Đời Thay Đổi Khi Chúng Ta Thay Đổi - Tập 4 - Hà Xuân Linh
Đúc kết
Hãy nghĩ bạn có hạnh phúc và sức khỏe. Cứ tưởng tượng là bạn khỏe mạnh. Phải khẳng định rằng bạn xứng đáng được khỏe mạnh và hãy đối xử dịu dàng với bản thân. Hãy chấp nhận và yêu thương bản thân bạn ngay bây giờ và cho rằng bạn đã sống theo cách tốt nhất mà bạn biết. Sự đau đớn
Chúng ta đang bàn về sức khỏe, hãy thử nói đến sự đau đớn một chút.
Giả sử bạn gặp John Brown khi anh ta vừa bước ra từ phòng nha sĩ sau một giờ và nói "Đau một chút cũng thích chứ nhỉ?" John có thể cho là bạn hơi bị điên. Khi vừa mới bị bỏng ngón tay trên bếp thì bạn khó mà nghĩ đau đớn có gì hay ho.
Giả sử bạn không bao giờ cảm thấy đau. Bạn vô tình tì cánh tay trên một tấm thép nóng trong hai mươi phút và rồi thấy cánh tay mình sao bây giờ chỉ còn là một que than cháy đen. Nếu bạn không hề thấy đau, có thể bạn đi từ xưởng về nhà và cuối xuống để mang dép vào, bạn tự nhủ " Trời đất! Nửa bàn chân của tôi đâu rồi. Chắc nó bị đứt ở đâu đó. Có phải tôi bị kẹp trong cửa thang máy hay anh chàng hàng xóm Doberman đã xử nó rồi?" Chắc từ chiều đến giờ trông tôi kỳ dị lắm".
Đau đớn về thể xác có giá trị của nó. Nó là sự phản hồi liên tục bảo cho chúng ta biết nên làm gì và không làm gì. Thật là không có gì làm bối rối người bạn yêu trong một bữa cơm tối thắp nến lãng mạn cho bằng nói với anh ta là bạn không thể dùng món tráng miệng được vì bạn đã cắn đứt cái lưỡi của mình rồi. (Dĩ nhiên bạn chỉ có thể giải thích được bằng cách ra hiệu)
Khi chúng ta ăn quá nhiều, không ngủ đủ hay bộ phận nào đó trong cơ thể bỉ trục trặc và cần được nghỉ ngơi thì hệ thống báo tự động tuyệt diệu của chúng ta sẽ cho ta biết.
Đau khổ tình cảm cũng theo quy luật tương tự. Nếu chúng ta bị tổn thương về xúc cảm, nó sẽ là thông điệp cho ta biết là đã đến lúc ta phải nhìn vấn đề khác đi. Nếu chúng ta cảm thấy bị tổn thương, bị ai đó làm cho thất vọng thì thông điệp sẽ là "Hãy yêu thương những người xuất hiện trong đời bạn một cách vô điều kiện. Hãy chấp nhận họ đúng như bản chất của họ và những gì họ ban tặng cho bạn mà không hề xét đoán". Hoặc là đừng để hành động của người khác phá hoại lòng tự trọng của chính bạn"
Nếu nhà bạn bị cháy hay xe bạn bị lấy cắp, bạn sẽ bực bội. Điều này rất bình thường ở con người. Nếu bạn cho rằng mình học được điều gì đó thì bạn sẽ sớm nhận ra rằng bạn vẫn có thể sống hạnh phúc không cần những cái này. Cảm xúc sẽ giúp bạn đánh giá lại những ưu tiên mà bạn dặt ra. Tôi không nói là chúng ta không cần nhà hay xe mà là phải biết cách học hỏi từ những kinh nghiệm như thế và điều chỉnh những giá trị của mình sao cho những trục trặc của cuộc sống gây ra ít đau khổ nhất cho bạn.
Đúc kết
Sự đau đớn làm cho bạn thay đổi. Nó thôi thúc chúng ta nhìn sự việc khác đi. Khi bị đau đớn về thể chất cũng như xúc cảm, nếu chúng ta tiếp tục làm điều ngu ngốc, chúng ta sẽ đau tiếp. Chùng ta có thể nói "Không nên đau. Tôi không muốn đau", nhưng nó vẫn cứ đau. Một số người cứ chịu đau hoài như vậy 24 tiếng một ngày, 365 ngày một năm. Họ không bao giờ nhận ra là đã đến lúc phải lấy tay ra khỏi bếp lò.
Chúng ta trở thành một phần của đời thường
Chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Bạn có từng biết người nào đi ra nước ngoài và trở về với một giọng nói khác? Hay những cậu bé năm tuổi chập chững đến trường ngây thơ, vô tư và chẳng bao lâu sau, do chơi với những người xấu, các cậu bé đã nhanh chóng học các tiếng chửi thề còn nhiều hơn cả một người trưởng thành bình thường.
Chúng ta trở thành một phần của môi trường bên ngoài. Không ai trong chúng ta được miễn nhiễm đối với ảnh hưởng của thế giới xung quanh - bạn bè, gia đình và đồng nghiệp, TV, báo chí, truyền thanh, sách và tạp chí mà chúng ta đọc. Chúng ta đừng cô lập mình với những vật và người trong cuộc sống. Suy nghĩ và tình cảm, mục tiêu và hành động của chúng ta sẽ được hình thành liên tục bởi những người và vật mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày.
Fred bắt đầu công việc mới ở một nhà máy. Fred nghỉ giải lao 10 phút, những người khác nghỉ 20 phút. Fred nói: "Các anh làm sao vậy?"
Sau hai tuần cậu ta cũng nghỉ 20 phút.
Đến nửa tháng sau thì Fred nghỉ 30 phút. Fred lúc này nói rằng "Nếu không cãi lại họ được thì hãy đồng ý với họ. Tại sao tôi lại phải làm việc chăm chỉ hơn những anh chàng kia?"
Sau 10 năm, Fred là người nghỉ giải lao lâu nhất trong nhà máy. Anh ta đã chấp thuận theo thái độ của những công nhân khác.
Điều lạ lùng là con người thường không nhận biết được những thay đổi đang diễn ra trong tâm lý mình. Cũng giống như là khi quay về với bụi khói thành phố sau vài tuần hưởng không khí trong lành, chỉ lúc đó ta mới nhận ra là trước đây ta đã quen với những cái mùi bẩn thỉu.
Sống chung với những người hay phê bình ta sẽ bắt đầu phê bình. Sống với người hạnh phúc ta biết hạnh phúc là gì. Sống với người cẩu thả ta thành cẩu thả, với người nhiệt tình ta thành nhiệt tình, với người hay phiêu lưu làm ta thích phiêu lưu, với người thịnh vượng làm ta thịnh vượng.
Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải quyết định chúng ta muốn gì và chọn đối tượng giao du cho thích hợp. Có thể bạn sẽ nói: "Như thế đòi hỏi phải nỗ lực nhiều. Có thể không dễ chịu gì. Tôi có thể phải làm buồn lòng vài người". Đúng vậy! Nhưng đó là cuộc sống của bạn.
Fred có thể nói: "Tôi lúc nào cũng nhẵn túi, chán nản và công việc thì nhàm chán, tôi thường bệnh hoạn và chẳng có định hướng gì, chẳng được làm điều gì thú vị". Vậy thì chúng ta biết là bạn thân của Fred cũng cháy túi hoài, cũng nản chí, công việc buồn tẻ, sức khỏe yếu ớt, dậm chân tại chỗ và luôn ao ước một cuộc sống sôi động hơn. Không phải là sự trùng hợp. Chúng ta không ai muốn phán xét Fred nhưng nếu anh ta muốn cải thiện chất lượng đời sống thì điều đầu tiên cần làm là nhận ra những gì đang diễn ra trong cuộc sống anh ta trong thời gian gần đây.
Không có gì đáng ngạc nhiên nếu một bác sĩ lại mắc nhiều bệnh, vì ông ta suốt ngày tiếp xúc với những người bệnh. Các nhà tâm thần học có tỷ lệ tự tử cao vì những lý do tương tự. Theo truyền thống, 9 trong 10 đứa trẻ có cha mẹ hút thuốc cũng sẽ hút thuốc. Người nghèo có bạn nghèo. Người giàu có bạn giàu. Người thành công có bạn thành công. Vân vân và vân.
Đúc kết
Nếu bạn nghiêm túc về chuyện thay đổi cuộc sống, hãy nghiêm túc thay đổi những gì xung quanh bạn
Sự thịnh vượng
"Điều tốt nhất bạn làm cho một người nghèo là không trở nên nghèo như họ".
Kinh nghiệm của tôi cho biết là nhiều người tin rằng khi đụng đến tiền bạc và sự thịnh vượng, tất cả những suy nghĩ tích cực và thái độ thích hợp, sự chịu thương chịu khó sẽ không bao giờ thay đổi được khả năng thanh toán hóa đơn vào cuối tháng.
Thực tế là những ý nghĩ do ý thức hay tiềm thức đều tạo ra những kết quả trong cuộc sống của bạn. KỂ CẢ quyết định số tiền bạn có trong ngân hàng. Sự thịnh vượng hay nghèo khổ tùy thuộc vào suy nghĩ của bạn. Chính trí óc và hệ thống niềm tin định vị cho bạn., nó làm cho bạn giàu hay nghèo tuỳ theo cách bạn huấn luyện nó. Bạn nghĩ gì thì có cái đó. Suy nghĩ nghèo thì nghèo, suy nghĩ giàu thì giàu.
Hãy lấy Fred làm thí dụ. Anh ta luôn tin là sẽ phải cố gắng lắm mới thanh toán được những hóa đơn của mình. Anh ta sẽ chỉ làm những công việc được trả lương trung bình vì anh ta đã hoạch định cho mình như thế. Anh ta chỉ chơi với những người tàm tạm như mình vì như thế anh ta thấy dễ chịu hơn. Những người này đồng ý với ý kiến của anh ta rằng cuộc sống thật khó khăn. Trong môi trường như thế, anh ta sẽ không có xu hướng mở rộng những ý tưởng của mình ra xa hơn để vươn tới những cái khác mà mình có thể đạt được.
Có thể là Fred xuất thân từ một gia đình có thái độ như thế đối với tiền bạc va hay bị thiếu tiền. Điều này đã góp phần hình thành niềm tin đó của Fred.
Vì chúng ta sẽ có được đa số điều mình chờ đợi, và Fred nghĩ là anh ta sẽ thiếu tiền nên anh ta sẽ được cái anh ta nghĩ. Anh ta đã có một "chương trình" trong não nói rằng "Anh sẽ không bao giờ có tiền, Fred" và cứ mỗi khi thấy dư tiền là anh ta tiêu sạch. Có thể trong tiềm thức anh ta nghĩ: "Có tiền dư thế này thật lạ! Mình nên mua cái gì đi và trở lại "vô sản" như trước!"
Thông qua cuộc độc thoại này, anh ta sẽ khẳng định rằng những vấn đề tiền nong là một phần cấp thiết của cuộc sống. Anh ta có thể tự nhủ: "Mình không có tiền vì mình không được học hành tử tế". Nếu học giỏi là giàu thì chắc mấy ông giáo sư đại học là triệu phú hết. Tôi biết một số người học cao mà rất nghèo trong khi một số người ít học lại rất giàu.
Có thể Fred lý sự "Tôi không kiếm được công việc tốt để có nhiều tiền". Nhiều người khác phải làm nghề phụ để có thể khởi sự. Những người khác thì đổi việc.
Có thể thời gian là câu trả lời. Fred có thể lý sự rằng anh ta không có đủ thời gian để làm giàu. Chúng ta đều có thời gian bằng nhau - 24 tiếng một ngày - không ai có nhiều hay ít hơn.
Fred có thể nói là anh ta còn quá trẻ hay đã quá già, hay anh ta còn phải lo cho vợ, vợ anh ta không giúp anh ta được gì hay con anh ta đông quá. Thế nhưng nếu anh ta nhìn kỹ thì những người đang giàu có khác vẫn phải đối mặt với tất cả những vấn đề này.
Ngoài ra, anh bạn của chúng ta có thể cãi rằng anh ta thích giàu có nhưng không muốn tự mình phải làm việc chết xác. Lại một lần nữa, chúng ta thường thấy nhiều người làm việc chăm chỉ mà vẫn nghèo còn một số chỉ làm vài giờ một ngày mà trở nên giàu có. Cần cù là một yếu tố cần thiết nhưng nó không đảm bảo sự thịnh vượng! Nếu bạn chúi mũi nhổ lông gà trong một nhà máy đến 10 giờ một ngày thì chuyện nhổ nhiều lông gà hơn vẫn không làm cho bạn khá hơn. Đến lúc nào đó, cái bạn cần làm là thay đổi chíên lược!
Tôi không phán xét gì ở đây. Tiền không tốt cũng không xấu. Tiền là tiền. Fred hay ai đó có thể hạnh phúc, có thể không. Vấn đề muốn nói là hoàn cảnh của Fred là do chính anh ta gây ra. Nếu anh ta thay đổi, anh ta sẽ đạt được mục tiêu.
Chúng ta sẽ nhanh chóng tìm hiểu một vài việc mà nếu Fred làm, anh ta có thể sẽ trở nên giàu có.
Những cản trở đối với tiền bạc
Hãy xem bằng cách nào và tại sao người ta lại ngăn cho mình trờ nên giàu có.
Nhiều người không thoải mái khi giữ tiền vì nhiều lý do khác nhau nên họ cứ nghèo hoài. Nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng đó là sự thật. Hãy tưởng tượng là bạn ở trong những tình huống sau để xem bạn quan hệ và hành xử như thế nào với tiền bạc:
* Tình huống A
Bạn vừa mới đến ngân hàng để rút 5000 đô tiền mặt để mua một chiếc xe cũ. Trên đường về nhà bạn gặp một người bạn và dừng lại uồng cà phê với anh ta. Khi bạn trả tiền, anh ta để ý là bóp của bạn có rất nhiều tiền.
Bạn có bối rối và lập tức giải thích là tại sao bạn mang nhiều tiền như vậy hay bạn cảm thấy hoàn toàn thoải mái và không giải thích gì cả?
(Để có thể làm ra tiền hay tiết kiệm nó, bạn phải cảm thấy thoải mái khi giữ nó. Nếu bạn không như vậy, thì tiềm thức hay ý thức sẽ dẫn dắt bạn đến chỗ bạn không sở hữu được gì cả.)
* Tình huống B
Bạn gặp một người trong một bữa tiệc nói ra một cách thật tình, không hề có ý khoe khoang là anh ta kiếm tiền rất dễ. Bạn nghĩ gì về anh ta và câu nói đó?
(Muốn giàu có, bạn phải thấy việc người ta giàu có là điều tốt. Nếu bạn có cái tư tưởng ấu trĩ rằng những người giàu có là những người không tốt, vậy thì bạn sẽ suốt đời nghèo khổ vì rõ ràng bạn đâu có muốn ai ghét mình, có đúng không?)
* Tình huống C
Bạn đi mua sắm với một người bạn và nhớ ra là đã để quên tiền ở nhà. Bạn của bạn có đủ tiền mặt để cho bạn mượn mua đồ. Khi hỏi mượn 50 đô la bạn thấy thế nào? Bạn có thích chạy về nhà lấy tiền hơn không?
(Điều quan trọng để bạn có thể trở thành người sung túc là phải cảm thấy mình xứng đáng được người khác giúp đỡ. Điều quan trọng là thấy mình đáng được giúp và khả năng đón nhận sự giúp đỡ của người khác sẽ quyết định sự thịnh vượng của bạn)
* Tình huống D
Bạn thì tay vào túi và phát hiện ra là mình vừa mất 120 đô la. Bạn có tự nhủ: "ưm có thể ai đó cần nó hơn mình cần" hay bạn ghét mình vì đã làm mất số tiên đó?
(Nếu chúng ta bị lệ thuộc tiền bạc, sẽ khó làm ra và giữ được nó)
* Tình huống E
Hãy tưởng tượng số tiền bạn làm ra trong một tháng bằng với số tiền cha bạn làm trong một năm. Bạn cảm thấy gì? Bạn có thấy "có lỗi" vì kiếm được nhiều tiền hơn không? Bạn cảm thấy gì khi nhận thấy là ba bạn biết bạn đang kiếm được nhiều như vậy?
(Nếu bạn không quen với thành công thì chính cái này sẽ cản trở bạn thành công)
* Tình huống F
Nhiều người liên hệ sự nghèo khổ với vấn đề tinh thần. Họ cho rằng nghèo tức là có đạo đức.
Bạn nghĩ Chúa sẽ cảm thấy gì khi biết rằng bạn làm ra nửa triệu đô mỗi năm? Bạn có nghĩ là Ngài sẽ nói "Thật là một con lợn tham lam" hay "Chúc mừng con! Chắc hẳn con đang làm điều tốt".
Sự giàu có và sự không ham muốn cho thấy chúng ta là những cá nhân bình đẳng. Người ta khuyến khích mình chia sẻ với người nghèo chứ không phải trở nên nghèo khó như họ.
Tôi phải làm gì?[/i]
Sau đây là danh sách những việc bạn có thể làm để cải thiện tình hình tài chánh của mình:
1. Quyết định sẽ trở nên giàu có và cam kết sẽ nỗ lực để đạt được điều đó. Tôi muốn nhấn mạnh rằng nỗ lực là rất quan trọng, nhưng phải có thái độ và hệ thống niềm tin đúng đắn.
2. Hãy để dành trước, tiêu pha phần còn lại. Người nghèo làm ngược lại. Họ tiêu xài trước và tính toán việc dành dụm sau. Sự giàu có phần lớn là nhờ biết lập kế hoạch và làm theo kế hoạch đó.
3. Hãy quan sát những người giàu có. Hãy đi với những người làm ăn giỏi. Tìm xem họ khác bạn chỗ nào. Thấy được những điểm tốt, tích cực và hấp dẫn của họ. Phải thật khách quan. Hãy nghiên cứu những phẩm chất và đặc điểm làm cho họ thành công. Hãy quan sát họ thật cẩn thận. Xem xét thái độ của họ và để cho cái này tẩy rửa suy nghĩ của bạn.
4. Nhờ người khác giúp đỡ. Bạn có thể ngạc nhiên là sao nhiều người lại sẵn lòng giúp bạn đến như vậy. Biết cách nhờ người khác giúp đỡ sẽ giúp chúng ta có khả năng đón nhận.
5. Luôn khẳng định với chính bạn là bạn xứng đáng được trở nên giàu có.
6. Thỉnh thoảng hãy thứ giãn một chút. Để có thể trở nên độc lập về tài chánh thì trước hết bạn phải nhận ra là mình có thể chi xài chút ít. Ngoài ra, bạn tiêu pha tiền bạn có thì sẽ có sáng kiến làm ra nó.
7. Hãy lập kế hoạch và đặt ra mục tiêu.
8. Liên tục mở rộng hệ thống niềm tin và vươn đến những cái khác mà bạn có thể đạt được. Có hàng trăm quyển sách và băng nói về thành công của những người khác. Nếu bạn chỉ bắt được một ý tưởng hay trong đó thì thời gian và tiền bạc bỏ ra cũng là xứng đáng.
9. Luôn mang theo một khoản tiền - có 3 lý do. Trước hết, bạn cảm thấy giàu có hơn. Thứ hai, bạn quen với việc có tiền. Thứ ba, bạn tin tưởng dần là mình biết dùng tiền. Hơn nữa bạn cũng giảm đi cảm giác sợ mất tiền, điều này rất quan trọng.
Một số người nói "Tôi không thể mang tiền theo, tôi sẽ xài hết! Làm sao bạn có tiền khi không hề tin tưởng là mình giữ được tiền?
10. Đừng đổ tội cho ba mẹ, thời tiết, nền kinh tế, chính phủ hay công việc, nền giáo dục hay mẹ chồng vì tình trạng của mình
11. Luôn nhiệt tình và dấn thân với mọi thách thức. Thật buồn cười là tất cả những người giàu có thấy rằng họ không thực sự bắt đầu kiếm tiền cho đến khi họ ngưng làm việc vì tiền
12. Hãy công nhận nghèo khổ là một bệnh tinh thần. Như nhiều căn bệnh khác, có thể chữa được khi bạn tin là có thể. Và với bệnh tật thì phải có nỗ lực, có sáng kiến và lòng dũng cảm để đánh bại nó - nếu bạn đầu hàng là bạn thất bại! Thật thích thú khi hiểu ra rằng tất cả những người giàu có đã đấu tranh chống lại căn bệnh này ở những lúc nào đó trong cuộc đời họ. Bạn cũng vậy!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro