| Regen | Hệ thống chế tạo Chars - -Dan_009-
Tác phẩm: [12 chòm sao] Hệ thống chế tạo Chars | -_Dan_009-
Số chương beta: 2 chương
Yêu cầu thêm: Góp ý thêm về phần văn phong và từ ngữ
Beta reader: Stille Regen | From Blue Team
Ps: Mình không có gì để bào chữa cho việc chậm trễ dealine, thành thật xin lỗi, vì laptop của mình vừa bị gãy phím nên phải lôi máy cũ ra làm, mong không quá trễ.
___________________
I, Nhận xét chung.
Thế này nhé, vì mình cũng đang ủ một fic sci-fi với cả công nghệ sinh học, nên mình có chút trông chờ vào fic của bạn, nhưng khi đọc thì mình có cảm giác như bạn đang mạo hiểm văn phong của bạn với một thể loại khó, thậm chí chưa viết lần nào, cách bạn trình bày thoại khiến mình có cảm giác rối khi đọc, và vì bạn dùng cả biệt danh lẫn tên nhân vật cũng lúc nên đôi khi không phân biệt được ai với ai đang nói.
Và, mình không nghĩ những gì bạn thể hiện trong truyện là fantasy, nó giống sci-fi hơn, vì fantasy có bối cảnh siêu thực với rồng, yêu tinh... Còn trong truyện, theo những gì bạn giới thiệu ở đoạn đầu, có đề cập đến Y – Khoa học, và những gì mình nắm bắt được trong truyện, các nhân vật giống như kiểu có siêu năng lực nhờ sự can thiệp của khoa học hơn pháp thuật, nên bạn cân nhắc đặt lại tag thể loại nhé.
II, Về yêu cầu góp ý:
1, Về mặt từ ngữ:
Đầu tiên, khi bạn viết bất cứ thể loại phức tạp nào, như trinh thám, khoa học viễn tưởng, y – khoa học, tất cả thể loại này đều yêu cầu bạn có hiểu biết nhất định về từ ngữ chuyên ngành, dù đó có là thể loại chính hay phụ, xuất hiện nhiều hay ít. Và về cá nhân mình, cũng là một tác giả từng viết khoa học viễn tưởng lẫn công nghệ sinh học, mình khuyến khích bạn tìm hiểu, nếu muốn hoàn thiện và để nội dung fic sát thực hơn.
Hoặc nếu bạn chọn học đường làm thể loại chính, mọi việc sẽ đơn giản hơn, có điều mình không biết tần suất xuất hiện của các cảnh phẫu thuật cấy ghép có nhiều không, nhưng khi đã đụng đến cấy ghép tế bào, có một vài khái niệm bạn cần lưu ý, hay đặt ra giới hạn của nó:
+ Tỷ lệ tương thích; Tỷ lệ đồng bộ gene/ tế bào.
+ Phản ứng đào thải của vật chủ.
+ Khả năng các Chars có thể sở hữu năng lực đặc biệt.
+ Phân loại tế bào.
+ Vai trò, tác dụng của tế bào với cơ thể sống.
Dưới góc nhìn của mình là một beta reader, nếu bạn triển khai được các khái niệm trên vào nội dung truyện, nó có thể bổ sung giúp bạn về mặt tình tiết, diễn biến, lẫn các phân đoạn cảm xúc giữa các nhân vật (nếu truyện của bạn nhấn mạnh về mặt tình cảm), biến chuyển lẫn thử thách, chỉ cần nó được đưa vào đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng và hợp lý.
Và quan trọng nhất: Hạn chế các từ mang hơi hướm văn phong Trung Quốc trong quá trình viết, thật sự, mình không đánh giá cao các tác giả dùng từ Hán – Việt, trong truyện đôi khi bạn sử dụng từ Hán – Việt không cần thiết, nó khiến nội dung chỏi nhau, nên hạn chế ở mức tối đa.
2, Về văn phong.
Với cá nhân mình, bạn có xu hướng nghiêng nhiều về học đường, tình cảm, và văn phong của bạn thực sự hợp, nhưng nếu kết hợp với sci-fi, bạn đang mạo hiểm với văn phong của mình, mình không cảm thấy văn phong của bạn thật sự hợp với sci-fi, mình có cảm giác là tay viết của bạn khá yếu, mặc dù không hoàn toàn như vậy.
Ngoài ra, bạn có một vấn đề là câu văn khá dài và khá nhiều chi tiết trong một câu, tuy cách diễn đạt không có vấn đề, vẫn có thể đọc được, nhưng với các khái niệm đau não như công nghệ sinh học, hãy ngắt nó ra thành những câu ngắn vừa phải, triển khai các chi tiết ở mức vừa, và đủ để người đọc dễ nắm bắt hơn nhồi hết vào một câu văn dài, sẽ rất dễ hụt hơi.
Ngoài ra, hãy chú ý đến ngôi kể/ góc nhìn nhân vật.
Ví dụ với câu dưới:
"Đây là đâu? Còn cô là ai?"
Với mình, so với cả đoạn đầu, thì ở câu này so với đoạn đầu, bạn thay đổi ngôi kể khá bất thường (từ ngôi thứ ba => ngôi thứ hai).
Lấy ví dụ như câu trên, thì cách viết ba ngôi sẽ như sau:
Ngôi thứ nhất: "Tôi đang ở đâu? Và... Tôi là ai?"
Ngôi thứ hai: "Cô không biết mình đang ở đâu, cũng không nhớ mình là ai."
Ngôi thứ ba: "Cô tỉnh dậy với một khoảng trống rỗng trong đầu, dường như không nhớ bất cứ điều gì, về bản thân mình lẫn mình đang ở đâu."
Đây là lỗi không được phép phạm trong quá trình viết, nếu góc nhìn không rõ ràng, bạn sẽ không truyền tải hết nội dung, đây là vấn đề lớn nhất bạn gặp trong truyện, song song với trình bày khiến nội dung truyện bị rối, mình đã đọc ba lần, và vẫn rối. Về vấn đề này, bạn xem xét thống nhất lại ngôi kể trong truyện nhé.
Với bố cục chương hiện tại, cách giải quyết thích hợp nhất là viết mỗi phần dưới góc nhìn của một nhân vật nhất định (ngôi thứ hai), vì bạn nghiêng về ngôi thứ hai nhiều hơn ở cả hai chương, lẫn cách phân đoạn và đặt tên chương, hiện tại mình định hình đoạn thứ nhất là dưới góc nhìn của Bạch Dương, ở đoạn thứ hai là Song Tử, tương tự với những chương/ phần sau, bạn có thể xem xét điều chỉnh lại chương 2 trước khi viết tiếp các chương sau.
Riêng đoạn đầu, bạn có thể diễn giải ở vị trí trung lập (ngôi thứ ba), nhưng tốt nhất, hãy giới thiệu dần trong nội dung truyện thay vì dồn hết vào đoạn đầu chương 1.
III, Trích dẫn lỗi và góp ý
Ps: Những góp ý, chỉ lỗi ở phần này đều trên quan điểm cá nhân và kinh nghiệm đọc – viết của mình, chỉ dùng vào mục đích tham khảo và ví dụ.
Mình sẽ chia thành từng đoạn để trích lỗi và góp ý nhé.
Chương 1
1, Từ đầu đến "... không phải là..."
"Nói y học thì có lẽ không được đúng lắm khi đó là sự kết hợp hết sức tỉ mỉ giữa hai ngành Y - Khoa học hiện đại nhất."
Trong đoạn này, mình hiểu đoạn trước từ "khi" là đính chính, và đoạn sau là nêu lý do, nên mình nghĩ từ dùng đúng ở đây là "vì", thế này: "... không được đúng lắm vì đó là sự...", ngoài ra, bạn có thể ngắt câu ở từ "khi" thành các câu ngắn vừa phải dễ đọc hơn, ví dụ:
"... không được đúng lắm, vì đó là sự kết hợp..."
"Con người khi chết đi thì phần thể xác sẽ được giữ lại và rồi cấy ghép một "não bộ" hay đúng hơn là một tế bào động, thực vật sống khác vào."
Với mình, đoạn này (và cả đoạn sau) chứa khá nhiều thông tin, nó nên được cách xuống một dòng riêng biệt và triển khai thêm tình tiết. Ngoài ra dùng từ sai, não bộ là não bộ, tế bào là tế bào, về cơ bản thì hai từ này không thể thay thế cho nhau. Nếu là cấy ghép tế bào vào các phần bị thương để phục hổi tổn thương thân thể, hãy diễn đạt lại, nếu là trượng hợp đặc biệt khác, hãy giải thích.
"Song cái giá phải trả cho sự bất tử mà hệ thống này mang đến lại chính là quá khứ của "vật thể"."
Ở đây, mình nghĩ từ đúng là "vật chủ" hoặc "chủ thể" – chỉ đối tượng được cấy ghép tế bào, còn "vật thể" để chỉ những vật dụng bình thường, không phải con người.
"Đối với các Chars bình thường, việc sử dụng được năng lực rất là hiếm thấy, hay nói đúng hơn là chưa có một ai có năng lực đặc biệt cả..."
Theo mình, đoạn này nên được cách xuống một dòng riêng và triển khai nhiều hơn, bạn có thể đề cập đến các Chars nhìn chung như thế nào (có năng lực hoặc không), hoặc phân loại Chars (dựa trên tế bào được cấy ghép, hoặc cấp bậc nhất định), sau đó sẽ dẫn dần đến đoạn sau.
"Nhưng khi dự án mới ra đời - Dự án Chars Tối thượng - đã khiến người được cấy ghép tế bào sở hữu một loại ma lực nào đó khác biệt."
Hãy giải thích thêm về dự án này, về ai hay bộ phận nào phát triển nó, và quyền năng đến mức nào, ngoài ra hãy đặt giới hạn cho các đối tượng có thể tham gia dự án này, again, thành tựu càng lớn, rủi ro càng cao, lưu ý là chỉ ở mức vừa, và đủ thôi nhé.
"Cái máy đặt gần đầu giường phát ra những tiếng tít tít dù nhỏ nhưng lại khá là khó chịu trong không gian tĩnh lặng như thế này."
Cả câu này khá dài, nên ngắt ra sẽ dễ đọc hơn, ở đây bạn có thể ngắt ra từ trước cụm "dù nhỏ..." trở đi, ngoài ra, bạn có thể sắp xếp lại câu từ một chút, đưa cụm "Trong không gian tĩnh lặng như thế này" lên trước cụm "nhưng lại khá là khó chịu" đọc sẽ hay hơn, như này:
"Cái máy đặt gần đầu giường phát ra những tiếng tít tít trong không gian tĩnh lặng, dù nhỏ nhưng khá là khó chịu."
Hoặc: "Cái máy đặt gần đầu giường phát ra những tiếng tít tít, dù nhỏ nhưng trong không gian tĩnh lặng như thế này lại khá là khó chịu."
Bạn tham khảo rồi chỉnh sửa lại nhé.
"Một dòng kẻ màu vàng chạy dài qua mặt màn hình xanh. Máy đo điện tim?"
Mình nghĩ trong câu này bạn không nên đặt câu nghi vấn, vì cả đoạn đầu đến giờ bạn đang kể ở ngôi thứ ba, tức ở góc nhìn của tác giả; người ngoài cuộc, không phải ngôi thứ nhất (tôi) và ngôi thứ hai (anh ta, cô ta), hãy đề cập thẳng là "Máy đo điện tim" và chỉnh lại câu này, ví dụ:
"Một dòng kẻ màu vàng chạy dài qua màn hình máy đo điện tim, không hề có một chút gấp khúc..." => Sắp xếp lại, thêm từ và diễn đạt lại.
Tương tự với các câu sau, mình không phản đối chuyện bạn cảm thán với ngôi thứ ba, nhưng hãy đúng lúc, đúng chỗ nhé.
"Tay cô gái khẽ co lại, đôi mắt màu lam từ từ mở ra."
Vấn đề đây: Từ đầu đến giờ Bạch Dương luôn bất tỉnh, vậy thì, chi tiết nào đề cập đến chuyện mắt cô gái màu lam để giới thiệu ở đoạn sau? Bạn có thể giải thích là do có hình ảnh nhân vật, nhưng hãy nhớ điều này, vào truyện là nhân vật đang xuất hiện lần đầu, bạn giới thiệu từ từ (bạn không đề cập đến tên nhân vật). Theo mình, ở đây là "mi mắt từ từ mở ra...", sau đó diễn tả thêm và đề cập đến màu mắt của cô, ví dụ:
"Tay cô gái khẽ co lại, mi mắt từ từ mở ra, đôi đồng tử màu lam nhìn lên trần phòng..."
Hoặc bạn có thể giữ nguyên, sau đó đề cập thẳng tên nhân vật vào, điểm này bạn cân nhắc lại nhé.
"Đây là đâu? Còn cô là ai?"
Với một người bị mất trí nhớ, phản ứng đầu tiên khi tỉnh dậy ở một nơi xa lạ, là tự hỏi mình về địa điểm (đây là đâu?), tiếp theo là tình trạng của mình (chuyện gì xảy ra với mình vậy, vì sao mình không nhớ gì?) sau đó là tự hỏi (khoan đã, tôi là ai? Tên tôi là gì?), thường sẽ kèm theo cảm giác hoảng hốt, nặng nhẹ tùy đối tượng. Bạn xem xét lại rồi triển khai thêm nhé.
"Bạch Dương lúc đầu hơi e sợ với người lạ, sau khi chắc chắn rằng hắn không làm gì nguy hiểm đến bản thân cô mới lấy hết can đảm, không chế cho cơ thể không run lên nữa."
Câu hỏi ở đây là: Căn cứ ở đâu để Bạch Dương chắc chắn Kim Ngưu không làm gì mình? Ở đây mình không thấy bạn đề cập đến hành động gì của Kim Ngưu (đứng yên một chỗ, đi vòng quanh hay làm gì đó...), ở đây bạn triển khai thêm về động thái của Kim Ngưu nhé, vì với Bạch Dương lúc này thì Kim Ngưu chỉ là người xa lạ, nếu không có lý do thì cái chắc chắn của Bạch Dương rất gượng ép.
Ngoài ra, phản ứng tự nhiên của cơ thể khi chắc chắn chủ thể không bị hại thường là thở phào nhẹ nhõm, thả lỏng cơ thể, hoặc qua biểu hiện: nét mặt giãn ra, nhu hòa hơn, cũng không còn đề phòng nữa, nên mình thấy chi tiết "khống chế cơ thể không run lên" hơi bất cập.
"Nam nhân kia lúc này mới chợt hé mắt ra."
Lạm dụng từ Hán – Việt, dù có là văn phong Trung Quốc thì từ này chỉ dùng trong truyện cổ đại, bạn có thể dùng từ "hắn" làm đại từ gọi nhân vật, nhưng trong trường hợp này, hãy dùng từ thuần Việt, ví dụ:
"Chàng trai kia/ cậu ta/ anh ta lúc này mới chợt hé mắt ra."
Ngoài ra, đây là bạn đang viết theo cấu trúc câu convert, "lúc này" nên đặt trước chủ ngữ (đối tượng chính trong câu), và cách ra bằng dấu phẩy, đọc sẽ thuận miệng hơn:
"Lúc này, chàng trai kia mới chợt hé mắt ra."
"Hắn hừ một cái, bàn tay hơi siết lại. Bị đánh chỉ vì sơ ý chạm vào 'Bỉ Ngạn', cái tên đó cũng quá tay quá rồi!"
Again, xác định lại góc nhìn nhân vật, trong trường hợp này chỉ nên dùng văn kể dưới góc nhìn của nhân vật chủ điểm trong đoạn (Bạch Dương).
Ngoài ra, trong đoạn này bạn bị lặp từ "quá", ở đây Cự Giải đánh Kim Ngưu ngay chỉ vì anh bạn này sơ ý, nên mình nghĩ từ dùng đúng ở đây là "nóng tính" hoặc "côn đồ", mặt khác, bạn sẽ tránh được lỗi lặp từ, như này:
"... cái tên đó cũng nóng tính/ côn đồ quá rồi!"
Bạn xem xét nhé.
"Bạch Dương rướn người xuống khỏi giường, lặng lẽ nhìn xuống sợi dây chuyền đeo trên cổ mình."
Đề cập bất ngờ, mình không nghĩ trường hợp này gọi thẳng tên sẽ hợp lý. Nếu bạn muốn giữ nguyên, thì trước đó nên có một đoạn thoại của nhân vật nào đó gọi tên Bạch Dương kiểu "Tên cậu là Bạch Dương, cậu bị sói tấn công trong rừng nên dưỡng thương ở đây.", thì đến đoạn này, bạn có thể đề cập tên của Bạch Dương.
""Kim Ngưu! Xin lỗi mà!! Lúc nãy tên ngốc này hơi ... điên!""
Lạm dụng dấu câu, mỗi lần đặt dấu câu, bạn chỉ cần dùng một lần, dấu câu phải được đặt sát từ liền trước và cách từ liền sau một khoảng trắng, từ liền sau dấu ba chấm, chấm than và dấu chấm phải được viết hoa chữ cái đầu.
Tiếp theo, theo những gì mình nắm được trong bối cảnh, căn phòng ban đầu chỉ có Bạch Dương và Kim Ngưu, mãi lúc sau Xử Nữ mới đến, không – hề - có câu nào đề cập đến Xử Nữ có dẫn theo, hoặc người nào khác đi theo, nên từ dùng đúng ở đây là "Tên ngốc kia" hoặc "tên ngốc ấy", bạn tham khảo rồi chỉnh sửa lại nhé.
"Vậy là hắn không có để bụng! Hại Xử Nữ cô lo chết được!"
Như trường hợp của Bạch Dương, khi nhân vật xuất hiện lần đầu nhưng không phải đang kể dưới góc nhìn của nhân vật ấy, hãy dùng văn tả hoặc tự sự. Vì tổng thể cả đoạn đang kể dưới góc nhìn của Bạch Dương nên câu này cần được diễn đạt lại, hoặc đơn giản hơn, lược bỏ tên Xử Nữ đi là được.
"Kim Ngưu tuy sức khỏe không được tốt nhưng trí nhớ hơn người."
Một lần nữa, cấu trúc câu, cụm "Tuy sức khỏe" đưa lên trước đọc sẽ thuận miệng hơn:
"Tuy sức khỏe Kim Ngưu không được tốt..."
"Cô chưa kịp nói xong thì hắn đã cắt ngang lời. Kim Ngưu tuy sức khỏe không được tốt nhưng trí nhớ hơn người. Hận đã đụng đến hắn thì hắn quyết khắc sâu vào lòng, chờ ngày trả thù cho bằng được. Xử Nữ trợn mắt nhìn hắn rồi lại nhìn sang cô gái bên kia giường bệnh."
Again, cả đoạn này bạn lại diễn đạt theo ngôi thứ ba, trong khi từ đầu đến trước đoạn này, bạn viết dưới góc nhìn của Bạch Dương, bạn xem xét xác định lại ngôi kể, sau đó diễn đạt lại cả đoạn này nhé.
"Học viện Chars Academy được chia làm ba khối lớp. Xử Nữ giỏi lắm cũng chỉ được đến khối B - khá trong học viện."
Không đủ dữ kiện, khi đã giới thiệu điều gì đó, nếu không thể tổng quát thì hãy khái quát thông tin, ví dụ như tên các khối lớp (Khối A, B và C), trình độ của từng khối lớp (giỏi, khá, trung bình), đây là thông tin ít nhất bạn nên đưa vào, hoặc bỏ đi, vì chương sau bạn đã có giới thiệu đầy đủ hơn về học viện này rồi, nên thay vào đó, hãy nói về điều mà Xử Nữ ấn tượng ở Bạch Dương, và một lần nữa: Chú ý ngôi kể và góc nhìn của nhân vật.
Cuối cùng, có một vấn đề cực lớn trong đoạn này của bạn:
"Cô không biết! Cô chỉ nhớ là mình đi trong rừng... và gặp thú dữ..." (1)
"Bạch Dương rướn người xuống khỏi giường, lặng lẽ nhìn xuống sợi dây chuyền đeo trên cổ mình. 001! Cô là 001? Sao lại vậy chứ nhỉ? Hình như chút ký ức của cô mất sạch rồi." (2)
"Làm Chars bình thường tệ thật! Mỗi lúc "chết đi" lại mất sạch ký ức." (3)
"Bạch Dương ngây ra. Đây là lần đầu tiên có người chủ động làm quen cô như thế này. Được phong danh hoa khôi chỉ vì cái tính cách gọi là "thuần nữ" cùng với mái tóc khá là khác biệt với người khác. Cô không mấy hòa đồng với mọi người xung quanh khiến 'Thủy Tiên' khối C cùng với một số nữ sinh khác sinh lòng ghen ghét. Họ cho rằng cô kiêu căng, cho rằng cô ỷ có nhan có sắc mà khinh người khác. Chính vì vậy mà dù có nổi tiếng trong trường cô cũng chẳng có bao nhiêu người bạn." (4)
Đầu tiên, theo dữ kiện ở đầu truyện bạn cho biết rằng, khi một Chars được hồi phục thì sẽ mất đi ký ức, vào đến truyện, bạn cho Bạch Dương vừa được hồi sinh, tức cô sẽ mất đi ký ức (theo dữ kiện), nhưng ở câu (1) cho thấy Bạch Dương vẫn nhớ những gì diễn ra với mình.
Từ đây kéo thêm vấn đề kế (đoạn in đậm), một lần nữa bạn xác nhận lại Bạch Dương mất ký ức, câu nghi vấn "sao lại vậy chứ nhỉ?" khiến mình hiểu là thậm chí Bạch Dương không nhớ mình là Chars (nếu các Chars đều được đánh số), sau đó là đến câu (3), Bạch Dương lại nhớ mình vừa chết đi (?!), và biết cả việc mình bị mất trí.
Và cuối cùng là đoạn (4), khi vừa tỉnh dậy thì Bạch Dương thậm chí không nhớ mình là ai, hay định hình được mình đang ở đâu, nhưng cả đoạn dài này đã biểu hiện Bạch Dương nhớ - rất – rõ bản thân mình là ai, học khối nào lẫn các mối quan hệ quanh mình, như chưa từng bị tai nạn, được hồi sinh và mất đi ký ức.
=> Bạch Dương có mất trí thật hay không?
Vì bạn không đề cập đến khi cấy ghép tế bào, chủ thể sẽ quên một phần hay toàn phần ký ức từ trước đến giờ, nên với cá nhân mình, các đoạn này đang chỏi nhau. Hiện tại mình đang nghiêng về phía Bạch Dương mất toàn bộ ký ức (khi vừa tỉnh dậy Bạch dương đã tự hỏi mình là ai), vậy nên câu (1), (3) và đoạn dài (4) khá bất cập, thậm chí đá nhau.
Nếu là mất một phần ký ức, cả đoạn dài (4) có thể giữ nguyên, các câu này có thể giữ nguyên, nhưng cần giải thích lý do, và đề cập đến những ký ức có – thể bị mất (như trong thời gian trở thành Chars), hoặc một đoạn ký ức (như tình tiết là bị thú dữ tấn công). Nói chung, nếu theo hướng này thì nó cần một mốc thời gian nhất định của đoạn ký ức bị mất. Bạn xem xét lại các tình tiết này và chỉnh sửa lại nhé, đọc qua thì có vẻ nó không hại gì, nhưng nếu đi vào phân tích sâu từng đoạn, bạn sẽ thấy nó chỏi, và mình là đứa hay vừa đọc vừa phân tích tình tiết truyện. :)
Đó là cả phần đầu, nếu mình có hiểu nhầm chỗ nào thì xin thứ lỗi.
2, Từ đoạn "Bảo vệ là vậy sao?" đến hết.
Phần này mình sẽ hiểu là bạn đang kể dưới góc nhìn của Song Tử, và nếu đã xác định đối tượng chủ điểm của truyện, bạn có thể đề cập thẳng tên nhân vật thay vì dùng văn tả để giới thiệu.
"Bảo vệ có nghĩa là gì khi để mặc cho 'Ngọc Lam' một mình đi vào rừng?"
Mình nghĩ ở đây đang là mỉa mai, tức giận nên cụm dùng đúng ở đây là "Bảo vệ để làm gì khi...", ý chỉ một người không làm tròn nhiệm vụ của mình.
""Chuyện này quả thật là tôi sai! Nhưng Hội Phó, cô đâu cần làm quá lên như vậy??"
Song Tử hất lọn tóc pha chút tím nhạt của mình, thả người xuống ghế trừng mắt với Kim Ngưu.
"Nên nhớ tôi và cô ngang hàng, cô không có quyền để đánh hay xử phạt tôi!""
Đây là một trong những lý do khiến người đọc có cảm giác câu chuyện bị rối: Cách sắp xếp lời thoại, đoạn dẫn lẫn đối tượng được đề cập trong đoạn dẫn.
Khi trình bày lời thoại của nhân vật với một đoạn dẫn ở giữa, bạn có thể viết trên một dòng, đặt đoạn dẫn chỉ hành động nhân vật ở giữa hai câu thoại, ví dụ:
""Chuyện này quả thật là tôi sai! Nhưng Hội Phó, cô đâu cần làm quá lên như vậy??" Song Tử hất lọn tóc pha chút tím nhạt của mình, thả người xuống ghế trừng mắt với Kim Ngưu. "Nên nhớ tôi và cô ngang hàng, cô không có quyền để đánh hay xử phạt tôi!""
Nhưng với điều kiện, đối tượng được đề cập đến trong đoạn dẫn chỉ hành động phải là nhân vật nói ra câu thoại ấy, trong trường hợp này là Kim Ngưu. Cả đoạn này bạn viết dưới góc nhìn của Song Tử, nên hãy đề cập hành động của Kim Ngưu trong mắt Song Tử khi ấy thế nào (khó chịu, tức giận, hay lớn tiếng.)
"'Ngọc Lam' suy cho cùng cũng là hoa khôi, là đối - thủ - duy - nhất của 'Thủy Tiên' Song Tử cô."
Một lần nữa, cấu trúc câu: Đảo cụm "Suy cho cùng" lên đầu và ngắt với cả câu bằng dấu phẩy, đọc sẽ thuận miệng hơn.
""Bị Cự Giải đánh đúng không?"
Một người khác tiến lại gần Kim Ngưu, cất giọng bỡn cợt."
Ở đoạn thoại này, vì bạn không dùng tên nhân vật, nên hãy miêu tả qua một chút về nhân vật mới xuất hiện lần đầu này, về vẻ ngoài (lôi thôi hay chỉnh tề), đầu tóc (gọn gàng hay bù xù) và nét mặt (tinh quái hay nghiêm túc).
Thực ra, lỗi về diễn đạt trong cả đoạn này không nhiều, nhưng hãy xác định lại bạn đang kể dưới góc nhìn của nhân vật nào, nếu là ngôi thứ ba, mình thấy hơi miễn cưỡng, vì bạn đề cập đến cảm nhận và suy nghĩ riêng của nhân vật, nếu là ngôi thứ hai thì không có góc nhìn cố định, nhân vật nào cũng được đề cập đến (ngôi thứ hai chỉ đề cập đến một góc nhìn).
Hiện tại, tầm phủ sóng từ góc nhìn của Song Tử khá nhiều, ở đây mình đề nghị bạn có thể viết lại tất cả dưới góc nhìn của Song Tử, và về suy nghĩ của cô trước hành động của các nhân vật khác quanh mình.
Chương 2
Bạn gặp một vấn đề:
"Cô ta không biết có bao nhiêu diện mạo."
Mình không rõ bạn có đọc truyện dịch hay ngôn quá nhiều không, nhưng có vẻ bạn không biết mình phạm lỗi này khá nhiều, các câu như thế này thường chỉ xuất hiện trong bản convert tử tiếng Trung hoặc truyện dịch, hiện tại là chương hai và mình đang bắt đầu nghĩ bạn đang bị ảnh hưởng bởi văn phong Trung Quốc, một lần nữa, mình không đánh giá cao điều này, ở vị trí người đọc lẫn beta reader.
Và một lần nữa ở chương này: Xác định lại góc nhìn nhân vật.
Tên chương này là Hắc bạch hồ ly (Nhân Mã và Song Ngư), nhưng đoạn về Song Tử lại khá chi tiết, còn chương trước đặt biệt danh Thủy Tiên của Song Tử làm tên chương, nhưng lại không có một đoạn nào chi tiết về Song Tử, tất cả chỉ dừng ở suy nghĩ và hành động của cô với các nhân vật, theo mình nghĩ, cả đoạn này cần được sắp xếp lại, có thể là đưa về chương một và xử lý khéo léo tình tiết để ghép các đoạn lại với nhau, về các tình tiết còn lại, bạn có thể xem xét ghép lại, triển khai thêm dưới góc nhìn của Thiên Yết như ở đoạn đầu.
Nhớ điều này: Không đặt tên chương thì thôi, một khi đã đặt tên chương đề cập đến đối tượng nào, có nghĩa đối tượng đó chính là chủ điểm trong chương, có thể là bạn sẽ kể phần lớn câu chuyện hoặc 2/3 nội dung có liên quan đến đối tượng đó.
1, Đoạn đầu tiên từ "Em chỉ muốn nói..." đến "điều tra về 'Cát Cánh' đi!"
"Cô ta không biết có bao nhiêu diện mạo."
Vẫn là lỗi ở cấu trúc câu, đảo cụm "không biết" lên đầu đọc sẽ thuận miệng, với cả thuần Việt hơn, nếu để nguyên, có nghĩa là chính Nhân Mã cũng không biết mình có bao nhiêu diện mạo, nhưng bạn đang viết dưới góc nhìn của Thiên Yết, vậy nên nó sẽ chỏi.
"Hắn có lẽ không nên nói ra nhỉ?"
"Rằng 'Cát Cánh' tuy bề ngoài lôi thôi nhưng lại là một rắn lục cực độc ẩn mình sau lớp lá tầm thường."
Như trên, đảo lại thứ tự các cụm, ở câu thứ hai khá dài, bạn có thể ngắt từ trước cụm "nhưng lại là..." sẽ tránh hụt hơi khi đọc.
"Là một loài hoa chỉ biết soi mình xuống mặt nước rồi cất lên những lời ca thán chính bản thân."
"Ca thán" hiểu theo nghĩa khác là than thở, nếu một người chỉ tự mãn với vẻ đẹp của mình và suốt ngày nhìn ngắm nó, thì những gì họ nói là "tán tụng" hoặc "ca ngợi" vẻ đẹp của mình, bạn cân nhắc và chỉnh sửa lại nhé.
2, Đoạn từ "Xử Nữ dang rộng..." đến "... sự trừng phạt"
"đôi chân từ từ tiến từng bước trên một thanh sắt chắn trước ... đường ray tàu hỏa."
Chỉ cần dùng "thanh chắn" thôi là được.
"Cô không phải muốn thử hay tự sát gì cả."
Again, cấu trúc câu, lỗi này mình không gợi ý hướng chỉnh sửa nữa.
"Cô giương ánh mắt tức tối nhìn lên kẻ nào kia một lát rồi bỏ qua."
Cụm cuối hơi cụt, bỏ qua cái gì bạn? Ở đây ý chỉ Xử Nữ nhìn sang một hướng khác hay sao?
"Nói rồi cô đứng dậy, phủi bụi trên người rồi đi nhanh về phía trước để mặc nam nhân trẻ đứng sau nhìn theo."
Đầu tiên, lặp từ "rồi", ở chỗ từ "rồi" thứ hai, bạn có thể thay bằng "sau đó" và ngắt ra bằng dấu phẩy sẽ tránh được lỗi lặp từ, và câu văn cũng dễ đọc hơn.
Kế tiếp, lạm dụng từ Hán – Việt, các từ này nên được hạn chế tối đa trong quá trình viết.
"Cô tốn gần ba mươi phút để dụ dỗ hắn đi mua đồ hộ rồi nhân cơ hội trốn đi rốt cuộc vẫn để làm cảnh à?"
Là "... vẫn vô dụng sao", ý chỉ bất lực khi không thể cắt đuôi được đối tượng nào đó, ở đây là Cự Giải, còn "chỉ để làm cảnh" dùng khi nhân vật được nhờ không làm được công việc mình có thể làm.
Và cả câu này hơi dài, bạn có thể ngắt trước cụm "... rồi nhân cơ hội" thành từng câu ngắn vừa phải sẽ dễ đọc hơn.
"Xử Nữ hỏi một câu mà đến chính cô cũng không hiểu được nó dành cho ai và ai có thể trả lời được cho cô."
Câu khá dài, nó cần được ngắt nghỉ rõ ràng sẽ dễ đọc hơn, trong câu này bạn có thể ngắt từ trước cụm "... và ai có thể trả lời được cho cô.".
Chung quy ở đoạn này, bạn xác định góc nhìn rất rõ ràng, nhưng một lần nữa, nó lại chả liên quan gì đến tên chương, và kể dưới góc nhìn của hai nhân vật cùng lúc, mình có một lời khen là tuy không nhất quán về góc nhìn, nhưng đã đỡ chỏi hơn so với chương 1. Nhưng dù gì, bạn chỉ nên dùng góc nhìn của một nhân vật thôi nhé.
3, Đoạn từ "Bạch Dương vừa đi..." đến "Ngọc Lam của khối A".
Nhìn chung, trong cả hai chương thì diễn đạt của bạn ở đoạn này và đoạn trên khá tốt, dù với mình chưa thật sự hoàn hảo, có vẻ như bạn chuyên tập trung vào một cặp nhân vật nào đó hơn xử lý bối cảnh nhiều nhân vật, về vấn đề này bạn có thể chia nhân vật ra thành từng cặp để xử lý, nếu bối cảnh đòi hỏi nhiều nhân vật, hãy xem xét cách cân bằng tần suất xuất hiện của các nhân vật.
4, Đoạn từ "Sân thượng của khối C" đến hết.
Theo tình tiết trong đoạn này, đoạn đối thoại này diễn ra khi Nhân Mã đang đặt đề nghị với Song Tử, và Song Ngư nghe lén qua thiết bị liên lạc, có nghĩa hai sự việc diễn ra gần như song song, chỉ khác đối tượng và hành động. Theo mình thì khi có hai sự việc diễn ra song song, nó nên được đặt gần nhau, tức đoạn này bạn có thể đưa lên trên đoạn của Cự Giải và Xử Nữ sẽ hợp lý hơn.
Đó là thứ nhất, thứ hai, đơn giản vì Hắc bạch hồ ly Nhân Mã và Song Ngư là chủ điểm của chương (theo tên chương), nó cần được cân bằng về thứ tự xuất hiện.
Cuối cùng, đoạn cuộc gặp mặt giữa Bạch Dương và Sư Tử có thể đẩy xuống dưới cùng, trên thực tế thì các ngoài đoạn đầu và đoạn cuối ra, hai đoạn còn lại trong chương nói về Cự Giải – Xử Nữ và Bạch Dương – Sư Tử không liên kết với nhau, đoạn nào nằm dưới cùng để kết chương cũng được, vì nó không chỏi nhau về tình tiết, cũng không liên kết với nhau.
Trên đây là toàn bộ bài beta của mình, nếu có thắc mắc hay cảm thấy khó hiểu ở đâu, hãy hỏi bên dưới và tag mình vào, mình sẽ giải đáp. Một lần nữa, thành thật xin lỗi vì để bạn phải chờ, và cám ơn đã đặt hàng tại Blue Team. :)
#Regen
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro