| Regen | Bí Ẩn X - 098620a | Nhận xét + chương 1
Tác phẩm: Bí Ẩn X | 098620a
Số chương beta: 2 chương
Yêu cầu thêm: Góp ý thêm về văn phong.
Beta reader: Stille Regen | From Blue Team
Ps: Do bài khá dài nên mình sẽ chia thành hai post để bạn dễ nắm bắt nội dung trong bài nhé, nếu có thắc mắc cứ nói dưới phần bình luận và tag tên nick mình vào, mình sẽ giải đáp.
________________
I, Nhận xét chung và góp ý.
Trên thực tế, mình khá thích các tác giả mạo hiểm với thể loại khó như tâm lý - bí ẩn, và một chút hành động, nhưng mình vẫn phải nói, bạn tốt ở thể loại tình cảm, nhưng đến thể loại này, văn phong của bạn không thật sự hợp, thậm chí mình có cảm giác là văn phong của bạn yếu, và gặp rất nhiều vấn đề trong diễn đạt, câu văn khá lủng củng, một số đọc rất ngang.
Về nội dung, nếu bạn lấy ý tưởng từ một tác phẩm (phim, tiểu thuyết) nào đó, thì bạn phải thể hiện được ít nhất cái chính xuyên suốt tác phẩm. Shutter Island thiên về tâm lý, và khá đau não trong chuyện xử lý tình tiết, nhưng mình chưa thật sự cảm nhận được chiều sâu tâm lý nhân vật, và chưa được khai thác đúng mức, ngoài ra tình tiết cũng khá nhanh, nếu muốn theo motif của Shutter Island, tình tiết cần chậm lại một chút, và đầu tư nhiều hơn về mặt tâm lý.
Thành thật mà nói thì, khi đọc phần mở đầu bạn đề cập lấy cảm hứng từ Shutter Island, mình mong nó thiên về tâm lý nhiều hơn, nhưng thật sự thì tâm lý nhân vật là cái thiếu nhiều nhất trong nội dung cả hai chương, mặc dù đến chương 2 bạn có đề cập, nhưng với mình, nó chưa đủ.
Về yêu cầu góp ý:
Như mình đã nói ở trên, bạn cần đào sâu hơn về mặt tâm lý của nhân vật chủ điểm (ở đây là Song Ngư), và diễn đạt suy nghĩ của Song Ngư trước các vấn đề diễn ra quanh mình, nếu có thể, hãy đặc tả, lưu ý là ở mức vừa - và đủ. Như hiện tại, mình không nắm bắt được tính cách của Song Ngư, đôi khi mình có cảm giác Song Ngư rất khó chịu, nhưng có một vài tình tiết bạn bỏ quên suy nghĩ của Song Ngư, ví dụ như đoạn mở cổng với tiếng kêu khó nghe, và khi chỗ ngủ của mình bị dột chẳng hạn.
Nếu bạn diễn đạt tất cả dưới góc nhìn của Song Ngư, hãy chú ý nhiều hơn đến suy nghĩ nhân vật, nếu triển khai tâm lý nhân vật được đúng mức, về sau bạn có thể kết nối tình tiết theo cách này.
Bạn cần dùng nhiều kiểu câu hơn, thay vì dùng từ "rồi" để nối các hành động liên tiếp của nhân vật, bạn có thể dùng các từ hoặc cụm từ như "Lát sau"; "Sau đó"; "Vài giây sau"; "Một lát sau". Trong một vài trường hợp, bạn có thể không cần dùng các từ này và chỉ cần miêu tả hành động của nhân vật, hoặc lược đi một số thành phần trong câu để khiến câu văn hay hơn - này hơi ngược đời chút, nhưng cũng là cách hay để bạn tạo nét riêng trong văn phong của mình.
Về vấn đề câu văn, mình khuyến khích bạn sáng tạo hơn về mặt diễn đạt thay vì dùng đi dùng lại một kiểu câu, một là để hợp với thể loại mà bạn đang viết, hai là tạo nét riêng trong văn phong, trước đó hãy tìm đọc nhiều hơn từ các tác giả có văn phong tốt để mở rộng về mặt vốn từ lẫn diễn đạt nhé.
"anh đội chiếc mũ phớt lên quay qua nhìn cộng sự mới ."
"Vừa lúc nãy trên đất liền còn hửng nắng ấm thế mà giờ đây đã tắt đi chỉ còn một màng âm u ."
"Cặp kính tròn với dáng vẻ ngờ nghệch khiến Song Ngư nhìn cậu cộng sự trẻ chăm chú"
Vân vân và mây mây...
Có thể do cảm nhận của mình, nhưng những câu này hoặc là cần diễn đạt lại, hoặc là cần ngắt câu ra, và đây cũng là vấn đề mình sẽ chỉ ra nhiều nhất trong suốt bài beta này cho bạn.
II, Về lỗi.
Ps: Toàn bộ góp ý trong bài của mình đều thuộc về quan điểm cá nhân, dùng vào mục đích tham khảo chỉnh sửa.
Lỗi chung: Tất cả các loại dấu câu đều phải được đặt sát từ liền trước và cách từ liền sau một khoảng trắng, đối với cặp dấu ngoặc kép thì dấu phải được đặt sát từ => Đây là quy tắc cơ bản bắt buộc phải tuân theo soạn thảo văn bản, dù bạn có gõ theo kiểu văn bản truyền thống hay lowercase.
Ngoài ra, một số câu thoại của bạn thiếu dấu kết, có vẻ như ngoài dấu chấm than, dấu chấm hỏi ra, bạn không dùng đến dấu nào khác để kết câu thì phải, bạn kiểm tra rồi sửa lại nhé.
Chương 1
"Song Ngư gật đầu , anh đội chiếc mũ phớt lên quay qua nhìn cộng sự mới . Tay bám vào thành sắt của thuyền ,(1) gió rất lớn và trời ảm đạm đến kì lạ . Vừa lúc nãy trên đất liền còn hửng nắng ấm thế mà giờ đây đã tắt đi chỉ còn một màng âm u . (2) Cộng sự của Song Ngư lần này có đến hai người , hai cậu trai trẻ thoạt nhìn rất nhanh nhẹn , mới thấy có một người vậy cậu còn lại đâu .(3)"
Các câu văn trong đoạn này hoàn toàn không liên quan đến nhau, hoặc có vấn đề về thứ tự các câu, bạn đang diễn tả hành động của Song Ngư lại đột ngột nói về thời tiết, sau đó lại quay về cộng sự của Song Ngư, nó khiến cả đoạn rời rạc, và mình hoàn toàn không hiểu ý chính bạn muốn nói trong đoạn là gì, Song Ngư và các cộng sự hay thời tiết?
Các đoạn (1) và (3) nên được đặt gần nhau, vì nó đều nói về cùng một đối tượng là Song Ngư và các cộng sự, nhưng trong trường hợp này, bạn nên thêm tình tiết và ghép cả hai đoạn lại, còn đoạn (2) có thể bỏ đi, hoặc nếu muốn giữ, bạn có thể đưa tất cả lên đầu chương và triển khai thêm.
"Vừa lúc nãy trên đất liền còn hửng nắng ấm thế mà giờ đây đã tắt đi chỉ còn một màng âm u ."
Câu khá dài, đọc sẽ rất dễ có cảm giác hụt hơi, trong câu này bạn có thể ngắt từ trước cụm "... thế mà giờ đây..." thành hai câu ngắn sẽ dễ đọc hơn, như này:
"Vừa lúc nãy trên đất liền còn hửng chút nắng ấm, thế mà giờ đây đã tắt đi chỉ còn một màng âm u."
Ngoài ra, cụm "giờ đây đã tắt đi" có thể lược đi, hoặc nếu bạn muốn giữ nguyên, hãy thêm đối tượng vào, như cái gì đã tắt đi? Hoặc thay đổi cách diễn đạt, ví dụ:
"...Còn hửng chút nắng ấm, thế mà giờ đây không còn tia nắng nào, chỉ còn lại một màng âm u." => Thêm từ, đặt lại dấu câu và thay đổi cách diễn đạt.
"Cộng sự của Song Ngư lần này có đến hai người"
Đưa cụm "Lần này" lên trước và ngắt bằng dấu phẩy đọc sẽ thuận miệng hơn.
"mới thấy có một người vậy cậu còn lại đâu"
Đây là câu nghi vấn, cuối câu nên là dấu chấm hỏi, hoặc nếu không muốn đặt câu hỏi, bạn có thể diễn đạt theo kiểu độc thoại nội tâm: "Mới thấy có một người, người còn lại đi đâu không biết" => Có thể diễn tả kèm theo sự khó chịu của Song Ngư.
"Cặp kính tròn với dáng vẻ ngờ nghệch khiến Song Ngư nhìn cậu cộng sự trẻ chăm chú"
Cả câu này đọc nó hơi lợn cợn một chút, với mình thì tình tiết trong câu này cần được sắp xếp và ngắt câu lại, bạn có thể đưa cụm "Song Ngư nhìn cậu cộng sự trẻ" lên đầu, thêm từ và diễn đạt lại, sau đó thêm lý do ở cuối câu, ví dụ:
"Song Ngư chăm chú nhìn cậu cộng sự trẻ với cặp kính tròn và dáng vẻ ngờ nghệch." => Sắp xếp lại thứ tự từ và hành động nhân vật, như đã nói, mọi ví dụ chỉ để tham khảo.
"có vẻ như bên đặc vụ không yên tâm với người trẻ tuổi đã có thâm niêm chưa đến sáu năm nên mới giao hai cộng sự trẻ nữa "
Đặc vụ là một bộ phận hoạt động trực thuộc người có thẩm quyền cao, có thể là chỉ huy quân đội hoặc nguyên thủ quốc gia cấp cao, về cơ bản thì họ chỉ nhận mệnh lệnh từ cấp trên, nên ở đây từ dùng đúng là "cấp trên" hoặc "giới cầm quyền".
Ngoài ra câu này khá dài, bạn có thể ngắt trước cụm "...nên mới giao" thành câu ngắn sẽ dễ đọc hơn, cũng đỡ bị hụt hơi.
"có vẻ như bên đặc vụ không yên tâm với người trẻ tuổi đã có thâm niêm chưa đến sáu năm nên mới giao hai cộng sự trẻ nữa , thật là nực cười ."
Như mình đã nói ở phần nhận xét và góp ý, suy nghĩ nhân vật. Dù bạn dùng tình tiết này với ý nghiêm túc hay mỉa mai, nó vẫn cần đề cập đến suy nghĩ của nhân vật.
"Bạch Dương và Sư Tử đứng cạnh rồi trò chuyện thì Song Ngư ngờ ngợ về hòn đảo họ sắp đi tới ."
Câu kết cả đoạn này hoàn toàn không liên kết với đoạn sau, Song Ngư ngờ ngợ điều gì về hòn đảo ấy? Không thấy nhắc đến, và đến đoạn sau bạn đột ngột giới thiệu về hòn đảo, cũng không thấy nhắc đến, bạn bổ sung thêm về nghi ngờ của Song Ngư trong đoạn này nhé.
Và cả câu này đọc hơi ngang một chút, đầu tiên, từ "rồi", từ "thì" lẫn từ "đi" trong câu có thể bỏ đi, thêm từ và ngắt cả câu thành hai đoạn ngắn dễ đọc, ví dụ:
"Bạch Dương và Sư Tử đứng cạnh trò chuyện, riêng Song Ngư thì ngờ ngợ về hòn đảo họ sắp tới."
Hoặc: "Bạch Dương và Sư Tử trò chuyện với nhau, riêng Song Ngư thì ngờ ngợ về hòn đảo họ sắp đến." => Thêm từ, lược bỏ từ và ngắt ra thành từng câu ngắn.
"Song Ngư làm điếu thuốc rồi nhìn lên trời , quả nhiên sắp bão . Song Ngư nhìn hai cộng sự trẻ rồi nói qua về vụ án cần được tìm hiểu và làm rõ . Nữ cảnh sát trẻ liên quan tới hàng loạt vụ giết người gây chấn động báo pháp luật. Họ đồn đại cô ta không bình thường ngay từ nhỏ , nay lại nghe tin trốn thoát khỏi viện tâm thần ."
Again, đang nói về thời tiết, bạn lại đột ngột lái qua Song Ngư và hai cộng sự, với mình, cả câu đầu về thời tiết không liên quan gì đến nội dung cả đoạn, có thể bỏ đi, hoặc bạn có thể tách ra và miêu tả thêm về thời tiết.
"Song Ngư nhìn hai cộng sự trẻ rồi nói qua về vụ án cần được tìm hiểu và làm rõ ."
Đây là một trong những vấn đề của bạn, với mình thì câu này đọc khá ngang, ở đây hoặc là bạn thêm vào hành động của song Ngư ở đầu câu và ngắt ra với cả cụm bằng dấu phẩy, hoặc diễn tả suy nghĩ và lời nói, ví dụ:
"Song Ngư suy nghĩ một lúc rồi đảo mắt qua nhìn hai cộng sự trẻ, bắt đầu nói qua về vụ án cần được tìm hiểu và làm rõ." => Thêm cụm từ diễn tả hành động và ngắt câu lại.
Hoặc:
"Song Ngư vừa quan sát hai cộng sự trẻ vừa suy tư về vụ án lần này, lát sau hắng giọng thu hút sự chú ý của cả hai, trầm giọng nói:
"Các chàng trai, đến chúng ta nên tập trung vào công việc rồi." => Diễn đạt lại bằng thoại và và hành động nhân vật.
Bạn tham khảo rồi chỉnh lại nhé, với mình thì mình hay dùng cách thứ hai, và đoạn trò chuyện sau đó bạn đó thể dùng lời văn để diễn đạt.
"Song Ngư nhìn hai cộng sự trẻ rồi nói qua về vụ án cần được tìm hiểu và làm rõ . Nữ cảnh sát trẻ liên quan tới hàng loạt vụ giết người gây chấn động báo pháp luật. Họ đồn đại cô ta không bình thường ngay từ nhỏ , nay lại nghe tin trốn thoát khỏi viện tâm thần ."
Thường nếu nói về một vụ án lớn có thể gây hoang mang, thì hoặc là "chấn động dư luận" hoặc "chấn động cả nước". Tiếp theo, bạn cho biết nữ cảnh sát này không bình thường, vậy cô ta không bình thường ở điểm nào? Thay vì nói "họ đồn đại cô ta không bình thường", bạn có thể thẳng lý do, theo mạch truyện là chứng ảo giác, và đề cập đến nó theo hình thức khác, ví dụ:
"...Phía điều tra cho cô ta mắc chứng ảo giác, và đó cũng là lý do cô ta bị đưa vào viện tâm thần." => Kiểu không chắc chắn, vì lúc này Song Ngư vẫn chưa nói chuyện với Xử Nữ, vẫn chưa xem qua hồ sơ bệnh án.
Ngoài ra, với mình thì câu cuối có thể bỏ đi, nếu bạn chỉnh lại dựa theo ví dụ, còn nếu muốn để nguyên, hãy thêm thời gian nữ cảnh sát này ở đó, ví dụ:
"... cô ta chỉ mới đến hai tháng, nay lại nghe tin trốn thoát khỏi viện tâm thần."
Bạn tham khảo nhé.
"Vừa đặt chân lên đảo các cai ngục mặt mày chẳng mấy vui tươi tiến tới hộ tống ba người họ ."
Cả câu này đọc hơi ngang một chút, bạn có thể ngắt trước cụm "các cai ngục", sẽ dễ đọc hơn. Ngoài ra trong câu này, vì vừa đặt chân lên đảo, vẫn chưa biết mục đích của các cai ngục làm gì sau đó, nên cụm "hộ tống" có thể bỏ đi sẽ liên kết với câu sau hơn.
Ngoài ra, mình nghĩ thay vì dùng "cai ngục", bạn có thể dùng "nhân viên an ninh" hoặc "bảo vệ", vì đây là viện tâm thần, không phải nhà tù, bạn cân nhắc nhé.
"Đội trưởng cai ngục lững thững đi đến nở nụ cười nhạt toẹt mà chào đón"
Trong quá trình viết, bạn nên hạn chế những từ "thì", "mà", "rằng", "là", trong trường hợp này, từ "mà" có thể lược đi.
"Song Ngư giơ thẻ điều tra đặc vụ với vẻ mặt nghiêm nghị rồi leo lên chiếc xe lớn trở vào sảnh khu viện tâm thần"
Sảnh là khu vực để tiếp khách của các khách sạn, sân bay hay các tòa nhà lớn, có thể hiểu như một khu vực để khách chờ hoặc tiếp đón khách, nên ở đây, hoặc là "khuôn viên" hoặc là "khu vực" thuộc viện tâm thần.
Ngoài ra, thay vì dùng từ "rồi" để liên kết các hành động nhân vật, bạn có thể dùng các từ "lát sau", "sau đó", hoặc miêu tả thêm hành động, ví dụ:
"Song Ngư giơ thẻ điều tra đặc vụ với vẻ mặt nghiêm nghị, lát sau leo lên chiếc xe lớn..." => Thay từ, ngắt câu lại.
Hoặc: "Song Ngư giơ thẻ điều tra đặc vụ với vẻ mặt nghiêm nghị, rồi lập tức quay đi leo lên chiếc xe lớn..." => Diễn tả thêm hành động nhân vật.
Btw, là "thẻ đặc vụ điều tra" hoặc "thẻ đặc vụ" thôi nhé, "điều tra đặc vụ" đọc nó hơi ngược.
"hai bên toàn cai ngục dữ tợn tất cả chỉ có một biểu cảm"
Vẫn là nó hơi , hoặc "Cai ngục hai bên chỉ có một biểu cảm dữ tợn" hoặc "Tất cả cai ngục đều có chung một biểu cảm dử tợn.". Bạn tham khảo nhé.
"Cánh cổng sắt to chắn ngang nơi vào ,"
Đọc nó hơi... Nếu để nguyên, thì hoặc là "lối vào" hoặc là "chắn ngang đường", nhưng ở đây, mình nghĩ nên chỉnh lại thành "ngăn cách viện tâm thần với khu vực bên ngoài", bạn cân nhắc lại nhé.
Ngoài ra nhập đoạn này hơi ngang, bạn có thể thêm thời gian cả nhóm di chuyển, như "Đi được vài phút, họ gặp một cánh cổng sắt..."
"hai bên tường đều được rào bằng thép gai có điện cái này để đảm bảo cho tù nhân không trốn thoát ."
Câu này hơi dài, bạn có thể lược từ "cái này" đi và ngắt cả câu ra sẽ dễ đọc hơn.
Ngoài ra "hai bên tường"? Hơi khó hiểu, hoặc là "cả khu vực được rào bằng thép gai" hoặc là "phía trên bờ tường đầy thép gai", vì thép gai là dạng dây, không phải dạng lưới nên không thể dùng để rào lại nhé.
"Sư Tử và Bạch Dương lên tiếng sau khi nhìn tên Đội trưởng cai ngục nhảy xuống xe và cầm một cái hộp nhựa đứng trước cổng lớn ."
Mình nghĩ, nếu là giữ lại thì thì lái xe (ở đây là cai ngục) sẽ dừng lại và yêu cầu cả nhóm làm gì đó, như chờ đợi chẳng hạn (thông dụng nhất), nó sẽ khiến nhân vật có suy nghĩ mình bị giữ lại. Nếu để nguyên, tức hành động nhảy xuống là có mục đích, và nhóm vốn là đặc vụ (hoặc chỉ Song Ngư, dù không hoàn toàn) chắc chắn đã quen với chuyện yêu cầu bỏ lại vũ khí, nên câu thoại của Sư Tử và Bạch Dương hơi không hợp lý.
Ở đây, bạn có thể chỉnh theo gợi ý ở trên, hoặc chỉnh lại lời thoại của Sư Tử và Bạch Dương, ví dụ:
"Sếp! Đám người này muốn gì nữa đây?"
Bạn cân nhắc nhé.
"Song Ngư nhảy xuống đối mặt với tên cai ngục , hắn yêu cầu bỏ hết súng và chỉ được phép mang giấy tờ tùy thân . Điều này vô lý , Song Ngư chỉnh lại mũ phớt cười nhạt rồi lên tiếng ."
Với mình thì trong đoạn này, ngoại trừ đoạn diễn tả hành động của Song Ngư, yêu cầu để lại súng của cai ngục nên được diễn đạt ra thành một đoạn thoại và hành động, ở câu cuối, thay vì chỉ đề cập đến hành động của Song Ngư, bạn có thể thêm suy nghĩ của Song Ngư vào và triển khai thêm.
Cuối cùng, khi các đặc vụ đi điều tra theo mệnh lệnh thì họ sẽ mang theo thẻ công tác chứng minh thân phận để yêu cầu hợp tác với đối tượng, chứ không phải giấy tờ tùy thân nhé.
Btw, là "bỏ lại súng" nhé.
"trong điều lệnh chúng tôi có quyền giữ súng và các đồ đạc cá nhân !"
Hơi cụt, có quyền giữ đồ đạc cá nhân khi...? Ở đây thiếu hành động, bạn thêm vào nhé, như "khi làm nhiệm vụ" chẳng hạn.
"Sư Tử nhìn Song rồi đẩy kính , đầu gật gật . Cai ngục nhìn Song Ngư rồi thở dài , hắn khạc nhổ một bãi nước miếng xuống dưới nền đất đá , hếch mặt với giọng nói trầm khàn ."
Trong đoạn này lặp từ "rồi", cả hai từ "rồi" này có thể bỏ đi, và đảo hành động đẩy kính lên trước hành động nhìn Song Ngư, như này: "Sư Tử đẩy kính nhìn Song Ngư, đầu gật gật" bạn sẽ tránh được lỗi lặp từ.
Tiếp theo, theo thái độ từ đầu đến giờ thì cai ngục không thích nhóm Song Ngư, nên hành động thở dài không hợp lý lắm, ở đây nên là "nhếch môi cười mỉa mai" hoặc "bằng vẻ mặt giễu cợt".
Cuối cùng, "hếch mặt nói bằng giọng trầm khàn", ở đây dùng "hất mặt" sẽ dễ đọc hơn, bạn cân nhắc lại nhé.
"" Đặc vụ , quy định ở đây khác ! Ngài bắt buộc phải tuân theo , chúng tôi không muốn người ngoài cầm theo vũ khí , sẽ rất phiền phức ! ""
Ở câu đầu tiên, nếu bạn muốn diễn đạt mỉa mai thái độ của Song Ngư của cai ngục, bạn có thể thêm từ "Xin lỗi" ở đầu câu và xử lý lại dấu câu, ví dụ:
"Xin lỗi ngài đặc vụ, nhưng quy định ở đây khác, ngài bắt buộc phải tuân theo, chúng tôi..."
Thay tất cả dấu chấm than bằng dấu phẩy sẽ ngắt nghỉ rõ ràng hơn, nếu để nguyên dấu chấm than, đọc sẽ dễ có cảm giác nhân vật đang hét lên.
"Câu cuối cùng hắn ta nói nhỏ lại , Song Ngư tháo súng để trong hộp"
Một lần nữa, triển khai thêm suy nghĩ của Song Ngư, vì trước đó Song Ngư còn rất khó chịu với tay cai ngục này, nên theo diễn biến tâm lý tự nhiên, Song Ngư có thể im lặng, nhưng không thể không có suy nghĩ khó chịu
"đến Bạch Dương rồi Sư Tử và cậu ta mãi mới tháo được súng ra khỏi vỏ đựng"
Là "bao súng", và thông thường khi được giao lại vũ khí thì đồng thời sẽ kèm cả bao súng, nên về cơ bản thì không cần tháo súng ra, vả lại, cấu tạo bao súng khá đơn giản, phần nắp chỉ gồm một nút bấm, nút gài hoặc dán nên khá dễ mở, tay mơ cũng mở được, bạn cân nhắc lại tình tiết này nhé.
Và sau câu này bạn đề cập thêm về biểu hiện của Bạch Dương và Sư Tử nhé, lý do thì cũng như Song Ngư, cả hai đều rất - ghét đám cai ngục này, và vì cả hai đang "diễn" theo Song Ngư.
"Chiếc cổng mở ra kèm tiếng kêu khó nghe của nó , khung cảnh của viện giam giữ bệnh nhân tâm thần rất rộng lớn , ngay đây cũng có vài bệnh nhân đang dạo chơi và mái tóc họ có vấn đề , nhìn chúng thật dị hợm ."
Cả đoạn này cần tách xuống thành một đoạn riêng biệt, và thêm vào hành động hoặc một cụm chỉ mốc thời gian trước câu này, ví dụ:
"Sau khi giao lại súng, chiếc cổng..."
Hoặc: "Sau khi giao lại súng, vài gã cai ngục mở chiếc cổng ra..."
Ngoài ra ở đây có một lỗi dùng từ, là "cánh cổng" nhé.
Tiếp theo, đây là viện tâm thần, nên là "điều trị", không phải "giam giữ", vì ở câu kế tiếp bạn có để cập đến các bệnh nhân dạo chơi, nên trước câu này nên có một câu đề cập đến số lượng bệnh nhân trong viện (nhiều hay ít), hoặc nêu lý do cho câu sau và diễn đạt lại, ví dụ:
"Hiện tại đang se lạnh, nên có nhiều bệnh nhân đang dạo chơi..."
Đoạn cuối cùng hơi lạc lõng, trong viện tâm thần thì tình trạng bệnh nhân đầu bù tóc rối là bình thường, nên ở đây chỉ đơn giản là "mái tóc họ rối bù" là được, hoặc bạn có thể đặc tả thêm: "mái tóc họ rối bù một cách kỳ quặc, như thể chưa bao giờ được chải."
"(...) Cai ngục giới thiệu bao quát toàn bộ các khu vực , ngay bên trái khu A dành cho nam và khu C dành cho nữ , dãy nhà B ở giữa là của bác sĩ , viện trưởng và các cai ngục làm việc . Còn khu D đã bị bỏ hoang ."
Cách nhập đoạn cho mình cảm giác hơi ngang khi đọc, trong lúc tên cai ngục giới thiệu thì nhóm Song Ngư đang làm gì? Nhìn quanh quất, bàn về vụ án, hay chỉ trỏ các bệnh nhân bàn tán? Bạn xác định lại hành động của nhóm Song Ngư lúc đó rồi thêm vào ở đầu đoạn này, sau đó ngắt ra bằng dấu phẩy cho dễ đọc nhé.
Về cơ bản thì thông tin trong cả đoạn này hơi khô khan, sau câu "Cai ngục giới thiệu..." bạn có thể để cập thêm về vị trí các dãy nhà, hãy đặt ra số lượng khu vực và dãy nhà, bao gồm cách đánh dấu của viện điều trị này, sau đó giới thiệu theo thứ tự khu vực - số dãy.
Và ngoài bác sĩ, viện trưởng ra thì còn có các hộ lý và y tá, bạn thêm vào nhé.
"Bạch Dương bỗng dưng nôn ọe ngay tại đó , cậu ngửi thấy mùi ẩm mốc đến kinh tởm , nó khó chịu đến mức dạ dày cậu sôi trào các chất nhầy hỗn hợp từ đồ ăn sáng nay ra ngoài tự nhiên . Sư Tử liền lấy khăn tay đưa cho cậu cộng sự rồi vỗ vỗ vài cái vào lưng . Song Ngư nhíu mày rồi quay quan sát tiếp mọi thứ ."
Cả đoạn này cần được sắp xếp lại một chút, đưa lý do khiến Bạch Dương nôn ọe lên đầu và sử lý lại từ ngữ một chút sẽ dễ đọc hơn, câu sau khá dài, và nó hơi khó hiểu, nếu không chỉnh đoạn đầu, bạn có thể giữ nguyên cấu trúc cả đoạn, nhưng ở câu cuối cùng, hãy rút gọn toàn bộ lại thành một câu dễ hiểu hơn, ví dụ:
"Nó khó ngửi đến mức dạ dày của cậu cồn cào khó chịu, và tống hết mọi thứ cậu ăn trong bữa sáng ra ngoài." => Diễn đạt lại, giữ nguyên nghĩa của câu.
Theo mình, cả câu này nên diễn đạt lại.
Và cuối cùng, vì ở câu sau là lời giải thích của Bạch Dương, nên câu cuối cùng trong đoạn này nên diễn tả hành động của Bạch Dương lúc đó nhé, như nén cảm giác khó chịu, nhìn Song Ngư cười trừ giải thích, hay lau vội vệt nước bọt trên khóe môi... Bạn cân nhắc lại nhé.
"Cai ngục đưa cho ba người găng tay và bắt buộc phải đeo , Song Ngư không thích và từ chối , găng tay ! Sẽ khiến Song Ngư không thoải mái và thế anh đút nó vào túi áo . Cai ngục lại bắt họ đeo vì sợ họ chạm vào bệnh nhân ."
Đến đây, bạn có thể thêm hành động của Song Ngư vào đầu đoạn này, một gợi ý cho bạn là đoạn "Song Ngư nhíu mày quan sát tiếp mọi thứ" ở đoạn trước, ngắt ra bằng dấu phẩy và ghép hai đoạn lại bằng từ "lát sau" như này:
"Song Ngư nhíu mày rồi quan sát tiếp mọi thứ, lát sau cai ngục đưa cho..."
Theo mình, câu này nên ghép lại.
Còn một cách khác, bạn có thể thêm suy nghĩ của Song Ngư khi thấy Bạch Dương nôn ra tại chỗ để triển khai thêm và kết bằng dấu chấm. Xuống dòng và cả đoạn sau bằng cụm "Sau khi giới thiệu xong" để ghép đoạn còn lại vào thành một đoạn văn hoàn chỉnh.
Cuối cùng, nếu muốn diễn đạt dứt khoát hành động của cai ngục, bạn có thể dùng "kiên quyết yêu cầu họ đeo" thay vì chỉ "bắt" không, sau đó là giải thích lý do cho yêu cầu này.
"Bạch Dương lên tiếng rồi đeo găng tay vào . Nơi họ đến tiếp theo là phòng của viện trưởng , nó yêu cầu thẻ đặc vụ theo đó là căn phòng rộng lớn bày trí cổ . Ba người họ bước vào và vị viện trưởng đã đứng đó chào đón nột cách tươi tắn."
Diễn đạt cả đoạn này cực kỳ có vấn đề.
Đầu tiên, câu về Bạch Dương, thay vì dùng từ "rồi" để nối tiếp các hành động, bạn có thể dùng kiểu câu "... vừa ... vừa", ví dụ: Bạch Dương vừa lên tiếng vừa đeo găng tay vào", và vì câu thoại của Bạch Dương là mỉa mai, hãy đề cập thẳng vào câu này là mỉa mai nhé.
Tiếp theo, vì cả nhóm vừa đến viện điều trị tâm thần, chưa có tình tiết nào nhắc đến việc nhóm có ghé qua một nơi khác trước khi đến phòng viện trưởng, nên cụm "Nơi họ đến tiếp theo" hơi không hợp lý, ở đây bạn có thể diễn tả hành động nhân vật, như "Gã cai ngục dẫn họ qua khuôn viên rộng lớn, đến thẳng phòng của viện trưởng".
Kế tiếp, "nó" trong cả câu "nó yêu cầu thẻ đặc vụ theo đó là căn phòng rộng lớn bày trí cổ" này chỉ ai? Nhân viên an ninh hay bảo vệ? Đối tượng không rõ ràng, dẫn đến cả câu sau lủng củng một cách không hợp lý về diễn biến.
Hãy thêm đối tượng vào đầu cả đoạn và đề cập thêm về hành động nhân vật, sau đó sắp xếp lại diễn biến theo thứ tự: Ai yêu cầu thẻ công tác => Dẫn cả ba đến truốc phòng viện trưởng => Bước vào căn phòng rộng => Và gặp viện trưởng chào đón.
Btw, là "căn phòng rộng lớn bài trí theo phong cách cổ điển" hoặc "căn phòng rộng lớn kiểu Châu Âu", hoặc đơn giản là "căn phòng kiểu victoria" (kiểu kiến trúc từ thời nữ hoàng Victoria).
"" Đặc vụ Song Ngư , chào ngài ! Tôi là Xử Nữ ( Foster ) viện trưởng cũng như là bác sĩ ở đây ! Hân hạnh chào đón ba vị ""
Mình có một thắc mắc, từ "foster" nằm sau tên Xử Nữ với mục đích gì? Nếu là tên nhân vật, nó không hợp lý, vì bạn đang gọi tên các chòm sao bằng tiếng Việt, nếu là nhiệm vụ, hãy đề cập nó đến sau lời giới thiệu, ngoài ra, dạng từ bỏ trong ngoặc này nên hạn chế, hoặc không nên dùng trong thoại.
Tiếp theo, "cũng là bác sĩ" thôi là được nhé.
"Người mới được đưa đến đây trong vòng chưa đầy hai tháng nay đã tẩu thoát sẽ không yên khi một bệnh nhân tâm thần trốn ra ngoài ."
Một lần nữa, cách diễn đạt trong đoạn này cực kỳ có vấn đề.
Đầu tiên, hoặc là "trong vòng" hoặc là "chưa đầy", chỉ một trong hai.
Tiếp theo, ai sẽ không yên khi một bệnh nhân tâm thần trốn ra ngoài? Tình hình an ninh trong viện và các nhân viên làm việc, hay giới chức trách sẽ không để yên? Nó thiếu đối tượng, bạn thêm vào, sau đó ngắt cả đoạn ra thành từng câu ngắn vừa phải cho dễ đọc nhé.
"Song Ngư cùng hai cộng sự bắt tay rồi đi thẳng vấn đề chính , họ tới đây là điều tra cuộc trốn thoát của nữ cảnh sát liên quan đến vụ giết người hàng loạt , Song Tử , chính là tên người đó . Người mới được đưa đến đây trong vòng chưa đầy hai tháng nay đã tẩu thoát sẽ không yên khi một bệnh nhân tâm thần trốn ra ngoài . Viện trưởng mời rượu ba người , Bạch Dương và Sư Tử liền từ chối , một người bị chứng dạ dày nôn mửa vừa nãy , người còn lại không biết uống rượu chỉ xin một cốc nước lọc . Rượu thì chỉ có Song Ngư uống , mùi rượu thượng hạng thơm dịu khiến người không kìm được ."
Mình sẽ chia cả đoạn này ra thành hai đoạn ngắn, đầu tiên từ đầu đến "...trốn ra ngoài.", đoạn thứ hai từ "Viện trưởng mời rượu..." đến "...Không kìm được."
Hai đoạn này cần được sắp xếp lại, nếu là mời rượu hoặc trà, thường người ta sẽ mời trước khi bắt đầu câu chuyện, ở đây bạn có thể đưa đoạn "viện trưởng mời rượu" lên sau đoạn Song Ngư và hai cộng sự bắt tay chào hỏi Xử Nữ, thêm từ để ghép cả đoạn vào, sau đó thêm một đoạn dẫn đến lý do nhóm Song Ngư đến hòn đảo này, ví dụ:
Song Ngư cùng hai cộng sự bắt tay, sau đó viện trưởng mời rượu ba người , Bạch Dương và Sư Tử liền từ chối , một người bị chứng dạ dày nôn mửa vừa nãy , người còn lại không biết uống rượu chỉ xin một cốc nước lọc . Rượu thì chỉ có Song Ngư uống , mùi rượu thượng hạng thơm dịu khiến người không kìm được .
Sau khi nhấp được vài ngụm, Song Ngư đi thẳng vấn đề chính , họ tới đây là điều tra cuộc trốn thoát của nữ cảnh sát liên quan đến vụ giết người hàng loạt , Song Tử , chính là tên người đó . Người mới được đưa đến đây trong vòng chưa đầy hai tháng nay đã tẩu thoát sẽ không yên khi một bệnh nhân tâm thần trốn ra ngoài .
Này là diễn đạt theo văn của mình, bạn tham khảo rồi sắp xếp lại nhé, có thể cách dòng hoặc không, nhưng theo mình là nên cách, vì tình tiết đoạn trên và dưới không mấy liên quan nhau, mặt khác nếu cách và sắp xếp lại, lời thoại tiếp theo của Song Ngư sẽ hợp lý hơn.
Ngoài ra để hợp thức hóa cho lời thoại tiếp theo của Song Ngư, hãy thêm vào một đoạn nói về lời kể của Xử Nữ có đề cập đến chuyện bệnh nhân này từng suýt hạ một tên cai ngục.
"" Ông nói là cô ta trốn thoát mà không ai biết và cô ta đã suýt giết một cai ngục cao to sao ? Ha , thật buồn cười ! Tôi muốn xem hồ sơ của bệnh nhân ""
Mình để ý thấy biểu hiện mỉa mai của các nhân vật trong truyện chỉ xoay quanh ba chữ "thật buồn cười", cái này có thể hợp trong một số tình tiết, nhưng một số thì hoàn toàn không hợp. Trong trường hợp này, mình không nghĩ có thể mỉa mai, vì người được điều tra là một nữ cảnh sát, ít nhiều gì cũng từng được đào tạo về cách khống chế tội phạm, nên chuyện suýt giết một người có thể tạng vượt trội hơn hoàn toàn có thể.
Đó là theo quan điểm cá nhân của mình, nếu bạn muốn giữ nguyên, bạn có thể thay các cụm "thật buồn cười" bằng các cụm "thật điên rồ", "thật hoang đường" hoặc trong trường hợp này, bạn có thể dùng một câu hỏi như: "ngài đang đùa với tôi sao, viện trưởng?"
Ngoài ra, yêu cầu xem hồ sơ bệnh án của Song Ngư ở cuối câu thoại không liên quan đến ý tứ cả câu, nếu bạn muốn giữ nguyên, bạn có thể thêm vào quan điểm của Song Ngư vì sao mỉa mai, như "Đó là một phụ nữ, cô ta có bao nhiêu sức lực để hạ một gã cao to? Trừ phi cô ta được huấn luyện chuyên nghiệp..." Bla... bla... Và đến yêu cầu xem hồ sơ của bệnh nhân.
"Cô ta đã như bốc hơi trong khu viện này ,"
Đầu tiên là "bốc hơi khỏi", còn lại từ "khu viện" hơi khó hiểu, hoặc là "khu vực điều trị" hoặc là "mặt đất" - chỉ một hiện tượng mất tích bí ẩn.
"Sư Tử lên tiếng hồn nhiên , cậu tháo kính rồi lau lau vào khăn tay để xóa bụi mỏng bám trên kính ."
Cụm in đậm đầu tiên cần đảo lại từ một chút: "hồn nhiên lên tiếng" đọc sẽ thuận miệng hơn, sau đó cần chỉnh lại diễn đạt: tháo kính xuống => dùng khăn tay lau đi vết bụi mỏng trên mặt kính sẽ dễ đọc hơn.
"Xử Nữ tiếp tục rót rượu mời đặc vụ nhưng Song Ngư chỉ nhấp ngụm nhỏ , anh lại hỏi thêm vài thông tin ."
Về cơ bản, Xử Nữ đã biết Song Ngư là đặc vụ nên từ này có thể bỏ đi, và ngắt từ trước từ "nhưng" ra thành từng câu ngắn sẽ dễ đọc hơn.
"" Vậy ngài không thấy lo lắng sao ? Ngài không sai người đi tìm sao ? ""
"" Chúng tôi lục soát nhưng không thấy , các ngài muốn xem hiện trường chứ ? ""
Đầu tiên, ngay cả phim được phụ đề thì trong trường hợp này, người ta không dùng kính ngữ "ngài" khi nói chuyện, trừ phi đó là quan chức cấp cao, còn trong trường hợp thông thường, bạn nên dùng đại từ.
Ở câu thứ nhất, bạn có thể dùng đại từ theo tuổi tác của Xử Nữ, "ông" hoặc "anh" (nếu còn trẻ), đến câu thứ hai, nhất định phải thay cụm "các ngài" bằng "các anh", đọc cả đoạn thoại sẽ tự nhiên hơn.
Và ở câu đầu tiên, câu tiếp theo không nên hỏi "đã cho người tìm kiếm chưa?" mà nên là "kết quả tìm kiếm thế nào?" => Một lần nữa, tâm lý tự nhiên, đại đa số người khi đứng trước một vụ bệnh nhân tâm thần mất tích là tìm kiếm, thậm chí có thể không đợi lệnh từ viện trưởng, mà sẽ cho người báo lại trong khi một bộ phận đi tìm, bạn cân nhắc lại nhé.
Ngoài ra trong cả đoạn đối thoại từ khi nhóm Song Ngư bước vào phòng viện trưởng, hãy đề cập thêm đến suy nghĩ và phân tích của Song Ngư trước những thông tin mình nhận được, hoặc nếu có thể, hãy diễn tả cả câu chuyện được kể bằng suy nghĩ của Song Ngư, như hiện tại thì suy nghĩ của Song Ngư chưa được nhắc đến nhiều, dù Song Ngư là nhân vật chủ điểm trong cả chương.
"Căn phòng chật hẹp chỉ đủ kê một chiếc giường một nhà vệ sinh nhỏ và để một tủ giày vuông thấp ."
Một lần nữa, nhập đoạn khá ngang và câu quá dài, căn phòng này đóng vai trò gì trong vụ mất tích, hiện trường vụ án hay nơi bệnh nhân được nhìn thấy lần cuối? Bạn xác định lại, sau đó thêm vào đầu câu và ngắt ra nhé, ví dụ:
"Hiện trường vụ án là một căn phòng chật hẹp, chỉ đủ kê..."
"chiếc cửa sổ bé tẹo chẳng đủ cho cái đầu chui lọt chứ đừng nói là người . Bạch Dương ngồi xổm rồi mở tủ giày , điều kì lạ khiến anh phải hỏi ."
Lỗi dùng từ: là "ô cửa sổ."
Tiếp theo, có gì kỳ lạ trong tủ giày khiến Bạch Dương phải hỏi? Thiếu lý do, bạn cân nhắc rồi thêm vào nhé.
"" Song Tử cô ta có tổng cộng bao đôi giày ? ""
Trong câu thoại này, hoặc là "cô ta", hoặc là "Song Tử", trong trường hợp này, cả nhóm không quen biết gì với Song Tử, nên đại từ hợp lý là "cô ta", bạn cân nhắc lại nhé.
"Kim Ngưu là người được giao phó cho việc chăm sóc Song Tử vì bệnh nhân không thích tiếp xúc với nam giới ."
Kim Ngưu là nhân vật mới xuất hiện lần đầu, việc đề cập bất ngờ thế này dễ khiến người đọc nhầm lẫn Kim Ngưu không phải y tá mà là một người khác, ở đây bạn có thể thêm vào ở đầu câu trước khi nhắc đến Kim Ngưu một cụm đề cập đến chuyện cô là y tá, sau đó có thể dùng đại từ "cô" hoặc "cô ta" để diễn đạt tiếp, ví dụ:
"Y tá vừa trả lời là Kim Ngưu, cô ta là người được giao cho..."
"Kim Ngưu là người được giao phó cho việc chăm sóc Song Tử vì bệnh nhân không thích tiếp xúc với nam giới . Cô ta còn giết chết hai đứa con của mình rồi lừa chồng và chôn anh ta sau nhà . Tội ác khiến cô ta ám ảnh không giải thoát cho chính mình ."
Nếu để nguyên, câu đầu tiên với câu thứ hai không liên quan gì đến nhau, nếu câu trên nói về những việc Song Tử đã làm trước đó thì câu thứ hai hợp lý, còn nếu bạn muốn giữ nguyên cấu trúc cả đoạn thì trước câu thứ hai, bạn cần để cập thêm những gì Song Tử đã làm với các hộ lý nam trước đó (ví dụ: gào thét xúc phạm hay tấn công), sau đó điều chỉnh lại một chút ở câu thứ hai, như này:
"... không thích tiếp xúc với nam giới, trước đó từng có trường hợp hộ lý nam bị Song Tử tấn công, trước đó nữa, cô ta đã giết hai đứa con của mình..."
Ngoài ra ở câu thứ hai, hãy thêm vào Song Tử làm gì với chồng mình, trước khi chôn anh ta sau nhà.
Cuối cùng, một bệnh nhân mắc chứng ảo giác thường không phân biệt được thật - giả, và ở mức độ nặng, họ có thể không ý thức được hành vi của mình, trong thế giới của họ, mọi hành vi đều đúng, và họ không sai, nên chuyện bị ám ảnh bởi tội ác đến không thể giải thoát gần như không thể xảy ra. Ở đây bạn nên giải thích, rằng chuyện giết chồng con mình khiến Song Tử lún sâu vào ám ảnh, và bệnh tình ngày càng nghiêm trọng sẽ hợp lý hơn.
"Bạch Dương lên tiếng sau khi phát hiện chi tiết nhỏ ."
Là "điều bất thường" nhé.
"Về phía Song Ngư , anh đang cố với lấy thứ gì đó trong gầm giường là một mẩu giấy nhỏ , cũ nát và ẩm ướt ."
Từ đầu cả đoạn khi cả nhóm đến hiện trường đến giờ bạn không hề đề cập đến hành động của Song Ngư, thậm chí là suy nghĩ, phần lớn bạn chỉ tập trung vào những gì diễn ra xung quanh, rất ít đề cập đến suy nghĩ, và chính điều này khiến mạch truyện bị thiếu hụt về mặt tâm lý nhân vật.
Đầu tiên, hãy đề cập đến căn phòng là hiện trường dưới góc nhìn của Song Ngư, sau đó Song Ngư làm gì (phân chia công việc cho hai cộng sự), và mình chịu trách nhiệm phần nào (quan sát xung quanh, hay trò chuyện thêm với Kim Ngưu và Xử Nữ để khai thác thêm thông tin), với tình tiết hiện tại, mình nghĩ hợp lý nhất là nên cho Song Ngư phân công cho các cộng sự, còn mình xem xét quanh căn phòng, sau đó cúi xuống gầm giường kiểm tra thì vô tìn nhỉn thấy mẩu giấy nhỏ.
Còn lại, chỉ là "mẩu giấy cũ ẩm ướt" thôi nhé, vì "cũ nát" là chỉ trạng thái rất cũ, đụng vào là rách, bạn cân nhắc lại nhé.
"Xử Nữ chưa gì đã nóng vội định giật lại từ tay Song Ngư nhưng lại không được , vẻ mặt lo lắng của viện trưởng khiến ba người họ thấy đáng nghi trong lúc điều tra ."
Cả câu này cần được diễn đạt lại, đầu tiên hãy thêm một cụm chỉ hành động của Xử Nữ, như "Ngay khi vừa nhìn thấy mẩu giấy, Xử Nữ đã nóng vội định giật lại từ tay Song Ngư..." sau đó thêm vào hành động, biểu hiện và suy nghĩ của Song Ngư. Nếu được, hãy diễn đạt thành một đoạn đối thoại ngắn: Song Ngư hỏi vì sao Xử Nữ lại nôn nóng, và Xử Nữ đưa ra lý do chống chế, và kết bằng một đoạn dẫn đến nghi ngờ của nhóm Song Ngư, trước đó hãy thêm một đoạn về suy nghĩ của Song Ngư dẫn đến quyết định chất vấn Xử Nữ.
Và với mình thì đoạn này nên được triển khai ra thành đối thoại, nếu để nguyên thì nó đi khá nhanh, thậm chí có chút đều đều.
Cuối cùng, cả cụm "trong lúc điều tra" bạn có thể bỏ đi mà không làm ảnh hưởng tình tiết trong truyện.
"" Tôi vẫn muốn viện trưởng điều các cai ngục đi tìm kiếm cô Song Tử lần nữa , tìm mọi cách vì chắc chắn cô ta không rời khỏi được hòn đảo này ! ""
Khi chắc chắn một ai đó không thể rời khỏi, đầu tiên nên là "tìm mọi ngóc ngách" hoặc muốn giữ nguyên, bạn có thể thay bằng "làm tất cả mọi cách/ không cần biết làm cách nào, phải tìm cho ra, vì chắc chắn..."
Cuối cùng là "không thể rời khỏi hòn đảo này được" nhé.
"Ba người họ được cấp phòng để nghỉ ngơi vì cũng đã quá muộn cho nên cuộc tìm kiếm bị hoãn sang hôm sau . Đúng lúc trời mưa to không tưởng mong là ngày mai trời sẽ hửng nắng ."
Cả đoạn này hơi rối, tình tiết cần được sắp xếp lại một chút, như này: Đưa lý do nhóm Song Ngư được sắp xếp phòng để nghỉ ngơi lên trước (từ "vì cũng đã quá muộn..." đến "hoãn sang hôm sau"), đưa cụm "ba người họ được sắp xếp phòng để nghỉ ngơi" về sau đọc sẽ đỡ rối hơn.
Câu thứ hai cần ngắt ra đọc sẽ đỡ ngang hơn, ở đây bạn có thể ngắt từ trước cụm "mong là ngày mai..." thành từng câu ngắn vừa phải, ngắt nghỉ đúng lúc sẽ dễ đọc hơn.
III, Góp ý ngoài lề cho chương:
+ Ảo giác không phải một chứng bệnh hiếm gặp, trái lại là một chứng rối loạn tâm thần rất phổ biến, và như những gì bạn mô tả về bệnh tình của Song Tử, tất cả là biểu hiện của bệnh tâm thần phân liệt - là bệnh loạn thần mức độ nặng, người bệnh có suy nghĩ sai lệch, kỳ dị, không thể kiểm soát hành vi và cảm xúc, nhưng chỉ một phần nhỏ trong số đó có hành vi làm hại người quanh mình, thậm chí là giết người, bạn xác định lại phần này để chỉnh sửa lại nhé.
+ Vì đa số tình tiết bạn kể bằng câu văn nhưng không đầy đủ, hoặc rối khiến người đọc khó nắm bắt, về phần này, như đã gợi ý chỉnh sửa ở một số chi tiết, bạn có thể diễn đạt lại bằng các đoạn thoại, chen giữa là suy nghĩ của các nhân vật, người đọc sẽ dễ nắm bắt hơn nếu bạn không thạo diễn đạt một đoạn văn có nhiều tình tiết. Và nếu xử lý khéo léo, bạn có thể kiểm soát mạch truyện của mình, muốn nhanh thì nhanh, muốn chậm thì chậm, như hiện tại, mình thấy quá nhanh.
+ Cả đoạn cuối đi quá nhanh và thiếu hụt suy nghĩ của nhân vật, ở những đoạn đầu chủ yếu kể về hành trình nhân vật, bạn có thể đề cập đại khái và vừa đủ, nhưng khi vào mạch truyện chính (ở đây gần như là điều tra), hãy đề cập nhiều hơn đến suy nghĩ của nhân vật chủ điểm trong chương trước các điều bất thường trong căn phòng, về những điều bất thường nhân vật quan sát và tìm hiểu được, lẫn những người làm cùng công việc tìm hiểu được.
Một lần nữa, nếu có thể hãy điều chỉnh thành một đoạn thoại ngắn trao đổi giữa các nhân vật để đề cập đến, để tránh chuyện bạn vô tình "bỏ quên" một nhân vật nào đó trong nội dung, hoặc nếu bạn không thạo xử lý đoạn văn nhiều tình tiết.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro