(P1) Chương 4 - #2
CHƯƠNG 4: VŨ ĐIỆU ĐOM ĐÓM
#2
Vi Vi vứt cái ba lô ra cửa, tôi chỉ còn cách ra đi. Yên Thuỷ về đêm bình yên và tĩnh lặng, giống như một hồ nước phẳng lặng không gợn chút sóng, xanh trong đến mức nhìn thấu được đáy. Nhưng tôi đã hiểu rất rõ, tất cả chỉ là ảo giác, nơi có người sinh sống đều không hề đơn giản. Đằng sau sự đơn giản kia là những phức tạp chằng chịt, là đấu dũng đấu trí. Cuộc sống lại dạy cho tôi thêm một chân lý nữa: Đừng ngây thơ cho rằng trên thế giới này đâu cũng là thiên đường, ai cũng là thiên sứ. Như câu nói căm phẫn của ông chủ hói, chúng tôi còn non lắm, chúng tôi còn lâu mới học được cách đối phó với những nguy cơ đột phát của cuộc sống.
Không hề hay biết, tôi lại đến gầm cầu Yên Thuỷ. Hơn một tháng trước, buổi tối đầu tiên đến Yên Thuỷ của tôi trôi qua ở đây, lúc đó trăng tròn đầy đặn, còn bây giờ ngay cả một ngôi sao cũng không có. Đèn trên đường đê vẫn leo lét như cũ, dòng sông Yên Thuỷ bên cạnh như đóng băng, làm người ta không thể cảm nhận được sự lưu chảy của nó. Tôi vòng đi vòng lại, lại trở về nơi xuất phát cũ, tôi chỉ có cái ba lô của tôi, Guevara của tôi và đôi giày rách của tôi. Tôi tìm thấy trong ba lô quyển từ điển thưởng thức các bài thơ chọn lọc của trường phái thơ trừu tượng. Nơi sâu thẳm tâm hồn tôi, các ý thơ đã chết và mục rữa, tập thơ này chẳng còn chút ý nghĩa nào nữa. Tôi quăng nó xuống sông Yên Thuỷ, tôi thậm chí còn không hề nghe thấy một tiếng thở than khi nó đập vào xé vỡ mặt nước, ước mơ của tôi từ bây giờ đã trở thành sự kết thúc không có điểm bắt đầu.
Tôi về sau cho rằng sự biến đổi từ một người chủ nghĩa lý tưởng sang một kẻ chủ nghĩa hiện thực của tôi tại điểm tôi quăng tập thơ đó đã được hoàn thành. Tôi ngâm nga: "A, cuộc sống!". Cuộc sống là một chuỗi các ký tự tỉnh lược không biết trước, nó hăng hái tiến bước, vượt sông vượt núi, không hề thay đổi theo mong muốn hay ý chí của con người. Ai có thể điều khiển cuộc sống biến hoá khôn lường này? Sự khác biệt có chăng chỉ ở chỗ mặc theo dòng chảy hay là thuận gió căng buồm mà thôi.
Không hề hay biết, trời đã sáng tỏ, một vầng mặt trời vạch mây hé lộ. Sông Yên Thuỷ mất đi sự trợ giúp của màn đêm, tất cả đều lồ lộ, dòng nước đen hôi làm người ta buồn nôn. Bụng tôi lại yếu đuối hát lên bài ca thành trống. Tôi bị lũ "quỷ hút máu" hành hạ cả một đêm. Tay, chân, mặt bị đốt hàng trăm hàng nghìn nốt, ngứa ngáy khó chịu. Tôi vỗ vỗ mông, vẫy tay từ biệt gầm cầu, tập tễnh sải bước đi về phía mặt trời.
Tôi nên cảm thấy may mắn đã, không càng ngày càng lún sâu trong cái bẫy của cô Hạ. Đến một cửa tiệm bán mì nước, tôi gọi một bát ăn, trong túi còn lại 1 đồng, tôi sẽ cầm một đồng này đây để đi chu du thiên hạ. Tôi không còn sợ những gập ghềnh phía trước, tôi có chân có tay tôi không tin mình sẽ chết đói. Một người lành lặn, nếu trong thời bình mà chết đói ven đường, ngoại trừ những nhân tố không thể kháng cự, còn không thì tôi cho rằng nó chết là đúng.
Đi ra khỏi cửa hàng mì nước, tôi lấy lại tinh thần để tiếp tục cuộc hành trình lưu lạc của mình. Nhưng ông trời nhất định lại cho tôi một cái cớ để ở lại. Vi Vi cản đường đi của tôi. Nó đứng sấp bóng mặt trời, vì thế gương mặt của nó trông càng âm u và bất an. Vi Vi nói: "Mày có thể không đi được không?". Tôi trả lời: "Tao ở lại làm gì?". ViVi nói: "Mày chờ mẹ tao về, mẹ tao vẫn chưa trả mày tiền công mà!"
Tôi ở lại thật. Tôi có một đống lý do để giải thích, nói tâm linh một chút tôi và Yên Thuỷ duyên chưa hết, nói hiện thực một chút cầm một đồng chu du thiên hạ hơi giống thằng đần nói mơ. Ngoài ra, Cô Hạ là người như thế nào tôi vẫn chưa cặn kẽ vân vân. Nhưng, khi mọi việc đã qua đi, đứng bên đầu thời gian này nhìn lại phía đầu kia, điều tôi muốn nói là: tôi ở lại lý do nhiều nhất là Vi Vi. Ánh mắt yếu đuối, mệt mỏi của Vi Vi làm tôi bỗng thấy đồng bệnh tương liên, đau như mình đau vậy. Những đứa trẻ cô độc, chúng là những con đom đóm trong đêm, vì những nỗi sợ không tên mà lại gần nhau, chiếu rọi cho nhau, sưởi ấm cho nhau. Tôi một mình, Vi Vi cũng chỉ một mình, chúng tôi chính là những con đom đóm như thế. Tôi vì thế mà ở lại, ai bảo tôi dễ mềm lòng!
Không hề hay biết một tuần đã trôi qua. Tôi phát hiện tôi rất nhiều lần dùng từ "không hề hay biết". Không hề hay biết có nghĩa là sự vô tri giác của tôi đối với thời gian bản thân, điều này hoàn toàn khác biệt với sự vô tri giác của tôi đối với sự trôi qua của thời gian rất nhiều năm sau này. Rất nhiều năm sau, cái sự không hề hay biết của tôi phần nhiều thể hiện một sự tê dại về tinh thần. Năm 23 tuổi này, tôi đã già cỗi đến mức chỉ còn lại một cái thể xác còn xanh, vì thế tôi đam mê cuồng nhiệt với những hồi ức. Thời khắc hưởng thụ nhất của tôi là lúc ngồi dưới nắng trong vườn hoa thành phố hồi tưởng lại những con người tôi đã từng yêu, đã từng hận. Họ khắc những vết sâu trong tâm hồn tôi, nhưng định mệnh sắp đặt chúng tôi phải mỗi người một ngả.
Cô Hạ dường như bốc hơi khỏi mặt đất, không chút tăm tích. Tôi với Vi Vi vẫn tranh nhau một cái chăn, thằng khỉ này trông thì to cao bặm trợn, nhưng thực ra lại nhát gan như thỏ, ví dụ nó không dám ban đêm một mình đi nhà vệ sinh, nhất định đòi bằng được tôi phải đi cùng, nếu tôi nhất quyết không chịu, nó có thế bấm bụng nhịn đến sáng. Đêm hôm đấy, khoảng hơn một giờ, bên ngoài phòng ngủ của Vi Vi có tiếng lách cách, Vi Vi xích gần vào tôi nói: "Nam Cung, mày ngủ chưa?" Tôi nói: "Chưa".
"Mày nghe, bên ngoài hình như có động tĩnh gì đấy".
"Chắc là chuột".
"Không, mày nghe kỹ đi," Vi Vi nói, "có phải ma không?"
"Ma cái đầu mày".
Vi Vi rốt cuộc vẫn lôi tôi từ trong chăn dậy. Tôi theo nó ra phòng khách. Tiếng động đó phát ra từ phòng cô Hạ. Chúng tôi nhẹ chân nhẹ tay đi đến. Cửa phòng cô Hạ khép hờ, một cái bóng đen đang lục lọi khắp nơi. Lẽ nào lại có quỷ thần thật? Cái bóng đen quay người lại, tôi nhìn rõ mặt cô ta, còn Vi Vi thất thanh: "Mẹ!"
Cô Hạ về rồi. Cô "xuỵt" một tiếng, ra ý báo Vi Vi đừng kêu. Tôi đi bật điện, Cô Hạ ngăn lại. Chúng tôi nhìn nhau một giây ở cự ly gần. Cô Hạ nói: "Bây giờ bên ngoài đang truy nã gắt, mẹ đi trốn mấy hôm, ai hỏi có thấy mẹ không, nhớ phải nói là không trông thấy". Cô Hạ lại quay ra nhìn tôi. Tôi còn lâu mới che giấu cho cô, sáng sớm mai tôi sẽ đi báo cho cảnh sát Dương, tôi thử xem xem, cô ta còn vở gì nữa.
Vi Vi nói: "Mẹ, mẹ rốt cuộc có chuyện gì giấu con?". Cô Hạ nói: "Con trai ngoan, có những việc con không cần biết. Nhưng con phải nhớ, dù mẹ làm gì cũng đều là vì con".
Cô Hạ thu dọn mấy bộ quần áo, xách một cái cặp số, trước khi ra khỏi nhà, như chợt nhớ ra điều gì, cô đưa cho Vi Vi một sổ tiết kiệm và cho tôi 300 đồng. Cô nói: "Tiểu Vĩ, cô Hạ có lỗi với cháu, cháu đừng giận". Tôi đứng yên, cô Hạ nói tiếp: "Tiền này là thật". Tôi lúc này mới chẳng thèm khách sáo đút thẳng 300 đồng vào túi. Cô Hạ lại như con mèo đêm bí mật chuồn lẫn vào bóng tối. Tôi muốn ngăn lại, nhưng chẳng hiểu vì sao không làm thế, tôi an ủi mình nói, ngày mai tôi sẽ ra đồn báo án. Mặc dù là mất bò mới lo làm chuồng, nhưng chí ít cũng không phải là bao che tội phạm.
Hành vi đáng ngờ của cô Hạ càng làm tôi tin rằng cô đang giấu một bí mật kinh khủng không thể cho người khác biết. Nhìn Vi Vi đau khổ hai mắt đỏ hoe, chỉ chực khóc, tôi cũng chẳng muốn an ủi. Tôi vuốt ve 300 đồng trong túi, trong lòng đang suy tính, dùng tiết kiệm một chút cũng duy trì được một khoảng thời gian. Ngày mai tôi sẽ nói bye bye với Yên Thuỷ.
Chợp mắt được một lúc, tôi lại bị Vi Vi gọi dậy lần nữa. Nó lo lắng hỏi: "Mày lúc nãy có nghe thấy còi xe cảnh sát không?". Đang ngủ ngon, tôi vốn định làm một giấc dưỡng thần, mai còn lên đường, thì bị Vi Vi làm tỉnh mộng, tôi nói sẵng: "Mày mơ à?". Vi Vi lẩm bẩm: "Hi vọng là mơ". Tôi không thèm để ý nó nữa, quay người, rờ lại tiền trong túi, vô tâm vô tư chìm tiếp vào giấc mộng dở dang.
Tôi bị một loạt tiếng gõ cửa dồn dập làm bật tỉnh. Vi Vi mắt quầng thâm đen, co rúm một góc, tôi hỏi: "Sao không đi mở cửa?". Nó nói: "Tao sợ". Tôi đành phải tự đi ra.
Cảnh sát Dương đứng bên ngoài. Ông nói: "Cháu là Nam Cung Vĩ?". Tôi gật gật đầu. Trí nhớ gì thế không biết, hôm qua ở đồn tôi còn cho xem cả chứng minh thư của tôi để chứng thực thân phận, bây giờ ông ta lại hỏi tôi có phải là Nam Cung Vĩ không? Tôi nói tôi là Nam Cung Vĩ. Cảnh sát Dương gật gù hỏi tiếp: "Mình cháu à? Lưu Vi có nhà không?". Tôi nói: "Nó có nhà ạ". Tôi gào rách cổ họng gọi Vi Vi từ trong phòng ra. Cảnh sát Dương nói: "Hai cháu đều có mặt. Rất tốt, đi với các chú một chút, Hạ Quỳnh Hoa muốn gặp hai đứa".
Hạ Quỳnh Hoa chính là danh tính của cô Hạ. Vi Vi nói: "Mẹ cháu bị các chú bắt rồi à?". Thằng ngốc cũng biết cô Hạ bây giờ đang trong tình thế nào, nếu không cảnh sát Dương lại nói những câu này? Xem ra đêm qua Vi Vi không phải nằm mơ, có một tiếng còi hú dài xé rách màn đêm, chỉ có điều tôi tham ngủ, không được tỉnh táo như nó. Cô Hạ muốn gặp Vi Vi là điều tất nhiên không thể tất nhiên hơn được nữa, nhưng sao cô lại muốn gặp tôi? Mang theo thắc mắc này, tôi theo cảnh sát Dương đến gặp cô Hạ.
Mới qua một đêm, cô Hạ như đã già xọm đi hai ba mươi tuổi, tinh thần ủ rũ, mặt mày hốc hác. Nhìn thấy Vi Vi, cô Hạ bật thốt lên: "Vi Vi". Vi Vi sững lùi lại một bước, dường như không dám tin người đứng trước mắt đây là mẹ nó. Tối qua Vi Vi mất ngủ, cả đêm lo lắng, bây giờ được gặp mẹ, nhưng nó lại càng sợ hãi, nó quay vụt người oà khóc chạy mất, bỏ ngoài tai tiếng gào gọi phía sau của mẹ nó.
Cô Hạ khóc, khóc rũ rượi, nước mắt nước mũi chảy tèm nhem. Cả đời tôi chưa từng thấy cảnh tượng ai khóc đứt gan đứt ruột, khóc chết đi sống lại như thế. Lúc bà nội qua đời, tôi thấy bố tôi, người con hiếu thảo, rơi những giọt nước mắt chưa từng có của người đàn ông sắt đá, cảnh tượng thương tâm đó đã làm tôi khắc cốt ghi tâm lắm rồi, nhưng lần khóc thảm thương này của cô Hạ chỉ có hơn mà không có kém.
Tôi ngồi trước mặt cô Hạ, kiên nhẫn chờ xem cô định nói gì với tôi. Cô Hạ nấc lên từng tiếng cố kiềm chế, lấy tay quệt qua nước mắt nước mũi trên mặt, lúc này mới cất tiếng: "Tiểu Vĩ, cô Hạ không nên lừa cháu, cháu đừng giận cô". Cô Hạ đi thẳng vào đề, câu nói này nói trúng ý của tôi. Tôi cái gì cũng dễ thương lượng, nhưng chỉ duy để người khác coi như thằng ngốc giỡn trong lòng bàn tay là không thể chịu đựng được. Cô Hạ nói tiếp: "Tiểu Vĩ, sai chỉ có mình cô Hạ sai, không liên quan gì đến Vi Vi, cháu hận thì hận mình cô Hạ thôi, đừng hận Vi Vi". Cô Hạ có ý gì? Tôi, một người ngoài, có hận Vi Vi thì cũng chẳng cầm dao đâm nó, nói trắng ra, tôi yêu hay hận cũng chẳng chút tổn hại gì đến cô và Vi Vi. Cô Hạ lại tiếp: "Tình hình này cô không thoát được tù tội rồi. Cô chỉ lo cho Vi Vi, nó cái gì cũng không hiểu, cũng chẳng có chút bản lĩnh sinh tồn, cháu nể cô dù gì cũng đã từng giúp cháu, chăm sóc Vi Vi hộ cô nhé!"
Cảnh sát Dương ngắt lời: "Người cho chị gặp rồi, bây giờ đến lượt chị hợp tác với chúng tôi. Chị phải hiểu, chị không còn sự lựa chọn nào khác. Đừng quên lúc bị chúng tôi bắt, trên tay chị vẫn còn cái cặp số đựng hơn hai vạn tệ giả, chị đang làm rối loạn trật tự hệ thống tiền tệ quốc gia, phá hoại sự bình yên, đoàn kết của xã hội. Chị khai báo thành khẩn sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Chị suy nghĩ cho kỹ".
Hết việc của tôi rồi.
Đi dưới cái nắng chói chang mùa hè, tôi nghĩ lại những câu nói của cô Hạ. Cô vẫn còn mặt mũi nói cô từng giúp tôi. Cô từng giúp tôi, nhưng ý định gốc của cô chẳng qua là muốn thuê thằng chịu trận, quả dưa hấu vàng của cô tuyệt đối không thể thay đổi bản chất của sự việc. Tôi dựa vào đâu mà phải chăm bẵm thằng con trai giúp cô? Con trai cô là cục vàng, sợ nắng sợ gió, thế thì tôi là cái gì? Tôi nhổ toẹt vào!
Tôi không muốn nghĩ tiếp nữa. Một lần nữa, tôi cầm cái ba lô lên, chuẩn bị giải thoát mình ra khỏi cái nơi tạp nham thật giả lẫn lộn này. Vi Vi run rẩy ở một góc nhà, nó vẫn chưa hồi lại sau cú sốc khi nhìn thấy cô Hạ. Cho đến tận khi tôi sắp bước ra cửa,Vi Vi mới ngẩng đầu lên, chồm đến trước mặt tôi: "Mày làm gì thế?". Tôi nói tôi phải đi. Vi Vi nói: "Không phải mày hứa với tao là ở lại sao?". Tôi nói: "Ở lại để hít không khí à? Tao phải tự nuôi thân, tao phải tìm một công việc mới". Tôi không để lộ thật ra là vì không thể đối diện với việc cô Hạ lừa dối, sỉ nhục tôi. Tôi nhất định phải rời khỏi nơi đây, nhất định sẽ tiến về phía đông.
Trên đường bóng người thưa thớt, những con chó nhẫn nhục kiếm ăn chạy quanh. Con phố bị tôi bỏ lại phía sau lưng, thành phố nhỏ Yên Thuỷ cũng bị tôi bỏ lại phía sau lưng. Vi Vi như cái đuôi lõn tõn theo sau. Khi con đường trải nhựa lớn hiện ra trước mắt, tôi nghe thấy Vi Vi lí nhí phía sau: "Đừng đi, ở lại được không, ngoại trừ mày, chưa coi tao là bạn bao giờ".
Tôi quay đầu nhìn Vi Vi. Một thằng trẻ con hoang mang hoảng hốt, tương lai trở thành một bài toán khó với nó. Không người dẫn dắt, không người thương yêu, một mình nó cô độc, một mình tôi cô độc, chúng tôi tách nhau ra đều là cô độc một mình. Tôi một lần nữa dao động, chúng tôi hai con đom đóm đối diện nhau, chúng tôi cần ánh sáng của phía kia chiếu sáng con đường quanh co khúc khuỷu phía trước. Ai biết tương lai rồi sẽ về đâu?
LỊCH ĐĂNG TẢI TRÊN WATTPAD
20h thứ 3, thứ 5, thứ 7 hàng tuần.
Cảm ơn bạn đã theo dõi truyện.
____________
Tiểu thuyết: Đom Đóm Nhỏ
Tác giả: Thiên Tử
Người dịch: Hà Nam
Biên tập: Roéus
Được xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào năm 2010, nhà xuất bản Dân Trí.
Thể loại: Tiểu thuyết nước ngoài, Tuổi trẻ, Cuộc sống...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro