Chương 1: Xem mắt
Chúng tôi quen nhau là nhờ mai mối, tôi biết đến anh bằng lời giới thiệu của một người quen. Ba mẹ tôi bảo anh giỏi giang, có thể lo lắng cho tôi một cuộc sống ấm êm cả đời. Đối với tôi mà nói cái gì gọi là tình yêu thật sự, cái gì gọi là một túp liều tranh hai quả tim vàng vốn đã không hề tồn tại. Tôi ậm ừ chấp nhận sự sắp đặt của ba mẹ.
Anh không phải người tôi yêu đầu tiên, không phải người cùng tôi trải qua những ngày tháng thanh xuân rực rỡ. Nhưng tôi chấp nhận anh, chỉ đơn giản là vì sự an toàn cho cuộc sống sau này.
Tôi kém anh ba tuổi, anh là giáo sư của một trường đại học danh giá nhất nhì Việt Nam. Ba anh mở công ty riêng kinh doanh mặt hàng nước giải khát, mẹ anh là một người phụ nữ truyền thống chính chuyên, em trai anh là du học sinh Anh. Gia đình gia giáo và cao sang như thế thì tôi còn mong đợi điều gì hơn nữa?
Lần đầu tiên gặp nhau cả hai không biết phải nói điều gì. Người mai mối trông chúng tôi ngượng ngùng quá nên tạo chút ít không khí rồi bỏ đi cho chúng tôi được tự nhiên. Tính anh trầm nên tôi mới lấy can đảm hỏi han trước, tôi hỏi thế nào là anh trả lời thế ấy, hoàn toàn không có ý nói thêm.
- Em có thể biết tên anh không?
- Thế Trường, Vũ Thế Trường.
- Anh làm giáo sư ở bách khoa ạ? Chắc anh giỏi lắm nhỉ?
- Ừ.
- À... anh có muốn biết tên em không?
Anh gật đầu.
- Em là Thùy Trang, em là nhà báo nhưng không nổi cho lắm.
- Ừ.
- Dạ...
-...
-...
Không khí đó thật sự cứu chẳng nổi. Chắc anh cũng thấy thế nên mới mở lời hỏi tôi có sở thích gì hay không, tôi gật đầu, liệt kê cả một danh sách dài.
Có vẻ sở thích của tôi và anh không hợp nhau, những thứ tôi thích quá đời thường, còn anh lại đầy những học thức cao siêu. Ngay cả sách đọc cũng không có chung một điểm gì. Đúng thật là giáo sư, nghiêm túc thật.
- Anh có thích xem hài không?
- Không thích lắm.
- Vậy xem phim truyền hình thì sao?
- Cũng không.
- Vậy anh thích xem gì?
- Thời sự.
Như một ông già thật thụ. Anh còn bảo anh thích uống trà, tỉa tót cây cảnh khi rảnh rỗi. Những sở thích đó chẳng phải của ba tôi hay sao?
Chúng tôi phải trải qua những giây phút ngượng ngùng đó thật không dễ dàng gì. Anh đưa tôi về nhà trên con xe máy cũ sờn của anh, chắc anh sợ tôi chê nên anh giải thích rằng xe anh hư nên anh lấy xe từ thời còn đi học. Tôi vui vẻ bảo không sao, xe nào chẳng là xe, có đi là may rồi.
Anh là một công dân nghiêm túc, đúng chuẩn nghiêm túc. Kể cả đường có vắng tanh anh cũng giữ vững một tốc độ, trông chúng tôi buồn cười thế nào, cứ đi chầm chậm chầm chậm, yên ắng đến nỗi chỉ có thể nghe tiếng động cơ cũ lạch cạch.
- Mình chạy nhanh chút được không anh?
- Em đang gấp à?
- Dạ không, đường vắng mà nên chạy nhanh xíu cũng được anh nhỉ?
- Vắng thì vắng thật, nhưng mình nên giữ tốc độ này thôi, nhỡ ai bất chợt xông ra thì còn trở tay kịp.
- Dạ.
Anh đưa tôi về đến nhà, chậm nhưng chắc. Tôi trả lại anh chiếc bảo hiểm đã sờn sơn, anh nhận lấy, ngập ngừng hỏi nhỏ tôi có khó chịu với anh không.
- Sao anh hỏi vậy?
- Anh nghĩ anh nhàm chán.
- Thì cũng có nhưng không tới mức khó chịu.
Anh nhìn tôi, định nói gì nữa nhưng bị chen ngang bằng cái giọng oang oang, nghe thôi cũng đủ chướng tai.
- Ơ cái Trang đấy phải không? Ừ Trang đây này!
- Con đây, dì còn lạ con sao?
Bà Phớ là hàng xóm nhà tôi thôi, nhưng tôi không có ưa, cũng vì có lý do.
- Ai đây? Thằng nào đấy?
- Bạn con.
- Bạn à? Ừ ừ nhìn cũng giống thật.
- Ý dì là sao?
- Thì bạn cái Trang cũng bần như cái thôi, nói cho ý biết nhá cái Linh nhà này sắp cưới chồng đại gia ý, hôm đó Trang nhớ qua để cái Linh chỉ cho ít bí quyết.
- Cảm ơn dì, con không cần trai giàu, con tự nuôi con được.
- Thôi thôi cái cứ điêu! Thấy trai giàu thích híp cả mắt đấy chứ! Mà số cái thì làm gì có phúc phần đó. Đã không quen được trai giàu mà hình như còn bị đá nữa chứ nhở? Đây là cái lốp dự phòng của cái đấy à? Sao bần thế?
- Dì ăn nói cho đàng hoàng, lớn tuổi rồi nói sao cho con cháu nó thương với. Dì nói gì con thì con cũng xem như ruồi dế nó kêu, còn dì động chạm vào bạn con là con bức hết tóc dì đấy, đừng có trách con hỗn!
- Ui sợ quá đi mất, có sao thì đây nói vậy thôi. Chí ít phải để cái lốp dự phòng nó biết lý do nó được chọn chứ.
- Trông thì cũng được, mặt mũi cũng sáng nhưng chả được tích sự chi ráo. Giờ ai cần mặt mũi, cần là cần ví dày kia kìa, chọn lốp cũng chọn ngu nữa cái Trang nhờ?
- Dì có đi hay là để con bức hết tóc dì?
- Thì đi! Cứ làm như đây thèm thuồng nhiều chuyện lắm ý, đây đếch thèm! Đây chỉ quan tâm hàng xóm thôi!
- Vâng, con cũng đếch cần!
Thấy tôi có vẻ quạu nên Phớ cũng biết điều lui về nhà, tôi không phải một đứa hỗn láo, nhưng tôi là đứa có giới hạn. Tôi đã nhẫn nhịn bà ta lâu lắm rồi, tại sao tôi cứ phải im lặng để người khác leo lên đầu mình chứ? Bà ta cũng chẳng đáng để tôi phải tiếc.
- Em xin lỗi...
- Ừ.
-...
-...
- Dì ấy nói đúng một phần thôi, anh không phải lốp gì cả, em chưa từng có ý đó...
- Ừ.
- Dạ... Vậy anh về cẩn thận.
Anh lặng im quay xe, tôi trông theo anh đi khuất mới bước vào nhà. Ba mẹ thấy tôi về liền vội vã hỏi han, tôi mệt nhoài lắc đầu bảo:
- Chắc bể kèo rồi ba mẹ à.
- Sao?
- Hình như ảnh không có thích con.
- Sao lại không?
- Con thấy thái độ ảnh vậy. Với cả vừa về đến nhà đã gặp mụ Phớ, mụ nói người ta là lốp dự phòng, còn chê người ta bần.
Tôi uống một ca nước đá cho thật đã, mẹ nghe xong phát hỏa đùng đùng muốn qua cào nát nhà bà Phớ. Không phải ba và tôi ngăn lại thì chắc có chiến tranh thế giới thứ ba rồi.
- Thôi mẹ, chắc con với ảnh không có duyên rồi. Với lại nhà ảnh cao sang như vậy, sao mà chấp nhận một đứa viết báo lá cải như con?
- Đó mày thấy chưa? Lúc đầu tao đã nói mày học y đi mà không nghe? Nhất quyết đu cái nghề này, bộ mày học hành dở tệ hay sao? Thi cũng hai mươi chín phẩy tám chứ đùa gì, vậy mà nhất nhất bỏ ngành y. Nói đến là tức trào máu!
- Thui mà, người ta thích làm báo nên người ta mới đu mà, ấy đừng có giận kẻo tàn phai nhan sắc.
- Hết nói nổi!
Tôi biết tính mẹ hay la, chửi cũng ghê gớm lắm nhưng mà mẹ luôn yêu thương các con hết lòng. Ngày ấy tôi bỏ ngành y, bị mẹ đánh lên bờ xuống ruộng, cứ tưởng bị đuổi ra khỏi nhà nào ngờ mẹ đánh rồi thôi, mẹ nói đánh cho hả dạ mẹ chứ đuổi đi rồi mai mốt già yếu ai nuôi. Những năm tôi theo nghề báo, ngoài mặt mẹ chưa bao giờ đồng ý nhưng tôi biết rõ mẹ đã chấp nhận rồi. Mẹ sẵn sàng cãi inh ỏi với mụ Phớ nếu mụ dám chê nghề của tôi là bao đồng, rình mò. Dù thế nào đi nữa mẹ vẫn luôn là người yêu thương con cái, cũng vì vậy tôi mới luôn cố gắng làm mẹ nở mày nở mặt.
- Ba iu ợi con gái cưng thèm thịt nướng ba ướp quá ạ!
Ba cười nhéo mũi tôi, mắng già cái đầu còn nhõng nhẽo. Ba khác với mẹ, ba yêu thương ai là ba thể hiện rất rõ. Từ đầu đến cuối bất kể tôi có làm gì thì ba cũng vẫn ở bên quan tâm, ủng hộ và là bờ vai vững chắc mỗi khi tôi cần.
- Gớm! Già cái đầu rồi mà còn làm nũng!
- Kệ chị!
Tôi cũng có thằng em, năm nay mười tám tuổi, sắp thi đại học rồi. Mẹ bảo nó học ngành công an, không thì học y nhưng nó không chịu, nó nhất nhất theo IT và cũng bị đập cho một trận.
- Ba iu ợi con cũng muốn ăn thịt nướng ba ướp ạ!
- Kệ anh, tôi ướp cho con gái cưng tôi ăn thôi.
- Ơ ba? Ba trọng nữ khinh nam?
- Ừ.
- Cái Trang già rồi ý, ăn cũng không được nhiêu đâu, để cái Trọng ăn cho!
- Vả cho một cái rớt răng à! Xách vali qua nhà Phớ nhanh, sang đấy mà giở cái giọng õng ẹo chí chóe.
Trọng cười khà khà, nó thích nhại tiếng của mụ Phớ lắm, đặc biệt mỗi lần mụ kiếm chuyện với gia đình tôi là nó sẽ giở cái giọng ấy ra chọc điên mụ.
Chiều hôm ấy cả nhà tôi kéo nhau ra sân nướng thịt, ba tôi làm món gì cũng dở, có mỗi việc ướp thịt là xuất sắc. Thịt ba ướp đẫm vị, ăn vào là tan ngay trong miệng, thơm vô cùng thơm.
- Ba ơi ba chị hai ăn vụng!
- Ba ơi ba thằng Trọng nuốt hai miếng thịt chưa chín kìa ba!
- Ba ơi ba chị hai ăn hết thịt rồi ba ơi!
- Ba ơi thằng Trọng nuốt cái vỉ nướng rồi!
Ba ra dẹp loạn hai sứ quân, ba nhờ nướng có tí tẹo mà đã inh ỏi. Hai chị em tôi rót nước ngọt ra ly, cụng cái cạch như thể uống bia. Thằng Trọng còn diễn lố vỗ đùi cái bẹp, nhăn mặt nhăn mũi như con khỉ đột biến gen.
Mẹ thì bận bịu nấu thêm ít món khác nữa, hôm nay là cuối tuần, nhà tôi có lệ cuối tuần là phải ăn tiệc cho hoành tráng.
- Ông anh đó là giáo sư ở bách khoa thiệt hả hai?
- Ừ.
- Em thi vô đó chắc gặp ảnh ha?
- Thi nổi không?
- Xời, em của thủ khoa thì cũng thủ khoa nhá!
- Ồ! Rớt một cái tao cười ói!
- Nghĩ sao vậy trời?
- Thi toán có năm điểm mà đòi học bách khoa!
- Thi chơi chơi qua môn thôi, giấu nghề đó.
- Vậy he?
Không biết có giấu nghề thật hay không chứ họp phụ huynh toàn là tôi đi, vì nó sợ mẹ đánh.
Nhà bên tôi đông vui quá nên bác Lệ đi ngang cũng ráng ghé qua, hai chị em tôi vui vẻ kéo bác vào, cùng là hàng xóm như nhau mà có người cưng gần chết, có người nhìn mặt thôi cũng ghét.
- Hôm nay con đi xem mắt hả? Người ta được không con?
- Dạ cũng được. Mà chắc...bể kèo rồi bác ạ.
- Sao đấy?
- Dạ con thấy hình như ảnh không thích con.
- Vậy à? Bác nghe dì Mai giới thiệu dữ dằn lắm mà, dì ấy còn nói chắc cú phải làm cho ra cái mối này.
- Chắc tụi con không có duyên.
Dì Mai là người đã giới thiệu anh cho ba mẹ tôi, dì quen biết gì với gia đình anh, thấy anh được nên mới ngõ lời với ba mẹ tôi. Mà tôi cũng công nhận anh được, cả gia đình anh cũng được.
Tầm khoảng giữa khuya hôm đó, trong lúc đang miệt mài chạy deadline, điện thoại tôi bỗng vang lên tiếng thông báo tin nhắn. Đang dỡ tay nên tôi cũng không có xem, khoảng vài tiếng sau làm xong tất cả công việc rồi mới rảnh tay mở điện thoại, trong đó có dòng tin:
"Em ngủ đi đừng thức khuya hại sức khỏe, anh biết em còn yêu anh nhưng mà không nên vì vậy mà tự hại bản thân mình. Tuy chúng ta đã kết thúc rồi nhưng anh vẫn hy vọng em hạnh phúc!"
Tôi đọc tin nhắn, cười khẩy một cái, nhắn lại:
"Ảo tưởng là không tốt, hoang tưởng lại càng không. Mày nghĩ mày đủ tư cách để tao phải thức khuya nhung nhớ mày à? Tỉnh mộng đi, thằng điên!"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro