(P1) Chương 3 - #2
CHƯƠNG 3: NHỮNG ĐỒNG TIỀN XƯƠNG MÁU
#2
*Chú ý: [...] là những phần bị mất chữ do lỗi in ấn trong quyển truyện của mình.
Đám dưa hấu Hải Nam không hột của Lã Tam chiều nay về đến Yên Thuỷ. Tôi và cô Hạ tất tả chạy đến kho hàng của Lã Tam. Dưa hấu được để trong các thùng đan, ba thùng đã xếp đầy hết cả xe kéo gỗ. Cô Hạ kêu tôi kéo về trước, cô ở lại tính tiền với Lã Tam về sau.
Xe kéo gỗ rất nặng, kéo cái xe đi mà tôi thấy mình như một con bò vàng già. Lúc nhỏ, gần nhà tôi có một đội vận chuyển, những người đàn ông hôi sì đều là phu kéo xe gỗ. Họ chở than, chở vôi, chở gỗ, chở các kiểu các loại hàng hoá được bó thành từng bó của cửa hàng phân phối. Họ cởi trần, dây kéo đan bằng cỏ lằn sâu, ăn vào thịt họ, mồ hôi nhỏ thành giọt rơi xuống những chiếc quần công nhân, ướt thẫm cả mảng lớn. Những đứa trẻ răng chưa mọc hết chúng tôi rất thích vỗ tay chạy theo họ hò hét: "Bò già bò già mau mau mau, phía trước đằng kia có ruộng rau, trong ruộng rau, có con sâu, ăn vào đau bụng đi ị lâu". Chúng tôi vui cười khoái trá, còn những người đàn ông thì quay đầu gầm gừ mắng chúng tôi là lũ quỷ con nghịch nghợm. Chỉ có một người đàn ông có tuổi là không bao giờ mắng chúng tôi cả. Khi họ kéo mệt, ngồi nghỉ bên vệ đường, ông thường cười khà khà nói với những người khác: "Trẻ con mà, trẻ con không hiểu, lớn lên rồi khắc hiểu". Ông đã là người thiên cổ từ lâu, đội vận chuyển cũng đã giải tán từ lâu, còn tôi cuối cùng đã hiểu ra không phải ai cũng có thể sống cuộc sống sung sướng và trọng vọng, nhưng bất kỳ một cuộc sống nào được xây dựng trên nền tảng lao động chăm chỉ đều đáng được chúng ta tôn trọng.
Tôi cũng còn nhớ chuyện năm lớp 8, tôi tuyệt giao với một đứa bạn thân. Tôi và nó vốn như hình với bóng, chúng tôi đều rất trân trọng tình bạn của hai đứa, nhưng tôi vẫn nhất định tuyệt giao với nó. Tôi không quen nhìn cảnh nó khinh người, mắng họ là đồ nông dân nhà quê. Tôi buồn cho bạn tôi, còn lý do vì sao lại buồn thì ngày hôm nay tôi mới hiểu ra được. Nhà quê không phải là một từ xấu, nông dân cũng không phải là một từ xấu, khi bạn dùng từ "nông dân" với nghĩa chê bai, sự xấu xa, nhỏ nhen của bạn đang như bị kính yêu chiếu cho hiện nguyên hình. Những kẻ khinh bỉ người lao động mới đáng bị khinh bỉ. [...] (phần này bị mất chữ khoảng 2 trang giấy)
...không thể đánh đồng làm một. Tôi nhớ lại đêm đầu tiên đến đây, ngủ dưới cái gầm cầu muỗi bay thành đàn, bên cạnh dòng sông Yên Thuỷ êm đềm chảy, trên trời Yên Thuỷ một vầng trăng sáng chiếu, mặt sông sóng trăng nhấp nhô, nếu không phải tập trung tinh thần chiến đấu với lũ quỷ hút máu đó, không chắc ý thơ đã hiện, và tôi đã làm ra một kiệt tác để đời ca ngợi thiên đàng trần thế. Dòng sông Yên Thuỷ về đêm đẹp như một giai nhân tuyệt sắc, nhưng bình minh vừa chiếu thì ngay lập tức biến thành bà già chín đời ăn mày theo đúng nghĩa của nó, vừa bẩn vừa xấu, không đáng để mắt chút nào. Hai bên sông ngang dọc đầy những cống thoát nước bẩn, giống y như kiểu hố xí cũ không nắp đậy, không giật nước.
Tôi nói với cô Hạ: "Sông Yên Thuỷ ngày xưa cũng thế này ạ?". Cô Hạ nói: "Hoàn toàn khác. Sông ngày xưa nước xanh trong lắm, rửa rau, vo gạo, giặt quần áo đều ra sông cả. Bọn cô lúc ấy đều còn trẻ, tụi con trai toàn cởi hết quần áo nhảy xuống sông, nín thở, làm một hơi, lặn thẳng đến chỗ gần tụi cô rồi chợt ngoi lên, làm cả lũ giật mình. Lúc đấy còn con gái, da mặt còn mỏng lắm, chỉ dám xắn cao ống quần chơi đùa cạnh bờ sông, vớt vớt trai, bắt mấy con tôm con cá chỉ to bằng hạt gạo, còn bắt cả cua nữa. Cua thường trốn dưới đá, bê hòn đá lên thì bắt được, nhưng phải cẩn thận đôi càng của nó. Cua cắp người, chết cũng không buông đâu. Cô bị cua lông ngắn cắp một lần...". Cô Hạ mang theo hồi ức hướng mắt nhìn về xa xăm, phía dòng sông Yên Thuỷ, nơi cất giấu tuổi thơ của cô. Khi kể đến chuyện bị cua cắp tay, cô vẫn tự nhiên rụt tay lại xuýt xoa. Trên đốt ngón tay cái trái của cô vẫn còn vết sẹo thâm mờ, đó là nỗi đau giấu sâu tận trong đáy lòng của cô. Mắt cô dâng ngập lên nỗi xót xa. Tôi không tiếp tục hỏi. Tôi nghĩ ai cũng có một tâm sự riêng không thể nói cho người khác. Tôi mặc dù tính tò mò, nhưng cũng chưa đến mức lấy việc lục lọi nỗi đau của người khác làm niềm vui.
Cô Hạ nói: "Nói những cái này để làm gì chứ?". Như không phải đang nói với tôi mà đang an ủi chính mình, cô tiếp tục: "Những chuyện đã qua giờ nhắc lại chẳng có ý nghĩa gì nữa cả!". Cô lại cầm cái đập ruồi lên, chăm chú quan sát nhất cử nhất động của một con nhặng tham ăn khác. Sự dịu dàng của cô Hạ chợt đến chợt đi, trong chớp mắt cô đã quay lại với hình ảnh bà chủ quầy hoa quả máu mê phát tài nhưng cũng lại rất hết sức thận trọng, luôn giữ một khoảng cách với người khác. Có người đến mua nửa cân lê vỏ trắng, cô Hạ cười sắp rách cả mép, nhưng sao tôi thấy càng nhìn cái mặt cười kia càng giống một cái mặt nạ.
Quá 6 giờ một chút, cô Hạ rút ra một tờ 100 tệ bảo tôi đi lấy nửa cân sườn, tối làm sườn kho.
Quầy bán thịt đang lúc đông đúc. Lão đồ tể bận không ngơi tay, cắt một miếng sườn, vứt lên bàn cân, đúng nửa cân không hơn không kém. [...] (phần này bị mất chữ khoảng 2 trang giấy)
...quay phát ra những tiếng rè rè thiếu dầu, Vi Vi người ra đầy mồ hôi lạnh, nó như con quay quay vù vù trên đất. Tôi xoay nó nằm thẳng, nó đột nhiên rùng mình. Thằng Vi Vi tội nghiệp, nó đang nằm mơ, cảnh trong mơ chắc chắn không hề tươi đẹp, nó ú ớ nói mộng, tôi chẳng nghe hiểu nào. Sợ nó bị cảm, tôi kéo chăn che bụng cho nó.
Điều không thể ngờ tới là Vi Vi không bị cảm lạnh, người bị cảm là tôi. Hôm sau tỉnh dậy, đầu tôi nặng trình trịch, người đơ đơ, sau đó mặt mũi tối sầm ngã lăn ra đất, trán đập vào cái ghế gấp tím bầm. Vi Vi nói: "Sao thế?". Tôi nói: "Không sao". Đứng dậy, đầu ong mắt hoa, tứ chi rệu rã. Vị Vi dìu tôi nằm lên giường, quan tâm hỏi: "Ốm à?" Tôi nói: "Hình như thế". Lúc dưới phòng hầm không ốm, đổi lên chỗ tốt, vừa ngủ dậy đã lăn ra ốm, còn đập thêm cái u thâm tím trên đầu, đúng là quái đản.
Vi Vi báo cáo với cô Hạ tôi ốm. Cô Hạ chạy đến sờ trán tôi thông báo: "Sốt rồi". Vi Vi hỏi: "Mày mệt không?". Cô Hạ nói với tôi: "Hôm nay cứ nghỉ ngơi cho khoẻ, cháu ạ. Chút nữa đi khám bác sĩ xem sao". Cô Hạ quay ra dặn dò Vi Vi mấy câu rồi đi ra ngoài. Chỉ còn Vi Vi ở lại cùng tôi. Nhìn bộ dạng nó chạy trước chạy sau, lật tủ lật hòm tìm thuốc cảm đặc hiệu cho tôi, tôi bỗng thấy cảm động muốn khóc. Ở nhà được bố mẹ quan tâm chăm sóc, tôi thấy đó là việc rất bình thường nhưng thử thay một người khác, sự quan tâm chăm sóc đó bỗng trở nên đáng quý biết bao. Vi Vi tìm thấy mấy viên thuốc cảm, bảo tôi dùng nước ấm uống, nó nói: "Đừng lo, mày khỏi ngay đấy mà".
Đến chiều, bệnh tôi nặng thêm, trán nóng như lửa, máu trong người như muốn bốc hơi. Vi Vi nói: "Không được, phải đi khám thôi". Tôi gật đầu, nhưng không sao ngồi dậy được. Vi Vi dìu tôi ra đến cửa, vẫy một cái xe ba bánh. Đây là phương tiện giao thông tiện lợi nhất của Yên Thuỷ. Trong ngày nắng nóng như lửa đổ này vẫn có thể gọi được một cái xe ba bánh, số chúng tôi vẫn còn may chán.
Chúng tôi dừng xe trước một phòng khám không tên, một ông bác sĩ già đeo kính kê đơn thuốc cho tôi. Tôi hỏi: "Có cách nào khỏi nhanh hơn uống thuốc không ạ?". Tôi muốn khỏi thật nhanh. Thường ngày, tôi rất ít khi ốm, tôi coi việc mình bị ốm là một cơ hội để hưởng thụ. Chỉ cần chút hắt hơi sổ mũi, tôi một bước lên mây, ngay lập tức trở thành vầng mặt trời nhỏ của cả nhà, bố mẹ chạy quanh tôi, bưng cháo rót thuốc, hỏi han cả ngày. Bị ốm là một việc sung sướng, dễ chịu và hạnh phúc biết bao! Nhưng bây giờ tôi chẳng còn tâm trí đâu mà ốm nữa. Tôi luôn nhắc nhở mình bây giờ là một kẻ làm thuê, đối với một kẻ làm thuê, ốm không bao giờ là hưởng thụ cả. Ông bác sĩ già nói: "Thế thì chỉ có tiêm thôi". Sống đến bây giờ, tôi chỉ sợ nhất hai thứ một là rắn, hai là tiêm. [...] (phần này bị mất chữ khoảng 1 trang giấy)
...cô Hạ làm gì? Bố tôi nói lưới trời tuy thưa nhưng khó thoát, ác sẽ gặp ác, xem xem, đây không phải là một minh chứng rõ ràng sao?
Sở dĩ tôi lẩm bẩm tính tiền công là vì ngày hôm nay là một ngày rất đặc biệt, hôm nay là ngày 15 tháng 8, 15 tháng 8 dương đấy, không phải là tết Trung thu đâu, cũng không phải là bất kỳ ngày lễ nào. Hôm nay là ngày tôi lĩnh lương. Tôi đã ở Yên Thuỷ này hơn một tháng rồi. Tôi với cô Hạ đã thống nhất, 15 hàng tháng là ngày phát lương. Lấy được tiền, đầu tiên tôi phải đi mua ngay mấy bộ quần áo ra hồn một chút, mua thêm một lọ thuốc gì đấy trị mụn, tất nhiên là mua thứ [...] còn dự định để lại một ít làm tiền [...] hết rồi, tích đủ 1000 [...] lên đường. Tiếng vẫy gọi từ [...] vọng về từ đại dương nơi ngập [...] hương hoa. Mặc dù tôi đã làm bài [...] nhưng tôi vẫn muốn đi xem biển. [...] mông biển, nàng giống như mẹ hiền, [...] thổi gợi từng lớp sóng đưa tôi lưu lạc [...].
[...] cô Hạ chẳng hề đả động gì đến vấn đề [...] ngại hỏi. Cô Hạ không biết ngày hôm nay là ngày gì sao? Tôi có nên nhắc cô [...] cô Hạ nói: "Mày khó chịu hả [...] mày cứ nhất mò ra đây làm gì cơ chứ?". Tôi như bị rớt khúc ruột trĩ ra ngoài, ngồi một lúc lại đứng lên, đứng một lúc lại ngồi xuống, y hệt đang biểu diễn một màn kịch câm lột tả tâm trạng đứng ngồi không yên. Mặt tôi đỏ bừng, nói cho cùng tôi cũng chỉ có 16 tuổi, nói cho cùng tôi đã từng ảo tưởng sẽ trở thành một nhà thơ coi tiền như rác rưởi, việc này tôi làm sao mở mồm cho được?. "Chết còn sĩ diện thì sống chỉ có khổ", thằng khốn nạn nào nói câu này không biết? Câu nói này sao mà sâu sắc đến thế, sao mà thâm thuý đến thế, sao mà đúng đến thế!
Mãi cho đến lúc tắm xong đi ngủ, nằm bên tôi cạnh Vi Vi, cô Hạ vẫn tuyệt nhiên không nhắc gì đến tiền lương của tôi. Cô Hạ dường như quên mất cái ngày này quan trọng như thế nào đối với một thằng rách tả tơi như tôi. Tôi cũng cố tin rằng cô đã quên. Thế nhưng tôi không tài nào ngủ được, sự nhỏ nhen tủn mủn đa nghi của tôi cứ bay qua bay lại, tôi không thế không mường tượng đến 170 đồng. Lúc đó tôi còn chưa được mặt dày vô liêm sỉ như bây giờ để thừa nhận rằng tôi yêu những đồng nhân dân tệ, nhưng cho dù có thừa nhận hay không, hai chữ "tiền bạc" đã có sức cuốn hút không thể cưỡng lại đối với tôi. Năm 23 tuổi, tôi có thể suy nghĩ kỹ càng về tác dụng của đồng tiền. Cuộc phiêu lưu của tôi sao lại không thể đi tiếp? Nói thẳng ra đấy chính là vì tôi không có tiền. Tôi cần phải ăn, tôi không thể để mình chết đói. Chết rồi thì còn phiêu lưu gì nữa? Thế nên tiền là tấm màn bảo vệ cho tự do. Không phải lo ăn không phải lo mặc, điều đó có nghĩa bạn đã thoát khỏi lớp ràng buộc đầu tiên của thực tế. Bạn không còn cần phải đau đầu vì vấn đề sinh tồn, có thể tuỳ ý chi phối quỹ thời gian, chẳng lẽ điều này không phải đồng nghĩa với cuộc sống tự do hay sao? Một người có thể tự ý sắp xếp cuộc sống theo cách mình muốn lẽ nào không phải chính là tự do mà bạn theo đuổi không biết mệt mỏi cả đời hay sao? Để hiểu được chân lý này, tôi đã lãng phí mất quá nhiều thời gian, nhưng kết quả tự do vẫn là thứ mà tôi chỉ có thể đứng nhìn mà thèm.
LỊCH ĐĂNG TẢI TRÊN WATTPAD
20h thứ 3, thứ 5, thứ 7 hàng tuần.
Cảm ơn bạn đã theo dõi truyện.
____________
Tiểu thuyết: Đom Đóm Nhỏ
Tác giả: Thiên Tử
Người dịch: Hà Nam
Biên tập: Roéus
Được xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào năm 2010, nhà xuất bản Dân Trí.
Thể loại: Tiểu thuyết nước ngoài, Tuổi trẻ, Cuộc sống...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro