(P1) Chương 1 - #3
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẦN THƠ MỤC NÁT
#3
Sự xuất hiện bất ngờ của Vi Vi làm tôi bỏ dở cái ngáp ngon lành. Vội vàng nuốt ngược phần khí đang cuồn cuộn chỉ chực xông ra ngoài, liếc mắt một lượt từ đầu đến chân đánh giá thằng con trai đứng trước mặt. Năm đó Vi Vi cũng chỉ có mười sáu tuổi. Tôi sinh tháng 3, còn nó sinh tháng 5. Chúng tôi người tầm tầm như nhau. Mắt nó dài nhưng không to, một mí, lông mày rậm như sâu róm, lại có góc có cạnh nữa. Một tay nó vắt cái áo khoét nách lên vai, một tay thọc trong túi quần, nhìn xéo tôi.
"Mày là Vi Vi?". Tôi hỏi.
"Vớ vẩn, mày là thằng nào? Sao không thấy mẹ tao đâu thế?" Nó đáp như chực nhảy vào mặt tôi.
"Hôm này có xoài về, cô Hạ đi ra chỗ Lã Lão Tam lấy hàng rồi".
"Thế à", Vi Vi gật gù cái đầu của nó, vẫn không thèm nhìn thẳng tôi nửa mắt, "Mày vẫn chưa cho tao biết mày là ai? Mà sao mày lại đứng ở đây?"
Tôi nói: "Tao tên là Nam Cung Vĩ, tao là người phụ hàng cho cô Hạ".
Vi Vi nói: "Gì? Mày họ Nam Cung? Tao cứ tưởng họ này chỉ có người cổ đại mới có. Mày họ Nam Cung thật à?"
"Tao họ Nam Cung thật 100%"
Tôi vốn đã biết cô Hạ có một thằng con trai đang nghỉ hè về quê chơi với bà ngoại, thế nên tôi mới được độc chiếm cái giường của nó. Quần áo tôi đang mặc trên người cũng là quần áo của nó. Vi Vi nhận ra, nó nói: "Sao mày lại mặc quần áo của tao? Mày không có quần áo à?"
"Cô Hạ đưa cho tao mặc". Tôi đáp lại.
"Đã được tao đồng ý chưa?" Vi Vi nhìn xoáy vào tôi. Tôi chắc rằng mặt mình đang đỏ tưng bừng, tôi cảm nhận được từng hồi, từng hồi hơi nóng bốc lên. Vi Vi nghĩ thế nào bỗng khua khua tay, nó nói: "Thôi, coi như cho mày".
Thái độ của Vi Vi rõ ràng như đang đuổi một thằng ăn mày, tôi bỗng tìm lại được cảm giác của kẻ hành khất. Tôi tức đến nỗi mặt mũi đỏ lựng. Cũng xấu hổ đến nỗi chỉ muốn tìm lỗ nào chui xuống. Tôi như bị giễu cợt, bị xúc phạm nặng nề. Xém chút nữa tôi đã cởi quần áo vứt vào mặt nó. Nhưng tôi nhẫn nại, tôi vẫn còn chút trí khôn. Tôi biết sự bồng bột nhất thời không đem lại bất kỳ lợi lộc gì cho tôi cả. Công việc bán hoa quả làm tôi học được cách suy tính thiệt hơn, biết lái thuyền theo gió. Tôi đột nhiên nhớ đến thế chàng thanh niên lưng thẳng đứng, đầu ngẩng cao, vai khoác ba lô rằn ri bước ra khỏi nhà không thèm quay đầu lại đầy kiêu hãnh. Niềm kiêu hãnh của tôi đi đâu rồi? Chàng thanh niên trẻ đó đâu rồi?
Tôi chuyển xuống ở dưới tầng hầm. Vi Vi nhất định không đồng ý cho tôi cùng hưởng thụ căn phòng với nó. Mà nói thực, tôi cũng không muốn ở chung một phòng với nó. Nó vừa xuất hiện đã làm tôi tổn thương, nó làm tôi trông thấy sự thay đổi hoàn toàn nơi tôi. Tôi không còn là chàng thanh niên ngang ngạnh, cứng đầu, kiêu hãnh, bất chấp tất cả nữa. Niềm kiêu hãnh của tôi đã biến mất, không còn chút tăm hơi. Tôi không thể không nhẫn nhịn sống dựa vào người khác. Cuộc sống tàn nhẫn dạy cho tôi đạo lý đầu tiên: "Mày nghĩ mày là ai? Trong mắt người khác mày chẳng là ai cả!"
Cô Hạ xếp một cái giường gấp quân dụng dưới tầng hầm cho tôi. Tầng hầm tối tăm, ẩm ướt, bốn bức tường đầy rẫy những bụi và vết ố lem lúa. Mùi hoa quả phân huỷ hỗn hợp lên men làm người ta đầu óc mụ mị, tức ngực, buồn nôn. Cuối cùng tôi nôn thật, oẹ lấy oẹ để, bám lấy mép giường gấp quân dụng oẹ không ngừng, thế nhưng không nôn ra bất kỳ thứ gì cả. Tầng hầm giống như một cái lon sắt bịt kín, tiếng nôn oẹ của tôi quay cuồng, vang đập khắp nơi trong phòng. Mấy con chuột bị tiếng nôn của tôi doạ sợ hãi kêu lên chí choé. Tôi bây giờ giống như một con chuột, cái hầm này chính là hang động an thân bảo mệnh của tôi. Trong giấc mơ, tôi cuối cùng cũng có thể không còn vướng bận để khóc than cho chính mình. Tôi đang nằm mơ.
Tôi ước thà mình không biết mơ. Cơn ác mộng đen này cắm rễ sâu trong đêm tối, để rồi từ đó nảy mầm vươn cành đung đưa trong đêm. Tôi mơ mình biến thành một con chuột đang chạy bạt mạng trong một đường hầm tối tăm, đằng sau tôi là một con mèo hoa vằn hổ đang nở nụ cười gian ác của kẻ nắm chắc phần thắng. Nụ cười gian ác đó như dính chặt vào sống lưng tôi, những giọt mồ hôi lạnh đang từ từ từ từ đóng băng. Tôi quay đầu liếc lại. Tôi ước mình đừng quay đầu, tôi đang nhìn thấy một cái mặt mèo với những chiếc nanh nhọn hoắt đang đè dần xuống người tôi.
Mơ nhưng tôi vẫn giữ được vài ba phần tỉnh táo, tôi vẫn biết mình đang mơ, nhưng đáng chết là dù tôi cố hết sức quẫy đạp để tỉnh lại nhưng không sao tỉnh nổi. Tôi chỉ còn cách tiếp tục chạy lên phía trước mà không biết đâu là điểm dừng. Không có cách nào khác.
Tôi giặt sạch Guevara của tôi. Cô Hạ đã định vứt nó vào sọt rác, nhưng tôi kiên quyết phản đối. Cho dù thế nào đi nữa, nó cũng là tài sản duy nhất mà tôi có bây giờ. Tôi nhớ cái áo đó tôi đã lục tìm được từ trong đống hàng bán trên vệ đường gần trường tôi học, vừa liếc qua tôi đã nhắm trúng Guevara. Guevara đã kiên định với hướng đi của mình như thế, anh mới là một tín đồ thực sự, anh là thần tượng tôi ngưỡng mộ. Cũng có thể ánh mắt của anh đã mách bảo cho tôi biết có sự tồn tại của một phương xa. Tôi từng ảo tưởng mình là một chiến sĩ rừng xanh, quyết không thoả hiệp, dũng cảm chiến đấu vì tự do và tín ngưỡng của mình. Guevara vĩ đại vạn tuế! Tín ngưỡng vạn tuế! Tự do vạn tuế!
Tôi thay lại cái áo Guevara của tôi, những lo lắng sợ hãi mấy ngày liên tiếp đột nhiên bốc khói bay mất, tôi tìm thấy lại một chút tự tin ngày nào. Hoá ra Guevara mới chính là thần hộ mệnh của tôi. Tôi đem trả hết quần áo cho Vi Vi. Tôi vốn định ném cả đống quần áo này vào mặt nó, chỉ có thế nó mới hiểu nó làm tôi tổn thương nhường nào. Nhưng tôi đã không làm như thế, ngược lại, tôi đem quần áo giặt sạch, gấp gọn đem trả nó. Vi Vi nói: "Không phải bảo là cho mày rồi à?". Tôi nói: "Cám ơn, tao vẫn có cái để mặc". Vi Vi nói: "Có mỗi một cái, mày định mặc mãi à?". Cười cười xong, nó nói tiếp: "Mẹ tao sẽ không cho một con quỷ bẩn thỉu không chịu thay quần áo giúp mẹ tao bán hàng đâu".
Tôi chững người, không nói được gì. Lại một lần nữa tôi thảm bại dưới tay Vi Vi. Đây là chiến tranh giữa hai đứa trẻ. Cuộc chiến này bắt đầu mở màn từ lúc tôi và Vi Vi gặp nhau. Chúng tôi do thám, dự đoán lẫn nhau. Ngay cho đến tận ngày hôm nay chúng tôi cũng càng không hiểu nguyên do bắt đầu của cuộc chiến. Dường như số phận sắp đặt bạn sẽ gặp một người, và rồi gắn chặt vào nhau. Số phận của tôi phải gặp Vi Vi, câu chuyện của tôi phải gắn liền với Vi Vi.
Tôi không biết nói gì, tay cầm một chồng áo vào không được, ra cũng chẳng xong, không biết làm sao. Vi Vi đột nhiên cho tôi một lối thoát, nó nói: "Cầm về đi, tao thật tâm muốn tặng mày đấy. Mẹ tao nói mày cừ lắm, cũng chăm chỉ nhanh nhẹn, giúp mẹ tao bao nhiêu là việc". Tôi quay người đi ra luôn, có chết tôi cũng không muốn nói thêm câu nào với nó nữa cả. Đi được hai bước, Vi Vi lại gọi giật lại.
"Nam Cung, quyển sách này là của mày hả?"
Vi Vi vung vẩy trong tay quyển sách thưởng thức các bài thơ chọn lọc của trường phái thơ trừu tượng, "Mày thích đọc thơ à?"
"Tao không đọc thơ"
"Thế quyển sách này không phải của mày rồi?".
Tôi một lần nữa quay người đi tiếp. Các nhà thơ đều đã chết, các vần thơ đều đã mục nát hết rồi.
Trở về tầng hầm, trong mùi mê hương của hoa quả thối, tôi chăm chú nhìn hình Guevara trước ngực. Guevara mới không hổ danh là nhà thơ, ông dùng cả cuộc đời chìm nổi của mình để viết lên những sử thi bão táp mà trong đó mỗi đoạn nhỏ cũng đủ làm người ta liên tưởng không ngớt, sóng lòng sục sôi. Nụ cười trẻ thơ nở ra khi Guevara nằm dưới lưỡi dao của đao phủ, di ảnh đau lòng người này làm tôi sùng bái Guevara đến sát đất. Các nhà thơ đều đã chết hết, một thời đại sục sôi đã một đi không trở lại, tôi còn đọc thơ để làm gì? Không phải là những vần thơ nói lên nỗi đau của sự sống, niềm vui hạnh phúc của cái chết liệu có còn được gọi là thơ? Trong cái nhịp điệu chung của thế giới ở thập niên 90 này, thơ ca mục nát không phương cứu chữa. Mục nát rồi. Mục nát hết rồi.
Tôi không ngờ rằng Vi Vi lại xuống dưới phòng hầm này. Nó xé một thùng hoa quả, lấy ra hai quả lê vịt, vứt cho tôi một quả. Tôi không đỡ, để quả lê chậm chạp nẩy lên nẩy xuống trên giường quân dụng, nó nẩy thêm mấy cái nữa rồi rơi xuống đất. Vi Vi nhặt lên, lau vào áo, đưa cho tôi nói: "Cầm lấy". Tôi vẫn không thèm cầm. Tôi không đoán được nó đang tính gì trong bụng, tôi cần phải đề phòng nó.
"Cầm đi mà, tao sẽ nói với mẹ tao là tao lấy. Mà cho dù tao có nói là mày lấy mẹ tao cũng chẳng tin. Mẹ tao tin mày hơn tao nhiều, cứ như mày chứ không phải tao là con mẹ tao í. Nghĩ thử mà xem, lạ không cơ chứ?".
Vi Vi ngồi xuống bên cạnh tôi. Tôi cầm lấy quả lê, chẳng khách sáo cắn một miếng to tướng, cứ như tôi với quả lê này có mối thù sâu như biển, thề không đội trời chung. Vi Vi tò mò nhìn tôi, nó hỏi: "Sao mày không đi học?"
"Không muốn đi". Tôi đáp cộc lốc.
"Không muốn thì không đi? Mày giỏi thật đấy," Vi Vi trầm trồ "Thế bố mẹ mày không nói tiếng nào à?".
"Nói cũng chẳng có tác dụng, tao không sợ".
Vi Vi rơi vào suy nghĩ riêng. Tôi thật không sợ bố mẹ sao? Tôi luôn sợ họ, trước năm mười sáu tuổi tôi luôn cho rằng họ là người đáng để tôi tôn trọng nhất, vì tôn trọng mà kính sợ. Nhưng khi tôi bắt đầu tính toán cho tương lai của mình, thì họ lại can thiệp thái quá, bộ mặt thực tế của họ làm tôi chán ghét. Họ cố gắng làm tôi hiểu thế giới này rất tàn khốc, sự cạnh tranh giữa người và người rất khốc liệt. Cá lớn nuốt cá bé, kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu, đây là quy luật sinh tồn rõ như ban ngày. Nhưng tôi luôn hoài nghi ngoài những nhu cầu thường ngày như ăn, ngủ, ỉa đái ra chúng ta cần có những theo đuổi tinh thần cao đẹp hơn, trí tuệ của nhân loại không nên chỉ tập trung ở mỗi sáng tạo vật chất, một xã hội văn minh cũng nên tạo cho con người những không gian cũng như cơ hội để mơ ước, cho dù người đó không hề hiểu cách sinh tồn. Chính vì thế tôi không còn kính sợ bố mẹ tôi như trước kia nữa, và khi hình tượng bố mẹ trong lòng con cái rơi từ thánh địa xuống trần gian vỡ vụn, tôi tất nhiên có thể nói tôi không còn sợ họ nữa.
Không biết Vi Vi đang nghĩ gì. Tôi ăn hết sạch quả lê, vứt hột vào túi nilon bọc lại. Lúc này Vi Vi mới chợt thở dài. Tôi muốn hỏi sao nó thở dài, nhưng tất nhiên tôi không hỏi, tôi với nó còn chán mới đạt đến độ cái gì cũng tâm sự, thậm chí tôi với nó bây giờ còn vẫn chưa được coi là bạn.
Vi Vi đứng dậy, thò tay rút quyển sách giắt trong thắt lưng quần ra, vứt lên giường quân dụng, nó nói: "Quyển sách này chắc chắn của mày. Nhà tao không có thứ huyễn hoặc vớ vẩn thế này, ngoài mày ra làm gì còn ai nữa?"
HẾT CHƯƠNG 1: NHỮNG VẦN THƠ MỤC NÁT
>> CHƯƠNG 2: ĐỪNG COI TÔI LÀ ĐỨA TRẺ CHÙI ĐÍT KHÔNG SẠCH
____________
Tiểu thuyết: Đom Đóm Nhỏ
Tác giả: Thiên Tử
Người dịch: Hà Nam
Biên tập: Roéus
Được xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào năm 2010, nhà xuất bản Dân Trí.
Thể loại: Tiểu thuyết nước ngoài, Tuổi trẻ, Cuộc sống...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro