|Regen| Beta | Impossible - Littleant
Tác phẩm: Impossible | Littleant
Số chương beta: Hai chương đầu.
________________
Đầu tiên, mình xin lỗi nếu mình có quá khắc khe hay vô tình đã kích bạn nhé.
Có thể cách beta của mình khác với một số team, mình sẽ không sửa trực tiếp câu văn của bạn, mà sẽ nhận xét – chỉ lỗi – góp ý, và bạn sẽ sửa, ở đây bao gồm nhận xét trên quan điểm cá nhân, chỉ lỗi và góp ý trên kinh nghiệm đọc – viết của mình, dùng vào mục đích tham khảo.
I, Nhận xét:
Có một sự thật rằng từng có một thời gian mình đọc toàn truyện về 12 cung hoàng đạo, nếu mang ra so sánh sẽ hơi bất công với bạn, nên mình nói trên quan điểm cá nhân: Văn phong của bạn chưa thật sự khiến mình ấn tượng hay tò mò – yếu tố cần có cho thể loại thriller mang hơi hướm trinh thám, mặc dù bạn làm khá tốt phần này trong văn án.
Văn phong của bạn hợp với romance, cách diễn đạt và từ ngữ không quá khó hiểu và hay, nhưng để thể hiện thriller, kiểu văn phong của bạn là một thách thức, đặc biệt khi nó thiếu hụt về miêu tả như hiện tại, và đôi khi bạn quên mất tâm lý nhân vật trong vài tình huống.
Câu trả lời cho yêu cầu góp ý của bạn chính là: Hãy cải thiện văn phong và đầu tư thêm vào vốn từ, bằng cách đọc những truyện cùng thể loại, nắm cách họ dùng từ và miêu tả tâm lý trong các tình huống, nếu được hãy nhờ người có kinh nghiệm viết cùng thể loại nhận xét.
Bạn cũng cần đầu tư thêm về văn tả và tự sự, tả cảnh, miêu tả đối tượng, miêu tả tâm lý, tình huống, hành động... Còn lại, nếu bạn vận dụng tốt dấu câu ngắt đúng chỗ, nhấn mạnh đúng chỗ, dùng đúng từ để miêu tả.
Và hãy đầu tư thêm về tâm lý nhân vật, tùy mỗi tình huống, mỗi ngữ cảnh mà nhân vật sẽ có suy nghĩ và diễn biến tâm lý khác nhau. Bạn viết thể loại gì không cần biết, nếu thiếu về tâm lý nhân vật thì truyện của bạn sẽ hổng, rất hổng.
Về việc dẫn câu văn, hãy hoàn thiện văn phong của mình trước, nếu văn phong của bạn đủ cứng, bạn sẽ biết làm thế nào dẫn câu văn cho hợp lý, với mình hiện tại thì hành văn của bạn khá yếu và thiếu hụt rất nhiều yếu tố như mình đã nói ở trên, và xuyên suốt cả bài beta này.
Còn lại, hãy đọc thêm ở phần lời khuyên ngoài lề cuối bài nhé. :)
II, Về các chương.
Mình thích cách bạn đặt tên cho từng chương, nó cho mình cảm giác như truyện được lên cốt rất rõ ràng, và bạn xác định được rõ ràng tình tiết chủ điểm trong nội dung chương, tuy nhiên một lần nữa, nó lại khá sơ sài về đối tượng chính bạn muốn nhắc đến trong chương.
Nhớ nguyên tắc này: Một khi đã quyết định đặt tên cho từng chương, thì nội dung cả chương (hoặc ít nhất 2/3 thời lượng chương) chỉ nên đề cập đến chủ điểm, hoặc đối tượng bạn nhắc đến trong tiêu đề (giống như nội dung truyện phải liên quan đến tên truyện vậy).
Chương 1: Bàn Thủ Thư.
1, Đoạn đầu từ "Sân trường" đến "linh hồn bé nhỏ thánh thiện".
Với mình, bạn chưa hoàn toàn tập trung vào đối tượng chính: Cô thủ thư và quyển nhật ký, trong chương này mình sẽ không bàn đến nội dung quyển nhật ký, mà sẽ đi thẳng vào những lỗi bạn phạm ở diễn biến. Rõ ràng nhất, là các câu văn trong đoạn đầu khá rối.
+ Về lỗi:
"Sân trường rộng nhưng đầy ngột ngạt, chúng – bọn học sinh – nhìn thấy hàng rào kẽm gai xoắn tít trên bờ tường mà cảm thấy bất mãn vô cùng."
Chi tiết sân trường ngột có vẻ không mấy liên quan đến cái bất mãn của bọn học sinh, vì sao sân trường ngột ngạt nhưng bọn học sinh lại bất mãn khi nhìn bức tường? Lý do? Nếu là sân trường ngột ngạt, vấn đề là ở thời tiết chứ không phải bức tường, nếu ý cậu là do bức tường, hãy miêu tả thêm một chút và đề cập đến lý do.
"Một làn gió vuốt qua tóc của Sư Tử, một học sinh mới đến, cô bé khẽ rùng mình. Thư viện vắng tanh, chỉ có cô bé và một cô thủ thư trùm kín mặt."
Và
"Bước đến bên ô cửa sổ rộng nhìn ra đám học sinh kia, chợt cảm thấy có ánh mắt lạnh toát sau lưng. Cô bé hơi rụt rè quay lại. Chẳng thấy ai."
Ở câu đầu tiên, hãy tách câu đầu từ "một làn gió" đến "cô bé khẽ rùng mình" thành một đoạn riêng, miêu tả thêm hành động, và tâm lý nhân vật ở cả hai đoạn, vì chả ai bình thản trước một hiện tượng bất thường cả.
"Trên chiếc bàn của cô thủ thư có cái gì thế?"
Lỗi dùng từ: mặt bàn, "chiếc" hoặc "cái" là bạn nói toàn bộ đối tượng, và không có vị trí cụ thể.
"Cô bé cầm quyển sách, hóa ra nó không cũ lắm mặc dù giấy đã ố vàng nhưng chữ không bị nhạt đi, bìa cũng sáng như có mạ bạc."
Để màu giấy ngả vàng thì mất khoảng mười năm trở lên đối với nhiệt độ phòng, còn trong truyện, theo những gì mình nắm được, quyển nhật ký có khoảng năm năm, nên về logic thì nó hơi không hợp lý cho lắm, nếu được bảo quản tốt trong thư viện, không ai đụng thì một quyển sách vẫn mới tinh, giấy vẫn trắng và chữ viết vẫn rõ ràng.
Bạn xem xét lại chi tiết này nhé, nhỏ, nhưng người đọc khó tính sẽ nhận ra ngay.
"Cô thủ thư giật lấy, đóng dấu mộc đỏ bằng mực cũ hơi hắc lên trang sách rồi đưa cho Sư Tử."
Hộp mực dùng để đóng dấu mộc thường sẽ giữ nguyên màu dù có cũ hay không, và nếu hết thì có thể đổ thêm mực vào, nên cụm "mực cũ" ở đây không hợp lý lắm, và mình không hiểu "hơi hắc" trong câu này chỉ điều gì, mùi mực hơi hắc (mùi nặng, khó ngửi), hay là màu mực hơi đen? (Hắc: từ Hán – Việt = đen).
"Trước khi ra khỏi thư viện cùng quyển sách kì quái ấy, cô bé còn nghe được tiếng thì thầm bên vành tai."
Lỗi dùng từ, từ "cùng" này xuất hiện nhiều trong văn phong Trung, mình không rõ bối cảnh cậu đặt vào, nhưng với văn phong tự nhiên, mình không khuyến khích dùng từ nửa nạc nửa mỡ, và với vị trí người đọc, mình sẽ gạt đi ngay nếu một tác giả để văn phong tự nhiên ảnh hưởng văn phong Trung.
Ngoài ra câu này nên thay đổi cách diễn đạt một chút, như "trước khi mang quyển sách kỳ quái ấy ra khỏi thư viện."...
Btw, là "tiếng thì thầm bên tai" thôi nhé, nhưng ở đây không xác định người nói, nên mình nghĩ từ dùng đúng là "tiếng thì thầm quanh quẩn bên tai".
+ Cần sắp xếp lại:
"Một làn gió vuốt qua tóc của Sư Tử, một học sinh mới đến, cô bé khẽ rùng mình. Thư viện vắng tanh, chỉ có cô bé và một cô thủ thư trùm kín mặt.
Các bạn nói cô ấy dị ứng với ánh sáng, cô bé cảm thấy thật dị." (1)
"Như đã nói, cô thủ thư trùm kìn mặt, chỉ lộ tròng mắt xám xịt, đuôi mắt dài dài, nhăn nheo và đáng sợ." (2)
Các đoạn này đều nói về cô thủ thư, nên được đặt gần nhau. Và về cá nhân mình – là kiểu văn phong thiên về miêu tả, các câu này có thể sắp xếp lại vị trí, lượt bớt từ, ghép lại và triển khai thêm về cô thủ thư. Ở câu thứ ba, cậu bỏ cụm "như đã nói" đi, nó khá thô. Ví dụ:
"Một làn gió vuốt qua tóc của Sư Từ, một học sinh mới đến, cô bé khẽ rùng mình. Thư viện vắng tanh, chỉ có cô bé và một cô thủ thư trùm kín mặt, chỉ lộ tròng mắt xám xịt, đuôi mắt dài, nhăn nheo và đáng sợ. Các bạn nói cô ấy dị ứng với ánh sáng, cô bé cảm thấy thật dị." => Lược bớt từ, xếp lại vị trí và ghép câu. Cậu có thể tham khảo để chỉnh lại bằng văn của cậu, và triển khai thêm.
"Ô kìa! Trên chiếc bàn của cô thủ thư có cái gì thế? Là một quyển sách lạ, một quyển sách cũ đặc biệt.
Cô bé như bị sức hấp dẫn của quyển sách lôi kéo, từng bước đi về bàn thủ thư." (1)
"Cô bé cầm quyển sách, hóa ra nó không cũ lắm mặc dù giấy đã ố vàng nhưng chữ không bị nhạt đi, bìa cũng sáng như có mạ bạc." (2)
Các đoạn này nên nằm gần nhau, vì nó nói về cùng một đối tượng là quyển nhật ký, nếu có thể, hãy ghép nó lại thành một đoạn hoàn chỉnh và miêu tả thêm về quyển nhật ký, trong các đoạn văn này cũng có vài vấn đề: Vì sao một quyển sách cũ lại đặc biệt? Ở nó có gì nổi bật? Và vì sao Sư Tử lại bị thu hút bởi một quyển sách cũ? Dựa trên cơ sở nào? Cô bé thích đọc sách cũ, hay tò mò vì thư viện toàn sách mới, nó thì quá cũ?
Hãy xác định lại lý do Sư Tử cảm thấy nó đặc biệt (bề ngoài quyển sách, thói quen hay do môi trường thư viện), sau đó sắp xếp hợp lý và diễn đạt lại, nếu không có lý do khiến nó đặc biệt, tình tiết Sư Tử bị thu hút sẽ rất gượng ép.
Đây là toàn bộ phần đầu của bạn, dưới quan điểm của mình, phần này chưa được triển khai đầy đủ, trong khi nó là tình tiết chính trong nội dung chương (gần như là phần cốt lõi), nếu khắc phục hết các lỗi trong phần này, nó sẽ chiếm độ dài hơn 2/3 chương hiện tại – tỉ lệ vừa đủ cho đối tượng chính trong chương (quyển sách và cô thủ thư).
2, Phần thứ hai từ "cộp cộp" đến "lật từng trang."
Đầu tiên, mình không khuyến khích dùng từ tượng thanh trong quá trình viết, thứ nhất, nó giống một hình thức câu độ dài, thứ hai, nếu nằm trong câu văn, nó khiến câu văn của cậu rất thô, thay vì gõ ra tiếng động, hãy dùng câu văn để diễn đạt.
Mình sẽ tiếp tục chia nhỏ ra thành hai phần:
+ Đầu tiên, từ "cộp cộp" đến "tiếng trống vào học".
Trong đoạn này, mình có một lời khen là thoại của bạn rất tự nhiên (ít nhất là với đứa yếu thoại như mình), nhưng bạn lại thiếu hụt phần quan trọng nhất trong tình huống này: cảm nhận của Sư Tử, hay đơn giản chỉ là cô bé nghĩ gì khi là tâm điểm trêu chọc.
Ban đầu khi đọc đến đoạn này, mình thấy khá vô lý cho hành động bịt tai của Sư Tử, vì sao cô bé khó chịu? Tình tiết nào trong đoạn cho thấy bọn học sinh gán ghép Sư Tử cho Song Tử và gián tiếp khiến cô bé khó chịu với mấy câu đấy? Mình hơi mập mờ một chút, vì bạn không – hề miêu tả chút hành động nào của bọn học trò (như chỉ trỏ Sư Tử và cười rộ lên), bạn cân nhắc lại rồi miêu tả thêm về hành động của tụi học sinh + triển khai thêm tình tiết nhé.
+ Tiếp theo, từ "Sư Tử lên bảng" đến "lật từng trang".
Trong đoạn này có một chỗ hơi khó hiểu:
"Phạm Hạ Linh đã nhiều lần xúc phạm đến cô bé cùng với chị của nó, Phạm Linh Đan. Trường này chẳng ai ưa hai chúng nó, chị thì cứ cố tỏ ra thanh lịch, em thì cố tỏ ra dễ thương. Giả tạo."
Nếu để nguyên, mình sẽ hiểu cụm "cùng với chị của nó" là chỉ cô bạn xấu tính này xúc phạm Sư Tử và chị của cô bé, nhưng cái tên phía sau khiến mình hiểu nhầm, nếu ý cậu muốn nói Phạm Linh Đan là chị của Phạm Linh Đan, và hai chị em nhiều lần xúc phạm Sư Tử, bạn cần đặt lại vị trí một chút. Ví dụ:
"Phạm Hạ Linh và chị của nó – Phạm Linh Đan đã nhiều lần xúc phạm đến cô bé." => Hợp lý hơn, nếu mình hiểu đúng ý của bạn.
Và các đoạn khi bạn nói quá rõ về nhân vật nào đó, chỉ nên dùng khi nhân vật xuất hiện lần đầu, cụm này có thể đưa lên đoạn trên, đảo lại vị trí tên một chút, và đặt dưới câu nói về giọng của Linh Đan, nó có thể vớt cho bạn phần suy nghĩ của Sư Tử về Linh Đan.
Còn lại, như những gì mình nắm bắt được trong nội dung đoạn này, không ai ưa hai chị em này, nên cậu miêu tả thêm về phản ứng cả lớp lúc ấy nhé (kiểu đứa bấm bụng cười thầm, hay thấp giọng trêu chọc), và phản ứng của Hạ Linh khi mình bị chỉ lên bảng (giật mình cúi mặt, hay liếc mắt nhìn Sư Tử), diễn tả tất cả ra, và cậu sẽ không lo lắng về lý do Sư Tử chọn cô bạn xấu tính này.
Cơ mà, có cô giáo bên cạnh, mình nghĩ là nên gọi tên chứ nhờ, lớp mấy chục người chứ đâu phải năm mười người, bạn cân nhắc lại nhé.
Ngoài ra, bạn nên cân nhắc lại các đại từ dùng để gọi nhân vật phản diện, từ "chúng nó" mang tính chất miệt thị nặng nề, thậm chí bài xích, theo mình, ở đây dùng "hai chị em này" sẽ lịch sự hơn (ý kiến riêng thôi).
Chương 2: Những lá thư.
Mình lại chia chương ra thành từng phần để dò lỗi, và vì chương này phân đoạn rõ ràng.
Cậu tập trung vào nhân vật nhiều, có vẻ như quen với truyện tình cảm, nhưng khi nhảy hố trinh thám, cậu cần tập trung nhiều cái hơn là nhân vật, rồi sẽ có lúc cậu tập trung vào sự việc mà mặc kệ cả nhân vật, và chỉ yêu cầu miêu tả cảm nhận nhân vật (tin mình đi, sẽ có).
1, Đoạn đầu từ "những lá thư ố vàng" đến "mưa rất lớn".
Đầu tiên, cụm "Những lá thư ố vàng xuất hiện" khiến mình hiểu nhầm một chút, mình nhầm lẫn đây là dòng chữ cuối Sư Tử đọc được trong quyển sách, cơ mà không phải. Nếu đây là đoạn dẫn vào truyện, mình có một mẹo cho cậu: Cách dòng với đoạn dưới một khoảng trắng, và ném nó qua lề trái hoặc ở giữa, sẽ tránh nhầm lẫn.
"Ngoài trời đầy mây mù, Sư Tử cảm thấy quyển sách quá kì lạ. Dòng chữ cuối cùng ấy, có cái gì đó không hề bình thường."
Lỗi trong câu này cũng giống lỗi trong đoạn mở đầu chương 1, có một sự tổ lái (hay bất lợp lý) không hề nhẹ về tình tiết. Trời đầy mây mù thì liên quan gì đến cảm nhận của Sư Tử về quyển sách? Nếu ý bạn muốn chỉ trời sắp mưa, hãy miêu tả thêm về không khí, quang cảnh ngoài cửa sổ, thời tiết thế nào, lưu ý là chỉ ở mức vừa – và đủ.
Nếu không muốn đi quá sâu về thời tiết thì bỏ đi, và thay mở bằng một đoạn dẫn nơi chốn và bắt đầu bằng "Sư Tử suy tư, càng nghĩ càng cảm thấy..."
Và một lần nữa, miêu tả thêm tâm lý của Sư Tử về quyển sách, bắt buộc đấy.
"... tóc đen xõa dài đối lập với màu chiếc nệm khiến cô bé trông như một thiên thần bay trong miền kí ức tuyệt đẹp."
Again, lỗi dùng từ. Nếu là nệm, thì hoặc là "tấm nệm" hoặc là "drap niệm" (ga trải trên mặt nệm), ngoài ra với mình, từ ngữ dùng trong đoạn này cầu kỳ một cách không cần thiết.
"Dù gì cô bé cũng không có chủ trương mượn cuốn sách ấy, thôi thì mai đem trả lại vậy."
Lỗi dùng từ, từ "chủ trương" dùng trong ngữ cảnh này không hợp lý, xét về tính chất thì nó khá cứng nhắc, và từ này chỉ xuất hiện trong các văn bản hành chính khô khan, còn bạn đang viết truyện, mình nghĩ từ đúng ở đây là "có ý định mượn".
2, Đoạn từ "ánh mặt trời" đến "sự mong mỏi".
Thật sự, mình có cảm giác như đang đọc ngôn tình khi đến đoạn này, như không hề có nghi ngờ của Sư Tử về quyển sách kỳ lạ, không một từ nào nhắc đến, mình có cảm giác bạn đang đi chệch hướng một chút, sa đà vào chuyện tình cảm của cặp đôi chính, trong khi thể loại chính là trinh thám.
Ngược lại với toàn bộ chương 1, trong đoạn này bạn tả cảnh rất tốt, thậm chí đọc lên rất hay, nhưng mình vẫn phải khuyên bạn một câu: Tập trung vào tâm tư của nhân vật hơn, ở đây là băn khoăn của Sư tử.
"Cô bé lầm lũi bước đi trên con đường đầy cỏ dại và hoa cúc vàng."
Hành động "lầm lũi" là chỉ bước đi một mình, người hơi cúi xuống như tránh ánh mắt của người khác, biểu hiện của người tự ti, nhưng với Sư Tử, mình hình dung là tính cách cô bé khá bình thản cho đến khi nhìn thấy cảnh đẹp và ngẩn người ngạc nhiên, mình nghĩ ở đây nên chỉnh lại là "Cô bé bước đi một mình..." sẽ hợp lý với cả câu sau hơn.
"Song Tử từ đâu chạy xe đến, miệng hơi cười. Cậu đâu có nghĩ sẽ gặp một cô bé đứng ngây ngốc bên đường như vậy chứ."
Dường như có sự thay đổi đột ngột về góc nhìn (Sư Tử => Song Tử) nhưng không có dấu hiệu báo trước, ở đây, hãy xác định lại bạn đang kể dưới góc nhìn của ai, thêm từ và diễn đạt lại, ví dụ:
"Đột nhiên, Song Tử từ đâu chạy xe đến dừng trước mặt Sư Tử, cô bé ngạc nhiên nhìn chăm chăm cậu trai vừa đến, không nghĩ sẽ gặp ở đây." => Kể dưới góc nhìn của Sư Tử, again, cái này chỉ có giá trị tham khảo.
3, Đoạn từ "Cám ơn" đến "Nơi tối tăm này đi."
"Phía trước bắt đầu xuất hiện một mảng đen."
Lỗi dùng từ, chú ý mốc thời gian diễn ra câu chuyện, nếu là ban đêm thì cụm "một mảng đen" không có vấn đề gì, nhưng hiện tại là ban ngày, vì vậy từ dùng đúng ở đây sẽ là "một đám người lố nhố".
"cô rảo bước đến đám đông đen kịt kia."
Vẫn là lỗi dùng từ, thông thường để miêu tả một đám đông, dùng "bu đen bu đỏ" hoặc "đám đông bàn luận sôi nổi", cậu cân nhắc lại cụm từ này nhé.
"Họ tránh ra cho cô qua."
Trong ngữ cảnh này, hành động tránh ra này hơi bất hợp lý một chút. Thông thường trong một vụ tai nạn hoặc án mạng, thì đám đông chỉ tránh đường cho người nhà nạn nhân là một, thứ hai là người có thẩm quyền (cảnh sát, hoặc giáo viên), thứ ba là bộ phận chịu trách nhiệm liên quan (nhân viên y tế, cấp cứu), còn là người hiếu kỳ thì tự chen. Ở đây hãy xác định lại Sư Tử thuộc nhóm nào trong ba nhóm trên và diễn đạt lại, nếu có lý do đặc biệt, hãy nêu lý do.
"Ở gốc cây là một cái xác người treo lủng lẳng, đong đưa."
Lỗi dùng từ, bạn không thể treo cổ trên một cái gốc cây mà là cành cây, ở đây hãy kể theo góc nhìn của Sư Tử, ví dụ:
"Cô bé giật mình, trước thân cây là một..."
Ngoài ra, từ "lủng lẳng" đã diễn tả cả trạng thái của vật bị treo rồi nhé, chỉ dùng một trong hai từ, hoặc "lủng lẳng" hoặc "đong đưa."
Và nếu muốn đề cập đến giới tính của nạn nhân, hãy đề cập trong câu tiếp theo, như "Đó là một nạn nhân nữ, đồng phục nhàu nát..."
"Cô hơi giật mình."
Sử dụng đại từ không đồng nhất, đại từ "cô" dùng cho kiểu nhân vật trưởng thành với suy nghĩ chín chắn, Sư Tử vẫn đang là học sinh, cậu xem xét sửa lại nhé.
"Đồng phục nhàu nát, vàng ố dính vệt máu chảy dài từ miệng cô gái."
Từ đúng ở đây là "ngả vàng" và giữa hai cụm này không cần phẩy ra, ngoài ra cách diễn đạt cũng cần chỉnh lại một chút, ví dụ:
"Bộ đồng phục nhàu nát ngả vàng, phía trên dính vệt máu chảy dài từ khóe miệng." => Thêm từ, chỉnh sửa từ và diễn đạt lại.
"Cô bắt gặp ánh mắt lạnh toát đó sau lưng mình."
Từ "bắt gặp" mang nghĩa gián tiếp là nhìn thấy, nhưng đây là ánh mắt nhìn từ sau lưng, nên mình nghĩ từ dùng đúng ở đây là "cảm nhận", vì Sư Tử không thể quay ngược về đằng sau, và cũng không có tình tiết nào cho thấy cô bé xoay người lại và nhìn thấy.
Vài lưu ý cho tình tiết trong đoạn:
+ Thông thường khi có án mạng ở trường học, giáo viên, hoặc nhân viên bảo vệ sẽ nhanh chóng gọi báo lại cho cơ quan chức năng có thẩm quyền, và trấn an học sinh (thường là lùa tụi nhỏ về lớp, hoặc cho nghỉ học để tránh tâm lý hoang mang sợ hãi), đồng thời giữ nguyên hiện trường để cảnh sát đến làm việc.
=>Sẽ không có chuyện học sinh xúm đen xúm đỏ quanh cái xác chỉ trỏ, nếu là bị giải tán hoặc ép về lớp, cùng lắm sẽ dừng lại ở bàn tán chuyện bên lề, và suy đoán lung tung theo tâm lý đám đông.
Nhấn mạnh: Ở đây bạn không – hề - nhắc đến giáo viên, nhân viên bảo vệ hoặc ai đó can thiệp bảo vệ hiện trường.
+ Thứ hai, như những gì mình nắm được từ tình tiết trong đoạn, có một khoảng thời gian cách biệt khi phát hiện hai cái xác, vậy nên vấn đề ở đây là, hầu như tất cả sự chú ý của học sinh đổ dồn về cái xác thứ nhất, cậu dùng từ "đen kịt" để miêu tả đám đông, cho thấy đây là một đám rất lớn, thu hút một nửa hoặc hơn một nửa học sinh có mặt ở trường khi đó.
=>Tình tiết một nhóm người phát hiện cái xác thứ hai hơi bất hợp lý, nếu là một vài người thì sẽ thực tế hơn, vì thời điểm đó học sinh vẫn đang đến trường lác đác.
Bạn tham khảo rồi chỉnh sửa lại lỗi logic trong đoạn này nhé.
4, Đoạn từ "Lớp học ồn ào..." đến hết.
"Cô bé lấy chai nước trong ngăn bàn, vô tình động vào một cái gì đó vang lên tiếng sột soạt. Sư Tử cúi thấp đầu, nhìn vào hộc bàn tối om."
Từ "sột soạt" là từ tượng thanh, một lần nữa, mình không khuyến khích bạn dùng từ tượng thanh khi viết. Thứ hai, tình tiết trong đoạn này miêu tả Sư Tử nhận được một lá thư, thường mỏng và nằm sát ngăn bàn, nên khi chạm vào sẽ không phát ra tiếng như bạn miêu tả, mà là "chạm vào thứ gì đó".
Ngoài ra, mốc thời gian đang là ban ngày, và các ngăn bàn dù kín đến mức nào vẫn đủ để học sinh nhìn thấy những gì có trong ngăn bàn => từ "tối om" dùng ở đây không hợp lý cho lắm, bạn chỉ nên dùng nó khi muốn chỉ nơi nào đó rất tối, tối không thấy gì.
""Là của ai?"
Mặt Song Tử hơi khó chịu, mắt liếc đến cái phong thư Sư Tử cầm trên tay.
"Tôi làm sao biết được."
Song Tử đưa một bên tai nghe vào tai Sư Tử, cầm lấy phong thư, xé phần đầu."
Trong đoạn hội thoại này, mình hiểu câu thứ nhất là của Song Tử, nhưng còn câu thứ hai? Bạn không miêu tả gì về hành động, hay vẻ mặt của Sư tử lúc ấy, nên mình không nắm được có phải Sư Tử nói nó hay không, ở đây cần đối tượng rõ ràng, dù có thể đọc qua là đoán được là câu trả lời của ai.
"Một lá thư, hơn nữa lại là một lá thư tình."
Theo diễn biến tình tiết, khi Sư Tử lấy lá thư ra thì Song Tử cũng đã nhìn thấy nên mới có đoạn hội thoại trên, nên trong câu này, bạn không cần nhắc lại đó là một lá thư nữa, theo diễn biến, câu này có thể bỏ đi mà không ảnh hưởng mạch truyện.
"Song Tử gỡ tai nghe bên mình, đeo sang cho cô, chống hai tay nhảy qua cửa sổ để mở."
Vẫn là đại từ, "cô" trong đoạn này chỉ ai? Đối tượng không rõ ràng, ở đây nên dùng tên riêng của Sư Tử thay vì đại từ.
"Sư Tử chờ cậu bé đi khuất mới dám lôi ra một bức thư vàng ố kẹp trong quyển sách dày, khe khẽ thở phào. Nếu cho cậu ta biết, cô bé không nghĩ được mình sẽ như thế nào."
Vẫn là đại từ, ở đây bạn dùng hai đại từ để chỉ Song Tử, nhưng nó chỏi nhau (nếu bạn hiểu ý mình), vì "cậu bé" dùng cho kiểu nhân vật nhỏ tuổi, còn "cậu ta" dùng cho nhân vật ở độ tuổi khoảng 16 – 20 => Song Tử bao nhiêu tuổi? Và đâu là đại từ cố định bạn dùng để gọi nhân vật?
Mình xin lỗi nếu có vô tình đả kích bạn, mình có cảm giác bạn sử dụng đại từ khá bừa bãi, thậm chí có chút tùy hứng. Hãy xác định lại đâu là đại từ chính bạn dùng để gọi nhân vật trước khi viết, và đây là lỗi gần như không được phép phạm trong quá trình viết.
"Nhạc trong máy đã chuyển sang melody buồn từ khi nào."
Melody là tên bài hát hay sao bạn? Nếu ý bạn muốn nói về giải điệu, hãy gõ thẳng ra là giai điệu, nếu có thể diễn đạt bằng tiếng Việt, hãy dùng tiếng Việt, đột ngột nhét vào một từ tiếng Anh trong quá trình viết, đó là lạm dụng tiếng Anh.
Còn lại, mình sẽ nói về tình tiết truyện.
+ Theo như tên chương có nhắc đến đối tượng chính bạn sẽ đề cập đến trong truyện, bạn lại ném nó xuống cuối chương, hơi mâu thuẫn, bạn dành 2/4 phần để nói về hai nhân vật, một phần rất chi tiết về hai vụ án mạng, nhưng lại không thật sự tập trung vào đối tượng chính cần nhắc đến như tên chương: Những lá thư, mình bắt đầu nghĩ bạn nên suy nghĩ về cách sắp xếp tình tiết trong chương, hoặc xếp lại thứ tự hai đoạn sau.
Và một lần nữa, thiếu hụt tâm lý, suy nghĩ của nhân vật nghiêm trọng, đầu tiên là về các học sinh, họ bàn tán về điều gì? Hãy diễn đạt tất cả bằng câu văn, ngoài ra trong tình tiết này, không nhất thiết phải chốt cửa lại, chỉ cần giáo viên ở đó ổn định lớp học là được.
+ Chi tiết lá thư cũ:
"Sư Tử chờ cậu bé đi khuất mới dám lôi ra một bức thư vàng ố kẹp trong quyển sách dày."
Theo mình hiểu trong văn án, lá thư này nằm trong hộc bàn cũ, nhưng trước đó, mình không hề đọc được chi tiết nào đề cập đến chuyện Sư Tử tìm thấy lá thư cũ này, hay điểm xuất phát của lá thư, bạn chỉ chăm chăm vào lá thư tình. => Vậy Sư Tử lấy nó ra khi nào? Và kẹp vào sách khi nào?
Vài lưu ý cho tình tiết trong đoạn, về diễn biến tâm lý nhân vật:
Đầu tiên, hãy chú ý điểm này: Sư Tử vừa chứng kiến hai vụ án mạng bất thường liên tiếp, nên theo diễn biến tâm lý thông thường, cô bé không thể tự nhiên ngồi đọc sách mà không phân vân, không nghi ngờ, thậm chí bỏ qua cả ánh mắt nhiều lần theo dõi mình ở cuối đoạn thứ ba (Đây là mình chưa nói đến Song Tử điềm nhiên đến mức bất thường trước sự kiện trên).
Hành động này nó mâu thuẫn với tình tiết Sư Tử cảm thấy kỳ lạ khi phát hiện điều bất thường, vẫn là theo diễn biến tâm lý thông thường và là nhân vật chính trong truyện, cô bé sẽ suy nghĩ nhiều hơn về những gì mình thấy mâu thuẫn, thậm chí đặt ra giả thuyết.
Mình biết bạn yếu về tâm lý nhân vật, nhưng nếu quên thẳng cánh diễn biến tâm lý bắt buộc phải có trong ngữ cảnh, bạn sẽ phá hỏng toàn bộ nội dung.
Hiện tại với mình, bạn đã phá hỏng toàn bộ chương hai. Bạn có hai vụ án mạng cùng một lúc, nhưng một nửa thời lượng chương chỉ tập trung vào chuyện tình cảm của hai nhân vật, và không – hề - nhắc gì đến hai vụ án mạng sau khi đoạn chứa tình tiết ấy kết thúc, tâm lý và suy nghĩ nhân vật không được đề cập đến (hỏng tập hai), với mình đây không phải một chương hoàn chỉnh, rất nhiều sạn và thiếu sót rất nhiều về tình tiết.
Vài lời khuyên ngoài lề:
+ Có thể trước đó bạn chuyên tình cảm ngọt ngào, nhưng khi đã đụng đến trinh thám, chủ yếu sẽ là suy luận trong nội tâm và dưới góc nhìn của nhân vật, bạn cần chú ý điểm này, thậm chí là tập trung vào nó.
+ Xác định rõ những gì bạn sẽ đưa vào nội dung chương và tập trung vào nó, những tình tiết lặt vặt như chuyện tình yêu tình báo hay ghen tuông gì gì đấy nên tiết giảm lại, hiện tại mình thấy bạn quá tập trung vào chuyện tình cảm của hai nhân vật, thậm chí bỏ qua cao trào của chương.
+ Lưu ý về diễn biến tâm lý tự nhiên của nhân vật: Mỗi ngữ cảnh, mỗi vụ việc xảy ra, mỗi nhân vật sẽ có phản ứng khác nhau, ngay cả khi nhân vật ấy có thể rất vô tâm trước đó. Về điều này, hãy bám sát hình mẫu tính cách bạn xây dựng cho nhân vật của mình, vì tính cách ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động, đặc biệt lưu ý điểm này nếu bạn muốn nắm được diễn biến tâm lý nhân vật.
+ Thriller có án mạng gián tiếp kéo theo trinh thám, và trinh thám đòi hỏi bạn có hiểu biết nhất định về thực tiễn, quá trình xử lý khi phát hiện một vụ án mạng theo nơi chốn, xử lý tình huống xung quanh, trạng thái nạn nhân và vẻ ngoài, hoặc cao siêu hơn một chút là đụng đến pháp y hoặc từ ngữ chuyên ngành, nếu có thể, hãy bỏ thời gian tìm hiểu về những khái niệm này.
________________
Trên đây là toàn bộ bài beta của mình, cám ơn đã tin tưởng đặt hàng tại shop của team. :)
#Regen | From Blue-Team.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro