Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

(P1) Chương 2 - #1

CHƯƠNG 2: ĐỪNG COI TÔI LÀ ĐỨA TRẺ CHÙI ĐÍT KHÔNG SẠCH

#1

Nếu chỉ dựa vào hồi ức tôi có thể tự tin mà nói Yên Thuỷ là một thành phố đẹp, nhỏ mà thơ mộng, cũng giống như bạn nói với tôi rằng quê hương thời thơ ấu của bạn quyến rũ, mê hoặc, rung động lòng người đến đâu, làm người ta quên lối đến đâu. Hồi ức luôn là thứ bạn có thể tuỳ ý tô màu hồng lên những khuyết điểm và phóng đại những ưu điểm. Năm 23 tuổi, tôi quen Ma Nhã. Ma Nhã không chỉ một lần nói với tôi về cái giếng nước khô ở quê em, cái giếng nước tựa hồ một câu chuyện cổ tích, nhưng đến khi đứng bên cạnh cái giếng đó, tôi mới phát hiện ra nó với cái giếng mà Ma Nhã vẫn kể cho tôi khác nhau một trời một vực. Tôi không thể vì thế mà nói Ma Nhã lừa tôi. Thế nên tôi nói với bạn: Yên Thuỷ là một thành phố mộng ảo, tin hay không tuỳ bạn, chí ít tôi chưa từng hoài nghi.

Sau nửa tháng ngồi ôm hàng hoa quả, cô Hạ cho phép tôi nghỉ một ngày, cô còn cho tôi 10 đồng, coi như tiền tiêu vặt. Lần đầu tiên tôi, với vị thế của một người ngắm cảnh chứ không phải là một kẻ chạy đói, đi lượn phố Yên Thuỷ. "Lượn" là từ mà tôi thích dùng, tôi dùng nó để chỉ một trạng thái mà tôi thích hưởng thụ. Cũng giống như đám bạn trâu chó của tôi gọi di động hỏi tôi đang làm gì, tôi luôn trả lời chúng là tôi đang lượn. Tôi đi hết phố này đến phố khác, đi lướt ngang qua những người lạ với những gương mặt không biểu cảm, dáng vẻ bận rộn, cố đoán xem những vui buồn li hợp, hỉ nộ ái ố của họ. Đáng chết, tôi nên là một nhà viết tiểu thuyết mới phải, mặc dù cho đến hôm nay tôi vẫn là kẻ đứng ngoài vòng văn học. Nói dễ nghe một chút, tôi là một người yêu thích văn học, nói khó nghe một chút thì tôi chẳng qua chỉ là kẻ rỗi hơi không nghề nghiệp.

Không mục đích tôi lượn lờ khắp Yên Thuỷ. Trên phố toàn là chó, cụp đuôi lặng lẽ, hết chạy qua rồi chạy lại, người thì chẳng thấy được mấy. Dân thành phố Yên Thuỷ này dường như rất thích nuôi chó. Những con chó ở đây tạp chủng, nguồn gốc thấp hèn, bạ gì cũng ăn. Tôi nhìn thấy một con chó ta đang như phát điên đuổi theo cắn một tờ báo cũ bị gió thổi bay, rồi cứ thế cắn từng miếng nuốt chửng.

Ánh mặt trời tháng bảy thiêu đốt khắp nơi, mọi người đều trốn hết vào giường trúc ngủ lười, vất vả chống đỡ với cái nóng. Bên đường có hàng chè đậu xanh, tôi gọi một bát, bà cụ bán chè thấy tôi lôi ra tờ 10 đồng liền cầm lên soi ra ánh sáng, lật đi lật lại mấy lần. Đây là tờ tiền mới tinh, mới như vừa được lấy từ xưởng in ra. Bà cụ trề môi giám định đến nửa ngày mới xong, nhưng lại đưa trả tiền nói bà không có tiền trả lại, và bảo tôi đi tìm người nào có tiền trả lại mà ăn chè đậu xanh, Tôi đành đi ra chỗ khác, tiếp tục lượn trước lượn sau một mình không mục đích, hết lượn trái rồi lại lượn phải.

Sau đó, tôi nhìn thấy một thằng điên. Nhìn một cái tôi nhận ngay ra đó là thằng điên. Bạn đã bao giờ thấy ai giữa trưa hè nóng nực lại mặc một chiếc áo bông, mặc một cái quần đùi sọc, đi một đôi ủng da bò há hốc mõm, cầm que tre, chân đi mốt hai chưa? Nếu như bạn nhìn thấy người như thế mà không cho là thằng điên thì hoạ chăng bạn bị điên. Thằng điên tay cầm que tre, mặt mày hớn hở đi về phía tôi, nó hét: "Mốt hai mốt, mốt hai mốt, ngựa tây gót cao quá đáng, mốt hai mốt, mốt hai mốt, ngựa tây ngót cao quá đáng...", nó lặp đi lặp lại mỗi một câu này. Lúc đi ngang qua tôi, nó giơ tay chào, hô vang chào thủ trưởng mới lạ. Tôi mắt trợn ngược, miệng há hốc. Thằng điên đi xa rồi tôi vẫn chưa hoàn hồn lại. Tôi tự hỏi sao mình lại có may mắn được một kẻ điên coi trọng đến thế? Xem ra Yên Thuỷ này đúng là một nơi ngoạ hổ tàng long, có nhiều tài nhân dị sĩ lắm!

Bạn đừng tưởng là tôi đang chua chát mỉa mai, bởi ngay sau đây tôi lại tiếp tục gặp thêm một quái nhân nữa. Nói nó quái là vì những thứ không thể tưởng tượng của nó. Nó trọc đầu, mặt vuông, mồm rộng, cao khoảng 1m50, những cái này đều không có vấn đề gì, nó mặc áo sơmi, quần thụng, đi chân đất, cái này cũng không có vấn đề gì. Quái là quái ở chỗ nó lại có thể phun lửa. Phù, phù, nó như một khẩu súng phun lửa. Không khí nồng nặc mùi cồn.

Nhìn qua, nó chỉ tầm khoảng 13-14 tuổi, nhưng tôi đoán nó không nhỏ hơn tôi. Nó đứng dưới một mái hiên nhựa, chòng chọc nhìn tôi, cứ như tôi nợ nó tám vạn, mười vạn mà không thèm trả một xu. Tôi trong lòng rất khó chịu. Quay mặt ra chỗ khác không nhìn nó, tôi bước ngang qua chỗ mái hiên, nhưng tôi bỗng lại nghe thấy phù một tiếng, một con rồng lửa cuộn nhào lao về phía tôi, tôi giãy nảy người. Tôi nói mày điên à! Người lửa nhìn bộ dạng thê thảm của tôi cười khanh khách. Lúc này sau cái cửa gỗ dưới hiên nhựa thò ra một ông già người nhỏ thó. Ông một mặt cứ xin lỗi tôi, bảo tôi đừng chấp, một mặt túm tai thằng người lửa vừa mắng vừa lôi nó vào trong cái cửa gỗ mất hút.

Đã bao giờ tôi phải sợ hãi thế này đâu! Sờ lên đầu, mồ hôi lấm tấm đầy trán. Ánh nắng chói chang không cho ai thoát, cổ họng như muốn đốt cháy, nhổ một bãi đờm mà như sắp thành quái nhân phun lửa. Phía trước lại có một hàng bán chè đậu xanh. Lần này là một em gái mặc quần áo hoa tết tóc bím. Tôi đưa tiền cho cô bé, cô bé cũng lại như bà cụ lật đi lật lại tờ tiền, sau đó cũng lại thông báo cho tôi biết không có tiền trả lại. Đúng là gặp ma giữa ban ngày. Cầm 10 đồng mà chỉ có thể nuốt nước bọt nhìn một bát chè năm hào, lẽ nào đây lại là tiền giả? Tôi tuyệt đối tin tưởng cô Hạ không giỡn tôi như giỡn khỉ, thế là tôi lại rời khỏi em gái tóc bím, gửi lại phía sau một cái lưng đầy căm phẫn.

Tôi khao khát được ăn bát chè đậu xanh đến thế, tại sao không có ai hiểu cho tôi, lại như tất cả như đang cố tình trêu chọc bắt tôi lang thang lê bước dưới mặt trời tháng 7 chói chang này? Mười sáu tuổi tôi thường có những than thở kiểu như thế. Tôi thường cảm giác mình bị cả những người quen lẫn không quen phụ bạc, thế nên trong mắt luôn có những tia buồn thấp thoáng. Tôi đã mất hết nhã hứng lượn rồi. Yên Thuỷ đã biến thành bãi sa mạc, lục phủ ngũ tạng của tôi sắp bị đốt thành tro. Ai có thể cho tôi ăn một bát chè đậu xanh, người đó chính là kẻ cứu mạng tôi bây giờ. Tôi vốn không phải đam mê chè đậu xanh, nhưng rất nhiều việc đều như thế, càng gồng mình cố gắng thì càng quá khích, càng thề không làm bằng được quyết không dừng tay.

Tôi lại một lần nữa đứng trước một hàng bán chè đậu xanh, lại một lần nữa được thông báo không đủ tiền trả lại, tôi đã gần như tuyệt vọng. Vi Vi đúng lúc này đột nhiên xuất hiện. Nó vẫn trần hai vai, vung tay vung chân tiến tới. Vi Vi kêu hai bát chè, một bát cho nó, một bát cho tôi. Tôi nói tôi có tiền. Nó nói: "Ừ, mày ông chủ, đáng lẽ mày phải mời tao mới phải". Nó thừa cơ tôi không để ý, giật phát 10 đồng trong tay tôi, "ê" lên một tiếng, nói: "Đây là tiền giả".

Tôi rốt cuộc vẫn bị cô Hạ giỡn như giỡn khỉ. Vi Vi nói: "Tiền này mày lấy ở đâu?". Tôi nói: "Mày không cần biết!". Vi Vi nói: "Tao thèm vào biết, tao có phải công an đâu, tao mà là công an thì đã bắt mày ngồi dăm bữa nửa tháng trong tù rồi, xem mày còn ngang ngược đến đâu".

Tôi lòng dạ rối bời. Tôi nghĩ tại sao cô Hạ lại giỡn tôi, chắc chắn cô cũng không biết đây là tiền giả. Buôn bán không tránh khỏi đôi ba lần thu nhầm tiền giả, điều này cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên. Rốt cuộc tôi cũng tự giải thích xong, nhưng tôi cũng đã hết hứng thú ăn bát chè xanh mà tôi thèm khát nữa. Vi Vi nói: "Còn làm bộ, không uống thì thôi, mày tưởng tao thích mời mày uống lắm à?". Nó cầm bát chè còn lại húp sụp cái hết, lau mồm, tức giận vung vẩy đi mất.

Cô Hạ hỏi tôi: "Tiền tiêu hết rồi à?". Tôi nói tiêu rồi. Tôi cũng không biết sao mình phải nói dối, tờ tiền đó rõ ràng vẫn trong túi quần tôi. Tôi ngạc nhiên trước câu hỏi của cô Hạ, cũng có thể chính câu hỏi của cô làm tôi tạm thời quyết định nói dối. Tôi từ nhỏ đã hay nói dối, tôi đúng là một vua nói dối không hơn không kém. Nhưng lúc nhỏ tôi vẫn được mọi người công nhận là cậu bé ngoan. Tôi nghĩ có phải vì tôi cố gắng trở thành một cậu bé ngoan trong mắt người lớn mà không ai dạy cũng biết nói dối? Trình độ nói dối của tôi đã đạt mười thành công lực, thâm hậu khôn lường. Vẻ mặt ngây thơ, chân thành có khả năng mê hoặc phi thường. Cô Hạ lại tin thêm lần nữa. Cô nói với tôi: "Chúng mày trẻ con ăn tiêu phung phí thế không được. Phải biết học cách tiết kiệm, phải có quan niệm về tiền bạc, phải tiêu đúng chỗ. Cô không phải trách mày tiêu linh tinh, tiền đưa là để mày tiêu. Cô chỉ hi vọng mày hiểu phải tiêu như thế nào". Những lời nói của cô Hạ làm tôi tự thấy xấu hổ. Đây là những lời nói tâm huyết của bố mẹ nói với con cái. Thế mà tôi trong bụng lại chỉ một mực nghĩ xấu cho cô. Người ta xem tôi như con, tôi nghĩ như thế chẳng phải có lỗi với cô lắm sao?

Cô Hạ hôm nay dọn hàng sớm, về nhà nấu một mâm toàn món ngon, có cá, có thịt, lại có cả bia. Cô Hạ mở nắp một chai bia đưa cho tôi. Vi Vi nhìn thế nói: "Con cũng muốn uống". Cô Hạ nói: "Trẻ con chùi đít chưa sạch, uống cái gì?". Vi Vi nói: "Thế sao nó được uống?". Từ "nó" trong câu của Vi Vi là chỉ tôi. Tôi cũng đang không hiểu, tôi và Vi Vi cùng tuổi, nhưng tại sao chúng tôi lại không cùng hưởng một tiêu chuẩn như nhau? Cô Hạ nói: "Mày còn là học sinh, Nam Cung thì không". Tôi là kẻ làm thuê, tôi không phải là học sinh, tôi dùng đôi bàn tay của mình kiếm tiền nuôi miệng thế nên tôi có quyền lợi như một người trưởng thành. Hoá ra nhân cách được xây dựng và công nhận dựa trên sự lao động cần cù. Tôi bỗng hiện ra nhiều điều. Tôi tu ừng ực chai bia, cảm nhận mi mắt cay cay, cảm nhận sự hưng phấn từ dưới móng chân chạy dọc lên đỉnh tóc.

Trong mắt bố mẹ tôi, tôi chỉ là một đứa trẻ ranh cần họ giáo dục từ ăn nói đến đi đứng, họ thường bảo cái này không được làm, cái kia không được làm. Họ luôn thấy tôi rất ấu trĩ, trẻ con, không hiểu việc đời, buộc họ phải lo lắng theo dõi. Khi bạn không muốn làm một đứa trẻ ranh nhưng lại không thể không tỏ vẻ giống một đứa trẻ, điều này chắc chắn sẽ làm bạn đau đầu, bực bội. Trong đời lần đầu tiên có người tuổi mẹ tôi cho phép tôi uống thoải mái, lại vạch ranh giới rõ ràng giữa tôi và đứa trẻ ranh, bạn nói xem, làm sao tôi không xúc động muốn khóc, không hưng phấn từ móng chân đến đỉnh tóc cơ chứ?

Cơm no rượu say xong, cô Hạ bưng từ trong nhà bếp ra một bát tô chè đậu xanh, cô múc một bát cho tôi. Vi Vi nói: "Nó không ăn chè đậu xanh". Vi Vi thật đáng yêu, nếu không thì làm sao Cô Hạ một mực nhất định nói nó là đứa trẻ con chùi đít không sạch chứ? Tôi bụng đã no căng, nhưng điều này không làm ảnh hưởng đến việc tôi sung sướng ăn nốt bát chè kia. Tôi thấy thoải mái tuyệt đỉnh. Tôi nhìn thấy Vi Vi đang tròn mắt nhìn, không kìm được tôi tặng nó một nụ cười xin lỗi. Xin lỗi nhé, tôi muốn ăn chè đậu xanh cả ngày hôm nay rồi!

LỊCH ĐĂNG TẢI TRÊN WATTPAD
20h thứ 3, thứ 5, thứ 7 hàng tuần.
Cảm ơn bạn đã theo dõi truyện.
____________
Tiểu thuyết: Đom Đóm Nhỏ
Tác giả: Thiên Tử
Người dịch: Hà Nam
Biên tập: Roéus
Được xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào năm 2010, nhà xuất bản Dân Trí.
Thể loại: Tiểu thuyết nước ngoài, Tuổi trẻ, Cuộc sống...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro