(P1) Chương 1 - #1
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẦN THƠ MỤC NÁT
#1
Tôi thường nghĩ, cuộc sống của tôi chỉ bắt đầu từ khi biết Vi Vi. Trước đó tôi chỉ là một đứa trẻ ranh hợm hĩnh. Năm nay tôi 23. Mùa hè năm 16 tuổi, tôi nhớ, đó là ngày sinh nhật bố, 18 tháng 6, đúng ngày hôm đó tôi bỏ nhà ra đi. Tôi vẫn còn nhớ như in lúc đi tôi mặc cái áo in hình Guevara, đeo cái ba lô rằn ri to bự. Tôi nói với bố: "Bố không phải bảo con cút à? Cút con không biết! Nhưng con biết đi. Con thề sẽ đi thật xa, bố sẽ không phải nhìn thấy mặt con nữa". Lúc đó tôi chỉ dỗi mà nói thế, bố cũng tuyệt đối không thể nghĩ rằng tôi sẽ làm thật. Đến ngay cả bản thân tôi cũng không dám chắc liệu mình có nói được làm được hay không nữa. Nếu như không phải hôm đó bố khua tay đuổi tôi như đuổi ruồi, có lẽ mọi việc sẽ diễn ra giống như hai lần trước, đến nhà bạn chơi vài ba hôm rồi mò về. Nhưng cái nhìn ghét bỏ cộng thêm cái khua tay của bố làm tôi vô cùng tủi thân, lúc bước ra khỏi nhà, tôi đã hạ quyết tâm làm đến cùng. Tôi nói với chính mình: "Lần này là thật, tôi sẽ không về. Tôi sẽ không bao giờ về nữa!"
16 tuổi tôi bắt đầu lưu lạc giang hồ, tôi mặc cái áo in của tôi, đeo cái ba lô rằn ri của tôi, bước lên con đường không lối về. Tôi đi men theo đường ray, từ trưa đến tối. Trước năm 16 tuổi, rất nhiều buổi hoàng hôn tôi cũng đi dọc đường ray này, lục lọi ký ức thời thơ ấu, tôi mới phát hiện chỉ có đường ray này làm tôi nhớ mãi. Tôi không biết đường ray này từ đâu đến và đi về đâu, nhưng nó thắp lên ước mơ của tôi, nó cho tôi biết còn có một phương xa. Tôi nghĩ cuộc phiêu lưu của bất kỳ ai cũng đều có liên quan đến sự vẫy gọi của một phương xa. Hướng đi của tôi chính là phương xa.
Tôi men theo đường ray đi hết ba ngày. Ngày thứ ba, tôi đến một thành phố nhỏ, lúc đó tôi vừa mệt vừa đói, những miếng bánh quy và bánh mỳ mang đi từ nhà đã ăn hết, tôi quyết định rời khỏi đường ray. Tất nhiên những điều này chỉ là cái cớ để tôi phản bội dự định ban đầu của mình, lý do chính là nỗi cô đơn. Số người trong ba ngày tôi gặp không quá mười đầu ngón tay. Tôi bỗng phát hiện cuộc hành trình đơn độc quả tình làm người ta mệt mỏi, tôi không cần người đồng hành nhưng tôi cần nhìn thấy còn có những người khác tồn tại bên cạnh tôi. Những người này có thể tôi không hề quen biết, tôi chỉ cần nhìn thấy họ, để cảm nhận một chút khói nhân gian. Ba ngày dài dằng dặc làm tôi thấy như mình đang đi xuyên một hầm ngầm, đường ray trước mắt làm tôi liên tưởng đến vực thời gian sâu hun hút không đáy, sợ hãi từ đó mà đến. Nỗi sợ hãi thôi thúc tôi rời khỏi đường ray.
Nhưng không phải vì thế mà tôi dừng lại. Từng bước từng bước, tôi lê la qua hết thành phố lạ này đến thành phố lạ khác, 300 đồng duy nhất tôi có trong túi ngày càng hết dần, cuối cùng cũng đến ngày túi cạn sạch. Hôm đó, tôi đến Yên Thuỷ. Tôi cứ tưởng mình đã đi rất xa rồi, về sau xem lại bản đồ tôi mới biết mình mới chỉ đi cách nhà một ngày ngồi xe mà thôi.
Đến Yên Thuỷ lúc hoàng hôn, tôi đứng trước một hàng hoa quả, ngấu nghiến gặm một miếng vỏ dưa hấu như chết đói lâu ngày, đó là vỏ còn lại của một quả dưa vàng nhỏ tôi dùng 5 hào cuối cùng đổi lại. Vỏ dưa sắp bị tôi gặm thành tờ giấy pơ-luya mỏng dính, cái dạ dày bị đói hành hạ không cho phép tôi tha cho tờ giấy mỏng đó. Chủ hàng là một người đàn bà thấp nhỏ, vàng vọt. Cách ăn của tôi làm bà ngạc nhiên, bà hỏi: "Tỉnh ngoài đến?", tôi chẳng thèm để ý, bà lại nói: "Xem mày kìa, chắc là mấy bữa chưa ăn gì hả? Này, cầm lấy". Người đàn bà vứt cho tôi một quả dưa hấu khác. Cả đời tôi chưa bao giờ có dự định làm ăn mày, nhưng ngày hôm đó, tôi đã bị người khác coi như một đứa ăn mày khốn khổ, đúng là tạo hoá trêu ngươi. Số mệnh thường là thứ mà con người ta không thể nắm bắt. Sự ngạo mạn và lòng tự trọng của tuổi mười sáu cũng không thể giúp tôi chống đỡ lại sự quyến rũ của một quả dưa héo nhăn nheo. Ngay cả một chút e dè ngượng ngập giả vờ cũng không có, trong chớp mắt tôi đập nó thành mấy mảnh, lại môt lần nữa ăn ngấu ăn nghiến. Người đàn bà cứ liên tục hỏi tôi người ở đâu, đến Yên Thuỷ làm gì, (lúc này tôi mới được biết chỗ này đây có tên Yên Thuỷ), có bạn bè thân hữu ở Yên Thuỷ không? Tất cả sự chú ý của tôi đều tập trung vào quả dưa héo, cái dạ dày teo tóp đang làm phản thay thế bộ não khốn khổ của tôi để suy nghĩ mọi việc. Người đàn bà không thấy tôi nói gì, đứng lắc đầu, cũng không nói thêm gì nữa.
Giải quyết quả dưa xong, tôi cầm gấu áo lấm lem bẩn thỉu lau hết nước dưa hấu dây đầy quanh miệng và hai tay. Xin lỗi nhé, thần tượng Guevara của tôi. Ngẩng đầu lên, tôi bấy giờ mới có tâm trí thưởng ngoạn khoảng trời chiều giăng đầy sắc hoàng hôn. Những đám mây lửa với khí thế hừng hực, cả bầu trời phủ đầy một màu tím đẹp lạ kỳ. Đó là thứ ánh tím mà tôi tai chưa từng nghe, mắt chưa từng thấy, màu tím làm người ta xốn xang, rung động. Tôi nhớ mãi màu tím đó. Mỗi lần nghĩ đến Yên Thuỷ là mỗi lần tôi nhớ đến bầu trời ngập sắc tím, Yên Thuỷ và tà tím dường như là một thể, hoà tan vào một, không thể tách rời.
Tối hôm đó tôi ngủ dưới gầm cầu sông Yên Thuỷ. Trên đê, đèn đường phát xa thứ ánh sáng như đang giẫy chết. Tôi lôi từ trong ba lô rằn ri ra một tập thơ rách nát, dưới ánh sáng lờ mờ đó cố gắng đọc từng chữ, từng chữ một. Quyển sách đó là "Từ điển thưởng thức các bài thơ chọn lọc" của trường phải thơ trừu tượng xuất bản năm 1988, cái lạ là nó được lục ra từ tủ sách của bố. Trang đầu có chữ ký của bố: "1-1-1989 mua tại hiệu sách Tân Hoa, đường Thuý Bá, thành phố N". Tôi nhớ năm 1989 tôi vừa tròn tám tuổi, bố đang đóng quân ở thành phố N. Bố lúc đó và bây giờ hoàn toàn khác nhau, lúc đó không những bố đọc thơ, mà còn dùng bút bi xanh đỏ đánh dấu và ghi chú dưới rất nhiều các đoạn thơ, thậm chí bố còn viết một câu như thế này: "Không mơ ước khổ, ước mơ cũng khổ, thật khổ vì mơ ước, còn hơn không biết ước mơ". Tôi không dám tin rằng câu ấy lại là câu của bố viết. Tại sao chỉ sau tám năm ngắn ngủi bố đã không còn tiếp tục những giấc mơ, thậm chí ngăn cấm cả con của bố quyền mơ ước? Đây là một vấn đề đáng được đào sâu suy nghĩ, chỉ tiếc tôi không đoán ra được.
Mâu thuẫn giữa tôi và bố bắt đầu từ việc ông ngứa mắt khi thấy tôi mơ mộng, phản đối tôi mơ mộng, và còn thường xuyên sử dụng bạo lực tước đoạt quyền được mơ ước của tôi. Tôi mơ mình sẽ trở thành một nhà thơ lớn, tôi đã viết rất nhiều vần thơ tràn ngập xúc cảm dành cho cây Huyền Linh Mộc và con sông bị xưởng sản xuất giấy bên cạnh phá hoại bốc mùi hôi nồng ngay trước cổng nhà tôi, nhưng bố chỉ cười khẩy trước sự theo đuổi của thằng con, đặc biệt là khi tôi vì mê đắm làm thơ dẫn đến thành tích của các môn tụt dốc không phanh, bố đã thể hiện rõ lập trường cứng rắn quyết tâm phản đối đến cùng, không thể lay chuyển. 18 tháng 6, trong tiệc sinh nhật bố, ý thơ bất chợt hiện, tôi liền lôi giấy bút, năm bò lên bàn, chuyên tâm chắt lọc những vần thơ thảo. Bố xé nát nhiệt huyết thơ của tôi. Trước tất cả bạn bè của bố, Trước tất cả bạn bè của bố, tôi nói bố độc quyền phát xít. Bố giận sôi, tát thẳng vào mặt tôi, sức nặng của cú tát xém chút làm tôi ngã xuống sàn. Bố chỉ thẳng ra cửa gào vào mặt tôi: "Cút! Mày cút! Cút ngay! Cút càng xa càng tốt!". Trong câu nói bố dùng liên tiếp bốn câu cầu khiến rõ ràng rành mạch, thể hiện sự thay đổi tình cảm từ thấp đến cao, nghe như một câu thơ hiện đại. Do đó không còn nghi ngờ gì nữa, câu viết về mơ ước với ước mơ kia chính là kiệt tác được ấp ủ lâu ngày của bố.
Tôi lật tập thơ ra đọc rất nhiều, nhưng có trời biết, tôi thật ra không đọc được chữ nào vào đầu cả. Suốt quãng hành trình, quyển sách này tối nào tôi cũng lôi ra đọc, nó nghiễm nhiên trở thành chỗ dựa tinh thần của tôi. Thế mà tại sao tôi lại không thể đọc được chữ nào chứ? Bây giờ đây cầm nó trên tay chỉ đơn thuần là do thói quen không thể cưỡng lại. Tôi rách như xơ mướp, tôi không xu dính túi, tôi chẳng còn gì cả. Tôi nhớ lại chiều nay mình đã nhận sự bố thí của người khác giống như một kẻ ăn mày. Đến tận bây giờ lòng tự trọng của tôi mới chợt tỉnh, nỗi buồn chợt dâng. Ngày mai sẽ sao đây? Lẽ nào đi ăn mày thật sao? Một nhà thơ sao có thể làm chuyện mất mày mất mặt như thế được? Ước mơ vốn dự định sẽ thực hiện bằng mọi giá trong phút này đây đang lung lay muốn đổ. Tôi căm thù cái cơ thể phàm tục của mình không thể giải thoát khỏi sự lệ thuộc vào nhu cầu vật chất. Tôi không xứng đáng làm một nhà thơ.
Dưới gầm cầu muỗi tập trung thành đoàn, vù vù lượn quanh, giống như những chiếc máy bay ném bom, lượn lờ quấy nhiễu làm tôi ngay cả muốn làm dáng đọc sách cũng không yên. Tôi cầm tập thơ của mình đập muỗi chan chát. Trăng Yên Thuỷ lên cao, vừa to vừa tròn, ánh trăng lung linh rọi trên mặt sông. Lúc này đáng lẽ phải nâng cốc mời trăng thì tôi lại ngồi đập muỗi. Tôi căm ghét đập muỗi. Tối hôm đó tôi hầu như thức trắng để chiến đấu một mất một còn với lũ muỗi xảo quyệt. Sự phẫn nộ cộng với tủi thân tràn ngập làm tôi suy sụp. Tôi cũng không biết mình đang bị làm sao nữa.
Tôi mang theo cái bụng sôi ùng ục lang thang khắp các đường phố Yên Thuỷ. Từ xa tôi nhìn thấy một quán bán mì. Tiến đến cách đó chừng bảy tám mét, tôi ra sức hít lấy hít để, không cho bất kỳ một làn hương nào từ những bát mì nước vàng ngậy kia chạy thoát. Mùi thơm quyến rũ tạm thời làm giảm bớt sự co bóp của cái dạ dày khốn khổ của tôi, nhưng rất nhanh tôi phát hiện mình đã phạm một sai lầm ngu ngốc. Hương thơm ngào ngạt càng làm tăng thêm sự khát khao của tôi với bát mì bốc khói kìa. Tất cả các cơ quan trong cơ thể đều như biến mất nhường chỗ cho cái dạ dày còi cọc, trống rỗng. Cái dạ dày ấy đang chết dần trong tiếng kêu ai oán. Tôi ép mình thu lại cái nhìn thèm thuồng, mệt mỏi nghiêng người lê bước qua quán mì.
Theo kế hoạch ban đầu thì đáng lẽ ra tôi phải tiếp tục vung roi tiến bước. Tận cùng phía đông kia chính là biển. Phương xa đầu tiên tôi muốn tới cũng chính là biển. Bài thơ của Hải Tử mà ai cũng thuộc làu có câu viết như thế này: "Mặt quay về biển, hoa cười đón xuân". Chính vì thế tôi xem biển là một điểm đến lý tưởng. Nhưng tôi đã không còn sức để phân biệt đông tây nam bắc nữa. Tôi mặt quay về phía phố, bụng đói cồn cào. Tư tưởng của tôi đã bỏ rơi tôi từ lâu. Nó luôn là kẻ phản bội nhanh nhất của cơ thể. Cơ thể có thể là chỗ dựa vững chắc cho những tư tưởng vĩ đại, nhưng tư tưởng thì chưa chắc có thể chống đỡ cho một cơ thể đói khát.
Tôi lê bước đi khỏi con phố đó. Bước chân nặng nề như đeo hàng tấn sắt. Cuối cùng tôi không thể lê nổi nữa, ngồi bệt xuống vệ đường, gục đầu xuống gối, than thân trách phận. Tôi nghe thấy rất nhiều tiếng ồn ào xung quanh mình. Một con chó thân ghẻ trốc chạy đến bên cạnh, cúi xuống hít hít cái giày thể thao rách của tôi. Một đứa trẻ con đang gào khóc. Tiếng một người phụ nữ đang nói: "Ơ, mày....". Tôi chỉ quan tâm đến cái dạ dày của tôi. Con chó ghẻ đang liếm gót chân tôi. Bây giờ tôi mới nhận ra đôi giày thể thao của mình đã rách thê thảm, gót chân tội nghiệp của tôi vì thế mà đang trần mình dưới cái nắng chói chang của mùa hè. Tôi đạp cho con chó một phát. Nó giật mình chạy mất. Chạy được một đoạn, láo liên quay đầu lại sửa vài tiếng ra oai.
"Ê! Gọi mày đấy!"
Tôi nghe thấy có người đi về phía tôi, nhưng ngay lập tức tôi cũng hiểu sẽ chẳng có ai thèm nhìn tôi một nửa mắt. Ở Yên Thuỷ này tôi không hề có người thân, tôi chỉ có cái ba lô của tôi, tập thơ của tôi, Guevara của tôi và đôi giày rách của tôi. Tôi không còn sức để hiếu kỳ với những với những người xung quanh nữa, cũng không còn sức để hoang tưởng đến một điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Tôi chỉ có thể nghĩ mình chẳng lẽ sẽ chết đói ven đường thế này sao? Giữa năm 1997 ở Trung Quốc vẫn có người chết đói vệ đường liệu có thể thành tin xã hội nóng không nhỉ? Không biết chừng cái chết của tôi sẽ trở thành cái cớ đầy thuyết phục để các nước phương Tây lật đổ Trung Quốc! Nếu dùng bạo lực lật đổ, không chừng cái chết của tôi sẽ trở thành ngòi nổ của chiến tranh Thế giới thứ ba.
"Này! Gọi mày nửa ngày rồi đấy! Mày điếc à?".
____________
Tiểu thuyết: Đom Đóm Nhỏ
Tác giả: Thiên Tử
Người dịch: Hà Nam
Biên tập: Roéus
Được xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào năm 2010, nhà xuất bản Dân Trí.
Thể loại: Tiểu thuyết nước ngoài, Tuổi trẻ, Cuộc sống...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro