Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

(P1) Chương 2 - #2

CHƯƠNG 2: ĐỪNG COI TÔI LÀ ĐỨA TRẺ CHÙI ĐÍT KHÔNG SẠCH

#2

Trên bốn bức tường phủ toàn mạng nhện và vết bẩn hoen ố, tôi dán kín những tờ báo và hoa báo cũ tôi sưu tầm được. Phòng hầm hoàn toàn thay đổi diện mạo. Tôi phản ánh lại với cô Hạ tình hình đám chuột hoành hành trắng trợn dưới tầng hầm. Vừa tắt đèn là chúng coi tôi bằng vung con nọ tiếp con kia ăn vụng hoa quả. Cứ thế mãi không được. Cô Hạ nghiêm túc lắng nghe ý kiến của tôi, gật đầu lia lịa, cũng cảm thấy tôi đang nghĩ cho cô. Ngày thứ hai, cô mua ngay về mấy gói thuốc chuột, trộn lẫn với cơm thừa và hoa quả nát, đổ vào đĩa đặt ở các góc của tầng hầm. Mấy ngày sau, tình hình hoạt động của lũ chuột dần dần giảm bớt, chí ít chúng cũng không dám thường xuyên công khai ỉa đái trên cái giường quân dụng của tôi như đi chợ nữa. Phân chuột từng hạt từng hạt một, giống như những hạt vừng bị biến đổi gen, vung vãi khắp nơi trong tầng hầm. Bây giờ đây đã sạch sẽ hơn nhiều. Tôi đã nói tôi có bệnh sạch sẽ, một khi đã ổn định, tôi sẽ phải quan tâm một chút đến chất lượng cuộc sống.

Nằm trên cái giường quân dụng cứng đơ, tôi không biết đã bao lần hoài tưởng về căn phòng nhỏ của tôi. Phòng của tôi được sơn chủ yếu bằng hai màu tím và xanh dương, đây là hai màu tôi yêu thích nhất. Chúng vừa trang nhã, vừa cao quý, và gần nhất với thế giới tôi mơ ước. Đầu giường tôi có một chiếc đèn, chủ yếu là để tiện cho việc nằm đọc sách của tôi. Sách tôi xem rất đa dạng. Ngoài thơ ra, còn có các tác phẩm nổi tiếng trong nước và nước ngoài, có sách hoạ, có cả những quyển nhạc các bài hát đang nổi, bí kíp võ công, thường thức khoa học. Nhưng trên thực tế những quyển tôi đã giở từ đầu đến cuối chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi thường mỗi quyển chỉ giở mấy trang rồi lại vứt sang một bên. Phòng tôi trừ đầu giường hơi lộn xộn một chút, về cơ bản có thế nói là gọn gàng sạch sẽ. Đầu giường tôi xếp đầy các kiểu các loại sách, tôi gối đầu lên chúng ngủ một mạch đến sáng. Chính thế tôi luôn tin rằng sách là bạn của loài người. Sách có sức mạnh của nó. Bạn có thể không cần phải tinh thông hết chúng, bạn thậm chí cũng không cần giở chúng ra, chỉ cần chúng ở gần kề bạn, bạn đã có thể cảm thấy mình luôn tràn đầy sức sống và luôn được chia sẻ.

Tôi nằm đó xoay người liên tục, trong đầu toàn hình ảnh về căn phòng nhỏ và cái giường chất đầy sách của tôi. Nỗi nhớ này làm tôi càng không vừa lòng thậm chí là chán ghét cái giường quân dụng hiện tại. Giường quân dụng nhỏ và chật, tôi không thể ngủ yên lành. Ngày đầu tiên ngủ trên cái giường này, tôi đã ngã đập trọn mông xuống đất, giập không hề nhẹ. Bắt đầu từ ngày hôm đấy, ngày nào tôi cũng ngủ trong nỗi lo sợ, lo sợ mình lại lăn từ trên giường xuống một lần nữa. Căn phòng đáng yêu của tôi bây giờ liệu có bị mạng nhện chăng đầy? Liệu đám sách đầu giường của tôi có bị bụi phủ đầy? Nghĩ đến đây tôi lại nhớ bố mẹ. Hơn một tháng rồi, chắc họ đã hiểu ra được con trai của họ nói một là một, hai là hai, chứ không phải đang giỡn chơi với họ.

Bỗng nhiên tôi cảm thấy đắc ý, nhưng sao có một làn hơi cay cay đang chạy dần từ trong tim lên mũi. Họ đã thấy hối hận chưa? Họ nhất định đang lục tung thế giới này lên tìm tôi mất! Vừa nghĩ đến hai bố mẹ tội nghiệp của tôi, làn hơi cay kia càng được thể nhất tề xung phong xộc thẳng vào mắt tôi. Tôi thảm bại trước nước mắt của mình. Trong trận khóc này, nước mắt tôi rơi như mưa trút, như muốn vỡ đê. Con xin lỗi, mẹ, con không muốn làm mãi đứa trẻ ranh chùi đít không sạch trong mắt bố mẹ nữa, con chỉ muốn chứng minh cho bố mẹ thấy con đã có quyền lựa chọn và có đủ khả năng chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình. Chỉ thế mà thôi!

Trong lúc tôi nước mắt nước mũi tèm nhem, cửa phòng hầm bật mở, Vi Vi ngón chân ngón tay mò vào.

"Ơ, đang bận à?" Vi Vi cười hì hì hỏi: "Sao lại khóc như trẻ con thế kia? Nhớ mẹ à?".

"Mày xuống đây làm gì?". Tôi quệt hết nước mắt nước mũi trên mặt, nghiêm mặt hỏi. Tôi thấy Vi Vi chẳng có chút văn hoá nào hết, trước khi vào cũng không thèm gõ cửa. Đúng là phải tìm cách lắp cái khoá thôi.

Vi Vi "xuỳ" một tiếng, nói: "Đừng ồn". Trên tay nó cầm một chai bia. Hoá ra nó mò xuống đây để uống trộm.

"Mày uống ở phòng mày không được à? Xuống đây làm gì?" "Mẹ tao tuổi tuất, mũi cực thính. Uống phát phòng có mùi ngay. Không giấu được". Nó đáp lại.

"Mày uống thì người cũng có mùi rượu cơ mà? Cũng có giấu được đâu?" Tôi cũng vặn lại nó.

"Uống xong tao đánh răng súc miệng luôn. Ai biết được? Chỉ có ở đây an toàn nhất, mày không nói, mẹ tao cả đời cũng đố có biết".

"Ngày mai tao đi nói cho mẹ mày biết".

"Mày á? Còn lâu!" Vi Vi cười xảo quyệt, trông nó bây giờ y như hồ ly tinh. Nó có hàm răng trắng phau, đều tăm tắp, nhắc tôi nhớ đến cái răng sâu trong mồm. Tôi hơi ganh tị với việc nó sở hữu một bộ răng đẹp đến thế. Vi Vi nói: "Nếu mày mách thì bây giờ mày đã mách rồi. Với lại, tao thấy mày cũng không phải loại người đó".

Nó dựa vào đâu mà tin vào tôi, quả quyết rằng tôi sẽ không bán rẻ nó? Phải nhớ rằng tôi không hề có chút thiện cảm nào với nó. Nó hồn nhiên ngồi lên cái giường quân dụng của tôi, "phóc"một cái cắn rơi nắp chai. Lại một lần nữa tôi ngưỡng mộ hàm răng của nó. Nó ngửa cổ tu một hơi hết nửa bình, hít thêm một hơi mới nói: "Còn lâu tạo mới là trẻ ranh! Mẹ tao chẳng hiểu cái gì!". Hoá ra lý do làm nó bực bội mãi trong lòng, nửa đêm gà gáy mò uống bia trộm là đây. Nó nói với tôi: "Mày cũng làm một ngụm đi".

Lần này tôi không từ chối. Tôi đang buồn đây, không phải vẫn nói uống rượu tiêu sầu sao? Tôi cầm chai bia, tu như điên. Vi Vi cuống quýt kêu: "Phần tao một ít". Tôi chẳng thèm để ý, uống một hơi cạn đáy. Vi Vi trừng mắt nhìn tôi: "Sao mày có thể thế được nhỉ?" Sau đó nó lại nói luôn: "Mày cũng uống được phết nhỉ?".

Việc buôn bán của cửa hàng hoa quả lúc được lúc không. Lúc nào đông khách thì cho dù có mọc thêm ba đầu sáu tay cũng chẳng đủ. Nếu vắng khách thì thậm chí ngồi không thôi cũng đủ mọc ra vài cái mụn ở đít. Tôi lựa dịp vắng khách xin phép cô Hạ nghỉ. Cô Hạ hỏi: "Mày đi đâu đấy?" Tôi nói: "Cháu hơi đau bụng đi ngoài, chắc tối qua ăn linh tinh nhiều quá, cả ngày hôm nay bụng lâm rẩm đau". Thế là cô Hạ ký sắc lệnh cho phép tôi nghỉ, còn giục tôi mau về nhà.

Tôi không phải là thằng hay bị ốm, tôi cũng chẳng bị đi ngoài. Tôi chạy qua hai con phố, chui vào một bốt điện thoại công cộng, đứng sững nhìn cái máy điện thoại. Bốt điện thoại dán dọc dán ngang các thể loại quảng cáo rẻ tiền, quảng cáo làm hộ bằng cấp, rồi quảng cáo tuyển nhân viên. Không hiểu bố mẹ tôi bây giờ ra sao rồi? Mặc dù tôi không sợ họ, nhưng tôi vẫn rất yêu quý họ, cũng giống như họ rất yêu quý tôi vậy. Yêu quý lẫn nhau, quan tâm lẫn nhau, nhưng lại như nước với lửa, không thế dung hoà. Tôi nghĩ con người sở dĩ phức tạp là vì trong con người đây những sự mâu thuẫn. Cùng xuất phát ở vạch tình yêu, nhưng đích đến thường lại là sự hận thù. Cũng có thể yêu và hận vốn là hai nhân trong một trứng, khó có thể tách rời. Tôi không thể nói rõ hay phân biệt rạch ròi nỗi nhớ và lo lắng được tạo bởi sự đan xen giữa yêu và hận trong tôi. Tôi cứ đứng nhìn thế mãi, không biết nên làm gì nữa.

Trên người tôi có một thẻ điện thoại tôi lặng lẽ đem theo lúc đi khỏi nhà. Suy nghĩ của tôi lúc đó là chuẩn bị cho mình một con đường thoát. Mặc dù cô Hạ phê bình tôi không có khái niệm về tiền bạc, nhưng thằng ngu cũng hiểu được rằng cầm ba trăm đồng trong túi ra đường không sống nổi vài ngày. Tôi lúc dỗi bỏ nhà ra đi đã chuẩn bị cho mình một trái tim rực lửa và đôi bàn tay. Tốt nhất là mọi chuyện suôn sẻ như ý, còn nếu thực sự đến mức cùng kiệt thì cũng đành phải gọi điện cầu cứu về nhà! Thẻ điện thoại tôi luôn đế bên mình, lúc cần gọi tôi đã không gọi, vì tôi không muốn mình cúi đầu gục ngã quá sớm. Còn bây giờ, tôi hoàn toàn không cần gọi điện cầu cứu, tôi lại muốn gọi, muốn phát điên.

Tôi cầm điện thoại lên. Tiếng tút tút trong ống nghe làm tim tôi như ngừng đập, toàn thân lạnh cứng. Điện thoại gọi về, tiếng mẹ tôi vọng lại từ đầu dây bên kia.

"Alo, alo, là Tiểu Vĩ hả? Sao con không nói gì thế? Mẹ biết là con. Con đang ở đâu thế?".

Mẹ chưa nói hết thì điện thoại đã bị bố giằng lấy, tôi nghe thấy tiếng bố. Giọng bố vừa lo lắng vừa tức giận. Bố vẫn tính nóng như lửa. Bố quát:

"Mày là Tiểu Vĩ hả? Thằng ranh con đừng để tao tìm thấy. Tao mà tìm thấy xem tao có đánh gẫy chân mày ra không. Cho mày bỏ nhà đi tiếp! Xem mày có còn đi được nữa không? Khổ rồi hả con? Đừng tưởng thế giới bên ngoài toàn là màu hồng, cho dù có thật là màu hồng đi chăng nữa cũng không đến lượt thằng nhãi con như mày muốn gì được nấy. Chịu đủ khổ rồi thì cuốn về nhà ngay cho tao! ".

"Con rất khoẻ! Bố mẹ đừng lo".

Nói xong câu này tôi vụt cái thò tay rút thẻ điện thoại ra cắt đứt cuộc gọi. Tôi vẫn chưa muốn về nhà. Tôi vẫn chưa nhìn thấy biển. Mặc dù tôi đã ăn đủ khổ rồi, nhưng bây giờ hàng ngày chí ít tôi vẫn có bát cơm đút mồm. Tôi cứ nghĩ việc tôi bỏ nhà ra đi đã dập tắt cơn thịnh nộ của bố, không ngờ nó vẫn đang hừng hực cháy. Bố tôi nói là làm, nếu bây giờ về nhà chắc chắn bố sẽ cho rằng tôi không chịu được xã hội bên ngoài nữa, giương cờ đầu hàng, bố sẽ đánh gẫy chân tôi thật mất. Thế thì về sau, tôi chỉ có thể làm thằng trẻ con chùi đít không sạch để mặc bố mẹ điều khiển mà thôi. Tôi thề không thể để họ điều khiển, cho dù họ có là ai đi chăng nữa, cho dù tôi còn muốn mơ mộng nữa hay không. Mười sáu tuổi là cái tuổi bướng bỉnh, ngang ngược, đầu óc toàn những suy nghĩ nguy hiểm, không sợ trời cũng chẳng sợ đất, chỉ sợ nhất bị người khác coi là trẻ con, cũng giống như ở tuổi 23 tôi luôn hi vọng người khác coi tôi như trẻ con. Ở đây lại xuất hiện một cặp mâu thuẫn, nhưng tôi không hiểu nó có ngụ ý gì nữa.

LỊCH ĐĂNG TẢI TRÊN WATTPAD
20h thứ 3, thứ 5, thứ 7 hàng tuần.
Cảm ơn bạn đã theo dõi truyện.
____________
Tiểu thuyết: Đom Đóm Nhỏ
Tác giả: Thiên Tử
Người dịch: Hà Nam
Biên tập: Roéus
Được xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào năm 2010, nhà xuất bản Dân Trí.
Thể loại: Tiểu thuyết nước ngoài, Tuổi trẻ, Cuộc sống...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro