Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG MƯỜI BỐN

Có thể phỏng chừng giữa trưa thì tôi đến huyện lỵ (tôi nói “phỏng chừng” bởi vì mặt trời không hề một lần ló ra khỏi mây mù). Ấy là một thị trấn dẹt như cái bánh xèo, lèo tèo hơn cả một phố vắng heo hút, chỉ cách lãnh địa Janốpxki chừng ngót hai chục cây số đường rừng xơ xác. Con ngựa tôi cưỡi lội bì bõm qua các phố lầy lội. Nhà cửa chẳng thấy đâu, chỉ thấy hàng dẫy chuồng gà. Điểm duy nhất phân biệt cái thị trấn ấy với làng mạc xung quanh là mấy bốt gác sơn kẻ sọc với vài ba viên cẩm râu ria xồm xoàm, mặc đồng phục vá chằng vá đụp. Chỉ thấy hai ba cửa hiệu là nhà gạch xây trên những móng cao...

Trên quảng trường chính, bùn lầy ngập đến đầu gối. Trước ngôi nhà tòa án xám xịt, vôi vữa đã tróc nham nhở, ngay cạnh bậc thềm, có đến sáu con lợn nằm run rẩy vì lạnh, chốc chốc lại rúc vào nhau cố tự sưởi ấm. Mỗi lần như vậy xung quanh lại hộc... hộc... éc... éc... ầm ĩ.

Tôi buộc ngựa, trèo những bậc thang cót két dưới mỗi bước chân, lên đến một hành lang ngột ngạt mùi giấy mốc và hôi hám mùi chuột. Khi mở cửa vào phòng, chỉ chút xíu nữa thì tôi giật rách tung lớp vải sơn bọc ngoài đã mủn ra. Bước vào phòng, thoạt tiên tôi chẳng nhìn thấy gì cả vì mấy ô cửa sổ nhỏ xíu chỉ để lọt vào phòng một luồng ánh sáng quá ư ít ỏi, lờ mờ trong khói thuốc lá dày đặc. Một người nhỏ bé, rúm ró, đầu hói, đuôi áo lòi cả ra ngoài quần, dương mắt nhìn tôi. Đoạn, y chớp mắt, và tôi lại vô cùng ngạc nhiên: mi mắt trên hoàn toàn bất động, mi mắt dưới kéo lên che kín trông y như mắt cóc.

Tôi xưng tên.

- Ngài đã đến ạ? – thằng người cóc tỏ vẻ ngạc nhiên – Vậy mà chúng tôi...

- Các ông tưởng tôi sẽ không đến hầu tòa mà sẽ đi khỏi đây, sẽ chuồn chứ gì? – tôi tiếp lời y. – Xin ông đưa tôi đến gặp ngài chánh án.

Viên thư lại lách ra khỏi bàn, lăng xăng chạy trước, dẫn tôi chui sâu vào cái địa ngục trần gian ấy.

Ở phòng kế tiếp, sau một chiếc bàn lớn đã có ba người ngồi chờ sẵn. Họ đều mặc lễ phục, nhưng những bộ lễ phục của họ đều nhàu nát, cáu bẩn như thể may bằng thứ vải sợi cũ kỹ. Ba bộ mặt nhất loại quay về phía tôi, và tôi lập tức nhận thấy trong cả ba cặp mắt cùng ánh lên một vẻ tham lam, trâng tráo và ngạc nhiên: Vẫn dám đến cơ à?

Đó là ngài chánh án, ngài chưởng lý và ngài trạng sư – một đại diện của đám “thày cãi” quen thói bòn mót thân chủ đến xu cuối cùng rồi bán đứng luôn cả người  ta.

- Pan Bêlôrétxki, - viên chánh án cất cái giọng lè nhè: - à... chúng tôi... à... dâng chờ ngà-ài. À... rất... rất lấy làm à... hân ha-ạnh... Chúng tôi à... rất tôn trọng người kinh đô à... hào hoa..., - lão không mời tôi ngồi, mà vội cụp mắt xuống tờ giấy gì đó. – Chắc hẳn, ngài đã biết là ngài à... đã có một hành vi kiểu như à... phạm pháp khi ngài à... đánh viên cảnh sát khu vực chỉ vì một lời nói đùa không có a... ác ý, à... có phải không ạ? Hành vi đó à... thuộc loại bị trừng phạt theo luật hình sự, bởi vì nó chống lại phong tục địa phương, đây cũng như à... các bộ luật của đế chế Nga hoàng.

Nói xong, lão dương mắt nhìn tôi qua cặp mục kỉnh vẻ rất kiêu hãnh. Kẻ hậu sinh ấy của Sêmiaka có vẻ đắc ý, vô cùng đắc ý là đang nằm quyền sinh quyền sát ở huyện nhà.

Tôi lập tức hiểu ra rằng mình sẽ đi đứt nếu không mau mau nắm lấy ót lão. Bởi vậy tôi kéo ghế, ngồi vắt vẻo, đoạn nói:

- Hình như ở lãnh địa Janốpxki đây người ta quên sạch phép lịch sự rồi. Tôi đành tự ngồi xuống vậy.

Viên chưởng lý, một anh chàng trẻ tuổi mà mắt đã thâm quầng – dấu hiệu của những kẻ mắc chứng bệnh không tiện nói ra, cất giọng khô khan:

- Ngài không nên nhắc đến phép lịch sự mới phải. Ngài vừa xuất hiện ở đây đã náo động cuộc sống thanh bình của dân lành bản địa. Nào gây gổ, đánh lộn, nào định đấu súng đến hạ sát kỳ được đối thủ ngay trong vũ hội tại lâu đài của nữ chủ nhân Janốpxkaia tôn kính. Thậm chí tự cho mình được quyền hành hung viên chức cảnh sát đang thực thi nhiệm vụ. Là một khách lạ, ngài tự tiện can thiệp vào nếp sống bản địa...

Đâu đó tận đáy lồng ngực tôi, máu điên khùng bắt đầu sôi lên:

- Ngồi ăn trong nhà người ta rồi mở miệng phun ra những lời cợt nhả tục tĩu thì trừng trị bằng roi quất vào mặt còn chưa đủ đâu, phải cho phát đạn vào đầu mới xứng. Hắn lăng mạ danh dự của những người hoàn toàn chịu bất lực, không thể trả miếng hắn. Tòa án lẽ ra phải quan tâm những vụ như vậy, phải đấu tranh bảo vệ công lý. Ngài vừa nhắc đến dân lành. Vậy cớ sao các ngài không hề lưu ý việc có những tên tội phạm dấu mặt đang giết hại đám dân lành ấy... Địa phương các ngài đang bị một bọn bất lương khủng bố vậy mà các ngài vẫn bình chân như vại với đống công văn đến, công văn đi... Thất đáng nhục!

- Việc à... hạ sát à... tội phạm quốc gia à... sliăctich tiểu thị dân Xvetila-atich, tòa sẽ không thảo luận với ngài, - viên chánh án lại ê a. – Tòa án à... đế chế Nga hoàng à... không hề à... chối từ ba-anh vực một ai, kể cả những kẻ à... pha-ạm tội. Tuy nhiên à... câu chuyện hôm nay không phải về à... va-ấn đề đó. Ngài tất à pha-ải biết vì tội à ha-ành hung viên chức ca-ảnh sát chúng tôi có thể à.. tô-ống giam ngài đến hai tuần hoặc à... pha-ạt tiền, sau đó à... trục xuất ra khỏi lãnh địa Janốpxki. Lão tỏ ra rất tự tin.

Tôi bắt đầu điên tiết.

- Các ngài có thể dùng vũ lực để làm điều đó. Nhưng tôi sẽ kiện các ngài lên tỉnh. Các ngài dung túng một bọn sát nhân, viên chức cảnh sát của các ngài đã bôi nhọ luật pháp Đế chế khi tuyên bố rằng các ngài không có ý định điều tra vụ hạ sát sliăctich Xvetilôvich.

- Thế à... nha-ân chứng cho à câu chuyện đó, ngài Bêlaarétxki to-ôn kính có không? Nha-ân chứng đâu? Đâu?

Viên trạng sư – đại diện xứng đáng cho nhân tố hòa  giải trong tòa án Đế chế Nga hoàng, nội nở một nụ cười tươi rói:

- Dạ, quả là pan Bêlôrétxki không có nhân chứng. Với lại, điều ngài vừa nói thậm vô lý ạ: một viên chức cảnh sát không thể nói như vậy. Có lẽ pan Bêlôrétxki tự tưởng tượng ra đấy thôi, nên ngài tìm đâu ra nhân chứng kia chứ.

Y móc trong cái hộp nhỏ miếng mứt, bỏ vào mồm chóp chép nhai, đoạn nói thêm:

- Chúng tôi cũng là những người quý tộc nên rất cảm thông tình cảnh của pan Bêlôrétxki. Chúng tôi quả không muốn làm ngài phiền lòng. Quý hồ ngài lặng lẽ và êm thấm đi khỏi nơi đây. Như vậy, rồi mọi sự sẽ đâu hoàn đất, chúng tôi sẽ ỉm vụ này đi. Thế nào, “gút” chứ?

Thực ra, đối với tôi đó là lối thoát hợp lý nhất, nhưng tôi chợt nhớ đến Nađêia Janốpxkaia.

“Rồi đây nàng sẽ ra sao? Rất có thể kết cục đối với nàng sẽ là chết hay mất trí. Chỉ cần tôi rời khỏi đây là lập tức bất kỳ đứa vô lại nào cũng có thể bắt nạt cô bé dại dột ấy”.

Tôi lại ngồi xuống ghế, mím chặt môi và giấu tay vào giữa hai đầu gối, không muốn những ngón tay run run để lộ sự xúc động của tôi. Im lặng giây lát, tôi nói:

- Tôi sẽ không đi khỏi đây chừng nào các ngài chưa tóm hết bọn tội phạm trá hình ma quỷ. Sau đó, tôi sẵn sàng vĩnh viễn biến khỏi địa phương này.

Viên chánh án thở dài:

- Theo tôi thì ngài à... sẽ buộc phải rời khỏi à... nơi đa-ay sớm hơn là cái việc à... tóm cổ bọn tội phạm à... ho... hoan...

- Hoang đường, - viên trạng sư vội nhắc.

- Phải – phải, bọn tội phạm hoang đường ấy. Và nhất định sẽ như vậy, bất chấp à... ý muốn của ngài.

Máu nóng dồn lên cả mặt tôi. Tôi cảm cảm thấy rất rõ mình đã lâm vào thế hiểm nghèo, họ muốn làm gì tôi cũng được, nhưng vẫn đánh liều, đặt hết hy vọng vào lá chủ bài cuối cùng bởi vì tôi phải đấu tranh cho hạnh phúc của người con gái mà tôi yêu quý hơn hết thảy trên đời.

Dồn hết nghị lực, tôi kìm cho những ngón tay khỏi run, rút trong ví ra một tờ giấy to, dí sát tận mũi họ. Nhưng giọng tôi lại đứt quãng vì giận dữ:

- Các vị có lẽ vội quên rằng tôi là người của Viện hàn lâm, là thành viên của Hội địa lý Hoàng gia. Tôi xin hứa danh dự với các vị là sau khi được trả lại tự do, tôi sẽ khiếu nại lên hoàng thượng, sẽ đập nát như cám cái ổ hôi hám của các vị. Tôi cho rằng hoàng thượng sẽ không dung tha ba tên vô lại rắp tâm đẩy tôi đi khỏi đây hòng xoay xở trót lọt những việc ám muội của mình.

Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi cậy đến tên tuổi của người mà tôi lấy làm xấu hổ phải gọi là đồng bào. Tôi luôn luôn cố quên đi rằng tổ tiên của triều đại Rômanốp vốn xuất thân ở Bêlôruxia.

Ba cái tên ngu độn kia đâu có biết rằng đến một nửa số thành viên Hội địa lý chỉ cầu mong sao cho khỏi hội phải mang danh Hoàng gia!

Tôi gần như quát lên:

- Hoàng thượng sẽ bênh vực! Sẽ che chở!

Tôi có cảm giác là họ hơi dao động. Viên chánh án lại vươn dài cổ ra, thì thào:

- Hoàng thượng liệu có à... ha-ài lòng không khi được biết rằng thành viên của một hiệp hội đáng kính như vậy lại à... đa-àn đúm với những tội phạm quốc gia? Sẽ có nhiều vị điền chủ bản địa à... khiếu nại với ho-àng thượng như vậy đó.

Họ như một bầy chó săn quây chặt tôi tứ phía. Tôi sửa lại tư thế ngồi cho thoải mái, gác chân, khoanh tay và bĩnh tĩnh nói (tôi rất chi là bình tĩnh, bình tĩnh đến mức chỉ chực đâm đầu xuống sông):

- Hẳn chư vị quên mất bà con nông dân bản địa? Có thể nói hiện thời họ đang còn là những người bảo hoàng chân thành. Nhưng tôi xin hứa danh dự với các vị rằng nếu bị đuổi khỏi nơi đây thì tôi sẽ đến với họ đấy.

Chư vị quan tòa tái mặt đi.

- Tuy nhiên, tôi cho rằng chưa đến nỗi phải đi nước ấy. Đây, có giấy của quan tổng đốc đây: chính ngài đề nghị các cấp chính quyền địa phương phải hết lòng trợ giúp tôi. Chư vị thừa biết: không chấp hành những lệnh như vậy thì sẽ bị trừng phạt ra sao.

Sét đánh ngang tai cũng sẽ không khiến đám quan chức ấy kinh hoàng bằng tờ giấy bình thường nọ với nét chữ ký quen thuộc ở cuối trang. Tôi lập tức trở nên giống một vị tướng dẹp loạn oai phong lẫm liệt. Cảm thấy tình thế của mình đang được cải thiện, tôi dằn từng tiếng:

- Các vị làm sao vậy? Muốn bay mất chức phải không? Tôi sẽ cho các vị được mãn nguyện ngay! Hơn thế nữa, vì tội dung túng những hành vi man rợ của một bọn ác ôn, các vị sẽ ra vành móng ngựa!

Mắt viên chánh án bắt đầu láo liên.

“Được lắm, - tôi quyết ý, - một liều ba bẩy cũng liều”.

Tôi đưa mắt ra hiểu đuổi những người khác ra khỏi phòng. Họ vội vã đứng dậy rời đi ngay. Trong khóe mắt viên chánh án tôi nhận rõ nỗi sợ hãi của một con chồn hôi bị săn đuổi dồn đến đường cùng. Đồng thời cặp mắt ấy cũng ánh lên một vẻ tức tối ngấm ngầm. Bất giác, tôi sinh nghi: nhất định hắn có liên quan đến cái đội săn bí ẩn, hắn chỉ  thoát thân trong trường hợp tôi bị hạ thủ, do đó, từ giờ đội săn sẽ bắt đầu tìm diệt tôi bằng được bởi vì đây là vấn đề sống còn của chúng, và rất có thể ngay hôm nay thôi, tôi sẽ được lĩnh nhận một phát đạn vào lưng. Một nỗi tức giận điên cuồng, một lòng căm thù sôi sục làm tôi ngạt thở. Giây phút ấy tôi mới hiểu ra tại sao tổ tiên dòng họ tôi bị người đời mệnh danh là “điên” và lưu truyền rằng thậm chí đã tử thương rồi, các cụ vẫn xông vào giáp chiến.

Tôi tiến lên một bước, chộp cổ áo thằng người còm nhom lôi ra khỏi bàn, nhấc bổng lên và lắc mạnh.

- Đứa nào?! – tôi gầm lên. Tôi tự cảm thấy tôi đang trở nên hung tợn.

Thật kỳ lạ, câu hỏi vắn tắt ấy của tôi, hắn hiểu đúng ngay. Tôi lại càng sửng sốt khi hắn bỗng rối rít la lên bằng một thứ ngôn ngữ rất rành rọt:

- Ô – ôi! Tôi không biết, thưa pan, tôi quả không biết ạ. Trời ơi, tôi biết phải làm sao bây giờ? Chúng sẽ giết tôi, giết tôi mất!...

Tôi ném hắn xuống sàn, cúi xuống hỏi:

- Đứa nào?

- Tôi xin pan, tôi lạy pan, pan tha cho...

- Đứa nào?!

- Tôi không biết ạ. Ông ta gửi tôi một bức thư, trong phong bì có ba trăm rúp, và yêu cầu trục xuất ngài khỏi đây vì ngài là trở ngại lớn cho họ. Trong thư à... Chỉ có một ca-âu nói rằng ông ta rất quan tâm đến à... tiểu thư Janốpxkaia, ông ta muốn tiểu thư hoặc à... phải chết, hoặc phải à... kết hôn với ông ta. Thư còn viết là ông ta à... còn trẻ, khỏe nên nếu cần sẽ đủ sức à... ca-ắt cổ tôi ạ.

Một mùi hôi thối bỗng bốc lên nồng nặc càng khiến lão chánh án giống con chồn hôi. Nhìn bộ mặt nhem nhuốc nước mắt của quân sâu mọt ấy, tôi nghi lão còn chưa phun hết ra những điều lão biết, tuy nhiên tôi đẩy lão sang một bên, không thèm bẩn tay với cái đồ thối tha ấy. Tôi không thể hạ mình đến thế được.

- Bọn mi sẽ còn phải chịu trách nhiệm về chuyện này, - ra đến cả, tôi còn nói với lại. – Vận mạng bao nhiêu con người phụ thuộc vào một lũ vôi lại như vậy! Thật khốn khổ cho đám dân cày!

... Cưỡi ngựa men theo đường rừng, tôi cứ nghĩ miên man về mọi chuyện đã xả ra. Mọi sự có vẻ như đã sáng tỏ. Tất nhiên, kẻ chủ mưu đội săn này không phải là Đubôtôpkơ: ông ta chẳng được lợi lộc gì, ông ta có phải là người thừa kế Janốpxkaia đâu! Mụ quản gia cũng không phải. Cũng không phải là người đàn bà mất trí bất hạn dòng họ Kunsa. Tôi điểm lại tất cả, kể cả những người không thể có ý nghi ngờ được. Tôi đã trở nên quá đa nghi. Kẻ chủ mưu còn trẻ, hắn có lợi trong trường hợp Janốpxkaia chết đi hoặc kết hôn với hắn. Như vậy tức là hắn có đôi chút quyền được thừa kế. Xvetilôvich từng hé cho biết kẻ đó có mặt trong buổi vũ hội ở nhà Janốpxkaia và hắn có uy lực nhất định đối với bà Kunsa.

Chỉ có hai người phù hợp với những dữ kiện trên: Vôrôna và Bécman. Nhưng sao Vôrôna lại xử sự với tôi một cách ngu xuẩn đến thế? Vậy thì đúng hơn: đó là Bécman. Hắn biết ngọn nguồn truyền thuyết nên dễ dàng xúi bẩy một bọn côn đồ tạo ra mọi chuyện khủng khiếp nọ. Cần phải tìm hiểu xem hắn sẽ được lợi lộc gì trong trường hợp Janốpxkaia chết đi.

Nhưng còn Người Lùn và Thiếu phụ Áo xanh ở Rừng Tùng Đầm Lầy là ai vậy? Đầu tôi như muốn bung ra vì mớ ý nghĩ rối rắm ấy, trong đó luôn lởn vởn hai tiếng: “Bàn tay...” “bàn tay...”. Tại sao lại bàn tay? Đấy, tôi nghĩ ra đến nơi này... Nhưng không, lại đứt mạch mất rồi... Lòng dạ mình sao bây giờ tối tăm thế không biết... Thôi được, cần phải lùng cho ra đàn ngựa giống đrứctăng cùng toàn bộ cái trò trá hình này. Càng sớm càng hay.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: