-phủ nói :

- Điều đó ngươi khỏi lo .

Ngữ nhân-Lạc liền giấu một con dao găm vào mình, thừa lúc đêm tối trèo tường vào nhà họ Đảng, đứng núp trước cửa phòng.

Trời tang-tảng sáng, nội thị mở cửa ra lấy nước .

Ngữ nhân-lạc lén vào buồng ngủ.

Lúc ấy, Công-tử Ban cũng đã thức dậy, vừa bước chân xuống đất. Thấy Ngữ nhân-lạc, Công-tử Ban sợ hãi, hét lớn :

- Mầy đến đây để làm gì .

Ngữ nhân-lạc nói :

- Ta đến để báo thù trận đòn năm trước.

Công-tử Ban liền rút thanh kiếm ở đầu giường chém một nhát vào trán Ngữ nhân-lạc đến lòi tuỷ óc ra .

Ngữ nhân-lạc vốn có sức mạnh, tay trái nắm lưỡi kiếm, tay phải cầm dao đâm vào cạnh sườn Công-tử Ban đến lút cán.

Công-tử Ban té nhào xuống đất tắt thở.

Bọn nội thị sợ hãi kêu ầm lên .

Còn Ngữ nhân-lạc, sau khi đâm được Công-tử Ban một nhát trả thù, cũng té xỉu xuống đất chết ngay .

Quí-hữu nghe tin Công-tử Ban chết biết mưu của Khánh-phủ. Liệu mình cô thế, liền bỏ qua nước Trần tị nạn.

Khánh-phủ tuy mưu giết vua, nhưng bên ngoài vẫn làm ra vẻ đạo đức để che mắt thiên hạ, liền đổ tội cho Ngữ nhân-lạc, và bắt cả nhà Ngữ nhân-lạc đem chém.

Lúc bấy giờ nàng Ai-khương muốn lập Khánh-Phủ lên ngôi, nhưng Khánh-phủ lòng sâu độc, muốn cho tăm tiếng được vẹn toàn, nói với Ai-khương :

- Chưa giết được Công-tử Thân và Công-tử Khải thì chưa nên nối ngôi .

Thương hỏi :

- Thế thì có nên lập Công-tử Thân hay không ?

Khánh-phủ nói :

- Công-tử Thân đã trưởng thành, khó kiềm chế, nên lập Công-tử Khải thì hơn .

Công-tử Khải là con nàng Thúc-khương cháu ngoại của Tề hầu , nên Khánh-phủ thân hành sang nước Tề mang lễ vật lo lót với Thụ-Điêu , yêu cầu Tề hoàn-Công thừa nhận Công tử Khải lên nối ngôi .

Lúc đó Công-tử Khải mới có tám tuổi, tuy được lên ngôi, song bên trong thì sợ Ai-khương , bên ngoài thì sợ Khánh-phủ, không dám quyết đoán điều gì cả.

Cách nữa tháng sau, Công-tử Khải mới làm lễ tức vị xưng hiệu là Lỗ mẫn-công, rồi sai sứ sang Tề xin hội ở đất Lạc-cô thuộc Tề.

Đến ngày hội, Lỗ mẫn-công nắm áo Tề hoàn-công khóc oà, kể lể chuyện Khánh-phủ hiếp chế mình .

Tề hoàn-công hỏi :

- Các quan Đại phu ở nước Lỗ bây giờ có hiền sĩ nào chăng ?

Lỗ hoàn-Công nói :

- Chỉ có Quí-hữu trung trực hơn cả, nay cánh trốn sang nước Trần .

Rồi Tề hoàn-công hỏi :

- Sao không triệu về mà dùng .

Lỗ mẫn-công nói :

- Nếu triệu Quí-hữu về thì Khánh-phủ nghi ngờ khó lòng lắm .

Tề hoàn-công nói :

- Không sao ! Cứ bảo là theo ý nước Tề thì ai dám trái mạng .

Nói xong, sai sứ sang nước Trần triệu Quí-hữu về.

Lỗ mẫn-công chờ Quí-hữu đến. Rồi mới cùng về nước Lỗ.

Về đến nơi, Lỗ mẫn-công phong cho Quí-hữu làm Tể-tướng.

Tề hoàn-công lại sợ nước Lỗ có loạn nên sai Trọng tôn-thu đến dò xét tình hình.

Sau khi nhận xét mọi điều, Trọng tôn-thu vào yết kiến Công-tử Thân .

Công-tử Thân bàn bạc tình hình nước Lỗ rất rành mạch , khiến Trọng tôn-thu cũng phải khen là một kẻ có tài trị nước .

Trọng tôn-thu dặn nhỏ Quí-hữu nên bảo vệ Công-tử Thân và phải trừ Khánh-phủ đi mới được.

Quí-hữu lắc đầu, giơ lên một cánh tay .

Trọng tôn-thu biết Quí-hữu muốn nói mình cô thế, liền đáp :

- Để tôi về tâu với Chúa-công tôi . Nếu có gì cần giúp đỡ, xin ngài cho biết. Trong thời gian Trọng tôn-phu lưu lại nơi nước Lỗ, Khánh-phủ đem vàng bạc, lễ vật đến mua lòng, nhưng Trọng tôn-thu nhất quyết không nhận nói :

- Nếu ngôi là kẻ trung quân ái-quốc, hà tất phải nhọc lòng làm cái việc đó. Khánh-phủ sợ hãi lui ra, lòng áy náy không an .

Khi về đến nước Tề, Trọng tôn-thu kể lại nội tình nước Lỗ cho Tề hoàn-công nghe, và nói :

- Nếu không trừ được Khánh-phủ thì nước Lỗ không thể nào yên được.

Tề hoàn-công nói :

- Ta đem quân sang mà trừ đi, phỗng có nên chăng ?

Trọng tôn-thu nói :

- Tội ác Khánh Phủ chưa rõ ràng, xin cứ chờ cho Khánh-phủ làm loạn sẽ giết cũng chăng muộn.

Tề hoàn-công khen phải, bỏ qua việc ấy không bàn đến nữa.

Thế rồi, thời gian trôi trong âm mưu đen tối của Khánh-Phủ.

Khánh-Phủ lúc nào cũng mong cướp ngôi nước Lỗ , chỉ vì Lỗ-mẫn Công là cháu ngoại của Tề hoàn-công, lại có Quí-hữu hết lòng phò tá nên chưa dám làm vội.

Một hôm, có quan Đại-phu Bốc-Kỳ đến chơi .

Khánh-phủ mời vào thư trang, Bốc-Kỳ mặt hầm hầm nói :

- Thế nầy thiệt quá ức !

Khánh-phủ ngạc nhiên hỏi :

- Việc gì thế ?

Bốc-Kỳ đáp :

-Tôi có một thửa ruộng tiếp giáp với thửa ruộng quan Thái-phó Thân bất-hại bị Thân bất-hại xâm lấn. Tôi vào tâu với Chúa-công để định lẽ công bằng. Chúa-công bênh-vực quan Thái-phó, bảo tôi nhường thửa ruộng ấy. Thưa Công-tử, như thế còn gì ức hiếp bằng. Nếu Công-tử nói giúp, tôi sẽ nhớ ơn suốt đời.

Khánh phủ cười lớn nói :

- Chúa-công còn bé, chưa rõ được tình đời . Đem điều phải quấy mà bàn thữuc vô ích. Nếu nhà ngươi có thể làm được đại sự ta sẽ vì nhà ngươi mà giết Thân bất-hại cho .

Bốc-Kỳ đưa mắt nhìn Khánh-phủ, tỏ ý dò xét rồi hỏi :

- Công-tử muốn phế lập .

Khánh-phủ chúm chím cười, không đáp.

Bốc-Kỳ nói tiếp :

- Nay Quí-hữu đang bĩnh-chánh, thì việc đại sự ấy không phải dễ . Nếu thất bại làm sao thoát nạn ?

Khánh-phủ nói :

- Thành bại do mưu lược và lòng cương-quyết. Nếu sợ sệt, tính toán chẳng bao giờ làm nên đại sự !

Bốc-Kỳ mỉm môi, hỏi :

- Xin Công-tử cho tôi biết ý.

Khánh-phủ nói :

- Chúa-công hãy còn trẻ tính, nhiều khi đang đêm vẫn ra ngoài phố chơi . Nếu đón đường giết đi rồi đổ tội cho quân trộm cướp có khó gì. Bấy giờ ta phụng mệnh Ai-khương quốc-mẫu mà nối ngôi lại đuổi Quí-hữu đi, thì còn ai ngăn cản.

Bốc-kỳ vâng lời, trở về nhà tìm được một võ-sĩ tên Thu-á, đưa cho một con dao gâm, sai đến phục ở ngoài cửa cung .

Đêm ấy, quả nhiên Lỗ mẫn-công ra ngoài bị Thu-á đâm một dao chết ngay tại chỗ.

Bọn thị vệ kêu ầm lên, xúm đến vây bắt Thu-á.

Trong lúc đó Khánh-phủ lợi dụng cơ hội đến tận nhà giết chết Thân bất-hại.

Quí-hữu đang ở nơi tư dinh hay tin, biết Khánh-phủ làm loạn vội vã đến gõ cửa nhà Công-tử Thân thuật lại mọi việc, rồi bàn với Công-tử Thân trốn sang nước Châu tị nạn.

Nhân dân nước Lỗ lâu nay rất tin phục Quí-hữu, nghe tin Lỗ mẫn-công bị giết , Quí-hữu phải chạy trốn, cả nước đều hậm hữuc, căm tức Khánh-phủ vô cùng, rủ nhau đến vây nhà Khánh-phủ đông như kiến.

Khánh-phủ hoảng hốt, không dám nghĩ đến việc tiếm ngôi, định trốn ra nước ngoài để tránh mối căm phẫn của dân chúng.

Lại sực nhớ đến nước Cử, trước kia Tề hoàn-công cũng nhờ mượn binh nước Cử về phục nghiệp, vả lại Văn-khương trước kia có tư thông với thầy thuốc nước Cử , nay Ai-khương là cháu, ta cùng Ai-Khương đến đó ắt dung thân được.

Bèn sắp sửa hành trang, tin cho Ai-khương biết, rồi trốn đi.

Ai-khương hay được tin Khánh-phủ bỏ trốn, cũng muốn đi theo .

Các cung nhân bàn rằng :

- Vì Khánh Phủ mà phu-nhân lỡ mang tai tiếng, lòng dân oán ghét, nay còn theo Khánh-phủ nữa e họa đến không tránh kịp. Chi bằng qua nước Châu , bàn với Quí-hữu mưu lo việc nước để tránh tiếng tăm.

Ai-khương nghe lời, bõ sang nước Châu vào xin yết kiến Quí-hữu .

Quí-hữu nghe được tin Khánh-phủ đã trốn đi, không chịu tiếp kiến Ái-khương, lập tức đem Công-tử Thân về nước.

Lúc đó Tề hoàn-công được tin nước Lỗ không có vua , liền đòi Trọng tôn-thu vào hỏi :

- Nay nước Lỗ đang rối loạn, chưa người kế vị, ta có nên nhơn cơ hội nầy đem binh đến chiếm chăng ?

Trọng tôn-thu nói :

- Lỗ là một nước trọng nghĩa, dân chúng chưa quên ơn đức Châu-công. Dẫu gặp biến cố, ta cũng không nên chiếm vội. Vả lại, Công-tử Thân là người thông minh tài trí, còn Quí-hữu cũng am hiểu việc nước, chi bằng nhân dịp nầy ta đem quân sang giúp, để tỏ ra nước ta là một nước đại nghĩa.

Tề hoàn-công nghe lời, sai quan Thượng-khanh là Cao-hề đem ba ngàn quân sang đóng nơi nước Lỗ nhắm tình hình mà định đoạt . Hễ Công-tử Thân đủ tài trị nước thì ý giao hòa, bằng không, chiếm đoạt ngay nước Lỗ.

Cao-hề tuân lệnh, kéo binh ra đi.

Vừa đến nước Lỗ thì Quí-Hữu cũng vừa phò Công-tử Thân về đến nơi.

Cao-hề thấy Công-tử Thân mặt mũi khôi ngô, nói năng đứng đắn , tỏ ý kính trọng, nên bàn với Quí-hữu lập Công-tử Thân lên ngôi, tức là Lỗ hi-công.

Lỗ hi-công nhờ Cao-hề giúp sức, đắp thành Lộc-môn để đề phòng nước Châu và nước Cử. Đoạn sai Hề-tư theo Cao-hề sang nước Tề để tạ ơn Tề hoàn-công. Lại khiến người đem lễ vật sang nước Cử, nhờ vua nước Cử giết Khánh-Phủ.

Khi Khánh-phủ chạy sang nước Cử , đã đem lễ vật cống hiến cho vua nước Cử rồi, nên mới được dung nạp, nay sứ nước Lỗ lại đem lễ vật đến nhờ giết Khánh-phủ, vua nước Cử không biết làm sao, bèn thu lễ vật, rồi nói với Khánh-phủ :

- Nước Cử tôi nhỏ mọn, binh lực yếu ớt, nếu Công-tử ở đây nước tôi mang họa. Xin Công-tử tạm tránh nơi nước khác.

Khánh-Phủ dùng-dằng không chịu đi, vua nước Cử phải sai người đến đuổi.

Khánh-phủ cùng cực nghĩ đến nước Tề, trước kia Thụ-điêu có ăn lễ mà bênh vực cho mình. Nay liều sang đó rồi sẽ liệu. Nghĩ rồi lểnh mểnh qua Tề.

Tướng giữ ải nước Tề, từng nghe tiếng Khánh-phủ là gian ác, không cho vào nước.

Khánh-phủ phải tạm trú nơi bờ sông Vạn-thủy để chờ dịp liên lạc với Thụ-Điêu.

Trong lúc đó, Công-tử Hề-tư, được lệnh Lỗ hi-công sang tạ ơn nước Tề, trở về tới Vạn-thủy gặp Khánh-phủ, bèn nói :

- Nếu đã không được nước nào cho trú ngụ thì về nước còn hơn.

Khánh-phủ buồn bã, nói :

- Quí-Hữu thấy mặt tôi ắt không dung, nếu người có thương tôi thì về trước tâu với Chúa-công nghĩ tình tiên-quân mà tha tội, tôi mới dám về.

Hề-tư từ giã Khánh-phủ trở về ra mắt Lỗ hi-Công , thuật lại lời Khánh-phủ.

Lỗ hi-công động lòng muốn tha tội cho Khánh-phủ về nước .

Quí-hữu nói :

- Nếu kẻ giết vua mà không bắt tội thì còn gì phép nước ?

Lỗ hi-công thở dài, lòng không quyết.

Quí-Hữu kêu Hề-Tư dặn nhỏ :

- Nếu Khánh-phủ chịu xử lấy mình để làm gương cho kẻ khác, ắt con cháu không mất ngôi quyền quí.

Hề-tư đến bờ sông Vạn-thủy, định vào ra mắt Khánh-phủ, nói rõ sự tình, nhưng xét thấy mình không đủ can đảm bắt người tự-vận nên đứng ngoài cửa khóc lớn.

Khánh-phủ nghe tiếng khóc của Hề-tư, biết mạng mình không thể bảo toàn được, ngước mặt lên trời than dài, rồi mở dây lưng thắt cổ tự vận.

Hề-Tư trở về báo tin với Lỗ hi-công.

Lỗ hi-Công buồn bã thở dài.

Bỗng có quân vào báo :

- Nước Cử sai tướng Doanh-nô đem binh đánh Lỗ, đòi tiền lễ tạ về cái chết của Khánh-phủ.

Quí-hữu nói :

- Người nước Cử đã không bắt Khánh-phủ, nay nghe Khánh-phủ chết lại đến đòi tiền công là lý gì ?

Nói xong, tâu với Lỗ hi-công xin đem quân ra đánh .

Lỗ hi-công cởi thanh bửu-kiếm trao cho Quí-hữu nói :

- Đây thanh bửu-kiếm nầy gọi là Mạnh-lao, tuy dài không được một thước, nhưng lưỡi bén lắm, nó là một bảo vật, xin biếu cho thúc-phụ.

Quí-hữu đeo kiếm vào lưng, cúi lạy tạ ơn, rồi dẫn quân thẳng đến đất Lịch-trì mà cự với tướng Doanh-nô.

Đến nơi, tướng Doanh-nô đã bày trận sẳn sàng .

Quí-Hữu nhủ thầm :

- Chúa ta mới lên ngôi, uy thế chưa vững, nếu rủi ro bị thất trận ắt lòng dân không phục. Vả lại tướng Doanh-nô là người hữu dõng vô mưu, ta phải dụng kế mới thắng nỗi .

Quí-hữu liền tiến ra giữa trận, kêu Doanh-nô nói :

- Nơi chiến trường, quân sĩ là những kẻ vô tội chết oan để bồi đắp danh tiếng cho chủ tướng. Hôm nay ta không muốn như thế. Ngươi vốn là một hổ tướng, nếu có tài hãy cùng ta bõ hết vũ khí đánh bằng tay không, nếu ai thắng sẽ định đoạt số phận kẻ bại.

Doanh-nô cười lớn, nói :

- Lỗ tướng ! Ta chưa hề thầy tướng nào ra trận với ý định lạ lùng đó. Nhưng thôi, dẫu ngươi muốn đánh bằng cách nào ta vẫn không sợ.

Nói xong, truyền quân sĩ dang ra hai bên, rồi cùng với Quí-hữu đấu võ.

Hai người đánh với nhau hơn năm mươi hiệp, bất phân thắng bại .

Quí-hữu có một đứa con trai tên Hạnh-Phủ, lúc bấy giờ mới lên tám tuổi, nhưng có ý kiến ngộ nghĩnh lắm, do đó Quí-hữu yêu mến vô cùng, đi đâu cũng đem theo.

Hạnh-phủ thấy cha mình không thắng nỗi tướng Doanh-nô liền gọi lớn :

- Thanh Mạnh-lao ở đâu sao không dùng đến nó ?

Quí-Hữu nhớ lại thanh gươm báu đeo bên mình, liền sụt lại một bước chờ cho Doanh-nô chồm tới, rút lưỡi kiếm chém sả một nhát.

Đầu Doanh-nô toét từ trán xuồng đến vai, mà thanh kiếm không vấy giọt máu nào . Thật là một thanh gươm sắc bén phi-thường .

Quân binh nước Cử thấy chủ tướng mình đã thác, bỏ chạy rồi .

Quí-hữu đắc thắng thâu quân trở về.

Lỗ hi-cỗng thân hành đón tiếp thưởng một chung ngự tửu, phong cho Quí-hữu làm Thượng-tướng, lại thưởng cho đất Phí-ấp.

Quí-hữu tâu :

- Tôi cùng Khánh-phủ và Thúc-nha đều là cháu của tiên-công nay vì nước phải ép Thúc-Nha uống thuốc độc, buộc Khánh-Phủ thắt cổ , nếu cho đó là công trạng, hưởng lấy lộc nước thật xấu hổ với lương tâm, tôi chẳng dám nhận lãnh.

Lỗ hi-công thông cảm nỗi lòng trung nghĩa của Quí-hữu nói :

- Thế thì khanh muốn thế nào ?

Quí-hữu nói :

- Khánh-phủ và Thúc-nha tuy phạm tội với nước nhưng con cháu không can hệ gì, xin Chúa-công tặng phong cho con cháu để gánh vác việc nước.

Lỗ hi-công y lời, phong cho con Khánh-Phủ ở đất Thành-ấp tức dòng Mạnh-tôn, phong cho con Thúc-nha ở đất Hậu-ấp, tức dòng Thúc-tôn, phong cho Quí-hữu đất Phí-ấp, tức dòng Quí-tôn. Ba dòng Mạnh, Thúc, Quí đều cầm quyền-chính nước Lỗ gọi là Tam hoàn .

Chỉnh đốn xong nước Lỗ, Lỗ hi-công cho người sang viếng nước Tề để kết thêm tình giao hảo.

Tề hoàn-công nghĩ đến Ai-khương là gái nước Tề, nay lại trốn sang nước Châu ấy là điều xấu hổ, liền hỏi Quản-trọng :

- Lỗ hoàn-công và Lỗ mẫn-công đều bị chết do tay Văn-Khương và Ai-khương, gái nước Tề, nếu không trừng phạt e xấu lây đến quốc-thể .

Quản-trọng nói :

- Tuy hai người ấy là gái nước Tề song đã gả về Lỗ rồi, hễ con gái xuất giá tùng phu, hành động đâu còn liên quan đến cố quốc. Nếu Chúa-công muốn trị tội cũng được, nhưng phải âm thầm thì hay hơn.

Tề hoàn-công liền sai Thụ-điêu sang nước Châu đưa Ai-khương về Lỗ.

Ai-khương tuân-lệnh, đi đến đất Di-địa thì trời vừa xẩm tối phải tìm quán xá nghỉ ngơi.

Thụ-điêu nói với Ai-khương :

- Phu-nhân một tay làm hại hai vua, nay còn mặt mũi nào về Lỗ. Chi bằng tự xử lấy mình là hay hơn.

Ai-khương nghe nói, quay lưng vào phòng đóng cửa lại.

Đêm ấy Thụ-điêu nghe tiếng khóc sụt sùi suốt đêm trường. Mãi cho đến lúc trời hừng sáng mới dứt.

Thụ-điêu chờ mãi không thấy Ai-khương ra liền xô cửa vào xem, thấy Ai-khương đã treo cổ tự vận . Máu hồng còn ướt đẫm, đôi dòng lệ chưa nhòa .

Thụ-điêu lập tức sai người qua nước Lỗ phi-báo.

Lỗ hi-công đưa linh cữu Ai-khương về nước tống táng, và tin cho Tề hoàn công hay.

Tề hoàn-công tuy cũng có động lòng nhưng không lấy thế làm buồn bã.

Lúc bấy giờ, mọi việc trong nước Tề hoàn-Công đều giao cho Quản-trọng gánh vác, còn mình chỉ uống rượu, hoặc săn bắn để hưỡng lạc.

Một hôm, Tề hoàn-Công đi săn nơi Đại-trạch, có Thụ-điêu theo hầu.

Bỗng Thụ-điêu thấy Tề hoàn-công mặt mày ngơ ngác, đôi mắt chăm chăm, đứng nhìn sững về một hướng.

Thụ-điêu lấy làm lạ, hỏi :

- Chúa công nhìn thấy gì vậy ?

Tề hoàn-công nói :

- Ta vừa trông thấy một giống ma quỉ, hình thù rất ghê sợ vụt chốc lại biến đi mất, chắc là điềm không tốt.

Thụ-điêu nói :

- Ma quỉ thuộc về âm, lẽ nào lúc ban ngày lại hiện lên được ?

Tề hoàn-công nói :

- Ngày trước tiên-quân ta cũng đi săn trong lúc ban ngày, thấy beo mà bõ mạng. Ngươi mau mời Trọng-phụ ra đây ta hỏi.

Thụ-điêu nói :

- Quản-trọng làm gì biết được chuyện ma quái ?

Tề hoàn-công nói :

- Ngày trước đi đánh Cô-trúc, Quản-trọng đã đoán biết được thần Du-nhi, thì ắt cũng biết đưa giống ma quỉ chớ chẳng không.

Thụ-điêu thưa :

- Trước kia Chúa-công tả hình dáng thần Du-nhi nên Quản-Trọng phỏng theo đó nói càn, để Chúa-công an lòng đi đánh Cô-trúc . Nay Chúa-công muốn thử tài Quản-trọng, Chúa công đừng nói rõ hình dáng, nếu Quản-trọng biết được mới thực là thánh.

Tề hoàn-công nghe lời thâu quân trở về. Tối hôm đó vì quá sợ sệt nên Tề hoàn-công sanh bệnh sốt.

Rạng ngày, các quan chầu chực đủ mặt để vấn an .

Tề hoàn-Công hỏi Quản-trọng :

- Hôm qua nơi Đi-trạch, ta thấy một giống ma quỉ hiện lên chẳng hay khanh có biết được đó là giống gì chăng ? Hình dáng ra sao ?

Quản-trọng không biết trả lời sao, xin hẹn lại đễ suy xét.

Thụ-điêu tủm tỉm cười bước đến nói với Tề hoàn-công :

- Tôi đã biết Quản-Trọng không phải là vị thánh.

Tề hoàn-công mỗi ngày một đau nặng.

Quản-trọng rất lo lắng sai người yết bãng khắp nơi, hễ ai biết mà nói được hình dáng giống ma quỉ mà Tề hoàn-công đã thấy thì được trọng thưởng.

Yết bảng chưa được ba ngày, có một người mặc áo rách, đội nón mê, xin vào yết kiến.

Quản-trọng cho vào hỏi :

- Ngươi biết được hình dáng ma quỉ sao ?

Người ấy thưa :

- Không có giống ma quái nào tôi không thạo. Xin ngài cho tôi được phép vào yết kiến Chúa-công.

Quản-trọng vội vã đưa vào cung, giữa lúc Tề hoàn-công đang ngồi trên long sàng, có hai thị-nữ đấm bóp và Thụ-Điêu đang dâng nước trà.

Quản-trọng thưa :

- Có người nói được hình dáng ma quái, tôi đã đem đến đây , xin Chúa-công cho phép yết-kiến.

Tề hoàn-công cho vào.

Người ấy quì móp trước long- sàng, cúi đầu thi lễ .

Thấy người áo rách, nón mê, Tề hoàn-công có ý khinh dễ, hỏi :

- Một kẻ quê mùa như ngươi lại có thể biết được chuyện ma quái sao ?

Người ấy tâu :

- Chúa-công gặp ma quái nơi đâu ?

Tề hoàn-công nói :

- Ta thấy giống ấy nơi Đại-trạch, lúc ban ngày.

Người ấy nói :

- Chúa-công tự làm hại lấy mình, chứ ma quái đâu có làm hại được Chúa-công.

Tề hoàn-công hỏi lớn :

- Nhà ngươi bảo rằng không có ma quái sao ?

Người ấy tâu :

- Hạ thần vẫn cho là có ma quái, như ở dưới nước có giống Võng-ượng, ở gò thì có giống Trăn, ở núi thì có giống Quỉ, ở đồng bằng thì có giống Bàng-hoàng, còn nơi Đại-trạch thì chỉ có giống Uy-đà mà thôi.

Tê hoàn-công hỏi :

- Giống Uy-đà hình dáng thế nào ?

Người ấy thưa :

- Giống Uy-đà to lớn như người, mặc áo đỏ đội mũ đỏ. Giống ấy sợ tiếng xe chạy. Hễ nghe tiếng xe chạy rầm rĩ thì ôm đầu mà đứng. Ai trông thấy giống ấy tất dựng nên nghiệp bá đặng .

Tề hoàn-công nghe xong, vùng đứng dậy, nét mặt tươi tỉnh, không còn đau đớn gì cả, nói :

- Chính ta đã thấy giống ấy, nhà ngươi tên gì ở đâu mà lại có tài xét đoán như vậy ?

Người ấy nói :

- Tôi tên Hoàng-tử, một kẻ nông phu sống nơi cõi Tây nước Tề.

Tề hoàn-công nói :

- Nhà ngươi ở đây ta sẽ phong cho nhà ngươi làm chức Đại-phu.

Hoàng-tử từ chối, nói :

- Tôi không muốn làm quan, chỉ mong Chúa-công sửa sang chính trị, trừ gian diệt nịnh, làm cho nước mạnh dân giàu, khiến cho tôi được yên nghiệp làm ăn là tôi mãn nguyện rồi.

Tề hoàn-công khen là người cao sĩ, ban cho thóc lúa, rồi sai người đến tận nhà viếng thăm.

Lại thưởng cho Quản-trọng rất hậu .

Thụ-Điêu nói :

- Hoàng-tử nói được chứ Quản-trọng có nói được đâu mà Chúa-công trọng thưởng ?

Tề hoàn-công nói :

- Nếu không có Trọng-phụ thì sao ta được nghe lời nói của Hoàng-tử.

Thụ-điêu không dám nói nữa .

Lúc bây giờ, nước Vệ bị nước Bắc-dịch đem quân xâm chiếm .

Vệ ý-công sai sứ sang Tề cầu cứu .

Tề hoàn-công nói :

- Quân ta mới đi đánh Sơn-nhung vừa rồi, hãy còn mệt mỏi, quân lực chưa dùng đặng. Nếu nước Vệ thấy nguy cấp nên cầu viện ở nước khác. Sứ nước Vệ nghe Tề hoàn-công nói, buồn bã ra về.

Rồi, cuối năm ấy, có quan Đại-phu nước Vệ là Ninh-Tốc sang Tề báo tin Vệ ý-công đã bị quân Bắc-dịch giết , nay phải sang đón Công tử Hủy về nước nối ngôi.

Tề hoàn-công hay tin, thở dài, nói :

- Không sang cứu nước Vệ kịp thời là lỗi tại ta !

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: