Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

đời thay đổi khi chúng ta thay đổi

***Sức mạnh của lời nói.

"Bạn nói một điều và nó biến thành ba điều"

Bạn nhận được cái bạn nói. Vì tư tưởng chúng ta ảnh hưởng đến hoàn cảnh của chúng ta, vì thế những lời ta nói cũng vậy. Những lời ta nói xây dựng nên thái độ của ta và quyết định cái ta sẽ nhận được và trải qua.

Khi chúng ta nghiêm túc với quyết tâm được hạnh phúc thì chúng ta phải coi chừng cái miệng của mình. Chúng ta quyết định nói tốt về bản thân và tránh hạ thấp mình. Không phải là giả vờ rằng mình hoàn hảo, nhưng dó là một phần việc tránh không than phiền về bản thân, về công việc và bạn vè, gia đình hay bất kỳ ai khác nếu muốn được hạnh phúc.

Một anh chàng từng đến gặp tôi gần đây nói rằng : "Tôi chán buồn khổ lắm rồi. Tôi không muốn mình là gánh nặng cho gia đình nữa. Tôi muốn hạnh phúc ! Tôi phải làm gì nào ?"

Tôi trả lời "Điều đầu tiên cần làm là chỉ mở miệng ra nói cái gì đó tốt đẹp. Bạn sẽ thay đổi và cả bạn và gia đình bạn sẽ thích thú điều này !"

Tôi gặp anh ta một tuần sau đó và anh ta vẫn nói "Tôi muốn hạnh phúc. Tôi không cảm thấy hạnh phúc. Tôi nên làm gì ?" Tôi trả lời, "Tôi đã cho anh lời khuyên tốt nhất tuần trước".

Anh ta nói "Tôi vẫn không hạnh phúc". Tôi đáp "Tôi biết. Vì anh có nghiêm túc đâu. Chừng nào anh thật sự nghiêm túc về chuyện này, anh sẽ hạnh phúc".

Tôi không biết anh chàng có nắm bắt được thông điệp không. Anh ta cần biết là chỉ có mình anh ta điều khiển được cái miệng của mình. Ở một giai đoạn nào đó anh ta cần chịu trách nhiệm về tư tưởng của mình. Anh ta cần nghiêm túc với cái ý nghĩ anh ta có trong đầu.

Điều này rất đơn giản. Khi có ai đó thật sự thấy mình khổ đủ rồi thì họ sẽ thay đổi thái độ của họ. Họ thay đổi cách nói chuyện. Nó phải theo nguyên tắc, đòi hỏi phải nỗ lực nhưng rất đơn giản. Kiểm soát suy nghĩ và lời nói của mình sẽ buộc bạn phải khác với những người khác. Cái gì tuyệt vời cũng khác những cái khác.

Nhiều người có thái độ "Tôi sẽ làm bất kỳ điều gì để hạnh phúc chừng nào tôi không phải thay đổi gì về bản thân tôi". Thật không may, chỉ điều đó thôi đã không phải là một thái độ cam kết sẽ tiến bộ !

Vấn đề sức khoẻ tinh thần luôn tỏ ra phức tạp. Bệnh nhân đến bác sĩ và nhà tâm lý học để hỏi xem tình trạng của họ thế nào. Vậy là họ có cái để vịn vào - "tình trạng của họ". Bây giờ đã có một con quái vật , gần như có đời sống riêng của nó - "căn bệnh" của họ.

Bệnh nhân có thể đã trải qua những cơn đau và khổ sở vô cùng cho đến lúc này. Người này thật đáng để chúng ta thương yêu và thông cảm . Nhưng điều hay ho nhất mà chúng ta nên làm cho anh ta là giúp cho anh ta nhận biết được trách nhiệm của mình. Những khó khăn vẫn cứ tồn tại. Anh chàng này phải làm gì để ngay ngày mai có thể hạnh phúc ?

Những lời nó có khả năng ảnh hưởng đến sức mạnh cá nhân của chúng ta.

Lời nói mà chúng ta phát ra luôn được lọc vào tiềm thức của chúng ta và trở thành một phần của tính cách chúng ta. Nó nói cho người khác biết chính xác chúng ta nghiêm túc như thế nào và quyết tâm đạt được kết quả tốt đẹp ra sao.

Có những từ chỉ nói chung chung đến tiến bộ của chúng ta. Mỗi khi dùng từ "cố gắng", chúng ta chứng tỏ rằng mình không kiểm soát được mình. Nếu bạn "cố gắng" và làm được việc, "cố gắng" và đến đúng giờ, "cố gắng" và hạnh phúc tức là bạn cho rằng mình có thể làm được và có thể không. Thay từ "sẽ" cho từ "cố gắng" nghe có vẻ thách thức và quyết tâm hơn nhiều và nó sẽ mang lại cho bạn kết quả tốt hơn. Nghe có vẻ chi tiết, nhưng nó rất quan trọng trong việc hình thành tính cách chúng ta và những người khác đánh giá về chúng ta.

Sử dụng từ "Tôi không thể" làm yếu đi năng lực của bạn. Hãy nói "Tôi sẽ không" thay cho "Tôi không thể" thì đúng hơn. Ví dụ bạn nó "ngày mai tôi sẽ không gặp anh:, người khác sẽ nhận thấy là bạn có khả năng quyết định và kiểm soát. "Tôi sẽ không học bơi", tức là bạn chưa sẵn sàng cho việc này. Bạn có thể nếu bạn thật sự, thật sự muốn học !

***Lời nói ảnh hưởng đến trí nhớ chúng ta

Nhiều người nỗ lực rất nhiều khi nói cho người khác biết họ có một trí nhớ rất tồi tệ. Và rồi trí nhớ của họ như thế nào ? Thật chẳng ra gì! Họ có cái họ muốn. Lời nói của chúng ta ảnh hưởng đến năng lực của chúng ta.

Nói đến trí nhớ, những nhà nghiên cứu nói cho chúng ta biết là chúng ta không bao giờ thực sự quên thứ gì. Tất cả thông tin đều ở trong đầu chúng ta. Vấn đề là nhớ lại chúng như thế nào. Điều này giải thích tại sao bạn "quên" tên của ai đó nhưng hôm sau thì nhớ được. Cái tên không rời bỏ cái đầu của chúng ta và quay trở lại vào 24 giờ sau. Nó ở nguyên chỗ cũ nhưng chúng ta đã không "nhớ" lại nó được lúc đầu.

Lời nói ảnh hưởng tiềm thức và tiềm thức lại nối kết chặt chẽ với trí nhớ chúng ta. Nếu bạn cứ lập lại một chương trình cho tiềm thức bảo rằng "tôi nhớ hết mọi cái" thì khả năng nhớ lại của bạn sẽ được cải thiện nhanh chóng. Tiềm thức của bạn sẽ hướng đến việc nhớ hết các con số và những cái tên và ngày càng nhớ được nhiều hơn.

***Lời khẳng định.

Một lời khẳng định là một ý nghĩ tích cực mà bạn lập lại với chính mình. Sử dụng lời khẳng định sẽ cho phép bạn chọn lựa những ý nghĩ tốt và gieo chúng vào trong tiềm thức để bạn cảm thấy hạnh phúc hơn và làm việc hiệu quả hơn.

Hãy giả định là bạn đang lái xe trên xa lộ và bạn bị đau đầu dữ dội. Đây là cơ hội để bạn liên kết sức mạnh của lời nói với sức mạnh của ý nghĩ. Bạn tự lập lại với mình "Đầu tôi cảm thấy rất tuyệt !" hay "Đầu tôi thư giãn và thoải mái".

Khi bạn bắt đầu nói như vậy, chắc chắn một giọng nói sẽ cất lên nói rằng "Cậu nói dối như cuội. Cậu đang đau kinh khủng".

Tuy nhiên nếu bạn cứ tiếp tục khẳng định điều bạn muốn, ý nghĩ là bạn đang khoẻ sẽ bén rễ trong tiềm thức của bạn và bạn sẽ bắt đầu cảm thấy dễ chịu và nửa tiếng sau thì trong đầu bạn có thể xuất hiện ý nghĩ "Tôi bị đau đầu một lúc nhưng đã hết rồi". Đó có phải là lời khẳng định không, hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên ?

Bạn có thể sử dụng lời khẳng định để có kết quả tương tự trong những tình huống khác.

Ví dụ khi ở trên một sân tennis bạn nên nói "Tôi sẽ chơi rất hay".

Trong một quan hệ nào đó phải nói "Ai cũng yêu thương và tôn trọng tôi và tôi cũng yêu thương và tôn trọng họ".

Đối với thái độ tinh thần của bạn thì nói "Mỗi ngày tôi trở nên tốt hơn , tốt hơn và tốt hơn".

Để được sự thịnh vượng, bạn nói : "Tôi cảm thấy hạnh phúc và giàu có".

Các cơ hội sẽ mở ra không ngừng. Khẳng định không phải là không cần cố gắng gì hết. Nó có nghĩa là bạn đã đặt điều kiện cho trí óc mình về cái mà mình muốn. Nếu bạn chọn biến nó thành một phần của đời bạn thì bạn sẽ thấy nó là dụng cụ rất đơn giản và hiệu quả. Thật ra nó quá đơn giản.

Nó không tinh vi, không phức tạp mà nếu bạn là người phức tạp thì bạn sẽ nghĩ : "Tôi không sử dụng thứ ba xu đó !" Kết quả là sau một năm, bạn vẫn là người khó hiểu, bạn cảm thấy đau đầu và vẫn không sử dụng được hết đầu óc của mình. Rõ ràng ai cũng có quyền chọn lựa.

Có một số quy tắc cần nhớ khi sử dụng lời khẳng định. Trước hết, đầu óc bạn luôn hướng đến những gì bạn nghĩ. Vì thế nếu bạn chọn lời khẳng định là "Tôi sẽ không cãi vã với chồng", hay "Tôi không bệnh" thì bạn sẽ không được háo hức lắm với kết quả ! Trí óc bạn cũng hướng về điều mà bạn nói bạn không muốn làm. Nếu bạn nghĩ đến cái đó, bạn có thể đã nghe nói đến những người dành cả đời để nói về điều mà họ không muốn và rồi ngạc nhiên khi lại nhận được chính điều đó.

Tôi nhớ lại một vài thầy giáo thường bắt tôi và các bạn khác viết những câu như "Tôi sẽ không nói chuyện trong lớp", và "Tôi sẽ không đi trễ" ... Không biết họ có nhận ra chút nào là làm thế sẽ vô tình kích thích chính những hành động đó từ học sinh hay không. Và trong lớp tôi thì kết quả là học sinh làm những việc này thật !

Nguyên tắc thứ hai để ghi nhớ những lời khẳng định trong đầu bạn là chúng sẽ có ảnh hưởng hơn nếu bạn nói ra hay viết chúng ra giấy. Nếu chỉ nghĩ thôi thì bạn sẽ lang thang sang những ý nghĩ khác, chẳng hạn : "Mình nên mua gì cho bữa ăn trưa ?" hay "Những đứa nhỏ đâu rồi ?" Viết hay nói chúng ra làm cho trí óc bạn không bị lệch hướng. Bạn cũng sử dụng những giác quan khác nên hiệu quả chắc chắn sẽ tăng lên.

Điều thứ ba cần nhớ về những lời khẳng định là việc lập đi lập lại nó rất quan trọng. Nếu bạn muốn kiến trúc lại một niềm tin mà bạn đã có hai mươi năm rồi thì cần phải kiên trì hơn. Đừng mong thay đổi cuộc sống của mình chỉ bằng cách nói "Tôi thật sự hạnh phúc!" có sáu lần.

Đúc kết.

Lời nói ảnh hưởng đến suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta. Suy nghĩ của chúng ta lại ảnh hưởng đến điều ta nói và cảm xúc của ta. Và cảm xúc của ta lại ảnh hưởng đến điều ta nói và suy nghĩ. Đây là cái tam giác đều.

Nếu chúng ta cảm thấy không thoải mái thì thayđổi điều ta nói dễ hơn điều ta nghĩ và cảm thấy - dễ nhất là nên bắt đầu từ việc kiểm soát điều ta sẽ nói ra trước. Rất mau, cái ta nói sẽ ảnh hưởng tích cực đến cái ta nghĩ và cảm thấy. Chúng ta sẽ bẻ gãy được tam giác này và mọi việc sẽ trở nên tốt hơn.

***Thái độ biết ơn

Tôi nhớ khi còn nhỏ tôi đựơc nhắc nhở là nên biết ơn đối với những điều tốt đẹp mà mình có được trong cuộc sống. Mẹ tôi bảo phải dịu dàng, phải cầu nguyện và cảm ơn vì mình được bố mẹ quan tâm, có thức ăn ngon, giường ấm, có anh và chị, có sức khoẻ tốt và tất cả những cái khác.

Tôi cũng nhớ cả thời gian khi tôi đi ngủ và mẹ nhét vào tay tôi cây bút chì và mảnh giấy để ghi ra hết những thứ mà tôi thấy mình hạnh phúc khi có được! (sau đó luôn luôn là cơn giận bừng bừng của tôi khi tôi giải thích là tôi đã không bao giờ có được cái mình muốn và thế giới thật tồi tệ đối với tôi). Tôi chưa bao giờ viết ra cái danh sách đó và không thấy việc làm đó có chút gì giá trị. Nếu Chúc có tồn tại thật thì chẳng việc gì phải để ý đến ông ta hơn cái thú vui chơi tennis của tôi.

Vài năm sau tôi mới học được cái nhìn nhận "thái độ biết ơn" theo cách hoàn toàn khác. Tôi phát hiện ra là trí óc mình có thể làm được thật nhiều việc. Tôi hiểu ra là chúng ta sẽ có được cái chúng ta nghĩ đến hay cái tiềm thức ta mong đợi. Chỉ bằng cách cảm nghĩ điều hay ta sẽ nhận được điều hay.

Chúng ta không chỉ phải biết ơn đối với cái mình có theo quan điểm tinh thần mà cả theo quan điểm khoa học. Những vị cao minh về tinh thần đã dạy rằng chúng ta nên cầu mong có phúc lành. Sự thông thái nằm ở chỗ hiểu đựơc rằng trí óc là cái nam châm hút về phía mình cái mình nghĩ đến nhiều nhất.

Nếu Fred tiếp tục phần nàn rằng mọi cái đều không ổn đối với anh ta, tiền không đủ, không người yêu hay công việc chẳng ra gì thì anh ta sẽ bị như vậy hoài. Nếu về mặt ý thức hì anh ta sẽ xem thường các cơ hội, từ chối sự giúp đỡ và ngày càng sa lầy hơn. Tiềm thức của anh ta sẽ khiến anh ta bỏ lỡ các cơ hội, và gặp toàn cái rủi để rồi thế giới của anh ta mở ra như chính ah ta dự đoán vậy. Anh ta chỉ có hình ảnh mất mát, thiếu thốn và cuộc sống của anh ta sẽ đúng như niềm tin của anh ta vậy.

Tôi đã quan sát thấy là vũ trụ rất công bằng trong việc tha thứ cho bạn, nhưng nếu một người cứ tập trung vào cái mà anh ta không có, anh ta sẽ ít nhận được cái mình muốn hơn. Tôi cũng hiểu ra rằng, những người có những quan hệ hay ho nhất là những người đánh giá mình rất cao. Những người sống cuộc sống chủ động và đầy trách nhiệm là nguời luôn hài lòng với cái mà cuộc sống ban cho mình.

Có vẻ là trong nhiều trường hợp chúng ta bị ràng buộc về mặt xã hội và thường nhìn vào mặt trái của cuộc sống. Có 10 điều hay và 10 điều dở. Chúng ta có xu hướng chú ý đến cái sai nhiều hơn. Khi Junior được 11/20 điểm trong một bài thi toán thì chúng ta không chú ý đến 11 điểm cho phần đúng mà chỉ quan tâm đến 9 điểm cho phần sai. Khi chúng ta đau đầu, chúng ta không nói "Ngực dạ dày, chân và tay tôi rất tuyệt!" Chúng ta chỉ nói : "Đầu tôi đau!" Chúng ta lo lắng về vết dơ trên cổ áo và không thấy là 99% cái áo vẫn còn sạch! Nhiều người tin rằng nếu thực tế và hợp lý thì phải chú ý đến những sai sót trước.

Ai đó đã có lần nói, "Nếu bạn đau khổ về những điều bạn muốn mà không có, hãy nghĩ đến những điều bạn không muốn và không có!" Cái gì cũng có mặt tốt của nó!

Đúc kết

Một thái độ biết ơn sẽ đảm bảo cho chúng ta chú ý đến cái mình muốn. Khi chúng ta cho là mình đang sống vui và đầy đủ thì chúng ta hài lòng với những cái mình đã có và thu hút tất cả những gì tốt đẹp về mình. Càng ngày chúng ta càng thấy mình "có mặt đúng giờ và đúng chỗ". Đó là một hệ thống thật sự. Nếu ngược lại mới đúng thì sao, càng phàn nàn và thanh khóc, càng hành động ít đi, chúng ta càng đạt được ít hơn.

Ý nghĩ là những đám mây không nhìn thấy được sẽ mang ánh sáng hay mưa đến cho bạn. ý nghĩ gieo hành động, hành động gieo kết quả.

***Mục tiêu

"Cuộc sống đòi hỏi mỗi cá nhân phải tự vận động và không ai khác ngoài họ mới biết họ phải làm gì".

-Viktor Frankl.

Đề ra mục tiêu và đạt được mục tiêu là vấn đề chương này sẽ bàn đến. Tại sao chúng ta đề ra mục tiêu và phải tuân theo những nguyên tắc nào để đạt được mục tiêu ?

Trong một cuốn sách nổi tiếng của Frankl "Đi tìm mục đích của con người", ông mô tả lại cuộc sống ở trại tập trung thời thế chiến thứ II. Tác phẩm này ra đời khi ông tình cờ biết được chỉ một thanh niên 26 tuổi may mắn thoát chết trở về từ địa ngục trần gian của trại tập trung. Vì muốn tìm hiểu nguyên do anh ta tồn tại được trong khi những người khác ra đi vĩnh viễn, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu và cuối cùng ông hiểu được sự tình là chính cái khát khao cháy bỏng muốn gặp lại người vợ cũ đã giúp anh tồn tại. Tương tự với những trường hợp khác, ông kết luận những người vượt lên trên hoàn cảnh tiếp tục sống không chỉ là những người khoẻ mạnh, to béo hay thông minh hơn người mà vì họ có mục tiêu hay mục đích để tồn tại ...

Mục tiêu là cái gì đó giúp chúng ta tồn tại và đi mãi trên con đường đời. Chúng ta có thường nghe nói một số người về hưu ở tuổi 60 và chết sau đó vài tháng không ? Một khi chúng ta mất mục tiêu, mất phương hướng thì chúng ta trở nên bồn chồn, lo âu. Bạn có bao giờ để ý thấy bạn thực sự sung sướng khi đang thực hiện một dự án chứ không phải kết thúc nó không ?

Sau đây là 2 điểm chính cần phải lưu ý :

-"Đề ra mục tiêu là việc hiển nhiên con người phải làm". Chúng ta không thể sống mà không có mục tiêu hoặc ít nhất là không có trong một thời gian dài. Bạn nhất thiết phải có một mục tiêu nếu bây giờ bạn chưa đề ra danh sách các mục tiêu cần phải thực hiện.

-"Mục tiêu gì là không quan trọng nhưng bạn phải có một mục tiêu". Có người cứ tìm cách trì hoãn thực hiện những gì họ nghĩ có liên quan đến đời họ. Họ không chắc mục tiêu họ đề ra là hoàn toàn có lợi cho họ hay không vì thế họ chẳng bao giờ làm được cái gì cả.

Trường hợp Bill Smith, người luôn tính chuyện trở lại trường để học lấy một mảnh bằng đại học. Anh ta không chắc là liệu mục tiêu này có hợp lý hay không. Vấn đề là ở chỗ anh ta đã tính chuyện này 30 năm rồi và bây giờ anh ta đã 57 tuổi đời. Anh không còn nhiều thời gian nữa.

Nếu Bill quay trở lại học và thấy rằng điều đó không cần thiết với anh nữa thì chẳng có gì bàn cãi. Thế là cuối cùng anh ta đã hiểu ra được vấn đề. Bạn thấy đấy, người ta thường cho rằng "Nếu bạn chọn sai đường thì hậu quả thật khó lường".

"Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như tôi đề ra mục tiêu và việc tiến hành thực hiện nó không như ý muốn và mang lại nhiều phiền toái và bất hạnh cho tôi ?" Thật ra điều này rất tuyệt vì bây giờ họ sẽ biết loại bỏ những yếu tố không hay. Họ biết rõ hơn cái gì sẽ có lợi hay không có lợi cho họ.

Chúng ta có thể thấy được là những người thành công cho rằng "Thất bại là mẹ của thành công". Trong khu đó những người không thành công cho rằng : "Thất bại làm bạn nhụt chí".

***Quy luật lệch hướng quay của trái đất

Buckminster Fuller là ông tổ của định luật lệch góc quay dần dần của quả đất, đây là một định luật về sự phát triển dần dần, một phần của quá trình phát triển nguyên tắc định ra mục tiêu.

Qui luật này cho thấy chúng ta thu lượm nhiều điều để bổ sung vào mục tiêu thực tế. Thực ra điều quan trọng không phải là đạt được mục tiêu mà là chúng ta đã thu lượm được gì và khai thông trí tuệ như thế nào trên suốt đoạn đường ấy.

Fred có lẽ cho rằng "Trải qua hơn 6 năm học Đại Học chỉ để lấy một mảnh bằng hay sao ?" Điều anh ta không nhìn thấy được là trong chừng đó thời gian anh ta sẽ gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người, học hỏi được nhiều điều, biết rõ về mình hơn và có nhiều kinh nghiệm. Vấn đề không phải là mảnh bằng đại học mà là đoạn đường anh ấy đã đi như thế nào.

Nếu bạn quyết định đi bộ vượt qua Châu Âu hoặc tậu một chiếc xe thể thao hiệu Ferrari hay bắt đầu lập ra một cơ sở kinh doanh, thì điều quan trọng không phải là việc đi bộ, chiếc xe hơi hay cơ sở kinh doanh mà là bạn cần phải trở thành con ngừoi như thế nào để đạt được mục tiêu đó.

Trong quá trình đi đến mục tiên, bạn dần dần trở nên can đảm hơn, quyết đoán hơn, phát huy đựơc thế mạnh của mình, hiểu được nguyên tắc của bản thân, dẻo dai hơn (biết chịu đựng hơn), tự tin hơn, gặp được người bạn đời hoặc biết lập các giấy tờ quan trọng...

Những gì bạn thu lượm được trong khi theo đuổi mục tiêu không quan trọng bằng việc xem xét "bạn sẽ trở thành cái gì?"

Khi bạn bắt đầu thực hiện mục tiêu thì bạn nên nhớ một điều là không phải mọi việc điều xảy ra một cách suôn sẻ.

Mục tiêu nào cũng đầy trở ngại khó khăn. Khi thuỷ triều dâng lên, nó dâng lên một chút và rút xuống một chút, nó dần dần dâng lên theo một lộ trình như vậy. Khi cái cây phát triển, lá rụng đi một ít và lá mới mọc ra nhiều hơn và kết quả là cây dần dần lớn hơn, to ra... Ngược lại cây không thể phát triển nếu như không tồn tại một tiến trình như vậy. Cách sự vật diễn biến, phát triển trên hành tinh này theo một đồ thị gấp khúc đi lên, là một tiến trình bất di bất dịch.

Không may, có người lại nghĩ rằng sự phát triển của bản thân họ không theo qui luật tự nhiên của vũ trụ. Vì thế khi Mary bắt đầu một chương trình giảm cân và thấy rằng có lúc cô giảm cân và có lúc lại tăng cân, thế là cô ta cho rằng việc làm giảm cân khó có thể thực hiện dược và đành chấp nhận số phận làm một bé bự. Fred bắt đầu tiết kiệm tiền và sau một vài lần chi tiêu ngoài dự tính, cậu ta thấy không thể tiết kiệm và đành phải từ bỏ mộng tự lập về mặt tài chính.

Những ngừơi thành công không hẳn là người thông minh, xuất sắc, hay kiệt xuất. Đơn giản là họ nắm bắt được qui luật phát triển của sự vật và nhận thấy rằng sự phát triển của họ phải tuân theo qui luật của các sự vật diễn ra xung quanh họ.

Họ thấy đựơc rằng người ta đạt đến mục tiêu bằng một quá trình điều chỉnh liên tục. Chúng ta đi sai đường (lệch hướng), thì điều chỉnh lại cho đúng hướng, giống như con tàu vũ trụ, tên lửa, vệ tinh đi sai hướng hay lệch hướng thì phải điều chỉnh, điều chỉnh, điều chỉnh

*** Một lý do nữa chứng tỏ sự cần thiết phải luôn có mục tiêu.

Chúng ta bàn kỹ về cách chúng ta hướng đến những gì chúng ta suy nghĩ nhiều nhất. Nếu bạn có mục tiêu trong đầu, bạn sẽ nghĩ đến nó nhiều nhất vì bạn có xu hướng day đi day lại mục tiêu của mình. Nếu bạn không có mục tiêu, thì bạn sẽ quan tâm đến những gì bạn suy nghĩ nhiều nhất. Đầu óc của bạn sẽ tập trung vào những ý nghĩ nổi bật nhất và chính vì vậy nó đưa bạn đi trên con đường đó ( hướng đó ). Tóm lại, những ý nghĩ nổi bật nhất của bạn là mục tiêu của bạn.

***Viết ra mục tiêu của bạn.

Tôi đã hỏi tất cả những người luôn đề ra mục tiêu cho mình và được biết tất cả bọn họ cho rằng, chúng ta nên viết ra mục tiêu của mình.

Khi bạn đi mua sắm, bạn lập ra một danh sách hay những thứ cần chuẩn bị. Làm như vậy, bạn sẽ mua được tất cả những gì bạn cần mà không sợ bị sót món nào. Bảng danh sách giúp bạn đi đúng hướng.

Người ta lập ra cả danh sách dài cho buổi tiệc. Họ ghi ra những thứ cần mua chẳng hạn như bánh, trái, thức uống, kẹo ... Làm như vậy, họ không quên bất kỳ thứ gì.

Điều lạ thường là mặc dầu người ta ai cũng biết hiệu quả của tờ danh sách, thế nhưng chỉ khoảng 3% người áp dụng nó vào đời sống. Điều đó rất có ích và quan trọng cho cuộc đời của họ thế mà người ta cứ loạng choạng đi như người mù, họ không bao giờ lập ra danh sách những gì họ muốn và cứ liên tục tự hỏi tại sao họ chẳng bao giờ đạt được cái gì !!!

Việc lập ra danh sách không phải là việc duy nhất cần làm nhưng có nó sẽ giúp chúng ta định ra hướng đi để đạt mục tiêu mà chúng ta muốn trong cuộc sống. Thế nhưng hầu hết người ta vẫn dành nhiều thời gian để lập kế hoạch cho các bữa tiệc hơn là lập kế hoạch cho đời mình. Thế rồi họ tự nhủ tại sao họ không được hạnh phúc như họ muốn.

Danh sách rất có lợi, nó có ích cho việc đi mua sắm và có ích cho cả đời bạn.

Đúc kết.

Mục tiêu là cỗ xe chuyên chở chúng ta qua những đoạn đường thử thách mà từ đó ta lớn lên. Chúng ta luôn cần có mục tiêu, không phải vì cái chúng đem lại cho ta mà vì cái chúng làm cho ta.

***Giới hạn

"Bạn đúng khi nghĩ rằng liệu bạn có thành công hay không"

Herry Ford

Nếu bạn có suy nghĩ rằng bạn không thể làm được việc gì đó, điều này sẽ hạn chế sự thành công của bạn. Dĩ nhiên, nó không ám chỉ đến người luôn tự cho mình là có thể làm được mọi việc và những người luôn cho rằng mình không thể làm đựơc gì.

Mẫu người có tư tưởng "Tôi chắc chắn là ngừơi thất bại" không chịu cố gắng học hỏi, bỏ lỡ cơ hội, không làm việc hết mình vì anh ta nghĩ "Chẳng có lợi gì cả". Quả thực anh ta chẳng làm được việc.

Có người lại có tư tưởng "Tôi sẽ thành công, tôi nhất định làm được bất cứ việc gì, Tôi sẽ làm việc khi tội cầu, tôi sẽ học càng nhiều càng tốt nếu như tôi có thể, tôi nhất định sẽ thay đổi" . Và anh ta làm được điều đó.

Điều đáng nói là cả hai tư tưởng đều mạo hiểm, táo bạo. Ngườoi thứ nhất cố tình lảng tránh trách nhiệm. Anh ta có thể nói rằng "việc gì cũng khô, bạn làm giúp tôi nghe" . anh ta không có cơ hội tự khẳng định mình để thành công. Thậm chí người ta tỏ ra thương hại anh ta. Với anh ta chơi trò câm điếc tỏ ra tiện lợi và nhanh chóng.

Người thứ hai sẽ gặt hái nhiều thành công là điểu hiển nhiên, anh ta đạt đựơc mục tiêu.

Đúc kết

Bất kể sự hạn chế nào cũng đều thuộc trách nhiệm của mình. Sẵn sàng đón nhận trách nhiệm là bước khởi đầu hứa hẹn một tương lai tươi sáng.

***Điều bất lợi.

Hễ khi chúng ta nghi ngờ khả năng thành công của mình, chúng ta tự hỏi những trở ngại và khó khăn mà người khác đã từng trải qua thì sao.

Chẳng hạn như Demosthenes, một diễn giả nổi tiếng đã từng khổ sở về sự ăn nói khó khăn của mình. Ông luyện nói bằng cách ngậm đá cuội ở trong miệng vì cho rằng khi làm tốt việc này thì ông sẽ có thể nói trước công chúng. Và ông đã trở thành một trong những nhà diễn thuyết nổi tiếng nhất mọi thời đại.

Hellen Keller không cam chịu số phận mù loà câm điếc của mình. Cô dành trọn đời mình để giúp những người có số phận hẩm hiu hơn cô.

Abraham Lincoln làm ăn thất bại ở tuổi 22. Năm 23 tuổi ông đã thất cử vào ghế cơ quan lập pháp. Đến năm 25 tuổi, ông lại thất bại trên thương trường. Khi ông 26 tuổi, người yêu của ông qua đời, ông bị suy sụp tinh thần ở tuổi 27, ông thất cử liên tiếp vào ghế quốc hội ở tuổi 34, 37 và 39. Đến năm 46 tuổi, ông lại bị thất cử vào thượng nghị viện, thất bại khi tranh ghế Phó Tổng thống Hoa Kỳ ở tuổi 47. Đến năm 52 tuổi, ông được bầu làm Tổng Thống Hoa Kỳ và trở thành một trong những nhà lãnh đạo tài ba nhất trong lịch sử thế giới.

Menachim Begin trải qua tuổi niên thiếu cù bơ cù bất trong khu ổ chuột người Ba Lan.

Winston Churchill là một sinh viên nghèo và rất khổ sở về chứng nói lắp của mình. Về sau không những ông được giả thưởng Nobel mà còn là một trong những người có tài ăn nói hấp dẫn.

Danh sách này rất dài. Bài học ở đây là : "Bạn bắt đầu ở đâu không quan trọng, cái cốt yếu là bạn đạt đến cái đích nào". Những bất lợi đôi khi lại là lợi điểm nếu ta nhìn chúng theo cách này và dùng chúng như động lực để làm được tốt hơn, tốt hơn.

***Vấn đề

"Lúc nào chúng ta cũng đối mặt với những thử thách lớn mà đằng sau đó là những vấn đề hóc búa"

Đôi lúc chúng ta có ý nghĩ "Đời có đẹp không nhỉ nếu như chúng ta chẳng có vấn đề gì cả ? ". Nếu vậy chúng ta có thể thoả thích trên bãi biển suốt cả ngày mà chẳng cần lo toan gì cả. Thế thì cuộc đời bạn chẳng khác gì một con ốc biển. Con ốc biển chẳng phải lo nghĩ gì cả.

Chúng ta phải nghĩ ra cách giải quyết vấn đề và tìm ra những biện pháp mới để thực hiện chúng. Cuộc sống này luôn luôn tồn tại những vấn đề. Chúng thôi thúc chúng ta phải học hỏi, kiểm nghiệm, và vượt qua những trở ngại. Các con mèo không phải đối mặt với những vấn đề lớn. Nếu bạn là mèo thì bạn thấy mọi thứ đều dễ dàng, đơn giản. Cuộc sống của con mèo có vẻ thoải mái lắm. Nhưng ai muốm làm con mèo nào ?

Điều độc nhất vô nhị của con ngừơi là chỗ con ngừơi biết học hỏi và thu thập nhiều kinh nghiệm. Bạn có thể tạo ra những gì chưa có trên đời này. Mèo không biết viết nhạc, chó không thể thành lập công ty, ốc biển không thể đi xem phim. Tất cả những điều này chỉ có con người chúng ta mới làm được. Có nghĩa là chỉ chúng ta mới biết yêu, biết cười, biết khóc...

Ngừơi lạc quan cho rằng một vấn đề đơn giản chỉ là một cơ hội để học hỏi. Điều nay nghe có vẻ như không có gì, nhưng rất là sâu sắc. Chúng ta thấy rõ điều này ở trẻ em. Đứa bé 10 tháng tuổi xem mọi thứ xung quanh nó là một thách thức để khám phá : nào thích tạo ra tiếng ồn, nhặt vật rơi hoặc ăn uống và thậm chí thấy vui khi ném những gì chúng đang ăn. Cuộc sống đối với bé là một hành trình khám phá thú vị. Trong khi đó các bạn trẻ lại thích ném mình vào những hoạt động mạnh mẽ và mạo hiểm hơn như chạy xe, lao lên cầu thang, lao mình vào sóng...

Nếu bạn chịu khó suy nghẫm thì chắc chắn rằng bạn cũng đã từng trải qua những năm tháng đầu đời như vậy.

Thế thì quả thật không làm sao hiểu được một ngừơi lúc đầu có tư chất can đảm như vậy lại trở thành người nhút nhát sợ hãi mà ngay cả những vấn đề bình thường nhất họ cũng cho là to tát, khó khăn. May mà ngày nay nhiều người trưởng thành không có thái độ "Tôi không bao giờ làm được điều đó. Nếu không họ sẽ mãi mãi là một đứa bé trong vòng tay mẹ.

Có lý không khi chúng ta mong đợi ở trẻ em nhiều hơn là ngừơi lớn ? Chúng ta nhắc nhở chúng ở trường "con phải lo ăn học, học tất cả những chữ cái nếu không con sẽ dậm chân ở lớp đầu mãi mãi". Nói cách khác chúng ta cho chúng biết thông điệp là chúng phải ra sức học tập. Không may, nhiều người trưởng thành không nhận được cùng thông điệp như vậy!

Thỉnh thoảng lại có ngừơi quan niệm rằng cuộc sống tự ban cho ta những điều tốt đẹp à chẳng cần phải lo toan. Chúng ta, những người lớn chắc ai cũng mong và tự đòi hỏi phải tiến bộ hơn. Ta tự hỏi : "Chúng ta học những gì từ bao nhiêu năm qua? Ta có thể làm gì được trong năm này mà năm qua ta không làm được ?"

Đúc kết

Con người lớn lên từ hoàn cảnh. Như Horace nói "Cái khó ló cái khôn"

***Sai lầm

Có một anh chàng than rằng Thượng Đế không bao giờ nói cho anh ta biết cái gì cả. Anh ta đi hỏi bạn bè "Tại sao Thượng Đế không gửi cho tôi một thông điệp nào cả như đã từng gửi cho người khác ?" Bạn thân của anh ta trả lời dứt khoát : "Thượng Đế làm như vậy với anh qua những sai lầm của anh đấy".

Sai lầm là những thông tin phản hồi chúng ta nhận được và cần phải học hỏi từ chúng. Kẻ chiến thắng phạm sai lầm nhiều hơn kẻ thất bại. Đó là lý do họ chiến thắng. Họ sẽ nhận được nhiều thông tin phản hồi khi họ cố gắng thử nghiệm nhiều khả năng khác nhau. Vấn đề vướng mắc của những người thất bại là ở chỗ họ coi sai lầm là một gánh nặng mà không nhìn thấy những mặt tích cực của nó.

Chúng ta học hỏi nhiều điều lúc thất bại hơn là lúc thành công. Khi chúng ta thất bại, chúng ta suy ngẫm, phân tích, tập hợp lại và thảo ra một chiến lược mới. Khi chúng ta chiến thắng hay thành công, chúng ta chỉ đơn giản ăn mừng những gì chúng ta đã làm vì thế chúng ta học hỏi được rất ít khi thành công. Đó là lý do nữa để chúng ta sẵn sàng vui vẻ đón nhận những sai lầm.

Câu chuyện về Thomas Edison là một huyền thoại. Có lần một người hỏi nhà phát minh cảm thấy thế nào sau nhiều lần nỗ lực tạo ra bóng đèn điện mà không thành. Nhà phát minh trả lời rằng ông không hề thất bại mà ngược lại ông đã thành công khi phát hiện ra hàng ngàn cách không chế tạo được bóng đèn điện. Thái độ tích cực của ông với những sai lầm đó giúp Edison thành công và đóng góp được một sáng chế quan trọng cho thế giới mà bất kể ai cũng phải kính phục.

Werner Von Braun cũng biết rằng sai lầm là yếu tố cần thiết trong quá trình học hỏi và tìm tòi. Trong suốt thế chiến thứ II, ông phát triển một loại tên lửa mà người Đức hy vọng sẽ dùng để ném bom Luân Đôn. Cấp trên cho gọi ông lên hỏi sau một thời gian khá lâu khi ông đã làm không thành công 65,121 lần. Họ hỏi ông "Anh sẽ sai lầm bao nhiêu lần nữa thì mới thành công ?"

Ông trả lời "Tôi nghĩ là khoàng 5,000 lần nữa". Ông nói "Phải vấp khoảng 65,000 lần mới có đủ khả năng, kiến thức để chế tạo tên lửa. Có thể đến lúc này Nga đã mắc phải 30,000 sai lầm. Mỹ có khi không phạm sai lầm nào cả". Trong suốt nửa cuối cuộc chiến, Đức làm kinh hoàng cả thế giới bằng tên lửa đạn đạo. KHông có nước nào có loại tên lửa như vậy. Vài năm sau đó, Von Braun đã trở thành bậc thầy, người đứng đầu chương trình không gian Hoa Kỳ, đã từng đưa người đến mặt trăng vào khoảng năm 1969.

Kính tráng thuỷ, lần đầu tiên được tạo ra một cách tình cờ, khi một miếng nhựa nhỏ bị kẹp giữa hai tấm thuỷ tinh. Thế là kỹ thuật tráng thuỷ đã tồn tại qua hàng ngàn năm nay. Sai lầm và tình cờ đều có mục đích của nó.

Đúc kết

Sai lầm thực sự không phải là sai lầm. Chúng ta hãy xem xét và đón nhận những sai lầm và chấp nhận chúng như là một phần tất yếu để học hỏi. Ngược lại nếu chúng ta không nghiêm túc hay dễ dãi với chúng, chắc chắn chúng ta sẽ hối tiếc. Thành công không có chỗ cho sự lười nhác.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro